Đức Phật nói về Biết trong Kinh Lăng Nghiêm – P11

GIỚI THIỆU VỀ BIẾT – P11

7. Đức Phật nói về Biết trong Kinh Lăng Nghiêm

Sư phụ: Kinh Lăng Nghiêm rất là hay. Đức Phật tiên tri là sau này Đạo Phật mất đi thì Kinh
đầu tiên sẽ mất là Kinh Lăng Nghiêm này, Kinh cuối cùng mất là Kinh A Di Đà. Sau đấy thì
nhắc đến Đạo Phật chỉ còn nhớ được câu “A Di Đà Phật” và sau đấy người ta quên mất câu
đấy là hết, đoạn cuối thời Mạt Pháp là như vậy. Kinh đầu tiên sẽ bị mất, bị quên lãng đấy, là Kinh sư phụ sắp đọc một đoạn. Trong Kinh này nói về sự thật tuyệt đối rất mạnh, và phê phán những nhầm lẫn mắc phải trên đường tu cũng rất mạnh, nên khó như thế thường người ta quên trước. Thời Mạt pháp mà. Còn Kinh A Di Đà là Kinh dễ nhất. Ai đọc cũng có thể cảm nhận và hiểu được nên nó sẽ mất đi sau. Cuối cùng câu A Di Đà Phật là câu dễ nhất trên đời, cũng sẽ mất nốt. Đấy là đỉnh điểm của Mạt pháp, mất hoàn toàn Phật pháp.

Đây là một đoạn trong Kinh Lăng Nghiêm: “Chỉ ra Tính Nghe là thường trụ”

(Sư phụ vừa đọc vừa giảng giải nghĩa của Kinh Lăng Nghiêm)

“Phật bảo ông Anan rằng: “Ông học về mặt nghe nhiều, chưa hết các điều lậu lạc, trong tâm chỉ biết suông cái nhân điên đảo mà cái điên đảo hiện thật trước đó thì chưa biết được, e rằng ông thành thật còn chưa tin phục. Nay tôi thử đem những việc trần tục để trừ cái nghi của ông”.

Đây là một đoạn mà trước đấy Đức Phật đã giảng về tính Biết rồi, nhưng thấy Anan còn
chưa tin lắm. Trước là Ngài đã giảng tính Biết cho rất nhiều người. Rất nhiều người đã nghe
và hiểu ra. Nhưng Anan vẫn có vẻ chưa tin, Đức Phật nói như vừa xong: “E rằng ông thành
thật còn chưa tin phục. Nay tôi thử đem những việc trần tục để trừ cái nghi của ông.”

“Khi bấy giờ, Đức Như Lai bảo ông La Hầu La đánh một tiếng chuông, rồi hỏi ông Anan rằng:
– Nay ông có nghe chăng? – giống các con lúc nãy đấy.

“Ông Anan và đại chúng đều nói:
– Có nghe.

Chuông hết kêu, không tiếng, Phật lại hỏi rằng:
– Nay ông có nghe chăng?

Ông Anan và đại chúng đều đáp:
– Không nghe.”

Giống lúc nãy không? Để xem có ông nào trả lời đúng được không nhé!

“Khi đó, ông La Hầu La lại đánh một tiếng, Phật lại hỏi rằng:
– Nay ông có nghe chăng?

Ông Anan và đại chúng lại đều đáp:
– Có nghe.

Phật hỏi ông Anan:
– Thế nào thì ông có nghe, còn thế nào thì ông không nghe?

Ông Anan và đại chúng đều bạch Phật rằng:
– Tiếng chuông nếu đánh lên, thì chúng tôi được nghe; đánh lâu tiếng hết, tăm vang đều không còn, thì gọi là không nghe.Như Lai lại bảo ông La Hầu La đánh chuông, rồi hỏi ông Anan rằng:
– Theo ông, nay có tiếng không?

Ông Anan và đại chúng đều nói: Có tiếng.

Ít lâu tiếng dứt, Phật lại hỏi rằng:
– Theo ông, nay có tiếng không?”

Sao? Các con thì sao? Tiếng dứt rồi thì có nghe không? Không có tiếng không? Theo
các con thì sao?

