Hỏi đáp thực hành trong cuộc sống (Đà Nẵng- 13/2/2018)

Những câu hỏi thực tiễn liên quan đến sức khoẻ, nuôi dạy con, đối diện với mâu thuẫn trong gia đình, sống trong môi trường và thực phẩm độc hại… đã được Thầy Trong Suốt giải đáp thấu đáo trong một buổi Trà đàm chiều 30 Tết.

1. Bệnh tật do cái gì gây ra?

Một bạn nam: Dạ, em xin chào Thầy, em là Huy, năm nay 32 tuổi, kinh doanh tự do, một vợ và một con nhỏ hai tuổi ạ. Trong năm vừa qua em xem hai câu chuyện bi kịch về những người thành công. Câu chuyện thứ nhất về một cô gái khởi nghiệp thành công và phát hiện mình mắc bệnh ung thư, qua chương trình Wechoice của Thầy. Và câu chuyện thứ hai là của một bác sỹ ở đỉnh cao của sự nghiệp, chuyên đi cứu người nhưng cuối cùng không cứu được chính mình, ông ấy bị ung thư và qua đời ở tuổi 37. Ông ấy viết cuốn sách “Khi hơi thở hoá thinh không”. 

Câu hỏi của em liên quan đến sức khoẻ và bệnh tật. Thứ nhất về tâm linh: Có phải bệnh là do nghiệp mà ra? Và có phương pháp nào để tiêu trừ nghiệp mà không bị bệnh ung thư như vậy không?

Thầy Trong Suốt: Tất cả bệnh tật, rủi ro, tai nạn, bị lừa lọc, bị đối xử tệ… đều do chúng ta đã từng làm hại đến sức khoẻ, tinh thần của chúng sinh khác. Khi chúng ta làm hại sức khoẻ, hoặc tinh thần của một chúng sinh khác thì nghiệp xấu đến với chúng ta.

Ví dụ, mình đánh đập con vật khác, hoặc mình quát mắng một người khác. Quát mắng ảnh hưởng đến tinh thần của họ, hoặc đánh đập ảnh hưởng đến sức khoẻ của họ. Thì đánh đập, hoặc quát mắng ấy sẽ gây bệnh cho chúng ta, biến thành nghiệp xấu như vậy. Bệnh do nghiệp mà sinh. Những nghiệp chúng ta gây ra rồi thì không thể nào mà sửa được, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể làm những điều tốt mới.

Có câu nói là: “Nghiệp xấu giống như những cơn sóng biển, còn nghiệp tốt giống như bức tường”. Giả sử chúng ta đang ở trên một hòn đảo, nếu không có bức tường chắn mà cơn sóng thần đến là quét sạch. Nhưng nếu chúng ta xây những bức tường càng cao thì khả năng bị sóng cuốn càng thấp đi. Đấy, những nghiệp xấu mà chúng ta đã làm như sóng biển, còn nghiệp tốt chúng ta tạo ra hiện nay thì giống như bức tường. Nếu chúng ta chịu khó xây tường thì có thể đỡ bị sóng. Trong lịch sử có nhiều người ung thư mà chữa khỏi, hoặc bị ung thư mà sống rất lâu, thì chúng ta phải biết cách xây dựng nghiệp tốt. Và nói chung là nghiệp xấu thì không ai biết nó nhiều từng nào hết. Ở đây không ai biết là mình đã từng gây ra bao nhiêu nghiệp xấu, đúng không? Đã từng trong đời này hoặc các đời trước, đánh đập bao nhiêu người, giết bao nhiêu con vật, mắng chửi bao nhiêu người… Không ai biết hết!

Vì không biết nên là chúng ta phải có thói quen mới là gì?

Nghiệp xấu cũ thì không biết là bao nhiêu, vậy nghiệp tốt mới chúng ta phải thường xuyên xây dựng hay là thường xuyên phá huỷ? Thường xuyên xây dựng. Phải làm nó như là một thói quen xây dựng nghiệp tốt, giống như xây tường ấy. Sóng thần thì không biết khi nào mò đến, ập đến bất kỳ lúc nào. Tốt nhất chúng ta nên xây bức tường nghiệp tốt liên tục, chứ đừng đợi khi nào bệnh ung thư mới xây thì đã quá muộn.

Có rất nhiều cách để xây dựng nghiệp tốt. Điểm căn bản của tất cả các cách đấy là gì? Là muốn làm điều tốt hoặc thực sự làm điều tốt. Ưu tiên việc mình muốn làm điều tốt cho người khác một cách thực tâm. Thậm chí chúng ta chỉ cần là: không cần phải hành động vội, mà chỉ cần cầu chúc, chỉ cần hoan hỷ khi người khác hạnh phúc – là chúng ta có nghiệp tốt. Ví dụ người ta có được niềm vui trong cuộc sống, một giải thưởng, hay một buổi tiệc sinh nhật… tóm lại bất kỳ cái gì mà người ta hạnh phúc, mình hoan hỷ thì cũng là một nghiệp tốt. Như vậy, mình có thể làm điều tốt cho người khác, hoặc chúc điều tốt cho người khác, hoặc hoan hỷ khi thấy người khác hạnh phúc đều là nghiệp tốt.

Nếu nghiệp xấu là làm hại đến sức khoẻ, tinh thần, thì nghiệp tốt là làm gì? Làm lợi về sức khoẻ, làm lợi về tinh thần thì có lợi không? Ví dụ, thấy họ đang sợ hãi thì đến khuyên bảo, vỗ vai nói Không sao đâu!”. Một người đang rất sợ, thấy con gián chạy qua, co rúm người, hét tướng lên. Thế là mình đến vỗ vai bảo là: “Không sao đâu, không sao đâu! Vấn đề cùng lắm là…”, cùng lắm là gì nhỉ? “Đừng lo, có tớ đây rồi! Cậu yên tâm, đừng sợ gián! Có tớ đây rồi, có gì tớ đập nó chết luôn.” (Mọi người cười)

Đấy là nghiệp tốt hay xấu? (Nhiều bạn: Nghiệp xấu!) Tốt cho người mà xấu cho gián thì thôi! “Có gì tớ sẽ hét cùng cậu!” – Đấy, thì được – “Ta cùng hét cho vui!”,  cùng hét vì hoảng sợ ấy.

Tóm lại, nếu chúng ta có thói quen làm lợi về sức khoẻ hoặc tinh thần cho người khác một cách tự nhiên và liên tục thì chúng ta sẽ tự xây dựng bức tường nghiệp tốt rất nhanh và giảm bớt tác hại của nghiệp xấu đi.

Cách rất dễ là chúng ta có thể chúc thầm. Thấy ai mình cũng chúc một câu: “Chúc anh, chúc chị, chúc bạn mạnh khoẻ, giàu có, hạnh phúc và giác ngộ”. Những điều mình muốn thì mình chúc cho họ, nhưng mình không quên chúc cho họ giác ngộ. Vì nếu chúc được họ giác ngộ thì giác ngộ là hạnh phúc lớn nhất của mỗi người. Hạnh phúc một cách bền vững, không bị mất. Còn hạnh phúc kia là tương đối, như là mạnh khoẻ, giàu có, may mắn thì nó cũng chỉ đến một lúc thôi.

Nên chúc thầm cũng là một thói quen tốt. Chúng ta có một thói quen chúc thầm liên tục, chúc bí mật đấy, thì chúng ta xây dựng cho mình một kho nghiệp tốt liên tục. Quan trọng hơn là tâm chúng ta, khi mà chúng ta mong muốn điều tốt cho người khác thì tâm chúng ta tự thấy bình an hơn nhiều.

Ví dụ thế này nhé. Mình ra chợ mua bán xong bị mua hớ, ví dụ quả này là quả gì nhỉ?

Mọi người: Anh đào. Năm trăm ngàn/1 kg.

Thầy Trong Suốt: Năm trăm ngàn/1kg – Thế là mình mua, mình hỏi bao nhiêu, họ bảo tám trăm. Mình cứ nghĩ giá nó là tám trăm, thế là mua, xong. Mua xong về khoe mẹ là Hôm nay con mua anh đào tám trăm ngàn/kg”. Thế là mẹ bảo: “Thôi chết rồi con ơi, mày dại rồi con ơi, giá chợ đen chỉ có năm trăm ngàn thôi con ơi!”. Lúc đấy có hai lựa chọn: Một là, hậm hực, tức tối với người ấy: “À, mày lừa tao! Nó lừa mình!”; Lựa chọn thứ hai là, vui mừng. Vì sao lại vui mừng?

Thứ nhất là, mình bớt nghiệp xấu, đúng không? Vì bị mua hớ là bớt nghiệp xấu rồi.

Thứ hai là, vui mừng vì có một người có tiền, có một người có thêm mấy trăm nghìn.

Đây là điều thầy thường xuyên làm, vui mừng vì thầy hay bị lừa mà, (Mọi người cười) tin người ấy. Bây giờ thì đỡ chứ hồi xưa dại lắm! Tin người hay bị lừa. Mình vui mừng vì họ có ba trăm ngàn. Ba trăm ngàn có thể giải quyết vấn đề gì đó cho họ. Đấy, mình vui mừng khi nghĩ đến chuyện mình mất và có người được. Mình vui vì họ được, mình thoải mái ngay, thấy lòng nhẹ bẫng ngay. Khi mình bị bạn lừa, bị người khác lợi dụng, mình nghĩ ngược lại là: Có một người được cái gì đó thêm”. Mình nghĩ mình bị mất là mình khổ. Mình nghĩ là: “À, anh ấy có thêm ba trăm ngàn để tiêu, để sống”, thế là mình thấy vui vẻ, đấy!

Như ví dụ của thầy vừa xong, không bao giờ mình sợ mua đắt. Tất nhiên không ai muốn bị mua đắt cái gì cả, nhưng lúc mình có mua đắt ấy, thì cũng chẳng sao, vì có một người thêm tiền. Mình vui vẻ với hạnh phúc của họ, mình được trả nghiệp xấu. Họ có thêm tiền để tiêu, để sống. Tuy nhiên mình vẫn phải chúc cho họ giác ngộ, bởi vì về nhân quả mà nói nếu họ thực sự lừa mình thì họ sẽ phải chịu nghiệp xấu. Mình nói là mình vui vẻ thôi, nhưng đấy là trường hợp họ không làm việc quá xấu với mình, như họ bán lãi hơn, mình thiệt hơn – OK, được! Việc ấy được, mình vui vẻ được. Chứ nếu họ thực sự làm điều xấu với mình thì mình chẳng thể vui cho họ được, vì họ gây nghiệp xấu mà. Mình chúc họ giác ngộ để họ thoát được nghiệp xấu ấy.

Còn ví dụ nếu người ta lãi được ít, mình mất một ít ấy – rất dễ áp dụng trong cuộc sống. Đến bị lừa thì hơi khó rồi. Nhưng khi mình bị mua đắt cái gì đấy, như quả anh đào là ví dụ đấy, thì họ lãi, mình vui vẻ có vấn đề gì đâu. Những thói quen như vậy nó làm tâm mình rất bình an.

Đấy có lẽ là cái tuyệt vời nhất – Nghiệp tốt thì chưa biết đến từ đâu và bao giờ nó đến, nó biểu hiện như thế nào, nhưng mà rõ ràng, lòng mình hạnh phúc, mình thấy ngay rồi. Khi giúp người khác hạnh phúc thì mình có loại hạnh phúc sâu thẳm – hạnh phúc vô ngã, hạnh phúc vì người khác hạnh phúc. Hạnh phúc của vị tha, hạnh phúc rất sâu thẳm, rất bền vững. Còn những hạnh phúc chỉ cho riêng mình thì sẽ nhanh chóng mất đi, hoặc là mình lại thiếu.

Khi mong muốn điều tốt cho người khác thì tâm chúng ta tự thấy bình an hơn nhiều.

Khi giúp người khác hạnh phúc thì mình có loại hạnh phúc sâu thẳm, bền vững – hạnh phúc vô ngã, hạnh phúc vì người khác hạnh phúc.

Nhà Phật có câu là: “Mọi loại đau khổ trên đời này đều đến từ việc chỉ nghĩ cho hạnh phúc của mình. Mọi hạnh phúc trên đời này đều đến từ việc nghĩ cho hạnh phúc của người khác”.

Nếu mình chỉ lo nghĩ cho hạnh phúc của mình thì khổ là chắc. Mình sẽ làm những điều hại những thứ xung quanh. Thứ hai là, kể cả mình không làm hại những thứ xung quanh thì trong tâm mình lúc nào chỉ có tôi, tôi, tôi. Nên cái tôi bị động vào là đau đớn ngay. Ví dụ hai vợ chồng cãi nhau, ai cũng nghĩ cho hạnh phúc của mình, thì khổ không? Quá khổ chứ còn gì nữa! Ai cũng nghĩ đến hạnh phúc của mình thì khổ. Còn nếu người này chịu nghĩ cho người kia, cả hai cùng nghĩ cho nhau thì đôi khi chẳng muốn cãi nhau nữa, hạnh phúc bắt đầu đến. Đôi khi là mình nhường nhịn, đôi khi là mình bỏ qua, bao dung. Tóm lại là không cần phải cãi nhau nữa vì mình nghĩ cho hạnh phúc của người khác. Còn nghĩ hạnh phúc cho riêng mình thì sẽ mãi mãi không bao giờ thấy đủ cả, chẳng bao giờ thấy mình có đủ. Đã có nhà rồi thì muốn nhà đẹp hơn, mua được xe thì muốn xe tử tế hơn, đã được tôn trọng rồi lại muốn được tôn trọng hơn nữa, đã có tiếng tăm rồi lại muốn tiếng tăm nhiều hơn, chẳng bao giờ dừng lại được. Đấy, nếu chỉ nghĩ hạnh phúc cho riêng mình thì khổ.

Thế nên để hết bệnh hay để ít bệnh, tốt nhất nên có thói quen đơn giản là gì? Rất dễ, cực kỳ đơn giản – Hãy nghĩ về hạnh phúc cho người khác! “Người” ở đây là người hay con vật đều giống nhau hết. Gọi là “người khác” không thiếu mà bao gồm cả những con vật. Tập thói quen nghĩ về hạnh phúc cho người khác, tự nhiên mình chẳng cần phải làm gì, tự nhiên những hành động, lời nói của mình dần dần sẽ mang tới nghiệp tốt, tránh những nghiệp xấu. 

Nên trong thời đại này nếu hỏi: “Làm thế nào để giảm bớt những nghiệp xấu, tăng trưởng những nghiệp tốt, giảm bớt bệnh tật thì phải làm gì?”

Câu trả lời đơn giản: Hãy thường xuyên nghĩ về hạnh phúc cho người khác! Thế là mình được cả thân tâm an lạc, đúng không? Được cả vô vàn nghiệp tốt, mình sẽ làm, và tất nhiên là sẽ bớt bệnh tật đi. Dễ chưa? Hoá ra để hạnh phúc và khoẻ mạnh chỉ cần nhớ một chìa khoá nhỏ: Hãy thường xuyên nghĩ về hạnh phúc cho người khác”. Thế thôi!

Ví dụ, trong phòng nóng mình bật quạt lên, mình phải quan tâm xem người ta có bị lạnh không, chứ đừng chỉ nghĩ là mình nóng quá thì mình bật. Nhỏ thôi mà! Nếu mà mình thường xuyên nghĩ về hạnh phúc cho người khác thì từng hành động nhỏ của mình đều có sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác. Đấy! Tình huống bật quạt cũng nghĩ đến làm người khác có lạnh không? Nếu vào phòng thấy mọi người ngồi trong tối, mình bật đèn lên cho sáng – là nghĩ đến hạnh phúc cho người khác đấy!

Trà đàm muộn quá, thôi mọi người về đi không lại đói. Đấy, những trường hợp như thế…

Tập dần thói quen – đấy là thói quen mà ai cũng có thể vun trồng được, thói quen thường xuyên nghĩ về hạnh phúc cho người khác. Vì khi mình nghĩ rồi mình sẽ làm, nên là mình nên tập thói quen đấy – Đó là thói quen để phòng tránh bệnh tật trong thời đại này. Là gì? Lá cờ thêu 9 chữ vàng: “Thường xuyên nghĩ về hạnh phúc cho người khác”.

Thường xuyên nghĩ về hạnh phúc cho người khác.

Mọi loại đau khổ trên đời này đều đến từ việc chỉ nghĩ cho hạnh phúc của riêng mình. 

Mọi hạnh phúc trên đời này đều đến từ việc nghĩ cho hạnh phúc của người khác.

 

Ngày xưa, mọi người biết truyện lá cờ thêu 8 chữ vàng không?

Một bạn nam: Trần Quốc Toản.

