Yêu Miêu Truyện: Vô Thượng Mật Pháp – Bí mật “đoạn diệt mọi khổ đau”

“Yêu Miêu Truyện” là tác phẩm đồ sộ được chuyển thể từ tiểu thuyết Sa Môn Không Hải – một cao tăng vĩ đại của Phật giáo Nhật Bản. Với sự sâu sắc trong từng chi tiết, bộ phim ẩn chứa điều ‘vạn người mong cầu’ – đó là bí mật ‘Đoạn diệt mọi khổ đau’.

Lấy bối cảnh thành Trường An, nhà Đường cuối thế kỉ VIII, khi vua Lý Long Cơ bỗng dưng mắc bệnh lạ. Nhà sư Không Hải được mời từ nước Oa (Nhật Bản) sang cứu chữa. Thế nhưng, khi sư vừa đến nơi thì nhà vua đột ngột băng hà. Mọi đầu mối đều xoay quanh Yêu Miêu bí ẩn.

Bộ phim truyền tải một khối lượng nội dung lớn với các sự kiện có thật trong lịch sử: đó là hành trình vượt biển sang Trung Quốc thỉnh Mật Tông của Hoằng Pháp Đại Sư Không Hải, thiên tình sử Đường Huyền Tông – Dương Quý Phi, đại tiệc xa hoa Cực Lạc Yến, Bạch Cư Dị sáng tạo nên kiệt tác Trường Hận Ca.

Và ẩn dưới mỗi sự kiện là những chi tiết tỉ mỉ khiến người xem phải tinh ý để nhận ra bài học sâu xa.

Không Hải vượt biển – Sóng dữ vô thường

Trong hành trình từ nước Oa (Nhật Bản) sang Đại Đường (Trung Quốc), thuyền của Không Hải bị sóng dữ đánh vỡ tan. Khi không gian phủ kín bởi sự náo loạn và kinh sợ, hình ảnh người phụ nữ ôm con, lặng thinh, không chút sợ hãi tựa như một điều kì diệu.

Không Hải hỏi: “Cô không sợ à?” Người phụ nữ thản nhiên đáp: “Vì con tôi an giấc nên tôi an tâm”.

‘Tâm bình, thế giới bình’ – Khi bạn bình an bên trong, sóng dữ bên ngoài không thể khiến bạn sợ hãi. Sự bình an trong đời có thể đến khi tâm luôn an trú trong trạng thái tĩnh lặng và hiểu biết.

Ngược lại với hình ảnh người mẹ tĩnh lặng, Không Hải khi rơi xuống nước lấp tức rơi vào trạng thái hoảng loạn. Tại thời điểm này, nhà sư nhận ra ‘bao nhiêu câu chú ngữ’ mình đã học đều vô dụng trước sóng dữ vô thường. Đây cũng là khởi đầu cho quyết tâm sang Đại Đường thỉnh Mật Pháp của nhà sư Không Hải.

Ở đây, bộ phim có một phép ẩn dụ tinh tế giữa ‘sóng dữ’ và ‘những đau khổ’ có thể vô thường ập tới. Khi này, để bình an, bạn chỉ có một cửa duy nhất là thấu đạt trí tuệ – xoá bỏ mê lầm.

Sóng dữ “vô thường” đang xoay vần từng nhân vật trong câu chuyện.

Phá án Yêu Miêu – Gạn bỏ lầm mê

Với lớp vỏ phá án Yêu Miêu, giá trị thực sự trong hành trình này chính là từng lớp mê lầm của các nhân vật được gỡ bỏ.

Phá bỏ giới luật – dạo chơi viện hoa

Khi truy đuổi Yêu Miêu, Không Hải cùng Bạch Cư Dị đã vào kĩ viện ‘đạt tới cảnh giới thần tiên’ của Trường An. Đó là một điều khó chấp nhận, nhưng Không Hải đã phá tan chấp niệm chỉ bằng một câu nói với Bạch Cư Dị: “Ta đến nghe nhạc, huynh mới đến kĩ viện”. Dù bề ngoài sự việc có vẻ giống nhau, nhưng bản chất bên trong của hành động đã hoàn toàn khác.

