Zangthalpa – Phần 24: Yeshe Tsogyal – Đức Mẹ Vĩ Đại Luôn Hành Động Vì Lợi Ích Chúng Sinh

  1. THỰC HÀNH HẠNH “XIN GÌ CHO NẤY”

Zangthalpa nói:

Khi tu hành, hành giả thực hiện các pháp tu về thân, khẩu, ý nhằm bỏ đi những bám chấp tôi là thân thể, tôi điều khiển được suy nghĩ… Niềm tin về “cái tôi” yếu đi qua những thực hành này. Nhưng chừng nào còn tin rằng có cái này, cái kia là của tôi và giữ chặt lấy nó thì nguy cơ đi ngược đường trở lại luân hồi vẫn còn.

Từ bỏ những ham muốn, thú vui cho bản thân là một chuyện, nhưng sẵn lòng cho đi tất cả những gì mình có, vào bất cứ lúc nào là một chuyện khác hẳn. Vì thế Yeshe Tsogyal tiếp tục thực hành pháp khổ tu “Trao đổi nghiệp của mình với nghiệp của người khác”. Bà phát nguyện “Ai xin gì cũng cho” và bắt đầu thực hành với tất cả mọi người. Gặp người thiếu ăn, bà cho họ thực phẩm của mình; gặp người rách rưới, bà trao quần áo; người ốm đau đến, bà bỏ tiền mời thầy thuốc, tự tay mình tìm thuốc lá chữa bệnh cho họ; người vô gia cư, bà cho họ trú ngụ, nhường chỗ nằm tiện nghi cho họ… Lúc đầu còn ít người biết đến, sau tiếng lành đồn xa, mỗi ngày đều có rất nhiều người đến xin Tsogyal. Bà đã giúp đỡ tất cả những người có nhân duyên với bà bằng tình cảm vô vị kỷ, cho đi mọi thứ của mình mà không luyến tiếc hay mong được đáp trả.

Đức Mẹ vĩ đại Yeshe Tsogyal

Không chỉ dùng vật chất, bà dành trọn thân thể và tâm trí cho việc mang lại lợi ích cho người khác. Bà không bao giờ từ chối cất tiếng hát cho mọi người dù có phải hát bao nhiêu lần, giọng ca ngân nga của bà làm dịu đi những nỗi buồn, làm nguội đi cơn tức giận, đánh thức những cảm xúc tốt đẹp của người nghe. Bà dành hết thời gian của mình để chia sẻ với mọi người. Bà cho đi những phần thân thể mình khi có người cần chúng: tóc, răng… Những người bệnh đến xin bà giúp đỡ, các vết thương lở loét bốc mùi không làm bà chùn lại, bà chăm sóc họ như một người mẹ chăm con, người con gái chăm cha, người chị chăm em. Nụ cười hiền dịu luôn nở trên môi bà, những lời chúc tốt lành luôn được ngân nga qua lời ca của bà. Đức Bà “Ai xin gì cũng cho” là tên mọi người gọi bà với niềm tôn kính và biết ơn.

Zangthalpa hồi tưởng:

Trong một buổi tối mùa đông Tây Tạng, ngồi bên cạnh ngọn lửa, ăn Tsampa và uống trà bơ, tôi đã được nghe ông lão chuyên việc châm đèn trong tu viện kể về câu chuyện “Cho xương bánh chè” và “Làm vợ người hủi”. Hai câu chuyện này ông được nghe từ bé, ông bà của ông cũng được nghe cha mẹ mình kể lại… Chậm rãi và liên tục như một dòng chảy, đời này kể lại cho đời sau. Cũng bằng một giọng chậm rãi như thế, ông kể cho tôi nghe:

6.1 CHO XƯƠNG BÁNH CHÈ

Một ngày, Đức Bà Tsogyal đang ở Tidro, có 3 người đàn ông luân phiên cõng một người què tới chỗ bà.

“Các người từ đâu tới?” – Bà hỏi. “Tới đây có việc gì?”

“Chúng tôi từ Onbu, miền Trung Tây Tạng”, họ trả lời. Người đàn ông vô tội oan uổng này bị vua trừng phạt đến vỡ xương bánh chè. Không chữa lành để đi lại và làm việc đồng áng được thì anh ta và vợ con anh ta đến chết đói mất. Chúng tôi đã hỏi khắp nơi, các lương y đều nói rằng có cách là ghép xương của phụ nữ cho đàn ông. Chẳng có phương thuốc nào khác. Nhưng làm sao có ai có thể cho xương của mình cơ chứ.

Chúng tôi nghe đồn khắp nơi là Đức Bà sẵn lòng cho không mọi thứ cho tất cả những ai cần. Vì thế chúng tôi đến đây với niềm hy vọng cuối cùng. Người có thể cho anh ta xương đầu gối của người không?” Họ ngập ngừng cầu xin.

