Chìa khóa để chuyển hóa lười biếng thành Trí tuệ và Hành động (Đà Nẵng, 2016)

“Người gì mà lười chảy thây!” – Hẳn ai cũng ít nhất một lần phải nghe lời phàn nàn này. Cái thông thường mà mọi người bảo nên làm, đáng làm, mình cũng chẳng làm – đó là lười bẩm sinh. Còn ngại thay đổi, nước đến chân mới nhảy là tâm lý lười cố hữu của số đông. Vậy lười có hoàn toàn là xấu hay có cách nào để lười mà vẫn “xịn”?

1. NGƯỜI Ở THÀNH PHỐ NÀO LƯỜI NHẤT?

Thầy Trong Suốt: Hôm nay có bao nhiêu người ở Đà Nẵng, giơ tay đi ạ! Như vậy, hôm nay chúng ta chỉ có khoảng 15… 20 người Đà Nẵng. Còn lại là Hà Nội – Sài Gòn.

Hôm nay là buổi Trà đàm rất đặc biệt. Chúng ta tổ chức ở Đà Nẵng nhưng mà thành phần tham dự chính lại là Hà Nội và Sài Gòn. Theo mọi người trong ba thành phố, thì thành phố nào lười nhất? (Mọi người cười lớn)

Ở đây có bao nhiêu người Hà Nội giơ tay ạ? Khoảng ba chục Hà Nội. Bao nhiêu người đến từ Sài Gòn? Khoảng… 10 người Sài Gòn. Như vậy chúng ta khoảng 20 – Đà Nẵng, 10 – Sài Gòn và 30 – Hà Nội.

Rồi! Cùng đề cử đi ạ. Trong ba thành phố trên, người thành phố nào thuộc loại lười nhất? Chúng ta sẽ cùng nhau bình chọn: “Thành phố lười nhất của Việt Nam trong ba thành phố chính”. Hà Nội – Sài Gòn – Đà Nẵng được gọi là ba thành phố đại diện cho ba miền rồi. Bao nhiêu người chọn phương án người Hà Nội là những kẻ lười nhất giơ tay ạ?

Ban Tổ Chức (BTC) đếm đi ạ!

BTC: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13… 13 người ạ.

Thầy Trong Suốt: Bao nhiêu người cho rằng người Sài Gòn là những kẻ lười nhất? Wow!

BTC: 1… Một người thôi ạ. (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Một người nghĩ là Sài Gòn lười ấy hả? Bao nhiêu người cho rằng người Đà Nẵng là những kẻ lười nhất? (Mọi người cười to)

BTC: 5, 6, 7, 8, 9, 10,… 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29… 29 người ạ.

Thầy Trong Suốt: Thôi! Tổ chức ở đây là đúng rồi, đúng không? Tại sao mình ở ngay trên đất Đà Nẵng lại coi thường Đà Nẵng thế? Trong 29 người vừa xong, những ai người Đà Nẵng hoặc sống ở Đà Nẵng giơ tay ạ.

BTC: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17… 17 người ạ.

Thầy Trong Suốt: Rồi, giơ tay là phải nói đấy! (Cười) Mời bạn áo xanh trả lời. Bạn người Đà Nẵng đúng không? Em tự giới thiệu một chút đi.

Bạn đó: Em… Tường Vy ạ. Em là sinh viên. Em chọn người Đà Nẵng lười nhất, bởi vì… thực ra cũng không có căn cứ, không tiếp xúc với những người ở Hà Nội – Sài Gòn.

Thầy Trong Suốt: À! Thế thôi chứ gì? (Mọi người cười) Mỗi thế thôi chứ gì? Nghĩa là khiêm tốn rồi.

À mời chị áo đỏ đi ạ. Tại sao chị lại cho Đà Nẵng là lười nhất?

Chị đó: Theo cảm tính thì cảm thấy nó không năng động bằng Hà Nội thôi ạ.

Thầy Trong Suốt: Cảm thấy đúng không? Một bên là không tiếp xúc nên cứ cho là mình lười nhất. Một bên cảm giác… lười nhất. Lười suy nghĩ quá. (Mọi người cười) Đúng không? Thôi! Mình lười nghĩ tại sao, mình chọn đại một lý do dễ nhất là gì? Cảm thấy thế. Em đi! Em thành viên kỳ cựu của Trà đàm đi (Sư phụ chỉ một bạn).

Bạn đó: Em thấy… ở gần đây nhất mà còn không đi là lười.

Thầy Trong Suốt: Gần nhất mà còn không đi. Đúng rồi! Gần nhất mà chỉ có 20 người đi. Có ai có lý do đặc biệt nào khác nữa không ạ? Bạn nào ở Đà Nẵng ạ?

Kiều Phong: Em thấy người Đà Nẵng thường là thích bình yên, thích nhẹ nhàng hơn, thích cái gì bay bổng ý nhị, ngại thay đổi…

Thầy Trong Suốt: Bạn ấy nói là người Đà Nẵng thích bình yên. Mà đã thích bình yên thì ngại thay đổi. Mà ngại thay đổi thì sẽ lười. Người lười trung bình một tuần tắm bao nhiêu lần ạ? Ngại thay đổi mà, đúng không ạ? Bạn ấy nói có vẻ đúng đấy! Thân thể của tôi thích bình yên. Mà thích bình yên tôi ngại thay đổi. Đang khô thế này mà lại ướt có phải thay đổi không? Là thay đổi rồi đúng không? Nên là thôi tôi sẽ không tắm nữa cho đỡ phải thay đổi! Theo các bạn một người bình thường khoảng bao lâu tắm một lần thì được gọi là lười ạ?

(Mọi người xì xầm trao đổi)

Ở đây những ai tắm khoảng một ngày một lần giơ tay ạ? (Mọi người giơ tay)

Rồi! Những người này bị loại khỏi danh sách lười. Những ai tắm khoảng hai ngày một lần? Giơ tay. (Mọi người cười lớn)

Rồi. Những người này loại khỏi danh sách lười. Loại! Rồi bây giờ bắt đầu đến lười này! Những ba ngày tắm một lần? (Mọi người xì xầm)

Á! Thế thì có ai lười đâu? Bốn ngày ạ? Một cánh tay giơ lên. Rồi! Em người Đà Nẵng đúng không? Biết ngay mà. (Cười) Ở đây có ai trên bốn ngày mới tắm một lần không? Trên bốn ngày? Ai nữa ạ? Hai, ba, bốn, năm… Toàn Hà Nội cả? Sáu, bảy,… Wow! Thế nào? Các bạn thấy chưa? Tám, chín, mười… Ồ cái bọn Hà Nội! Mười đứa Hà Nội liền, đứa nào cũng trên bốn ngày. Thế chứng tỏ người ở đâu lười nhất?

Một bạn: Không phải lười mà là ở bẩn.

Thầy Trong Suốt: Không, lười tắm mà. Như vậy các bạn Đà Nẵng thấy yên tâm chưa ạ? Hóa ra trên đời còn có những kẻ lười hơn mình nhiều. Thôi rồi, thế này có thể nói là Hà Nội thuộc loại lười nhất. Đà Nẵng là lười nghĩ nhất: Không cần nghĩ thêm là tại sao mà chỉ cần nghĩ chắc là mình rồi cho xong! Đấy!

2. XU HƯỚNG BẨM SINH CỦA BẠN THUỘC BỘ NÀO?

Thầy Trong Suốt: Không biết các bạn đã được nghe những bài Trà đàm trước chưa? Theo quan điểm của Phật giáo nói là con người ta sinh ra đã có một trong năm xu hướng bẩm sinh gọi là Năm bộ. Những ai chưa nghe về Năm bộ giơ tay ạ? Rồi! Những người nghe rồi giơ tay ạ? Còn những người không giơ tay thì sao ạ? Lười quá! (Mọi người cười to)

Thôi! Ta sẽ vì những người lười mà thuyết pháp. Đấy! Nhà Phật nói có Năm bộ – mỗi bộ một màu.

2.1 Kim Cương bộ

Thầy Trong Suốt: Đầu tiên là Kim Cương bộ. Kim Cương bộ đại diện của nó, đố mọi người biết là màu gì? Kim Cương bộ là những người mà sinh ra đã có xu hướng là dễ khó chịu. Ở đây có ai đang mặc áo màu xanh da trời không ạ? Kim Cương bộ là màu xanh da trời. Những người đó là người dễ khó chịu, rất dễ nóng giận.

Có ai cảm thấy mình thuộc Kim Cương bộ không ạ? Rất dễ khó chịu. Người ta khó chịu một thì mình phải khó chịu ba, bốn lần. Ví dụ mình đang ngồi đây có tiếng ai đó khuấy cốc nước, keng… keng… thế này, là thấy khó chịu. Đấy là Kim Cương đấy. Hay đi đường mình thấy nước bắn lên là khó chịu. Về nhà thấy cái gì trái ý mình, ví dụ như cái giường nó xộc xệch cũng rất khó chịu. Ở đây có ai Kim Cương bộ không ạ? Rồi! Khá nhiều. Những bạn nào Kim Cương bộ thì nghe một bài Trà đàm tên là gì ấy nhỉ?

Nhiều bạn cùng trả lời: Sân hận là một bông hoa đẹp.

Thầy Trong Suốt: À bài đó tên là “Sân hận là một bông hoa đẹp”. Bạn nào muốn sửa tính nóng giận và biến thành trí tuệ. Kim Cương bộ tuy rằng nóng giận nhưng có một loại trí tuệ – gọi là “Trí tuệ Tấm Gương”. Người mà bẩm sinh sân hận nếu biết cách chuyển hóa thì sẽ có một loại trí tuệ gọi là Tấm Gương. Tấm Gương là khả năng phản chiếu mọi thứ rất là rõ ràng.

Thế nào là trí tuệ Tấm Gương? Là mình biết hết tất cả mọi thứ xảy ra, nhưng mình lại không phản ứng gì hết! Phản chiếu mà không phản ứng. Tấm gương nó có bao giờ phản ứng cái gì đâu. Đấy! Nóng giận thì hay phản ứng đúng không? Nhưng mà nếu chuyển hóa được thì ra cái ngược lại của phản ứng – “Tôi chẳng phản ứng”. Biết mà không phản ứng, đấy là trí tuệ. Thường cái trí tuệ đấy, những người phải rất là già, nhiều kinh nghiệm mới có thể sống được như thế. Quá hiểu kinh nghiệm, hiểu đời đến mức biết hết nhưng mà chẳng phản ứng. Ví dụ mình ra chợ, mình hỏi bao nhiêu tiền một quả bưởi?

Một bạn: Một trăm ạ.

Thầy Trong Suốt: Người ấy bảo: “Hai trăm, anh ạ!”, ví dụ thế. Thế nào là Kim Cương bộ – nóng giận là thế nào? Tức đúng không? “Trông cái mặt mình đẹp trai thế này”, hay là “xinh gái thế này lại dám gì? Lừa mình! Nói thách kiểu như là mình là đứa ngu dốt chẳng biết gì!” Đấy gọi là sân hận.

Thế nào là Tấm Gương? Tấm Gương là mình biết luôn chuyện ấy, vẫn biết là người ta cố tình lừa mình, nhưng trong lòng mình lại chẳng vấn đề gì hết, không phản ứng gì hết. Mình đi mặc cả tiếp thôi. Nhẹ nhàng. Mình giải quyết hoàn toàn vấn đề của sân hận. Biết mà lại không phản ứng. Cái phẩm chất này chỉ có ở những người rất nhiều kinh nghiệm sống và rất từng trải.

Cô giáo ở lớp có 30 học sinh, học trò nghịch tán loạn. Cô biết hết. Nhưng cô lại không nóng giận. Đấy! Cô từ tốn đến chỉ bảo từng em một. Ở đây có ai cảm thấy mình có Trí tuệ Tấm Gương đấy không ạ? Có một phần thôi cũng được. Có một phần Trí tuệ Tấm Gương nghĩa là biết mà không phản ứng. Biết hết nhưng mà mình không bị phản ứng, còn mình vẫn hành động. Phản ứng nghĩa là gì? Mình bị khó chịu, bị tiêu cực. Hành động là gì? Mình chọn cách hành xử phù hợp. Đấy gọi là Tấm Gương. Ở đây có ai có không ạ?

1, 2… Tốt đấy! 3, 4… Được! 5, 6… Được! Rồi đấy. Như vậy chúng ta có 11 người là có thể có cảm giác đấy. Đấy là việc chuyển hóa từ Sân hận thành Tấm Gương đấy. Kim Cương bộ, đặc điểm của những người thuộc Kim Cương bộ là thích màu xanh da trời. Những ai thích màu xanh da trời ạ?

Một bạn: Đã từng ạ.

Thầy Trong Suốt: Đã từng thích cũng được. Đã từng thích nghĩa là ngày xưa mình thích, bây giờ mình đổi rồi, mình hết Kim Cương rồi.

2.2 Bảo Sanh bộ

Thầy Trong Suốt: Loại thứ hai là Bảo Sanh bộ. Tính xấu gọi là kiêu ngạo. Lúc sinh ra đã có bản tính kiêu ngạo. Thế nào là kiêu ngạo mọi người biết không ạ?

Một bạn khác: Nghĩ mình hơn người ta.

Thầy Trong Suốt: Kiêu ngạo nghĩa là lúc nào cũng thấy là mình hơn người khác mà chẳng có cơ sở gì. (Mọi người cười) Đấy gọi là kiêu ngạo. Không cần biết một cơ sở gì cả! Xung quanh toàn bọn dốt, mình là đứa giỏi. Còn không biết là học ở lớp bao nhiêu phẩy, làm chức gì, tiến sĩ hay gì gì cả… Tự nhiên cho rằng mình biết hết, bọn nó chẳng biết gì. Mình giỏi còn bọn nó thì chắc là dốt. Đấy! Không cần cơ sở. Nếu có cơ sở thì chưa phải là kiêu ngạo, mà ở đây là tự nhiên thấy mình hơn. Ở đây ai có cảm giác mình hơn người khác và mình không đi tìm cơ sở gì hết không ạ? Đấy là bản tính kiêu ngạo.

Ở đây có ai cảm thấy mình có bản tính kiêu ngạo không ạ? 1, 2… Tốt, tốt… 3, 4, 5, 6, 7… Nhiều… T8, 9, 10, 11… Đúng không? Mình nghĩ là mình có cơ sở nhưng không đi tìm cơ sở. Mình cứ cho là mình hơn thôi. Mình tin là: “À, mình hơn bọn nó và kiểu gì cũng có cơ sở”. Nhưng thực chất là không bao giờ mình tìm cơ sở cả. Vì thế nên dần dần tạo cho mình cái mặc định là mình hơn và mình chẳng biết cơ sở là gì nốt! Ví dụ vào phòng thấy: “Chắc là mình xinh hơn bọn nó”. Tự thấy thôi! Ở đây có ai có cảm giác đấy không ạ? Tự dưng thấy mình xinh hơn hoặc là mình giỏi hơn, thông minh hơn, hoặc là mình khỏe hơn?

Kiêu ngạo nghĩa là mình luôn luôn cảm thấy mình hơn người khác, mà mình chẳng cần tìm lý do và hầu như là dần dần về sau mình mất cả lý do luôn. Mặc định là hơn.

Bảo Sanh bộ đặc điểm là màu vàng. Ở đây những ai thích màu vàng ạ?

Nhưng Bảo Sanh bộ nếu chuyển hóa được nó lại biến thành một loại trí tuệ. Đố mọi người biết trí tuệ gì? Nhà Phật gọi là “Bình Đẳng Tánh Trí” – “Trí tuệ Bình đẳng”. Mình trở thành một người hết sức bình đẳng với người khác. Mình không cảm thấy mình hơn, thậm chí mình còn cảm thấy là mình như mọi người và mình có thể thông cảm với cả mọi người.

Ví dụ, vào một đám đông, mình thấy một người khổ. Mình lập tức thấy mình thông cảm với họ, không phải thông cảm kiểu: “Tôi là người giàu, người ta là người nghèo, tôi thương họ”. Thông cảm luôn! Thấy rằng là: “Ừ, chúng ta là những người vô minh” chẳng hạn. Đấy là thông cảm. Mình cảm nhận được sự giống nhau giữa mình và họ. Đấy gọi là thông cảm. Đấy gọi là bình đẳng. Chứ còn nếu mình cảm thấy mình hơn người ta – nghĩa là kiêu ngạo. Mình cảm thấy, thực chất, mình và họ giống nhau. Và khi mình có sự đồng cảm đấy thì mình tự nhiên đến gần người ta, gần gũi những người gặp khó khăn, giúp đỡ và chia sẻ với họ. Đấy là trí tuệ bình đẳng. Thấy được sự bình đẳng trong một sự không bình đẳng. Thông thường là không bình đẳng đúng không? Làm sao chúng ta thấy giống nhau được, mỗi người thấy khác nhau. Người thì nghĩ tôi giàu hơn. Người thì nghĩ tôi giỏi hơn. Thế nhưng người mà có trí tuệ bình đẳng ấy, lại thấy được cái sự bình đẳng ngay giữa không bình đẳng đấy.

“Tuy là giàu hơn, giỏi hơn nhưng tôi và bạn đều ăn cá Formosa” – ví dụ thế. Ăn cá nhiễm độc. (Mọi người cười) Đấy! Tự thấy điều đấy luôn! Thế là thông cảm luôn. Ví dụ thế! Đấy là những người có trí tuệ bình đẳng. Và những người có trí tuệ bình đẳng, ngày xưa họ rất kiêu ngạo – giống tấm gương, ngày xưa họ rất hay phản ứng, bây giờ họ không kiêu ngạo mà họ chuyển sang thông cảm. Ở đây có ai cảm thấy mình có trí tuệ bình đẳng không? Một phần cũng được, không cần quá nhiều. Một phần le lói cũng được. Nghĩa là tự mình cảm thấy được sự giống nhau giữa mình và người khác. Đồng cảm đấy! Được rồi! Rất tốt! Chứng tỏ ở đây rất nhiều người Bảo Sanh. (Mọi người cười)

Những người thuộc Bảo Sanh bộ là người vừa kiêu ngạo nhưng đồng thời trong quá trình sống đã bắt đầu chuyển hóa dần rồi, nên bắt đầu sự bình đẳng nhen nhóm nổi lên. Cũng như người Kim Cương không phải lúc nào cũng nóng giận. Mà người Kim Cương bắt đầu có những lúc không phản ứng – phản chiếu mà không phản ứng. Bảo Sanh có bài nào chưa ấy nhỉ? (Mọi người xì xầm trao đổi) Kiêu ngạo không phải là ghen tỵ.

Hồng Tùng: “Kiêu hãnh và định kiến” ạ.

