CHỨNG NGỘ BIẾT SIÊU VƯỢT SINH TỬ (phần 2)

1.3. Giải thoát khỏi sinh – tử thế nào?

Chết chỉ là thân thể dừng hoạt động.

Thầy Trong Suốt: Vậy theo quan điểm thông thường, chết là cái gì và cái gì chết?

Học trò: Chết là thân thể sẽ tan rã.

Thầy Trong Suốt: Theo quan điểm thông thường thì thân thể này tan rã nghĩa là chết. Thế thân thể này là cái gì? Nó là một tập hợp của máu, mủ, thịt và xương, đúng không? Máu mủ, thịt, xương liên tục tan rã. Khoa học đã chứng minh rằng một tế bào có thể sống lâu nhất là 20 đến 30 năm, nên thân thể hiện nay của con với thân thể lúc con 3 tuổi không còn chung một tế bào nào nữa. Toàn bộ tế bào lúc con 3 tuổi đã tan rã hết rồi, thế tại sao con lại chưa chết? Các tế bào cũ liên tục chết đi, các tế bào mới liên tục sinh ra, thân thể này liên tục tan rã, đúng không? Như vậy thực chất thân thể này đang tan rã rồi. Vậy có đúng chết chỉ đơn giản là do cái thân thể này tan rã hay không? 

Học trò: Sống là còn cái hình hài này, còn lúc chết thì không còn cái hình hài này nữa.

Thầy Trong Suốt: Con nhầm rồi. Nói như vậy thì người nằm chết trên giường còn nguyên hình hài là không chết? Lại một nhận thức nhầm lẫn. Người vừa mới qua đời nằm trên giường, chẳng tan rã tí nào cả, thậm chí thân thể còn ấm mà vẫn gọi là chết. 

Học trò: Theo con ngừng thở là chết ạ.

Thầy Trong Suốt: Vậy con nín thở đi. Nín thở là ngừng thở, đúng không? Ngừng thở thế thì chết luôn còn gì – lại sai rồi. Báo đăng có người tập yoga ở Ấn Độ nín thở được 3 tháng, thế có nghĩa là họ chết rồi à? Vô lý. Người bình thường cũng nín thở được 1 đến 3 phút, đúng không? Như vậy định nghĩa này sai rồi.

Học trò: Theo con hiểu thì chết nghĩa là tim ngừng đập và hơi thở không còn nữa.

Thầy Trong Suốt: Ví dụ người bị sốc điện, tim họ ngừng đập, hơi thở không còn nhưng họ đã chết đâu, một lúc sau họ tỉnh lại mà. 

Học trò: Theo con, tim ngừng đập và ngừng thở trong khoảng thời gian nhất định khoảng 10 phút gọi là chết. 

Thầy Trong Suốt: Mấy chục năm trước khoa học đã ứng dụng công nghệ đông lạnh người, ngủ đông 100 năm sau tỉnh dậy vẫn được, như vậy ngừng thở trong khoảng thời gian nhất định không gọi là chết.

Học trò: Theo Wikipedia định nghĩa “chết hay qua đời được xem là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật hay ngừng vĩnh viễn mọi hoạt động sống, không thể phục hồi của cơ thể”.

Thầy Trong Suốt: Nghĩa là thân thể này phải ngừng hoạt động vĩnh viễn, không phục hồi được mới gọi là chết. Nhưng định nghĩa này chưa đủ, trước đấy phải có sự sống, nghĩa là thân thể phải hoạt động bình thường, sau đó có một sự kiện khiến nó ngưng hoạt động vĩnh viễn mới gọi là chết.

Vậy khi chết thì cái gì chết?

Học trò: Theo con hiểu là cái thân thể chết ạ.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, định nghĩa về chết toàn nói về thân thể thôi. Thực chất cái chết là gì? Là cái thân thể này không hoạt động được nữa, đúng không? 

Ví dụ mình gọi chiếc đồng hồ chết, vì sao? Là cái đồng hồ đang hoạt động, nay nó dừng lại và không hoạt động được nữa. Tương tự như vậy, khoảnh khắc con chết hay thời điểm con chết là cái thân thể vật chất này đang hoạt động, tự nhiên không hoạt động được nữa và không cách nào khôi phục lại được.