Tsogyal thương xót nhìn người đàn ông, và bà nói: “Ta sẽ cho các anh những gì các anh cần. Đây, hãy lấy đi. Ta đã phát nguyện với Đạo sư của ta rằng ta sẽ giúp tất cả chúng sinh bằng thân, khẩu, ý của mình”.

Ngỡ ngàng nhưng vô cùng vui sướng, những người đàn ông rút dao ra. Bỗng họ sững lại, băn khoăn: “Để lấy xương ra, chúng tôi sẽ phải gây ra những vết thương sâu, Đức Bà sẽ rất đau đớn!”

“Không quan trọng,” bà bình thản trả lời, “cứ lấy chúng ra đi.” Chần chừ một chút, rồi những người đàn ông cầm dao rạch đường chữ thập trên hai đầu gối Tsogyal, nậy xương ra. Dao chạm vào xương gây ra hai tiếng “cắc”, “cắc” rất to. Họ đặt hai cái xương tròn đẫm máu trước mặt bà. Cơn đau làm Tsogyal hơi choáng ngất. Một lúc sau tỉnh lại, bà nói với họ: “Các anh hãy mang chúng đi!” Những người đàn ông quỳ sụp xuống tạ ơn và mừng rỡ ra về.

6.2 LÀM VỢ NGƯỜI HỦI

Một thời gian sau, khi đầu gối của Tsogyal đã lành, một người hủi đến gặp bà. Thân hình ông ta tiều tụy, máu và mủ chảy nhỏ giọt thấm ướt hết bộ quần áo rách loang lổ. Khắp người ông ta tỏa mùi tanh hôi nồng nặc của máu, mủ, và thịt rữa. Trên khuôn mặt ông ta cái mũi đã bị rụng mất, để lại một cái lỗ trống hoác, sâu hoắm. Ông ta đi đến đâu, mùi hôi thối lan xa đến cả dặm, tất cả đều bịt mũi tránh xa hoặc xua đuổi. Đến trước căn lều của Tsogyal, người hủi ngồi thụp xuống khóc lóc.

Tsogyal đồng ý làm vợ hiền cho một người bị bệnh cùi

“Khóc thì giúp được gì?” Tsogyal dịu dàng nói. “Đây là quả từ các hành động của ông trong quá khứ. Khóc chẳng mang lại ích lợi gì. Tốt hơn cả là hãy quán tưởng các vị Phật Bổn tôn và niệm thần chú”.

“Chịu đựng bệnh tật là một phần nỗi khổ của cuộc đời tôi,” người hủi nghẹn ngào, “nhưng tôi còn phải chịu những điều bất hạnh hơn cả bệnh tật”.

Bà hỏi, “Điều gì kinh khủng hơn những cái ông đang phải chịu?”

“Bệnh tật đến với tôi bất ngờ và dữ dội,” Ông ta nói. “Tôi đã từng có một người vợ, giống như cô, vô cùng xinh đẹp, nhưng sau khi tôi mắc bệnh, cô ấy lấy một người đàn ông khác và ném tôi ra khỏi nhà. Tôi cần có người chăm sóc và ở bên cạnh. Cứ nhìn cô là tôi lại nghĩ đến vợ tôi. Tôi cũng nghe tiếng cô khắp vùng là ai xin gì cô cũng cho. Giá mà cô có thể làm vợ tôi, cho tôi được hưởng nốt chút sung sướng trước khi chết.” Và ông ta lại bắt đầu khóc.

Tsogyal đặt tay lên vai người hủi: “Đừng khóc! Em sẽ làm vợ ông như ông muốn, sẽ chăm sóc và phục vụ ông như một người vợ hiền”. Bà đưa ông vào nhà, kiếm cho ông bộ quần áo lành lặn, lau rửa vết thương, chăm sóc, và sống với ông như vợ chồng. Cứ thế, bà giúp đỡ nhiều người. Nhiều người đến xin những gì họ cần, bà trao cho họ với những lời cầu nguyện đầy niềm vui.

Đến đây, Zangthalpa ngừng lại, đại chúng cũng lặng yên. Zangthalpa trầm giọng: “Một người con gái xinh đẹp đem toàn bộ cuộc sống của mình dành cho việc giúp đỡ mọi người, sẵn lòng cho đi mọi thứ mình có, sẵn lòng chịu đau đớn thân thể, và còn xa hơn cả những gì có thể tưởng tượng, đồng ý và làm người vợ hiền cho một người cùi. Hẳn các vị thấy mình khó mà làm được như thế, phải không? Thậm chí nghĩ đến người có thể làm được như thế đã là điều kỳ diệu. Vậy mà Đức Bà, người nữ cư sĩ giác ngộ đã làm được như vậy.

Chỉ khi nào không còn chấp mình là thân thể, không còn nghĩ tới mình, mà chỉ nghĩ cho người khác mới có thể làm được điều vĩ đại ấy. Nhưng sẽ không thể làm điều vĩ đại nếu không bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt”.

