I. CON TÌM GÌ? TÌM THỨ CÓ THỂ MẤT HAY TÌM THỨ KHÔNG BAO GIỜ MẤT?
1. Nếu tin mình là thân tâm này, thì luôn khổ
Sư phụ Trong Suốt: Nhiều người tham gia vào các hoạt động của nhóm chủ yếu là để bớt khổ. Kiểu như đi phóng sinh, rồi nghe Trà đàm, rồi những bài học về tình yêu, về kinh doanh. Nhưng cơ bản những điều đó chỉ giúp mọi người bớt khổ thôi, chứ không hết được. Bởi vì những kỹ năng cuộc đời dựa trên một cái nền tảng: Tôi là cái người này. Tôi cải tiến chính tôi, hoặc cải tiến hoàn cảnh của tôi, để tôi hạnh phúc.
Cải tiến chính tôi như là học hành thông minh, khôn ngoan lên, bớt nóng giận đi, rồi từ bi yêu thương hơn, v.v… Hoặc là cải tiến hoàn cảnh như làm thế nào để kiếm nhiều tiền hơn, làm thế nào để cô ấy thích mình trở lại… để hạnh phúc xuất hiện.
Có phải môn học nào cũng thế không? Từ học kinh doanh, học kỹ năng, học các loại học. Tôi là cái người này, nếu tôi cải tiến tốt chính tôi hoặc hoàn cảnh thì hạnh phúc sẽ đến. Ai cũng nghĩ thế hết và tất cả mọi người đang nghĩ như vậy, đúng không?
Thế nhưng cái nền móng đấy nó không thoát khỏi một thứ rất quan trọng là vô thường. Ừ cứ cho cải tiến được một đoạn đi, xong rồi vô thường đến thì sao? Mất cái cải tiến đấy, thậm chí là còn quay ngược lại mạnh hơn. Cũng tương tự như vậy, cải tiến hoàn cảnh đi! Hôm nay lên chức giám đốc đi, ngày mai có thể vào tù. Vô thường mà!
Cứ cho là cô ấy yêu mình đi. Rồi ngày mai cô ấy lại nhìn thấy một anh khác bên cạnh, hấp dẫn hơn, đúng không? Anh ấy nắm tay giỏi hơn, và thế là gì? Cô ấy đưa tay cho anh ấy. Có phải mình đau khổ không?
Cái nền móng của việc tôi là cái người này, nếu tôi cải tiến thì tôi sẽ hạnh phúc ấy, chính cái nền móng đấy đem lại sự không hạnh phúc. Giống như mình đặt hy vọng của mình vào những thứ mà có thể mất bất kỳ lúc nào thì mình không thể hạnh phúc được, đúng không?
Ví dụ tôi hy vọng vào sức khỏe, tôi đi tập các loại tập để cho nó khỏe, thì hạnh phúc được không? Trong khi cái sức khỏe đấy một cơn gió đến một cái là nằm liệt ra luôn.
Vậy nếu đặt hy vọng của mình vào những thứ liên tục biến mất thì mình không thể có hạnh phúc. Thế nhưng mà cả thế giới này đặt hy vọng vào đâu? Thử nhìn bố mẹ mình mà xem! Bố mẹ muốn con cái học giỏi, ngoan, sau này thành đạt. Học giỏi, ngoan, thành đạt có biến mất được không? Biến mất dễ hay khó?
Một bạn: Dễ!
Sư phụ Trong Suốt: Quá dễ! Vì thế nên bố mẹ lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, nó đang ngoan ngày mai tự nhiên nó có bầu thì sao? Đang rất ngoan, tự nhiên gì? Có bầu, hoặc làm một đứa khác có bầu. Thế là đang rất ngoan biến thành gì?
Một bạn: Hư!
Sư phụ Trong Suốt: Hư rồi, đúng không? Đang khỏe mạnh, ngày mai bị tai nạn thì sao? Có phải bố mẹ lúc nào cũng lo nơm nớp về con cái không? Những người có kinh nghiệm sống, đặc biệt trải qua đau khổ nhiều rồi thì sẽ hiểu cái sư phụ nói dễ hơn. Kể cả mình có tài ba đến mấy đi nữa thì những cái mình muốn đạt được, nó cũng có thể tuột khỏi tay mình bất kỳ lúc nào, mình có là một ông thần đi nữa thì cũng thế, nữa là con người.
Vì thế cái mô hình là nếu tôi cải tiến, tôi đạt được cái A, cái B, cái C bên trong hoặc bên ngoài tôi thì tôi sẽ hạnh phúc ấy, là cái mô hình bản chất nó đã chứa sự đổ vỡ rồi. Hay nói cách khác là bản chất nó chứa sự không hạnh phúc. Phải đạt được cái A, cái B, cái C thì mới hạnh phúc thì nghĩa là gì? Nếu mất cái A, cái B, cái C thì sẽ gì? Sẽ bất hạnh. Có đúng không?
