Hỏi đáp thực hành trong cuộc sống (Hà Nội, 21/04/2018)

Mỗi người khi đến với Trà đàm Trong Suốt đều sẵn có trong mình rất nhiều băn khoăn, lo lắng về cuộc sống. Dù những câu trả lời ít nhiều giúp bạn thoát ra khỏi những khó khăn này, thì đó cũng không phải là mục đích quan trọng nhất của Trà đàm. Bởi có gì đảm bảo bạn sẽ không gặp phải khó khăn này lần nữa? Liệu bạn có thực sự mong muốn sửa những hiểu biết nhầm lẫn để hoàn toàn tự tại trước mọi sóng gió cuộc đời? Câu trả lời đang nằm trong tay bạn.

Cách của Trà đàm Trong Suốt

Thầy Trong Suốt: Chúng ta đã quen nhau rồi đúng không? Ở đây những ai lần đầu tiên đến Trà đàm, giơ tay nào? (Một số bạn giơ tay) Oa, đông thế cơ à? Trong những người vừa xong những ai đã xem Trà đàm, đã xem video Trà đàm trên trang Trà đàm Trong Suốt Facebook giơ tay? (Một số bạn giơ tay)

Những người còn lại chưa biết bao giờ đúng không? Như vậy là hoàn toàn mới toanh đấy, mới toanh 100%, chưa xem video bao giờ và cũng chưa đến bao giờ? Rồi, cũng rất tốt.

Trà đàm – mục tiêu của nó là gì? Đầu tiên thì cũng chỉ là uống trà nói chuyện với nhau thôi. Ngày xưa, buổi đầu tiên chắc có khoảng 20 người, xong rồi chọn chủ đề nào đó, ví dụ hôm nay một bạn có vấn đề với bố mẹ, thì mình sẽ nói về mối quan hệ giữa các thế hệ, khoảng cách giữa thế hệ và các mâu thuẫn. Xong một tháng sau gặp lại thì một người bảo là bà vừa mất, phải làm gì? Thế là mình có buổi Trà đàm về Chuẩn bị cho cái chết… Đấy, thì Trà đàm xuất phát như vậy, dần dần hoạt động cũng đều đặn hơn và số người đến tăng dần theo.

Chúng ta có cái gọi là Trà đàm Trong Suốt, nhưng tinh thần của nó vẫn không đổi, đấy là: Đây không phải là một buổi giảng, không phải tôi giảng cái gì cho các bạn, mà là buổi trao đổi. Ở đấy, những người đến tham dự thường thì ai cũng có một băn khoăn, một thắc mắc, vấn đề nổi cộm mà mình chưa giải quyết được đem ra nói với anh Trong Suốt, xem anh ấy quan điểm thế nào? Thế thôi, có thể về mình sẽ thay đổi được, nhiều bạn về thay đổi được, vì việc trao đổi ấy giúp mình thay đổi cách suy nghĩ, thế thôi. Đổi cách nghĩ, dần dần đổi cách hành động và dần dần mình đổi thói quen sống – thì đấy là nội dung chính.

Vì thế nên là chúng ta cứ thoải mái, bất kỳ ai có vấn đề gì, chúng ta có thể đem ra nói với tất cả mọi người, xong rồi nghe xem Trong Suốt quan điểm thế nào. Đấy, cái cách Trà đàm là như vậy. Mọi người cứ thoải mái mà uống trà, ở đây có trà không? Ở đây chắc có trà nhỉ, uống trà xong rồi hỏi, xong rồi nghe người khác. Đôi khi câu chuyện của người khác cũng làm mình thấy được vấn đề của mình luôn, cũng khỏi phải hỏi luôn. Đấy, tinh thần là như vậy.

Bắt đầu đi, chúng ta, bất kỳ ai có bất kỳ một cái vấn đề gì trong cuộc sống này thì hỏi Trong Suốt xem thế nào. Hỏi, nói chuyện, kể cũng được, mà thường trong kể thì hỏi là chính, kể nó đủ cho mọi người hiểu hoàn cảnh của mình rồi. Xong, bắt đầu!

1. Giúp người – Làm thế nào để nhận ra mình giúp vì người hay giúp vì mình?

Một bạn: Xin chào tất cả mọi người. Con có một thắc mắc là con nghe phần Thầy giảng là khi mình hành động hay làm một điều gì đó, thì mình sẽ quan tâm đến động cơ của hành động ấy. Con tập cái đấy, nhưng khi mình thấy muốn giúp một ai đấy, thì khởi điểm là mình muốn giúp người ta, nhưng khi làm xong, một thời gian sau lại suy nghĩ: “Ơ, không phải, có cái gì đấy sai sai”. Đúng là đầu tiên xuất phát mình mong muốn tốt cho người ta thật, nhưng không hiểu sao sau khoảng vài ba ngày suy nghĩ kỹ lại thì nó có ẩn một cái gì đấy là để thỏa mãn mình cơ. Thì mình cần phải làm, khắc phục, xử lý như thế nào ạ?

Thầy Trong Suốt: Em giới thiệu về em một chút cho mọi người biết.

Bạn đó: Dạ, em tên là Trường ạ. Em 29 tuổi ở Hà Nội ạ. Hiện tại em đang kinh doanh tự do và đã có một vợ, một con.

Thầy Trong Suốt: Rồi. Tốt. Câu hỏi của bạn Trường là khi mình giúp một ai đó, lúc đầu động cơ của mình là vì người ta, nhưng mà sau quá trình giúp một thời gian thấy là trong cái động cơ đấy hóa ra có một phần rất nhiều là để thỏa mãn mình, như để mình làm anh hùng chẳng hạn, đúng không? Để chứng tỏ là mình hay, mình giỏi, hiểu biết nhiều, để mình được người ta trọng vọng, đúng không? Thế thì phải làm thế nào? Câu hỏi đầu tiên là: Khi mình đi giúp mọi người, mà mình giúp họ để cho mình sướng, thì liệu mình có thực sự sướng được không, hay mình sẽ khổ? Đấy, bạn Trường trả lời thử đi. Theo em thì sao?

Bạn Trường: Dạ, khi mình giúp một người ấy ạ, nếu mà mình giúp được thì mình cảm thấy vui. Nhưng nếu như mình giúp mà xảy ra các trường hợp như người ta hiểu lầm về mình chẳng hạn, thì bình thường là mình sẽ thấy…

Thầy Trong Suốt: Cụ thể một ví dụ đi, nói cho các bạn thấy dễ hiểu.

Bạn Trường: Tức là hôm trước, thì con có cho một bạn đi nhờ, là phụ nữ ạ. Con chỉ, đơn giản là, thấy đứng bến xe bus thì con hỏi là: “Em ơi có về không?”. (Thầy và các bạn cười). Thì lúc đầu trong đầu mình muốn tốt, nhưng khi đèo về xong rồi ấy ạ, lại bảo: “Ừ, cũng thấy xinh xinh”, lại thấy thỏa mãn, thì tự nhiên con lại thấy là cái đấy nó sai sai.

Thầy Trong Suốt: Mới dừng ở đấy thôi à, mới dừng ở chỗ xinh xinh thôi à?

Bạn Trường: À vâng.

Thầy Trong Suốt: Chưa gặp lại à?

Bạn Trường: Dạ chưa ạ.

Thầy Trong Suốt: Có định gặp lại không?

Bạn Trường: Dạ không ạ.

Thầy Trong Suốt: Vì sao?

Bạn Trường: Chắc là vô duyên ạ.

Thầy Trong Suốt: (cười) Thế có gì khổ đâu? Vô duyên có gì khổ đâu?

Bạn Trường: Tức là đối với trường hợp đấy thì không khổ ạ, nhưng mà…

Thầy Trong Suốt: Kể một ví dụ khổ xem nào.

Bạn Trường: Con chưa gặp ví dụ khổ nhưng mà con đặt ra tình huống ạ. Ví dụ là bạn bè đi cùng lại bảo: “Mày chả giúp đâu, mày chắc thấy gái xinh cho đi nhờ”, thì mình bắt đầu lăn tăn về điều đấy.

Thầy Trong Suốt: Rồi.

Bạn Trường: Thì rõ ràng, cũng cùng một hành động thế nhưng mà mình lại thấy lăn tăn hơn, thấy bắt đầu lo lắng suy nghĩ, rồi lại phải tìm cách giải thích cho người kia: “Không, tao giúp thật mà”.

Thầy Trong Suốt: Ừ. Giúp thật không?

Bạn Trường: (Cười) Thưa Thầy, con thì hiện tại đang…

Thầy Trong Suốt: Hay là vì xinh nên là cho đi, còn xấu không cho đi? (Các bạn cười)

Bạn Trường: À không…

Thầy Trong Suốt: Giả sử cô đấy xấu mình có cho đi không?

Bạn Trường: Ngày xưa thì là vì xinh ạ. Nhưng mà bây giờ con thấy thì con giúp thôi ạ.

Thầy Trong Suốt: Rồi, tốt. Nhưng mà cô đấy xấu hay xinh không quan trọng gì?

Bạn Trường: Vâng.

Thầy Trong Suốt: Xấu như ma chê quỷ hờn cũng đưa luôn?

Bạn Trường: Vâng, đơn giản con chỉ là cho đi nhờ thôi, không làm gì. (Các bạn cười)

Thầy Trong Suốt: Nếu mà xấu hay xinh, mình đều chở đi tức là mình giúp rất trong sáng, đúng không? Trong sáng sao phải sợ gì? Trong sáng thì có vấn đề gì đâu? Hay là mình giúp vì có một phần mình muốn được người con gái đó ngưỡng mộ mình, trân trọng mình? Có phần nào không?

Bạn Trường: Cái đấy thì ngay thời điểm mình giúp thì không ạ. Nhưng mà khoảng 2, 3 ngày sau, mình thấy có vẻ như thế, thế là con đang lăn tăn.

Thầy Trong Suốt: Hình như cũng có, đúng không?

Bạn Trường: Vâng, đấy.

Thầy Trong Suốt: Rồi. Nên nhớ như này, nếu mình làm bất kỳ điều gì trên đời ấy, mà hoàn toàn vì người khác thì mình không phải lo, mình không phải lăn tăn cái gì cả. Thường thì khi mình lăn tăn ấy, là trong động cơ mình bắt đầu có vấn đề. Đấy, có nhiều lăn tăn lắm. Nhưng mà lăn tăn thì phải xem lại xem mình có vấn đề ở đâu?

Bạn Trường đưa ra một ví dụ, nhưng mà chưa rõ lắm. Ví dụ này dễ hiểu hơn này: Bạn ấy đưa một cô gái về nhà, đúng không? Bạn ấy đưa cô gái về rất là vui vẻ, thì khi cô gái xuống xe, cô ấy không cảm ơn bạn câu nào. Đấy, thì bạn ấy cảm thấy không vui. Bởi vì sao? Nếu giả sử bạn ấy không vui nhé, thì phải xem lại động cơ của mình. Nếu bạn ấy vui vẻ thôi, cô gái vẫy tay chào bạn ấy mà đi, không để lại số điện thoại, không một lời cảm ơn mà vẫn vui vẻ, nghĩa là bạn hoàn toàn vì cô ấy. Lúc xong rồi, hoàn thành nhiệm vụ rồi, đúng không? Thì thôi. Nhưng nếu giả sử cô ấy không để lại số điện thoại, cô ấy cũng không cảm ơn câu nào, liệu mình có thoải mái không? Đấy, nếu mình không thoải mái, khi đấy nó còn có vấn đề rồi. Vì mình giúp người khác nhưng mà lại có một mong cầu cho riêng mình, mong cầu được trân trọng. Đấy, ví dụ thế.

Khi mình giúp người, người ta không cảm ơn mình, mà mình không thoải mái nghĩa là thực chất là cái động cơ mình cũng mong cầu ở dưới. Tức là giúp người vẫn có mong cầu, mong cầu được người ta trân trọng, người ta biết ơn mình. Vì nếu không có mong cầu đấy, thì cô ấy không cảm ơn mình, mình thấy bình thường chứ? Nhưng chính vì mình có mong cầu đấy nên mình khổ.

Đấy, lúc nãy vì sao thầy hỏi là: Đi giúp người mà có một động cơ cá nhân thì sướng hay khổ? Đi giúp người mà hoàn toàn vì người thì tại sao lại khổ? Người ta không chào mình mà bỏ đi thì thôi. Nhưng khi mình có động cơ này, muốn được cô ấy biết ơn này, muốn được cô ấy ngưỡng mộ, mà cô ấy không biết ơn và ngưỡng mộ mình thì mình mới bắt đầu khổ.

Đấy, ở đây tất cả mọi người đã từng giúp người rồi, tất cả chúng ta chắc chắn đã từng giúp ai đấy rồi, có lúc khổ, có lúc không khổ. Chúng ta càng giúp người trong mong cầu cho bản thân mình nhiều thì càng khổ. Bởi vì không bao giờ những người bên ngoài lại đáp ứng được tất cả nhu cầu của mình, không bao giờ luôn! Ngay cả vợ mình, có đáp ứng được nhu cầu của mình không? Con mình đáp ứng được không? Chồng mình đáp ứng được không? Vợ mình, con mình, chồng mình đều không bao giờ đáp ứng được hết tất cả yêu cầu của mình. Nên khi mình giúp người mà có mong cầu bên trong thì sớm muộn gì cũng khổ. Đấy, chỉ có cách duy nhất là gì? Đừng có mong cầu gì hết, giúp người không mong cầu gì.

Q1_Khi minh giup nguoi ta

Như vậy, muốn giúp người mà không có mong cầu gì thì đầu tiên, trước khi giúp phải kiểm tra, chứ đừng đợi sau khi giúp 3 ngày rồi mới kiểm tra, hiểu không? Trước khi giúp kiểm tra luôn, là: “Mình có mong cầu gì khi giúp người này không?”. Ví dụ mình đặt câu hỏi ấy và mình nhận ra là gì? Nếu người ta không chấm chấm chấm chấm (…) thì mình sẽ khổ. Đấy, nếu người ta không biết ơn thì mình sẽ khó chịu; nếu người ta không kể chuyện mình tốt cho người khác thì mình sẽ khó chịu; nếu người ta không làm gì đó thì mình sẽ khó chịu – thì đấy là mình đang mong cầu điều đấy ở người ta.

Đấy, như vậy hãy kiểm tra ngay trước khi giúp, đừng đợi sau khi giúp. Trước khi mình giúp nhé, mình kiểm tra luôn đã. Ví dụ một cô gái nhờ đi xe, thì trước khi mình giúp, mình kiểm tra luôn là nếu đi xe xong rồi cô ấy không cảm ơn, hoặc là cô ấy không cho số điện thoại, mình có khổ không, khó chịu không? Nếu thấy có, từ từ, tập đã. Tập đã rồi vẫn chở đi như bình thường, nhưng bảo: “Em đợi anh 5 phút…”, đúng không? “…để anh tập đã”(Các bạn cười)

Đấy, tập như thế nào bây giờ? Rất dễ thôi! Mình bỏ mong cầu ấy đi. Mình nói với chính mình là: “Ừ, mình giúp cô này xong rồi cô ấy chả cảm ơn mình, cũng chả cho số điện thoại, mình vẫn vui vẻ như thường”. Khi nào mình đạt đến cảm giác ấy rồi thì mình lại chở cô ấy đi. Thế thôi, cách tập đơn giản như vậy. Nhưng mà vấn đề của em là không phải 3 ngày sau mà là phải ngay lúc đấy, ngay lúc đấy kiểm tra luôn là mình giúp cô ấy rồi, nếu cô ấy không làm được chấm chấm chấm (…) này cho mình, thì mình khó chịu không? Nếu câu trả lời có, thì từ từ, đừng giúp vội, tập đã!

Tập gì? Tập bỏ mong cầu ấy đi. Bỏ cái mong cầu, ví dụ mình thấy là cô ấy không cảm ơn thì mình sẽ khó chịu, mình bảo: “Ừ, giúp người không cần cảm ơn”. Giúp người là niềm vui rồi. Giống như mình thả con cá xuống nước phóng sinh ấy, có cần nó quay lại cảm ơn mình đâu, mình vẫn vui mà, đúng không? Làm một điều có ý nghĩa là vui lắm rồi, bản chất việc ấy có ý nghĩa là mình đã vui rồi, mình không phải đợi ai cho mình cái gì đó để trả công hoặc đổi lại thì mình mới vui.

Ngược lại, nếu mình vẫn chờ người ta làm điều gì cho mình thì có khi mình đang không phải giúp đỡ mà là đổi chác. Tôi sẽ giúp bạn, đổi lại bạn cho tôi một sự trân trọng, bạn cho tôi một lời cảm ơn, bạn kể chuyện tốt của tôi cho mọi người nghe. Đổi lại là gì? Thế giới thấy tôi là anh hùng. Đấy, thì như vậy là giúp người có mong cầu cá nhân. Và như thế kiểu gì cũng khổ. Bởi vì sao? Vì khi cái điều mình mong cầu không xảy ra thì mình sẽ khổ. Ví dụ thế giới không coi mình là anh hùng, lại coi mình là kẻ mê gái chẳng hạn, đúng không? Thế là thôi, mình khổ ngay.

Đấy, thế như vậy nhé, nhắc lại này: Trước khi giúp, chứ đừng đợi sau khi giúp, kiểm tra động cơ xem khi mình giúp cái này là mình thật sự giúp người ta vì người ta, hay giúp người ta vì mình? Nếu giúp người ta vì mình, thì là vì cái gì? Cái gì không xảy ra mà mình khó chịu thì chính là mình giúp người ta vì cái đấy. Đấy, tất nhiên là khi mình giúp người thường nó có cả 2: phần vì người ta cũng có, phần vì mình cũng có. Thì mình tập gì? Bỏ cái phần vì mình đi, thế thôi, chứ không phải không giúp nữa. Cái phần vì người ta thì vẫn có, nhưng mình bỏ cái phần vì mình đi, cái phần vì mình mới khiến mình đau khổ, thế thôi.

Đấy, chứ ngày xưa thầy cũng thế thôi, thầy giúp rất là nhiều người, không ít đâu. Ví dụ như mình kể chuyện, mình nghe khó khăn của họ, rồi cho họ lời khuyên. Thế nhưng một thời gian sau, họ không làm theo lời khuyên của mình, thế là ngày xưa ấy mình khó chịu. Như vậy thật ra mình vẫn mong cầu cái gì? Trường thử nói xem nào? Như vậy, ngày xưa, cách đây khoảng 10, 12, 13 năm, cái ông thầy này vẫn mong cầu cái gì?

Bạn Trường: Mong người ta làm theo điều mình nói ạ.

Thầy Trong Suốt: À, mình vẫn kỳ vọng rằng người ta phải nghe lời mình. Mình khuyên người ta, mình vẫn kỳ vọng người ta phải nghe lời mình. Đấy không được, mấy hôm sau gặp lại, thấy người ta chả quan tâm đến lời mình thì mình khó chịu, như vậy thật ra mình vẫn mong cầu cho mình. Mong cầu gì? Mình mong cầu là ai đó vâng lời, làm theo lời mình bảo. Đấy, như vậy trước khi giúp, bỏ cái đấy đi – Mình bảo là: “Bây giờ mình giúp người này, mình khuyên người này xong, họ về muốn làm thế nào cũng được, muốn làm theo cũng được, làm ngược lại cũng được”. Thế là hết mong cầu.

Sau khi mình chấp nhận điều ấy rồi, trước khi mình khuyên, mình chấp nhận là gì? Mình khuyên người ta thì khuyên thế thôi: “Tôi làm hết sức của tôi, khuyên những lời khuyên tốt nhất, nhưng mà sau đấy họ không làm theo thì thôi, tôi vui vẻ như thường”, thì nghĩa là mình chẳng mong cầu gì hết. Thường khi không mong cầu gì ấy, thì lại hiệu quả hơn. Đấy, vì họ thấy cái trạng thái sống của mình, mình nói những lời xuất phát từ sự không mong cầu, không bám chấp thì thường là có sức mạnh hơn. Giống như ông thầy cũng nói, cũng khuyên những lời tương tự như vậy, nhưng mà đầy bám chấp và mong cầu, đúng không?

Có 2 người khuyên em hai chuyện giống nhau, nhưng một người khuyên em mà không cần em phải làm theo họ, còn một người khuyên em với thái độ là “phải làm theo lời tôi mới được”, thì ai là người làm em thoải mái hơn? Ai?

Bạn Trường: Người mà khuyên nhưng không mong cầu ạ.

Thầy Trong Suốt: Ai là người mà em cảm thấy là trân trọng trình độ của họ hơn?

Bạn Trường: Là người khuyên mà không mong cầu.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, người không mong cầu bao giờ cũng được trân trọng hơn. Nếu mình làm điều tốt mà không cầu báo đáp ấy thì trân trọng hơn, hay là làm điều tốt cầu báo đáp thì con thấy trân trọng hơn? Đúng không? Tuy rằng mình không tính toán, nhưng mình luôn có khả năng cảm nhận trạng thái của người khác trước mặt mình. Cái đấy là bản năng, mình gọi là trực giác. Khi mình gặp một người, khi mình nhìn ông này, thấy khó tính chẳng hạn, hay mới nhìn ông này, nói chuyện mấy câu thôi, đã thấy ông này đầy bám chấp rồi…

Nên là gì? Trạng thái của mình càng cao, càng giúp người được dễ hơn. Trạng thái cao là trạng thái gì? Trạng thái ít mong cầu. Mà tập cái này cũng dễ thôi, chỉ cần tạo thói quen thôi. Nghĩa là trước khi giúp hỏi: “Nếu bây giờ mình giúp xong họ không làm chấm chấm chấm (…), mình khó chịu không?” Nếu mình thấy khó chịu thì mình dừng lại một phút tập. Tập cái gì? Chấp nhận họ làm bất kỳ cái gì, mình không mong cái gì ở đấy nữa, xong mình bắt đầu giúp. Đấy là cách – Em về em tập đi! Nhưng mà nhớ là phải trước khi hành động.

Bạn Trường: Vâng.

Thầy Trong Suốt: Thế thôi. Cái đấy làm được không?

Bạn Trường: Chắc là được ạ.

Thầy Trong Suốt: Được rồi, ngày xưa thầy cũng giống em thôi. Trông thế này thôi, nhưng ngày xưa cũng mong cầu nhiều lắm. Nhưng tại sao mình thay đổi? Vì mình khổ. Mình giúp người mà mình mong cầu ấy, thì mình sẽ khổ. Đấy, giúp người mình cầu báo đáp thì mình khổ. Đầu tiên mình khổ đã. Thứ 2 là gì? Là hiệu quả giúp giảm đi. Tại vì mình không ở trạng thái tốt nhất để giúp họ, mình không nói những lời khách quan nhất – Không phải, mình nói những lời khoe khoang nhất, thể hiện nhất, chứ chưa chắc đã nói những lời khách quan nhất, đúng đắn nhất, hợp với tình huống nhất.

Dần dần khi mình khổ rồi mình mới thấy là: “À như vậy khi giúp người vẫn khổ, thì phải sửa”. Thế khi sửa xong thì sao? Sửa xong mình nói những lời hợp với hoàn cảnh nhất, mình không vì mình tí nào mà, nên là hoàn toàn vì họ. Mình không thể hiện cái gì cả, mình không muốn họ báo đáp lại tí nào, thì những lời nói 100% là hướng vào họ, làm tốt cho họ, còn 0% nào hướng về mình và làm tốt cho mình, nên là hiệu quả tối đa – Đấy là điều thứ nhất. Nghĩa là lời nói của mình trở nên trí tuệ hơn nhiều, sâu sắc hơn nhiều, vì 100% vì họ.

Thứ 2 là gì? Trạng thái khi mình nói ra rất trong sáng, rất vị tha, nên nó ngấm vào người ta dễ hơn nhiều.

Đấy! Thứ 3 là mình không đau, không khổ tí nào. Vì trước khi nói mình đã chấp nhận mọi kết quả rồi: Chấp nhận họ làm theo hay không làm theo, cũng chả sao này; Chấp nhận họ nghe lời khuyên xong, làm điều trái lại 100% cũng không sao này; Chấp nhận rằng nghe lời khuyên xong, họ ra ngoài họ nói xấu mình ngay lập tức… Nghĩa là gì? Họ rời khỏi phòng mình một cái, mình chấp nhận luôn là họ nói xấu mình với tất cả thế giới, rằng: “Ông này toàn khuyên những điều vớ vẩn”, chấp nhận luôn. Khi ấy mình hoàn toàn thoải mái, mình khuyên, mình không có chờ đợi gì cả – thì đấy lại là lời khuyên tốt nhất.

Đấy, ở đây tất cả chúng ta khi đi giúp người thì hãy nhớ điều thầy vừa nói: Chấp nhận tất, chấp nhận việc họ không biết ơn, không cảm ơn mình; Chấp nhận việc họ không làm theo lời mình; Chấp nhận việc họ làm trái 100% lời mình nói; Chấp nhận là khi nghe xong họ ra ngoài và họ nói xấu mình 100%… Khi mình chấp nhận tất cả các điều ấy rồi thì mình không còn mong cái gì nữa, lúc đấy mình nói những lời phù hợp nhất với họ. Đấy, thế thôi, cách là như vậy thôi. (Tất cả vỗ tay)

2. Buông xả và buông xuôi khác nhau như thế nào?

Một bạn: Xin chào anh Trong Suốt ạ, em là Mai ở Hà Nội. Đây là lần đầu tiên em đến Trà đàm. Em được biết anh trong 2 tháng gần lại đây, và trong 2 tháng đấy em cũng có biến cố là mất người thân. Thời gian đấy thì em đã nghe rất nhiều Trà đàm và cũng cố gắng thực hiện theo.

Liên quan đến việc chấp nhận thì em có 2 vấn đề như này: Thứ nhất là chấp nhận trong công việc. Em làm ở cơ quan nhà nước, có nhiệm vụ soạn thảo các chính sách liên quan đến các thực phẩm cả nước. Trong quá trình làm việc thì em thấy là mình có đưa ra các chính sách này kia ấy thì cũng chẳng giải quyết được cái gì, bởi cuối cùng các sếp trên cũng quyết hết. Cái việc nho nhỏ như thế khiến em thấy bất cần. Đã thấy rằng là như vậy có giải quyết được cái gì đâu, thôi tốt nhất là không nên làm nữa.

Đấy, công việc mà mình làm, làm cố, làm thế, làm nữa thì cũng chả giải quyết được cái gì, thì nó rơi vào cái trạng thái là không muốn làm việc nữa, thấy chán công việc cực kỳ. Cứ sáng xách ô đi, chiều xách ô về, tất nhiên là cả biến cố cuộc đời thì thấy chán đời. Thì em không biết là công việc ấy có nên tiếp diễn hay không? Em có bị nhầm lẫn giữa sự bất cần và việc buông bỏ tham, sân, si, ham muốn lên chức lên quyền không? Thực sự thì bây giờ mình cũng chả muốn nữa, cũng không muốn làm việc nữa.

Việc thứ 2 liên quan đến gia đình. Mình thấy là khi mình buông bỏ chồng, buông bỏ con chẳng hạn, khi chồng không theo lời mình, thì mình: “Thôi được rồi, tóm lại là thế nào cũng được”. Rồi em có đọc cái bài Chánh kiến của anh, khi mình nói mãi mà chồng không nghe theo thì em bắt đầu ngồi tưởng tượng ra những cái xấu nhất có thể xảy ra: “Ok, được rồi. Anh ấy uống rượu hay là gì gì đấy, anh ấy sẽ ốm, sẽ ung thư, sẽ chết rồi sau đấy thì bao nhiêu hậu quả như thế thì mình sẽ hứng chịu như thế nào…”.

Đấy, em tưởng tượng hết để xem là cái khả năng chịu đựng của mình đến đâu. Thì sau khi tưởng tượng như thế, em cảm thấy cũng đỡ khổ hơn một tí, đỡ lo lắng hơn một tí. Vì cùng lắm thì nó cũng chỉ đến thế thôi mà. Nhưng trong quá trình ấy thì vẫn thấy sợ. Tại vì những cái khủng khiếp đấy, nó đến dồn dập thì liệu mình có chống đỡ nổi hay không? Và cảm giác mình cần tìm một con đường. Chưa biết bám víu vào niềm tin nào, con đường nào có thể đi theo được. Như anh nói là mình tìm người thầy nào phù hợp với mình nhất, thì em chưa chạm được đến cảm giác là: “À đây, con đường này là đúng”.

Thời gian này em thấy cứ chông chênh, sợ nhầm lẫn giữa buông bỏ và bất cần. Rất khó nói, rất là buông xuôi. Để bỏ được tất cả các thứ, chấp nhận những cái xấu nhất, như thế liệu có được không? Và mình sẽ đi tiếp trên con đường nào. Đấy, em đang rơi vào trạng thái như thế và rất là muốn hỏi anh.

