Zangthalpa – Phần 17: Tu Giữa Đời Thường Có Giác Ngộ Được Không?

Trong đại chúng, có một vị cư sĩ tu hành tại gia. Sau khi nghe giảng, ông cảm thấy rất có lòng tin vào Zangthalpa. Ông muốn bày tỏ niềm khúc mắc đang có trong lòng với vị thầy tôn kính này. Đứng lên khỏi chỗ ngồi, ông chắp tay lại, đảnh lễ và thưa:

– Zangthalpa quý mến, tôi có một điều khúc mắc đã từ lâu, hôm nay được gặp Ngài và nghe những lời giảng sâu sắc này, mong Ngài từ bi trả lời khai sáng cho tôi?

Zangthalpa mỉm cười nói:

– Ông cứ hỏi.

Vị cư sĩ thưa:

– Tôi là người buôn bán để sinh sống, tôi rất muốn vào chùa tu nhưng đã có vợ và phải kiếm tiền nuôi các con nhỏ. Có một vị thầy tu nói với tôi rằng: “Một cư sĩ, cho dù người đó thực hành chân thành thế nào thì cũng không thể giác ngộ. Phải xuất gia, vào chùa, tu hành nghiêm ngặt, nhập thất trong nhiều năm… thì mới có thể giác ngộ được”. Tôi cảm thấy tôi cần phải biết điều này đúng hay không đúng. Một cư sĩ như tôi liệu có thể có khả năng giác ngộ được không? Những thành tựu nào vượt ra ngoài tầm với của tôi, xin Ngài hãy nói với tôi một cách thẳng thắn, đừng ngại làm tôi đau lòng!

Zangthalpa trả lời:

– Nếu vị thầy tu đó nói một người thuộc tầng lớp hạ đẳng thì không đủ nhân duyên để giác ngộ, liệu điều đó có đúng không? Nếu vị thầy tu đó nói một người phụ nữ không thể giác ngộ, điều đó có đúng không? Từ xưa tới nay, đã từng có nhiều người phát biểu những điều như vậy. Nhưng thực ra không hề có một giới hạn nào cho những người tu hành giữa đời thường về khả năng giác ngộ. Trong lịch sử luôn luôn có những bậc đại giác ngộ là nam cư sĩ, là nữ cư sĩ hay thậm chí là trẻ em. Một số người như trưởng giả Duy Ma Cật, phu nhân Srimala còn thuyết Kinh của riêng mình. Nếu vị thầy tu mà ông nhắc tới nói như vậy, đó chỉ là một cách nhìn hạn hẹp; ngay cả khi Đức Phật còn tại thế, Ngài cũng đã từng được hỏi những câu tương tự và đã trả lời rất rõ ràng, chuyện này còn được ghi lại trong Kinh điển nguyên thuỷ.

Trong kinh Trung bộ kinh Majjhima Nikaya, Đại Kinh Vacchagotta – Cuộc Đàm Luận Quan Trọng cho Vacchagotta.

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Rajagaha (Vương Xá), Veluvàna (Trúc Lâm), nơi Kalandakanivape (chỗ nuôi dưỡng sóc).

Rồi du sĩ ngoại đạo Vacchagotta đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, bèn ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, du sĩ ngoại đạo Vacchagotta thưa với Thế Tôn:

– Ðã lâu rồi tôi mới được hầu chuyện với Tôn giả Gotama.

Không biết Tôn giả Gotama có một Nam cư sĩ là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh, sau khi đã đoạn trừ năm hạ phân kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không phải trở lại đời này nữa?

– Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Nam cư sĩ, là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh, sau khi đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không phải trở lại đời này nữa.

– Nhưng không biết Tôn giả Gotama có một Nam cư sĩ, là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ các dục lạc, nhưng xây dựng Thánh giáo, chấp nhận giáo huấn, đã độ nghi đoạn hoặc, chứng đắc vô sở úy, không dựa vào người khác, sống trong Thánh giáo của bậc Ðạo sư?

– Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Nam cư sĩ, là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ các dục lạc, nhưng xây dựng Thánh giáo, chấp nhận giáo huấn, đã độ nghi đoạn hoặc, chứng đắc vô sở úy, không dựa vào người khác, sống trong Thánh giáo của bậc Ðạo sư.

– Mong sự việc là như vậy đối với Tôn giả Gotama. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo-ni. Mong sự việc là như vậy đối với Nam cư sĩ, sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh. Mong sự việc là như vậy đối với Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ dục lạc. Nhưng không biết Tôn giả Gotama có một Nữ cư sĩ, là bậc đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh, sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không trở lại đời này nữa?

– Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Nữ cư sĩ, là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh, sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không trở lại đời này nữa.