Zangthalpa ngừng lại, trong đám đông bất ngờ có một cánh tay đưa lên, rồi một cô gái đứng dậy: “Thưa Ngài, con sẽ làm được. Con sẽ bắt đầu từ những điều nhỏ trước, như cho các em con phần ăn của mình khi chúng còn đói, con sẽ cho bà hành khất già hay qua làng chiếc khăn của con, con sẽ giúp đỡ tất cả những người con gặp… Sẽ có ngày con sẽ làm được như Đức Bà”. Zangthalpa mỉm cười hiền từ nhìn cô gái bé nhỏ với đôi mắt sáng lấp lánh, tay nắm chặt, đứng trước mặt ông: “Ta tin là con sẽ làm được. Tại sao?” Ông quay qua cả phía đại chúng: “Xin các vị hãy nghe tiếp những lời Đức Liên Hoa Sanh nói với Tsogyal, các vị sẽ hiểu!”

  1. HÀNH ĐỘNG VÌ LỢI ÍCH CHÚNG SINH

Sau những thực hành thiền định rốt ráo, khi Tsogyal trở về gặp Đại sư Liên Hoa Sanh, phủ phục lạy, Ngài chào: “Vậy là con đã về”. Ngài nói tiếp:

Thân người là nền tảng để thành tựu trí huệ
Thể xác dù là nam hay nữ cũng đều thích hợp,
Đàn bà có chí nguyện lớn thì còn có nhiều khả năng giác ngộ hơn.
Từ thời vô thủy con đã tích tập nhiều công đức và trí huệ,
Nay đã thanh tịnh, con đạt các phẩm tính của một vị Phật,
Hỡi người đàn bà siêu đẳng, con là một Bồ tát mang thân người.
Người con gái hạnh phúc, ta đang nói về con, phải không?
Nay con đã giác ngộ,
Hãy hành động vì lợi lạc cho chúng sinh.

Zangthalpa nhìn đại chúng, nhìn cô gái nhỏ mỉm cười: “Có được thân người là có cơ hội để giác ngộ. Thân người là nữ mà có chí nguyện lớn thì càng nhiều khả năng hơn. Điều quan trọng cần nhớ là: “Giác ngộ không phải chỉ cho riêng mình, mà giác ngộ để giúp đỡ các chúng sinh khác tu hành và giác ngộ”. Đức Bà đã đạt được thành tựu lớn lao bằng các pháp thực hành vì lợi ích chúng sinh, và sau khi đạt được đại chứng ngộ, Đức Bà đã cống hiến cả cuộc đời mình để dẫn đạo cho những người khác và khuyến khích họ trong thực hành tâm linh.

Người giác ngộ không nề hà bất cứ hành động nào nếu mang lại lợi ích cho chúng sinh. Không hề yếm thế như người thường hình dung về đạo Phật, những người giác ngộ – Bậc chiến thắng làm những việc cần làm, từ tranh đấu loại bỏ cái ác cho tới tiêu diệt những kẻ giết người. Nhưng “chuyển hóa” luôn là điều mà các Bậc chiến thắng chọn để hành động trước nhất. Đức Bà Tsogyal là một trong 25 Đại đệ tử của đức Liên Hoa Sanh có vai trò lớn trong việc chuyển hóa tà giáo và phát triển Phật giáo ở Tây Tạng.

7.1 CHUYỂN HÓA ĐẠO BON THÀNH PHẬT GIÁO

Từ thời vua Songtsen Sampo, ở Tây Tạng tồn tại cả Phật giáo và đạo Bon truyền thống. Những giáo lý của Đạo Bon và Đạo Phật hài hòa với nhau. Rất nhiều hình ảnh, tranh tượng hay hình giải thích của hai Đạo đều hướng về chung một điểm là từ bi và trí tuệ. Không có bóng dáng của bè phái, mọi người thực hành Pháp mà không hề có những tranh cãi về sự khác biệt giữa hai giáo lý.

Nhưng sau khi vua Songtsen Sampo băng hà, trong vòng 25 năm sau đó, đạo Bon tà giáo (không phải đạo Bon truyền thống) bắt đầu gia tăng những ảnh hưởng đen tối. Các giáo sĩ Phật giáo và các giáo sĩ đạo Bon chân chính bị ngược đãi dữ dội, nhiều người bị đày tới miền biên địa. Đạo Bon truyền thống bị suy yếu và mất đi tiếng nói cho đến tận ngày nay.

Trong thời kì đó, nhiều bức tranh tượng Phật bị biến mất. Những ngôi chùa ở Lhasa và Trandruk rơi vào tình trạng hoang phế. Cho đến khi vua Trisong Deustden mời được đức Liên Hoa Sanh tới Tây Tạng, việc truyền bá giáo pháp Phật pháp cũng gặp rất nhiều khó khăn do các quan theo đạo Bon tà giáo ngăn trở.

