Hiểu về bệnh tật và cái chết để sống bình an, thanh thản (Bản đầy đủ)

Đứng trước chứng bệnh nan y, con người thường nảy sinh nhiều lo sợ. Bệnh của thân sẵn có, nay thêm bệnh của tâm khiến bệnh nhân và người thân của họ mãi loay hoay, đau khổ trong vô vọng. Chỉ cần hiểu đúng về bệnh tật và sinh tử, bạn hoàn toàn có thể sống bình an, thanh thản, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất.  

I. UNG THƯ KHÔNG PHẢI LÀ HẾT

(Con gái chị Dung – 18 tuổi, bị ung thư máu thể M3, được chẩn đoán chỉ có thể sống được 5 – 10 năm nữa. Chị đã gặp Thầy Trong Suốt tại buổi ăn sáng ở quán chay sau lễ Phóng sinh thường kỳ).

1.1 Làm gì để bệnh nhân không bị khủng hoảng, suy sụp?

Chị Dung: Hiện tại, con gái em chưa biết mình bị bệnh nặng. Cháu chỉ hơi lơ mơ thôi. Em mong dần dần con chấp nhận sự thật.

Thầy Trong Suốt: Phải đối diện thôi. Mình nên nói về đạo Phật cho con nghe, cho nó chấp nhận. Theo cách nhìn của đạo Phật thì đó là nhân quả.

Thứ nhất, nhân quả không chỉ trong một đời mà có nhiều đời nhân quả.

Thứ hai, nhân quả không chỉ bởi một người mà có cả họ hàng, dòng tộc. Đó là biệt nghiệp và cộng nghiệp. Biệt nghiệp là những nghiệp mình đã gây ra. Cộng nghiệp không phải do mình gây ra, nhưng một người nào đó gần gũi với mình gây ra, thì mình cũng phải chịu ảnh hưởng một phần.

Hãy giúp con hiểu về nhân quả! Khi đã hiểu thì con sẽ không thấy bất công nữa. Điều khủng hoảng nhất của người bệnh ung thư là cảm giác bất công: “Tại sao điều này lại xảy ra với tôi? Tôi là người tốt, vì sao tôi lại bị bệnh?”… Những điều mà họ cho là bất công khiến họ suy sụp tinh thần.

Nếu người ta thấy bình thường, không bất công gì thì họ không bị suy sụp. Muốn vậy thì họ phải hiểu về nhân quả. Hãy dành thời gian giúp con hiểu nhân quả, nhờ thế con sẽ tiếp nhận chuyện này dễ dàng hơn.

Một người tin vào nhân quả thì sẽ không thấy bất công nữa. Bất kì chuyện gì xảy ra cũng không thấy bất công. Không bất công thì sẽ không suy sụp. Không thấy bất công thì người ta có một lối thoát. Vì thế mọi người nên hiểu đúng về nhân quả, chấp nhận nhân quả. Đầu tiên là thế.

1.2 Quan trọng là khi sống, bạn làm được gì?

Thầy Trong Suốt: Ai rồi cũng phải chết! Có gì đảm bảo con gái em sẽ chết trước các anh các chị ngồi đây không? Ví dụ ngày mai, ai đó trong số những bạn này đi ra đường, bị ô tô đâm, họ có thể chết trước cả bố mẹ mình, đúng chưa? Mình cứ nghĩ rằng mình sẽ sống lâu, nhưng chắc gì mình đã sống lâu hơn đứa con bị bệnh đó, có khi mình còn chết trước nó. Nhiều gia đình có con bị bệnh mà bố mẹ còn chết trước.

Nói như vậy để thấy, bị bệnh hiểm nghèo hay chết không phải là điều kinh khủng. Ai cũng có thể bị chết. Mình phải hiểu, ai cũng có thể chết, vào bất kì lúc nào. Vấn đề cần quan tâm là, mình làm được gì khi còn sống, chứ không phải khi nào mình sẽ chết.

Chúng ta phải đổi cách nghĩ đi! Hãy làm cho con hiểu điều đó. Nói với con: “Quan trọng là khi sống, con làm cái gì, chứ không phải khi nào con chết”. Có gì đảm bảo con sẽ chết sớm hơn hay chết sau bố mẹ đâu? Thế nên, câu hỏi đúng ở đây là: “Khi sống con làm được gì? Con sống có ý nghĩa không? Con học được cái gì? Con thay đổi được điều gì?”.

Khi sống làm được gì quan trọng hơn khi nào chết. Từ giờ đến lúc đấy, nếu có thời gian thì em hãy chuẩn bị cho con những hiểu biết đó. Con sẽ tiếp nhận bệnh tật theo một cách khác.

1.3 Không có ai thực sự chết

Thầy Trong Suốt: Bác sĩ nói khả năng điều trị bệnh concủa con như thế nào?

Chị Dung: Bác sĩ nói, nếu cháu vượt qua được tháng điều trị đầu tiên thì sẽ có 4 đợt điều trị tiếp sau đó. Và khả năng tốt nhất là kéo dài được từ 5 đến 10 năm.

Thầy Trong Suốt: Được, 5 đến 10 năm là làm được rất nhiều điều. Nếu một người được sống 5 đến 10 năm nữa, thì điều ý nghĩa nhất mà họ cần làm là gì?

Các bạn: Tu hành.

Thầy Trong Suốt: Khi đã tu hành, thì đầu tiên, tái sinh của mình sẽ khá hơn. Thứ hai, mình sẽ sống bình an hơn, chết thanh thản hơn. Tối thiểu là thế, chưa nói gì cao siêu như giác ngộ, v.v… Tối thiểu thế đã là khá rồi.

Mình muốn con bớt lo, thì trước hết, mình phải bớt lo. Mình không thể đầy lo lắng, song lại nói: “Con ơi, đừng lo!”. Vì thế anh chị cũng phải tập. Mình nghĩ được như vậy thì mới truyền sang con được. Chứ mình còn nghĩ: “Chết khủng khiếp lắm!”, thì con mình cũng sẽ nghĩ chết là khủng khiếp.

Chết cũng chỉ là một sự thay áo, chuyển từ bộ quần áo này sang bộ quần áo khác. Hiểu Phật pháp thì thấy tái sinh chỉ là thay bộ quần áo mà thôi.

Đời này mình là cô gái, đời sau mình là chàng trai. Thay bộ quần áo khác, bộ quần áo cũ hỏng rồi. Quần áo là thân thể. Cái thân thể này cũ hỏng rồi thì phải thay bằng thân thể khác. Có người sở hữu cái áo bền hơn người khác, tức là sống lâu hơn đấy. Thân thể mình là cái áo, khi áo hỏng thì phải thay cái áo khác. Áo cũ này không che được nắng, không che được mưa nữa.

Nên chết cũng chỉ là một sự chuyển tiếp từ vai diễn này sang vai diễn khác, từ bộ quần áo này sang bộ quần áo khác, từ thân thể này sang thân thể khác. Chứ không ai thực sự chết cả.

Hiểu điều đó thì mình sẽ thấy, chết không khủng khiếp như mọi người tưởng. Chết không phải là hết. Cái chết chẳng có ý nghĩa gì. Người ta sẽ bước tiếp trong cuộc du hành của họ. Đời này tôi là một cô gái 18 tuổi, đời sau tôi là một chàng chiến binh, mặc bộ quần áo khác, làm những việc khác. Tất cả những kiến thức ấy trong nhà Phật đều giải thích cặn kẽ. Anh chị nên hiểu để thấy cái chết không hề kinh khủng như mình tưởng.

1.4 Đối diện với bệnh tật, ung thư một cách trí tuệ

Thầy Trong Suốt: Hiểu về cái chết thì mình mới hiểu giá trị cuộc sống. Mình hiểu rằng, sống bao lâu không quan trọng, quan trọng là làm được gì cho cuộc sống. Người nghiện hút sống 70 năm không bằng người tử tế làm nhiều việc phúc đức mà chỉ sống có 7 năm.

Mình phải ngấm những điều ấy thì mới làm cho con mình ngấm được. Phải hiểu rõ thì mới nói cho con được. Bố mẹ ảnh hưởng tới con cái qua cách suy nghĩ của chính mình. Con thấy bố mẹ lạc quan, không buồn bã; bố mẹ không sợ chết; bố mẹ quan tâm việc sống thế nào hơn là lo lắng khi nào chết… thì dần dần con mình cũng sẽ nghĩ như vậy.