Một bộ phận nào đó trên người của con dừng hoạt động, giống như bộ phận này hỏng thì các bộ phận khác hỏng theo, cuối cùng cả thân thể này không hoạt động và không khôi phục được nữa. Ví dụ một số bộ phận quan trọng như tim, não, phổi mà dừng hoạt động thì nó làm toàn bộ khối vật chất này ngừng lại và không khôi phục được nữa. 

Như vậy, cái thân thể này luôn luôn có thể chết bất cứ lúc nào, kể cả có bệnh hay không có bệnh. Vậy là năng lực chết của các con là tương đương nhau, chứ đừng nghĩ người có bệnh thì khả năng chết cao hơn là người không có bệnh.

Vậy thì làm thế nào để vượt qua bệnh tật và cái chết? Làm gì có thân thể nào hay cỗ máy nào mà lại không bao giờ chết, không bao giờ dừng lại? Con không thể vượt nổi cái việc thân thể này chết đâu. Khi con nhận ra bản chất cái chết, con thấy rằng “chết” chỉ là cái nhãn dán thôi, chỉ là từ để miêu tả một sự kiện là cái thân thể này dừng hoạt động, không hoạt động tiếp được nữa.

Cái gì luôn sống?

Câu hỏi tiếp theo là khi thân thể chết, liệu có cái gì hoạt động tiếp không? 

Khi thân thể hoặc tâm thức hoạt động, nó luôn hoạt động trên nền một sự biết. Ai cũng có thể cảm thấy điều đó trong hiện tại. Cái biết nền này hoạt động khi thân thể sống, vậy nó có tiếp tục hoạt động khi thân thể chết không?

Chết là cái gì? Chết chỉ là sự dừng hoạt động của thân thể mà thôi chứ tâm thức không dừng lại. Cái tâm thức đấy có dừng hoạt động và không khôi phục được nữa không? Không! Nó vẫn tiếp tục bình thường. Con không nhìn thấy mà thôi. 

Tâm thức vô hình, còn thân thể hữu hình. Hữu hình thì nhìn được, nó khua chân múa tay thì nhìn thấy được. Các con không thể thấy tâm thức vì nó vô hình, còn cái thân thể này thì thấy được ngay.  

Nhưng nếu con hiểu những gì Phật dạy về luân hồi thì quá trình trung ấm và tái sinh vẫn tiếp tục. Sự diễn biến của tâm thức vẫn tiếp tục ngay sau khi thân thể ngừng hoạt động. Vì thế, cái biết nền vẫn tiếp tục kể cả sau khi thân thể dừng hoạt động.

Như vậy thế nào là chết? Ồ, hóa ra chết không phải là hết. Chết chỉ là sự kiện thân thể dừng hoạt động thôi, còn tâm thức vẫn tiếp tục diễn biến và sự biết vẫn tiếp tục như cũ. Nghĩa là ở đây không ai sẽ chết cả, bởi vì thân thể của những người ở đây rồi sẽ mất hết, nhưng sự diễn tiến của tâm thức, và sự biết vẫn tiếp tục. Hay nói cách khác là cái khả năng biết vẫn không chết, vẫn biết tiếp. Chết rồi vẫn biết tiếp thì sao gọi là chết? 

Phần chết thì luôn chết, phần sống thì luôn sống, không thể chết được.

Nếu nói là thân thể chết thực ra cũng không đúng. Sự thực thì nếu chia thân thể và cái biết ra thành hai thứ và nhìn một cách độc lập thì thân thể luôn chết. Thân thể này nếu không có cái biết, nó trở thành vô tri vô giác, không hoạt động gì được, chết ngay lập tức. Nó chỉ là một cỗ máy thôi. 

Hay nói cách khác là cái khối vật chất thân thể này luôn chết, nó chẳng khác gì cái ghế cả. Các con nhìn thầy và cái ghế tưởng là hai thứ sống chết khác nhau vì một thứ động đậy, một thứ không động đậy. Nhưng về mặt vật chất mà nói thì có phải cả hai cùng là vật chất không? Hay một cái ô tô đang chạy trên đường, đang hoạt động nhưng cũng là một vật thể chết, vì nó vô tri vô giác, không biết gì hết. Cả hai cùng là vật chất và luôn chết, đúng không? 

Nếu không có cái biết thì thân thể này làm sao hoạt động được? Như vậy thân thể này bản chất là luôn chết. Sự sống không nằm ở thân thể, sự sống nằm ở có biết hay không biết. Khi cái biết còn ở cái thân thể này, con gọi nó là sống. Cái biết hết ở thân thể thì gọi là chết. 

