Cầu nguyện vào ngày rằm

Hỏi: Hiện nay có nhiều người lên chùa cầu may vào ngày rằm, mùng một và tin rằng cầu vị này hay vị khác thì sẽ đạt được kết quả không ngờ. Tôi xin hỏi là việc cầu may đó có trái với lời Phật dạy hay không? Tôi nhớ trong Kinh có nói một lần Phật nói với đức Ca Diếp rằng: Cái cầu đó không thể được, mà muốn qua sông phải có thuyền, bè, phải lội. Vậy xin Thầy giải thích rõ ý nghĩa của việc cầu may và việc tu tập!

Thầy Trong Suốt: Câu hỏi của bác kèm câu trả lời rồi! Cầu mong là phát ra một ước nguyện. Mình ước nguyện điều gì thì tâm mình hướng về điều đấy. Ý nghĩa đầu tiên của cầu nguyện là hướng tâm vào chỗ người ta cầu nguyện, nên có tác dụng về tâm lý. Nếu cầu những điều tốt đẹp, bình an, thì tâm mình tốt đẹp, bình an. Nếu cầu việc xấu xa, đau khổ thì tâm hướng về chỗ xấu xa, đau khổ.

Cầu nguyện có ba loại: thấp kém, trung tính, và cao thượng. Thấp kém là những lời cầu nguyện đem đến đau khổ cho mình và người khác: Tôi cầu ăn trộm thành công, kẻ thù của tôi gặp tai nạn… Trung bình là cầu nguyện cho tôi, hạnh phúc cho tôi. Trung bình vì nó không hại ai, ví dụ hãy ban cho con sức khỏe, tiền bạc… Tuy nhiên, nhà Phật không khuyến khích cầu nguyện kiểu này vì nó có động cơ vị kỷ. Nhà Phật hướng tới vị tha, vì những lời cầu nguyện đó củng cố cái tôi và cái của tôi. Cao thượng là những lời cầu nguyện cho tất cả mọi người, không có tinh thần vị kỷ, ví dụ tôi cầu cho tất cả mọi người giác ngộ, bình an, hạnh phúc, và luôn gieo trồng những nhân lành để dẫn tới bình an và hanh phúc. Đó là cách chúng ta nên cầu nguyện.

Bí kíp cầu nguyện là hướng tới vô ngã, vị tha và tránh xa những lời cầu nguyện đem lại đau khổ cho người khác. Còn cầu nguyện có được hay không là nhân quả. Khi ấy cầu nguyện nhưng không bám chấp vào kết quả, nghĩa là cầu nguyện xong nhưng không buộc nó phải xảy ra. Ví dụ vừa cầu khỏe mạnh xong mai ốm, thì cũng hiểu rằng đó là nhân quả. Cầu nguyện có bám chấp thì kiểu gì cũng khổ. Không xảy ra là khổ, mà có xảy ra thì lần sau cầu cũng muốn phải được, lại lo lắng hồi hộp, thì chắc chắn là đau khổ. Như vậy động cơ của cầu nguyện nên vô ngã, vị tha, hạn chế chỉ vì mình. Nếu cầu xin cho con thi đỗ, thì nên cầu rằng tất cả mọi người thi đỗ. Thứ hai là hiểu mọi thứ là nhân quả, và không bám chấp vào kết quả.

Trích trà đàm: “Nhập thế – lạc mà không lạc” – Sài Gòn 5/2017.

🌼 Bạn có thể tìm thấy bản đầy đủ tại link sau:
Ghi âm:      Tại đây.
Bản PDF:    Tại đây.

🌼 Danh sách toàn bộ các buổi trà đàm có thể tìm thấy: Tại đây.

🌼 Download Trà Đàm Trong Suốt App tại đây