Yêu đơn phương (Hà Nội, 2012)

“Yêu là chết ở trong lòng một ít…” (thơ Xuân Diệu), nhưng yêu đơn phương thì “cái chết” ấy còn đau đớn và dai dẳng hơn nhiều. Nhưng sự thật thì yêu đơn phương lại không hề khổ như mọi người vẫn tưởng. Vậy cái đau khổ ấy, cái chết ấy do đâu mà có? 

1. Những mối tình đơn phương nhiều đau khổ

Thầy Trong Suốt: Ở đây đã ai đã từng yêu đơn phương, giơ tay nào! Từng yêu đơn phương, nhiều thế này?!

Một bạn nam: Anh này có gia đình rồi mà?

Thầy Trong Suốt: Từng yêu mà?

Một bạn: Yêu đơn phương, xong mới lấy nhau.

Thầy Trong Suốt: Bây giờ ai đang yêu đơn phương? Dũng cảm giơ tay!

Mọi người: Ai đang yêu đơn phương kìa? Tập trung, tập trung!

Thầy Trong Suốt: Đang yêu đơn phương, dũng cảm tí đi, phải rất dũng cảm!

Một người: Chỉ có mình em thôi, vậy nó mới lạ!

Thầy Trong Suốt: Bạn này chắc không dám giơ tay rồi đúng không? Có ai đang yêu đơn phương không?

Thầy Trong Suốt: Ngại gì, dũng cảm lên, hôm nay là ngày… Hôm nay là ngày 15 mà?

Một bạn: Hôm nay có Phật chứng đấy, giơ đại đi!

Thầy Trong Suốt: Ai đang yêu đơn phương? Đang yêu là phải giơ đấy!

Bạn khác: Thì anh cứ giơ đi. (Mọi người cười) Có mình Quý à, là yêu đơn phương?

Thầy Trong Suốt: Rồi, hai bạn. Yêu đơn phương có sướng không ạ?

Một bạn: Không!

Thầy Trong Suốt: Ai nói không đấy? (Thầy cười lớn)

Bạn đó: Đây, em!

Thầy Trong Suốt: Ở đây có ai yêu đơn phương mà sướng không ạ? Khó đúng không ạ? Yêu đơn phương mà sướng thì khó lắm, yêu mà người ta không đáp lại. Ngày xưa mình yêu đơn phương đến mấy lần liền, mình biết. Từ lớp 3 mình đã yêu đơn phương. Lớp 3 có một cô lớp trưởng bên cạnh, lúc xếp hàng cô ấy rất là oai phong. Mình chỉ là thành viên bình thường thôi, thế là mình thích cô ấy luôn mà cô ấy không biết. Nhà cô ấy ở Hà Nội, đường Thanh Niên ở trên Hồ Tây đấy. Ở đây có ai biết đường Thanh Niên không nhỉ? Hồ Tây?

Một bạn: Đường Cổ Ngư xưa đúng không?

Thầy Trong Suốt: Đấy đấy, đường Cổ Ngư xưa đấy, nhà cô ấy ở số 2 đường Thanh Niên, khi mình đi học về bao giờ mình cũng đi theo cô ấy. Lớp 3 thì đi bộ về nhà mà. Ở đây những ai yêu rồi? Thôi chưa yêu đơn phương vội, ở đây đã người nào mà yêu một người khác từ… lớp 12 trở lên, giơ tay ạ?

Một bạn: 12 trở lên?

Thầy Trong Suốt: Đông đúng không ạ?

Một bạn: Từ 11 được không?

Thầy Trong Suốt: Đây đang hỏi những người yêu trễ đấy, không phải là yêu sớm đâu. Rồi, rồi! Bây giờ từ lớp 10 trở đi, trở lên!

Một bạn: Nhưng mà yêu qua yêu lại chứ không phải yêu đơn phương.

Thầy Trong Suốt: Đơn phương cũng được. Biết yêu, lớp 10 trở lên, bao nhiêu người ạ? 1, 2, 3, 4, 5… Cô này lớp 10 không yêu anh nào hết? Có ai năm lớp 9 yêu không ạ? Lớp 8, có ai lớp 8 không ạ? Lớp 7?

Một bạn: Có luôn!

Thầy Trong Suốt: 1, 2… 7, rồi, có ai lớp 6 không?

Một bạn: Lớp 6 biết yêu chưa?

Thầy Trong Suốt: Lớp 6 không có ai à? Hả? Lớp 5? Lớp 4?

Một bạn: Có kìa!

Bạn được chỉ: Có nhưng không phải yêu mà thích thôi, không phải là yêu!

Thầy Trong Suốt: Thích cũng gọi là yêu rồi!

Bạn đó: Nhưng mà em yêu, tình yêu nó khác!

Thầy Trong Suốt: Yêu nó khác hả? Đây nói thích thôi cũng được! Cộng cả thích! Lớp 4 có ai thích bạn khác không ạ? Thích một cách gọi là ghê gớm, chứ thích kiểu thích thích thì không tính. Rất thích, thích ghê lớm lắm, giống như mình ấy, đi theo về đến nhà, xong rồi nhìn lên cửa sổ, xong rồi ngồi ở dưới nhìn lên cả nửa tiếng ở đấy… Ngày nào cũng thế!

Một bạn: Thế thì lớp 12 rồi!

Bạn khác: Nếu mà thích thì con từ lớp 1!

Thầy Trong Suốt: À đấy, cũng được! Được, được! Lớp 3 có ai không? Lớp 3 có ai không?

Một anh: Có!

Thầy Trong Suốt: À, lộ ra! Chị có biết không?

Vợ anh đó: Dạ không!

Thầy Trong Suốt: Không biết à! Bây giờ mới biết đấy, bây giờ mới biết.

Vợ anh đó: Tại vì lúc đó là khác hai thôn, cấp 1 học riêng. Lên cấp 2, đại học mới học chung một trường, lúc đó là chưa biết.

Thầy Trong Suốt: Chưa biết gì hết mà không khai à, bây giờ mới khai đúng không? Có ai lớp 2 không? Có ai lớp 2 không ạ? Có ai lớp 1 không?

Một bạn: Lớp 1 có!

Thầy Trong Suốt: Anh kể câu chuyện xem nào?

Bạn đó: Có nghĩa là hồi lớp 1, cô bé đó là lớp trưởng. Cô bạn ấy rất là sạch sẽ, thế là mình thấy mình thích cái cô ấy, không hiểu tại sao rất là thích. Hồi xưa mình viết bằng cây viết mà gọi là viết thép ý, mình tìm cách xin mực cô ấy.

Thầy Trong Suốt: Cái gì?

Bạn đó: Xin mực ấy, chấm vô! Nói chung là mình tích cực tìm rất nhiều cách để mà tiếp cận được cô ấy. Vì nói chung không hiểu đó là tình yêu hay cái gì nhưng mà rất thích, hồi mình nhớ lại.

Thầy Trong Suốt: Kết cục thế nào?

Bạn đó: Sau đó thì con không có đi cùng học, có lẽ là do con ở lại lớp, cô ấy lên lớp.

Thầy Trong Suốt: Anh bị đúp một lớp à?

Bạn khác: Lo yêu quá! (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Mải yêu, đúp luôn một năm!

Bạn đó: Nó xảy ra rất là nhiều trường hợp, ví dụ như là cô ấy rất là thích đánh mình, mình ban đầu thì ghét, sau đó lại thích. Xong rồi chấm mực, chắc có lẽ do hồi nhỏ cũng hay vẩy mực, rồi tạt mực thế là cô giáo cho đứng bét ở lại lớp. (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Đấy là vì yêu đúng không? Vì tình yêu, hậu quả nghiêm trọng! Có hậu quả nghiêm trọng là đúp một năm. Có ai mẫu giáo không ạ?

Một chị: Nói đến mẫu giáo thì mới đây có trường hợp đó, thưa Thầy. Mới hồi chiều con với ông xã đi chợ về. Thằng nhóc ở nhà là đi học ấy, lên trên trường thì có bạn gái ghi cho một cái thư.

Thầy Trong Suốt: Thế à? Lớp mấy?

Mọi người: Lớp lá!

Chị đó: Thư ghi cái chữ gì tùm lum hết, mới tập ấy, về nói là bạn mời con sinh nhật, mà sinh nhật bạn gái mà con đi về khuya thì con sợ, nhưng mà ở lại thì sợ ba mẹ la. (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Mấy tuổi rồi, lớp lá là mấy tuổi rồi?

Mọi người: 5 tuổi.

Chị đó: Nói là không biết tặng cho bạn gái cái gì. Chị gái về nói là: “Mẹ, con không tưởng tượng nổi em nói như vậy luôn”.

Một bạn: Chắc do đi coi phim nhiều quá.

Thầy Trong Suốt: Không phải đâu, không phải đâu! Tôi cũng thế thôi, từ mẫu giáo đã thích rồi, lớp lá. Nhưng mà hồi đấy mình chưa gọi là yêu vì mình chỉ xin tới nhà bạn ấy chơi với bạn ấy thôi, chứ không có kiểu kia, xin đến nhà chơi xong không chịu về, bố mẹ thuyết phục mấy lần mới về. Trẻ con nó hay lắm, nghĩa là sớm nhất là lớp 1 đúng không? Anh kể lớp 3 anh như thế nào đi!

Anh Phong: Mình thì hồi lớp 3 là học chung với cô bé cùng lớp luôn, cô bé đó rất dễ thương, lúc đó trong mắt mình là đẹp nhất, không có bạn nào đẹp bằng. Cứ buổi chiều mình tìm cây bằng lăng nào có trái chín mà nó thơm là mình hái nhét vô cái hộc bàn ý. Mà cô ấy rất ghét bằng lăng, rất ghét. (Cười) Riết mà vứt không thèm nhận. Thế là mình nghĩ chắc là cô ấy không thích mấy cái này. Thế là mình xuống ruộng bắt mấy con cá lia thia, bắt những con đẹp nhất rồi bỏ trong cái bình đem đến tặng, cũng vứt. (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Kết quả thế nào?

Anh Phong: Hồi đó lâu lâu có đi cổ động, thế là mình cứ lon ton chạy gần, đi gần cô đó. Rồi cứ lần lần năm tháng trôi qua mình lớn lên, thế rồi gặp cô này, thế rồi cô kia biến mất.

Thầy Trong Suốt: Gặp cô này xong thì cô kia biến mất à? Hay cô kia biến mất trước rồi mới gặp cô này?

Anh Phong: Dạ gặp cô này rồi hình ảnh cô kia nhạt dần. Mỏi mòn rồi mới nhạt chứ!

Thầy Trong Suốt: Rất hay!

Một bạn: Vậy là cô này ít ghét anh hơn cô kia đúng không?

Bạn khác: Không những ít ghét mà lại không ghét, còn rất yêu nữa!

Thầy Trong Suốt: Thế à? Đấy gọi là tình yêu là một thứ không bao giờ thay đổi, nó chỉ chuyển từ người này sang người khác mà thôi. Đấy, của anh đấy! Tình yêu vẫn còn nhưng mà chuyển sang người khác rồi, nó không thay đổi. Lớp 3 xong lớp mấy nhỉ? Sau anh Phong là ai thế nhỉ?

Mọi người: Lớp 6 gì đó, lớp 6 đúng không?

Thầy Trong Suốt: Lớp 6 là ai?

Minh Nguyệt: Chị!

Thầy Trong Suốt: Chị à? Kể qua xem nào?

Minh Nguyệt: Lớp 6 thì tình yêu đẹp lắm, bạn đó nằm trong ban văn nghệ và biết mình thì hay hát, nếu mình không lên tập hát thì bạn đó không tập cho ai hết, nhất định là Minh Nguyệt phải hát. Thế thì bạn đó chơi đàn với chơi trống. Thế là cuối cùng lớp bảo là: “Mày hát đi, chứ mày không hát thì nó không tập cho người khác”. Thế là mình lên hát, thì bạn đó mới tập cho người khác. Mà nó hay một cái là khi mà học vẽ đó, thì mình không biết vẽ, bạn đó lấy tập vẽ của mình, vẽ cái hình rất là đẹp và mình được điểm. Thế là lên được thầy chấm được 8 điểm rưỡi.

Lúc đó thấy dễ thương. Mà ghê lắm, lúc đó trong lớp mình đi chơi cắm trại ý, mà bạn nào để ý mình là bạn đó bảo là: “Bây giờ nếu mà ta không đi ha, ta giao cho mày con dao này, nếu mà mày đi á, mày thấy cỏ mọc lên mày cắt về cho tao”.

Thầy Trong Suốt: Kinh thế nhỉ, dọa đấy à?

Minh Nguyệt: Ghen đó! Từ bé đã ghen, mà lúc đó mình vô tư lắm. Tới bây giờ mình nghĩ đó là lần đầu tiên.

Thầy Trong Suốt: Câu chuyện kết thúc thế nào?

Minh Nguyệt: Kết thúc thì, thì bạn ấy đi nước ngoài. Vì đó là tình yêu học trò thôi. Nhưng mà sau đó thì người đó đi Mỹ về, mấy chục năm về rồi mà vẫn kiếm, vẫn nói mấy chục năm rồi mà hình bóng mình vẫn còn y nguyên.

Thầy Trong Suốt: Đấy, chị không yêu đơn phương nhưng họ yêu đơn phương.

Minh Nguyệt: Họ yêu đơn phương à?

Thầy Trong Suốt: Ờ, đúng không? Bây giờ mới nhận ra là họ yêu đơn phương à? (Mọi người cười) Họ đơn phương đấy! Yêu đơn phương khổ lắm!

Minh Nguyệt: Ờ có thể! Thôi, nhưng mà nhiều người yêu mình đơn phương như vậy thì mình có tội thì sao?

Thầy Trong Suốt: Không, chưa nói đến tội vội, nhưng mà chỉ nói đến là cái người yêu đơn phương khổ lắm. Yêu đơn phương khổ lắm! Em là lớp mấy yêu ấy nhỉ?

Bạn đó: Em năm nhất!

Thầy Trong Suốt: Năm nhất thì lớn rồi, quá lớn! Lớp 6 xong lớp mấy nhỉ, trên lớp 6 là bạn nào nhỉ?

Mọi người: Lớp 7!

Thầy Trong Suốt: Lớp 7 à, lại anh Phong đây chứ gì?

Anh Phong: Đây lớp 7 đây! (Chỉ vợ)

Thầy Trong Suốt: Đúng không? Quá đẹp rồi!

Chị Vân: Ông xã mình lớp 8, mình lớp 7. Lúc đó mình hát rất hay ở trên trường, hát hay lắm. Mà nhớ hồi đó là diễn văn nghệ mà ở trường tổ chức cắm trại, khi mình hát bài “Bụi phấn”, người ta ấn tượng mình luôn.

Thầy Trong Suốt: Xong thế nào nữa?

Chị Vân: Dạ, sau đó thì nói chung là cả hai cũng đều có năng khiếu, cũng học sinh giỏi, nổi tiếng ở trường, cô giáo và thầy cô cũng yêu thương, nên thường hay đi cắm trại, như mình ở xã thì thường hay cắm trại ở trên huyện. Khi đó thì cả hai đều thích nhau thôi, nhưng mà chưa có yêu. Tết mình nhớ, mồng mấy tết đó, thường thường tết là hay tổ chức lô tô rồi mình đứng ở góc bàn dò.

Thầy Trong Suốt: Thế à, là như nào chưa hiểu lắm? Lúc ấy dò lô tô mà yêu nhau là như thế nào?

Chị Vân: Lô tô đó, mình dò lô tô xong rồi người này ra, chỉ nhau qua lại.

Anh Phong: Lúc đấy là cả hai đã thích nhau rồi, chỉ còn thiếu chút nữa thôi.

Một bạn: Còn bày tỏ nữa?

Anh Phong: Đúng, đúng! Chính xác! Thì khi Tết, cái hội chợ lô tô làng đó, thì cô này mua tấm vé mà không có dò, đứng đúng bàn đó chờ, nhưng không dò, cái tấm vé là lấy cớ để cầm thôi. Mình thì đứng xung quanh với hai, ba ông bạn nữa. Không dám ra, xong đẩy một phát chạy luôn ra. Tới đó rồi chào hỏi các kiểu…

Rồi sau có một đoạn rất là đau thương. Cha mẹ ai cũng muốn gả con mình cho một tấm chồng. Bị cản trở nhiều, đánh đập có, thậm chí là cả đứa em mình cũng phải nghỉ học luôn… Đi ngang nhà của Vân, mà em của Vân chạy ra đánh em của mình. Đánh rồi nhóc cũng phải nghỉ học. Rồi sau thì Vân lập gia đình, nhớ miết cái đám cưới đó. Thì ở làng, ở quê thì có ban nhạc đến là biết liền, mà nhà của ông xã Vân thì sát vách, nhạc ầm ầm.

