Zangthalpa – Phần 23: Yeshe Tsogyal – Bậc Đại Giác Ngộ Và Nguồn Cảm Hứng Lớn Lao Cho Hành Giả Nữ Mọi Thời Đại

Để đáp lại những ánh mắt mong chờ đang háo hức được nghe thêm những tấm gương về các bậc cư sĩ giác ngộ khác, Zangthalpa nhìn toàn thể hội chúng, nở nụ cười hiền từ rồi cất tiếng:

– Những tấm gương về các bậc giác ngộ có rất nhiều, mỗi người là một câu chuyện, không câu chuyện nào giống câu chuyện nào. Trong câu chuyện trước, các vị đã được nghe về một bậc nam cư sĩ giác ngộ. Thực ra phụ nữ hay nam giới đều có khả năng tu hành giác ngộ, thậm chí phụ nữ còn có lợi thế hơn nam giới vì bản tính chấp nhận sẵn có. Ở châu Á, quan điểm chung là “trọng nam khinh nữ”, phụ nữ thường bị coi là “nữ nhi thường tình”, trong tu hành cũng hầu như không nhắc đến vai trò của phụ nữ. Thực tế là trong số những người nữ cư sĩ, có rất nhiều vị đạt đến giác ngộ. Một ví dụ tiêu biểu là Đức bà Yeshe Tsogyal ở Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8. Bà là một nữ cư sĩ – bậc đại giác ngộ và là nguồn cảm hứng lớn lao cho mọi hành giả nữ ở mọi thời đại. Tôi xin chia sẻ với các bạn bài ca diệu kỳ về bà, đến nay vẫn còn ngân vang trên những ngọn núi tuyết Himalaya…

  1. NGƯỜI CON GÁI TUYỆT ĐẸP XỨ KHARCHEN

Vào thế kỷ thứ 8, ở Tây Tạng thời vua Trisong Deutsen trị vì, các tiểu vương nắm quyền cai trị mỗi xứ. Nhà vua có đội quân hùng mạnh nhất, nhưng các tiểu vương cũng có đội quân của riêng mình.

Ở xứ Kharchen, có một vị tiểu vương sinh được ba người con gái. Cả ba cô đều xinh đẹp, nhưng người con gái thứ ba là một trang nghiêng nước nghiêng thành. Không chỉ xinh đẹp, cô còn rất thông minh, nhân hậu. Vì thế cô là người con được cha mình yêu quý nhất.

Vào đúng trước ngày cô ra đời, người cha nằm mơ thấy cái hồ cạnh lâu đài bỗng nhiên mở rộng ra rất lớn, vì thế ông đặt tên cho cô là Yeshe Tsogyal, có nghĩa là Trí Tuệ Như Biển Lớn.

Ngay từ khi sinh ra, Yeshe Tsogyal đã là một bé gái rất xinh đẹp, ai cũng trầm trồ ngắm nhìn. Đến năm 12 tuổi, cô đã trở thành một tuyệt sắc giai nhân. Khuôn mặt sáng như trăng rằm, hàm răng đều tăm tắp như bạch ngọc, mái tóc đen dài óng ả như dải lụa mềm mượt buông xuống ngang tấm thân mảnh dẻ mà đầy đặn. Vẻ mỹ lệ tuyệt trần của Tsogyal nổi tiếng tới khắp miền biên cương của vương quốc. Mọi người từ các nơi đổ xô tới Kharchen chỉ để chiêm ngưỡng nàng. Nhiều vị tiểu vương ngỏ ý muốn cưới nàng. Một bông hoa đẹp ai cũng muốn ngắm. Những kẻ vương quyền thì muốn sở hữu. Cùng một lúc, hai vị tiểu vương cử người đến cầu hôn. Cha Tsogyal bối rối, thuận bên này thì sẽ gây thù hận bên kia, chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào chỉ vì cô con gái tuyệt sắc của ông.

 

Đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, cha Tsogyal bỗng nghĩ ra một cách. Ông bảo con gái: “Làm con gái rồi cũng phải lấy chồng. Cả hai vị tiểu vương không bên nào kém bên nào, thôi thì để cho số phận quyết định. Con hãy ra khỏi nhà, vị nào chạm được tay vào người con trước, vị đó sẽ lấy được con!”

  1. CHÁN GHÉT HÔN NHÂN – GHÊ SỢ LUÂN HỒI

Tsogyal van xin cha, nàng không muốn lấy chồng.

Vốn được yêu chiều từ bé, tự do làm những điều mình thích, Yeshe Tsogyal, như cái tên của nàng, không màng đến những thú vui xa xỉ của các cô gái con nhà giàu, mà thích quan sát cuộc sống xung quanh. Với trí tuệ thông minh, dù còn nhỏ tuổi, nàng đã sớm nhận ra vòng luân hồi sinh tử đầy đau khổ, con người chìm đắm trong tham ái, tranh giành…

Nàng không muốn trở thành bông hoa làm cảnh trong vườn nhà ai. Nàng càng không muốn mình trở thành người đứng giữa, là mục tiêu cho sự tranh giành của những kẻ có quyền thế, có thể dẫn đến chiến tranh giữa hai bộ tộc. Không chấp nhận được việc con gái từ chối hôn nhân, cha Tsogyal kiên quyết làm theo ý mình, thông báo cho hai vị vương và cho người đưa nàng ra khỏi nhà, mang theo của hồi môn: lụa là, ngựa, và trâu Yak.