Người Việt Nam thích sống lâu. Sống thế nào mới quan trọng chứ không phải sống dài hay ngắn. Vậy mà ít người quan tâm đến điều ấy lắm. Câu chuyện hôm nay về một bạn trẻ bị ung thư máu sẽ giúp mọi người suy nghĩ và tự trả lời câu hỏi: “Mình muốn sống lâu hay muốn sống thế nào?”.

Khi nào mình nhận thấy: “Nếu ngày mai tôi chết, tôi chẳng còn ân hận gì” – thì có nghĩa là mình đã biết cách sống. Ai mà nghĩ: “Nếu ngày mai tôi chết, tôi có đầy tiếc nuối, đầy điều ân hận” – thì chứng tỏ người đó chưa biết sống. Phải tập cách sống sao cho có ích.

Điều đáng tiếc duy nhất là mình chưa giác ngộ được, còn tất cả việc đời thì chẳng có gì đáng tiếc cả. Cô bé ấy mà biết cách sống thì còn hơn những người sống lâu đến 70 tuổi xong lại có một cuộc đời vô nghĩa. Hãy dạy con cách sống tốt, sống có ích.

Nếu bạn đó có thiên hướng theo Phật pháp, có những người tu hành mà khỏi bệnh đấy. Cuộc đời kì diệu lắm! Có những người bệnh nan y, nhờ tu luyện mà khỏi bệnh. Không ít trường hợp như vậy đâu!

Lúc đầu thì cần chống chọi với bệnh tật đã, nhưng sau đó thì cần thay đổi tinh thần. Chuyện đó có thể làm được!

Ở đây có ai dám đảm bảo rằng, mình không bị ung thư không?

Mọi người: Không ạ!

Thầy Trong Suốt: Có khi trong người có mầm bệnh ung thư rồi cũng nên. (Mọi người cười)

Cho nên sống thế nào quan trọng hơn khi nào chết. Đúng chưa? Đấy, hãy tập cách sống có ích! Đừng để đến lúc biết tin mình bị ung thư thì choáng váng, vì mình đã sống mấy chục năm vô nghĩa mất rồi. Quá phí! Với cuộc sống như hiện nay thì Việt Nam chắc sẽ còn nhiều người bị ung thư.

Cách sâu sắc nhất để đối diện với nỗi đau ung thư là mình không còn niềm tin “Tôi là thân thể này” nữa. Khi mất đi niềm tin “Tôi là thân thể này” thì tất cả bệnh tật sẽ trở nên vô nghĩa. Tập tốt thì sẽ đến được trình độ đấy, sẽ biết “Thân thể này không phải là tôi. Tôi không phải thân thể này”. Khi ấy, tất cả vấn đề của thân thể không còn là vấn đề với tôi nữa.

Khi ấy thì ung thư thoải mái, không sợ. Như cái áo hỏng phải thay thôi mà, chẳng vấn đề gì, tôi thay áo khác, “xoẹt” một cái là xong. Lúc ấy họ không còn bất kể vấn đề gì với bệnh tật nữa, bệnh tật chỉ xảy ra với thân thể. Vậy thì, thay áo thôi!

(Sau khi gặp thầy Trong Suốt và tham gia phóng sinh đều đặn, một thời gian sau, cũng tại một buổi ăn sáng sau Phóng sinh, chị Dung đã chia sẻ niềm vui với nhóm Phóng sinh Trong Suốt vì con gái đã ổn định trở lại và đi học được).

II. HIỂU VỀ CÁI CHẾT GIÚP CHÍNH MÌNH VÀ NGƯỜI THÂN CÓ TÁI SINH TỐT ĐẸP

2.1 Khi chết, điểm cốt yếu là BÌNH TĨNH

Thầy Trong Suốt: Đầu tiên, mình phải hiểu rằng chết không phải là hết. Chết chỉ là một sự thay đổi chứ không phải kết thúc, và mình sẽ đi tiếp sang những kiếp khác. Thời gian chuyển từ kiếp này sang kiếp khác gọi là thời gian chuyển tiếp hoặc giai đoạn trung ấm. Giai đoạn này kéo dài khoảng 49 ngày. Đó là lý do người Việt mình thường cúng giỗ 49 ngày sau khi người thân qua đời. Bởi 49 ngày đó đánh dấu người đấy bắt đầu tái sinh vào một cõi khác, một chỗ khác.

Đối với người thân trong gia đình hay với chính mình, nếu không được chuẩn bị tốt thì quá trình này sẽ rất bất an và thường dẫn đến một tái sinh xấu, có thể trở thành ma quỷ hay thành con thú, và rất dễ gặp chuyện không hay. Vì vậy, mình nên chuẩn bị cho bản thân và cho người thân để có một cái chết bình an và đúng cách. Nhờ đó, sẽ có được tái sinh tốt và không bị rơi vào những cõi thấp.

Điểm cốt yếu trong quá trình này là Sự bình tĩnh. Vì khi chết, mình sẽ gặp nhiều cảnh khác nhau, mà ở đấy nếu không có sự bình tĩnh, thì mình sẽ phản ứng một cách tiêu cực.

Ví dụ, mình sẽ gặp những người, lúc còn sống, họ thù oán mình. Họ mất rồi, nhưng lúc đấy có thể đến đòi nợ mình. Hoặc oan hồn của những con vật mình giết, lúc mình còn sống, có thể đến đòi nợ mình. Hoặc những điều mình ân hận, nuối tiếc khi còn sống, có thể ghìm giữ chân mình, khiến mình không siêu thoát được, và trở thành con ma quanh quẩn quanh nhà.

Nên việc chuẩn bị cho cái chết là điều cực kỳ quan trọng đối với người sống. Cực kỳ quan trọng! Nếu hiểu không đúng, hoặc chuẩn bị không tốt, có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực.

2.2 Những điều quan trọng cần NHỚ

Đầu tiên phải nhớ rằng: Cận tử nghiệp, những điều xảy ra lúc gần chết ảnh hưởng rất mạnh đến chặng đường tiếp theo của một người. Cận tử nghiệp là rất quan trọng. Chúng ta phải cẩn thận trong lúc đấy. Cận tử nghĩa là gần chết.

Khi một người mất đi, sau một khoảng thời gian nhất định họ mới ra khỏi thân xác. Ngay lúc hơi thở vừa ngừng lại thì thần thức chưa ra khỏi thân xác. Đấy là điểm đầu tiên và rất quan trọng phải nhớ. Nên khi mới mất, cơ bản là trong 49 ngày chưa tái sinh, thì khung cảnh xung quanh người chết ảnh hưởng rất nhiều đến họ. Phải hiểu và nhớ kỹ điều này.

Thứ hai, phải nhớ rằng một người vừa mới chết, thần thức chưa ra khỏi thân thể, nếu lúc ấy người thân động vào người họ quá sớm, thì thần thức họ sẽ bị rối loạn. Đó là điều cần nhớ thứ hai, rất quan trọng!

Vậy nếu mình động vào người họ thì phải động chỗ nào? Từ ngực trở lên. Vì khi động vào phần thân thể bên dưới, tâm thức họ sẽ bị kéo xuống và rất dễ tái sinh những cõi thấp. Nếu có dịch chuyển thì chỉ chạm vào đầu, vai, từ trung tâm ngực trở lên thôi, không động vào bên dưới. Tốt nhất là không động vào, vì động vào sẽ ảnh hưởng đến họ.

Đặc biệt là tránh động vào gan bàn chân, chỗ tối kỵ là gan bàn chân.

Thông thường, thần thức của một người cần khoảng 20 đến 30 phút để ra khỏi thân thể. Nhưng cá biệt, cũng có người phải mất đến vài tiếng. Đặc biệt, những người tu hành có thể 7 ngày cũng chưa ra khỏi thân. Nhưng ở đây, chúng ta là những người bình thường, nên cần ít nhất vài giờ đồng hồ không động vào người mất. Cứ để họ nằm như vậy, xung quanh có thể làm việc này việc kia, nhưng không động vào cái thân xác họ. Nếu buộc phải động vào thì động phần trên thôi. Đấy là điều rất quan trọng cần phải nhớ kỹ.

Nếu muốn kiểm tra xem thân thể người chết còn hơi ấm không (thông thường mọi người hay làm như vậy), thì có thể sờ vào ngực. Bởi chỗ này là nơi thần thức thoát ra cuối cùng. Nếu muốn biết thần thức thực sự ra hay chưa, chúng ta sờ vào đây này (thầy để tay lên ngực). Nếu còn hơi ấm thì chưa ra, còn lạnh ngắt thì chắc chắn là ra rồi. Hãy nhớ không được sờ từ phần ngực này trở xuống. Kể cả bụng cũng không nên sờ, bụng cũng là chỗ đi xuống.

