Zangthalpa – Phần 26: Cách dạy dỗ kỳ lạ của Marpa dành cho Milarepa

Đêm đã về khuya. Dưới phía đại chúng mọi người vẫn ngồi yên lắng nghe say mê. Rất nhiều khuôn mặt háo hức, nhưng cũng có những cái nhìn trầm ngâm. Thật khó hiểu nổi thế nào là ham muốn mà không bị trói buộc. Càng khó hiểu hơn một bậc giác ngộ mà vẫn còn khoái lạc và giận dữ.

Dường như thấu rõ được những băn khoăn của đại chúng, Zangthalpa cất tiếng:

– Đối với một bậc giác ngộ, giận dữ hay khoái lạc chỉ là những phương tiện để tiếp cận và hướng những người khác tập trung vào những hành động đúng đắn; giúp họ nhanh chóng đi trên con đường giác ngộ. Vì sao lại vậy, bởi vì những bậc giác ngộ đã hiểu rõ bản chất của khoái lạc và giận giữ; chúng vốn chỉ là những cảm xúc hiện lên rồi lại biến mất như những cầu vồng sau cơn mưa.

Khi một bậc giác ngộ sử dụng phương tiện giận dữ, họ thấu suốt rằng không có xấu, cũng chẳng có tốt; không có người đang giận dữ, cũng như không có người chịu cơn giận và đặc biệt ngay cả cơn giận cũng không có thực. Vì vậy, họ hoàn toàn tự do với sự xuất hiện của cơn giận. Trên nền tảng trí tuệ đó, họ sử dụng giận dữ như là phương tiện để đánh thẳng vào những lỗi lầm tiềm ẩn một cách trực tiếp. Trong nhiều trường hợp, giận dữ là phương tiện thiện xảo nhất để thay đổi những ngọn núi tâm trí vốn đã cứng đặc bởi vô minh.

Sức mạnh của giận dữ có thể rất nhanh chóng ngăn chặn các hành vi xấu đang xảy ra và đôi khi nó cũng là cách giúp người khác tịnh hóa được chính những nghiệp xấu mà họ đã gây nên. Những Bậc Thầy giác ngộ, với lòng đại bi vô hạn của mình đã sử dụng triệt để các phương tiện để làm lợi lạc cho học trò và tất cả chúng sinh có duyên với họ.

Hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện Marpa dạy học trò; thông qua câu truyện này, các bạn sẽ hiểu sâu hơn được thông điệp đó.

Một người học trò quan trọng của Marpa là Milarepa. Milarepa được coi là một trong những hành giả vĩ đại nhất của Tây Tạng, từ một kẻ sát nhân mà trong một đời thành tựu thành Phật. Sinh ra trong một gia đình giàu có ở xứ tuyết, cha mất sớm và bởi không có người cai quản điền trang, Milarepa và mẹ bị chú thím tước đoạt tất cả tài sản và hành hạ như tôi tớ. Tràn ngập sự giận dữ và căm thù, chàng trai trẻ Milarepa đi học pháp huyền thuật phù thủy, rồi trở về giết hại 35 người, gồm kẻ thù hãm hại gia đình và nhiều người dân. Theo mong muốn của mẹ, Milarepa còn học phép thuật làm mưa đá và tàn phá toàn bộ mùa màng của bà con trong làng.

Sau những sự kiện khủng khiếp đó, cuộc đời của Milarepa bắt đầu vỡ tan thành từng mảnh. Ngập đầy hối hận cắn rứt vì những ác hạnh mình đã gây ra, Milarepa bắt đầu khao khát được học pháp và tịnh hóa nghiệp xấu. Cuộc gặp gỡ với người thầy Marpa là một điều kỳ diệu không chỉ riêng cho Milarepa mà tất cả chúng sinh sáu cõi. Xin nghe tôi kể tiếp…

  1. CUỘC GẶP GỠ CỦA THẦY TRÒ MARPA VÀ MILAREPA.

Đêm hôm đó, Marpa gặp một giấc mơ rất kỳ lạ. Trong ánh sáng cầu vồng rực rỡ, Đức Naropa hiện ra, ban phước cho Marpa, rồi đặt vào tay ngài một chiếc chày kim cương năm ngạnh, làm bằng đá có màu da trời và vô cùng hoen ố, cùng với một bình bằng vàng chứa đầy cam lồ, và nói:

– Này Marpa, với nước trong bình này, con hãy rửa sạch cái dơ bẩn của chày kim cương, rồi treo nó lên đỉnh ngọn cờ chiến thắng. Điều này sẽ làm hài lòng chư Phật và làm cho tất cả chúng sinh hạnh phúc. Như thế là đã làm tròn mục đích của con và của những người khác.

Theo lời thầy, Marpa rửa chày kim cương với nước trong bình, và treo nó lên đỉnh ngọn cờ chiến thắng. Ngay giây phút ấy, từ chiếc chày kim cương xuất hiện một luồng ánh sáng trắng, trong suốt và rạng rỡ, chiếu rạng toàn thể vũ trụ. Chúng sanh trong sáu cõi lập tức được giải thoát khỏi mọi đau buồn, ngập tràn hạnh phúc, hoan hỷ nhảy múa trong ánh sáng ấy. Tất cả đều quy hướng về phía Marpa và ngọn cờ chiến thắng của Ngài.

Marpa tỉnh dậy, vô cùng hạnh phúc. Vừa lúc ấy Dagmema, người vợ của Marpa đẩy cửa bước vào với một bữa sáng thịnh soạn và ngon lành. Không giấu được niềm vui, Dagmema háo hức kể chuyện:

– Ôi Lama của em, hôm qua em có một giấc mơ kỳ lạ. Có hai người phụ nữ mang đến cho em một chiếc tháp đựng xá lợi bằng pha lê và một bình nước. Chiếc tháp ấy dính đầy vết dơ bẩn và xây xước. Rồi họ nói với em, “Đức Naropa yêu cầu Marpa hãy cử hành lễ chú nguyện thụ phong cho chiếc tháp này và đặt nó trên đỉnh một ngọn núi”. Chàng đã rửa chiếc tháp này bằng những giọt nước thanh tịnh thuần khiết trong bình, thực hiện lễ thụ phong, rồi chàng đặt chiếc bình pha lê lên đỉnh núi. Ngay khi ấy, chiếc bình pha lê bỗng trở nên trong vắt, phát ra vô số tia sáng lấp lánh, như thể mặt trời và mặt trăng đã phóng ra vô số phiên bản của mình lên đỉnh núi. Rồi hai người phụ nữ ấy đã trông giữ cho chiếc tháp ấy rất nhiều ngày đêm. Lama của em, giấc mơ ấy có nghĩa gì?