Chị Vân: Hai đứa cũng đấu tranh dữ lắm. Cũng bỏ đi, nhưng mà cũng bị bắt lại. Sau lúc bị bắt lại thì anh Phong bị đánh, người nhà em đánh rồi xong cũng nhiều cái… Mình uống thuốc tự tử xong thế nào cũng không chết. Trải qua rất là nhiều, nhiều giai đoạn lắm… Sau này khi mình sống chung với ông xã mình thì cũng không thấy hạnh phúc. Lúc nào cũng nghĩ tới người này. Mà đi đâu, bất cứ đi đâu cũng gọi điện hết á. Nên là quyết định là ly hôn. Khi mà ly hôn thì cũng xảy ra rất là nhiều chuyện. Bên kia cũng tìm đủ mọi cách.

Thầy Trong Suốt: Kinh nhỉ! Quá đẹp rồi, kết thúc có hậu thế còn gì nữa? Rất sóng gió đúng không? Có cả bị đánh, rồi có cả tự tử, có đủ thứ rồi quay lại với nhau.

Trả nợ cho anh kia thôi, trả nghiệp cho anh kia! Chị nợ anh kia nên là phải cưới một đoạn để trả nợ. Thế thôi, xong rồi lại sướng rồi!

 

2. Dấu hiệu của yêu đơn phương là gì?

Minh Nguyệt: Nè, một nhân vật này yêu đơn phương nhiều tập nè!

Thầy Trong Suốt: Đây, Thành lớp mấy nhỉ? Lớp 7 có ai không nhỉ? Lớp 7 rồi, đến lớp 8 thôi!

Bạn Thành: Chuyện của mình thì lớp 8 là năm 14 tuổi. Thì tình yêu nó cũng trong sáng lắm, chỉ thích thôi nhưng mà đến lúc lớn lên mình mới biết đó là tình yêu. Tại vì khi yêu, mình nhìn cái người phụ nữ đó nó khác với những người phụ nữ khác. Nghĩa là khi mình nhìn người đó trong đám đông thì những người xung quanh nó không có rõ, mà chỉ thấy một người đó thôi. Cô bé đó thì không biết nhà, tại vì bố mẹ cô đó thuê cái nhà kế bên bán đồ, cô ấy mang cơm, mang nước đến. Cô ấy thua mình 2 tuổi.

Cô ấy lớp 6, rồi mình chỉ thích cô ấy đi mang đồ cho bố mẹ cô ấy, đến khoảng nửa tiếng cô ấy về rồi, thế thì hôm nào may thì gặp, không may thì thôi. Kéo dài được… không biết bao lâu nữa. Rồi sau đó thì cô ấy chuyển đi chỗ khác thì mình cũng không có giữ liên lạc hay là một cái gì hết.

Thầy Trong Suốt: Đấy là yêu đơn phương à, hay là thế nào?

Bạn Thành: Đó là đơn phương, khi lớn lên mình mới biết đó là tình yêu, hồi đó thì chưa biết.

Thầy Trong Suốt: Mấy tháng?

Bạn Thành: Cũng không nhớ thời gian, nhưng mà hiện giờ thì cái hình ảnh của khoảnh khắc đó mình nhớ lại vẫn còn, bao nhiêu năm rồi.

Thầy Trong Suốt: Thành với cô ấy ít duyên thôi! Ít duyên với nhau nên chỉ có một đoạn thế thôi!

Bạn Thành: Nhưng mà nó rất là sâu đậm.

Thầy Trong Suốt: À đúng rồi, nó hết, ít duyên quá, không đủ duyên để đến với nhau theo kiểu tình yêu. Sao chị bảo nhiều tập, ngắn tí mà? Chị bảo nhiều tập đâu? (Thầy hỏi chị Nguyệt)

Minh Nguyệt: Nhiều lắm là nhiều người khác, nhưng mà chưa nói hết!

Thầy Trong Suốt: Không em nhớ chị bảo Thành là nhiều tập cơ mà? Có nhiều tập đâu?

Minh Nguyệt: À Thành nhiều tập lắm! Thành yêu đơn phương chị nhớ không nhầm thì ba, bốn tập gì đó.

Bạn Thành: Hồi đó đến giờ chưa bao giờ song phương cả!

Thầy Trong Suốt: Thế hả?

Minh Nguyệt: Đơn phương không à! Cuộc đời này toàn là tình yêu đơn phương.

Thầy Trong Suốt: Chưa bao giờ song phương?

Bạn Thành: Chưa ạ!

Thầy Trong Suốt: Thế kể lần thứ hai xem nào?

Bạn Thành: Lần thứ hai thì mình yêu một người hơn mình một tuổi. Năm lớp 11, thì chị ấy vào đại học mình vẫn còn học lớp 12. Gặp đúng hai lần, uống cà phê đúng hai lần. Thì yêu đơn phương được 5 năm. Từ năm 1995 tới năm 2000.

Thầy Trong Suốt: Woa!

Bạn Thành: Khi mình nói, thì chị ấy có người yêu rồi, thế là thôi, hết! 5 năm gặp đúng hai lần!

Minh Nguyệt: Còn tập nữa, còn tập mà đi công viên nữa!

Bạn Thành: Sau đó thì năm 2000 tới 2005 cũng yêu một người nữa, cái người ấy lạ lắm! Cái người đó lạ hơn những người khác là cô này rất thích ăn nhưng mà cô ấy rất sợ mập. Và cô ấy phải tập thế dục. Tại vì cô ấy làm rất là bận nên 10 giờ đêm mới tập. Và đi đủ 10 vòng công viên Gia Định mới về. Trời mưa cũng phải đợi hết mưa, đi đúng 10 vòng mới về. Tại vì rất là sợ mập. Cô ấy cao 1m47 thôi, mình cao 1m75, mà theo hoài cũng không thích. Cứ nói là có bạn trai rồi thôi. Sau đó yêu được 5 năm.

Thầy Trong Suốt: Đơn phương tiếp!

Bạn Thành: Đơn phương, sau đó thì cô ấy nói là cô ấy lấy chồng, nhưng lấy chồng là người khác, chứ không phải cái người đó. Lúc mình biết cô này yêu anh khác, nhưng lấy chồng thì lấy người khác chứ không phải người hồi đó yêu. Sau đó cô ấy nói cô ấy lấy chồng rồi, thế là hết người thứ ba.

Một bạn: Từ đó tới giờ thì còn tiếp tục nữa không?

Bạn Thành: Hết rồi!

Minh Nguyệt: Đâu, còn một lần, còn khúc sau. Khúc sau cô ấy lấy chồng rồi cô ấy trở lại.

Bạn Thành: Đâu có trở lại đâu. (Mọi người cười) Được cái là cô ấy hồi trước là ít chia sẻ lắm. Cô ấy “close” dữ lắm, không mở ra một cái gì hết. Bây giờ cô ấy có chồng có con rồi, cô ấy có một số vấn đề về cuộc sống, mà mình có một số kinh nghiệm về tâm linh hay là bởi cô ấy học lớp giá trị sống nên chia sẻ nhiều, rất thích ăn chay. Gần đây thì thành một người bạn.

Thầy Trong Suốt: Có duyên làm bạn mà không có duyên làm chồng.

Minh Nguyệt: Phải nói là suốt một thời gian dài cô ấy không biết là Thành yêu cô ấy.

Bạn Thành: Cho đến bây giờ cũng không biết.

Thầy Trong Suốt: Không biết? Woa!

Minh Nguyệt: Cho nên bây giờ Thành không yêu ai được nữa vì yêu cô đó.

Bạn Thành: Không, nhầm nhầm nhầm nhầm nhầm, nhầm rồi! (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Thế là ba tập à hay là mấy?

Bạn Thành: Thế thôi, quá nhiều, quá nhiều!

Mọi người: Thế anh có định yêu đơn phương nữa không?

Bạn Thành: Không, không! (Mọi người cười) Một ngày cũng không! Sợ quá rồi, thà không yêu ai hết chứ không thèm đơn phương! Nói chứ nhiều khi mình yêu nhiều cũng mệt, đến tuổi này rồi mình không thích yêu nữa, mình yêu bản thân mình. Rồi những điều mình thích trong cuộc sống mình chưa làm xong, mình thích làm.

Minh Nguyệt: Có một cái điều lạ chị thắc mắc ấy là tại sao yêu người ta tới 5 năm mà không nói, không thể hiện cái gì để cho người ta biết là sao chứ?

Bạn Thành: Tại vì chị biết không, là nếu như là mình đánh mà biết thua thì không đánh, nói mà biết bị từ chối thì không nói. Chắc chắn là không thành công.

Thầy Trong Suốt: Đấy, đấy là một dấu hiệu của tình yêu đơn phương, lúc nào cũng lo bị từ chối. Thật đấy! Một trong những dấu hiệu của tình yêu đơn phương ấy là “lúc nào tôi cũng lo bị từ chối”. Ví dụ như mình, mình kể cái cô hồi lớp 3 ấy, là đến tận lớp 11 mình vẫn không dám nói. 8 năm liền không dám nói luôn! Đến tận về sau mình biết cô ấy sắp lấy chồng, đấy là về sau tức là khoảng 10 năm sau rồi không gặp nhau đấy, mình bắt đầu đến nhà cô ấy nói cho cô ấy biết là “ngày xưa tớ thích ấy”. Lúc đấy mình mới dám nói, lúc ấy mình tự tin hơn ngày xưa, thì hết rồi, xong câu chuyện. Bạn ấy bảo ngày xưa lúc ấy mà cậu nói với tớ thì có khi tớ cũng thích cậu lại, vì tớ thấy cậu rất hay, nhưng mà cậu chả bao giờ nói với tớ cái gì cả.

Đấy, một trong những dấu hiệu của kiểu yêu đơn phương là lúc nào cũng nghĩ rằng mình không được yêu. Trong khi sự thật đâu phải thế đâu, không phải như vậy. Vì mình không dám nói bao giờ thì mình chịu không bao giờ biết cả, mình nghĩ là lúc nào mình cũng không được yêu.

Mọi người: Nếu vậy thì kệ yêu ai cứ nói ra.

Thầy Trong Suốt: Đấy, yêu nên nói ra. Lớp 9, có ai lớp 9 không nhỉ? À đây, Thảo đây, lớp 9?

Bạn Thảo: Bình thường thì mẹ em là một người quản giáo em rất nghiêm ngặt, mẹ là giáo viên nên em chỉ có biết học thôi. Tự nhiên lớp 9 thì có một bạn học trường chuyên chuyển qua lớp em, ngồi cạnh em. Bạn ấy thích em, mà cái sự thích của bạn thì rất đặc biệt tại vì bạn là một người khá là lập dị, ít bạn bè, nhưng mà một khi đã quen em thì rất là sâu sắc. Mỗi ngày đều dành cho em một món quà rất đặc biệt, trong thị trường chắc kiếm không ra vì bạn đó tự làm. Tối thức đêm tự làm, sáng thì chỉ mong trên đường đi học gặp em, thấy em trên đường đi cùng em đến lớp.

Nhưng mà lúc đó lớp 9 thì trong lớp em chưa hề có một cặp nào, vì mọi người lo học chứ không có ai yêu sớm như vậy hết, mẹ em cũng cấm đoán, nên là hai đứa quen lén. Thì quen lén, nên không có cơ hội gọi điện thoại, nên là nghĩ ra cái trò nhật ký chuyền tay, thế là mỗi ngày bạn ấy viết nhật ký một ngày, tối em về em giữ cuốn đó rồi ngày mai bạn ấy giữ.

Thầy Trong Suốt: Woa, lãng mạn thế!

Bạn Thảo: Mà ngày nào cũng đọc nhật ký và viết nhật ký trong cảnh lén lút, học bài xong hết rồi, đợi cả nhà đi ngủ hết rồi bắt đầu mới bật đèn lên viết, và ngày hôm sau để trong hộc bàn của bạn. Bạn ấy nói, em là mục tiêu đến trường của bạn ấy chỉ là để gặp em và đọc nhật ký chứ không phải để học gì hết. (Mọi người cười) Tại vì gia đình bạn ấy rất là giàu có, nhưng mà ba mẹ chỉ quan tâm đến chuyện làm giàu mà ít nghĩ đến con cái. Bản thân em lúc đó cũng không có được sự thấu hiểu nhiều như hiện nay, ngày đó em hời hợt, tình cảm bạn em dành cho em rất nhiều mà em thì đáp lại không được bao nhiêu hết.

Nói chung là ngày đó em cũng sợ mẹ rồi sợ đủ thứ nên làm cho bạn buồn nhiều, nhưng mà có một điều hai đứa dám làm đó là, tức là mọi người nghĩ rằng khi mà quen nhau sớm như vậy thì học sẽ không tốt, nhưng mà hai đứa đưa ra một quyết định là cho dù quen nhau nhưng mà kết quả học vẫn phải tốt. Cuối cùng thì vẫn là học sinh giỏi, và em hơn bạn ấy một tí. Tức là em xếp thứ tư, bạn ấy xếp thứ năm.

Cái chuyện tình từ lớp 9 như vậy nó kéo dài khoảng 3 năm, khi mà sang lớp 10 thì bạn ấy chuyển trường, em tiếp học, bạn ấy chuyển trường và tình cảm nhạt nhoà dần, nhưng bạn ấy vẫn dành tình cảm cho em. Lúc đó thì mẹ em biết là hai đứa có cuốn nhật ký như vậy, nên là mẹ em viết vào những lời dành cho bạn ấy vào cuốn nhật ký đó và bắt em đưa cuốn nhật ký cho bạn ấy. Nói chung là mẹ em viết những lời để chấm dứt hai đứa thôi. Đến năm 12 thì bạn ấy… chết.

Thầy Trong Suốt: Tự tử à, vì sao?

Bạn Thảo: Vì không có ai hiểu, cảm giác là không có ai hiểu mình vậy đó, cô độc. Em biết bạn ấy rất là lập dị, tới nỗi là cảm thấy cô độc tận cùng, trong cái thế giới lạc lõng ấy. Ngày đó em nói là em không thật thấu hiểu để em có thể giúp cho bạn ấy tốt hơn, ngày đó em còn hời hợt lắm.

Thầy Trong Suốt: Không phải lỗi của em đâu, bạn ấy hết duyên thôi!

Bạn Thảo: Nhưng mà đó là người mà yêu em nhất, cảm thấy trong cuộc đời này là người yêu em nhất.

Thầy Trong Suốt: Hết duyên với đời thôi! Chuyện buồn, nhưng mà không có gì là vô lý cả, mọi thứ đều có lý của nó. Nhưng mà chắc gì là yêu em nhất?

Bạn Thảo: Không, thì từ đó đến giờ chưa có một ai mà có thể đem lại cho em cái cảm giác mà em vui như thế, những gì lãng mạn như thế. Em nhớ lại bạn ấy, bây giờ cuốn nhật ký đó em vẫn giữ.

Thầy Trong Suốt: Hết nhớ bạn ấy chưa?

Bạn Thảo: Bây giờ em hiểu biết rồi, chỉ hồi hướng thôi.

Thầy Trong Suốt: À, hồi hướng cho bạn ấy.

Bạn Thảo: Tại vì em nghĩ chết như vậy thì cũng không có tốt gì ấy.

Thầy Trong Suốt: Hồi hướng công đức cho bạn ấy. Thôi, lớp 10 trở lên là người lớn rồi, không tính nữa!

Một bạn: Đây lớp 9 đây Thầy!

Thầy Trong Suốt: À lớp 9 à, kể câu chuyện lớp 9 xem nào, kể đi!

Một chị: Nói chung thì, không biết sao nhưng mà từ nhỏ đến lớn con ít yêu ai lắm, mà năm học lớp 9 thì lại thích thích lắm rồi ấy. Hồi đó hai đứa học lớp chuyên hết, xong hai lớp lại kề nhau. Nhưng mà mãi đến gần cuối năm, tự nhiên hôm đó mình đi qua mình nhìn từ góc lớp lên cái lớp bạn bên đó, thì đột nhiên, hai người giống như chạm một ánh mắt vậy đó. Tự nhiên trong mình cảm giác giống như có một luồng sét đánh, lúc đó tự nhiên mình thấy rất là thích bạn đó. Nhưng mà cũng nói trước là tại vì bạn đó là học rất là giỏi và nổi tiếng lắm, đi thi cấp thành phố, cấp này cấp kia. Lúc đó cũng đã, nói chung là, đã tạo được sự chú ý cho mình, nhưng không hiểu sao ngay bữa đó cái tình yêu sét đánh ấn tượng rất là đặc biệt, thế là mình lại yêu đơn phương bạn đó.

Thầy Trong Suốt: À, thế à?

Bạn đó: Nhưng mà trong lòng mình cũng nghĩ là bạn đó cũng thích mình, nhưng mà tại vì trong lớp mình hồi đó là lớp chuyên Anh cho nên bạn nữ rất nhiều, các bạn nữ cũng dễ thương lắm, còn mình thì mình cũng…

Thầy Trong Suốt: Không dám nói đúng không?

Bạn đó: Dạ!

Thầy Trong Suốt: Đấy, yêu đơn phương có kiểu là không dám nói ra.

