Con đường đến Sự Thật tuyệt đối – P15

Con đường đến thực tại tuyệt đối

Con đường đến thực tại tuyệt đối có ba giai đoạn.

1. Giới thiệu trực tiếp vào Biết bằng kinh ngiệm

Đoạn đầu tiên là con phải được giới thiệu trực tiếp, bằng kinh nghiệm vào thực tại tuyệt đối. Thực tại tuyệt đối là cái gì? Đó chính là cái Biết này. Nhưng Biết không phải là cái gì đó xa lạ, nằm ngoài con mà nó là chính cuộc đời con, là bản tính của con, là trạng thái thực sự, trạng thái tự nhiên của con. Không chỉ nhận ra bằng nhận thức mà con phải nhận ra bằng kinh nghiệm, thường là do có một người thầy giới thiệu trực tiếp cho con. Nếu không có kinh nghiệm trực tiếp mà chỉ đọc lý thuyết, cơ bản con sẽ có một cái Biết trong tưởng tượng.

“Cái Biết tuyệt đối này chỉ có thể nhận ra bằng kinh nghiệm trực tiếp. Vì thế một trăm
nghìn mô tả không bằng một lần kinh nghiệm trực tiếp Biết không qua suy nghĩ.

Bắt đầu của kiến – nhận thức – là giới thiệu trực tiếp vào Biết. Kiến này chỉ có thể hiểu với những người đã kinh nghiệm trực tiếp Biết. Nghịch lý về kiến là chỉ có thể “hiểu” bằng kinh nghiệm. Chỉ người nào kinh nghiệm rồi nói mới hiểu.

Giống như con rùa mô tả với con cá về không khí trên bờ, mọi con cá đều chịu không thể hiểu trừ con cá đã từng mắc cạn.

Nếu chưa có kinh nghiệm trực tiếp hãy tìm một người thầy giúp con kinh nghiệm trực tiếp cái Biết này.”

Khi con đọc những dòng này, con mới chỉ có một cái hiểu về lý thuyết, cái Biết có thể vẫn bị hiểu dưới dạng một khái niệm “Biết” gồm những tính chất được mô tả, nhưng xa lạ với kinh nghiệm của con. Con hãy tìm một người thầy có đủ phẩm chất để được giới thiệu trực tiếp vào Biết bằng tha lực của người thầy ấy.

Tuy nhiên, nếu cuộc sống con không có điều kiện, không cho phép làm như vậy thì con có thể chỉ dùng tự lực để đột phá vào Biết. Nếu ở hoàn cảnh như vậy, con hãy đọc những gì sư phụ đã giảng, cảm nhận như đang ngồi ở trước mặt sư phụ. Sau đó suy nghẫm, kiểm nghiệm những điều đó bằng kinh nghiệm và thực hành theo các hướng dẫn của sư phụ mà con tiếp cận được. Nếu con có nỗ lực và may mắn, Biết vẫn có thể hiện ra với con như khi học trực tiếp với sư phụ vậy.

2. Làm quen với Biết bằng Kiến – Thiền – Hành

“Không kinh nghiệm gì thì chẳng hiểu được
Nhưng kinh nghiệm rồi, do thiếu chánh kiến, nên vẫn có thể hiểu sai như thường.”

Biết là một từ dễ gọi, nhưng để hiểu đúng thì không dễ. Biết là một thứ vượt qua mọi khái niệm, không thể mô tả được, nhưng lại kinh nghiệm được dễ dàng. Vì vậy cũng có rất nhiều tà kiến về Biết và cũng có rất nhiều nghi ngờ về Biết. Để thực hành đúng vừa cần kinh nghiệm trực tiếp, thường xuyên, vừa cần học hỏi chánh kiến, suy ngẫm sâu xắc để xóa đi tà kiến và nghi ngờ.

Điểm quan trọng của Kiến là con xác quyết trên 1 thứ và chỉ một thứ này. Nghĩa là con chắc chắn rằng thực tại tuyệt đối chính là cái Biết này, và chỉ có cái Biết này thôi, không có gì khác nữa. Mọi thứ hiện ra trong Biết, nội dung của Biết đấy, cũng không là cái gì khác ngoài Biết, giống như hình trong gương cũng chính là mặt gương.

Để đến được chỗ này con cần học hỏi, suy ngẫm và thiền để đến được xác quyệt triệt để về
không có tôi và không có thật. Nếu còn tôi và mọi thứ còn có thật con không thể nào xác quyết được cái hiện trong Biết lại chính là Biết.

Điểm quan trọng của Thiền là kinh nghiệm trực tiếp Biết không qua suy nghĩ. Qua đó thấy Biết nằm ngoài suy nghĩ, không bị ảnh hưởng của khái niệm và an trụ trong Biết mà không đi kèm khái niệm hóa, phân biệt thế giới ra chủ thể và đối tượng.