– Mong sự việc là như vậy đối với Tôn giả Gotama. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo-ni. Mong sự việc là như vậy đối với các Nam cư sĩ, sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh. Mong sự việc là như vậy đối với các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ các dục lạc. Mong sự việc là như vậy đối với các Nữ cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh. Nhưng không biết Tôn giả Gotama có Nữ cư sĩ, là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ các dục lạc, nhưng xây dựng Thánh giáo, chấp nhận giáo huấn, đã độ nghi đoạn hoặc, chứng đắc vô sở úy, không dựa vào người khác, sống trong Thánh giáo của bậc Ðạo sư?

– Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, không phải hai trăm, không phải ba trăm, không phải bốn trăm, không phải năm trăm mà nhiều hơn thế nữa là những Nữ cư sĩ, là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ các dục lạc, nhưng xây dựng Thánh giáo, chấp nhận giáo huấn, đã độ nghi đoạn hoặc, chứng đắc vô sở úy, không dựa vào người khác, sống trong Thánh giáo của bậc Ðạo sư.

*

Trong đoạn Kinh này Đức Phật nói rõ trong hàng đệ tử của Ngài không chỉ có các vị nam tu sĩ, nữ tu sĩ mà còn có rất nhiều nam cư sĩ, nữ cư sĩ vẫn sống trong đời sống thế gian, hưởng thụ các lạc thú thế gian… Nhưng trong tiếp xúc những lạc thú mà vẫn thực hành giáo Pháp và đã đạt được thánh quả. Có thể nói từ góc nhìn của Phật giáo nguyên thủy, ngay dưới thời Đức Phật đã có rất nhiều nam cư sĩ và nữ cư sĩ đạt được giác ngộ.

Trong Phật giáo Đại thừa, mục tiêu tối cao của một người tu hành là “tự giác – giác tha”, tức là phát Bồ đề tâm để giác ngộ cho mình để giúp người khác giác ngộ. Một người đã phát Bồ đề tâm như vậy còn gọi là một vị Bồ tát, dù họ đã giác ngộ hay chưa. Bồ tát có hai loại: Bồ tát xuất gia là những vị tăng và Bồ tát tại gia là những người cư sĩ tu hành giữa đời. Cho dù một người tu hành tại gia hay xuất gia, họ đều có thể tu hành theo con đường Bồ tát và đạt được giác ngộ.

Trong Kinh Đại Bảo Tích (Mahāratnakūṭa Sūtra), phẩm thứ 19: Lời dạy dành cho cư sĩ Thô Mộc. Đức Phật đã hướng dẫn trưởng giả Thô Mộc – một người đã phát tâm Bồ đề và tu hành tại gia – cách tu hành trọn vẹn 6 hạnh hoàn hảo khi đang sống giữa đời sống thế tục:

Sau khi Đức Phật giảng về những ưu điểm tuyệt vời của một vị Bồ tát xuất gia, có 8000 người tại Pháp hội đã phát tâm xuất gia tu hành. Tuy nhiên có một vị trưởng giả tên là Thô Mộc vẫn khăng khăng hỏi Đức Phật con đường tu hành tại gia. Đức Phật tiếp tục nói:

– Này cư sĩ, hơn thế nữa, khi ai đó thỉnh cầu một vị Bồ tát tại gia điều gì thì qua đó Ngài sẽ hoàn thành viên mãn việc tu tập Sáu Ba La mật của mình. Này cư sĩ, như vậy, ngay lập tức khi bất kỳ điều gì được thỉnh cầu, tâm trí vị Bồ tát cư sĩ không hề bám luyến vào điều đó, và bằng cách này, Ngài sẽ hoàn thành viên mãn việc tu tập Hạnh Bố Thí của mình. Ngài là người với Bồ đề tâm của chính mình, thực hành việc bố thí mà không chấp thủ, và bằng cách này, Ngài sẽ hoàn thành viên mãn việc tu tập Hạnh Trì Giới của mình. Ngài là người hành trì tâm từ bi đối với bất cứ ai đến thỉnh cầu, nên tâm trí không hề thấy sân hận, nao núng hoặc xao động để nẩy sinh ý niệm: “Nếu ta cho đi cái này, thì liệu ta sẽ được gì?”, và bằng cách này, Ngài sẽ hoàn thành viên mãn việc tu tập Hạnh Nhẫn Nhục của mình.