Thầy Trong Suốt: Trần Quốc Toản, đồng ý. Có biết 6 chữ vàng: “Phá cường địch, báo hoàng ân”. (Nhiều bạn đọc theo) Đấy! Bây giờ qua thời đấy rồi, bây giờ nhiều lụa, nhiều chỉ hơn thêu hẳn 9 chữ cho oách, đúng không? 9 chữ gì – “THƯỜNG XUYÊN NGHĨ VỀ HẠNH PHÚC CHO NGƯỜI KHÁC”.

Thầy cũng sống theo kiểu đấy từ trước. Lúc mình không sống, không nghĩ như thế mình rất là khổ, mình bị phá sản này, bị thất tình này, mình bị coi thường. Khi mình nghĩ hạnh phúc cho riêng mình ấy, hoá ra mình mất, mất cả tình lẫn tiền, lẫn cả danh dự. Thầy đã từng trải qua giai đoạn như vậy. Tình cũng mất, tiền cũng mất, danh dự cũng mất.

Sau này, khi mình nghĩ lại, tại sao mình mất? Rõ ràng mình đâu phải người kém thông minh, mình cũng khá phết ấy chứ, đâu đến nỗi nào. Thế thì mình nhận ra là gì? Trong tình yêu, mình thường xuyên chỉ nghĩ về hạnh phúc cho mình thôi, người kia mình cũng nghĩ, nhưng mà nghĩ sau mình. Trong kinh doanh cũng thế, mình thường xuyên nghĩ về mối lợi của mình, mình ít nghĩ về mối lợi cho người khác. Trong khi bản chất kinh doanh, muốn kinh doanh bền vững thì mình phải thường xuyên nghĩ về mối lợi cho người khác. Người khác ở đây có thể là đối tác, là khách hàng của mình. Còn khi mình dịch chuyển sang đoạn chỉ nghĩ cho mình là dấu hiệu mình sắp bị phá sản rồi, sắp mất rồi. Thế sau mình khôn hơn, hiểu biết hơn thì trong tình cảm, mình nghĩ cho người khác trước, trong kinh doanh mình nghĩ làm thế nào để cả hai cùng được. Đấy, dần dần tình cũng không mất, tiền không mất, mà được cả hai.

Thế nên, thói quen thường xuyên nghĩ về hạnh phúc cho người khác là rất tốt trong cả đời lẫn đạo. Trong đạo là đương nhiên rồi, trong đạo thì thói quen đấy làm cho người ta giảm cái ngã chấp đi, giảm thói quen quy ngã. Quy ngã tức là mọi thứ hướng về tôi. Và người ta trở nên có thói quen từ bi, sống hoà đồng với tất cả mọi thứ, mọi người, mọi vật. Cái tôi nó yếu đi. Nên đấy là điều rất quan trọng – Thường xuyên nghĩ về hạnh phúc cho người khác – tránh bệnh tật, tránh rủi ro, tránh mất tiền, tránh mất bạn, tránh mất tình cảm và có được mọi thứ.

2. Sống thế nào trong thời đại môi trường ô nhiễm và thực phẩm bẩn?

Bạn nam: Câu hỏi thứ hai là, trong thời đại thực phẩm bẩn và môi trường sống ô nhiễm thế này thì mình ăn uống, hít thở, tập luyện như thế nào để mình vẫn đảm bảo sự nghiệp mà vẫn có sức khoẻ? Em xin hết.

Thầy Trong Suốt: Đã là thời thực phẩm bẩn thì tránh cũng chẳng tránh được. Không khí, em tránh được không? Em biết ô nhiễm nhất Việt Nam là thành phố nào không? Hà Nội và Sài Gòn, Hà Nội hơn chút. Ngày xưa Bắc Kinh là nhất Châu Á, bây giờ Hà Nội là nhất Châu Á.

Khi thầy sang Bắc Kinh, cách đây khoảng một năm, trời rất lạnh, có rất nhiều tuyết. Mình cứ tưởng cái trắng trắng rơi xuống là tuyết. Mọi người ra đường ai cũng bịt khẩu trang hết, mình mới bảo: “Ô, sao tuyết rơi đẹp thế này mà lại bịt khẩu trang?”. Ông bạn bảo: “Đây không phải là tuyết. Đây là những chất thải công nghiệp. Trời mùa đông lạnh quá nó từ trên trời rơi xuống”. Quá ghê luôn! Nó là bẩn nhất châu Á. Bây giờ sang thì đỡ hơn rồi, nhưng mà có giai đoạn như vậy. Thì Hà Nội bây giờ bắt đầu vào giai đoạn như thế.

Có cái app Air Visual, mình bật cái app đấy lên thì thấy Hà Nội lúc nào cũng đỏ quạch, Sài Gòn thì lúc đỏ lúc vàng, Bắc Kinh thì đỡ hơn. Đấy, mình ô nhiễm hơn, tối thiểu là hai thành phố ở Việt Nam ô nhiễm hơn Bắc Kinh. Nhưng mình sống ở Việt Nam, tránh thế nào được? Sống ở Việt Nam thì tránh thế nào được thực phẩm bẩn? Sự thật mà! Bởi vì những người trồng trọt, có bao nhiêu người có ý thức đâu, ít lắm. Rất ít người có ý thức. Kể cả nhà có người ung thư rồi cũng không có ý thức, họ vẫn cầm bình thuốc sâu, phụt ầm ầm. Xong rồi bán cho mọi người ăn đấy.

Thành phố Hà Nội thì ô nhiễm nhất Việt Nam, chắc là nhất nhì Châu Á, nên không thoát được đâu! Mình đã tái sinh vào đất nước này, mình sẽ phải cộng nghiệp với đất nước này. Cộng nghiệp hay chia sẻ nghiệp. Mình sống ở thành phố thì mình chia sẻ chung không khí với những người đấy. Những cái mình hít vào thở ra cũng ảnh hưởng đến mình… nên thật khó nói làm thế nào để tránh được ô nhiễm và thực phẩm bẩn.

Tuy nhiên có một nguyên tắc để mọi người có thể áp dụng được, là mình biết đủ! Mình tiêu xài càng nhiều, thực phẩm bẩn vào người càng nhiều, mình tiêu xài vừa thôi. Ăn uống nhiều thì thực phẩm bẩn nhiều, ăn uống vừa thôi. Mình sống một cách biết đủ. Thực ra cái chất gây ung thư nó không chỉ trong thực phẩm bẩn đâu, mà quần áo mặc cũng có. Tất cả các chất gây ung thư đều có thể đến từ những đồ mình mặc trên người này luôn. Nó có trong tất cả môi trường sống của mình, như chất hoặc thiết bị cao su nào đó. Đấy, nên là mình biết đủ. Nói một cách dễ hiểu là sống đơn giản, tiêu giản tức là mình tiêu xài ít đi, tiêu thụ hạn chế thôi.

Thứ hai, mình phải hiểu là nghiệp thì không tránh được. Nếu nghiệp nhân quả là ung thư đến thì vấn đề của mình không phải là tránh ung thư, không phải là làm thế nào để sống thật lâu hơn. Vấn đề là mình đối diện với nó mà không sợ hãi – Đấy là tinh thần. Vật chất thì do nhân quả, mình khó tránh lắm. Ai cũng thế, bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, không ai biết, nhưng mà mình có thể có thói quen sống đơn giản, tinh thần không sợ hãi, lạc quan, bình tĩnh.

Bệnh tật là một sản phẩm rất tự nhiên của nhân quả, nên mình chấp nhận nó một cách rất bình thường, thay vì việc mình cho nó là bất thường đối với thế giới. Ví dụ mình ngồi đây, mình bị ung thư thì thấy bình thường thôi, ai chẳng có bệnh. Bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh là tác phẩm của nhân quả, có gì mà phải sợ? Nên mình không còn phải căng thẳng bởi ung thư nữa. Mình ăn vào mình không biết “món ăn này có bị ung thư không nhỉ?”. Nếu đã có nghiệp bị ung thư thì ung thư, thế thôi. Ăn hay không ăn cũng bị ung thư mà. Không ăn món đấy thì cũng bị ung thư, mà ăn món đấy cũng bị ung thư. Nên mình thả lỏng bên trong mình ra.

Cách sống trong môi trường ô nhiễm và thực phẩm bẩn

  1. Biết đủ – Sống đơn giản, tiêu xài, tiêu thụ hạn chế. 
  2. Hiểu rằng nghiệp thì không tránh được, nên mình đối diện với nó mà không sợ hãi.
  3. Sống bình tĩnh, lạc quan, không sợ hãi.

 

Bệnh chỉ là hiện tượng tự nhiên thôi. Giống như là gió thổi cây lay, mưa xuống đất ướt. Nó chỉ là hiện tượng tự nhiên, thân thể mình không khác gì một cái cây, nó cũng lay, cũng bị sâu đủ thứ. Không phải là cái việc, sự việc xảy ra với tôi, nó chỉ là một câu chuyện. Đời các bạn cũng thế thôi, chẳng có ai bị sao hết. Tất cả chỉ là một câu chuyện.

Đấy, khi nào có ai hỏi: “Đời tôi đâu, đời các bạn đâu, kể lại xem nào?”. Ở đây có bác chắc cũng sắp 60 rồi. Bác năm nay bao nhiêu?

Một bác: 67 tuổi.

Thầy Trong Suốt: 67 – 60 khác gì nhau đâu? Ở đây có bạn nào 30 không? (Một số bạn giơ tay)

30 – 67 – 60 khác nhau cái gì? Một thứ duy nhất thôi. Khi ta ngồi đây chẳng có gì khác nhau, ngoài việc hỏi là: “Đời bạn thế nào?”, thì có những câu chuyện cuộc đời khác nhau. Khác nhau ở những câu chuyện cuộc đời thôi, còn cũng ngồi đây, cũng hít không khí ở đây, cũng uống nước ở đây, cũng vui vẻ cười ở đây, có gì khác nhau đâu? Khác nhau duy nhất là mỗi người có một câu chuyện cuộc đời. Thầy hỏi từng người một, mỗi người ở đây “cầm” một câu chuyện khác nhau đi vào đời, thế thôi!

Hỏi từng người mà xem, mọi người cứ nhìn các khuôn mặt xung quanh mà xem khác nhau thế nào. Mặt ai cũng mồm ngang mũi dọc, hai mắt hai bên, nhìn mà xem! Nhưng mà khác nhau câu chuyện người ta kể. Tất cả những người ngồi đây chỉ khác nhau câu chuyện đấy thôi – câu chuyện cuộc đời.

Hỏi thằng cu này ra câu chuyện khác, đúng không? Hỏi cô gái kia ra câu chuyện khác. (Thầy chỉ vào các bạn) Con cứ nhìn xung quanh mà xem, cuộc đời chỉ là những câu chuyện. Nghĩa là ung thư cũng thế thôi, cũng chỉ là những câu chuyện đời. Có trầm trọng hóa đến mấy thì nó cũng chỉ là một câu chuyện mà thôi – “Tôi đã ung thư được mấy năm, tôi chưa ung thư nhưng mà tôi sắp chết rồi”, hiểu không? Đấy, có người bị ung thư nhưng chưa chết, có người chưa ung thư nhưng đã sắp chết đến nơi rồi, đúng không? Có người thì đang sống mà đã chết mấy chục năm nay rồi, đúng không? Thành ra là chỉ khác nhau ở câu chuyện thôi.

Chúng ta ở đây không nên trầm trọng hoá ung thư, vì chúng ta có thể đến trình độ để thấy rằng chẳng có ai ở đây hết, chẳng có người nào ngồi đây cả, tất cả chỉ là những câu chuyện. Mỗi người trong câu chuyện ấy có một nhân vật, gọi là “tôi”. Tôi làm đủ trò, vui buồn, hạnh phúc nhưng cũng chỉ là những câu chuyện mà thôi. Giống như trong bộ phim có các nhân vật đi lại, nói chuyện, nhưng cuối cùng, bản chất có gì đâu? Chỉ là những cái hình di động mà thôi. Khi chúng ta đến trình độ đó rồi thì chẳng sao cả, chẳng còn sợ bệnh tật. Bệnh cũng chỉ là một câu chuyện, chỉ là cái hình mà thôi, đúng không? Nadhi, con có thể bị ung thư được không? (Thầy hỏi con trai Nadhi 5 tuổi)

Nadhi: Không ạ.

Thầy Trong Suốt: Vì sao? Nói ba nghe vì sao?

Nadhi: Vì duyên ạ.

Thầy Trong Suốt: Vì duyên nó thế hả? (Thầy cười) Nếu mà duyên nó thế thì con có thể bị ung thư chứ? Theo con, con có thể bị ung thư không?

Nadhi: Không ạ.

Thầy Trong Suốt: Vì sao? Kỳ quặc, kỳ quặc!

Nadhi: Nó chỉ là cái hình thôi.

Thầy Trong Suốt: Kỳ quặc, kỳ quặc! Cái hình có thể bị ung thư không? Ung thư hay không chỉ là cái hình mà thôi, đúng không? Tất cả ngồi đây nhìn quanh mà xem, chỉ là cái hình thôi mà. Nhìn quanh mà xem! Đấy, nhìn quanh đi, tất cả đều là cái hình thôi mà. Cái hình làm sao mà ung thư được? Chỉ là câu chuyện mà thôi! Nếu mà ung thư thì chỉ là câu chuyện, còn xung quanh chỉ là cái hình mà thôi. Nên là chẳng có vấn đề gì cả.

Đây, cứ cho là thân thể này bị ung thư đi, đâu đưa đây xem nào! Chẳng thấy có ai ung thư gì cả? Chỉ có câu chuyện thôi mà. Trong người tôi có một khối u ở chỗ này, chỗ này gì đó. Ở đây có gì đâu?  Mình sẽ thấy bản chất của ung thư là chẳng có gì, ung thư chỉ là cái hình và những câu chuyện về bệnh ung thư. Chẳng ai bị ung thư cả!

Tóm lại, câu trả lời là chẳng sợ! Câu trả lời cho câu hỏi là “làm thế nào để tránh thực phẩm bẩn?” – Đấy, hỏi thầy thì thầy bảo chẳng sợ, bẩn thì bẩn, sống chung với lũ mà. Sống trong đất nước Việt Nam, ăn đồ ăn Việt Nam, bẩn thì bẩn của Việt Nam. Cái mình quan tâm không phải là sợ bẩn hay không bẩn, quan trọng là mình có sợ không? Thầy chẳng thấy có gì đáng sợ, ung thư không đáng sợ, ăn thực phẩm bẩn cũng chẳng đáng sợ. Tất nhiên mình cũng phải phòng tránh, đương nhiên. Nhưng liệu mình có phòng tránh được hết không?

Đằng nào cũng phải ăn đúng không? Không ít thì nhiều, vậy ăn trong trạng thái nào? Ăn cái gì cũng sợ cái đấy à? Một số người thì sống lúc nào cũng sợ hãi, ăn cái gì cũng sợ cái này bẩn hay không bẩn. Như vậy chưa kịp chết vì ung thư, đã chết vì sợ. Suốt ngày sợ mà. Sao mình không sống một cách tự nhiên, tự do, tự tại, không sợ hãi, tránh thực phẩm bẩn, nhưng cũng không sợ thực phẩm bẩn. Ai chẳng phải ăn đúng không? Ăn để sống mà, có ai đảm bảo là không có bẩn không? Nên đừng để rơi vào trạng thái là chưa chết vì ung thư đã chết vì sợ bẩn. Đấy!

3. Tránh tối đa, nhưng đừng sợ

Một bạn: Em tên là Quỳnh Lê, hiện nay 34 tuổi và độc thân vui tính ạ. Lúc nãy em nghe anh nói chuyện ung thư là nhân quả. Mình không ăn thì cũng bị ung thư, ngoài ra thì mình cứ sống, cái chính là tinh thần của mình, cái tâm của mình cần phải không lo sợ gì cả. Thì em rất là đồng ý với việc cái chính là tâm mình không lo sợ.

Tuy nhiên, để cho bản thân mình không sợ, và thoải mái đón nhận tất cả mọi thứ đến với mình, về mặt hành động ấy, nếu mình thoải mái như vậy, rồi mình cứ ăn thực phẩm bẩn thì một cách nào đó, mình gián tiếp cho cái việc đó tiếp tục. Liệu như vậy có phải là mình cộng hưởng không? Có gieo nhân xấu hay không?

Thầy Trong Suốt: Việc mình ăn, thì đương nhiên, mình tránh cái bẩn rồi, nói thế thôi, còn về bản chất là mình hài lòng với đồ ăn. Tránh thực phẩm bẩn tối đa, hạn chế ăn thực phẩm bẩn – cái đấy là đương nhiên. Cái đấy thì chẳng cần phải anh giảng, mọi người cũng đồng ý mà. Có ai nghe cái này xong về ăn thực phẩm bẩn không? Dĩ nhiên là không rồi! Cái câu đấy không cần phải thầy Trong Suốt giảng, mọi người đã có thói quen ý thức đấy rồi. Cái chưa được giảng là vừa ăn vừa sợ, thế thôi. Chứ chẳng ai bao giờ lại khuyến khích mình ăn thực phẩm bẩn cả. Sạch tối đa có thể, nhưng đừng sợ bẩn! Đấy, đấy là cái hôm nay thầy muốn nói.

