Zangthalpa – Phần 32: Bộ Quần Áo Của Nhà Vua

Trong số những khán giả hàng đêm lắng nghe các câu chuyện của Zangthalpa có không ít những thanh niên, trẻ trung, nhiệt huyết, tràn đầy lý tưởng và mong ước thành tựu lớn lao trong đời.

Hôm ấy trong đại chúng có một chàng thanh niên tên là Hải Nam, diện mạo thông minh, cử chỉ nhanh nhẹn, thần thái sáng ngời, trông có vẻ ngập tràn năng lượng và hoài bão. Chàng tới hỏi Zangthalpa,

– Thưa thầy Zangthalpa, con muốn làm được những việc lớn lao cho thế giới này, làm lãnh đạo, giữ những vị trí cao, giàu có và thành công, thay đổi được xã hội. Làm thế nào để trở thành một người đặc biệt? Làm thế nào để có được sự kính trọng và tôn vinh của mọi người?

Zangthalpa cười lớn,

– Này chàng trai trẻ, trở thành người đặc biệt ư, để ta kể cho con nghe câu chuyện này, về một vị vua muốn trở thành đặc biệt…

BỘ QUẦN ÁO CỦA NHÀ VUA

Truyện kể rằng thời xa xưa có một vị quốc vương tên là Hồng Phong, rất thích thời trang. Vua Hồng Phong có đầy đủ quyền lực và của cải trên đời. Tuy giàu có và uy lực đến vậy, nhà vua vẫn ngày đêm nằm vắt tay lên trán suy nghĩ, “Không biết mình có thể sở hữu cái gì đặc biệt hơn tất cả thiên hạ bây giờ đây?”

Cho tới ngày nọ, nhà vua chợt nảy ra một suy nghĩ: “Phải rồi! Ta là một hoàng đế vĩ đại, đẹp trai và phải là đệ nhất thời trang! Ta nhất định cần có một bộ quần áo mà bất kỳ ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ khen ngợi!”

Ngay lập tức, vua Hồng Phong ra lệnh cho toàn bộ thợ may trong cả nước rằng người nào may được cho nhà vua một bộ quần áo mà bất kỳ ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ thì vua sẽ ban cho một phần thưởng hậu hĩnh, đó là gả công chúa xinh đẹp và trong trắng Diệu Quyết cho.

Dù phần thưởng là được cưới công chúa vô cùng xinh đẹp lại còn zin, nhưng rất tiếc, thợ may trong nước phần lớn đều là phụ nữ, nên không ai tha thiết với thách đố của vua Hồng Phong. Phần khác, thách thức của vua quá khó khăn, không ai dám thử sức mình. Một năm thấm thoắt trôi qua, chẳng có thợ may nào tìm đến hoàng cung cả.

Vua Hồng Phong tiếp tục trở nên giàu có và oai hùng, nhưng vẻ đẹp trai và thẩm mỹ thời trang của ngài thì vẫn chưa được công nhận, nên ngày càng sốt ruột và giận dữ. “Chả lẽ ta lại kém cỏi thế này sao? Cả vương quốc rộng lớn thế này mà không có nổi một thợ may đẳng cấp?” Vua Hồng Phong lập tức ban sắc lệnh thứ hai, rằng nếu trong vòng một năm không ai mang đến cho vua bộ quần áo thời trang thì sẽ chém đầu tất cả thợ may trong nước.

Sắc lệnh mới làm các thợ may vô cùng sợ hãi. Dù rất mê công chúa xinh đẹp Diệu Quyết, nhưng may được bộ quần áo mà ai cũng trầm trồ quả thực vượt quá tài năng của anh em thợ may trong nước.