Thầy Trong Suốt: 2 chuyện của em đều chung một câu hỏi thôi. Nghĩa là, tôi gặp công việc, tôi chán, đúng không? Hay là hoàn cảnh gia đình tôi chán. Tôi nên buông xuôi hay là tôi chỉ học buông xả là đủ rồi? Đấy, như vậy mức độ nào là phù hợp?

Buông xuôi là thấy cảnh thế nào cũng được, đến đâu thì đến, hỏng bét cũng được, chả cố gắng gì nữa, đấy là buông xuôi. Buông xuôi thì dễ đúng không? Buông xuôi thì ai cũng làm được. Thôi còn gì nữa, thành kẻ bị chây lười, bất cần đời, ai cũng làm được. Nhưng chắc chắn kết quả của buông xuôi là khổ hay sướng? Chắc chắn là khổ.

Ở cơ quan, mình buông xuôi thì mình sẽ mất việc và tối thiểu là mình bị khiển trách, kỷ luật, chê cười. Ở gia đình, mình buông xuôi thì mình sẽ làm ảnh hưởng tất cả những người xung quanh mình, bố mẹ, anh chị, vợ chồng con. Nên buông xuôi chắc chắn sẽ ra kết quả khổ.

Q3_Buong xuoi la

Thế thì nhà Phật không nói thế, không hướng mọi người đến buông xuôi, mà hướng mọi người đến buông xả. À, đấy là em chưa nghe qua về buông xả. Ở đây có ai biết buông xả là gì không? Cái này tuy rằng đơn giản, nhưng lại ít người biết vì sách cũng không viết. Buông xả là gì? Em trả lời xem nào. Mai trả lời thử buông xả là gì?

Bạn Mai: Em không…

Thầy Trong Suốt: Không biết, đúng không? Đấy, không biết thì không trả lời được đâu. Bạn nào trả lời được buông xả là gì? Một cánh tay thôi à? Còn cánh tay nào khác không? Đây, cánh tay từ xa kia đi.

Một bạn: Dạ thưa anh, theo em, người buông xả được là người vẫn có ước mơ, vẫn có vui, có buồn, có đau, có đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố nhưng không bị chấp mắc vào những cảm xúc đấy ạ. Tức là mình đau, ví dụ mình bị bệnh nặng đi, mình rất là đau đớn, hàng ngày tiêm truyền các thứ đau đớn nhưng mà mình không khổ, mình không cảm thấy là cuộc đời mình đau khổ vì cái việc đau như thế. Cái đau ấy chỉ là đau về thể chất thôi, không phải cái đau về tinh thần. Theo em, buông xả là mình không bị chấp mắc vào những cảm xúc vốn có của con người.

Thầy Trong Suốt: Được, một câu trả lời tương đối tốt, nhưng chưa rõ, chưa đến điểm quan trọng. Rồi, bạn nào nữa nào? Đấy, đứng lên xem nào? Rồi.

Bạn Sỹ: Em chào Thầy, chào tất cả mọi người. Em tên là Lê Mậu Sỹ ạ. Buông xả theo em nghĩ là một thái độ tích cực. Mình buông xuống một cái gì đó để đạt đến sự giải thoát, đem lại lợi ích cho bản thân mình. Còn buông xuôi là một thái độ đôi khi mang tính tiêu cực nhiều hơn, mà bên trong mình không giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực. Khác nhau như vậy. Một cái là tích cực hướng tới sự giải thoát, còn một cái là mất cân bằng. Cái năng lượng tiêu cực bên trong mình không thể giải quyết được bằng buông xuôi, kiểu thái độ hơi uất ức ạ.

Thầy Trong Suốt: Được, hay, rất hay, câu trả lời rất tốt. Bạn Sỹ nói một ý rất hay là một cái tích cực, một cái tiêu cực, đúng không? Một cái có sự bất lực, cố mà không làm nổi nữa, nên tôi phải buông, buông xuôi, bất lực quá rồi. Em là bị bất lực đấy, ở cơ quan thì làm chả được sếp đồng ý, chính sách làm ra sếp không đồng ý chẳng hạn, bất lực quá. Về nhà thì nói chồng không nghe, bất lực, thế là buông xuôi hết. Đấy.

Thế còn buông xả là gì? Ở đây bạn Sỹ nói là mặt tích cực, nhưng mà có ai định nghĩa được chính xác? Mình rất hay nghe chữ “buông xả”, nhưng thực chất mà nói, rất ít người hiểu buông xả là gì? Đấy là thầy đã nói chuyện với rất nhiều người rồi. Ở đây ai có thể trả lời buông xả nào? Mời bạn, cánh tay ở phương gần nào! Đấy, bạn gần gần ấy, phương gần ấy.

Bạn Nguyệt: Dạ vâng, em chào Thầy và các bạn ạ. Em là Nguyệt, 33 tuổi. Theo em, buông xuôi là vẫn có một cái tôi ở trong đấy. Giống như Thầy nói, mình bất lực nên mình mới phải chấp nhận là từ bỏ. Còn buông xả là không có cái tôi ở trong đấy, mình sẵn sàng làm vì người khác mà không có gì còn đọng lại. Đấy, ý em là một cái có cái tôi, một cái chưa có cái tôi.

Thầy Trong Suốt: Rồi, hiểu ý em rồi. Chưa đạt lắm. Thôi, để thầy nói thử xem. Hay một cánh tay phương xa nào nữa không? Cánh tay ở phương gần à? Toàn phương gần thôi, phải phương xa cơ. Phương gần không trả lời được đâu. Đấy, phương xa, đấy, đấy, cánh tay đấy.

Minh Hồng: Dạ vâng, thưa thầy! Con tên là Minh Hồng ạ. Theo con hiểu buông xả là mình sẽ vẫn cố gắng làm công việc đấy, như trong câu chuyện của chị Mai ấy, nhưng nếu hoàn cảnh đến với mình, thì mình sẽ xả, tức là mình sẽ đón nhận nó. Ví dụ tất cả những gì đến với mình, xấu hay tốt là do nhân quả hoặc do duyên nghiệp của mình. Buông xả là mình vẫn theo hướng tích cực, sẽ vẫn làm tốt nhưng mà khi mình làm việc đấy tốt thì mình không nghĩ là do mình, mà không thành công thì tất cả là do nhân quả… Đấy là ý kiến của con ạ.

Thầy Trong Suốt: Thôi, thầy trả lời cho, câu đấy chưa đạt! Buông xuôi là gì? Cái việc đó vẫn còn rất quan trọng đối với mình, nhưng mình không làm nổi, bất lực quá. Nó rất quan trọng, mình không làm nổi, bất lực thì mình đầu hàng, buông. Buông này là buông do mình đầu hàng. Tôi không làm nổi nó, nó rất quan trọng với tôi nhưng tôi không làm nổi. Chồng rất quan trọng với tôi, nhưng tôi không nói nổi nữa thì tôi buông. Thì buông đây gọi là buông xuôi là đầu hàng, là bất lực. Khi mình bất lực không làm được điều tích cực nổi, thậm chí mình gán cho là tiêu cực thì như vậy là buông xuôi. Cái việc đấy vẫn còn rất quan trọng đối với em, rất quan trọng, chẳng qua mình không làm nổi.

Còn buông xả là gì? Là nó không còn quan trọng nữa. Mấu chốt ở chỗ đấy, khác nhau ở một chỗ thôi. Nó quan trọng hay không quan trọng với mình. Khi nó còn quan trọng với mình mà mình buông thì đó là buông xuôi. Khi nó không quan trọng với mình, mà mình vẫn làm thì đó là buông xả.

Ví dụ nhé: Em chán công việc và em buông xuôi, nhưng mà công việc vẫn quan trọng với em. Em vẫn khó chịu khi mà em ra chính sách, người ta không làm theo, như vậy là cái công việc là quan trọng. Chồng em mà không nói được thì em buông xuôi, nhưng rõ ràng là em vẫn khó chịu khi chồng không làm theo lời em, vì chồng vẫn còn rất quan trọng với em.

Vậy thế nào là người buông xả? Ở công ty, ở cơ quan ấy, tôi vẫn cố làm chính sách, tôi vẫn cố làm cái tốt nhất. Bởi vì, đơn giản thôi, người ta trả lương cho mình, mình phải làm đúng cam kết, nếu không thì sẽ không gọi là chánh nghiệp. Mình đi làm, người ta trả lương cho mình, mình dùng tiền lương đấy mua cái này, sắm cái kia để sống, mà mình lại không làm đúng theo cam kết thì đấy là không chánh nghiệp, không sống đúng.

Như vậy là gì? Mình vẫn cố làm tốt công việc đấy, nhưng mà nó không còn thực sự quan trọng trong đời mình nữa. Đấy, về nhà cũng thế thôi, chồng không còn thực sự quan trọng nữa – Đấy gọi là buông xả. “Em khuyên anh, nhưng anh làm theo thì tốt, còn không thì thôi, vì anh không còn thực sự là nút quan trọng trong cuộc đời của em nữa” – thì đấy gọi là buông xả. Em đã buông xả được chồng em rồi, nghĩa là gì? Việc chồng làm theo hay không, không còn thực sự quan trọng nữa, đấy là buông xả.

Buông xuôi là gì? Việc chồng làm theo hay không, rất quan trọng. Nhưng vì tôi không bảo chồng làm theo được, nên tôi chán quá, tôi buông xuôi.

Như vậy thì ta kiểm tra xem là buông xả hay buông xuôi ở đấy, xem cái việc đấy có thật sự quan trọng với mình nữa hay không? Nếu nó rất quan trọng với mình thì mình vẫn chưa buông xả được đâu. Đấy, chỉ buông xả được một việc khi nào mình thấy nó thực sự là không quan trọng nữa mà thôi. Bây giờ ví dụ nhé, việc chồng làm theo lời mình, có quan trọng không? Thật ra mà nói, nó không quan trọng, vì sao? Vì sao lại không quan trọng?

Một bạn: Thầy ơi, những việc khác thì không nói, nhưng việc này liên quan đến sức khỏe…

Thầy Trong Suốt: Thế tại sao lại quan trọng? Thầy hỏi đấy, tại sao lại quan trọng?

Bạn đó: Tại vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe…

Thầy Trong Suốt: Như vậy là nó quan trọng chứ gì?

Một chị: Dạ, vâng.

Thầy Trong Suốt: Thế thì không buông xả được. Em phải hiểu như thế này này: Em chỉ có thể làm hết sức của em thôi, còn ông chồng em nghe theo hay không hoàn toàn do ông ấy, đúng không? Hay là em bắt được ông chồng theo ý mình? Không, đúng không? Ông chồng nghe theo lời mình hay không hoàn toàn do ông ấy quyết định. Mỗi người có nhân quả riêng, mình gieo nhân tối đa rồi, tốt tối đa rồi, khuyên hết cỡ rồi. Còn ông ấy có nhân quả riêng, ví dụ ông ấy có nhân quả nghiện rượu, em khuyên hết cỡ đi nữa thì ông ấy vẫn nghiện rượu.

Như vậy là mình chỉ làm tối đa phần của mình thôi, còn ông ấy có làm theo lời mình hay không, không còn quan trọng nữa vì mình không thể nào điều khiển được. Mình không thể nào điều khiển người khác nghe lời mình. Mình chỉ có thể gieo cái nhân tốt nhất thôi. Đúng chưa? Còn mình không thể nào bắt cái quả theo ý mình, đúng không? Giống như mình đi giúp người lúc nãy đấy, mình có thể gieo nhân tốt nhất là chở người ta đi, mình không thể bắt người ta cảm ơn hay trả ơn mình được. Với ông chồng cũng thế thôi, mình chỉ gieo nhân tốt nhất là khuyên lời khuyên phù hợp là “đừng uống rượu”, chứ mình không thể bắt cái quả theo ý mình, là ông ấy phải nghe lời mình.

Nhưng thực ra là gì? Khi mình đã khuyên xong rồi, thì việc đấy là đã kết thúc. Còn nó chạy về đâu là nhân quả riêng của ông ấy, đúng không? Gọi là duyên ấy, chạy về đâu là do nhân quả, mình không thể kiểm soát được. Vì thế nên mình buông xả, nghĩa là gì? Mình khuyên rồi, còn ông có nghe theo lời mình hay không, không còn quan trọng nữa. Không quan trọng nữa là vì sao? Vì nó là nhân quả của ông ấy rồi. Mà nhân quả thì nó chạy thôi, đến đâu thì đến, mình không thể nào kiểm soát được. Cái thứ mình không kiểm soát được mà mình lại quan trọng hóa nó, mình khổ rồi! Cái đấy nó cứ chạy trái ý mình một cái là mình khổ theo, đúng không? Mình chỉ nên là gì? Cố gắng gieo nhân tối đa, tốt tối đa. Đấy!

Chứ buông xuôi là không cố gieo nhân nữa luôn. Buông xuôi khác buông xả ở chỗ đấy! Buông xả là tôi vẫn cố gieo cái nhân tối đa tốt, nhưng mà kết quả đến đâu thì đến, không quan trọng nữa vì tôi đã làm hết sức của tôi rồi. Tôi đã có trí tuệ hiểu rằng là gì? Đến đâu là do nhân quả. Buông xuôi là gì, là tôi không còn gieo nhân tốt tối đa nữa luôn. Đấy, ngay từ đầu tôi đã thấy bất lực rồi, chán rồi, nên tôi không còn gieo nhân tốt tối đa nữa.

Ở cơ quan cũng như vậy, thế nào là buông xuôi? Buông xuôi là gì? Là tôi đã nói n lần mà sếp không nghe, chính sách tôi đưa ra chả ông nào chấp nhận, vì thế tôi bất lực quá, tôi bỏ. Đấy là buông xuôi.

Buông xả là gì? Cái việc sếp có nghe lời tôi hay không, không quan trọng. Đối với tôi, quan trọng là gì? Tôi sẽ làm hết sức mình, tôi sẽ cố gắng viết ra chính sách mà tôi cho rằng đúng nhất, hay nhất, còn việc sếp có nghe hay không, không phải do tôi quyết, mà do nhân quả quyết. Đấy! Hay do nhân duyên quyết, đủ nhân duyên thì sếp sẽ nghe. Không đủ duyên thì sếp sẽ không nghe, dù tôi có cố gắng hết sức.

Vì vậy việc của tôi là gì? Cố hết sức là xong, thôi. Cố viết cái hay nhất rồi, sau đấy sếp có nghe hay không là việc của sếp. Đấy! Sếp có làm theo hay không là việc của sếp. Và như vậy thì tôi hoàn toàn buông xả, vì khi làm một việc gì đó, tôi không bám chấp vào kết quả đấy. Tôi không bắt buộc rằng nó phải xảy ra theo ý tôi.

Em chán, vì em bắt buộc nó phải xảy ra theo ý em, nhưng mà không được. Em bắt buộc chính sách mình viết ra phải được sử dụng mà không được. Chắc gì mình viết đã đúng đâu, nói thế thôi, có khi sếp mới là người đúng cũng nên. Bây giờ em đang chê sếp, đúng không? Có khi sếp bảo “con bé này viết toàn viết vớ vẩn. Việt Nam dùng thế quái nào được, toàn sách Tây viết ra thế này” – biết thế nào được, nếu thế thì sao? Nên mình chỉ làm cái mình cho là tốt nhất thôi, còn sau đấy đến đâu là do duyên của nó. Nên là nó có đến được kết quả hay không, nó không còn quan trọng với mình nữa. Sau khi mình đã làm phần tốt nhất rồi ấy thì nó không còn quan trọng với mình nữa. Còn trước khi mình làm điều mình cho là tốt nhất đương nhiên là quan trọng, mình phải cố làm cái điều tốt nhất chứ!

Thì mình nên sống với thái độ buông xả với mọi thứ. Ví dụ: Mình khuyên chồng hết cỡ rồi, khuyên hết lần này sang lần khác, ngày này sang ngày khác, nhưng trong lòng mình luôn có thái độ buông xả là gì? Mình không nói thẳng với chồng, mà trong lòng mình nghĩ thế này: “Em đã khuyên anh hết cỡ rồi, còn anh nghe theo hay không, đấy là duyên của anh. Anh có dừng uống rượu hay không là duyên của anh, chứ không phải là do em quyết định. Nên là sau khi em khuyên anh xong, thì việc này không quan trọng nữa” – Đấy là gọi Buông xả. Còn sau khi khuyên xong, nó vẫn rất quan trọng, xong rồi nó không xảy ra theo ý em, em chán quá, em buông – thì đấy gọi là buông xuôi.

Như vậy em phải kiểm tra xem là việc đấy, nó còn quan trọng với em hay không? Việc ông chồng nghe lời có quan trọng không? Ông sếp nghe lời có quan trọng không? Nếu nó vẫn còn quan trọng nghĩa là mình vẫn còn chưa buông xả được, mình vẫn chưa hiểu, chưa thấu hiểu được về mọi thứ vận hành theo nhân quả, theo duyên. Mình chỉ phải gieo duyên tốt nhất thôi, làm những điều tốt nhất mình có thể thôi, sau đấy thì duyên vận hành.

Ví dụ như thế này cho dễ hiểu này: Thầy đang khuyên em đúng không? Nhưng mà Thầy vừa khuyên em xong, dừng một cái thầy không nghĩ gì nữa luôn, không cần phải nghĩ đến việc em có làm theo hay không. Vì thầy đã làm cái phần tốt nhất của thầy rồi, nói lời mình cho là trí tuệ nhất, tận tâm nhất rồi, còn đi về đâu là việc của nó. Câu chuyện đến đây là hết. Cái việc em có làm theo lời thầy hay không, không còn quan trọng nữa. Đấy là một dạng, được chưa? Còn nếu Thầy nói xong rồi, thầy bắt đầu nhớ mặt em, xong một tháng sau gặp lại: “À, cô có làm theo lời tôi nói không?. Em bảo: “Không!”. Thầy bảo: “Thôi thôi về đi, tức lắm rồi!” (Mọi người cười) Đấy không có buông xả, đúng không?

Thế còn buông xuôi là gì? Một tháng sau gặp lại em bảo: “Không làm, tháng sau nữa cũng “Không làm”, đến tháng thứ 3 thì nhìn mặt em không nói câu gì nữa, không muốn gieo nhân nữa luôn. Thì đấy gọi là buông xuôi! Tôi thấy bất lực quá, tôi chán rồi. Thì em bị lệch, em phải kiểm tra lại. Nếu chồng nghe lời mình rất quan trọng, sếp phải nghe lời là một việc rất quan trọng, như vậy là em vẫn chưa buông xả, mà em đang buông xuôi. Việc của em là tập! Tập tất cả những điều thầy vừa nói đấy, nghe thêm cả Trà đàm để thấy rằng là gì? Mình chỉ cần làm tốt nhất phần của mình thôi, gieo nhân tốt nhất. Sau đó, việc có xảy ra hay không không kiểm soát được đâu, vì nó không quan trọng nữa. Đấy, đấy là một thái độ sống tốt.

Bạn đó: Nhưng mà em thấy là chồng có vấn đề gì thì hậu quả mình cũng phải chịu, thì mọi thứ có do nghiệp quả của mình không ạ?

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, nhân quả của chính mình và của anh ấy. Mình không thể nào kiểm soát được, đúng không? Thế thôi! Thế xong mình…

Bạn đó: Dạ, tại vì em cứ ngồi lo bây giờ ông ấy bệnh, ông ấy chết hay là ông ấy bị bệnh gì đấy, thì con ai nuôi? Thế rồi bố mẹ chồng ai chịu trách nhiệm… Vì trách nhiệm quá lớn, nó khủng khiếp quá, cuộc sống nó nặng nề quá…

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Đấy là lí do em buông xuôi đấy! Em bất lực. Buông xuôi đi kèm với cảm thấy bất lực, vì tôi không kiểm soát được. Tôi vẫn thấy nó rất quan trọng, nhưng tôi không kiểm soát được, thế nên tôi buông ra. Nhưng tôi buông ra trong trạng thái là nó vẫn rất quan trọng.

Còn buông xả là gì? Tôi buông trong trạng thái cái đấy không quan trọng, không quan trọng nữa. Nó là nhân quả của anh ấy rồi. Việc anh có nghe lời tôi không, không còn quan trọng, không còn kinh khủng nữa, hơi quan trọng thôi, chứ không còn thật sự quan trọng trong đời tôi.

Nếu làm như vậy một thời gian thì em nhận ra là gì? Suy cho cùng, em chẳng kiểm soát được cái gì: chồng không được, sếp không được… Em chỉ có thể sửa cái tâm của em mà thôi. Mỗi cái tâm của em, bên trong em mới sửa được, còn tất cả cái bên ngoài không bao giờ sửa được. Có bao giờ sửa được đâu? Thật đấy! Ở đây mọi người cứ thử cố sửa người khác xem, tất cả chúng ta về nhà thử xem. Ở đây có ai sửa thành công vợ mình 100%, giơ tay xem nào? Có ai không? Thành công rực rỡ không? Sửa được vợ mình 100%, hay là cuối cùng bà ấy thậm chí còn xấu hơn cả ngày xưa, hoặc là chỉ tốt lên một chút thôi?

Ở đây có ai sửa được người yêu 100% không? Có ai sửa được không ạ? Thôi, con mình đi, con mình thì dễ hơn đúng không? Bảo gì nghe nấy, đánh nó cũng được, có ai sửa được con mình 100% giơ tay xem nào? Kém thế à? Không ai sửa được à? Thầy cũng không sửa được đâu, thầy cũng chả sửa được con mình 100%.

Không ai sửa được, không ai làm được, không ai kiểm soát được thế giới bên ngoài. Lúc đó em muốn sửa bên trong. Khi em còn đang ảo giác rằng mình sẽ bắt được thế giới bên ngoài theo ý mình, thì em không có thời gian nào sửa được bên trong hết, em chỉ lo loay hoay sửa bên ngoài, đúng chưa? Có lẽ đến n lần cũng không được. Nếu n lần không được, em có 2 trạng thái, 2 lựa chọn: Một là buông xuôi như em đang làm: “Ôi tôi chán lắm rồi, tôi bất lực quá rồi”. Hai là em quay vào sửa bên trong. Như vậy là gì? Em có hai lựa chọn. Sửa mãi không được, sửa mãi bên ngoài không được, nếu lựa chọn tốt thì em quay vào em sửa bên trong. Còn lựa chọn không tốt là tôi chán bỏ, bên trong tôi rất khó chịu.

Đến khi em đi vào sửa bên trong em mới thấy rằng là gì? Hóa ra mình khổ không phải do anh ấy không nghe lời mình, mà là do mình quá kỳ vọng anh ấy phải nghe lời mình. Hóa ra mình khổ không phải là vì công việc, mình làm bao nhiêu lần trình mà ông sếp không nghe, mình khổ vì mình kỳ vọng ông sếp phải nghe.

Đấy! Cái chữ “phải” mới gây ra đau khổ, đúng không? Chứ tất cả các bạn ở đây có ai 100%  sếp nghe lời mình không? Sếp phải nghe lời mình đã khó tin rồi, đúng chưa? Đấy! Đến con mình còn không nghe lời mình, mình là sếp của nó, mà nó còn không nghe lời mình thì bảo sao sếp nghe lời mình? Ở đây có ai 100% chồng nghe lời mình đâu? Đúng không? Mình phải hiểu rằng mọi thứ là nhân quả, tức là do nhân duyên quyết định. Mình chỉ nên sửa tâm mình. Em nhận ra điều đấy thì em sẽ đi vào con đường đúng đắn ngay. Em quyết định sửa tâm em.

Tất cả các bạn đến đây ngồi rồi, nghe rồi, nếu nghe xong mà nhận ra điều đấy thì buổi hôm nay hoàn toàn giá trị. Giá trị nhất của buổi hôm nay không phải chỉ nằm ở mỗi lời khuyên, mà cuối cùng, nằm ở việc là mình quyết định sửa bên trong. Còn nếu mình về mình vẫn nghĩ rằng là “không cần sửa bên trong nữa cứ sửa bên ngoài đi kiểu gì cũng tốt”, sớm muộn gì mình cũng sẽ đau khổ và thất vọng. Đấy, nên giá trị lớn nhất của cái buổi Trà đàm cuối cùng… tất nhiên là nó cũng có nhiều giá trị, nhưng nó có giá trị quan trọng nhất là gì?Là câu nói trong quyển lịch này này: “Sửa bên trong là con đường duy nhất để dẫn đến hạnh phúc”.

Sửa bên trong là con đường duy nhất luôn, chứ không phải là con đường thứ 2 hay thứ 3. Không có con đường số hai luôn, là con đường duy nhất để đến hạnh phúc. Vì dù hoàn cảnh bên ngoài 100% theo ý muốn của mình, mình vẫn không hạnh phúc. Đấy! Ở đây ai sống đủ lâu sẽ hiểu. Hoàn cảnh tốt là gì? Ví dụ mua được nhà rồi thì lại lo mua xe, thế có hạnh phúc đâu? Mua xong xe rồi thì lại lo giữ xe, hỏng xe, chăm cho cái xe… Nghĩa là mình luôn luôn theo đuổi đối tượng vật chất bên ngoài ấy. Hay lấy được chồng rồi cũng thế thôi, đấy, có phải hạnh phúc không? Hạnh phúc của một người phụ nữ đâu phải lấy chồng đâu, lấy chồng xong rồi bao nhiêu chuyện sẽ mò đến. Tại sao? Vì mình cứ loay hoay bên ngoài, vì bên ngoài không theo ý mình thì mình không hạnh phúc được.

Còn mình sửa bên trong thì sao? Mặc dù bên ngoài không theo ý mình, nhưng do mình đã có trạng thái bên trong, có trí tuệ nên mình không vấn đề gì cả. Đấy! Giống bạn Trường vừa nói lúc nãy đấy, chở cô gái xong, cô ấy xuống là xong luôn. Cô ấy xuống xong là cô ấy biến mất trong đời mình luôn, có vấn đề gì đâu? Nhưng bạn cứ “ôm” cô ấy ba ngày, cứ luyến tiếc, bạn không thả cô ấy ra, mà cứ “ôm” cô ấy ba ngày liền, đúng chưa? (Mọi người cười) Thì nó mới có vấn đề chứ! Đúng không? Khi cô ấy xuống xe là xong, nhưng mình cứ “ôm” cô ấy ba ngày nên là cái khổ bám lấy em.

Bây giờ mình khuyên chồng xong là xong, có phải sướng không? Nhưng mà mình ôm chồng trong lòng mình n ngày tiếp theo, mình mới khổ. Thầy nói chuyện với em, xong là xong, vui không? Nhưng mà thầy lại nhớ mặt, đúng không? Ghi sổ, đấy thì khổ không? Đúng chưa? Nên là buông xả rất là tốt. Buông xả ở đây nghĩa là gì? Chuyện ấy có xảy ra hay không, không còn quan trọng – đấy là buông xả. Còn buông xuôi là gì? Cái chuyện đấy có xảy ra hay không, nó rất quan trọng nhưng mình chả làm gì nổi, chán quá, bất lực quá, mình bỏ – đấy là buông xuôi.

Muốn buông xả thì phải sửa bên ngoài hay bên trong? Bên trong, đúng không? Còn buông xuôi là sửa cái gì? Sửa bên ngoài không nổi luôn. Em nhận ra vấn đề của mình chưa? Nên lời khuyên của thầy hôm nay là gì? Tiếp tục làm việc như bình thường, nhưng làm với tinh thần buông xả. Vẫn biết cái đề án mình chọn là tốt nhất, nhỡ tốt thì sao? Người ta dùng thì sao? Mình không bắt buộc phải xảy ra theo ý mình nữa. Vẫn khuyên chồng như bình thường, nhưng buông xả, trong lòng mình hiểu rằng là gì? Có đến được hay không, có kết quả hay không là duyên quyết định. Đấy, thì đấy là mình vẫn cố làm điều tốt nhất mà lại không kiểm soát.

Ngược lại, nếu em không gieo cái nhân tử tế: Em đi làm và em bê trễ công việc, người ta trả tiền cho mình mà mình không làm, mình không có trách nhiệm; mình về mình thấy chồng mình say xỉn, mình không khuyên câu nào – như vậy là mình không gieo nhân tốt, thậm chí nhiều khi làm ngơ, chính là gây ra hậu quả xấu. Đấy, như vậy là em phải làm tất cả những điều đấy, rất bình thường. Trông bên ngoài không ai biết là em đã buông xả rồi, nhưng thực ra bên trong em, em biết. Hiểu chưa? Mai hiểu chưa? Rồi.