Điểm quan trọng của Hành là thấy rõ không có người hành động. Mọi việc trong cuộc sống vẫn diễn ra, con vẫn làm mọi thứ như bình thường nhưng trong một trạng thái “không người hành động, tất cả là biểu diễn của Biết”.

Ở đây sư phụ chỉ nói vắn tắt về Kiến, Thiền, Hành thôi. Sau này có nhiều thơi gian hơn sẽ nói kỹ với các con từng thứ một.

Có Kiến, Thiền, Hành đúng đắn như vậy, con sẽ tiếp tục sống, làm quen với Biết và loại bỏ dần các nghi ngờ. Nghĩa là sau khi con kinh nghiệm lần đầu tiên Biết là cái gì rồi, thì con tiếp tục học để hiểu chính xác hơn, và kinh nghiệm nhiều lần nữa trong cuộc sống. Nghi ngờ sẽ giảm xuống, xác quyết sẽ tăng lên. Nhưng không nghi ngờ ở đây không phải chỉ là trong suy nghĩ mình không nghi ngờ, mà là một cuộc sống kết hợp giữa sự hiểu đúng (gọi là kiến), lẫn với những kinh nghiệm trực tiếp về Biết (gọi là thiền), lẫn cách hành động trong cuộc sống hàng ngày để giúp tăng trưởng chứng ngộ (gọi là hành).

Cuộc sống khi đó sẽ là một quá làm quen với Biết hết lần này đến lần khác, cùng với sự hiểu đúng, sẽ dẫn đến sự xác quyết rằng Biết là như vậy, Biết là rõ ràng trong kinh nghiệm của con, tất cả là một với Biết, không thể khác được.

Bạn Tuấn: Nhận ra được cái đấy.

Sư phụ: Nhận ra trực tiếp là nó chỉ thế, nó không là gì khác nữa, nó chỉ thế thôi.

Bạn Tuấn: Dạ.

Sư phụ: Ví dụ cái tát của Mai với bạn Thái. Thế nào là không nghi ngờ, thế nào là có nghi ngờ? Có nghi ngờ có nghĩa là gì? Ôi giời bạn lại tát mình à? Đấy, thế là có nghi ngờ rồi. Không nghi ngờ là gì? Đây chắc chắn là biểu diễn của Biết rồi, không có tôi nào tát hay tôi nào bị tất, không có gì khác nữa, không phải nghi ngờ gì cả. Có khác nhau không nhỉ?

Bạn Tuấn: Dạ khác.

Sư phụ: Trông thế thôi chứ khác nhau nhiều đấy. Trông tưởng sư phụ mô tả đơn giản nhưng mà khác nhau nhiều. 1 bên là con không nghi ngờ, thì con chỉ thấy có biểu diễn của Biết thôi chắc chắn không gì khác được.

Bạn Tuấn: 1 bên là vẫn còn cái tôi.

Sư phụ: Ờ, nếu nghi ngờ thì lúc đó vẫn là tôi làm tôi chịu, lỗi của tôi rồi đủ các loại đúng không? Tại sao mình lại bị tát thế này, chắc là mình nhìn cô bên cạnh rồi. (Mọi người cười) Đúng không? Ví dụ thế, thế là thôi rồi. Đấy là nghi ngờ. Đấy vẫn là tiếp tục mà có nghi ngờ. Chưa phải là Biết. Kể cả mình không nhìn cô bên cạnh nữa thì sao? Biết vẫn có thể biểu diễn cảnh tát như thường. Đấy, thế mới là hiểu. Đấy là tiếp tục mà không nghi ngờ. Còn nghi ngờ là gì? Chắc là do mình nhìn người này người kia, chắc là do chấm chấm. Có tôi, có người, mà không có biết. Không. Cái đấy nó chỉ là lý do tương đối. Còn lý do tuyệt đối và duy nhất là do Biết biểu diễn như thế. Cho cái tát là cho cái tát, hết. Đấy gọi là tiếp tục mà không nghi ngờ.

Ví dụ ngày mai con lại làm mất một số tiền, thì thông thường lỗi tại mình dốt rồi, mình nhầm rồi, mình dở rồi. Thế là vẫn có nghi ngờ. Không nghi ngờ là gì, biểu diễn của Biết thôi biết làm thế nào. Có tài thánh cũng mất tiền. Mình có kinh doanh giỏi nhất Việt Nam cũng mất tiền. Nếu Biết đã biểu diễn mất tiền thì?

Một số bạn: Thì là mất tiền.

Sư phụ: Đúng rồi. Thế thôi. Quá đơn giản luôn. Hiểu không?

Bạn Tuấn: Dạ.

Sư phụ: Như thế thì cái mất tiền ấy nó đến để thử thách con. Nó không phải đến hại đời con đâu.

Bạn Tuấn: Nó không hại được.