Thời gian một năm gần hết, vẫn chưa có ai dám đến hoàng cung. Vào lúc nước sôi lửa bỏng, Hội trưởng Hiệp Hội Thợ May lúc bấy giờ là Hồng Đạt – một người đàn ông cực kỳ hấp dẫn được 99% các nữ thợ may thầm thương trộm nhớ (trừ những cô nàng hơi “cong” ra) – triệu tập một cuộc họp toàn thể thợ may trong kinh thành. Cuộc họp diễn ra vô cùng căng thẳng, kéo dài nhiều giờ, nhưng vẫn bế tắc, không có lối thoát. Không còn cách nào khác, vào phút túng quẫn cuối cùng, hội trưởng Hồng Đạt liều mạng tuyên bố: Nếu ai hoàn thành được sắc lệnh của nhà vua, thì Hồng Đạt sẽ hiến thân mình cho người đó!

Tuyên bố của hội trưởng Hồng Đạt vừa ban ra, lập tức trong hội thợ may có một cô gái tên là Ngọc Tuyết, đứng phắt dậy, xung phong nhận may áo cho nhà vua. Tất cả mọi người đều vô cùng sửng sốt, vì Ngọc Tuyết vốn là cô gái rất nhút nhát, chưa nếm mùi đời. Vậy mà ngay khi hội trưởng Hồng Đạt ban giải hiến thân thì cô lại nhiệt tình đến vậy. Trước ánh mắt ngạc nhiên của mọi người, Ngọc Tuyết chỉ mỉm cười ý nhị, không nói gì thêm. Dường như không thể chờ đợi thêm một giờ, cô gói ghém hành lý vội vã lên kinh thành.

Vừa lúc vua Hồng Phong đang chuẩn bị ký lệnh chém toàn bộ thợ may trong nước, thì có tiếng ngân 3 hồi chuông. Ngọc Tuyết tiến vào đại điện. Quỳ xuống trước mặt vua, Ngọc Tuyết trình diện nhà vua bằng một thái độ tự tin đến quyết liệt:

– Thưa bệ hạ, thần sẽ may cho bệ hạ một bộ quần áo đẹp nhất trần gian, khiến ai cũng phải trầm trồ khen ngợi. Tuy nhiên, bộ quần áo này đòi hỏi rất nhiều nguyên liệu quý hiếm, xin bệ hạ hãy tập trung toàn bộ kim cương, hồng ngọc, vàng bạc châu báu trong cung điện để thần chế tác.

Nghe nói vậy, vua Hồng Phong sướng lắm. Một bộ quần áo thời trang đẳng cấp đương nhiên cần phải được dát bằng vàng bạc châu báu quý nhất trong vương quốc. Vua cũng không thiếu tiền, nên lập tức tập trung các nguyên liệu lại giao cho thợ may Ngọc Tuyết. Chưa hết, Ngọc Tuyết lại tiếp tục xin vua:

– Thưa bệ hạ, để may được bộ quần áo này cần rất nhiều năng lượng và công phu. Thần cần một tòa nhà 3 tầng lầu, xung quanh có rất nhiều mỹ nam canh giữ. Đặc biệt là để có năng lượng và cảm hứng chế tác, các mỹ nam phải thoát y thì thần mới sáng tạo được.

Vua Hồng Phong nghe nói vậy thấy vô cùng hợp tình hợp lý, bộ quần áo đẹp đương nhiên phải được sáng tác từ cảm hứng của những nam nhân đẹp nhất. Ban đầu, vua định đích thân đứng canh cửa cho Ngọc Tuyết chế tác, vì vua nghĩ rằng thiên hạ đâu có ai đẹp trai bằng mình. Nhưng Ngọc Tuyết nói rằng việc chế tác cần nhiều thời gian, tốt nhất nhà vua nên nghỉ ngơi, ngậm nhân sâm, tăng cường bổ thận tráng dương, giữ gìn sức khỏe và nhan sắc đợi đến ngày khoác lên mình bộ xiêm y thần thánh này để làm tan chảy trái tim của mọi người trong thiên hạ. Vua Hồng Phong nghe quá hợp lý, lập tức vui vẻ cử 4 mỹ nam đẹp nhất kinh thành lúc bấy giờ là Minh Phong, Minh Tùng, Ngọc Thành và Đức Minh, đứng canh 4 cửa Đông Tây Nam Bắc cho thợ may Ngọc Tuyết thỏa lòng chế tác.