Kĩ viện Trường An – chốn xa hoa hưởng thụ của quan lại.

Cũng như các nhà tu, trong cuộc đời, bạn cần tự đặt các “giới luật” cho bản thân để không phạm sai lầm. Nhưng cũng có lúc, bạn phải phá chấp chính mình để khám phá sự thật. Nếu nhà sư Không Hải thấy kĩ viện mà dừng bước, thì sự thật về ‘Yêu Miêu’ sẽ không bao giờ được sáng tỏ.

Vô thượng mật pháp – An nhiên tự tại

Mọi đau khổ đều đến từ nhầm lẫn: nhầm lẫn về bản thân và nhầm lẫn về thế giới. Điều này nhà Phật gọi là Ngã chấp và Pháp chấp. Vì những mê lầm này mà chúng sinh lạc hết từ đau khổ này đến đau khổ khác.

Bạch Cư Dị là người tôn sùng thiên tình sử Đường Huyền Tông – Dương Quý Phi. Anh đã trải qua ‘những đêm đông thấu xương’, ‘cưỡng cầu câu chữ’ để hoàn thành kiệt tác ca ngợi tình yêu – Trường Hận Ca.

Trong tâm trí của Bạch Cư Dị, Dương Quý Phi luôn tồn tại trong cảnh được Quân vương sủng ái, vinh hoa nhung lụa.

Nhưng sự thật, tình yêu đó là điều giả dối! Điều đó khiến thi sĩ đau đớn, tức giận, thất vọng. Cho tới cuối phim, khi tìm ra ‘Vô thượng mật Pháp’ của riêng mình, Bạch Cư Dị hào sảng mà nói: Trường Hận Ca – Một chữ cũng không sửa.

Hành trình phá án cũng là chặng đường nhận ra sự thật của Bạch Cư Dị.

Ở đây, nhà thơ của Đại Đường đã thoát khỏi cái bóng “Tôi là người viết”, “Tôi là người làm ra bài thơ này”. Đây là điểm ‘giải thoát’ khỏi mê lầm giúp Cư Dị an nhiên tự tại trong cuộc đời.

Đoạn tuyệt mê lầm – Đoạn diệt khổ đau

Phá án là quá trình lật lại cuộc đời “thượng sủng” mà “bi ai” của Dương Quý Phi. Nàng sống trong cung điện ngọc ngà, vinh hưởng phú quý do Đường Huyền Tông ban tặng. Nhưng khi binh biến xảy ra, chính người đàn ông đó đã ra lệnh bức tử nàng.

Vẻ đẹp nghiêng trời che dấu nỗi bi ai không người biết.

Đứng bên cạnh nỗi đau Quý Phi là chàng thiếu niên Đan Long. Khi nhận ra “lòng người” qua chân tướng cái chết của Quý phi, Đan Long đã bỏ đi để tìm “bí mật chấm dứt mọi khổ đau”.

Không còn mê lầm thì không còn khổ đau. Người thấy được tâm mình, hiểu rõ bản chất thế giới sẽ không còn sợ hãi. Người đó có thể hân hoan nhảy múa giữa các hình tướng huyễn ảo, làm mọi việc hoàn toàn vì người khác trong Trí tuệ và Tnh thương. Đó chính là điều Đan Long sau này làm được cho các chúng sinh.

Thiếu niên Đan Long người nhìn rõ “lòng người đen tối” mà dứt khoát tìm đường thoát khổ.

Trong lòng thông tỏ – Hạnh phúc trên đường

Không Hải, theo lời thầy, tới Đại Đường để thỉnh Giáo Pháp giác ngộ. Nhưng “Thanh Long tự” – nơi chứa Mật Pháp, xưa nay đều đóng kín. Cho đến khi Không Hải tích góp đủ bài học, nhận ra Vô Thượng Mật Pháp… thì “Thanh Long cửa” tự động mở.