Ngài là người hành trì việc bố thí cho những ai đến thỉnh cầu mà không một chút buồn khổ hay hối tiếc. Ngài luôn hân hoan và vui mừng tột độ trước những thiện duyên của việc bố thí, nên Ngài luôn thấy thân tâm mình an lạc và thực hành hạnh bố thí trong khi an trú trong Bồ Đề Tâm, và bằng cách này, Ngài sẽ hoàn thành viên mãn việc tu tập Hạnh Thiền Định của mình. Trong khi thực hành bố thí, Ngài cũng không hề bám luyến vào bất cứ sự vật hiện tượng nào và cũng không mong cầu thủ đắc được kết quả gì, do đó, giống như một Đạo Sư không còn chấp thủ bất cứ Pháp nào, Ngài sẽ hoàn toàn phá chấp, đồng thời dốc tâm chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, và bằng cách này, Ngài sẽ hoàn thành viên mãn việc tu tập Hạnh Trí Huệ của mình. Này cư sĩ, như vậy, khi ai đó thỉnh cầu một vị Bồ tát tại gia điều gì thì qua đó Ngài sẽ hoàn thành viên mãn việc tu tập Sáu Ba La mật của mình.

Thứ hai. Này cư sĩ, hơn thế nữa, một vị Bồ tát tại gia tu hành tại gia là để thành tựu Bình Đẳng Tánh Trí, với tâm không phân biệt, không tham luyến cũng như không ghét bỏ những gì thuộc Bát Phong (Tám mối quan tâm thế gian: Được-Mất-Sướng-Khổ-Khen-Chê-Vinh-Nhục). Ngài đôi khi cũng có sở hữu, hoặc có vợ, hoặc có con, hoặc có tài sản, hoặc có ngũ cốc, nhưng Ngài không hề hãnh diện hay vui sướng vì những thứ ấy và Ngài không hề quan tâm đến việc thủ đắc được bất cứ thứ gì trong đó, cũng như Ngài không bao giờ lo lắng hay phiền muộn vì những thứ ấy;

Thay vào đó, Ngài quán niệm như sau: “Mọi sự vật hiện tượng đều là giả hợp bề ngoài làm cho ta cảm nhận một cách huyễn hoặc rằng bên trong chúng đều có tự tính. Như vậy, cả cha mẹ, con cái, người vợ, tôi tớ nam, đầy tớ nữ, công nhân, những người tự mưu sinh, đồng nghiệp, bạn thân, quan chức, thân quyến, anh em đồng bào hoặc dị bào đều do nghiệp duyên chín mùi mà sinh ra hiện hữu, cho nên họ không thuộc về ta, không phải của ta và ta cũng không thuộc về họ, không phải của họ. Sao lại như vậy? Vì cả cha mẹ lẫn những người khác không phải là chỗ có thể che chở ta, hỗ trợ ta hoặc là chỗ ta có thể nương tựa, trú ẩn. Họ không có bản ngã riêng mà cũng không phải ngã sở (cái của ta). Xét cho cùng, nếu thậm chí đến năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), tứ đại (đất, nước, gió, lửa), sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), ba cõi (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) mà tâm trí ta nắm bắt được thực ra đều vô ngã và đều không phải ngã sở, thì tại sao cha mẹ ta, và vân vân, lại trở nên có bản ngã và trở thành ngã sở, và tương tự như vậy khi xét về phía chính ta tại sao cũng trở thành của họ?

Những điều ta có thể làm là thể nhập vào Tự tánh, nói cách khác, công hạnh bao hàm và được tạo thành bởi thực hành bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, dũng mãnh, kiên tâm tu tập, phát đại nguyện, chuyên chú thiền định và đi đến thực chứng mới là cái của ta, ta tu tập như thế nào thì được công hạnh như thế ấy.

Và như thế, bất kể do nguyên nhân nào trong đời Ngài, hoặc con và vợ Ngài, Ngài cũng không hề bị ràng buộc bởi bất kỳ sự việc nào do hành vi ác nghiệp tạo nên. Tiếp theo của đoạn Kinh, Đức Phật còn ca ngợi một cư sĩ có thể thực hành giữa đời thường bằng lòng đại bi như vậy còn có công đức lớn hơn rất nhiều công đức của Bồ tát xuất gia.

Sau đó trưởng giả Thô Mộc đảnh lễ Đức Phật và thưa:

– Thưa Đức Phật, con sẽ hành động như lời của Người, sẽ thực hành các giáo pháp tại gia và bằng cách đó sẽ thâm nhập vào Tính bình đẳng của mọi Pháp.

Khi nghe những lời đó Đức Phật liền mỉm cười. Đây là một trong những dịp đặc biệt Ngài mỉm cười, và ánh sáng muôn màu toả ra từ miệng của Đức Phật, như màu xanh, vàng, trắng, đỏ, bạc… chúng toả khắp vô lượng vô biên thế giới. Sau khi chiếu sáng những thế giới này ánh sáng đó lại quay trở lại và biến mất trên đỉnh đầu Đức Phật.

