Bài học thắng thua sau mùa giải Wiser Ball 2018

Đúng với tên gọi, Wiser Ball – Bóng trí tuệ không chỉ là một môn thể thao rèn luyện thân thể mà còn đặc biệt mang lại cho người chơi và cả người xem những bài học vô cùng đắt giá có thể áp dụng trong mọi lĩnh vực: tình yêu, gia đình, công việc, cuộc sống...

Sau mỗi trận bóng, người thắng hay kẻ thua đều nhận được những bài học cho riêng mình một cách rất hạnh phúc, và họ được thấy bản thân trưởng thành hơn. Vì vậy, môn Bóng trí tuệ còn được ví von là “thắng hay thua đều mừng” – điểm khác biệt so với các bộ môn thể thao khác.

 

Năm 2018 đã đánh dấu bước phát triển mới trong bộ môn Wiser Ball tại Việt Nam, lần đầu tiên sau các giải đấu khu vực đã chọn được 10 đội tham gia tranh tài cấp toàn quốc. Các đội thi còn rất trẻ, đội chỉ mới thành lập năm nay, đội kỳ cựu hơn thì đã từng thi đấu đạt Huy chương Bạc cấp châu lục. Các bóng thủ tham dự cũng có người mới tập chơi, có người đã chơi 2-3 năm, có bạn trẻ 19 tuổi, cũng có các cô chú trên dưới 70. Có thể nói rằng, với độ tuổi và kinh nghiệm của họ, Wiser Ball 2018 đã lưu lại nhiều bài học sâu sắc cho riêng mỗi người chơi.

Bài viết này xin phép một lần nữa chia sẻ những bài học quý giá mà Bóng Trí tuệ đã mang lại cho mọi người trong mùa giải năm nay, thông qua các câu ca dao tục ngữ mà ông bà ta để lại.

1. Thắng không kiêu, bại không nản – Mưu cao không bằng chí dày

Chia sẻ về lý do giúp cho đội bóng mình giành chức vô địch, các thành viên của 7 Viên Ngọc Rồng đã nói về bài học lớn nhất mà họ có được: Khiêm tốn và không bỏ cuộc.

“Đội mình ngay từ đầu đã xác định thắng được trận nào hay trận nấy, lúc vào được Bán kết thì chỉ mong giải Ba, lúc vào Chung kết thì chỉ mong đạt giải nhì chứ không mong muốn quá cao vời. May mắn chúng mình đã vô địch” – bóng thủ Tuệ Vy chia sẻ.

Hồng Ân rút ra bài học, “Vì mình luôn đặt tâm thế là đội yếu hơn nên chỉ biết chơi hết sức mình, chứ không nghĩ quá nhiều. Lúc đầu thấy thắng một trận là vui rồi, sau lại thắng hai trận lại vui hơn, cuối cùng trở thành đội thắng nhiều nhất vòng bảng thì có thêm khí thế hơn. Nhưng quan trọng là đội mình luôn tin vào đội trưởng, nên có ném hụt cũng không bao giờ nản. 7VNR cứ bình tĩnh, chậm rãi tiến lên và không bỏ cuộc vì không có gì để mất mà.”

Không đặt quá nhiều kỳ vọng chính là bí quyết giúp 7VNR dành sự tập trung cho từng cú ném. Với tâm lý “chơi hết sức”, họ đã chiến đấu bình tĩnh và cũng là đội bóng có nhiều pha ném chuẩn xác nhất, dù là ở những phút cuối cùng của trận đấu nhằm lật lại thế trận cho đội mình.

2. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng

Anh Runi Nguyễn chia sẻ, “Đội mình đã nghiên cứu rất kỹ về đội bạn. Chúng mình có thể thuộc lòng từng bóng thủ của các đội khác, nhưng ví dụ như đội của Hà Nội chưa thể nhớ hết tên của đội mình đâu. Chúng mình đã xem video chơi bóng của các đội rất nhiều lần và trước mỗi trận đấu đều thảo luận xem với đội này thì lát nữa mình sẽ khóa bạn nào trước.”