Thầy Trong Suốt: À tốt! Nói về kiêu ngạo chứ gì? Được, nếu các bạn nào muốn hình dung xem kiêu ngạo giải quyết như thế nào thì có thể nghe bài Trà đàm đấy. Bài Trà đàm tên là “Kiêu hãnh và định kiến”.

2.3 Liên Hoa bộ

Thầy Trong Suốt: Bộ thứ ba “Liên Hoa bộ”. Liên Hoa là Hoa Sen, bộ Hoa Sen đấy ạ. Đặc điểm là màu đỏ. Ở đây có ai thích màu đỏ không ạ? Giơ tay đi ạ?

Tính xấu là tham lam, bám chấp. Có một vợ thì lại muốn có… vợ hai. Có một cái áo đẹp rồi thì lại muốn có… mười cái nữa. Đấy là tham lam. Tham lam nghĩa là mình cần những thứ chẳng cần đến và mình thích có những thứ không cần đến, chỉ thích thôi. Nhưng mà bám chấp là gì? Là giữ rồi không muốn thả ra. Đấy! Bám chấp là đặc điểm của Liên Hoa luôn. Có trong tay rồi không thả nữa. Bám chấp mà. Cái gì mình thích ấy, chứ còn không thích thì nói làm gì! Cái mình thích thì cực kỳ khó bỏ. Những người Liên Hoa bộ là những người hay bị nghiện nhất. Nghiện cái gì đấy. Có thể có người nghiện chơi bài, có người thì nghiện hút thuốc, có người thì nghiện… Trà đàm. Ví dụ thế. (Mọi người cười lớn)

Đã thích rồi thì không nhả ra được nữa. Đấy là Liên Hoa, tham lam và bám chấp. Ở đây có ai cảm thấy mình có Liên Hoa không ạ? (Nhiều bạn giơ tay) À, được, đông đấy! Một phần đông đảo. Tham lam và bám chấp.

Theo mọi người, Liên Hoa có phần tốt không ạ? Hay chỉ toàn phần xấu ạ? Liên Hoa có phần tốt, Liên Hoa nếu mà chuyển hóa thì mình sẽ dần dần chuyển sang có một loại trí tuệ gọi là “Diệu Quan Sát Trí”. Còn bình thường kinh nghiệm sống dạy mình thì mình có một khả năng quan sát rất là tốt, quan sát được, phân biệt được.

Ví dụ như người bình thường nếm ly trà này giống hệt như ly trà bình thường. Liên Hoa bộ nếm cái này biết ngay cốc trà này chắc là để được khoảng 20 phút rồi. Nếu một người bình thường gặp một người mới quen phải mất cả vài tiếng để tìm hiểu họ là người như thế nào. Liên Hoa chỉ cần vài câu nói thôi, tinh ý đấy – “Diệu Quan Sát” mà, có khả năng phân biệt được, biết ngay là kiểu người như thế nào. Có khả năng tinh tế, phân biệt, quan sát.

Ở đây có ai có khả năng đấy không ạ? Có khả năng Diệu Quan Sát không ạ? Tinh tế hoặc là khéo léo – Liên Hoa bộ rất khéo léo. Biết là người này thích cái gì, ghét cái gì để mà làm hoặc chiều. Biết được người khác thích gì, ghét gì rất nhanh. Có ai cảm thấy mình có Diệu Quan Sát Trí không ạ? Có một tý cũng được ạ. Có mầm mống cũng được. Đấy, nhen nhóm. Đúng rồi ạ. (Nhiều cánh tay giơ lên)

Đấy, những người đấy. Tại sao những người quan sát giỏi thì mới bám chấp nhiều? (Mọi người cười) Đúng không? Nếu gặp một cô không thấy xinh thì cũng chẳng bao giờ bám chấp. Nhưng mà vì mình khá tinh tế mà.

Ví dụ mình thấy: “Ôi, mái tóc mai này đẹp thật!”. Người bình thường không thấy, nhưng mình thấy thế là mình bám chấp luôn. Có những người yêu nhau chỉ vì tóc mai đẹp thế này thôi mà yêu luôn. Đã ai trải qua chuyện đấy bao giờ chưa ạ?

Một vài bạn: Có ạ.

Thầy Trong Suốt: Yêu nhau chỉ vì một tí tóc này thôi, vài cọng tóc mai mà thành yêu nhau. Đấy gọi là Liên Hoa đấy. Thấy được vẻ đẹp ở chỗ mà người khác không thấy được – tinh tế mà. Sau rồi bám chấp luôn. Ai đã từng yêu vì một cái điểm nho nhỏ như vậy rồi giơ tay ạ? Những người Liên Hoa thì thường 99% là khổ trong tình yêu. (Mọi người cười lớn).

Một là mình tinh tế nên mình dễ yêu. Nhưng thứ hai là mình thích rồi mình sẽ không nhả ra được nữa. Đấy là khổ đúng không? Yêu đương mà không nhả ra được thì khổ rồi. Đấy gọi là bám chấp. Khi mình bám chấp vào bất kỳ cái gì dần dần mình trở nên phụ thuộc vào nó. Mình quay cuồng vì nó. Ví dụ như mình yêu một anh. Lúc đầu mình chưa yêu, mình yêu vừa thì không sao, khi mình yêu nhiều rồi thì anh ấy phải làm theo ý mình. Bám chấp mà! Anh ấy không được nhìn cô khác nữa. Anh ấy không được thế này, không được thế kia nữa. Và mình còn tinh tế, mình còn biết được anh ấy nghĩ gì. Tinh tế mà! Biết được anh ấy nghĩ gì và điều đó nghĩa là thế nào, anh ấy nhìn cô khác thì sao, mình biết ngay. Nói chung Liên Hoa là khổ. Nhưng hôm nay không phải ngày của Liên Hoa. Ai Liên Hoa thì nên nghe bài nào ấy nhỉ?

Ngọc Nhân: Tình yêu và sáng tạo ạ.

Thầy Trong Suốt: Liên Hoa có thể chuyển hóa thành tình yêu thương và sáng tạo. Nếu mọi người quan tâm thì nghe bài đấy. Đấy gọi là bài “Tham lam – Nguồn gốc của yêu thương và sáng tạo”.

2.4 Nghiệp bộ

Thầy Trong Suốt: Bộ thứ tư là Nghiệp bộ – Nghiệp bộ là ai? Là những người thích màu xanh lá cây ạ. Ở đây có ai thích màu xanh lá cây không giơ tay ạ? Nghiệp là hành động. Những người có xu hướng hành động và đặc biệt là đạt được mục tiêu bằng mọi cách. Những người Nghiệp bộ trong xã hội hiện nay rất thành đạt. Họ hướng hành động và đạt được mục tiêu bằng nhiều cách, mọi cách, kiên trì, nhẫn nại đạt được mục tiêu đấy.

Nghiệp bộ lại có một tính xấu. Biết là gì không ạ? Ghen tỵ. Đấy, Nghiệp bộ có cái dở – “sinh ra tôi đã là một người ghen tỵ”. Ghen tỵ là như thế nào ạ? Là không muốn người khác hơn mình! Không vui khi người khác hơn mình. Ở lớp mình mà có đứa nào hơn mình là mình khó chịu lắm. Mặc dù cái hơn của nó chẳng hại gì đến mình cả. Trong cuộc sống, ví dụ mình làm chủ doanh nghiệp, doanh nghiệp nào hơn mình là mình khó chịu lắm. Mình hay ghen tỵ. Trong cuộc sống mình gặp cái gì hơn mình là thấy khó chịu. Mình không hài lòng với thành công của người khác. Mình muốn phải vượt họ.

Ghen tỵ có cái hay là trong môi trường cạnh tranh thì tại sao những người ghen tỵ là một trong những loại người dễ thành công? Tại vì họ muốn vượt người khác. Họ không hài lòng nổi chuyện người khác hơn mình. Nhưng ghen tỵ có sướng không ạ? Khổ lắm! Ví dụ như mình nhà lầu, nhà cao cửa rộng này, một vợ hai con này, ba lầu, bốn bánh đáng ra phải thích đúng không? Chợt thằng hàng xóm bên cạnh…

Si Tara: Hai vợ…

Thầy Trong Suốt: Ha ha. Hai vợ! (Mọi người cười) Ngày nào đó, mình thấy hình như nó hí hoáy một cô bồ là mình tức lên, sôi sục ngay. Hóa ra nó hơn mình. Đấy! Thế là mình từ đấy trở đi là gì? Ăn không ngon, ngủ không yên. Mình phải tìm cách để hơn nó. Đấy là ví dụ về Nghiệp bộ đấy.

Hay ví dụ con của nó tự nhiên được một giải thưởng, giải đặc biệt văn nghệ xóm. (Mọi người cười)… là mình ăn ngủ không yên luôn! Con mình cũng phải hơn. Khó chịu mà! Vì thằng khác hơn mình mà! Mình phải tìm ngay cho con mình một cái giải nào đó. Ví dụ như là giải nhất cắm hoa thôn. Đấy! Để đấu lại, thôn – xóm mà đúng không? Đấu lại với nhau được. Thôn, xóm cái gì to hơn ấy nhỉ?

Mọi người: Thôn to hơn…

Thầy Trong Suốt: À đấy! Thế là thắng rồi. Chuẩn rồi! Nó giải nhất hát của xóm, đúng không. Thì mình phải nhất cắm hoa của thôn. Thế là mình hơn nó. Sau hôm đấy thì mình về ngủ rất ngon cho đến một ngày… Tin dữ ở nhà bên mang lại. (Mọi người cười) Sao? Tin dữ gì ạ?

Một bạn nữ: Vợ của thằng hàng xóm…

Thầy Trong Suốt: Vợ của thằng hàng xóm… gì ạ?

Một bạn: Vợ nó mới đi phẫu thuật về đẹp hơn vợ mình.

Thầy Trong Suốt: À đúng rồi! Được. Mới đi phẫu thuật về đẹp hơn vợ mình. Thế là quá trình ăn không ngon, ngủ không yên lại xuất hiện. Cho đến ngày nào? Vợ mình đẹp hơn. Mà nếu vợ mình không đẹp hơn thì sao? Suốt đời đau khổ… Đấy là cái dở của Nghiệp bộ. Nếu như mình vẫn không thể hơn nổi thì từ đấy cho đến lúc chết, cứ cảm giác người khác hơn mình là mình khó chịu.

Tuy nhiên, Nghiệp bộ không phải là xấu. Nghiệp bộ có thể chuyển hóa được thành một loại trí tuệ gọi là “Thành Sở Tác Trí” – nghĩa là có thể hoàn thiện, hoàn thành mọi mục tiêu mình đặt ra. Rất tốt! Cái đấy rất tốt! Hoàn thiện mọi mục tiêu đấy. Tại sao những người Nghiệp bộ trong cuộc sống lại hay thành công? Vì họ có khả năng, tiềm năng đấy. Nhưng Nghiệp bộ đã nói rồi đúng không? Bài Trà đàm tên là gì ấy nhỉ?

Mọi người: Ghen tỵ chuyển hóa thành Thành công.

Thầy Trong Suốt: “Ghen tỵ chuyển hóa thành Thành công chân thật”. Cái sự ghen tỵ mình mà biết cách chuyển hóa biến thành động lực để dẫn đến mình có loại thành công chân thật. Nhưng ngày hôm nay cũng không phải dành cho những người ghen tỵ.

2.5 Phật bộ

Thầy Trong Suốt: Trong năm bộ, Trong Suốt đã nói Trà đàm về bốn bộ rồi. Còn một bộ mà do mình lười quá, (Mọi người cười) nên đến ngày hôm nay mới đủ duyên để xuất hiện ở thành phố của những người…

Mọi người: Lười.

Thầy Trong Suốt: Của những người… gì tý nữa sẽ biết. Thành phố của những người màu trắng. À, còn đúng một bộ là Phật bộ – đặc điểm của Phật bộ là màu trắng. Hôm nay ai mặc đồ trắng giơ tay ạ? Xem Đà Nẵng nhiều không ạ? Đà Nẵng là chính đúng không? 1 – Đà Nẵng này… 2 – Đà Nẵng này. 3 – Đà Nẵng… 4 – Đà Nẵng… 5 – Đà Nẵng… Thấy Đà Nẵng Phật bộ nhiều không? Mặc đồ trắng hầu như Đà Nẵng. Thành phố của những người mặc đồ trắng, đúng chưa? Phật bộ đặc điểm là màu trắng và đặc điểm của họ là sinh ra lười một cách bẩm sinh. (Mọi người cười to).

Thế nào là lười bẩm sinh? Lười thông thường thì không nói làm gì, hay lười một cách bình thường thì ai cũng lười, nhưng mà lười xịn ấy. Lười Phật bộ ấy là gì? Ví dụ như thế này, mình ngủ trong nhà, mình nghe tiếng “rầm… rầm, keng… keng”, hóa ra một người nào đó vừa đột tử. (Mọi người cười to)

Tất nhiên đáng ra mình phải chạy ra đúng không? Mình biết rằng mình phải nên gì?

Mọi người: Chạy ra ngoài.

Thầy Trong Suốt: Nhưng mà… lười quá thôi ngủ tiếp. Đấy! Đấy gọi là đúng bộ lười đấy. Ngại chẳng muốn làm, mặc dù theo lẽ thường là nên làm. Nhưng mà vì bản tính của mình lười nên cái nên làm mình cũng chẳng làm. Đấy! Đấy là lười bẩm sinh đấy. Hôm nay là ngày dành cho những người lười bẩm sinh. Nói chung lười bẩm sinh rất dễ phát hiện ra, vì trong cuộc sống họ rất lười. Cái mà tất cả mọi người bảo nên làm, đáng làm, họ cũng chẳng làm. Mình nhận diện luôn chính mình có thuộc loại đấy không? Xem là trong cuộc sống mình có những cái đáng làm, nên làm và người khác bảo mình làm, mình có làm hay không? Nếu mà không, câu trả lời 90% là không – thì có khả năng cao là mình đã may mắn sinh ra vào gia đình…?

Mọi người: Phật bộ.

Thầy Trong Suốt: Phật bộ. Năm bộ, năm gia đình đấy. Rồi, bây giờ mọi người thử chiếu vào mình xem, nếu ví dụ 4 ngày không tắm thì chắc chắn là… là có vẻ là Phật bộ rồi đấy. Ở đây soi chiếu có ai cảm thấy mình Phật bộ không ạ? Giơ tay cao cao tí ạ. Bộ này là bộ được tôn vinh. Ngày hôm nay là ngày tôn vinh Phật bộ. Đếm đi ạ, xem được bao nhiêu người? 1, 2, 3, 4… 8, 9… 12, 13… 24… 26… Wow! Được!

Theo mọi người Phật bộ có phải là chán không ạ?

Một bạn: Có.

Thầy Trong Suốt: Phật bộ chán không ạ? Những ai cảm thấy mình có Phật bộ? Có cảm thấy Phật bộ là chán không ạ?

Một bạn khác: Chán ạ.

Thầy Trong Suốt: Chán! Phật bộ chẳng có gì hay cả! Phật bộ thì có gì hay? Trong khi bọn nó đang tung tăng ngoài đường, người thì đi làm, người đi chơi. Mình thì…? “Haiz, đi chơi cũng vui đấy nhưng mà… ngại lắm! Thôi!..”. Đấy! Ngại! Ví dụ, đi làm về thay quần áo cũng thoải mái đấy nhưng mà ngại lắm. Thế là gì? Mặc luôn bộ đấy, sáng mai đi làm tiếp. (Mọi người cười). Mặc bộ đấy, ăn xong đi ngủ!

Ở đây có ai thấy mình có tính đấy không ạ? Mặc quần áo xong rồi sáng mai đi làm tiếp? 1, 2, 3, 4… Chuẩn rồi. Đấy! 5… 8, 9. Phật bộ chắc rồi. Sướng không? Được thành gia đình của Phật đấy! “Ôi giời, đằng nào sáng mai cũng mặc bộ đấy đúng không? Thôi thay làm gì nữa”. Hoặc là mình sẽ mặc những bộ quần áo mà ít khi phải thay, mặc ở nhà cũng được, mặc ở công ty cũng được, mặc đi chơi cũng được, một bộ đấy thôi. Có ai tính thế không ạ? Mình sẽ mặc bộ quần áo mình cho là ít khi phải thay ra? Giơ tay ạ. Ôi giời! Chuẩn rồi còn gì nữa! Đúng là ngày Phật bộ rồi. Đông đảo quá, lực lượng hùng hổ quá, áp đảo quá. Rồi! Như vậy là chúng ta khám phá ra được mỏ Phật bộ rồi đấy.

Phật bộ có gì khổ không ạ? Những người Phật bộ, những người vừa nãy giơ tay là Phật bộ thử mô tả cho Trong Suốt nghe thử xem nỗi khổ của mình là gì?

Vũ Thảo: Lười miêu tả. (Mọi người cười) Phật bộ là việc chi mà nước tới chân mới nhảy, hoặc là thi lúc nào cũng phải quáng quàng lên mới học, trước đó thì không học.

Thầy Trong Suốt: Ngày hôm sau mới thi, hôm nay không thi. Chiều ngày hôm sau thi, tốt nhất là khi nào học?

Một vài bạn: Sáng sớm hoặc đêm học.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Đêm với cả sáng sớm học. Nước đến chân mới nhảy. Mình biết là nên học trước ba ngày nhưng… thôi ngại quá. Được, tốt! Còn ví dụ gì nữa không ạ?

Bạn Hạnh: Em thấy là những người Phật bộ thường có cá tính nổi bật là “gió chiều nào theo chiều đấy”.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Ba phải, đặc điểm chung của Phật bộ. Đặc điểm rất chuẩn của Phật bộ là ba phải – “gió chiều nào tao theo chiều đấy!”. Ví dụ, về nhà đúng không? Mọi người bảo bây giờ chúng ta sẽ đi chơi! Sẵn sàng gì? “Ờ thì đi”. Nhưng có con bạn trong nhóm bảo gì: “Bây giờ đi chơi trời mưa lắm. Xem phim ở nhà sướng hơn”. Lập tức gì: “Ừ đúng rồi! Xem phim hay nhất. Chuẩn nhất là xem phim”. (Mọi người cười lớn) Thế là đang ngồi xem phim lại bảo: “Không, bây giờ chúng ta đi nấu ăn đã, nấu ăn hơn xem phim nhiều. Ai đồng ý nào?”. Mình sẽ gì? Xung phong ngay: “Ừ. Đúng rồi! Ăn cũng được”. Đấy! Gió chiều nào xoay chiều đấy. Ba phải. Ở đây những ai cảm thấy mình có hơi ba phải, giơ tay đi ạ? Thôi rồi, Lượm ơi! Quá nhiều Lượm rồi. Chuẩn rồi. Rất nhiều người Phật bộ rồi. Đấy là dấu hiệu của Phật bộ. Wow! Tốt quá.