(Mọi người vỗ tay)

3. Trung đạo là tìm điểm cân bằng 

Thùy Anh: Dạ, Con chào Thầy, chào các anh chị. Con là Thùy Anh, 39 tuổi, 1 chồng, 2 con, làm truyền thông ạ. Con có một câu hỏi thế này: Gần đây con rất là quyết liệt với con đường mà mình lựa chọn, quay vào sửa bên trong, mình quyết liệt đi theo con đường đấy. Mình quyết liệt là nghe Trà đàm, cứ có một cái khó chịu nào nổi lên thì mình tìm cách sửa, và không bám chấp vào những kết quả bên ngoài. Nhưng vô tình theo một cách nào đấy, mình lại gieo một cái nhân xấu là làm cho ông chồng khó chịu, hay làm cho đứa con cảm thấy là mẹ xa cách. Con thì không bám chấp vào việc họ phải chấp nhận con đường con đang theo, nhưng con nhìn thấy họ buồn… Thì con không biết con đường trung đạo phải như thế nào, làm thế nào để cân bằng ?

Thầy Trong Suốt:  Bạn Thùy Anh là bạn đã có một quyết tâm rồi đấy. Bạn khác bạn Mai ở chỗ là quyết tâm sửa bên trong. Đấy, bạn ấy hơn bạn Mai ở chỗ là bạn hiểu rằng: sửa bên ngoài chịu rồi, nên sửa bên trong. Nhưng bạn ấy sửa bên trong không phải như những người xuất gia, như những người tu ở trên chùa hay ở trên núi. Bạn vẫn ở trong nhà, vẫn tại gia. Ở trong nhà thì rõ ràng mình phải có trách nhiệm, bổn phận, đúng không? Có những người, họ bị lệ thuộc vào mình, tối thiểu lệ thuộc vào mặt cảm xúc của mình. Thế thì mình phải sống thế nào? Câu hỏi là làm thế nào ở giữa đời mà mình vẫn tiến bộ nhưng mình không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh?

Đúng là phải trung đạo. Thế trung đạo nghĩa là gì? Trung đạo, nói một cách dễ hiểu, là nó không bị lệch ở đâu hết, không lệch sang phải, sang trái thì gọi là “trung”, “trung” là giữa ấy. Ví dụ: Mình đi trên một con đường, 2 bên là vực sâu, thế nào là trung đạo? Mình cứ thẳng đường mà đi là trung đạo. Thế nào là bị lệch? Mình rơi xuống vực, lệch phải quá rơi xuống vực, lệch trái quá rơi xuống vực. Đấy, khái niệm trung đạo là đi ở giữa.

Thế thì phải làm như thế nào? Mình làm gì thì làm, nhưng đầu tiên phải hiểu một điều như thế này: Suy cho cùng thì kết quả cuối cùng không phải cho mình mà cho mọi người nữa. Nên là mình phải giữ cái việc đấy trong lòng mình. Giữ cái việc là “tôi vì tôi và vì những người này”, đầu tiên là những người gần mình nhất đúng không? Mình còn chả quan tâm đến người gần mình nhất, bảo quan tâm đến thế giới, vũ trụ thế nào được?

Trong lòng của tôi luôn luôn muốn làm cho họ hạnh phúc, tôi không bỏ họ khỏi lòng tôi. Đấy, cái đầu tiên là phải nhớ thế. Tuy nhiên, tôi không bỏ họ ra khỏi lòng tôi cũng không có nghĩa là tôi phải chiều họ mà không tiến bộ được. Nếu mà tôi chiều họ, vì họ mà không tiến bộ được thì lệch sang phải. Còn tôi chỉ làm thế nào để tôi hạnh phúc, còn họ thế nào cũng được thì lệch sang trái. Đúng không? Thế nào rồi cũng rơi xuống vực. Không rơi xuống vực là gì? Tôi phải làm thế nào để cuối cùng đem lại ích lợi cho họ, cho cả tôi và cho cả họ. Và trên con đường đi, tôi không làm cái gì quá đáng để gây tổn thương và đau đớn cho họ, thế thôi!

Thế thì lúc đấy sẽ biết được giới hạn nào là giới hạn gây tổn thương và giới hạn nào là giới hạn chấp nhận được. Và em phải điều chỉnh, trong cuộc sống là phải điều chỉnh. Ví dụ mình đã sẵn làm một việc gây tổn thương rồi thì mình phải tìm cách vỗ về. Còn nếu mình chưa làm thì tốt quá, chưa làm thì phải dừng cái đấy lại. Thế còn, mình đã làm quá mất rồi thì mình lại quay trở lại. Ví dụ hôm nay mình nói một câu: “Em chẳng cần anh nữa”, đúng không? Do mình đang tập buông gì đó; hôm sau lại đến nấu ăn này, vỗ về đúng không? Ôm ấp, thế là ông ấy cảm thấy là “ừ, thế là ổn. Cô này thực ra vẫn chỉ đang dao động quanh mình thôi, chứ cô ấy chưa đi chỗ khác, chưa biến mất”.

 

Em phải đo mức độ tổn thương của những người xung quanh, tối thiểu là không làm họ tổn thương, tối đa là làm cho họ hạnh phúc. Nhưng mà tối thiểu, mình chưa có khả năng thì mình đo mức độ tổn thương của họ rồi đến lúc dừng lại, hoặc lỡ đi quá rồi thì quay lại. Đấy, rất đơn giản thế thôi. Đừng có gây tổn thương! Nhưng mà mình chiều họ càng không trung đạo. Chiều họ nghĩa là gì? Hôm nay em đi nghe Trà đàm, chồng bảo: “Không, hôm nay anh thích em ở nhà nấu nướng cho anh” chẳng hạn, thế mình chọn cái gì? Mình chọn ở nhà nấu ăn là mình đã bị lệch sang phía họ rồi. Tại vì nấu ăn trăm buổi thì mình không hạnh phúc được và dài hạn khi mình không hạnh phúc thì họ cũng không hạnh phúc đâu. Mình nấu ăn trong một thái độ cằn nhằn, khó chịu thì làm sao hạnh phúc được?

Hạnh phúc cho mình thực chất là hạnh phúc cho người. Trong gia đình, nếu có một người mẹ hạnh phúc, đương nhiên bố với con sẽ hạnh phúc. Còn trong gia đình có người mẹ chán nản, đau lòng, đương nhiên bố, con cũng sẽ đau lòng. Thế nên, khi mình hiểu một cách sâu sắc, mình thấy rằng hóa ra mình sửa bên trong là cho cả mình và họ được hưởng lợi. Nên nếu mình giữ họ trong lòng thì không đi ngược lại quyền lợi của họ.

Như vậy trong lòng của em cần phải có họ. Như vậy nhé, nhớ này:

  • Một là: Trong lòng phải có họ.
  • Hai là: Hiểu rằng ích lợi cho mình, tâm mình tốt lên, vui lên thì dài hạn có ích lợi cho họ, họ sẽ vui lên, tốt lên.
  • Ba là: Trung đạo, mình không quá chiều họ để ảnh hưởng đến sự tiến bộ của mình, mình không quá vì thế mà gây tổn thương đến họ. Và mình sẽ biết đến điểm nào mình dừng để mình không đi quá, hoặc nếu có đi quá rồi thì quay lại.

Khi em nhớ được tất cả những điều đấy thì dù chồng em khó chịu một chút, con em khó chịu một chút, nhưng mà nó sẽ không bao giờ quá giới hạn cả. Còn nếu không, em quên mất điều đấy thì có thể nó sẽ quá giới hạn. Chồng em sẽ lại tìm cô khác đúng không? Đấy có thể, nên là em phải tự tìm điểm cân bằng thôi.

Tất cả học trò của thầy cũng thế thôi. Ai cũng ở trong đời hết cả. Vì ở trong đời nên phải trung đạo, nó rất là quan trọng. Mà trung đạo là gì? Là không lệch quá bên này hoặc bên kia, mình phải tìm cái điểm thế, không đi quá hoặc đi quá rồi phải quay trở lại.

Trung đạo. Hôm nay làm chồng khó chịu thì hôm sau nấu ăn. Thêm một chút nữa là, mình đừng hy vọng là mình sẽ không bao giờ làm chồng mình khó chịu, hoặc làm con mình khó chịu – Không có đâu.

 

Giống như mình đi trên một cái dây hay đi xe đạp cũng thế thôi. Cân bằng không có nghĩa là lúc nào nó cũng thẳng đứng lên, mà nó phải nghiêng phải một chút, hoặc là nghiêng trái một chút, đi trên dây rõ nhất đấy. Nghiêng phải một chút, xong rồi hơi nghiêng quá rồi, mình lại nghiêng trái một chút thì mới cân bằng được. Xe đạp cũng thế thôi, đi xe đạp không phải lúc nào mình cũng thẳng đơ ra là xe đổ ngay. Mà xe hơi nghiêng phải tí, mình lại nghiêng sang trái, xe hơi nghiêng trái thì mình lại nghiêng phải. Lúc đầu mình mới đi xe đạp, mình chưa đạt được trình độ đấy nên là xe hay đổ. Đúng không? Các em bây giờ cũng thế, chưa đạt được đến trình độ đấy, nên thi thoảng nó hay đổ, gây khó chịu. Nhưng khi mình đi xe đạp đã quen rồi, dần dần nó thành bản năng tự nhiên. Mình tự nghiêng phải, nghiêng trái. Chính mình sẽ không để ý xem nó nghiêng phải hay nghiêng trái nữa. Có đúng không?

Đấy, cái trung đạo là như vậy. Trung đạo giống như em đang đi xe đạp vậy. Lúc đầu em phải cố gắng cân bằng, nghiêng phải nghiêng trái cho nó đều, nhưng dần dần lên trình độ mới thì em tự nghiêng phải, nghiêng trái. Thấy chồng hơi cau mày một tí, mình biết ngay có phương án rồi, quen rồi, không phải lo nữa. Lúc đầu đổ xe thì chấp nhận thôi.

Đấy, lấy hình ảnh như thế làm ví dụ. Bây giờ ví dụ dễ nhất là đi xe đạp, lúc đầu thì tập, tập xong rồi đổ xe, xong đổ vài lần, ngã đau đầu, chóng mặt, xong rồi sau vài lần mình dần dần quen, mình bắt đầu đi một cách rất là bản năng, không cần chú ý mà vẫn nghiêng phải, nghiêng trái.

Thầy nói thế là vì sao? Vì tránh một loại kỳ vọng là gì? Là mình cứ tu để mong mình hạnh phúc ngay từ đầu, không có đâu! Ngay từ đầu mình tu ấy, mọi người không hạnh phúc là chuyện bình thường. Đấy, nhớ là đường trung đạo không có nghĩa là cứ thẳng đuỗn ra mà đi, có thể sẽ có lúc lệch sang bên này, lúc lệch sang bên kia. Thì lúc đầu có một chút va đập, phải chấp nhận điều đấy, bình thường thôi. Sau này trình độ mình lên dần, và dần dần mình đi xe đạp quen không có chuyện đấy, hoặc quá trình đấy có thể diễn ra vài tháng, thậm chí nửa năm, một năm, càng sớm thì trình độ mình càng giỏi mình càng nhanh, thế thôi.

Nên cũng đừng kỳ vọng chồng con mình phải vỗ tay tán thưởng ngay từ đầu. Nhưng sau khoảng 1, 2 năm… Tại vì học trò thầy có người có vấn đề với gia đình rất là nhiều, sau vài năm thấy không còn vấn đề gì với gia đình nữa. Vì lúc ấy trình độ mình lên rồi, mình nghiêng rất đúng lúc, anh vừa nhăn mặt mình đã có phương án rồi. Đấy! Thế thôi, thầy nói thêm một chút để em và các bạn đừng kỳ vọng là mình không gây va đập. Mới đi xe kiểu gì cũng ngã, đấy là một điều rất dễ hiểu, đúng không? Nhưng khi mình có trình độ rồi thì yên tâm, không có vấn đề gì cả.

 

4. Làm thế nào để là một doanh nhân tốt mà vẫn thành công và không bị lợi dụng?

Một bạn nam: Dạ, em chào Thầy! Em muốn hỏi Thầy một câu hỏi về việc là làm sao để mình có thể là một doanh nhân tốt mà vẫn thành công. Vì làm doanh nhân rất là khó, rất dễ phá sản, rất dễ bị lừa, thì cách mình rèn luyện thế nào?

Thầy Trong Suốt: Thành công là không tốt – ý em là như thế hả?

Bạn nam đó: Ý em là, người tốt dễ bị phá sản chẳng hạn.

Thầy Trong Suốt: Rồi! Được! Câu hỏi của em rất thực tế. Thực tế ở chỗ là nếu tôi tốt quá, tôi dễ bị lừa, đúng không? Không phải là doanh nhân đâu, mà bất kì người đi làm nào cũng thế thôi. Không phải câu chuyện của em, không phải chỉ có câu chuyện của doanh nhân, mà mình tốt quá nên là ai bảo gì mình cũng nghe này, chiều mọi người hết cỡ này thì rồi mình sẽ bị lừa, bị lợi dụng, đúng chưa? Làm như thế nào để tốt mà vẫn thành công? Nói chung ở doanh nhân thì càng rõ nữa, đúng không?

Thì đầu tiên em phải hiểu thế này, vẫn cứ nói doanh nhân cho dễ hiểu: Một doanh nghiệp được lập ra, điều đầu tiên muốn làm điều tốt thì nó phải tồn tại được đã. Các em muốn làm được điều tốt cho đời thì đầu tiên mình phải khỏe đã, đúng không? Mình cứ yếu xìu, trên người đầy bệnh thì mình còn làm điều tốt cho ai được bây giờ, đúng chưa? Đúng không? Như vậy là muốn làm điều tốt thì đầu tiên mình phải khỏe đã, tối thiểu là mình phải an toàn đã, đúng chưa? Chưa nói khỏe mạnh, phải an toàn. Mình không an toàn, có làm điều tốt được không? Lúc nào cũng giơ sườn cho ai đấy đâm vào thì không làm điều tốt được, đúng không? Giống như ở cơ quan: “Anh ơi hãy lợi dụng tôi đi!”, tất cả đồng nghiệp mình bảo: “Hãy lợi dụng tôi đi!” thì đương nhiên sẽ có người lợi dụng được.

Như vậy điều đầu tiên, trước khi em muốn làm một điều tốt, thì em phải biết cách làm cho mình an toàn. Đấy là điều đầu tiên mà tất cả những người tốt đang ngồi đây cần khi sống giữa đám đông có cả người tốt, người xấu – đó là phải biết cách tự làm cho mình an toàn trước đã, vì muốn giúp người khác thì mình phải an toàn trước đám đông. Mình muốn tồn tại được mình phải an toàn, mình muốn giúp người khác thì mình phải an toàn. Nên trước tiên, em học các kỹ thuật để an toàn: quản lý dòng tiền này, quản lý nhân sự này, đúng không? Hoạch định chiến lược này v.v… tất cả những thứ đủ làm em an toàn. Em không có cái an toàn đấy mà muốn làm điều tốt, sớm muộn gì em cũng phá sản.

Đấy, phá sản ở đây theo nghĩa cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa đen, tức là phá sản doanh nghiệp. Nghĩa bóng là em thất vọng, chán chường, khổ sở vì muốn làm điều tốt mà không được, vì bị lừa, lợi dụng mất tiền, mất bạc, mất an toàn. Thế nên, mình muốn làm điều tốt cho người trong thiên hạ thì mình phải biết an toàn cho mình trước và em cần phải có trải nghiệm. Em phải làm, phải đau đớn chút, phải học được những bài học làm mình an toàn.

Thông thường, một doanh nhân kể cả thành đạt từ lúc bắt đầu mở doanh nghiệp mà biết cách an toàn ấy có thể mất khoảng 5 năm. Doanh nhân bình thường ấy, nói chung, mất khoảng 5 năm, có thể phá sản rồi, có thể chưa phá sản, có thể mất rất nhiều tiền rồi, dần dần mới học được kỹ năng an toàn cho chính mình, doanh nghiệp của mình. Lúc đấy mới là lúc em có thể làm được, mới có thể tồn tại được để làm người tốt.

Thế nên lúc đầu, không cần phải tỏ ra quá tốt đâu. Không cần tỏ ra là ông chủ tốt với nhân viên đâu. Ví dụ, em mở một doanh nghiệp có 5 nhân viên, em không cần phải tỏ ra là ông chủ tốt, vì sao? Ông chủ tốt mà không an toàn, thì điều gì xảy ra? Hại, có hại cho nhân viên. Doanh nghiệp mình phá sản thì nhân viên mình không có việc làm, khoản lương mình hứa trả họ thì không có, nợ lương, đúng không?

Ông chủ, không cần phải tỏ ra là ông chủ tốt, mà đầu tiên, tối thiểu em phải làm ông chủ an toàn đã. Còn những người này là những người tin tưởng đi theo được. Doanh nghiệp này kiếm được tiền để sống, để tồn tại. Chứ bảo là ông chủ đầy hoài bão làm điều tốt cho xã hội, nhưng mà rất dễ bị lừa. Đấy, không phải! Mà em hãy làm một ông chủ an toàn trước. Và thầy nghĩ là mất thời gian đấy. Như thầy phá sản 3 lần trong 6 năm, đúng không? 6 năm phá sản 3 lần thì mới học được bài học về an toàn. Đấy! Doanh nghiệp bây giờ không an toàn thì không giúp được ai đâu.

Thế nên thầy có thể hiểu là em rất muốn làm điều tốt. Đấy là một điều đúng, nhưng quan trọng là em cần sinh tồn đã. Điều đó là gì – An toàn. Đấy, mình an toàn rồi, mình mới giúp mọi người. Mình không giơ sườn mình ra cho người ta đâm, nghĩa là mình đã giúp đỡ rất nhiều người không phạm tội, đúng chưa? Mình không dễ dàng bị lừa, mình giúp rất nhiều người không bị lừa. Khi giúp người khác từ những điều đấy, mình khỏe mạnh, mình giúp những người xung quanh mình dựa vào điều đúng. Đấy! Thế nên không chỉ có em, tất cả những người đi làm cũng thế thôi, nếu không bảo vệ chính mình thì giúp ai được, đúng không? Thế thôi!

Thế em nhớ số 1: An toàn đã, an toàn mới giúp được mình và không làm người khác lợi dụng được mình hoặc làm điều xấu với mình. Sau đó mới là chuyện làm người tốt. Đấy, đấy là nói thế thôi, thực chất là rất nhiều người tốt hay bị mất an toàn. Nghĩa là người tốt thì thường không an toàn. Thường là họ mặc định thế giới tốt giống tôi, người tốt hay có nhược điểm đấy. Vì tôi tốt, nên tất cả mọi người đều tốt – đấy là vấn đề của người tốt. Vì tôi nghĩ rằng người nào cũng đáng tin, nên tất cả mọi người đều đáng tin. Buồn cười quá còn gì nữa, có đúng không? Vì tôi tốt, không có nghĩa rằng tất cả mọi người đều tốt.

Thế bài học đầu tiên là gì? Là mình phải hiểu mọi người hơn. Đấy, mình đừng mong, đừng có giả định rằng “Tôi như thế nào mọi người cũng như thế”. Người ta hay bị giả định như thế “Tôi nghĩ thế nào mọi người cũng nghĩ thế”, “Tôi chăm chỉ nên tất cả nhân viên đều chăm chỉ hết” – Không phải đâu! Nhân viên sẽ có người chăm và người lười, đúng không? “Tôi không bao giờ lừa ai thì sẽ không có ai lừa tôi”, buồn cười chưa? Nên tất cả chúng ta, những người tốt ấy, đều bị như thế và chính vì bị như thế nên chúng ta mới không an toàn, đúng chưa? Nên đầu tiên, ta phải bỏ cái thói quen xấu là nghĩ về tôi thế nào thì mọi người giống như thế.

Tất cả mọi người chúng ta đều hay bị thế. Nếu không thì cứ chịu khó quan sát, không đặt mình vào vị thế người khác. Thực ra rất dễ bị như thế, hoặc nhiều khi phải đủ đau thương mới nhận ra được. Còn em chắc phải cần thời gian khá dài. Đấy, không sao, bắt đầu từ bây giờ là vừa. Bắt đầu về em mở doanh nghiệp thật tốt, kể cả thất bại đi chăng nữa, học được bài học. Nhưng việc em làm một cách mù quáng mới không tốt. Lao đi làm việc tốt không phải là tốt. Mình làm việc tốt một cách an toàn cho mình và đỡ ảnh hưởng tới người khác thế mới là tốt. (Mọi người vỗ tay)

5. Phân biệt Chánh và Tà

Bạn Hà: Dạ, em chào Thầy ạ. Em tên là Hà, em có một câu hỏi như thế này: Thời điểm này chúng ta nghe nhiều thông tin về đạo Đức chúa Trời ạ. Mới vừa rồi thì bạn của em mới mất, anh ấy không theo đạo trên mà theo cái khác. Thì ở quanh em có rất nhiều người thân, người ta cũng có tâm cầu đạo, cũng muốn tìm con đường giải thoát, nhưng mà nhiều người không có đủ phước để đi vào con đường chính đạo.

Thì em muốn hỏi Thầy là làm thế nào để mình phân biệt được đâu là chính đạo, đâu là tà đạo? Thứ 2 là nếu những người bạn của mình vô tình đi vào con đường đấy rồi thì làm thế nào để mình giúp đỡ được họ, để họ nhận ra được điều đấy? Em cảm ơn Thầy.

Thầy Trong Suốt: Tất cả các con đường đều nói mình chính đạo hết, đúng không? Có ai bảo mình tà đạo không? Tôi là tà đạo đây, bạn sẽ bắt tôi? Không, đúng không? Chắc chẳng có ai làm thế. Nên là rõ ràng mình chỉ nghe người ta, làm sao mình biết đâu là chính, đâu là tà? Đúng chưa? Như vậy nên mình phải có cái óc nghi ngờ và phải biết phân biệt phán đoán, xét đoán đấy, phải nghi ngờ. Kể cả đến đây cũng thế thôi. Chúng ta đến đây, chúng ta phải có 80 phần tin rồi, có 20 phần nghi ngờ xem: ông thầy, ông ấy có tử tế hay không? Có mục đích cá nhân không? Ông làm chuyện này để làm gì? Đúng không? Những lời ông nói ra có chính đáng không? Có lợi dụng người ta để làm chuyện gì xấu xa không? Đấy là điều đương nhiên. Nên có trái tim thì rất thành khẩn nhưng lý trí thì phải biết nghi ngờ.

Những người nào bỏ phần lý trí đi thì thường sẽ theo tà đạo. Những người vào tà đạo thì bỏ mất lý trí đi, chỉ còn theo trái tim. Trái tim, nghe rất là… thiết tha. Một trái tim thiết tha, nhưng mà một lý trí lại không đề phòng – như thế là chết! Một trái tim thiết tha cùng một lý trí nghi ngờ, thì tốt quá rồi. Đi vào con đường nào cũng thế thôi. Chúng ta có một trái tim thiết tha cầu đạo, rất tốt và một lý trí biết nghi ngờ. Đấy! Thầy hay nói với học trò mình là: Học trò không phải tin thầy 100% làm gì hết. Chẳng cần nốt! Tại sao? Nếu tin thầy 100% kiểu gì cũng học tà đạo, kiểu gì sớm muộn cũng đi theo tà đạo.

Tại sao lại thế? Khi mình tin ai đấy 100% nghĩa là mình không còn khả năng tự vệ nào nữa và rất dễ bị lợi dụng. Thứ hai là mình không còn khả năng tự đốt đuốc trí tuệ mà đi nữa, mất cả trí tuệ. Mất trí tuệ lẫn mất cả an toàn. Học trò chỉ nên tin thầy 80% thôi, 20% còn lại cứ nghi ngờ đi. Nghi ngờ xong, mình trải nghiệm những cái ông thầy nói. Nghi ngờ xong, mình làm những cái ông thầy nói. Xong, đúng, ích lợi thật sự cho mình thì mình tăng dần lên 81%, 82%, còn không lợi cho mình thì giảm dần 79, 78%, khi nào về 0 thì thôi, hoặc lên 100% thì thôi. Nhưng mà thầy thường nói là chỉ nên tin thầy 100% khi mình đã chứng ngộ được những cái thầy nói thôi, lúc đấy thì mới tin thầy 100% được. Còn không chứng ngộ những cái thầy nói thì không thể tin thầy 100%.

Đấy, đấy là những lời dành riêng cho em! Một trái tim thiết tha là đúng rồi nhưng chưa đủ! Em cần cái đầu óc nghi ngờ, luôn luôn phán đoán, luôn luôn nghi ngờ, luôn luôn đặt câu hỏi xem “Có đúng thế không? Thầy có động cơ gì không? Con đường này đích của nó là gì?”…Cái nghi ngờ ấy, nó không dẫn đến một điều xấu nào hết mà dẫn đến việc là em tìm hiểu sâu sắc. Nó làm cho em trở nên sâu sắc hơn nhiều và nó làm cho em sinh ra trí tuệ. Đấy, càng nghi ngờ mình càng nhiều trí tuệ, càng nghi ngờ mình càng cố hiểu biết, đúng không?

Q11_Mot trai tim cau dao

Muốn hết nghi ngờ thì phải làm gì? Một là phải hiểu biết. Hai là phải thử nghiệm, thực chứng, đúng không? Khi mình thực chứng rồi, mình hiểu biết có thực chứng thì mình hết nghi ngờ. Như vậykhi mình nghi ngờ, mình có một động cơ rất tốt, thúc đẩy em phải hiểu biết hơn và thúc đẩy em phải có thực chứng. Ví dụ thầy Trong Suốt bảo là: “Nếu không kỳ vọng thì không đau khổ”, đúng không? Thế thì mình phải hiểu thế nào là thực chứng? Mình phải kiểm tra xem đúng không? Mình làm một việc không kỳ vọng có đau khổ không? Quả nhiên là không đau khổ, làm việc có kỳ vọng gây ra đau khổ, suy ra thầy nói đúng.

Như vậy thầy nói đúng không phải chỉ vì thầy nói điều đó đúng. Thầy nói đúng, vì thầy nói xong, tôi kiểm nghiệm thực tế năm lần bảy lượt đều thấy đúng. Vì vậy câu nói đấy của thầy đáng tin. Nhưng câu khác chưa chắc đáng tin! Câu đấy đáng tin, chưa chắc câu khác đáng tin. Thế nên mình cứ kiểm chứng như thế thôi, hết câu này sang câu nọ, năm lần bảy lượt mà câu nào cũng đúng hết. Câu nào đem vào cuộc sống mà làm em hạnh phúc hơn, ích lợi cho mọi người xung quanh mình hơn, dần dần lòng tin mình tăng lên, đấy ví dụ lòng tin cao lên 81, 82%. Ngược lại, câu nào của thầy áp dụng mình thấy gây đau khổ cho mình hoặc là cho người khác thì phải xem lại đi, xem ông thầy sai hoặc là mình sai. Nếu ông thầy sai thì bỏ luôn đi còn gì nữa. Nếu ông thầy đúng mà mình sai thì mình phải sửa đấy, phải nói chuyện lại với thầy, tìm cách làm cho đúng.

Như vậy là một quá trình tin và nghi ngờ. Một người học trò theo thầy từ đầu đến giờ khoảng 5 năm gì đấy. Thầy nghĩ là trong 3 đến 5 năm đấy, thì chắc 3 năm rất nghi ngờ, 1 năm tiếp theo tin hơn một chút, rồi năm cuối, năm thứ 5 thực sự bắt đầu kiểm chứng rất nhiều và tin mạnh. Đấy!

Còn những người bạn của em thì sao? Họ lỡ bỏ mất lý trí rồi, đúng không? Họ chỉ còn một trái tim thiết tha mà thôi. Đấy, họ đã bỏ mất cái phần kiểm tra, kiểm nghiệm mất rồi. Những người mà đã lạc vào đường tà ấy, thầy đã gặp những người đấy rồi, vì họ không dùng lý trí mất rồi, em có dùng bao nhiêu lý trí họ vẫn không nghe, vì họ đã bỏ lý trí ra rồi, đúng không? Em sẽ dùng cái gì để nói chuyện với họ, nếu như không dùng lý trí? Nhắc lại nhé, họ đã đi vào tà đạo rồi, họ đã bỏ những cái phanh quan trọng nhất là lý trí đi rồi, em nói gì bây giờ? Cách duy nhất để nói với họ không phải bằng lý trí đâu. Lý trí không giúp được gì hết nữa, họ đã bỏ phanh rồi mà.