Biết không thể thuyết phục được cha, Tsogyal bèn tìm cách trốn chạy. Nhưng chỉ một quãng ngắn, viên quan Shantipa – người của tiểu vương xứ Kharchu đã rình sẵn nhào tới túm được nàng và dùng hết sức lôi Tsogyal đi. Tsogyal dậm hai chân lên tảng đá đến tóe máu, cương quyết cự tuyệt. Viên quan độc ác liền lấy roi gai sắt quất nàng. Tsogyal nói với họ:

Thân xác này là thành quả của mười ngàn năm tu luyện
Nếu ta không dùng nó để đạt giác ngộ
Thì ta cũng không để cho nó phải chịu đau khổ của luân hồi
Các người có thể là những người cao quý và uy quyền nhất Kharchu
Nhưng các người không thể đạt được một ngày trí huệ
Vậy hãy giết chết ta đi, ta không cần

Họ lại đánh nàng với cái roi gai sắt cho tới khi lưng nàng rách nát và đầy máu. Không thể chịu đựng đau đớn thể xác, nàng đành đứng dậy đi theo họ. Tối hôm đó, khi đoàn người cắm trại, uống rượu và lăn ra ngủ, Tsogyal bỏ trốn. Nàng lẩn trốn trong thung lũng Womphu, ăn trái cây để sống. Hai vị vương gia không buông tha, tiếp tục cho người truy đuổi. Một lần nữa nàng bị tiểu vương thứ hai bắt được. Tiểu vương xứ Kharchu cũng đòi trả lại nàng vì đã bắt được nàng trước. Nàng trở thành cái cớ cho cuộc giao tranh sắp nổ ra giữa hai bộ tộc.

Tin đến tai hoàng đế Trisong Deutsen. Vua ra lệnh cho cha Tsogyal dâng nàng làm vợ. Lệnh vua đâu dám chối từ, cha Tsogyal tuân theo, đồng thời gả hai cô con gái lớn cho hai vương gia kia, xoa dịu sự giận dữ của họ. Tsogyal trở thành vợ của Hoàng đế, và thế là nguy cơ binh đao chấm dứt.

  1. GẶP BẬC THẦY VĨ ĐẠI LIÊN HOA SANH

Vua Trisong Detsen là cháu đời thứ 3 của Công chúa Kim Thành, vợ vua Songtten Gampo. Bà là người đầu tiên đem kinh Phật và tượng Phật Thích ca Mâu Ni từ Trung Quốc đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 6. Tuy nhiên Phật giáo ở Tây Tạng lúc bấy giờ chỉ truyền bá trong vương triều và tư thất nhà Vua.

Năm hai mươi tuổi, trong lòng nhà vua Trisong Deusten hình thành một khao khát mạnh mẽ muốn phổ biến Phật pháp toàn đất Tây Tạng. Vua Trisong Deutsen cho mời đại học giả Bồ Tát Santarakshita ở Tu viện Nalanda (Ấn Độ) tới Tây Tạng để giảng pháp. Để việc chấn hưng Phật giáo được thuận lợi và mở rộng, vua Trisong Deutsen cho xây một tu viện ở Samye, nhưng các giáo sĩ ngoại đạo và ma quỷ địa phương không muốn Phật pháp phát triển tại vương quốc này nên ra sức cản trở việc xây dựng. Những bức tường ban ngày được xây lên bao nhiêu thì vào ban đêm lại bị ma quỷ phá đổ bấy nhiêu, công trình xây mãi vẫn không hoàn thành. Thấy việc xây dựng tu viện đã lâu mà không xong, đức vua ngày đêm phiền lòng lo nghĩ, ngài Santarakshita mới tư vấn cho nhà vua rằng: “Thưa đức vua, chỉ có một người có khả năng nhiếp phục quỷ thần đang hoành hành ở Samye là đại sư Liên Hoa Sanh. Ngài hiện đang ở Bodh Gaya. Nếu nhà vua mời được Ngài thì hẳn sẽ không có ma quỷ nào mà không bị hàng phục, việc xây dựng tu viện sẽ trở nên thuận lợi”.

Tu viện Samaye

Nghe theo lời của học giả Bồ Tát, nhà vua cho sứ giả sang Ấn Độ mời đức Liên Hoa Sanh. Trong khi đó, tại Bodh Gaya, Ngài Liên Hoa Sanh biết đã đến lúc chấn hưng mạnh mẽ Phật pháp ở Tây Tạng. Ngài thấy được thành ý của vua Trisong Deutsen và biết rõ việc xây dựng tu viện Samye đang gặp khó khăn; Ngài cũng biết trước việc vua sẽ cho người mời Ngài tới Tây Tạng giúp đỡ việc xây dựng tu viện nên khi sứ giả vừa tới biên giới Ấn Độ thì đã gặp Ngài đợi sẵn ở đó. Trên đường đi, đến đâu Ngài cũng đều nhiếp phục ma quỷ, mang lại bình an cho dân chúng. Khi gặp nhà vua, đức Liên Hoa Sanh không cúi chào, thấy nhà vua đợi mình làm nghi thức chào như mọi vị khách khác, Ngài nói: “Tuy bệ hạ là một vị vua nhưng Ngài cũng sinh ra từ bào thai của mẹ. Ta sinh ra từ một hoa sen và không khác gì vị Phật thứ nhì”. Sau khi cho vua Trisong Deutsen biết về quyền năng và trí huệ của mình, Ngài lại nói: “Đại Vương, ta tới đây để giúp Ngài, vì vậy Ngài nên cúi đầu chào ta”.

