Bám chấp và dấu hiệu của sự bám chấp?

Khi mình quen với cái gì rồi thì mình muốn nó tiếp tục được như vậy – đã tốt phải tốt mãi, đã sung sướng phải sung sướng mãi. Chỉ cần điều kiện thay đổi, không như vậy nữa là mình khổ ngay. Dưới đây là những dấu hiệu để nhận ra sự bám chấp trong cuộc sống hàng ngày.

Thầy Trong Suốt: Ngày xưa, các vị thầy ở Tây Tạng cứ khoảng một tuần lại tìm đến một ngọn núi khác nhau để cắm trại, học trò phải đi theo, rất là vất vả. Vì ở Tây Tạng ngày xưa làm gì có ô tô, chỉ có xe ngựa thôi hoặc đi bộ, mà núi thì cao và hiểm trở. Nhưng mà các vị thầy cắm trại một tuần ở đâu đấy xong rồi đi chỗ khác. Đố mọi người biết vì sao thế ạ?

Lý do, ông thầy không phải là thích chỗ mới đâu, mà ông thầy sợ học trò bị bám chấp. Nghĩa là, khi ta ở đâu lâu quá là ta bám chấp vào thức ăn, nước uống, chỗ ở ở đấy. Ví dụ, mình ở lâu biết là chỗ này ấm rồi, mình bắt đầu dựng lều, thế là mình bắt đầu có một thói quen bám chấp là: “Tôi muốn được ấm áp mãi, tôi muốn được ăn cái thức ăn này mãi”. Để cắt đứt điều ấy thì ông thầy, cứ một tuần hoặc hai tuần, dẫn học trò đến một chỗ hoàn toàn lạ. Nên học trò ngày xưa học rất khổ sở vì chưa yên vị đã phải đi rồi. Nhưng chính hoàn cảnh đấy thì họ học được bài học về không-bám-chấp. Còn bây giờ nhiều khi mình ở một chỗ quá quen, hoặc là quen một người quá lâu, mình bắt đầu trở nên bám chấp.

Ví dụ, mình quen một người quá lâu rồi, người ta đối xử tốt với mình, mình khăng khăng rằng người ta phải tiếp tục đối xử tốt với mình. Nên ngày hôm sau người ta đối xử không tốt với mình là mình bực ngay.

Ví dụ, ông chồng cả tuần tốt với mình, mà thứ Bảy ông ấy không tốt với mình là ông ấy có vấn đề. Cô bạn gái hay cậu bạn trai của mình cũng thế, nếu ba hôm không đến muộn, mà hôm thứ tư đến đón mình muộn là có vấn đề – là mình tức rồi.

Mình tức giận như vậy là biểu hiện của sự bám chấp. Bám chấp rằng “người đấy phải tốt với mình mãi”, bám chấp rằng “chỗ đấy phải tốt với mình mãi”. Ví dụ ở cơ quan, thấy mọi khi sếp đối xử tốt với mình, một hôm sếp mắng mình, thế là cảm thấy tức giận sếp – đấy là những dấu hiệu của sự bám chấp.

BÁM CHẤP LÀ GÌ?

Khi mình quen với cái gì rồi thì mình muốn nó tiếp tục được như vậy – đã tốt phải tốt mãi. Ví dụ, đã ngồi chỗ này rồi, lần sau muốn ngồi một lần nữa, vì chỗ này sướng quá.

Một bạn: Nó thành thói quen.

Thầy Trong Suốt: Đấy, lần sau mình đến chỗ cực kỳ dở, xe cộ rú rít ầm ĩ xung quanh – nếu ở chỗ dở mình vẫn tập được thì mình mới tiến bộ được. Còn nếu không, mình cứ sống càng lâu thì mình càng bám chấp nhiều, càng già càng trở nên bám chấp, thậm chí là cố chấp.

Cố chấp là bắt mọi thứ phải theo ý tôi. Thành ra bây giờ mình cũng nên thay đổi và chấp nhận thay đổi một cách đương nhiên. Khi nào mình chấp nhận được sự thay đổi là đương nhiên ấy, thì lại không vấn đề gì nếu mình được hưởng sự sung sướng mãi, vì nếu nó mất đi, mình cũng chẳng sao cả. Nhưng khi mình chưa chấp nhận được sự thay đổi là đương nhiên ấy, thì hưởng sung sướng mãi là nguy hiểm đối với chính mình, vì làm cho mình tăng dần sự bám chấp lên. Cái gì mà mình càng làm quen, mình càng phải cẩn thận. Mình quen ai càng lâu thì mình càng cẩn thận, mình càng phải giảm bớt việc mong chờ từ người ta.

Bám chấp vợ/chồng, người yêu

Ví dụ, mình sống với vợ/ chồng, hoặc người yêu thì càng ngày mình càng phải trân trọng người ta hơn, chứ không phải coi thường họ hơn. Coi thường là thế nào? Ví dụ, vợ mình nấu cho mình ăn ngon một tuần rồi, mình cho rằng nghiễm nhiên từ nay trở đi vợ phải nấu ăn ngon, hôm nào vợ nấu không ngon thì mình bắt đầu chê bai, mình bắt đầu khó chịu vì vợ nấu không ngon. Trong khi mình và người ta là hai người xa lạ, tự nhiên người ta nấu ăn ngon cho mình, đáng lẽ mình phải trân trọng người ta hơn chứ? Nhưng mình cứ quen với sướng rồi, mình cho sướng là nghiễm nhiên – “Nghiễm nhiên tôi phải sung sướng, nghiễm nhiên vợ tôi phải đối xử tốt với tôi” – mình mất đi sự trân trọng với người vợ mà ngày xưa, khi mình còn yêu người ta, mình đã rất trân trọng.

