Có đang biết hay không? – P9

GIỚI THIỆU VỀ BIẾT (Phần 9)

5. Có đang biết hay không?

Bây giờ làm thế nào để nhớ nó hàng ngày? Sống như thế nào đúng không? Câu hỏi thực
dụng ngay. Hai bạn này hỏi ngay: “bây giờ sư phụ nói thế, con phải sống như thế nào chứ?”. Nếu không thì rời khỏi đây thì sao? Mình lại quên ngay. Mình lại là thân thể này ngay, thế thì bao nhiêu nỗi khổ thân thể nó lại mò đến ồ ạt. Nên sư phụ sẽ chỉ con cách để nhớ.

Các con sau ngày hôm nay có hai việc cần làm. Một là con phải tiếp tục nghe những bài giảng mà sư phụ giảng để con hiểu đúng về cái kho tàng sư phụ muốn nói. Thứ hai là con phải nhớ và kinh nghiệm về kho tàng mà con có. Sư phụ sẽ còn giảng rất nhiều, để các con hiểu đúng về cái sư phụ giảng, có thể mất 3 tháng. Mình sẽ có rất nhiều buổi hỏi đáp, làm thật rõ. Mình sẽ làm rõ trong ba tháng, cái đấy thì không cần con phải làm gì, con chỉ việc lắng nghe thôi. Suy ngẫm thôi.

Còn cái thứ hai thì con phải nhắc bằng cách này. Con tự hỏi chính mình luôn nhé: “Có đang biết hay không?” Con hỏi chính mình xem, “có đang biết hay không?” Ai trả lời xem nào? Con có đang biết không?

Hoàng Minh: Dạ con biết là con đang ngồi nghe Sư phụ giảng ạ.

Sư phụ: Con có đang biết hay không?

Hoàng Minh: Dạ đang biết là mình đang nghe Sư phụ giảng.

Sư phụ: Chưa, chưa được. Câu hỏi là con có đang biết hay không mà, có đang biết hay không?

Một bạn khác: Có ạ!

Sư phụ: Cứ nói không thử xem nào. Có đang biết hay không?

Hoàng Minh: Không ạ.

Sư phụ: Thấy thế nào? Khi con nói “không” con có đang biết không?

Hoàng Minh: Có ạ.

Sư phụ: Đúng không? Như vậy cái câu hỏi đấy nó có phụ thuộc vào câu trả lời không?

Hoàng Minh: Không ạ.

Sư phụ: Cái Biết này nó vượt khỏi suy nghĩ luôn. Con thử nghĩ con không biết đi, tất cả thử
nghĩ không biết đi. Có đang biết hay không? Thử nói “không” đi.

Mọi người: Không.

Sư phụ: Sao? Khi nói không thì sao? Vẫn thấy là gì?

Mọi người: Mình đang biết.

Sư phụ: Đúng không? Như vậy câu hỏi này không cần câu trả lời “có” mà câu trả lời là “không” cũng được. Quan trọng là lúc đấy con đi kiểm tra xem có đang biết hay không? Bất
chấp câu trả lời không và có thì con vẫn đang biết.

Như vậy cái Biết này nó vượt ra khỏi suy nghĩ thông thường, đúng không? Cái Biết này nó vượt ra khỏi cái có, cái không của suy nghĩ, suy nghĩ bảo gì nó vẫn biết. Thông thường hàng ngày con sống bằng suy nghĩ đúng không? Bảo có thì làm mà bảo không thì không làm.

Nhưng cái thứ sư phụ đang giảng cho con ấy, nó vượt ra khỏi suy nghĩ. Bảo có thì vẫn biết, bảo không thì vẫn biết. Bảo không bao giờ biết thì…

Một bạn: Vẫn biết.

Sư phụ: Đúng không? Đang lơ mơ buồn ngủ thì có biết không?

Một bạn: Biết là mình lơ mơ buồn ngủ.