Các bạn: Có ạ.

Sư phụ: Làm sao lại không có? Mất tiếng chuông, nhưng mà gì? Các con còn nghe đủ các
loại tiếng trên đời này. Làm sao lại bảo không có tiếng? Đúng chưa?

“Ông Anan và đại chúng đều đáp: “Không có tiếng.” – Phật vẫn kiên nhẫn, bảo ông La Hầu La đánh chuông.

Phật lại hỏi rằng:
– Theo ông, nay có tiếng không?

Ông Anan và đại chúng đều nói:
– Có tiếng.

Phật hỏi ông Anan:
– Thế nào, ông gọi là có tiếng, còn thế nào, thì ông gọi là không tiếng?

Ông Anan và đại chúng đều bạch Phật rằng:
– Tiếng chuông, nếu đánh lên, thì gọi là có tiếng, đánh lâu tiếng hết, tăm vang đều không
còn, thì gọi là không tiếng.

Phật bảo ông Anan và đại chúng rằng:
– Sao các ông lại nói trái ngược, lộn xộn như thế?

Đại chúng và A-nan đồng thời bạch Phật:
– Làm sao Phật bảo chúng tôi trái ngược, lộn xộn?”

Các ông ấy thấy rõ ràng hết tiếng thì bảo không có tiếng đúng không? Nhưng Phật lại chê là gì? Nói lộn xộn. Thế là mới bức bối hỏi Phật là gì: “Làm sao Phật bảo chúng tôi trái ngược, lộn xộn?”

Phật dạy: “Tôi hỏi ông về nghe, thì ông nói là nghe, tôi hỏi về tiếng, thì ông nói là tiếng,
chỉ cái nghe và cái tiếng mà trả lời không nhất định như thế, sao lại không gọi là trái ngược
lộn xộn? Ông Anan, tiếng tiêu mất, không tăm vang, thì ông gọi là không nghe. – Anan nghĩ rằng là mất tiếng rồi thì gọi là không nghe.

“Nếu thật như không nghe, thì tính nghe đã diệt rồi đồng như cây khô, khi tiếng chuông
lại đánh lên, làm sao ông còn biết được.” Nếu như không nghe được gì cả, thì tại sao hết tiếng chuông đấy, đánh một tiếng khác lại biết. Như vậy vẫn phải đang biết liên tục, đúng
không? Vì khi không có tiếng, biết là không có tiếng, mà khi có tiếng, biết là có tiếng. Còn
nếu mà cái Biết đấy nó diệt mất rồi ấy, thì sau khi nghe xong âm thanh,cái Biết diệt mất thì
đánh một tiếng nữa lên, Biết nó còn ở đấy không?

Con nghe một tiếng chuông, hết tiếng chuông nếu khả năng biết biến mất thì làm sao mà tự nhiên đánh một tiếng chuông mới, Biết lại hiện ra được, nó phải chết rồi chứ? Nhưng vì cái Biết nó luôn ở đấy nên là đánh chuông thì biết là có đánh chuông, hết tiếng chuông biết là hết tiếng chuông, đánh một tiếng mới lại biết là có tiếng mới. Còn nếu mà cái khả năng biết nó diệt khi tiếng chuông hết thì làm sao lại nghe được tiếng chuông mới bây giờ. Đồng ý không?

Phật nói Anan đấy. Ông ấy cho rằng tiếng chuông hết thì không nghe gì. Tại sao tiếng
chuông mới lên ông ấy lại nghe? Chứng tỏ trong suốt tiến trình đấy ông phải luôn nghe thì
mới biết được. Biết là gì? Chỗ này là không có tiếng rồi lúc sau lại có tiếng nổi lên. Đấy là
cách mà Đức Phật chỉ cho Anan. Là không có tiếng thì không phải là không nghe. Vẫn nghe. Đúng không? Chẳng qua là nghe cái gì? Nghe cái im lặng, nghe không có tiếng thôi. Và khi có tiếng thì là lập tức gì? Nghe thấy ngay.