Thần thức của người bình thường thì chỉ từ 20 đến 30 phút là thoát ra. Nhưng mình không thể biết chắc được, nên tốt nhất cứ để yên vài giờ đồng hồ. Ở Tây Tạng, người ta thường để 8 tiếng cho chắc. Chúng ta có thể không cần đến 8 tiếng, chỉ cần kiểm tra ngực thấy lạnh ngắt rồi là được. Khi thần thức đã ra khỏi thân, thì chúng ta có thể động chạm vào thân thể. Đấy là điều cần nhớ thứ hai.

Thứ ba, sau khi thần thức người chết ra khỏi thân, thì tâm thức của họ trở nên cực kỳ nhạy cảm. Bình thường, khi chúng ta còn thân thể này, cơ bản, chúng ta không cảm nhận được điều người khác nghĩ về mình. Nhưng khi ra khỏi thân thể này rồi, thì thần thức lập tức cảm nhận được ý nghĩ của mọi người về mình. Nếu bị một người thù ghét, thần thức cảm thấy khó chịu ngay, được người khác yêu thương thì thần thức cũng ngay lập tức cảm thấy dễ chịu. Cực kỳ nhạy cảm!

Nên nhiều người, khi ra khỏi thân rồi, thấy con cái tranh nhau gia tài, rồi giả vờ khóc cạnh thi thể bố mẹ, mà trong đầu đang nhẩm tính số tiền mẹ hay bố để lại cho mình bao nhiêu, những cảnh như vậy khiến người chết rất đau đớn.

Tất cả những việc liên quan đến tài sản thừa kế, nên để sau 49 ngày hãy giải quyết. Thần thức người chết nhạy cảm đến mức có thể cảm nhận được mọi suy nghĩ của người sống. Khi còn sống, họ không cảm nhận được suy nghĩ của người khác, nhưng khi mất thân xác rồi, họ cảm nhận tương đối rõ ràng suy nghĩ của những người sống xung quanh. Nên người có tâm thức không ổn định, hay những người kể lể khóc than bên linh cữu, thì ngay lập tức, sẽ gây rối loạn cho tâm thức của người mất.

Nên chỗ bàn thờ tuyệt đối tránh để người thân gào khóc, chỉ cho những người tâm lý bình tĩnh vào để bày tỏ lòng thương cảm chia ly thì không vấn đề gì. Những người vào gào khóc kiểu như: “Bà ơi, sao nỡ bỏ con mà đi”, “Bà sống khôn chết thiêng về chứng giám”… Tất cả những lời đó có thể khiến người chết bất an, thì nên tránh. Nếu chúng ta biết trong họ hàng có những người như vậy phải dặn trước, hoặc ngày hôm sau mới cho đến, hoặc nếu đến thì phải bình tĩnh.

Thần thức khi đã ra khỏi thân thể thì nhạy cảm gấp 9 lần bình thường, nên thấy kẻ thù xuất hiện quanh quan tài hay bàn thờ của mình, thì lập tức cơn giận của người chết bùng lên rất nhanh và rất lớn. Vì thế, chúng ta chỉ nên để những người tử tế, bình thường xuất hiện xung quanh người chết thôi. Đấy là điều thứ ba, chúng ta phải nhớ rõ. Tránh tất cả các thể loại khóc than, đặc biệt là những lời như: “Sao mẹ nỡ bỏ con mà đi…”, những câu than dễ khiến người chết trở nên nuối tiếc, bám luyến là phải cực kỳ tránh.

Tại sao lại như vậy? Vì nếu tâm thức người chết bị kéo xuống, thì họ bị lạc vào những cảnh giới thấp sau khi tái sinh. Nên chúng ta cần tránh tất cả những động thái, tinh thần tiêu cực của chính mình và những người xung quanh có thể ảnh hưởng đến người mất. Tốt nhất là tránh suốt 49 ngày sau khi họ mất, nếu không, tối thiểu là 25 ngày đầu tiên. Trong nửa thời gian đầu tiên, tương đương 24,5 ngày, tất cả những cảnh tượng cũ hiện ra đối với người chết. Nửa thời gian sau, 24,5 ngày sau, sẽ hiện ra những nơi tái sinh sắp tới, khi ấy, cảnh cũ không còn ảnh hưởng quá mạnh mẽ nữa.

Như vậy là trong hơn ba tuần đầu tiên, chúng ta không nên dọn dẹp phòng của người chết, không nên động vào hay phân chia đồ đạc của họ, vì có thể họ sẽ không vui.

Có những người già cố chấp, khi sống thường khó chịu khi bị người khác kê đặt thứ gì đó quanh chỗ mình, nên trong khoảng 24,5 ngày đầu tiên, chúng ta hạn chế chia tài sản, thay đổi vị trí hay cho đồ của người mất cho những người khác v.v… Tránh làm tất cả những việc đấy. Chúng ta nên giữ môi trường xung quanh người mất yên bình nhất có thể, tránh tất cả tiếng ồn ào, kêu khóc, tránh những người hiềm khích, kẻ phá đám đến quanh quan tài hay bàn thờ. Đấy là đều chúng ta cần phải nhớ.

Tục lệ của người Việt Nam thường khóc lóc, than vãn khi người thân qua đời, cứ tưởng thế là giúp người chết, nhưng thực ra là hại họ. Người thân có thể khóc bình thường không sao, nhưng khóc theo kiểu bù lu bù loa hay gào khóc là tâm thức người chết rối loạn ngay lập tức. Chúng ta phải nhớ, khóc thương thì không sao, nhưng tuyệt đối tránh khóc lóc hoặc nói những lời làm họ nuối tiếc như: “Sao vợ đẹp con khôn sao bỏ mà đi” hay kiểu: “Ối em ơi, sao em nỡ bỏ chồng bỏ con mà đi”… Đó là điều thứ ba chúng ta phải ghi nhớ.

Thứ tư, có thể người mất vẫn chưa biết mình đã chết. Nhiều trường hợp, khi thần thức người chết ra khỏi thân thể, họ vẫn tưởng tượng mình trong thân thể cũ, vẫn nhìn thấy mình có thân thể ấy, đó gọi là ý sinh thân.

Có trường hợp, thần thức, sau khi ra khỏi thân thể, cảm thấy thoải mái, vui vẻ, đi chơi khắp chốn, hai ba tuần sau trở về mới biết mình thực ra đã chết rồi. Tại sao lại như vậy? Vì khi không còn thân thể, một là đau đớn biến mất, hai là ý sinh thân khiến họ tưởng tượng thân thể vẫn như cũ nên không nhận ra mình đã chết rồi.

Việc không biết mình đã chết có nguy hiểm là họ bắt đầu cảm thấy những người khác không quan tâm đến mình nữa, họ nói không ai nghe, họ gọi chẳng ai thưa. Đặc biệt, những người già không tỉnh táo, không hiểu rằng mình đã chết, lại nghĩ không hiểu sao con cháu thờ ơ mình thế rồi sinh buồn bực, đau khổ.

Khi người chết không biết thì chỉ cần một người nhắc nhở là họ sẽ nhận ra ngay. Ví dụ, người thân trong gia đình hay người gần gũi họ khi sống, nhắc rằng: “Bà hay ông đã mất rồi”, thì họ sẽ lắng nghe và hiểu ra, mình đã chết. Khi họ nhận thức được thực tế đó thì họ sẽ không còn cảm thấy khó chịu, đau khổ vì sự thờ ơ của mọi người nữa. Đó là điều mình cần nhớ.

Sau đó, tâm thức người chết sẽ tìm đến những cảnh tượng mà họ nghĩ tới. Có người hồi tưởng lại quá khứ thì tâm thức sẽ về quê, có người nhớ con trai ở Đức thì sẽ sang Đức, có người muốn ở lại xem con cháu hành xử có tử tế không thì sẽ loanh quanh ở ngôi nhà của mình… Tâm thức người chết lúc này rất nhạy cảm nên sẽ cảm nhận được suy nghĩ của người sống, nên chỉ cần người thân nói chuyện với họ, họ sẽ nghe thấy ngay.

2.3 Những lời khuyên trong 49 ngày 

Thầy Trong Suốt: Người sống mà hiểu biết thì giúp ích rất nhiều cho người chết, vì họ sẽ có những lời khuyên phù hợp với người mới mất. Ví dụ mình nói là: “Bà đã mất rồi, nên không cần phải ở lại để xem con cháu làm gì. Sắp tới bà sẽ đến một cõi khác, việc bà ở lại quanh gia đình là không cần thiết nữa!”.

