Làm sao để bỏ được lòng tham?

Dường như ai cũng từng được dạy rằng phải nỗ lực hết sức để gặt hái nhiều hơn, nhiều hơn, rồi nhiều hơn nữa… Liệu đó có phải là một thái độ sống có trí tuệ? Hay vì thiếu hiểu biết mà chúng ta đã vô tình trở thành nô lệ của lòng tham, phải đạt được thứ này thứ kia mới thoả mãn. Làm thế nào để hiểu được bản chất của lòng tham và từ bỏ nó?

 

Hồng Nhung: Dạ, em có một câu hỏi về lòng tham ạ. Ví dụ mình làm tốt, rồi công ty có hứa hẹn về một phần thưởng hấp dẫn. Lúc đầu khi nhận được lời hứa hẹn đó thì mình rất vui, thấy đó là thành quả cho những nỗ lực của mình. Nhưng trong thời gian chờ nó xảy ra thì lại có một nỗi sợ là nó sẽ không xảy ra như thế. Em thấy thực ra là nó chưa diễn ra, nó chưa phải là của mình, nhưng mà trong lòng mình vẫn không kiềm được hi vọng về nó và muốn có nó. Và tự nhiên, từ cái trạng thái đang vui vẻ vì được thành quả thì mình lại có một nỗi sợ và một sự khó chịu trong lòng rằng “nó sẽ không xảy ra như thế”. Thế thì làm sao để có thể bỏ được cái lòng tham đó?

Thầy Trong Suốt: Ừ, tốt! – “Hồng Nhung, phần thưởng hiện ra không trói buộc con, mà sự bám chấp của con vào phần thưởng mới trói buộc con. Vì thế, Hồng Nhung hãy làm tan biến… phần thưởng”(Cười). Tan biến gì nhỉ?

Mọi người: Sự bám chấp.

Thầy Trong Suốt: “…Sự bám chấp của con vào phần thưởng, hỡi Hồng Nhung!”. Trong câu chuyện của em, em đã có sự bám chấp vào phần thưởng rồi. Cái sợ hãi nói lên sự bám chấp. Bám chấp là gì? Là em muốn phần thưởng phải đến với em. Muốn là bắt buộc ấy, nó phải xảy ra. Khi mình muốn điều gì phải xảy ra, thì đó là bám chấp. Còn nên xảy ra chưa phải là bám chấp. Nếu mà “phần thưởng nên đến với tôi, không đến thì thôi” – thì có gì bám chấp? Chưa, đấy không phải bám chấp!

Bám chấp là bắt nó phải xảy ra. Đấy là vấn đề tâm lý – “Phần thưởng phải đến với tôi”, vì thế bắt đầu có lo sợ. Khi có bám chấp thì dấu hiệu rõ nhất là lo sợ. Vì khi mình muốn nó phải xảy ra, thì mình thấy một tỉ khả năng để nó không xảy ra, đúng không? Em bắt đầu sợ. Rất dễ, em chỉ cần hiểu nhân quả là xong. Mọi người giở cái này có câu đấy. (Trong Suốt chỉ quyển lịch đang cầm trên tay) Câu tháng mấy nhỉ, câu phúc phận ấy?

Nguyên Thảo: Tháng Ba ạ.

Thầy Trong Suốt: Tháng mấy? Có ai nhớ không? Có học trò nào của Trong Suốt nhớ không? A, đây, đây, đây! Em có quyển lịch, em được thưởng đúng không? Em mở tháng Ba đi. Chuẩn luôn, phần thưởng dành cho em là chuẩn rồi!

Hồng Nhung: “Đừng quá mong muốn một cái gì đấy, vì nếu phúc phận của mình không đủ thì chẳng có được. Đừng quá sợ mất một cái gì đấy, vì nếu phúc phận mình đủ thì không mất đi được. Hãy lo xây dựng nghiệp tốt và tránh những nghiệp xấu”.

Thầy Trong Suốt: Đấy! Câu trả lời của em đấy, rõ chưa? Nhân quả thôi mà! Nếu em gieo đủ nhân tốt và những nghiệp tốt trong quá khứ của em, nếu em đủ phúc phận thì kiểu gì nó cũng đến. Đúng chưa? Đừng quá mong muốn vì sao? Đủ thì nó đến, ngược lại, nếu không đủ thì chẳng đến. Tương tự như vậy, mình sợ mất quá thì sao? Nếu đủ phúc phận rồi thì nó sẽ đến, nếu không đủ thì nó sẽ đi mất. Khi em hiểu điều đấy thì em gieo nhân tốt thôi, làm những việc tốt, những việc mà cơ quan yêu cầu em, chứ không cần phải lo sợ là mất hay không mất. Cứ gieo nhân tốt thôi, còn quả đến thì đến, còn không thì thôi, là hết bám chấp.

Như vậy câu trả lời là gì? Nhân quả. Có được hay không được là do nhân quả nên mình không cần phải lo lắng, lo sợ, không cần phải quá ham muốn, quá sợ hãi. “Bồ Tát sợ nhân chúng sinh sợ quả”. Bồ Tát là người gieo nhân cẩn thận, còn quả đến hay không thì nhân quả quyết, nên là chỉ sợ nhân, cứ gieo nhân cẩn thận thôi.

“Chúng sinh sợ quả” là gì? Ngồi cứ lo “liệu nó có đến không nhỉ?” – là kiểu của em lúc nãy đấy. Mình hãy chuyển sang kiểu Bồ Tát đi! Mình học Bồ Tát, mình chỉ gieo nhân mình cho là đúng nhất, cứ làm cái việc mà mình cho là đúng nhất. Cơ quan yêu cầu, làm đúng, làm tốt nhất. Còn nó đến đâu thì đến, không thì… Không thì sao? Không thì thôi chứ sao, vì nó chỉ là nhân quả mà thôi.

Đấy! Câu trả lời của em nằm trong tháng Ba. “Đừng quá mong muốn một cái gì đấy, vì nếu nhân quả của mình không đủ thì chẳng có được”. Phúc phận đấy! “Đừng quá sợ mất một cái gì đấy, vì nếu nhân quả của mình đủ thì không mất đi được”. Không mất đi được luôn! Đừng quá mong muốn một anh nào đấy vì nếu nhân quả của mình không đủ thì chẳng có được. Đừng quá sợ mất một anh nào đấy vì nếu nhân quả của mình đủ thì kiểu gì chẳng về tay bà. (Mọi người cười). “Hãy lo xây dựng nghiệp tốt và tránh nghiệp xấu”.


Vì thế Bồ Tát chỉ gieo nhân thôi, nhân là gieo nghiệp tốt tránh nghiệp xấu đấy, chứ không cần lo về quả nữa. Em hiểu không? Đấy! Câu trả lời cho em nằm ở đây này.

Trích trà đàm: “Nhập thế, lạc mà không lạc” – Hồ Chí Minh, tháng 5/2017.

***
Bạn có thể tìm thấy bản đầy đủ tại link sau:

Đánh máy 

Danh sách toàn bộ các buổi trà đàm có thể tìm thấy ở đây:
https://trongsuot.com/tra-dam-trong-suot/

🌼 Download Trà Đàm Trong Suốt App tại đây 
🌼 
Link IOS: https://itunes.apple.com/app/id1251042070
🌼 Link Android: https://play.google.com/store/apps/details