Thì cái Biết của con cũng thế thôi, giống như lúc nãy bạn Hải Minh nói đấy. Bạn ấy thấy rất lờ mờ chứng tỏ bạn phải biết gì? Phải biết là đang có lờ mờ, vậy Biết nó phải đang ở đấy, nếu không thì sao bạn lại nói là biết con thấy lờ mờ lắm sư phụ ạ! Đúng chưa? Thế theo con khi say rượu thì có biết không?

Một bạn: Có ạ!

Sư phụ: Nếu không biết thì sao? Sao biết là đang say đang lảo đảo, đang đầu như chong
chóng? Đúng không? Rồi! “Nếu thật không nghe thì tính nghe đã diệt rồi đồng như cây khô
khi tiếng chuông đánh lên làm sao ông còn biết được? Biết có biết không là tự cái tiếng có và không, đâu phải tính nghe kia vì đó mà có mà không.”

Tính nghe là tính Biết tổng quát. Nói tính nghe cũng được mà tính Biết cũng được. Biết thì có cả hình ảnh, âm thanh, cảm giác, suy nghĩ… ở đây nói về cái nghe thì không phải là không có tiếng thì không nghe, đúng không? Mà có tiếng hay không có tiếng thì tính nghe
vẫn gì? Vẫn ở đó, đúng chưa? Nếu mà con không có cái tính nghe thì làm sao biết là không
có gì? Nếu lúc mà không có âm thanh ấy, con không có tính nghe ấy thì làm sao biết là không có gì đúng chưa? Con biết “không có gì” vì con vẫn đang biết.

Rồi! “Vậy nên Anan cái tiếng ở trong cái nghe…” Nhớ là cái nghe trong này là từ cái Biết
sư phụ dạy các con, cái Biết là cái tổng quát của cái nghe. “Cái tiếng ở trong cái nghe tự có
sinh có diệt, không phải vì ông nghe cái tiếng sinh diệt mà làm cho tính nghe của ông thành có thành không”. Tóm lại tính nghe, tính Biết ấy nó không bị ảnh hưởng bởi sinh diệt, của âm thanh đúng chưa? “Ông còn lộn lạo lầm cái tiếng làm cái nghe, lạ gì chả mê mờ, lấy cái thường làm cái đoạn”. Cái gì là cái thường? Tính Biết! Cái gì là cái đoạn? Âm thanh.

“Tóm lại ông không nên nói rằng rời các thứ động tĩnh, đóng mở không bịt thì cái nghe
không có tính. Như người ngủ mê nằm trên giường gối, trong nhà có người, trong lúc người
kia ngủ giã một cối gạo. Người ấy trong chiêm bao nghe tiếng giã gạo, lầm thành vật khác,
hoặc cho là đánh trống hoặc cho là đánh chuông tức trong chiêm bao người đấy cũng lấy
làm lạ rằng sao tiếng chuông lại vang lên như cây như đá, khi chợt tỉnh dậy liền nghe tiếng
chày thì người ấy tự bảo người nhà rằng, chính trong lúc chiêm bao tôi đã lầm tiếng chày
này là tiếng trống. Anan, người đó trong chiêm bao, đâu nhớ những chuyện động tĩnh đóng
mở thông bịt, hình người kia tuy ngủ nhưng tính nghe không mờ”. Hay không?

“Dầu cho thân hình ông có tiêu tan, thân mạng rời đổi diệt mất. Làm sao mà tánh nghe ấy
lại vì ông mà tiêu tiêu diệt được?

Do các chúng sinh từ vô thủy đến nay, đi theo các thứ sắc thanh, truy đuổi theo vọng niệm mà lưu chuyển. Không hề khai ngộ bản tánh thanh tịnh diệu thường.” Thân người chỉ là một cái hình thôi mà. Hình người kia tuy ngủ nhưng mà cái tính Biết có mờ không? Bằng chứng vẫn nghe được âm thanh, đúng không? Câu này quan trọng này: “Dầu cho thân hình ông có tiêu tan, thân mạng rời đổi diệt mất, làm sao tính nghe ấy, lại vì ông mà tiêu diệt được?”. Như vậy là không chỉ là lúc mình sống mà lúc mình chết rồi, thân thể tiêu tan thì tính Biết vẫn không thể mất đi được. Ở đây Phật khẳng định thế đấy. “Do các chúng sinh từ vô thuỷ đến nay đi theo các thứ sắc thanh, truy đuổi theo vọng niệm mà lưu chuyển”, các suy nghĩ đấy. “Không hề khai ngộ, bản tính thanh tịnh diệu thường”.