Sư phụ: Nó đến để làm con tiếp tục mà không nghi ngờ. Đấy. Những cái khổ nạn vẫn phải đến, nhưng đến để thử thách, để xem là gì? Bạn có tiếp tục mà không nghi ngờ hay không, hay là bạn lại nghi ngờ?

Bạn Tuấn: Vâng.

Sư phụ: Đúng chưa? Khi đấy, vừa nãy có bạn nào nói là chấp nhận ấy, thì khi đấy con chấp
nhận 1 cách tuyệt đối.

Bạn Tuấn: Vâng. Nó đến để con xác quyết cái việc là mình bất lực với cái đấy. Chứ còn không thì con vẫn cứ tin như thế.

Sư phụ: Đúng rồi.

Bạn Tuấn: Dạ, bất lực thật sự với cái đấy.

Sư phụ: Đúng rồi. Con phải thực sự bất lực. Nếu con thấy con còn có lực…

Bạn Tuấn: Lâu lâu bất lực, xong rồi đến lúc lại có lực.

Sư phụ: À há. (Sư phụ và các bạn cười)

Bạn Tuấn: Đấy, con bị cái trình trạng thế đấy…

Sư phụ: Không, sư phụ rất hiểu cái điều đấy. Rất rất nhiều người bị như vậy. Và vì như thế nó phải đến tiếp. Vấn đề nó phải đến tiếp thì con mới đồng ý được rằng con bất lực.

Bạn Tuấn: Dạ.

Sư phụ: Chính khi con bất lực rồi thì không mất nữa đâu. Có kỳ diệu không? Nhưng mà con chưa thấy bất lực thì nó sẽ đến để để chứng minh cho con. Nếu con đi tìm sự thật, thì sự thật sẽ tìm con bằng cách mất tiền.

Bạn Tuấn: Dạ.

Sư phụ: Để con hiểu rằng con chẳng có cái vai trò gì hết. Không phải tài giỏi, không phải do kém. Không do tài cũng chẳng do con kém. Mất là mất. Đấy gọi là tiếp tục mà không nghi ngờ.

Bạn Tuấn: Cái gì nó đến nó sẽ đến.

Sư phụ: Ừ. Tiếp tục mà không nghi ngờ. Vì sao? Vì con có nghèo kiết xác nữa con vẫn có thể tỉnh thức được. Nhưng nếu con giàu hết cỡ, mà con lại nghĩ là mình giỏi, mình có thể làm được cái này được cái kia, thì con vẫn chẳng gần sự thật được tý nào hết.

Bạn Tuấn: Dạ.

Sư phụ: Thế con thấy cái nào thú vị hơn?

Bạn Tuấn: Nghèo kiết xác mà nhận ra sự thật sướng hơn.

Sư phụ: Vẫn hơn là ông giàu khú đế xong nghĩ là mình giỏi, đúng không? Đây có hai ví dụ đấy, của Thái với của của Tuấn. 1 ông thì bị tát xác định ngay là gì? Biết biểu diễn chứ có gì đâu? Còn 1 ông mất tiền thì sao? Do Biết biểu diễn, mất thì mất thôi, có do mình giỏi mình kém gì đâu.

Lưu ý quan trọng là cái xác quyết đó phải dựa trên trí tuệ, dựa trên một quá trình phá ngã chấp, phá sự tồn tại thực sự của vật. Chứ không phải chỉ nghe sư phụ bảo đây là Biết biểu diễn rồi tin theo. Xác quyết theo kiểu nghe sư phụ nói rồi mình tin thì chắc chắn sẽ dẫn đến nghi ngờ, nhiều bạn đã bị rồi, khi có việc gì đến thì nói như một cái máy “Biết biểu diễn…”, mà không hiểu tại sao lại là Biết biểu diễn? Sau đó gặp chuyện thì mâu thuẫn vì tin là có tôi làm chứ sao lại là Biết biểu diễn được, dần dần phỉ báng và xa rời sự thật.

Để thấy là Biết biểu diễn con cần phải trải qua một quá trình học hỏi, suy ngẫm và thiền để thấy không có tôi, không có vật, nên mọi thứ chỉ còn là cảnh hiện ra trong Biết. Khi hiểu sâu sắc như vậy, con mới xác quyết được chỉ có Biết, không có gì khác cả.

Tóm lại, giai đoạn thứ hai con dùng kiến, thiền, hành để tiếp tục làm quen với Biết và dẫn đến sự xác quyết và hết nghi ngờ.

Còn hôm nay mình chỉ nói đoạn thứ nhất: Giới thiệu trực tiếp vào Biết. Biết nó là một ngôn từ thôi. Các con cần được giới thiệu trực tiếp bằng kinh nghiệm, không chỉ dừng ở ngôn từ. Hiểu không đủ, mà con cần được giới thiệu trực tiếp. Con nhận ra à hóa ra Biết là cái này này. Nó không phải là cái lý thuyết sư phụ nói, mà nó là cái này này. Khi nào kinh nghiệm trực tiếp Biết và thấy Biết chính là cuộc đời con, là cả thế giới của con. Đấy mới gọi là được giới thiệu trực tiếp.