Với ánh mắt đầy uy lực, Ngài nhìn về phía nhà vua, phong thái vô cùng uy nghiêm. Không khí trở nên im lặng, nhà vua và tất cả những người có mặt ở đó cùng đồng loạt kính cẩn quỳ xuống lạy Ngài. Để khởi công xây dựng Tu viện Samye, đức Liên Hoa Sanh làm lễ động thổ và cúng các quỷ thần bằng cách thuyết pháp cho họ. Ngài cho hai vị thần Brahma (Phạm Thiên) và Indra làm tổng quản việc xây dựng, bốn Đại Thiên Vương làm giám sát, còn các thổ thần và tinh linh thì được Ngài dùng làm lao công. Như vậy, tất cả quỷ thần trước kia quấy phá thì giờ đây đều quy phục trước sức mạnh của đức Liên Hoa Sanh và trở thành những trợ thủ đắc lực trong việc xây dựng tu viện. Công nhân loài người làm việc ban ngày, quỷ thần làm ban đêm, vì vậy việc xây cất diễn ra rất nhanh. Dưới sự giám sát của đức Liên Hoa Sanh, sau ba năm, tu viện Samye đã hoàn thành. Tu viện có 32 cửa, quần thể tu viện Samye Quang Vinh, Bất Biến, và Thành Tựu Tự nhiên. Các quần thể cung điện này đã xây theo biểu tượng Núi Tu Di bao quanh bởi bốn châu lục, tám châu lục phụ, mặt trời, mặt trăng, và tường thành của núi sắt. Sau khi hoàn thành, tu viện được đức Liên Hoa Sanh đặt dưới sự bảo hộ của Thần Hộ pháp Phẫn Nộ Pe Har.

Vua và đoàn tùy tùng đảnh lễ Đức Liên Hoa Sanh

Nói đến đây Zangthalpa đưa mắt nhìn hội chúng từ tốn nói: “Rất nhiều người nghĩ rằng khi xuất gia tu hành đạo Phật sẽ trở nên yếm thế, nhu nhược, không có sức mạnh nhưng thông qua câu chuyện Ngài Liên Hoa Sanh xây tu viện ở Tây Tạng chấn hưng Phật pháp, ta có thể thấy một khía cạnh khác của đạo Phật – đấy chính là sức mạnh hàng phục. Trong đạo Phật không chỉ có từ bi, trí tuệ, mà sự dũng mãnh cũng là một đức tính không thể thiếu của một bậc giác ngộ. Những bậc trí tuệ thực sự không hề e ngại việc dùng sức mạnh để đánh dẹp cái xấu mang lại lợi ích to lớn cho chúng sinh. Để biểu lộ niềm tin của mình vào Giáo Pháp trước đức Liên Hoa Sanh, nhà vua đã dâng lên Bậc Thầy của mình toàn bộ 22 vương quốc và người vợ xinh đẹp nhất của mình – Tsogyal. Ở tuổi 16, Tsogyal đã trở thành đệ tử của bậc Minh Sư Mật Giáo vĩ đại nhất thời đại”.

Hóa thân phẫn nộ của Đức Liên Hoa Sanh

  1. THỰC HÀNH KHỔ TU MIÊN MẬT

Đời người như bóng chim qua cầu
Nên chỉ có một thời gian ngắn để hành đạo
Nếu không dùng thân người quý báu này khi mình đang có
Vì bậc Thầy chỉ xuất hiện trong một lúc
Nên chỉ có một khoảnh khắc để nhập môn những giáo lý bí mật
Không thực hành Pháp vào lúc mình đang có cơ hội
Mà trì hoãn, thì chướng ngại sẽ gia tăng.  

Yeshe Tsogyal dù mới 16 tuổi khi trở thành đệ tử của đức Liên Hoa Sanh, nhưng bà đã thấm đẫm đau khổ của vô thường, duyên nghiệp đưa bà đến với con đường tu hành. Đức Liên Hoa Sanh truyền cho Tsogyal giáo lý dành cho những người đau khổ trong thời kỳ mạt pháp. Trong hình hài của cô gái bé nhỏ là một ý chí kiên cường bền bỉ. Tsogyal kiên trì thực hành các lời dạy của Thầy với một kỷ luật nghiêm ngặt, bà không bao giờ trì hoãn một chút nào mà thực hành pháp với niềm tin lớn lao và quyết tâm mãnh liệt. Bà xin Thầy cho thực hành các pháp khổ tu để nhanh chóng đạt đến giác ngộ, và phát nguyện:

Dù có chuyện gì xảy ra, con cũng thề thực hành tất cả
Các pháp khổ tu thân, khẩu, ý
Các pháp khổ tu thực phẩm, ăn uống, y phục
Pháp khổ tu về Phật pháp và về lợi ích chúng sinh
Và pháp khổ tu về từ bi, quý trọng người khác hơn mình.

Trên đỉnh núi Tidro, nơi chỉ có đá sỏi và băng tuyết, Tsogyal bắt đầu thực hành khổ tu về thân, mặc áo vải thô, chỉ sống bằng thảo mộc và khí trời. Làn gió lạnh cắt da của núi cao thổi qua những lỗ trống trong hang, sương tuyết mờ mịt trắng xóa. Bạn đồng tu của bà không chịu nổi, phải rời xuống núi. Tsogyal vẫn ngồi thiền, làn da bà nổi lên những nốt sung phồng, hai chân không đỡ nổi thân, thân không đỡ nổi đầu, hơi thở ngưng lại, và tâm trí suy nhược hẳn đi. Cổ họng khô khan, mũi nghẹt như bị nhồi bông, bụng đau nhói, và ruột quặn thắt.