Mình khuyên như vậy thì người mất sẽ hiểu họ không nên quanh quẩn ở đây nữa, ở lại xem con cháu không có gì vui, thậm chí nhiều khi còn thấy buồn, bởi con cháu, không phải ai cũng như ý mình. Chưa kể, nếu ở lại quá lâu thì bản thân sẽ thành ngạ quỷ, tái sinh thành một vong hồn luẩn quẩn quanh nhà, thì còn xấu hơn nữa.

Nên người mất cần được khuyên là: Cuộc đời cũ của họ đã kết thúc và đừng vương vấn nữa. Thông báo với họ rằng, họ đã chết rồi, họ không còn tồn tại trên đời nữa. Đấy là một phần của lời khuyên.

Người chết rất hay quên. Mình nhắc họ là họ không còn, đừng vương vấn nữa, nhưng chỉ năm phút sau họ lại quên mất, vì tâm thức ở giai đoạn này rất dễ bị kích động. Vừa nghe mình nói xong thì họ đã nghĩ ngay chuyện khác, ví dụ nghĩ “ở quê như thế nào”, thế là tâm thức về quê ngay lập tức, không chờ đợi gì cả. Vì thế, mình nên nói nhiều lần chứ không chỉ một lần duy nhất. Nói nhiều lần để họ ghi nhớ, để hiểu mình đã mất rồi và việc vương vấn với đời sống này là không cần thiết, không còn một giá trị nào nữa. “Ở lại xem con cháu thế nào” cũng không giải quyết được gì mà chỉ có thể buồn thêm thôi. Hoặc ít nhất bị bám chấp lại đây và không siêu thoát được.

Nên trong các lời khuyên thì nhớ một lời khuyên quan trọng là: “Ông bà không cần ở lại đây nữa. Ông bà cần tìm một nơi siêu thoát, một chỗ tái sinh tốt đẹp, chứ không phải ở lại để xem con cháu”, hay là: “Ông bà cứ yên tâm ra đi, con cháu sẽ tự lo được”.

“Ông bà ở lại cũng không làm được gì, hãy an tâm mà ra đi, con cháu sẽ tự lo được và sẽ hạnh phúc. Ông bà siêu thoát là cách tốt nhất để giúp con cháu. Ông bà thành ngạ quỷ thì con cháu khổ hơn nhiều” – Đó là những lời mà người chết cần nghe. Tránh tất cả những lời nói kiểu: “Ông bà hãy ở lại, phù hộ cho chúng cháu”… Ở lại không phù hộ được trong khi siêu thoát thì phù hộ được. Ông bà siêu thoát, ví dụ, ông bà được lên cõi trời, thì ông bà có khả năng phù hộ, trong khi ở lại thì chắc chắn ông bà thành ma, không thể phù hộ nổi. Nên tất cả những lời khấn kiểu: “Ông bà về đây phù hộ…” phải nhắc nhở mọi người không được khấn như vậy nữa. Mà hãy khấn là: “Ông bà hãy tìm nơi siêu thoát, cháu cầu mong ông bà được siêu thoát!”Chỉ làm thế là đủ.

Một điều nữa nên nhớ là người mất, tùy người, có khả năng cảm thấy đói. Có những người tâm thức cao, khi mất thân xác, họ không còn nhu cầu ăn uống gì nữa. Nhưng một số người tâm thức chưa phát triển tốt thì họ sẽ thấy đói. Do vậy, mình nên cúng những món ăn có hương thơm, vì họ có thể “ăn” được mùi thơm của thức ăn đó, chứ họ không thể ăn được bất kỳ thứ gì vật chất. Tuy nhiên, nên tránh những đồ liên quan tới sát sinh.

Trước đây, Thầy từng kể câu chuyện về những người sau khi chết, họ về báo mộng với con cháu rằng ông bà sắp lên cõi trời rất vui. Cả nhà mừng quá, mổ lợn mổ gà mời hàng xóm qua ăn mừng, thì tối hôm đó người nhà được báo mộng ngay rằng, vì việc sát sinh đấy mà ông bà bị đọa xuống cõi thấp, thành ma quỷ. Nên chúng ta cần cúng đồ thanh tịnh, hoa quả, xôi v.v… những món ăn mà không cần sát sinh là tốt nhất.

Điều này cần phải nhớ kỹ, nếu chúng ta buộc phải theo tục lệ, thì nên hạn chế. Ví dụ, tục lệ ở quê phải giết con này con kia, thì hãy nhớ:

  1. Hạn chế việc sát sinh, giết càng ít càng tốt.
  2. Mình phải nói, hành động sát sinh này là vì con cháu, không phải vì ông bà. Mình phải nói ngay khi đang hành động. Nghĩa là, ngay lúc mổ lợn mổ gà thì cần nói: “Việc giết chóc này là vì những người sống, chứ không phải vì người chết”. Nếu mình không nói như vậy thì nghiệp xấu sẽ đổ sang người chết. Còn nói như vậy nghĩa là mình sẽ chịu cái nghiệp đấy. Giết gà giết lợn thực ra là vì người sống, vì phong tục của người sống, chứ không phải là nhu cầu của người chết, buộc phải giết con này con kia cho họ.

Trên bàn thờ nên cúng những món có hương thơm, điều này rất tốt và người mất sẽ yên tâm. Thông thường, nếu người quá cố không đi đâu xa, thì họ sẽ ở quanh bàn thờ, hoặc quanh chỗ họ mất như giường của họ, phòng của họ…Vì thế, những khu vực này cần giữ cho thanh tịnh, tránh ô nhiễm, ồn ào, tránh xê dịch, tránh động vào đồ đạc của người chết. Việc vội vã cho đi hoặc chia đồ của người quá cố cho người khác là không tốt.

Nếu chúng ta giữ được như vậy trong 25 ngày đầu, thì tối thiểu, ta không làm người chết rối loạn thêm. Nếu lời khuyên của chúng ta đủ mạnh mẽ và sâu sắc, thì chúng ta còn có thể khiến người chết bình tâm hơn trong ba tuần đầu tiên.

Trong ba tuần đầu, mỗi người, tùy vào nhân quả của mình, sẽ trải qua các cảnh giới khác nhau. Ví dụ, có người gặp kẻ thù đến đòi nợ; có người gặp người tốt đến giúp, thậm chí đến giảng dạy; hay lúc sống làm nhiều điều tốt, thì sẽ được những vị thần tiên chỉ cách để tái sinh cho tốt. Nhưng nếu lúc sống làm nhiều nghiệp xấu, thì có thể những người xấu sẽ tìm đến đe dọa hoặc đòi chém giết.

Hãy nói cho ông bà, người quá cố hiểu, tất cả những cảnh hiện ra trong 49 ngày tới là do tâm họ tạo nên, cảnh đó không có thật. Nếu ông bà gặp cảnh nguy hiểm, thì đừng sợ mà hãy chú tâm cầu nguyện đến chư Phật, nhờ vậy họ sẽ thoát được.

Mình nói như vậy mà ông bà làm theo thì ông bà sẽ thoát được vì trong 49 ngày đấy tất cả những cảnh hiện ra toàn là do tâm thức tạo ra. Cái thân là do tâm thức. Khi mất rồi mà vẫn thấy có thân này, thì cái thân đó là do tưởng tượng mà ra. Nên tất cả các cảnh hiện ra cũng hoàn toàn do tâm thức. Mình nhắc ông bà, tất cả những cảnh từ giờ đến lúc tái sinh đều do tâm thức của ông bà, của cha mẹ tạo ra và nó không có thật. Vì vậy, bố mẹ không phải lo sợ nếu thấy cảnh xấu, chỉ cần nhất tâm cầu Phật bảo vệ, che chở, giúp đỡ thì sẽ thoát được hết. Nếu ông bà, cha mẹ tin và nghe theo mình, thì kể cả cảnh xấu hiện ra rồi cũng sẽ tan biến.

Lời khuyên thứ 3 dành cho người quá cố: “Ông/bà/cha/mẹ đã mất rồi, đừng bám víu nữa. Nếu có cảnh nào hiện ra thì đó chỉ là tâm thức thôi, đừng sợ hãi”. Lời khuyên đó sẽ giúp người mất yên lòng.