Marpa thầm nghĩ, “Kỳ diệu thay, hai giấc mơ này vô cùng tương hợp!” Cảm thấy một niềm vui chưa từng có, nhưng quay sang vợ, ngài vẫn tỏ ra hết sức dửng dưng, lừ mắt:

– Thật là vớ vẩn! Một giấc mơ chẳng rõ nguồn gốc thì có ý nghĩa quái gì. Thôi, bây giờ ta cần đi cày một thửa ruộng ở ven đường. Hãy sửa soạn cho ta.

Biết tính Marpa, Dagmema chẳng hề tỏ ra buồn phiền. Âu yếm nhìn chồng, Dagmema khẽ nói,

– Lama của em, cày ruộng là công việc của những người nông dân. Nếu một vị đại sư mà lại đi làm chuyện ấy thì mọi người sẽ chê cười chúng ta mất.

Marpa trừng mắt quát vợ:

– Nói nhiều quá! Nhanh lên! Lấy cho ta thật nhiều bia! Ta sẽ uống một bình và cần thêm một bình nữa. Hôm nay ta sẽ tiếp một vị khách quý.

Thế là Marpa cầm hai vại bia và ung dung huýt sáo đi ra đồng. Trên cánh đồng xanh mát, dưới bầu trời rộng mở thênh thang, Marpa đủng đỉnh cày ruộng, lâu lâu ngồi xuống ven đường nghỉ ngơi uống bia. Lũ trẻ chăn trâu hôm ấy được dịp đi theo, thập thò bên những khóm rơm, cười khúc khích. Thật là ít có cơ hội được tận mắt gặp một vị đại đao sư xắn quần ra đồng cày ruộng như vậy. Mặc kệ lũ trẻ và nhiều ánh mắt tò mò xung quanh, Marpa thảnh thơi tận hưởng món bia, lấy cái nón chụp lên bình còn lại, và khoan thai chờ đợi.

Vừa nhìn thấy Marpa, Milarepa đứng sững bất động trong giây lát. Toàn thể thế giới đột ngột tĩnh lặng

Lúc ấy, Milarepa đang trên đường đi từ Lhobrak tìm Marpa. Sau bao ngày trèo đèo lội suối, Milarepa đã tới vùng đất này và gặp đúng cậu bé con trai cả của Marpa đang nô đùa chơi trò bắt cướp cùng lũ trẻ trong làng.

– Này chú bé, ta đang đi tìm vị Đại dịch giả Marpa của xứ Tây Tạng. Cháu có biết Ngài đang ở đâu không?

Chú bé hào hứng chỉ tay ra phía xa:

– Marpa chính là cha của con. Cha con đang cày ruộng bên kia kìa!

“Làm gì có chuyện đó,” Milarepa nghĩ thầm, “một vị đại sư không thể nào ra đồng cày ruộng”. Nhưng có điều gì đó mách bảo khiến Milarepa rảo bước đi tiếp về hướng tay chú bé đã chỉ. Milarepa nhìn thấy bên vệ đường một người cao lớn, mập mạp, dáng ngồi thô kệch, ăn mặc nhếch nhác lấm lem bùn đất từ đầu tới chân, nhưng lại toát ra vẻ uy nghiêm và thong dong đến kỳ lạ.

Vừa nhìn thấy Marpa, Milarepa đứng sững bất động trong giây lát. Toàn thể thế giới đột ngột tĩnh lặng. Lông tóc sau cổ Milarepa dựng đứng lên, dường như Milarepa vừa kinh nghiệm một trạng thái thiền định sâu xa. Trong lòng Milarepa bỗng tràn đầy niềm vui, trái tim như reo lên trong hạnh phúc, bao nhiêu mệt mỏi ưu phiền suốt dọc đường chỉ trong một tích tắc tan biến hết. Hối hả tiến đến gần, Milarepa cất tiếng hỏi:

– Thưa bác, con có nghe rằng Đại dịch giả Marpa, đệ tử nối pháp của Đức Naropa vinh quang đang sống trong vùng này. Xin bác chỉ giúp nhà vị ấy ở đâu?

Marpa nhìn Milarepa từ đầu đến chân một hồi lâu rồi hất hàm hỏi:

– Ngươi là ai?

Ngay khi Marpa vừa cất tiếng nói, Milarepa bỗng cảm thấy như có một luồng ánh sáng rực rỡ chạy thẳng vào trong người. Như chú sư tử con lần đầu tiên được nghe tiếng gầm của sư tử cha, một cảm giác sung sướng tột cùng xuất hiện. Đứng sững trong giây lát, Milarepa mới có thể ngập ngừng trả lời:

– Xin thưa, con là một kẻ đại tội lỗi đến từ Tsang Thượng. Nghe đại danh của Marpa, con đến cầu xin giáo pháp của Ngài.

– Tốt lắm, ta sẽ sắp xếp cho anh gặp Marpa, nhưng anh hãy cày cho xong thửa ruộng này đi đã. Trước hết, có món bia này tươi mát và rất ngon. Uống đi và hãy làm việc tích cực vào. Cày xong sẽ có người dẫn anh về gặp Đại dịch giả.

Nói rồi Marpa đứng dậy bỏ đi. Milarepa uống hết phần bia. Dòng nước mát lạnh chạy xuống thân thể, lan tỏa sự mát mẻ đến từng ngón chân. Trong cảm giác hoan lạc không thể tả, Milarepa cày ruộng vô cùng hăng hái.

Một lúc sau, chú bé con trai Marpa xuất hiện, và dẫn Milarepa về nhà. Lúc này, trời đã quá ngọ. Marpa đang ngồi khoan thai trên hai tấm đệm, dựa lưng vào một chiếc gối. Ngài mới chỉ lau mặt qua loa, lông mày và râu còn lấm lem bụi đất, say sưa ăn uống. Thấy người trước mặt chính là ông nông dân cày ruộng ban nãy, Milarepa vô cùng hoang mang. Marpa bật cười to:

– Hẳn nhiên là con không biết ta. Ta chính là Marpa, dịch giả xứ Tây Tạng.

Vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, lại vừa cảm thấy như đã quen thuộc từ lâu lắm rồi, Milarepa lập cập quỳ xuống đảnh lễ dưới chân Ngài.

– Thưa Đạo sư, con là một kẻ đại tội lỗi từ miền tây Tây Tạng. Con xin dâng cúng thầy thân, khẩu, ý của con. Xin thầy ban cho con thực phẩm, quần áo và giáo pháp. Xin thầy dạy cho con con đường để đến giác ngộ trong đời này!

Chẳng thèm liếc nhìn, Marpa vừa ăn vừa quát lớn:

– Thiệt tình! Ta không muốn nghe ba cái chuyện mê sảng của ngươi đâu. Sao ta phải dạy pháp cho ngươi chứ? Ta có khiến ngươi gây ra tội lỗi hay không? Thật ra ngươi đã phạm những tội gì?

