Venom – Đánh nhau với chính mình hay Ôm lấy chính mình?

Venom – Bộ phim khai thác đề tài người ngoài hành tinh một cách rất thú vị đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc về cái Tôi chấp nhận thực tại của mình. Mong rằng sẽ có một ngày nào đó tôi thực sự biết “ôm lấy chính mình” như các nhân vật trong phim, chứ không mải đánh nhau như bây giờ nữa – Chia sẻ của bạn Lan Anh, thành viên CLB.

Hình ảnh những “quái vật ký sinh”, tàn phá cơ thể vật chủ và ăn thịt người, ngay từ đầu đã gieo rắc nỗi sợ hãi về một thế giới sắp bị tàn phá bởi những sinh vật ngoài hành tinh, trong đó có Venom – một quái vật đã từng xuất hiện trong Spider Man và là nhân vật tạo nhiều nút thắt mở trong bộ phim này. Không dừng lại là một bộ phim viễn tưởng, Venom đã dần hé lộ ra những góc nhìn khác mà trong đó người xem ít nhiều nhìn thấy chính bản thân mình – đó là những nỗi sợ tiềm ẩn. Nhưng ai mới là kẻ thù đích thực của mình – lời giải đáp nằm ở những phút cuối của bộ phim này. 

  1. Những “điểm mù” khi chỉ biết yêu bản thân

Khi quá yêu bản thân mình và chỉ biết nghĩ cho riêng mình, chúng ta sẽ có những “điểm mù” do cái Tôi có xu hướng thích phóng đại tất cả những điểm tốt của mình, và tìm cách đổ lỗi ra bên ngoài khi gặp thất bại.

Eddie, một phóng viên đầy tài năng, chỉ vì ham muốn theo đuổi phóng sự điều tra của mình đã lén xem tài liệu mật của bạn gái – một luật sư đại diện cho tập đoàn mà anh đang điều tra. Sau khi vạch trần bộ mặt của Drake, chủ tịch Tập đoàn này, Eddie bị đuổi việc. Mất việc, mất người yêu, danh tiếng sụp đổ, khi phải vét những đồng tiền cuối cùng để sinh sống, anh đã đổ lỗi cho người yêu, cho ông chủ, cho hoàn cảnh xung quanh.

Ở một thái cực khác, Drake – chủ tịch Tập đoàn, kẻ quá yêu bản thân mà trở nên tự phụ, ngạo mạn, vì theo đuổi mục đích tưởng như cao thượng nhưng thực chất lại rất cá nhân, Drake đã anh quá tự tin vào kế hoạch ngự trị thế giới mà bất chấp mọi lời can ngăn của nhân viên.

Eddie và Drake – 2 nhân vật cùng được ký sinh bởi Symbiote

Riot, tên quái vật chúa tể ngoài hành tinh cũng quá phóng đại sức mạnh của bản thân đến mức quên mất điểm yếu chí tử là tần số âm thanh 4000Hz, để rồi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Anna, cô bạn gái từng rất yêu Eddie nhưng vì anh mà mất việc nên đã oán trách anh và ngay lập tức có bạn trai mới để lấp chỗ trống cho mình.

Michelle Williams vào vai cô bạn gái Anne vô cùng ngầu và “chất” của Eddie.
Anna – nhân vật đã tạo nên cú chuyển mình then chốt cuối phim

Mỗi nhân vật đều đứng trước những tình huống vô cùng khó khăn buộc họ phải lựa chọn hành động. Khi vẫn còn bị cuốn theo những cảm xúc của tham lam, kiêu ngạo, ganh tị, sợ hãi … họ vẫn bế tắc trong trận chiến với chính mình. Chỉ khi hoàn toàn chấp nhận bản thân, họ mới tìm được lối thoát khỏi nỗi sợ hãi của chính mình. Đó là Eddie, là Venom, là Anna – những người đã dũng cảm bỏ xuống cái Tôi của mình để hành động vì người khác.

  1. Đánh nhau với chính mình

Hình ảnh một quái vật ký sinh trong vật chủ không khác lắm với những gì văn thơ thường miêu tả, rằng trong bản thân mỗi người đều tồn tại cả thiên thần và ác quỷ. Chúng ta thường căm ghét con quỷ trong lòng mình và muốn chiến thắng nó, thống trị nó, để chỉ còn lại sự tốt đẹp của Thiên thần mà thôi.

Vì mải đánh nhau với con quỷ xấu xa bên trong mà chúng ta dần mất đi năng lượng, sự minh mẫn, sức lực và thời gian. Eddie đã dành quá nhiều lo lắng, sợ hãi, kháng cự, … để khống chế Venom – sinh vật kí sinh, cho đến khi anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận bản thân phải sống chung với Venom như một thực thể duy nhất. Chỉ đến lúc này, Eddie và Venom mới có tìm được tiếng nói chung thỏa thuận trong cách hành xử.