Sau đó là làm quen với Biết trong mọi kinh nghiệm sống. Ví dụ vừa nãy là rõ ràng rồi đúng
không? Tát 1 cái là biểu diễn của Biết hay là có tôi, có người yêu tôi ghét tôi v.v… Đấy. Tất
nhiên con được quyền nghĩ rằng do người yêu tôi ghét, nhưng con phải hiểu đó chỉ “có vẻ là”.

Còn “thực ra là” Biết biểu diễn, chứ ở đây không phủ nhận cách nghĩ thông thường. Con có thể nghĩ mất tiền vì con nhầm lẫn, cũng đúng, nhưng nó chỉ “có vẻ là” như vậy. Còn “thực ra là”?

Bạn Tuấn: Là Biết biểu diễn.

Sư phụ: Thực ra là gì chính là cái cần làm quen và xác quyết. Còn những cái tương đối cứ sống thôi, mất tiền thì cẩn thận để không mất nữa, bị tát thì học bài học để không bị tát nữa…

Bạn Tuấn: Dạ.

Sư phụ: Đấy, con hiểu vấn đề chưa nhỉ? Cái tuyệt đối nó không phủ định cái tương đối. Cái
tuyệt đối nó ôm trọn lấy cái tương đối. Bầu trời thì không phủ nhận cái loại mây mưa giông bão. Nó ôm trọn các loại mây mưa giông bão. Đúng không? Màn hình ti vi thì không phủ nhận cảnh giết người hay cảnh cứu người. Ôm lấy cả cảnh giết người lẫn cứu người.

Bạn Tuấn: Nó biểu diễn ra cái cảnh nhầm lẫn ấy.

Sư phụ: Đúng rồi. Về tương đối, hay còn gọi là “có vẻ là”, thì vẫn là nói là tôi nhầm lẫn cũng chẳng sai. Nhưng về tuyệt đối con hiểu rằng “thực ra là” gì. Cái “thực ra là” đấy nó thể hiện con đã xác quyết trên 1 thứ được hay chưa. Nếu con không có “thực ra là”, mà cuộc sống chỉ toàn “có vẻ là”, thì đấy là con vẫn chưa xác quyết trên 1 thứ. Con vẫn tiếp tục và nghi ngờ. Và chuyện đấy là chuyện bình thường thôi, không có vấn đề gì đâu. Ai cũng phải trải qua 1 quá trình làm quen với Biết. Có thể làm quen trong nhiều năm. Thế nhưng trong lịch sử có những người không cần làm quen, 1 lần được luôn. Nhưng trong 1 triệu hành giả thì may ra được 1 người như vậy. Còn người nói chung thì thông thường là nhiều năm.

Cái nhiều năm nó có cái hay ở chỗ là sau này nó giúp được những người khác cũng có hoàn
cảnh tương tự như mình. Nên nhiều năm không có gì xấu cả. Sau này con có nhiều kinh nghiệm cá nhân để chia sẻ cho người khác việc con đã vượt qua đoạn này thế nào.

3. Tự tin đến từ tự giải phóng

Đoạn thứ ba gọi là tự tin đến từ tự giải phóng. Đoạn thứ ba thì con thấy rằng chỉ có Biết trong kinh nghiệm sống của con. Đoạn trước con phải cố gắng làm quen, cố gắng xác quyết vào Biết. Nhưng khi đến một đỉnh điểm nhất định của xác quyết và kinh nghiệm, thì con thấy tự Biết nó thế, tự luôn ở đây, và mọi thứ hiện ra trong Biết tự nó cũng chính là Biết, không cần cố gắng xác quyết là như vậy nữa. Nó vốn dĩ như thế rồi chứ không phải là tôi phải xác quyết nó mới thế. Khi đó, kinh nghiệm mọi thứ tự giải phóng trong Biết, đặc Biệt là sự giải phóng hoàn toàn của suy nghĩ, sẽ trở nên tự nhiên.

Giai đoạn trước, khi Mai tát con 1 cái, thì con phải nghĩ là đây là Biết biểu diễn ấy mà, không có gì khác cả. Đấy gọi là “xác quyết trên một thứ”. Đấy cũng gọi là “tiếp tục mà không nghi ngờ”. Nhưng mà ngày mai, hay đến ngày con tự tin vào tự giải phóng ấy, và Mai tát con 1 cái đấy thì con sẽ các cảm xúc và suy nghĩ tự bắn ra, chứ không phải con nghĩ ra, rồi tự tan vào Biết. Con sẽ thấy: có gì đâu nhỉ, cái cảnh tát này hiện ra trong Biết, rồi tan ngay vào Biết. Đấy là cảnh hiện ra trong Biết, là biểu diễn của Biết, và khi hiện ra thì nó cũng là một với Biết, không có cái tôi nào ở đó để được lợi hay bị hại. Thế thì có gì mà kinh khủng đâu. Tự con khẳng định thế do thấy trực tiếp trong kinh nghiệm sự tự giải phóng của toàn bộ cảnh đó trong Biết. Con không cần phải cố gắng xác quyết rằng đây là cái biểu diễn của Biết và nó chính là Biết nữa. Tự nhiên thôi, có gì đâu nhỉ, chỉ thế thôi mà. Sau đoạn đó xong rất tự tin.