Vậy nếu con bảo thân thể từ sống sang chết thì sai rồi vì thân thể vốn luôn chết. Khối vật chất gọi là thân thể này vốn luôn không biết. Khi nằm trên giường thở hơi thở cuối, con bảo là “Tôi chết” – thì câu hỏi của thầy là “Cái gì chết lúc đấy?”. Nếu con trả lời “Cái thân thể chết” thì con nhầm rồi! 

Khối vật chất thân thể vẫn như thế, chỉ có cái biết không ở đấy thôi chứ thân thể không khác gì lúc nó đang sống cả. Vậy thân thể bản chất đâu có chết. Nó dừng hoạt động nhưng nó không chết bởi vì nó luôn ở trạng thái chết. Có cái biết thì gọi là sống nhưng bản chất cái thân thể đấy nó luôn là một cỗ máy, nó không sống. 

Vậy thì làm sao con thấy mình chết được?! Con có thể thấy thân thể chết theo nghĩa là không điều khiển được nữa, nhưng con không thể thấy con chết được vì con luôn luôn biết, cái biết luôn hoạt động.

Hôm nay con sẽ được giới thiệu về một thứ mà hóa ra từ bé đến giờ mình đã có và thứ đó lại không bao giờ chết. Mình có thân thể, có từ bé nhưng rồi sẽ mất đi. Tuy nhiên, trong đời mình còn một thứ nữa cũng có từ nhỏ luôn, thậm chí có từ khi trong bào thai nhưng mà lại không bao giờ mất đi, là của mình mãi mãi. Đó là cái Biết. Con muốn nhận ra nó không?

(Mọi người giơ tay đồng ý)

Từ lúc mình thức dậy, đi làm, xong tối về đi ngủ, có phải lúc nào mình cũng có khả năng biết hay không?

Ai thuộc trường phái “không” giơ tay xem nào? Lúc tôi mải làm việc quá hoặc tôi mải ngắm một chàng trai đẹp đi qua thì không biết, có đúng không? Chồng gọi mình không thưa, “Em mải lướt Facebook quá, không biết gì cả”, có đúng không? Ai thấy đồng ý giơ tay? (Một số bạn giơ tay) 

Mải lướt Facebook quá không biết gì hết! Thật ấy hả? (thầy cười).

Học trò: Biết lướt Facebook.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, biết lướt Facebook chứ. Làm sao không biết gì đúng không?

Tối thiểu khi mình đang lướt Facebook hay ngắm một người con trai đẹp thì vẫn biết cái gì? Hình ảnh. Không thể nói không biết gì hết được, đúng không?

Khi đang thức mình có luôn biết hay không?

Thầy Trong Suốt: Vậy mọi người thử kiểm tra xem có đúng là khi đang sống bình thường thế này thì mình luôn luôn biết hay không? Có khoảnh khắc nào mình lại chẳng biết gì không? Hay là khi thức, lúc nào mình cũng đang biết?

Học trò: Nhiều lúc buồn ngủ con chỉ thấy lờ mờ, không biết gì hết.

Thầy Trong Suốt: Con vừa nói là con có cảm giác lờ mờ không biết cái gì hết, đúng không? Vậy chứng tỏ trong khoảng thời gian đó con biết cái gì?

Học trò: Biết cái lờ mờ.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, biết cái lờ mờ chứ. Trong khoảng thời gian đấy mình biết cái lờ mờ chứ không phải là không biết gì hết.

Học trò: Mắt vẫn mở, vẫn nhìn nhưng mà lúc đấy không biết gì.

Thầy Trong Suốt: Biết mắt mở, biết đang nhìn. (Mọi người cười) Tại sao không biết gì hết?

Học trò: Nhưng mà lúc đấy con nghĩ là mọi thứ dừng lại hết.

Thầy Trong Suốt: Biết suy nghĩ là “mọi thứ dừng lại hết”. (Mọi người cười). Ô, chứng tỏ là càng ngày biết càng nhiều đúng không? Biết mắt mở, biết đang nhìn, biết một suy nghĩ bảo là không biết gì hết, biết một suy nghĩ là mọi thứ dừng lại hết. Như vậy vẫn biết đúng không? Như vậy mọi người đồng ý là khả năng biết này luôn ở cùng mình, tối thiểu là khi mình thức không?

Lúc đang ngủ có biết hay không?

Câu hỏi này khó hơn, vậy lúc ngủ mình còn có khả năng biết không? Hay ngủ là mất luôn khả năng biết?