Bạn đó: Cũng không có tự tin, mình chỉ là giữ tình cảm trong lòng nên là mỗi lần ra chơi ấy, thì bạn ấy đá cầu rất là giỏi, đá chung trong nhóm mấy người thì mình đứng trên hành lang mình nhìn xuống, mình quan sát bạn đó. Nói chung là chỉ quan sát từ xa thôi, gọi là yêu đơn phương ấy. Thì đến năm lớp 10, lúc đó là chuyển lên cấp 3, hai đứa đi hai trường khác nhau. Lúc đó mình cũng biết nhà bạn đó, nhưng mà nói chung phái nữ thì không có sự mạnh dạn như bây giờ. Nên mình cứ giữ trong lòng, nhưng mà hình bóng của bạn đó thì lúc nào cũng khắc sâu trong tim. (Mọi người cười lớn) Nói chung mình cũng chỉ tìm hiểu thông tin của bạn đó qua những người bạn cũ thôi. Hết năm cấp 3, thậm chí lên tới đại học thì hình bóng đó vẫn còn một chút.

Thầy Trong Suốt: Tình yêu đầu tiên là nó ấn tượng sâu sắc lắm!

Bạn đó: Dạ, thì đó là mối tình sâu sắc nhất cho đến mãi sau này.

Thầy Trong Suốt: Ấn tượng đầu tiên rất sâu sắc.

Một anh: Sao bây giờ mới nghe kể? (Mọi người cười lớn)

Thầy Trong Suốt: Hôm nay phát hiện ra bao nhiêu bí mật đúng không? Đấy! Yêu đơn phương bao giờ mình cũng nghĩ là người ta không yêu mình đâu, đúng thế không? Mình có cảm giác là người ta không thích mình đâu, mặc dù là không biết tại sao, không biết là người ta thích mình không, nhưng mình có cảm giác là chắc là không được yêu, không xứng đáng với người ta đâu.

Mọi người có thế không? Chị có thế không, đúng không? Thành có tí nào như thế không? Sao mình không xứng đáng với người ta mặc dù mình đâu đến nỗi nào đúng không? Mình có cảm giác mặc định là không xứng đáng với người ta. Tất nhiên là có những người tỏ tình rồi không được, bị từ chối thì chịu rồi. Đố biết tại sao mình lại yêu đơn phương người ta? Quý, trả lời? Tại sao mình lại yêu đơn phương người ta?

Bạn Quý: Không biết, không biết tại sao nhưng mà mình thấy mỗi lần mình gặp, mình thấy vui, hạnh phúc. Và mình thấy… hạnh phúc!

3. Năm giai đoạn của Tình yêu

Thầy Trong Suốt: Tình yêu thì nó có mấy giai đoạn thế này này, mọi người biết chưa nhỉ? Mình nói bao giờ chưa nhỉ?

Mọi người: Chưa ạ!

Thầy Trong Suốt: Mấy giai đoạn của tình yêu ấy?

Mọi người: Chưa ạ!

Thầy Trong Suốt: Chưa à? Đầu tiên là giai đoạn gọi là Xúc biết chưa?

Một chị: A, a, rồi ạ!

Thầy Trong Suốt: Nói chưa?

Một chị: Giống trong cái bài “Tình yêu và duyên phận”?

Thầy Trong Suốt: Xúc tức là mình có tiếp xúc đầu tiên đấy! Ví dụ như là Thành nhìn thấy cô nàng ở bên cạnh, hay như chị là thấy anh ấy ở góc lớp bên trên đấy, đúng không? Cảm giác đầu tiên gọi là Xúc, Xúc là va chạm, tiếp xúc.

Bước thứ hai là Thọ, biết chưa? Chắc chưa nói rồi đúng không? Thọ là phát sinh ra cái cảm thọ, nghĩa là cái cảm giác. Ví dụ có những người mình Xúc nhưng cái Thọ của mình không phải là thích, nghĩa là mình tiếp xúc nhưng mình không thích, mình không có cảm giác thấy thoải mái, không có cảm giác vui, không có cảm giác đặc biệt thì nó chỉ là cái Thọ bình thường thôi. Nhưng nếu mà mình có một cảm giác đặc biệt, thú vị, dễ chịu, thoải mái, thì đấy là mình sang giai đoạn Thọ.

Sau đoạn Thọ là Ái. Thọ thì là cảm giác thoải mái thôi, nhưng Ái là mình bắt đầu yêu cái đối tượng kia, cái đối tượng mà làm mình thấy thoải mái. Ví dụ trong một ngày tôi gặp rất nhiều người thấy thoải mái, nhưng chưa chắc tôi đã yêu người ta. Nhưng Ái là một mức mạnh mẽ hơn, là tôi bắt đầu cho rằng cái đối tượng kia là đáng yêu. Đấy, đối tượng đấy! Ví dụ mình thấy cô ấy thì là Xúc, mình cảm thấy thoải mái, dễ chịu, thích thú thì đấy là Thọ, nhưng mà về nhà mình bắt đầu cảm thấy là: “Ồ, cô này tuyệt vời quá, thật là đáng yêu!”. Đấy là Ái.

Đến đấy tình yêu vẫn còn rất là đẹp, chưa có đau khổ. Ái có đau khổ không? Theo mọi người, Ái có đau khổ không? Xúc có đau khổ không? Xúc thì có gì đâu đau khổ đúng không? Gặp nhau. Thọ có đau khổ không? Thích, thích làm sao đau khổ được, đúng không? Ái đã khổ chưa?

Một bạn: Rồi!

Thầy Trong Suốt: Vì sao lại khổ?

Bạn đó: Vì có yêu là đau khổ rồi, nó mà ấy…

Thầy Trong Suốt: À không, nhưng mà cái đoạn đấy mình nói là Xúc này, Thọ này, Ái này. Ái là thấy đối tượng kia đáng yêu, thích đối tượng kia, thì đã khổ chưa?

Bạn đó: Khổ rồi!

Thầy Trong Suốt: Vì sao lại khổ?

Bạn đó: Vì nếu không gặp người đó, không tiếp xúc với người đó thì mình buồn, thì là khổ.

Thầy Trong Suốt: À! Nếu mà không gặp người ta, không tiếp xúc với người ta mình buồn thì mình đi vượt qua một chút rồi.

Mình đến một giai đoạn gọi là Thủ. Thủ là giữ, là mình muốn giữ cái cảm giác đấy mãi. Mình yêu người ta và bây giờ mình muốn giữ cái cảm giác yêu đấy, cảm giác thoải mái hạnh phúc – cái Thọ đấy mãi. Đấy, gọi là Thủ. Nghĩa là không gặp người ta thì mình không chịu được, là mình khó chịu. Nghĩa là gì? Là mình muốn giữ cái cảm giác gặp người ta mãi. Hay người ta nhớ nhau chính là Thủ đấy. Không gặp nhau thì lại nhớ nhau, muốn gặp nhau. Nghĩa là mình muốn giữ lấy cái cảm giác đấy một lần nữa.

Hay như thế này, ví dụ là mình đi ăn một quán ăn rất là ngon, khi mình ăn xong mình bảo là: “Lần sau phải quay lại ăn tiếp lần nữa!”, đấy là Thủ rồi. Mình thích cái quán đấy, chưa sao hết. Mình bảo: “Tôi thích cái quán này”, chưa vấn đề gì cả. Nhưng khi mình bảo là: “Tôi sẽ phải quay lại một lần nữa”, đấy là Thủ. Mình thích cô ấy chưa sao hết, nhưng mà: “Tôi phải gặp cô ấy lần nữa, tôi phải trò chuyện với cô ấy một lần nữa”, đấy là bắt đầu Thủ rồi đấy. Thủ là mình muốn giữ lại cái cảm giác đấy một lần nữa. Theo mọi người Thủ đã bắt đầu khổ chưa?

Mọi người: Rồi!

Thầy Trong Suốt: Vì sao?

Một bạn: Vì nếu mà không gặp thì khổ.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, rất đúng, không gặp thì khổ! Theo Quý, Thủ có khổ không?

Bạn Quý: Khổ nhiều quá mất cảm giác rồi! (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Mất cảm giác rồi hả?

Bạn Quý: Dạ. Khổ quá rồi!

Thầy Trong Suốt: Nhưng ở đây mình không hỏi Quý có khổ không, mình hỏi là theo Quý là Thủ có khổ không?

Bạn Quý: Thủ là quá khổ! Yêu nhiều quá rồi em cũng không biết khổ là như thế nào.

Thầy Trong Suốt: Ái có khổ không? Đoạn ái có khổ không?

Bạn Quý: Khổ!

Thầy Trong Suốt: Vì sao?

Bạn Quý: Vì sao? Vì mình còn ham muốn!

Thầy Trong Suốt: Nhưng mình, mình có thấy khổ không?

Bạn Quý: Khổ!

Thầy Trong Suốt: Vì sao?

Bạn Quý: Vì mình muốn…

Thầy Trong Suốt: … nhưng không được. Đấy là Thủ đấy! Ái chỉ là thích người ta thôi, còn Thủ là gì? Là muốn gặp lại, muốn người ta thích mình v.v… Đấy gọi là Thủ. Thủ là bắt đầu khổ rồi. Giữ cái gì đấy, muốn giữ cái gì đấy là Thủ, là khổ rồi.

Còn xa hơn Thủ gọi là Hữu. Hữu không phải “sở hữu” đâu mà là “trở thành”. Nghĩa là hai người thành một cái mối quan hệ chính thức, có thể là tình yêu, hoặc là vợ chồng, hay gì đấy. Hữu là trở thành cái gì đấy. Nghĩa là Thủ chỉ đơn giản là mình muốn giữ người ta thôi. Còn Hữu là việc trở thành một cái gì đấy thực sự. Ví dụ hai người cam kết là sẽ yêu nhau, nghĩa là từ đấy trở đi anh hoặc là chị không yêu người khác nữa. Đấy, hữu là đoạn có cam kết, trở thành một mối quan hệ chính thức, và từ đấy trở đi anh/chị không được yêu ai nữa, ngoài tôi ra. Đấy! Hữu có khổ không?

Bạn Quý: Khổ!

Thầy Trong Suốt: Vì sao?

Bạn Quý: Vì lúc nào cũng lo sợ!

Thầy Trong Suốt: Sợ gì?

Bạn Quý: Sợ là một người, chứ hai người là không được.

Thầy Trong Suốt: Chính xác, ghen rồi đấy! Hữu là đã có ghen rồi đấy! Hay là như cái anh mà chị Nguyệt kể là anh ấy bị Hữu rồi đấy. Anh ấy đưa dao cho người khác bảo là “mày chặt cỏ cho tao” đấy. Đấy là Hữu rồi đấy! Dọa đấy! Hữu là khổ rồi, khổ nhiều lắm! Lo sợ, sợ người khác người ta phản bội mình, sợ là nếu mối quan hệ này bị mất, đúng không? Vì mình chính thức là người yêu rồi, sợ nó kết thúc mất thì buồn. Đấy là mức độ khổ tăng dần. Thủ thì chưa khổ bằng Hữu. Hữu khổ hơn nhiều.

Yêu đơn phương thì nó có thể là Thủ này, nó có thể Hữu theo kiểu là Hữu đơn phương. Tôi nghĩ rằng “Tôi là người yêu cô ấy, cô ấy có yêu tôi hay không không quan tâm”. Tôi nghĩ rằng “tôi là người yêu cô ấy rồi, tôi nghĩ rằng cô ấy thuộc về tôi rồi. Thằng khác đến gần là có vấn đề với tôi ngay”. Đấy, đấy là Hữu rồi đấy! Đấy là Hữu đơn phương. Còn Hữu hai chiều là hai người đều muốn sở hữu nhau, muốn trở thành cái gì đặc biệt của nhau.

Khi mình không tu hành gì hết thì mình sống như thế. Cái gọi là tình yêu ấy, thực ra cái gọi là tình yêu là cái vừa xong: Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu. Đấy, tình yêu nào cũng thế, cũng có tất cả những cái đấy hết. Mình có thể lặp đi lặp lại cái đấy nhiều lần trong cuộc đời mình. Ví dụ trường hợp của Thành chẳng hạn, là ba lần. Đấy!

Bạn Thành: Quá tam… (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Nếu mình không giải quyết tận gốc của vấn đề sẽ có lần thứ tư đấy. Mọi người đồng ý không? Theo mọi người thì Thành sẽ có lần thứ tư không? Vote đi! Vote đi! Mọi người bầu đi! Ai nghĩ là Thành có thể có lần thứ tư giơ tay? (Nhiều cánh tay giơ lên)

Thầy Trong Suốt: Woa! Thấy chưa? Sốc không? Quá sốc!

Bạn Thành: Vô lường mà!

Thầy Trong Suốt: Vô lường chẳng biết thế nào! Ngày mai đang đi thể dục lại thấy một cô khác. Đấy! Không biết thế nào đâu!

Bạn Thành: Không mai ngủ trễ lắm, không có gặp cô nào đâu, quyết tâm không tập thể dục nữa. Tập ở nhà thôi!

Thầy Trong Suốt: Đi làm, hàng hải đúng không? Lên một cái tàu thế là gặp một cô. Lại Xúc một cái nữa đúng không, mà Xúc thì thế nào chẳng có Thọ, Xúc bao giờ cũng sinh ra Thọ. Nghĩa là có tiếp xúc bao giờ cũng sinh ra cảm giác, chứ không bao giờ thoát Thọ được. Đã có Xúc thì phải có Thọ. Đấy!

Thọ thì nó có ba loại là: Sướng gọi là Lạc Thọ, Khổ gọi là Khổ Thọ, còn trung tính thì gọi là Xả Thọ − không có thích, không có ghét. Khi mà có Xúc thì có ba loại đấy. Thì nếu mà Xả Thọ với Khổ Thọ thì không sao, nhưng mà Lạc Thọ xem, gặp cô ấy lần nào cũng vui, lần nào gặp cô ấy cũng rất thoải mái. Một thời gian sau sẽ sinh ra Ái là cái chắc. Chắc chắn luôn! Không thoát được luôn! Đừng hy vọng là thoát! Trừ khi là không gặp nữa thì có thể.

Một Bạn: Thầy ơi, sao mà thường thường con thấy là mình yêu mối tình đầu gặp nhau là run dữ lắm, thấy mặt người đó là đã run rồi!

Thầy Trong Suốt: Chưa có kinh nghiệm bao giờ người ta cũng sợ. Người ta sợ cái chưa biết. Con người sợ nhất là sợ cái chưa biết. Một căn phòng tối om đi vào ai cũng sợ. Cũng phòng đấy bật đèn chẳng ai sợ nữa. Nhưng tối om người ta lại sợ, đúng không? Đi vào cái chỗ mình chưa quen bao giờ, mình cũng lo chứ. Mình đi ra đi vào năm mười lần thì thấy bình thường. Con người luôn sợ cái chưa biết. Mình run là vì mình sợ một điều gì đấy mà mình không biết, mình chưa yêu bao giờ nên mình sợ cái chưa biết. Thế thôi, chẳng có vấn đề cả, đấy là thông thường.

 

4. Khi nào Yêu đơn phương sẽ không khổ?

Quay lại cái đang nói là, nếu Thọ mà là Lạc Thọ, lặp đi lặp lại là mình sẽ có Ái đấy! Không thoát được luôn, dù mình có vợ hay chưa có vợ, cái đấy không quan trọng. Ái chưa khổ đâu mà, chưa sao! Tức là mình có vợ rồi nhưng mình gặp một cô, gặp đi gặp lại ngày nào cũng gặp, cô ấy làm mình thoải mái thì mình sẽ Ái, không thoát được, không ai tránh được.

Nhưng Ái chưa phải là khổ, Ái là chỉ thích thôi! Giống như là trong một khu vườn có trăm bông hoa đẹp, mình thích một trăm bông hoa đẹp chẳng sao cả. Vẫn chưa phải là vấn đề đâu, các chị vợ đừng có ghen. Nếu mà như thế các chị đừng ghen vội, chưa sao đâu mà! Ái chưa phải là vấn đề, vì giống như bông hoa đẹp, chẳng có gì cả. Mà tôi ngắt mang về nhà mới là có vấn đề. Đi vào vườn, bông hoa đẹp rất nhiều có vấn đề gì đâu, bảo tôi phải đem về nhà cho riêng tôi, hoặc tôi phải sở hữu bông hoa này mới là vấn đề, đúng không? Nên Ái là chuyện bình thường, mọi người đừng sợ cái đấy. Thọ đủ nhiều tần suất là nó thành Ái, nhưng Ái chưa có khổ đâu.

Nếu có thể dừng ở đấy thôi thì cuộc đời rất đẹp. Gặp cô nào mình cũng thấy thoải mái hết! Thật đấy, không nói đùa đâu. Gặp cô nào mình cũng thấy thích thú, thoải mái, dễ chịu và mình chẳng muốn sở hữu cô nào hết. Thế thôi! Các cô đi qua trước mặt mình giống như bông hoa đẹp đi qua vườn hoa, thế thôi! Ngày hôm sau mình quay lại mình thấy nó thì tốt, không thấy thì thôi. Mình không có nhu cầu Thủ. Thủ là ngày hôm sau tôi phải quay lại chỗ đấy để thấy bông hoa đấy.

Thủ mới là bắt đầu có vấn đề. Đấy! Đấy mới là có vấn đề! Nên nếu không có Thủ thì chưa sao hết. Nếu ông Thành mà ông ấy chỉ Ái thôi thì chưa sao hết, ông ấy có thể yêu năm bảy cô một lúc, thích năm bảy cô một lúc không vấn đề gì hết. Miễn là hôm sau 10 giờ ông đừng có ra công viên nữa. Còn 10 giờ ông quay lại nghĩa là Thủ. Ông quay lại, ông muốn cái cảm giác đấy quay lại một lần nữa.