Những người đấy thì hai cái sẽ giúp được họ: Một, tự họ gặp chuyện, vì đi vào tà đạo không thể nào tốt được, đúng không? Đã đi vào tà đạo, đã gọi là tà đạo ấy thì là con đường sai lệch, mà đã là con đường sai lệch thì kiểu gì cũng gặp chuyện. Không khổ ở đây thì khổ ở đâu đó. Nên… hoặc là họ gặp chuyện, họ sẽ tỉnh ra. Thầy gặp rất nhiều người tỉnh ra sau khi đã gặp chuyện, đấy. Hoặc là nhiều chuyện quá, vì sao? Vì con đường đã tà rồi thì làm sao mà người ta hạnh phúc được? Sớm muộn gì người ta cũng gặp chuyện nào đó trên đời.

Loại thứ 2 là chưa gặp chuyện. Chưa có chuyện gì cả mới tin vào con đường tà nào đó, trong khoảng 1 năm thì đang hưng phấn lắm, nhưng để gặp chuyện thì phải 10 năm mới gặp chuyện. Thế thì em phải làm gì? Một là, em vẫn dùng những lời khuyên hết sức có thể của em. Những lời chân thành nhất, hiểu biết nhất để khuyên họ. Hai là, em ảnh hưởng đến họ bằng lối sống, trạng thái sống của em. Em muốn họ tin em hơn tin con đường của họ thì em phải ảnh hưởng họ bằng cách sống của em. Nhắc lại nhé, họ đã bỏ phanh ra rồi, bỏ lý trí ra rồi, lao xuống vực ầm ầm rồi, bây giờ muốn kéo họ lại, nghĩa là gì? Họ phải tin mình hơn cái con đường đấy chứ, đúng không? Đúng không nhỉ? Em tên gì ấy nhỉ?

Bạn Hà: Dạ, thưa Thầy, em tên là Hà ạ.

Thầy Trong Suốt: Bạn Hà muốn kéo một người đang lao xuống vực, đúng không? Thì đầu tiên, họ phải tin bạn Hà chứ. Chứ họ không tin bạn Hà nữa thì bạn Hà có đem một đống lời ra rao giảng, họ có nghe không? Theo Hà, họ có nghe không?

Bạn Hà: Dạ, không ạ.

Thầy Trong Suốt: Tất nhiên là không. Họ còn không tin em. Em muốn giúp được họ thì họ phải tin em hơn là tin con đường mà họ đang đi theo, chuẩn chưa? Đúng chưa?

Bạn Hà: Dạ, đúng rồi ạ.

Thầy Trong Suốt: Mà em muốn họ tin em hơn tin vào con đường họ đang theo, thì em phải có một thái độ sống, cách sống đáng tin hơn con đường họ đi theo. Ví dụ nhé, con đường họ đang đi theo có một ông thầy suốt ngày tìm cách lợi dụng tiền bạc học trò, đúng không? Con đường tà đạo rất nhiều con đường như thế. Họ dùng công sức tiền bạc của học trò, hoặc là lợi dụng tình dục học trò. Thì cách sống của em rất là vô tư và vị tha, không lấy gì của ai hết. Chỉ khi nào thực sự vô tư, vị tha thì cái trạng thái sống của em mới ảnh hưởng được, mới làm cho họ tin em hơn ông kia. Còn nếu không thì họ sao tin em hơn ông kia được. Đúng không? Nên là em chỉ khuyên được một người không tin một con đường nào đấy bằng một thái độ, trạng thái sống mà nó thật sự vượt lên chỗ kia thôi.

Nếu em chưa có trạng thái sống đấy, thái độ đấy, chắc chắn sẽ không khuyên được. Vì không có một bằng cớ nào, một cơ sở nào khiến họ tin em hơn con đường họ đi theo. Và như vậy, em phải luyện cho em đã – ý thầy là như vậy! Em đừng kỳ vọng rằng họ phải nghe lời tôi. Nghe thế nào được bây giờ, cơ sở nào? Suốt ngày Hà cãi nhau với chồng, ví dụ thế, thì làm sao tôi nghe lời Hà? Trong khi ông thầy của tôi nói những lời cao đẹp, đúng chưa? Em muốn họ nghe lời em thì em hãy chuyển trạng thái sống đi! Em hãy sửa bên trong đi, em hãy lên một trạng thái sống mà ở đó những lời em nói ra rất vị tha, rất trí tuệ, “nói phải củ cải cũng nghe”.

Nói với một thái độ vị tha thì dần dần người ta sẽ cảm phục, thấm. Một quá trình như thế mất nhiều thời gian lắm. Còn bây giờ mình không kỳ vọng. Mình nói hết cỡ, khuyên hết cỡ, rồi mình đem tất cả giáo lý, sách vở mình biết ra khuyên, xong không kỳ vọng. Còn nếu thực sự có trách nhiệm với họ thì hãy nâng trạng thái mình lên. Ở cái trạng thái mà ở mình toát ra sự vị tha của trí tuệ, thì kiểu gì người ta cũng bị ảnh hưởng, không nghe ít thì nghe nhiều. Đấy, còn nếu như mình cũng vô minh, thiếu hiểu biết thì chắc chắn là mình sẽ không làm họ đổi niềm tin được đâu. Và như vậy bài học của mình là gì? Chấp nhận, chấp nhận rằng bạn của tôi theo nhân quả của họ mà tôi không làm gì được. Đấy, có khi trong câu chuyện của em có khi đấy là bài học lớn nhất, đúng không?

Bài học lớn nhất của em bây giờ có khi là: Chấp nhận được mọi người đi theo con đường của riêng họ, còn mình thì tìm con đường sửa bên trong mình. Khi nào mình sửa xong rồi, thấy mình khá lắm rồi thì mình hãy giúp người khác bằng trạng thái sống của mình. Ở đấy toát ra sự vị tha, toát ra sự hiểu biết, lúc đó lời nói của em mới có sức mạnh để thay đổi một ai đó. Mà không nhất thiết thay đổi những người đấy. Em chỉ giúp họ là do có duyên với họ thôi. Phật nói đấy: “Trong bốn điều ta không làm được, có 1 điều là: Ta không độ được những người không có duyên với Phật.” Nên nếu em không có duyên cứu họ ấy thì cho dù em có lòng vị tha đến mấy, có tài giỏi đến mấy, thì họ cũng không nghe lời em.

Nhưng mà cái vị tha của em, hiểu biết của em ảnh hưởng đến những người có duyên với em. Và thế là mình giúp được một số người nào đó trong cuộc đời mình, còn hơn là mình chẳng giúp được ai hết, đúng chưa? Còn những người kia, nhân quả của họ sẽ diễn ra theo cách của họ. Nếu họ không có duyên với mình không đời nào mình độ được họ, dù có tài giỏi đến mấy. Còn nếu họ có duyên với mình, sớm muộn một ngày nào đó mình sẽ nói chuyện được với họ thôi mà.

Bạn Hà: Dạ, em hiểu ạ, em cảm ơn Thầy.

Thầy Trong Suốt: Rồi, được rồi, tốt! (Mọi người vỗ tay)

6. Nghề luật sư cần có Lương tri và Trí tuệ

Bạn Quyết: Em kính chào thầy Thắng cùng toàn thể mọi người. Hôm nay lần đầu tiên em tham dự Trà đàm, dù đã được nghe rất nhiều bài trước đó và cũng đã được gặp thầy Thắng rồi. Hôm nay, sau khi mọi người đặt câu hỏi thì em thấy rất hài lòng về những câu trả lời của Thầy. Duy nhất với câu hỏi của bạn trẻ hỏi về làm người tốt trong kinh doanh thì em mong Thầy giải đáp một số cái trọng tâm hơn. Bởi vì em cũng là người khởi nghiệp và em cũng đã từng thất bại. Hiện em là luật sư.

Em nghĩ rằng câu hỏi của bạn ấy có 2 vấn đề:

Thứ nhất là, bạn ấy muốn trở thành một doanh nhân mà Thầy nói là điều kiện đầu tiên phải có doanh nghiệp và cái doanh nghiệp ấy phải an toàn.

Thứ hai là, khi trở thành một doanh nhân rồi thì bạn ấy được đánh giá là một doanh nhân tốt. Có nghĩa là cái tốt ở đây không phải chỉ đơn thuần là không gây ảnh hưởng cho người khác, mà có thể là bạn ấy không vi phạm pháp luật, không mang tiếng với mọi người, vì bạn ấy đã bênh cho người này mà lại làm hại người kia; hoặc là có những nguồn thu thế này, thế kia… Tức là có rất nhiều vấn đề liên quan đến chữ “tốt”.

Cũng giống như em làm luật sư thì không chỉ bảo vệ cho những người đúng, mà có lúc em vẫn bảo vệ cho cả những người sai. Em lấy ví dụ: Một người phạm tội trộm cắp, theo khung luật thì có thể bị kết án 7 năm. Nhưng họ nói rằng, họ có nhân thân tốt, và cũng vì những hoàn cảnh mà… động cơ của họ ban đầu không phải muốn trộm cắp, mà vì người khác cố tình làm cho họ trộm cắp, dẫn đến sơ hở, tạo cơ sở cho họ ăn trộm. Thì nếu bị án 7 năm, họ không có cơ hội quay trở lại làm những việc mang tính chất hoàn lương. Họ hỏi kiểu “Anh… làm sao giúp đỡ chúng tôi giảm bớt, tầm 3 đến 4 năm đi”. Rõ ràng họ là người phạm tội, nếu xét trên quan điểm của Phật Pháp, thì họ phải chịu cái nhân quả của họ. Nhưng nếu một luật sư mà chỉ biết bảo vệ cho những người đúng toàn diện thì rất khó để làm được nhiều việc, hoặc có một nguồn thu nhất định. Mặc dù cái việc mình làm không hề sai, không trái với lương tâm.

Thì em muốn Thầy nói thêm về điều này. Vì ai cũng có những mưu cầu về hạnh phúc, như em có vợ con thì vẫn phải kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con, lo những cái thiết yếu nhất. Xin lỗi mọi người đã nhắc lại câu hỏi của bạn này. Chắc chắc khi hỏi như thế thì bạn ấy chưa phải là một doanh nhân và cũng chưa thất bại, nên là mong thầy làm rõ điều này một chút. Em xin cảm ơn.

Thầy Trong Suốt: Đây là câu hỏi của em, chứ không phải là của bạn ấy, đúng không? Bạn ấy có thất bại đâu? Câu hỏi của em là trường hợp cá nhân. Em tên là gì ấy nhỉ?

Bạn Quyết: À, dạ vâng. Em là Quyết, luật sư và…

Thầy Trong Suốt: Quyết! Câu hỏi của bạn Quyết, đúng không? Chứ không phải là bạn kia. Rồi, bây giờ tôi làm nghề luật sư. Luật sư là bảo vệ… có những người không phải là người tốt 100%, họ là những đã người gây chuyện. Nhưng mà mức phạt đấy, đối với bạn ấy, đúng là hơi quá, vì thế mình sẽ tìm cách giảm án cho họ, đúng không? Ngay cả tòa án của nhà nước ấy, không phải lúc nào xử đúng, mọi người có đồng ý không? Toà án không phải của Việt Nam, của Mỹ, của thế giới… của bất kỳ nước nào cũng thế thôi, không phải lúc nào cũng đúng. Mỹ sai đầy, đúng không? Nên là mới có luật sư chứ! Nếu tòa đúng thì cần gì luật sư, cứ thế tòa quyết định xong là xong.

Luật sư là người phải cân nhắc giữa đúng và sai ở góc độ của những người mình bảo vệ, chứ không chỉ có một tòa án, đúng không? Góc độ của người kết tội hoặc của người bị kết tội – thế nó mới tạo ra sự cân bằng cho xã hội. Nên thầy nghĩ là không có vấn đề gì với nghề luật sư. Nếu người luật sư ấy tạo ra sự cân bằng cho xã hội thì là điều tốt, đúng không? Ví dụ, phạt 7 năm nhiều quá, 4 năm là vừa phải, như thế thì tốt. Nếu như không có ông luật sư đấy thì ông kia sẽ bị phạt 7 năm và ông ấy sẽ không làm cuộc đời một lần nữa. Đấy! Và không có gì đảm bảo là tòa cứ ra quyết định là đúng. Thì sự cân bằng đấy là tốt, nhưng nó chỉ tốt trong góc độ là gì? Nếu việc mình làm tạo ra một điều tốt, củng cố điều tốt, xây dựng điều tốt, tránh được điều xấu. Ngược lại, nếu nó gây ra điều xấu thì cái ấy mới có vấn đề.

Ví dụ nhé, ông này thực chất phải phạt 10 năm, đúng không? Thôi, mình cố gắng bảo vệ cho ông ấy xuống 7 năm. Nhưng mà ông ấy lại bảo “Em muốn 3 năm để em ra quậy nhanh hơn”, 3 năm xong quậy sướng hơn chứ. Như vậy cái việc mình làm cho ông ấy 3 năm ấy mới thực sự gây điều xấu cho xã hội, thì không tốt nữa. Tưởng là tốt cho ông ấy, nhưng mà lại hại cho xã hội – tốt 1 người, hại nhiều người – thì đâu phải là tốt! Vì thế nên mình là luật sư, mình luôn luôn phải hỏi một câu hỏi rất quan trọng: “Nếu mình làm điều này, điều này cho ông này này, thì cuối cùng có hại hay có lợi cho xã hội?”. Câu hỏi đấy chỉ có mình mới trả lời được.

Chỉ có lương tâm mình hoặc trí tuệ mình – hai thứ đấy: Lương tâm là một, trí tuệ là hai – mới cho mình biết được rằng, cuối cùng cái việc này tốt cho xã hội hay là hại cho xã hội. Nếu như mình cảm thấy rằng, việc mình cho người ta ra tù sớm, người ta làm điều xấu nhiều thì mình phải dũng cảm từ chối. Nhưng nhắc lại này, nghề luật sư rất tốt, không có vấn đề gì, cân bằng xã hội, nó giúp cân bằng đúng – sai. Nhưng nếu mình làm mà không cân nhắc thì mình sẽ cổ vũ cho điều xấu mà mình đang tưởng làm điều tốt. Vì vậy nên nghề luật sư theo thầy là một nghề rất khó, khó nhưng có thể làm được. Mà mình muốn làm được thì mình phải có trí tuệ, mình phải có lương tri của mình, lương tâm ấy, có trí tuệ. Nếu đánh mất 1 trong 2 thứ thì cái đấy sẽ hại.

Đánh mất lương tâm thì đương nhiên là bị hại rồi đúng không? Tự nhiên mình bảo vệ cho cái xấu, mà nhân quả của nó, quả của việc gây cái xấu thì sớm muộn gì cái xấu cũng quay trở lại, với ai? Quay lại với ai? Với chính mình! Đấy là đánh mất lương tâm, nhưng mà chưa đủ. Nếu mà chỉ có lương tâm mà không có trí tuệ thì không được! Vì mình không biết phân biệt thế nào là phù hợp. Nên là cụ thể từng trường hợp mà mình phân tích thôi.

Khi nhìn nhận một chuyện ấy, em không nhìn nhận từ một góc độ, em nhìn từ tất cả các nhân duyên xung quanh góc độ đấy. Ví dụ: Tôi cho ông này 3 năm thì ông ta sẽ rất hạnh phúc, nhưng liệu những người nào sẽ đau khổ vì cái hạnh phúc này của anh ấy? Nếu mình thấy một seri những người đau khổ hơn cả cái hạnh phúc của anh này, thì mình thôi không giúp anh này nữa, vì mình có Trí tuệ rồi. Như vậy Trí tuệ làm mình nhìn ở góc độ rộng hơn nhiều.

Ví dụ, nghề của ông này là nghề chuyên sát sinh, thả ông ấy ra thì mỗi ngày ông giết hàng nghìn con chó, hàng trăm con chó, chủ của một lò mổ chó chẳng hạn. Thầy chắc chắn sẽ từ chối những vụ như thế! Đấy. Nhưng ông ấy là thầy thuốc, ngược lại nếu thả ông ấy ra thì ông cứu được rất nhiều người, đấy! Trí tuệ làm cho em nhìn rất nhiều góc độ và nhìn rất xa, không nhìn ngắn nữa, nhìn xa lên.

 

Như vậy cái em cần là gì? Một là phải kiềm chế lòng tham và hai là phải tăng sự hiểu biết lên. Cái gì diệt được lòng tham và tăng được trí tuệ?

Còn trong lúc em đang chưa biết thế nào là đúng đắn, em bớt làm đi, vừa thôi! Vụ nào mình thấy ngại ngại, vì mình vẫn đủ sống mà đúng không? Thiếu gì vụ đâu! Mình cảm thấy có mùi gì đó mình không thể nào biết được, để sang một bên. Tạm để dành cái thời gian đấy mà sửa bên trong.

Thế còn hôm nay về, em không sửa gì hết thì một năm sau nữa em gặp thầy lại hỏi đúng câu này cho mà xem. Đấy, nên đây là quyết định của cá nhân em. Em có định chọn một con đường đem cho em giảm lòng tham, tăng trí tuệ hay không? Còn nếu không cái nghề của em nó mãi mãi đứng giữa lựa chọn đấy và không có chìa khóa để giải. Đấy!

Thầy hi vọng rằng 1 năm nữa, em quay lại đây rất rạng rỡ và bảo là “Em biết rồi. Bây giờ em đã nghèo đi 50% rồi, nhưng đời em hạnh phúc thêm 500%” – thế là ngon rồi, tốt rồi. Đôi khi vợ mình bỏ, mình phải chấp nhận thôi. Vợ mình muốn một người chồng tham lam, mình không làm nổi. Đôi khi thật đấy, có những người vợ muốn ông chồng tham lam cơ “Tôi cưới ông chồng tham lam để tôi có nhiều tiền”, thì mình phải chấp nhận bị vợ bỏ thôi. Tại vì mình không làm nổi cái việc tham lam ấy để thỏa mãn họ được.

Nhưng nếu người vợ biết thông cảm, người vợ hiểu biết thì tùy em có may mắn hay không? Có khi người vợ của em lại ủng hộ em hơn bây giờ nhiều. Tự nhiên vợ ủng hộ em hơn nhiều. Tại vì cái lòng tham ấy, khi nó trỗi dậy, nó không chỉ làm hại mình mà phá tan cả những thứ xung quanh mình, sẽ làm em mất cả hạnh phúc gia đình luôn. Nên người vợ của em có lương tri, có hiểu biết, đôi khi lại còn ủng hộ “Anh bớt làm, thôi em ngày ăn 3 bữa rau cũng được”.  (Thầy và mọi người cười)

Tùy vào em chấp nhận thôi, không phải ai làm cũng giữ được mọi thứ trên đời này, không phải ông nào cũng giữ được cả vợ, cả công việc và cả lòng tham. Mình phải chấp nhận thôi, còn quyết định như thế nào, thì đấy em có hai thứ: Có lương tri và có trí tuệ!

 (Mọi người vỗ tay)

Thầy Trong Suốt: Làm doanh nhân đối diện với lòng tham suốt ngày ấy mà. Làm doanh nhân ấy, không phải chỉ có nghề luật sư đâu. Làm doanh nhân lúc nào cũng đối diện với lòng tham.  Cái đấy thì thầy thông cảm với em. Ở đây ai có doanh nghiệp thì sẽ hiểu thôi. Đối diện từ sáng đến tối. Nên cuối cùng, những người không tham mới là những người thành công bền vững. Những người tham thì thành công một cách nhanh chóng và phá sản; hoặc là đau khổ một cách nhanh chóng, mục rữa một cách nhanh chóng.

Còn những người không bị lòng tham chi phối thì có thể rất chậm, nhưng mà chắc. Còn cái thành công mình có được rất là bền vững. Em phải chọn thôi, giữa nhanh chóng và mục rữa; hay là bền vững và chậm chạp?

7. Chia sẻ lợi nhuận giữa người sáng lập và cộng sự của công ty như thế nào?

Một bạn nam: Em xin hỏi thêm một chút, câu hỏi hơi kỹ thuật là: Trong các mối quan hệ, ví dụ như ông chủ với nhân viên; hoặc là đối tác thì khá rõ ràng. Nhưng mối quan hệ giữa những người đồng sáng lập, chẳng hạn, thì làm sao để rành mạch về quyền lợi và đánh giá về sự đóng góp của mỗi người trong một nhóm đồng sáng lập.

Thầy Trong Suốt: Em có một trường hợp cụ thể không? Thầy muốn nghe những câu chuyện cụ thể.

Một bạn nam: Vâng. Em từng tham gia một số nhóm, nếu em là một co – founder (đồng sáng lập), nhưng em vào sau, thì em cũng khá thoải mái trong việc mọi người chia như thế nào. Nhưng ví dụ em là founder (người sáng lập) và em có các cộng sự khác. Và em là người đầu tiên quyết định là mọi người sẽ đóng góp bao nhiêu phần trăm và sẽ được chia bao nhiêu phần trăm ấy, thì em lại cảm thấy rất là khó xử về việc này. Ví dụ mình bảo người này sẽ đóng 40%, nhưng nếu mình chỉ chia cho người ta 40%, thì mình cảm giác là mình sẽ chiếm phần hơn và sợ người ta nghĩ như vậy. Và mình sẽ không có được mối quan hệ tốt. Thì em không biết nên làm như thế nào để cho nhóm…

Thầy Trong Suốt: Nghĩa là em đã ở trong mối quan hệ đấy rồi, đúng không? Em ở trong mối quan hệ mà em là người sáng lập công ty và có những người vào sau nữa chứ gì?

Bạn nam: Vâng, có hai người. Em và một bạn nữa ạ.

Thầy Trong Suốt: Và em không biết nên chia họ bao nhiêu phần trăm bây giờ? Đúng không? Có phải vấn đề thế không?

Bạn đó: Ví dụ thế, dạ vâng.

Thầy Trong Suốt: Nếu mình chia họ ít, thì mình áy náy.

Bạn đó: Dạ không phải ít mà là ít hơn mình thôi…

Thầy Trong Suốt: Ít hơn mình nên áy náy, đúng không? Ví dụ họ, mình 6 họ 4 thì mình áy náy chứ gì?

Bạn đó: Dạ vâng!

Thầy Trong Suốt: Vậy công sức của 2 người bỏ ra như thế nào?

Bạn đó: Cũng khó đánh giá vì nếu mà đánh giá về…

Thầy Trong Suốt: Chủ quan đi! Chủ quan thì thế nào?

Bạn đó: Thời gian thì em bỏ nhiều hơn, về mặt kết quả thì em nghĩ là cũng nhiều hơn.

Thầy Trong Suốt: Em nhiều hơn ấy hả? Thời gian bỏ ra nhiều hơn, kết quả cũng tạo ra nhiều hơn?

Bạn đó: Dạ vâng!

Thầy Trong Suốt: Họ lại vào sau. Nhưng em lại cảm thấy mình 6 – họ 4 là không xứng đáng, không thỏa đáng cho họ?

Bạn đó: Dạ, em không biết là người ta sẽ nghĩ như nào ạ?

Thầy Trong Suốt: À, em sợ họ nghĩ em không tốt?

Bạn đó: Dạ vâng!

Thầy Trong Suốt: Rồi! Đấy,tình huống rõ ràng chưa? Mình mở doanh nghiệp nhé, sức mình bỏ ra nhiều hơn và thời gian bỏ ra nhiều hơn. Họ vào sau, cũng là đồng sáng lập với mình, nhưng họ vào sau. Mình cảm thấy rằng, mình chia mình 6 – họ 4, thì không biết họ nghĩ thế nào? Có thỏa đáng không? Đúng chưa? Nên em phải kiểm tra cái động cơ khi chia cho họ là gì?

Đầu tiên khi mình làm cái gì, nguyên tắc – nếu em thi vào nhóm, gọi là Con đường Trong Suốt này – thì em nhớ điều quan trọng nhất để quyết định mình làm một việc đúng hay sai, hay đi về đâu ấy, không phải là mình làm cái gì, mà mình làm với động cơ nào? Động cơ đúng thì có sai mình cũng sửa được. Động cơ sai dù có làm đúng rồi cũng hỏng.

Đấy! Nhớ thế! Động cơ đúng thì mình có sai tí, xong hôm sau mình vẫn sửa được. Động cơ sai ấy, thì dù có làm đúng 100% đi nữa… ví dụ: Hai người rủ nhau đi ăn cắp, thì rủ là động cơ sai bét rồi, đúng không? Dù đi ăn cắp giỏi 100% đi nữa, lấy đúng cái nhà mình muốn, đúng cái xe mình muốn, thì vẫn là hỏng, đúng chưa? Cái động cơ ăn cắp mình rơi vào chỉ có làm mình hỏng hết, ăn cắp thành công đến mấy còn hỏng nhiều hơn. Như vậy là động cơ sai mà làm đúng thì hỏng. Thế động cơ đúng, làm sai thì là gì? Động cơ đúng là đi giúp người, không phải ăn cắp mà giúp, hai người rủ nhau giúp người. Mình giúp không thành công, nhưng động cơ của mình rất là vì người ta, thì hôm sau mình đến giúp lại, thế lại thành công.

Nên là bây giờ, nếu em định nghe này, đi vào hiểu nhóm này, thì đầu tiên là Câu hỏi “Tôi làm vì động cơ gì?”,”Tôi chia vì động cơ gì?Tôi chia để họ được quyền lợi công bằng hay tôi chia để họ đừng bỏ tôi mà đi?”. Em sợ họ nghĩ gì về mình mà, đúng không? Như vậy em kiểm tra lại xem mình chia để họ, để mình đạt được cái gì công bằng thì hãy chia – tốt đẹp; hay là vì mình sợ người ta sẽ chê ít, xong người ta bỏ đi mất, thì 2 động cơ khác hẳn nhau. Vì một động cơ ấy, động cơ đầu tiên ấy, là động cơ đến từ việc là muốn làm cái tốt đẹp cho đời, động cơ số hai là đến từ một nỗi sợ.

Cái gì đến từ nỗi sợ, thầy đã nói rất nhiều lần rồi, mình sợ cái này thì sẽ sợ tiếp, sẽ là cái sợ tiếp theo. Mình làm điều A vì sợ thì dẫn đến việc mình phải làm điều B vì sợ, mình phải làm điều C vì sợ. Cả đời mình sẽ làm trong nỗi sợ, cho đến ngày mình quyết không làm điều mình sợ nữa thì thôi. Nên là ví dụ của em là vì điều tốt, muốn làm điều tốt, làm điều sợ, nên thế em làm việc mình sợ. Việc của em là phải giải quyết xong sợ đã rồi hãy làm. Vì nhớ là sợ A thì sẽ sợ B.

Em cứ cho là em chia họ 6, em 4 đi, đúng không? Không phải em 4 – họ 6, mà họ 6 – em 4. Một thời gian sau nhìn mặt lại sợ, không biết ông này có bỏ công ty mình hay không? Có khi ông ấy giỏi quá rồi, ông ấy làm được việc hay quá rồi, có khi ông ấy bỏ đi thì sao? Thế là mình sẽ phải làm gì bây giờ? Thôi mình lại xuống 3:7, hay là phải nịnh họ, nịnh bợ họ ở lại. Có phải từ cái sợ A sang cái sợ B không? Sau họ bảo là: “Tớ không muốn làm cho cậu đâu, trừ khi cậu đưa hết cổ phiếu cho tớ”. Thế là mình lại sợ, mình lại làm theo.

Nên là mình không thể nào hành động vì nỗi sợ được, vì nỗi sợ A làm xong dẫn đến nỗi sợ B. Em hãy bắt đầu bằng việc là gì? Có chia gì thì chia, không phải chia vì sợ. Có chia gì thì chia, là chia vì điều tốt, điều đúng, chứ không chia vì sợ luôn. Nếu sợ đừng chia vội, tập đã, thực hành Pháp. Đấy, cái em cần làm đấy. Không sợ luôn! Em chia xong người ta bỏ đi thì thôi, thì đấy gọi là hết, không sợ.

Còn vừa chia vừa run, chắc chắn là hôm sau lại run tiếp, đúng không? Hôm sau họ hắt hơi cái, bảo là: “Tớ muốn tăng lương” nên lại phải tăng lương. Thầy cảm nhận được là em đang chia vì sợ mất rồi. Không được, đừng, đừng chia vội. Bảo: “Tớ quyết định là lùi, hoãn việc chia này vô thời hạn”. (Mọi người cười) Đấy! “Tớ sẽ đi theo ông thầy Trong Suốt đã”. (Mọi người cười) “Thầy bảo thực hành 6 tháng hết sợ. 6 tháng nữa tớ sẽ chia cho cậu. Mà cậu đồng ý thì đồng ý, không thì đi”. Thế là xong, thế là vui vẻ, đúng không? Em cần thực hành theo, đi theo cái thầy nói, 2-3 tháng thôi, không cần 6 tháng, là em sẽ không sợ. Sợ gì!

