Hiểu về bệnh tật và cái chết để sống bình an, thanh thản (Bản rút gọn)

Khi thời gian còn lại của người thân hay chính bạn chỉ tính bằng tháng, ngày; khi sức lực đã tàn và khả năng ghi nhớ là rất ít thì những điều căn dặn sau đây sẽ là cốt tử để có được những ngày tháng cuối cùng sống bình an, thanh thản.

I. CHẤP NHẬN BỆNH TẬT LÀ NHÂN QUẢ

1.1 Làm gì khi bệnh tật?

Thầy Trong Suốt: Phải đối diện thôi. Theo cách nhìn của đạo Phật thì đó là nhân quả.

Nhân quả không chỉ trong một đời mà có nhiều đời nhân quả. Nhân quả không chỉ bởi một người mà có cả họ hàng, dòng tộc. Đó là biệt nghiệp và cộng nghiệp. Biệt nghiệp là những nghiệp mình đã gây ra. Cộng nghiệp không phải do mình gây ra, nhưng một người nào đó gần gũi với mình gây ra, thì mình cũng phải chịu ảnh hưởng một phần.

Hãy hiểu về nhân quả! Khi đã hiểu thì con sẽ không thấy bất công nữa. Điều khủng hoảng nhất của người bệnh là cảm giác bất công – “Tại sao điều này lại xảy ra với tôi? Tôi là người tốt, vì sao tôi lại bị bệnh?”… Những điều cho là bất công khiến họ suy sụp tinh thần. Nếu thấy bình thường, không bất công gì thì không bị suy sụp. Muốn vậy thì phải hiểu về nhân quả.

Một người tin vào nhân quả thì sẽ không thấy bất công nữa. Bất kì chuyện gì xảy ra cũng không thấy bất công. Không bất công thì sẽ không suy sụp. Không thấy bất công thì người ta có một lối thoát. Vì thế mọi người nên hiểu đúng về nhân quả, chấp nhận nhân quả.

Bệnh tật xảy ra là do nhân quả. 

Chấp nhận nhân quả, người bệnh sẽ có một lối thoát.

1.2 Quan trọng là khi sống, mình làm được gì?

Thầy Trong Suốt: Ai rồi cũng phải chết! Mình cứ nghĩ rằng mình sẽ sống lâu, nhưng chắc gì. Nói như vậy để thấy, bị bệnh hiểm nghèo hay chết không phải là điều kinh khủng. Ai cũng có thể bị chết. Mình phải hiểu, ai cũng có thể chết, vào bất kì lúc nào. Vấn đề cần quan tâm là, mình làm được gì khi còn sống, chứ không phải khi nào mình sẽ chết.

Chúng ta phải đổi cách nghĩ đi! Quan trọng là khi sống, mình làm cái gì, chứ không phải khi nào mình chết. Thế nên, câu hỏi đúng ở đây là: “Khi sống mình làm được gì? Mình sống có ý nghĩa không? Mình học được cái gì? Mình thay đổi được điều gì?”.

Khi sống làm được gì quan trọng hơn khi nào chết. Những hiểu biết đó sẽ giúp con sẽ tiếp nhận bệnh tật theo một cách khác.

1.3 Không có ai thực sự chết

Thầy Trong Suốt: Chết cũng chỉ là một sự thay áo, chuyển từ bộ quần áo này sang bộ quần áo khác, từ thân thể này sang thân thể khác. Hiểu Phật pháp thì thấy tái sinh chỉ là thay bộ quần áo mà thôi. Chứ không ai thực sự chết cả.

Thân thể này là một cái áo. Áo này hỏng thì thay áo khác.

Nên chết chỉ là sự chuyển tiếp. Không có ai thực sự chết cả!

Hiểu điều đó thì mình sẽ thấy chết không khủng khiếp như mọi người tưởng. Chết không phải là hết. Cái chết chẳng có ý nghĩa gì to lớn. Người ta sẽ bước tiếp trong cuộc du hành của họ. Đời này tôi là một người như thế này, đời sau tôi là một người khác, mặc bộ quần áo khác, làm những việc khác. Tất cả những kiến thức ấy trong nhà Phật đều giải thích cặn kẽ.