Khi tu viện Samye được xây dựng xong, công việc dịch kinh sách bị các quan theo đạo Bon và các pháp sư đạo Bon tìm cách cản trở, họ đày các dịch giả phân tán ra khắp các miền biên ải. Sau nhiều nỗ lực hòa giải, phải đến lần thứ ba, nhà vua mới đưa được 108 vị dịch giả Phật giáo trở về Samye và mời thêm 21 học giả Ấn độ tới Tây Tạng, đổi lại phải thiết lập tu viện Bongso cho các tu sĩ đạo Bon tà giáo ở Yarlung.

Tuy nhiên, các học giả, pháp sư, và đạo sĩ đạo Bon tiếp tục không những không chấp nhận thập thiện nghiệp của Phật giáo, họ còn chỉ trích các tượng Phật, dùng các lời lẽ chê bai và khích bác nhà vua và các quan theo đạo Phật rằng họ đã bị mê hoặc bởi kẻ gian tà.

Các đạo sĩ yêu cầu tổ chức một buổi lễ cầu may mắn cho nhà vua theo nghi lễ của đạo Bon. Các đạo sĩ tuyên bố rằng để làm được buổi lễ long trọng này cho nhà vua họ cần cấp một con nai đực sừng lớn, một con nai cái, một ngàn con trâu Yak đực, một ngàn con trâu Yak cái, cừu và dê… để hiến tế.

Đến ngày làm lễ, nhà vua và các cung tần mỹ nữ, các quan lại cũng như dân chúng tề tựu đông đủ. Chín đạo sĩ Bon và các đồ tể tay lăm lăm con dao, họ lần lượt hô: “Một con nai”, rồi chặt chân chúng, xong cắt cổ. Cứ thế, “một con trâu cái”, “một con cừu cái”, “một con dê cái”… Ba ngàn con vật sống bị hiến tế bằng cách chặt chân và cắt cổ như vậy. Còn ngựa, bò, la, chó, chim, và heo bị hiến tế bằng các cách khác nhau. Sau cuộc sát sinh, mùi lông cháy của các con vật bị nướng tỏa khắp vùng. Họ xẻ các miếng thịt của những con vật bị sát sinh và đưa cho những người tham dự đang hết sức bàng hoàng. Những chậu đồng được các đạo sĩ đổ đầy máu, họ bôi máu lên da và lầm bầm các câu thần chú.

Trước con mắt sợ hãi của mọi người, những chậu huyết bốc hơi và sôi lên, những giọng nói ma quỷ vang lên the thé như say rượu, cùng với tiếng thở nặng nề, khàn khàn. Nhiều người nhìn cuộc tế lễ đẫm máu với cảm giác buồn bã, hoảng sợ, và đầy thắc mắc.

Thấy những hành động của đạo Bon tà giáo gây hoang mang cho nhà vua, triều thần, và dân chúng ngày càng nặng nề, tất cả các học giả Phật giáo dâng nhà vua 9 lần lời thỉnh cầu: “Không có ích lợi gì để Mật giáo cùng với thứ tà giáo cuồng tín này. Ánh sáng và bóng tối không thể song hành. Hai tôn giáo này không thể nào phối hợp với nhau được”.

Nhà vua hỏi ý kiến triều thần nên làm gì khi hai giáo lý trái ngược nhau như nước với lửa cùng tồn tại.

Tể tướng Go nói: “Tâu Đại Vương, nhà vua thì không hài lòng với những hành động sát sinh và thờ ma quỷ của Đạo Bon. Các quan thì thiếu sự tin tưởng vào Đạo Phật. Hai tôn giáo này giống như nước với lửa, một mất một còn. Chúng ta cần phải tiêu diệt mối đe dọa này đối với vương quốc của đại vương.

Cần phải phân biệt thật với giả. Ngày mai nhà vua sẽ chủ trì cuộc thi giữa các giáo sĩ Phật giáo và giáo sĩ đạo Bon, trước sự chứng kiến của các quan. Giáo lý đúng đắn sẽ hiển lộ.

Bằng cuộc thi này chúng ta sẽ được đón nhận sự thật và cái xấu sẽ bị tan biến. Mỗi người sẽ phải phải trình bày luận lý và biểu diễn pháp thuật. Nếu giáo lý Đức Phật chứng minh được là có giá trị thì Phật giáo sẽ được bảo tồn và củng cố thêm sức mạnh. Đạo Bon bị loại bỏ, bằng ngược lại. Nếu Đạo Bon tự chứng minh là có giá trị thì Phật giáo bị hủy diệt. Một sắc luật về việc này sẽ được ban hành. Vua, quan, dân thường đều phải tuân theo”.

Nhà vua, các quan và mọi người đều chấp nhận ý kiến này và thề tôn trọng sắc lệnh. Các quan theo đạo Bon biểu lộ sự tự đắc vì họ tin rằng người Phật giáo không thể thắng bằng pháp thuật được.

Ngày rằm tháng giêng, cuộc thi diễn ra ở đồng bằng Yobok gần Samye.