Đấy, đấy là vấn đề. Tại sao lại là vấn đề? Mọi người biết tại sao là vấn đề không? Tại sao Thủ lại là vấn đề? Tại sao Thủ làm mình khổ? Nó là vấn đề vì nó làm mình khổ. Đúng rồi, mình phụ thuộc vào nó. Mình muốn giữ chặt một cái gì đấy, mà trong thực tế là mình có giữ mãi được không? Có giữ chặt được không? Làm sao mà giữ được? Người ta không thích mình này, người ta… ngày hôm sau đổi thành 12 giờ cơ. Nghĩa là người ta không để mình Thủ, là mình khổ ngay. Nên là Ái chưa phải là vấn đề, Thủ mới là vấn đề.

Nên là yêu đơn phương chưa phải là vấn đề. Ái nghĩa là yêu đơn phương đấy. Ái thì mình thích người ta hay người ta thích mình thì không biết. Vậy yêu đơn phương thực ra không phải là vấn đề, nhưng mà mình muốn giữ người ta thì mới là vấn đề. Mình muốn người ta yêu lại mình mới là vấn đề. Mình muốn được gặp người ta mấy lần nữa mới là vấn đề. Đấy mới là vấn đề, Thủ mới là vấn đề.

Như vậy, yêu đơn phương chẳng có gì khổ cả nếu không có Thủ. Mọi người ai cũng nghĩ yêu đơn phương là khổ đúng không? Lúc nãy mình hỏi đấy. Nhưng mà mọi người khổ không phải vì yêu đơn phương. Mọi người khổ hoàn toàn là do Thủ. Do muốn giữ lại cái tình yêu đấy, giữ lại người yêu đấy, giữ lại cái cảm giác thoải mái đấy một lần nữa, mà nó không xảy ra.

Nên mình nói lại là: Yêu đơn phương không có gì cả, yêu đơn phương chỉ là Ái thôi, nếu đủ duyên thì là yêu song phương, nghĩa là người ta thích lại mình là đủ duyên. Còn không thì Ái là bình thường, không sao cả. Khổ không phải là do mình yêu đơn phương, khổ là do mình muốn Thủ. Có hiểu không? Hiểu ý mình nói không? Khổ không phải do mình thích cô ấy đâu, không phải! Khổ là mình muốn cô ấy yêu lại mình, muốn gặp lại cô ấy một lần nữa, muốn cô ấy cười với mình. Tất cả những cái mà muốn Thủ đấy làm mình khổ.

Một bạn: Người ta làm ngược lại cái là…

Thầy Trong Suốt: Người ta làm ngược lại cái mong muốn của mình là mình nghĩ rằng “cái cô ấy làm cho mình khổ” ngay. Mình không hiểu rằng cái Thủ gây cho mình khổ. Hôm nay mình nói về yêu đơn phương, nhưng thực ra là một sự chuyển hóa. Bằng sự yêu đơn phương mình sẽ chuyển hóa được. Nếu mà ai đang yêu đơn phương hoặc đã yêu đơn phương thì hãy nhớ lại: Yêu không hề gây ra khổ mà Thủ mới gây ra khổ. Ái không hề gây ra khổ. Muốn giữ lấy người ta, muốn giữ lấy cái cảm giác đấy một lần nữa, muốn người ta làm theo ý mình, muốn người ta thích lại mình… mới là khổ. Nên là người ta có thể hoàn toàn Ái mà không có Thủ, nghĩa là yêu đơn phương mà không có khổ. Hiểu không? Nên là không vấn đề gì nếu có người yêu đơn phương đang ở đây. Ở đây nếu ai yêu đơn phương, đã hoặc đang thì bình thường thôi, không có gì xấu ở đấy cả. Nhưng mà không có trí tuệ thì là mình sẽ Thủ ngay! Mình Ái rồi sang Thủ ngay lập tức!

 

Bạn Thành: Nhưng mà bây giờ có vấn đề vầy, là mình không yêu đơn phương nữa, người ta yêu đơn phương mình và người ta muốn Thủ mình thì khổ thôi, vì làm phiền quá! (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: À! Cũng là một ý hay! Những ai bị yêu đơn phương xong bị làm phiền thì cũng khổ đấy, đúng không?

Bạn Thành: Không yên được! (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Người ta yêu mình, mình không đáp lại được thì cũng khổ chứ!

Một bạn: Nếu vậy là bây giờ Thầy phải nói là làm như thế nào để thoát được cái cảnh đấy?

Thầy Trong Suốt: Không thoát được, chị có thoát được không? Mấy anh yêu chị thoát được không? Chịu! Không thoát được luôn, mình không thể thoát được chuyện người ta yêu mình.

Bạn đó: Hả?

Thầy Trong Suốt: Mình không thể thoát được chuyện người ta yêu mình đâu! Có hai điều cần nhớ này: Một là, mình không thoát được chuyện người ta yêu mình. Thứ hai là, mình cũng không thoát được chuyện mình yêu người ta. Không thoát được đâu! Bây giờ ví dụ thế này đi. Bây giờ mình đang yêu ai đấy, bảo mình là: “Đừng yêu nữa!”, mình có dừng được không? Ngay lập tức đừng yêu nữa. Thoát được không? Ở đây có ai làm được không? Ở đây có ai tự tin nói là “tôi đang yêu ai đấy, xong rồi Thầy bảo tôi, hay ai đó bảo tôi là đừng yêu anh ấy nữa, lập tức tôi không yêu nữa luôn”? Có ai làm được không?

Mọi người: Không, làm sao mà làm được!

Thầy Trong Suốt: Đấy, làm sao mà thoát được, nên đừng nghĩ là mình thoát được tình yêu. Không có, mình chỉ có thể chuyển hoá tình yêu thôi.

Minh Nguyệt: Chết rồi, vậy là Thành thua lớn rồi!

Bạn Thành: Không có thua!

Thầy Trong Suốt: Mình không thoát được việc người ta yêu mình và mình cũng không thoát được việc mình yêu người khác.

Bạn Thành: Yêu thôi không có Thủ!

Thầy Trong Suốt: Nếu mình Ái mà không có Thủ thì không sao hết. Còn mình không thoát được Ái thì mình có thể chuyển hoá cái Ái đấy. Nếu mà cái Ái đấy không có trí tuệ thì nó biến thành Thủ. Ái mà có trí tuệ thành Từ Bi. Mình mong muốn điều tốt cho người ta mà mình không đòi người ta phải làm điều tốt cho mình – đấy là Từ Bi. Đấy! Ái mà có trí tuệ thì nó thành loại đấy.

Yêu đơn phương mà không cần người ta làm gì cho mình hết, đấy là Từ Bi. Mình muốn làm điều tốt cho người ta. Nên là có trí tuệ thì Ái biến thành Từ Bi, còn không có trí tuệ thì Ái biến thành Thủ và đau khổ. Nên khác nhau không phải yêu đơn phương hay không. Khác nhau là mình có thấu hiểu, có trí tuệ hay không. Nếu có trí tuệ mình sẽ không có khổ gì hết, mình chỉ có thương người ta, muốn làm điều gì đó tốt cho người ta. Hết! Mình không cần người ta làm gì cho mình. Thế thôi!

Đấy, đấy là trí tuệ chuyển hoá từ khổ thành hết khổ. Nên là khác nhau không phải là yêu đơn phương hay không yêu đơn phương, khác nhau chỉ đơn giản là có trí tuệ hay không có trí tuệ. Không có trí tuệ thì yêu đơn phương biến thành Thủ, và Thủ gây đau khổ. Có trí tuệ thì yêu đơn phương biến thành Từ Bi, và mong muốn điều tốt hoặc là làm điều tốt cho người khác, mà không cần người ta phải quay lại yêu mình. Thì đấy là toàn bộ vấn đề dành cho những ai đã yêu và đang yêu đơn phương, nhớ điều đấy, hoặc sẽ yêu đơn phương, nhớ luôn điều đấy, có thể là sẽ yêu đơn phương.

Bạn Quý: Được phép yêu đơn phương hả Thầy?

Thầy Trong Suốt: Ái không khổ mà!

Bạn Quý: Mười mấy năm nay con ra đường đâu có dám nhìn ai đâu! (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Đấy là không dám Xúc. Vì mình sợ khổ mình không dám Xúc luôn. Mắt chỉ nhìn thẳng thôi, không dám Xúc. Đúng là không có Xúc thì không yêu thật.

Một bạn: Nhưng mà nó sẽ phát sinh cái tưởng tượng trong đầu.

Thầy Trong Suốt: Ờ, nhưng mà không có Xúc thì nó gọi là bị đè nén. Có vấn đề. Đè nén cũng gọi là có vấn đề. Đè nén thì giống như cái lò xo, hôm nay mình nén một ít, mai một ít. Đến 10 năm mình nén xong thì liệu nó có bung ra không? Theo mọi người thì có bung ra không? Mình chỉ hơi sơ ý một tí thôi là nó bật ra thật mạnh mẽ luôn. Đè nén rất nguy hiểm ở chỗ là khi nó bật ra, nó bật ra mạnh. Nếu không nén thì không bật ra. Nén ít thì bật ít, mà nén nhiều thì bật nhiều. Cực kì nguy hiểm! Mười lăm năm nén rồi đúng không? Quá nguy hiểm, cực kì nguy hiểm! Nó mà bung ra thì thôi đấy, khủng khiếp luôn!

Bạn Thành: Đỡ không nổi!

Thầy Trong Suốt: Cho nên đè nén để không Xúc là không nên, mình chỉ có trí tuệ để mình không chuyển sang Thủ thôi. Còn Xúc là bình thường, Thọ là bình thường, Ái là bình thường, đừng Thủ là xong. Anh mà không Xúc là có vấn đề! Mình đè nén, đè nén đấy!

Minh Nguyệt: Nhớ chưa?

Thầy Trong Suốt: (Thầy cười) Nhớ chưa?

Minh Nguyệt: Đè nén là nó bung lên đó! (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Đè nén đến lúc bung ra mới kinh, ở đây mọi người chưa gặp những người đè nén, nhưng tôi gặp rất nhiều rồi. Lúc bung ra thì kinh khủng lắm! Có hai loại, mình kể hai trường hợp. Một trường hợp mình có ông bạn là một ông sư. Sư trẻ, là sư nhưng ông ấy chắc sinh năm 82, 83. Ông ấy ở chùa Trúc Lâm Yên Tử. Chắc là ông đè nén, chắc là có chuyện gì nên ông ấy đi tu, chuyện tình cảm ấy. Thế nhưng mà ông ấy nói với mình là, thứ nhất là ông ấy vẫn không quên được cái người đấy, ông tu kiểu gì thì tu, người đấy vẫn hiện lên, hằng đêm ông ấy vẫn nhớ. Và ông ấy ở trong chùa, nhưng ông ấy cảm thấy là mình không xứng đáng với chùa. Đấy, mà ông ấy đã tu mười mấy năm rồi, mười năm là ít. Đấy là một kiểu đè nén. Tu cũng không có kết quả luôn nếu đè nén theo kiểu đấy.

Kiểu thứ hai là, có một chị kể với mình là hai vợ chồng lúc còn bần hàn, còn khó khăn thì yêu nhau lắm. Bây giờ là chủ của hai cửa hàng rất to, một cái khách sạn, một cái nhà hàng, thì cái ông chồng mẫu mực ngày xưa đấy, bây giờ bắt đầu ngoại tình. Đấy cũng là đè nén đấy. Vì mười mấy năm trước ông ấy không có điều kiện, và ông không dám. Bây giờ ông ấy có điều kiện rồi ông ấy mới dám. Thế thôi! Thế mình bảo chị ấy là chị định làm thế nào, nếu mà chồng như thế chị làm thế nào? Chị ấy bảo, chị ấy rất là phân vân, không biết làm thế nào. Thế thì cái này trong một buổi ghi âm khác có cái chuyện đấy chị ấy hỏi mình. Không nhớ buổi ghi âm nói về cái gì ấy, trong mười mấy buổi có một buổi nói về Kiêu hãnh và Định kiến. Buổi hôm đấy nói về Định kiến, đúng rồi!

Đấy, buổi nói về Định kiến đấy! Chị ấy bảo là bây giờ chị không biết làm thế nào. Bây giờ nếu mà thả ông ấy đi thì xấu hổ với mọi người quá. Vì ông ấy sẽ công khai, rồi ông sẽ làm cái trò này trò kia. Đấy, nhưng mà cũng khó lòng mà bảo ông ấy dừng lại được. Khó lắm! Nhất là, ông ấy bây giờ có tiền rồi. Ông ấy có thể nuôi cả hai gia đình một lúc, cả gia đình mình, cả gia đình kia. Thế mình hỏi là, chị muốn sở hữu một cái tâm hồn của anh ấy, hay là chị muốn 75 kg thịt nằm bên cạnh chị nhưng mà trong đầu chỉ nghĩ về cô khác à? Đấy, muốn cái gì? Muốn người ta tôn trọng yêu thương chị, hay là chị muốn 75 kg thịt nằm bên cạnh chị mà nghĩ đến người khác? Chị ấy bảo không, chắc chắn là không muốn 75 kg thịt nằm bên cạnh chị mà nghĩ đến người khác rồi.

“Thế thì chịu, bởi vì chị không thể dừng chuyện kia lại được, nên theo em ấy, chị phải vượt qua định kiến thôi, cái định kiến của chị và của xã hội này. Và để anh ấy lựa chọn và tôn trọng lựa chọn của anh ấy. Miễn là anh ấy sống đúng nghĩa vụ đối với chị, thế thôi! Anh ấy có con thì anh ấy nuôi được con, có chị thì anh ấy làm tròn nghĩa vụ, còn đâu chị không có cách nào khác cả. Còn chị có quyền bảo anh ấy là nằm cạnh tôi không được nằm cạnh cô khác, nhưng chỉ là một cục thịt thôi”. Đấy, thì chị ấy sau này cho mình mượn một địa điểm Trà đàm rất là đẹp, ở khách sạn Asian Hà Nội. Đấy là cái chị mà trong buổi đấy nói chuyện với mình.

Nghĩa là mình không ngăn được Ái rồi, còn mình cũng không ngăn được Thủ nếu mà mình không có trí tuệ. Từ Ái mình sẽ chuyển sang Thủ ngay. Đấy! Mình chỉ có thể có trí tuệ để không có Thủ thôi. Có trí tuệ thì không có thủ. Không có Thủ thì chẳng sao hết, mình ngắm 100 bông hoa đẹp không có vấn đề gì hết. Còn vấn đề chỉ xảy ra khi mình bảo là: “Tôi phải nắm được bông hoa này, tôi phải thấy nó hằng ngày, tôi phải đem nó về nhà, hay là tôi phải nhìn thấy nó suốt”. Thế thôi, nên là không có vấn đề gì đâu. Các chị đừng ngại, các bà vợ ấy, đừng ngại là chồng mình Ái.

Một bạn: Nhưng mà thưa Thầy, theo em thấy hầu như những người đàn ông khi người ta thích một người phụ nữ nào đó hoặc một người con gái nào đó thường là người ta muốn có được.

Thầy Trong Suốt: Đấy, mà hãy sợ rằng là chồng mình vô minh.

Bạn đó: Thường là như vậy, em nghĩ là như vậy.

Thầy Trong Suốt: Nếu chồng mình mà vô minh thì sẽ Thủ là cái chắc.

Một bạn: Cái anh Ái thì phải cho anh ấy biết thế nào là Hữu, là Thủ trước.

Thầy Trong Suốt: Tốt nhất là giúp cho anh ấy để anh ấy không có Thủ, thì không vấn đề gì. Còn nếu không mình làm sao mà cấm được mãi. Cấm được 15 năm đúng không? Nhưng năm thứ 16 thì sao? Đấy, biết thế nào được, đúng không? Nên là thà mình dành thời gian để giải quyết cái Thủ đấy. Tập để giải quyết cái Thủ là thông minh nhất. Còn nếu mà ông chưa làm thế thì có khi phải cấm ông ấy Xúc thật. Cấm thật đấy, đôi khi phải cấm, tất nhiên là cấm không hết được, nhưng đôi khi phải khuyên giải. Vì biết là ông ấy Ái thì ông ấy Thủ ngay, nên đôi khi là phải khuyên giải ông ấy. Nhưng mà hiệu quả thấp thôi, đấy không phải hiệu quả cao đâu. Ông ấy mà xấu tí thì ông ấy Xúc như thường. (Thầy cười)

Nên là tốt nhất là hai người cùng nhau tập, giống như là anh chị ấy. Chuyển hóa thì không có đoạn Thủ đấy thì không sợ, cho tiếp xúc thoải mái! Ái thoải mái luôn! Đấy, nhưng mà phải tập thì mới không Thủ. Không có Thủ là không có Hữu luôn!

Minh Nguyệt: Nhưng mà nếu đối phương họ không tập thì cái phần trí tuệ đó, mình giúp cho họ hiểu để họ không Thủ với không Hữu thì cũng tốt.

Thầy Trong Suốt: Mình khuyên họ được, mình có thể khuyên họ.