Đã không có duyên với nhau thì em có chia họ 100% tài sản, họ cũng bỏ đi mất. Em phải đi theo con đường mới hiểu được. Mọi thứ vận hành theo duyên. Đủ duyên thì đến, hết duyên thì đi. Anh bạn ấy có duyên làm với mình thì anh ấy sẽ ở lại, cho dù chia kiểu gì thì anh ấy cũng sẽ ở lại. Chia 6:4 hay 4:6 cũng ở lại.

Ngược lại, đã không có duyên, sớm muộn gì cũng có chỗ hấp dẫn hơn, ông đi mất. Mình rất tự tin. Đấy! Mình tự tin khi chia. Mình chia xong rồi, không đủ duyên đi mất, chả sao hết. Lúc chia, mình sẽ cố gắng công bằng nhất, đấy là chia vì công bằng chứ không phải chia vì sợ nữa. Đấy, cố gắng chia một cách công bằng nhất cho họ. Ví dụ như trong trường hợp của em 6:4 thì cơ bản rất công bằng. Còn nếu ông không có duyên với mình mà đi mất, thì thôi, chấp nhận luôn. Đấy, ví dụ cuộc đời khác hẳn, đúng không? Và em không làm vì sợ, nên khả năng ông đi là thấp. Còn chính vì em làm vì sợ, lúc nào nhìn mặt ông ấy cũng nghĩ đến chuyện ông đi mất, thế mới khổ. Đấy!

Ví dụ nhé, thầy có doanh nghiệp của thầy, đúng không? Thầy cũng phải chia, thầy cũng trải qua chuyện đấy rồi. Mình chưa bao giờ chia vì sợ cả, chưa bao giờ. Nhưng mà cuối cùng đến ngày hôm nay, tất cả những người mà gọi là trọng yếu của công ty, chả ai đi. 60 người chỉ 2, 3 người đi, không đáng kể. Vì mình không sợ họ đi mất, họ không đi mất. Còn mình cứ sợ xem, rồi sẽ gặp chuyện. Được chưa? (Mọi người vỗ tay)

8. Giấc mơ có liên quan gì đến cuộc đời?

Một bạn: Em chào Thầy ạ. Em là Kim, 30 tuổi. Hôm nay em đến vì em có một muốn hỏi Thầy. Một năm trước, em có bầu, được khoảng 36 tuần thì con em mất. Thì trước hôm mà cháu mất ấy, em có nằm mơ sinh ra một đứa trẻ, nhưng mà nó rất là yếu, em cố gắng cho nó ti, nhưng mà nó không ti. Xong đến ngày hôm sau, đúng cái ngày cháu mất ấy, thì em cũng lại mơ thấy có một cái thai nhi, nó đã mất rồi, em nhìn thấy nó đắp cái khăn trắng ấy. Trong giấc mơ ấy có một người đàn ông bảo em là: “Về lo cho cháu đi!”. Em cũng không cờ bạc, đánh đề gì đâu ạ, thì họ có bảo là đánh con 83, thế em cũng… (Mọi người cười) em cũng không quan tâm lắm. Xong em đi khám thì biết là cháu mất.

Thì em muốn hỏi Thầy là cái giấc mơ ấy có liên quan đến cuộc sống của em bao nhiêu phần trăm? Và, thêm một câu hỏi nữa là, những người mất rồi thì không hiểu là sẽ đi đâu, về đâu ấy ạ? Em muốn biết con mình đi đâu về đâu?

Thầy Trong Suốt: Rồi, hai câu hỏi khác nhau đấy, đúng không? Mơ giống đời bao nhiêu phần trăm, đúng không? Nếu thầy trả lời em một cách thành thực ấy, hay là em muốn nghe cách không thành thực? (Mọi người cười)

Bạn đó: Em đến đây là vì một cái gì đấy rất là thật. Mong Thầy trả lời em một cách rất thật ạ. (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Thật nhé!

Bạn đó: Thật luôn ạ. (Bạn đó cười)

Thầy Trong Suốt: Thật thì đối với thầy ấy, với thầy thì đời và mơ là bằng nhau, 100%. Đời và mơ là như nhau luôn, 100%. Chẳng hạn, đời cũng chính là mơ, không khác gì nhau. Cuộc đời này đúng là giấc mơ. Thầy đang ở trong các giấc mơ, thầy không cảm giác là thầy đang thực sự đối diện với cái gì hết. Đây là trong một giấc mơ, trong đấy có một nhân vật là Trong Suốt và những nhân vật khác đang chơi trò chơi gọi là Trà đàm. Đấy! 100% đời và mơ là như nhau. Thế thôi, 100%. Không phải là 99, 88, 77, 66. 100% là như nhau.

Em buổi tối về kiểm tra mà xem, trong mơ của em cũng thật hết mà. Khi em ở trong mơ thì đời này – đó là mơ, đúng không? Khi ở trong một giấc mơ ấy, chứ đời này có ai nhớ đâu, thậm chí là, nó có thật nữa đâu, mà cái giấc mơ mới thật chứ. Khi ở trong mơ, giấc mơ thật hơn hay đời thật hơn? Cái nào thật hơn, đúng không? Em là hoàng tử, công chúa đâu đấy chứ, đúng không? Cái đời này có là cái gì đâu. Trong đấy em làm cái gì cũng thật chứ. Em sờ cái bàn nó cứng thật, đúng không?

Như vậy là trong mơ thì đời – đời này này – là mơ, còn trong mơ là thật. Ở trong đời mình đang ngồi đây với nhau, mình nói chuyện thì mình phải thấy đời thật hơn. Còn tối, mơ là giả, đúng không? Bây giờ mình ngồi nói chuyện với nhau, mình thấy thật quá, thì tối là giả. Tối về mình trong mơ, mình thấy thật quá, thì đời này là giả. Như vậy thì cái nào giả, cái nào thật? Đời và giấc mơ, thật giả như nhau. Nếu thật thì thật như nhau, mà giả thì giả như nhau. Tất cả đều là mơ mà thôi. Chính vì mình không biết điều ấy, chính vì một số người không biết điều ấy nên là cuộc đời mới gây đau khổ. Còn nếu biết đây là mơ thì không có đau khổ.

Cái chuyện em mất đứa con, nó giống như một giấc mơ, thật đấy! Nó không khác gì một giấc mơ, nó luôn luôn đến với tối qua của em ấy, khi mà em nghĩ về nó mà xem, khác gì giấc mơ đêm qua. Em nghĩ về việc em mất đứa con cách đây mấy tháng? Một năm? Một năm, đúng không? Thì khác gì giấc mơ đêm qua của em? Nghĩ mà xem. Cũng là nhớ nhớ một cái gì đó, kể ra, đúng chưa? Thử mà xem, mọi người thử nghĩ xem. Cái chuyện xảy ra với em 3, 4 năm trước với cả giấc mơ đêm qua, giống nhau không? Giống nhau. Cũng nhớ một cái gì đó, cũng kể ra thôi.

Mình ngồi đây, có cái gì chạy ra đâu? Mình ngồi đây thì làm gì có chuyện đấy. Nhưng mình nhớ lại, mình kể lại cho người ta về các giấc mơ đêm qua. Tất cả những chuyện ở quá khứ của em ấy giống hệt giấc mơ đêm qua, đều là trí nhớ mình nó kể lại hết. Đấy, nếu em đến trình độ đấy thì em không còn vấn đề gì nữa. Mất với còn đứa con, nó bằng nhau ở góc độ trong giấc mơ. Chuyện đấy của em hệt như một giấc mơ thôi. Em, thường hay nghe câu “Đời giống như một giấc mộng” đấy, giống hệt giấc mộng mà.

 

Rồi đấy là trả lời 100%. Còn trả lời 99%, nghe không? (Mọi người cười)

99% là như thế này. Vì mình vẫn cho là thật nên phải tập cách để giải quyết cái thật đấy. Ví dụ: Người ta chửi mình, mắng mình, nếu mình chứng ngộ đây là mơ rồi, thì cứ để người ta mắng thoải mái. Nhưng nếu mình chưa chứng ngộ đây là mơ và mình khó chịu với người ta, thì tập cái gì? Tập cách sửa bên trong để hết khó chịu hay là đánh nhau với người ta để hết khó chịu? Sửa bên trong. Em cũng như vậy thôi. Vì em quá tin vào cái chuyện đứa con mất là thật, đúng không? Nên là phải tập cách sửa bên trong, để em không còn sự hối tiếc – tập được.

Khi em hiểu rằng là gì? Đứa con đến hay đi là nhân quả, là duyên, nó có duyên với mình mình mới sinh ra được, không đủ duyên, nó không ra khỏi cái cuộc đời này luôn. Đứa con ấy không đủ duyên để hiện ra cuộc đời này, thì nó không ra khỏi cuộc đời này. Không phải lỗi của ai hết. Không phải do cái ông gì, 83 à? (Mọi người cười) Không phải do em. Không phải do ông 83, mà do không đủ duyên để hiện ra trong đời này. Nó không đủ duyên với thế giới này. Nó đủ duyên để chui vào bụng em nhé, nhưng không đủ duyên để đi ra sống cuộc sống này, thế thôi. Đủ duyên thì đến, hết duyên thì đi. Đúng chưa? Bây giờ nó đủ duyên thì đến rồi, còn hết duyên mất rồi, thì đi mất. Không phải do lỗi của ai hết. Không phải lỗi của nó, không phải lỗi của em, không phải lỗi của cái ông nói là đánh đề số 83. Hoàn toàn là do duyên, không đủ duyên.

Tất cả chúng ta ấy, yêu ai, cưới ai là do mình giỏi hay mình có duyên với người đấy. Theo các bạn thì sao? Có phải do mình rất giỏi, mình đã cưa cẩm giỏi, thành công, mình cưới được không?

Mọi ngườiKhông ạ.

Thầy Trong Suốt: Hay là có duyên thì cưới? Theo con thì sao? Có duyên thì cưới thôi. Người ta nói có câu rất hay là: Mình sẽ không cưới người mình yêu nhất, mình cũng chả cưới người yêu mình nhất, mà mình cưới người đến đúng thời điểm nhất”. Cuộc đời nó thế đấy! Mình không cưới người yêu mình nhất nhé, mình không cưới người mình yêu họ nhất, mà mình sẽ cưới người xuất hiện đúng thời điểm nhất. Đúng lúc đang cần cưới, hiện ra, thế là cưới. (Mọi người cười) Đấy! Sự thật làthế!

Ở đây có ai chứng ngộ được cái điều thầy nói thì giơ tay nào! Đấy, nhiều, khá nhiều đấy đúng không? Mình sẽ cưới được người mình yêu nhất là khó rồi, mà cưới người yêu mình nhất cũng chưa nói được, nhưng mà sẽ cưới người đến đúng thời điểm nhất. Đấy gọi là duyên đấy! Cái đấy là cái người ta quan sát được người ta nói lên, hay gọi là duyên. Mình sẽ cưới người có duyên với mình nhất. Hết! Được chưa? Cái duyên cái số…

Mọi người: …nó vồ lấy nhau.

Thầy Trong Suốt…nó vồ lấy nhau mà thôi. Bản chất là thế thôi.

Thế thì trong trường hợp của em là gì? Con của em, nó có duyên đến với em, nhưng mà không có duyên đến với cuộc đời này. Đấy thôi, nó đi mất. Thầy không thấy có gì là phải đau khổ ở đây cả. Không đủ duyên mà thôi.

Thế còn câu hỏi thứ hai của em là đi đâu đúng không? Đi đâu thì là do nhân quả của nó quyết định. Có khả năng rất cao là nếu nó có duyên với em, nó sẽ tìm cách đến với em một lần nữa. Có nhiều người có bầu một lần mất, xong rồi lại có bầu một lần nữa và đẻ ra được đúng đứa con đấy luôn. Nó rất muốn chui vào nhà em, nó có duyên với em mà, nhưng nó không có duyên để được đẻ vào cái năm đấy, thì nó sẽ đến, xong nó đậu, xong nó đi tiếp. Xong rồi khi nào em có bầu lần thứ hai, nó lại đến làm con của em. Đấy là người có duyên rất là mạnh đấy, thì như thế. Còn nếu duyên mà nhẹ, thì có thể nó sẽ đi tìm người mẹ khác, một cõi khác để sống, thì tùy cái nhân quả của đứa bé mà thôi. Đúng chưa? Đơn giản thế thôi. Nó đi về đâu là do duyên của nó, đấy, chứ còn không thể kiểm soát được.

Đấy! Cái chính và quan trọng nhất là gì? Nó đi đâu thì đi, đúng không? Có thể đến, quay lại một lần nữa, có thể không, đúng không? Nhưng nếu nó đã có duyên với mình, thì mình hãy làm điều tốt nhất cho nó, như là mình có thể cầu nguyện cho nó, chúc thầm cho nó, hồi hướng công đức cho nó. Làm điều mà tốt nhất mình có thể làm với người có duyên với mình. Giống như là em có đi phóng sinh bao giờ không? Thì tối thiểu, phóng sinh là hồi hướng công đức cho những người thân, họ hàng đấy, đấy chính là điều mình làm tốt nhất cho họ. Em có thể là buổi tối hàng ngày hồi hướng công đức cho nó cũng được, rất tốt. Để nó dễ dàng có một cái chỗ mới hạnh phúc. Đấy! Hồi hướng ở cõi người có thể không cảm thấy gì, nhưng mà những cõi khác cảm thấy ngay lập tức, cảm thấy hạnh phúc ngay lập tức khi em hồi hướng cho họ.

 

9. Làm gì khi hay ghen tỵ, so sánh mình với người khác?

Một bạn: Em chào Thầy ạ, chào các anh chị. Đây là lần thứ hai em tham gia Trà đàm Trong Suốt ạ. Em tên là Hải, kỹ sư xây dựng, em ở Hà Nội ạ.

Em có một câu hỏi là làm thế nào để mình không so sánh mình với người khác ạ? Mặc dù nhiều lúc mình cảm giác là những cái mà người ta có cũng chưa chắc là cái mà mình thực sự muốn. Nhưng mà vẫn có những cái cảm xúc khiến cho mình cảm giác không nguôi được bên trong mình ấy ạ. Vậy làm thế nào để mình cân bằng lại những trạng thái như thế để cho mình có thể vui vẻ hơn ạ?

Thầy Trong Suốt: Em hay ghen tị hả? (Mọi người cười)

Bạn đó: Em cũng không biết ạ. Thật ra là có rất nhiều cái mà…

Thầy Trong Suốt: Hay so sánh và thấy tiêu cực thì có ghen tị, chứ có cái gì đâu? (Mọi người cười) So sánh cộng tiêu cực, người ta gọi là ghen tị.

Bạn đó: ng ạ. Thì em muốn hỏi Thầy ạ.

Thầy Trong Suốt: Rồi, em nghe bài Trà đàm về ghen tị chưa? Có hẳn một bài Trà đàm riêng, gõ lại rồi đúng không? Có hẳn một buổi Trà đàm nói chủ đề về ghen tị.

Nhưng mà có thể tóm tắt cho em nghe là như thế này! Ghen tị đến từ mình so sánh, khi người ta hơn mình mà mình khó chịu, thì là ghen tị. Đấy! Còn kiêu ngạo là gì? So sánh xong rồi mình hơn họ, mình sướng. Đấy! Thế trong trường hợp của em là ghen tị. Mình so xong, mình thấy mình kém, nên mình khó chịu. Đúng chưa? Thì nhớ mấy cái điều này: Điều đầu tiên, đúng đấy, cái người ta có chưa chắc là cái mình thích, mình muốn. Nhưng thứ hai là kể cả người ta có được… những cái gọi là duyên của mình. Người ta lấy một anh chồng đẹp trai, tài ba thì do duyên thôi, đúng không? Mình có duyên là lấy không đẹp trai. Đấy! (Mọi người cười)

Nó chính là nhân quả, duyên hết. Người ta có, đấy là duyên của người ta. Mình không có là duyên của mình.

Nên là thầy hay nói mọi người là đừng có chỉ biết là hài lòng cái mình có, phải tập cách hài lòng cái mình không có. Hài lòng cái mình không có khó hơn nhiều. Vì hài lòng cái mình không có chỉ có Trí tuệ mới làm được thôi. Hài lòng cái mình không có: Mình không lấy một ông chồng đẹp trai, đấy; mình không cao 1m8…, khó hơn nhiều cái mình có. Và muốn làm được thế phải hiểu duyên. Đấy là cái duyên của họ. Giàu là duyên của họ, là nhân quả họ tích tập trong các đời trước của họ, chứ không phải là duyên của mình, không phải là nhân quả của mình. Riêng cái đấy chỉ hiểu thôi, em đã bớt so sánh nhiều hơn trước rồi.

Vì duyên của họ mà, giống như là người ta cao 1m8, mình chỉ cao m6, làm sao bảo mình cao 1m8 được. Đấy là duyên của họ, là nhân quả họ tích tập trong các đời trước. Tất cả mọi thứ đều có nguyên nhân, do nhân quả như vậy. Họ cao 1m8 thì là một cái quả của điều lành, ví dụ làm từ thiện gì đó, trong những đời trước. Đấy! Chứ không là họ không đẹp đẽ đâu. Muốn đẹp đẽ thì phải làm điều tốt trong những đời trước. Thế thì như vậy khi mình hiểu, mình đã cảm giác khá hơn rồi, đúng không?

Thứ hai em nhớ là thế này này: So sánh thông minh nhất là so với chính mình, mình tiến bộ hơn ngày hôm qua. Đấy là quan trọng! Còn mình tiến bộ bằng họ không, không quan trọng. Vì có bao giờ mình là họ đâu, mình có cao 1m8 và chạy rất nhanh đâu, làm sao mà nhanh hơn họ được. Nhưng mình tiến bộ hơn chính mình ngày hôm qua mới là quan trọng. Em chỉ cần chuyển cái so sánh sang là gì? So sánh với chính mình ngày hôm qua, thay vì so sánh với họ ngày hôm nay. Mình cố gắng tiến bộ so với mình, thế là vui rồi. Đúng chưa? So với mình ấy, hay hơn chứ, hay hơn là so với họ, vì so với họ mình có làm được đâu. Đấy!

Hãy so với chính mình. Và hãy biến họ, nếu họ toàn người tốt ấy, thì hãy biến họ thành cái gì? Thành cảm hứng cho mình, chứ không phải thành đối tượng để ghen tị. “Tôi thấy ông thầy ngồi đây…”, ngồi ghế to hơn mình đúng không? (Mọi người cười) “…Một ngày nào đó tôi sẽ giảng Pháp hay như thầy (Mọi người cười) để tôi được ngồi ghế to” – ví dụ thế. Hãy biến họ thành cảm hứng. Như vậy so sánh để làm cảm hứng rất tốt, rất tốt. Như thế là tấm gương, những người vĩ đại để làm cảm hứng cho người khác rất tốt. Nhưng không cần vĩ đại lắm, mà hơn mình chỗ nào đó. Như vậy là so sánh để lấy cảm hứng, tốt! Chứ không phải để ghen tị. Cũng so sánh đấy.

Thứ hai là so với mình mới là quan trọng. So mình với ngày hôm qua của mình, chính mình ấy. Hôm qua mình không biết tiếng Trung Quốc, bây giờ mình nói được ni hou, wo ai ni”, thế là hạnh phúc hơn rồi đúng không? (Mọi người cười) Ví dụ thế. Hay hôm qua mình không biết nói tiếng Ả Rập, hôm nay mình nói câu tiếng Ả Rập. Ở đây ai biết tiếng Ả Rập không? (Mọi người cười) Thầy cũng chịu nên không nói ví dụ được. Đấy! Hãy so với chính mình này. Hãy hiểu về nhân duyên này, mọi người có duyên của riêng họ, đúng không?

Thứ ba là hãy biến người mình so sánh thành cảm hứng của mình. Thế thôi! Đơn giản thế thôi, cố lên! (Mọi người vỗ tay)

 

(Tham khảo thêm bài Trà đàm Ghen tị – Chìa khóa đến thành công chân thựchttps://trongsuot.com/ghen-ti-chia-khoa-den-thanh-cong-chan-thuc/

10. Tránh nghiệp sát sinh như thế nào?

Một bạn: Kính chào Thầy và chào các bạn. Em tên là Duy, đến từ Hà Đông, đã có gia đình và có 2 cháu ạ. Em muốn hỏi Thầy một câu hỏi ạ: Đạo Phật nói chung thì luôn luôn đề cao từ bi và trí tuệ, và cũng đề cao con đường trung đạo. Thế thì, trong cái từ bi đó, một trong những yếu tố quan trọng là không sát sinh, không giết người, không hại con vật. Chính vì thế mà trong quá trình thực hành Đạo Pháp thì thường thường em có khuyên mọi người, nhất là những người phụ nữ hay đảm đang công việc bếp núc, cố gắng thực hiện việc đó trong quá trình nấu ăn cho gia đình. Mỗi ngày giảm dần việc sát sinh đi thì cũng dần dần tích tập và nâng cao hạnh từ bi của chính mình và của gia đình lên.

Thì em có một cô em, trong nhà có 3 cô con dâu thì cô ấy là con dâu út, nhưng mà nấu ăn lại rất hợp khẩu vị bố chồng. Cô ấy hay bị bố chồng bảo nấu ăn, mà đặc biệt phải mua vật sống về giết tại nhà, ví dụ như cá phải tươi, gà phải tươi, nói chung là các đồ tươi. Thì cô ấy rất là băn khoăn, trước cô ở riêng thì không sao, nhưng bây giờ cô ấy về ở với bố chồng thì bị hiện tượng như thế.

Thì cô ấy hỏi em là làm thế nào để mà tránh nghiệp sát ấy. Vì một bên là phải đáp ứng yêu cầu của bố chồng, bố chồng đang bị ốm, một bên lại vẫn phải giữ được cái tâm thiện của mình, hạnh từ bi của mình. Thế thì em bảo với cô ấy là cố gắng có điều kiện thì tiếp tục phóng sinh. Đấy, và thứ hai nữa là niệm Phật, hồi hướng công đức cho những con vật mà em đã mua về. Thực ra với trí tuệ, kiến thức của em thì em chỉ biết khuyên như thế. Nên em rất muốn Thầy cho một lời khuyên sáng suốt hơn ạ.

Thầy Trong Suốt: Được! Mình vừa niệm Phật vừa giết nó, theo các em thì sao? (Mọi người cười) Kết quả là sao? Mình có giúp nó cái gì không, nếu mình vừa niệm Phật vừa giết nó? Sắp giết nó rồi, làm sao nó có thể hiểu được. Đúng không? Tin rằng là niệm Phật lại giúp được con vật chính tay mình giết. Không bao giờ có luôn! Thậm chí là nó còn thấy mình khẩu Phật tâm xà ấy. (Mọi người cười) Nó còn ghét mình hơn đúng không? Xong nó quyết tâm tái sinh để hại, “hạ gục mày”(Mọi người cười) Thế là tái sinh thành tế bào ung thư trong người mình, mình chết vì tế bào ung thư đấy. Đấy! Ví dụ thế. Thế nên không thể làm thế được! Quan điểm đấy là sai.

Thầy phải nhắc lại cái điều đấy: Không thể nào thế được! Không thể nào niệm Phật, lại cố tình, cố sát mà lại có giá trị cả. Vô tình mình giẫm vào nó, mình làm chết mà mình niệm Phật, thì nó có giá trị một chút.

Thế sai rồi phải sửa như thế nào? Bây giờ em phải nói chuyện với cô em ấy. Cô ấy có đây không? Có nghe được cái này không?

Bạn đó: Không, không Thầy ạ, không có ở đây ạ.

Thầy Trong Suốt: À nhưng có nghe được cái thầy nói này không?

Bạn đó: À nghe được ạ.

Thầy Trong Suốt: Em, em phải nói với em của em như thế này: Bây giờ mình phải hiểu xem là tại sao bố mình lại ốm. Tại sao bố mình ốm? Biết vì sao không? Phật dạy rằng, tất cả những đau khổ bệnh tật của mình phải chịu là vì mình đã từng làm hại đến sức khỏe và tinh thần của chúng sinh khác. Đấy là lời Phật dạy. Bố em bị ốm, vì bố em đã từng làm hại đến sức khỏe hoặc tinh thần của chúng sinh khác. Đấy chắc chắn luôn. Đấy không thể khác được. Thế nếu bố em đã từng làm hại sức khỏe, tinh thần chúng sinh khác, bây giờ lại yêu cầu người khác giết hại chúng sinh, liệu ốm sẽ tăng hay giảm?

Bạn Duy: Nó tăng, vì theo luật nhân quả, như thế là cái bệnh tình của mình và sức khỏe của mình sẽ kém đi.

Thầy Trong Suốt: Chính xác! Bố em đang rất là dại dột. Đòi con gái giết sống cho mình, chính là mình tăng bệnh mình lên mà mình không biết. Đấy! Rất nguy hiểm! Nên là em của em chỉ cần nói với bố là gì? Con không thể làm một việc hại bố được. Đúng chưa? Ngày xưa khi chưa hiểu Phật Pháp thì con thỉnh thoảng vẫn làm việc hại bố, (mọi người cười) đúng chưa?

Bạn Duy: Vâng ạ.

Thầy Trong Suốt: Bố là chủ mưu, con là tòng phạm, (mọi người cười) đúng chưa? Bố bảo con là giết cá đi”, có phải bố là chủ mưu, con là tòng phạm không? Bây giờ con đã hiểu Phật Pháp rồi, con không thể nào đang tâm làm việc hại bố được. Đấy! Nhà Phật có câu là: “Buông dao, quay đầu lại là bờ”. Con sẽ buông dao và quay đầu lại. Đấy! Còn nếu bố không tin con, không hiểu lời con thì con cũng chịu. Nhưng con ít nhất là, con sẽ không làm tòng phạm nữa. Mà con khuyên bố là gì, bố đừng có làm, bố đừng có ăn sống, ăn tươi nữa. Mà sửa rất là dễ, chỉ cần ăn con ở chợ đã giết rồi là xong! Cái đấy quá đơn giản! Không cần phải nhịn ăn, mà chỉ cần là gì? Ra chợ, thấy con nào đã giết rồi thì ăn. Thế thôi, đừng bắt ai giết hộ mình nữa. Vì như vậy mình là chủ mưu của sát sinh.

Q24_Phat day rang

Đấy, em của em chỉ cần kiên quyết thế thôi. Em em kiên quyết, có thể là đoạn đầu bố em sẽ không vui, đúng không? Nhưng mình đổi cái việc bố không vui hay là bố bệnh nặng thêm? Mình sát sinh, bố mình nặng thêm, còn một bên bố không vui thôi. Rõ ràng, bố bệnh nặng thêm thì hại hơn chứ. Nên là mình sẽ vẫn phải chọn thôi. Trong cuộc sống đôi khi cũng thế thôi, mình biết cái đúng rồi phải chọn.

Thế là em xác quyết, em và em của em phải xác quyết luôn: Một là, không thể niệm Phật mà vẫn sát sinh được. Chắc chắn là vô nghĩa. Khẩu Phật tâm xà. Hai là, mình không thể sát sinh để cho một người bệnh ăn được, mình chỉ hại họ thêm thôi. Khi mình đã xác quyết hai điều đấy rồi thì mình không làm, mình chấp nhận là mang tiếng với bố. Bướng chẳng hạn, không nghe lời bố, nhưng còn hơn là mình làm bố nặng bệnh thêm.

Đấy, còn thứ ba, em mà khá hơn thì em phải tìm hiểu sâu sắc hơn để em biết sống, biết cách khuyên người khác hơn. Như em khuyên thế là hỏng đấy. Em phải tập cách hiểu biết hơn, nghe thêm, đọc thêm để dần dần mình khuyên những lời khuyên đúng với chánh kiến hơn. Đấy! Như vậy là tốt cho cả em, cả bố em, cả em của em, đúng không? Mà đấy là điều hoàn toàn làm được. Vì thầy có rất nhiều học trò kiểu như em, lúc đầu gia đình cũng sát sinh kinh lắm, nhưng mà học một thời gian, về nhà mình cương quyết cuối cùng cả nhà theo mình luôn. Cơ bản là không ai sát sinh nữa luôn. Nên điều đó là điều hoàn toàn thực hiện được trong thực tế, chỉ cần em quyết tâm. Em, em của em quyết tâm. Quyết tâm cộng hiểu biết, đồng ý không?

Bạn đó: Trân trọng cảm ơn Thầy! 

Q25_Minh phai xac quyet

11. Làm thế nào để hết tham?

Một bạn nam: Chào anh và chào các bạn! Em là Phương, đến từ Thường Tín, 29 tuổi, làm nghề tự do, chưa có gia đình. Em hỏi anh một câu là: Làm thế nào để ly tham ạ?