Nói thế thôi, chứ người dân nghèo họ lấy đâu ra tiền để ăn thực phẩm sạch được. Chúng ta ngồi đây, có thể có người giàu người nghèo, nhưng có những người còn không có đủ thực phẩm mà ăn, nói gì đến thực phẩm sạch. Khi ấy em nói gì với họ? Thứ nhất là nói như thầy vừa nói đấy: “Chẳng sợ!”. Thứ hai nữa là em có đảm bảo những gì em ăn đây là sạch không? Chẳng ai đảm bảo, có mác sạch cũng không đảm bảo nó là sạch. Đây này, em có đảm bảo đồ trên người em không có chất gây ung thư không? Nó có mác, nhưng mà có gì đảm bảo không? Cái gọng kính của em, cái hoa tai, cái áo mặc, có gì đảm bảo không? Nhưng quan trọng không phải là mình tránh, vì mình đã có nhân quả xấu, thì tránh thế nào được? Quan trọng là không sợ, nhấn mạnh lại! Còn đương nhiên, mình không ủng hộ việc ăn thực phẩm bẩn, mặc đồ bẩn. Không sợ mới là cái đáng nói.

Quan trọng không phải là mình tránh, vì mình đã có nhân quả xấu, thì tránh thế nào được?

Quan trọng là không sợ.

4. Đi chùa cầu nguyện thế nào cho đúng?

Một bạn nữ: Dạ, con chào Thầy. Con là Loan, con mới học lớp 12. Con thấy có nhiều người đi chùa, người ta thường cầu nguyện cho mình tiền tài, cầu địa vị, cầu thăng tiến. Con cảm thấy như vậy là tham lam. Con nghĩ nếu mà cầu như vậy thì mong muốn của mình sẽ không thành thật, mà người ta vẫn tin. Thậm chí đồn đoán là chùa này linh nghiệm hơn chùa kia. Con thấy rất là vô lý.

Con muốn hỏi là khi đi chùa, chúng ta có nên cầu những thứ đó không? Và kể cả khi chúng ta thắp hương ở nhà, thì chúng ta có nên cầu như vậy không? Nếu không, chúng ta nên cầu nguyện như thế nào cho đúng? Con cảm ơn!

Thầy Trong Suốt: Mình hiểu là, mình có cầu bao nhiêu thì cầu mà mình gieo nhân xấu thì có nhận quả tốt được không?

Mọi người: Không ạ.

Thầy Trong Suốt: Không bao giờ có cả. Cầu nguyện là một cách để biến đổi tâm thức của mình.

Có ba loại cầu nguyện:

Một là, cầu nguyện cao thượng. Cầu nguyện cao thượng là cầu nguyện những điều tốt đẹp cho mọi người. Cao thượng là gì? Ví dụ như cầu cho quốc thái dân an, cầu tất cả mọi người giác ngộ, cầu cho chúng sinh hạnh phúc – là cao thượng.

Hai là, cầu nguyện thấp hèn. Cầu nguyện thấp hèn là cầu nguyện những điều xấu cho mọi người. Cầu cho thằng đối thủ của tôi bị bệnh tật, khổ đau.

Ba là, cầu nguyện tầm thường, loại ở giữa. Cầu cho tôi hạnh phúc, tôi có tiền, cầu có sức khoẻ.

Tốt nhất, nếu mình là người đã hiểu, thì nên cầu nguyện cao thượng. Ví dụ thế này: “Cầu cho tất cả những người trong căn phòng này sẽ sớm gặp được duyên lành dẫn đến hạnh phúc thực sự và giác ngộ” – đấy là cao thượng.

Tất nhiên không ai cấm những câu là: “Cầu cho tất cả những người trong căn phòng này được điều đó và cầu cho tôi cũng được như vậy, không ai cấm cả. Vì tất cả những người trong căn phòng này cũng có tôi mà. Thì đấy là cầu nguyện cao thượng, vì độ quan tâm của nó hướng đến tất cả mọi người. Thay vì có thể nói “cầu cho bố mẹ tôi khoẻ mạnh” thì “cầu cho tất cả mọi người trong thế giới này khoẻ mạnh, trong đó có bố mẹ tôi” – Đấy là cao thượng. Cầu nguyện như vậy sẽ làm cho tâm mình thay đổi. Thay vì nghĩ ích kỷ, chỉ quan tâm đến người thân của mình thôi, thì quan tâm đến hạnh phúc của tất cả mọi người.

Mọi người nên tập thói quen cầu nguyện cao thượng như vậy, vì nó là nhân lành. Nhân lành gieo vào trong tâm hồn mình để hướng mình đến hành động cao cả vì người khác. Đấy là cách tốt nhất, cao thượng – bao gồm tất cả mọi người. Đừng chỉ cầu nguyện cho mỗi đất nước của tôi, gia đình của tôi… Đất nước của tôi vẫn rất là hẹp, thế Trung Quốc thì sao, mình không cầu à? Cầu chứ, đúng không? Người Trung Quốc cũng cần hạnh phúc mà. Đấy, cầu nguyện cho cả thế giới hạnh phúc, trong đó có có gia đình nhỏ bé của tôi. Thay vì cầu cho mỗi tôi thì cầu cho cả thế giới trong đó có tôi. Đúng không? Cả thế giới được như tôi, trong đấy có gia đình của tôi. Mình cầu lấy được chồng tử tế, cầu cho tất cả phụ nữ trên thế giới lấy được chồng tử tế, trong đó có tôi. Đấy, nhớ tập cách cầu nguyện cao thượng. Được chưa?

Tránh cầu nguyện thấp hèn, nghĩa là gì? Cầu cho người khác khổ, tránh những câu cầu nguyện đó! Vì nó là cái nghiệp xấu gây ra đau khổ cho mình trong tương lai.

Còn cầu nguyện tầm thường ấy, ông bà mình hay cầu nguyện tầm thường vì không biết những điều thầy vừa nói. Nhưng nếu biết rồi thì mình chẳng tầm thường. Cầu nguyện tầm thường là chỉ cầu nguyện cho mình mình; hoặc chỉ cho người thân của mình thôi. Nó tầm thường bởi suy cho cùng ở dưới nó là cái tôi, ở dưới đó là quy ngã, làm mọi thứ vì tôi, mà cái kiểu suy nghĩ ấy thì sớm muộn gì cũng khổ. “Cầu cho tôi trúng số độc đắc, chỉ cho tôi trúng thôi” – thì rồi sẽ khổ cho mà xem. “Cầu cho mỗi tôi được thăng chức” thôi, rồi sẽ khổ vào một ngày nào đó không thăng chức được. Vì cứ trạng thái nào mà chỉ quy về tôi thôi, suốt ngày chỉ nghĩ cho tôi, thì trạng thái đấy chắc chắn sẽ dẫn đến đau khổ. Cầu cho tôi được mạnh khỏe, sớm muộn rồi cũng khổ vì bệnh tật.

Đấy, nên những lời cầu nguyện tầm thường thì các con đừng cầu. Mình chuyển từ tầm thường sang cao thượng. “Cầu cho tôi khỏe mạnh và cả thế giới này khỏe mạnh. Cầu cho tôi sống lâu, cả thế giới này sống lâu” – Mình nên cầu nguyện những lời cầu nguyện như vậy. Đấy là cách cầu nguyện, hiểu không?

Cầu nguyện cao thượngcầu nguyện những điều tốt đẹp cho mọi người, là nhân lành gieo vào trong tâm hồn mình để hướng mình đến hành động cao cả vì người khác.

Cầu nguyện tầm thường: ở dưới nó là cái tôi, là quy ngã, làm mọi thứ vì tôi, kiểu suy nghĩ ấy sớm muộn gì cũng khổ.

Tránh cầu nguyện thấp hèn, vì nó là nghiệp xấu gây đau khổ cho mình trong tương lai.

5. Thế nào là con đường Trung đạo? 

Một bạn trên mạng hỏi: Nhờ Thầy giải thích giúp con về con đường trung đạo mà Đức Phật đã tìm ra, là hiểu như thế nào ạ?

Thầy Trong Suốt: Sống trên đời này đừng nghiêng về dục lạc, hưởng thụ, kết quả của nó là cái gì? Ăn nhiều thì sao? Bệnh ung thư chết. Nghiêng về phía dục lạc, hưởng thụ thì chắc chắn là đau khổ. Một loại thứ hai là nghiêng về phía thanh tịnh. Không ăn gì hết, ngày uống ngụm nước, xong rồi ăn vài cái lá. Không ăn gì hết, không ngủ với ai hết, trốn tránh xã hội, thấy việc gì có vẻ phức tạp không làm nữa. Đấy là nghiêng về phía thanh tịnh. Kết quả là gì? Ràng buộc, trói chính mình trong cái khuôn khổ thanh tịnh.

Cả hai cái đều không dẫn đến tự do, tự tại và giải thoát. Một bên ràng buộc vào danh lợi, một bên ràng buộc vào thanh tịnh, cuối cùng ông nào cũng bị trói cả. Chẳng ông nào hiểu được bản chất thế giới là không thật. Nếu là không thật thì chẳng có gì để bị trói, còn nếu đã bị trói thì nó là thật mất rồi.

Trung đạo là gì? Trung đạo là đừng bị rơi vào hai cái đó, đừng có rơi vào bên phải, đừng rơi vào bên trái, mà giữ cho mình một trạng thái cân bằng. Không chấp có, cũng chẳng chấp không.

Chấp có là gì? Tin tất cả mọi thứ là có thật. Chấp không là gì? Bảo chẳng có gì là thật hết. Đấy, không chấp dục lạc, mà cũng chẳng chấp thanh tịnh. Chấp thanh tịnh là thanh thanh tịnh tịnh. Chấp dục lạc là dục dục lạc lạc. Không rơi vào một trong hai thứ đấy, mà cũng chẳng rơi vào có có, không không.

Trung đạo là trạng thái mà ở đấy người ta hiểu sự thật. Khi hiểu sự thật thì người ta không bị vướng mắc vào bất kỳ hình thức nào.

Thế thì trung đạo là một cách sống có trí tuệ. Khi hiểu biết thì mới trung đạo được. Khi hiểu biết chúng ta sẽ biết cách, ta biết rằng, nghiêng về đầu này là quá mất rồi, phải dừng lại. Ví dụ khi người ta ăn chay thì người ta chê người ăn mặn, đấy. Bệnh của người ăn chay là ngồi chê người ăn mặn. Thế là bị lệch mất rồi, không phải trung đạo. Khi ăn chay thì không chê người ăn mặn, đấy là trung đạo.

Nếu em biết điểm giữa đấy, để em nhận ra sự thiên lệch, thì đúng hơn. Thiên lệch thì có gì đâu, mình sửa thôi. Đi xe đạp dễ hiểu nhất. Đi xe đạp là hình ảnh trung đạo rõ nhất, nếu mà không biết cân bằng, nghiêng phải thì sao? Đổ không? Nghiêng trái có đổ không? Nhưng mà khi cân bằng rồi, mình đi xe phăm phăm đúng không? Mình chẳng cần phải nghĩ nó lắc phải lắc trái bao giờ nữa, tự nhiên tự động. Thì trung đạo cũng giống như đi xe đạp, nếu nghiêng phải – đổ, nghiêng trái – đổ, còn biết cách cân bằng, hơi nghiêng phải rồi thì tự người sang trái, hơi nghiêng trái thì tự người sang phải, thì sẽ đi rất là dễ dàng, không đổ. Đấy, hình ảnh trung đạo giống hình ảnh đi xe đạp.

Trung đạo là trạng thái ở giữa, không bị vướng mắc vào bất kỳ hình thức nào. Vướng mắc vào bất kỳ hình thức nào đều không dẫn đến tự do, tự tại và giải thoát.

Khi hiểu biết sự thật thì mới không bị vướng mắc vào bất kỳ hình thức nào, mới trung đạo được.

6. Thế nào là công bằng?

Một bác: Dạ chào Thầy, con tên là Phan Thị Thanh, 56 tuổi. Hai đứa con gái tôi đều đi theo Thầy, nên cũng muốn đến một lần để thấy Thầy, nghe và hiểu thêm.

Có một cái rất là nhỏ nhưng mà tôi phải nói. Đó là, hôm tôi được đi quán đảnh thì khi về nhà, ngồi xem ti vi, con muỗi cắn một cái, tôi phản xạ đánh bốp chết con muỗi. Thế là con gái nó mắng: “Rứa là mẹ hết trơn rồi, mẹ không còn cái gì nữa. Đã hứa trước quán đảnh mà hết trơn rồi”. Lúc đó, nói thật là tôi phùng mang trợn mắt lên, tôi bảo: “Tao chừng ni tuổi, tao sống như thế này, đánh chết một con muỗi mà bảo là không còn cái gì hết là không đúng”. Tại sao nó lại nói là “mẹ giết con muỗi không còn cái gì hết trơn sau quán đảnh”?

Từ đó trở đi mẹ con bắt đầu hục hặc, nói cái gì cũng cứ cãi cho bằng được thì thôi. Cho nên tôi mới giải thích cho nó: “Phật luôn tạo ra những điều để giúp người, nếu có cái gì thì kêu Phật cứu trợ. Mà răng sinh ra các con vật để giết người? Mà nó là những con vi sinh vật, nó chỉ sống được 3 ngày 7 ngày, tại sao con lại nói muỗi cũng là con của Phật?”. Cho nên mong Thầy giải thích giùm cho rõ.

Hôm nay đến đây cũng muốn được biết con đường của con gái mình chọn như thế nào? Nếu có duyên nữa thì tôi cũng xin đi theo.

(Thầy cười)         

Trong Suốt: Được, rất tốt, xin cảm ơn. Rồi. Con muỗi – Đầu tiên, mình phải xem con muỗi nó lấy của mình cái gì? Vài giọt máu, đúng không? Con muỗi lấy của mình vài giọt máu để làm gì? Để sinh tồn, đúng không? Con muỗi nó lấy của mình vài giọt máu để sinh tồn. Mình chưa nói về Phật làm gì vội, mình cứ nói về con muỗi đi. Các con vật là những loài có lòng nhân từ hơn con người rất nhiều, vì sao? Loài người là loài duy nhất mà giết chóc cho vui, không phải cho sinh tồn.

Ở đây có ai đã từng thấy con kiến đi qua mà di chết nó chưa? Kiến đi qua ngứa mắt dí chết nó luôn. Đã ai từng bẻ cánh, bẻ chân của châu chấu chưa? Đã ai từng đốt kiến chết chưa? Cho vui ấy, toàn là thú vui của con người. Loài người là loài dã man nhất, con người là dã man nhất. Còn các con vật khác, kể cả con hổ, con sư tử, đói nó mới đi săn, còn khi nó no rồi, nó nằm ngủ thôi. Đấy, con muỗi đói nó mới đi ăn. Nó no rồi, nó có cắn mình không? Không cắn mình luôn. Loài người là loài kinh khủng nhất, độc ác nhất. Phá rừng, câu cá, giết các loài vật để giải trí, không cần làm nhưng vẫn làm. Nếu nói đến góc độ đấy thì mình không bằng con muỗi. Con người chẳng bằng con muỗi. Con người độc ác hơn con muỗi rất là nhiều, dã man hơn con muỗi trăm ngàn lần.

Loài người là loài dã man với nhau nhất. Cuối cùng tất cả các cuộc tàn sát đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại có phải là hổ cắn chết người không? Toàn là Hitle, toàn là những bạo chúa đánh nhau, giết hại hàng chục triệu người. Con người là loài dã man nhất với muôn loài, kể cả với chính đồng loại của mình. Mình cứ nghĩ mình hơn con muỗi. Mình chẳng bằng con muỗi. Con muỗi đói mới ăn, còn mình giết cho vui, ăn thừa ăn mứa ra, phá hủy tất cả các môi trường sống của các con vật khác, làm bao nhiêu loài tiệt chủng…, con người kinh khủng hơn nhiều.

 

Quay lại câu chuyện con muỗi. Nó chỉ lấy của mình vài giọt máu thôi, còn mình cướp đi mạng sống của nó. Vậy hỏi thế nào là công bằng? Nó đi săn, đi ăn ấy, vì đói, còn mình giết nó vì tức. Hỏi thế nào là công bằng? Mình giết nó vì tức thôi mà. “Mày ăn, mày hút máu tao đúng không? Cho phát cho mày chết”. Mình giết nó vì sân hận. Nó thì đi săn vì đói. Nghĩ thử xem! Cho nên là cái chết của con muỗi không phải là cái chết công bằng. Tốt nhất là mình xin lại nó vài giọt máu là sẽ công bằng, đúng không? Đấy! Còn nếu mình nhân từ hơn thì thôi, thả nó đi thôi, đằng nào cũng chỉ 3 ngày là nó chết, con muỗi sống có 3 ngày thôi mà. Cho nó vài giọt máu rồi nó đi.