Milarepa vừa khóc vừa thuật lại đầy đủ những tội ác của mình trước đây với Marpa. Nước mắt Milarepa tuôn dài như hai dòng suối. Tay vẫn gắp thức ăn và tu bia ừng ực, Marpa vẫn không đoái hoài đến sự thảm hại của Milarepa, nhồm nhoàm trả lời:

– Thế đấy, đại phù thủy, ngươi đã làm tất cả những trò ma thuật đó. Dù sao, ngươi đã dâng cúng thân, khẩu, ý của mình cho ta, đó là điều tốt. Nhưng đừng có mơ! Ta sẽ không cho ngươi cả thức ăn, quần áo và giáo pháp. Nếu thích cơm ăn áo mặc, thì đi chỗ khác mà học Pháp. Nếu muốn học Pháp, thì đi chỗ khác mà kiếm đồ ăn. Đấy, ngươi chọn đi! Nhưng ta nói cho ngươi biết, kể cả nếu ngươi chọn Pháp, thì việc ngươi có đạt được giác ngộ trong đời này hay không, tất cả chỉ tùy thuộc vào nỗ lực của riêng ngươi. Ta không thể giúp được.

Milarepa nói như reo lên, không kìm được nước mắt:

– Thưa thầy, con đến với thầy là vì Pháp. Xin cho con được học Pháp. Con sẽ tự kiếm thức ăn và áo quần ở bên ngoài.

Marpa tiếp tục to tiếng:

– Còn nữa, hãy vứt hết đống sách vở ma thuật của ngươi đi. Chúng làm ô uế những đồ cúng dường và bàn thờ của ta.

Milarepa lập cập vứt hết tất cả sách vở của mình, và thầm nghĩ, “Ngài làm như vậy vì sách của mình có mùi hắc thuật. Ta đã tìm được vị thầy vĩ đại, từ nay ta sẽ nhất lòng đi theo thầy. Mọi sách vở khác đều là vô ích!”

Và thế là từ đó, Milarepa bắt đầu ở lại đồn điền của Marpa để học Pháp.

  1. BẮT ĐẦU 9 THỬ THÁCH KHẮC NGHIỆT DÀNH CHO MILAREPA

Được nhận ở lại tu học, Milarepa hăm hở lao đi khắp thung lũng xin khất thực. Sau nhiều ngày, Milarepa đã kiếm về được một chiếc nồi có bốn tay cầm, nhẵn nhụi, không rỉ sét, một bao tải to đựng lúa mạch, một ít thịt và bia. Về tới chỗ ở của Marpa, run rẩy vì kiệt sức, Milarepa đặt cái bao tải xuống làm sàn phòng hơi rung nhẹ. Lúc này Marpa đang ngồi ăn. Thấy bát đĩa trên bàn hơi rung rung, Marpa đập tay xuống bàn quát lớn:

– Này ranh con! Ngươi muốn phá sập nhà để giết chúng ta hay sao! Đem cái bao cút ngay!

Nói rồi Marpa đá bay cái bao ra ngoài. Milarepa thầm nghĩ, “Đạo sư của mình thật quá nóng nảy. Mình phải giữ thái độ cẩn thận và hết lòng phục vụ Ngài”. Không mảy may oán trách, Milarepa cung kính lễ lạy thầy, và cúng dường lên Marpa chiếc nồi trống không.

Marpa cầm chiếc nồi trong tay, đôi mắt suy tư, bỗng nhiên nước mắt ngài chảy dài trên má. Nhìn Milarepa, Marpa dịu dàng nói:

– Tốt lắm Miparepa! Món cúng dường của con là điềm lành. Ta sẽ dùng nó để dâng lên Sư tổ Naropa.

Marpa dựng đứng chiếc nồi trong tư thế dâng cúng. Ngài lắc bốn chiếc tay cầm để phát lên những âm thanh leng keng rồi đem nó vào phòng thờ. Marpa rót bơ từ những cây đèn thờ vào cho đầy nồi. Ngập tràn xúc động và cháy rực mong muốn cầu đạo, Milarepa quỳ xuống khẩn khoản xin Marpa dạy Pháp cho mình. Marpa quay lại nói: – Trước hết, ngươi hãy làm một trận mưa đá xuống hai vùng Yamdrok Taklung và Ling, phá hết mùa màng ở đây cho ta. Người dân hai vùng này thường tấn công cướp bóc lương thực của đệ tử ta, thật là không thể chấp nhận được!

Nghe Marpa giao nhiệm vụ đó, Milarepa hết sức kinh hãi. Phá hoại mùa màng bằng mưa đá chính là một ác hạnh không thể tha thứ mà Milarepa đã gây ra cho người dân quê nhà. Milarepa ấp úng:

– Thưa Sư Phụ, con…, con…

Marpa lại gầm lên:

– Đừng có cãi lời ta! Đây là việc đạo. Ngươi đi làm đi, nếu còn muốn được học Pháp.

Vâng lời thầy, ngay hôm sau, Milarepa dùng pháp thuật tạo nên một trận mưa đá dữ dội lên Yamdrok và Ling, rồi đến trình Marpa xin được truyền mật trú. Marpa lại trừng mắt:

– Thật là lố bịch! Chỉ mấy cục mưa đá vớ vẩn mà đòi học pháp của ta sao? Ta đã suýt mất mạng sang tận Ấn Độ để có được những pháp này, mà lại đem cho kẻ đầy tội ác như ngươi ư? Nếu là người khác thì đã giết ngươi vì đòi hỏi ngu xuẩn này rồi! Bây giờ ngươi hãy phục hồi mùa màng trong vùng Yadrok và cứu giúp tất cả những người dân ở đó, rồi ta sẽ truyền pháp cho ngươi. Không làm được thì đừng bao giờ vác mặt về đây nữa.

Có chút thất vọng, nhưng Milarepa lại nhanh chóng vâng lời thầy, khôi phục hồi mùa màng ở Yamdrok, cứu giúp bà con ổn định cuộc sống của mình, rồi đến tìm Marpa.

Nghe Milarepa trình lại việc cứu giúp dân làng, Marpa rất hài lòng. Cảm nhận được sự mong mỏi giáo pháp ở Milarepa, Marpa từ tốn nói:

– Hôm trước ta quở mắng nặng nề với ngươi, nhưng chớ tuyệt vọng. Hãy kiên nhẫn. Giáo pháp là việc cần thời gian. Ngươi có nghị lực để làm việc, thế thì hãy xây dựng một cái tháp cho con trai ta Tarma Dode. Khi làm xong ta sẽ truyền pháp cho ngươi, đồng thời sẽ cho cả cơm áo để ngươi tu học.