Sư phụ: Con phải thấy mình lơ mơ chứ, đúng không? Con biết là đang lơ mơ, đúng chưa? Như vậy cái Biết này vượt ra khỏi giới hạn của suy nghĩ, suy nghĩ không thể bảo được nó, đúng không? Suy nghĩ bảo không thì nó vẫn biết, suy nghĩ không phủ nhận được nó. Trên đời con rất ít thứ mà lại vượt ra khỏi suy nghĩ. Các con thông thường là nô lệ của suy nghĩ, đúng không? Suy nghĩ bảo đúng thì làm, bảo sai thì thôi. Nhưng cái Biết này nó vượt ra khỏi suy nghĩ, nó không bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ. Hay nói cách khác nó sẽ không bị ảnh
hưởng bởi đau khổ. Vì suy cho cùng đau khổ nằm ở đâu, nằm ở tay hay chân hay là tóc?
Nằm ở trong suy nghĩ!

Nhưng cái Biết này có bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ không? Không. Vì thế nó vượt ra khỏi
mọi đau khổ của con. Nên nếu con nhận ra trạng thái tự nhiên của con là cái Biết này, chắc
chắn con sẽ không còn đau khổ. Vì Biết nó không bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ mà. Ở đây có
ai lúc nào thấy điên đầu chưa, nghĩ nhiều chưa? Lúc đấy là lúc nên hỏi câu: “Có đang biết
hay không?”. Khi con hỏi như vậy con trực tiếp thấy cái Biết nó đang ở đây. Đấy là khoảnh
khắc mà con ra khỏi suy nghĩ. Khi con hỏi có đang biết hay không? Trong khoảnh khắc đấy
con trực tiếp thấy cái Biết đang ở đây thì sẽ ra khỏi suy nghĩ. Nếu mà ở đây ai đang điên đầu, đau khổ ấy thì nên hỏi câu gì?

Một bạn: Có đang biết hay không?

Sư phụ: Có đang biết hay không? Hỏi câu đấy con thấy gì? Điên đầu hay đau khổ cũng chỉ
là gì thôi, những suy nghĩ chạy ra và chạy vào trong Biết. Nếu con tiến bộ một chút, con ở
trong trạng thái đấy, thì suy nghĩ còn hại được con không? Tiến bộ thêm một chút, mình thấy suy nghĩ chạy ra chạy vào, suy nghĩ buồn suy nghĩ vui chạy qua chạy lại trong Biết thì liệu con còn bị hại bởi suy nghĩ đấy nữa không? Tự con sẽ thấy,con không ở trong dòng suy nghĩ đấy thì làm sao nó hại được con. Con còn bị hại vì làm sao, vì con tin theo suy nghĩ, nghĩ tiếp và bao nhiêu chuyện buồn khổ lo lắng đến, đúng không?

Tại sao ngồi đây mình toàn lo những chuyện ở trong suy nghĩ thôi? Mình lo ốm bệnh, già, chết, mình lo đủ chuyện, nhưng chuyện ấy hiện giờ có đang ở đây không? Mình đang ngồi tưởng tượng. Đã ai từng lo một chuyện mà về sau nó không xảy ra chưa, giơ tay xem nào? Lo một chuyện và về sau nó không xảy ra, điều ấy chứng tỏ là cái mình lo nó xảy ra ở đâu? Ở trong suy nghĩ của mình chứ nó không xảy ra ở thực tế. Nếu cái gì mình lo nó sẽ xảy ra ở thực tế thì cái gì mình lo nó cũng phải xảy ra chứ. Đầy chuyện mình lo cuối cùng cả đời nó không xảy ra, đúng không?

Thế nếu lúc đấy mình biết thì giải thoát khỏi lo luôn không? Lúc đang lo ấy, mình ở trong trạng thái Biết. Trong cái Biết đấy nó thấy suy nghĩ lo lắng chạy qua chạy lại, có phải là thoát khỏi lo ngay đấy không? Mình không cần phải đợi đến ngày đấy nó không xảy ra mình mới hết lo, và mình cũng không cần hết lo luôn. Mình chỉ cần gì? Ở trong trạng thái
Biết, nơi cái lo nó đến và đi, có phải là thoát khỏi lo ngay ở đấy không? Ở ngoài cơn lo.

Mình gọi thoát khỏi lo nghĩa là gì? Mình ở ngoài lo, đúng chưa? Khi con hỏi là “có đang biết
hay không?” là con có một cơ hội thoát ra khỏi dòng suy nghĩ. Vì cái gây hại cho con chính
là dòng suy nghĩ đấy, cái mà làm khổ con là đống suy nghĩ. Nên khi con ra khỏi dòng suy
nghĩ thì con hết khổ.