Sau khi được vua Hồng Phong ban cho nhà lầu và 4 mỹ nam, Ngọc Tuyết loay hoay từ sáng đến tối, từ hôm này đến hôm kia, chế chế tác tác. Vèo cái một tháng đã trôi qua mà công trình vẫn chưa xong. Vua Hồng Phong sốt ruột lắm, bèn sai tì nữ thân cận nhất của mình là Minh Nhi đi kiểm tra xem Ngọc Tuyết làm gì mà lâu thế. Vâng lệnh vua, tì nữ Minh Nhi lên đường.

Điều kỳ quái là tì nữ Minh Nhi đi thám thính năm lần bảy lượt mà không vào nổi bên trong. Vì sao vậy? Đi sang cửa đông thì gặp mỹ nam Minh Phong, Minh Nhi đứng chết trân ngắm một lúc, nước dãi tuôn chảy đầm đìa nhưng Minh Phong đang bận canh cửa nên không thể làm gì được. Đắng lòng vòng sang cửa Tây gặp mỹ nam Ngọc Thành, Minh Nhi lại nhỏ dãi, vẫn không làm ăn được gì. Chân tay run rẩy lập cập sang cửa Nam, gặp phải Minh Tùng, Minh Nhi ngất lên ngất xuống, nhưng Minh Tùng cũng đang bận ngồi canh, làm gì được đây! Minh Nhi ngậm ngùi nuốt nước dãi vòng sang cửa Bắc, gặp Đức Minh, lần này dãi chảy thành hai hàng, nhưng vẫn không làm được gì hết. Trở về gặp vua, Minh Nhi không thể nói thật rằng “Em chảy nước dãi nhiều quá nên không được việc” đành nức nở tấm tắc xuýt xoa: “Ôi thưa bệ hạ, nghệ nhân Ngọc Tuyết quả là đang làm điều vô cùng kỳ diệu! Có rất nhiều âm thanh, tiếng động, và ánh sáng kỳ lạ. Chắc chắn là một tuyệt tác đang được hoàn thành!”

Vua Hồng Phong hài lòng lắm cho Ngọc Tuyết thêm một tháng nữa để chế tác. Một tháng nữa trôi qua, bộ quần áo thời trang của vua vẫn chưa thấy mặt mũi đâu. Lần này, vua Hồng Phong sai tì nữ số hai là Ngọc Minh – đặc điểm không mê trai – chắc mẩm rằng sẽ nhất định khám phá được nội tình bên trong căn nhà 3 lầu nơi Ngọc Tuyết đang hành sự.

Lần này, tì nữ Ngọc Minh hùng dũng tiến thẳng đến dinh thự 3 lầu. Tới cửa nam gặp ngay mỹ nam Minh Tùng, dù Minh Tùng đã nháy mắt lia lịa nhưng Ngọc Minh không mảy may rung động, đưa tay cầm vào chỗ hiểm, lôi xềnh xệch Minh Tùng sang một bên. Vừa đau… tim, vừa đau lòng, Minh Tùng cảm thấy danh dự của mình bị xúc phạm và sỉ nhục trầm trọng! “Mình đẹp trai khoai to thế này, vậy mà nó không thèm liếc chỗ ấy của mình lấy một cái”. Tổn thương nặng nề, Minh Tùng đứng đấy khóc ròng. Còn Ngọc Minh thì không mảy may rung động, xồng xộc xông thẳng vào trong, nhằm phát hiện và làm rõ xem Ngọc Tuyết đang làm trò gì. Nào ngờ, lúc ấy Ngọc Tuyết đang đứng trên lầu 3 cầm ống nhòm ngắm hội trưởng Hiệp hội Thợ may là Hồng Đạt đang tắm. Hóa ra, Ngọc Tuyết lâu nay xin vua Hồng Phong cho nhà 3 lầu, phải nói rằng nhà 3 lầu lúc đấy rất hiếm, thực chất chỉ là để có thể đứng trên cao soi ống nhòm ngắm Hồng Đạt mà thôi.

