Thử thách thần chết: Giữa hai thế giới – Bài học về Tình yêu thương

Mở đầu bằng khái niệm “luân hồi chuyển kiếp”, kết thúc bằng “nhân quả” sâu sắc, “Thử thách thần chết: Giữa hai thế giới” là bộ phim vô cùng thú vị, giúp bạn hiểu về “sự thật đằng sau cái chết” – Chia sẻ của bạn Lan Anh, thành viên CLB.

“Thử thách thần chết: Giữa hai thế giới” mở đầu bằng cái chết của người lính cứu hoả Kim Ja-hong (Cha Tae-hyun) khi anh liều mình làm nhiệm vụ.

Nhưng chết chưa phải là hết. Sau khi rời bỏ thân xác, linh hồn Ja-hong lập tức được 3 vệ thần Gang-rim (Ha Jung-woo), Won-maek (Ju Ji-hoon) và Duk-choon (Kim Hyang-gi) đưa xuống Địa phủ.

Ja-hong là ‘linh hồn thuần khiết’ – điều các vệ thần đã chờ đợi trong suốt 19 năm. Họ khao khát hộ tống thành công Ja-hong đầu thai ngay trong 49 ngày sau khi chết.

Ja-hong, anh lính cứu hỏa tốt bụng không may qua đời trong lúc làm nhiệm vụ và được các Vệ thần giúp đỡ để sớm được đầu thai làm người.

Để được như vậy, Ja-hong phải vượt qua sự phán xử ở 7 tầng địa ngục – tượng trưng cho bảy tội lỗi lớn.

Bắt đầu từ đây, các biến cố lớn xảy ra, những bi kịch được hé lộ, kèm theo là bài học về nhân quả, luân hồi, nghiệp báo … được cài đặt tinh tế và sâu sắc.

Ải số 1: Sát sinh – chìm dưới biển lửa

Tại đây, Ja-hong bị kết tội ‘thấy chết không cứu’. Linh hồn anh có nguy cơ bị thiêu cháy trong biển lửa. May mắn vệ thần đã tìm ra nguyên nhân, vì anh đã tập trung vào việc cứu nạn nhân nên không kịp cứu đồng đội của mình.

Những linh hồn không vượt qua được ải này sẽ chịu đày xuống biển lửa và nham thạch cho đến khi chuộc hết tội lỗi sát sinh.

Ngoài ra, trong lần đó, Ja-hong đã cứu 8 mạng người vì thế anh có thể “chuộc” được việc “không kịp” cứu đồng đội của mình.

Bài học nhận ra:

  • Một việc khi nhìn bề ngoài có thể xấu. Nhưng tốt hay xấu thực sự phải nhìn vào tâm ý, hay còn gọi là ‘động cơ’.
  • Việc xấu (tạo nghiệp xấu) như một dấu trừ, việc tốt (tạo nghiệp tốt) là một dấu cộng. Việc ‘lập công chuộc tội’ vẫn có thể được chấp nhận.

Ải số 2: Lười nhác – bị nghiền nát

Ải này tuy mang tên lười nhác, nhưng thực chất là phán xử các hành động của linh hồn khi còn sống có sự vị kỷ, xao nhãng, lãng phí hoặc thiếu kiên định.

Bị kết tội lãng phí kiếp người khi chỉ sống để kiếm tiền, Ja-hong bị đày xuống ‘Bánh xe lười nhác’ – nơi các linh hồn phải luôn chạy thật nhanh nếu không muốn bị nghiền nát trong đau đớn.

Ở đây, Ja-hong suýt bị kết tội rằng ‘mọi việc anh làm đều chỉ vì tiền’. May mắn, các vệ thần đã chứng minh mục đích anh kiếm tiền là để nuôi mẹ già và em trai đi học.