1.4 Đối diện với bệnh tật và cái chết một cách trí tuệ

Thầy Trong Suốt: Hiểu về cái chết thì mình mới hiểu giá trị cuộc sống. Mình hiểu rằng, sống bao lâu không quan trọng, quan trọng là làm được gì cho cuộc sống. Người nghiện hút sống 70 năm không bằng người tử tế, làm nhiều việc phúc đức, mà chỉ sống có 7 năm.

“Mình muốn sống lâu hay muốn sống thế nào?”.

Khi nào mình nhận thấy: “Nếu ngày mai tôi chết, tôi chẳng còn ân hận gì” – thì có nghĩa là mình đã biết cách sống. Ai mà nghĩ: “Nếu ngày mai tôi chết, tôi có đầy tiếc nuối, đầy điều ân hận” – thì chứng tỏ người đó chưa biết sống.

Cho nên sống thế nào quan trọng hơn khi nào chết. Hãy tập cách sống có ích!

II. HIỂU VỀ CÁI CHẾT GIÚP CHÍNH MÌNH VÀ NGƯỜI THÂN CÓ TÁI SINH TỐT ĐẸP

2.1 Khi chết, điểm cốt yếu là BÌNH TĨNH

Thầy Trong Suốt: Đầu tiên mình phải hiểu rằng chết không phải là hết, chết chỉ là một sự thay đổi thôi, mình sẽ tiếp tục đi tiếp, sang những kiếp khác. Nếu không chuẩn bị tốt thì quá trình đấy sẽ đi kèm với rất nhiều sự bất an và thường dẫn đến một tái sinh xấu, có thể biến thành ma quỷ, có thể biến thành con thú, và rất dễ gặp chuyện không hay.

Vì thế nên chuẩn bị để làm thế nào có một cái chết bình an và đúng cách, thì sẽ có những tái sinh tốt và không bị rơi vào những cõi thấp.

Điểm cốt yếu trong quá trình ấy là Sự bình tĩnh.

Việc chuẩn bị cho cái chết là điều cực kỳ quan trọng đối với người sống. Cực kỳ quan trọng!

Khi chết rồi mình sẽ gặp rất nhiều cảnh khác nhau, mà ở đấy nếu không có sự bình tĩnh thì mình sẽ phản ứng một cách tiêu cực, dẫn đến hậu quả tiêu cực.

2.2 Những điều quan trọng cần NHỚ

Thầy Trong SuốtĐầu tiên, phải nhớ rằng Cận tử nghiệp – những điều xảy ra lúc con người gần chết – ảnh hưởng rất mạnh đến chặng đường tiếp theo của người đấy. Khi một người mất đi, lúc hơi thở vừa ngừng lại thì thần thức chưa ra khỏi thân xác. Đấy là điểm đầu tiên và rất quan trọng phải nhớ.

Thứ hai, một người vừa chết xong mà mình động vào cơ thể họ quá sớm thì thần thức họ sẽ bị rối loạn. Đó là điều cần nhớ thứ hai, rất quan trọng!

Vậy nếu mình động vào người họ thì phải động chỗ nào? – Từ ngực trở lên. Vì khi động vào phần cơ thể bên dưới, tâm thức họ sẽ bị kéo xuống và tái sinh những cõi thấp. Nếu có dịch chuyển thì chỉ chạm vào đầu, vai, từ trung tâm ngực trở lên thôi, không động vào bên dưới. Tốt nhất là không động vào. Đặc biệt là tránh động vào gan bàn chân.

Thứ ba, sau khi thần thức người chết ra khỏi thân, thì tâm thức của họ trở nên cực kỳ nhạy cảm, gấp 9 lần khi đang sống.

Nên những người nào vào để đau thương, khóc than thì lập tức gây rối loạn cho tâm thức của người mất. Chỗ bàn thờ tránh để mọi người khóc lóc ầm ĩ. Tránh tất cả các thể loại khóc than và đặc biệt là những lời như: “Sao bà nỡ bỏ cháu mà đi”. Những lời hơi mang tính khiến người chết trở nên nuối tiếc là cực kỳ tránh.

Trong 49 ngày đầu tiên hạn chế chia tài sản, thay đổi đồ của người đã mất, cho những đồ của người đã mất cho người khác v.v… Giữ môi trường xung quanh người mất yên bình nhất có thể. Đặc biệt không nên khóc lóc, kêu than, theo kiểu làm cho người ta nuối tiếc hoặc nói những lời làm họ nuối tiếc kiểu: “Sao vợ đẹp con khôn lại bỏ mà đi” hay “Con đàn cháu đống lại bỏ mà đi” v.v… Phải tránh tất cả những lời như vậy và dặn những người thân tránh những lời như vậy.