Thứ tư, lời khuyên tốt nhất dành cho người mất là khuyên họ hãy hướng về Phật để tìm một con đường siêu thoát. Vì người mất gặp rất nhiều vướng mắc khác nhau trong cuộc sống, ví dụ: người thì đi tìm kẻ thù; người thì xông vào đấm đá kẻ vừa gây ra cái chết cho mình; người thì luyến tiếc tài sản không nỡ bỏ đi v.v… Những trạng thái sân hận, luyến tiếc như vậy lập tức khiến người chết tái sinh vào những cõi thấp. Nên lời khuyên thứ tư dành cho người mất là: “Bây giờ, tất cả đã biến mất, đời cũ đã qua rồi, ông bà đừng luyến tiếc, đừng giận hờn nữa. Việc duy nhất ông/ bà cần làm là nhất tâm cầu nguyện Phật để có một tái sinh tốt đẹp”.

Mình nên nhắc đi nhắc lại điều duy nhất người mất cần làm, không phải là về thăm con cháu, ở lại bên gia đình, không phải đi trả thù v.v… mà cầu nguyện để hướng đến một tái sinh tốt đẹp.

Nếu chẳng may, ai đó trong số những người ngồi đây bị chết, thì hãy nhớ mình đã ra khỏi thân thể rồi, không làm gì được cuộc sống này nữa, không thể quay về gặp người cũ để nói chuyện hay không thể trả thù ai nữa… Càng làm những điều như vậy, chúng ta càng dễ tái sinh xuống những cõi thấp. Việc duy nhất của chúng ta là cầu nguyện. Có thể cầu Đức Quan Âm Bồ Tát, Đức Phật A Di Đà để có một tái sinh tốt đẹp. Chỉ cần nhất tâm cầu nguyện thì ngay lập tức sẽ được linh ứng trong giai đoạn trung ấm.

Nên người mất cần nhất tâm hướng về Phật cầu nguyện, để siêu thoát, để có một tái sinh tốt đẹp. Chúng ta nhắc người mất như vậy và người mất nghe được là tốt nhất.Trong lúc còn sống, lời cầu nguyện không linh ứng mấy vì chúng ta còn thân vật chất, không thể thấy được thế giới tâm linh. Nhưng khi đã mất thân vật chất, thì cầu gì sẽ được đấy, nghĩ gì thì ra cái đó.

Trong vòng 49 ngày đầu tiên, tối thiểu một lần mỗi ngày, chúng ta nên nói chuyện như vậy với người đã mất. Ngoài ra, bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn 49 ngày đó, chúng ta nói gì với người mất thì họ đều nghe được. Dù tâm thức người mất đang ở nhà, hay đang ở nơi xa thăm con cháu, thì khi chúng ta nói, lời của chúng ta sẽ truyền đến họ ngay lập tức. Họ nghe được, nhưng có tin những lời đó hay không, lại là chuyện khác.

Ví dụ, lúc sống, mình không đối xử tốt với người ta, lúc chết, họ sẽ khó tin mình, đúng không? Lúc sống, mình coi thường họ, không bao giờ thăm nom, thì lúc họ mất, mình khuyên gì, họ cũng không tin. Vậy những ai, khi sống có uy tín với người mất, sẽ là người tốt nhất để khuyên họ. Bởi ít nhất, người mất sẽ tin và nghe theo những lời khuyên này.

49 ngày là con số tương đối. Có những người chỉ mất vài tiếng là tái sinh luôn. Có những người 1 đến 2 tuần, có người 3, 4 tuần, nhưng 49 ngày là con số trung bình. Để an toàn, chúng ta sẽ nói lời khuyên người mất trong 49 ngày đầu tiên.

Ngoài lời khuyên, thì chúng ta tưởng tượng cái gì, người mất sẽ nhìn thấy cái đấy. Nên khi nói chuyện với người mất, chúng ta nên tưởng tượng xung quanh họ tỏa ra ánh sáng rực rỡ và rất an bình, hoặc hình dung cảnh Phật. Nhờ đó, người mất sẽ cảm nhận được trạng thái an bình. Mình nghĩ cái gì thì người mất sẽ nhìn thấy và cảm thấy cái đó. Đặc biệt, nếu chúng ta có cơ hội ở bên người mất lúc họ hấp hối hoặc khi vừa chết, thì chúng ta cần tưởng tượng ngay quanh thân xác này là một ánh sáng an bình, dễ chịu, theo đó, người mất sẽ cảm nhận được. Chúng ta có thể vừa niệm thần chú vừa tưởng tượng: căn phòng tràn ngập ánh sáng an bình, người mất cảm nhận được sự an bình ấy. Vì người mất cảm nhận được tâm người sống, nên khả năng tưởng tượng của chúng ta càng mạnh mẽ, thì người mất cảm nhận càng rõ ràng.

Những điều trên là dành cho 24 ngày đầu tiên.

2.4 Nửa sau của 49 ngày (24,5 ngày tiếp theo) – Chọn tái sinh mới

Trong 24 ngày kế tiếp, tức nửa sau của 49 ngày sau khi mất, người ta chọn một chỗ tái sinh mới. Nếu khéo léo thì chúng ta còn có thể giúp người mất chọn được một tái sinh mới phù hợp và tốt đẹp hơn.

Sau 24 ngày đầu tiên, sau khi những cảnh cũ hiện ra thì những nghiệp cũ, câu chuyện cũ dần dần biến mất và người chết bắt đầu có cảm nhận về nơi tái sinh mới của mình. Họ có thể thấy mình ở giữa một hoang mạc, hay thấy mình trong một hốc đá, trong một cung điện nguy nga, hoặc ở giữa chợ đông người… Những cảm giác như vậy đều liên quan đến nơi tái sinh mới.

Thông thường, cảm giác liên quan đến những nơi chốn đông người cho thấy người chết sẽ tái sinh cõi người. Những nơi cô quạnh hay đầy muông thú thì dự báo tái sinh xuống cõi súc sinh hoặc cõi thấp hơn. Những nơi hào quang rực rỡ, ánh sáng đẹp đẽ thường là lên cõi trời. Nếu chúng ta có khả năng thì hãy nói để người mất hiểu: khi họ thấy mình ở chốn cô quạnh hay nhiều muông thú, thì đấy là chỗ sẽ dẫn đến những tái sinh xấu. Khuyên họ hãy cầu nguyện Đức Phật để có được một tái sinh tốt. Do nghiệp lực mỗi người nên có thể có nhiều cảnh hiện ra, người chết có nhiều lựa chọn để tái sinh, vì thế, khuyên họ nhất tâm cầu nguyện Phật là một lời khuyên rất tốt.

Tái sinh cõi nào phụ thuộc vào nghiệp của mỗi người, tâm thức của mỗi người. Những người có tâm thức tiêu cực thường thích đến nơi cô quạnh để đỡ phải tức giận, nên họ dễ bị tái sinh xuống cõi súc sinh hoặc cõi thấp hơn. Vì thế những lời khuyên của mình, vào thời điểm đó, rất có giá trị.

Trong vòng 24 ngày này, họ có thể thấy bố mẹ tương lai của mình. Họ có thể thấy cảnh một người đàn ông và một người phụ nữ đang giao hợp và sinh ra một bào thai. Họ bị cuốn hút bởi đôi vợ chồng này và họ tái sinh vào cái bào thai đấy. Nếu thần thức yêu quý người bố và hoặc không ưa người mẹ lắm thì dễ tái sinh làm con gái vào trong bào thai. Ngược lại, quý người mẹ và ghét người bố thì dễ tái sinh làm con trai. Nhưng điều này không tốt lắm, vì khi sinh ra, mình sẽ quý một người và ghét một người. Nên lời khuyên tốt nhất là hãy tìm một tái sinh, mà ở đó mình có thể tu tập được. Không nên bị cuốn hút theo bố mẹ tương lai, kiểu quý người này ghét người kia.

Ví dụ lời khuyên dành cho ông/ bà sau 24 ngày: “Đã đến lúc ông/ bà tìm một chỗ để tái sinh rồi. Nếu ông/ bà thấy bố mẹ tương lai thì hãy tìm đến nơi mà mình có thể yêu quý cả hai người và có thể tu hành được. Ông/ bà nên tránh những nơi mà mình ghét một người, thích một người”. Đôi khi, người mất không phải thấy hai con người mà là hai con thú đang giao hợp, vì thích cảnh đấy mà thành ra tái sinh vào bào thai thú. Mình khuyên họ nên tìm những tái sinh vào cõi người hay cõi cao hơn, tránh những cảnh hay nơi bố mẹ tương lai là chim, là thú.