Minh Nguyệt: Mình khuyên họ được ạ? 

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, mình khuyên họ được, bởi thật ra nó là một sự thật mà, chân lý mà!

Minh Nguyệt: Mình khuyên là đừng Thủ, đừng Hữu thôi!

Thầy Trong Suốt: Mình bảo họ là nếu mà rẽ trái thì lao xuống vực, đấy, nếu mà Thủ là sẽ có vấn đề. Nhưng mà hiệu quả không cao bằng việc là người ta tự tu. Nếu người kia tu thì hiệu quả cao hơn. Vì mình nói chắc gì người ta đã nghe, người ta cứ rẽ trái. Mình bảo rẽ trái thì lao xuống vực, người ta cứ rẽ trái. Có những người như thế đấy. Có người bảo là rẽ trái thì lao xuống vực, người ta vẫn rẽ trái như thường. Đấy, nên là họ phải cùng thấy giống mình.

5. “Thủ” trong các vấn đề khác và Trí tuệ “Vô thường”

Một bạn: Thưa Thầy, con nghĩ là không riêng gì cái việc Thủ này, không riêng gì cho tình yêu, có thể Thủ những thứ khác?

Thầy Trong Suốt: À đúng rồi, chính xác! Nếu mà là người tập ấy, phải tập không Thủ cả những thứ khác nữa. Khi mình ăn một quán ăn ngon, nếu mình nảy trong đầu ý nghĩ là: “Tôi phải quay lại một lần nữa”, thì đấy là Thủ rồi. Đấy, mình ra khỏi quán ăn ngon, đáng ra mình có thể: “Thôi, ăn ngon, vui vẻ, thoải mái”. Mình nghĩ là: “Tôi phải hưởng lại cái này một lần nữa”, thì đấy là Thủ. Thủ là mình giữ lấy cái gì đấy một lần nữa, đấy, giữ cảm giác ngon một lần nữa. Lần sau quay lại chắc gì đã ngon như thế nữa. Nên là mình ăn ngon xong mình có thể rất vui vẻ đứng lên và rất hạnh phúc, và thế thôi, đừng có muốn quay lại một lần nữa. Còn nếu muốn rồi thì nhớ nhắc mình là: “Đấy là Thủ, mình phải bỏ nó đi, phải xả ra”.

Một bạn: Như là ăn là phải ngon, ăn là phải vui, ăn mà đạm bạc là không thấy ngon.

Thầy Trong Suốt: Đấy, và nếu mình làm được như vậy ấy, thì dần dần mình sẽ hài lòng với cái mình có, và mình thấy cái vẻ đẹp mới của một cái cũ. Mình ăn đi ăn lại một quán, hoặc là mỗi hôm ra một quán mới đều thấy đẹp. Mà ăn đi ăn lại một quán vẫn thấy đẹp, vì mình đã biết hài lòng với cái mình có. Mình không muốn Thủ thêm một cái gì đấy ở bên ngoài. Tôi mỗi lần thấy vợ tôi đẹp một kiểu khác nhau, mỗi ngày ấy, hôm nào mình cũng thấy vợ mình đẹp hết. Xong mình khen vợ mình từ sáng đến tối, hôm nào mình cũng khen, cứ về nhìn thấy là khen. Hoặc là cứ đi đâu nhìn thấy là khen. Mà không phải khen cho nịnh vợ đâu, mình thấy là thật mà!

Một bạn: Mình biết hài lòng với cái mình có thì cái mới của đối tượng tự nhiên xuất hiện?

Thầy Trong Suốt: Vì bản chất là người ta luôn luôn mới. “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông cả” – đúng không? Nên là một người luôn luôn mới, chính mình cũng thế thôi, ngày nào mình cũng có cái mới. Chẳng qua là gì ? Là mình chả để ý gì cả, người khác chẳng để ý gì cả, có khi chính mình cũng chẳng để ý luôn. Mình luôn mới đấy, mình luôn thay đổi.

Thủ là gì? Là muốn có một cái gì đấy, không chấp nhận nổi rằng nó sẽ thay đổi. Muốn cô ấy yêu lại mình mà không chấp nhận được rằng chắc gì cô ấy đã yêu lại mình. Có thể xảy ra mà? Muốn gặp lại hoặc ăn lại một lần nữa quán đấy, nhưng không chấp nhận nổi rằng là chắc gì lần sau đã ngon. Đúng không? Mình bảo quán này ngon, nhưng chắc gì lần sau đã ngon lại, ngon nữa? Mình ở đây rất nhiều người là đi ăn một lần rồi, nhưng lần sau quay lại không thấy ngon nữa. Có ai như thế không? Ăn một quán rất ngon, xong lần sau quay lại ăn đúng cái đấy lại không thấy ngon nữa? Đấy, mọi thứ nó biến đổi liên tục mà!

Thủ là mình không hiểu là mọi thứ luôn biến đổi, nên là mình muốn giữ lại một cái gì đấy mãi. Hôm nay thấy một bông hoa đẹp, mình không hiểu rằng có thể là ngày mai nó không đẹp nữa, hoặc ngày là mình không thích nó nữa. Xong mình quay lại nhìn nó một lần nữa. Yêu nhau xong lấy nhau và muốn vợ mình vẫn tuyệt vời như ngày xưa ấy. Đấy là một ví dụ khác. Lấy nhau xong bảo “sao em chán hơn ngày xưa nhiều thế?”. Nhưng mà ai chẳng thay đổi? Mình cũng đổi, cô ấy cũng đổi nên chuyện đấy là chuyện bình thường. Nhưng mình muốn Thủ cái hạnh phúc ngày xưa. Mình muốn giữ cái chuyện hạnh phúc ngày xưa trở lại, mình muốn là mối tình nào cũng phải đẹp như mối tình đầu cơ.

Đấy là Thủ đấy! Mình muốn mối tình sau phải đẹp như mối tình đầu, đấy là Thủ đấy. Con gái, phụ nữ rất nhiều người như thế, con trai thì có thể đỡ hơn. Đã một lần như thế rồi, lần sau lại muốn một anh nữa yêu mình như anh cũ. Anh ấy phải yêu tôi như cái anh trước. Là Thủ đấy! Trong khi mình không hiểu là mọi thứ vô thường.

Nên là muốn không Thủ ấy, thì phải nhớ về vô thường, hoặc là vô lường ấy. Không lường trước được nên đừng có giữ cái gì cả. Đấy, trí tuệ là nghĩ về vô lường, cái gì cũng thay đổi thì sao lại phải giữ chặt lấy nó? Thủ nó có nhiều lắm! Hôm nay người ta khen mình, mình muốn ngày hôm sau người ta vẫn phải thấy mình tử tế. Đấy là Thủ. Hôm nay người ta bảo là: “Anh tử tế quá!”, mình muốn là ngày hôm sau người ta vẫn phải nghĩ tốt về mình. Đấy là Thủ. Mình không chấp nhận nổi là ngày mai người ta nghĩ xấu về mình. Đúng không? Cái đấy là rất hay gặp phải. Mình muốn người ta quý mình là quý mình mãi. Đấy là Thủ đấy.

Bạn hàng quý mình phải quý mình mãi. Nhưng mà bạn hàng hôm nay quý mình, ngày mai ghét mình là chuyện bình thường. Chính bạn thân của mình có khi cũng ghét mình ngày hôm sau. Mình cứ muốn giữ mãi. Có Thủ là có khổ rồi. Đấy, nên là phải hiểu vô thường, vô lường. Vô thường và vô lường giống nhau ở chỗ là không có lường được cái gì trước.

Vô thường nghĩa là mọi thứ luôn thay đổi. Không bao giờ giữ mãi. Vô thường và vô lường phải luôn nhớ thì mới không Thủ, không là sẽ Thủ. Thủ uy tín, danh dự của mình, mình muốn giữ mãi, muốn người ta quý mình mãi, muốn người ta tôn trọng mình mãi. Muốn vợ mình yêu mình mãi cũng là Thủ. Vợ anh nấu ăn ngon, anh muốn ngày mai cũng phải ngon như thế cũng là Thủ. Đấy! Hôm nay mà nấu ăn ngon, ngày mai mà nấu ăn dở là ông ấy nhăn mặt ngay, đúng không? “Hôm nay làm mặn thế nhỉ!”, rất khó chịu. Thủ đấy! Vì sao mình khó chịu? Vì mình mong đợi rằng nó phải ngon một lần nữa giống hôm qua. Nên là cái Thủ này nó xuất hiện khắp cuộc sống của mình, và như vậy mình có thể tập được rất nhiều là vì thế. Mà không tập mình sẽ khổ thôi, thoát thế nào được.

Một bạn: Thưa Thầy cho con hỏi là, có phải cái Thủ đó dẫn đến mình sau khi chết không thể siêu thoát được?

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Có những người đang làm dở một công trình lớn, tự nhiên chết. Thế là ông ấy loanh quanh ở cái công trình đấy thôi, xây dựng đấy. Vì ông ấy muốn thấy nó thành công, thấy nó thành một cái toà nhà, thì mới nhắm mắt được, mới đi được. Đấy, không siêu thoát! Có một người trẻ chết trẻ, đang đi trên đường bị ô tô đâm chết, cảm thấy mình chưa được hưởng cuộc sống, sao lại chết oan ức thế này? Và không đi được luôn! Có những người say rượu, khi chết vẫn muốn quay lại để Thủ cái rượu đấy, muốn uống được cái rượu đấy. Nên là quay lại quán rượu, cứ quanh quẩn hồn ma quanh quán rượu. Có ông chủ nhà, khi chết vẫn nghĩ mình vẫn là chủ cái nhà này, Thủ cái nhà đấy, thế là ông ấy cứ là chủ nhà, cái vong linh bay qua bay lại.

Nhiều lắm, nhiều người không thoát được Thủ. Có người vợ đẹp con khôn nhưng mà chết giữa chừng, cảm thấy là không yên tâm. Vợ đẹp mà, sợ thằng khác đến, Thủ mà, và ông phải khó chịu, ông ấy ở đấy suốt. Nhiều lắm, nhiều Thủ, khổ nhiều lắm! Nên mình phải tập cái vô thường để mà xả nó ra. Đối nghịch của Thủ là Xả. Thủ là giữ, Xả là không giữ nữa. Và muốn xả được thì phải hiểu vô thường, vô lường.

Minh Nguyệt: Nhưng mà nếu như người ta đi rồi, mình có khả năng hồi hướng làm họ siêu thoát được?

Thầy Trong Suốt: Có thể chứ, hồi hướng thì họ được cái duyên lành gặp được Phật Pháp. Ví dụ như họ đang ở cõi âm đấy, tự nhiên Quan Âm Bồ Tát hiện ra nói với họ là: “Thôi hết rồi con ạ!”. Đấy, thì đi! Hoặc là không phải Quan Âm Bồ Tát mà là một ông bạn mới chết, ông bạn này hiểu Phật Pháp, thấy ông này loanh quanh ở đấy, chết xong thấy ông loanh quanh ở đấy, bảo ông ấy là: “Thôi ông ơi, còn gì nữa đâu, vợ ông lấy người khác rồi, ông ở đây làm gì cho nó khổ?”. Thế thôi!

Một bạn: Nếu mà nghe thì mới đi được?

Thầy Trong Suốt: À không tin thì thôi, nếu mà còn Thủ thì vẫn thế.

Một bạn: Mà vẫn không tin thì…

Thầy Trong Suốt: À đúng rồi, nếu mình cứ Thủ thì vẫn ở đấy thôi.

Một bạn: Nhưng mà nếu mình hồi hướng công đức nhiều thì có thể?

Thầy Trong Suốt: Có chứ! Nếu như mọi người đọc những tác phẩm của Tây Tạng thì sẽ thấy là có những người chết rồi, chỉ mong người thân đọc một câu Om Mani Padme Hum cho mình siêu thoát, nhiều khi cũng không được. Vì sức mạnh của thần chú rất là lớn, để họ siêu thoát, nhưng người thân nhiều khi chẳng nhớ đến họ để đọc.

Một bạn: Chỉ một câu thôi là siêu thoát ạ?

Thầy Trong Suốt: Nhiều khi chỉ một câu thôi, có khi phải nhiều câu hơn nhưng có khi chỉ một câu thôi. Mọi người đọc một quyển Delog, một quyển trên trang Tuyenphap.com mình có, nói về một cái cô mà cô ấy xuống địa ngục, thì bao nhiêu người nhắn với cô ấy đúng một câu thôi, rất nhiều người nói là hãy về với gia đình cô ấy. Vì cô ấy xuống và cô ấy được lại lên lại, cô ấy chỉ là chết lâm sàng mà. Trong một năm hay trong 10 ngày xong lên lại. Rất nhiều người nói là “Tôi quê ở đây, nhà ở đây. Về hãy nói với cả bố mẹ tôi, đọc cho tôi một ngày, hay là ba ngày hay là một năm câu Om Mani Padme Hum để tôi được siêu thoát khỏi địa ngục”.

Đấy! Nên là thần chú đấy mạnh mẽ lắm, nhiều người đọc một cái là siêu thoát luôn. Có người nghiệp nặng thì phải đọc nhiều. Người nào nghiệp nhẹ thì đọc ít ít. Nên mình nên đọc và hồi hướng.

Một bạn: Có những người chết lâu rồi bây giờ mình mới đọc?

Thầy Trong Suốt: Không sao hết, miễn là họ nhận được hết, dù ở cõi nào cũng nhận được.

Một bạn khác: Ở cõi trời cũng nhận được ạ?

Thầy Trong Suốt: Ừ, bất kì cõi nào, nhưng mà họ ở ba cõi thấp mà nhận được thì rất tốt.

Một bạn: Anh cho em hỏi là cái vấn đề Thủ ấy, tức là mình mong muốn rằng là nó được lặp đi lặp lại. Mình có một cái mong muốn tới một việc gì đó ở trong tương lai. Khi mà mình muốn thay đổi mình không Thủ nữa, tức là mình không mong muốn chuyện đó xảy ra nữa. Thì cái việc đó nó có làm cho mình, mình không nói về tình cảm, mà mình nói về chuyện làm việc hay là cuộc sống, nó có làm cho mình không theo cái mục tiêu của mình hay là làm cho mình không nỗ lực gì nữa không ạ?

Thầy Trong Suốt: Thủ nó khác với việc là mình mong muốn một điều tốt đẹp xảy ra. Thủ ở đây là mình giữ lại một cái gì đó cho mình. Còn đâu mình mong muốn một cái gì đấy tốt xảy ra ấy, thì không phải là Thủ.

Ví dụ thế này nhé, mình gặp một người đang rất khó khăn, mình cho người ta tiền để người ta bớt khó khăn, và mình mong muốn rằng là người ta sẽ thoát khỏi khó khăn đấy. Nếu ngày hôm sau mình gặp lại người ta, mình hỏi: “Anh đã hết khó khăn chưa?”. Người ta bảo là: “Tôi chưa hết khó khăn”, thì mình có muốn lặp lại việc giúp người ta không? Có chứ, đúng không? Người ta vẫn khó khăn mà. Lúc đấy mình làm không phải là Thủ, không phải là để gặp lại một cái gì đấy. Mà mình làm điều đấy với mục đích làm điều tốt. Thủ là mình giữ một cái gì đấy cho riêng mình. Đấy! Giữ cái gì đấy cho riêng mình một lần nữa.

Bạn đó: Thủ là muốn giữ không muốn rời đi còn nỗ lực lại là một việc hoàn toàn khác nữa?

Thầy Trong Suốt: Hoàn toàn khác!

Bạn đó: Giống như khi nãy chẳng hạn như ảnh yêu đơn phương đi, ảnh muốn là có cảm giác được gặp cô ấy và ảnh nỗ lực để gặp cô đó. Thì cái việc đó nó khác hoàn toàn với việc Thủ?

Thầy Trong Suốt: Không, đấy là Thủ đấy, Thủ nghĩa là tôi muốn gặp, có được cảm giác được gặp cô ấy một lần nữa. Nhưng mà nếu anh ấy muốn quay lại giúp cô ấy thì không sao. Anh ấy gặp để làm gì? Gặp để được cái cảm giác đấy một lần nữa, hay là gặp để khuyên cô ấy mấy câu như Thành kể đấy. Thành kể là gặp để khuyên lại cô ấy để cô ấy tiến bộ, thì không vấn đề gì cả. Thủ là mình muốn giữ cái cảm giác gì và tìm cách để cho nó quay lại.

Bạn đó: Nhưng mà ví dụ như nếu lúc đó anh muốn quay lại gặp cô đó để có lại cái cảm giác vui vẻ đó?

Thầy Trong Suốt: Ừ, thì đấy là Thủ.

Bạn đó: Thì đó gọi là Thủ?

Thầy Trong Suốt: Và Thủ đấy thì gây ra khổ. Nếu, nếu mình quay lại mà không gặp cô ấy mà mình không khổ thì không sao, đấy không phải là Thủ.

Bạn đó: Tức là khi mình gặp mà mình…

Thầy Trong Suốt: Nếu quay lại mà cô ấy không ở đấy mình thấy vui vẻ bình thường thì thôi, thì mình chỉ Thủ ở mức độ nhẹ thôi. Nhưng mà nếu mình quay lại mà cô ấy không có ở đấy, mình thấy rất buồn thì là Thủ nặng rồi.