Thứ tư cần nhớ, rất nhiều trường hợp người mất không biết rằng mình đã mất. Chỉ cần có một người nhắc là họ sẽ biết. Nên nhắc họ là: “Bà hay ông đã mất rồi”, thì họ sẽ nghe những lời ấy và sẽ hiểu, nhận ra mình đã chết.

2.3 Những lời khuyên trong 49 ngày 

Thầy Trong Suốt: Người mất cần được khuyên là cuộc đời cũ của họ đã kết thúc và họ đừng vương vấn nữa. Nên nói nhiều lần:“Ông bà không cần ở lại nữa, ông bà cần tìm một nơi siêu thoát, cần một chỗ tái sinh tốt đẹp, chứ không ở lại đây để xem con cháu”. Hay là: “Ông bà cứ yên tâm mà ra đi, con cháu sẽ tự lo được”.

Tránh tất cả những lời nói là: “Ông bà ơi hãy ở lại, phù hộ cho chúng cháu”Không được khấn như vậy.

Nên khấn là: “Bà (hay ông) đã mất rồi. Bà (ông) hãy tìm chỗ để siêu thoát và cháu cầu mong ông bà siêu thoát” – Đó là lời khuyên thứ hai.

Tiếp đó, để giúp người mất yên lòng, hãy khuyên họ: “Nếu có cảnh nào hiện ra thì đó chỉ là tâm thức thôi, đừng có sợ hãi”.

Thứ tư, lời khuyên tốt nhất cho người mất là khuyên họ hãy hướng về Phật để tìm một con đường siêu thoát. “Bây giờ tất cả mọi thứ đã biến mất, đời cũ đã qua rồi, ông bà đừng có luyến tiếc, đừng có giận hờn gì hết mà việc duy nhất ông bà cần làm là hướng đến Phật cầu nguyện để có một tái sinh tốt đẹp.”

Mình nên nhắc đi nhắc lại việc duy nhất cần làm không phải là về thăm con cháu, ở lại để xem nó lớn lên hay không, không phải đi trả thù v.v… mà cầu nguyện để hướng về một tái sinh tốt đẹp.

Nếu cái chết xảy đến với mình thì hãy nhớ: Điều duy nhất cần làm là cầu nguyện. Có thể cầu Đức Quan Âm Bồ Tát, Đức Phật A Di Đà để có một tái sinh tốt đẹp. Cầu nguyện nhất tâm như vậy thì ngay lập tức sẽ linh ứng trong giai đoạn trung gian ấy. Trong vòng 49 ngày, tốt nhất là mỗi ngày chúng ta nói chuyện như vậy với người chết một lần.

1. Hãy khuyên người mất là cuộc đời cũ của họ đã kết thúc và họ đừng vương vấn nữa. Nói nhiều lần để tâm thức nhạy cảmdễ xáo động của người mất ghi nhận được.

2. Khấn – nói với người mất hãy tìm chỗ siêu thoát và cầu nguyện cho họ được siêu thoát.

3. Khuyên người mất rằng:Nếu có cảnh xấu nào hiện ra thì đó chỉ là tâm thức tưởng tượng thôi, đừng sợ hãi. Khuyên họ cầu nguyện đến Phật bảo vệ che chở thì sẽ thoát được hết.

4. Nhắc đi nhắc lại với người mất việc duy nhất cần làm không phải là về thăm con cháu, xem chúng lớn lên thế nào mà nhất tâm hướng Phật, cầu nguyện để siêu thoát và có tái sinh tốt đẹp.

5. Khi nói chuyện với người mất, hãy tưởng tượng ra ánh sáng rực rỡ, an bình, khung cảnh cõi Phật, vừa niệm chú vừa tưởng tượng…thì người mất sẽ cảm nhận được. 

III. ĐÓN NHẬN CÁI CHẾT NHƯ THẾ NÀO?

Với người mắc bệnh nan y hay ung thư và biết mình sắp mất, việc đón nhận, chuẩn bị cho cái chết là vô cùng quan trọng. Hiểu và học cách đón nhận sẽ giúp mình có được tái sinh tốt đẹp.

3.1 Nhất tâm hướng Phật

Thầy Trong Suốt: Thân con là đi mượn, vay mượn bố mẹ, vay mượn môi trường, đất, nước, gió, lửa… Đã vay mượn thì kiểu gì cũng phải trả.