Học trò: Lúc ngủ mà con không mơ con sẽ không biết gì hết xung quanh.

Thầy Trong Suốt: Nếu con không biết gì hết, không có khả năng biết thì người ta vỗ vai con, dội nước lạnh vào mặt, con có tỉnh được không? Nếu mình không có khả năng biết thì làm sao mình lại biết bị vỗ vai, biết nước lạnh vào mặt? Như vậy là lúc ngủ không thể nói là mình mất khả năng biết. Bằng chứng là ai cũng có thể vỗ vai, dội nước, thậm chí chỉ cần gọi thôi cũng tỉnh, đúng không?

Như vậy khi ngủ khả năng biết vẫn đang ở đấy. Vì nếu không có khả năng biết gì hết thì không gọi dậy nổi nữa luôn, đúng chưa? Ở đây đã ai đã từng trải qua chuyện âm thanh bên ngoài đi vào giấc mơ mình chưa?

Học trò: Dạ thưa Thầy, có một lần con ở ký túc xá, bạn con đang nói chuyện điện thoại với người nhà của bạn ấy ở Việt Nam, nhưng mà lúc con đang ngủ con lại cứ nghĩ rằng bạn ấy đang nói chuyện với con trong mơ. Thế là bạn đấy hỏi đến đâu con trả lời đến đấy như là thật luôn. Con trả lời trong mơ.

Thầy Trong Suốt: Như vậy khi mình ngủ, âm thanh vẫn đi vào giấc mơ của mình được. Nếu mình mất khả năng biết khi ngủ thì âm thanh không thể đi vào trong mơ được. Như vậy cái khả năng biết nó phải tiếp tục xảy ra khi đang ngủ, con đồng ý không?

Chết rồi có biết hay không?

Bây giờ câu hỏi này khó hơn nữa. Chết rồi còn biết không? 

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật giảng cho ông A-Nan rằng cái tính biết này không hề mất đi dù thân và tâm ông có mất đi. Bây giờ mình sẽ xem có đúng vậy không.

Chết xong sẽ có quá trình trung ấm, xong rồi có tái sinh. Trong suốt quá trình trung ấm và tái sinh đấy có biết không?

Trung ấm là gì? Trung ấm được hiểu là một quá trình ý sinh thân. Chết xong thì không còn thân. Tâm thức tưởng tượng rằng tôi có một thân thể, xong rồi gặp chuyện này chuyện kia trong 49 ngày. Sau 49 ngày trung ấm đấy thì hiện ra một chỗ mới với một thân thể mới, có thể là cõi Phật, hoặc cõi người, hoặc xuống cõi thú, gọi là tái sinh. Vậy trong 49 ngày đấy có biết không? Nếu không biết thì làm sao mà trải qua một quá trình có các cảnh và hiện tượng hiện ra?

Sau khi tái sinh rồi có biết không? Theo con một cái bào thai trong bụng mẹ có biết gì không? Ở đây ai đã từng có kinh nghiệm đẻ con nói thử xem nào.

Học trò: Dạ, em bé trong bụng biết. Ví dụ con uống đồ nóng hoặc lạnh quá em bé sẽ đạp. Hoặc là con coi phim hành động thì em bé cũng đạp luôn. Bình thường thì con ít khi quát to. Có hai lần con quát to thì em bé ở trong bụng giật mình luôn. Như kiểu là nó nhắc là mình đang cáu ấy.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Em bé biết, đầu tiên là biết trạng thái của mẹ, hoặc là nghe thấy âm thanh đấy luôn. Có ai nói chuyện thử với đứa bé trong bụng bao giờ chưa?

Học trò: Dạ thưa Thầy, con có một kỷ niệm là hồi con có bầu được 32 tuần ạ, con đi siêu âm thì bé quấn nhau thai hai vòng cổ. Ngày nào con cũng nói chuyện là bây giờ nếu mà con quấn cổ như thế thì sinh con sẽ rất là khó. Cho nên con chịu khó gỡ ra đi, cái vòng đấy không đẹp đâu. Nói hầu như hằng ngày ạ, đến khoảng 36 hay 37 tuần đi siêu âm thì bạn đã tháo được cái vòng đấy luôn rồi ạ.

Thầy Trong Suốt: Kỳ diệu chưa! Em bé hoàn toàn có thể biết được đúng không? Uống nước nóng lạnh này, trạng thái của mẹ này, lời mẹ nói ảnh hưởng đến em bé. Như vậy là ngay trong bào thai cũng đã biết.