Bài học nhận ra:

Trong ải này, vị thần đã hỏi Ja-hong “Có phải con làm vậy để mỗi ngày được sống trọn vẹn hay không?”. Vậy thế nào là sống trọn vẹn. Đó là mỗi phút gây chúng ta đều tạo ra giá trị. Điều Ja-hong tạo ra không chỉ là tiền mà là mạng sống, niềm hi vọng của người mẹ câm điếc và hy vọng học tập cho người em trai.

Ải số 3: Dối trá – bị cắt lưỡi

Ở ải Dối trá, Thần phán xử là một cô bé con khiến người xem liên tưởng tới câu nói “Đừng bao giờ lừa dối trẻ con”. Với trẻ con chỉ có đúng hoặc sai, tốt hoặc xấu, lòng tin là tất cả.

Đừng bao giờ lừa dối trẻ con – một thông điệp trong nuôi dạy con cái. Hãy sống theo những giá trị mà bố mẹ muốn con hướng đến. Một lần làm trái với giá trị trên, con trẻ sẽ không bao giờ tin mình nữa.

Một lần nữa Ja-hong bị kết tội khi anh giả danh một người cha đã mất để viết thư cho cô con gái. Tuy nhiên, thêm một lần nữa anh được phủ tội, vì kết quả của lời nói dối đó là cô bé đã sống hạnh phúc và chín chắn trong suy nghĩ.

Bài học nhận ra:

  • Cô bé kia dù biết bố mình đã mất, hiểu rằng những bức thư kia là giả, nhưng cô vẫn háo hức chờ đợi. Bởi hạnh phúc của cô phụ thuộc vào việc mỗi ngày nhận được tình yêu thương. Và chính chúng ta cũng vậy.
  • Lời nói dối không làm tổn thương người khác thì vẫn có thể xem xét.
  • Đôi khi phải trải qua mất mát thì chúng ta mới trưởng thành. Khi đau khổ, ta sẽ hiểu rằng tình cảm có đến có đi, con người có sinh ly, tử biệt.
  • Nếu như lúc trước, niềm vui của cô bé là chờ đợi ‘ông bố giả’, thì cuối Ải 3, cô đã chấp nhận HIỆN TẠI, vui sống với những điều đang xảy ra.

Đừng dành nước mắt cho quá khứ, cảm nhận cuộc sống “ngay tại đây và bây giờ” là thông điệp chính tại ải số 3.

Ải số 4: Bất chính – chết cứng trong băng đá

Bất chính là che giấu tội lỗi vì mục đích riêng. Với ải này Ja-hong dễ dàng vượt qua. Nhưng tại đây cái chết đầy oan khuất của Su-hung – em trai Ja-hong được tiết lộ. Cậu đã bị ngộ sát bởi chính đồng đội mình và trở thành một ‘ngạ quỷ’ uất hận, sống vất vưởng.

Bài học nhận ra:

  • Hy vọng là động lực và tài sản quý giá nhất của bất kỳ ai. Chỉ khi tuyệt vọng chờ chết con người mới nhận ra điều đó.
  • Dù không cố ý làm việc sai (ở đây người đồng đội vô tình gây ra cái chết của Su-hung), nhưng sự cắn rứt lương tâm vẫn đeo bám tới cuối đời.

Ải số 5: Bất tín – nhốt trong hộp gương

Câu nói mở toàn bộ nút thắt cho ải này: ‘Đôi khi việc bất tín sẽ được bỏ qua. Trong một số trường hợp, người này buộc phải đưa ra quyết định trong tình huống cấp bách’.

Điểm nhấn của ải 5 là Su-hung cứu mạng và tha thứ cho người đồng đội đã ngộ sát mình.

Bài học nhận ra:

  • Khi xác định ai đó ‘bất tín’ thì mình cần nhìn vào hoàn cảnh. Có thể chính họ không muốn điều đó, nhưng vì hoàn cảnh mà sinh ra hành vi ‘bất tín’.
  • Lòng vị tha có thể hoá giải uất hận. Khi có thể buông lòng hận thù, Su-hung trở lại là một linh hồn lém lỉnh, đáng yêu.