Yeshe Tsogyal thực hành khổ tu

Dù đạt được một số chứng nghiệm nhưng trong bà vẫn còn sự nghi ngờ, bà nhận ra mình sắp chết. Tsogyal hiểu khổ tu là con đường nhanh chóng nhưng đồng thời cũng hiểu chết không phải là một phương cách. Bà bèn cầu nguyện đến vị Thầy Guru Rinpoche. Ngay lập tức, Vị Thầy hiện ra, tươi cười khuyên nhủ:

Nghe đây, người con gái xứ Kharchen
Công chúa mê say với chính sắc đẹp và hoan lạc của mình
Không quen chịu đựng với hoàn cảnh khó khăn,
Bây giờ là lúc dùng cả sung sướng lẫn đau khổ làm đạo pháp
Chuyển bất cứ đau khổ nào xuất hiện thành pháp đại lạc
Bớt mong cầu đời sống dễ chịu, hỡi người phối ngẫu trung thành

Nghe đây, con gái Kharchen
Vợ của vua, trẻ trung và tự mãn
Quen lối sống tùy hứng và tự ý
Bây giờ là lúc từ bỏ thói phóng túng, phù phiếm
Hãy quán tưởng tính vô thường, nghĩ tới đau khổ của các cõi thấp
Và hãy bớt tham vọng, hỡi người phối ngẫu đức hạnh, trung thành

Người con gái, vợ vua, người phối ngẫu đầy kiêu ngạo
Quen coi mình là siêu đẳng
Bây giờ là lúc nhận ra lỗi của mình
Đừng dấu những lỗi lầm tiềm ẩn, hãy để lộ ra những khuyết điểm của mình
Và hãy bớt háo danh, hỡi người phối ngẫu đức hạnh, trung thành  

Này nữ tu đạo đức giả
Quen thói giả dối
Bây giờ là lúc liệng bỏ đạo đức giả
Can đảm phô bày con người thật của mình
Và bớt khoe khoang.

Zangthalpa ngừng lại giải thích: “Ngài Liên Hoa Sanh khuyên Tsogyal tu hành không phải là hành hạ thể xác (khổ hạnh), cũng không phải là ép thân thể xa rời các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Tu hành là nhận ra những vấn đề bên trong chính bản thân mình và sửa chúng. Thực hành thiền định và các phương pháp khổ tu, nhưng cần phải dựa trên chánh kiến (sự hiểu biết đúng đắn) và suy ngẫm sâu sắc. Tu hành giống như đi trên dây, lúc nghiêng trái, lúc nghiêng phải thì mới có thể cân bằng để đi đến đích, nếu nghiêng quá về một bên nào thì cũng sẽ ngã”.

Tu hành cũng không phải là ép tâm trí tránh xa các suy nghĩ xấu. Đại Sư bảo Tsogyal hãy cứ buông lỏng những ý tưởng về tội lỗi, những điều tự lừa dối, những bí mật riêng tư, cảm xúc và sự rối loạn đi kèm theo nó. Tuy chúng vốn là những rác rưởi cảm xúc của tâm, nhưng chính những cảm xúc đó cũng có thể dùng trong tu hành để phát sinh trí huệ.

Nghe lời Thầy, Tsogyal rời hang băng tuyết ở Tidro, đi đến Bhutan hành thiền. Để thanh lọc những ô trược về khẩu, bà thực hành niệm chú và quán tưởng. Trước hết bà niệm thần chú ngắn rồi đến thần chú dài, thần chú sáu âm của Quan Thế Âm Bồ Tát, thần chú một trăm âm của đức Kim Cương Tát Đỏa, thần chú của Năm Phương Diện Phật, và Ba Phương Diện Thân, Khẩu, Ý. Sau rốt, bà dũng mãnh hành trì tới tận cùng, tụng các bài sám nguyện trong kinh tạng, các giới điều trong luật tạng, các pháp A Di Đà, và các luận thư về ngôn ngữ, luận lý học trong luận tạng để trau dồi trí năng.

Lúc đầu bà đọc bị lắp, cổ họng xoắn lại và tê liệt, có nhiều chỗ máu mủ sưng tấy, nhưng rồi dần dà bà có thể đọc tụng nhiều mà không có sự khó chịu nào cả. Âm giọng của bà trở nên rõ ràng, nghe thật hay.

Để thanh lọc thân thể, bà thực hành khổ tu về thể xác, tập đi nhiễu quanh, tập phục lạy. Đủ duyên nên một người con gái tên Khyidren đến và dâng cho bà mật ong, giúp cơ thể có thêm sinh lực. Sau khi dùng mật ong, không nghĩ tới ngày và đêm đang trôi qua, Tsogyal phục lạy. Chân tay, trán bà xước sát. Những chỗ xước sau đó bắt đầu sưng lên, một vài chỗ thậm chí mưng mủ. Các khớp tay và chân nóng đỏ, đau, trật khớp. Gân cốt rã rời, các bắp tay nhão đi. Thân xác mệt mỏi và kiệt sức. Nhưng bà kiên trì hành trì, dần dần, khi tinh chất độc hại tách ra khỏi tinh chất trong sạch thì tâm thức mở rộng, gân và các kinh mạch được thông suốt, căng ra chứ không chùng nữa và mạnh khỏe hơn, những chỗ mòn được phục hồi, những chỗ đứt hay nứt được lành lặn trở lại. Thế là Tsogyal đã thiết lập được nền tảng cho việc thực hành Mật thừa.

Bà tiếp tục thực hành khổ tu về thân thể, ngồi thiền trong tư thế hoa sen. Thân thể bất động, nhưng tâm lúc đầu chạy loạn động. Những hình ảnh bắt đầu hiện lên trước mắt, các món ăn ngon lành bốc khói nghi ngút, những vật dụng xa xỉ của thế gian: xe, ngựa, quần áo đẹp hiện ra. Thay vì chạy theo ham muốn, Tsogyal thiền định và hiểu ra tính chất giả ảo của thế gian, trong bà nảy sinh sự chán ghét bám giữ vào vật chất, chính lúc đó các món ăn, quần áo, xe… tan biến.