Phía dưới đại chúng đã có những khuôn mặt sốt ruột. Zangthalpa vẫn tiếp tục khoan thai: “Milarepa vâng lời, lòng ngập tràn hy vọng, mà không hề hay biết rằng, những năm tháng tới đây trong cuộc đời mình là chuỗi ngày thử thách kinh hoàng của người thầy Marpa. Cả tuổi trẻ của Milarepa, có thể nói, dành cho gạch đá và những chiếc tháp. Nhưng đừng cho điều đó là tầm thường, bất cứ trải nghiệm nào của cuộc đời đều là những bài học quý giá trên con đường đạo“.

  1. NĂM LẦN BẢY LƯỢT XÂY RỒI PHÁ THÁP

Đầu tiên, Marpa yêu cầu Milarepa xây một chiếc tháp tròn trên đỉnh núi phía Đông. Thế là cả ngày lẫn đêm, cả mưa lẫn nắng, Milarepa hì hục mang vác từng bao đất đá lên đỉnh núi, một mình xây đắp.

Thời gian thấm thoắt trôi qua. Khi chiếc tháp đã được xây dựng hơn phân nửa, Marpa đến xem chưa đầy năm phút, rồi thản nhiên bảo:

– Này Milarepa, ta đã chán hình cái tháp tròn này rồi. Hãy giật sập nó xuống và đem đất đá về chỗ cũ!

Mồ hôi chảy ròng ròng trên má, Milarepa không tin nổi lời thầy. Nhưng không một lời thắc mắc, Milarepa quỳ xuống lễ lạy và lập tức bắt tay vào phá tan chiếc tháp tròn trên đỉnh núi phía Đông, rồi lại hì hục mang đất đá trở lại chỗ cũ.

Sau khi phá xong chiếc tháp tròn, Marpa vẫn chẳng thèm quan tâm tới Milarepa. Phải mấy ngày sau, Marpa lại giả vờ uống rất nhiều bia, gọi Milarepa lên đỉnh núi phía Tây rồi lè nhè bảo:

– Này Milarepa, bây giờ ta lại thích cái tháp hình bán nguyệt kia. Hãy xây cho ta một chiếc giống hệt như vậy!

Milarepa lập tức quỳ lạy vâng lời. Lại nhiều mùa mưa nắng trôi qua, Milarepa kiên nhẫn mang vác từng bao gạch đất lên đỉnh núi, ngày đêm xây dựng một chiếc tháp hình bán nguyệt.

Oằn mình cõng nhiều đất đá, lưng Milarepa hình như đã còng hẳn đi. Những học trò khác của Marpa rất thương Milarepa, dù chỉ dám đứng nhìn từ xa, nhưng ngày nào cũng về kể lại cho Sư Phụ về tình hình sức khỏe và tinh thần của Milarepa, và tiến độ công trình. Marpa không bao giờ thể hiện bất kỳ cảm xúc nào, nhưng dõi theo từng nỗ lực của Milarepa, trong lòng Ngài vô cùng hoan hỷ.

Khi chiếc tháp được xây hơn nửa, Marpa trở lại xem đúng 5 phút, rồi lại phẩy tay quát lớn:

– Thật đúng là chẳng ra gì! Chiếc tháp này vẫn chưa đúng ý của ta. Hãy giật sập nó xuống và mang đất đá về chỗ cũ!

Không thể tin vào tai mình, Milarepa khóc nấc lên. Nhìn dáng vẻ bên ngoài Milarepa đã già đi rất nhiều tuổi. Lại lầm lũi phá chiếc tháp đi, mang từng bao đất đá xuống núi trở về chỗ cũ, trong lòng không một chút oán trách Marpa, Milarepa cắn môi cố hết sức làm theo lời thầy.

Nhiều tháng ngày lại trôi qua. Sau khi phá xong chiếc tháp hình bán nguyệt được dỡ xuống, Marpa lại gọi Milarepa lên đỉnh núi phía Bắc và nói: – Này Milarepa, hôm trước ta đã uống say nên nhìn nhầm. Thực ra ta không thích xây tháp bên phía Tây. Hãy xây lại một cái tháp khác thật kiên cố trên đỉnh núi phía Bắc cho ta.

Lần này, Milarepa rút kinh nghiệm thận trọng hỏi kỹ lại:

– Thưa Sư Phụ, giật sập cái tháp đã xây nửa chừng rất vất vả, và cũng tốn kém cho Người. Xin Sư Phụ hãy suy nghĩ cẩn thận trước ạ.

Marpa lại quát lên:

– Thật là hỗn láo! Ngươi lại còn muốn dạy bảo ta ư? Hôm nay ta chưa uống giọt bia nào đâu. Ta đã nghĩ kỹ rồi. Chiếc tháp này sẽ gọi là Tháp của Thiền giả Mật thừa. Nó phải là hình tam giác. Hãy xây dựng nó ngay đi. Nó sẽ không bị phá sập.

Milarepa bắt đầu xây cái tháp tam giác. Trong cái lạnh giá tê buốt, từng bao đất đá lại được vác lên đỉnh núi. Ngày cũng như đêm, Milarepa miệt mài xây tháp. Các vết thương bắt đầu xuất hiện trên lưng, trên vai, hai bàn tay và đôi chân ông càng thêm tê cứng. Nhìn các huynh đệ khác hàng ngày mang sách bút lên nhà chính để học pháp, lòng Milarepa cồn cào như lửa đốt. Vừa tủi thân, vừa đau đớn với những vết thương ngoài da, nhưng Milarepa chỉ biết khóc thầm, trách than những sai lầm mình đã mắc phải, mà hoàn toàn không một chút oán trách thầy mình.

Nhiều mùa tuyết lại trôi qua. Khi một phần ba tháp đã được hoàn thành, Marpa lại đến xem qua loa và quát mắng ầm ĩ:

– Này tên phù thủy kia, ngươi làm cái tháp này cho ai? Ai bảo ngươi xây tháp này?

Milarepa gần như ngất đi vì ngỡ ngàng:

– Thưa Sư Phụ, chính Người yêu cầu con xây chiếc tháp hình tam giác của Thiền giả Mật thừa này mà?

– Thật là nhảm nhí! Ta không hề nhớ là đã từng nói như vậy. Nếu ngươi nói đúng thì ta bị điên chắc! Có phải ngươi muốn bịa đặt rằng ta là kẻ mất trí phải không?