Đấy là cách giải thoát ngay lập tức chứ không phải đợi ngày giác ngộ mới giải thoát. Ngay ở đấy nếu con hỏi “có đang biết hay không?”, con thoát khỏi cái dòng suy nghĩ đầy lo lắng đau khổ của con ấy – chính là con đã ra khỏi suy nghĩ. Con đã giải thoát khỏi dòng suy nghĩ ngay lúc con hỏi câu đấy chứ không cần đợi một ngày nào giác ngộ. Ngày giác ngộ chỉ là cái ngày trạng thái quên sự thật không bao giờ quay lại nữa thôi. Chứ còn khoảnh khắc ra
khỏi suy nghĩ đấy chính là khoảnh khắc giải thoát. Còn một giây sau chui vào thì lại khổ lại, đương nhiên rồi, đúng không?

Nhưng tưởng tượng đi, nếu một ngày nào đó con không quay lại nữa. Suy nghĩ chạy qua chạy lại thoải mái đi, kệ, lo cho nó lo. Lo, buồn, giận dữ… không sợ vì con không cuốn vào
cái dòng đấy nữa. Con chỉ là không gian, là cái Biết này, nơi mà những thứ đấy chạy qua chạy lại thôi thì liệu còn đau khổ nào trên đời nữa không?

Thực hành là như vậy, thực hành là nhận ra cái Biết là trạng thái thực sự của con, trạng
thái xưa nay của con. Bạn nào mà bây giờ muốn định nghĩa thực hành, thì thực hành là nhận ra cái Biết này là trạng thái vốn có của con, hoặc còn gọi là trạng thái tự nhiên của con, và sống trong trạng thái đấy.

Có hai đoạn đấy, ngày hôm nay là đoạn nhận ra. Ngày hôm nay sư phụ giúp con nhận ra Biết một cách trực tiếp, ngày hôm nay và trong 3 tháng tới các con không phải vội. Cái này là cái mà nói thế thôi vừa dễ vừa rất khó. Khó vì nó ở ngoài suy nghĩ, không phải là nghĩ được là biết được, mà phải kinh nghiệm mới biết nó là cái gì được. Dễ vì nó lúc nào cũng ở
đây, dễ dàng cảm nhận được. Nên cái này phải tập, phải cảm nhận.

Khó vì nghĩ thì không phải là nó, nhưng cũng dễ vì nó ở ngay đây, nó vừa dễ vừa khó đúng không? Khó vì con cần cảm nhận nó chứ lý luận mãi vẫn chỉ là đống suy nghĩ loằng ngoằng thôi. Còn dễ vì nó ở đây rồi, con có phải làm gì đâu. Con có phải luyện cái gì để tạo ra cái Biết này không, con có phải ngồi thiền bao nhiêu tiếng một ngày không? Không. Nó dễ đúng không? Nó quá dễ vì ngay ở đây, ngay bây giờ con đã ở trong trạng thái Biết này rồi. Con có đang biết hay không? Trả lời xem nào.

Một bạn: Không ạ.

Sư phụ: Trả lời “không” thì sao? Vẫn biết đúng không? Như vậy ngay bây giờ ở đây có phải con luôn biết không? Nó dễ vì sao? Bây giờ con sửa suy nghĩ đến khi nào mới xong, mọi người trả lời đi. Các con sửa suy nghĩ đến khi nào con hết được các tính xấu, hết được các thói hư tật xấu trên đời này, bao giờ? 30 năm không? Mẹ của Như Hiền con còn thói xấu nào trên đời không hay toàn điều tốt trong đầu?

Mẹ Như Hiền: Dạ thưa Sư phụ vẫn còn nhiều những cái lo lắng ạ.

Sư phụ: Thế sửa khi nào mới hết?

Mẹ Như Hiền: Dạ sau khi học xong những cái này con nhận biết rõ được cái trạng thái tự
nhiên của mình thì sẽ bớt đi, mất cái lo lắng đi.