May thay, Ngọc Tuyết vừa phát hiện có tiếng chân bước vào, quay lại thấy Ngọc Minh, lập tức nhanh trí chép miệng than thở:

– Trời, ta đã dùng cái ống nhòm này soi vào từng ngõ ngách của vương quốc này cố tìm ra được viên ngọc cuối cùng để đính vào bộ quần áo cho nhà vua. Nhà ngươi hãy về xin vua tìm cho ta một viên ngọc có khả năng phát sáng trong đêm tên là Dạ Minh Châu, thì bộ quần áo này sẽ được hoàn thiện.

Ngọc Minh về thuật lại cho vua Hồng Phong. Vua nghe vậy lập tức ban lệnh phải tìm cho được viên ngọc Dạ Minh Châu ấy, nếu không sẽ chém đầu tất cả thợ kim hoàn trong cả nước.

Nhận được chiếu chỉ, hội trưởng hội Kim Hoàn – Đá Quý lúc bấy giờ là Minh Trang, đã cực kỳ xinh đẹp lại còn thông minh, rút kinh nghiệm từ hội thợ may, biết được thảm cảnh phía trước nếu mình không nhanh tay hành động, bèn bắt chước tuyên bố: “Ai tìm được viên ngọc Dạ Minh Châu, Minh Trang xin hiến tặng tấm thân này”.

Tin ấy nhanh chóng đồn xa. Một trong 4 mỹ nam hiện đang canh gác cho Ngọc Tuyết lúc ấy là Minh Phong, vốn là con trai trưởng của một gia đình làm đá gia truyền nhiều năm, lại đã phải lòng Minh Trang từ lâu, nhưng duyên chưa đến nên vẫn ngày ngày phải loay hoay trông cửa cho cô khác. Nghe tin này, Minh Phong lập tức kiếm một đàn em đẹp trai gần bằng mình, đứng thế thân canh gác cho Ngọc Tuyết, còn mình lao như bay về tìm bố hỏi xem có thể tìm đâu viên ngọc Dạ Minh Châu. Bố Minh Phong nghe xong phẩy tay, “Trời, việc đó có khó gì đâu, trong nhà mình có một viên Dạ Minh Châu gia truyền, bố chỉ mong con sớm có người nâng niu hòn ngọc quý của cả gia tộc, hãy cầm đi!” Nói rồi ông hoan hỷ đưa Minh Phong viên ngọc quý mang đi cho Minh Trang. Chẳng đợi thêm được một phút, Minh Phong hớn hở đem Dạ Minh Châu vào thành cống cho Minh Trang. Minh Trang lại mang Dạ Minh Châu vào cho vua Hồng Phong, và đến lượt vua lập tức sai quân lính mang Dạ Minh Châu cho Ngọc Tuyết. Chưa hết, thấy Minh Trang được việc, vua Hồng Phong quyết định giữ Minh Trang ở lại kinh thành làm quan chuyên trông coi đá quý, không cho ra khỏi hoàng cung. Vậy là Minh Phong mất cả chì lẫn chài. Ngộ ra rằng bản chất cuộc đời này là bất toại nguyện, Minh Phong quyết định xuống tóc đi tu. Truyền thuyết kể rằng về sau, Minh Phong trở thành một bậc đại giác ngộ.

Khi đã có viên ngọc quý, Ngọc Tuyết hẹn vua Hồng Phong hôm sau đến thử áo. Chờ đợi bao năm mới tới ngày này, vua Hồng Phong dẫn theo một đoàn quần thần đến trước căn lầu của Ngọc Tuyết từ tinh mơ tờ mờ sáng. Ngọc Tuyết bước ra, nói với vua Hồng Phong:

– Xin bệ hạ hãy cởi hết xiêm y ra để thần mặc bộ quần áo kỳ diệu này lên cho người.

Vua Hồng Phong thay hết quần áo, cởi trần truồng. Ngọc Tuyết mở chiếc rương to bên cạnh:

– Xin bệ hạ nhìn xem, bộ quần áo này mới kỳ diệu làm sao! Bao nhiêu ngọc quý của quốc gia, cùng với viên Dạ Minh Châu sáng lấp lánh ở giữa, bệ hạ có thấy không?

