Không cần bỏ tình, tiền, danh lợi, chỉ cần bỏ một thứ mà hết khổ

Sống ở đời, giữa vòng xoáy của tình-tiền-danh lợi, chúng ta bị những cơn sóng phiền não, đau khổ xô đẩy liên tục, không dừng dứt. Càng vùng vẫy để thoát ra, ta càng bị trói chặt. Nhưng sự thật là để an lạc giữa đời, con người chỉ cần từ bỏ một thứ duy nhất mà thôi. Vậy đó là thứ gì?

Thầy Trong Suốt: Theo mọi người có tiền xong mình vui có xấu không ạ? Được con cái đến ôm hôn, mình vui, theo mọi người có xấu không ạ? Được người yêu đến chiều chuộng, xong mình an lạc có xấu không ạ? Đâu có xấu đâu, đúng không ạ? Người khác tôn vinh ca ngợi mình, xong mình hạnh phúc, có xấu không ạ? Không hề xấu!

Cái gì mới là xấu? Tiền bạc, ái tình, danh vọng, con cái, người yêu v.v… đấy không phải là cái gây đau khổ. Cái gây đau khổ là sự nhầm lẫn bên trong mình.

Hồng Long: Dạ thưa Thầy, đau khổ này là do mình bám chấp vào nó quá nên mình cảm thấy hy vọng vào nó. Mình mong đạt được nó, nhưng không đạt được thì mình sẽ thấy khổ. Ví dụ, mình mong người chồng của mình không nhậu nhẹt, nhưng chồng mình lúc nào cũng nhậu, mà mình không thể nào buông ra được thì mình thấy khổ. Mình khổ là vì như vậy.

Thầy Trong Suốt: “Những thứ hiện ra không trói buộc các bạn, mà sự bám chấp của các bạn mới trói buộc các bạn“. Vì vậy, cái cần làm có phải là phá tan thế giới này không? Bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ tình, bỏ tiền, bỏ mọi thứ lên núi tu, có phải thế không?

Không phải, vì nó có là vấn đề đâu? Vấn đề đâu phải là những thứ đó trói các bạn. Nên không phải bỏ những thứ đấy, mà hãy bỏ một thứ thôi. Bỏ thứ gì?

Hãy làm tan biến sự bám chấp của bạn vào chúng, thế thôi! Đấy là quan điểm của Tilopa – một bậc thầy vĩ đại dạy Naropa và cũng là quan điểm để chúng ta vào đời “lạc mà không lạc”.

Những thứ hiện ra không trói buộc các bạn, mà sự bám chấp của các bạn mới trói buộc các bạn!

Vào đời, chúng ta có tất cả những thứ cuộc đời đem đến mà không bị lạc lối thì chỉ cần bỏ đi một thứ thôi, đó chính là bám chấp. Tình yêu có làm các bạn đau khổ không? Bao nhiêu người nghĩ là tình yêu không làm đau khổ giơ tay. Vậy cái gì làm đau khổ ạ?

Mọi người: Bám chấp.

Thầy Trong Suốt: Sự bám chấp mới làm đau khổ. Hai người yêu nhau đâu có khổ đâu? Khi yêu có khổ không ạ? Yêu mình rất bay bổng, không khổ. Vậy cái gì mới làm mình khổ? Khi giận hờn mới bắt đầu khổ; khi hờn ghen mới khổ.

Giận rồi ghen đến từ đâu ạ? Đến từ việc mình bám chấp vào người đấy. Người ta phải làm thế này, không được làm thế kia. Người ta không được rời mình đi, ở cạnh mình mãi mãi. Mắt người ta không được nhìn sang cô khác, chỉ nhìn một cô này thôi, đúng không? Hoặc không nhìn sang anh khác, nhìn anh này thôi… Tất cả cứ bám chấp vào tình yêu mới gây ra đau khổ. Tình yêu không gây ra đau khổ.