Mọi người thử nghĩ xem, mình sống một cách nhân từ độ lượng, cách sống nào tốt hơn? Nó cắn mình cái, mình giết nó ngay. Nó chỉ đi săn vì đói và thức ăn của nó chẳng là gì so với mình, một vài giọt máu có là gì đâu, trên người mình có vài chục lít máu cơ mà? Thế nên về cách sống mà nói ấy, thì thầy vẫn tin những người sống nhân từ độ lượng vẫn là tốt hơn. Giống như thầy nói ấy, mình sống vì…, câu chín chữ vàng là gì ấy nhỉ? (Nhiều bạn nói) “Thường xuyên suy nghĩ cho hạnh phúc của người khác”.

Nếu mình sống như vậy, cái người khác ở đây không chỉ có con người, mà có con muỗi nữa. Mình chỉ nghĩ cho hạnh phúc của con muỗi thì mới thấy là mình chẳng còn tiếc mấy giọt máu nữa. Tối thiểu là không phải mình giết nó vì mấy giọt máu. Đấy, đấy là một ví dụ cụ thể về việc thường xuyên nghĩ cho hạnh phúc cho những người khác. Mình chẳng việc gì phải giết muỗi, đuổi nó đi là xong, mắc màn cẩn thận, hoặc cùng lắm là cho nó lấy vài giọt máu của mình. Đấy gọi là thường xuyên nghĩ về hạnh phúc cho người khác trong hành động.

Thì như vậy mình nói về cái sự, cái lý công bằng của muôn loài là đã thấy rằng mình giết nó là quá tay rồi. Nó chỉ lấy đi của mình vài giọt máu, mình cướp đi cả đời của nó, giết cả mạng sống của nó, làm cho cả gia đình muỗi tan nát, muỗi chồng phải xa muỗi vợ. Đấy, đâu có gì hay đâu, làm con muỗi đau khổ, không cần thiết.

Con muỗi hút máu để sinh tồn, còn con người giết muỗi vì tức giận. Nó chỉ lấy của mình vài giọt máu, còn mình cướp đi mạng sống của nó. Vậy hỏi thế nào là công bằng?

Phật và chúng sinh đều bình đẳng

Còn nếu theo quan điểm nhà Phật thì như thế này: Muôn loài là bình đẳng, tất cả. Phật nói: “Tất cả chúng sinh mọi loài đều có Phật tính, Phật và chúng sinh đều bình đẳng”. Nhà Phật thì không nghĩ rằng loài này được quyền lợi dụng loài kia, được quyền sát sinh loài kia. Nên nhà Phật coi trọng cả con muỗi lẫn con người. Đấy là điều đặc biệt của nhà Phật mà các tôn giáo khác không có. Chỉ có đạo Phật mới có loại tư duy đấy thôi. Chứ đạo Thiên Chúa cho phép giết các con vật khác thoải mái, đừng giết người thôi còn giết động vật thoải mái.

Nhưng nhà Phật thì hạn chế sát sinh cả con vật luôn. Mà Phật kể rất nhiều câu chuyện tiền thân của Đức Phật, trong đó Phật có lúc là ngựa, lúc là khỉ, lúc là con cua, lúc là con cá… Mà những cái hay trong câu chuyện của Phật là gì? Là mỗi con vật đều có một đời sống tình cảm riêng, nó có nỗi lo riêng, có trí thông minh của riêng nó, chứ không phải các loài thì không có trí thông minh, mỗi loài người có – Đấy là quan điểm rất nhầm lẫn của con người. “Con muỗi có biết gì đâu” – Không phải đâu! Nếu nghe lời dạy của Đức Phật ấy, thấy các con vật cũng tình cảm, có tình máu mủ, tình yêu thương, có tất cả như bình thường. Con ngựa, con hươu trong lời Đức Phật kể ấy, nó cũng nhớ bố nhớ mẹ, đau lòng khi phải rời xa gia đình, khổ sở khi thấy người thân bị mất… như một người bình thường cơ mà.

Nếu mình sống theo lời Đức Phật rồi thì phải hiểu là con vật và mình bình đẳng. Một con bò mà thấy con nó bị giết, nó ngất không? Phải thế không nhỉ? Con bò mẹ ngất hay con bò con ngất ấy nhỉ?

Mọi người: Con bò mẹ ngất.

Thầy Trong Suốt: Con bò mẹ thấy con bò con bị giết, đúng không? Là bị ngất luôn, chảy nước mắt khóc bình thường. Con vật mà nó vẫy tay xin tha mạng là bình thường. Tất cả các loài vật đều có Phật tính, đều có trí tuệ thông minh của riêng nó, đều có đời sống tình cảm của riêng nó. Mình giết nó không bao giờ là nghiệp tốt. Và mình cũng đã từng là kiếp như nó, chẳng có gì đảm bảo kiếp sau mình không thành những con như nó. Nên mình có một thói quen sống là tôn trọng sinh mệnh của muôn loài.

Đấy, thế nên là hạn chế sát sinh. Nếu con muỗi chỉ lấy của mình vài giọt máu, mình chỉ nên đuổi nó đi thôi, hoặc là ghi sổ nợ thôi: “Được rồi, tao sẽ lấy lại của mày vài giọt”. Thế thôi, không được giết nó! Mà nếu mình rộng lượng hơn thì tha cho nó. Rồi nó sẽ chết trong vài ngày thôi, không thì tan đàn xẻ nghé mất mẹ, mất chồng, mất cha.

Còn câu chuyện của đứa con chị Thanh là mẹ giết con muỗi đứa con bảo: “Mẹ mất hết công đức rồi” đúng không?

Bác Thanh: Đúng ạ.

Thầy Trong Suốt: Thì đứa con đấy đã bị rơi vào gọi là “không ở trung đạo” đấy. Đứa nào nhỉ, nó có ngồi đây không? (Mọi người cười) Không biết trung đạo, mình đi giúp người mà làm hành động như vậy thì gây khổ đau cho người khác. Đúng không? Tối thiểu là mẹ mình khổ. Tự nhiên mẹ mình đang bình thường thế này, nói câu đấy xong mẹ mình khổ. Trung đạo là gì? Đừng nghiêng quá về cái gì cả. Trong trường hợp của con thì bị nghiêng quá về các quan điểm tiêu chuẩn của riêng mình về Phật Pháp.

Mình chỉ nên khuyên bảo mẹ là: “Mẹ ơi, con muỗi có làm gì mẹ đâu, lần sau mẹ không cần phải giết nó”. Mình tranh luận với mẹ thế có phải nhẹ nhàng không? Còn đây mình phủ nhận toàn bộ những cái nghiệp tốt của mẹ chỉ vì con muỗi bị giết. Có phải thế đâu, nhân quả nó là công bằng, mẹ mình giết muỗi thì mẹ mình sẽ bị muỗi giết. Thế thôi, đơn giản thế thôi! Sẽ bị con vật khác giết, không phải muỗi giết thì con nào nó giết mẹ mình, thì không có nghĩa là cả cái buổi đi quán đảnh đấy vô nghĩa. Hai cái khác nhau. Mẹ mình đi quán đảnh thì sẽ nhận được công đức của buổi quán đảnh đấy. Đấy, như vậy là hiểu biết về nhân quả chưa đúng. Mọi người hiểu không?

Các con làm điều tốt thì sẽ nhận được kết quả tốt, làm điều xấu thì nhận kết quả xấu. Không thể nói là do tôi đã giết con muỗi nên tôi phủ nhận toàn bộ công đức tôi đã từng làm. Sai hoàn toàn luôn! Tuy nhiên phải nói cho mẹ biết là gì: “Mẹ giết muỗi thì mẹ sẽ bị muỗi giết. Con muỗi đấy đem lòng thù hận, tái sinh là một con muỗi hoặc làm côn trùng, con vi sinh vật, tế bào ung thư sẽ tiêu diệt cuộc đời mẹ là cái chắc”. Mình giết người thì sẽ bị người giết, cái đó không tránh được đâu. Thanh sẽ bị giết bởi một con vật nào đó, đấy là điều chắc chắn không thoát khỏi được, vì đã giết con vật mà? Đức Phật cũng không thoát được điều đấy, người thường cũng không ai thoát được việc đấy.

Đấy, nên là thôi, tốt nhất chuẩn bị tinh thần bị giết đi, có thể nó tái sinh thành tế bào ung thư nó quay lại giết mình, tái sinh con muỗi quay lại giết mình, nó tái sinh con hổ, con báo giết mình trong đời sau. Vì mình giết nó mà! Mình giết nó, trong khi nó chỉ lấy của mình có vài giọt máu thôi, thì sau này, đời sau, mình sẽ bị ai đó, hoặc con người cũng được. Đi ra chợ đúng không? Thấy một người, mình chỉ lườm nguýt họ một cái thôi, họ giết mình luôn. Việt Nam có chuyện đấy không?

Các bạn: Có ạ.

Thầy Trong Suốt: Đấy, Việt Nam có những câu chuyện là nhìn đểu nhau mà…?

Các bạn: Chém…

Thầy Trong Suốt: Cầm dao đâm chết. Vì sao? Đời trước, nó là con muỗi, nó mới chỉ vo ve vo ve trước mặt mình thế này này, tức quá thì…?

Một bạn: Đập…

Thầy Trong Suốt: Đập phát chết luôn. Thì đời này cũng thế thôi, mình mới vo ve vo ve trước mặt nó. (Các bạn cười) Tức quá rút dao…?

Một bạn: Đâm chết.

Thầy Trong Suốt: Đâm chết luôn. Nhân quả rất công bằng mà, không thoát được đâu. Đúng chưa? Còn muốn tránh việc ấy thì phải bắt đầu xây bức tường nghiệp tốt đi. Đầu tiên phải ý thức việc mình giết muỗi là nghiệp xấu. Giết một con muỗi vô tội, nó chỉ có một tí tội thôi, mình giết nó như thế là nghiệp xấu. Ý thức như vậy xong mình sẽ xây bức tường nghiệp tốt. Có thể đỡ được, có thể không, nhưng có thể đỡ được. Còn nếu mà cứ thái độ như bây giờ ấy chắc chắn là chết, chắc chắn là Thanh sẽ bị giết bởi một con vật hoặc một cái gì đó, kiểu kiểu đấy. Nó chỉ gây cho mình một chút khó chịu nhỏ, khó chịu nhỏ là đốt một cái này, là nhỏ hay là to?

Một bạn: Nhỏ ạ.

Thầy Trong Suốt: Mình giết cả đời nó luôn. Thì sau này sẽ có người, con vật, mình gây ra cho nó một chút khó chịu nhỏ, mà sao? Lấy cả tính mạng mình luôn. Giống như đi trong rừng rồi lỡ chân dẫm vào đuôi một con rắn ấy, kết quả là gì? Là chết luôn. Vì sao? Mình gây cho nó khó chịu nhỏ, nó lấy mạng mình luôn. Công bằng không? Công bằng theo nhân quả. Vì mình đối xử với con vật như vậy. Mình có một thái độ sống coi thường sinh mạng của loài vật, đúng không? Con muỗi bay qua mình đập nó chết, con muỗi mới động vào người mình đập nó chết. Đấy là thái độ sống coi thường sinh mạng loài vật. Thì loài vật có tôn trọng sinh mạng của mình không? Vào rừng dẫm phải con rắn, con rắn quay lại cắn phát chết luôn. Đấy, chết vì rắn cắn ấy.

Nên nếu mình không ý thức đấy là nghiệp xấu và không tìm cách phòng tránh bớt đi thì rồi quả nó đến lúc đấy mình mới đau đớn. Cái quả của giết muỗi rất là nhỏ, nhưng rồi sẽ đau đớn về sau.

Con của bạn Thanh nói thế là sai rồi, hoàn toàn sai. Cái sai của bạn ấy quá nghiêng về các giáo lý, nói hơi quá tay, quá lời – là mất hết mọi thứ, không phải! Nhưng cái đúng là gì? Là việc giết muỗi là việc xấu, không ai có thể nói là việc tốt được, và đó là một cái nhân xấu. Mình chỉ nên giết muỗi khi nào? Khi con muỗi nó bệnh, gây chết người, thì mình giết để tự vệ – chấp nhận được. Đấy, thế thôi. Còn bình thường mình giết chỉ vì nó cắn mình.

Thế còn thầy thì sao? Thầy sẵn sàng cho cắn thoải mái. Cho ít máu, có gì đâu? Vài giọt thôi ấy mà? Thế là có đêm tỉnh dậy thì sao? Tay mình chi chít vết muỗi cắn. Chẳng sao cả. Ngày hôm nay ngồi đây khỏe không? Khỏe mạnh bình thường. Có ba giọt máu cống hiến cho mấy con vật mà mình đã có nợ với nó, thế thôi. Thì đó là cách mà thầy sống.

Tôi sống như vậy, quan điểm sống của tôi như vậy và tôi cho rằng quan điểm ấy là quan điểm hòa bình, ích lợi cho muôn loài, quan tâm đến hạnh phúc của con vật khác chứ không phải chỉ riêng mình. Còn quan điểm mà nó làm mình ngứa một tí, cắn một tí mà mình đập chết nó, là loại sống ích kỷ, chỉ lo quan tâm đến hạnh phúc của riêng mình mà thôi. Cũng chẳng quan tâm đến hạnh phúc của con vật khác. Ích kỷ như thế chắc chắn là khổ. Còn giết nó thì sẽ bị nó giết, nó sẽ quay lại giết mình bằng cách nào đó. Đấy, quan điểm của thầy rất là rõ ràng.

Tất cả các loài vật đều có Phật tính, đều có trí tuệ, có đời sống tình cảm của riêng nó.

Mình giết nó không bao giờ là nghiệp tốt.

 

7. Thế nào là bình an? Bình an giả tạm và Bình an vô điều kiện

Bác đó: Còn về quan điểm bình an, thì hai mẹ con cũng khác biệt, nhiều lúc nói chuyện mà như là cãi lộn rứa. Mấy đứa nó bảo, bình an là không có chuyện gì, tức là cái gì đến trong cuộc đời mình, mình cũng phải bình an. Còn tôi thì bảo bình an tức là không có chuyện gì xảy ra mới gọi là bình an. Hai mẹ con cứ như thế, nó bảo nó đúng, mẹ cũng bảo mẹ đúng. Hai mẹ con cãi nhau ầm ầm, nên nhờ Thầy giải thích giùm cho.

Thầy Trong Suốt: Bình an là thế nào? Hai quan điểm: Bình an là không có chuyện gì xảy ra với mình. Quan điểm thứ hai là chuyện gì xảy ra thì xảy ra, mình cũng chẳng sao cả. Thì tất nhiên, nếu về đời mà nói, thì quan điểm một là đúng hơn chứ nhỉ. Tôi mong gia đình tôi bình an, nghĩa là gì?

Một bạn: Chẳng có chuyện.

Thầy Trong Suốt: Chẳng có chuyện gì xảy ra với tôi hết. Nên nói về đời thì đúng rồi. Nhưng mà vấn đề là có làm được đâu? Có ai làm được không? Có ai đảm bảo là tí nữa về không gặp chuyện không? Tuy cái bình an ấy thì không phải là sai. Đúng! Nhưng mà nó là loại bình an không tưởng. Sống ở trên đời đừng mong là không gặp chuyện. Làm gì có ai trên đời mà không gặp chuyện. Ở đây bạn nào từ nhỏ đến lớn, chưa gặp một chuyện bất an nào giơ tay xem nào? Giơ xem nào. Có ai không? Không ai làm nổi chuyện đấy cả. Cái bình an ấy là đúng rồi, tốt, nhưng mà nó là không tưởng, vì nó chẳng làm được, không xảy ra nổi.

Còn loại bình an thứ hai là trong tâm hồn. Bình an, mặc dù chuyện gì xảy ra bên ngoài mình vẫn bình tĩnh, vẫn an lạc, mình vẫn giải quyết một cách sáng suốt. Cái bình an đấy là bình an đáng quý, đúng không? Nghĩa là cả hai bình an ấy đúng, quan điểm bình an cả hai mẹ con chẳng ai sai, ai cũng đúng hết. Nhưng một người là quan điểm bình an bên ngoài, một người quan điểm bình an bên trong. Cái người hướng bình an bên ngoài ấy, thì sẽ đi sửa bên ngoài, sẽ xây nhà, sửa cửa, tạo những mối quan hệ tốt đẹp để tránh gặp chuyện bất an. Còn người quan điểm bình an bên trong thì sửa bên trong hay bên ngoài?

Các bạn: Bên trong.