Cái tự tin đấy không phải đến từ ai dạy cho con cả. Mà đến từ kinh nghiệm sống của con. Kinh nghiệm các suy nghĩ tự hiện lên, làm nhiệm vụ của mình rồi tự nhiên tan vào Biết, như những cơn sóng tan vào mặt Biển. Việc thấy suy nghĩ tự hiện rồi tự tan rất quan trọng, nó khiến con hoàn toàn không còn lệ thuộc vào suy nghĩ nữa.

Giai đoạn này con sẽ kinh nghiệm thấy là mọi thứ nó tự ổn sẵn rồi, mọi thứ tự giải phóng hay là tự tan luôn rồi đấy. Tự không có vấn đề gì, tự biến mất trong Biết, tự nó là một với Biết. Nó tự như thế rồi, không phải do tôi cố xác quyết gì nữa. Vốn cái tát đấy hiện ra trong Biết rồi tan vào Biết đúng không? Kể cả mình có nóng giận hết cỡ đi, chẳng sao cả. Tự tin thì không sợ cả nóng giận. Vì nóng giận cũng hiện ra trong Biết rồi tan vào Biết. Cuối cùng chẳng có dấu vết gì, và nó là biểu diễn của Biết mà thôi. Có thấy cái “mình” nào đâu mà phải sợ. Khi đấy con có sự tự tin. Tự tin vì con thấy rằng cái cảm xúc nóng giận đấy cũng không đáng sợ nữa. Vì nó là biểu diễn của Biết mà thôi. Biết biểu diễn cảnh có một người phụ nữ tát một người đàn ông, xong Biết biểu diễn 1 người đàn ông nóng giận. Con có cái loại tự tin mà người thông thường vẫn đang nóng giận thì không có được. Người bình thường không bao giờ có loại tự tin này. Vì họ nghĩ rằng phải không nóng giận thì mới đúng chứ, và vẫn tin rằng có một cái tôi đang nóng giận.

Bạn Tuấn: Chính xác.

Sư phụ: Nếu phải lúc nào tâm cũng bình an thì mới đúng. Thì làm sao tự tin? Hành giả như thế không tự tin được, vì khi nóng giận đến sẽ mất tự tin. Đúng không? Sư phụ quen nhiều người, rất nhiều, những người thực hành 20, 30 năm vẫn không tự tin là bình thường. Tại vì sao? Vì họ vẫn còn cái tôi hành giả, tin là cái tôi đó sẽ kiểm soát được cảm xúc. Mà họ được học để không có nóng giận, không có ghen tị gì cả. Nhưng mà sao họ vẫn thấy mình lại nóng giận, ghen tị đến thế này, nên tự nhiên họ mất tự tin, đúng không?

Một bạn nữ: Đúng.

Sư phụ: Con vừa nói lúc nãy đấy, suy cho cùng tình yêu của con toàn là đến từ cái tôi, đúng không? Vậy khi con thấy tình yêu đến từ cái tôi, con mất tự tin, đúng không? Như vậy là nếu mình muốn đạt được trạng thái A, trạng thái B, trạng thái C khác với trạng thái đang là này, thì mình lúc nào cũng rất dễ mất tự tin. Chỉ khi nào mình thấy rằng là “ừ cái đang là nào thì cũng ổn, có gì đâu”, kể cả nóng giận cũng chẳng vấn đề gì hết, kể cả tình yêu đến từ cái tôi cũng chẳng sao cả. Vì mình trực tiếp thấy nó là biểu diễn của Biết, hiện ra trong Biết rồi tan vào Biết, đồng một vị với Biết, và đặc biệt là không do một cái tôi nào điều khiển cả. Khi đấy con có một loại tự tin mới, tự tin vào tự giải phóng, mà người bình thường không thể có được.

Người mà không đi vào con đường này thì đến đoạn nhất định không có tự tin nổi nữa. Vì còn cái tôi tâm linh, cứ mất cái này, cái kia là mất tự tin. Nhưng khi đó con mất con vẫn tự tin. Mất vui, mất an toàn, vẫn tự tin. Khó tin quá đúng không? Quái, sao đang buồn bực nhưng mà vẫn tự tin được hả? Đúng không? Lo lắng hết cỡ vẫn tự tin.