Thầy Trong Suốt: Ly tham ấy hả?

Một bạn nam: Vâng, ngay từ đầu em không hiểu câu đấy.

Thầy Trong Suốt: Em lại phải nghe Trà đàm rồi! Có nói một buổi Trà đàm riêng về chủ đề lòng tham.

Một bạn nam: Anh có thể tóm tắt cho em được không ạ?

Thầy Trong Suốt: (Thầy cười) Được! (Mọi người cười)

Có buổi Trà đàm gọi là: “Tham lam là nguồn gốc của yêu thương và sáng tạo”.  Đấy! Vấn đề của mình không phải là hết sạch, mà phải biết tham cái gì cho đúng. Đấy! Bạn sẽ hiểu rõ về lòng tham có hại như thế nào. Khi mình rõ lòng tham hại như thế nào, mình không muốn tham nữa. Đồng thời mình thích những cái đúng đắn, tốt đẹp, không phải là mình tham. Đấy!

Thế tại sao mình lại tham một thứ gì đó? Tham có nghĩa là gì? Mình muốn sở hữu một thứ gì đó mà không thả ra được gọi là tham. Đấy! Nếu mà nói một cách nhanh nhất Tham là gì? – Muốn có một cái gì đó mà không thả ra được, là Tham! Muốn có cái gì đấy mà thả ra được, không phải là tham. Ví dụ nha, mình rất muốn có tiền, nhưng cái việc này xấu mình không làm, mình thả ra dễ dàng, mình thả tiền ra, thì không gọi là tham. Mình rất muốn có tiền, mà mình bất chấp mọi chuyện, thủ đoạn mình làm, thì đấy là tham. Vì mình không thả nổi vật đó ra. Đấy! Thì gọi là tham.

Q26_Tham co nghia la gi copy

Hay mình gặp một cô rất là xinh, đúng không? Đúng chưa? Mình lại có người yêu rồi, nhưng mà buổi tối về, mình không thả cô ấy ra khỏi đầu mình được, (mọi người cười) thì đấy gọi là gì? Hơi tham rồi đấy! Còn xinh thì xinh thôi, trên đời này thiếu gì người xinh, thôi thả ra, nhẹ nhàng thôi, thì không gọi là tham.

Hay ăn uống cũng thế thôi, trong bàn có 5 người chỉ có 3 miếng thịt gà, đúng không? Mình bảo: Oa! Con gì to chưa kìa!” (Mọi người cười) Mọi người quay đi mất, thế là mình gì? Gắp ngay cả 3 miếng cho vào miệng, đấy gọi là không thả ra nổi! (Mọi người cười) Phải nghĩ ra thủ đoạn để đạt được cái mình muốn. Còn đây, thả được ra nổi là thế nào? Bảo với bạn: “Ừ… chúng mình quay xổ số”. Đúng không? Xúc xắc đấy, ai thắng thì được thịt gà, không được thì thôi”. Thế là được.

Vậy lòng tham là gì? Mình muốn sở hữu cái gì đó mà mình không thả ra nổi thì gọi là lòng tham. Mà lòng tham ấy, sớm muộn gì cũng dẫn đến chuyện gì? Bất chấp! Sớm muộn gì cũng thành bất chấp. Bất chấp cái đúng, bất chấp cái lương tri của mình để làm điều xấu, sớm muộn gì, lúc đầu tham ít thì không đến mức đấy, tham nhiều, tham quá nên là chỉ có thế thôi, là bất chấp tất cả những cái đúng đắn, an toàn, tốt đẹp… để mình làm điều xấu, để mình đạt được cái mình muốn. Đấy! Vì thế nên lòng tham nó nguy hiểm. Nên có một câu là thầy hay nói là: Đỉnh cao của lòng tham là hủy diệt, là sự hủy diệt là vì thế.

Em tham vừa thì chưa sao, tham quá là hủy diệt ngay. Đấy! Vì thế tối thiểu mình phải hạn chế lòng tham, nếu mà chưa ly được nó, thì phải hạn chế nó bằng cách thấy được hậu quả xấu của nó. Bằng kinh nghiệm sống, bằng sự hiểu biết mình thấy là hậu quả của lòng tham thì rất xấu, mình giảm được lòng tham, thế là thành công lắm rồi.

Q27_Long tham som muon gi copy

Thầy Trong Suốt: Còn thế nào là hết lòng tham? Hết lòng tham đó là một trạng thái, gọi là cao cấp cũng được, không dễ. Nếu muốn hết lòng tham, thực sự hết lòng tham, thực sự hết, em muốn nghe không? Hay là thôi? Chỉ thế là vừa?

Bạn đóEm muốn nghe.

Thầy Trong Suốt: Rồi! Muốn thêm, được rồi. Riêng với lòng tham ấy, mình phải hiểu thế này…

Bạn đóLòng tham dễ bị ảnh hưởng bởi cái bên ngoài. Nhưng mà mình trong quá trình tập thì cảm thấy có giảm đi, nhưng kiểu gì cũng thấy nó quay lại.

Thầy Trong Suốt: Cách thầy nói lúc nãy là cách để giảm lòng tham. Mình thấy được lòng tham là có hại, lương tri và trí tuệ mình lên tiếng, không theo, không theo lòng tham quá. Còn muốn hết lòng tham, hết sạch thì phải hiểu thế này: Khi mình tham, nhớ là tham là muốn có và mình không thả ra được, đúng không? Như vậy là ở đấy có sự bám chấp vào đối tượng. Đấy! Thì phải hiểu rằng là: Mọi thứ đến đi do duyên. Duyên chứ không phải do mình. Mình có được nó không là do duyên. Mình chỉ cố hết sức được thôi, còn có được hay không là tùy duyên.

Đấy! Nhớ nhé! Mình cố hết sức, nhưng có được hay không là tùy duyên. Vì nó có đến được với mình, nhưng mà nếu không đủ duyên, nó sẽ đi mất. Mình tham nó, nhưng mà nó cứ đi, nó có ở lại đâu. Giống như là ông quan tham ấy, tiền nó đến thật, nhưng sau đó đi mất thật.

Nên là khi mình hiểu là mọi thứ theo duyên, vận hành theo duyên ấy, đủ duyên sẽ đến mà hết duyên nó đi, chứ mình không thể nào mà giữ chặt nó được. Thì cái thái độ giữ chặt biến mất. Lòng tham bao giờ cũng đi kèm với sự giữ chặt, không thả ra được, đúng không? Bây giờ mình hiểu Trí tuệ rồi, mình thấy nó đến đi theo duyên, không thể giữ nổi. 5 lần 7 lượt mình thấy không giữ nổi thì mình thả thôi, mình không muốn giữ nữa. Đấy là Trí tuệ. Trí tuệ về duyên: Mọi thứ vận hành theo duyên – đủ duyên thì đến, hết duyên thì đi, làm cho mình không muốn giữ chặt bất kỳ cái gì trên đời này nữa. Ví dụ thầy với vợ thầy đi, thầy không có thái độ giữ chặt lấy vợ. Đủ duyên thì đến, hết duyên thì… thì sao?

Mọi người: Đi.

Thầy Trong Suốt: Thì đi. Nên thầy nói vợ là: “Tùy! Em thích đi với ai, đến với ai thì tùy em. Đấy! Miễn là gì, thực hành cho tốt lên, không rồi cũng khổ ấy mà. Chứ còn anh, thì đối với anh: đủ duyên thì đến, hết duyên thì đi”. Thế là tưởng vợ mình ngạc nhiên, ai dè vợ mình cũng nói hệt như vậy. (Mọi người cười) “Anh ơi! Anh muốn đến với ai thì đến, đi với ai thì đi. Miễn là anh đừng có làm điều gì trái với lương tâm là được. Còn đâu em biết rồi: đủ duyên thì đến, hết duyên thì đi”.

Thế là hai vợ chồng sống với nhau rất là hạnh phúc, vì không ai kiểm soát ai cả, không ai giữ ai cả. Nếu tìm hiểu và theo duyên, nhân quả và duyên thôi, nên là thôi, mình không giữ chặt cái gì hết. Thế là nó giảm khoảng 98% lòng tham.

Thầy Trong Suốt: Đấy! Nghe nốt phần 2% hay thôi?

Một bạn: 100%.

Thầy Trong Suốt: 100% ấy hả? (Mọi người cười) 98 còn chưa đồng ý à?… Tham thế à? (Mọi người cười) Đấy không gọi là tham! Thầy nói đùa. Tham nghĩa là không thả ra được mới làm tham, chứ còn thích nghe 100% chưa phải là tham. Hiểu không? Nhớ nhé! Nhắc lại này, chỗ này rất quan trọng, chúng ta phải hiểu những điểm mấu chốt: Tham bao giờ cũng đi kèm với việc không thả ra nổi, mới gọi là tham. Còn thích xong thả dễ dàng không gọi là tham. Nhớ chưa?

Đấy, vừa xong là thầy nói đùa tham – không phải tham. Sâu thẳm lòng tham là gì? Sâu thẳm ở dưới là mình tin, ví dụ mình tham tiền, ở dưới là mình tin rằng có một cái gọi là mình, có một cái là nó. Nó ích lợi cho mình. Đấy, mình tin là có mình, mình sẽ được lợi từ nó. Như vậy để tham một cái gì đấy thì có hai niềm tin: một là tin có tôi – người được lợi và phải tin có vật – cái làm lợi. Khi em tin có tôi và có cái vật đấy, hay là người đấy thì trên đấy lòng tham được xây dựng. Như vậy là muốn có lòng tham, nền tảng của lòng tham là tin rằng có tôi và có nó, có cái vật để mình tham đấy, và nó ích lợi cho tôi.

Nên là em muốn hết sạch không còn dấu vết nào của lòng tham, em phải mất được hai niềm tin quan trọng, em phải mất niềm tin là có tôi – người được lợi và mất niềm tin là có nó – cái đem cho em ích lợi. Khi nào em chứng ngộ được cả hai điều đấy thì lòng tham không còn một tí nào nữa. Trước thời điểm đấy thì em chỉ 98% là thành công lắm rồi. Đấy!

 (Tham khảo thêm bài Trà đàm “Tham lam là nguồn gốc của yêu thương và sáng tạo”: https://trongsuot.com/tham-lam-nguon-goc-yeu-thuong-va-sang-tao/)

12. Linh cảm và đối diện với linh cảm

Một bạn nữ: Dạ, em xin chào Thầy! Em tên Minh, 42 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội ạ, có con và hiện đang ở nhà. Trong gia đình em và bạn bè em ấy, thì em thấy có nhiều người mất trẻ. Mặc dù họ sống rất tốt, thế nhưng mà vẫn mất. Thì em nghĩ đấy là do nhân quả và nghiệp của họ. Em xin hỏi Thầy là: có lý nào trong khoảng thời gian trước khi họ mất ấy thì họ có vô thức biết rằng điều xấu sắp xảy ra với mình hay không? Bởi vì qua những câu nói của họ, sau khi họ mất rồi, mình mới nghĩ lại thì thấy giống như là di chúc. Thế thì họ có biết được cái xấu sắp xảy ravới mình hay không? Đấy là câu hỏi đầu tiên.

Câu hỏi thứ 2 là: Em có nghe một buổi Trà đàm lần trước, Thầy kể về ông Ngoại Thầy mất sớm. Thì cho em hỏi rằng cái duyên của người vợ và con với người bố cũng là ngắn ngủi như thế thôi ạ? Em xin hết ạ!

Thầy Trong Suốt: Ừ! Trả lời số hai trước. Đúng rồi! Duyên chỉ thế thôi. Duyên chỉ đến với nhau trong 3, 4 năm, xong rồi đẻ 2 đứa con xong rồi mất. Thế thì phải chấp nhận thôi. Nếu em nghe thêm vài buổi nữa thì thầy có nói về việc là… Kể ví dụ đấy, một cô gái chết bên đường, thì một người đắp cái chiếu, một người đào hẳn cái hố chôn xuống. Đời trước như vậy, thì cuối cùng đời sau cô ấy lấy cái người mà chôn chặt xuống, còn người đắp kia chỉ yêu đương tí thôi. Thì mọi thứ theo nhân quả, duyên nó vận hành hết. Nên là khi mình hiểu cái duyên một cách sâu thẳm, mình không thấy tiếc nuối nữa. Kể cả người thân mình có ra đi sớm thì mình cũng không thấy tiếc nuối, mình chấp nhận.

Còn vì em chưa hiểu một cách sâu thẳm, chính xác là em chưa vâng phục nó. Hiểu có thể hiểu rồi, nhưng chưa vâng phục cái việc đấy nên em vẫn cảm thấy tiếc nuối một người nào ra đi sớm. Nhưng mà duyên nó thế thôi. Có khi đời trước họ, có người chỉ hứa: “Thôi đời sau tớ sẽ sống với cậu 7 năm”, ví dụ thế. Có người hứa với nhau thế mà. Sau đấy tớ sẽ đi chỗ khác”. Thế là đời sau nó thể hiện đúng như thế luôn, đúng sống 7 năm đi chỗ khác thật. Mà chắc gì cái chỗ họ đến lại là chỗ xấu, có khi họ đến một chỗ rất tốt thì sao. Thì việc đấy có vấn đề gì đâu? Đúng không?

Vấn đề bao giờ cũng chỉ là việc của người sống thôi, chứ người mất họ đến cảnh giới khác rồi, có người nhớ, có người quên, chả nhớ gì trước gì hết. Nên người sống mới là người có vấn đề. Nên cái em cần là tập hiểu nhân quả, về duyên, để mình hiểu chưa đủ, mà phải vâng phục. Đấy! Cái khó là hiểu vâng phục ở chỗ đấy. Vâng phục rồi thì đời em sẽ không tiếc nuối, sống rất là đơn giản. Ví dụ nhé, em đi mua món đồ xong rồi, em trả giá hơi rẻ, thế là em bỏ đi, xong rồi về nhà em nghĩ lại thôi, thế kia mới là phù hợp”, quay lại người ta bán mất rồi. Mình không tiếc nữa, mình không có duyên với món đồ đấy. Thì đấy gọi là vâng phục. Còn mình cứ ngồi tiếc thì là mình không vâng phục, mặc dù mình hiểu: À, không có duyên, mình không vâng phục được, mình không vâng phục theo điều đấy, thế là mình cứ ngồi tiếc.

Nên ở đây vấn đề của em là em phải vâng phục nhân quả và nhân duyên thì đời sống mới đơn giản và dễ dàng, dễ sống. Cái đấy phải sửa mới có được. Em sửa được tốt thì em sẽ dần dần vâng phục được điều đấy. Đấy! Đấy là câu thứ nhất. Đúng là ông ngoại Thầy sống với vợ được mấy năm xong là mất, vẫn đẻ được 2 đứa con. Nhưng mà đấy là duyên. Đấy!

Và nếu là người ta có duyên với mình ấy, sớm muộn cũng sẽ quay lại. Nếu mẹ thầy, có đây không nhỉ? Mẹ thầy, cách đây 13 đời cũng là mẹ thầy luôn, có duyên với nhau 13 đời sau lại gặp lại nhau. Đấy! Rất nhiều người, trong học trò thầy là vợ cũ rồi, người yêu cũ rồi, học trò cũ, quay lại hết mà. Con thầy, con mình cũng là học trò cũ của mình, nó đến ấy mà. Nên là bố mẹ, con cái có duyên với nhau, lại quay lại gặp nhau, nên chả có gì thực sự là, chả bao giờ xa cả. Hết duyên thì xa, chứ cứ còn duyên thì vẫn còn quay lại. Hiểu chưa?

Q30_Vang phuc nhan qua

Nên câu đầu tiên là như vậy! Như vậy là nếu em vâng phục được nhân quả và duyên, thì không vấn đề gì hết. Mình sẽ hiểu đủ duyên thì đến, hết duyên thì đi. Và thực sự mà nói thì  người đi có bao giờ muốn người ở lại bất hạnh đâu. Người đi họ có muốn thấy người ở lại khóc lóc, buồn bã đâu.

Thế còn câu hỏi thứ 2 là có cảm nhận được không? Đúng không? Đúng rồi, về kinh nghiệm mà nói thì thầy đã gặp, đã nghe những người họ kinh nghiệm, cảm nhận được cái chết trước khi chết. Đó là chuyện bình thường thôi. Giống như có nhiều người nóng ruột ấy, về nhà quả nhiên là nhà có trộm. Đúng không? Chuyện bình thường mà. Nên cái việc linh cảm với cảm nhận là chuyện rất bình thường mà thôi. Đấy! Không có vấn đề gì cả. Chẳng có gì đặc biệt ở đây cả. Ở đây, chúng ta linh cảm đầy ấy mà, ví dụ như là đang nghĩ đến ai đó,tự nhiên người ta gọi điện thoại cho mình. Có ai gặp chuyện đấy bao giờ chưa?

Mọi người: Có rồi.

Thầy Trong Suốt: Đấy! Chuyện linh cảm bình thường thôi, không có gì đặc biệt ở đấy cả. Quan trọng không phải là linh cảm hay không, quan trọng là khi tôi linh cảm xong rồi, tôi đối diện với nó như nào? Linh cảm rằng chồng mình có bồ, (mọi người cười) ví dụ đi, thì vấn đề là: linh cảm không quan trọng gì đâu, quan trọng là đối diện với cái linh cảm đấy. Tôi ở trong cái trạng thái tinh thần, trí tuệ như thế nào? Tôi có thể căng thẳng hay là tôi thấy bình tĩnh? Đấy! Tôi lo lắng hay tôi bình tĩnh? Tôi đánh ghen hay tôi bình tĩnh?

Cái linh cảm ấy, nó không quan trọng bằng tôi đối diện với linh cảm. Mà tôi nhắc lại một lần nữa: Chỉ có sửa bên trong thôi! Đấy,chứ còn chồng mình có bồ, mình sửa bên ngoài thế nào? Câu hỏi thầy dành cho em – có sửa được không? Hai người nếu có duyên với nhau ấy, thì hai người, chồng mình với cả cô bồ có duyên với nhau thì sớm muộn gì cũng…, cái duyên cái số…

Mọi người: Nó vồ lấy nhau.

Thầy Trong Suốt: Sớm muộn gì cũng vồ lấy nhau. Tất nhiên nói thế không có nghĩa là mình buông xuôi. Không phải, mình vẫn cố gắng ngăn chặn, cố gắng nói những lời tử tế, không cho chồng làm. Nhưng mình sâu thẳm bên trong phải hiểu là nhân quả của họ, vấn đề là mình thực hành để trong mình có sự bình an, xong mình đối diện với nó một cách bình tĩnh và sáng suốt nhất. Còn đến đâu thì đến, đối diện một cách bình tĩnh, sáng suốt. Đấy mới là quan trọng. Hiểu không? (Mọi người vỗ tay)

Q31_Quan trong ko phai

13. Muốn lấy vợ nhưng bố mẹ không cho vì không hợp tuổi

Hồng ĐạtThưa thầy đây là câu hỏi trên mạng, của bạn Phạm Văn Cảnh ạ. Em xin phép được hỏi Thầy về tử vi, phong thủy ạ! (Thầy cười) Bố mẹ em rất tin vào tuổi tác, số mạng nên khi em muốn lấy vợ, bố mẹ em cho là bạn gái em khắc cả tuổi lẫn mệnh và khiến em không làm ăn được. Em rất mệt mỏi, xin Thầy giúp em cách khuyên bố mẹ và mong Thầy giải đáp giúp, việc này có phải là mê tín không ạ? Cảm ơn Thầy ạ! 

Thầy Trong Suốt: (Mọi người cười) Bạn Cảnh muốn lấy vợ, nhưng bố mẹ bảo không làm ăn được, đúng không? Đúng chưa? Tử vi đấy, bảo 2 đứa không hợp nhau, không làm ăn được, mê tín quá còn gì nữa. Thế mà phải hỏi. (Mọi người cười) Dân gian mình có câu gì cho người ấy nhỉ? Cái gì nhỉ?

(Nhiều bạn nói theo)

Tử vi xem số cho người, số thầy thì để cho ruồi nó bâu”(Mọi người cười) Việt Nam mình có câu là: “Xưa này nhân định thắng thiên cũng nhiều” đấy, truyện Kiều đấy.

Nên chắc chắn là việc mình vì một cái tử vi nào đó, xong rồi bảo không lấy nhau, sẽ sinh chuyện – chắc chắn là không nên rồi. Tối thiểu phải thử cái chứ, đúng không? (Mọi người cười) Thử xem được không, đúng thế không đã chứ, chứ chưa chi đã tin rồi thì đúng là quá dại. Bỏ lỡ một mối nhân duyên tốt đẹp chỉ vì mấy ngôi sao bay trên bầu trời. (Mọi người cười) Kỳ quái không? Quá kỳ quái! Tối thiểu là em phải thử, bạn trên mạng ấy, Cảnh đúng không? Cứ thử đi! Nếu mình ăn ở tốt thì sợ gì, tất cả do ăn ở mà. Đúng không? Mình ăn ở tử tế vào, lấy nhau tử tế đi. Còn nếu giả sử mình lấy xong, nó chả ra gì thật, thì không phải trách tử vi. Trách ai?

Một bạn: Trách mình.

Thầy Trong Suốt: Trách mình chứ, sao lại trách tử vi? Sao lại trách 12 ngôi sao trên trời, trong khi mình là người sai lè ra, đúng chưa? Nếu mà ăn ở không tốt, tối thiểu là do mình  cũng có tham, sân, si. Có tham, sân, si, đối diện người ta có thể gặp chuyện là bình thường. Làm sao để người ta nói vì ngôi sao bay trên trời nên tôi và cô ấy gây chuyện với nhau” được? Đấy, không phải đâu! Vì tham sân si trong lòng mỗi người nên chúng ta gây chuyện với nhau, thì đúng!

Để sửa cái chuyện gây chuyện đấy thì không phải là đi xem tử vi, mà sửa tham, sân, si trong lòng mình ấy, sửa xong thì chuyện biến mất. Thầy gặp rất nhiều cặp nói với thầy là: “Chính em với chồng em là số mệnh khắc nhau, lấy nhau kiểu gì cũng một người chết, lấy nhau kiểu gì cũng ly tán đi, xong rồi sống đến 80 tuổi vẫn hạnh phúc”(Mọi người cười) Bố mẹ thầy là ví dụ luôn. (Mọi người cười) Đấy! Bố mẹ thầy đấy.

Ông thầy tử vi gặp thầy: “Ôi thôi chết con, mày có phải con riêng của mẹ mày không?” (Mọi người cười) – “Làm sao mà thầy biết?” – “Thầy xem tử vi đấy. Số mày, bố mẹ mày là khắc, xung khắc, cãi nhau không được, xong mẹ mày phải bỏ đi có con với người khác”. Ngược 100% với đời êm ấm của thầy. (Mọi người cười) Thế là ví dụ đấy, “số thầy thì để cho ruồi nó bâu” là đúng.

Mình có gặp chuyện, mình có cãi vã, có làm ăn không được thì cũng là do mình để cho tham, sân, si chế ngự, nó khống chế mình. Vì tham, sân, si khống chế nên mình mới làm ăn không được, mình mới cãi vã, chứ không phải là vì ngôi sao trên bầu trời, nhớ điều đấy. Tất cả những chuyện trên đời, mình gặp chuyện là do mình còn tham, sân, si bên trong. Còn nếu mình không có tham, sân, si, thì dù gặp chuyện mình vẫn vui vẻ, gặp chuyện mình vẫn bình tĩnh vượt qua nó. Nhưng vì chuyện bên ngoài cộng với tham, sân, si bên trong nữa, phá tan cuộc đời 2 người.

Nên vấn đề của bạn Cảnh là gì? Một là, cứ lấy thử đi! Đúng không? Thử xong, nghe mấy ông thầy tử vi. Thứ hai là gì? Lấy xong chưa đủ mà gì? Chắc là xem Trà đàm rồi biết, tu đi chứ, đúng không? Nhắc lại nhiều lần đấy, tu là sửa đấy, không phải là đi tu. Nên dùng chữ tu,nhưng mà đúng nghĩa của nó là chữ “Tu” chứ không phải đi tu, mà sửa đi, bạn phải sửa đi, sửa bên trong đi. Đừng để cho tham, sân, si khống chế mình, để cho sinh chuyện. Và nếu có sinh chuyện gì thì nhớ là do tham sân si bên trong, nên tôi quay vào bên trong tôi sửa. Nên sớm muộn gì với cách suy nghĩ như vậy thì bạn cũng hết tham sân si. Nên là không vấn đề gì hết.

Nếu cần một lời khuyên thì thầy bảo là: Cứ cưới đi, đừng ngại. Đấy! Nói đùa chứ, có duyên số với nhau rồi ấy, bố mẹ có ngăn đến mấy thì cũng sao? Chỉ làm bùng cháy ngọn lửa ái tình thôi. (Mọi người cười) Có khi chính vì bố mẹ ngăn mới lấy nhau cũng nên. (Mọi người cười) Tình yêu là một thứ càng ngăn cản, nó càng bùng cháy, mà không ngăn cản nữa nó sẽ nguội ngay. (Mọi người cười) Đấy! Kỳ quái không?

Hôm nào có buổi Trà đàm tình yêu, có rồi đúng không? Chúng ta sẽ nói về tình yêu thôi. Được rồi, tiếp! (Mọi người vỗ tay)

Q32_Minh co gap chuyen

14. Thương chồng nghiện không dứt ra được hay là tham làm người tốt?

Một bạn nữ: Dạ em chào Thầy, em chào tất cả mọi người ạ! Em tên Thủy, năm nay 35 tuổi. Lần đầu tiên em đến Trà đàm Trong Suốt, thì em có một số câu hỏi, em hỏi Thầy.

Thầy Trong Suốt: Một câu được không? Một số câu hả? (Mọi người cười)

Bạn đóThực ra câu chuyện của em rất là dài. Chồng em, nói ra ở đây thì mọi người… ai nhìn vào cũng sẽ có một cái ánh mắt rất là…. Tức là chồng em bị nghiện cũng lâu lắm rồi. Trước khi em chưa lấy chồng, em cũng đã biết rồi. Nhưng vì trong con người em, em rất là thương người và em chấp nhận lấy anh ấy.

Hiện tại thì em vẫn đang sống. Và cuộc sống nó cứ luẩn quẩn, em có can thiệp, có động viên, an ủi… Nhưng mà khoảng 3 năm gần đây thì là cứ 1 năm 1 lần, 1 năm 1 lần, tái đi tái lại. Thế thì cuộc sống nó cứ quẩn quanh như vậy. Và em muốn giải thoát… giải thoát cái cuộc sống của bản thân mình. Bây giờ em nghĩ là em cần sống cuộc sống riêng của mình nữa, tức là không nghĩ cho cuộc sống của anh ấy nữa. Nhưng mà em lại thương người, không phải vì tình yêu, mà vì em rất là thương người ta… Sống cũng rất là tốt, nhưng mỗi tội là khi mà dính vào ma túy như thế thì có một cái gì đó mà em không thể nào bứt… bứt phá ra được ấy ạ.

Thì em muốn hỏi là cuộc sống của mình như vậy, bây giờ em muốn dứt ra…

Thầy Trong Suốt: Rồi! Em muốn hỏi là có nên dứt ra hay không? Đúng không? Có phải vậy không?

Bạn đóDạ, vâng ạ!

Thầy Trong Suốt: Rồi! Nãy mình có định nghĩa về lòng tham đúng không? Nãy em có nghe đoạn đấy không nhỉ?

Bạn đóDạem có ạ!

Thầy Trong Suốt: Muốn có một cái gì đó mà mình không thả ra nổi. Đấy! Ví dụ trong trường hợp của em, em có tham làm người tốt không?

Bạn đóChắc là trong con người em có cái đó. Thì em… em mới chịu như vậy.

Thầy Trong Suốt: Tham làm người tốt.Trong trường hợp của em không phải là tham chồng, mà em tham làm người tốt quá, không thả ra nổi luôn. Tốt với chồng ấy.

Bạn đóDạ.

Thầy Trong Suốt: Tham làm một người tốt. Đấy! Đôi khi người tốt mà tốt, gọi là hơi quá, biến thành người-tham-làm-người-tốt, cũng thành xấu. Đã tham, không có gì tốt cả. Em tham làm người tốt, em không thả nổi việc mình phải là một người vợ tốt. Chồng có làm gì thì làm, có nghiện hút bao nhiêu đi nữa, có phản bội niềm tin mình n lần đi nữa, thì mình vẫn phải… không thả ra nổi cái chuyện là mình phải làm người vợ tốt trong mắt mọi người. Nên em cứ dính vào đấy thôi. Dấu hiệu của em là lòng tham làm một người tốt trong mắt mọi người. Đấy! Trong mắt mọi người đấy, đấy là nói rõ luôn.