Lần thiền định khác, bà ước chúng trở thành thực phẩm và của cải dành cho mọi người, những ham muốn vật chất, hình ảnh về chúng cũng tan luôn. Có lần những thanh niên đẹp trai, thân thể khỏe mạnh, tỏa mùi thơm cùng dục vọng – kiểu người các cô gái chỉ ngó thấy là ham đã muốn hiện ra. Họ lân la rồi dần dần suồng sã, kể những chuyện bậy bạ và nói những lời thô tục, họ gạ gẫm, vuốt ve, hôn hít… làm đủ trò khơi gợi – nhưng bằng trí huệ nhìn thấy sự giả ảo của sắc tướng, Tsogyal làm họ biến thành những lão già bạc nhược lưng còng, những người cùi hủi, mù lòa, những người dị dạng, xấu xí – rốt cuộc tất cả đều biến mất.

Một hôm, từng đàn thú dữ hiện ra: cọp, beo, gấu, người tuyết Yeti và các loài thú gầm rú. Chúng tấn công từ mọi hướng, gầm thét với những cái mõm há hốc một cách đói khát, nhe răng hung dữ, quật đuôi, và cào mặt đất trước mặt Tsogyal. Do đã bỏ được chấp thủ vào thân mình và tính vị kỷ, bà phát tâm từ bi với các con vật đó, chúng biến đi hết. Nhưng chưa hết, hàng ngàn con côn trùng như nhện, bò cạp, rắn chui vào tai mắt, mũi, miệng bà cắn đốt. Chúng nhảy lên người bà, cắn xé lẫn nhau, để lại những đống xác rải rác khắp nơi. Tsogyal rùng mình và cảm thấy thương hại chúng, nhưng chúng càng lộ vẻ đáng kinh tởm hơn nên bà nghĩ: “Mình đã nguyện không chấp giữ một loại thân, khẩu, ý nào, vậy bây giờ tại sao mình lại phải sợ những trò ảo thuật này, và đây chỉ là những loài côn trùng, những sinh linh trong cõi luân hồi? Vì mọi hành vi được quyết định bởi ý nghĩ tốt hay xấu, nên hiểu rằng bất cứ chuyện gì xảy ra, dù tốt hay xấu, cũng là do tâm tạo, vì vậy hãy bình tĩnh”.

Bà cất tiếng hát:

Vạn pháp chỉ là ảo ảnh của tâm
Ta không thấy gì đáng sợ trong chân không
Đây chỉ là sự phóng chiếu tự nhiên của tịnh quang
Không việc gì phải phản ứng
Vì mọi hoạt động chỉ là đồ trang sức
Ta nên an trú trong đại định an tĩnh

Hát xong, bà nhập vào chân không định, trong đó không có gì phải phân biệt hay đánh giá, và mọi ảo ảnh đều biến đi cả. Như thế, bằng cách hành thiền đúng đắn và miên mật, Tsogyal đã có được trí huệ, kinh mạch lưu thông. Đạt niềm tin kiên cố, bà cất tiếng ca:

Ta không sợ đối diện với các hình tướng tưởng tượng của mình
Mọi sự vật do tâm hóa hiện
Các hình tướng tưởng tượng
Nay kích thích trí sáng tạo nhiều hơn

Chứng ngộ bản chất vô nhiễm của tâm
Ta không còn phân biệt tịnh với bất tịnh
Các ảo ảnh
Nay gây cảm hứng nhiều hơn cho trí quán tưởng  

Từ khi tu tập
Hưởng hương vị đồng nhất của sung sướng và đau khổ
Ta không phân biệt tốt và xấu
Vì tốt lẫn xấu đều đưa ta tới chứng nghiệm tối thượng.

  1. DÙNG HOAN LẠC ĐỂ GIÁC NGỘ

Zangthalpa dừng lại, nhìn đại chúng bằng cặp mắt trầm ngâm, rồi ông nói: “Điều sai lầm lớn nhất mang lại đau khổ luân hồi là do người ta tin rằng ta là thân thể này, là tâm trí này. Thực ra là thân thể và tâm trí đều là những hiện tượng tự nhiên sinh ra do nhân quả mà không hề có một cái tôi nào đứng sau chúng. Có rất nhiều con đường đi đến giác ngộ, cũng giống như có nhiều con đường và cách lên đỉnh núi. Có người đi đường vòng, vừa đi vừa phát quang để đủ mình lên là được. Có người làm đường cho mọi người, vẫn là đường vòng, nhưng dễ đi hơn, và lâu hơn vì phải có thời gian làm đường, thời gian đi… Có người tìm vách đá dựng đứng nhất để leo lên. Leo trên vách đá dựng đứng là khó nhất, nếu không biết những chỗ nguy hiểm, không có cách leo đúng, thì rất dễ rơi xuống, và chết. Nhưng đó lại là cách nhanh nhất để lên đỉnh. Nếu có một người đã lên đến đỉnh núi, thả dây xuống cho người ở dưới nắm lấy, thì còn nhanh hơn nữa. Con đường ngắn nhất là con đường khó nhất, ít người biết đến, ít người đi được. Trong Kim cương thừa, Vị Thầy, Guru, chính là người đứng trên đỉnh núi. Các pháp môn yoga là các con đường. Tsogyal có may mắn nắm được sợi dây của Mật giáo và được vị Guru Rinpoche vĩ đại kéo lên đỉnh núi bằng Tantra yoga, sử dụng hoan lạc của tính dục để đạt đến đại lạc của chân không – Sự giác ngộ. Đại Sư chỉ trao truyền cho bà pháp môn này sau khi bà đã thực hành thấu đáo các giáo lý đại thừa và chứng nghiệm được các nền tảng căn bản. Cảm giác hoan lạc tột đỉnh là thứ mà người ta tìm kiếm, muốn lặp lại nhiều lần. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tội ác, chiếm hữu và tà dâm… Mật thừa dùng chính đặc điểm này làm phương tiện thực hành. Hoan lạc và giải thoát đồng thời cùng một lúc. Chuyển hóa hoan lạc thành đại lạc là một cách để giác ngộ nhanh chóng trong Mật thừa”.