Trước hết là phần mở đầu thi tài ứng đáp bằng cuộc thi câu đố, phe Bon thắng cuộc. Các tín đồ Bon vui mừng phất cờ và ca tụng vị thần của họ. Nhà vua ban thưởng cho họ một chén rượu, các quan theo đạo Bon cũng thưởng rất hào phóng. Tuy nhiên các học giả Phật giáo nói: “Người nhanh chưa hẳn là người thắng cuộc. Họ thắng cuộc thi câu đố vì môn giải câu đố không có trong giáo lý Phật giáo. Bây giờ họ sẽ phải tranh luận về tôn giáo với chúng tôi”.

Đại học giả Vimalamitra đứng dậy nói:

Vạn pháp đều phát khởi từ nhân duyên, Như Lai đã dạy lý nhân duyên đó

Không làm mọi điều dữ
Gắng làm mọi việc lành
Thanh tịnh tâm ý mình
Là lời Chư Phật dạy

Nói xong ngài ngồi theo thế hoa sen trên không, tỏa hào quang sáng rỡ. Ngài bật ngón tay ba lần, tức khắc chín đạo sĩ Bon bất tỉnh, còn chín học giả Bon ngồi sững sờ không nói được gì. Hai mươi lăm học giả Ấn độ và tất cả 108 dịch giả cũng lần lượt đọc một đoạn kinh, chọn một đề tài và trình diễn thần thông để chứng minh. Những người phái Bon đều như chết sững và xuống tinh thần vì họ không thể phô diễn bất kì một pháp thuật nào cả.

Các quan theo đạo Bon thúc giục họ: “Các người phải thắng cuộc thi này. Hãy cho họ thấy quyền năng của các người. Các tu sĩ Phật giáo đang làm cho thần và người Tây Tạng phải ngạc nhiên vì những gì họ thể hiện. Thái độ và hành vi của họ làm người ta vui lòng. Những gì họ biểu lộ là vui vẻ và bình an. Nếu các người có một chút pháp thuật, quyền năng tâm linh, huyền thuật hay bùa chú gì đó thì hãy mang ra biểu diễn ngay đi”.

Trong khi đó, nhà vua khen ngợi và ban thưởng cho các học giả Phật giáo. Cờ giáo pháp được thả tung bay trong tiếng tù và cùng một cơn mưa hoa rơi xuống. Trên trời các vị thần cất tiếng chào mừng họ và hiện thân cho mọi người trông thấy. Điều này làm dân chúng Tây Tạng ngạc nhiên và khóc như mưa trong niềm tin vào Phật Pháp.

Phái Bon không thể hiện được gì ngoài những cơn mưa đá. Các quan đạo Bon khi tận mắt thấy các vị thần hiện lên làm bằng chứng cho sự thành tựu, họ bèn quy phục giáo lý của Đức Phật. Họ đặt bàn chân của các học giả Phật giáo lên đầu, sám hối lỗi lầm với các dịch giả. Trước mắt nhà vua hiện lên rõ mồn một hình ảnh Văn Thù Bồ Tát, trong tim ngài dâng lên niềm tin vô bờ vào Phật pháp.

Đa số người chứng kiến cuộc thi cho rằng phe Phật giáo đã thắng, Phật Pháp là siêu đẳng, và tất cả đều muốn theo Phật giáo.

Họ thấy đã đủ và chuẩn bị ra về thì nhà vua ra lệnh ở lại: “Các người hãy xem cho hết cuộc thi tranh luận và huyền thuật để xác quyết niềm tin vào giáo pháp”.

Trước hết, đại dịch giả Vairotsana tranh luận với đạo sĩ Tangnak. Rồi Namkhai Nyingpo tranh luận với Tongyu. Cứ như vậy, mỗi dịch giả Phật giáo tranh luận với một đạo sĩ Bon. Nhà vua dành một hòn sỏi trắng trong mỗi câu nói hay hành động có giá trị, và một hòn sỏi đen cho mỗi câu nói hay hành động không chân xác. Vairotsana được 900 hòn sỏi trắng, còn Tangnak lãnh 5000 hòn sỏi đen. Lá cờ của Phật giáo được phất cao. Namkhai Nyingpo được 3000 hòn sỏi trắng, Tongyu bị 30,000 hòn sỏi đen. Một lần nữa, các dịch giả vui mừng phất cờ.

Tsogyal tranh luận với nữ đạo sĩ Bonmo Tso và chiến thắng, còn Bonmo Tso thì chịu thua tới mức không nói được gì. Rốt cuộc tất cả 108 dịch giả đều thắng cuộc, cả chín học giả Bon ngồi lặng ngườimặt đổ mồ hôi, tay chân run rẩy.