Milarepa nói như khóc:

– Sư Phụ ơi, chính con đã kính cẩn xin Người suy nghĩ cẩn thận. Người nói rằng hãy xây chiếc tháp này lên và nó sẽ không bị phá đi nữa…

Marpa vẫn gầm lên:

– Hỗn láo! Ai làm chứng cho ngươi? Có phải người âm thầm muốn xây cái tháp này lên, nhốt chúng ta vào đó và làm trò huyền thuật nhảm nhí phải không? Ta có cướp đoạt tài sản của cha mẹ ngươi không? Ngươi có chút thẩm mỹ nào không? Chỉ nhìn hình dáng của cái tháp này là đã đủ làm phật lòng các thổ địa ở đây! Hãy đập tan nó đi và mang đất đá trở lại chỗ cũ. Nếu còn muốn cầu đạo thì quay lại gặp ta, nếu không thì cút ngay cho khuất mắt ta!

Marpa giận dữ trút những lời lẽ nặng nề không thương xót lên Milarepa. Rất đau khổ nhưng vẫn khát khao cầu đạo, Milarepa một lần nữa hoàn toàn vâng phục lời thầy. Milarepa lầm lũi dỡ chiếc tháp xuống rồi mang những tảng đá của cái tháp tam giác về chỗ cũ.

Lại một thời gian nữa trôi qua. Mặc kệ Milarepa với những vết thương và nước mắt, Marpa vẫn không ngó ngàng gì. Khi chiếc tháp đã được dỡ xong, trong một lần đi dạo qua khu đất của một người họ hàng, Marpa lại gọi Milarepa và bảo:

– Này Milarepa, hôm nay ta lại có hứng xây tháp. Hãy xây cho ta một cái tháp vuông màu trắng cao chín tầng với một sân thượng, một tháp nhọn, tổng cộng là 10 tầng.

Để chắc ăn, lần này Milarepa xin Marpa cho Sư mẫu Dagmema làm chứng. Marpa đồng ý, và Milarepa lập tức bắt tay vào xây tháp.

Đầu tiên, Milarepa xây móng. Dù đã bao lần bị phá đi xây lại, Milarepa vẫn cẩn thận lắp từng miếng gạch, chăm chút từng ô đất. Tới lúc bắt đầu nền móng, một hôm tình cờ ba vị đệ tử của Marpa là Ngokton, Tshurtošn và Mertošn đi rong chơi ngang qua công trình. Milarepa rất ngạc nhiên, vì xưa nay tất cả huynh đệ đều bị Marpa cấm không cho ghé qua chỗ Milarepa xây tháp. Lần này, cả ba lại vui vẻ tới nói chuyện động viên Milarepa, và thậm chí còn lăn một hòn đá lớn xuống cho Milarepa làm móng. Dù rất ngạc nhiên, Milarepa vui vẻ cảm ơn và lắp viên đá lớn đó xuống nền tháp.

Khi Milarepa đã xây hết tầng thứ hai của chiếc tháp 10 tầng, thì Marpa xuất hiện. Lần này, ngài xem xét cẩn thận, săm soi từng góc cạnh của chiếc tháp, và đứng lại trước viên đá mà ba đệ tử đã lăn đến, quát lớn:

– Này tên đại phù thủy kia, tảng đá này đến từ đâu?

– Thưa Sư Phụ, tảng đá này do ba đệ tử của Người lăn xuống trong lúc vui chơi qua đây ạ – Milarepa đáp.

– Đồ lười biếng! Ngươi xây tháp hay thuê người xây tháp vậy! Ngươi không được nhờ vả những huynh đệ lớp trên một cách bừa bãi. Họ là những đệ tử đang thực hành pháp cao cấp của ta chứ đâu phải phụ hồ của ngươi? Hãy mang tảng đá này về chỗ cũ ngay lập tức!

Những lời lẽ nặng nề của Marpa như những tảng đá to lớn giáng xuống đầu. Cắn môi nén tiếng khóc, Milarepa lại lầm lũi phá toàn bộ hai tầng tháp đã xây xong, gỡ tảng đá lớn ra và hì hụi lăn về lại chỗ cũ trong nước mắt. Tảng đá quá to và nặng so với chút sức lực đã cạn kiệt, nhưng Milarepa vẫn gắng hết sức cho bằng ba vị đệ tử cộng lại. Thân thể đau buốt, hai bàn tay khô ráp, những vết thương trên lưng Milarepa ngày càng sưng phồng. Rồi Milarepa bắt đầu lại từ đầu với công trình.

Suốt thời gian ấy, thấy Marpa liên tiếp yêu cầu đệ tử của mình xây tháp từ đỉnh núi này tới đỉnh núi khác, họ hàng nhà Marpa bắt đầu xì xào với nhau:

– Này, kẻ tham lam Marpa lại đang cho xây một cái tháp trên núi Lời Thề Long Trọng đấy. Nhất định là có ý đồ lấn chiếm đất đai. Chúng ta phải cẩn thận, không thể mất đất về tay hắn được!

Rồi họ bàn tính với nhau, dồn sức lại tìm cách đến gây chiến. Khi Milarepa đã xây tới tầng thứ bảy, trong nhiều ngày liên tiếp, họ gọi người đến phá hoại. Nhưng thật kỳ diệu, ngay khi những người họ hàng tiến đến, thì từ đâu trong tháp bỗng xuất hiện hàng trăm chiến binh tinh nhuệ, xông ra bảo vệ tháp và Milarepa. Những chiến binh này thần diệu đến mức từ chỗ vô cùng sợ hãi, những người họ hàng của Marpa bỗng trở nên khâm phục vô cùng. Tất cả quỳ xuống thầm đảnh lễ và tôn kính Marpa. Đến lượt họ cũng xin nhận Marpa làm thầy.

Dần dần, chiếc tháp 10 tầng cũng được xây xong. Milarepa đến tìm Marpa, quỳ xuống xin được truyền pháp. Nhìn thấy Milarepa, Marpa lại quát:

– Tên đại phù thủy kia, ngươi có gì cúng dường cho ta? Ngươi mới xây một cái tháp thậm chí không bằng một cánh tay của ta. Nó xứng đáng gì so với những giáo pháp cao quý mà ta đã cất công mang từ Ấn Độ về đây? Nếu không có thứ gì giá trị của riêng người để cúng dường ta thì đừng có lởn vởn ở đây. Đừng làm vướng chân những đệ tử của ta đang được thọ pháp bí mật.

Marpa thẳng tay tát tai Milarepa 9 cái, nắm lấy tóc và quẳng Milarepa ra ngoài không thương tiếc

Nói rồi, Marpa thẳng tay tát tai Milarepa 9 cái, nắm lấy tóc và quẳng Milarepa ra ngoài không thương tiếc. Đã cạn kiệt sức lực và quá đau khổ, Milarepa khóc suốt đêm và ý muốn tự tử bắt đầu xuất hiện.