Diễn xuất miễn chê của nam chính Tom Hardy.
Trong lúc tìm cách nghiên cứu và chế ngự phần “ký sinh” bên trong mình

Về phía Venom cũng không khác, dù đã tìm được Eddie là vật chủ phù hợp, nhưng sinh vật này vẫn liên tục đòi hỏi Eddie phải làm theo ý mình: phải xin lỗi Anna, phải ăn thịt sống, phải tôn trọng Venom, không được gọi Venom là “ký sinh”, phải mạnh mẽ đánh trả lại những kẻ coi thường Venom… Chỉ đến khi Venom chấp nhận được thực tế rằng Eddie yếu đuối kia là một phần của mình tại Trái đất, thì khi ấy Venom mới có được cái nhìn khác về con người, và chấp nhận thay đổi những thói quen của mình để có một cuộc sống mới tại Trái đất.

Cùng với sự chuyển hoá của Eddie và Venom, con mắt của khán giả xem phim cũng dần thay đổi, từ ác cảm với những hình ảnh nhầy nhụa, gớm ghiếc của quái vật ngoài hành tinh, kẻ sống kí sinh trên cơ thể vật chủ và ăn thịt người, cần phải tiêu diệt cho đến khi khán giả có thiện cảm với Venom, nhận ra những nét đáng yêu của sinh vật này. Vậy điều gì đã làm cho chính chúng ta chuyển từ cảm giác căm ghét phải tiêu diệt, sang chấp nhận và yêu thương một con vật ăn thịt người?

  1. Ôm lấy chính mình để dũng cảm và yêu thương

Khi có thể chấp nhận được cả những điều tốt đẹp và xấu xa bên trong mình, ta biết cách ôm lấy chính mình, và nhờ vậy có thể ôm cả những người khác. Lúc này, mặt xấu cũng có thể trở thành mặt tốt, vì ta biết cách chuyển hoá và sử dụng nó để hành động trong yêu thương và trí tuệ.

Venom, từ đầu phim đã khiến khán giả ghê sợ với hàm răng sắc nhọn, cơ thể nhầy nhụa, và những cơn giằng xé, tàn phá cơ thể vật chủ, nhưng chỉ khi được Eddie chấp nhận, Venom đã học cách dung hòa, chấp nhận những yêu cầu của Eddie để chung sống hoà thuận với con người ở Trái đất.

Ngay cả Anna, cô gái đã chứng kiến mọi chuyện, dù không chắc rằng Venom có thích hợp với cơ thể của mình hay không, nhưng đã dũng cảm chấp nhận cho Venom nhập vào cơ thể mình để có cơ hội đi cứu Eddie.

Màn song đấu giữa Venom và Riot đã gỡ gạc lại phần nào cho cái kết không thoả mãn của phim.
Cảnh đánh nhau khốc liệt giữa Eddie – Venom và quái vật Riot

Khi chấp nhận được mình, bạn sẽ chấp nhận luôn cả thực tại đang diễn ra với mình. Dù có khủng khiếp thế nào đi nữa, những người quên mình hành động vì người khác như Eddie, Anna, hay chính Venom đều có trong mình sự dũng cảm phi thường. Cô tiến sỹ, nhân viên của Drake, dù đặt gia đình mình trong mối đe doạ hiểm nguy, quyết định không thể làm ngơ trước cuộc thí nghiệm tàn bạo và dũng cảm tìm đến Eddie, tạo cơ hội cho “đôi bạn” Eddie-Venom được hội ngộ.

Khi chấp nhận được mình, bạn sẽ không cố gắng nuông chiều mặt tốt của mình mà sẽ chung sống trong trí tuệ với cả cái tốt và cái xấu của mình. Khi Eddie không xem Venom là vũ khí lợi hại của bản thân, anh nhất quyết bắt Venom ăn chay và hành xử theo nguyên tắc loài người. Venom cũng không xem Eddie như phương tiện để mình ký sinh mà yêu cầu anh phải tôn trọng mình và ép Eddie phải xin lỗi Anna.

Venom đã cho chúng ta thấy mặt mạnh của mình chưa chắc đã luôn mạnh, và mặt yếu của mình chưa phải đã luôn yếu. “Hai kẻ thất bại có thể trở thành một anh hùng” – chỉ cần chúng ta biết chấp nhận chính mình, ôm lấy chính mình và hành động vì người khác.

[Review] Venom: Một bộ phim anti-hero đậm chất hài hước nhưng chưa đủ kịch tính - Ảnh 3.

Mời các bạn cùng xem phim và chia sẻ bài học cùng CLB Phát triển bản thân Trong Suốt vào mỗi Thứ Sáu hàng tuần nhé!