Vừa đẻ ra oe oe có biết không? Biết gì? Vỗ mông thì nó khóc, chứng tỏ nó phải biết cái vỗ mông đấy. Tè ra bỉm có khóc không? Ị có khóc không? Nó phải cảm nhận được nóng lạnh, ướt… Có thể nó chưa hiểu thôi, nhưng nó vẫn biết.

Như vậy là từ lúc mình đẻ ra đến lúc mình chết, kể cả lúc mình ngủ, lúc nào mình cũng có một cái khả năng, gọi là khả năng biết.

Khả năng này có phải là thứ luôn có sẵn trong mình không? Tất cả chúng ta, tuy rằng trí thông minh, khả năng suy nghĩ có thể khác nhau. Nhưng chúng ta đều có điểm chung là: Chúng ta đều biết.

Thứ luôn sẵn có và giống nhau giữa mình, đứa bé và con chó là gì?

Không chỉ chúng ta có điểm chung với nhau, mà chúng ta với một con chó có điểm chung gì? Tuy rằng khẩu vị khác nhau nhưng cái gì giống nhau? Khả năng biết giống nhau. Khả năng biết của chó với của con người là như nhau. Khả năng phân biệt thì khác nhau, nhưng khả năng biết thì giống nhau.

Mình và một đứa bé, khả năng phân biệt của ai cao hơn? Khả năng phân biệt đương nhiên mình hơn nó rồi. Nó chưa đọc được chữ, thì đấy là khả năng phân biệt, khả năng nghĩ, nhưng khả năng biết sự hiện ra thì ai hơn ai? Một cái hình hiện ra trước mặt nó, nó có biết không? Nó không phân biệt được cái hình gì. Nhưng có nghĩa là mắt nó thấy toàn màu trắng không? Nó thấy cái hình hiện ra chứ, đúng không?

Như vậy là khả năng biết của mình với đứa bé, trông thế thôi, thực ra là giống nhau. Khả năng phân biệt cái này với cái khác, chính là khả năng nghĩ thì khác nhau. Mình, đứa bé, con chó đều có chung một khả năng biết, hay đều có tính Biết – có tính là biết-sự-hiện-ra. Mọi người đồng ý không? (Tất cả đều giơ tay đồng ý)

Tính Biết là tự động, không cần cố gắng

Tính Biết này có cần phải cố gắng sinh ra nó không, hay là tự nhiên đã biết? Ngay khi con lớn lên đã thấy Biết ở đây rồi hay phải cố gắng biết thì mới biết? Khi một âm thanh vang lên, cái biết âm thanh đã ở đây ngay, không cần phải ra quyết định “tôi sẽ cố gắng nghe âm thanh”, có đúng không? Vì vậy cái Biết này là tự động, tự nhiên, vì nó không được ai tạo ra và nó hoạt động không phụ thuộc vào ý muốn của bất kỳ ai.

Tính Biết có bao giờ rời khỏi con được không?

Ở đây tất cả mọi người thử cố hết sức dừng khả năng biết của mình lại đi, dùng hết sức mạnh tinh thần của mình để quyết định đừng biết gì nữa! “Tôi quyết định không biết gì hết”, thử xem nào! Ở đây có ai làm nổi không? (Không cánh tay nào giơ lên).

Như vậy khả năng biết này không bao giờ rời đi đâu hết, từ khi cái thân thể này trong bào thai đến giây phút trút hơi thở cuối cùng. Đời mình không chỉ có cái thân thể hay các suy nghĩ này. Đời mình còn có một thứ nữa, là cái Biết này, khả năng biết này, mọi người đồng ý không?

Đời mình có thân thể, có suy nghĩ và Biết. Thân thể có thể mất không? Suy nghĩ có thể mất không? Nhưng Biết có mất không? Khi không còn tay nữa, ví dụ như bị tai nạn mất tay thì Biết biết cái gì? Biết là không có tay. Khi không có suy nghĩ thì Biết biết cái gì? Biết không có suy nghĩ. Như vậy là thân thể có thể bị mất, suy nghĩ có thể mất nhưng có một thứ không thể mất, thậm chí chưa sinh ra đời mà đã biết, thậm chí chết rồi mà còn biết cảnh trung ấm, tái sinh biết cảnh tái sinh.