Đấy, khi lo lắng hết cỡ mà con trực tiếp thấy rằng đây là biểu diễn của Biết, không phải đến từ tôi, và trực tiếp thấy nó tự hiện tự tan trong Biết, thì con sẽ tự tin. Thậm chí kể cả nó không tan, nhưng con trực tiếp nhìn thấy bản chất của lo lắng chính là trang hoàng rực rỡ của Biết, không cần chống lại lo lắng, thì con vẫn tự tin. Đấy gọi là tự tin đến từ tự giải thoát.

Tự tin đến từ việc gì? Từ việc thực chứng rằng kinh nghiệm của con luôn có một vị là Biết, nên tất cả những kinh nghiệm của con đều rất ok. Nói một cách dễ hiểu là gì? Tự tin đến từ việc thấy Biết luôn rõ ràng và mọi kinh nghiệm dù có hình tướng gì đi nữa thực ra đều là Biết, bình đẳng với nhau. Vì thế nên mọi kinh nghiệm đều ok hết, sướng hay khổ, vinh hay nhục, được hay mất, khen hay chê đều là biểu diễn của Biết, đều có chất là Biết, đều bình đẳng và cùng một vị với Biết. Nếu con đi được đến hết đoạn ba này, thì tất cả những cái ngọt ngào trong sách vở miêu tả sẽ tự đến với con. Còn nếu không, thì con vẫn chỉ là người hiểu cái sư phụ nói, con chưa sống như cái sư phụ nói, hãy đi tiếp.

Khi nào con thấy những thứ lâu nay, trước nay mình thấy không ok, thì giờ vẫn ok, con sẽ
tự tin mà không cần sửa một chữ. Chỉ có tự tin đến từ kinh nghiệm mới thấy như thế được thôi. Nếu con không đủ tự tin ấy, con không thấy nổi cái đấy đâu. Không thể nào thấy những thứ lâu nay mình không cho là ok, bây giờ lại là ok được, không thể xác quyết được. Các con tạo ra chuẩn nhiều nhất là chuẩn với chính mình. Chuẩn với xã hội thì có rồi, nhưng mà với mình ấy, khoác lên mình một đống tiêu chuẩn. Một ngày nào đó, mình thấy mình khác chuẩn đấy thôi, thì mình mất tự tin.

Nhưng bây giờ khi con chứng kiến sự tự giải phóng của mọi kinh nghiệm trong Biết rồi thì sao? Khác hẳn chuẩn đấy mà vẫn tự tin, thì đấy gọi là tự tin dựa trên tự giải phóng, thuật ngữ gọi thế. Khi nào con tự tin vào tự giải phóng rồi thì hoa thơm, quả ngọt sẽ đến. Lúc đấy còn vấn đề gì nữa? Mọi thứ tự ổn, tự hoàn hảo rồi còn gì nữa, đúng không? Ngày mai covid đến, con bị covid, con thấy ừ, có gì đâu, covid thì sao? Đúng không? Thì chữa đúng không? Chữa không khỏi chết thì sao? Covid là gì? Chết cũng là gì?

Mọi người: Biểu diễn của Biết.

Sư phụ: Biểu diễn của Biết thôi. Cái sự tự tin ấy, cái sự xác quyết trên một thứ ấy, cái sự sống liên tục trong Biết ấy, nó dẫn đến sự tự tin ấy. Con hiểu con đường chưa? Nếu con phải chia làm ba đoạn, thì ba đoạn vừa mô tả đấy.

Một là được giới thiệu trực tiếp, hai là làm quen với Biết.

Đoạn ba là gì? Là tự tin dựa trên tự giải phóng, cũng là một từ rất khó hiểu. Tự tin do thấy rõ mọi kinh nghiệm, đặc biệt là suy nghĩ, tự giải phóng trong Biết. Kinh nghiệm được là cái gì cũng là Biết nên rất ok. Đấy, lúc đấy thì sư phụ chửi con, con thấy ok ngay. (Mọi người cười) Biểu diễn của Biết thôi có gì đâu đúng không? Mà con chửi sư phụ, con cũng thấy ok. (Mọi người cười) Không chỉ là sư phụ chửi con, con thấy ok, mà kể cả con chửi sư phụ thì chính con thấy gì?

Mọi người: Ok.

Sư phụ: Ok, sư phụ hay kể chuyện đấy, Thangtong Gyalpo, một bậc giác ngộ vĩ đại của Tây Tạng, đang ngồi thì có một thằng trẻ ranh 20 tuổi đi vào. Các con nghe chuyện đấy chưa? Hai người đấy đều giác ngộ, Thangtong Gyalpo, hơn 100 tuổi rồi. Còn cái ông trẻ ranh kia có hơn 20 tuổi. Nhưng cả hai ông đều là hai bậc giác ngộ. Ông già thì đang giảng rất đông người. Ông kia nghênh ngang đi vào, không chào. Thế là ông Thangtong Gyalpo trợn mắt quát: “Nhà ngươi là ai mà vào đây hỗn láo thế?”. Đấy, quát cho vui thôi mà, quát cho vui, quát ông kia là, ngươi   là ai vào đây hỗn láo thế, vào đây không chào, đúng không? Cả hội chúng toàn là sư đang ngồi nghiêm túc, mà ông trẻ kia cứ đi nghênh ngang đi vào. Chưa hết, ông trẻ kia đến giật râu, nắm râu Thangtong và khen: Ôi râu đẹp thế nhỉ? (Mọi người cười). Đã không thèm trả lời lại còn gì?