Zangthalpa kể tiếp:

Tsogyal cầu xin Vị Thầy:

Đại sư Liên Hoa Sanh vĩ đại
Nay con đã tìm thấy niềm tin toàn vẹn thật cảm động
Con muốn thỉnh cầu nghi quỹ tối thượng
Xin ngài tiết lộ mandala làm cho hành giả giác ngộ và đạt giải thoát
Và cho tới khi con đạt giác ngộ
Xin ban cho con ơn phước vô ngại

Đại sư đáp:

Chúc mừng con, con gái xứ Kharchen
Mandala của Nghi Quỹ Tối Thượng
Giống như hoa sen xanh Udumbara,
Hiếm khi nở, và sống không lâu
Không phải tất cả những người có phước đều được gặp
Bông hoa rất hiếm này. Vậy hãy vui mừng!
Bây giờ hãy dâng “mandala” huyền bí của con

Trước khi ban ba lễ điểm đạo, đức Liên Hoa Sanh giải thích cho Tsogyal: “Ta đã thoát khỏi mọi chủng tử ái dục; tội tham muốn đã không còn”. Đại Sư chỉ cho bà cách dùng chính thân thể và hoan lạc để đạt giác ngộ. Thân thể này vốn chẳng phải là ta. Hoan lạc này vốn chính là sự nhận biết. Chỉ có tâm trí sai lầm coi thân thể là của ta, hoan lạc cho là ta nên mới sinh ra những nghiệp xấu lôi kéo ta trôi lăn trong luân hồi.

Đức Liên Hoa Sanh và Yeshe Tsogyal

Không chút ngượng ngùng hay giống lệ thường thế gian, Tsogyal thành kính dâng thân thể mình lên Đại Sư. Hào quang do nụ cười từ bi của Ngài làm cho thế giới tràn đầy ánh sáng trong trẻo. Ánh sáng chiếu rọi lên khuôn mặt Ngài. Ánh sáng hạ xuống qua thân Ngài và “Chùy kim cương” huyền bí của Ngài vươn lên dữ dội, hợp nhất với “Hoa sen an lạc” của bà trong hòa hợp tuyệt đối.

HRI! Qua những tia sáng của sự tràn trề tối thượng
Từ “Chùy Kim Cương” của Guru, hoan lạc của ái dục mà không tràn trề ái dục
Vào “Trời bí mật” của Dãkinĩ, ái dục tối thượng của không ái dục,
Đây là lúc hưởng bí mật sâu xa của hoan lạc thuần túy.

Trong vũ điệu hoan lạc, các mandala mặt trời, mặt trăng của tám luân xa của họ phát sáng rực rỡ. Trong trạng thái đại lạc, với cảm giác sâu đậm về sức mạnh và sự thực hiện tưởng chừng như không chịu nổi, Đại Sư tiết lộ Mandala Giọt Tim của Dãkinĩ; Ngài trình bày “sự thật” của đại Kim Cương Trì với Năm Phương Diện của Phật Nguyên Thủy (Ngũ Trí Như Lai) giao hợp với các Người Phối Ngẫu của họ, biểu tượng cho sự kết hợp giữa Trí Tuệ, Từ Bi và Đại Lạc.

Tsogyal đã nhận được phương pháp thành tựu Ngũ Trí Như Lai với lễ truyền pháp này.

Trong Mandala Hoan Lạc Tối Thượng
Thân mình là Núi Thiêng Tu Di
Tay, chân, và đầu của con là bốn tiểu lục địa
“Hoa sen” đại lạc là nguồn của luân hồi và niết bàn.

Thiên nữ Tsogyal chìm xuống phía dưới sắc tướng phàm tục, và khi đã nhập vào hoan lạc, Tsogyal dâng “Mandala” của mình cho “Mandala” của thân Đạo sư với một điệu múa rắn mãnh liệt. “Chùy kim cương” chói lọi hùng vĩ của Ngài trong trạng thái ham muốn và hung bạo, các nếp nhăn trở nên căng thẳng, phóng sự bột phát trọn vẹn tới trước, chiếm ngự tòa sen với một chuỗi cười ngạo mạn vang động, tràn ngập các sắc tướng với vinh quang, chuyển hóa chúng thành đại lạc.