Cuối cùng là cuộc thi quyền năng, hai mươi lăm Đại thành tựu giả Phật giáo, học trò của Đức Liên Hoa Sanh thi triển thần thông. Vairotsana nắm ba cõi trong lòng bàn tay. Namkhai Nyingpo cưỡi tia sáng mặt trời và biểu diễn nhiều huyền thuật. Sangye chỉ cần múa dao thiêng Phurba là triệu được ma quỷ, làm một động tác là giết được kẻ địch, đâm một nhát Phurba là xuyên thủng một tảng đá.

Dorje chạy nhanh như gió, trong chớp mắt đi một vòng quanh bốn lục địa rồi dâng nhà vua bảy đồ thất bảo để chứng minh kỳ công của mình. Từ đỉnh đầu của mình Gywela phóng ra hình Đức Mã Đầu Minh Vương, rồi tức khắc hí vang ba ngàn thế giới. Tsangri Gompo chinh phục ba cõi trong khoảnh khắc, rồi dâng bánh xe của vị thần Brahma như bằng chứng kỳ công của mình. Gyelwa Lodro đi trên mặt nước.

Bằng trí nhớ diễn giảng quyển kinh tập hợp các bài thuyết giảng của Đức Phật và phóng chiếu các hình chủng tự lên không trung, Denma đại thắng phái Bon. Kaba kiềm chế hàng đoàn ma quỷ. Odren bơi trong biển như cá. Kumara trích cam lộ từ một tảng đá. Ma Chok ăn sỏi như ăn bột. Pelgyi đi xuyên qua đá và núi. Sokpo gọi một con cọp cái động đực từ miền nam tới bằng thủ ấn, thần chú, và định lực. Drenpa gọi một con trâu yak tới từ miền bắc.

Langdro gọi xuống mười ba tia chớp một lúc rồi phóng chúng đi như những mũi tên tới bất cứ nơi nào mình muốn; Guyelmo nhiếp phục các tín đồ Bon bằng các môn văn học, luận lý và khoa học, và bằng trí huệ của lực thiền định vượt qua sắc tướng bề ngoài biến hóa thành nhiều hình dạng. Jangchub tự nhấc bổng mình lên cao trong thế ngồi hoa sen…

25 Đại Thành tựu giả biểu diễn quyền năng thần thông, họ biến lửa thành nước và nước thành lửa, nhảy múa trên không, biến nhiều thành ít và ít thành nhiều, đi xuyên qua núi đá một cách tự nhiên hay đi trên mặt nước, làm cho dân chúng Tây Tạng tin vào Phật pháp và phái Bon không thể nào thắng nổi họ.

Phái Bon đặt ra Chín lời nguyền được gọi là Mùi Chồn Hôi Kỳ Diệu, Liệng Đồ Ăn Cho Chó, Dập Tắt đèn Bơ với máu Da huyền diệu đen, Hóa hiện thần ôn dịch và hóa hiện ma quỷ… Với những lời nguyền này, họ đánh hạ chín tu sĩ trẻ một lúc. Ngay lập tức Tsogyal nhổ nước bọt vào miệng mỗi tu sĩ làm cho họ đứng dậy khỏe mạnh như thường. Rồi bà đe dọa, chỉ ngón tay vào chín đạo sĩ Bon và hô “PHAT” chín lần, làm cho họ tê liệt và bất tỉnh. Để hồi phục họ, bà hô “HUNG” chín lần. Bà cho họ thấy khả năng nhiếp phục tứ đại như bay bổng lên không trung trong thế hoa sen và các công phu khác. Ở đầu năm ngón của bàn tay phải, bà quay năm bánh xe bốc lửa năm màu làm cho phe Bon hoảng sợ, rồi phóng ra dòng nước năm màu từ đầu năm ngón của bàn tay trái, các dòng nước này xoáy đi thành một hồ nước. Bà lấy một tảng đá Chimphu đập nó nát ra như đập một miếng bơ rồi nặn nó thành nhiều bức tượng. Bà hóa hiện 25 hình người giống hệt mình, mỗi hình biểu diễn một huyền thuật.

Mọi người dân Tây Tạng chứng kiến cuộc thi đã nói: “Mấy đạo sĩ Bon này không thắng nổi một người đàn bà”.

Các tu sĩ Bon đi tới Hepori gọi chín tia chớp định đánh cho tu viện Samye tan thành tro bụi. Tsogyal cuốn mấy tia chớp quanh đầu ngón trỏ, làm một cử chỉ đe dọa và liệng chúng lên trên vùng Ombu của đạo Bon, phá hủy vùng này. Sau khi bị bà gọi các tia chớp giáng xuống đầu, các tu sĩ này đều đi về Samye để sám hối.