Bám chấp con cái – bố mẹ

Hay con cái là một ví dụ khác. Con cái được bố mẹ đối xử tốt quá, thành ra con cái cho rằng nghiễm nhiên bố mẹ phải tốt. Nên bố mẹ làm điều gì mà chỉ cần hơi khác bình thường, hơi trái ý nó một chút thôi là nó giận dỗi, làm đủ trò. Đấy là do giáo dục của mình, do mình làm cho nó tưởng rằng nghiễm nhiên nó phải được sung sướng. Mình thấy là các đứa trẻ bây giờ gặp chuyện đấy rất nhiều. Ngày xưa ít vì không có điều kiện, bố mẹ quá vất vả, đi làm đầu tắt mặt tối, thành ra con cái không được đối xử sướng lắm, nên nó ít bám chấp, lớn lên rất thương cha mẹ và rất có ý thức tự lập.

Nhưng bây giờ ngược lại. Bây giờ, các em bé hầu hết là quá sướng, cho cái sướng là đương nhiên, nên nó giận dỗi chuyện không đâu, thậm chí tự tử chỉ vì bố mẹ mắng một câu thôi, gần đây báo chí đăng đấy. Khi mà con sung sướng rồi, chỉ cần mình làm gì đấy trái với cái nó mong chờ thôi là có thể dẫn nó đến trầm cảm và tự tử. Ngày xưa, bố mẹ đâu có thời gian đến mức đấy, bố mẹ phải làm suốt, đến 11 giờ, 12 giờ đêm… phải đi làm thêm, nuôi lợn, nuôi gà… nên đứa trẻ lại rất là thương bố mẹ và biết tự lập.

BÁM CHẤP DẪN ĐẾN ĐAU KHỔ

Nên mình phải hiểu, sự bám chấp là một nguyên nhân rất lớn dẫn đến đau khổ. Nên mình học trong cuộc sống này, nếu có bám chấp thì mình phải tập xử lý ngay. Chứ mình đợi đến ngày mình quá bám chấp rồi thì mình không bỏ được nữa. Hay nếu người thân mình, con mình, bạn mình, người yêu hay vợ/chồng mình bám chấp vào mình quá, mình cũng phải xử lý ngay. Vì mình hiểu rằng, đây là nguyên nhân của đau khổ đây – “Nếu người ta quá quý tôi, quá trông chờ ở tôi thì chỉ một ngày nào đấy tôi làm gì hơi khác thôi, là người ta khổ ngay. Nên ngay từ hôm nay tôi phải có hành động để nhắc nhở người ta ngay”.

Điều này tuy đơn giản nhưng tất cả các gia đình đều mắc phải. Bằng sự quan sát, mình sẽ thấy chồng với vợ, bố mẹ với con cái, người yêu với nhau, rất dễ làm cho người kia bám chấp vào mình. Thậm chí mình cũng sung sướng khi người ta bám chấp vào mình, vì mình trở nên quan trọng mà!
Khi người ta bám chấp vào mình, khi người ta cứ trông chờ vào mình, nghĩa là mình trở nên quan trọng.

Ví dụ hai người yêu nhau, trông chờ vào người yêu là bạn trai phải giúp bạn gái – thì người bạn trai cảm thấy mình rất là quan trọng – mà không hiểu rằng cái đấy chính là mầm mống của đau khổ. Bạn trai, bạn gái là bình đẳng với nhau, tại sao cứ phải con trai giúp con gái? Tại sao không phải là bạn gái cũng tham gia cùng giải quyết vấn đề, sao phải chờ đợi nhau? Khi mình cảm thấy được trân trọng ấy, mình tưởng thế là tốt, nhưng mình phải xem là trân trọng đấy có bám chấp hay không, nếu loại trân trọng đấy có bám chấp thì thực ra chưa phải là tốt.

Bám chấp vào nhau, bố mẹ vào con cái, con cái vào bố mẹ, ví dụ nếu bố mẹ nói: “Con là nguồn hạnh phúc của bố mẹ!” thì không sao, nhưng mà “Con là nguồn hạnh phúc duy nhất của bố mẹ” thì là vấn đề. Nghĩa là không có con bố mẹ bất hạnh ngay, con bỏ đi hay con chán cái gì đấy là bố mẹ bất hạnh ngay – thì đấy là bám chấp đấy. Thế mà ở nhiều gia đình, con cái là nguồn hạnh phúc duy nhất của bố mẹ, bố mẹ không biết cái gì khác ngoài con cái, nên khi con mất đi hay con cái lớn, trở tính trở nết thôi thì bố mẹ đau khổ vô cùng.

Trích Trà đàm “Kiêu hãnh và định kiến“(Phần 2)