Bạn đó: Tức là cái cảm giác lúc mà mình gặp cô đó thì mới xác định được là mình Thủ hay không?

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi!

Bạn đó: Chứ còn cái chuyện mình mong muốn là một chuyện rất bình thường.

Thầy Trong Suốt: Mong muốn là một cái gì rất bình thường nếu mục tiêu của nó, giả dụ mình gặp cô đó thì cô đó cũng tốt, không phải chỉ mình tốt, gặp lại cô ấy mình cũng nói được mấy câu tử tế, giúp cô ấy tiến bộ lên, có gì đâu? Còn mình chỉ chăm chăm gặp lại để thấy khuôn mặt rạng ngời của cô ấy để mình hạnh phúc, xong rồi nếu cô ấy không xuất hiện thì mình buồn quá vì cô ấy không xuất hiện nữa, thì đấy là vấn đề.

Bạn đó: Dạ!

Thầy Trong Suốt: Nghĩa là gì, mình nhắc lại là nếu muốn cái gì đấy lặp lại, và nếu không lặp lại thì mình khổ, đấy là Thủ. Mình muốn nó lặp lại và nếu nó không lặp lại thì mình khổ, đấy là thủ, rõ ràng luôn! Còn nếu nó không lặp lại mình bảo là: “À, vô thường, có gì đâu”, đấy là bình thường thì lại không sao. Nhưng nó không lặp lại mình bảo: “Ôi, khổ quá, tại sao cô ấy lại không đến? Tại sao người ta lại không tử tế với mình nữa” thì đấy là Thủ rồi. “Mình buồn quá”. Còn không gặp lại mình bảo là: “Ừ, vô thường mà, chắn chắn là có thể như thế”, thì thôi!

Ở đây mình phải luôn luôn trung thực với chính mình. Để mình kiểm tra xem chính mình thấy như thế nào. Nếu không gặp lại, mình thấy bình thường thì đấy là Xả, không phải là Thủ. Thủ là giữ chặt, giữ chặt lấy cái gì đấy, không muốn thả nó ra. Ở đây mình ví dụ là vợ mình nấu ăn ngon, mình giữ chặt cái nấu ăn ngon đấy. Ngày mai vợ mình nấu dở, mình khó chịu. Đấy là Thủ. Hoặc là vợ mình nấu ăn dở mình bảo: “À, vô thường. Hôm nay ngon ngày mai dở là chuyện bình thường chả sao cả!”. Nhưng mà mình khó chịu quá mình bảo: “Tại sao? Hôm nay cô ấy không thương mình nữa, hay là cô ấy nhớ anh nào đây, nên là nấu ăn không ngon đây?”. Đấy là vấn đề rồi. Thủ đấy, khó chịu. “Ừ, vô thường mà, hôm nay ngon ngày mai không ngon là bình thường, có gì đâu!”. Có đúng không?

Muốn giải quyết Thủ thì phải nhớ, mình nhắc lại này, vấn đề là không phải mình lẩm bẩm là: “Không Thủ nữa, không Thủ nữa, không Thủ nữa”. Mà nhớ nhắc mình về vô thường là xong. Đấy, vô thường thì nó không lặp lại nữa mình thấy bình thường, thì không phải là Thủ.

Bạn Thành: Thế nếu mà cô đấy nấu ăn dở hoài, không có tiến bộ được, mình nói bao nhiêu lần nữa không tiến bộ được thì mình đâu có muốn Thủ đâu? Đúng không? (Mọi người cười) Mình muốn thay đổi cứ không chịu thay đổi thì phải làm sao?

Thầy Trong Suốt: Đấy không phải gọi là Thủ nữa, đấy gọi là Sân. Sân là mình không hài lòng với cái đang xảy ra, gọi là Sân. Ví dụ đang ngồi đây chẳng hạn, tự nhiên có một cái loa rất to ngoài kia làm mình khó chịu, đấy là Sân. Vì mình không hài lòng với hiện tại, mình không hài lòng với cái đang xảy ra thì gọi là Sân. Vợ mình nấu ăn dở, mình chấp nhận thì không sao hết, vợ mình nấu ăn dở xong rồi mình tức từ ngày này sang ngày khác đấy là Sân rồi. Đáng ra phải chấp nhận xong rồi thay đổi cô ấy sau. Mình hoàn toàn có thể thay đổi cô ấy mà không cần tức giận. Đúng không? Chỉ cần nói là: “Em ơi hãy nấu ngon lên”, mà không cần phải giận cô ấy. Nhưng mình giận cô ấy thì đấy là Sân rồi. Thủ dễ sinh ra Sân lắm. Thủ là mình muốn giữ chặt cái gì đấy mà nó lại không thế. Thế là Sân rồi, sinh ra Sân ngay!

Ví dụ tôi đang nói câu chuyện này mọi người đang nghe rất là thích, xong mưa rào rào rào. Không được nghe nữa! Thế là mọi người tức, khó chịu. Đấy là Thủ đấy. Thủ sinh ra Sân đấy. Thủ là, nếu tôi nói rồi thì muốn nghe tiếp 5 phút nữa. Và khi mưa xuống mình không hiểu là vô thường. Mình bảo là: “Cái lão trời này thật là xấu tính, mưa đúng lúc mình đang thích nghe!”. Đấy, mình giận cả ông trời luôn, đấy là Sân đấy! Nghĩa là Thủ sinh ra Sân. Còn nếu mà mình đang ngồi đây mưa rơi xuống, mình bảo là: “Ừ, vô thường, không nghe nữa thì thôi, vô thường”, thế là xong. Thì không có gì Thủ ở đấy cả. Nên là vô thường giải quyết được vấn đề.

Một bạn: Nếu mà vô thường, lúc mình hiểu sâu sắc vô thường thì đâu còn cái gì gọi là tức giận gì đâu hả Thầy?

Thầy Trong Suốt: Ừ, nếu hiểu vô thường thì mình vẫn còn cái giận do nghiệp lực. Nhưng mà khi nó xảy ra cái thì mình hoá giải được ngay. Còn mình vẫn có cái loại cảm xúc phiền não do nghiệp lực nó xảy ra. Tự nhiên đang ngồi thấy buồn, nhưng nếu ngay lúc buồn đấy mình có trí tuệ thì không sao. Ngay lúc buồn đấy mình mà không có trí tuệ thì bắt đầu sinh ra là chán xong rồi hành xử sai lầm.

Nên là không phải mình hiểu vô thường là mình hết buồn, hết giận đâu, nhưng mà ngay khi buồn giận mình giải quyết được ngay. Khi buồn giận là nghiệp lực, nhiều khi như hồi nhỏ bố mình cứ hay đánh mình. Thế thì lớn lên mình đi ra thành phố khác, không gặp bố thì mình không có giận, nhưng về quê lại nhìn thấy bố là mình thấy khó chịu ngay. Ngay lúc khó chịu đấy mà tập vô thường thì thôi, tập xả ra ấy. Nếu mà không thì mình sẽ khó chịu. Nên là quan trọng không phải là mình có buồn hay không buồn nữa. Quan trọng là lúc nó xảy ra mình có trí tuệ hay không có trí tuệ. Đấy!

6. Sau Thủ là gì? Vòng luân hồi chạy như thế nào?

Thầy Trong Suốt: Tập không phải để mình hết buồn đâu, tập để có trí tuệ đấy, còn có trí tuệ thì buồn xảy ra giải quyết được ngay. Nên là hệ quả của nó là hết buồn hoặc là bớt buồn. Còn mình buồn hay không buồn thì là do công đức của mình có nhiều hay không. Công đức của mình ít thì hôm nay có người phá, ngày mai có người phá. Nên là phải phóng sinh vì thế. Tích tập công đức. Hạnh phúc của mình hay khổ đau của mình, đầu tiên là do công đức, do nghiệp lực của mình. Nhưng nếu mình có trí tuệ ấy, thì nó đến rồi nó sẽ tan. Còn không có trí tuệ, nó đến nó dìm mình xuống bùn. Đấy, khi mà không có trí tuệ thì phiền não đến là mình té xuống đất, buồn ngay. Nên là quan trọng nhất không phải để hết phiền não. Hôm qua tôi có bài thơ nói cho mọi người nghe đấy, cố làm hết phiền não chính là tăng bệnh của mình lên.

Đơn giản là thấu hiểu thôi. Trí tuệ đấy! Thấu hiểu tự nhiên là phiền não đến chẳng có vấn đề gì cả, hoá giải ngay lập tức, đã hiểu lý do chưa? Còn nếu mình bảo là tôi quyết tâm từ giờ trở đi không giận ai nữa – đấy là vấn đề! Đấy là mình cố loại trừ phiền não. “Nhưng tôi quyết tâm là từ giờ trở đi sẽ thấu hiểu, để nếu có giận thì tôi hiểu ngay lúc đấy, và hoá giải được nó, chuyển hoá được nó” thì không sao. Nên là mình cố gắng để có trí tuệ, có sự thấu hiểu. Chứ không phải cố để không bao giờ giận ai, không bao giờ giận, không bao giờ buồn. Còn nếu muốn không bao giờ giận, không bao giờ buồn hoặc là muốn hạn chế cái đấy thì tích luỹ công đức. Công đức nhiều thì người ta đến vừa định phá mình thì có người khác đến giúp mình. Mình sắp rơi xuống bùn thì có người cầm mình kéo lên. Đấy, thì đấy là công đức.

 

Mục tiêu của mình hoá giải nỗi buồn không phải để hết buồn đâu, mà là để hiểu sâu sắc hơn về nỗi buồn. Để thấy là nó cũng không có gì đáng sợ cả. Đấy, sau cái bài hôm nay ai đang yêu đơn phương, hoặc là sẽ, hoặc là đã, thì nhớ là không vấn đề gì với yêu đơn phương cả. Chỉ có Thủ mới là vấn đề thôi. Thiếu trí tuệ, Thủ mới là vấn đề thôi. Nên là nếu anh tập tốt thì không cần phải nhìn thẳng đâu, thỉnh thoảng nhìn chéo cũng được, nhìn ngang tí cũng được. (Thầy cười)

Bạn Thành: Thay vì nói là không yêu đơn phương nữa thì nói là không Thủ đơn phương nữa.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, không Thủ nữa!

Một bạn: Nhưng mà thưa Thầy, có nhiều trường hợp là người ta không Thủ, nhưng người ta có gia đình rồi, mà người ta vẫn thích người khác, người ta vẫn cố giữ người kia. Còn trong chuyện tình cảm thì người ta xao lãng với vợ con.

Thầy Trong Suốt: Nếu mà không có Thủ thì không xao lãng. Thủ nghĩa là gì, là mình nhớ nhung người kia. Nhớ nhung cũng là một loại Thủ đấy! Ví dụ như chị thấy bông hoa đẹp, xong rồi về nhà chị không nghĩ gì cả thì không phải là Thủ. Về nhà chị cứ nhớ về bông hoa thì đấy là Thủ đấy. Nên nếu mà người ta có Thủ thì mới có xao lãng. Thủ không phải là yêu nhau nhé, Hữu mới là đoạn sau, Hữu là yêu người kia, đến gần người ta thì đấy là Hữu. Còn Thủ chỉ là nhiều khi nhớ nhung này, vì mình nghĩ về người kia mình thấy thoải mái trong lòng thì đấy gọi là Thủ rồi. Chứ không phải là Thủ là phải gặp nhau, rồi nắm tay mới gọi là Thủ. Nhớ nhung nhau là Thủ rồi, thì Thủ mới có xao lãng. Không có Thủ không có xao lãng.

Một bạn: Còn trường hợp cả hai người mà người ta thích ở chung một cái nhà thì sao ạ?

Thầy Trong Suốt: Hữu đấy! Hữu rồi đấy! Không chỉ lúc đấy là Thủ nữa mà là Hữu luôn! Thành cái gì đấy với nhau, thành ở chung với nhau, thành gặp nhau thường xuyên, chính thức với nhau.

Nghĩa là mình đã Thủ thì đã có vấn đề rồi, Hữu thì là vấn đề hơn, nhưng Thủ đã là vấn đề rồi. Thủ là đã khổ rồi.

Duy Minh Tuấn: Sau Thủ là gì Thầy?

Thầy Trong Suốt: Sau Thủ là Hữu.

Duy Minh Tuấn: Sau Hữu còn cái gì?

Thầy Trong Suốt: Sau Hữu là Sinh, Sinh nghĩa là từ lúc đấy sinh ra một cái gì mới. Ví dụ sinh ra con cái mới, sinh ra nỗi khổ mới, sinh ra hoàn cảnh mới. Đấy, khi mà thành cái gì đấy chính thức cam kết gần nhau thực sự thì sinh ra đủ các loại chuyện. Có thể sinh ra con, sinh ra phiền phức cực kỳ nhiều. Đấy, Thủ đã là vấn đề rồi, Hữu càng là vấn đề và Sinh càng là vấn đề nữa.

Duy Minh Tuấn: Sau cái Sinh là gì hả Thầy?

Thầy Trong Suốt: Sau Sinh là Lão.

Duy Minh Tuấn: Là Sinh – Lão – Bệnh – Tử ạ?

Thầy Trong Suốt: Lão nghĩa là cái Sinh đấy nó già đi, nó suy đi, nó yếu đi, nó khổ đi. Xong rồi đến Tử. Hết, kết thúc! Xúc – Thọ – Ái – Thủ − Hữu – Sinh – Lão – Tử. Về mặt tình yêu hôn nhân thì nó là: Gặp nhau này, xong rồi thích nhau, xong rồi yêu nhau, xong rồi cưới nhau, sinh ra vợ con, sinh ra một cái gia đình mới này. Xong rồi già và chết. Đấy là luân hồi đấy!

Bạn Thành: Chết xong quay lại Sinh trở lại?

Thầy Trong Suốt: Chết rồi trở lại Sinh, luân hồi mà. Luân hồi thì chết có phải hết không? Tử xong lại Sinh, Tử xong cái vòng mới xuất hiện. Nó cứ luẩn quẩn, luẩn quẩn, luẩn quẩn!

Bạn Thành: Vậy là hai người lấy nhau nó là một cái nhân duyên, và đó là một chuỗi nhân duyên với nhau?

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, phải có nhân duyên.

Bạn Thành: Và đã được định trước?

Thầy Trong Suốt: Đã định từ rất lâu!

Bạn Thành: Chứ không phải tự nhiên gặp mà thích, tại sao cô này đẹp mà không thích lại thích cô xấu hơn. Thích cô xấu, cô lùn. (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Đúng, đúng, đúng, chính xác! Thích là phải có duyên!

Bạn Thành: Kì lạ là cô ấy lại không thích mình, đau lòng! (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Ờ, tuỳ duyên của người ta.

Bạn Thành: Đấy là duyên nợ của mình. Mình phải hiểu được cái đấy thì mình không buồn.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi!

Một bạn: Vậy là cái Xúc cũng là từ cái nợ hả Thầy?

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, Xúc là duyên rồi! Tại sao chị hôm nay lại gặp từng này người, mà không gặp 100 người bên ngoài kia – Xúc. Đấy, tại sao gặp từng này người, sao Xúc với người này, người này, người này, mà không ngồi đây cạnh anh này mà lại ngồi cạnh chị kia. Đúng không? Em thực ra em ngồi cạnh ai là có duyên với người đó hết từ trước rồi, chứ không phải đơn giản đâu! Không phải là tự nhiên, ngẫu nhiên đâu! Mà là em phải có duyên. Duyên mới sinh ra Xúc được, không có duyên không sinh ra Xúc. Không có duyên là nhiều khi mình gặp người ta, người ta đi đâu xong ngày hôm sau người ta đi nước ngoài luôn, chẳng bao giờ gặp nữa. Đấy, có khi chỉ nghe tên người ta chứ chẳng gặp người ta bao giờ. Có duyên mà không có Xúc.

Bạn đó: Mà duyên mà nặng mới sinh ra Hữu được ạ?

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, nghĩa là duyên rất nặng thì nó thành “Trở thành”, còn nếu không đủ nặng thì nhiều khi sắp cưới nhau rồi cũng bỏ nhau. Không Hữu được luôn! Duyên nó phải rất là mạnh, đủ duyên để Hữu thì mới Hữu, chứ không đủ duyên cũng chẳng Hữu được. Không đủ duyên thì là sẽ gặp một người khác để Hữu, Hữu người khác. Hữu anh khác chứ không phải cái anh đấy.

Bạn Thành: Còn nếu không Hữu ai hết thì cũng bình thường đúng không ạ?

Thầy Trong Suốt: Nghĩa là không có duyên Hữu ai hết!

Một bạn: Nếu không Hữu như vậy thì làm sao có khổ đau được?

Thầy Trong Suốt: Ừ thì người ta không hiểu nên khổ đau. Vô minh mà! Vô minh là không hiểu đấy. Không hiểu thì có khổ đau.

Một bạn khác: Vấn đề là chung quanh họ, xã hội cứ áp đặt phải thế này phải thế kia.

Bạn Thành: Mình không đến với nhau được, gần đám cưới không cưới được thì thôi.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, nếu không Thủ nữa thì thôi không sao!