Sau cuộc thi, phe Phật giáo hoàn toàn chiến thắng, các tu sĩ đạo Bon bị phạt lưu đày, nhưng hai viên quan Takra và Lugong cùng những người khác tuyên bố chống lệnh phạt. Họ nói sẽ đi về Ombu, nơi họ đã chuẩn bị kỹ càng để hủy diệt Tây Tạng bằng cách dùng lực của Pelmo, một vị thần đạo Bon, qua các lời nguyền được liệng vào lửa, vào nước, đất, và vào không khí bằng một cây cờ, và nhiều điều khác. Tsogyal bèn đi tới chùa Utse, trình bày mandala của Đức Kim cương Phổ Ba (Dorje Phurba) và làm lễ Phurba, bảy ngày sau các vị thần của mandala này xuất hiện. Lễ này làm cho các kẻ định giết người trở thành đao phủ của chính họ. Như vậy, những người phái Bon định hủy diệt Tây Tạng và hai viên quan Takra, Lugong hung hăng chết ngay tức khắc.

Nhà vua ngay lập tức ra lệnh bắt giam tất cả các tu sĩ Bon và trừng phạt. Nhưng Đại sư Liên Hoa Sanh nói: “Những tín đồ đạo Bon truyền thống có niềm tin phù hợp với Phật giáo, hãy để họ được ở lại nhà của họ. Còn những người theo đạo Bon tà giáo phải bị đày ra vùng biên địa, không cần phải giết chết họ”. Theo lời Đại sư, các kinh sách của đạo Bon được phân loại thành truyền thống và tà giáo. Các sách tà giáo đều bị đốt, còn các sách của đạo Bon truyền thống được cất giữ cho đời sau.

Từ đó nhà vua, các quan cùng các triều thần cũng như nhân dân Tây Tạng đều theo đạo Phật. Nhà vua ban sắc lệnh không được theo tà đạo Bon. Vì thế tất cả miền Trung Tây Tạng và xứ Kham cho tới tận biên giới đều có Phật pháp. Nhiều tu viện được xây dựng thêm, các tăng sĩ tới trú ngụ và tu hành. Giáo Lý Phật Đà, các trường Mật giáo và sự giảng dạy giáo lý được phổ biến không còn ngăn trở nào.

Yeshe Tsogyal tiếp tục truyền bá kinh điển và mật điển, duy trì và mở rộng cộng đồng tu sĩ. Hàng ngàn nữ tu sĩ theo bà tu tập, một số đạt khả năng giúp người khác thực hành, một số người thành tựu, bảy người đạt trình độ ngang với bà, tám mươi người được gọi là Tám mươi Đại Thành tựu giả vì nhận được giáo lý khẩu truyền.

7.2 CẤT GIẤU CÁC BẢO TẠNG CHO ĐỜI SAU

Sau khi Đại sư Liên Hoa Sanh ban cho Yeshe Tsogyal tất cả các giáo lý bí mật chứa trong kho tàng tâm của người, không thiếu một pháp nào, giống như nước trong một cái bình được trút hết vào một bình khác, ngài nói với bà: “Ta phải để lại vô số giáo lý cao rộng và thâm sâu ở khắp vương quốc Tây Tạng. Con phải hấp thụ cẩn thận giáo lý của ta, rồi soạn thành bảo tạng để truyền cho đời sau”.

Cùng với các đệ tử của ngài, người có tài tốc ký, người viết chữ đẹp, người có tài chính tả, người viết văn trong sáng, người là bậc thầy về văn phạm và luận lý, Tsogyal có trí nhớ hoàn hảo, tất cả hai mươi lăm đại đệ tử góp công sức trong việc biên soạn giáo lý của Đức Liên Hoa Sanh. Các đệ tử đã chép một triệu tập Thành tựu tâm, một trăm ngàn tập Giọt Tim, các nghi quỹ, luận thư, giáo lý bí mật, tất cả đều sâu rộng, một số rất sâu xa nhưng đưa tới kết quả nhanh, số khác dài nhưng quan trọng, một số văn bản ngắn nhưng trọn vẹn, một số để thực hành nhưng mang lại nhiều ơn phước. Có cùng ý nguyện là phụng sự chúng sinh bằng phương tiện thiện xảo và trí huệ, Đức Liên Hoa Sanh và Đức Bà Yeshe Tsogyal đã cùng dạy các giáo lý khẩu truyền, ban phước cho tất cả các địa điểm năng lực ở toàn cõi Tây Tạng, phân phối các bản tóm tắt để hướng dẫn người đời sau tìm lại các bảo tạng.

Yeshe Tsogyal thu thập cẩn thận, sắp xếp, và cất giấu các lời dạy của Đức Liên Hoa sanh như những bảo tạng bí mật. Bà cất giấu ở nhiều nơi trong thiên nhiên, dưới hồ nước, trong tảng đá trên đỉnh núi, trong không gian… Như vậy lời của các Đức Phật không bị mai một mà lại tăng thêm cho đến khi cõi luân hồi không còn dục vọng phàm tục.

Có thể nói rằng tất cả những giáo huấn của Đức Liên Hoa Sanh đã đến với chúng ta đều nhờ Yeshe Tsogyal.