“Cũng chính vì nghiên cứu rất kỹ đội bạn nên đội mình xác định luôn là ở cửa dưới rồi, không thể giỏi như họ được. Vì vậy đội mình cứ đoàn kết bình tĩnh đánh thôi vì không kỳ vọng gì quá nhiều”. – lời chia sẻ của bóng thủ Hùng Đỗ.

Bình tĩnh cố gắng từng chút một chính là bí quyết của 7VNR

Có thể nói, dù yếu hơn về chiến thuật, kinh nghiệm, khả năng xử lý bóng… nhưng 7VNR đã bù đắp khiếm khuyết đó bằng việc nghiên cứu rất kỹ về mặt con người và lối chơi của các đội khác. Họ tìm được nhân vật nào đóng vai trò chủ chốt trong các tình thế của đội bạn, để quyết định khóa bóng đúng thời điểm, và vì vậy đã tạo áp lực cho đối phương. Bài học này tuy đã nghe nhiều, nhưng thực sự vận dụng được trong làm việc nhóm thì không hề đơn giản, đúng không nào?

3. Mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên

Một bài học rút ra từ đội Vui Hưởng và một số đội khác đến từ Hà Nội chính là “Đừng tính toán hay suy nghĩ quá nhiều”.

“Khi vào trận đấu, mỗi nước đi bóng đội mình đều tính toán quá nhiều, tính toán đến mấy bước tiếp theo mình sẽ đi thế này để ép đội bạn điều bóng thế này, rồi mình sẽ vây thế này v.v.. Tuy nhiên chỉ cần một cú ném hỏng hoặc địa hình cát chưa quen tay có thể làm đội mình bể kế hoạch ngay, lúc này lại ngay lập tức phải nghĩ chiến lược mới và vì vậy mình lãng phí nhiều thời gian cho những sự tính toán không cần thiết, thay vì tập trung vào bóng.”

Đội vui hưởng

Bạn Quyên Phạm cũng đồng cảm với quan điểm trên, “Được vào chung kết là đã quá may mắn với em, vì em chơi môn này là chỉ để mặc bộ đồ này thôi (cười). Thực tế chơi bóng này em thấy rất thoải mái, tâm trí không bị phân tán mà chỉ tập trung vào ném bóng và giao lưu với các bạn trên sân thôi. Lúc trước mình chơi mình nghĩ rất nhiều, còn bây giờ không nghĩ nhiều nữa, chỉ biết là ném cú này trúng hay trật, thế thôi.”

Không suy nghĩ nhiều mà lại trí tuệ hơn? Wiser Ball là như thế – tập cho chúng ta cách chấp nhận và tập trung vào thực tại, vào bên trong của mỗi người. Không kỳ vọng vào kết quả cuối, không bám vào thế trận phải như ý mình muốn, chỉ cần tập trung vào trái bóng trên tay, tập trung vào kết quả “trúng” hay “trật” của lượt ném này để tiếp tục đưa ra phương hướng tiếp theo, các bóng thủ đã dần luyện cho mình khả năng linh hoạt ứng biến với mọi tình huống xảy ra sắp tới, và năng lực tập trung cho từng hành động của hiện tại.

4. Dân ta nhớ một chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh

Bạn Thảo Nhi chia sẻ, “Đội của mình chiến thắng nhờ vào sự đoàn kết. Đội có 7 thành viên như một, không hề tranh chấp cãi cọ trên sân, rất đồng lòng tôn trọng quyết định của đội trưởng, tin tưởng đội trưởng. Chúng mình luôn đoàn kết và nhất tâm với nhau. Ngày xưa mình chơi mình cảm thấy rất run vì cảm giác chỉ có một mình mình, còn bây giờ có 6 người khác luôn hỗ trợ mình nên mình không còn nghĩ ngợi gì nhiều nữa, chỉ việc tập trung ném thôi. Và khi không còn nghĩ gì nữa thì mình cũng không còn sợ hãi, lo lắng ném trúng hay ném trật, chỉ cần biết là phải ném thì ném thôi.”