Bạn đóDạ, vâng!

Thầy Trong Suốt: Em tham làm-người-tốt-trong-mắt-mọi-người lâu quá rồi, thả không nổi nữa luôn. Đấy! Nên là việc của em phải…, bạn nào lúc trước bảo là “ly tham”, không phải là ly, xả tham. Đấy! Xả tham, xả tham. Em phải làm thế nào em bỏ cái việc là làm-một-người-tốt-trong-mắt-mọi-người đi! Em làm lâu quá,em không thả ra nổi. Em thả đi! Đừng làm một người tốt trong mắt mọi người nữa! Cái việc đấy có gì hay đâu, cuối cùng là em khổ này, chắc gì chồng em đã sướng. Thật đấy. Em đang nghĩ rằng là nhờ em, chồng em sướng. Chưa chắc, có khi em tốt quá làm anh ấy tiếp tục đi vào đấy một cách dễ dàng. Đấy! Đời là thế đấy.

Bạn đóDạ vâng!

Thầy Trong Suốt: Đừng tưởng với một người thì người ta sẽ được lợi từ điều tốt của mình. Mình tốt với một người không đúng cách, người ta sẽ bị hại vì điều tốt của mình. Giống bà mẹ rất nuông chiều con, cuối cùng con có hạnh phúc đâu, con mình trở thành đứa bé… nhõng nhẽo, thế thôi, và ra ngoài vẫn làm những điều sai trái, vì về nhà mẹ nó có nói gì đâu.

Giống như cái nhà mà có con nghiện hút ấy, 99% là bố mẹ quá nuông chiều con cái. Nên là dần dần đứa con cảm thấy là gì? Mình có làm gì thì làm, ông bà già lo cho mình hết. Với cách nghĩ như vậy, nó lớn lên, nó sống như vậy và sẽ đến đoạn nghiện hút – Vì mình có làm gì thì làm, ông bà già lo cho mình mà. Thiếu tiền, ông bà già đem trả nợ. Thiếu sức khỏe, ông bà già sẽ cho mình thuốc, đưa mình vào bệnh viện. Tất cả ông bà già lo cho mình, mình chỉ cần lo hút”.

Sống như vậy, xong rồi lại lấy một bà vợ y hệt, giống hệt như vậy – Mình có làm gì thì làm, thì vợ mình lo cho mình hết”Cái người đấy, không bao giờ có trách nhiệm sống được. Đôi khi bài học của anh ấy là gì? Em thả anh ấy ra, có thể có một kết quả tốt hơn là bây giờ em đang giữ chặt lấy. Đấy! Đúng là bạn ấy được nuông chiều, bố mẹ nuông chiều nhiều không?

Bạn đóÀ, bố mẹ thì rất là chiềunhưng mà đối với em thì rất là nghiêm khắc…

Thầy Trong Suốt: Không phải nhắc nữa, tóm lại… là nếu mà em cứ cố làm người tốt…

Bạn đóTức là, bây giờ là…

Thầy Trong Suốt: Thì sẽ có những người dựa dẫm vào lòng tốt của em và sống buông thả. Nên không phải lúc nào làm người tốt cũng là tốt. Không phải lúc nào tỏ ra người tốt cũng là tốt. Trông thầy thế này thôi, nhưng mà đôi lúc trông cũng rất là… nhất là khi vào việc gì đó, mình cũng không tỏ ra là người dễ dãi đâu. Cần phạt thì phạt, cần báo công an thì gì?

Một bạn: Báo công an.

Thầy Trong Suốt: Báo công an. Mình không ngại. Mình làm người tốt mà mình tố giác người ta lên công an bình thường. Người ta làm điều xấu, mình làm người tốt không có nghĩa là mình không báo công an, vẫn báo công an như thường, bắt như thường. Đấy! Nên em phải hiểu được là: Lòng tốt của em đi quá giới hạn thì biến thành chỗ dựa dẫm cho người khác. Thứ hai là em nghiện làm người tốt mất rồi. Bị bệnh nghiện, em cũng nghiện. Nghiện làm người vợ tốt. Bệnh đấy chỉ là bệnh thôi. Phải chữa. Đấy! Em xả cái lòng tham làm người tốt của em ra.

Bạn đóDạ vâng, em hiểu ạ.

Thầy Trong Suốt: Hãy làm người tốt một cách có trí tuệ. Trong trường hợp của em là gì? Có khi bỏ chồng mới là trí tuệ nhất. Vừa đỡ hại mình, vừa cho người ta một cơ hội để người ta tự lập. Đấy, nên là đừng bám vào cái số hai nữa.

Bạn đóNhưng mà hiện nay em lại có cháu ạ, 2 con trai, tức là những cái mà…

Thầy Trong Suốt: Mình sống một cách văn minh được. Mình có thể là có con, chia tay, 2 đứa con vẫn được sự quan tâm đầy đủ của bố mẹ. Không vấn đề gì! Thầy đã gặp rất nhiều người như thế rồi. Về sau họ vẫn thay đổi mà, 2 đứa con vẫn có được sự quan tâm của bố mẹ, mà vẫn chia tay được. Tuy nó không phải là tốt nhất, nhưng nó còn hơn. Trong 2 cái xấu phải chọn cái bớt xấu hơn ấy. Đúng không? Ở với nhau gây ra chuyện, còn một bên là không ở với nhau, không gây chuyện. Trong 2 cái xấu, phải chọn cái ít xấu hơn. Thế thôi!

Bạn đóDạ vâng em cảm ơn Thầy ạ! Em hiểu ạ. (Mọi người vỗ tay)

Q33_Minh tot voi 1 ng ko dung cach

15. Ước mơ có thể thay đổi 

Một bạn nữ: Em chào anh! Em chào mọi người ạ! Em là Mai, em ở Nam Trung YênHôm nay lần thứ hai em tham gia buổi Trà đàm. Nhưng mà lần này em cảm thấy rất là khác so với cả lần thứ nhất. Và em cũng đang rất là bối rối, cho nên muốn hỏi anh. Em đã nghỉ việc hơn 1 năm, thời gian gần đây thì học tiếng Anh và em bắt đầu tìm việc trở lại. Thực tế là vì em tiêu hết tiền rồi… (cười) nên là em phải tìm việc.

Nhưng trong khoảng thời gian nghỉ làm thì em cũng có thời gian để tìm hiểu nhiều hơn các  quan điểm sống, những kỹ năng sống và em cũng đang thực hành cái cách là: Mình hành động dựa trên những gì mình yêu thích, hơn là những gì mình sợ hãi. Cho nên khi mà em chiêm nghiệm lại cái việc em đi tìm việc làm vì em sợ không có tiền tiêu, hay vì em yêu thích công việc? Thì em nhận thấy mình tìm việc vì mình sợ không có tiền nhiều hơn là vì mình yêu thích. Với cả công việc của em thì em cũng không đam mê bằng cái việc khác.

Vì thực tế là trong 1 năm ở nhà, em được đi học, em được đọc sách, em tập thể thao, em nói chuyện với bạn bè, em được thư giãn. Thì em thích cuộc sống như thế hơn là đi làm. (Mọi người cười) Cho nên là gần đây, ngay cả cái thái độ em tìm việc cũng rất là hờ hững. Nhưng em vẫn bị nỗi sợ. Bởi vì nếu em ở nhà thì em không có tiền tiêu. Còn nếu em tiếp tục tìm việc và đi làm thì em lại sợ là mình đang làm vì nỗi sợ, chứ không phải vì tình yêu nữa. Thì em thấy rất là bối rối và mong anh có thể giúp em trong tình huống này ạ.

Thầy Trong Suốt: Câu hỏi của em chứa câu trả lời luôn. Tức là thế này, nếu mình đi làm vì sợ thì sẽ sợ hết chuyện này đến chuyện khác, sợ sếp đuổi, đúng không? Sợ thiếu tiền v.v… Thế mình hãy đi làm, nhưng đừng vì sợ, thế thôi! Câu trả lời đơn giản: Hãy đi làm đi, nhưng đừng vì sợ! Nghĩa là giải quyết nỗi sợ. Để giải quyết nỗi sợ, ví dụ nhé, đi làm nhưng mà không sợ sếp đuổi – Làm được, hoàn toàn làm được, thế thôi! Mình đi làm, mình không sợ sếp đuổi. Mình cứ làm việc hết khả năng của mình, hết trách nhiệm của mình, còn nếu sếp đuổi thì chấp nhận, không đủ duyên thôi. Như vậy mình đi làm không sợ, thế là bước một. Em có thể bớt sợ, hoặc là không sợ nữa, nhưng mà bớt sợ. Bớt sợ là thành công rồi.

Nhưng bước thứ hai là gì? Lúc nãy thầy chưa nói, mình hoàn toàn có thể có một cuộc sống thoải mái song song với cả đi làm. Chứ không phải cứ đi làm là căng thẳng, không phải. Nhưng nếu muốn đi làm mà thoải mái thì mình phải ở trình độ tinh thần nào? Cái đấy là cái em còn thiếu. Với trình độ tinh thần bây giờ của em, thì em chưa thể làm được luôn. Vì thế nên em phải nâng cấp trình độ tinh thần của em lên, để em có thể thoải mái đi làm, đi chơi mà vẫn đi làm được. Cái đó không phải là do em tìm một việc phù hợp đâu,mà nó do là em ở cái trạng thái tinh thần nào?

Nói một cách dễ hiểu hơn là thế này: Có hai người cùng đi làm, cùng một công ty luôn, cùng phòng của em. Một người lúc nào cũng sợ, sợ mất việc, sợ không đủ tiền. Một người có trí tuệ, hiểu biết, hiểu là gì? Còn duyên thì ở đấy, hết duyên thì đi. Đấy! Vì thế không bị căng thẳng. Một người rất căng thẳng, người không căng thẳng. Hỏi ai là người tận hưởng cuộc sống hơn? Theo em thì sao?

Bạn đó: Dạ, đương nhiên là người thư giãn thì sẽ sướng hơn rồi ạ.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Bình tĩnh hơn này, họ không bị dồn hết mọi thứ cho công việc, vì họ không bị khống chế bởi nỗi sợ và họ bắt đầu thấy những khía cạnh niềm vui của cuộc sống, bao gồm cả ở công việc luôn. Vì họ không sợ mà. Khi em không sợ, em thấy được niềm vui của công việc.Khi em sợ thì thấy nỗi sợ mà em sợ thôi. Thế là thấy được niềm vui, cả trong công việc lẫn ngoài công việc. Còn nếu em sợ em chỉ thấy: trong công việc thì không thấy niềm vui, ngoài công việc thì lại lo về công việc. Thế là không bao giờ có niềm vui hết.

Bạn đó: Thưa anh là em thì hơi khác hơn một tí ạ.

Thầy Trong Suốt: Ừ!

Bạn đó: Thứ nhất là em cũng có tập thư giãn và tập thả lỏng và cái quan trọng là em không sợ bị đuổi việc.

Thầy Trong Suốt: Tốt!

Bạn đó: Bởi vì em rất là tự tin với công việc và sự thoải mái của mình với công việc ạ. Nhưng ở đây là em đang sợ cái động lực em đi tìm việc ấy. Bởi vì trong hơn 1 năm vừa qua thì em được thưởng thức cuộc sống, em cảm thấy nó thư giãn hơn và sung sướng hơn so với cả cái thời gian mà em đi làm trước đây. Cho nên bây giờ em không thực sự muốn đi làm nữa. Mặc dù là khi làm việc em cũng thấy thíchchứ không phải là không thích.

Thầy Trong Suốt: Hoàn toàn có thể! Em hãy đặt cho mình mục tiêu đi, là tìm một công việc gì mà mình có thể tự do, vẫn làm việc, vẫn có tiền để sống.

Bạn đó: Vâng!

Thầy Trong Suốt: Đặt mục tiêu đấy mà sống. Khi em đặt mục tiêu đấy thì em sẽ tìm được những người dẫn em đến chỗ đấy. Em sẽ đọc trên mạng, nghe những câu chuyện về những người mà họ không cần phải căng thẳng trong công việc, có thể vừa làm vừa vui vẻ, mà vẫn có tiền như thường.

Bạn đó: Đấy là ước mơ của em đấy ạ!

Thầy Trong Suốt: Đặt mục tiêu. Đúng không? Tốt! Mục tiêu đó tốt mà. Đặt mục tiêu đi! Em không đặt mục tiêu không bao giờ tìm được. Khi đặt mục tiêu thì em sẽ lên mạng em hỏi, tìm hiểu đúng không? Em sẽ tìm ra những người như vậy trên đời.

Thầy quen rất nhiều người như vậy trên đời rồi. Đầy! Nếu em có khả năng thì thiếu gì việc mà không cần phải đến làm 8 tiếng, mà vẫn có thể vừa đi chơi vừa kiếm tiền, đúng không? Ví dụ như thầy quen một người chơi chứng khoán chẳng hạn, (Mọi người cười) đấy, lúc nào cũng thấy vi vu đời mà điện thoại vẫn ấn, vẫn làm được. Thầy quen những người làm freelance, rất nhiều, có con, có gia đình, ở nhà lập trình mà vẫn đủ tiền sống thoải mái…

Thì đấy nghĩa là gì? Nghĩa là, cuộc sống bây giờ, xã hội bây giờ rất là phong phú. Nó cho phép người ta sống theo kiểu của họ. Nhưng nếu mà em không dám nghĩ như vậy thì chả bao giờ tìm được. Thế là em cứ làm việc bây giờ đi, nhưng mà đồng thời em tìm cái việc hợp với em. Em tìm đi! Gõ cửa rồi cửa sẽ mở. Đấy! Hoặc lấy một anh thật giàu vào. (Mọi người cười) Cũng được. Thiếu gì cách! Gõ cửa, cửa sẽ mở mà. Cứ gõ thử xem.

16. Bị “dìm hàng” trước mặt mọi người

Một bạn nam: Em chào anh ạ! Em là Hiệp, đến từ Hà Nội, em là lập trình viên. Hiện tại em đang độc thân. Em có một thắc mắc là: Những người mà nói xấu mình ở sau lưng ấy ạ, thì không… không vấn đề gì cả. Nhưng mà có những kẻ, nó đá xoáy hay châm chọc mình ngay trước mặt mọi người ấy, thì em muốn anh chỉ cho em cái cách để mình không cảm thấy khó chịu nữa ạ?

Thầy Trong Suốt: Rồi! (Thầy và mọi người cười)

Bạn đó: Làm thế nào để mình cảm thấy người ta có dìm hàng mình trước mặt tất cả mọi người… (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Em đứng lên, đứng lên, đứng lên chút mọi người xem ngoại hình như thế nào? (Mọi người cười) Đúng không? Bây giờ… cho ví dụ dìm hàng đi.

Bạn đó: Vấn đề là…Nó, nó… nó đá xoáy em, nó dìm hàng.(Mọi người cười) Mình xấu thế này, thế nọ… tính cách mình thế này, thế nọ… dùng toàn hàng lởm, rồi… (mọi người cười) hàng si đa này nọ… (Mọi người cười) Nói chung là nó nói xấu, nó dìm hàng mình trước mặt mọi người ấy ạ, thì làm sao để mình vẫn thấy vui vẻ, không khó chịu nữa? Em cảm ơn ạ!

Thầy Trong Suốt: Tốt, rất tốt, câu hỏi rất tốt! Ở đây,ai đã từng bị dìm hàng giơ tay nào? (Mọi người cười) Đúng rồi! Chuẩn rồi! Em nói nỗi lòng của thiên hạ rồi. (Mọi người cười) Ấy! Cuộc sống thì không thể tránh được dìm hàng, đúng không?

Một bạn: Vâng.

Thầy Trong Suốt: Vì quan điểm khác nhau, động cơ khác nhau. Có người dìm hàng cho vui, có người dìm hàng là dìm cho chìm nghỉm thật. (Mọi người cười) Đấy! Không tránh được đâu. Thế thì vấn đề của mình không phải là tránh dìm hàng, mà làm thế nào để tâm bất biến, đúng không, giữa dìm hàng vạn biến. Đấy! (Mọi người cười, vỗ tay) Dìm hàng biến đổi vô cùng lắm, đúng không? Hôm nay mình mặc áo đỏ thì nó bảo trông mình nhà quê, (mọi người cười) đúng không? Hôm sau mình mặc áo xanh thì trông giống như anh bộ đội, (Mọi người cười) đúng không? Áo vàng lại giống như… (mọi người cười) giống như chàng chăn lợn. Thiếu gì cách, đúng không? Dìm hàng vạn biến mà.

Nên phải hiểu nguyên tắc số một rất quan trọng, đầu tiên luôn, là vấn đề là gì? Sau khi nó dìm mình thì giá trị mình giảm hay tăng? Hay giữ nguyên? Rất quan trọng, nên em phải hiểu rõ chỗ đấy. Anh ngồi đây, em bảo là: “Ông thầy Trong Suốt này là một ông thầy xấu tính”, thì hỏi phẩm chất của anh, hay của thầy đi, tăng hay giảm? Theo em, phẩm chất thầy có tăng hoặc có giảm sau câu nói đấy không?

Một bạn nữ: Không!

Bạn nam đóDạ không ạ!

Thầy Trong Suốt: Chắc chắn là không, đúng không? Nếu thầy xấu tính thì vẫn xấu tính như cũ, mà tốt tính thì cũng có thể nào, làm sao xấu đi được nhờ câu nói đấy. Như vậy là gì? Cái phẩm tính của mình không tăng hoặc không giảm khi ai đó bảo mình xấu hoặc tốt. Nhớ điều đấy là rất quan trọng. Đấy! Để cho mình nhớ kỹ điều đấy: Phẩm tính của em, nó không được quyết định bởi bất kỳ ai bên ngoài hết. Phẩm tính của em không được quyết bởi bất kỳ ai bên ngoài. Không có tí nào luôn.

Năm 2003, thầy có một nhóm lập trình, xong được một cái giải thưởng. Giải thưởng rất to luôn, Trí Tuệ Việt Nam, giải Nhất. Sau đấy thì người ta vu oan cho mình là ăn cắp phần mềm, bảo là phải trả lại giải thưởng, xin lỗi đám đông.

Thì ông tác giả người Anh, cái ông mà có quyển sách mình tham khảo ấy, ông ấy cũng nghe người đấy, ông ấy cũng chả tìm hiểu gì hết, ông cũng viết lên trên web của ông là: “Tôi rất đau buồn vì ở Việt Nam có người ăn cắp của tôi”. Cũng không tìm hiểu là mình viết phần mềm ấy thế nào? Và thầy với cả nhóm đấy, khoảng 5 người, đứng trước một áp lực rất lớn – phải trả lại giải thưởng đấy. Thế thì 6 tháng sau, ông ấy xem hết những tài liệu mình gửi cho ông ấy, xong rồi mất 6 tháng để ông xem kỹ và ông viết lên trên mạng là: “Tôi chúc mừng những người này, rất là giỏi, rất sáng tạo. Không, không phải ăn cắp của tôi”Nhưng đó là chuyện của 6 tháng sau. Còn lúc đấy, khoảng tháng 1 năm 2004, là lúc mình phải đối diện với trả hay không trả.

Thế thì hôm đấy thầy mới gặp cả nhóm, tất cả mọi người đều quan điểm là không trả. Vì trả thì khác gì là mình trộm thật, thà mình giữ chặt giải thưởng thì người ta còn nghĩ mình không ăn trộm, trả xong người ta nghĩ: “Ôi! Bọn này ăn trộm phải trả giải thưởng”. Miệng lưỡi thiên hạ sẽ như vậy. Còn thầy thì lại nghĩ khác. Thầy bảo là: “Bây giờ thế này…”, thầy cầm cái cúp – cúp nó bằng đồng rất là đẹp, bằng đồng nhưng mà giống như bằng vàng ấy -thầy mới cầm thả xuống, giẫm chân lên, hỏi mọi người là: “Thế nào? Phẩm chất mọi người có giảm sau khi bị giẫm cái cúp không? Mình có bớt tài năng đi không, khi cúp bị giẫm lên không?”. Mọi người có ai thấy tài năng bị giảm đi khi mà thầy giẫm lên cúp không? Cái nhóm đấy, chả ai cảm thấy mình giảm tài năng. Có ai cảm thấy độ tử tế mình giảm, khi mình giẫm lên cúp không? Độ tử tế của mình có bị giảm khi mà cái cúp của mình bị giẫm lên, có ai cảm thấy thế không?

Mọi người: Không!

Thầy Trong Suốt: Chả ai cảm thấy thế cả! Thì chứng tỏ là gì? Cúp này, nó chả có giá trị gì cả. Nó chẳng ảnh hưởng gì đến tài năng và phẩm tính của mình. Đến hôm sau, tất cả đem cúp ra trả, không muốn đối diện với một câu chuyện phiền phức. 6 tháng nữa sẽ làm sau. Bây giờ nếu tôi đánh nhau ở chỗ này, thì tôi sẽ không còn thời gian để tôi làm việc quan trọng hơn là làm cho khách hàng được lợi từ sản phẩm của tôi. Đấy! Sau đấy thì trả xong cúp, thì thế giới chia làm hai nửa: một nửa thì coi như là chắc chắn bọn này ăn trộm phần mềm; nửa thứ hai vẫn đến gặp mình và mua phần mềm của mình như thường, chả có vấn đề gì cả. Họ tin là mình là người tử tế, họ mua phần mềm của mình, trả tiền đàng hoàng. Thế là mình vẫn sống được qua cái đại nạn đấy. 6 tháng sau thì mình mới được minh oan.

Nhưng nếu mình bỏ 6 tháng đánh nhau với việc là giữ cúp hay trả cúp ấy, thì còn sức đâu mà làm những việc khác quan trọng hơn. Làm sao mà công ty tồn tại nổi? Như vậy thì sao? Mình có thể trả lại cúp và mang tiếng oan. Không phải 6 tháng đâu, đến tận giờ vẫn có người nghĩ mình ăn trộm, vì có phải ai cũng đọc báo đâu? Có phải báo nào cũng đăng cái chuyện là mình không ăn trộm đâu.

Nhưng quan trọng gì? Phẩm hạnh của mình không giảm khi mọi người nghĩ “mình là thằng ăn cắp”. Phẩm hạnh của mình không tăng khi mọi người nghĩ “mình là ông Thánh”. Cả 2 đều không thay đổi gì phẩm hạnh của em. Phẩm hạnh của em là A thì nó vẫn là A. Người ta có ca ngợi em thành ông Thánh đi nữa, thì em tham ăn vẫn tham ăn, đúng không? Ca ngợi ông Thánh xong có hết tham ăn đâu. Ngược lại, phẩm hạnh của em không ăn trộm, thì bảo em là thằng ăn trộm thì em vẫn là người không ăn trộm.

Nên nguyên tắc số 1 phải nhớ là gì? Phẩm hạnh của mình không thay đổi, nó không tăng và không giảm khi được người ta ca ngợi hoặc bị người ta dìm hàng. Đấy! Em nhớ nguyên tắc đấy, em được 90% rồi. Vì sao? Vì khi nhớ nguyên tắc đấy thì cái câu chuyện người ta đang nói chỉ còn là câu chuyện, không còn là sự xúc phạm, sự giảm giá trị, không có gì nữa. Chỉ là một câu chuyện:À! Thằng đấy nó nói mình là nhà quê”. Ấy! Chứ không phải là: Ui! Mình trở nên nhà quê hơn sau câu nói đó”Không phải! Đúng không? Vẫn là mình mà, sao mà nhà quê hơn được. (Mọi người cười) Mình không thể trở nên nhà quê hơn sau câu nói ấy được. Có người nói:“Thằng này thấp!”Mình có thấp hơn sau câu nói đấy không? Nó bảo: “Thằng này mày trông thấp thế”, có nghĩa là mình thấp hơn không?

Bạn đó: Không!

Thầy Trong Suốt: Nếu mình thấp thì vẫn là thấp, còn mình cao thì vẫn là cao. Nên là phẩm hạnh, phẩm tính của mình chả bị ảnh hưởng gì cả. Em sống như vậy thì em sẽ cười thôi: À! Thì đấy là một câu chuyện, có người bảo tôi như vậy”, đúng không? Một người trước mặt tôi bảo tôi là thằng nhà quê, thế thôi”. Mà khi nó là một câu chuyện ấy, thì dễ giải quyết hơn nhiều.

Tại vì em nhìn nó một cách khách quan giải quyết, chứ không bị cái tôi của em xông lên và giải quyết. Mỗi người có quyền nghĩ mà, nó có quyền nghĩ mình nhà quê, thì mình nghĩ bố nó nhà quê. (Mọi người cười) Thế là xong! Hòa! (Mọi người cười) Ví dụ thế! Đúng không? (Mọi người cười) Đánh trả ngay! Trong lòng mình nghĩ thầm thôi: Bố mẹ nó nhà quê đúng không? Bố nó nhà quê là chắc”(Mọi người cười) Mình chưa chắc nhà quê, nhưng bố nó ở quê mà. (Mọi người cười) Nói đùa thôi, không được làm thế! Nói đùa! (Mọi người cười)

Ví dụ thế, nghĩa là mình không có vấn đề,vì nó chỉ là một câu chuyện thôi mà. Câu chuyện thì có người bảo mình là nhà quê. Giống như từ nãy giờ thầy kể câu chuyện của thầy, thì nó chỉ là một câu chuyện thôi mà. Có một triệu người bảo mình ăn cắp – Xong, chỉ là một câu chuyện thôi – có một triệu người bảo tôi ăn cắp. Nhưng mà phẩm hạnh tôi chả thay đổi gì khi họ bảo tôi ăn cắp cả, đúng không? Ngày mai có nửa triệu người tin tôi là người giỏi, thì tôi cũng chả thay đổi gì khi nhiều người tin tôi là người giỏi cả.

Nên là cái sự khen hoặc là chê của họ không ảnh hưởng đến phẩm hạnh của tôi. Vì thế nên tôi hoàn toàn có thể bình tĩnh. Đấy! Tâm bất biến đấy! Bình tĩnh mà đối diện, chứ không phải là tức giận mà đối diện, không phải cáu tiết mà đối diện. Riêng sự bình tĩnh của em đã giải quyết được vấn đề. Họ nói em xong, mặt em cứ bình tĩnh thì họ còn nói nữa đâu. Cái người mà trêu chọc này, dìm hàng ấy, họ rất hả hê nếu em bị ảnh hưởng bởi cái dìm hàng đấy. Đúng chưa? Còn dìm xong, mặt nó lạnh như tiền, đúng không? Thấy nó lẩm bẩm gì trong lòng nữa, lẩm bẩm bố mày nhà quê đấy”(Mọi người cười) Tóm lại ai đó không chê gì hết, nói đùa thôi, (mọi người cười) thì làm sao mà nó muốn trêu mình n lần nữa.

Em cứ để ý mà xem, nếu mà nó chê, nhìn em lần nào mặt em cũng bình thường ấy, lần thứ n+1 không dìm em nữa, nó dìm thằng bên cạnh, (Mọi người cười) đúng không – dìm hàng là một thói quen mà, tật xấu đấy – chứ nó không dìm em vì nó có được gì đâu? Không được lợi, nó không bị ảnh hưởng, em không phản ứng gì mới là quan trọng. Vì em phản ứng nghĩa là gì? Khi em phản ứng, em đã chứng minh cho nó là gì? – À! Mày đã thành công rồi”. Đúng không? Bất kỳ loại phản ứng nào, em tức giận, to tiếng, em chứng minh là họ đã thành công. Họ càng hả hê, lần sau càng làm. Em thử nghĩ mà xem, nếu một người nào đó chê họ 3, 4 lần, họ mặt lạnh bình thường, em có muốn trêu người ta nữa không?Đấy!

Như vậy là họ dìm hàng em, có một nửa là lỗi của em. Lỗi của em là gì? Phản ứng lại. Đúng chưa? Phản ứng lại. Nếu em không phản ứng lại thì nó không dìm nữa. Muốn không phản ứng lại phải nhớ cái đó – Phẩm tính mình không thay đổi. Thậm chí sau này em còn thấy thương họ. Tại vì như này, tại sao lại thương? Một người đang rất hạnh phúc, tràn trề tình yêu thương có muốn đi dìm hàng người khác không?

Mọi người: Không.

Thầy Trong Suốt: Chả ai lại đi dìm hàng, hại người khác cả. Cái người đang thiếu thốn mới muốn dìm hàng người khác. Người có nỗi đau ấy, thì muốn người khác cũng phải đau giống mình, mới đi dìm hàng người khác. Nếu đang tràn trề hạnh phúc, không ai muốn làm ai đau hết. Đúng chưa? Họ phải dìm hàng em như là họ gặp một nỗi đau, nỗi khổ ấy,họ muốn thấy người khác đau khổ để cho thỏa mãn cái nỗi khổ của họ. Thấy người khác cũng khổ giống mình.