Trong mandala giao hợp huyền bí này của Phương Tiện Thiện Xảo và Trí Huệ, Tsogyal đã thọ nhận lễ điểm đạo bốn hoan lạc. Từ những đợt sóng hoan lạc của luân xa trán, trong bầu kinh nghiệm mạnh về trí huệ hoan lạc – Tsogyal nhập vào trí huệ hoan lạc của đức Liên Hoa Sanh. Nhờ niềm hoan lạc, sân hận được thanh lọc, thân tâm được xóa sạch mọi dấu vết của tập khí gây ra các lối hành động và các phản ứng. Ái dục được thanh lọc, mọi dấu vết của nghiệp lực tạo thói quen hành động và phản ứng xấu được diệt trừ. Mọi mầm mống vốn có của dục vọng trong tâm trí được diệt trừ. Mọi dấu vết của cảm xúc tham ái và của các lối hành động và phản ứng xấu theo thói quen do nghiệp lực được diệt trừ. Năm cảm xúc: Tham, sân, si, ganh tị, kiêu ngạo được chuyển hóa thành năm trí huệ. Sau khi ban cho Tsogyal ba lễ điểm đạo Tantra Yoga, Đại Sư bảo bà tìm một người bạn đồng tu, người phối ngẫu để thực hành pháp này.

Nữ nhân và Dãkinĩ
Cô gái có thân thể trưởng thành hoàn hảo
Một thân người may mắn có đủ các điều kiện tốt
Một thân thể bền bỉ và can đảm
Cánh cửa của các giáo lý bí mật đã được mở cho con
Hãy tìm một người phối ngẫu.

Nếu không có người phối ngẫu, một đồng tu thiện xảo, thì con không thể kinh nghiệm những giáo lý bí mật của Mật Thừa, cũng như một cái nồi đất không nung không thể dùng được. Không có củi thì không có lửa. Đất mà không có nước thì trồng hạt giống gì cũng vô ích. Con hãy đi tới thung lũng Nepal, tìm một thanh niên mười sáu tuổi có nốt ruồi đỏ bên ngực phải. Anh ta tên là Atsara Sale, đã đi từ Serling – Ấn Độ tới Nepal. Hãy nhận anh ta làm đồng tu, rồi con sẽ sớm khám phá được cõi hoan lạc thuần túy.

Tsogyal tới Nepal, mang theo một cân vàng bụi. Bà lang thang đây đó vì không biết rõ người mình cần tìm ở đâu. Một ngày, khi tới khu chợ ở cổng thành phía nam thì một thanh niên tiến về phía bà. Anh ta đẹp trai, hấp dẫn, có một nốt ruồi đỏ trên ngực tỏa sáng bóng, hàm răng đều đặn như vỏ ốc, đôi mắt thông minh màu xanh da trời, mũi nhọn, mái tóc dầy dặn.

Tsogyal nhận ra đúng người mình cần tìm, nhưng chàng trai lại là nô lệ bị bắt cóc từ khi còn bé và bị bán làm người hầu. Người chủ yêu quý chàng trai như con và mời Tsogyal ở lại, lấy chàng trai làm chồng, nhưng Tsogyal đáp:

Khi nào một vị Phật toàn giác ra đời
Thì không ai cần người phối ngẫu
Khi vị Phật đi rồi thì lại phải cần
Vì từ khi đó Phương Tiện và Trí Huệ nên được kết hợp
Bây giờ ta cần một đồng tu để soi sáng con đường
Vì vậy ta phải chuộc anh ta với bất cứ giá nào
Xin hãy nói số tiền chuộc

Số tiền chuộc lớn hơn 500 đồng vàng, vàng bụi mà Tsogyal mang theo chỉ chưa tới 100 đồng. Lúc đó ở Nepal đang diễn ra chiến tranh, người con trai hai mươi tuổi của phú Thương Ayu bị chết trong chiến đấu. Vợ chồng Thương gia mang xác con về, khóc thương và thề sẽ tự hủy mình trên giàn hỏa cùng con.

Cảm thương họ, Tsogyal an ủi: “Hai vị không nên quá bi thương như vậy. Trong thành phố này có một nô lệ tên là Atsara Sale mà ta đang muốn chuộc nhưng không đủ tiền, vậy nếu hai người giúp ta một số vàng lớn để chuộc, ta sẽ làm cho con trai hai người sống lại”.

“Chúng tôi sẽ chuộc cho cô bất cứ ai, kể cả một ông hoàng. Nhưng cô có làm như vậy được không?” Sau khi họ đồng ý cho Tsogyal bất cứ số vàng nào cần có để chuộc Sale một khi Naga – con trai họ sống lại, bà lấy một tấm lụa trắng lớn gập làm tư, đắp lên xác chết tới cằm. Rồi bà hát:

OM AH HUNG GURU SARVA HRI!
Pháp giới KUNTUZANGPO
Không giả ảo, thanh tịnh nguyên thủy
Và đạo là vô số sắc tướng
Hiện thân của sáu cõi luân hồi
Tạo nghiệp tốt xấu
Gây quả không thể tránh
Đã biết thế, tại sao còn si mê?
Ta là nữ hành giả, đạo sư Mật giáo
Thọ nhận lòng từ bi của đức Liên Hoa Sanh
Sống hay chết cũng không làm ta sợ
Ta có thể tức khắc giải trừ đau khổ cho người khác
Vậy hãy cầu nguyện để ơn phước tràn đầy.

Bà lấy ngón tay chỉ vào tim của xác chết, quả tim bắt đầu phập phồng mỗi lúc một mạnh hơn. Bà lại nhỏ một giọt nước miếng vào miệng người chết rồi niệm vào tai anh ta “AYU JNANA BHRUM”. Hai bàn tay bà vuốt những vết thương do dao đâm sâu hoắm trên thân thể, làm cho da thịt lành trở lại. Ý thức của người thanh niên đó mỗi lúc một trong sáng hơn và rốt cục anh ta hồi tỉnh hoàn toàn. Vừa kinh ngạc vừa sung sướng, tất cả những người chứng kiến phép lạ này đều phục lạy bà.

Vợ chồng thương gia khóc vì vui mừng, ôm ghì đứa con vừa sống lại. Họ làm cỗ cúng với quà tặng dâng Tsogyal và bỏ ra một ngàn đồng vàng chuộc Atsara Sale.