Mọi người: Giật râu.

Sư phụ: Giật râu. Thế là Thangtong bảo: “Nhà ngươi cũng khá đấy, cúng dường ta cái gì đấy rồi đi đi”. Thế là khen đấy, khen thật đấy: “Ngươi cũng khá đấy, có gì cúng dường, cúng xong đi đi”. Thế có ai cần ai đâu, đúng không nhỉ? Hai ông giác ngộ thì cần gì nhau nữa. Xong ông trẻ kia bảo: “Không, ta muốn được cúng dường”. (Mọi người cười). Nói tôi muốn được cúng dường, xong giật luôn cái áo choàng của Thangtong Gyalpo, khen áo đẹp quá, lấy luôn. Kinh không?

Ông già bảo cúng dường đi, thế mà ông trẻ giật cả cái áo choàng, bảo ta muốn được cúng dường xong giật luôn, không cần, không xin phép. Đấy, cho con một ví dụ về việc là cái gì cũng ok là vì thế. Lấy cái áo choàng của một sư phụ giác ngộ đang ngồi giữa đại chúng, và vẫn thấy ok. Đấy, khi đấy con thấy cái gì nổi lên cũng ok, đấy gọi là tự tin, khi thấy cái gì cũng tự giải phóng trong Biết. Cái gì cũng ok.

Một bạn: Không ngán bất cứ thứ gì.

Sư phụ: Có thể nói như vậy, nhưng cái này mạnh hơn là gì, thực sự nhấn mạnh sự tự tin đến từ kinh nghiệm trực tiếp về tự giải phóng. Khi con kinh nghiệm cái gì cũng là Biết, thì lúc đấy rất tự tin. Còn khi con còn tin là có tôi, có thế giới, thì con thấy một cái nóng tính nổi lên, con sẽ cho là ôi cái này không ok rồi. “Mình hôm nay sao lại mình lại tham, sân, si thế này, không được.” (Vài người cười). Nếu con còn lo lắng mình hành xử thế này chuẩn hay chưa, hoặc người khác hành xử thế chuẩn hay chưa, thì có nghĩa là con chưa đến đoạn tự tin.

Xác quyết và kinh nghiệm liên tục về Biết thì dần dần con sẽ tự tin khi thấy cái gì cũng là Biết, cái gì cũng rất ok. Mọi thứ đã vốn hoàn hảo rồi, không cần sửa một chữ thì vẫn hoàn hảo. Khi đấy thì kể cả những rối loạn trong đời con, con cũng thấy ok luôn. Khi thấy mọi suy nghĩ, mọi sự vật hiện tượng tự hiện và tự tan trong Biết, thì đấy là thời điểm bắt đầu của giải phóng. Trong lịch sử gọi là tự tin dựa vào tự giải phóng, tự tin xây dựng trên sự tự giải phóng là như vậy.

Thế thì còn cái gì vương mắc nữa, con bắt đầu thấy trong lòng con rất thênh thang, rộng mở, giải phóng. Con bắt đầu có một cảm nhận thế nào là tự do vô điều kiện. Thấy cái gì cũng ok, thì vô điều kiện không?

Một bạn nam: Có.

Sư phụ: Chứ còn có cái không ok, cái ok, làm sao lại vô điều kiện được, đúng chưa? Buổi đầu tiên nhưng sư phụ nói luôn bước cuối cùng, cái gọi là từng bước đi là như thế nào, nó có ba đoạn như vậy. Và ba đoạn đấy nó không đòi hỏi con phải lên núi hay ở đâu đặc biệt hết. Con vẫn sống giữa náo nhiệt của đô thị được vì bản chất cái nào nhiệt này cũng là cái Biết, là cái hoàn hảo. Đấy là lý do mà sư phụ sống cuộc đời như thế này. Sư phụ hoàn toàn có thể bỏ hết mọi thứ cách đây nhiều năm rồi. Tại lúc đó may mắn mình đã kiếm đủ tiền để mình sống cả đời rồi. Nhưng mà mình thấy, thế thì còn biểu diễn gì được sự thật, truyền cảm hứng được gì nữa. Cứ thức tỉnh, nhận ra đây là mơ, là phải trốn lên núi à? Đúng không? Không, mình hoàn toàn có thể sống giữa tất cả các loại chuyện thị phi luôn, đúng không? Mình tham gia vào cuộc đời đầy thị phi, và mang vào thị phi của một con người. Thì nó mới chứng tỏ là cái gì cũng ok chứ.