Thầy Trong Suốt: Bên trong. Sửa tâm mình, giải quyết sân hận, giải quyết tham lam, ghen tỵ để bình an. Chẳng ai sai cả, cả hai đều đúng. Cái người sửa nhà, sửa cửa, sửa công việc, sửa chồng, sửa con để cho bình an, cũng được. Có người sửa tâm mình để bình an. Cả hai đều tốt và ai làm giỏi cũng thành công hết. Ai mà giỏi ấy, thành công trong nghề của mình, đúng không? Có rất nhiều người xoay sở giỏi mà? Nên gia đình cũng khá êm ấm, cũng ổn ấy chứ, đúng không? Cũng biết cách sống và đối nhân xử thế tốt, thành ra là cũng biết cách kiếm tiền, kiếm bạc, kiếm danh, kiếm lợi, nên cuộc sống cũng kha khá. Nếu ai làm nghề mình tốt thì cứ làm thôi.

Chẳng có chuyện gì xảy ra với tôi hết là bình an không tưởng vì nó chẳng làm được, không xảy ra nổi – là bình an bên ngoài.

Bình an trong tâm hồn, dù chuyện gì xảy ra bên ngoài mình vẫn bình tĩnh, vẫn an lạc, mình vẫn giải quyết một cách sáng suốt là bình an bên trong.

 

Ông thầy Trong Suốt thì thích làm nghề nào? Ông thầy Trong Suốt này, nghề của ông ấy là nghề sửa bên trong. Với ông thầy này thì sửa bên trong là con đường…

Một bạn: Duy nhất.

Thầy Trong Suốt: Duy nhất đến với hạnh phúc. Còn sửa bên ngoài ấy, thì chắc là được một lúc. Cái bình an ấy là bình an giả tạm. Tại sao lại giả tạm?

Tạm thì dễ hiểu hơn đúng không? Tạm nghĩa là được một lúc thôi. Đang bình bình an an, có cú điện thoại đến bảo: “Bác ơi, cơ quan có người nói xấu bác kìa”. Nó bảo bác là đồ này đồ kia, có bình an được nữa không? Thế là thôi mất bình an ngay. Đấy gọi là tạm. Tạm là bất cứ lúc nào cũng có thể mất hết.

Giả là vì sao? Giả là thực chất chẳng bình an. Cái bình an gì mà lúc nào cũng phải lo, hoàn cảnh phải thuận lợi thì mới bình an được, nghĩa là lúc nào trong lòng cũng canh cánh nỗi lo, lo mất bình an. Có phải là giả không? Giả vì trông thì có vẻ bình an. Giống như thế này này, mình đến một buổi dạ hội rất là đẹp, ai cũng ăn mặc đẹp rực rỡ, quần áo đắt tiền, hỏi: “Mọi người có bình an không?”. Câu trả lời là gì? “Không”. Ai cũng phải lo thằng khác nghĩ gì về mình, trông mình thế nào trong mắt họ. Đúng không? Ăn mặc thế này đã đẹp chưa? Đã là thời thượng chưa? Bình an không? Khuy áo đã bị đứt ra một cái chưa?

Hôm nọ thầy có đi một buổi trao giải thưởng ở Sài Gòn. Thầy ngồi đây, vợ thầy ngồi đây, thấy một cô gái rất xinh, cô ấy nổi tiếng lắm, trông mặt quen quen, không biết tên là gì? Nhưng mà dáng ngồi rất đặc biệt, lúc nào cũng như này, cô ấy lúc nào cũng ngồi như này, một tiếng, ba tiếng đồng hồ ngồi như này luôn. (Thầy để tay lên giữa ngực. Các bạn cười) Đầu tiên thầy tưởng là xúc động quá, giải thưởng xúc động quá, cô ấy là siêu mẫu gì ấy, không nhớ.

Thế mình mới bảo: “Chương trình này hay thật, hay thật, cô ấy xúc động từ đầu đến cuối” nhưng rồi sau vợ mình mới bảo “Anh ơi, sao thấy con bé nó khổ thế?”. Vì sao? Biết sao cô ấy để thế này không?

Vũ Hiền: Hở ngực. (Các bạn cười)

Thầy Trong Suốt: Vì sao? Nếu bỏ tay ra thì sao?

Vũ Hiền: Hở ngực.

Thầy Trong Suốt: Áo hở ngay lập tức. (Các bạn cười) Bộ quần áo của cô ấy đúng là rất thời trang, nhưng mà…? Đi kèm với nỗi sợ hở. Lúc nào cũng ngồi như này vì sợ. Bỏ tay ra thì sao? Tivi, máy quay lúc mình hở ra thì hỏng rồi! Thảm họa thời trang chưa? Từ một cái gọi là “nữ hoàng thời trang”, có thể biến thành “thảm họa thời trang” trong một tích tắc. Vì truyền hình trực tiếp, hàng đầu tiên là hàng mà bất kỳ lúc nào camera cũng có thể lia đến, mà lỡ mình đang thế này có phải là đau lòng không?

Hỏi là cô ấy hạnh phúc hay sợ hãi? Cô ấy ngồi xem cuộc thi mà bình an hay không bình an? Đấy, cái đấy gọi là giả. Giả nghĩa là gì? Loại bình an mà lúc nào cũng đi kèm với sợ mất bình an, thì gọi là giả.

Mọi người thử kiểm tra xem bình an mà các bạn có trong đời ấy, bình an do công việc ổn định, do có bạn bè yêu quý là giả hay không giả? Ẩn dưới nó liệu có phải có một nỗi lo sợ mất hay không? Sợ mất uy tín, sợ mất danh dự, sợ mất công việc hay không? Đúng không? Có thể, mọi người kiểm tra lại, có thể. Có thể cái bình an các bạn đang có là giả, tại vì ở ngay bên dưới nó là nỗi sợ. Mình có một đứa con ngoan, sợ nó hư, sợ bị ô tô đâm chết. Mình đã có một người chồng tốt thì sợ ông ấy ngoại tình, sợ ông ấy không còn tốt như bây giờ nữa. Mình có công việc tốt thì sợ mất uy tín ở cơ quan. Cái bình an do bên ngoài ấy, bao giờ cũng đi kèm một nỗi sợ ngầm ở dưới.

Nếu ai đã nhìn thì sẽ thấy. Đang khỏe thì sợ ốm; đang ăn ngon thì sợ hết thức ăn – đấy là giả. Giả vì sâu thẳm bên dưới là nỗi sợ mất. Còn bây giờ đổi lại, không phải đêm hội, mà là cuộc tụ tập của những kẻ ăn mày, thì có ai phải lo mặc quần áo thế nào, trông thế nào không? Hội ăn mày gặp nhau có phải lo ăn mặc thế nào, hở này hở kia không? Khỏi luôn! Đại lễ ăn mày – chẳng có ai phải lo ăn mặc thế nào cả, đúng không? Thế những người đấy bình an hơn chứ? Đấy là nói bình an về ăn mặc thôi, còn những cái khác không phải. Đấy, bình an hơn về ăn mặc, hơn những người mặc rất đẹp xong cứ phải che ngực chứ? Cũng thế thôi.

Cái bình an bên trong là loại bình an không lệ thuộc gì bên ngoài. Ví dụ, bạn X nào đấy hoàn toàn có thể mặc một bộ rất lịch sự, đẹp mà không cần phải che ngực. Đúng không? Hoặc bạn có thể chọn phương án hai là gì? Mặc hẳn bộ đấy mà chẳng sợ lộ ngực, cùng lắm thì lộ, có gì đâu, đúng không?

Bình an đấy là bình an không bị hoàn cảnh bên ngoài chi phối. Người có trí tuệ mới có bình an đấy được. Thầy ngồi đây chẳng hạn, nhưng thầy không sợ cái gì cả. Thầy không sợ mất cái gì. Chẳng sợ mất uy tín, đang ngồi đây có người viết xấu, nói bậy về mình – chẳng sao. Cũng chẳng sợ mất tiền bạc, mất hết tiền – chẳng sao. Vì cái bình an của mình không lệ thuộc vào bên ngoài nữa. Không phải tôi có cái gì mới bình an.

Bình an của Thanh nghĩa là gì? “Tôi có cái gì đó tôi sẽ bình an, mất cái đó tôi mất bình an” đúng không? “Tôi có đầy đủ nhà cửa, con cái, mối tình, quan hệ tình cảm thì bình an. Mất thứ đó mất bình an.” Còn cái bình an của thầy, nó chẳng liên quan đến có cái gì, chẳng có gì vẫn bình an. Mà có tất cả mọi thứ tôi cũng bình an bằng lúc chẳng có gì, bình an bằng nhau. Độ bình an của tôi luôn ổn định, vợ quý yêu mình cũng bình an, mà vợ tự nhiên nổi cơn điên sai bảo, mình cũng…

Một bạn: Bình an.

Thầy Trong Suốt: Bình an. Vợ sai bảo thì làm thôi, có gì đâu, đúng không? Ý vợ là ý trời, đại loại thế. Nói đùa ấy, không phải đâu. (Mọi người cười) Nói đùa phải bảo nói đùa ngay. Không phải đâu! Nói đùa thế thôi. Ý là vợ thế nào cũng được, bình an của mình không ai cướp được, vì nó không lệ thuộc vào vợ. Bình an của thầy chẳng lệ thuộc vào vợ, vào tiền, tự thế này thôi. Bình an đấy là bình an nên hướng tới.

Còn bình an bên ngoài cũng tốt rồi. Tất nhiên nếu mình không có bình an bên ngoài ấy, thì chẳng tu được đâu. Những người đang tu cũng cần một sự bình an bên ngoài để tu được, nhưng mà nó không phải thời điểm, nó chỉ là bước tạm thời thôi, nó không dẫn đến sự bình an thật sự. Bình an bên ngoài luôn đi kèm với sợ mất. Có cái gì đó thì tôi sẽ bình an: được mọi người quý trọng, có đủ lương, đủ tiền để sống thì tôi sẽ bình an – nghĩa là mất cái thứ đó là mất bình an. Không được quý trọng nữa, không đủ tiền để sống thì mất bình an.

Còn bình an thầy đang nói từ nãy đến giờ là bình an vô điều kiện, bình an do trí tuệ, hiểu sự thật thì bình an. Do trí tuệ thấu hiểu sự thật về Nhân quả, nên tôi không phải lo về những chuyện tôi đã làm quá khứ, đã làm xong là xong, quả nở thì sẽ nở. Có trí tuệ hiểu vô thường thì không phải lo cái tương lai kỳ quái, khó khăn nào đến nữa, vì đến thì nó đến thôi, vô thường mà!

Trí tuệ càng cao thì bình an càng lớn. Trí tuệ càng cao thì bình an càng trở nên vô điều kiện, không bị lệ thuộc cái gì cả. Đấy mới là bình an đáng trân trọng, đáng hướng tới. Hay là bình an do điều kiện mang lại đáng hướng tới? Mọi người chọn bình an nào?

Bình an bên ngoài là giả tạm. Tạm là được một lúc thôi. Giả là thực chất chẳng bình an. Bình an bên ngoài luôn đi kèm với sợ mất.

Bình an bên trong là loại bình an không lệ thuộc gì bên ngoài, không bị hoàn cảnh bên ngoài chi phối.  Đấy là bình an vô điều kiện, bình an do trí tuệ, hiểu sự thật thì bình an.

Trí tuệ càng cao thì bình an càng lớn, càng trở nên vô điều kiện, không bị lệ thuộc cái gì cả.

 

8. Gặp đủ chuyện không may, làm thế nào để thoát ra?

Một bác: Thưa Thầy, con là Trần Thị Hoàng Lan, 65 tuổi. Mấy năm trước thì con thường đi chùa, cũng tụng kinh, ăn chay. Nhưng thời gian sau thì gia đình con xảy ra chuyện. Con con, nó tông người ta chết. Trả nợ chưa xong thì nó lại bị tai nạn… Hắn đi làm cái chi mà hắn đổ nợ ra rứa, cả trăm triệu luôn. Lấy cả sổ đỏ đi cầm. Mà có thằng thì không chịu đi làm. Nợ nần thì có mỗi mình làm, mình trả. Chị nó thì nói má hiền quá.

Thưa Thầy, con đi chùa, thành ra con cũng biết là không nên chửi đánh, chỉ dùng lời nói cho con nó nghe thôi, nhưng nó không nghe. Tiếp theo là ba hắn bị tai biến... Nói chung, một mình con giờ như lao động chính trong nhà luôn. Tiếp đó, qua năm thì thằng anh đi Sài Gòn lại lái xe bị tai nạn… Giờ con không biết cách răng, tnhờ Thầy giúp đỡ giùm. Thiệt chứ con cũng tin Phật Pháp, mình cứ nghĩ là chỉ có Phật mới giúp được cho mình thôi. Chứ còn cứ làm, cứ nai lưng ra chắc mệt, cứ lo không biết chết răng? Gặp Thầy con cũng mong Thầy giúp đỡ, chỉ dạy. Cảm ơn Thầy. (Các bạn vỗ tay)

Thầy Trong Suốt: Năm đứa con, có một đứa đâm người ta chết, sau đó thì đền tiền, xong rồi vay nợ, cầm sổ đỏ đi cầm, con thì chẳng đứa nào ra gì? Hỏi làm thế nào để thoát ra?

Bác đó: Thấy đủ mọi chuyện trên đời…

Thầy Trong Suốt: Đủ mọi chuyện, rồi. Chồng thì tai biến, con thì đâm người chết, còn đứa nữa thì bị tai nạn ở Sài Gòn, đúng không? Xong rồi mẹ chịu hết?

Bác đó: Mẹ chịu hết luôn.

Thầy Trong Suốt: Vấn đề của con là ở chỗ mẹ lo hết, mẹ chịu hết.

Bác đó: Thì con cũng nghĩ bây giờ chỉ có mình mẹ lo hết trơn.

Thầy Trong Suốt: Vấn đề của con nằm ở đấy: Mẹ lo hết, mẹ chịu hết cho tất cả mấy đứa con cùng chồng.

Bác đó: Dạ, dạ.

Thầy Trong Suốt: Ở trên đời này liệu có ai chịu khổ được thay cho tất cả mọi người không? Có ai làm được không? Mẹ gì mà chịu hết khổ cho chồng, cho con, thì làm sao mà sống hạnh phúc được?

Bác đó: Dạ, con chị nó nói do má hiền quá mà con nó hư. Theo hắn nói là: “Má phải uy nghi, hung hăng cho con nó sợ, nó mới nên người”.

Thầy Trong Suốt: Theo con, một người có một thói quen xấu, xong không chịu sửa, thì điều xấu sẽ đến với họ hay điều tốt đến với họ?

Bác đó: Con thì tính xấu nó…

Thầy Trong Suốt: Con đấy! Nếu con có thói quen xấu mà con không chịu sửa, thì điều tốt sẽ đến với con hay điều xấu sẽ đến với con?

Bác đó: Con thấy là con không có thói quen xấu nào hết trơn ấy.

Thầy Trong Suốt: (Cười)

Bác đó: Hồi nhỏ thì con thấy là có…

Thầy Trong Suốt: Không, đầu tiên thầy hỏi, trả lời câu hỏi đi đã. Nếu con có một thói quen xấu, con không chịu sửa, thì điều tốt sẽ đến với con hay điều xấu sẽ đến với con?

Bác đó: Điều xấu.

Thầy Trong Suốt: Con thử nhìn xem, đời con có bao nhiêu điều xấu đến với con rồi? Đủ nhiều chưa?

Bác đó: Khổ nhiều.

Thầy Trong Suốt: Thế mà con vẫn nghĩ rằng mình chẳng có tính gì xấu cả? Kỳ quái không? Đấy, vấn đề của con đấy! Bao nhiêu điều xấu đến giống như các tấm biển chỉ báo là: “Có vấn đề! Có vấn đề! Có vấn đề!”. Nhưng mình vẫn nói như vừa phát biểu đấy: Mình chẳng có gì xấu bên trong cả, chẳng có thói quen nào xấu cả”. Tất cả những chuyện xấu đến với con để nhắc con rằng: “Con có vấn đề!”. Hết lần này sang lần khác để bảo: “Con có vấn đề!”. Nhưng con lại nghĩ rằng: “Mình chẳng có vấn đề gì cả. Mình vẫn là người rất tốt, chẳng có vấn đề gì xấu bên trong”. Nên con mới khổ mãi đến tận ngày hôm nay.

Hỏi: Một người có một thói quen xấu, xong không chịu sửa, thì điều xấu sẽ đến với họ hay điều tốt đến với họ?

Đáp: Điều xấu.

Điều xấu đến giống như các tấm biển báo: “Có vấn đề! Có vấn đề! có vấn đề!”. Tất cả những chuyện xấu đến với con để nhắc con rằng: “Con có vấn đề!”