Nói thêm, những chốn cô độc, lạnh lẽo là những nơi cần tránh. Nơi ấm cúng, dễ chịu, đặc biệt tỏa ánh sáng màu trắng hoặc màu xanh da trời, là những nơi mà tái sinh sẽ lên cõi người hoặc cõi trời, thì nên đến. Tránh những nơi có các màu khác, đặc biệt là màu đỏ, màu đen, màu vàng và màu xanh lục. Khi hiểu sâu sắc thì mình có thể nói những lời khuyên như vậy. Vì lúc này người chết vẫn nghe được lời mình nói, nên ít nhất, khuyên họ tìm nơi ấm cúng, dễ chịu chan hòa ấm áp, tránh nơi cô quạnh, bẩn thỉu v.v… Ví dụ, họ thích một đôi chó và sắp sửa chọn tái sinh, nhưng nghe được lời mình thì họ sẽ tránh. Hoặc họ tìm đến một đôi vợ chồng nhưng khung cảnh xung quanh đỏ thẫm như máu, đó là dấu hiệu tái sinh xuống địa ngục hoặc ngạ quỷ, dù đôi vợ chồng hiện ra nhưng tái sinh là làm con của hai con ma, thì họ sẽ biết được để tránh. Theo lời khuyên của mình, họ sẽ tìm đến màu trắng hoặc màu xanh dương để tái sinh.

Trong 24 ngày, người chết có thể cảm thấy những cảnh tượng xấu. Hãy nhắc họ những cảnh hiện ra này là do tâm thức, nên đừng sợ. Việc duy nhất cần làm là tìm một tái sinh tốt đẹp và cầu nguyện chư Phật. Cầu đến Đức Phật A Di Đà hoặc cầu Đức Quan Âm Bồ Tát dẫn mình đến một tái sinh tốt đẹp. Bản thân chúng ta khi chết cũng cần nhớ điều này, chỉ tìm chỗ có màu trắng và màu xanh dương. Tất nhiên nếu không được hướng dẫn thì không ai biết những điều này, nên chắc chắn khi chết, họ sẽ tái sinh vào chỗ hợp với họ nhất. Người tốt thường đến chỗ tốt, người xấu hoặc nghiệp xấu thì tìm đến chỗ xấu. Khi biết hoặc nghe được những điều này, họ có thể bỏ được chỗ xấu, tìm đến những chỗ tốt. Hoặc là chúng ta nghe được những cái này, khi chúng ta mất, chúng ta nhớ được thì chúng ta cũng tránh được chỗ xấu, tìm được chỗ tốt.

III. ĐÓN NHẬN CÁI CHẾT NHƯ THẾ NÀO?

Với người mắc bệnh nan y hay ung thư và biết mình sắp mất, việc đón nhận, chuẩn bị cho cái chết là vô cùng quan trọng. Hiểu và học cách đón nhận sẽ giúp mình có được tái sinh tốt đẹp.

Vào một buổi chiều muộn tháng 6 năm 2016, Thầy Trong Suốt vào bệnh viện Ung bướu thăm chị Thủy, là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Sau một thời gian điều trị, các bác sĩ cho hay cơ thể chị không còn phản ứng được với thuốc nữa, các cơ quan nội tạng đang chết dần. Lúc đó chị ở lại bệnh viện chỉ để truyền thuốc giảm đau. Trong những ngày ít ỏi còn lại, nhờ biết đến Phật pháp nên chị Thủy phát tâm, tha thiết muốn được vãng sanh Cực Lạc để tiếp tục tu hành. Chị cũng tranh thủ giúp các bệnh nhân khác trong viện nghe Kinh A Di Đà để họ giảm bớt đau đớn, cùng phát tâm hướng về cõi Phật.

Thầy Trong Suốt giảng cho chị Thủy cách đối diện với cái chết khi nó xảy đến, để có được một tái sinh tốt đẹp nhất.

3.1 Nhất tâm hướng Phật

Thầy Trong Suốt: Thân con là đi mượn: Vay mượn bố mẹ, vay mượn môi trường, đất, nước, gió, lửa… Đã vay mượn thì kiểu gì cũng phải trả.

Con hãy nhất tâm hướng về Phật, nhắm mắt lại tưởng tượng Phật A Di Đà, tưởng tượng một khối ánh sáng màu vàng trên đỉnh đầu, hoặc Đức Quan Âm Bồ Tát, tin tưởng Ngài ở đó, (hoặc đơn giản là tưởng tượng ánh sáng màu trắng) ở trên đỉnh đầu.

Vì tâm con luôn luôn chạy khi không có một đối tượng nào để tập trung, nên tưởng tượng phải xảy ra trước để con có thể tập trung. Ngoài ra, khi chết thân thể mất cảm giác nên ngoài tưởng tượng ra không thể làm gì khác được.

Con cần hiểu quá trình chết để không hoảng sợ. Thân thể con có 4 yếu tố: Đất, nước, gió, lửa. Trong quá trình con qua đời, các yếu tố này tan biến dần đi.

Khi đất tan ra thì con thấy người bị rã ra, bị đè xuống, sụp xuống. Lúc đấy con có thể có ảo giác rằng ai đó đang kéo con xuống.

Sau đó con sẽ thấy khô, khô miệng, khô mắt – đó là lúc yếu tố nước đang tan ra.

Khi yếu tố gió tan ra, con sẽ cảm thấy rất khó thở.

Khi yếu tố lửa tan ra, con sẽ thấy rất lạnh đi.

Người lạnh dần, khô dần, sụp dần. Quá trình chết sẽ diễn ra như vậy.

Nếu không biết về điều này sẽ lập tức sinh hoang mang, lo sợ. Nhưng vì con biết rồi, nên con tự trấn an bản thân rằng: “Tôi đang chết, thân thể đang mất dần cảm giác. Tất cả những điều này là biểu hiện bình thường của quá trình chết”.

Sau khi con tự nhủ được cái chết xảy đến như vậy là chuyện bình thường thì con bắt đầu niệm Phật. Khi không biết thì thấy rất bất thường, nhưng con biết rồi thì sẽ thấy bình thường. Sự tan rã thân thể, khô hay lạnh… là rất bình thường. Bình thường thì không có gì mà hoang mang. Mình chỉ hoang mang khi chuyện là bất thường thôi, đúng không? Tất cả quá trình tan rã này là chuyện bình thường thôi, nên việc của mình không phải là sợ mà là nhớ tới Phật, niệm Phật hoặc niệm chú.

Việc con tập được lúc đó rất quan trọng vì sự hoang mang sẽ đưa con đi xuống chỗ xấu hơn, trong khi sự an tâm sẽ dẫn con tới chỗ tốt hơn.

Điều quan trọng khi niệm Phật là con phải có niềm tin vào Phật, tin Phật có sức mạnh và tin lời niệm Phật này có sức mạnh. Con cần nhớ tới Phật, nhờ đó mà sự tưởng tượng của con có giá trị. Bởi nếu không nghĩ tới Phật, tâm con sẽ chạy. Đơn giản, nếu không tưởng tượng, không nghĩ gì thì tâm con sẽ chạy về những chỗ không tốt: Lo lắng không biết mình sẽ đi về đâu, sợ hãi không hiểu tại sao mình bị thế này, hối tiếc những điều mình chưa làm được… Vì thế nên con cần tập trước khi thời khắc đó xảy ra.

Con nên đọc hoặc nghe ghi âm sách “Tây Phương cực lạc du ký”. Có niềm tin là điều cốt yếu, bởi niềm tin giúp con có tâm thái an lạc. Khi tâm lạc quan thì mình sẽ đến cõi tương tự, con sẽ đến cõi của những người hạnh phúc. Còn nếu tâm sợ hãi thì chỉ dẫn con đến cõi sợ hãi. Quan trọng là sức mạnh của tâm. Tâm con hướng vào cái gì thì cái đó sẽ hiện ra. Tâm con hướng Phật thì con đến chỗ tốt.

 

3.2 Quan trọng là tin Phật

Thầy Trong Suốt: Trong quá trình chết, nếu tâm con chùng xuống, con bắt đầu tuyệt vọng, sợ hãi… không nhớ được Phật, thì con hãy nghĩ về những điều tốt mình đã làm cho người khác. Khi đó, tâm sẽ tự nhiên sáng bừng lên, đó là một cách rất đơn giản và hiệu quả.

Con hãy nghĩ đến niềm hạnh phúc khi con tặng đài nghe Pháp cho các bệnh nhân ung thư, lúc giúp các cụ già trong bệnh viện… Hãy nghĩ đến những chuyện như vậy, đừng suy nghĩ tiêu cực. Mọi thứ là nhân quả rồi. Thân thể của con đã vay mượn rất nhiều thứ để tồn tại: mượn tinh cha huyết mẹ, đất nước gió lửa, môi trường, đồ ăn, thức uống… Tất cả những thứ tạo nên thân này sớm muộn gì cũng sẽ hỏng và con phải trả lại, nên việc chết là rất bình thường. Phải nghĩ như thế.