Nó là một kho tàng mình có sẵn từ xưa tới nay chứ không phải là ai mang cho mình. Cái hiểu biết mình đang có thì là do thầy cô, do bố mẹ, do học tập mang cho mình nhưng khả năng biết, cái tính Biết là khả năng có sẵn của mỗi người. Và nó không rời mình đi đâu bao giờ cả, nó luôn ở đây. Khả năng biết là một thứ xưa nay mình luôn có nhưng mình không nhận ra mà thôi.

Trong lúc thân thể là phần luôn chết thì Biết là phần luôn sống, hay nói đúng hơn vượt ra ngoài sống chết, vượt ra ngoài sinh diệt vì nó không sinh không diệt.

Nhận ra và sống trọn vẹn với Biết –  giải thoát khỏi sinh tử. 

Để kết thúc buổi nói chuyện này, thầy sẽ đọc cho các con một đoạn trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật giảng về tính Biết này cho A-Nan. Đoạn kinh tuy ngắn nhưng vừa khẳng định sự tồn tại vượt ngoài sinh tử của tính nghe hay tính Biết, vừa chỉ luôn con đường giải thoát khỏi sinh tử:

“Như có người ngủ say trên giường. Trong nhà, khi người kia đang ngủ, có người giặt áo quần hoặc giã gạo. Người ấy trong mộng nghe rõ tiếng giã gạo. Lầm cho là tiếng gì khác, hoặc là đánh trống, hoặc là đánh chuông.

Lúc chợt tỉnh, liền biết là tiếng chày giã gạo. Tự nói với gia nhân, ngay khi trong mộng lầm tiếng chày nầy cho là tiếng trống.

A-Nan, người ấy khi trong chiêm bao, đâu có nhớ những tướng động tịnh, mở đóng, thông bít. Thân tuy ngủ, nhưng tánh nghe không mờ tối.

Dù cho thân hình ông có tiêu tan. Làm sao mà tánh nghe ấy vì ông mà tiêu mất?

Do các chúng sinh từ vô thủy đến nay, theo các thứ sắc thanh, truy đuổi theo vọng niệm mà lưu chuyển. Chưa từng khai ngộ bản tánh thanh tịnh thường trụ vi diệu.

Không theo cái thường, chỉ đuổi theo sanh diệt. Do vậy phải sanh mãi và chịu tạp nhiễm khi lưu chuyển.

Nếu bỏ cái sanh diệt, giữ tánh chân thường, tánh sáng suốt chân thường hiện tiền. Các thứ căn, trần, thức, tâm phân biệt đều tiêu mất.

Tướng của vọng tưởng là trần, thức tình phân biệt là cấu nhiễm. Hai cái đó đã xa rời, thì Pháp nhãn của ông liền được trong suốt. Làm sao không thành Vô Thượng Tri Giác?”

Đức Phật gọi cái Biết là gì? Là bản tính. Thanh tịnh không? Thanh tịnh vì không thể bẩn được. Nhưng còn gì nữa? Diệu thường. Nó vượt ra khỏi thường và vô thường. Thường và vô thường là những suy nghĩ bảo đây là thường, đây là vô thường, nhưng Biết nó vượt khỏi suy nghĩ. Nên gọi là thường trụ vi diệu hay diệu thường vì thế. “Thường” hay “vô thường” là khái niệm thôi mà, nó đi kèm niềm tin vào thời gian, còn Biết ở ngoài thời gian, ngoài mọi khái niệm. Vì ở ngoài thời gian, nó vượt khỏi thường và vô thường. Đó gọi là bản tính thanh tịnh diệu thường. Đức Phật chỉ thẳng về Biết như vậy.

Con đường giải thoát khỏi sinh tử chính là nhận ra cái Biết diệu thường này, lời Phật là “khai ngộ bản tánh thanh tịnh thường trụ vi diệu”. Không nhận ra và an trụ trong Biết mà chấp mình là cái thân thể này rồi theo đuổi những thứ vô thường để làm thân này sướng hay khổ, chính là “Không theo cái thường, chỉ đuổi theo sanh diệt. Do vậy phải sanh mãi và chịu tạp nhiễm khi lưu chuyển.” Nếu có thể nhận ra cái Biết này trong mọi lúc, mọi nơi, mọi giây phút của cuộc sống và thoát khỏi ảo giác “tôi là thân thể này”, chính là “bỏ cái sanh diệt, giữ tánh chân thường, tánh sáng suốt chân thường hiện tiền”.