Mọi người: Cho vui.

Sư phụ: Đây, các con thấy đời sư phụ như thế nào? “Đời tôi thanh tịnh lắm nên cái gì cũng ok.” (Vài người cười) Học trò tin thế nào được. Đời tôi bất tịnh mà cái gì cũng ok, thì học trò mới thấy sức mạnh của sự thật chứ. Nếu thấy sư phụ cũng tham gia vào cuộc sống bất tịnh mà sư phụ vẫn ok, thì con tin sự thật hơn, hay là thấy sư phụ sống rất thanh tịnh và sư phụ bảo đời tôi rất ok, cái nào làm con tin hơn?

Một bạn nữ: Bất tịnh.

Một bạn nam: Bất tịnh ạ.

Sư phụ: Cái mấu chốt là gì? Là sư phụ nói về cái Biết tuyệt đối, là một cái mà nội dung nó thế nào thì nó cũng ok, không lay chuyển được! Đấy, cái mà thế nào cũng ok thì là cái mấu chốt. Cái mà phải lọc trạng thái này đi, bắt trạng thái kia xảy ra thì mới ok, thì là cái không mấu chốt.

Hôm nay sư phụ cho con biết con đường là như thế đấy! Nếu con thấy đúng thì con đi tiếp, không thì thôi. Nó có 3 bước đấy. Hiểu luôn từ đầu. Trong cả 3 bước này không có bước nào là bước phải lánh đời sống bất tịnh và sống một đời thanh tịnh cả. Con ngẫm xem trong 3 bước có bước nào cần thanh tịnh không?

Một bạn: Không!

Sư phụ: Bước 1 cần thanh tịnh không? Bước 1 giới thiệu trực tiếp, con hiểu và kinh nghiệm cái sư phụ nói là được. Con già hay con dốt mà con kinh nghiệm cái sư phụ đã nói thì là xong. Không cần thanh tịnh. Làm quen với Biết thì cần làm quen cả trong thanh tịnh lẫn bất tịnh, để thấy bất tịnh cũng là Biết, vậy cũng chẳng cần thanh tịnh. Đúng không? Còn tự giải thoát thì càng không cần thanh tịnh. Đúng chưa?

Đấy! Thế nên là nếu sư phụ sống một cuộc đời quá thanh tịnh thì nó lại là tấm gương không tốt lắm cho chính những thứ mình giảng. Mình giảng là thế nào cũng được nhưng mình lại sống rất thanh tịnh, thì mình lại biến thành tấm gương không hiệu quả. Tấm gương hiệu quả là gì? Là mình sống cuộc đời cũng chẳng gọi là thanh tịnh mà vẫn ok thì là tốt nhất, đúng không? Học trò mình sẽ có lòng tự tin.

Trong 3 đoạn đấy thì việc con được giới thiệu Biết nó là cái gì, rất quan trọng. Vì từ xưa tới nay con chỉ biết những cái tương đối thôi, toàn những cái mà có thể mất thôi, đúng không? Chứ thực ra chưa bao giờ con biết cái gì là cái không thể mất. Không bao giờ mất. Và rất nhiều người sinh ra trên trái đất này rồi chết đi mà không hề biết nó là cái gì.

Không có người thầy chỉ ra thì không bao giờ biết. Vì thế đoạn các con bắt đầu này là rất quan trọng. Con cần được giới thiệu trực tiếp nó là cái gì. Hoặc qua một vị thầy, hoặc thỉnh thoảng cũng có ngoại lệ. Ví dụ ngày xưa cũng không ai giới thiệu cho sư phụ hết, nên đành phải đọc sách và tự cố gắng. Nhưng mà tạm gọi là do đời trước mình đã thực chứng cái Biết này giờ mình quay lại chơi với nhiệm vụ này thôi, hoặc gọi thật ra là do Biết biểu diễn, nên là chuyện đấy nó thành khá dễ dàng. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm dạy của sư phụ thì thấy rằng thường không được giới thiệu thì sẽ không biết cái Biết là gì.

Anh Tuấn: Sư phụ tự nhận ra à?

Sư phụ: Một ngày nào đó con cũng sẽ tự thấy là ừ hoá ra mình đã xem những bộ phim gì. Nếu mà nói mỗi cuộc đời là một một bộ phim ấy, thì trên tấm gương của Biết này nó có hàng triệu cuộc đời rồi, hàng triệu bộ phim rồi, vô số cảnh luân hồi lẫn niết bàn rồi.

*

Ai cũng có thể thực hành để an lạc và hạnh phúc ngay giữa đời thường.
Để hiểu rõ hơn cách thực hành như thế nào, bạn có thể tham gia vào CLB Phát triển bản
thân Trong Suốt: trongsuot.com
Cùng nhau, chúng ta sẽ về nhà bạn nhé!