Nhìn thấy Milarepa oằn mình xây tháp hết lần này đến lần khác, mà chẳng có một xu dính túi để cúng dường lên Marpa để nhận được giáo pháp, lòng từ bi bao la của Dagmema liên tục thổn thức. Rất nhiều lần năn nỉ chồng truyền pháp cho Milarepa nhưng đều vô ích, Dagmema bắt đầu nảy sinh suy nghĩ tự mình giúp đỡ cho Milarepa. Một lần, bà bí mật đưa cho Milarepa một thau bơ, một xấp vải, và một nồi đồng nhỏ để dâng cúng cho Marpa. Nhưng ngay lập tức, Milarepa lại bị Marpa đánh đập chửi mắng thậm tệ và thẳng tay quẳng ra ngoài.

Hôm sau, Marpa lại ra lệnh:

– Tên phù thủy kia, không cần xây tháp nữa. Hãy xây cho ta một phòng thờ ở nền tháp và một lối đi có mái với mười hai cột trụ, làm xong ta sẽ ban cho người mật chú.

Milarepa lại gồng mình tiếp tục xây lối đi có mái, và mười tầng tháp. Tới lúc này, bàn chân Milarepa đã nứt toác, thân thể bầm nát như bị lột da vào tận xương, và những vết thương trên lưng đã ung đầy mủ và máu. Dagmema không thể kìm nổi lòng bi mẫn của mình, vừa khóc vừa kể lại cho Marpa.

Nhìn thấy thân thể đã kiệt quệ và đầy tàn thương của Milarepa, Marpa tới bên và nói bằng một giọng kiên quyết nhưng ấm áp:

– Này Milarepa, Đạo sư Naropa của ta đã chịu hai mươi bốn sự khổ hạnh, mười hai thử thách lớn và mười hai thử thách nhỏ, tất cả đều khó khăn hơn gấp nhiều lần những thử thách của con. Những gì con đang trải qua đâu có thấm gì. Nếu con thật lòng muốn tìm cầu giáo pháp, hãy khiêm tốn và tiếp tục làm việc.

Nói như vậy, rồi Marpa tiến tới cởi áo của mình làm thành một tấm đệm để che cho những vết thương của Milarepa.

– Tấm đệm này không thể chữa các vết thương cho con, nhưng sẽ ngăn bụi đất khỏi dính vào những vết thương của con.

Milarepa khóc nấc lên vì cảm động trước ân tình rất ít khi được bộc lộ của người thầy dữ dằn nóng tính. Lòng tràn ngập ban phước, Milarepa vâng lệnh tiếp tục làm việc. Những vết thương trên lưng ngày càng lở loét, Milarepa phải khuân những thùng đất trong một thùng chứa ở trước bụng. Nhìn Milarepa lê lết bê từng thùng đất, Marpa âm thầm chảy nước mắt. Trên khuôn mặt nghiêm nghị của Ngài không hề tỏ ra một biểu hiện yếu mềm, nhưng lại tràn đầy tình yêu thương mạnh mẽ. Marpa nghĩ thầm, “Milarepa con trai ta, sự tuân thủ mệnh lệnh từ Đạo sư của con thật là phi thường”.

  1. ÂN TÌNH CỦA SƯ MẪU DAGMEMA

Lại nói về Dagmema, vợ của Marpa. Bà là một phụ nữ vô cùng xinh đẹp và thông minh, có giọng nói trong veo như tiếng gió trên hồ sen, khuôn mặt tròn rạng rỡ như bầu trời quang mây, đôi mắt sáng lấp lánh như ánh trăng mùa thu, và một trái tim nhân hậu như mẹ hiền.

Nhưng Dagmema cũng là một phụ nữ vô cùng bướng bỉnh và cá tính. Dù rất hiểu người chồng nóng nảy của mình, không ít lần Dagmema lựa chọn làm theo ý mình, bất chấp những cơn giận dữ lôi đình của chồng. Chứng kiến cách Marpa đối xử với Milarepa, khả năng nhẫn nhịn của Dagmema với hành xử của chồng dường như đã chạm tới giới hạn.

Lúc này, những vết thương của Milarepa càng nặng hơn và bắt đầu nhiễm độc. Những ung nhọt ngày càng lở loét, mưng mủ sưng phồng, đau buốt đến tận xương tủy. Quá đau lòng, Dagmema xin chồng cho mình được chăm sóc Milarepa cho tới khi vết thương của Milarepa lành bớt. Thật bất ngờ, Dagmema được chồng bằng lòng.

Dagmema vui mừng bồi bổ cho Milarepa bằng thức ăn và đồ uống ngon nhất trong thời gian ấy. Được chăm sóc, Milarepa bình phục rất nhanh, nhưng vẫn rất buồn rầu vì chưa được học pháp. Khi những vết thương đã lành, Marpa lại lạnh lùng ra lệnh:

– Này tên Đại phù thủy, đã đến lúc ngươi trở lại công việc xây tháp rồi đó.

Thấy tình hình có vẻ sẽ không khá hơn, Dagmema thì thầm nói với Milarepa:

– Ta đã có một kế hoạch để con được học giáo pháp. Hãy làm theo lời ta.

Rồi bà bảo Milarepa chuẩn bị gói ghém hành lý vào một bao bột nhỏ như thể sắp sửa lên đường. Nhưng Marpa không hề rung động trước cảnh tượng đó, thậm chí còn đánh cho Milarepa một trận thật thậm tệ, rồi bỏ đi.

Không nản lòng, Dagmema quyết định tự mình ban cho Milarepa phương pháp thiền định Heo Nái Kim Cương (Vajravarahi). Mặc dù được truyền pháp theo cách này không đem lại chứng ngộ, nhưng rất lợi lạc và mở rộng tâm thức cho Milarepa. Milarepa nhất nhất làm theo lời Sư mẫu.

Cảm động trước ân tình của Dagmema, Milarepa nghĩ thầm, “Sư mẫu là vợ của Thầy, ngày đêm ở gần Thầy, chắc chắn là công phu rất cao cường không thua kém gì Thầy. Bà cũng sẽ có thể tịnh hóa tội lỗi cho mình”. Thế là từ đó, Milarepa quay sang hết lòng phụng sự Sư mẫu, khi thì giúp bà vắt sữa bò, khi thì cầm xô giúp bà múc nước, lúc lại cầm chảo giúp bà rang hạt. Ngược lại, Dagmema vẫn không ngừng nghĩ kế để giúp Milarepa học pháp.

Nhân một lần có vị đệ tử đến gặp Marpa xin trình pháp, Dagmema tranh thủ cơ hội này dúi cho Milarepa một viên ngọc bích màu xanh đậm tuyệt đẹp để cúng dường Sư Phụ. Vừa nhìn thấy viên ngọc, Marpa nổi trận lôi đình, quát mắng Milarepa thậm tệ và lại không thương tiếc đánh cho Milarepa một trận đau đớn tối tăm mặt mũi.