Tương tự như vậy, tiền bạc cũng không gây đau khổ. Khi tiền bạc không thể làm ông chủ của mình, ngược lại, làm nô lệ cho mình thì đâu có khổ đâu! Khổ chỉ đến khi mình bám chấp vào tiền bạc – “phải có tiền”. Mình hết bám chấp vào tiền bạc, nghĩa là có tiền thì nhà cao cửa rộng, mà không có tiền thì khách sạn ngàn sao. Có gì đâu, đúng không ạ? Khách sạn ngàn sao đầy ấy mà, bầu trời lấp lánh hàng ngàn ngôi sao. Đâu vấn đề gì đâu, ra đường mà ở.

Vấn đề của bám chấp là gì? Tôi như này phải ở chỗ này cơ, cỡ như tôi không thể ở nhà lụp xụp được, không thể ở nhà dưới 2 – 3 phòng được. Còn nếu tôi thế nào cũng được, hôm nay tôi giàu có, đi bất kỳ chỗ nào cũng được, nhưng mai hết tiền tôi có thể xách balô, mặc quần thủng đít đi giữa đời mà vẫn vui vẻ thì đâu có khổ! Cái khổ đến từ “Tôi giàu. Tôi phải ăn mặc đẹp. Tôi phải đi xe hơi”. Nếu bám chấp cái đấy thì giàu vẫn khổ, mà không bám chấp cái đấy thì nghèo mà vẫn an lạc.

Chỉ cần bỏ một thứ thôi, cái thứ đấy gây ra mọi thứ khác, gây ra đau khổ. Đó là thứ gì? BÁM CHẤP mà thôi.

Hôm qua, Trong Suốt gặp bác lái xe taxi, bác ấy bảo: “Thầy ơi, bây giờ con còn lo cơm áo gạo tiền lắm, bỏ thế nào được?”. Trong Suốt mới bảo bác: “Không phải! Vấn đề không bao giờ có thể nằm ở cơm áo gạo tiền. Bất kỳ người nào đang phải lo cơm áo gạo tiền vẫn có thể an lạc được. Vì vấn đề có nằm ở cơm áo gạo tiền đâu? Vấn đề nằm ở bám chấp vào cơm áo gạo tiền”. Thế nên, muốn vào đời “lạc mà không lạc” thì chỉ cần bỏ một thứ thôi chứ không phải là bỏ nhiều thứ. Đó chính là bám chấp. Bám chấp đấy chắc chắn đến từ sai lầm bên trong. Tại sao mình lại bám vào tiền, bám vào tình? Chắc chắn là vì bên trong mình có nhầm lẫn, nên để bỏ được bám chấp phải bỏ được nhầm lẫn bên trong.

Còn nhầm lẫn là gì? Tất cả những hiểu biết không đúng về sự thật thì gọi là nhầm lẫn. Cái đấy phải bỏ. BỎ NHẦM LẪN, BỎ BÁM CHẤP! Khi đấy thì sống giữa đời, có đầy đủ vợ con, nhà lầu xe hơi, công danh sự nghiệp vẫn hoàn toàn an lạc. Và đặc biệt là có thể giúp được những người khác. Còn nếu vào rừng thì rất khó giúp người. Vào rừng chỉ có chim muông với cả hươu nai thôi, khó giúp lắm vì họ không hiểu tiếng mình nói. Giữa đời này rất nhiều người hiểu được tiếng mình nói, học được cách mình sống, có thể giúp được mọi người. Nên nhập thế thì mình vừa an lạc, vừa giúp được nhiều người. Trong lịch sử có nhiều vị đã chọn con đường nhập thế và giác ngộ giữa đời. Và lịch sử ngày nay cũng không ngoại lệ, rất nhiều người trong chúng ta có tiềm năng nhập thế mà vẫn an lạc, chứ không phải là lạc lối.

Trích Trà đàm “Nhập thế lạc mà không lạc”.