Atsara Sale học và tiến bộ trên con đường giải thoát do thông hiểu các giáo lý sơ cấp cũng như các giáo lý tối thượng và được Đại Sư cho phép làm bạn đồng tu và phối ngẫu của Tsogyal. Họ ẩn tu để tham thiền trong hang, suốt 7 tháng, họ tu tập tính chất của bốn hoan lạc. Lúc đầu thân thể Tsogyal run rẩy, yếu ớt, tâm trí tê liệt, mê man. Bạch huyết đẫm toàn thân. Bà bị bệnh, đau, sốt… Nhưng sau đó, toàn bộ bạch huyết biến thành tinh chất, đại lạc tràn ngập toàn thân. Tuy lúc đầu bị ô nhiễm bởi đam mê, nhưng rồi đam mê hóa thành trí huệ và rốt cuộc là một dòng trí huệ không gián đoạn. Bằng việc dâng hoan lạc, tiềm năng trọn vẹn của hoan lạc đã được kích thích và trở thành thân đại lạc.

Sau khi thành tựu pháp tu tập này, Tsogyal đã có dịp giúp người khác đạt giải thoát bằng hoan lạc. Khi Tsogyal đến Shampo Gang, bà bị 7 tên cướp tấn công, cướp của và hãm hiếp. Chính ngay trong cảnh ngộ nguy khốn này, vì đã không còn chấp vào thân thể, không còn tính vị kỷ, bà đã dùng chính thời điểm này hóa giải sự hiếp dâm thành cuộc truyền pháp bốn hoan lạc cho 7 tên cướp.

Bà hát cho họ nghe bài ca giới thiệu bốn hoan lạc:

Namo Guru Padma Siddhi Hri
Các con đã gặp một người phối ngẫu siêu diệu, Đại Mẫu
Do công đức đời trước
Nay ngẫu nhiên các người đã nhận được bốn lễ điểm đạo
Ngay khi các người để mắt tới “mandala” thân thể của ta,
Tâm trí các người đã bị dục tình chiếm ngự
Sự tự tin này mang lại cho các người Điểm Đạo Bình
Hãy hiểu tính chất của tính dục,
Nhận ra nó là hình quán tưởng vị hộ Phật của mình,
Và không là gì khác hơn vị Phật Bổn tôn
Hãy thiền quán về dục tình như Thiêng liêng.
Hợp nhất với cõi không, mandala bí mật về người phối ngẫu của mình,
Đại lạc kích thích các luân xa,
Thôi hung dữ, các người phát tâm từ bi
Lực đại lạc mang tới cho các người Điểm Đạo Huyền Bí
Hãy hiểu tính chất của hoan lạc
Hòa nhập hoan lạc với sinh lực rồi giữ lại một lúc,
Đó chính là Mahamudra, Đại ấn.
Hãy chứng nghiệm hoan lạc như Mahamudra
Hãy giữ thanh tịnh tự nhiên trong thế gian sắc tướng,
Đồng hóa ái dục của mình với Tính Không,
Đó chính là Dzogchen, Đại Toàn Thiện.
Hãy chứng nghiệm “hoan lạc tự nhiên” như “Không – Lạc”
Đây là giáo lý bí mật và cao cả dị thường,
Nếu cố thực hành pháp này thì nguy hiểm
Nhưng tình cờ khám phá thì nó mang lại giải thoát kỳ diệu.
Các người đạt bốn lễ Điểm Đạo một lúc,
Và đạt thành tựu qua bốn cấp hoan lạc này.

Ngay khi bà hát xong, bảy tên cướp đồng thời giác ngộ và giải thoát, biết vận động các luồng tinh lực và đạt bốn hoan lạc. Bảy Đại Thành Tựu Giả nguyên là bảy tên cướp này sau đó đi tới xứ Orgyen phụng sự chúng sinh đạt mục đích tối thượng.

Đức Bà Yeshe Tsogyal

Bốn lễ điểm đạo này không dễ gì có thể trao truyền cùng một thời điểm, càng không phải ai cũng có thể thọ nhận. Cố thực hành thì nguy hiểm, nhưng 7 tên cướp do công đức đời trước và có duyên nên đã gặp được Đức Bà và đủ điều kiện để nhận cả 4 lễ điểm đạo này.

Đức Bà đã không còn coi mình là thân thể đang bị chiếm đoạt, mà dùng nó như một công cụ, một phương tiện giá trị và hiệu quả để giúp 7 tên cướp nhận ra sự thật và đạt giải thoát khỏi những vô minh che lấp bấy lâu. Biến mọi đau khổ thành đại lạc, hơn thế, dùng chính những hoàn cảnh khó khăn, biến thành phương tiện thuận tiện để hóa độ chúng sinh.

Yeshe Tsogyal đã dùng cách chấp nhận tình trạng và rồi chuyển hóa tình trạng nguy khốn trở thành kinh nghiệm tích cực. Gặp gỡ tất cả những tình cảnh tốt cũng như xấu trên đường tu hành với tâm bình đẳng dẫn đến phản ứng tự nhiên, không sợ hay xúc động, nhìn mỗi khoảnh khắc với “con mắt thứ ba” – con mắt của trí huệ bất nhị.

Có những điều tưởng chừng như không thể, nhưng là có thể, khi đặt người khác lên cao hơn mình, không bám víu vào thân thể, an lạc của riêng mình, mà hành động có trí tuệ vì người khác.

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 24: Yeshe Tsogyal – Đức Mẹ vĩ đại luôn hành động vì lợi ích chúng sinh

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.