Có bao nhiêu người thuộc loại thấy cái này cũng đáng làm đấy nhưng không làm vì ngại, giơ tay ạ? Cho ví dụ đi ạ. Cũng đáng làm đấy nhưng thôi không làm vì lười… (Mọi người xì xầm) Em cho ví dụ đi…

Một bạn: Ví dụ là em đang rất cần đăng ký tạm trú nhưng lười vẫn chưa làm.

Thầy Trong Suốt: Được! Ví dụ tốt.

Đức Minh: Dạ. Ví dụ như là mình thấy cần phải tập thể dục, thể thao để tăng cường sức khỏe nhưng mà không làm, không thấy hăng hái để tập luyện.

Thầy Trong Suốt: Đáng làm đấy! Nhưng ngại đúng không? Hoặc là ngại, hoặc là nghĩ ra một tỷ lý do. Nhưng lý do chính vẫn là ngại. Còn ai nữa?

Vũ Tâm: Dạ, em có ví dụ như là nhà dột, cần phải sửa lại để khỏi nước nôi nhưng mà…

Thầy Trong Suốt: Chuẩn, quá chuẩn! Nước chảy lõng bõng xuống nhà, mình biết thừa là phải gì?

Vũ Tâm: Phải sửa.

Thầy Trong Suốt: Nhưng mà thôi… Không sao, mình sống chung với lũ cũng được. Đấy! Tốt. Ví dụ tốt. Cũng đáng làm đây, nhưng mà thôi. Ngại! Cái lười này nó là bẩm sinh đấy. Có ai là bẩm sinh không hay là lớn lên mới bị? Lười thường là bẩm sinh. Chăm cũng bẩm sinh, mà lười cũng bẩm sinh.

Có ai lười thấy mình lười bẩm sinh không giơ tay ạ. Rồi, những người giơ tay phải cho ví dụ chứng minh. Bẩm sinh nghĩa là gì? Tức là những cái tính lười của mình nó xuất hiện từ bé rồi, chứ không phải là lớn lên mình mới bị. Giống như trong năm bộ vừa xong ấy, nếu mà mình bẩm sinh bộ đấy thì từ bé mình đã thế rồi thì gọi là bẩm sinh, không phải là bị xã hội lây nhiễm. Ví dụ mình chăm là chăm bẩm sinh. Mình giận là giận bẩm sinh. Mình kiêu là kiêu bẩm sinh. Đấy thì lười cũng thế. Những người ở đây cho một ví dụ về lười bẩm sinh đi? Nguyệt xem nào? Nhớ từ hồi bé xem có bằng chứng gì không?

Minh Nguyệt: Dạ, ví dụ như hồi bé, mẹ giao cho nhiệm vụ là phải rửa bát thì chỉ đến khi nào sắp đi ngủ, hoặc là không thể trì hoãn được nữa thì mới bắt đầu đi rửa. Hoặc là quần áo đồng phục tự giặt thì chừng nào hết quần áo, không còn đồng phục để mặc đi học nữa thì mới mang ra giặt để có đồ đi học.

Thầy Trong Suốt: Đấy! Bẩm sinh đấy. Rồi tốt! Có ai bẩm sinh lười nữa không ạ? Có ai nhớ được những chuyện nhỏ nhỏ hồi bé ạ? Đừng nghĩ chuyện lớn, mình nghĩ chuyện nhỏ đi ạ. Thảo nào.

Vũ Thảo: Dạ em biết là cần phải đánh răng để không bị sâu răng. (Mọi người cười to) Nhưng mà cái việc đánh răng buổi tối…

Thầy Trong Suốt: Khổ sở đúng không? Đánh vật mấy chục năm trời. Ngày hôm nay vẫn thế à?

(Vũ Thảo gật đầu).

Thầy Trong Suốt: Ặc! Chuẩn luôn! Thế mà còn suốt ngày bảo con đánh răng. Tốt! Ví dụ tốt. Còn ai có tính bẩm sinh lười nữa không ạ?

Vũ Tâm: Dạ, ngày xưa khi nào mẹ bắt tắm thì phải nói nhiều lần.

Thầy Trong Suốt: Bây giờ thì thế nào?

Vũ Tâm: Bây giờ thì đỡ rồi. (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Rồi tốt. Còn ai có ví dụ bẩm sinh nữa?

Minh Đức: Em có một ví dụ là ngày xưa em có một đôi tất mà em đi hằng tuần trời. Mà chỉ mỗi việc vứt vào máy giặt thôi mà không chịu vứt.

Thầy Trong Suốt: Đấy! Ví dụ tốt!

Nguyệt Quế: Em lười dọn dẹp nhà cửa. Biết là nó bẩn nhưng mà vẫn không làm.

Thầy Trong Suốt: Bẩm sinh ấy hả? Từ bé hả?

Nguyệt Quế: Vâng!

Thầy Trong Suốt: Được tốt. Ví dụ tốt!

Nguyên Hồng: Dạ, ví dụ ngày bé em tự đi học. Buổi trưa về nhà ăn cơm. Bữa cơm mà không có ai nấu cho ăn thì có thể sẵn sàng nhịn đói đi ngủ ạ.

Thầy Trong Suốt: À, nhịn đói đi ngủ? Được. Hai chị em nhà này cùng một ruộc. Minh và Hồng. Thế mà vẫn sống được, nhà vẫn ổn. Thế hồi bé có tranh nhau làm việc này việc kia không?

Đức Minh: Không ạ.

Thầy Trong Suốt: Tranh nhau đùn đẩy à?

Đức Minh: Đùn đẩy thôi ạ!

Thầy Trong Suốt: Được, được. Hai người cùng lười nhà Phật bộ cũng tốt. Vì cả hai cùng một tiêu chuẩn. Bẩn giống nhau! (Mọi người cười) Thế là đỡ. Nếu như lỡ có bà mẹ, ví dụ như là Kim Cương thì thôi rồi. Khổ lắm! Phật bộ mà gặp mẹ Kim Cương thì thôi. Mẹ bắt làm đúng tiêu chuẩn của mẹ mà.

Rồi! Nghe thì Phật bộ có vẻ hơi xấu đúng không? Mọi người có muốn biết cách chuyển hóa nó không ạ? Hay là thôi cứ thế. Sống từ giờ đến già cũng được. Thôi mình lười lắm! Mình biết là nên chuyển hóa nhưng… (Mọi người cười) Mình biết nhưng mà ngại lắm, lười lắm. Thôi! Đợi đến già rồi chuyển hóa cũng được, cũng không muộn. Phật bộ thì ít người muốn chuyển hóa lắm. Hiếm! Trừ khi cái chuyển hóa đấy nó buộc phải chuyển hóa thì mới chuyển. Ở đây, trong những người lười vừa xong có ai cảm thấy là mình nên thay đổi một chút không ạ?

Mọi người: Có ạ.

Thầy Trong Suốt: Giơ tay đi ạ! Mình cũng nên thay đổi tý. (Mọi người giơ tay)

Rồi… rồi. Có lý! Theo mọi người thì Phật bộ có thể chuyển thành trí tuệ được không ạ? Cái xấu của Phật bộ ấy, cái xấu của lười biếng? Khó! Có một câu nói nổi tiếng. Đố biết câu này của ai – “Khi nào gặp những việc khó, tôi sẽ tìm một người lười để giao cho họ làm”.

Mọi người: Xì xầm… Bill Gates!

Thầy Trong Suốt: Kinh! Vì sao thế ạ? Tại sao Bill Gates lại nói thế? Ông là giàu nhất thế giới rồi. Tại sao lại tìm người lười giao việc khó?

Một bạn: Tại vì họ thường nghĩ ra được cách nhanh nhất để làm.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Khi gặp việc khó thì sẽ có hai kiểu xuất hiện. Một là những người ba đầu sáu tay sẽ chỉ múa tay và múa đầu. (Mọi người cười to)

Khó mà! Thế là cũng xong nhưng mà thường mất bao lâu? Ba ngày sáu đêm. Đấy! Còn người đã lười mà phải làm việc khó thì họ sẽ làm gì? Phải tìm ra một cách gì?

Mọi người đồng thanh: Nhanh nhất.

Thầy Trong Suốt: Vì họ không thể ba ngày sáu đêm. Họ chỉ có khả năng là ba tiếng thôi chẳng hạn. Họ tìm cách nào đó để trong một thời gian đủ ngắn, trong khả năng của tôi mà tôi vẫn làm được. Đấy! Còn những người không phải là bộ lười ấy thì lúc nào cũng nghĩ là mình còn nhiều thời gian lắm. Mình sẽ cố hết sức rồi mình sẽ làm được, đúng không? Mình phải kiên trì, nỗ lực thực hành, v.v… Rồi ngày nào đó mình sẽ có kết quả. Những người ấy có thể cố gấp ba, gấp bốn lần sức của họ được, nhưng người lười lại không thể, không muốn cố gấp ba gấp bốn lần sức của họ. Nên họ buộc phải tìm cách nhanh nhất để giải quyết bất kỳ vấn đề gì. Mà muốn giải quyết vấn đề một cách nhanh nhất ấy thì phải hiểu bản chất của vấn đề.

Đấy! Cách nhanh nhất để giải quyết bất cứ vấn đề gì không phải là mình cố gắng xoay vần nó, mà là hiểu bản chất của nó. Thậm chí hiểu bản chất của nó nhiều khi chẳng phải làm gì nó vẫn giải quyết được. Thế nên người lười trở nên những người rất thông minh. Vì họ đi tìm bản chất vấn đề.

Những người chăm thì không tìm bản chất. Đúng không? Sếp bảo hãy đóng cho tôi một trăm cây đinh lên tường. Chăm quá gì nữa, dễ đúng không? Lấy hộp đinh này, lấy búa này, xong đóng đóng đóng… Xong. Đúng không? Phải xong không? Chuẩn không? Đấy là ông chăm. Ông lười hỏi: “Sếp, sếp giao việc này cho em để làm gì ạ?” (Mọi người cười to)  Tường nhà đang đẹp thế kia đóng một trăm cái làm gì? Sếp bảo: “Tôi muốn treo trăm cái áo lên tường”. Đúng không? “Ôi! Dễ quá. Thế thì cần gì phải đóng một trăm cái đinh”. Có gì treo một trăm cái áo dễ hơn? Tôi lấy cái dây xuyên áo lại, buộc vào, đóng hai cái đinh, treo lên. Thế là xong. Chỉ cần hai cái đinh thôi treo được trăm cái áo. Còn ông chăm thì sao? Hì hục lấy búa, lấy đinh, đóng nửa ngày xong rồi xoa tay sướng quá: “Mình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Đấy là ông chăm. Ông lười thì bản chất đã là gì? Đã ngại rồi. Nghe đóng một trăm đinh là thấy thế nào?

Một bạn: Oải quá…

Thầy Trong Suốt: Oải quá nên buộc phải đi tìm… Tìm gì? Tìm bản chất vấn đề. “Sếp muốn đóng đinh làm gì, thưa sếp?”, đúng chưa?

Thậm chí nếu mà mình còn lười hơn mình bảo là: “Thưa sếp, thế sếp treo một trăm cái áo lên tường để làm gì?” (Mọi người cười) Đúng chưa? Sếp bảo: “À, tôi muốn là vợ tôi cảm thấy rằng tôi đã mua cho cô ấy rất nhiều quần áo”. Đấy! Tôi muốn là vợ về nhà cảm thấy rằng là nhân ngày đặc biệt, ngày sinh nhật em chẳng hạn “Anh tặng em một trăm cái áo liền”. Thế là cô này bảo gì? “Anh đưa em hóa đơn đây. Em chụp ảnh, nhắn tin cho vợ”. Thế là xong! Khỏi phải chứng minh gì cả.

Đấy! Ông lười ông ấy tìm bản chất mà. Nên người lười thực chất là người rất thông minh. Vì họ đi tìm bản chất vấn đề, nên họ mới thấy được bản chất vấn đề. Nên nhà Phật nói rằng Phật bộ sẽ có một loại trí tuệ, gọi là trí tuệ thấy được bản chất của mọi thứ. Từ chuyên môn gọi là “Pháp Giới Thể Tánh Trí”- thấy được bản chất của mọi việc.

Cái ông Liên Hoa là ông thấy được tính chất của mọi thứ. Cái này dài bao nhiêu, cao bao nhiêu. Nhưng ông lười ông không thấy tất cả các tính chất đấy. Nhìn cái bàn này, ông Liên Hoa nói là gì: “Ồ, cái bàn này có bốn chân này, đúng không? Khả năng nó làm bằng gỗ này. Gỗ này chắc gỗ tự nhiên không phải gỗ nhân tạo. Cái bàn này ngăn bàn có thể dùng để đựng quần áo; ở trên để đựng chén…” – Đấy gọi là thấy tính chất.

Ông lười thấy cái bàn đấy là thấy cái gì? Cái bàn nó là cái bàn. (Mọi người cười to) Sao phải biết 100 thứ làm gì? Khi nào người ta bảo là: “Anh ơi, hãy làm cái này cho em” thì mình mới quan tâm là gì? Cái bàn để làm gì? Còn tại sao lại nhìn cái bàn mà nghĩ ra một trăm tính chất của nó làm gì? Đấy! Đấy là người lười.

Nên người lười thực chất là những người chịu khó đi tìm bản chất của vấn đề. Vì ông lười quá mà ông vẫn muốn làm, vẫn phải làm. Ví dụ ở đây những người tắm ít đi, tại sao tắm ít vẫn chịu nổi? – “Thưa anh! Bản chất vấn đề là…”. Muốn nghe nói không? “Trên thân thể chỉ có vài chỗ ngứa thôi…” (Mọi người cười to) – “Thế là tuy em tắm ít nhưng em chỉ giải quyết đúng chỗ ngứa ấy”. Thì sao? Chẳng vấn đề. Xong luôn. Đấy! Hiểu bí quyết tắm ít chưa? Bí quyết tắm ít là gì? Hiểu được bản chất của vấn đề là trên thân thể… chỉ có vài điểm thôi và giải quyết nó là xong. Thế là xong!

Đấy! Lười đấy! Đúng không? Những người lười chắc chắn là bảo vệ môi trường, tiết kiệm nước đúng không? Tiết kiệm rất nhiều thứ. Tiết kiệm xà phòng này đúng không? Tiết kiệm tiêu dùng, bảo vệ môi trường. Như vậy là lười đâu phải nhược điểm đâu. Ưu điểm quá gì nữa! Nhất là sống trong xã hội môi trường bị hủy hoại thế này, thì toàn người lười thì tốt quá. Tiêu dùng ít hẳn đi, đúng không? Tắm giặt ít đi, xà phòng không tiêu thụ, dầu gội đầu, tất cả những thứ mà con người hay tiêu dùng giảm 1/10. Đấy, đấy là ví dụ.

3. CHUYỂN HÓA LƯỜI THÀNH THÀNH CÔNG VÀ HẠNH PHÚC

3.1 LƯỜI không hề xấu

Thầy Trong Suốt: Như vậy lười có phải xấu không ạ? Thật ra lười không hề xấu. Lười không hề xấu tí nào luôn. Bản thân Bill Gates là người lười hay người chăm? Đố mọi người biết?

Một bạn: Lười ạ.

Thầy Trong Suốt: Bill Gates không phải người chăm như các em tưởng. Ông ấy là người giàu nhất thế giới đúng không? Nhưng phần Phật bộ của ông ấy rất mạnh. Trong hồi ký ông viết thế này: “Khi còn học đại học, tôi đến lớp và thầy cô giáo bắt tôi phải nhớ quá nhiều kiến thức, học quá nhiều thứ. Tôi ra một quyết định khôn ngoan nhất mà tôi đã từng quyết định. Đó là…”?

Mọi người: Bỏ học…

Thầy Trong Suốt: Bỏ học vì lười! Đấy! Sướng không? Bản chất vấn đề không phải là học đại học. Vấn đề là làm cái gì đó ra hồn. Tôi làm cái ra hồn, nên tôi học đại học để làm gì? Ông hiểu bản chất vấn đề là không phải là học một đống kiến thức.

Ở đây các em biết này, các kiến thức đại học của các em còn sử dụng bao nhiêu phần trăm. Tính từ lớp 1 đến lớp 12 đi. Có ai còn nhớ đến vi phân, tích phân không? Các công thức hóa học khác nhau không? Phương trình bậc hai còn ai nhớ không? Trong cuộc sống có dùng không? Có ai dùng căn bậc hai trong cuộc sống không? Bậc hai còn chưa bao giờ dùng trong cuộc sống luôn. Công thức hóa học thì không bao giờ dùng; kiến thức vật lý thì tốc độ ánh sáng có dùng bao giờ không? Rồi là đòn bẩy các loại, mấy khi. Như vậy bản chất là gì? Rất ít thứ sử dụng. Thế mà học tất cả mọi thứ. Nên lựa chọn của người lười là gì? Bỏ học. Chuẩn rồi. Đấy!

Nhưng chưa hết, ông chưa dừng ở đấy, chưa phải là hết. Ông ấy thích lập trình. Khi lập trình, ông thấy là gõ một câu lệnh rất nhiều, rất là mệt. Ở đây có ai dân lập trình hoặc kỹ thuật không? Nghĩa là để viết một chương trình, ví dụ trong điện thoại mình có một cái máy tính, đúng không? 3×5 bằng mấy đấy… Thì muốn làm cái đấy phải lập trình. Chứ không phải tự nhiên nó có. Mà phải viết một cái phần mềm cho người ta ấn vào nút này, ấn vào nút kia.

Thì chiếc máy tính của thời ngày xưa nó không hề có phần mềm tính toán luôn. Muốn tính 3×5 bằng mấy phải viết một đoạn chương trình dài thế này này…  X=3, Y=5 xong rồi lấy X x Y=15, xong rồi viết ra màn hình số 15. Nghĩa là nó phải lập trình rất là lớn để làm phép tính 3×5 bằng mấy. Thì Bill Gates bảo cái công sức để viết lập trình này quá mệt mà mình lại lười, nên mình sẽ tạo ra một cái giao diện mới, không phải những dòng lệnh nữa, mà gọi là các cửa sổ. Kéo thả, cầm cái này thả vào cái kia.

Ngày xưa mình copy một file từ ổ cứng ra ổ mềm phải gõ đống lệnh. Bây giờ tôi chỉ cần cầm hình cái file đấy từ cửa sổ ổ cứng, kéo vào cửa sổ ổ mềm. Bây giờ không có ổ mềm, USB đi, thế là thành copy. Thấy lười không? Vì ông rất lười nên ông không muốn mình phải lặp đi lặp lại những việc quá phức tạp nữa, thế là ông làm ra một cái gọi là Windows bây giờ mình dùng đấy. Bây giờ hầu như ai cũng biết dùng Windows, và tính chất kéo thả, dễ không? Đấy! Windows, kéo thả là tác phẩm của Bill Gates, của một người siêu lười.