Sư phụ: Đúng rồi, quá giỏi đúng không? Bây giờ thay vì cố sửa suy nghĩ chỉ cần biết suy
nghĩ thôi. Khi biết một cái gì đấy thì mình đang ở trong nó hay ngoài nó? Mình nhìn thấy một cái bàn tay trước mặt thì mình ở trong bàn tay hay ngoài bàn tay?

Mẹ Như Hiền: Ngoài bàn tay ạ.

Sư phụ: Mình đứng ở trên mình thấy toàn bộ con sông thì mình đang ở giữa dòng sông hay
ở ngoài dòng sông?

Mẹ Như Hiền: Ở ngoài dòng sông.

Sư phụ: Thế nếu mình đang bơi lội dưới sông thì mình có nhìn thấy toàn bộ con sông không?

Mẹ Như Hiền: Không ạ. 

Sư phụ: Khi mình biết cái gì lập tức mình không còn ở trong nó nữa. Như khi con biết suy
nghĩ lập tức con phải ở ngoài suy nghĩ, con phải ở trong Biết rồi, đúng chưa? Nên cách này không phải là con cố sửa suy nghĩ để cho con một ngày nào đó con toàn suy nghĩ đẹp, suy nghĩ tốt. Mà con nhảy một phát ra khỏi dòng suy nghĩ luôn.

Đây là con đường trực tiếp đến tỉnh thức bởi vì nó không phải trải qua cái đoạn sửa rất
nhiều suy nghĩ, mà nhảy một phát ra khỏi suy nghĩ luôn. Con giống như không gian của Biết ấy, nhìn thấy suy nghĩ nhưng không ở giữa đống suy nghĩ đấy mà đau khổ vì nó. Đấy là cách trực tiếp không? Nếu so cái này với 6 Bước vô thường theo các con cái nào dễ hơn.

Mọi người: Cái này dễ hơn ạ.

Sư phụ: Đúng rồi cái này còn dễ hơn cả 6 Bước vô thường, kinh không? Con chỉ cần biết
suy nghĩ một cái thôi là con ra khỏi suy nghĩ. Tất nhiên là sau đấy con lại gì? Rất tiếc là con
quên mất nên con lại nhảy vào thì lại khổ. Nhưng nếu con tập đủ nhiều thì sẽ có một ngày
suy nghĩ chạy qua chạy lại mà con không ở trong đấy nữa. Đấy gọi là ra khỏi suy nghĩ hoàn
toàn, không thể khổ được nữa luôn. Còn trước đấy thì con sẽ chập cheng, đúng không? Tức
là ra tí rồi lại chui vào xong lại nhớ là Biết thì lại chui ra.

Trăm năm trong cõi người ta… Sao?

Một số bạn: Cuộc đời chỉ có chui ra chui vào.

Sư phụ: Cuộc đời chỉ có chui ra chui vào thôi. Nói đùa thế thôi, không phải, mà sẽ đến ngày con không phải chui vào nữa. Đối với con thì mọi thứ hiện ra trong Biết rồi tan vào Biết, cái dòng suy nghĩ cũng không có gì khác. Tất cả các con đều khổ vì chính những dòng suy nghĩ đấy, nên là rời khỏi dòng suy nghĩ đấy là hết khổ. Đấy là cách thoát khổ nhanh nhất.

Nhưng cách thoát khổ này đòi hỏi con phải nhận ra một thứ, thứ gì ở ngoài suy nghĩ bây giờ? Cái Biết. Nếu con không có thứ gì ngoài suy nghĩ thì cả đời con chỉ có một thứ – đấy là
gì? Nghĩ hết cái này sang cái khác. Đúng chưa? Và vì thế nên mình tìm mọi cách để sửa suy
nghĩ. Nhưng không! Hôm nay sư phụ tiết lộ cho con cái mới. Cái gọi là mới thôi nhưng thực
ra có mới không? Nó là quá cũ rồi, cũ hơn cả sư phụ. Sư phụ mới gặp các con thôi đúng không? Còn cái Biết nó cũ, còn cũ hơn cả con luôn. Đúng không? Cũ hơn con không? Nó còn có cả trước khi con đẻ ra. Thậm chí có cả trước khi có bào thai. Đúng chưa? Nhưng cái cũ này ấy nó lại là trạng thái tự nhiên của con.