 

Nếu một người có một thói quen xấu cứ giữ nó mãi, thì điều tốt hay điều xấu kèm theo? Xấu đúng không? Nếu có bao nhiêu điều xấu đến với mình, thì mình cũng phải xem lại tí chứ? Hôm nào cứ ngồi xem lại đi, xem mình có gì sai sai không chứ? Hay mình đúng mãi 60 – 67 năm nay? Nếu mình đúng 67 năm nay, thì sao lại có những chuyện đấy, sao lại khổ? Nếu con đúng tận 67 năm rồi, sao con khổ thế? Xem lại đi! Xem lại đi! Chắc con không xịn như con tưởng đâu! Chắc con không phải toàn điều tốt như con tưởng đâu! Xem lại xem, bên trong con ấy, xem có vấn đề gì không?

Con vẫn là người bình thường, con vẫn là người có nhiều tính xấu, mà không chịu thấy và sửa. Thế thôi, nên là cứ xấu 1 đến, xấu 2 đến, xấu 3 đến thôi! Giống tấm biển viết rõ này: “Có vấn đề! Có vấn đề! Có vấn đề!”. Nhưng mình bảo: Không! Tôi chẳng có vấn đề gì, tôi là người mẹ hiền, con thảo, chồng/vợ tử tế. Tôi chẳng có gì sai cả, chẳng qua là tôi không may mà thôi!”. Ừ, thì một, hai lần không may cũng được, nhưng đây năm lần bảy lượt mà vẫn thế, chứng tỏ con có vấn đề.

Con có vấn đề mà con không biết, đã không biết lại còn chủ quan, nghĩ rằng lên chùa niệm Phật là xong. Làm gì có chuyện đấy! Con có tính xấu tham lam, hỏi niệm “A Di Đà Phật” 100 lần có hết không? Hết không? Nếu con tham lam, niệm Phật 1000 lần có hết tham lam không? Hết không?

Làm sao hết tham lam được? Con vừa sai vừa chủ quan nên dĩ nhiên khổ mò đến với con. Cái người đã sai lại còn chủ quan, thì đương nhiên, khổ nó mò đến, còn gì nữa, mò đến một lần thôi, nhưng vì chủ quan, nên mò đến 100 lần.

Nên câu trả lời dành cho con là gì? Xem lại mình đi, xem sai ở đâu, xong sửa đi! Thầy không có cách nào giúp được con đâu! Thầy không thể giúp được cái người chẳng biết mình. Giống như ông thầy thuốc ấy – bệnh nhân bảo: Thưa thầy, giúp em với!. Thầy bảo là: “Thế có bệnh gì, có bệnh gì?” – “Em chẳng có bệnh gì cả”. Ông thầy nào giúp được? Bệnh nhân gặp thầy thuốc bảo: “Thưa thầy, giúp em với!”, xong thầy bảo: “Ô, thế có bệnh gì?” – “Em làm gì có bệnh gì, chẳng có bệnh gì hết”. Không có đâu! Con đầy bệnh, đầy vấn đề, ở bên trong con ấy, sai lầm bên trong con.

Sai lầm đầu tiên là cách dạy con cái, đúng không, thế mà bảo không có vấn đề? Dạy con sai bét, dạy một đứa con hư mà lại không có lỗi gì à? Toàn lỗi của thiên hạ à? Không có một tí lỗi nào với ông chồng à? Nghe buồn cười không? Dạy ra một đứa con hư – đầu tiên là lỗi của mình chứ! Nuôi nấng, sinh thành, dạy dỗ một đứa con chẳng ra gì – đầu tiên là lỗi của bố mẹ chứ! Tại sao lại bảo “Tôi chẳng có lỗi gì” – nghe đã buồn cười rồi, phủ nhận trách nhiệm. Đấy, ví dụ đấy cho ta thấy “Tại sao lại không có lỗi?”. Lẽ ra phải nhìn thấy lỗi, xong tìm cách sửa lỗi đấy mới đúng. Con phải nhận ra là cái đứa con đấy, nó hư là lỗi của tôi, tôi đã sai trong nhiều năm, tôi đã có cách hành xử, thái độ sai nên nó hư thế này, nên là tôi phải sửa. Khi nào con nói thế thì thầy giúp con, thầy chỉ con cách. Còn nếu con vẫn nghĩ rằng mình chẳng có lỗi, thì thôi! Thầy không phải thần tiên, truyền cho con một ít công lực, xong tự nhiên vấn đề con biến sạch. Không có đâu!

Thầy chỉ có thể truyền cho con một thứ thôi, đó là Trí tuệ. Nhưng mà muốn học trí tuệ đấy, thì con phải nhận ra rằng mình cần cái trí tuệ đấy. Ông thầy thuốc có phương thuốc. Bệnh nhân cần nhận ra rằng: mình cần uống thuốc. Còn con hỏi thầy cứ như là ông thánh ở ngoài đứng chỉ cách nào đó, không có đâu! Thầy không phải ông thánh để chỉ cho con cách khua chân khua tay một lúc là vấn đề biến mất. Đấy là loại bình an giả tạm lúc nãy mà thầy nói ấy. Không có! Thầy không định làm điều ấy với một ai hết. Thầy chỉ có thể chỉ cho con một con đường duy nhất, để sửa chính bản thân con.

Yêu cầu của thầy là gì? Con về nghĩ ra lỗi của mình. Nếu con thấy có lỗi thì quay lại gặp thầy. Thấy là mình có lỗi trong những câu chuyện này này.. mình sai. Còn con phát biểu như vừa xong là con chẳng sai gì hết, thì thôi khỏi đi, đến đây vô nghĩa.

Thầy chỉ có thể truyền cho con một thứ thôi, đó là Trí tuệ. Nhưng muốn học trí tuệ đấy, thì con phải nhận ra rằng: “mình cần trí tuệ đấy”.

Ông thầy thuốc có phương thuốc. Bệnh nhân cần nhận ra rằng: “mình cần uống thuốc.”

Thầy không phải ông thánh để chỉ cho con cách khua chân khua tay một lúc là vấn đề biến mất. Thầy chỉ có thể chỉ cho con một con đường duy nhất, để sửa chính bản thân con.

 

Bác đó: Thưa Thầy, Thầy nói thì con cũng xin nhận lời Thầy dạy. Con cũng xin phép Thầy là con cũng xem kỹ, con đi quanh xóm, hay hỏi những người quen biết thì… Không phải là con khen mình, nói chung là cả xóm con, có ai có ở đây không biết nữa, từ khi con buôn bán, con đi chợ ấy, thì không có một người mô họ ghét con hết. Không phải là con muốn khen con đâu ạ…

Thầy Trong Suốt: (Cười) Theo mọi người, một người mà không có ai ghét là do họ sống hiền lành, tử tế hay là do họ trí tuệ? Không-ai-ghét có chứng tỏ mình có trí tuệ không?

Mọi người: Không.

Thầy Trong Suốt: Thầy có bị nhiều người ghét không?

Mọi người:.

Thầy Trong Suốt: Đầy người ghét thầy. Nên chẳng có vấn đề gì cả. Phật có bị nhiều người ghét không?

Mọi người:.

Thầy Trong Suốt: Phật bị đầy người ghét. Như vậy không-ai-ghét không chứng tỏ là mình có trí tuệ. Bị ghét, không chứng tỏ là mình ngu si. Cái người nhịn nhục nhiều ấy, chẳng ai ghét cả. Nghe câu chuyện của con, nó thể hiện chắc là con giỏi nhịn nhục lắm. Nghe phát biết ngay. Con là tuýp người giỏi nhịn nhục, chẳng ai ghét.

Người không nhịn nhục ấy, là sẽ phản ứng, sẽ bị ghét. Đúng chưa? Người mạnh mẽ không nhịn nhục được, vì nhịn nhục không tốt. Kiên nhẫn thì tốt, mà nhịn nhục có gì hay không? Người không nhịn nhục được sẽ phản ứng, hành động. Mà hành động sẽ động chạm đến những người khác, người ta ghét là đúng rồi. Thầy đánh Đông dẹp Bắc, đúng không? Giúp bao nhiêu học trò thoát khỏi những xiềng xích của họ, đầy người ghét thầy là cái chắc. Còn học trò đến bảo thầy: “Con khổ lắm”, thầy bảo “Ừ, khổ tiếp đi con!” thì ai ghét mình, đúng không? Nhưng mình chỉ cho họ một cách thoát khổ, về làm điều đó, chống lại cả gia đình, cả dòng họ, cả người thân, người quen của họ, thì đầy người ghét mình là đúng rồi còn gì nữa.

Như vậy, con không bị ghét chẳng qua là con nhịn nhục giỏi thôi. Con chỉ giỏi cái trò nhịn nhục thôi, không có gì là người tử tế, không phải là người tốt luôn. Nhịn nhục không phải là người tốt. Người tốt là người thấy việc tốt phải làm, việc đúng phải làm mới là người tốt. Thấy đúng cũng chẳng dám làm, nhịn nhịn nhục nhục thì có gì là tốt?

Nên câu chuyện của con bắt đầu bằng việc: con tin rằng con đang OK, đang ổn, con không thấy con sai. Thầy không giúp con là vì thế. Thầy không muốn trả lời cho con là vì thế đấy. Trả lời cho cái người mà chẳng bao giờ chịu uống thuốc làm gì? Đưa thuốc làm gì cho người mà về nhà, cầm thuốc người ta quăng đi luôn. Mình chỉ đưa thuốc cho người mà họ biết là họ có bệnh thôi. Con có bệnh mà con không biết, con ỷ vào việc là cả hàng xóm không ai ghét mình, cho rằng mình là người tốt. Mình chỉ là một kẻ nhịn nhục giỏi, không phải là người tốt!

Người tốt là việc đúng phải làm, việc mạnh mẽ phải làm, dù có động chạm đến quyền lợi của người khác, dù có làm mất lòng những người khác và dù mình có bị ghét mà vẫn làm. Thấy điều đúng thì phải làm mới là người tốt. Còn như con, trông cái kiểu của con thì không phải người đúng kiểu đấy. Kiểu con là kiểu nhịn nhục giỏi để không ai động vào ai hết, mình không động vào quyền lợi của họ, thì ai ghét mình làm gì?

Chính những người động vào quyền lợi của người khác thì bị ghét. Mà bị ghét chứng tỏ là người đấy đã làm một hành động. Còn đã không ai ghét cả ấy, là con chẳng làm gì, chứng tỏ ông này cũng nhịn nhịn nhục nhục. Khi nghe tin có ai đó ghét thầy thì thầy thấy rất bình thường. Đúng rồi, đấy là cái lẽ tự nhiên, khi mình làm những việc đúng là có người ghét. Bây giờ xã hội đang làm điều sai, mình làm điều đúng, thì hỏi xã hội ghét mình hay là quý mình? Theo mọi người thì sao? Ghét mình là chắc. Nên đôi khi, bị ghét hoặc bị chê cười là những người xấu còn làm được điều tốt, thể hiện là người ta làm điều đúng, điều tốt.

Nên là con còn chưa sẵn sàng để nghe thầy giúp đâu, vì con đang nghĩ rằng con đang ổn, con đang tốt. Mà con không chịu sửa mình thì làm sao mà thoát được. Mấy đứa con thì chẳng ra gì, chồng thì tai biến, hoàn cảnh đã tệ rồi mình còn không muốn sửa mình, thì sửa kiểu gì? Hoàn cảnh mình tệ – không sửa được; mình thì nghĩ là mình rất tốt, mình chẳng muốn sửa – thì làm cái gì? Làm cái gì? Nhịn nhục tiếp đi con! Nếu con còn như thế, thì câu trả lời là: “Nhịn nhục tiếp đi con!”, thế thôi!

Tại vì hoàn cảnh thì không sửa được, mình thì chẳng chịu sửa mình…, thế thì khi nào khổ quá thì quay lại đây! Khi nào rên la, lăn lộn muốn sửa mình thì quay lại đây, thầy lại chỉ cho. Còn nếu đang nhịn nhục được thì cứ nhịn nhục thôi, nhịn để thấy là nhịn chẳng giải quyết được cái gì cả. Nhịn nhục chẳng giải quyết được cái gì hết, mà chỉ làm mình tổn thương nhiều hơn, thế thôi. Khi mình nhịn nhục ấy, người mà nhịn nhịn nhịn… những người xung quanh ấy, thì chính mình tổn thương ngay, đúng không? Mình càng nhịn những người xung quanh thì mình càng tổn thương. Mình càng nhịn những người xung quanh, mình càng đè nén bên trong mình thì mình tổn thương nhiều hơn. Khi mình đè nén trong mình thì mình bị tổn thương bên trong, nội thương.

Đấy, thế nên là con phải về, xem xem mình có sai ở đâu không? Khi nào con tìm được vài điều sai, thầy sẽ chỉ con cách sửa chữa sai lầm. Sửa chữa sai lầm bắt đầu từ việc nhận ra là mình có sai lầm. Sửa chữa sai lầm không bắt đầu từ việc mình gặp một ông bác sĩ tốt, một ông thầy tốt, xong lại không biết là mình có sai lầm – Không sửa được đâu!

Chữa bệnh bắt đầu từ việc nhận ra là mình có bệnh, chứ còn ông bác sĩ bảo là: “Thuốc này hay lắm, chữa ung thư”, nhưng mà mình chẳng nghĩ là mình bị ung thư thì ông bác sĩ ấy vô nghĩa. Hiểu chưa? Nên về nghĩ đã! Hôm nay con chưa sẵn sàng nhận được lời khuyên của thầy đâu, tại vì con vẫn còn nghĩ là mình quá tốt. Trong khi, trong mắt thầy thì con là một người chẳng tốt đẹp gì, chỉ giỏi nhịn nhục. Mà nhịn nhục chẳng giải quyết được vấn đề gì, chẳng có gì hay ho ở đấy cả. Không bảo con là người xấu, nhưng cũng chẳng bảo con là người tốt. Hiểu không?

Rồi, vẫn có phần thưởng như thường, (Thầy cười) vẫn có quà như thường, quà để về, đem lịch về nhà bạn nghĩ. Mỗi lần nhìn lịch thấy mấy câu của Trong Suốt thì lại nghĩ: “Ờ, nhớ lời Thầy xem mình có gì sai ở đâu không, sửa.”

Sửa chữa sai lầm bắt đầu từ việc nhận ra là mình có sai lầm.

Chữa bệnh bắt đầu từ việc nhận ra là mình có bệnh.

 

9. Để tâm an dễ hay khó?

Một bạn: Em chào anh ạ. Nãy giờ nghe anh nói thì em cũng rất quan tâm đến chuyện làm thế nào để rèn luyện được cái tâm an, mà an thật trong lòng ấy, chứ không phải là an giả phía bên ngoài. Bản thân em nghĩ việc đó không đơn giản. Theo em nghĩ, đầu tiên là mình phải nhận thức cái đã. Mình phải biết tạo nghiệp tốt, làm những việc tốt, có những suy nghĩ tốt. Bắt đầu từ suy nghĩ rồi sau đó sẽ đến những hành động của mình. Nhưng cái bước cuối cùng để có được cái tâm an thật sự ấy, em nghĩ rất là khó, không đơn giản, phải không ạ?

Thầy Trong Suốt: Nếu mà mình đi đúng hướng thì sẽ dễ, đúng không? Đi đúng hướng thì sẽ đến đích. Còn khó hay dễ phụ thuộc vào nhân duyên của mỗi người. Có người rất khó, có người rất bình thường, có người thì rất là dễ. Nhưng mà quan trọng nhất là gì? Mình có biết nhân duyên của mình thế nào đâu, việc của mình là khởi hành đúng hướng và đi đúng hướng. Khởi hành đi, và luôn giữ mình đi đúng trên con đường. Còn con đường dẫn đến đâu thì dẫn đến đấy. Thế thôi! Đi từ Hà Nội vào Sài Gòn là dễ hay khó?

Một bạn nói: Dễ.

Thầy Trong Suốt: Người thì bảo dễ, người thì bảo khó. Người không có tiền thì đi bộ, thì siêu khó luôn ấy, đúng không? Người có tiền thì làm sao?

Mọi người: Máy bay.

Thầy Trong Suốt: Máy bay. Có người có tiền nhưng không có sức khỏe, thì sao? Khó hay dễ?

Mọi người: K.

Thầy Trong Suốt: Khó, máy bay có nổi đâu. Đúng không? Nghe thầy nói là đi vào Sài Gòn gặp thầy còn không chịu nổi nữa, đúng chưa? Nên đừng nghĩ có tiền mà dễ. Có tiền nhưng không có sức khỏe, vẫn khó. Đừng nghĩ khỏe là dễ, khỏe mà không có tiền thì cũng khó nốt. Thế nên là dễ hay khó, nó phụ thuộc vào cái hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người.

Nhưng điểm chung là, tất cả những người muốn vào Sài Gòn thì phải làm gì? Khởi hành chứ còn gì nữa? Muốn đi là phải đứng lên mà đi, đúng không? Còn ngồi nhà cứ phân vân là không biết vào Sài Gòn dễ hay khó nhỉ, ngày mai lại hỏi không biết vào Sài Gòn khó hay dễ nhỉ? Bao giờ vào Sài Gòn? Ba năm sau vẫn đang ngồi đâu?