Bạn Thành: Ngoài vấn đề tình yêu ra cuộc sống còn nhiều vấn đề lắm, không khổ vấn đề này thì khổ vấn đề khác.

Thầy Trong Suốt: Không khổ vì yêu thì khổ vì cái khác, nói chung là cứ có Thủ thì có khổ rồi, đơn giản thôi. Ăn ngon mà Thủ là có khổ, vợ đẹp mà Thủ là khổ, uy tín cao mà Thủ thì cũng là khổ. Ca sĩ nổi tiếng rất khổ, lúc nào cũng lo uy tín của mình mất. Lo báo nó viết xấu về mình. Một ông tổng giám đốc rất khổ, vì lúc nào cũng phải lo giữ doanh nghiệp của mình phải tốt mãi như ngày hôm nay, hoặc tốt hơn nữa.

Cứ có Thủ là có khổ. Mà có vô minh là sẽ có Thủ. Đấy! Nên là mình thấy tại sao xã hội ai cũng khổ đúng không? Thấy tổng bí thư có khổ không? Khổ vì vẫn Thủ. Tổng thống cũng khổ, chủ tịch tập đoàn cũng khổ, diễn viên siêu nổi tiếng cũng khổ. Cứ có Thủ là có khổ mà! Thủ càng nặng càng khổ nhiều!

Quý đâu rồi ấy nhỉ? Đấy, nên anh nào yêu đơn phương ấy thì tập bỏ, tập xả, tập vô thường. Hết khổ ngay. Đơn giản thế thôi. Muốn hết khổ không phải bằng cách là cố quên cô ấy, không được. Cố nhớ cô ấy cũng không được. Một cái đã không làm được thì làm sao làm được hai cái đấy?!

Chỉ có thể để có trí tuệ để không Thủ nữa thôi. Lúc ấy mình vẫn còn Ái chứ không phải mình hết Ái. Không phải là mình hết yêu cô ấy đâu. Mình vẫn yêu cô ấy mà không muốn sở hữu cô ấy, không muốn cô ấy yêu lại mình. Không phải không muốn mà là không bắt buộc. Muốn thì có thể vẫn muốn, nhưng mà không bắt buộc cô ấy phải yêu lại mình. Nếu cô ấy không yêu lại mình thì mình cũng không buồn. Vì mình hiểu là vô thường.

Minh Nguyệt: Vừa rồi Quý mới nói đấy: “Mẹ ơi mẹ bây giờ con thấy khoẻ rồi”. Nếu mà nói ra kiểu đó giờ con yêu thoải mái mà con không có Thủ nữa.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Chính xác! Rất tốt! Nếu mà hiểu theo cách đúng. Yêu đừng có Thủ, không sao hết! Yêu 100 cô cũng được!

Minh Nguyệt: Giờ có một người hỏi là trái tim chưa bao giờ biết yêu thì làm sao đây?

Thầy Trong Suốt: Đấy, Xúc, đầu tiên là không có Xúc, hoặc là thiếu Xúc. Cô ấy thiếu Xúc ví dụ như cả đời cô ấy chỉ loanh quanh ở góc nhà thôi không gặp ai hết…

Minh Nguyệt: Không có thích ai chứ không phải là không có Xúc. Có!

Thầy Trong Suốt: Nếu Xúc mà không có Thọ, nghĩa là không có duyên với họ để Thọ, để thích. Có nhiều người gặp một cô xinh đẹp cũng chả thích. Thích một cô đấy, giống như Thành kể đấy, người ta không thích, mình lại thích. Đấy là mình có duyên với người đấy, mới Thọ. Có duyên mới Xúc, có duyên, đủ duyên mới Thọ. Từ đấy trở đi bắt đầu Thọ là sinh ra Ái. Ái mà vô minh là sinh ra Thủ, còn đã Thủ là sẽ sinh ra Hữu. Hoặc là nếu đủ duyên thì Hữu, không đủ duyên thì Hữu theo kiểu là nhớ nhung người ta không dứt. Nhiều kiểu lắm!

Một bạn: Nếu nói như vậy thì người ta nói nếu mà mình Xúc, Thọ rồi Ái, đó có phải là vẫn là gieo cái nghiệp gì đó không?

Thầy Trong Suốt: Vẫn là tự nhiên nó sinh ra như thế, nếu mình không có Thủ thì không có khổ, chứ còn nghiệp thì vẫn sinh ra như thường.

Bạn đó: Lúc đó mà như vậy là mình có gieo nghiệp cho người đó hay không, vì người ta ở cái mức độ là không có Thủ cùng với mình?

Thầy Trong Suốt: Nếu mình làm gì người ta cơ, còn mình chẳng làm gì đến ai thì lại khác. Ví dụ mình viết thư tỏ tình chẳng hạn. Ái rồi viết thư tỏ tình đúng không?

Minh Nguyệt: Viết thư tỏ tình là mình bắt đầu gieo nghiệp.

Thầy Trong Suốt: Bắt đầu tạo nghiệp rồi! Nhưng mà nghiệp đấy là nghiệp gì thì phải phụ thuộc vào người kia phản ứng thế nào. Người ta đọc xong thư người ta rất tức mình thì là nghiệp khác, nếu người ta đọc xong thư người ta thấy bình thường thì là nghiệp khác, đọc xong thư người ta yêu mình là nghiệp khác. Đấy là phụ thuộc vào phản ứng của người ta nữa.

Minh Nguyệt: Khó chứ không phải dễ đâu đó!

Bạn Thành: Mình có trí tuệ thì nó sẽ không khó nữa, khi không biết thì nghĩ là khó thôi biết rồi không thấy khó. Biết là phải hành động. Có trí tuệ rồi là phải hành động.

Bạn khác: Vừa rồi trường hợp của anh Thành có nói là người khác yêu lại mình, nhưng mình không thích và bị làm phiền đó Thầy?

Thầy Trong Suốt: Mình bị làm phiền đó hả?

Bạn đó: Dạ, cái người mình không thích người ta mà người ta yêu mình…

Thầy Trong Suốt: Thế chuyển chủ đề chưa? Chuyển chủ đề khác nhé? Yêu đơn phương, bây giờ là bị yêu đơn phương. Xong chưa đã, những ai đang yêu đơn phương hoặc đã yêu đơn phương có cảm thấy đã giải quyết được không? Có cần hỏi gì mình không? Xong vấn đề này đã vì cái kia nó là chủ đề nguyên nhân khác. Quý có hỏi gì không?

Bạn Quý: Dạ không ạ!

Thầy Trong Suốt: Liệu Quý có thể Ái mà không có Thủ không?

Bạn Quý: Bữa em có đọc câu chuyện đó là cái anh này anh bị vợ hay là bạn gái anh ấy bị bắt cóc, và ảnh ấy nói: “Cám ơn nha!” (Mọi người cười) Cái trường hợp của anh ấy em thấy là anh ấy vượt lên cái Thủ luôn.

Thầy Trong Suốt: Bắt cóc là theo nghĩa xấu hay nghĩa tốt?

Bạn Quý: Bắt cóc là… anh ấy nghĩ là điều tốt.

Thầy Trong Suốt: Không, nhưng mà thật ra cái cô ấy sẽ khổ hay sướng, đơn giản thế thôi!

Bạn Quý: Cô ấy khổ hay sướng?

Thầy Trong Suốt: Nghĩa là thằng kia là tội phạm, hay là bắt cóc theo kiểu trong ngoặc kép. Bắt cóc theo kiểu là Thành “bắt cóc” bắt cô ấy đi chứ gì? (Mọi người cười)

Bạn Quý: Nhưng mà em thấy ông ấy là không có Thủ, ông ấy hạnh phúc.

Thầy Trong Suốt: Bắt cóc theo nghĩa xấu thì ông ấy Thủ, nhưng ông ấy hơi vô tâm.

Một bạn: Câu chuyện của anh Quý là anh này không có yêu người vợ của mình.

Bạn Quý: Chưa Ái luôn, chưa Thọ luôn, chưa có gì hết trơn, mới Xúc thôi!

Thầy Trong Suốt: À, câu chuyện đó mới Xúc thôi cứ gì?

Bạn Quý: Chưa có Ái nữa. Không biết nữa nhưng mà em cảm nhận như là bây giờ thấy không có Thủ thì hạnh phúc hơn.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, không có Thủ thì chắc chắn là không khổ rồi. Nhưng mà để người yêu hoặc vợ mình bị bắt cóc mà mình chẳng cảm thấy gì thì là vấn đề, đấy lại là vấn đề lớn. Vấn đề lớn hơn cả cái kia.

Bạn Quý: Lớn hơn cả Thủ nữa!

Thầy Trong Suốt: Ừ!

Bạn Quý: Căng thật!

7. Tại sao yêu một dòng sông thì không Thủ, còn yêu một cô gái thì lại Thủ?

Duy Minh Tuấn: Thưa Thầy là vì sao mà cái Thủ đó nó lại nảy sinh ở những người mà cái mối quan hệ nam nữ nhiều?

Thầy Trong Suốt: Không, không phải đâu, anh nhầm rồi! Nam với nam vẫn Thủ như thường!

Duy Minh Tuấn: Dạ không, con người ấy! Ví dụ như mình nhìn dòng sông mình thấy là rất đẹp, cảm thọ nó là đẹp.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Ái là mình thích nó hay mình không thích nó.

Duy Minh Tuấn: Nhưng mà ví dụ như ngày mai không ra đây cũng không sao.

Thầy Trong Suốt: Ừ, thì không có Thủ.

Duy Minh Tuấn: Nhưng nếu mà trường hợp là gặp một con người đó, gặp người phụ nữ hoặc nữ gặp một người nam chẳng hạn, thì tại sao họ có Ái rồi nhưng mà họ lại vượt qua cái Ái đó để tiến đến Thủ.

Thầy Trong Suốt: Tại vì là cái cảm giác đó rất là mạnh mẽ, còn cảm giác gặp một dòng sông thì đơn giản lắm! Nó không đáng yêu đến mức là mình phải giữ nó. Không đủ mạnh để giữ nó. Còn cảm giác gặp một người phụ nữ mình thích thì mạnh mẽ hơn nhiều.

Duy Minh Tuấn: Nhưng mà nếu cái trường hợp mà họ…

Thầy Trong Suốt: Còn nếu anh rất mê dòng sông này thì khả năng rất cao là anh quay lại, hoặc muốn quay lại lần nữa. Chẳng qua là anh không mê lắm. Cảm xúc nó sinh ra trong mình ấy, nó mạnh mẽ hay là bình thường, nếu cảm xúc, cái Thọ nó rất mạnh mẽ, thì cái rất Ái mạnh mẽ và cái Thủ sẽ mạnh mẽ. Còn đâu cái Thọ nhẹ nhàng, thì cái Ái cũng nhẹ nhàng và cái Thủ có thể hoặc không xảy ra hoặc có một mức độ thấp.

Duy Minh Tuấn: Như ví dụ trường hợp con thấy một cái xe mà rất là thích chẳng hạn, rất là thích. Nhưng mà mình nghĩ, mình không thể sở hữu nó thì cái sự Thủ của mình ấy, nó sẽ biến mất.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Nhưng mà nó biến mất là gì, biến mất ở chỗ là trong thực tế thôi, còn đâu thỉnh thoảng trong đầu anh vẫn nghĩ về cái xe đấy, chứ không phải là anh không bao giờ nghĩ về cái xe đấy nữa. Hay là anh bảo anh không bao giờ nghĩ tới cái xe nữa, từ nay trở đi không bao giờ nghĩ tới cái xe nữa? Hay là 5 năm sau anh có tiền anh lại nghĩ về cái xe đấy?

Duy Minh Tuấn: Không có cảm giác thích cái xe đó, có thể thích cái xe khác. (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Đây là “không thể Thủ được”, việc của anh là không thể Thủ được thì thôi, nghĩ làm gì?

Bạn đó: Chắc là vậy!

Thầy Trong Suốt: Tôi không thể Thủ được thì nghĩ làm gì? Tôi rất thích trở thành… một tổng giám đốc nổi tiếng nhất Việt Nam, nhưng mà thôi, tôi không thể làm được thì thôi, tôi nghĩ về nó nhiều làm gì. Đấy, đấy cũng là một loại hiểu biết đấy. Không thể làm được.

Nhưng hiểu biết đấy nó không phải là sâu sắc, bởi vì sao? Vì nếu ngày mai anh lại có một ai đấy tâng bốc anh là: “Anh là người tổng giám đốc giỏi nhất mà em từng biết”. Thế là mình lại muốn quay lại cảm giác làm được chuyện kia. Đấy! Ngày mai ai bảo là: “Tôi sẽ cho anh cục tiền”. Thế là anh lại nghĩ về cái xe kia ngay. Hôm nay anh nhìn thấy nó anh không thích, nhưng mà anh mai có người biếu không anh một cục tiền như vậy, anh lại nghĩ đến cái xe ngay lập tức. Nên ở đây là mình biết mình không sở hữu được, mình không Thủ.

Duy Minh Tuấn: Thế còn trường hợp mà ví dụ như một người họ Ái một cái xe đó, thì ví dụ hoặc là 10 năm, 20 năm sau chắc họ không còn yêu chiếc xe đó nữa. Nhưng con người mình yêu có thể là mười năm, hai chục năm, ba chục năm sau, cái người phụ nữ hoặc cái cảm giác vẫn còn.

Thầy Trong Suốt: Thì tôi nói là cảm giác có mạnh hay không mà.

Duy Minh Tuấn: Mãnh liệt đấy, tất cả là mãnh liệt hết đấy!

Thầy Trong Suốt: Làm sao yêu một cái xe mãnh liệt bằng yêu một cô gái được? Khó lắm! Cô gái là một cái gì đấy sinh động, còn một cái xe là một cái gì đấy chết rồi. Anh khó có thể yêu một cái chết rồi bằng cái gì đấy sinh động lắm.

Duy Minh Tuấn: Nhưng mà người phụ nữ hoặc người nam đó, cái người đó sau mấy chục năm họ cũng già, xấu. Sao họ vẫn cứ yêu?

Thầy Trong Suốt: Vì anh vẫn Thủ cái cảm giác ngày xưa. Ngày xưa gặp cô ấy chính là cảm giác rất hạnh phúc, bây giờ gặp lại cô ấy vẫn cái cảm giác hạnh phúc, cái Thủ đó vẫn còn, Thủ cái cảm giác. Thủ ở đây không phải là Thủ cái đối tượng ấy đâu. Lúc nãy mình nói chỗ này không rõ, mọi người không hiểu. Thủ ở đây là giữ lại cái cảm giác Ái đấy, cảm giác Thọ đấy. Chứ không phải giữ cái con người kia. Lần trước mình gặp cô ấy mình hạnh phúc đúng không? Ba mươi năm sau cô ấy nhăn nheo rồi mình gặp cô ấy vẫn thấy trong lòng ấm áp. Như vậy là mình vẫn giữ cái cảm giác ngày xưa.

Một bạn: Nhưng mà thường thì không Thủ cảm giác của chính mình mà lại Thủ người kia.

Thầy Trong Suốt: Tại sao mình Thủ người kia? Vì mình muốn cảm giác đấy chứ đâu?

Bạn đó: Dạ, nhưng mà họ lại không nghĩ ngược lại là cái cảm giác của chính mình, mọi người nghĩ Thủ là do người kia.

Thầy Trong Suốt: Lý do mình quay lại quán ăn để mình có lại cái cảm giác ăn ngon ngày hôm qua, chứ mình sở hữu quán ăn làm gì, đúng không? Lý do mình gặp một cô bạn gái là mình muốn cảm giác hạnh phúc khi gặp nhau. Nên Thủ là Thủ cái Thọ, Thủ cái Ái. Thủ lại, có lại, gặp lại được cái cảm giác như ngày xưa, gọi là Thủ. Tại sao anh không muốn gặp lại chiếc xe nhiều là bởi vì không phải lần nào gặp nó anh cũng sinh ra thích. Không phải lần nào nhìn thấy nó anh cũng có cái Thọ hạnh phúc. Có lần anh nhìn thấy hạnh phúc, có lần sau anh biết là không mua được nó anh thấy chán. Thọ của anh không có thì sao hạnh phúc ở đấy?

Duy Minh Tuấn: Người kia thì mình thích, mình Ái người kia đi, nhưng mà mình vẫn biết là không cưới được người kia.

Thầy Trong Suốt: Nhưng mà gặp lại lần nào anh cũng Lạc, gặp lại lần nào anh cũng có Xúc lại, thì lại có Thọ lại. Cái lạc Thọ nó xuất hiện quay lại. Nhìn thấy dáng vẻ xinh xinh của cô ấy là thấy trong lòng thoải mái. Nghĩa là khi lần sau anh gặp lại anh lại có cái Thọ đấy, nên muốn Thủ, giữ lại. Yêu đơn phương là ví dụ đấy, không cần cô ấy yêu mình đâu, chỉ cần gặp, nhìn thấy cô ấy hằng ngày thôi. Giống tôi ngày xưa đấy, chỉ gặp lại nhìn lại cô ấy thôi, còn cô ấy có yêu mình không thì có biết đâu.