Như vậy người lười đâu có phải tệ lắm, đúng không? Người lười toàn nhà phát minh vĩ đại luôn, đúng không? Ở đây có ai nhờ lười mà có một cái thành công gì, mọi người kể xem nào. Không nói chuyện Bill Gates vội, Bill Gates là chuyện quá xa. Có ai trong cuộc sống có những cái nho nhỏ nhờ mình lười mà tìm ra một giải pháp tốt? Những bạn lười nhớ lại đi ạ?

Vũ Minh: Thưa anh, em nghĩ là em lười nên em rất là cố gắng để kiếm tiền sau rồi thuê người khác làm giúp mình…

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Lười giặt quần áo thì kiếm tiền thuê giúp việc, thế là cố kiếm tiền. Cũng được, đấy là một loại ví dụ. Có ai có ví dụ khác không ạ? Lười nấu ăn thế là gì? Lấy vợ. (Mọi người cười to) Nấu ăn ngại quá, thôi lấy vợ. Có những người lấy chồng, có những người trong nhóm ở đây là chồng còn chăm hơn cả mình. Ở đây có ai ở nhà chồng chăm hơn vợ không ạ? Ba người vừa xong miêu tả đi ạ.

Một bạn: Dạ thưa, em rất là lười lau nhà. Nên ông xã lau rồi dọn dẹp nhà, làm hết việc.

Thầy Trong Suốt: Được. Rồi. Tốt! Lười như thế sướng đúng không? Lười thế sướng chứ nhỉ?

Vũ Nhi: Dạ em cũng vậy ạ. Về nhà đã thấy nhà cửa sạch sẽ rồi, mình chẳng phải làm gì hết.

Thầy Trong Suốt: Vì mình lười nên mình sẽ lấy một người…?

Một bạn: Siêng năng ạ.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Vì mình lười đúng không? Mình sẽ lấy một người gì cho nó giải quyết vấn đề? Siêng là xong. Thay vì lười ngày nào cũng phải đi nghiến răng, nghiến lợi lau nhà. Mình chỉ cần làm gì thôi?

Mọi người: Lấy chồng siêng là được.

Thầy Trong Suốt: Lấy chồng siêng dễ hơn hẳn! Mọi vấn đề đều được giải quyết, đúng không? Xong! Bà ngồi bà rung đùi luôn. Đấy! Mọi người biết bài “Bà ngồi bà rung đùi” chưa ấy nhỉ? Bài hát đấy mọi người không biết à? (Mọi người xì xầm)

Sòn sòn sòn đô sòn, mọi người biết không?

Bà ngồi bà rung đùi…

Bà ngồi bà rung chân

30 chiến sĩ hành quân

Xông ra bóp chân cho bà

La là la là là la…

La là la là là la…

La la là la la la…

Là la là la la la…

Sau đó là la thôi. Bóp chân xong thì chỉ có la thôi còn gì nữa, đúng không? Đấy! Bà lười bà rung đùi thế mà vẫn có người bóp chân. Vì sao bà lại giỏi đến như vậy? Muốn bóp chân mà chỉ cần rung đùi mà vẫn có người bóp chân. Đố biết bí quyết là gì? Mọi người thử nghĩ cho bà trong bài hát, phương pháp nào để muốn bóp chân mà ngồi rung đùi là có người đến bóp chân luôn? Bà rất lười.

Một bạn: Giàu…

Thầy Trong Suốt: Ví dụ là giàu nhưng giàu quá phức tạp, quá khó.

Duy Minh Tuấn: Kiếm nhiều tiền…

Thầy Trong Suốt: Quá khó. Bà đến nơi của những người hay làm tình nguyện ấy. Xong ngồi rung đùi: “Bà mỏi quá!”. Đấy là một ví dụ về việc thông minh đấy! Đúng không? Thế là 30 chiến sỹ hành quân, chiến sỹ mà – là những người rất yêu lao động và bảo vệ người già và trẻ em, bóp chân cho bà luôn. Bà chỉ việc kêu vài cái thôi. Còn ai giơ tay nữa nhỉ?

Vũ Thảo: Dạ em cũng thế ạ.

Thầy Trong Suốt: Rồi! Chồng chăm hơn vợ. Kết quả là…?

Vũ Thảo: Dạ kết quả là chồng làm hết ạ.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Thế là mình…?

Vũ Thảo: Ngồi rung đùi.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Chuẩn rồi! Chồng em có đến đây không?

Vũ Thảo: Dạ có! (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Chồng của em là ai ấy nhỉ?

Vũ Thảo: Kiều Phong ạ.

Thầy Trong Suốt: À, Kiều Phong! Em phát biểu đi. Em thấy lấy người vợ lười sướng hay khổ? (Mọi người cười to)

Kiều Phong đâu rồi? Không dám nói à? Bảo sướng quá à? Cười tủm tỉm nãy giờ hả? Được. Đấy, thấy chưa! Mình đã lười, ông làm hết rồi, ông lại còn sướng nữa thì còn gì bằng. Lười nên mình rất hiểu chính mình. Mình muốn giải quyết vấn đề mình phải hiểu bản chất, đúng không? Hiểu bản chất của mình là lười thì mình đi lấy ông chăm. Còn những người không hiểu bản chất của mình là lười. Cứ nghĩ là mình chăm, lấy ông lười. Kết quả là gì?

Pháp Nguyên: Nhà là một bãi rác.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Bản chất mình đã không phải là chăm rồi, nhưng mình lại nghĩ là mình chăm, không hiểu bản chất mà, thế là mình lấy một ông lười về nghĩ là mình sẽ là một người vợ chăm chỉ đảm đang. Kết quả sau mười năm sau thì sao? Bản chất lộ ra. Sớm muộn gì cũng lộ ra. Sống với nhau một thời gian thì lộ hết. Thế là mình thấy mình cũng không chăm như mình tưởng. Mình không yêu anh ấy như mình tưởng. Mình cũng không hy sinh giỏi như mình tưởng. Còn người lười hiểu ngay từ đầu rồi. Mình lười như thế này rồi mình phải lấy một gã chăm, buộc phải lấy người chăm. Thế là ngon! Ở đây những ai lười mà chưa lấy chồng giơ tay ạ. Rồi! Đấy! Sướng chưa! Biết bí quyết chưa? Muốn hạnh phúc mà mình lại lười, thì sao? Có hai lựa chọn.

Một cô gái lười mà muốn hạnh phúc thì nên lấy một người đàn ông như thế nào? Có hai lựa chọn: A

Một bạn: A- Chồng giàu…

Thầy Trong Suốt: (Cười) Được. Giàu tốt! Ba lựa chọn đi.

Rồi B – Chồng chăm.

C?

Một bạn: Lười.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Bạn nào đó thông minh đấy. Bạn nào đấy nhỉ? Em à? Ai nói chữ lười ấy nhỉ? C là gì ạ?

Một bạn: Chồng lười.

Thầy Trong Suốt: Ông chồng lười. Lấy một ông chồng lười là tốt. Ông ấy không có tiêu chuẩn. Ông ấy cảm thấy cái lười của mình là rất ngon. Vì ông ấy cũng lười mà. Những người lười thường dễ thông cảm cho nhau. Đấy! Lấy ông lười thì mình có được sự thông cảm. Lấy ông chăm thì được phục vụ. Lấy hẳn hai kiểu đi; hoặc là chăm, hoặc là lười. Đừng lấy kiểu ở giữa.

Lười mà hiểu bản chất thì không hề xấu.

3.2  Hiểu bản chất của vấn đề

Thầy Trong Suốt: Như vậy làm thế nào để chuyển hóa tính lười. Chính xác không phải chuyển hóa đâu. Chuyển hóa cũng được, mà sử dụng cái lười đấy một cách hiệu quả. Theo mọi người, chuyển hóa lười thành hiệu quả bắt đầu bằng cái gì ạ? Đầu tiên là phải hiểu bản chất. Hiểu của ai?

Một bạn: Hiểu mình…

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Đầu tiên mình phải hiểu mình. Đầu tiên phải hiểu bản chất của mình đã. Mình đừng có nghĩ mình là cái kiểu người mình tưởng tượng ra nữa. Thừa nhận đi. Đấy! Con người rất là hay ảo tưởng về chính mình mà. “Không, mình cũng chăm đấy chứ nhỉ? Mình cũng thế này thế kia chứ nhỉ!”. Không! Bước một, bước đầu tiên của các bước là gì? Hiểu bản chất của ai? Hóa ra mình chỉ là một kẻ lười biếng. Nhưng mà không vô tích sự, mình làm được cái này cái kia. Bước đầu đấy. Mình hiểu bản chất của mình.

Thực chất là trong cả năm bộ, bộ nào muốn giải quyết nó, mình phải hiểu bản chất đã. Mình phải thừa nhận chính mình đã, thừa nhận người khác thì không cần. Nhưng mà chính mình phải thấy thật ra là gì? Hóa ra mình thuộc loại… gì? Lười gì?

Mọi người: Bẩm sinh?

Thầy Trong Suốt: Lười bẩm sinh. Đấy! (Mọi người cười)

Ở đây có bao nhiêu người trước khi đến buổi này, đã thừa nhận một cách rõ ràng với chính mình là mình lười bẩm sinh? Không hy vọng mình chăm lên được nữa, bỏ hẳn luôn hy vọng mình chăm lên! Trước buổi hôm nay, tự thấy luôn là: “Thôi, mình không thể chăm được”?

Bao nhiêu người bảo mình “Hãy chăm lên đi!”, nhưng mình biết thừa, kiểu như mình là hết cách rồi, không chăm được. Bao nhiêu người là thế giơ tay ạ? Ít quá nhỉ? Như vậy rất nhiều bạn vẫn còn hy vọng đúng không? “Là bằng một cách thần kỳ nào đó, tôi sẽ trở nên chăm chỉ hơn. Bằng một cách thần kỳ, ví dụ như nghe Trà đàm của anh Trong Suốt (mọi người cười), khi đi về tôi sẽ trở thành một người… hay lam hay làm”? – Không có luôn, trên đời không có cái đấy. Đấy! Chúng ta chỉ tận dụng cái lười vào việc hiệu quả thôi, chứ còn tin buồn là không thể chuyển lười thành chăm được. (Mọi người cười) Lười bẩm sinh! Tin buồn đấy, tin buồn ngày hôm nay, bạn nào đang hy vọng thì thôi. Hôm nay là tin buồn, nghe tin như sét đánh ngang! (Mọi người cười to) Đấy! (Trong Suốt cười) Đấy! Rất tiếc là thôi, chịu rồi.

Bao nhiêu người chấp nhận nổi cái thực tế phũ phàng vừa xong? Bao nhiêu người chấp nhận nổi là: “Thôi, mình chẳng chăm lên được”, giơ tay ạ?

Ít quá nhỉ? Chứng tỏ mọi người vẫn hy vọng. Thôi, hy vọng chắc phải về thôi, buổi hôm nay không nói về hy vọng mà, những người nào hy vọng không làm gì đâu. Chỉ có 6, 7 người chấp nhận thôi à? Tính lại đi ạ. Bao nhiêu người chấp nhận: “Thôi mình không thể chăm lên được”, giơ tay ạ? À được, khá hơn rồi đấy, được, được, đấy! Bây giờ ba chục rồi đấy!

Bước một là gì? Hiểu bản chất của…? Của ai ạ?

Một bạn: Của vấn đề.

Thầy Trong Suốt: Không phải của vấn đề. Của ai ạ? Của chính mình. Bản chất của mình là gì? Lười bẩm sinh. Tuy nhiên lười không có nghĩa là vô vọng, nhưng tôi đã lười rồi thì tôi phải quan tâm đến một thứ. Khi tôi làm bất kỳ cái gì, khi tôi ra bất kỳ lựa chọn nào, tôi phải quan tâm một thứ thôi! Đó là cái thứ gì?

Tôi biết là tôi lười rồi đúng không? Tôi có việc phải làm, vậy thì khi làm bất kỳ cái gì tôi quan tâm đến một thứ thôi. Tôi hiểu được mấu chốt của nó, bản chất của nó cũng được. Ví dụ: “Tôi làm cái này để làm gì?” – Câu hỏi đầu tiên là làm để làm gì? Chứ đừng nói là phải làm thế nào. Những người chăm là lập tức nhảy vào “Làm thế nào”. Đấy! Rồi thì làm sẽ hay ho thế nào, tôi được cái gì. Đấy là việc của những người khác.

Ví dụ như thế này: Mẹ bảo: “Con cắm hoa đi”.

Liên Hoa bộ sẽ nghĩ thế nào biết không? “Ồ cắm hoa xong đẹp lắm”. Sướng! “Cắm hoa xong căn nhà sẽ rực rỡ toàn hoa”. “Có đẹp không nhỉ?”… Nếu đẹp thì sẽ làm, không thì thôi. Đấy! Liên Hoa bộ mà. Thích cái đẹp mà! Đấy là việc của bọn nó, mình không cần phải nghĩ như bọn nó.

Nghiệp bộ sẽ nghĩ như thế nào? Mình hoàn thành mục tiêu này, mẹ sẽ cho mình cái gì? (Mọi người cười) Được cái gì là Nghiệp bộ mà. Hỏi: “Mẹ ơi, thế mẹ cho con cái gì?”. Mẹ bảo cho lời khen, thế là đi làm luôn. Hăm hở đi làm. Đấy! Nghiệp bộ đấy.

Bảo Sanh bộ thì sao? (Mọi người phát biểu ý kiến) Hả? Đúng rồi! Mình cắm xong mình sẽ hơn hẳn bọn nó. Nhất! Nhất trong cả căn nhà này, căn nhà một người này – Ta nhất! (Mọi người cười lớn) Vì mình cắm được hoa mà, người khác không cắm được. Mẹ không cắm được lại phải nhờ mình. Đấy! Thế là nhất, đấy là Bảo Sanh.

Kim Cương là gì? Kim Cương là khuôn mẫu mà. À quên mất lúc nãy chưa nói, Kim Cương đặc điểm là rất khuôn mẫu. Mẹ bảo làm thì làm thôi. Hết. Khuôn mẫu mà, con thì phải ngoan. Hết. Làm con phải nghe lời mẹ. Kim Cương đấy. Đúng rồi! Làm con phải nghe lời mẹ. Thế là… hùng hục đi làm.

Đấy! Bốn bộ còn lại họ làm như thế đấy. Nghiệp bộ phải được cái gì. Đấy! Biết rõ được cái gì thì làm. Liên Hoa thì đẹp, thích thì làm, không thì thôi. Bảo Sanh, làm xong thấy mình hơn thiên hạ là làm. Kim Cương là đúng khuôn mẫu thì làm, mẫu là: “Con nghe lời mẹ thì làm”. Nếu mình có khuôn mẫu là “nhiều hoa quá thì không nên” – thế thì không làm”. Đấy! Kim Cương là thế đấy! Theo mẫu, không biết lý do mẫu đấy là gì hết, cứ trong đầu có sẵn mẫu gì lấy mẫu đó ra dùng. Đấy là Kim Cương.

Nhưng Phật bộ nên làm thế nào? Thì những ai nghe bài này rồi, thấy mình là Phật bộ phát biểu đi nào! Mẹ bảo: “Con đi cắm hoa đầy nhà cho mẹ”. Phật bộ sẽ làm gì?

Mọi người: Cắm để làm gì mẹ?

Thầy Trong Suốt: Ờ đấy, “Mẹ ơi, cắm để làm gì?”, mặt dài thượt ra đúng không? “Mẹ ơi cắm để làm gì” – Đấy! (Mọi người cười) Mẹ bảo thế nào? “Tối nay sẽ có một đoàn các thầy cô và các bạn cũ của mẹ đến. Mẹ muốn làm cho mọi người thấy là con gái của mẹ rất là khéo tay”. Đấy! Hóa ra động cơ là như thế. Bốn đứa kia nó có hỏi không? Bốn đứa kia không thèm hỏi luôn. Nói chung bộ của họ là thế. Họ không hỏi, cứ thế mà làm thôi. Nhưng mà mình là Phật bộ cơ mà! Phật phải vô cùng thông minh. Phật mà! Phật là người hiểu bản chất vấn đề của thế giới mà! Nên là, hóa ra là mẹ muốn khoe là gì? Mình khéo tay đấy.

Rồi, hóa ra bản chất vấn đề là gì? Không phải là hoa, không liên quan gì đến hoa, mà liên quan đến gì? Đứa con gái khéo tay. Như vậy chúng ta phải làm gì bây giờ? Đứng trước thực tế phũ phàng đó. (Mọi người cười) Phải cắm đến mấy chục lọ hoa. Chúng ta phải làm gì? Nào, theo các em? Ở đây có những ai lười sáng tạo xem nào?

Một bạn: Em nghĩ là, bản chất nó là khéo tay ạ… Vì thế không cần thể hiện bằng cách cắm thật nhiều hoa, mà chỉ cần một lọ và đẹp là được rồi.

Thầy Trong Suốt: Đấy là một ví dụ. Cắm nhiều hoa làm gì? Đúng không? “Để con ra ngoài hàng, con mua một lọ hoa thật đẹp về”. (Mọi người cười) Mà mình nghĩ trong đầu thế thôi, xong con bảo mọi người là: “Chính tay em đã làm nó”, “Đúng rồi, em làm cái này, em mang từ cửa hàng về ấy. Em làm ra tiền để mua nó đấy”.

Đúng không? Mình sẽ lấy, mình sẽ trích những đồng lương của mình ra để mua nó về. Phải chính tay mình làm ra nó không? Thế là thôi, thế là gì? Thành công quá rồi gì nữa. Đúng không? Khi mọi người đến: “Ôi hoa đẹp quá!”. Mình đứng trước hoa và nói gì? “Chính tay em, chính bàn tay lương thiện này  đã làm ra nó”. (mọi người cười lớn)

Ngất không? Ngất hết chứ gì nữa? Thế là mọi người về hết và rất là hạnh phúc, còn mình có làm cái gì không?

Mọi người: Không ạ.

Thầy Trong Suốt: Mình chỉ bỏ tiền ra mua, rõ ràng vẫn là nhàn hơn nhiều. Đúng chưa? Đấy!

Thậm chí nếu mình có một đứa bạn, mà nó cắm hoa đẹp ấy thì còn nhờ nó làm luôn. Lười mà! Đỡ phải mua. Chính em đã làm điều này xảy ra. (Mọi người cười) Đấy! Đúng chưa? Người lười mà, chính em đã làm điều này xảy ra.

Như vậy lười sướng không? Thông minh không? Thứ hai là lười nếu mà giỏi hơn nữa thấy là gì? Cái bản chất của việc khoe khoang là cái gì? Khoe là mẹ oách, có nên không?