Vua Hồng Phong nhìn chằm chằm vào cái rương rỗng không, sửng sốt nhìn Ngọc Tuyết:

– Này Ngọc Tuyết, sao ta không nhìn thấy quần áo gì cả?

Lúc bấy giờ Ngọc Tuyết mới thốt lên:

– Ôi thần quên mất. Có một chi tiết cực kỳ quan trọng về bộ quần áo kỳ diệu này cần được tâu với bệ hạ. Bộ quần áo này được chế tạo từ những nguyên liệu quý hiếm, chắc chắn ai cũng phải trầm trồ, nhưng nó chỉ có một nhược điểm nhỏ, nhỏ tí xíu thôi, đó là những người không có lòng tốt thì sẽ không thể nhìn thấy nó.

Vua Hồng Phong đứng lặng thinh hồi lâu. Vua đã mất bao nhiêu năm chờ đợi, cùng toàn bộ của cải của triều đình, chỉ để có được bộ quần áo kỳ diệu này. Giờ đây, không thể nói rằng vua không đủ lòng tốt để chiêm ngưỡng được nó. Vua Hồng Phong nuốt một ngụm nước bọt rồi cũng đành phải nói: “Ôi đẹp quá, đẹp quá!”

Ngọc Tuyết bắt đầu mặc đồ cho vua: “Xin bệ hạ hãy để thần mặc bồ đồ này lên thân thể ngọc ngà của bệ hạ”. Rồi cô dịu dàng, nhẹ nhàng, từ tốn, lần những ngón tay thon dài, ấm áp lên thân thể vua, từ trên xuống dưới như thể đang cài cúc, buộc dây, khoác lên người vua một bộ xiêm y cực kỳ quý giá. Lâu lâu Ngọc Tuyết lại thốt lên, “Xin bệ hạ dạng chân ra,” thế là vua dạng chân ra. Rồi cô lại xuýt xoa, “Không phải dạng vừa đâu, xin bệ hạ dạng rộng ra,” thế là vua lại dạng rộng ra. Cứ thế, cứ thế, Ngọc Tuyết vừa nâng niu thân thể vua, đôi mắt tròn xoe sáng lấp lánh, liên tục xuýt xoa, “Ôi thưa bệ hạ, đây là ngọc phỉ thúy nhé, đây ngọc Dạ Minh Châu nhé, trước ngực là Kim Cương nhé, sau lưng là Hồng Ngọc nhé. Ôi thần chịu không nổi nữa bệ hạ ơi, quả thật là một tuyệt tác…”

Ngọc Tuyết bắt đầu mặc đồ cho vua: “Xin bệ hạ hãy để thần mặc bồ đồ này lên thân thể ngọc ngà của bệ hạ.” Rồi cô dịu dàng, nhẹ nhàng, từ tốn, lần những ngón tay thon dài, ấm áp lên thân thể vua, từ trên xuống dưới như thể đang cài cúc, buộc dây, khoác lên người vua một bộ xiêm y cực kỳ quý giá

Ban đầu, vua Hồng Phong cực kỳ sửng sốt. Vua hết nhìn chằm chằm vào cái thân thể trần như nhộng của mình, rồi lại nhìn vào khuôn mặt rạng ngời của Ngọc Tuyết như đang được chiêm ngưỡng một tuyệt tác. Bộ xiêm y trong suốt tới mức như thể xưa nay nó chưa từng tồn tại. Nhưng nhìn ánh mắt long lanh và khuôn mặt run lên vì hạnh phúc của Ngọc Tuyết, đôi bàn tay vừa mềm vừa ấm mơn man trên cơ thể mình, giọng nói thì thầm và hơi thở hổn hển, chính vua Hồng Phong cũng bắt đầu tin chắc rằng nàng đang khoác lên mình bộ quần áo đẹp nhất chưa từng có. Thân thể vua trở nên rắn chắc, mạnh mẽ, tự tin, tinh thần vua hừng hực năng lượng, và tâm thế vua càng lúc càng oai phong tự hào! Cứ thế, Ngọc Tuyết và vua Hồng Phong loay hoay cả tiếng đồng hồ để mặc bộ đồ thần thánh lên người vua, cả hai đều cảm thấy trong lòng vô cùng hoan hỷ.