Nên là con người khổ mãi vì thế, tất cả mọi người lớn lên đều được dạy như vậy, được học như vậy, hầu như là thế, kể cả trong đời lẫn trong đạo. Ví dụ trong đời thì thì dễ hiểu rồi, nhưng trong đạo thì mình đi tìm một cái trạng thái đặc biệt nào đó. Lúc mình đẻ ra mình có trạng thái đấy chưa? Chưa!
Nên là khi nó đến bằng cách mình cố gắng xây dựng thì một ngày nào đó có thể mất, đúng không? Cái gì có sinh thì cái đấy nó phải có diệt. Trong cả đời, trong cả đạo cũng thế thôi, nếu chúng ta đặt hạnh phúc của mình vào một thứ mà nó biến mất dễ dàng hoặc là nó có thể biến mất thì chắc chắn cuối cùng là bất hạnh. Làm ăn giỏi thì dễ biến mất hay khó biến mất?
Một bạn: Dễ ạ.
Sư phụ: Dễ biến mất, đúng không? Được những người khác đồng ý với mình, dễ mất hay là khó mất?
Một bạn: Dễ.
Sư phụ: Quá dễ mất, đúng chưa? Mọi người nhìn mà xem, và hãy nhìn vào thứ mình đang cố mà xem! Đừng nhìn vào bạn khác, nhìn chính mình đi! Nhìn thứ mình đang cố. Mọi người ở đây ai chắc cũng phải đang cố đạt được một cái gì đấy, kể cả cố giác ngộ nhé! Thì thử hỏi xem là cái mà mình cố đạt được đấy nếu nó không có sẵn của mình thì nó có mất đi dễ dàng không? Nếu cái mình cố mà không phải của mình có sẵn, nó phải đến mới có, vậy thì mất được không?
Một bạn: Có ạ.
Sư phụ: Mất được! Đúng không? Vì thế nên là gì? Cái sự cố gắng ấy nó đã tiềm ẩn một việc là mình sẽ khổ rồi, đấy! Thế nên mình không đặt hy vọng vào những thứ đấy được. Chỉ khi nào mình nhận ra rằng những thứ đấy nó chỉ đến cho vui thôi thì được. Còn nó đến để mình đặt hết hy vọng vào nó thì không được, mình sẽ khổ. Còn cho vui thì không sao. Đấy! Yêu cho vui thì không sao đâu nhưng mà yêu để được hạnh phúc ấy, mà nếu không có tình yêu đấy sẽ bất hạnh ấy, thì chắc chắn là sẽ có vấn để. Chứ còn nếu yêu cho vui thì có vấn đề gì đâu?
Huy Nam: Nhưng mà… Nhưng mà yêu cho vui em thấy giống như là kiểu không chân thành. (Bạn cười). Yêu cho vui là có thể yêu được nhiều người.
Sư phụ: Yêu chân thành cho vui, được không? Yêu chân thành cho vui?
Huy Nam: Cái đó thì em cũng…
Sư phụ: Yêu chân thành cho vui, được không? Yêu rất chân thành nhưng cũng chỉ cho vui thôi. Em có thể hoàn toàn yêu rất chân thành mà cũng chỉ vẫn là cho vui.
Giống như là em đóng một vở kịch ấy, em đóng rất chân thành, trên sân khấu em khóc sướt mướt, nhưng vẫn chỉ là để gì? Để cho vui thôi, đúng không? Yêu chân thành cho vui. Làm cho vui được không? Khó quá, đúng không? Làm sao lại cho vui được? Làm phải làm thật chứ? Nhưng mà làm thật cho vui được không?
Một bạn: Làm thật cho vui?
Sư phụ: Ừ! Làm thật cho vui. Yêu chân thành cho vui. Thực hành cho vui, được không? Thực hành cho vui khó quá, đúng không? Thực hành phải cho thật chứ ai lại cho vui, đúng không? Đúng rồi! Vì nếu mình là cái người này ấy, là thân thể này này thì những chuyện quan trọng mình không thể gọi là cho vui được. Mình nói cho vui với những chuyện không quan trọng thôi. Còn những chuyện quan trọng mình không thể nói từ “cho vui” ra được nữa. Có đúng không? Vì mình tin mình là cái người này. Cái người này nó bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cái chuyện đấy, làm sao cho vui được? Đúng chưa?
Nên nói cho vui nghe tưởng là dễ. Nói cho vui chỉ khi mình nhận ra mình không phải người này. Nhưng mình cứ là người này xem, có những chuyện mình không thể làm cho vui được. Đúng không? Nói cho vui là nói cho nó vui thế thôi. (Sư phụ cười) Đúng không? Cái người này ấy, chịu ảnh hưởng rất nặng nề của mọi chuyện, rất nhiều chuyện, nên trong những chuyện nặng nề ấy nó không thể làm cho vui được. Thế nên mấu chốt của con đường tâm linh thành thật ấy, nó phải làm cho người ta thấy rằng: “Họ là ai?” Nhận ra mình là ai, sẽ thấy mình luôn ổn, ổn vô điều kiện, đó mới là mấu chốt.