Một bạn: Không nên.

Thầy Trong Suốt: Đấy là kiêu ngạo, lười mà. Mình lười, bây giờ mình có làm, bản chất vấn đề cũng chỉ là để cho mẹ mình được kiêu ngạo thôi. Đã thế thì sao? “Bà chẳng làm nữa!” (Mọi người cười) Làm cho người ta kiêu ngạo thì làm làm gì? Làm xong ấy, nếu không thành công, hoa xấu, thì mẹ mình xấu hổ, cũng chẳng tốt. Làm xong nếu thành công, hoa đẹp, thì mẹ mình trở nên kiêu ngạo. Cả hai trường hợp đều không tốt. Vậy thì… Thôi, khỏi làm. Đấy! Lười giỏi nhất lại còn thế nữa, chẳng làm. Mẹ bảo, “Vâng, vâng để con làm!”. Xong rồi đến lúc đấy: “Ôi, con quên mất, con có việc gấp phải đi ngay”. Đúng không? “Con có việc gấp”. Đấy! Thế là vừa không phải làm gì. Đúng chưa? Mà vừa không gây vấn đề gì với thế giới cả. Đấy! Lười có thể thấy được vấn đề sâu sắc như thế luôn. Đấy là cái lợi của lười đấy.

Cái người lười, bản chất là người ta đã không muốn làm rồi. Đúng không? Nên họ phải đi tìm hiểu bản chất của vấn đề, để xem có đáng làm hay không. Còn những người mà muốn làm, thì chẳng hiểu bản chất còn gì nữa, cứ thế mà làm thôi. Cái người lười ấy, các xu hướng bẩm sinh của họ là không muốn làm, nên họ buộc phải tìm hiểu một cách sâu sắc bản chất của vấn đề, hơn những người khác.

Ví dụ trong trường hợp đấy, tốt nhất là làm gì? Trường hợp cắm hoa ấy?

Một bạn nam: Chẳng làm.

Thầy Trong Suốt: Chẳng làm! Làm làm gì? Ích lợi gì đâu? Bản chất là vụ này bất lợi. Đấy! Như vậy là người lười có cần bỏ cái lười đi không? Chỉ cần tăng cái gì lên? Tăng phần trí tuệ lên. Người lười rất sướng ở chỗ đấy. Khoa học hiện đại đã chứng minh là những người lười thường thông minh hơn những người chăm, sáng tạo hơn. Vì người chăm dành quá nhiều năng lượng để hành động – hoạt động ấy. Còn người lười dành nhiều năng lượng hơn để suy nghĩ. Cái này có khoa học chứng minh luôn. Người chăm dành quá nhiều năng lượng hành động, hoạt động. Làm cái này, làm cái kia xong, còn đâu sức mà nghĩ? Ông lười thì sao? Nằm nghĩ, nhởn nha chẳng có gì làm thì nghĩ. Đấy, nên thường là sâu sắc, thường dần dần trở nên sâu sắc. Như vậy lười là ưu điểm hay nhược điểm?

Một bạn nữ: Ưu điểm!

Thầy Trong Suốt: Quá ưu điểm luôn! Sau khi nghe bài hôm nay xong còn ai thấy mình có vấn đề nữa không? (Mọi người cười)

Mình thấy mình rất là oách, người lười ấy. Miễn là… miễn là? Đố mọi người biết là gì? Phải làm gì? Miễn là phải hiểu bản chất vấn đề. Thay vì việc mình nghĩ là nên làm thế nào, thì mình nghĩ: “Sao phải làm?”. Hỏi thật nhiều cái “sao” đấy, dần dần đến bản chất vấn đề. Hỏi một cái “Sao?” chưa ra đâu. Đấy, như câu chuyện bà mẹ đấy. Cái “Sao?” đầu tiên chỉ là để khoe thôi nhưng mà dần dần nhiều cái “Sao? Sao?”… Lúc sau mình thấy chẳng cần thiết phải làm nữa. Lười hành động thì phải đào sâu suy nghĩ, đặt nhiều câu hỏi đến tận cùng. Và khi đến tận cùng rồi quyết định của mình sẽ rất là trí tuệ.

3.3 LƯỜI thông minh sâu sắc

Thầy Trong Suốt: Tại sao phải lấy chồng? Các bạn nữ ở đây trả lời đi. Ở đây bao nhiêu người sắp lấy chồng, muốn lấy chồng giơ tay ạ? Những người chưa chồng nhưng mà trong vòng khoảng hai năm nữa sẽ lấy chồng, giơ tay ạ! Không có ai à? Những ai trong vòng khoảng… dự định trong khoảng 5 năm nữa, mình sẽ lấy chồng giơ tay ạ? Hả? 1. Có mỗi một người thôi à?… 2, 3. Rồi. Ở đây có ai mà lười mà lại vừa muốn lấy chồng giơ tay ạ? Phải lười bẩm sinh cơ, chứ không lười bẩm sinh thì không tính. Có ai lười bẩm sinh mà muốn lấy chồng không ạ?

Em à? Rồi. Đấy, bài tập của em, câu một là gì: “Lấy chồng để làm gì? Tại sao lấy chồng?”

Một bạn nữ: Dạ, tại vì lười nên lấy chồng về để cho chồng đi làm kiếm tiền còn em ở nhà chỉ có việc trồng rau thôi.

Thầy Trong Suốt: Tại sao phải trồng rau?

Bạn nữ đó: Em thích trồng rau. Trồng rau là công việc không phải nghĩ.

Thầy Trong Suốt: À, muốn làm nhưng không phải nghĩ chứ gì? Rồi, đấy. Vậy bản chất vấn đề là gì? Bạn đấy lấy chồng để bạn đấy được ở nhà trồng rau. Hỏi thêm, tại sao em lại muốn trồng rau? Em muốn trồng rau bởi vì em muốn làm những việc mà không phải nghĩ, đúng chưa? Ở đây có ai có giải pháp sáng tạo hơn là lấy chồng không? Nghĩ đi ạ. Giải pháp của tôi là lấy chồng để chồng nuôi rồi tôi trồng rau, làm việc không phải nghĩ.

(Mọi người trao đổi)

Lấy chồng chỉ để được trồng rau ăn. Đau không? (Mọi người cười) Quá đau còn gì nữa?

Bạn nữ lúc nãy: Không ạ, trồng rau chỉ là một ví dụ.

Thầy Trong Suốt: À, thế ví dụ nào kinh khủng hơn đi.

Một bạn nữ: Dạ, tại vì em chỉ muốn làm mấy cái em thích. Chồng thì đi kiếm tiền nuôi em còn em ở nhà em đi học đàn Piano…

Thầy Trong Suốt: À! Đấy, lấy chồng để được học đàn Piano, được trồng rau. Một tay trồng rau, còn tay kia chơi đàn Piano… (Mọi người cười) Rồi, có phương án nào tốt hơn cho bạn một tay trồng rau, một tay chơi đàn không ạ? Ngoài lấy chồng ra ạ, lấy chồng là một phương án, còn phương án nào nữa không ạ? Mọi người thử nghĩ phương án cho bạn ấy đi. Rõ ràng lấy chồng mà để chơi đàn, trồng rau thì có đáng không ạ?

Một bạn: Không!

Thầy Trong Suốt: Quá không đáng! Đấy, như vậy em thuộc loại là lười, nhưng mà chưa chịu đào sâu suy nghĩ. Bây giờ em chỉ cần nghe buổi này xong em chuyển sang gì? Lười nhưng mà lại sâu sắc. Lười thì phải thêm sâu sắc nữa. Có một cái phương án gì mà lại không phải lấy chồng mà vẫn trồng rau, chơi đàn được?

Si Tara: Xin vào nông trường mà làm. Vừa trồng rau vừa có tiền.

Thầy Trong Suốt: À, cũng có thể là một phương án đúng không? (Trong Suốt cười) (Mọi người bàn luận)

Mà tại sao phải trồng rau, chơi đàn? Nghĩ đi nghĩ lại. (Mọi người cười to) Không hiểu nổi ở đấy nhỉ? Tại sao lại tay trồng rau, tay chơi đàn? Để làm gì chứ?

Si Tara: Có thể đấy không phải Phật bộ đâu ạ.

Thầy Trong Suốt: Em chắc là Liên Hoa bộ rồi. Lười nó không muốn trồng rau, chơi đàn luôn. Em không phải Phật bộ. Liên Hoa bộ thì mới thích trồng rau… À, chưa nói Liên Hoa bộ cũng lười, nhưng mà lười kiểu khác. Không phải chỉ có Phật bộ lười.

Có hai kiểu lười:

  • Một là lười kiểu Phật bộ vừa nói rồi.
  • Lười thứ hai của Liên Hoa bộ là “Cái gì mà tôi không thích ấy, tôi mới lười”. Đấy! Đã không thích thì lười. Nhưng mà đã thích thì sao? Lại rất chăm.

Đấy, cái lười của Liên Hoa bộ khác với cái lười của Phật bộ. Còn Phật bộ là gì? Tôi biết là đúng rồi, hay, tôi thích rồi mà tôi cũng vẫn lười. Liên Hoa là đã thích thì sẽ rất chăm. Phải phân biệt hai cái lười đấy khác nhau đấy. Đấy! Đã thích thì rất chăm, còn đã không thích thì lười, đấy là Liên Hoa bộ. Còn thích này, đáng làm mà vẫn chẳng muốn làm là Phật bộ. Em chắc là lười của Liên Hoa bộ rồi. Phật bộ nó không ngồi nghĩ chuyện trồng rau, chơi đàn đâu (mọi người cười), chắc chắn luôn. Đấy! Vì nói chung là lười.

Bạn nữ lúc nãy: Nói chung em có những lúc lười thì không ai lười bằng; mà siêng thì không ai siêng bằng.

Thầy Trong Suốt: Ừ, thì em không phải Phật bộ rồi. Tuy nhiên là ai cũng có phần lười kia thì cái cách quay lại vẫn là cách đào sâu suy nghĩ.

Một bạn nữ: Anh cho em hỏi nếu như mình lười làm, lười suy nghĩ luôn thì sao ạ?

Thầy Trong Suốt: Lười làm, lười nghĩ? Chuẩn rồi! Đúng rồi, tốt, chúc mừng em được kết nạp vào gia đình của nhà Phật, Phật bộ đấy. (Mọi người cười) Làm thế nào để lười làm, lười nghĩ mà vẫn… sống sung túc? Đúng là lười không? Lười làm, lười nghĩ… Đố mọi người biết làm thế nào? Đầu tiên mình vẫn phải đi làm thôi đúng không? Nhưng khi bắt đầu mình chọn cái việc gì mà lười mà vẫn được việc. Đấy, trong công ty sẽ có những việc mà chăm mới được việc, nhưng không ai biết rằng là trong công ty ấy, một công ty ấy thì có những việc mà lười vẫn được việc. Đố biết là việc gì?

Mọi người đoán: Lễ tân, kế toán, thủ quỹ…

Thầy Trong Suốt: Lễ tân là ví dụ, lễ tân là ví dụ tốt. Thủ quỹ cũng là ví dụ tốt. Làm gì?

Một bạn: Phòng kế hoạch.

Thầy Trong Suốt: Kế hoạch đúng rồi, chỉ tay năm ngón. Có một ví trí rất là lười mà vẫn ngon.

Mọi người: Tổng giám đốc ạ.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, Chủ tịch hội đồng quản trị. (Mọi người cười to)

Một bạn nữ: Em nghĩ cái đấy hơi khó.

Thầy Trong Suốt: Thế mình mới phải nghĩ ra cách. Ví dụ, lấy cưa cưa đổ ông đấy là xong. Vợ của Chủ tịch hội đồng quản trị, thế là xong, đúng không? Ví dụ thế. Hoặc là gì? Tìm cách làm trợ lý cho ông đấy. Ông ấy nhàn, thì trợ lý của ông ấy sẽ…? Mình phải tìm cái vị trí mà nó nhàn. Ví dụ như mình tiếp cận ông đấy và nói: “Anh ơi, em thấy rằng anh cần một trợ lý”. Ông ấy không nghĩ là cần một trợ lý vì ông ấy đã nhàn sẵn rồi mà. Đấy, nhưng mà mình tiếp cận bảo: “Không anh ạ, em cảm thấy vị trí của anh cần một trợ lý”. Xong mình vẽ một tương lai sáng lạng của chức trợ lý. Đấy, thế là ông ấy giao cho mình. Thế là sướng rồi! Đấy là sáng tạo đấy. Lười thực chất là rất sáng tạo.

Cái người lười vì muốn làm một việc rất nhàn chỉ có một cách duy nhất là gì? Không có lựa chọn nào luôn! Là sáng tạo. Thế là mình gặp ông Chủ tịch hội đồng quản trị nói là: “Anh ơi… ”. Em tập thử đi. Tìm cái ông mà mình biết rằng là làm trợ lý của ông ấy nhàn, đề xuất: “Anh cần một người như em”. Đấy, đấy là bước đầu tiên.

Một bạn nữ: Chưa chắc đâu anh.

Thầy Trong Suốt: Chưa chắc à?

Bạn đó: Ông ấy nhàn vì giao hết cho người trợ lý làm hết.

Thầy Trong Suốt: À thế thì mình tìm cái việc mà nếu mình làm trợ lý thì nhàn. Còn nếu mà ông ấy nhàn mà mình bận thì thôi tránh ngay. Đúng không?

Bạn đó: Ông ấy nhác nên giao hết…

Thầy Trong Suốt: Đấy, phải tránh. Hoặc là những bộ phận nhàn này, đầy. Một công ty bận thì chắc chỉ có 20% thực sự bận, khoảng 60% là không bận mấy hoặc là nhàn. Còn 20% chắc chắn là nhàn. Mình chỉ cần chui vào 20% đấy là thành công rồi còn gì nữa, đúng không? Đứng trong hàng ngũ 20% nhàn.

Kể cả một nhóm làm việc cũng thế thôi. Không cần một công ty, ở đây có ai làm việc theo nhóm ấy? Hôm nay ở đây có những bạn nhận rất nhiều việc, làm rất nhiều và có những bạn cũng tham gia nhóm, nhưng mà thấy từ sáng đến giờ đi chơi với anh. Chứng tỏ là gì? Có những người vẫn nhàn trong một đám đông bận. Có khoảng 7, 8 bạn, mình đi đâu họ đi đấy. Còn hội kia thì mất mặt luôn không biết ở đâu. Chứng tỏ trong một đám đông bận rộn vẫn có những việc nhàn hạ. Đúng chưa? Nhưng yêu cầu mình mấy điều:

Một, mình hiểu bản chất mình là lười đã, để mình đừng xung phong làm những việc chăm. Thậm chí có những người không hiểu luôn. Là xung phong làm những việc oách, việc hay, việc chăm. Những việc đấy về dài hạn mình không làm nổi đâu. Ngắn hạn mình sẽ làm được, nhưng mà dài hạn thì sao? Không hợp với bản chất của mình. Mình thức khuya dậy sớm mình không làm nổi. Mình chạy từ phòng ban này sang phòng ban khác, mình không làm nổi.

Nên là điều quan trọng nhất đầu tiên là phải rất hiểu mình đã. Hiểu bản chất lười của mình đã. Như vậy mình sẽ tìm cái việc mà nó hợp với cái tính lười của mình. Hoặc nếu mình đang có việc sẵn rồi thì mình sẽ tìm cách lười hoá nó đi mà vẫn được. Ví dụ như chỉ tiêu của sếp giao là mười, mà mình biết là mình lười thì mình tự động xin xuống sáu thôi. Đấy! Còn hơn là cuối năm không đạt chỉ tiêu. Thật đấy! Đấy là một việc rất cụ thể trong cuộc sống nhưng mình không nhận thức là mình lười nên mình nghĩ là gì: “Mình cũng chăm đấy chứ nhỉ!”. Và khi sức mình lười mà mình được làm chỉ sáu thôi thì mình rất sướng, mình rất sáng tạo trong cái sáu đấy.

Nên bước đầu tiên là mình nhận ra đã: Mình thật sự là lười. Bước này là bước khó nhất nhỉ? Nãy hỏi giơ tay có mấy ai giơ tay đâu? Mãi về sau khuyến khích mãi mới giơ tay. Chứng tỏ là đồng ý với chính mình là mình lười cũng đã gì? Quá khó rồi. Xã hội này chẳng ai muốn mình là lười cả. Mình hay bảo là: “Thôi, tôi thừa nhận tôi là lười nhưng tôi lười thông minh”. Mình chỉ là lười thông minh thôi chứ mình đừng cho mình một hình mẫu lý tưởng là chăm chăm cơ. Khỏi luôn! Không, tôi không chăm. Tôi là một người lười. Lười gì?

Mọi người: Thông minh.

Thầy Trong Suốt: Thông minh. Đấy, mọi người chuyển đổi hình mẫu lý tưởng. Mình muốn là ai thì dần dần mình sẽ hành động như người đấy. Mình nghĩ, mình muốn mình là ai, mình hành động giống như người mình muốn. Nên là bây giờ hãy chuyển cái mình muốn đi. Nếu đã lười bẩm sinh rồi thì mình hãy cho mình một thần tượng mới. Tôi sẽ giống?

Mọi người: Bill Gates.

Thầy Trong Suốt: Bill Gates! Đấy! Tôi sẽ là một người lười, tôi thừa nhận tôi là người lười nhưng tôi là một người lười thông minh, người lười sâu sắc. Tôi là một người lười nhưng mà sâu sắc. Ở đây có ai cảm thấy mình có tiềm năng làm người lười sâu sắc không? Tôi là một người lười sâu sắc! Một người… hai người, ba, bốn, năm… Tốt. Sáu… Được! Bảy, tám, chín, mười… Tốt quá! Mười một, mười hai, mười ba, mười bốn… Mình sẽ đổi hình mẫu của mình trước.

Thừa nhận mình là người lườinhưng mà lười thông minh, lười sâu sắc.

3.4 Thế nào là LƯỜI SÂU SẮC?

Thầy Trong Suốt: Thế nào là một người lười sâu sắc? Vừa lười vừa… sâu sắc. Thế thôi. (Mọi người cười to) Thế thôi! Dễ không? Không khó mà. Đúng không? Lười thì trời cho mình rồi! Mình cần làm mỗi phần nửa còn lại thôi. Phần nửa gì? Sâu sắc thôi. Thế nào là một người vợ lười sâu sắc? Nào, Thảo nói thử xem nào?

Vũ Thảo: Lười sâu sắc là lười nhưng mà mình hiểu việc gì quan trọng nhất cần làm, những việc ưu tiên nhất.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Thế nào là người vợ lười sâu sắc? Đầu tiên là người vợ lười bên cạnh đó lại là một người vợ sâu sắc. Thế là xong! Dễ quá còn gì nữa? Thế nào là một người chồng lười sâu sắc? Ở đây có ai là chồng lười sâu sắc không? Toàn là người chăm à?