Đức Phật gọi cái Biết là gì? Là bản tính. Thanh tịnh không? Thanh tịnh vì không bẩn được, nhưng còn gì nữa? Diệu thường. Vì Biết vượt ra khỏi thường và vô thường. Thường và vô
thường là những suy nghĩ, bảo đây là thường, đây là vô thường, vậy nó vượt khỏi suy nghĩ
không? Nên nó gọi là diệu thường vì thế. Nó không bao giờ mất, nhưng thậm chí nó vượt khỏi khái niệm thường và vô thường. Thường và vô thường vẫn còn phụ thuộc vào thời gian, còn Biết ở ngoài thời gian. Vì thế nó vượt khỏi thường và vô thường. Nó gọi là bản tính thanh tịnh diệu thường. Đấy, Đức Phật chỉ thẳng về nó như vậy.

“Do các chúng sinh từ vô thuỷ đến nay, đi theo các thứ sắc thanh, truy đuổi theo vọng
niệm mà lưu chuyển”. Các con theo suy nghĩ mà lưu chuyển đúng không? Đuổi theo sắc,
thanh, hình tướng không hề khai ngộ bản tính thanh tịnh, diệu thường. Hôm nay là một cơ
hội để con khai ngộ cái gì? Bản tính gì? Thanh tịnh diệu thường. Tại sao gọi là bản tính?

Một bạn: Vốn có.

Sư phụ: Vốn như thế thì gọi là bản tính. Sao gọi lại thanh tịnh? Không thể bẩn sạch được,
đố con làm bẩn được cái Biết đấy? Cứt hiện ra trong Biết, Biết có bẩn không? Hoa hiện ra
trong Biết, Biết nó có sạch không? Nó thanh tịnh vượt khỏi bẩn sạch.

Sao là diệu thường?Nó không bị ảnh hưởng bởi vô thường nhưng nó cũng không thể dùng
khái niệm thường bảo nó được vì bảo thường nghĩa là chỉ là gì thôi? Là nghĩ rằng nó thường
hằng mà thôi. Còn nó thì không cần nghĩ gì nó vẫn ở đây, đúng không? Vì thế Biết vượt ra
khỏi vô thường, đương nhiên rồi nhưng mà nó là diệu thường, nó không phải cái thường thông thường. Cái thường thông thường là cái thường của suy nghĩ, còn tin vào có thời gian, có bắt đầu và có kết thúc. Còn nó diệu thường vì nó ở đây, nó có mặt phi thời gian, không bắt đầu và kết thúc, nó tồn tại không theo thời gian, không sinh, không diệt, không có điều kiện gì cả. Vì tồn tại vô điều kiện, nó không thể bị phá huỷ được. Nó mới là cái diệu thường thực sự, diệu là kì diệu, cái thường một cách kì diệu.

Cái tính Biết này, là bản tính vốn có của con và nó thanh tịnh không thể nào lu mờ, không
thể bẩn sạch được và nó diệu thường vượt khỏi thường và vô thường. Nó thường một cách
kì diệu, phi thời gian. Nó không bị ảnh hưởng bởi vô thường, không thể huỷ diệt, đồng thời
nó không bị phụ thuộc vào khái niệm thời gian, vào khái niệm là thường hay vô thường. Nó
nằm ngoài suy nghĩ vì thế nên nó gọi là bản tính thanh tịnh, diệu thường.