“Các thứ căn, trần, thức, tâm phân biệt đều tiêu mất.” Khi đó con sẽ thấy cái chết chỉ là chết giả, chỉ là sự biến mất của hình tướng thân thể vô thường trong cái Biết chân thường mà thôi. 

“Tướng của vọng tưởng là trần, thức tình phân biệt là cấu nhiễm. Hai cái đó đã xa rời, thì Pháp nhãn của ông liền được trong suốt.”. Mọi thứ hiện ra là vọng tưởng, phân biệt nó thành cái này cái kia là nhầm lẫn. Thoát khỏi vọng tưởng và phân biệt nhầm lẫn, sống trọn vẹn với cái Biết này chính là thức tỉnh, chính là “Pháp nhãn trong suốt”. Khi đó tánh Biết này chính là “Vô Thượng Tri Giác” liền hiện ra rõ ràng, không thể bị che mờ bởi những thứ ảo ảnh kia được nữa. Nhận ra sinh tử là ảo ảnh chính là giải thoát khỏi sinh tử.

*Sau buổi nói chuyện này không lâu, Dũng tích cực học và tham gia thi vào Câu lạc bộ. Bạn được thầy Trong Suốt đặt tên mới là Tuệ Dũng, nghĩa là có trí tuệ và có lòng dũng cảm. Từ đó đến nay, Dũng theo học và thực hành các phương pháp của thầy Trong Suốt.

Tuệ Dũng: Mình tự tin hơn vì hiểu Sự thật, trước mình sợ chết, giờ mình dám đối diện hơn. Mỗi khi gặp hoàn cảnh nào đấy, mình nhớ đến câu nói của Thầy, đến hoàn cảnh nào thì câu nói đấy lại hiện ra. Con đường này làm cho mình mở rộng tâm ra được rất nhiều. Mình không bị bó vào thân thể này nữa. Khi nhìn mình là cái thân thể, cái tôi này thì bị bó lại, nhưng khi mở rộng ra thì thoải mái, hạnh phúc, vui vẻ hơn.

Số lần đi viện của mình ít dần đi. Gần đây bác sĩ cho mình về nhà hơn 1 tháng, mình ở nhà thêm 10 ngày nữa là hơn 40 ngày. Trước đó thì 15 – 20 ngày phải đến viện một lần.

Từ lúc bắt đầu học về Biết, mình thấy thoải mái, tự do và tự ý thức hơn nhiều. Mình thả lỏng nhiều vì có niềm tin vào Biết. Mình thương yêu chính mình, ôm được mình, tự nhiên thấy tình thương với mọi người, kể cả những người mình ghét. Mình tập biết ơn trong thấm thía sự quý giá của nó. Mình thấy biết ơn như phép màu, từ cái nhỏ, bạn bè, tình cảm, những người xung quanh khác hẳn, thấy sự đồng cảm, gần gũi, mô tả thì khó, nhưng nó đúng như là phép màu.

Nhờ đó mình nhận ra nhiều hơn sự rộng mở của Biết, tình thương màu nhiệm. Tình thương vô điều kiện đang ở đây, dù mình có như thế nào chăng nữa. 

Trước mình ít giao tiếp với bố mẹ, ở một mình trên gác làm bạn với điện thoại, giờ mình hòa đồng gần gũi hơn với mọi người.

Mình thấy tư tưởng tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều. Mình ý thức rằng bệnh là từ những suy nghĩ tiêu cực bên trong. Khi nằm trong viện, mình cũng rất nhanh nổi cáu như những bệnh nhân khác, nhưng nhờ Biết mà mình ôm trọn được cơn giận.

Khi học Biết mình ôm được cả cơn nóng giận, biết đang nóng giận, ý thức được cơn giận tự đến tự đi. Mình biết ơn điều đấy và tình thương tự nhiên hiện ra, thấy những người bệnh nhân khác cũng không khác gì mình. Họ thấy không còn gì để mất nên họ phá phách, còn mình may mắn thấy “làm gì có mình để mà mất, không có mình” nên tự tin và tự nhiên cười với chính mình.

Tháng 4/2024 Dũng đã đón nhận cái chết một cách nhẹ nhàng. Hình ảnh cuối cùng bạn bè kể lại là Dũng vui vẻ vẫy tay chào và ra đi bình an, không có dấu hiệu đau đớn trong tiếng trợ niệm của người thân.