Vũ Tâm: Dạ, chồng lười sâu sắc là nhác làm việc nhưng mà kiếm đủ tiền để nuôi vợ con.

Thầy Trong Suốt: Một là mình lười, hai là?

Mọi người: Sâu sắc.

Thầy Trong Suốt: Sâu sắc là thế nào?

Mọi người: Kiếm tiền đưa cho vợ.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, tìm điểm mấu chốt là vợ thích cái gì! Chứ vợ thích mười thứ mình làm cả mười thì sao? Lăn ra chết. Mình phải tìm được mấu chốt là vợ thích cái gì.

Si Tara: Tìm đúng chỗ ngứa.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Đấy. Cắm đúng chỗ ngứa đấy. Vẫn sướng mà lại không phải làm mấy. Tìm được mấu chốt là cái gì, mình phải nghiên cứu vợ. Đúng không? Muốn làm người chồng lười sâu sắc phải nghiên cứu ai? Vợ chứ còn gì nữa. Mình hiểu vợ một cách sâu sắc. Em về nghiên cứu lại đi. Lập công trình nghiên cứu. Đấy! Em hãy trở thành người chồng hiểu vợ một cách sâu sắc. Em sẽ thấy rằng người phụ nữ rất đơn giản. Người phụ nữ có vẻ mong rất nhiều điều nhưng không biết là họ cần điều gì. Còn sâu thẳm bên dưới họ chỉ cần một thứ thôi.

Một bạn: Tiền…

Thầy Trong Suốt: Không phải tiền đâu, ai nói tiền là quá kém. Đố mọi người biết là gì? Thế thôi, ai tìm ra được điểm đấy là xong. Người phụ nữ có thể nói cho mình nhiều điều: “Anh phải làm thế này, anh phải làm thế kia”. Nhưng mình sâu sắc mà, mình nghe mình bỏ ngoài tai hết, mình chỉ biết một điều, làm đúng điều đấy xong là thôi. Bao nhiêu cái lười các thứ, bao nhiêu tội trạng của mình là gì? Xoá sạch! Đấy. Nhưng em không sâu sắc em không thể tìm điểm đấy được, nên em phải làm mười thứ, đời em mới khổ. Đúng không? Đấy là người chồng sâu sắc đấy.

Em hãy về nhà, hãy nghiên cứu vợ, hãy tìm được một thứ mà vợ mình cần. Biết một thứ mà đổi được tất cả thứ khác. Đó là gì? Xong làm điều đấy xong là xong! Trở thành người chồng sâu sắc, chẳng phải làm gì cả. Đấy! Rồi. Quay lại người vợ lười sâu sắc. Còn ai nữa không nhỉ? Nguyệt đi! Thế nào là người vợ lười sâu sắc?

Minh Nguyệt: Người vợ lười sâu sắc là mình lười và mình hiểu là người chồng của mình muốn cái gì và mình cho họ đúng cái điều mà họ muốn.

Thầy Trong Suốt: Chuẩn! Em làm được chưa?

Minh Nguyệt: Dạ chưa! (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Vẫn chưa làm được à? Bao lâu rồi mà không làm được à? Em về lập bản đồ nghiên cứu chồng đi.

Minh Nguyệt: Thật ra em cũng biết mà em không làm nổi.

Thầy Trong Suốt: Thế à? Thế thì có thể chưa biết. Đấy, hoặc là em lười mà chưa sâu sắc. Ông chồng cũng thế thôi. Ông chồng thực ra chỉ cần một điều thôi. Làm xong điều đấy thì mình lười thoải mái. Mình nghĩ là phải nuôi con, rồi chăm cho bố mẹ hai bên, rồi quan hệ họ hàng, v.v… Đúng không? Đấy là cái ông chồng nói ra vì ông ấy chẳng biết ông cần cái gì cả, nên ông nói hết tất cả cái ông nghĩ.

Thế nhưng nếu mình lập bản đồ nghiên cứu. Ở đây có ai làm chồng không nhỉ? Giơ tay nào! (Có ba bạn giơ tay) Rồi, cho anh biết một thứ nếu mà mình làm được thì những thứ khác không quan trọng nữa. Ba ông chồng nghĩ đi, nếu vợ mình làm được điều đấy cho mình, thì những thứ khác là phụ hết.

Còn những bạn nữ ngược lại, ở đây có ai là nữ làm vợ không? Rồi. Một thứ mà ông chồng mình làm với mình thì những thứ khác là phụ hết. Nghĩ đi… Xem ai tìm ra được. Đấy, xem ai sâu sắc. Một thứ mà ông chồng ông làm được cho mình điều đấy thì những thứ khác là phụ hết. Một thứ mà bà vợ bà làm được điều đấy thì thứ khác là phụ hết. Em chọn phương án gì?

Vũ Thảo: Nếu mà chồng thể hiện sự quan tâm đầy đủ đối với mình, là đủ.

Thầy Trong Suốt: Bạn nói chỉ cần chồng quan tâm, nhận được sự quan tâm. Còn quan tâm có ra hồn thì không biết, đúng không? Ví dụ như là mình ốm, đến đánh gió cho mình. Còn đánh xong mình có ốm hơn không… (Mọi người cười lớn)

Đúng mà! Người phụ nữ có quan tâm đoạn sau đâu? Thật đấy. Người đàn ông cứ tưởng mình đánh gió cho cô ấy là cô ấy phải khoẻ đúng không? Thậm chí lấy cái lọ dầu đến hỏi em bị sao đấy? Sờ sờ mấy cái là mình đã gì?

Mọi người: Sướng!

Thầy Trong Suốt: Sướng. Đoạn sau không quan trọng nữa. Đấy là một ví dụ. Tất nhiên là mỗi người, mỗi gia đình có bí kíp khác nhau. Mỗi hoàn cảnh có bí kíp khác nhau. Nên đó là lý do phải nghiên cứu. Nhưng mình phải tìm ra điểm đấy. Mà mình muốn tìm thì mới tìm ra được. Vì sao? Vì mình lười. Vì mình lười mình sẽ tìm ra được, vì mình muốn đi tìm nó. Xong rồi mình cứ hỏi việc này xong ông ấy có thoả mãn không hay còn có thứ khác nữa. Dần dần mình sẽ tìm ra điểm mấu chốt đấy.

Ở công ty cũng thế thôi, có những ông sếp chỉ cần nhân viên làm một thứ mà ông ấy tự cảm thấy rằng những thứ khác đều tốt. Và nếu như nhân viên không làm nổi thứ đấy thì những thứ khác làm giỏi bao nhiêu thì vẫn cho là mình kém. Điều đấy rất phổ biến trong công việc. Ai hiểu bí kíp này mà lười thì thành công luôn. Mỗi ông sếp ấy, thực chất là mỗi con người nói chung ấy, có một thứ đối với họ là tối quan trọng. Những thứ khác, nếu mà thứ tối quan trọng thoả mãn rồi thì những thứ khác là phụ hết. Mỗi người, mỗi ông sếp, mỗi người chồng, mỗi người vợ đều có cái điểm đấy. Và nếu mình thuộc loại lười sâu sắc thì đi tìm điểm đấy hay là mình đi làm thoả mãn mười thứ cho ông ấy? Theo các em thì sao? Điều đầu tiên là mình đi thoả mãn mười thứ hay mình đi tìm điểm đấy đã?

Mọi người: Tìm cái điểm đấy.

Thầy Trong Suốt: Ở đây có bao nhiêu người biết là sếp mình có điểm tối quan trọng là điểm gì chưa? Chính ông sếp trực tiếp của mình ấy. Nếu mình chưa từng nghiên cứu thì không bao giờ có đâu. Mình chưa từng nghiên cứu thì mình sẽ đi làm tất cả những cái ông ấy nói thì hỏng rồi còn gì nữa! Đấy là một loại: “Chăm nông cạn” – chăm nhưng mà nông cạn. Ông ấy nói mười điều mình làm cả mười, kết quả là gì? May lắm thì ông hài lòng. Còn nếu cái điểm quan trọng mình không thoả mãn ông ấy được, ông ấy vẫn cho là mình kém dù mình đã làm được cả chín điểm. Đúng không? Đấy gọi là “Chăm nông cạn.”

Lười sâu sắc là gì? Lấy bản đồ ra, lấy sách vở ra nghiên cứu. Cái gì là điểm mấu chốt của ông sếp? Chỉ một điểm thôi! Điểm gì mà không có nó thì tất cả những thứ khác hỏng hết? Và có điểm đấy thì những thứ khác là phụ hết? Nếu ai chưa từng làm điều đấy thì hôm nay về làm đi, đảm bảo thành công trong công việc hơn là chắc. Chắc chắn luôn!

Ở đây đã ai từng làm điều đấy chưa? Ít người làm, vì ai cũng nghĩ là ông sếp cần làm mười thứ đúng không? Nhưng không phải đâu, một thứ thôi! Một thứ đấy mình thoả mãn ông ấy rồi thì những thứ khác trở thành phụ. Kể cả sai tí, nhầm tí cũng chẳng sao. Một thứ đấy mình không thoả mãn ông ấy được thì ông ấy sẽ cảm thấy mình kém, không làm được việc dù mình rất thành công ở những chỗ khác. Thứ đó là gì? Bất kì người nào cũng có cái đấy hết. Nghĩa là mỗi hoàn cảnh, mỗi ông chồng có một cái đấy, mỗi bà vợ có một cái đấy, mỗi ông sếp có một cái đấy, mỗi người nhân viên có một cái đấy. Như vậy là Thảo đã tìm ra được câu trả lời cho gia đình mình rồi đúng không?

Vũ Thảo: Dạ. Về phía chồng ạ.

Thầy Trong Suốt: Ừ về phía chồng đấy. Rồi. Em nào thử tìm một câu trả lời cho chính em. Vợ em làm một điều thì em thấy là xong hết, điều gì? Nếu bậy quá thì thôi. (Mọi người cười lớn). Ở đây có trẻ con, nếu bậy quá thì thôi. Nếu không bậy thì nói được.

Duy Minh Tuấn: À, em chỉ muốn vợ em quan tâm một chút thôi. Dạ, vợ mình thuộc tuýp là Phật bộ cho nên không có quan tâm đến người khác. Nhưng mà mình thì mình thích ví dụ vợ chồng đôi khi chia sẻ, cuộc sống đôi khi nó có thay đổi hằng ngày thì có sự chia sẻ. Thế thì nếu mà vợ em làm được điều đó em sẽ cảm thấy vui vẻ…

Thầy Trong Suốt: Đấy, mọi người thấy không? Ông chồng phát biểu hoá ra chỉ cần thế thôi. Còn những thứ khác chỉ là phụ hết. Có cái đấy xong thì rửa bát mười cái vỡ bảy cái vẫn ngon! Nếu chỉ cần quan tâm chia sẻ những việc nhỏ hằng ngày. Mọi người thấy không? Nhưng mà mình có bao giờ nghiên cứu không? Chắc chẳng nghiên cứu bao giờ. Chẳng ai nghiên cứu cái gì cả! Lười mà còn không sâu sắc, lười nông cạn. Mình nhớ là, mình nhận ra mình là lười rồi thì cần phải bổ sung cái gì?

Mọi người: Sâu sắc.

Thầy Trong Suốt: Mà sâu sắc thì dễ, vì sao? Chỉ nghĩ thôi. Sâu sắc chỉ ngồi nghĩ thôi mà, nằm ườn trên ghế rồi nghĩ thôi mà. Sâu sắc rất hợp với người lười. Đấy! Chỉ ngồi nghiên cứu chút thời gian là ra phương án. Ở đây những ai có vợ có chồng thử tìm một câu trả lời đi. Người kia – chồng hoặc vợ mình đấy, chỉ làm một điều đấy thôi thì những thứ khác đều phụ hết. Cho mọi người ba phút để suy nghĩ. Tất cả những người có vợ có chồng suy nghĩ hết đi.

Em là Phượng đúng không? Em có câu trả lời chưa?

Chị Phượng: Dạ chưa ạ. Nhưng em có một thắc mắc. Ví dụ như nếu lười biếng là ngại thay đổi, ngại chấp nhận những cảm giác xấu. Cho nên những cái gì bình thường thì mình cứ làm bình thường thôi ạ. Nhưng mà có cái gì đó thay đổi là sẽ có một cái cảm giác xấu đem tới cho mình. Mình bực mình, khó chịu lên, mình không muốn làm. Cái đó cũng là một phần của sự lười.

Thầy Trong Suốt: Rồi, như vậy em phải làm một thứ quan trọng là được. Em đừng thay đổi mọi thứ. Cái người lười rất muốn thay đổi mọi thứ vì mình thấy mình lười mà. Em hãy chấp nhận rằng mình có cái lười ấy rồi mình chỉ làm một thứ thôi. Người lười chỉ làm một thứ thôi. Vì mình lười nên mình được quyền làm một thứ thôi.

Chị Phượng: Không, em có một vấn đề, ví dụ trong công việc nếu cái việc y rập khuôn mẫu từ trước tới giờ làm răng là y vậy đó. Nhưng mà lâu lâu thay đổi một cái mẫu mới là em phải làm cả loạt lại từ đầu tới đuôi, em sửa hết lại. Là em thấy em khó chịu liền.

Thầy Trong Suốt: Đấy không phải lười đâu, đấy là Kim Cương, là khuôn mẫu. Cái khó chịu của em nó nằm ở Kim Cương chứ không phải nằm ở lười. Nó thuộc về khuôn mẫu của em. Em có một khuôn mẫu là mọi thứ không đổi. Em chỉ cần sửa khuôn mẫu thôi. Cái đấy là nghe bài về Kim Cương ấy. Chứ vấn đề của em không phải là lười. Em không lười. Lười là thế nào cũng được, thì lại phải làm thôi.

Chị Phượng: Mới là mình phải làm lại từ đầu.

Thầy Trong Suốt: À lười thì xách dép đi làm thôi, thở dài rồi đi làm. (Mọi người cười)

Lười nó không có vấn đề đấy mà Kim Cương có vấn đề đấy. Mấy vấn đề là: “Tại sao phải đổi mới?” này, “Thật là khó chịu quá đi”… Đó là Kim Cương. Cái đấy chỉ cần sửa mẫu thôi; em đổi cái mẫu: “Ừ cuộc đời là thế, có việc là thay đổi, công việc là phải thay đổi”. Sửa mẫu đấy xong là thấy bình thường ngay. Đấy! Em cho mình cái mẫu mới là gì? Đấy là… bản chất của công việc này. Công việc là như vậy đấy. Muốn có cái ăn thì phải có khuôn mẫu mới, thì là mọi thứ nó bình thường ngay.

Chị Phượng: Nhưng mà mọi việc nó vô cái guồng máy, là quen thuộc rồi. Lâu lâu đổi một phát, làm lại từ đầu.

Thầy Trong Suốt: Em cho luôn mình cái mẫu là gì: “Bảy ngày làm lại từ đầu một lần”. Đấy! Mẫu mới. Mình xác định nghề của mình là thế đi. Nhân quả của mình là thế cũng được. Nhân quả của mình là bảy ngày phải làm một lần, lại đổi mẫu mới. Vì chắc ngày xưa mình bắt ai đấy làm bảy ngày một lần rồi nên… Đời này nó bắt mình bảy ngày một lần. Đấy! Khi mình đổi sang mẫu thì mọi chuyện trở nên đơn giản. Cái đấy hoàn toàn nằm trong khuôn mẫu. Cái đấy không phải là lười.

Quay lại lúc nãy, vì mình lười đúng không? Mình được quyền làm một thứ. Bọn nó không phải bộ lười nên bọn nó được làm nhiều thứ. Mình là lười mình phải được làm một thứ nhưng thứ đó là thứ gì? Thứ quan trọng nhất. Vì mình là một người vợ lười nên mình được quyền làm một thứ cho ông chồng thôi. Nhưng vì đó là một thứ thôi nên mình sẽ chọn cái gì? Mình sẽ chọn thứ quan trọng nhất, mình phải chọn thứ sâu sắc nhất để làm nó. Đấy! Lười nên nghĩ, lười muốn chuyển hoá thì nghĩ như vậy. Em là cái gì?

Vũ Thảo: Dạ, em làm thứ quan trọng nhất cho chồng em đó là chồng em đi chợ nấu cơm xong em khen rối rít.

Thầy Trong Suốt: Chuẩn! Đấy! Hoan hô! Đúng rồi! (Mọi người cười, vỗ tay)

Chuẩn rồi, đúng rồi! Đấy là do nghiên cứu rồi đấy, do ở đây là có nghiên cứu. Đúng không? Mình làm đủ thứ để nghiên cứu và xong rồi thấy phát hiện ra là gì? Giống Tuấn đây này, hoá ra chỉ chia sẻ mấy cái việc lặt vặt. Thì trong trường hợp của em chỉ là gì? Khen thôi! Chuẩn luôn. Đấy, đấy là người lười sâu sắc, đấy là ví dụ đấy. Ngon không?

Mọi người: Ngon!

Vũ Thảo: Chồng em hăm hở làm tiếp tục. (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Chuẩn luôn! Chuẩn luôn! Đúng rồi, đấy là một loại chia sẻ đấy. Cái khen nó không phải là tán dương mà người ta sướng đâu. Người ta cảm thấy được chia sẻ trong cuộc sống. Thế thôi, có người chia sẻ với mình khi mình cống hiến cho gia đình, mình không làm những việc vô công vô ích mà chẳng ai quan tâm, có người chia sẻ với mình. Đấy! Chia sẻ không nhất thiết phải đứng ra gánh cùng đâu!

Vũ Thảo: Động viên…

Thầy Trong Suốt: Động viên cũng là một loại chia sẻ đúng không? Khen ngợi là chia sẻ đúng không? Thừa nhận cũng là một loại chia sẻ. Tốt! Đấy! Đấy là một ví dụ tốt. Lười nhưng mà lại sâu sắc. Vì mình lười nên mình làm một thứ thôi, mình có quyền làm một thứ. Thứ đó là gì? Thứ sâu sắc nhất. Tâm nói đi.

Vũ Tâm: Dạ, em nghĩ em làm cho vợ là quan tâm một chút…

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi.