Câu này rất hay, câu này nói về khổ và cách thoát khổ: “Do các chúng sinh, từ vô thuỷ đến nay đi theo các thứ sắc thanh, truy đổi theo vọng niệm” (theo suy nghĩ đấy) “mà lưu chuyển. Không hề khai ngộ bản tính thanh tịnh diệu thường, không theo cái thường chỉ theo cái sinh diệt do đó đời đời bị tạp nhiễm mà phải lưu chuyển” – thẳng chưa? Không theo cái thường, cái thường là cái gì? Cái Biết này này, không theo cái thường mà lại theo những thứ sinh diệt, là gì: tiền, tài, danhvọng, tình yêu… do đó đời đời bị tạp nhiễm, nhầm lẫn đấy, mà phải lưu chuyển. Lưu chuyển là tái sinh. Câu này rất hay, “không theo cái thường”, lúc nãy Đức Phật gọi là diệu thường, đoạn sau gọi tắt là thường, “không theo cái thường”, cái Biết này này, “mà chỉ theo những thứ sinh diệt. Do đó đời đời bị tạp nhiễm mà phải lưu chuyển”.

Các con nếu không biết cái Biết này, thì theo cái gì? Theo sinh diệt đúng không? Thì đời đời sao? Bây giờ mình yêu một người, xong người đấy đi mất thì mình sẽ muốn gì? Muốn ngày nào đó lại gặp lại đúng không? Nghĩa là đời đời yêu đi yêu lại, tái sinh đi tái sinh lại để có được tình yêu của người ta. Trong khi cái thực sự có thật, cái diệu thường là cái gì? Cái Biết đang ở đây, thì mình không yêu nó, mình không quan tâm đến nó, vì thế phải lưu chuyển.

Nếu con nhận ra được cái bản tính, cái Biết đang ở đây thì con không phải lưu chuyển nữa.
Vì cái lưu chuyển xảy ra trong Biết, chứ Biết có lưu chuyển không? Cái Biết có tái sinh không? Cái tái sinh hiện ra trong Biết còn Biết nó không tái sinh, đúng chưa?

Nếu bỏ cái sanh diệt, giữ tánh chân thường, tánh sáng suốt chân thường hiện tiền. Thì các thứ căn, trần, thức, tâm phân biệt ngay đó đều tiêu mất.

Tướng vọng tưởng là trần, tính phân biệt là cấu. Hai cái đó đã xa rời, thì Pháp nhãn của ông liền được trong suốt. Làm sao lại không thành Vô Thượng Tri Giác?”

Rồi, “Nếu bỏ cái sinh diệt”, à hay quá, “giữ tính chân thường”, Đức Phật còn gọi nó là chân thường. Lúc nãy gọi là diệu thường, giờ gọi là chân thường, chân thường là cái thường thực sự. Đấy gọi là chân thường. “Nếu bỏ cái sinh diệt, giữ tánh chân thường, tánh sáng suốt chân thường hiện tiền”. Cái gì là cái sáng suốt chân thường? Cái Biết này này, Biết là sáng suốt đúng không? Chân thường không? Hiện ra ở ngay đây gọi là hiện tiền, “Nếu bỏ cái sanh diệt, giữ tánh chân thường, tánh sáng suốt chân thường hiện tiền, thì các thứ căn, trần, thức, tâm phân biệt ngay đó đều tiêu mất. Tướng vọng tưởng là trần, tính phân biệt là cấu, hai cái đó đã xa rời, thì pháp nhãn…” pháp nhãn là cái thấy về sự thật tuyệt đối “…của ông liền được trong suốt”. Đấy bây giờ Phật cũng dùng từ gì?

Một bạn: Trong suốt.

Sư phụ: Dùng từ trong suốt, “thì Pháp nhãn của ông liền được trong suốt” – trong suốt là
thấy mọi thứ rõ ràng, không bị che mờ, “làm sao lại không thành Vô Thượng Tri Giác?”. Vô
Thượng Tri Giác chính là Phật, khi đó tại sao lại không thành Phật? Như vậy chỉ cần thấy rõ
và giữ việc thấy rõ cái Biết này thì làm sao lại không thành Phật?