Bài học đoàn kết cũng không phải là một bài học xa lạ, nhưng Bóng Trí tuệ giúp chúng ta nhìn được rất rõ về sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” của mỗi đội chơi đạt đến mức nào. Có những đội, Đội trưởng chỉ cần yêu cầu tấn công hay điều bóng về phía nào thì thành viên trong đội sẽ ngay lập tức giơ tay xin hành động. Lại có một số đội khác, khi đưa ra quyết định, Đội trưởng phải giải thích rất nhiều lần, hoặc có ý kiến khác không đồng tình với Đội trưởng. Nếu bình tĩnh, họ kịp xin một lượt hội ý, nếu mất bình tĩnh, họ mất luôn 20 giây suy nghĩ và mất lượt ném đó. Đôi khi thất bại chỉ đến trong một tích tắc khi chúng ta không nhất tâm mà thôi.

Có đồng đội bên cạnh, chúng ta có những người hậu thuẫn về mặt tâm lý. Có đồng đội bên cạnh, chúng ta cũng có thể bị áp lực hơn về trách nhiệm “phải ném trúng” hoặc “không được là gánh nặng, là nguyên nhân thất bại của đội mình”. Người bình tĩnh hơn và xem đồng đội là những người hỗ trợ tuyệt vời sẽ ứng phó tiếp cho dù mình ném thế nào đi nữa, chính là người đã chiến thắng về tâm thuật rồi.

5. Đèn trời thắp sáng bốn phương – Đèn tôi sáng cả gậm giường nhà tôi

Bóng thủ Vũ Đăng cũng trải lòng, “Lúc trước trong công việc và cuộc sống khi có chuyện không mong muốn xảy ra, tôi rất hay đổ lỗi cho mọi người và hoàn cảnh xung quanh. Sau này khi chơi bóng, tôi cũng tự đề cao bản thân mình, mỗi lần thấy đội bạn khóa mất bóng mình, hoặc loại mình ra sân thì tôi đều nghĩ là thôi toi chắc rồi, thua chắc rồi. Khi bị thua, tôi rất nhanh đổ lỗi cho mọi người và mãi sau này khi tập bóng nhiều rồi, tôi mới nhận ra rằng bản thân mình cũng không thể quy định thắng thua của cả đội, và nếu có thất bại trong chỉ một cú ném thôi thì lỗi từ phía mình là đầu tiên. Do mình đã căng thẳng, chủ quan, nhìn không rõ, quá ham muốn phải ném trúng v.v.. và từ đó tôi tập cho mình tính cách bình tĩnh hơn với nhân viên tại công ty. Tôi thấy mình đã thay đổi khá nhiều.”

Thắng thì vui, thua thì.. cũng vui

Chúng ta thường có xu hướng đặt bản thân mình là trung tâm của vấn đề, vì vậy nếu chiến thắng thì ta là người lập công, nhưng thất bại thì hoàn cảnh là điều kiện cản trở thành công của mình. Vì vậy ai cũng cho mình là quan trọng nhất. Một đội ngũ tốt là đội ngũ biết nhún nhường đúng lúc và nâng đồng đội lên khi cần.

Trọng tài Hà Anh cũng đồng tình trong chia sẻ của chị trên Facebook: “Khi xông vào làm việc gì đó, người ta thường nghĩ “mình phải làm cái này thì mới ngon được” và tự cho mình vị trí ngôi sao của câu chuyện. Trong khi thực tế là: Chỉ khi không có “mình” thì mọi việc mới thực sự ngon được.
Trọng tài Wiserball không phải là “ngôi sao bắt bớ” của trận đấu mà chỉ đơn giản là NGƯỜI GIỮ CÂN BẰNG, HOÀ KHÍ TRÊN SÂN, giúp cho các cầu thủ có một tâm thế thi đấu tốt nhất, giúp cho trận đấu hấp dẫn, đẹp mắt nhất.
Trọng tài là người quyền lực nhất trên sân, nhưng phải là người phục vụ trung thành, tận tuỵ nhất mới thực sự là trọng tài Wiserball đúng nghĩa.”

Wiser Ball đã làm mọi người thấm thía hơn về “cái tôi” trong công việc và tinh thần phụng sự trong phát triển tổ chức.

Còn rất nhiều bài học nữa mà các bóng thủ đã áp dụng vào cuộc sống để trưởng thành, trí tuệ và hạnh phúc hơn. Bạn thì sao? Hãy cùng ra sân để mang về cho mình những “phần thưởng trí tuệ” nhé!