Vũ Tâm: Hỏi han này. Lúc vợ mệt chẳng hạn thì mình quan tâm hơn hoặc là phụ vợ làm việc gì mà đơn giản.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Quan tâm đến cảm xúc cô ấy. Ngày xưa mình quan tâm đến túi tiền cô ấy. Mình cứ tưởng rằng là tốt. Không phải luôn! Mình đi làm hùng hục về, cả tháng về kiếm tiền đưa cho cô ấy đúng không? Mình gọi đấy là quan tâm nhưng đấy là quan tâm đến túi tiền cô ấy. Nhưng cô ấy không cần loại quan tâm đấy. Cô bảo ít tiền thì sống kiểu ít tiền, giàu thì sống kiểu giàu tiền. Đấy không phải việc đáng quan tâm. Mình chăm nhưng mình đánh sai chỗ. Đấy là chăm mà nông cạn đấy. Mình chăm mình đi kiếm tiền rất hùng hục. Mình nông cạn mình nghĩ rằng cô ấy chỉ quan tâm đến túi tiền thôi, thế là gì? Nhầm to!

Lười mà sâu sắc là gì? À, mình tìm xem thực sự điều gì, một điều thôi, mình làm thì cô ấy sẽ thấy tất cả, điều đấy là quan trọng hơn tất cả những điều khác. Và trong trường hợp của em là quan tâm tới cảm xúc của cô ấy chứ không phải quan tâm tới túi tiền đâu. Mà đàn ông nhầm nhiều lắm. Đàn ông hầu như nhầm cái điều đấy. Đàn ông nghĩ rằng mình làm những điều vĩ đại cho vợ thì là vợ sẽ cảm phục mình. Nhầm to luôn!

Một tháng em có thể chuyển cho vợ em 50 triệu bằng chuyển khoản ngân hàng ấy. Vợ không nói gì. Thế nhưng mà đi làm về rút ra cho vợ một tờ hai trăm nghìn: “Đây là tiền phong bì của anh ngày hôm nay, đưa hết cho em!”. Thế là vợ sung sướng cực kỳ. Đấy: “Hôm nay anh đi hội thảo được hai trăm nghìn đưa hết cho em đây này”. Thay vì hàng tháng cứ chuyển tiền, chuyển tiền, vợ vô cảm luôn. Vì sao? Cảm xúc khác. Đấy là cảm xúc đấy! Đấy bí quyết của mấy ông chồng đấy. Thỉnh thoảng về đưa cho vợ một trăm nghìn, hai trăm nghìn. (Mọi người cười)

Bí quyết đơn giản không? Thế thôi! Đơn giản thôi mà, xong! Đấy là một ví dụ về việc là mình chịu đào sâu suy nghĩ. Mình: “À, cái cô ấy cần quan tâm là cảm xúc cô ấy chứ không phải là túi tiền của cô ấy đâu!”. Mà tiền người ta tự kiếm được. Có nhiều người vợ người ta tự kiếm được tiền, đúng chưa?

Khi mà cái xã hội vật chất càng tăng trưởng lên thì con người ta càng bị cuốn vào cái guồng xoáy vật chất nên càng thiếu thốn tình cảm. Ví dụ như là anh vừa đi Nhật về chẳng hạn. Ở Nhật chồng nuôi vợ là chính nên vợ ở nhà. Nhiều gia đình như thế, vợ ở nhà làm từ sáng đến tối, làm việc nhà. Ông chồng thì đến tối mới về. Ở Nhật, họ làm từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối luôn. Tối nào cũng về mệt nhoài, chẳng hỏi vợ câu nào lăn ra ngủ, sáng hôm sau đi làm. Người vợ cực kỳ là cô đơn, mặc dù sống cùng với chồng.

Hôm trước mình xem liên hoan phim của Nhật ở Hà Nội đấy; có bà vợ như vậy nên ông hàng xóm đến, rất thô bạo nhưng mà quyến rũ mấy cái là vợ theo luôn. Vì thế người phụ nữ Nhật quá cô đơn. Vì sao? Vì ông chồng bị cuốn vào vật chất, chẳng quan tâm đến tí cảm xúc nào cả. Đấy! Nên khi mà xã hội vật chất càng tăng trưởng ấy, con người ta càng trở nên thiếu thốn tình cảm, càng cô đơn hơn. Thế nên mình là người lười thông mình, lười sâu sắc thì sao ạ? Mình đưa cho cô ấy cái thiếu hay đưa cho cô ấy cái thừa? Đúng chưa? Cô đơn đấy không phải chỉ là bà vợ cô đơn đâu nhé, mà ông chồng cũng cô đơn nốt. Của Tuấn là ví dụ đấy, ông chồng cô đơn. Vợ em có ngồi đây không?

Duy Minh Tuấn: Dạ có ạ.

Thầy Trong Suốt: Đâu, ngồi đâu? Đấy! Ngồi kia. (Mọi người cười) Ngồi xa lắc! Cô đơn quá còn gì nữa. (Mọi người cười lớn)

Chồng ngồi đây vợ ngồi kia. Trong xã hội hiện đại thì cả người phụ nữ lẫn đàn ông đều cô đơn. Và ai cũng theo đuổi vật chất hết. Vì cái xã hôi này được dạy rằng: “Có tiền là sẽ mua được cái này cái kia, có tất cả!”. Là sai hết! Nên là bằng chứng của Tuấn đấy – người vợ chỉ cần quan tâm nhỏ nhỏ là xong. Đấy, xã hội này là thế đấy. Xã hội này tất cả mọi người đều cô đơn. Như vậy lười, mọi người thấy lười sâu sắc có sướng không? Lười mà sâu sắc có sướng không?

Một bạn: Dạ sướng.

Thầy Trong Suốt: Sướng quá vì mình chỉ làm một thứ thôi! Thay vì hùng hục đi kiếm tiền, đúng không? Làm tất cả các việc chỉ để chiều người khác, mình chỉ làm một thứ thôi. Đấy như vậy mọi người hiểu bí quyết để giữ hạnh phúc trong gia đình chưa? Chỉ cần gì thôi? Chỉ cần sâu sắc thôi. Lười vẫn ngon nếu mà sâu sắc. Và mình phải nghiên cứu chứ không phải tự nhiên mà ra. Vì không phải gia đình nào cũng giống gia đình nào. Không phải bà vợ nào cũng có tính giống bà vợ nào, không phải ông chồng nào cũng giống ông chồng nào. Nhưng kiểu gì cũng có một cái điểm đấy.

Ở đây những ai mà có vợ có chồng thì về nghiên cứu đi. Đấy! Và ở đây những ai chưa vợ chưa chồng thì nhiều đúng không? Cần nghiên cứu không? Người yêu mình, cô đấy chỉ một thứ thôi. Tương tự như vậy công việc cũng vậy. Nãy mình nói ông sếp rồi đấy, mình tưởng sếp mình đòi rất nhiều thứ đúng không? Không phải nốt, lại nhầm nốt. Ông sếp, ông cần một điểm mấu chốt. Mà cái đấy được giải quyết xong, tất cả những thứ khác phụ hết. Nếu mình lười sâu sắc mình phải làm gì? Tìm điểm mấu chốt đấy. Trong khi đồng nghiệp của mình thì sao? Cuống cuồng chạy theo mười yêu cầu của sếp. Mình ngồi…?

Mọi người: Rung đùi. (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Rung đùi. Mình biết điểm đấy là điểm gì mà! “Kệ, các cậu cứ chạy đi còn tớ biết điểm đấy là điểm gì rồi.” Ở đây có ai biết điểm mấu chốt của sếp mình, cho mọi người ba phút để nghĩ đi. Ông sếp ông ấy cũng không biết điểm đấy nốt nên ông cứ nói đủ thứ. Cái người biết chính điểm mình cần cũng không nhiều đâu, trên đời này rất ít. Nên là ông sẽ nói n thứ và mình làm theo cả n thứ đấy. Nhất là ông sếp cầu toàn thì thôi rồi. Ông nói hai lần n, ba lần n luôn. Nhưng mình bảo là: “Em nắm thóp sếp rồi, sếp chỉ cần một thứ thôi”, đấy! Sếp không được nghe Trà đàm nên sếp không biết. (Mọi người cười lớn) Còn từ nay trở đi em đã biết rồi.

Thử nghĩ về ông sếp mình đi. Bà sếp, ông sếp mình.

(Mọi người im lặng suy nghĩ)

Ra chưa? Mọi người ai nghĩ rồi phát biểu xem nào. (Một bạn giơ tay) Em có sếp à, tưởng em kinh doanh độc lập?

Vũ Minh: Em có bố mẹ ạ.

Thầy Trong Suốt: Cũng được. Bố mẹ cũng là một loại sếp, được.

Vũ Minh: Em nghĩ ra là bố mẹ em, em làm gì cũng được, chỉ cần cho bố mẹ em thấy là dù em làm gì, hoặc đi chơi, hay lười hay như thế nào nhưng mà vẫn làm ăn, kinh doanh. Kiểu làm ăn lớn, kiếm được nhiều tiền. (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Rồi, làm cho bố mẹ thấy chứ không phải là thực sự. Hiểu không? Bố mẹ thấy mình đang làm ăn lớn là được. Mình thần thần, bí bí: “Ôi con có vụ này to lắm!”, đấy, đang ngồi vê râu nghĩ. (Mọi người cười) Đấy, thế thôi. “Sao dạo này mặt căng thế, buồn thế?” – “Con đang đánh quả mẹ ạ, quả này to lắm”. Đấy là ví dụ, đấy, mấu chốt, có những bố mẹ chỉ thế thôi.

Vũ Minh: Thế là đi đâu cũng cho đi luôn.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Được, tốt. Còn ai có ví dụ khác không? Về công việc đi, còn bạn này là bố mẹ rồi. Bạn nữ áo tím.

Bạn nữ: Em cũng nói về mẹ ạ.

Thầy Trong Suốt: Mẹ hả? Cũng được, thôi nói đi, lỡ nói rồi.

Bạn nữ đó: Dạ, điều mà mẹ em muốn, em nghĩ đó là làm việc theo ý mẹ.

Thầy Trong Suốt: Thế thì hỏng, làm theo ý mẹ thế thì chết. Thế thì chưa sâu sắc rồi, phải sâu sắc hơn. Em làm n việc rồi, chỉ một việc vừa ý mẹ thôi là ngon. Đấy, phải tìm ra một điểm, một việc đấy là gì. Ví dụ: “Mày làm gì thì làm miễn là đừng xấu mặt với hàng xóm”, ví dụ thế. Đấy, phải tìm ra cái điểm đấy cơ. Còn làm mọi việc tuỳ mẹ thì nói làm gì nữa. Thì em làm sao mà làm nổi. Minh nào?

Đức Minh: Dạ thưa anh, sếp của em thì rất là cần cái sự trung thành, thành thật ấy ạ. Thế nên là khi em làm việc gì cho sếp thì em cũng rất là thành thật. Ví dụ em làm ba phần, thì em bảo em làm ba phần. Hay như trong công việc ấy, làm phiên dịch, khi mà dịch sai, khi mình dịch nhiều, tháng trước hợp đồng nhiều ấy, dịch sai một cái là sếp đứng ra sếp bảo vệ luôn. Dù là có rất nhiều người khác có năng lực hơn nhưng mà sếp vẫn cứ tin tưởng.

Thầy Trong Suốt: Tốt, đấy. Chuẩn rồi! Ông sếp này đối với ông phải thành thật. Có những ông sếp là phải dịch đúng. Sếp thì nhiều kiểu mà. Có ông sếp phải hiệu quả, đúng không? Có ông sếp phải tiết kiệm, nhưng có ông thì chỉ cần là gì?

Một bạn nữ: Trung thực.

Thầy Trong Suốt: Trung thực. Thành công tất. Đấy là ví dụ rất tốt. Nên mình có kém tí đúng không, dịch sai tí, sếp cũng bảo vệ mình: “Đời nào mình lại để cho đứa đệ trung thực của mình gánh tội”. Đấy! Ông sếp ông nghĩ thế. Đấy, đời là thế đấy. Đấy là ví dụ tốt, ví dụ khác, rất tốt! Sếp bảo: “Đợt này phải dịch đúng cho anh”, v.v… nhưng mà mình phải hiểu bản chất vấn đề là trung thực. Nên đừng nghe lời sếp nói, hoặc tin lời sếp nói hoàn toàn. Mà phải sâu sắc, hiểu không? Mấu chốt là sâu sắc. Rồi tiếp đi, còn bạn nào có tìm ra điểm, em nói đi. Nhi!

Minh Nhi: À, em làm trợ lý trực tiếp cho sếp, thì sếp cũng có nói là sếp cần người trung thực, tỉ mỉ rồi gì đấy nữa. Thì mới đầu em cũng nghĩ là tỉ mỉ vì sếp rất là tỉ mỉ. Nhưng mà em cũng quan sát thêm thì em thấy sếp rất là cô đơn ấy. Nên là… (Mọi người cười to) Sếp nữ! Sếp em là nữ ạ, sếp em là nữ! (Trong Suốt và mọi người cười) Thế là sếp cần một người lắng nghe ấy. Ví dụ như hỏi sếp, ví dụ như mới đi họp về thì mình sẽ hỏi là: “À hôm nay họp sao ạ?”. Rồi thì em nghĩ đấy là điểm mấu chốt. Tức là sếp rất tỉ mỉ nhưng mà em hiểu quan tâm bằng việc là hỏi han sếp.

Thầy Trong Suốt: Chuẩn rồi! Có những ông sếp chỉ cần lắng nghe chứ không phải là mình làm này, mình làm kia. Chỉ cần được lắng nghe thôi. Bà sếp đấy. Đấy, hiểu ví dụ chưa? Lười mà sâu sắc là thế nào chưa? Khác hẳn người bình thường. Trong khi bạn, các đồng nghiệp của mình phải chạy cong đít lên để lo cho sếp thì mình chỉ cần gì? Mình chỉ cần rung đùi làm đúng cái việc mà sếp cần. Có ai có ví dụ nữa không ạ? Đảm bảo học bí kíp này xong là mọi người sẽ thành công hơn là chắc. Áp dụng được đấy!

Hết chưa? Còn ai nữa không? Soi tiếp ra xa nào, tít xa xa mù tắp trong cùng kia, em nói đi.

Nguyệt Quế: Còn sếp của em thì thích được thừa nhận. Giả sử họp nhân viên, khi mà anh ấy giao việc, mỗi một việc anh ấy yêu cầu làm 10 phương án. Thì mình lười, mình sẽ hỏi là rốt cuộc là anh muốn em làm thế nào? Xong anh ấy bảo làm thế này thôi cũng vẫn được. Hoặc nhiều khi là anh ấy cần được thừa nhận thôi, cứ lúc nào anh ấy tốt thì mình khen anh ấy, hoặc là mình có việc gì khó mình cứ hỏi, thì anh ấy thấy là: “À nó thừa nhận mình rồi”.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi!

Nguyệt Quế: Thế là mình làm việc ít thôi nhưng mà anh ấy vẫn thấy mình làm tốt.

Thầy Trong Suốt: Tốt, đấy là ví dụ đấy. Ông chỉ cần được nhân viên thừa nhận thôi. Nên là khó, thay vì tự làm đúng không? Tự làm thì ông sếp nghĩ là nó chẳng công nhận mình, nó tự nó làm, chứng tỏ nó không nghĩ là mình giỏi. Cứ việc khó thì sao? “Anh đến hướng dẫn em cái.” Đấy! Thế thôi, dễ không? Đấy, đấy chính là hiểu điểm mấu chốt đấy. Cả Quế, cả Nhi đều thuộc bộ lười đấy. Nên là thấy được điểm mấu chốt. Tiếp đi.

Vũ Nhi: Dạ, sếp của em cũng thường hay yêu cầu rất là nhiều thứ. Nhưng em phát hiện ra là sếp thích dạy cho mình cái này cái kia. Nên là khi mình tỏ ra thái độ là: “À, cái này làm như thế nào anh?” Anh sẽ dạy cho mình một bài.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, chuẩn!

Vũ Nhi: Sau đó mình hỏi: “Thế nào nữa?”, thế là sếp rất là sướng ạ. (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Chuẩn, đó, đúng! Đấy. Sếp nói rất nhiều, mà mấu chốt là có một điều sếp không bao giờ nói ra là: “Anh muốn được dạy” đúng không? Chẳng lúc nào ông sếp nói thế cả. Thế nhưng hoá ra đó là điểm mấu chốt. Mình chỉ cần làm cho ông ấy thấy được dạy mình thôi, là lười mà vẫn ngon. Đúng rồi, bí kíp vừa thành công mà lại vừa… nhàn. Suốt ngày đi hỏi thì nhàn quá rồi còn gì nữa? Đúng không? Ông ấy chỉ cho mình, mà mình làm sai đời nào ông bảo là lỗi của mình. Đúng không? Nếu bảo lỗi của mình thì ông ấy chỉ cho mình mà. Nếu mình làm sai ông ấy bảo là: “Ôi không sao, đời là thế đấy, khó lắm”. (Mọi người cười) Đấy! “Khó lắm em sai cũng phải thôi. Đến anh cố vấn cho em mà còn sai nữa thì chứng tỏ gì? Đời là khó.” Đấy, tốt! Đấy là bí kíp tốt. Còn ai, còn ai có nhận ra vấn đề của sếp mình không?

Khánh Vân: Em ạ. Sếp em thì quan tâm đến kết quả. Từ hồi 10 năm nay, khi mà sếp lên sếp cứ giao cái tên đầu việc, mình tự làm thế nào miễn sao ra kết quả nhanh nhất. Thế đâm ra là em lười mà nên cả phòng cũng bảo em là: “Thông minh thì có hạn mà thủ đoạn thì vô biên”. Em cứ quan hệ được với ai, em nhờ được cái việc gì em cũng nhờ. Lúc nào sếp hỏi kết quả thì em cũng làm xong rồi mà em vẫn chơi được một lúc rồi ạ.

Thầy Trong Suốt: Ừ. Đó, dễ chưa? Đời đơn giản chưa?

Quay lại Đà Nẵng đi, Đà Nẵng chưa phát biểu. Đà Nẵng nghĩ thử xem sếp mình cần gì?

Hạnh Nguyên: Dạ sếp của em thì thích nhận được báo cáo. Ví dụ trong buổi chiều nay em đi làm việc, chỉ việc nhắn tin là đi gặp đối tác này kia hay răng đó. Còn những người khác thì trong một tuần làm rất là nhiều, không báo cáo cho sếp em. Rồi cũng chẳng biết là bạn đó có làm hay không. Sếp em cực kì thích kiểm soát nhân viên, sự báo cáo ấy. Mà em làm ít việc nhưng em viết y những điều đó ra thì sếp em nghĩ: “Ôi nhiều quá, nhận được báo cáo nhiều quá!”

Thầy Trong Suốt: Chuẩn rồi! (Mọi người cười) Tốt, ví dụ tốt. Đấy, Đà Nẵng thông minh chứ nhỉ? Lười sâu sắc. Ở đây có ai lười sâu sắc nữa không?