Sau một tiếng, vua Hồng Phong lẫm liệt bước ra sảnh chính, mặt ngẩng cao tự tin, oai phong lẫm liệt. Nhìn các quan quần thần há hốc miệng, “ố…ồ…ôi….”, vua càng tự hào không kể xiết. Ngọc Tuyết nói với các quan:

– Đây là bộ quần áo mà chỉ người tốt mới nhìn thấy. Các ngươi có thấy bệ hạ oai hùng rực rỡ trong bộ đồ này không? Ở ngay đây có viên Dạ Minh Châu, các ngươi thấy viên ngọc của Hoàng Thượng có to không?

Thế là các quan đua nhau vỗ tay rần rần, trầm trồ khen ngợi, “Trời ơi, đẹp quá, viên ngọc to quá, thật không thể nghĩ bàn, bệ hạ vạn tuế, vạn vạn tuế!” Có người còn làm cả bài thơ để ca tụng bộ quần áo.

Vua Hồng Phong sướng lắm và bắt đầu đi khắp kinh thành để khoe bộ quần áo mới. Đi đến đâu cũng nhận được những khuôn mặt sửng sốt, trầm trồ, có người không thể ngậm miệng lại được. Không ai muốn làm người xấu, vừa xấu hổ, vừa mất danh dự, lại bị chém đầu nếu không khen ngợi vua. Thế nên vua Hồng Phong ngày nào cũng dành 12 tiếng dạo quanh kinh thành. Đến đâu mọi người cũng vỗ tay rầm rầm rồi thốt lên những lời đẹp đẽ: “Ôi, đẹp chưa kìa? Dạ Minh Châu đẹp chưa kìa! Kim cương sáng chưa kìa!”

Vua Hồng Phong sung sướng tuần hành khắp nơi. Sau một tháng đầu tiên đi quanh kinh thành, vua chợt nghĩ, “Bộ quần áo đẹp thế này mà chỉ kinh thành này biết thì không được, mình phải đi sang các tỉnh”. Thế là vua đi khắp các tỉnh, tới đâu thần dân các tỉnh cũng trầm trồ. Chưa thỏa mãn, vua lại nghĩ, “Không được, mình phải ra biên giới cho các nước láng giềng nhìn thấy”.

Thế là vua Hồng Phong đi ra biên giới. Các quần thần của vua biết láng giềng chẳng có lý do gì để trầm trồ cả, nên hết sức can ngăn. “Thưa bệ hạ, ở biên giới rất là nhiều người xấu, nếu mà họ thấy bộ quần áo đẹp quá họ sẽ cướp”. Mặc dù vậy, vua Hồng Phong vẫn khăng khăng đi tới những làng sát biên giới để khoe bộ áo mới. Các quan quần thần bèn tìm mọi cách đi “lobby” người dân ở từng làng, từng làng. Cho tới một hôm, vua Hồng Phong tới một ngôi làng ở biên địa. Các quần thần đã lobby hết người dân ở đây, ngoại trừ một chú bé cá tính có tên gọi là Nadhi, rất mê đồ chơi bằng gỗ. Quần thần của vua hỏi Nadhi, “Cháu thích gì chúng ta sẽ cho cháu, miễn là khi vua đi qua cháu phải khen ngợi bộ quần áo của ông ấy!” Nadhi trả lời, “Cháu thích Lego cảnh sát Super Man!” (đây là những thứ Nadhi đã thấy trong một giấc mơ và rất thích, dù không hiểu ngoài đời đó là thứ gì nhưng chú cứ nói với hi vọng sẽ có được thứ mình muốn). Rất tiếc là thời đó chẳng ai biết Lego là cái quái cả. Thế là đám quần thần của vua cũng về tìm một tấm bảng rồi viết chữ: “Lego cảnh sát Super Man” lên đấy. Khi đưa cho Nadhi, Nadhi rất là bực tức: “Không, đây không phải Lego!” Vừa lúc ấy thì vua Hồng Phong đi qua ngôi làng nơi Nadhi ở. Toàn bộ người dân ngôi làng đều trầm trồ vỗ tay vì đã được lobby hết, chỉ ngoại trừ Nadhi. Chú đang ngồi chơi đồ chơi, ngước mắt lên nhìn thì thấy quả chuối của nhà vua, chú cười khanh khách reo lên: “Ôi, chuối kìa, chuối kìa, buồn cười quá! Ôi, nhà vua cởi truồng!”