Tuyệt vọng vì không thể làm cách nào kiếm được những đồ cúng dường có giá trị, Milarepa nhiều lần muốn bỏ đi kiếm vàng để về dâng cho thầy. Dagmema thì vẫn không ngừng tìm cách giúp Milarepa học pháp. Cho đến một hôm, nhân dịp một đại lễ cúng dường ở tu viện, Dagmema đã chuốc rất nhiều bia cho chồng mình thật say, vào phòng lấy những hạt ngọc của Naropa và xâu chuỗi bằng hồng ngọc, rồi viết một lá thư giả, đóng dấu triện của Marpa, gói tất cả vào một tấm vải quý, niêm lại bằng sáp và đưa cho Milarepa:

– Hãy đi tìm Ngokpa, đại đệ tử của Sư phụ, cúng dường ông ấy những thứ này và xin được học pháp.

Sau chặng đường dài, tới nơi, nhìn thấy thư và vật làm tin của thầy Marpa, Ngokpa hoan hỷ đón nhận Milarepa và ban cho pháp nhập môn vào mạn-đà-la Hevajra. Nhưng tiếc thay, vì không được sự cho phép của Đạo sư, Milarepa thực hành pháp ngày đêm mà không có bất kỳ một thành tựu kết quả nào.

Biết Milarepa đang ở chỗ Ngokpa, Marpa khéo léo viết một lá thư gọi Ngokpa trở lại tu viện: “Này Ngokpa, chiếc tháp của ta sắp hoàn thành và cần thêm một vòm trang hoàng bằng gỗ. Con hãy mang cho thầy thật nhiều gỗ, và nhớ đem theo một kẻ ác hạnh vốn thuộc về ta”.

Nhận được lá thư của thầy, Ngokpa thông minh lập tức hiểu ngay rằng “kẻ ác hạnh vốn thuộc về ta” chính là Milarepa. Đoán rằng đã có chuyện, Ngokpa gọi Milarepa cùng hối hả trở lại đồn điền của Marpa.

Trở lại gặp Đạo sư, trái tim Milarepa như tan thành trăm mảnh. Marpa bước ra sảnh chính, tay lăm lăm một chiếc gậy to và dài. Khuôn mặt phừng phừng phẫn nộ, Marpa quát,

– Ngokpa, ai cho phép ngươi truyền pháp cho tên phù thủy xấu xa này?

– Thưa Sư Phụ, Ngokpa ấp úng đáp – Chính người viết thư bảo con làm lễ quán đảnh và chỉ dạy cho hắn. Người còn ban cho con những viên ngọc quý từ Tổ sư Naropa ạ.

Marpa nhìn Milarepa gầm lên:

– Tên phù thủy xấu xa, ngươi lấy đâu ra những thứ đó?

Milarepa run lên bần bật, trái tim như muốn nhảy vọt ra ngoài. Milarepa thú nhận rằng chính Sư mẫu là người đã đưa cho mình những thứ đó.

Marpa đứng phắt dậy, khuôn mặt đỏ bừng, giọng nói gầm lên như sư tử. Tiến về phía người vợ của mình trong thân hình mong manh đang run rẩy vì sợ hãi, ngài vung gậy lên cao. Gần như ngất đi vì sợ hãi, Dagmema kinh hoàng chạy vào trong điện thờ, trốn mình khóa cửa lại.

Tới lúc này, Milarepa đã hoàn toàn tuyệt vọng trong đau khổ. “Thân thể đầy ô nhiễm này không thể nhận được pháp mà chỉ tích tập thêm tội lỗi. Vì ác hạnh của ta mà cả Sư mẫu và Sư huynh phải bị phiền nhiễu. Ta sẽ tự tử cho rồi”. May thay Ngokpa ngăn Milarepa lại, cả Dagmema và Ngokpa cùng khóc hết nước mắt. Để giúp Milarepa học được pháp, tất cả đều biết rằng họ đã phạm phải những sai lầm không thể tha thứ.

Vô cùng hối tiếc, buồn rầu vì nghĩ mình không xứng đáng nhận Pháp dù đã gặp được một bậc thầy vĩ đại, mờ sáng hôm sau Milarepa khăn gói, không từ biệt một ai, lầm lũi đi ra khỏi đồn điền. Vừa đi Milarepa vừa tự nhủ rằng “Cuộc đời này mình đã gây quá nhiều tội lỗi, mình sẽ cầu nguyện để được gặp Thầy và nhận Pháp trong các đời sau”…

Vừa ra đến cửa đồn điền thì trời vừa rạng sáng, Milarepa kinh ngạc thấy Marpa ngồi lù lù ngay trước cửa chính. Ngài cất giọng hiền từ:

– Con không phải đi đâu hết, hãy vào gọi Dagmema và các học trò khác lại đây.

Vừa ra đến cửa đồn điền thì trời vừa rạng sáng, Milarepa kinh ngạc thấy Marpa ngồi lù lù ngay trước cửa chính

Milarepa không hiểu chuyện gì xảy ra nhưng vẫn nhất mực tuân lời thầy như một người học trò ngoan ngoãn. Sau khi Dagmema và mọi người tụ tập đông đủ, Marpa cất giọng nói:

– Thật ra trong toàn bộ câu chuyện vừa xảy ra, không có ai là người đáng trách. Tất cả những thử thách của ta là để giúp Milarepa tịnh hóa tội lỗi của mình, đó là việc làm vì đạo. Mặc dù lòng bi mẫn thái quá của Sư mẫu dẫn tới việc lừa dối bằng những bảo vật linh thiêng và lá thư giả mạo là hành động nghiêm trọng, Dagmema cũng đã làm điều mà nàng cho là đúng nhất. Ngokpa, vì không biết rằng Sư mẫu đã giả mạo ta gửi Milarepa đến với con, nên đã ban cho hắn quán đảnh và giáo huấn, ta làm sao trừng phạt con được. Còn Milarepa, trong con cháy rực ước muốn cầu đạo, nên con đã dùng bất cứ phương tiện nào để có được Pháp, đó cũng là điều đúng nhất trong hoàn cảnh đó.

Con trai ta, dù sự tức giận của ta có khởi lên như thác lũ, nó cũng không giống như sân hận thế gian. Cho dù chúng có xuất hiện, chúng cũng được sử dụng như các phương tiện thiện xảo, những hành động của ta luôn đến từ những cân nhắc thận trọng dưới ánh sáng của Pháp, và hướng về con đường giác ngộ. Dù chưa hiểu hết được các Pháp, các con chớ để niềm tin bị lay chuyển.