Cái Biết này này, nó mới là trạng thái tự nhiên của con. Còn các trạng thái khác đều là vay
mượn. Buồn, vui, sướng, khổ, hân hoan hay là thất vọng, đều đến rồi đi. Nó không phải là
cái tự nhiên vốn có, đúng chưa? Cái Biết này này mới là trạng thái tự nhiên vốn có của con.
Ở trong trạng thái tự nhiên vốn có này thì không có đau khổ. Còn ở trong trạng thái “tôi là
thân tâm này” thì sẽ đầy đau khổ. Ngày hôm nay mình gọi là nhận ra nhưng sau đấy thì sẽ
phải gì? Phải sống trong nó. “À, đây là trạng thái thật của tôi, là Biết, mọi thứ đến rồi đi trong Biết. Chứ không phải trạng thái tôi là cái than thể này, đi lại trong đời, yêu đương
v.v… Theo đuổi những thứ mà vô cùng dễ mất”.

Khi con nhận ra và con sống với trạng thái đấy đủ lâu thì con không quay về với trạng thái
cũ nhầm lẫn ngày xưa nữa. Đấy gọi là giải thoát. Gọi là giác ngộ hay giải thoát đều đúng. Và trong lịch sử một ông già hay là một đứa bé đều có thể giải thoát bằng cách này. Tí nữa sẽ nói bạn nào đọc cho các con cái bài để thấy được một ông già có thể giác ngộ như thế nào?

Trong lịch sử thì chăn ngựa này, canh cổng này, gái điếm này, vẫn giác ngộ bình thường. Vì
cái trạng thái này đúng ở tất cả mọi người. Không phải là con làm những nghề thấp kém thì
con kém những người làm nghề cao quý. Đúng không? Không phải là con đang đầy đau khổ
thì cái Biết của con kém người đang đầy hạnh phúc. Vì thế nó là tin vui cho tất cả mọi người vì mọi người đều có thể giải thoát được. Đồng ý không?

Bất kì lúc nào kiểm tra “có đang biết hay không?” – thì con vẫn đang biết. Bất kì lúc nào thì
cũng biết, đấy là đủ mạnh rồi. Cái mạnh mẽ nhất, thuyết phục nhất chính là cái đấy. Giả sử con suy ngẫm một thời gian đủ lâu con thấy rằng cái Biết này nó lúc nào cũng ở đây, không sinh không diệt, thì con bắt đầu mới xác quyết nó là cái tuyệt đối. Nếu con xác quyết nó là cái tuyệt đối, không mất đi được, thì mới gọi là có nhận thức đúng về Biết.

Nói tuyệt đối nghĩa là nó không sinh không diệt, nó chân thường vượt ra khỏi thường lẫn vô
thường, nó ở ngoài thời gian, nó không thể mất được. Đấy, nếu con chưa xác quyết điều đấy được, thì con chưa có nhận thức đúng về Biết. Còn Biết thì rất dễ tiếp xúc, đây con kiểm tra có đang biết hay không là thấy ngay.

Nhắm mắt lại là rõ nhất, rõ ràng thấy là mọi thứ hiện ra trong Biết rồi tan vào Biết, đúng không. Đấy, nó vẫn đang biết rõ như thế này, mở mắt thì cũng thấy đang biết, và mình kiểm tra suốt ngày từ sáng đến tối, thì cũng thấy Biết. Dần dần bên trong lòng mình mới xuất hiện lòng tin rằng: Ừ, cái Biết này là cái lúc nào cũng ở đây, nó có sẵn, không sinh không diệt. Tiếp tục nghe bài giảng của sư phụ, để mình tới được cái quyết định đấy, đúng rồi, nó là như vậy.

Sau khi con xác quyết được cái Biết này rồi, con đồng ý rằng: “Ừ cái Biết này là cái tuyệt đối như vậy rồi” thì mình sẽ đi khám phá những cái tính chất khác của nó. Ví dụ như: mọi thứ trong Biết hiện ra rõ ràng mà không tồn tại thực sự. Biết nó có những đặc tính của riêng nó mà mình càng tìm hiểu, mình càng có lòng tin, vì thế mình sẽ còn tìm hiểu tiếp.

(Còn nữa…)

Đọc tiếp tại đây