Ấy! Nên là dần dần em còn thương cả những người đã dìm hàng em. Tại sao khổ thế này?Tại sao phải khổ thế? Có nỗi khổ trong lòng, khổ quá! Em còn nhìn họ bằng ánh mắt rất là trìu mến luôn. (Mọi người cười) 

Còn em thử đánh nhau mà xem. Đúng không? Đánh nhau đây là cãi nhau, hay là dìm lại ấy. Họ dìm mình, mình sẽ dìm lại. Kết quả là gì? Cả hai người cầm kiếm chém nhau thì kiểu gì cũng xây xước. Thế xong hôm sau lại gặp, lại khó chịu, lại…

Một bạn: Chém nhau.

Thầy Trong Suốt: Chém tiếp, thế là có bao giờ hết không?

Một bạn: Không ạ.

Thầy Trong Suốt: Không bao giờ hết. Đồng ý không? Có phương án cho mình chưa?

BạnđóDạ rồi ạ. Cảm ơn Thầy ạ! (Mọi người vỗ tay)

Q36_Nguoi dang thieu thon

17. Giúp người thân bớt mê tín

Một bạn nam: Em chào Thầy và mọi người ạ! Em xin tự giới thiệu em tên là Quân ạ, em đến từ Long Biên. Hôm nay rất đủ duyên để gặp Thầy ạ. Em bắt đầu nghe Trà đàm trên Facebook từ tháng 8 năm 2017, từ đấy thì những cách suy nghĩ của em trong đời sống cũng có rất nhiều thay đổi.

Em có một câu hỏi muốn hỏi Thầy. Mẹ em tham gia đạo Mẫu, là… đồng bóng gìấy . Nhưng có những việc em thấy chưa được hài lòng. Hay là mình cũng muốn định hướng cho mẹ mình theo một con đường đúng đắn hơn.

Có những việc mẹ em làm rất là mê tín. Mẹ em cũng hiểu về nhân quả… Ví dụ khi em làm việc gì đấy thì mình cũng làm những việc tốt nhất, như tham gia phóng sinh hoặc làm những việc giúp người khác được càng nhiều càng tốt, mặc dù là rất nhỏ. Thế thì khi em thi chuyên khoa 1 – Em là bác sĩ ạ, vâng – thì em thi chuyên khoa 1 xong, học rất là nhiều… xong công việc của em cũng rất thuận lợi. Thì em nghĩ đấy cũng có thể là cái nghiệp của mình. Và có thể nó sẽ đến với mình như thế, nhưng mình không chủ quan.

Nhưng với mẹ em, thì lại rất mê tín bảo là: “Đây là mẹ đi lễ cúng; hoặc là mẹ phải đi theo thầy đấy, thầy cúng cho con rất nhiều, hay là thắp hương ở nhà các cụ rất nhiều”. Hay thậm chí mỗi lần em đi đâu, thi thố chẳng hạn, thì mẹ bảo là “phải thắp hương các cụ, sau đó thì xin âm dương” – ví dụ như thế. Thì em thấy những cái việc đấy, nó không thực sự như mình hiểu về những chân lý của nhà Phật.

Mỗi cái việc làm em thấy khó chịu trong lòng, hoặc là chưa có cách giải quyết? Là mẹ em một năm tham gia 1 đến 2 lần các khóa như mở phủ… chẳng hạn. Mẹ em rất là say sưa trong vấn đề đấy, mặc dù là không có tiền, mà không hiểu cơ bản về đạo Mẫu, hay là về đạo Phật, cho nên đi theo một cái gọi là Thần.

Đấy! Thế thì bây giờ em cũng muốn hỏi Thầy một lời khuyên dành cho mẹ em. Làm thế nào để có những bước chuyển hóa đúng theo con đường mà Phật dạy, không có mê tín quá như vậy? Và xin hỏi Thầy câu nữa là: Nó có ảnh hưởng gì quá đối với mẹ em không?

Thầy Trong Suốt: Về việc đi mở phủ ấy hả?

Bạn Quân: Vâng ạ.  

Thầy Trong Suốt: Mình hiểu đạo Mẫu là đạo được công nhận ở Việt Nam, nó chính thống. Cái gì làm quá thì có vấn đề. Đi theo đạo Phật làm quá cũng có vấn đề, chứ không phải chỉ riêng đạo Mẫu. Vấn đề của mình là bị quá hay không, chứ không phải có theo hay không, đúng không?

Bạn Quân: Vâng ạ.

Thầy Trong Suốt: Ví dụ thế này, nếu mình làm quá lên, mình sẽ bắt đầu bài trừ tất cả những người ăn mặn – thế là bắt đầu có vấn đề rồi, đúng không? Mình quan điểm ăn chay mới đúng, ăn mặn là sai, mình cứ làm quá lên. Trong nhà mình ai ăn mặn, mình coi thường hết, coi thường chả ra gì, thì bắt đầu quá.

Đấy, như vậy vấn đề ở đây là gì, có quá hay không? Quá hay không thì phải xem mẹ em có hạnh phúc hay không. Muốn biết quá hay không thì rất là dễ. Một người mà làm quá thì họ không hạnh phúc và gây đau khổ cho người xung quanh. Đấy, hãy kiểm tra xem mẹ em có không hạnh phúc không? Có gây đau khổ cho người xung quanh không?

Bạn Quân: Em cảm giác khi mẹ em tham gia thì rất thoải mái về tâm lý. Thế nhưng em thấy nó hơi… thái quá. Em ví dụ là bây giờ xin âm dương, hầu như là không ai tin.

Thầy Trong Suốt: Rồi! Như em nói thì mẹ em chưa đến nỗi quá, vẫn hạnh phúc, chưa gây đau khổ cho ai cả, đúng không? Hay chỉ là thiếu trí tuệ mà thôi, chứ không phải mẹ em là người quá bị ấy rồi. Thế thì cách giải quyết nó phải khác. Nếu mẹ em chưa quá thì cách mình không phải là ngăn chặn, cách mình là khuyên nhủ, lấy cái sáng để làm tan cái tối, đấy. Lấy cái sáng để người ta hướng về cái sáng, vì mẹ em chưa đến nỗi tối quá. Nên hãy dùng ánh sáng để chiếu vào bóng tối. Không cần đánh nhau với bóng tối làm gì hết. Bóng tối mãi chỉ là bóng tối thôi. Đấy, mình chỉ cần chiếu ánh sáng vào bóng tối là mất tối ngay.

Trường hợp này của mẹ em là dấu hiệu chưa quá, mà mới đang bị tối thôi, chứ chưa tối quá rồi gây ra chuyện hại mình, hại người. Vì thế nên việc của em là từ từ, bình tĩnh không vội. Bình tĩnh đem ánh sáng chiếu vào cho mẹ, đấy. Thì thế nào là đem ánh sáng chiếu cho mẹ? Ánh sáng ở đây chính là Trí tuệ, hiểu biết đấy. Đấy, hãy cho mẹ hiểu biết, hãy giúp mẹ hiểu biết, giúp cho mẹ cảm thấy rằng trên đời này có thứ hay hơn, đúng hơn cái đó. Đó là quá trình từ từ và dài hạn, có thể 5 năm, 10 năm. Vì suy cho cùng, mẹ em đã làm sao đâu, vẫn đang ổn mà, đúng chưa?

Như vậy em phải có ánh sáng. Muốn đem ánh sáng chiếu vào đâu đó thì phải có ánh sáng trong tay, đúng chưa? Giống như căn phòng tối um ấy, muốn giải quyết bóng tối thì cầm cái nến đem vào là xong. Muốn thế phải có nến, có đèn. Như vậy lời khuyên không phải là dành cho mẹ, mà dành cho em mới đúng. Lời khuyên thực sự dành cho em, em muốn giúp mẹ, cứu mẹ thì em phải cóánh sáng. Em tập có ánh sáng đi! Khi em có ánh sáng, em tự động cảm hóa dần dần. Không làm thay đổi 100% thì ít nhất, ít nhất nhé, cũng làm giảm những cái sai lầm bên kia. Có thể vẫn theo đạo Mẫu, nhưng bắt đầu bớt nghe những cái mê tín. Bớt là được rồi, em chỉ cần mong thế thôi. Còn em càng sáng bao nhiêu, mẹ em càng tin em bấy nhiêu. Càng tin em bao nhiêu thì càng thay đổi mẹ em nhiều bấy nhiêu.

Buổi trước em có thể không tham gia, buổi trước thầy đã nói điều đầu tiên ấy, quan trọng là mình chấp nhận mẹ mình như mẹ là. Chấp nhận mẹ mình đúng như mẹ là, chứ không phải ngồi suốt ngày chê mẹ, phán mẹ thế là không được, không đúng. Mình hãy chấp nhận như mẹ là ừ thì mẹ như thế đấy”, nhưng mà nó chưa đến nỗi nào, nên mình từ từ giải quyết thôi chứ mình không phê phán gì hết. Mẹ đang phán mình, mình phán mẹ thì làm sao mẹ thấy mình là người đáng theo, đúng không?

Ngồi ăn cơm, mẹ nói một câu, mình phán một câu, thì mẹ có theo mình đâu? Vì trong lòng mẹ thấy rằng: “Ừ thằng cu này, nó cũng là kẻ phán xét giống hệt mình thì làm sao mình theo nó được”. Khi nào em thấy thoải mái, vui vẻ, bình tĩnh, chọn lúc phù hợp mới khuyên, lúc không phù hợp không khuyên, lúc cần thiết mới nói, lúc không cần thiết không nói, thì dần dần mẹ em bắt đầu tăng dần tín tâm với em. Thế xong mẹ bảo “Dạo này sao mày thay đổi thế, cách đây 6 tháng, mẹ thấy mày giận sao giờ mày vui vẻ thế?”. Đấy, “À, con theo một con đường mới, con đường có ánh sáng của Trí tuệ, đấy , chứ không phải con đường tối tăm mù mịt của mẹ đâu”(Mọi người cười)

Nói đùa đấy, bỏ câu ấy đi. Ý là nói thế thôi, dần dần mẹ em sẽ không theo đạo, không cải đạo, không cần thiết luôn, mà sẽ cảm cái đúng của em và sẽ làm theo cái đúng. Mẹ sẽ hỏi “cái này làm thế nào hả con?”, đấy. Ví dụ mẹ em muốn xin âm dương thì em sẽ nói rằng gì? “Nhân quả quyết định hết đấy mẹ ạ. Xin được hay không, không quan trọng. Cuối cùng nhân quả là cái quyết định có được hay không”. Đấy, cứ nói nhẹ nhàng thế thôi, 5 lần 7 lượt, mẹ thấy mình từ bi hơn, trí tuệ hơn, mẹ sẽ tin mình hơn là ông thầy kia.

Đấy, em phải bắt đầu từ cái nhỏ nhỏ, bắt đầu chấp nhận mẹ. Mẹ là mẹ như thế đấy. Mình có ngày hôm nay cũng là nhờ mẹ mình sống thế đấy, đúng không? Đấy là một phần làm tinh thần mẹ thoải mái hơn, thì mẹ mới nuôi dạy mình ra người, ra hồn. Chứ mẹ căng thẳng quá, nuôi dạy mình suốt ngày cáu gắt với mình, không nên. Hãy nhìn mẹ với cái nhìn bao dung hơn, chứ đừng ép chuẩn mình vào mẹ. Đừng ép tiêu chuẩn vào mẹ, mình hãy nhìn mẹ bằng cái nhìn bao dung hơn. Và cái lòng bao dung đấy, kèm với Trí tuệ sẽ cảm hóa dần dần mẹ, từ từ.

Q37_Muon giup ng than

18. Có thể tránh sát sinh 100% được không? Trong nhà có kiến, gián thì xử lý thế nào?

Bạn Thành: Chào thầy Trong Suốt, đây là lần thứ hai được gặp Thầy. Hồi trước gặp Thầy cũng lâu lâu, có một cái Trà đàm của CafeF tổ chức.

Thầy Trong Suốt: Lâu lắm rồi, 5 năm rồi nhỉ.

Bạn Thành: Vâng, nhưng mà cũng theo dõi facebook của Thầy. Xin giới thiệu mình tên là Thành, năm nay 49 tuổi, cũng rất tâm đắc với những câu nói trên facebook của Thầy. Nay cũng có nhân duyên được đến nghe Trà đàm của Thầy.

Qua những câu hỏi của mọi người, tôi cũng hiểu ra nhiều điều, thì tôi cũng có một câu hỏi nhỏ thôi, mong Thầy giải thích. Lúc nãy có một bạn nói về vấn đề sát sinh, thì ví dụ những người nông dân, họ bảo là “Công việc làm ăn của tôi là trồng rau, thế nếu mà không phun thuốc trừ sâu thì rau sẽ bị sâu và không bán được”. Ví dụ như vậy thì phải làm thế nào?

Hoặc như trường hợp của bạn vừa rồi, bác sĩ chẳng hạn,thì bạn ấy cũng phải sát trùng các thứ. Hay ở nhà mình bây giờ kiến, gián thì cũng không giết nó,nhưng ví dụ như mình thấy một đàn kiến ở trong nhà tắm chẳng hạn, thì mình không biết làm cách nào để có thể giúp nó không bị chết. Ví dụ người nào đó, hoặc người nhà dội một gáo nước thì nó có thể bị chết. Thì trong những trường hợp như thế, Thầy có thể cho những lời khuyên giúp được không? Cảm ơn Thầy!

Thầy Trong Suốt: Muốn nghe câu trả lời tuyệt đối hay tương đối, 98% hay 100%?

Bạn Thành: 100% ạ.

Thầy Trong Suốt: 100% thì khó đấy, khó làm đấy, 98% trước nhé. Mình có cái thân mạng này – tự nó, nó phải sát sinh. Thân mạng này, tự nó duy trì thân mạng này, nó đã liên quan đến sát sinh rồi. Ví dụ nhé, mình có di chuyển không, hay là ngồi một chỗ, có không? Di chuyển một phát là chân mình dẫm là rất nhiều con ra đi rồi. Mình có ăn uống gì để sống không, hay là ngồi không cần ăn gì? Có chứ đúng không? Ăn một phát là gì, nó có là sinh vật, vi sinh vật chết hết mà.

Nên cái việc duy trì thân mạng này, bản chất trong vòng luân hồi, cõi người đấy, cái việc duy trì thân mạng này, bản chất nó đã phải liên quan đến sát sinh rồi. Không cách nào khác, không có một lựa chọn nào luôn. Đấy, để hiểu đấy, nên bảo là tránh sát sinh một cách tuyệt đối, có ai làm được không?

Ở Ấn Độ có một đạo gọi là đạo Jaina, thầy đi qua, họ cầm một cái chổi quét, đi đâu quét đến đấy, trước mặt để không con nào bị dẫm chết. Nhưng hỏi thật sự không có con nào bị dẫm chết không? Quét cũng giết, mà dẫm cũng chết, đúng chưa? Vì sao mà hết được, vì sao mà thế được? Nên là gì? Mình không bao giờ có thể tránh sát sinh 100% được. Nhưng mà để tránh, mình tránh được việc cố tình giết hại, mình tránh được rất nhiều, rất nhiều, đấy.

Rất nhiều chứ không phải hết được, vì đi là chết mà. Nhưng mà mình khởi tâm giết hại và thực hiện hành động giết hại, cái đấy mình tránh được. Đấy, cái mình cần tránh đấy, khởi tâm giết hại chúng sinh và làm hành động gây hại chúng sinh. Ví dụ nhé, mình tắm mà mình không biết có một đàn kiến đi qua trôi sạch, thì đấy là mình không khởi tâm giết hại – Tạm chấp nhận được. Tất nhiên đấy không phải là nghiệp tốt, vẫn là nghiệp xấu, nhưng tạm chấp nhận được.

Ngược lại, mình thấy đàn kiến bò đi bò lại trước mặt, trông ngứa mắt, một phát cho gáo nước, đấy là khởi tâm giết hại – Cái đấy phải tránh. Thế thôi! Mình không khởi tâm giết hại, tối thiểu là không khởi tâm giết hại, đấy. Thế thì có nhiều cách tránh lắm, ví dụ như là mình không tắm nữa, xong. Cái đạo Jaina đấy là họ không tắm luôn, đúng theo nghĩa đen luôn, không tắm. Đã thế mình không tắm nữa, đỡ hại con nào, không tắm nữa. Thôi, cứ trần truồng luôn không mặc đồ trên người nữa, trần truồng luôn, càng cao cấp thì càng ít mặc quần áo, đấy. Giáo chủ là không mặc gì (Mọi người cười) còn dưới cấp một tí là đóng khố này, dưới nữa là mặc áo trên người v.v…

Nhưng mà nói thế thôi, nói thế là rất tương đối thôi. Vấn đề của mình là đừng có khởi cái tâm đấy, mà nếu khởi tâm đấy thì dẹp đi, sửa đi. Vào cuộc sống thì thiên biến vạn hóa. Ví dụ bồn tắm nhà thầy có kiến đúng không? Nhà thầy đi, đương nhiên, thầy không tắm hôm đấy. Tìm cách nào đấy để cho đàn kiến đi chỗ khác, thì bắt hết có thể trong khả năng của mình, thiếu gì cách nếu chịu khó, nào là bôi thuốc, nào là… thiếu gì cách. Chứ mình không can tâm là đổ nước lên người nó luôn, không muốn khởi tâm giết nó.

Q38_Cai minh can tranh

Thế còn câu khỏi khó hơn nữa, người nông dân họ phải phun thuốc trừ sâu, đúng chưa? Nếu người nông dân nào mà có tin nhân quả ấy, thầy khuyên luôn là đừng làm nghề đấy nữa. Thật sự đấy, tại sao mình biết phun thuốc giết người, giết con vật, mình phải làm làm gì?Tìm cách trồng hoặc cách nào đó không cần phải phun thuốc, tìm một cách nào đó, hoặc bỏ hẳn nghề nếu như không có cách nào khác, tìm cách nào đó để không phải phun thuốc nữa.

Còn nếu những người nào không thể nào tránh nổi chuyện ấy, thì có phương án. Phật kể lại câu chuyện là khi Phật với ngồi với cả 500 đệ tử A la hán. Đệ tử mới hỏi là “Nhân gì, duyên gì mà Phật giảng pháp cho chúng con, làm chúng con giác ngộ?”. Phật bảo “Vì trước đây một đời ta đã từng là thợ săn để nuôi mẹ già và kiếm sống, không thể tránh được việc vào rừng sát sinh, không tránh nổi luôn. Thời xưa ta có khởi tâm là gì? Vì nuôi thân mạng này để tu hành nên tôi phải giết các bạn. Tôi thề sau này tôi sẽ tìm mọi cách, lăn lộn luân hồi để cứu các bạn bằng được”. Và vì cái lời nguyện đó của Phật mà 500 con thú bị giết thành 500 vị A la hán ngồi trước mặt thầy.

Thế nếu mình không có cách nào tránh được thì mình nên phát một lời nguyện tương tự như vậy – “Để nuôi cái thân mạng này, tôi không tránh được sát sinh hoàn toàn. Vì vậy tôi quyết tâm là gì? Tôi sẽ giác ngộ, hoặc là lăn lộn luân hồi để cứu từng con vật mà tôi giết đến giác ngộ thì thôi”. Đấy, đấy là một cách tạm chấp nhận được, có thể làm được. Nếu em buộc phải làm thì em có thể phát một lời nguyện như vậy. Đấy!

Cách tốt nhất vẫn là gì? Tìm cái cách mà không phải sát sinh, tìm cách sống mà không phải cố tình sát hại sinh mạng người khác. Kiểu gì cũng có, nếu mình quyết tâm thì kiểu gì cũng có, gõ cửa thì cửa sẽ mở, đấy. Còn nếu mình đã không quyết tâm thì mình sẽ có hàng tỷ lý do để mình phải giết, đúng chưa? Nên thế là do tâm của người đấy, chứ không phải do hoàn cảnh đâu.

Đấy, còn nếu hoàn cảnh giống như Phật câu chuyện đấy thì phát tâm, phát Bồ đề tâm giác ngộ và cứu người khác đi. Thế là đủ để em áp dụng trong cuộc sống rồi. Còn những người không tin vào lời thầy nói, thì áp dụng thế nào, đúng không? Nghiệp của họ là sát sinh rồi thì mình phải chấp nhận. Khi đấy bài học của mình là chấp nhận. Thế giới này nó thiên biến vạn hóa, đủ các loại người, đủ cách sống, mình không cần bắt được thế giới phải như ý mình được. Mình hãy làm người gieo nhân tốt trong cái biển nhân quả trùng trùng đấy. Chứ mình không thể ép mọi người theo ý mình, không ép nổi. Và như vậy mình sống rất là tự do, thoải mái không đến nỗi là suốt ngày cay đắng. Đấy, thì đấy là cách em có thể sống trong đời này như vậy. Em hiểu rõ chưa?

Bạn Thành: Vâng ạ, con cảm ơn thầy. (Mọi người vỗ tay) Đấy, con làm, con cũng hiểu là ví dụ là con có thể sang phòng khác để tắm. Nhưng có cái mình phải để ý, chẳng hạn như là vợ hay con mình thì kiểu gì cũng sẽ có người tắm, nên là chắc chắn nó sẽ bị chết. Thì có một cách nào đấy để có thể xử lý không ạ?

Thầy Trong Suốt: Có đấy, mình có thể nói chuyện, cầu nguyện rất là quan trọng. Cầu nguyện nó đi chỗ khác. Mọi người đừng cười. Sự thật là nhà thầy, vợ thầy cầu nguyện xong, nó đi chỗ khác mấy lần, n lần, đúng không nhỉ? Vợ thầy có đây không nhỉ? Đấy, vợ thầy đây này, đấy! Đúng không vợ? Cho vợ thầy nói mấy câu chia sẻ kinh nghiệm, ở đây rất nhiều người chứ không phải vợ thầy đâu. Những người thầy bày cho ấy, vợ thầy chỉ là người đầu tiên thôi, còn có rất nhiều bạn mà thầy bày cho xong đi thật, nào là kiến nào là chuột đi hết.

Mỹ Nhân: À à, kể chuyện con chuột. Hồi xưa mình ở chung cư ấy, thì ở đó rất là sập sệ, hồi đó mình ở Sài Gòn. Chuột chạy khủng khiếp luôn, nhà nào cũng có chuột hết. Thì nhà mình, chuột nó cứ vô tủ đẻ con, rồi cắn áo quần, nhưng mà chẳng bao giờ mình giết hết. 2 lần như thế mình cũng đem ra ngoài trước cửa nhà ấy, xong mình nói là “Các em hãy đi đi!” và cầu nguyện cho nó. Và nói là mẹ nó đến và dẫn nó đi đi, và mình vẫn theo dõi, vô xong lúc sau ra là thấy đi hết.

Thì khoảng một thời gian sau cũng một bầy nữa vào trong tủ, ngày nào nó cũng phá, phá, phá dễ sợ luôn. Rồi nó lại đẻ, rồi nó cắn áo quần của mình. Thế nhưng mình vẫn không giết, vẫn đem ra ngoài vẫn cầu nguyện cho nó đi, vẫn cầu nguyện là mình sẽ giúp nó A, B, C gì đó, giống như Sư phụ nói. Và sau cái lần đó không còn con chuột nào trong nhà nữa, trong nhà không hề có. Nhà bên cạnh vẫn rất là nhiều chuột, nhưng nhà mình không còn chuột nữa luôn. Không có con nào chạy trong nhà, hay là bò, hay là cắn áo quần, từ đó là không thấy luôn.

Cầu nguyện tức là, khi mình đưa nó ra ngoài thì mình nói nó là: Bảo mẹ nó tới đưa nó đi, “đừng có phá chị như thế này nữa, chị nguyện là sẽ tu hành, để tu hành xong chị sẽ quay lại chị giúp các em”. Thì mình đưa nó ra ngoài rồi mình cũng để lót cho nó nằm, thế rồi lúc sau ra, mẹ nó bồng nó đi thật, đi hết. 2 lần như thế luôn. Sau nhà không còn chuột nữa, mặc dù ở cái chung cư rất là sập sệ, nhà người ta có chuột rầm rầm. (Mọi người vỗ tay)

Thầy Trong Suốt: Nhiều lắm, vì mình chưa làm mình chưa tin thôi, chứ thầy đã bày cho nhiều người lắm rồi. Cầu nguyện, sức mạnh của sự cầu nguyện. Sau này em sẽ hiểu là thế giới này là do tâm em tạo ra, nên sự cầu nguyện của em tác động trực tiếp đến thế giới này luôn. Chứ còn không phải cầu nguyện cho vui, hay là cho mê tín, không phải vậy đâu. Cầu nguyện với một tâm từ bi, tâm lòng thành và lòng tốt thì nó sẽ có sự linh ứng kỳ diệu. Cách thứ hai là mua những lọ thuốc bôi này, bôi kia cho nó khỏi đến, nó không đến mà. Đơn giản hơn, vật lý hơn nữa là bôi thuốc, thiếu gì thuốc để cho nó khỏi đến. Chịu khó tìm hiểu là ra ngay ấy mà.

Bạn Thành: Cho mình hỏi thêm một câu nữa là Thầy có nói là mẹ của Thầy bây giờ ấy, 13 đời trước cũng là mẹ Thầy, thì cái đấy thì chứng nghiệm…

Thầy Trong Suốt: (Cười) Cái đấy ấy hả? Cái đấy thì hỏi, có người trả lời hộ, thế là xong. Tò mò quá xong mình đi hỏi, có ông trả lời đấy, thế thôi. Chẳng chứng nghiệm gì hết, thỏa mãn chưa? (Thầy cười) Thế thôi!

19. Sống ngày nay biết ngày nay

Bạn Huyên: Dạ em chào Thầy ạ. Em tên là Huyên, ở Hà Nội. Em có một câu hỏi em khá là tò mò. Thầy có chia sẻ là các học trò của Thầy đều từng có những mối nhân duyên nhất định với Thầy, ví dụ như là người yêu, hoặc là mẹ, hoặc là gì đấy, từ các kiếp trước. Thì em rất tò mò là tại thời điểm nào, như thế nào mà Thầy nhận ra được những việc như thế? Và cái cách đấy người khác có thể áp dụng để nghĩ được hay không? Em cảm ơn ạ!

Thầy Trong Suốt: (Cười) Đã nói rồi còn gì nữa, đi hỏi mà, thế thôi, đi hỏi thôi. Em quen ai có khả năng đi hỏi là xong.

Bạn đó: Em hỏi Thầy luôn.

Thầy Trong Suốt: Thầy chả biết được đâu, phải đi hỏi người khác, sao mà biết được. Nói đùa thôi, không quan trọng. Kiếp trước có là cái gì đi nữa thì kiếp này có cái thân thể này, mình đang sống ở thế giới này, mình vẫn đang vô minh thế này, đúng không? Quan trọng là mình sửa cái vô minh hiện giờ, chứ biết kiếp trước mình là ai có giải quyết gì đâu?

Thầy quen những ông biết hàng trăm kiếp trước mà ông còn gặp chuyện trong cuộc sống, nên không quan trọng. Biết hàng trăm kiếp trước thì không thể biết kiếp 101, không hiểu biết gặp chuyện như thường. Nên là không vấn đề gì, 500 kiếp biết không giải quyết vấn đề gì. Quan trọng là sự giác ngộ, hiểu biết sự thật, không bị lừa nữa. Và kiếp trước em có là cái gì đi nữa thì em cũng là cái người này, em cũng có cái vô minh hiện giờ, em phải giải quyết nó đi, đúng chưa? Đấy, lời khuyên thực sự đấy, chứ đừng quan tâm chuyện đời trước mình là cái gì.

Ngược lại, những người quan tâm đời trước mình là cái gì thường là những người mãi mãi không giải quyết được ngã chấp, vì luôn luôn tin rằng mình đã từng là cái gì đó rất đặc biệt, thế là không giải quyết được việc là không có cái tôi nào. Ai có kiếp trước? Chỉ là nói cho nó vui thế thôi. Vì thế nên thầy khuyên các em là đừng quan tâm làm gì “Sống ngày nay biết ngày nay” thơ của thiền sư Việt Nam. “Còn trăm năm trước bố ai hay làm gì” Đấy! (Mọi người cười) Thiền sư nào không nhớ tên, nhưng có câu thơ như thế “Sống ngày nay biết ngày nay, còn trăm năm trước…, bỏ chữ bố đi, “… ai hay làm gì”