Nghe Nadhi reo ầm như vậy, đầu tiên mọi người còn cố nhịn, nhưng sau đó không thể nhịn nổi nữa, Nadhi thì tiếp tục nhất quyết: “Ôi nhà vua cởi truồng! Ôi nhà vua cởi truồng kìa!” Cho tới khi tất cả đều chịu không nổi, một tiếng cười, hai tiếng cười… rồi cả làng cùng cười phá lên và không nhịn được nữa.

Toàn bộ người dân ngôi làng đều trầm trồ vỗ tay vì đã được lobby hết, chỉ ngoại trừ Nadhi. Chú đang ngồi chơi đồ chơi, ngước mắt lên nhìn thì thấy quả chuối của nhà vua, chú cười khanh khách reo lên: “Ôi, chuối kìa, chuối kìa, buồn cười quá! Ôi, nhà vua cởi truồng!”

Vua Hồng Phong nghĩ thầm trong lòng: “Đúng là cái làng này toàn bọn người xấu. Thôi, ta là người từ bi, ta sẽ không thèm giết cả làng, nhất là với bọn người xấu này không đáng chiêm ngưỡng quần áo của ta”.

Thế là vua Hồng Phong tiếp tục vi hành qua rất nhiều ngôi làng khác. Và trong sử sách vẫn ghi lại câu truyện nhà vua có bộ quần áo đẹp tuyệt vời mà tất cả thần dân trong vương quốc đều là những người tốt và đều nhìn thấy, ngoại trừ ngôi làng của chú bé Nadhi. Sử sách cũng ghi lại rằng có điều khó hiểu là người dân trong nước và cả ngoại biên mặc dù vẫn vẫy tay đón mừng nhà vua nhưng lại khúc khích cười và nhìn nhau đầy ẩn ý.

Về phần đệ nhất nghệ nhân Ngọc Tuyết, sau khi có được đám châu báu thì không dám ở lại vương quốc vì sợ nhà vua nghi ngờ, bèn rủ Hồng Đạt trốn sang một nước láng giềng, dự là sẽ vui hưởng phần đời còn lại bên nhau trong giàu sang nhung lụa. Họ là một cặp mà ai ai cũng ghen tị. Ngọc Tuyết thì xinh đẹp trong trắng, Hồng Đạt thì rạng ngời, tính yêu của Ngọc Tuyết thì thiết tha, của cải tiền bạc thì chất cao như núi. Nhưng Hồng Đạt theo Ngọc Tuyết cũng chỉ vì nghĩa vụ mà không có tình yêu, nên chẳng bao lâu chàng thấy cuộc sống hào nhoáng bề ngoài này quả là vô nghĩa. Chàng quyết tâm tu hành. Ngọc Tuyết cũng theo chân người yêu. Rồi nàng nhận ra tình yêu thế gian cũng chỉ là hạnh phúc tạm bợ, chỉ khi hiểu sự thật mới có được đại lạc vững bền. Tương truyền Hồng Đạt và Ngọc Tuyết trở thành hai bậc đại giác ngộ, sử dụng toàn bộ tài sản của mình để giúp đỡ mọi người, không kể từ quốc gia nào, thoát khỏi khổ đau.

Câu chuyện tiếp tục lưu truyền cho tới ngày nay.