Con hãy nhất tâm hướng về Phật, nhắm mắt lại tưởng tượng Phật A Di Đà hay Quan Âm Bồ Tát (hoặc đơn giản là tưởng tượng ánh sáng màu trắng) trên đỉnh đầu. Niệm Phật hoặc niệm chú.

Con cần hiểu quá trình chết để không hoảng sợ. Thân thể con có 4 yếu tố: Đất, nước, gió, lửa. Trong quá trình con qua đời, thì các yếu tố này tan biến dần đi.

Khi đất tan ra thì con thấy người bị rã ra, bị đè xuống, sụp xuống. Lúc đấy con có thể có ảo giác rằng ai đó đang kéo con xuống.

Sau đó con sẽ thấy khô, khô miệng, khô mắt, đó là lúc yếu tố nước đang tan ra.

Khi yếu tố gió tan ra, con sẽ cảm thấy rất khó thở.

Khi yếu tố lửa tan ra, con sẽ thấy rất lạnh đi.

Người lạnh dần, khô dần, sụp dần. Quá trình chết sẽ diễn ra như vậy.

Nếu không biết về điều này sẽ lập tức sinh hoang mang, lo sợ. Nhưng vì con biết rồi, nên con tự trấn an bản thân rằng: “Tôi đang chết, không có gì phải lo sợ. Tất cả những điều này là một biểu hiện bình thường của quá trình chết.”. Bình thường thì không có gì mà hoang mang, mình chỉ hoang mang khi chuyện là bất thường thôi, đúng không? Tất cả quá trình tan rã này là chuyện bình thường thôi, nên việc của mình không phải là sợ mà là nhớ tới Phật, niệm Phật hoặc niệm chú.

Việc con tập được lúc đấy rất quan trọng vì sự hoang mang sẽ đưa con đi xuống chỗ xấu hơn, mà trong khi sự an tâm sẽ dẫn con đi tới chỗ tốt hơn.

Con niệm “A Di Đà Phật” hay “Om Mani Pê mê Hung” đều được. Vừa niệm vừa tưởng tượng Phật hoặc ánh sáng màu trắng đang ở trên đỉnh đầu mình.

Vừa niệm Phật vừa tưởng tượng Phật hoặc ánh sáng màu trắng đang ở trên đỉnh đầu mình.

3.2 Nỗi sợ sẽ tan đi

Chết là một quá trình bình thường. Việc của mình là khi dấu hiệu chết đến, thay vì sợ, lo, hoang mang, thì nghĩ ngay đến Phật và niệm Phật. Mọi người làm gì, chạy xung quanh, hô hấp cho mình, đánh gió cho mình thì không cần quan tâm. Việc của mình là nghĩ đến Phật và niệm Phật.

Con nên dặn gia đình trước để không ai động chạm vào thân thể con. Nhưng giả sử có ai chạm vào thì con cũng không cần để ý. Con hãy một lòng hướng đến Phật, niệm Phật và tưởng tượng Phật hoặc ánh sáng màu trắng trên đỉnh đầu của mình.

Mình ra đi, không bám chấp vào thân thể này nữa, ai làm gì cũng không để ý, quan trọng là tâm mình lúc nào cũng hướng đến Phật, tưởng tượng Phật hoặc ánh sáng màu trắng trên đỉnh đầu, niệm Phật thì Phật sẽ đến đón mình.

Chết là một quá trình bình thường, không có gì phải sợ” – nhấn mạnh là không có gì phải sợ. Khi con nhắc đi nhắc lại cho bản thân rằng “không có gì để sợ” thì nỗi sợ sẽ tan đi.

Chỉ tập trung niệm Phật và tưởng tượng Phật hoặc ánh sáng màu trắng trên đỉnh đầu mình. 

3.3 Cái chết đẹp nhất

Thầy Trong Suốt: Thật sự là không có gì để sợ cả, vì chết là tự nhiên, sao phải sợ? Đây là quy luật tự nhiên, giống như đồ dùng lâu ngày sẽ hỏng, tại sao lại sợ? Không quá sợ thì tâm mình mới có thể hướng đến, niệm Phật, cảm thấy có niềm tin vào Phật, vào sức mạnh và sự hiện diện của Phật – Đó là điều con cần làm.

Một là không sợ.