Vô Thượng Mật Pháp mà thiền sư khám phá ra là một hành trình: từ lúc đắm thuyền giữa đại dương – tới kinh đô Trường An phù hoa, từ ông bán dưa huyền thuật – tới đại sư Huệ Quả lừng danh, từ bám chấp đau khổ của Yêu Miêu – tới nhận ra sự thật, buông bỏ, bình thản…

Khi nhận ra Vô Thượng Mật Pháp, thiền sư Không Hải đã vào được Thanh Long tự.

Vô Thượng Mật Pháp không nằm ở cuối câu chuyện mà xuất hiện mọi lúc mọi nơi trong cả chuyến đi. Đó cũng là điều đức Phật Thích Ca từng dạy: “Không có con đường đẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường”.

Bài học nhận ra

Từ bộ phim này, người viết đúc rút thêm bài học cho riêng mình để áp dụng vào công việc, cuộc sống và hành trình đi tìm hạnh phúc của mình như sau:

  • Không có tính chất tốt xấu: Mọi việc chỉ do hoàn cảnh mà nảy sinh. Nhà vua là quân vương đa tình hay kẻ bội bạc? Yêu Miêu là sát thủ máu lạnh hay kẻ si tình? Cả hai chiều tốt – xấu đều không định trước. Gặp hoàn cảnh tốt – nảy sinh cái tốt, gặp hoàn cảnh xấu – nảy sinh cái xấu. Chỉ đơn giản như vậy!
  • Tận hưởng trên con đường: Khi xem phim, chũng ta hãy hưởng từng thước phim, chứ không chờ tới đoạn kết để biết được bí mật. Cũng như vậy, trong cuộc sống, không cần chờ đợi thành công để rồi tận hưởng. Bởi như vậy, cả chặng đường sẽ nặng nề, đầy lo toan. Vậy nên, hãy tận hưởng ngay trên con đường.
  • Hạnh phúc luôn hiện diện: Chúng ta có thể dốc toàn lực để đi tìm một bí mật kết thúc mọi khổ đau, nhưng đừng nghĩ rằng, biết được bí mật rồi mình mới hạnh phúc. Ngay chính lúc này, khi đang cố gắng – hạnh phúc cũng luôn hiện diện ơ đây.
Bài học từ hai nhân vật Không Hải và Cư Dị: dũng cảm tìm ra sự thật, thong dong đón nhận thất bại và hoan hỉ ung dung cùng thực tại.

Cuối cùng, hạnh phúc chính là con đường phấn đấu – nơi mọi điều có thể xảy ra: thành công – thất bại, vui buồn – khổ đau. Tất cả đều là dấu vết giúp ta tìm ra bí mật đoạn tuyệt mọi khổ đau. Bí mật ở ngay đây, chỉ chờ chúng ta nhận ra và hân hoan đón nhận.

Và để hân hoan đón nhận thực tại dù khổ đau hay hạnh phúc thì ta cần đạt tới trạng thái mà thầy Trong Suốt đã mô tả trong một bài viết:

(Bài viết phản ánh góc nhìn riêng của một thành viên CLB Thiền Yoga Trong Suốt sau buổi xem phim và nghe những phân tích sau bộ phim)

***

Một buổi xem phim cuối tuần của nhóm CLB Thiền – Yoga Trong Suốt.

Những bộ phim được xem cùng CLB và thầy Trong Suốt đều mang một ý nghĩa thiết thực đối với mỗi người trên con đường đi tìm hạnh phúc của riêng mình. Nhờ có thế mà các thước phim trở nên hữu ích hơn, không đơn giản chỉ là 60-90 phút giải trí cuối tuần.

Nếu bạn cũng muốn có những trải nghiệm thú vị qua từng bộ phim, hãy đăng kí tham gia xem phim cùng CLB!

-Pháp Tâm-