Lâu nay con nghĩ Phật là cái gì đó rất kinh khủng đúng không? Thấy cái Biết này luôn hiện tiền rõ ràng và hết quên thì gọi là Phật. Phật là đã tỉnh ra rồi, đã nhận ra sự thật rồi, còn chúng sinh là mê chưa tỉnh ra. Mê thì tưởng những thứ giả này là thật, còn quên mất cái Thật thật sự. Ngộ rồi thì nhận ra cái Thật thật sự là cái gì. Là cái Biết. Còn những thứ này biến thành không có thật, nó chỉ là hình trong gương mà thôi. Hình trong gương thì có vẻ rất thật, nhưng mà lại không có thật. Hình trong màn hình tivi có vẻ rất thật nhưng mà lại không có thật đúng không? Ngộ là ngộ ra cái Biết này. Khi con ngộ ra cái Biết này thì tự con sẽ thấy những thứ mà lâu nay con cho có thật, nó không có thật nữa. Nó chỉ là trò biểu diễn thôi, trò chơi của cái Biết mà thôi.

Từ đoạn vừa xong là trong Kinh Lăng Nghiêm, con sẽ hình dung là thực ra cái sự thật này
không phải là bây giờ mới nói mà từ xưa tới nay các cái vị Phật, các vị Tổ, Đức Liên Hoa
Sanh cũng chính là Đức A Di Đà thôi, đã truyền tải từ lâu rồi. Nếu con đọc thêm các dòng
phái khác nhà Phật ấy, con thấy họ cũng nói về nó, chỉ có không dùng từ Biết mà thôi.

Ngay trong nhà Phật ấy cũng không dùng từ Biết mấy mà dùng từ gì biết không? Dùng từ ví dụ như là “Chân như”. Hơi khó hiểu. Dùng từ “Bản lai diện mục” con nghe bao giờ chưa? Hơi khó hiểu đúng không? Dùng từ “Như Lai Tạng”; “Pháp thân” con nghe bao giờ chưa? “Đại Thủ Ấn”; “Đại Toàn Thiện” con nghe bao giờ chưa? Sư phụ lúc đầu cũng định dạy con theo kiểu mấy từ đấy, nhưng sau nhận ra rằng người hiện đại mà nói mấy từ đấy thì không cảm nhận được. Nên là cuối cùng sau bao nhiêu năm mình quyết định chọn từ Biết! Đơn giản, đúng không?

Từ Biết này khi cất lên một cái, con cảm thấy gần gũi ngay không? So với từ Chân như
thì sao?

Một bạn: Xa vời.

Sư phụ: Quá xa vời đúng không? Đấy! Ngay cả từ Phật tính thì sao? Phật tính cũng khá xa
vời không? Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, bao nhiêu năm nay con nghe có hiểu nó là gì không? Cái Biết này là từ rất gần gũi, dễ nhất, nói Biết một cái là cảm nhận được ngay, đúng không? Cảm nhận được thì con sẽ sống ở trong nó được.

Cái Biết này nó không phải là những thứ thông thường mà nó là trạng thái, gọi là bản nhiên, hay là trạng thái tự nhiên vốn có của con. Nghĩa là thực ra con là cái đấy; còn cái sinh diệt, cái thân tâm ấy, nó chỉ sinh diệt trên cái Biết thôi, không phải là con. Nên là nếu con quay trở về trạng thái tự nhiên ấy thì những thứ khác nó không làm hại con được nữa. Con bây giờ có cảm giác có thể bị làm hại không?

Một bạn: Có.

Sư phụ: Vì con chưa nhận ra được là trạng thái tự nhiên, trạng thái thực sự của con là không làm hại được. Cái trạng thái Biết này có ai làm hại nó được không? Con nhận những trạng thái như “tôi là thân thể này”, thì con cảm thấy có thể bị làm hại. Nhưng khi con nhận ra trạng thái tự nhiên của con là Biết , mọi thứ đến đi trong Biết như ảo ảnh trong một mặt
gương, thì con sẽ không cảm thấy có thể bị tổn hại nữa. Đấy, con sống cuộc đời rất bình an, không sợ hãi và rất tự do. Tự do vì cái Biết này nó không cản trở cái gì hết. Nó không bảo bạn phải thế này thì mới biết, còn bạn không thế kia thì không biết. Cái Biết này là vô điều kiện thì làm sao mà lại phải thế này không thế kia? Nên là con sẽ có sự tự do vô điều kiện.