Mình không chỉ là cái thân này, vì thân này làm sao nó lại biết buồn. Cái gì biết buồn? Suy nghĩ đúng không? Thân này có buồn được không? Thân làm sao biết buồn đúng không? Thân có thể biết nóng lạnh v.v… nhưng không thể buồn được. Nhưng mình lại nói là: mình buồn. Buồn là một suy nghĩ, một cảm xúc. Vậy mình đang tin là gì? Mình phải đang tin rằng hoặc mình là cảm giác buồn đấy, hoặc cảm giác đấy là của mình, có đúng không? Mình phải là người chủ, người sở hữu hoặc người tạo ra cái buồn đấy, đúng không?
Đấy là cái trạng thái sống chung của mọi người, tin rằng mình là thân thể này và tâm trí này. Thế thì câu hỏi tiếp theo là khi nào mình sẽ hết khổ, nếu mình là cái thân tâm này? Theo mọi người đoán thì khi nào mình sẽ hết khổ? Khổ bệnh, khổ thân lẫn khổ tâm, khi nào sẽ hết? Không có bệnh nữa, sống một cách cực kỳ khỏe mạnh? Hoặc là không phải lo buồn chuyện gì nữa? Khi nào?
Chết hết không? Ai vừa nói chết, chết có hết buồn không? Theo mọi người, chết có phải hết buồn ngay không? Đang rất buồn khổ, chết phát tự nhiên cười ha hả, tự nhiên bay đi, có không?
Một bạn: Không ạ.
Sư phụ: Không có gì đảm bảo đúng không? Còn thân thể này có hết bệnh được không? Không, đúng không? Thế một trạng thái sống mà lúc nào cũng hoặc đang khổ hoặc sẵn sàng khổ, thì có thể nói là một cuộc sống hạnh phúc được không?
Vậy thì khi nào hạnh phúc được? Nếu mình là thân tâm này, bất kỳ lúc nào nó cũng có thể bị bệnh, tinh thần mình bất kỳ lúc nào cũng có thể bị khổ, đồng ý không? Ví dụ đang ngồi đây, hạnh phúc như thế này, làm thế nào tinh thần khổ bây giờ? Một tin nhắn, đúng không? Tin nhắn gì thì mọi người sẽ thấy khổ ngay? Mọi người tưởng tượng xem, một tin nhắn gì đó thì sẽ khổ ngay.
Một bạn: Chồng tai nạn ạ.
Sư phụ: Chồng tai nạn nặng quá. Ok chồng tai nạn, một tin nhắn. Còn tin nhắn nào nhẹ nhàng hơn không? Đọc phát khổ ngay.
Một bạn: Mất tiền.
Sư phụ: Mất tiền, được. Khổ ngay, đồng ý. Từ sáng đến tối mình nghĩ rằng mình là thân thể này, là tâm trí này, có đúng không? Kết quả là sướng hay khổ? Cái thân thể, tâm trí này nó bị chi phối bởi quá nhiều các thế lực bên ngoài, nên là bất kỳ lúc nào cũng có thể khổ được. Một con kiến có thể làm mình khổ không? Mình to khỏe thế này nhưng con kiến làm mình khổ được không?
Một bạn: Có ạ!
Sư phụ: Con muỗi?
Một bạn: Có ạ!
Sư phụ: Con muỗi không đốt mình vẫn khổ, vì sao? Vì nó cứ vo ve một cái là mình lại sợ bị đốt đúng không? Mình khó chịu. Như vậy là mình to khỏe như thế này thôi, nhưng con kiến con muỗi cũng có thể gây khổ. Tinh thần của mình cũng như vậy. Đang ngồi đây vui vẻ hạnh phúc thế này, một tin nhắn đến hoàn toàn có thể biến mình thành khổ sở ngay. Ví dụ như là gì? Nhiều lắm luôn, chồng tai nạn này, mất tiền này. Nhẹ hơn là gì? Nhẹ hơn tí đi, toàn mấy chuyện ghê quá, nhỉ. Sếp mắng đúng không? Sao giờ này chưa xong báo cáo, đúng không? Rồi còn gì nữa?
Bạn đó: Ứng viên từ chối đề nghị ạ.
Sư phụ: Ừ, hoặc tin nhắn khách hàng từ chối mua hàng của mình. Đấy, mọi người thấy dễ khổ không? Thậm chí có những chuyện mình chỉ cần nghĩ đến là mình khổ luôn. Nghĩa là mình ngồi đây hạnh phúc vui vẻ nhưng mà gia đình mình có thể có chuyện không? Gia đình có chuyện này, công việc có thể có chuyện không? Chẳng qua mình không nghĩ đến thôi, mình nghĩ đến một cái là gì?
Một bạn: Khổ luôn.
Sư phụ: Khổ luôn, đúng chưa? Từ lúc đẻ ra đến giờ, trên đời mình chỉ có thân và tâm thôi, cứ thế mà khổ thôi, vì có hai thứ để sống thôi, đúng không? Mình là thân này tâm này – thân tâm này khổ, mình cũng chả có gì khác để mà nương tựa vào. Nên cái khổ rất là dai dẳng, thậm chí đến chết cũng không hết khổ được.
(Còn nữa…)
Đọc bài đầy đủ tại đây