Ngọc Nhân: Dạ, trong công việc thì sếp em ký được cái hợp đồng rồi nên chỉ cần người làm giám định thôi. Thế là kêu em về thì nói là về nhưng mà làm gì cũng được miễn răng đến lúc có tàu làm giám định mớn thì có người đi làm là được. Thế thì em chỉ cần làm việc giám định mớn chứ không cần phải làm nhiều việc khác trong công ty.

Thầy Trong Suốt: Được. Mọi người hiểu bí quyết chưa ạ? Đơn giản không? Đấy, đơn giản thật sự luôn. Làm xong thì mối quan hệ gia đình cũng tốt, công việc cũng tốt. Nhất là người lười. Cái người mà không lười ấy, người chăm thì cầu toàn muốn làm mười thứ để mà thành công to. Người lười thì không muốn thành công to. Miễn làm được việc là được, thì rất hợp với bí kíp này. Còn người chăm thì khác, người chăm thì bảo: “Không mình phải làm cả mười chứ! Mình không muốn là chỉ làm hài lòng sếp. Mình muốn là mình phải thăng tiến.” chẳng hạn. Thì khó hơn. Nên là lười chỉ cần làm một thứ sâu sắc là được.

3.5 Làm NHÍM chứ không làm CHỒN

Thầy Trong Suốt: Đấy! Mà theo mọi người làm một thứ sâu sắc với cả làm mười thứ không sâu sắc, người nào sẽ thành đạt hơn?

Mọi người: Sâu sắc!

Thầy Trong Suốt: Mọi người cứ tưởng là người làm mười thứ đúng không? Nhưng trong lịch sử doanh nghiệp của Mỹ, có một ông tác giả nghiên cứu các doanh nghiệp thành công nhất thị trường Mỹ trong vòng 100 năm. Ông ấy viết một quyển sách rất hay. Nghĩa là ông ấy đem chỉ số các doanh nghiệp so với nhau. Những doanh nghiệp nào mà giá trị công ty tăng gấp năm lần thị trường thì gọi là thành công, trong 50 năm ấy. Xong ông mới đi phỏng vấn những người lãnh đạo. Đấy! Ông viết hai quyển sách. Một quyển là: “Từ tốt đến vĩ đại”, một quyển là: “Xây dựng để trường tồn”. Đều được gọi là kinh điển trong kinh doanh của Mỹ. Những ông lãnh đạo mà làm cho những công ty đấy thành công như vậy ấy, thì có một đặc điểm chung. Đặc điểm chung đó tiếng Việt gọi là: “Làm nhím chứ không làm chồn”.

“Làm nhím chứ không làm chồn”, đố mọi người biết là gì? Chồn hay cáo cũng được. Thế nào là “làm nhím chứ không làm chồn”? Con nhím nó đi trên đường và con cáo nó muốn ăn thịt con nhím. Con cáo mỗi lần xông đến táp con nhím một cái này, lật con nhím một cái, con cáo nó vô cùng nhiều võ để tìm cách ăn được con nhím. Con nhím chỉ có một võ thôi. Cách gì? Võ gì?

Một bạn: Xù lông nhím.

Thầy Trong Suốt: Cuộn tròn lại và xù lông lên. Thế mà trăm lần như một, không lần nào con cáo ăn được con nhím hết. Con cáo chỉ có đau đớn đi về thôi. Đấy! Con chồn đấy, con chồn chỉ đau đớn đi về thôi. Thế thì ông ấy mới phát hiện ra rằng là tất cả những doanh nghiệp mà thành công gấp năm lần thị trường ấy, trong 50 năm liền đều có đặc điểm chung là: “Làm nhím chứ không làm cáo”. Ông lãnh đạo có đặc điểm đấy. Nghĩa là gì?

Một bạn nam: Làm một điểm cho sâu sắc.

Thầy Trong Suốt: Thay vì ông luyện năm mươi võ để đánh năm mươi mặt trận, ông chọn mặt trận quan trọng nhất cứ thế ông lầm lũi mà đi, thế thôi. Ông có võ, đúng là ông có võ thật, đánh mặt trận đấy thôi, là xong. Ông cực kỳ giỏi võ ở mặt trận quan trọng. Còn những doanh nghiệp mà không thành công ấy thì mới gọi là “làm chồn chứ không làm nhím”. Nghĩa là ông lãnh đạo tìm cách học đủ các loại võ để mà chiến thắng, cuối cùng là vẫn chết. Vì ông học năm mươi võ nên chẳng võ nào ông giỏi thật sự cả. Nên gặp phải cao thủ võ lâm là gì? Ra đi hết. Còn ông kia làm nhím tuy là chỉ một võ thôi, một võ đơn giản là cuộn người lại thôi nhưng mà thực sự lại là cao thủ võ lâm nên không ai làm gì được. Ông đi thẳng con đường mà ông chọn. Đấy, kể cả là doanh nghiệp cũng làm như thế. Tất nhiên là phải chọn được con đường đúng. Con nhím nó phải chọn được con đường đúng. Nhưng sau đấy là gì? Phải có võ. Cái võ đó chỉ bảo vệ nó khỏi việc đấy thôi, khỏi bị cáo ăn thịt thôi.

Thì tương tự như vậy, thành công ở trong cuộc sống cũng thế thôi. Mọi người hay nghĩ là tôi phải biết nhiều thứ đúng không? Tôi có nhiều kỹ năng. Ở đây chắc mọi người đã từng học ở các lớp kỹ năng rồi đúng không? Học hết các loại kỹ năng này sang các loại kỹ năng khác. Tôi phải có nhiều phẩm tính đúng không? Tôi phải thông minh này, nhanh nhẹn này, khôn ngoan này, chăm chỉ này, trung thực này rồi là sáng tạo, v.v… Ai cũng nghĩ thế đúng không? Nhưng không phải! Đấy! Sự thật không phải như vậy. Để thành công trong cuộc sống, cũng như trong tình yêu, tôi phải là người tìm được mấu chốt.

Bill Gates là ví dụ. Để thành công trong bất kì cái gì tôi chỉ cần làm một thứ thôi nhưng đó phải là thứ mấu chốt. Và tôi làm đi làm lại để tôi thành một thiện nghệ, lão luyện trong một cái việc đấy. Thế là đủ! Đấy, bí kíp thành công hoá ra lại thuộc về những người lười. Bí kíp là của người lười đấy. Bí kíp thành công, hạnh phúc thuộc về những người lười. Vì người lười có kiểu suy nghĩ kỳ cục như thế mà các người khác không có. Nếu các em học bí kíp thành công, bí kíp đấy của người lười thành công. Nó là gì, tôi sẽ không làm con cáo. Người lười không làm nổi con cáo luôn. Làm thế nào nổi con cáo? “Tôi sẽ làm con nhím” – người lười nghĩ thế. Tôi sẽ học một võ thôi, nhưng võ đấy là võ… quan trọng, thiện nghệ. Võ cực kỳ là quan trọng. Con nhím nó xù lông là võ mạnh nhất của nó, đúng không? Nếu không có võ đấy là nó chết. Còn nó không cần phải trèo cây này, nó không cần phải luồn, phải biết cách nhảy từ cành này sang cành khác. Nó không cần phải biết là giả giọng con mèo để kêu giống con mèo, không cần luôn. Nhưng cái võ đấy là võ làm nó sống.

Nên nếu các em ở đây lười là một may mắn. Còn nếu không lười thì cũng không phải là tệ. Đấy, nếu mình biết là cuối cùng mấu chốt là phải tìm được điểm, một điểm thôi! Đấy gọi là sâu sắc đấy. Khi làm tất cả cái gì em đều nên bắt đầu từ việc nghĩ là: Tại sao? Mấu chốt là gì? Làm cái gì cũng phải tìm mấu chốt. Biết được mấu chốt là gì thì mình sẽ làm được.  Sếp, mấu chốt ông ấy là gì? Chồng mấu chốt là gì? Vợ mấu chốt là gì? Em chỉ cần đủ sâu sắc, em biết điểm mấu chốt đấy và làm nó bằng được. Cứ làm thôi, làm nhiều sẽ được. Thì em trở thành một… một gì?

Ngọc Nhân: Một người lười sâu sắc.

Thầy Trong Suốt: Ừ, một người lười sâu sắc. Cao thủ đấy. Anh cũng làm rất nhiều thứ trên đời này, một lúc anh làm nhiều thứ. Nhưng mà tại sao mình vẫn làm được mà vẫn nhàn? Vì sao? Vì mình nhìn được mấu chốt của mọi thứ, thế là mình làm đúng cái đấy thôi. Còn lại những thứ khác nó tự vận động xung quanh cái điều đấy. Ví dụ lấy vợ, mấu chốt là phải?

Một bạn: Đẻ con trai! (Trong Suốt và mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Lấy vợ rồi, vợ đâu rồi ấy nhỉ? Đây, vợ đây. Lấy vợ mấu chốt là phải xinh đẹp này, đảm đang này, nuôi con giỏi này, tử tế với bố mẹ chồng này, trung thực này, tốt bụng này, làm việc chăm chỉ này, v.v… và v.v… Có đúng không?

Một bạn: Sai.

Thầy Trong Suốt: Sai! Sai bét! Một thứ thôi, mà vợ luôn hạnh phúc. Mình cũng hạnh phúc mà vợ cũng hạnh phúc. Thì đó là gì? Ở góc độ của mình ấy, chỉ một thứ thôi là hạnh phúc khi lấy vợ. Tuy là mỗi người khác nhau, nhưng đối với anh, mọi người có muốn nghe không?

Một bạn: Có ạ.

Thầy Trong Suốt: Mình chỉ cần một từ thôi mà mình sẽ hạnh phúc dù mình lấy cô nào đi nữa. Đấy. Đó là gì? Đây, vợ anh là ví dụ, anh chẳng cần chọn gì hết. Trên trời rơi xuống mà vẫn ngon. Đấy! Đang đi trên đường bụp phát rơi vào đầu, đấy! Mà vẫn ngon. Bí kíp là gì? Mình chỉ cần một, mình chỉ cần làm một thứ thôi. Đó là gì?

Một bạn: Chấp nhận hoàn toàn.

Thầy Trong Suốt: À, đúng rồi. Đó là chấp nhận. Nguyên tắc của việc đối xử với vợ là gì? Chấp nhận. Vợ mình có tệ, có lười, có nóng tính, có đánh mình, v.v… mình chỉ làm một điều thôi, xong! Đối với vợ nguyên tắc số một là gì? Nói đùa chấp nhận thôi.

Nguyên tắc khác – kiên nhẫn. Kiên nhẫn là xong hết, đối với gia đình nói chung, vợ, đặc biệt là vợ. Thế thôi, thế là xong. Kiên nhẫn. Ai cũng muốn là đối tác, bạn đời mình phải thay đổi, đúng chưa? Hầu như ai ở đây đã lấy vợ lấy chồng sẽ biết đúng không? Ai cũng muốn thay đổi đúng không? Thay đổi không có gì xấu cả. Tốt. Nhưng, bí kíp để đối xử với gia đình, với vợ, với bố mẹ, với bố mẹ vợ, tất cả mọi thứ, với anh chị em của nhà vợ, tất… chỉ hai chữ: “Kiên nhẫn”. Thế thôi. Chỉ cần kiên nhẫn là xong.

Bố mẹ mình có sinh chuyện gì kiên nhẫn là xong hết. Vợ mình có giận, ghét thế nào mình chỉ cần kiên nhẫn. Nên là đối với vợ chỉ cần kiên nhẫn là xong. Mỗi người phải cho mình một bí kíp riêng của mình. Nhưng bí kíp của anh là thế thôi – kiên nhẫn. Vợ nghĩ xấu về mình đúng không? Mình cần làm là gì? Thanh minh à? Thanh minh thì làm sao mà thoát được. Nếu vợ nghĩ xấu về mình thì mình hãy? Hãy gì? Kiên nhẫn! Thế thôi! Đây này, vợ của anh này, nghĩ xấu về anh liên tục nhưng mà cuối cùng thế nào? Vẫn ngon, vẫn hạnh phúc. Vì sao? Vì kiên nhẫn. Mình biết người ta nghĩ xấu về mình nhưng mình vẫn đối xử với người ta bình thường. Kiên nhẫn đấy.

Trong cuộc sống này cũng vậy thôi, có rất nhiều người nghĩ xấu về các em. Vợ chỉ là ví dụ điển hình thôi. (Cười) Còn đâu thế gian nghĩ về em rất nhiều. Em mà đi đấu lại, chống lại cái đấy thì em đúng là dại. Kiên nhẫn! Hết. Và đặc biệt là kiên nhẫn vô bờ bến.  “Quân tử trả thù… (Cười) Đời sau chưa muộn.” Kiên nhẫn. Nói đùa đấy! Cứ kiên nhẫn thôi. Đấy là nói đùa không phải nói thật đâu. Cứ kiên nhẫn thôi. Đấy là bí kíp với vợ. Với con cũng thế thôi. Bí kíp số một là gì?

Một anh: Kiên nhẫn.

Thầy Trong Suốt: Kiên nhẫn, xong. Đây thằng cu này là ví dụ này. Đấy! Nói dở cái gì tự nhiên nói đến đây ấy nhỉ? (Mọi người cười) Vừa nhìn thấy vợ phát là quên hết mọi thứ.

Pháp Nguyên: Đang nói về điểm mấu chốt.

Thầy Trong Suốt: Mấu chốt của cái gì ấy nhỉ?

Mọi người: Lười sâu sắc.

Thầy Trong Suốt: À, rồi rồi. Bất cứ ai cũng phải tìm được điểm mấu chốt trong cái việc mình làm, trong mối quan hệ mình có. Đấy là cách để mà… lười biếng vẫn dẫn đến thành công, hạnh phúc. Người lười là người rất dễ hạnh phúc, vì tiêu chuẩn thấp. Lười mà, lười thì thế nào cũng được, ba phải đấy. Bản thân lười ẩn dưới nó là hạnh phúc rồi. Đấy, chỉ sai mỗi, thiếu mỗi cái là không chấp nhận, khó thành công thôi. Thì bổ sung phần sâu sắc vào. Còn lười hạnh phúc dễ lắm. Người lười là may mắn vì trời cho mình một khả năng hạnh phúc dễ. Thế nào cũng được thì hạnh phúc dễ đúng không?

Sau buổi hôm nay về mọi người nên ngồi viết ra cái điểm mấu chốt. Cứ cho là mình lười đi hoặc kiểu gì cũng có tí lười bên trong mình đúng không? Mình không phải là hoàn toàn lười thì cũng có một phần lười. Mình lười ở đâu, mình tìm điểm mấu chốt ở đấy. Mình lười ở đâu ấy, thì mình tìm điểm mấu chốt ở đấy để mình làm. Ví dụ mình đang thấy lười công việc, mình chán việc, mình lười trong công việc thì tìm điểm mấu chốt để mà làm trong công việc. Mình đang chán trong quan hệ với cả gia đình, tìm điểm mấu chốt với lại gia đình. Mình đang chán với bất kì cái gì, tìm mấu chốt ở đấy. Chỉ làm mấu chốt thôi. Mình đào sâu liên tục để tìm ra cái đấy thì thôi. Nhớ là chỉ một thứ thôi. Mình phải tìm cái một thứ đấy. Cái một thứ nào mà thay được những thứ khác.

Nếu mình đào nó sẽ ra, không đào thì không ra được. Không đào thì mình nghĩ phải có mười thứ. Đào dần, đào dần mình thấy là có một thứ thôi. Như bạn lúc nãy phát biểu đấy, có ông sếp thì chỉ cần trung thực là xong, mấy thứ khác là phụ hết. Có ông sếp thì chỉ cần là gì? Là nể ông ấy thôi, coi trọng ông ấy là xong. Đấy, có ông sếp chỉ cần được dạy dỗ mình là xong. Thì mọi người hãy tìm.

Bài tập về nhà không bắt buộc. Nhưng nếu mọi người muốn tiến bộ thì nên làm bài tập. Bài tập là:

  • Hãy kể ra điểm mấu chốt:
    • Trong công việc của bạn – quan hệ với sếp.
    • Trong quan hệ gia đình, bố mẹ.
    • Và trong quan hệ của yêu đương của bạn.

Cái gì mà làm một thứ đấy thì những thứ khác trở thành phụ hết. Bạn nào thích thì viết, không bắt buộc. Còn kể cả không viết thì mình cũng nên nghĩ. Chị áo đỏ có tìm ra được mấu chốt không?

Chị đó: Vâng ạ, có ạ.

Thầy Trong Suốt: Chị nói thử một điểm trong ba thứ đấy.

Chị đó: Đến cái tuổi xấp xỉ U60 rồi, mình chiêm nghiệm lại thì thấy là… Lứa tuổi trước đó, tức là U40, U50 thì mình hay kiểu ít ngọt ngào, ít tình cảm. Nhiều khi mà muốn tìm cho ra vấn đề, muốn là mọi thứ tốt hơn đấy. Nhưng mà nói như anh là biết chấp nhận. Biết chấp nhận ở đây không phải là biết chấp nhận để không làm gì hết. Mà biết chấp nhận nhưng mà vẫn phải vươn lên. Nghĩa là một phần mình chấp nhận để mình hoà bình, mình lấy năng lượng để làm việc. Đồng thời tạo cho mình biết vươn lên trong công việc.

Thầy Trong Suốt: Tốt quá. Đấy! Mấu chốt của chị là chấp nhận. Rất tốt! Những người nào bắt đầu tìm ra điểm đấy rồi thì bắt đầu hạnh phúc được. Còn ở đây ai chưa tìm ra điểm mấu chốt thì chắc chắn là chưa. Đúng không? Muốn lười mà lại muốn thành công và hạnh phúc thì phải sâu sắc! Sâu sắc là gì? Tìm ra điểm mấu chốt. Điểm mấu chốt là gì? Làm một thứ thôi mà nó thay tất cả những thứ khác – điểm mấu chốt.

Đấy, bí kíp. Đơn giản không? Mọi người thực hành đi xong rồi lần sau gặp lại, nếu còn diễn giả. Nếu còn khán giả, nhầm. Diễn giả thì còn đây nhưng mà khán giả chẳng biết còn không. Nếu còn khán giả chúng ta sẽ quay lại hỏi xem là liệu mọi người đã thực hành trong tháng qua hay hai tháng qua thế nào. Mọi người đồng ý không? Rồi, buổi Trà đàm đến đây là kết thúc. (Mọi người vỗ tay) Chúng ta sẽ gặp lại nhau. Xong!ts c

Bất cứ ai cũng phải tìm được điểm mấu chốt trong  việc mình làm, trong mối quan hệ mình có. Đấy là cách để lười biếng mà vẫn dẫn đến thành công, hạnh phúc.

 

***

Nghe ghi âm Trà đàm – Chìa khóa để chuyển hóa lười biếng thành thành trí tuệ và hành động tại đây:  nghe trực tiếp.