Ải số 6: Bạo lực – tra tấn trong hố đá

Ở đây, các cảnh bạo lực được tái hiện tàn khốc. Đó là cảnh Ja-hong đánh đập em mình và dự định giết hại người mẹ câm điếc.

Tại ải này, các Vệ thần đã phải xin cho Ja-hong, vì ở Ải cuối cùng này (Bất hiếu), họ không thể chứng minh anh vô tội.

Bài học nhận ra:

  • Ý định giết mẹ (sau đó tự tử) và hành động đánh em của Ja-hong ẩn chứa lòng từ bi sâu sắc, mong mẹ và em thoát khổ. Nhưng lòng từ bi đó nảy sinh khi thiếu trí tuệ, nên đã khiến các nhân vật lún sâu vào đau khổ.
  • Dù hành động xuất phát từ tâm ý tốt (muốn mẹ và em hết khổ) nhưng không có trí tuệ thì kết quả vẫn gây ra sai lầm.

Ải số 7: Bất hiếu – chìm trong biển cát

Trong ải này, Ja-hong bị khép vào tội bất hiếu với những chứng cứ không thể chối cái. Anh suy chút nữa giết mẹ, lừa dối bà, đi biệt tích 15 năm không về…

Bản thân Ja-hong khi xem lại cảnh tái hiện, trong lòng đầy đau đớn. Anh từ bỏ hy vọng được tái sinh và cầu xin hình phạt nặng nhất để bù đắp cho những sai lầm.

Chúa tể Yeorma là vị thần xét xử tại cửa ải cuối cùng này.

Khi Ja-hong từ bỏ hi vọng, các Vệ thần bất lực, thì người cứu vớt linh hồn anh lại chính là ‘lòng vị tha của người mẹ’. Trong khoảnh khắc nguy nan, người mẹ thốt lên lời tha thứ đầy yêu thương giúp cho Ja-hong ra khỏi vòng đầy đoạ.

Bài học nhận ra:

  • Người mẹ dù chết vẫn có thể vì con làm tất cả.
  • Hành động tốt xuất phát từ động cơ tốt vẫn sẽ là tội, nếu làm người khác tổn thương.
  • Tội lỗi sẽ được xoá bỏ khi người bị tổn thương chịu tha thứ.

Kết quả hình ảnh cho along with the gods last stage sand

Một số câu hỏi kỳ thú được đặt ra thách thức trí tò mò người xem:

  • Vì sao vệ thần cần giúp các ‘linh hồn thuần khiết’ để chính họ được đầu thai?
  • Tiền kiếp của các vệ thần có phải bản bi hùng ca?
  • Liệu vệ thần Gang Rim và Su-hong có phải tiền kiếp của nhau?
  • Những người lấp lửng giữa sống và chết có thể thấy cả 2 thế giới?
  • Liệu có thể hồi hướng cho người thân để linh hồn của họ được đầu thai tốt lành?

Như vậy, một linh hồn tinh khiết như Ja-hong tưởng như không tì vết, nhưng khi từng góc khuất được lật ra, đúng – sai tựa như ranh giới mong manh, tuỳ thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Chỉ còn lại tình yêu đích thực và sự cảm thông mới là chìa khoá để gột bỏ sai lầm và mang tới những điều tốt đẹp.

Quan trọng nhất, khi chúng ta làm bất cứ điều gì, dù thoảng qua như một suy nghĩ, thì tất cả đều được ‘ghi chép’ vào cuốn sổ nhân – quả của riêng mình. Vì vậy, cần cẩn thận trong suy nghĩ và hành động của mình. Sống có trí tuệ, làm điều có ý nghĩa để có được hạnh phúc đích thực.

Mời các bạn cùng xem phim và chia sẻ bài học cùng CLB Phát triển bản thân Trong Suốt vào mỗi Thứ Sáu hàng tuần nhé!