Mọi người: N.

Thầy Trong Suốt: Ngồi Hà Nội. Nên vấn đề không phải là dễ hay khó, vấn đề là có đi hay không đi. Đi mà đúng hướng thì đi đường bộ cũng vào được Sài Gòn mà, đi đường không cũng vào được Sài Gòn, đi đường thủy cũng vào được Sài Gòn. Đúng chưa? Đường nào cũng vào Sài Gòn được – không, bộ, thủy. Đúng đường, đúng hướng, và quan trọng là phải khởi hành.

Đấy, thế còn cứ ngồi đây hỏi là dễ hay khó? Đố ai trả lời nổi. Lúc thầy bắt đầu ấy, thầy cũng không biết là dễ hay khó, thầy chỉ biết là phải đi thôi. Thầy không biết là khi nào có kết quả. Và trong quá trình đi, có lúc thầy thấy khó thế này, mình còn dễ giận thế này, dễ ghen tị thế này thì làm sao mà mình có thể “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến được”? Làm sao có thể không sợ chết được? Làm sao có thể tự do tự tại được, nếu mình còn đang ràng buộc như thế này? Có nhiều lúc, rất nhiều lúc thầy thấy như thế. Rất nhiều lúc trên đường đi ấy, mình thấy quá xa.

Nhưng mà, điều ấy có làm mình chùn bước không? Ngược lại, nó làm mình phải mạnh mẽ lên. Mình phải quyết tâm hơn nữa, phải mạnh mẽ hơn nữa, phải sâu sắc hơn nữa. Đấy, các con, các em cần thái độ kiểu như thế. Phải thực hành này, quyết tâm này, mạnh mẽ này, sâu sắc. Và quan trọng là phải đi đúng đường, tìm, luôn tìm cách để đi trên con đường đúng. Rồi cũng sẽ đến thôi!

Giống như đi từ Hà Nội vào Sài gòn, vấn đề không phải là dễ hay khó, vấn đề là có đi hay không đi. Đi mà đúng hướng thì đi cách nào cũng vào được Sài Gòn.

Quan trọng là phải khởi hành, đi đúng đường, luôn tìm cách để đi trên con đường đúng. Rồi cũng sẽ đến thôi!

 

9. Làm điều tốt, rồi hồi hướng công đức để làm gì?

Một bạn: Hồi nãy em có nghe nói là mình phải làm điều tốt, luôn có suy nghĩ tốt, việc làm tốt… ví dụ như khi phóng sinh xong, mình có hồi hướng công đức của mình chẳng hạn, thì những việc làm nhỏ hơn, những suy nghĩ nhỏ hơn tốt cho mọi người ấy, thì mình có cần phải hồi hướng công đức không ạ?

Thầy Trong Suốt: Nếu mà nhỏ quá thì thôi, cuối ngày làm một thể. Nhưng nếu vừa vừa thì có thể làm. Nếu mình vừa cứu con kiến thoát khỏi một cốc nước, bị trôi thì được. Tốt nhất là nên tập thói quen cuối ngày làm một lần, tối thiểu làm một lần. Còn làm trong ngày thì càng tốt. Nhưng không nhất thiết là bắt buộc cứ làm điều tốt là phải hồi hướng ngay, không cần. Như thế là hơi căng quá.

Mấu chốt là em phải hiểu, tu không phải là làm điều tốt đâu. Phần quan trọng nhất là phần gì? Sửa bên trong. 99% là vậy.

Làm điều tốt, bản chất của nó cũng chính là để sửa bên trong. Nên mình đừng bị bám vào những điều tốt…, mà suy cho cùng, không ai làm điều tốt được đâu. Em không giác ngộ làm sao làm điều tốt được? Em cứu con này sẽ làm hại con kia. Em cứu con cá, còn những con cá đang ăn con cá ấy. Em thả 100 kg cá xuống hồ thì chuyện gì xảy ra? Không có nguy cơ là con gì bị chết à? Cá lớn nuốt cá bé mà. Nên đừng có ỷ vào việc tốt.

Làm điều tốt mấu chốt là để cho tâm mình luôn luôn trong trạng thái nghĩ cho người khác – cái đấy mới là quan trọng. Vì khi tâm mình ở trạng thái nghĩ cho người khác thì nó không bị ngã chấp, tức là không bị lừa là có một cái tôi ở đấy, nó giải thoát khỏi đúng vướng mắc của ngã chấp – Đó là lý do quan trọng nhất của làm điều tốt. Chứ không phải là mình làm điều tốt để lấy công đức đâu. Lấy công đức là cái phần tầm thường nhất của điều tốt, thậm chí không nên nghĩ như thế, nói như thế mới là đúng. Nếu em làm điều tốt với ý nghĩ lấy công đức là em vẫn ở trong trạng thái tầm thường. Tốt nhất là đừng nghĩ đến công đức của điều tốt – đấy là cách tốt nhất.

Vì công đức là cho ai? Cho mình mà, thế là ngã chấp lên mất rồi. Tôi làm điều tốt, còn nó không làm điều tốt, tôi hơn nó – Đấy, ngã chấp rồi. Nên tốt nhất cho em, là đừng quan tâm đến công đức của điều tốt. Hãy làm điều tốt một cách tự nhiên, như là có người khó khăn, người ta ngã thì tôi chìa tay kéo đứng dậy, đúng không? Có người sắp uống phải một cốc nước có độc, tôi thấy, tôi biết nó có độc, tôi chặn người ấy đừng có uống… Cái đấy tự nhiên mà! Hãy làm điều tốt một cách tự nhiên! – Đấy là lời khuyên thầy nói với tất cả học trò của thầy đấy! Chứ đừng làm điều tốt để lấy công đức, đấy là cái tầm thường nhất của làm điều tốt.

Đấy là điều tốt để cho người ta cố gắng, nhưng bản chất là rất tầm thường. Tại sao mình làm điều tốt để lấy công đức? Vì bản chất, mình không làm để lấy công đức thì vẫn có công đức hay là không có công đức? Vẫn có mà! Tại sao mình cứ phải quan tâm đến việc có công đức, xong phải hồi hướng làm gì? Đấy là thói quen tầm thường, không phải thói quen tốt. Thói quen tốt là gì? Không thèm quan tâm đến công đức. Mình làm điều tốt hết sức tự nhiên. Đấy mới là thói quen tốt nhất. Còn một ngày hồi hướng một lần là thói quen tốt, suy cho cùng, cũng là việc tốt.

Nhưng nếu cứ làm mấy điều tốt, xong rồi chăm chăm hồi hướng công đức, thì mình trở thành một kẻ hết sức tầm thường, bám chấp vào công đức. Đúng chưa? Nên là cẩn thận đấy. Làm điều tốt không chắc đã tốt nhất đâu! Làm điều tốt mà không cần phải nghĩ đến công đức của điều tốt, mới là tốt.

Thầy có bao giờ nghĩ đến công đức của thầy bao nhiêu đâu, không phải bây giờ mà thời ngày xưa cũng thế, chẳng nghĩ đến công đức là bao nhiêu cả. Thầy cho đó là điều tốt đáng làm thì làm thôi. Hết! Thế thôi! Còn nó tự động sinh ra công đức mà. Thậm chí nhé, nếu em đang làm điều tốt, em không nghĩ đến công đức thì còn sinh ra nhiều công đức hơn là cứ làm việc tốt, chăm chăm nghĩ đó là công đức của tôi, tôi tích thêm một ít rồi, tôi phải hồi hướng thôi. (Thầy cười)

Làm điều tốt mấu chốt là để cho tâm mình luôn luôn trong trạng thái nghĩ cho người khác, để giải thoát khỏi vướng mắc của ngã chấp. Đấy là Trí tuệ.

Công đức là điều tốt để cho người ta cố gắng, nhưng là phần vỏ. Làm điều tốt mà không cần phải nghĩ đến công đức của điều tốt, mới là tốt.

 

10. Con mình khôn ngoan quá thì có sao không? 

Một bạn nữ: Dạ, em chào Thầy ạ. Em đang thắc mắc là trong con người có năm uẩn, những cái tham lam, sân hận thì người lớn rất khó để buông bỏ. Vậy làm cách nào để có thể hỗ trợ con của mình, để nó không vướng phải những cái như vậy ạ.

Ví dụ con của em, bé rất là nhanh. Khi học lớp một, thì có một hôm bé đi học muộn, bé nói với anh cờ đỏ là: “Anh cờ đỏ ơi, anh tha cho em lần này, nhà em ở xa”. Thế là, hôm sau mẹ gọi dậy sớm để đi học thì bé bảo là: “Mẹ ơi, con có xin với anh cờ đỏ là nhà mình ở xa rồi, nên mình không cần phải đi học sớm nữa, cứ từ từ đi cũng được”. Hoặc với cô giáo chủ nhiệm cũng thế, ví dụ cô giáo đánh cả lớp chẳng hạn, bé lanh nên bé lên xin lỗi trước là: “Thưa cô tha cho em, lần sau em sẽ cẩn thận hơn”. Ví dụ thế…

Thầy Trong Suốt: Thế thì sao? Chưa thấy bé sai ở đâu cả.

Bạn đó: Em thấy là bé học nhanh quá. (cười)

Thầy Trong Suốt: Chưa thấy sai ở đâu cả. Một đứa bé khôn ngoan như vậy có gì sai? Nó có nói dối không? Nó có nói dối đâu mà sai.

Bạn đó: Nhưng đáng lẽ nó phải dậy sớm đi học thì lại mình đã xin rồi, đi học từ từ…

Thầy Trong Suốt: Không. Nhầm, nhầm rồi. Đấy là mẹ nó sai. Thầy không nghĩ là cứ phải dậy sớm đi học sớm là đúng. Nói như em thì cái gì chẳng phải đúng. Cách dạy của em là phải dậy sớm đi học đúng này, cô giáo đánh thì để cho cô đánh này, cô mắng phải cho cô mắng này… Em tạo ra con robot là chắc, quá nhiều khuôn khổ. Thầy nếu mà có một đứa con như thế, thầy sẽ rất vui vẻ. Nó khôn ngoan thế mình phải vui chứ, đúng không? Nó khôn ngoan mình sẽ rất là vui.

Nhưng vì em có quá nhiều khuôn mẫu là con mình phải thế này này, đúng chuẩn của mình này. Đấy là vấn đề! Đấy, đấy là vấn đề của em chứ không phải vấn đề của nó. Em mới là người phải sửa trong câu chuyện này. Em phải sửa cái gì? Em phải sửa những khuôn mẫu là con phải thế này, thế kia. Đó, em phải sửa cái đó đi – Có quá nhiều khuôn mẫu, con phải thế này thế kia – Sửa đi! Tốt nhất, hãy bao dung với con. Trong trường hợp vừa xong ấy, thầy chẳng thấy nó sai ở đâu, sao mình lại nghĩ là nó có vấn đề? Thấy đâu tham lam, sân hận gì đâu?

Còn em mới có vấn đề, ở sợ hãi. Em mới là người có ngũ độc ở trong câu chuyện này. Không phải ngũ uẩn, mà là ngũ độc. Em bị sợ hãi, em phải sửa cái sợ hãi đó đi. Phải chấp nhận rằng mình có đứa con có tính cách khác mình, có cách sống khác kiểu của mình. Mà cái đấy vẫn OK, không việc gì phải sợ. Đấy! Bố mẹ phải chấp nhận rằng con cái mình khác mình, và không việc gì phải sợ điều đấy cả. Con mình khác mình không có nghĩa nó xấu. Bố mẹ có thể rất khuôn khổ, nhưng mà con cái có thể rất là phá cách. Bố mẹ rất hiền lành, nhưng con cái nghịch như quỷ sứ. Bố mẹ học rất giỏi, nhưng con học dốt như là (Thầy và mọi người cười) là rất bình thường. Đấy là bình thường, rất bình thường. Em phải thấy nó bình thường.

Vì em muốn nó phải giống mình nó mới bình thường, đúng không? Bố mẹ nào chẳng nghĩ con tôi phải giống tôi, nó mới bình thường– vậy nhầm to! Con thầy, có một đứa chẳng giống thầy tí nào luôn. Thằng vừa nãy đâu rồi ấy nhỉ? (Mọi người nói) Hả? Ngủ mất rồi. Chẳng giống thầy, nó rất là lầy lội. (Mọi người cười)

Thầy từ bé đã tự giác, trách nhiệm đủ thứ rồi, nhưng mà nó thì hầu như không thế. Nó rất lầy lội, bảo làm mấy lần mới làm, có khi chẳng làm, không thích nó cũng chẳng làm, bảo chào mà không thích nó cũng chẳng chào… Tóm lại, nó lầy lội lắm. Nhưng mà có gì đâu, thầy bảo, mỗi người mỗi thế giới mỗi kiểu, không làm điều đấy không có nghĩa nó là đứa bé không tốt, nó chỉ là đứa bé khác mình mà thôi. Mà mình thì kiểu nào cũng chơi. Con kiểu nào mình cũng vui vẻ hết. Đấy, con nó lầy lội, mình sẽ dạy nó theo kiểu của đứa bé lầy lội.

Học trò của thầy này, mấy mươi đứa nhỉ? 70 đứa – 70 đứa con lầy lội, học kiểu khác nhau. Đúng không? Làm gì có đứa nào hoàn hảo đâu! Có đứa nào giống mình không? Thầy chưa thấy có đứa con nào, đứa học trò nào giống mình hết. Nhưng có vấn đề gì đâu? Mỗi đứa có một kiểu của nó mà, nó đẹp theo kiểu của nó.

Giống như trong một vườn hoa ấy, có 70 loại khác nhau thì vui hơn hay là bông nào cũng phải rực rỡ như hoa hồng? Theo con thì sao? Bông nào cũng phải giống hoa hồng thì bông đấy mới đẹp, còn đứa thì thài lài, đứa thì cứt chó, (mọi người cười) đứa thì thược dược, bông nào đẹp hơn? Đúng không? Thế tại sao phải dạy con theo hướng mình?

Con có hai đứa con thì cứ chấp nhận hai đứa khác tôi đi, mỗi đứa một kiểu. Và tôi học cách để sửa mình, để tôi đừng gây vấn đề cho nó. Tôi sẽ truyền cho đứa con những ảnh hưởng tốt từ cách sống của tôi, chứ không phải tôi ngồi lo làm thế nào để nó giống tôi.

Trong câu chuyện của con, thầy chẳng thấy có cái gì sai về phía đứa bé cả. Tại sao con bảo nó sai? Thầy không hiểu lý do gì mà con bảo nó sai? Tại sao cứ phải chính xác chuẩn từng phút một làm gì? Thầy đây này, ngay thầy còn đi làm muộn nữa là, đi giảng muộn, đủ thứ muộn, có sao đâu? Thật mà! Đừng có làm hại người khác thôi. Nguyên tắc căn bản là thế thôi, đừng có làm hại người khác. Nếu đi học muộn làm hại người khác thì đừng đi học muộn. Còn đi học muộn chẳng làm hại ai hết, thì đi học muộn có sao đâu? ?

Bạn đó: Tại ngày nào cũng đi học muộn và thầy cô thì không cho, mà bé cứ bảo là đã xin rồi, không cần phải ghi sổ đầu bài…

Thầy Trong Suốt: Tóm lại có sao không? Bị đuổi học không?

Bạn đó: Dạ có chứ ạ.

Thầy Trong Suốt: Đuổi học chưa?

Bạn đó: Dạ, chuẩn bị đuổi học. (cười)

Thầy Trong Suốt: À rồi, nếu chuẩn bị đuổi học thì sẽ phải có phương án (bạn đó cười). Nhưng không thể gọi là tính xấu của nó được. Cái con nói là gì? Là mỗi người có năm độc. Con, ngay đầu tiên, đã kết tội nó rồi, bảo nó là một đứa bé xấu có năm độc. Đấy, đấy là cái vấn đề của con.

Bạn đó: Vậy giờ con phải…, ý là phải nhờ cô.

Thầy Trong Suốt: Đấy là vấn đề của con. Con bắt đầu bằng một sự kết tội, ngay lập tức khi con phát biểu đó. Đúng không? Con vào đề đã buộc tội đứa con của mình. Thầy chẳng thấy có tội gì hết. Nó vô tội, con mới có tội. Cái tội của con là kết tội người khác. Còn nếu hoàn cảnh như thế thì không phải là “phải sửa”, không phải nó có tội, nên sửa tội cho nó. Mà hoàn cảnh thế thì con tìm cách mà phản ứng cho phù hợp.