Hai là không quan tâm đến cái thân thể này và hoàn cảnh xung quanh nó. Tối nay, khi con tưởng tượng Đức Phật (hoặc ánh sáng màu trắng) trên đỉnh đầu, thì lúc đó con hãy đọc lời sám hối. Sau khi sám hối xong, con hãy tưởng tượng nghiệp xấu sẽ chậm nở ra để con có cơ hội tu hành thành Bồ tát, sau quay lại cứu những con vật con từng hại.

Con nên sám hối đi, tốt nhất là chết trong trạng thái không hối tiếc bất cứ điều gì; không lưu luyến gia đình, họ hàng, bạn bè; không day dứt vì những điều xấu mình đã làm. Con có thể phát tâm tích cực là con sẽ không làm điều đó một lần nữa, con sẽ tu hành và quay lại cứu họ. Điều này tốt, vì như vậy con sẽ không day dứt, không lưu luyến cha mẹ hay các chúng sinh khác.

Không bi lụy, không lưu luyến, không sợ hãi gì – Đó là cái chết đẹp nhất.

Không sợ, chết là chuyện đương nhiên, biểu hiện của chết là bình thường.

Không hối tiếc, vì những điều xấu mình từng làm, mình đã sám hối rồi. Mình sẽ phải quay lại giúp họ theo kiểu khác.

Không bám chấp, vì mình hiểu ở lại nghĩa là mình dính vào họ, mình cũng bị hại và họ cũng bị hại. Bám chấp là khi chết xong mình không siêu thoát mà ở lại xem mọi người sống thế nào, thương quá nên cứ quanh quẩn ở lại… Thế gọi là bám chấp, rồi sẽ trở thành ma.

Con nên vui vì con được giải thoát khỏi những đau khổ bệnh tật. Thân thể này là một ổ bệnh. Tất cả mọi người ở đây đều là ổ bệnh hết. Họ chỉ ra đi sau con thôi, chứ bệnh tật đang phát triển trong mỗi người.

Tôi sẽ chết một cách không sợ hãi, không nuối tiếc, không bám chấp.

Một lòng hướng Phật.

 

IV. “TẬP CHẾT” NHƯ THẾ NÀO?

4.1 Quán tưởng Đức Phật (hoặc ánh sáng màu trắng) trên đỉnh đầu

Mục đích là để tâm có một chỗ trụ vào, nhờ đó tâm sẽ không chạy vào chỗ của nuối tiếc, sợ hãi.

4.2 Sám hối (3 lần)

Tưởng tượng Phật hoặc ánh sáng màu trắng rực rỡ trên đỉnh đầu và sám hối những lời sau:“Con xin sám hối tất cả các nghiệp xấu con đã gây ra bằng thân, khẩu, ý của mình. Con xin lỗi tất cả những người con đã vô tình hay cố ý gây ra điều xấu cho họ trong cuộc đời này và các đời trước. Con quyết tâm tu hành Giác ngộ để giúp mình và họ mãi mãi thoát khỏi mọi đau khổ của luân hồi”.

4.3 Niệm PHẬT

Niệm A Di Đà Phật hoặc Om Mami Pê mê Hung đều được.Vừa niệm, vừa tưởng tượng Đức Phật (hoặc ánh sáng màu trắng) trên đỉnh đầu.

4.4 Lời dặn của Thầy

a. Nhớ các điều tốt đã làm

Nếu tâm bị chùng xuống thì hãy nhớ các điều tốt đã làm để tâm sáng lên, không rơi vào trạng thái hoang mang.

b. Tưởng tượng Phật (hoặc ánh sáng màu trắng) trên đỉnh đầu và niệm Phật

Dù có bất kì chuyện gì xảy ra, ai đó kéo chân kéo tay mình, khóc lóc hay làm bất kể điều gì, luôn phải nhớ niệm Phật và tưởng tượng Phật (hoặc ánh sáng màu trắng) trên đỉnh đầu, tâm hướng về phía đỉnh đầu để không xuống cõi thấp.

c. Tự nhủ một cách chắc chắn

Tôi sẽ chết một cách không sợ hãi, không bám chấp, không hối tiếc, một lòng hướng Phật. Quan trọng là tâm mình lúc nào cũng hướng đến Phật thì Phật sẽ đến đón mình, hoặc nếu không cũng đến một chỗ tái sinh tốt đẹp.

🌼 Bạn có thể đọc bản đầy đủ tại link sau: Tại đây.