Câu chuyện của Zangthalpa kết thúc. Phía dưới đại chúng nhiều tiếng cười giòn tan vang lên. Phía góc phòng, mấy cô gái mới lớn không giấu nổi niềm thích thú, che miệng cười khúc khích. Đến cả các chị U60 nghe câu chuyện này cũng nhìn nhau tủm tỉm cười. Hải Nam – cậu thanh niên có câu hỏi lúc ban đầu cũng cười to sảng khoái. Dường như cậu đã hiểu ra điều gì đó mà Zangthalpa nhắn nhủ từ câu chuyện.

Zangthalpa nhìn cậu thanh niên và đại chúng, cười rất tươi, và nói bằng giọng ấm áp:

“Này chàng trai, con có muốn được tôn vinh như vị vua trong câu chuyện này không?”

“Không thưa thầy” – Hải Nam đáp – “Ông vua từ đầu đến cuối bị lừa, bị dắt mũi mà vẫn cứ nghĩ mình oách lắm!”

“Đúng! Nếu các con theo đuổi hư danh thì sẽ mãi mãi bị lừa. Danh tiếng, địa vị, thành công, quyền lực, … tất cả chỉ là ảo giác do tâm trí con tạo ra. Càng muốn được coi trọng sẽ càng bị coi thường, càng khao khát thành công sẽ càng nếm mùi thất bại, càng đam mê quyền lực sẽ càng thấy bất lực. Khi theo đuổi những thứ bên ngoài, thì con sẽ luôn cảm thấy thiếu thốn. Và càng tập trung vào thứ mình thiếu thì sẽ chỉ làm sự thiếu thốn hiện hữu rõ ràng và trầm trọng hơn thôi. Như nhà vua Hồng Phong, mãi kiếm tìm sự tôn trọng của mọi người thì rốt cục lại bị coi thường, trở thành trò cười cho thiên hạ. Người thông minh sẽ quay vào bên trong. Khi con thấy đầy đủ bên trong, hoàn toàn hài lòng với những gì mình có thì những thứ giả tạm bề ngoài kia đến và đi không còn quan trọng nữa.

Qua truyện này, con cũng thấy một lời nói dối nếu được lặp lại nhiều lần thì sẽ trở thành “sự thật”, được chấp nhận, bảo vệ, tin chắc, đưa vào sử sách, thậm chí tôn thờ, cho đến khi có một ai đó nói cho ta biết rằng đấy là lời nói dối.

Nếu không có người đến đánh thức, chúng ta sẽ còn ngủ quên rất lâu trong vô số lời nói dối như vậy. Đó là những lời nói dối rằng cuộc đời này có thể kiểm soát được, rằng có thể hy vọng vào ngày mai, rằng thành công nằm trong tầm tay, rằng có loại hạnh phúc bền lâu, rằng vẻ đẹp hay phẩm chất của chúng ta sẽ được thế giới tôn vinh hay công nhận.

Hạnh phúc không nằm ở đối tượng bên ngoài. Cái người khác nghĩ về mình chính là những gì mình nghĩ về mình. Nếu còn hy vọng hay chờ đợi, điều duy nhất chúng ta nhận được chỉ là sự ảo tưởng của chính mình mà thôi”.

Hải Nam im lặng, khuôn mặt cậu bắt đầu sáng dần lên. Phía dưới đại chúng, những tiếng cười ban nãy đã tan vào không gian, chỉ còn lại những ánh mắt sáng lấp lánh như vừa được tiếp thêm một nguồn ánh sáng mới. Có vẻ như mọi người đang được lay dậy sau một giấc ngủ dài.

Lúc này, ánh sáng và niềm hạnh phúc như đã lấp đầy những khuôn mặt trong hội chúng. Trời đã sáng. Mặt trời hiện ra, tỏa ánh sáng rực rỡ khắp thế gian. Không ai hỏi tia sáng đến từ đâu, khi đã được thấm đẫm trong sự ấm áp từ bi của mặt trời.

Trong Suốt kể tại Hà Nội ngày 24 tháng 2 năm 2017.

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 33: Ai cũng chỉ nhìn thấy tâm mình

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.