Cái chết là chuyện rất bình thường của cuộc sống, giống như bỏ cái áo này ra thay cái khác. Quan trọng là trạng thái tinh thần của con, chứ không phải là thân thể. Khi con không thấy thân thể này quan trọng nữa thì việc chết là bình thường. Đó là điều cốt yếu vì nó giúp tinh thần con thoải mái.

Nhớ đến Phật là số một, nếu con nhớ Phật thì không phải nghĩ gì nữa. Nhưng nghĩ đến Phật, con phải thấy ở Phật toát ra sự từ bi, trí tuệ và sức mạnh tuyệt vời. Phật không chỉ là chữ Phật, mà là nguồn sáng của con.

Con có thể nghĩ đến Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Quan Âm Bồ Tát. Con hãy nghĩ đến nguồn ánh sáng, lòng từ bi, trí tuệ và đặc biệt là uy lực vô song của Ngài. Khi con cảm thấy Ngài có sức mạnh, có trí tuệ, có lòng từ bi thì tâm thức con sẽ được đẩy về phía ấy. Tâm con hướng đến từ bi thì đẩy về từ bi, hướng đến trí tuệ thì đẩy về trí tuệ, hướng đến sức mạnh thì đẩy về sức mạnh. Nếu con cảm nhận được sự xuất hiện của Ngài trước khi Ngài xuất hiện thì càng tốt vì nó giúp tâm con hướng về đó.

Con nên tập tưởng tượng. Ví dụ, khi nằm xuống thì tưởng tượng Đức Phật trên đỉnh đầu, con hạnh phúc khi cảm nhận ánh sáng màu vàng tỏa ra từ Ngài, hạnh phúc khi ngập tràn ánh sáng đấy. Nếu không tưởng tượng được như vậy thì tưởng tượng có một khối ánh sáng màu trắng trên đỉnh đầu con.

Quan trọng là tin Phật, vị Phật nào cũng có sức mạnh như nhau. Con tin Phật A Di Đà đang ngồi trên đỉnh đầu con. Ngài tỏa ra ánh sáng vàng rực rỡ. Ánh sáng ấy là nguồn sáng của trí tuệ, từ bi và sức mạnh. Ngài đầy uy lực, không chỉ từ bi, trí tuệ, mà Ngài đầy sức mạnh và uy lực.

Nhờ uy lực của Ngài, con có thể được cứu khỏi các loại khổ đau mà con gặp phải. Thân con mất rồi nhưng tâm con vẫn có Ngài. Đừng đợi Ngài đến, mà cứ tưởng tượng để tâm con hoàn toàn hướng đến Ngài. Nếu con không tưởng tượng, không nghĩ gì cả thì tâm con sẽ chạy lung tung.

Con niệm “A Di Đà Phật” hay “Om Mani Pê Mê Hung” đều được. Đọc thành tiếng thì tập trung vào âm thanh. Niệm trong tâm thì tập trung vào suy nghĩ niệm Phật trong tâm. Nhưng vừa tụng niệm vừa tưởng tượng thì tốt hơn, tâm không chạy lung tung nữa. Nếu tâm con ở trạng thái như vậy thì kiểu gì cũng dẫn con về chỗ tốt.

Nếu trong cuộc sống con niệm Phật, hướng Phật nhiều thì con sẽ được báo trước. Cái chết được báo trước có thể xảy ra, nhiều người biết được khi nào họ sẽ chết. Đó là công phu luyện tập của con, nhưng không cần kỳ vọng điều đó.

3.3 Nỗi sợ sẽ tan đi

Thầy Trong Suốt: “Quan trọng nhất là khi chết, bởi đã biết dấu hiệu của cái chết, nên tôi không còn hoang mang”. Chết là một quá trình bình thường. Việc của mình là khi dấu hiệu chết đến, thay vì sợ, lo, hoang mang, thì nghĩ ngay đến Phật và chỉ tập trung vào Phật. Mọi người, gia đình chạy xung quanh là việc của họ. Có thể có người sẽ hô hấp cho mình, đánh gió cho mình… Đó là việc của họ. Mình không quan tâm những người đấy, việc của mình là nghĩ đến Phật.

Kiểu gì cũng có thể có người đến kéo tay, kéo chân hay làm gì đấy… Con phải nhớ tưởng tượng Phật trên đỉnh đầu. Vì khi con tưởng tượng Phật trên đỉnh đầu thì tâm con hướng lên cao, không bị xuống những cõi thấp hơn. Nếu không tưởng tượng được như vậy thì tưởng tượng khối ánh sáng màu trắng trên đỉnh đầu con.

Con nên dặn gia đình trước để không ai sờ vào thân thể con, giật tay giật chân con – hi vọng là không có ai làm điều đấy. Nếu người ta chạm vào chỗ thấp hơn trên người con, rồi con lại để ý chỗ thấp hơn ấy, thì tâm con tự nhiên từ chỗ cao rời xuống chỗ thấp, và con sẽ có tái sinh thấp hơn. Nên con cần một lòng hướng đến Phật, để giả sử có ai chạm vào thì con cũng không bị ảnh hưởng.

Tưởng tượng Phật trên đỉnh đầu của mình, hình dung ra khối ánh sáng màu vàng rực rỡ đầy trí tuệ, tình thương và sức mạnh, hoặc đơn giản là một khối ánh sáng trắng trên đỉnh đầu của mình.

Mình ra đi, không bám chấp vào thân thể này nữa, ai làm gì cũng không để ý, quan trọng là tâm mình lúc nào cũng hướng đến Phật, niệm Phật thì Phật sẽ đến đón mình.

Thân thể này hiện chưa mất nhưng rồi cũng sẽ mất. Người ta có đánh gió, mình có tỉnh lại thì cũng chỉ là một thời gian thôi, không đáng để mình phải quan tâm. Điều này rất quan trọng, vì thân thể con có thể đau đớn hoặc không, nhưng khi con còn quan tâm đến nó thì con không đi được.

Đau đớn, tan rã, tự nhiên mất nhiệt, thân lạnh đi, khó thở, khô miệng, khô mắt… đó là dấu hiệu của việc ra đi. Lúc đó con phải nhớ câu này: “Đây là một sự tan rã tự nhiên, mình đang chết nhưng không có gì phải sợ” nhấn mạnh là mình “không có gì phải sợ”. Bởi lúc đó con có thể sợ, nhưng nếu con nhắc đi nhắc lại cho bản thân rằng “không có gì phải sợ” thì nỗi sợ sẽ tan đi.

3.4 Cái chết đẹp nhất

Thầy Trong Suốt: Thật sự là không có gì để sợ cả, vì chết là tự nhiên, sao phải sợ? Đây là quy luật tự nhiên, giống như đồ dùng lâu ngày sẽ hỏng, tại sao lại sợ? Không quá sợ thì tâm mình mới có thể hướng đến Phật và niệm Phật, cảm thấy có niềm tin vào Phật, vào sức mạnh và sự hiện diện của Phật – Đó là điều con cần làm.

Một là không sợ.

Hai là không quan tâm đến cái thân thể này và hoàn cảnh xung quanh nó.

Có thể con không hoảng loạn nhưng người nhà con sẽ loạn. Hy vọng không ai làm thế. Nhưng không thể biết được, cuộc sống mà, sẽ có người khóc lóc, có người đến lay con, có người đến sờ tay sờ chân con… Họ sẽ làm tất cả những điều đó, nhưng con hiểu là: “Thân thể này mất thì kệ nó mất. Mình một lòng hướng Phật, vui vẻ ra đi không có gì nuối tiếc hay sợ hãi”.

Tối nay, khi con tưởng tượng Đức Phật A Di Đà trên đỉnh đầu, Ngài tỏa ánh hào quang, thì lúc đó con hãy đọc lời sám hối trước Đức Phật. Sau khi sám hối xong, con hãy tưởng tượng Ngài đã giúp con tạm thời ngăn chặn nghiệp xấu của tất cả tội lỗi con từng gây ra, Ngài đưa con lên cõi Cực lạc cho con được tiếp tục tu hành, để sau này con quay lại cứu các con vật con từng làm hại.