Đại đức A-nan-đà lấy làm lạ, và hỏi lý do sự kiện Đức Phật mỉm cười. Đức Phật liền giảng:

– Này A-nan-đà, cư sĩ Thô Mộc trong các kiếp của hiền kiếp này trước chư Phật sẽ luôn tôn kính và cúng dường. Ông ấy cũng sẽ luôn là bậc trì giữ các giáo pháp linh thánh. Hơn thế, bằng việc luôn tu hành theo hạnh cư sĩ, ông sẽ làm sự giác ngộ của chư Phật vươn xa.

Ngài A-nan-đà liền quay sang ông hỏi Cư sĩ Thô Mộc như vầy:

– Này cư sĩ, vì nhân gì và vì duyên gì đưa đẩy mà Ngài không xuất gia và tìm vui thú trong cõi hồng trần đầy đau khổ?

Cư sĩ Thô Mộc đáp:

– Thưa Đại đức A-nan-đà, làm gì có bụi trần hay đau khổ, nếu có thì cũng chỉ là cơn gió thoảng.

Với Hạnh Đại bi trong tâm, tôi không hề mong cầu hạnh phúc cho riêng mình. Đại đức A-nan-đà ơi, ngay cả khi một vị Bồ Tát có phải chịu đựng sự hành hạ của mọi nỗi khổ đau của thế gian, Ngài cũng không buông bỏ một chúng sinh nào.

Nghe Cư sĩ nói xong, Đức Thế tôn mới dạy Đại đức A-nan-đà rằng:

– Này A-nan-đà, vị Cư sĩ Thô Mộc này với đại thiện nguyện của kiếp này, do tu tại gia, nên đã hiến xả thân mình để giác ngộ cho vô lượng chúng sinh. Một Bồ Tát xuất gia cũng không đạt được công hạnh như thế thậm chí trong một ngàn kiếp hoặc nhiều trăm ngàn kiếp. Tại sao vậy? Này A-nan-đà, là vì vị Bồ tát này có những phẩm tính tốt đẹp mà cho đến một ngàn Bồ Tát xuất gia cũng không có được.

*

Bạn yêu quý,

Qua lời Đức Phật, bạn có thể thấy rằng một người tu giữa đời thường với Bồ đề tâm thực sự vì sự giác ngộ của mọi người cũng có thể đạt được thành tựu lớn lao thế nào.

Hệ thống tu viện là một con đường đẹp và đầy đủ cho những người tu sĩ, nhưng đó cũng chỉ là một trong những con đường để đi đến giác ngộ. Theo những giáo lý của Mật thừa, bạn hoàn toàn có thể đạt được giác ngộ chỉ trong một đời cho dù bạn là nam hay nữ, sống đời sống tu viện hay thế tục. Rất nhiều người thực hành Mật thừa là cư sĩ tu hành giữa đời thường có vợ hoặc có chồng, rất nhiều người trong số họ đã đạt được giác ngộ hoàn hảo bằng việc thực hành trọn vẹn các giáo lý Mật thừa. Rất nhiều bậc thầy và giáo lý chỉ ra được con đường giác ngộ hoàn toàn dành cho một cư sĩ, những giáo lý này đã được thực hành thành công hàng ngàn năm và còn truyền tới ngày nay.

Tại Tây Tạng, truyền thống cư sĩ phát triển không kém gì truyền thống tu sĩ. Đức Liên Hoa Sanh là người đã thiết lập truyền thống này ở thế kỷ thứ VIII, và trong giai đoạn những vị vua phá hủy chùa chiền sau này, các cư sĩ thậm chí còn là những người bảo tồn và nuôi dưỡng Phật pháp. Những người giác ngộ như dịch giả Marpa, đều thể hiện những năng lực chứng ngộ phi phàm. Trong những người phụ nữ theo truyền thống cư sĩ, có rất nhiều vị đạt đến giác ngộ, ví dụ như đức bà Yeshe Tsogyal ở thế kỷ thứ 8 hay nữ đạo sư Machig Labdron ở thế kỷ 11. Họ đều là những bậc đại giác ngộ và là cảm hứng lớn lao cho mọi hành giả nữ ở mọi thời đại.

Ở trên là những lời khẳng định của chính Đức Phật về khả năng giác ngộ của một người tu hành giữa đời thường. Sau đây tôi sẽ kể các câu chuyện khác nhau về các tấm gương giác ngộ khi tu hành theo hạnh cư sĩ của tất cả các con đường Phật giáo: Nguyên thuỷ, Đại thừa và Mật thừa để minh chứng cho điều này.

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 18: Sự giác ngộ của cư sĩ Cấp Cô Độc

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.