Tất cả biển giáo pháp, những Thần chú bí mật
Những lời truyền dạy sâu sắc của Đức Liên Hoa Sanh
Khẩu truyền và qua những Bảo tạng
Người lan truyền và giữ cho khỏi mai một
Đức Bà người nắm giữ những Lời dạy
Mẹ của những Bậc chiến thắng,
Con quỳ gối trước người
Suốt kiếp con xin theo người.

Giáo lý Mật giáo quý báu có phẩm tính trí huệ được che giấu một cách tự nhiên, vì nó quá cao siêu đối với những ý niệm cụ thể, bất tịnh của phàm tâm. Giáo lý này cũng được cố ý cất giấu để tránh sự lạm dụng khi người ta dùng những kho tàng quý báu này cho mục đích đat danh lợi cá nhân chứ không vì lợi ích của chúng sinh, và do đó tạo chướng ngại cho sự giác ngộ.

Với sự chứng ngộ và thành tựu đạt được, Yeshe Tsogyal dành cả phần đời còn lại để cất giấu các bảo tạng và thực hành pháp phụng sự chúng sinh. Cuộc đời đức Bà là một tuyệt tác về tiểu sử Tây Tạng viết về phụ nữ tu hành. Nhiều phụ nữ khi đọc về Bà đã chịu ảnh hưởng sâu sắc và nhận được những nguồn cảm hứng lớn lao trong tu tập.

Không những là người nữ quan trọng nhất trong dòng truyền thừa Cổ Mật (Nyingma), mà thực sự Yeshe Tsogyal còn là một trong những đệ tử vĩ đại nhất của Đức Liên Hoa Sanh. Tsogyal đã nhận được tất cả những giáo huấn của Đức Liên Hoa Sanh như thể mọi chất liệu nằm trong một chiếc bình được đổ trọn vẹn vào một chiếc bình khác.

BÀI CA CHỨNG NGỘ

Gây gổ và giận dữ, chính là ĐẠI VIÊN CẢNH TRÍ
Sự trong sáng và rạng rỡ chẳng có nguồn gốc nào khác
Ngoài một tâm giận dữ bị kích thích và nóng nảy
Hãy nhìn thẳng vào cơn giận của mình, và chứng kiến dung nhan ĐỨC KIM CANG TÁT ĐỎA
Khi không bám chấp, những biểu hiện được giải phóng như TÍNH KHÔNG.

Tự tôn và kiêu ngạo chính là BÌNH ĐẲNG TÁNH TRÍ
Thiền định tự nhiên không có nguồn gốc nào khác
Ngoài một tâm tự cho mình là đúng luôn thèm khát sự công nhận
Hãy nhìn thẳng vào sự tự nhiên và chứng kiến khuôn mặt của Đức Phật BẢO SANH
Đừng bám lấy kinh nghiệm về tính không, và những biểu hiện sẽ tịnh hóa chính nó.

Ham muốn và tham lam, chính là DIỆU QUAN SÁT TRÍ
Diệu quan sát chẳng có nguồn gốc nào khác
Ngoài một tâm luôn muốn mọi thứ và dính mắc vào cái đẹp
Hãy nhìn vào sự tươi mới và chiêm ngưỡng ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ
Khi không bám chấp, sự sáng tỏ sẽ được tịnh hóa thành đại lạc.

Ghen tị và ghét bỏ chính là THÀNH SỞ TÁC TRÍ
Hoạt động và thành tựu không bắt nguồn từ đâu khác
Ngoài một tâm ganh đua luôn so sánh chính nó với những người khác
Hãy nhìn vào suy nghĩ của bạn và nhận ra ĐỨC PHẬT BẤT KHÔNG THÀNH TỰU
Nếu không bám chấp vào khái niệm, dù thô hay tế, bất kỳ điều gì hiện ra tự nó sẽ trở thành thanh tịnh.

Mê mờ và ngu dốt chính là PHÁP GIỚI THỂ TÁNH TRÍ.
Sự chứng ngộ Pháp không nằm ở đâu khác
Ngoài một tâm vô cùng ngốc nghếch và chậm hiểu.
Hãy nhìn thẳng vào sự ngu dốt của bạn, và chiêm ngưỡng ĐỨC PHẬT TỲ LÔ GIÁ NA
Nếu bạn không tìm cầu trạng thái tỉnh thức, bất kì những gì hiện ra đều chính là giác ngộ.

Rất khó để hình dung ra được bao nhiêu đau khổ bà đã xóa bỏ đi khỏi thế gian này. Những bài ca chứng ngộ của bà mang lại cho những ai nghe được chúng ngay lập tức cảm nhận được và sự hiện diện của bà lan tỏa niềm vui lớn lao. Sự thông tuệ, bền bỉ, sự sùng mộ và động lực thanh tịnh của bà, tất cả đều hiếm có và phi thường. Những người nghe câu chuyện này sẽ nhận được sự ban phước và cảm hứng tu hành từ Đức Bà.

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 25: Dịch giả Marpa – Bậc địa chủ giác ngộ vĩ đại của Tây Tạng thế kỷ 11

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.