Nếu đứa con này của ta hoàn thành được chín đại thử thách, thì đã có thể giác ngộ thành Phật ngay trong đời này, mà không cần phải tái sinh vào cõi người thêm một lần nữa. Nhưng vì sự yếu đuối của Dagmema nên điều đó đã không xảy ra, vẫn còn một phần nhiễm ô dơ bẩn cần phải được tịnh hóa. Tuy nhiên, những đại tội ác nghiệp của nó đã được xóa sạch bởi tám đại khổ đau và rất nhiều chướng ngại nhỏ. Giờ đây, ta nhận con và sẽ cho con giáo pháp của ta, và ban cho con những giáo lý khẩu truyền của trái tim ta. Ta cũng sẽ ban cho con chỗ ở, lương thực và mọi nhu yếu phẩm cần thiết để con nhập thất và thiền định. Hãy vui lên!

Khi nghe Marpa nói những lời này, Milarepa như đi trong mơ, nước mắt lăn dài trên má vì sung sướng. Milarepa quỳ xuống đảnh lễ người thầy Marpa của mình.

  1. MARPA CHÍNH THỨC NHẬN MILAREPA LÀM HỌC TRÒ

Chiều hôm đó là một ngày hội lớn trong toàn khu đồn điền rộng mênh mông của Marpa. Marpa làm lễ nhập môn và truyền thọ giới giải thoát cho Milarepa. Marpa nói:

– Từ nay pháp danh của con là Mila Vajra Ngọn Cờ Chiến Thắng, đã được Đại đức Naropa phát lộ cho ta từ trước khi con đến đây.

Marpa truyền thọ giới Sa di và giới Bồ tát cho Milarepa. Ngài ban cho Milarepa nước quán đảnh bên trong một cái chén sọ người. Mọi người đều thấy rượu sủi bọt với ánh sáng ngũ sắc lung linh. Marpa cúng dường cho các vị Thầy của mình và các vị hộ Phật. Ngài uống một ngụm rồi trao cho Milarepa cái chén và Milarepa uống cạn.

– Đây là một điềm tốt lành – Marpa nói – Chỉ nếm một chút rượu cúng dường này tự nó đã cao hơn nhận lãnh quán đảnh trọn bộ của dòng phái khác. Sáng sớm mai, ta sẽ ban cho con Quán Đảnh Chuyển Hóa theo con đường Mật thừa.

Rồi một pháp đàn của Đức Phật Thắng Lạc Luân Kim Cương (Chakrasamvara) với sáu mươi hai bậc giác ngộ được dựng lên. Khi Marpa ban lễ quán đảnh cho Milarepa, trên bầu trời xuất hiện những biểu hiện kỳ diệu. Bổn Tôn Thắng Lạc Luân Kim Cương được bao quanh bởi các bậc giác ngộ từ hai mươi bốn cõi thiêng liêng, ba mươi hai thánh địa, và tám địa điểm trà tỳ. Marpa và những bậc thánh này đã ban cho Milarepa pháp danh quán đảnh Kim Cương Vinh Quang Hỷ Lạc (Pal Zhepa Dorje). Đưa cho Milarepa bản văn mật chú đầy đủ, Marpa chỉ cho Milarepa chi tiết những cách thức thực hành phù hợp với giáo huấn sâu xa. Rồi đặt hai tay lên đầu Milarepa, Marpa nói:

– Con của ta, ngay từ phút giây đầu tiên ta đã biết con là một đệ tử có khả năng nhận lãnh giáo pháp. Đêm hôm trước khi con đến đây, ta đã được báo mộng rằng con được tiền định để phụng sự Phật Pháp. Sư mẫu trong giấc mộng cũng đã thấy hai nữ hộ pháp giữ gìn một cái tháp, có nghĩa rằng những Dakini sẽ bảo vệ cho giáo pháp của dòng chúng ta.

Bổn tôn Thắng Lạc Luân Kim Cương Chakrasamvara.

Các vị Thầy của ta và Bổn Tôn thủ hộ đã gửi con đến làm đệ tử của ta. Ta giả trang làm người cày ruộng để gặp gỡ con. Con đã uống hết số bia ta đưa cho con. Bia này và công việc hoàn tất chỉ ra rằng trong việc thâm nhập vào lòng Phật Pháp, con sẽ nắm được toàn bộ giáo lý. Cái nồi đồng có bốn tay cầm con dâng cho ta cho thấy bốn đại đệ tử của ta lần lượt đến. Mặt nồi không tì vết nghĩa là tâm thức con sẽ thoát khỏi tì vết và trong thân thể con, con sẽ có quyền lực đối với cái lạc của lửa Tummo. Cái nồi trống không tượng trưng cho sự thiếu thốn lương thực trong thời gian con thiền định lâu dài ở chốn hoang vu. Nhưng để gieo trồng những hạt giống cho tuổi thọ của con, cho sự tốt đẹp của nhiều đệ tử của con, và cho việc con sẽ làm tràn đầy những đệ tử của con với vị ngọt ngào của Pháp, ta đã ban phước đổ đầy cái nồi với bơ từ những ngọn đèn thờ. Ta lắc nó nghĩa là sự danh tiếng trong tương lai của con. Để tịnh hóa con khỏi bóng tối của ác hạnh, ta đã chồng chất lên con không ngừng những thử thách kinh khủng là xây dựng tháp. Bốn cái tháp tượng trưng cho bốn hoạt động: làm bình an, làm tăng trưởng, thần lực và hàng phục.

Mỗi khi ta thô bạo đuổi con khỏi hàng ngũ đệ tử và làm con chìm đắm trong đau buồn, con đã không có những tư tưởng xấu về ta. Điều này nghĩa là những đệ tử của con sẽ có tất cả sự nhiệt tâm, kiên trì, trí huệ và đại bi cần thiết. Họ sẽ bền bỉ thiền định trong núi non qua kỷ luật khổ hạnh và nghị lực mà không tham muốn sự sung túc của thế gian. Sau rốt, qua kinh nghiệm bên trong, nghị lực tâm linh, trí huệ và đại bi, tất cả họ sẽ thành những đạo sư hoàn thiện. Sự truyền thừa của giáo pháp này sẽ càng ngày càng sáng tỏ như mặt trăng càng đến ngày rằm. Thế nên hãy vui mừng!

Ở dưới đại chúng có tiếng hò reo. Ai cũng vui mừng vì Milarepa sau bao thử thách đã được Marpa nhận làm học trò chính thức. Câu chuyện Marpa thử thách đệ tử Milarepa đã trở thành truyền thuyết muôn đời, và là tấm gương cảm hứng nhất về trí tuệ và sự thiện xảo của người thầy trong việc giúp học trò giải trừ nghiệp chướng, và cũng là tấm gương về sự nhất lòng vâng phục của người trò khi đi theo chân một vị thầy tâm linh.

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 27: Milarepa – Người kế thừa xuất sắc dòng truyền thừa Kagyu của Marpa

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.