Mình Thủ là Thủ cái Thọ khi mình tiếp xúc với người ta, mình quay lại quán ăn bởi vì sao? Vì mình muốn có lại cảm giác ngon, Lạc Thọ một lần nữa. Anh hiểu ý tôi nói không? Thủ không phải là giữ chặt được cô gái ấy đâu. Nếu cô ấy làm mình ghét là buông ra luôn, nếu ngày hôm sau cô ấy gặp mình, cô ấy chửi mình, chửi ông bà bố mẹ mình xem là mình còn muốn Thủ cô ấy nữa không? Hoặc là ngày kia cô ấy bị ngã xe mặt biến thành… ma, mình còn muốn Thủ nữa không? Chắc gì đã Thủ nữa? Nếu cái Thọ nó không sinh ra nữa thì không còn Thủ nữa, cái Thọ nó còn sinh ra… Lạc Thọ vẫn còn sinh ra là còn Thủ tiếp.

Duy Minh Tuấn: Thế còn trường hợp ví dụ như hai người mà yêu nhau, trong đó một người chết đi chẳng hạn, người kia mấy chục năm sau họ vẫn còn Thủ.

 

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, vì khi nhớ đến người này, cái Lạc Thọ ấy lại sinh ra, nhớ những kỷ niệm với nhau cái Thọ lại sinh ra, thế là vẫn Thủ.

Một bạn: Anh cho em hỏi, cái chỗ Thủ khi nãy thì em thấy có một cái nguyên nhân mà em mới nghĩ ra từ việc là ảnh so sánh giữa ảnh yêu một người và ảnh yêu cái dòng sông đó. Thì cái chuyện để anh lấy lại cái cảm giác mà trước dòng sông nó dễ hơn là cái chuyện mà anh lấy lại cảm giác trước người yêu. Cho nên là cái cảm giác Thủ của anh đối với người yêu nó cao hơn là cảm giác Thủ với dòng sông.

Thầy Trong Suốt: Cũng có thể!

Bạn đó: Tức là cái Thủ ở đây là anh sợ mất, thì cái cảm giác anh đứng trước dòng sông, anh sợ mất… cái cảm giác đó nó không lớn như là cái cảm giác anh sợ mất khi đứng trước người yêu của anh.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Thủ là giữ chặt.

Bạn đó: Tại vì cái cảm giác đứng trước người yêu nó khó quay lại hơn cảm giác đứng trước dòng sông.

Thầy Trong Suốt: Con người sống động hơn cái xe nhiều nên nó có thể yêu và ghét. Anh muốn giữ chặt lại cái cảm giác đấy, nhưng mà người ta đổi rồi. Thì là khó giữ hơn rất nhiều chứ. Anh giữ tình cảm hay là cái cảm giác về một ai đấy khó hơn nhiều là anh giữ một cái đối tượng nó cứ chết như này, cứ đứng yên như này. Thực ra là cái sợ lớn hơn. Nhưng mà khi người ta sợ lớn hơn, người ta giữ chặt hơn. Không gặp nhau người ta bảo “xa mặt cách lòng” đúng không? Không gặp nhau sợ cô ấy không yêu mình nữa. Chứ không gặp nhau dòng sông nó có yêu hay ghét mình đâu, 10 năm gặp lại nó vẫn là cái dòng sông nếu như mà nó không bị san lấp. Nên mình không sợ, không sợ nên mình biết mình không cần giữ chặt. Thả lỏng thôi, không sợ!

Còn ông Quý này, ông ấy sợ là cô ấy yêu anh khác mất. Ví dụ thế, ví dụ thôi, không biết có đúng không. Hoặc là ông ấy sợ là cô ấy đi chỗ khác mất. Hoặc là ông ấy sợ là cả đời cô ấy chẳng yêu mình, vì cô ấy là một thực thể sống động, thay đổi liên tục. Chứ cô ấy có phải cái xe hay dòng sông đâu. Thành ra là ông ấy giữ chặt hơn vì thế, ông ấy Thủ mạnh hơn, vì sợ hơn mà, sợ mất hơn. Cái xe là anh không thể Thủ chặt được vì nó có mất đi đâu đâu, nó cứ ở đấy mãi, khi nào đủ tiền thì anh mua được nó. Đơn giản đúng không? Đủ tiền anh mua được nó, tại sao mình Thủ chặt làm gì? Nhưng mà đủ tiền đố anh cưới được cô đấy, nếu mà cô đấy lấy người khác rồi. Thì anh có đủ tiền anh cũng chả cưới được nữa, chả đến gần được nữa luôn, nên là giữ chặt hơn nhiều. Nên cái đối tượng sinh động, nó hay thay đổi anh sẽ giữ chặt hơn là đối tượng chết, đứng yên ở chỗ đấy. Chắc chắn là như thế, đúng không?

Vì khi nó sinh động nên là nó có thể tuột khỏi tay mình. Tại sao vợ lại lo giữ chồng hoặc chồng lo giữ vợ? Vì nó dễ tuột. Đúng không? Đúng không? Tại sao hai người yêu nhau lo giữ nhau? Vì nó dễ tuột, dễ mất. Nó khó Thủ, nó khó giữ lại, nên là phải Thủ chặt, bám chặt. Chứ còn nếu mà nó, ví dụ như ông chồng ngày mai bị hòn đá đập vào đầu, nằm liệt ở nhà, chả Thủ luôn. (Mọi người cười) Lúc đấy chỉ lo chăm lo ông ấy, còn lo ông ấy yêu cô này cô kia làm gì nữa, nằm liệt rồi thì mắt chỉ mở thao láo thế này thôi. Thì chả bao giờ lo, chẳng bao giờ ghen nữa, vì nó không dễ mất nữa. Nhưng mà khi ông ấy khoẻ một cái lại ghen, lại như cũ. Đấy, ông ấy khoẻ mạnh đi lại như cũ là lại quay lại Thủ như cũ.

Ở đây mình không nói là mọi người đừng có giữ chồng, nhiều khi vẫn phải giữ, vì ông ấy vô minh mà, ông ấy Ái là Thủ ngay. Vì mình lo cho ông ấy, mình không phải chỉ lo cho mình đâu. Lo ông ấy rơi vào những chỗ xấu, mình giữ ông ấy cho tốt. Giảm bớt những Xúc sai lầm của ông ấy đi, khuyên ông ấy những lời đúng đắn. Chứ không phải ở đây mình nói là chồng làm thế thì thả ra đâu, không phải đâu. Mình chỉ nói mấu chốt vấn đề ở đây là có trí tuệ, cụ thể là về vô thường, về vô lường, thì Ái nó không sinh ra Thủ, mới yên tâm được. Khi nào ông chồng của mình thấm nhuần về vô thường, vô lường thì mình bắt đầu mới tạm yên tâm.

Duy Minh Tuấn: Tức là mình nghĩ ngay đến vô lường thì sẽ… bắt đầu nảy sinh trí tuệ?

Thầy Trong Suốt: Đấy tôi ví dụ lúc nãy đấy, hôm sau quay lại không gặp cô ấy nữa, nếu mình không tập gì hết thì mình bảo: “Ôi, buồn quá!”. Nếu mình bảo là: “Vô lường, có gì đâu”, thế là xong, trí tuệ nảy sinh và không có đau khổ. Mình chuyển hoá Thủ thành Xả mà lại phát sinh trí tuệ. Nghĩa là cái Thủ nó không phải là xấu đâu, nếu mình chuyển hoá được nó thì nó lại tốt. Thủ phát là Xả luôn. Nên càng bị Thủ nhiều thì cái khả năng Xả càng mạnh.  Đấy, chuyển hoá là thế! Mình là người ngày xưa hay Thủ đấy, khi mình có trí tuệ khả năng Xả của mình càng mạnh. Nếu mà không tập gì thì Ái là dễ Thủ ngay!

Nên mình hỏi Quý là liệu có Xả được không đấy. Có thể từ Ái mà không sang Thủ không? Nếu mà làm được điều ấy thì Quý ngay lập tức trở thành một người rất tuyệt vời. Tại vì sao? Vì tình yêu là cái chỗ mà Ái mạnh nhất mà mình còn không Thủ, thì những cái khác dễ Xả hơn nhiều. Trí tuệ phát triển mạnh hơn nhiều. Nên là cái chỗ đấy lại là cơ hội tuyệt vời để tập. Cứ cô ấy còn xuất hiện là mình có một cơ hội để tập. Quá may mắn vì cô ấy còn xuất hiện trước mặt mình, vì mình càng có cơ hội để tập. Tập đấy, tập vô thường, vô lường để mình không Thủ mà thành Xả, thì cái việc cô ấy xuất hiện trước mặt mình chỉ là một điều may mắn thôi, không còn là điều xấu nữa, không làm mình khổ nữa. Vô thường chưa?

Mọi người: Không Thầy ạ, tới giờ là bình thường.

Thầy Trong Suốt: Vô thường mà lại là bình thường. Thực ra cái câu chuyện của Bình ấy, cái mấu chốt là ở chỗ đấy.

Bạn đó: Nếu mình không Thủ thì sẽ thấy rất đẹp.

Thầy Trong Suốt: Ừ! Nếu mình không Thủ thì sẽ rất đẹp. Cái kiểu đèn nó đẹp kiểu đèn, mà không có đèn đẹp kiểu không đèn. Nhưng mà Thủ thì sao, mình đang sáng, mình khó chịu quá, mình muốn giữa cái cảm giác sáng đấy mãi. Giữ cảm giác sáng sủa đấy mãi thì nó mất một cái, mình khó chịu ngay. Vì mình Thủ mà, Thủ cái Thọ đấy, Thủ cái Ái đấy, mình đang có Lạc Thọ là đèn sáng mà mất một cái, vì mình đang Thủ mình sẽ rất khó chịu bảo là sao ông chủ này ông ấy tắt đèn sớm thế? Hay là cái gì đấy, không biết ông chủ hay là cái gì đấy nó xảy ra: “Buồn thế!”. Nhưng nếu mình không có Thủ thì: “Ừ, vô thường mà”, ai nói về vô lường đấy. Nên là có gì đâu, sang cảnh mới mình lại enjoy (tận hưởng) với cái mới, mình lại thoải mái với cái mới. Ai vừa nói là tối có cái đẹp của tối đấy nhỉ, ai vừa nói đấy nhỉ?

Hai bạn: Con! Em!

Thầy Trong Suốt: Đấy, hai người nói đấy. Tối có cái đẹp của tối. Nên là Ái có sao đâu, Ái chẳng có vấn đề gì hết. Lúc sáng mình có kiểu thích của sáng, lúc tối mình thích kiểu tối, mình sẽ Ái liên tục từ lúc này sang lúc khác. Đấy, như chị Nguyệt thì chắc là kiểu đấy đấy, yêu rất nhiều.

Minh Nguyệt: Yêu suốt ngày! (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Nên là thực ra nếu mà không có Thủ thì sẽ rất hạnh phúc, chỉ Ái mà không có Thủ thì không vấn đề gì hết, người mình rất thoải mái.

8. Trí tuệ đại bi – cánh cửa hé mở…

Minh Nguyệt: Có một cái câu chuyện này. Ví dụ như có một người họ tu, tu dữ lắm, nhưng mà tự nhiên đến thời điểm họ quay qua họ chơi game, chơi kinh khủng. Thế là mọi người báo cho Nguyệt biết, nói là bây giờ không biết là tại sao nó quay 360 độ như vậy. Thế mình bảo chơi đi, cứ chơi thoải mái, chơi cho đến khi nào tột đỉnh thì thôi, thực sự là khi mà chơi đến tột đỉnh rồi tự nhiên, họ nghĩ là nó có một cái quy trình của nó, ví dụ như là cái gì nó dừng thì nó dừng. Nhưng mà cái Ái này cũng vậy…

Thầy Trong Suốt: Đây này, là cái lúc nãy đấy! Ái này, Thủ này, Hữu này, Sinh, Lão rồi Tử mà!

Minh Nguyệt: Nó đúng với quy trình của nó.

Thầy Trong Suốt: Cuối cùng thế nào rồi cũng Tử, yên tâm là cả quá trình đấy thế nào rồi cũng dẫn về Tử hết!

Minh Nguyệt: Thường nếu mà người ta nhìn vậy người ta sợ ấy, nhưng mà thật ra thì mình cảm được cái chuyện đó, mình bảo là cứ chơi đi, chơi thoải mái, chơi đến khi nào không muốn chơi được nữa, thì tự nhiên họ trở về với cái quy trình của nó.

Thầy Trong Suốt: Nhưng mà Tử xong không biết đi về đâu hết, vấn đề là thế!

Minh Nguyệt: Biết, tại vì cái mục tiêu họ vẫn giữ.

Thầy Trong Suốt: Ý là nói chung đấy, là Tử xong không biết đi về đâu. Trong trường hợp của chị là tử xong lại tốt – nghĩa là, hết niềm đam mê game thì lại tốt trở lại. Nhưng mà không may, sau hết đam mê xong người ta lại đam mê xổ số. Đấy mới là vấn đề!

Minh Nguyệt: Không nhưng mà nó có cái quy trình chứ, nếu không mà dở dang thì cũng không được. Yêu thì yêu tới mức rồi họ mới qua cái Ái, mà qua tới cái Ái rồi thì họ… Thọ cái Ái, cũng phải đến đỉnh điểm của nó, đến mức muốn sở hữu. Nhưng mà cái sở hữu ấy, thì cái lúc đó sẽ chuyển hoá đến mức độ sẽ phải chuyển hoá rồi.

Thầy Trong Suốt: Thủ là phải chuyển hoá rồi!

Minh Nguyệt: Đã phải chuyển hóa cái Thủ. Mà đến cái Xúc, cái Thọ thì lúc đó cái Thọ đã phải có sự chuyển hoá rồi đó.

Thầy Trong Suốt: Thực ra nhé, nếu mà mình nói là không có Thủ thì đã tuyệt vời rồi, đúng đấy. Nhưng mà nếu như đi xa hơn thì cái Ái của mình nó là một kiểu khác. Nó gọi là Đại Bi, là mình yêu tất cả. Mình Ái nhưng mà không phân biệt. Dù có Thọ gì thì Thọ vẫn Ái. Đấy, thì mới gọi là đi xa hơn. Nhưng mà vẫn chưa phải là tuyệt vời nhất. Mình phải đi qua đoạn sau nữa, mình phải chuyển được cái Ái của mình thành Đại Bi.

Dù có Thọ là khổ, Lạc gì gì đấy vẫn yêu. Nếu như mình có Trí tuệ của Đại Bi thì mới có chuyện đấy. Còn nếu không thì cái gì làm mình khổ, mình không yêu nữa, cái gì làm mình sướng, mình mới yêu, mới quý. Thì đấy là đến đoạn xa hơn, phải đi xa hơn thì mới làm được như thế. Còn nếu không mình chỉ yêu cái mình thích thôi, cái nào làm mình thoải mái thôi. Còn cái thằng mắng chửi mình, doạ giết mình còn lâu mình mới yêu nó. Đúng không? Tất nhiên là cái đấy thì khó nữa, cái đấy thì không tập, không hiểu vô thường không giải quyết được, mà phải đi xa hơn nữa thì mới giải quyết được cái đấy. Nhưng mà chỉ muốn thoát khổ thôi thì từ Ái mà không sinh ra Thủ thì thoát khổ rồi, đấy là đã diệt được khổ rồi. Đấy là đã diệt được khổ rồi, thì không cần đoạn sau nữa. Nhưng mà Thọ mà vẫn Ái, mà vẫn Đại Bi ấy thì khó hơn.

Thế nhưng mà siêu hơn nữa lại còn đoạn là Xúc mà lúc nào cũng ra Lạc, thì lúc đấy còn kinh khủng hơn nữa! Cái đấy thì cực kì khó, cái đấy thì khó nữa, cái đấy thì chỉ những người gọi là Đại Thành Tựu Giả mới làm được. Nghĩa là tất cả Xúc đều sinh ra Lạc, không có vấn đề gọi là khổ đau gì nữa về mức độ cảm xúc, mức độ cảm thọ đấy. Đấy! Thì thôi cái đấy là chủ đề khác, hôm khác.

Hôm nay, thực ra ở đây mà ai làm được cái đoạn từ Ái mà không sang Thủ đã là thánh rồi! Như thế đã gọi là siêu lắm rồi! Cực kì siêu thì Ái mới không sinh ra Thủ. Còn nếu mà siêu vừa vừa là một số các loại Ái không sinh ra Thủ, một số loại Ái vẫn sinh ra Thủ. Đấy là vừa vừa. Mà cũng là hết khổ, bớt khổ rồi, thế cũng là đáng để tập rồi! Tuy chưa hết được 100% nhưng mà bớt, như thế đã khó lắm rồi. Còn nếu tập một cách triệt để thì có thể đấy, tức là từ Ái mà không có Thủ. Thì hôm nay là ngày rằm, rất đẹp, tắt đèn thì có trăng đẹp. Có trăng không?

Một bạn: Dạ hôm nay mùng Một.

Thầy Trong Suốt: À, hôm nay mùng Một à? (Thầy cười lớn) Rồi! Lên đàng, lên đàng! Chúc mọi người một buổi tối hạnh phúc, ngày càng tiến bộ hơn!

***