Khi con sám hối, không phải nghiệp xấu mất đi mà chúng sẽ chậm nở ra để con có cơ hội tu hành thành Bồ tát, sau quay lại cứu những con vật con từng hại. Con phải sám hối với tâm là sau này sẽ cứu chúng, nhưng phải thành Bồ tát sau khi lên cõi Phật học đã, bây giờ thì con chẳng cứu .

Con nên sám hối đi, tốt nhất là chết trong trạng thái không hối tiếc bất cứ điều gì; không lưu luyến gia đình, họ hàng, bạn bè; không day dứt vì những điều xấu mình đã làm. Con có thể phát tâm tích cực là con sẽ không làm điều đó một lần nữa, con sẽ tu hành và quay lại cứu họ. Điều này tốt, vì như vậy con sẽ không day dứt, không lưu luyến mẹ hay các chúng sinh khác.

Không bi lụy, không lưu luyến, không sợ hãi gì – Đó là cái chết đẹp nhất.

Không sợ, chết là chuyện đương nhiên, biểu hiện của chết là bình thường.

Không hối tiếc, vì những điều xấu mình từng làm, mình đã sám hối rồi. Mình sẽ phải quay lại giúp họ theo kiểu khác.

Không bám chấp, vì mình hiểu ở lại nghĩa là mình dính vào họ, mình cũng bị hại và họ cũng bị hại. Bám chấp là khi chết xong mình không siêu thoát mà ở lại xem mọi người sống thế nào, thương quá nên cứ quanh quẩn ở lại… Thế gọi là bám chấp, rồi sẽ trở thành ma.

Con nên vui vì con được giải thoát khỏi những đau khổ bệnh tật. Thân thể này là một ổ bệnh. Tất cả mọi người ở đây đều là ổ bệnh hết. Họ chỉ ra đi sau con thôi, chứ bệnh tật đang phát triển trong mỗi người.

Thân thể là ổ bệnh nhưng không phải là tôi, vì thế đừng quan tâm thân thể. Thân thể kiểu gì cũng hỏng và mất đi, nên không có gì đáng lo nghĩ về nó. Ngay cả lúc còn thân thể cũng không nên lo nghĩ về nó, chứ đừng nói là khi chết. Lo lắng quá cho thân thể này là mình sẽ gây điều xấu.

Vì sao con ăn thịt, ăn cá? Vì con lo cho thân thể này. Vì sao con đánh muỗi? Vì con lo cho thân thể này. Mình coi trọng nó quá là mình đã gây chuyện rồi. Vì vậy khi sống mình không nên coi trọng thân thể nữa là khi chết càng không cần phải coi trọng nó.

Ở Tây Tạng, người ta vứt xác người chết ra giữa trời cho chim ăn. Chết rồi là như cái áo hỏng vứt đi. Vứt cho chim ăn thì chim còn được nuôi sống.

Văn hóa Việt Nam tin rằng: “Tôi là thân thể này”, bám chấp vào thân thể, nên chết xong nhiều người không thoát được, chỉ ở quanh thân thể thôi. Ai động vào thân thể họ, họ cho là “xúc phạm thân thể tôi”; người nhà coi thường thân thể họ, họ cho là “coi thường tôi”. Dù thân thể mất rồi nhưng họ vẫn coi “đó là tôi”, nên người nhà phải tỏ ra rất tôn trọng thân thể người chết để họ được an tâm.

Ra khỏi thân thể một cái là quên luôn. Cái áo vứt đi rồi thì để làm mồi cho sâu bọ. Tôi sẽ chết một cách không sợ hãi, không bám chấp, không hối tiếc, một lòng hướng Phật.

IV. “TẬP CHẾT” NHƯ THẾ NÀO?

Quán tưởng về cái chết là một bài tập cần thực hiện nhuần nhuyễn để chuẩn bị cho một cái chết bình an, vãng sanh Cực Lạc, một tái sinh tốt đẹp, hướng tới giác ngộ trong tương lai.

Những ai hiểu rằng mình nhất định sẽ chết, và Vô thường, không biết khi nào mình chết, có phát nguyện vãng sanh Tây phương cực lạc đều có thể tập bài tập này hàng ngày.

Các bước tập như sau:

4.1 Quán tưởng Đức Phật A Di Đà trên đỉnh đầu

Mục đích của việc quán tưởng là để tâm có một chỗ trụ vào, nhờ đó tâm sẽ không chạy vào chỗ của nuối tiếc, sợ hãi. (Nếu có hình ảnh Đức Phật A Di Đà để lấy cảm hứng quán tưởng thì tốt, không thì có thể tưởng tượng một khối ánh sáng màu trắng trên đỉnh đầu)

Tưởng tượng Đức Phật A Di Đà với thân sắc vàng ở trên đỉnh đầu hoặc tin chắc Ngài ở đó với khối ánh sáng màu vàng đầy Uy lực, Từ bi, Trí tuệ. Ánh sáng tỏa ra rực rỡ từ trên đỉnh đầu rồi lan tỏa bao trùm toàn bộ thân thể. Cảm giác ngập tràn hạnh phúc trong nguồn ánh sáng của Ngài. Nếu không tưởng tượng được thì có thể chỉ cần tưởng tượng một khối ánh sáng màu trắng trên đỉnh đầu.

(“Ngài không chỉ Từ bi, Trí tuệ, mà Ngài còn đầy Sức mạnh và Uy lực nên Ngài có thể cứu con ra khỏi các loại khổ đau mà con gặp phải” – trích lời Thầy Trong Suốt)

4.2 Sám hối trước Đức Phật A Di Đà (3 lần)

Tưởng tượng Ngài tỏa hào quang rực rỡ trên đỉnh đầu (nếu không tưởng tượng được thì có thể chỉ cần tưởng tượng một khối ánh sáng màu trắng trên đỉnh đầu) và sám hối những lời sau:

“Con xin sám hối tất cả các nghiệp xấu con đã gây ra trong ngày hôm nay, trong cuộc đời này, trong tất cả các đời quá khứ bằng thân, khẩu, ý của mình. Các hành động này là kết quả của tham, sân, si do con còn vô minh, chưa giác ngộ. Con quyết tâm tu tập đúng đắn để không mắc lại một lần nữa.

Con xin lỗi tất cả những người con đã vô tình hay cố ý gây ra điều xấu cho họ trong cuộc đời này và các đời trước. Con quyết tâm tu hành Giác ngộ để giúp mình và họ mãi mãi thoát khỏi mọi đau khổ của luân hồi”.

4.3 Niệm A DI ĐÀ PHẬT hoặc OM MANI PADME HUM

Khi đọc nên tập trung vào âm thanh.

Khi niệm thầm thì tập trung vào suy nghĩ.

Vừa tụng, niệm, vừa quán tưởng Đức Phật (hoặc ánh sáng màu trắng trên đỉnh đầu) sẽ phát huy sức mạnh tối đa.

(“Nếu tâm con ở trạng thái đấy, kiểu gì cũng dẫn về chỗ tốt” – lời Thầy Trong Suốt)

4.4 Lời dặn của Thầy

a. Nhớ các điều tốt đã làm

Nếu tâm bị chùng xuống thì hãy nhớ các điều tốt đã làm để tâm sáng lên, không rơi vào trạng thái hoang mang. Ví dụ: Nhớ đến niềm hạnh phúc khi tặng đài nghe Pháp cho mọi người, khi giúp cụ già trong bệnh viện…

b. Tưởng tượng Phật (hoặc ánh sáng màu trắng) trên đỉnh đầu và niệm Phật

Dù có bất kì chuyện gì xảy ra, ai đó kéo chân, kéo tay con, khóc lóc hay làm bất kể điều gì, con luôn phải nhớ niệm Phật và tưởng tượng Phật (hoặc ánh sáng màu trắng) trên đỉnh đầu, tâm hướng về phía đỉnh đầu để không xuống cõi thấp.

c. Tự nhủ một cách chắc chắn

Tôi sẽ chết một cách không sợ hãi, không bám chấp, không hối tiếc, một lòng hướng Phật. Quan trọng là tâm mình lúc nào cũng hướng đến Phật thì Phật sẽ đến đón mình, hoặc nếu không cũng đến một chỗ tái sinh tốt đẹp.

Kết:

Thay vì phải né tránh như một điều cấm kỵ, “cái chết” khi được trí tuệ soi sáng đã trở thành một điều rất bình thường, đương nhiên xảy ra, không thể tránh khỏi. Nhờ đó, người sắp chết cũng như người thân trong gia đình có thể thay đổi cách sống: tập trung vào “sống như thế nào” thay vì “sống bao lâu”, và hiểu trí tuệ là con đường duy nhất giúp chính mình trong thời khắc sinh tử.