Thế nên câu hỏi của con là sai bét rồi. Nó chẳng có tội gì hết, nó không sai luôn. Mà bây giờ con bất lực không biết làm gì cả, thì sửa đi, sửa cái bất lực đi. Mình dậy sớm, kéo nó đi thôi. Có gì đâu? Dễ không ấy mà. Có gì đâu? Mẹ gì mà kém thế, bất lực. (Bạn đó cười) Dậy sớm, kéo nó đi học. Xong. Cô không đuổi được gì hết. Chứ không phải kết tội nó là xấu được. Đấy là cái thầy muốn nói đấy! Nếu vấn đề của con là đi muộn, chỉ cần dậy sớm rồi kéo nó đi thôi, tại sao cứ phải kết tội nó là đứa bé xấu? Cả lớp bị cô đánh mà nó xin thì có vấn đề gì đâu, sao phải kết tội nó là đứa bé xấu?  Buồn cười quá còn gì nữa.

Bố mẹ phải chấp nhận rằng con mình khác mình, không theo khuôn mẫu của mình. Điều đấy là rất bình thường, không việc gì phải sợ.

 

Bạn đó: Dạ, ý của em hỏi là người lớn thường như vậy, còn các bé nhỏ thì làm sao nuôi dạy cho bé tránh được những cái đấy?

Thầy Trong Suốt: Không tránh được, người lớn thế nào trẻ con như thế. Người lớn sống thế nào, trẻ con sống như thế. Em muốn cho đứa bé tránh ngũ độc thì đúng là không tưởng. Cách duy nhất để tránh ngũ độc là làm cho nó giác ngộ. Nếu nó giác ngộ, thì nó tránh được ngũ độc. Đấy là lý do thầy dạy đứa con của mình. Nadhi, vào đây.

Thầy cũng muốn chữa ngũ độc cho con của mình, giống như các con ấy. Nhưng mà cách thầy chữa ngũ độc cho con thầy khác với các con. Thầy không yêu cầu nó phải đi học sớm, không yêu cầu nó phải ngoan ngoãn vâng lời cô giáo… Tất cả những cái đấy thầy đều không yêu cầu. Nadhi vào đây, sau này muốn làm gì, nói cho ba nghe nào?

Nadhi: Giác ngộ ạ.

Thầy Trong Suốt: Vì sao con muốn giác ngộ?

Nadhi: Để cứu độ chúng sinh.

Thầy Trong Suốt: Đấy, dạy cho cách nghĩ, cách sống khác. Thế thôi! Nó không ý thức được quá nhiều những gì nó nói đâu. Nhưng ít nhất là nó không vướng vào thói quen đời nữa. Thầy không dạy lớn lên hãy thành một công dân tốt này, hãy làm nhiều điều tốt cho xã hội này, hãy làm người đàn ông trách nhiệm này, có vợ con gia đình đầy đủ này, nối dõi tông đường này? Đây, Nadhi muốn lấy vợ không?

Nadhi: Dạ, không. (Mọi người cười)

Thầy Trong Suốt: Tại sao lại phải lấy vợ? Lấy vợ làm gì? Thầy không dạy những thứ đấy vào đầu nó. Thế thôi, cách đơn giản thế thôi. Dạy nó tìm con đường giác ngộ giải thoát, cứu độ người khác, cứu độ chúng sinh và quan tâm đến người khác. Hiểu không? Đấy là cách giúp trẻ con duy nhất. Muốn giúp đứa bé tránh ngũ độc, chỉ giúp nó giác ngộ, chứ không thể dùng cách dạy thông thường của thế gian – cách dạy do ngũ độc sinh ra – để làm đứa bé hết ngũ độc được. Không có đâu, con hiểu không?

Bạn đó: Dạ.

Thầy Trong Suốt: Cách mà người ta đang dạy trẻ con bây giờ, ở trường của con con ấy, nó chỉ làm cho đứa bé bình thường thôi, nó không thể nào làm đứa bé hết ngũ độc được đâu. Con muốn giúp người hết ngũ độc, cách tốt nhất là con giác ngộ để cứu họ, hết. Giác ngộ thì hết ngũ độc. Còn nếu con có ngũ độc, con tìm ông thầy dạy nó giác ngộ, được. Cách duy nhất để một đứa bé lớn lên hạnh phúc, và không bị ngũ độc ảnh hưởng, là gì? Hai chữ thôi, là gì?

 Mọi người: Giác ngộ.

Thầy Trong Suốt: Là “giác ngộ”. Khi con xác quyết được điều đấy trong lòng con thì con sẽ dạy con con một kiểu khác. Còn nếu con chưa xác quyết được, con vẫn dạy con con theo kiểu là phải nối dõi tông đường, phải đừng làm gì xấu hổ bố mẹ… Ấy, con vẫn dạy theo kiểu thế gian. Đấy, (Thầy cười) hiểu không?

 

11. “Mẹ ơi, sao mẹ đi phóng sinh mà mẹ còn ăn động vật hả mẹ? Mẹ không yêu động vật à?”-  Nói thế nào cho con hiểu?

Bạn đó: Cảm ơn Thầy. Thầy ơi cho em còn một câu hỏi nữa.

Thầy Trong Suốt: Hỏi đi!

Bạn đó: Bé hay hỏi mẹ là: “Mẹ ơi, sao mẹ đi phóng sinh mà mẹ còn ăn động vật hả mẹ? Mẹ không yêu động vật à?”. Em nghe nói vậy thì trong lòng em hiểu, nhưng nói ra làm sao cho bé hiểu thì mình lại không nói thật, mình lại lỡ nói dối. Mình bảo là “Mẹ không ăn được món này, nên mẹ chọn món này. Mẹ chọn để mẹ ăn tạm”. Mình về suy nghĩ thì thấy là mình nói dối con. y giờ không biết làm sao để nói, vì bé cũng hỏi nhiều lần...

Thầy Trong Suốt: Thứ nhất, mình phải đối xử với trẻ con như là đối xử với người lớn. Tránh tất cả những chuyện nói dối nó, nói lừa phỉnh nó, nói ngược lại với sự thật. Vì mình đối xử với đứa bé thế nào thì ra đứa bé như thế. Mình đối xử với nó như đứa bé trí tuệ và hiểu biết thì nó rơi vào trong đời mình là một đứa bé trí tuệ và hiểu biết, sống cạnh mình. Mình đối xử với đứa bé như thằng trẻ con không biết gì, lừa phỉnh nó, thì suốt ngày mình gặp một đứa bé chỉ biết lừa phỉnh thôi.

Nên là, đầu tiên, thái độ đối xử với con cái phải như bạn, trung thực với nó như một người bạn, chứ không phải như một đứa bé chẳng biết gì, để mình lừa như thế nào thì lừa, phỉnh như thế nào thì phỉnh. Phải như một người bạn trung thực.

Đấy, nên đổi thái độ với con cái: “Đây là một người bạn trung thực của tôi. Tôi sẽ là người bạn trung thực của họ”. Mình muốn con không nói dối mình, xong mình suốt ngày nói dối nó thì đương nhiên nó sẽ nói dối mình, đúng chưa? Mình muốn con không lừa phỉnh mình, nhưng mà suốt ngày mình lừa phỉnh nó thì nó sẽ lừa phỉnh lại mình. Thay đổi thái độ đi!

Một, thay đổi thái độ thành “Hãy là người bạn trung thực của con!”. Người bạn chưa đủ, mà phải trung thực nữa. Mình nói những cảm nhận, suy nghĩ thực sự của mình cho nó biết. Đấy là người bạn trung thực. Đấy! Có một thái độ đối xử khác với trẻ con. Sau đó, con xem lại tại sao mình ăn mặn, mình trả lời một cách trung thực cho nó nghe.

Chị đó: Mình nghĩ là bé còn nhỏ quá, nó chưa hiểu.

Thầy Trong Suốt: Cái sai là ở đấy. Nadhi 5 tuổi, đúng không? Thầy nói về giác ngộ, nói về cứu độ chúng sinh, nói về vạn pháp là ảo ảnh của tâm, nói về mọi thứ là vô ngã với nó từ bây giờ rồi. Đừng coi thường nó vì nghĩ nó không hiểu. Có thể là nó không hiểu được 100%, nhưng mà cái tinh thần chính nó sẽ hiểu. Cái đấy mới là quan trọng và nó sẽ trở nên trí tuệ hơn nhiều so với việc mình cứ che che giấu giấu. Thế thôi! Trả lời một cách trung thực là tại sao mình ăn mặn. Đúng không?

Bảo là: “Mẹ thấy ăn mặn là không có gì sai hết”, nói thẳng luôn. Nói thẳng với con luôn là: “Ăn mặn không có nghĩa là không thương. Ăn chay không có nghĩa là thương”. Thầy giảng đi giảng lại mấy cái đấy rồi. Đã là người, để nuôi sinh mạng này, thân thể các con có mấy kilogram thịt, các con phải nuôi cái thịt đấy thì con phải ăn uống, con phải có đủ các loại chất để nuôi thân thể này. Đúng chưa?

Vì thế con ăn uống thức ăn mặn hay không mặn đều là bình thường hết, vì nếu không có thì làm sao mình duy trì được sinh mạng. Khi ăn mặn hoặc ăn chay thì con đều làm chúng sinh chết. Quan trọng không phải là chay hay mặn, quan trọng là con phải thấy mình có trách nhiệm với những vật con ăn vào. Con phải biết ơn nó và con phải tìm cách cứu nó thoát khỏi đau khổ, khi có thể. Đấy mới là cách ăn đúng đắn, chứ không phải chay – mặn là đúng đắn.

Chay không đúng hơn mặn, mặn không đúng hơn chay. Ăn với lòng từ bi, biết ơn, và mong muốn cứu độ các chúng sinh khác thoát khỏi đau khổ mới là đúng. Đấy, nói thẳng với con như thế. Đối xử với nó như một người lớn luôn, trung thực. “Tuy rằng mẹ ăn mặn nhưng mẹ luôn luôn mong muốn cứu những con vật đấy ra khỏi luân hồi. ”. Khác hẳn chứ!

Thầy Trong Suốt: Đừng tưởng đứa bé không hiểu. Nó mấy tuổi rồi?

Chị đó: Dạ 4 tuổi.

Thầy Trong Suốt: 4 tuổi là quá hiểu rồi. Thầy có một lớp học trò toàn trẻ con gọi là Nhi đồng Trong Suốt. 4 tuổi là được học rồi. Học cái gì? Học nhân quả, vô thường, bất toại nguyện, thân người khó được. Học tất, học duyên sinh các loại, học hết rồi. Nhớ là 4 tuổi thôi, năm ngoái học rồi, đúng không? (Mọi người cười) Kinh không? Mà đấy có phải chỉ là Nadhi con thầy đâu, mà một lớp 15 đứa, từ 4 tuổi trở lên.

Nên đừng coi thường trẻ con. Trẻ con rất là hiểu biết. Mà quan trọng nhất là mình đối xử với nó theo kiểu nào thì nó sẽ thành đứa bé như thế. Đấy, bà mẹ này (Thầy chỉ bác Lan) đối xử với con theo kiểu là: “Con cứ làm sai đi, mẹ lo hết cho” thì ra đứa bé vô trách nhiệm. Mình đối xử với nó như một đứa trẻ con: “Con cứ làm gì thì làm, để mẹ chịu trách nhiệm cho” thì ra đứa bé như thế nào? Thì ra đứa bé vô trách nhiệm, chứ còn gì nữa. Mấy đứa vô trách nhiệm, chứ không phải một đứa đâu. Mấy đứa con vô trách nhiệm liền thì chứng tỏ mình dạy sai, có vấn đề trong cách dạy của mình. “Con cứ sai đi, để mẹ chịu hết cho. Con cứ làm mọi chuyện đi, rồi trả nợ thì mẹ trả nợ cho. Con cứ vay nợ đi, rồi mẹ trả nợ cho” – thì sẽ tạo ra những đứa bé chỉ suốt ngày vay nợ thôi, vô trách nhiệm còn gì nữa.

Hãy nhớ là, đối xử với con như thế nào thì ra một đứa con như thế. Hãy đối xử với nó như một người bạn trung thực. Kể cho nó nghe cảm xúc và suy nghĩ của mình. Nó sẽ học rất nhanh. Cái hay ở chỗ đấy. Thậm chí nó còn là thầy của mình luôn. Học xong, nó áp dụng nguyên tắc còn giỏi hơn mình. Trông mà xem! Vì người lớn bị nhiễu loạn rồi, quá nhiều nguyên tắc, còn trẻ con chỉ một nguyên tắc áp dụng thôi thì nó sâu sắc hơn nhiều và nó mạnh mẽ hơn nhiều. Và dũng cảm để con nó khác mình, hiểu không? Rồi, tặng quà cho bạn đi chứ!

Mình đối xử với con như thế nào thì ra một đứa con như thế. Hãy đối xử với nó như một người bạn trung thực. Hãy là người bạn trung thực của con.

Khi thầy dạy Nadhi kiểu đấy thì ngay cả mẹ thầy cũng phát hoảng luôn, sợ sau này nó không bình thường. Đấy, mẹ thầy thái độ không nói thẳng với thầy, nhưng thầy nhìn là biết, là sợ sau này nó không bình thường. Nó không bình thường theo kiểu là nó không làm theo mẫu chuẩn của xã hội – mẹ thầy sợ điều đấy.

Nhưng thầy chấp nhận con mình chẳng giống xã hội luôn. Nên là, nếu các con dạy con mình điều đấy thì phải có một sự dũng cảm. Nếu các con muốn con mình không có ngũ độc, mà các con không có sự dũng cảm thì sao mà làm được? Con phải dũng cảm thôi! Con dũng cảm để con mình khác người. Nếu các con có dũng cảm đấy thì mới dạy con được. Các con, nếu muốn dạy con tử tế, ra hồn ấy, thì cần có một loại dũng cảm để con mình nó khác người. Còn muốn con mình giống tất cả mọi người ấy, thì chỉ ra đứa con đầy ngũ độc thôi. Hiểu không?

Sau này con khác người thì con có sợ không? Con khác với các bạn con có sợ không? (Thầy hỏi Nadhi)

Nadhi: Dạ không.

Thầy Trong Suốt: Vì sao lại không sợ? Khác hẳn cả lớp luôn. Các bạn không ai chơi với con nữa thì con có sợ không?

Nadhi: Dạ không.

Thầy Trong Suốt: Vì sao?

Nadhi: Vì con không cần.

Thầy Trong Suốt: Không cần à? (Thầy và mọi người cười) Thấy chưa? Tại sao phải chê tôi. Tôi cần gì điều đấy!”. Tôi làm điều đúng mới quan trọng hay tôi làm điều mà tất cả mọi người đều thừa nhận là quan trọng?

Nadhi, làm điều mình cho là đúng quan trọng hơn, hay làm điều tất cả mọi người thừa nhận và đồng ý là quan trọng hơn? Trả lời ba xem nào! Theo con, làm cái gì quan trọng hơn? Một bên là, mình làm điều mình biết là đúng luôn, nhưng chẳng ai vỗ tay cho mình hết. Một bên là, mình làm điều mình thấy không đúng lắm nhưng cả lớp đồng ý, cả lớp vỗ tay, khen ngợi con. Con chọn bên nào?

Nadhi: Dạ làm điều đúng nhất.

Thầy Trong Suốt: Thấy chưa! Dạy luôn bây giờ thế đi, đúng không? Đừng để sau này lớn lên, nó phải lưỡng lự giữa hai lựa chọn đó nữa. Mình chấp nhận đó là cách sống của mình và của nó.

Bạn nữ đó: Dạ thấy bé nó khôn quá, thưa Thầy.

Thầy Trong Suốt: Quá mừng. Nó khôn là đáng mừng chứ. (Thầy cười) Con, vấn đề của con là cái mẫu đấy – phải giống. Bố mẹ ở Việt Nam hay nghĩ là con mình phải giống thế giới, giống thiên hạ. Con mình khác những đứa khác là không nên. Nó khôn hơn đứa khác là không nên luôn. Việt Nam là thế đấy. Khôn thì sao? Nó khôn là đáng mừng, phải ăn mừng mới đúng. Con phải chấp nhận là con mình khác người. Mà như thế con mới dạy được đứa bé trung thực với chính nó. Còn nếu không con sẽ dạy ra những đứa bé giả vờ, giả vịt.

Khôn quá là tốt thôi. Ăn mừng đi. (Mọi người cười) Có đứa con khôn quá mà vẫn cứ lo.

Chị đó: Phóng sinh xong thì nó hỏi mẹ: “Mẹ vừa đi phóng sinh xong mà mẹ ăn động vật ạ? Mẹ không yêu động vật ạ?” Thì mình nghĩ nó nhỏ quá nên mình nói dối.

Thầy Trong Suốt: Bảo nó là phóng sinh không phải thể hiện tình yêu động vật đâu. Phóng sinh là cứu con vật sắp chết.

“Con nhầm rồi. Mẹ phóng sinh không phải để mẹ thể hiện tình yêu động vật. Mẹ phóng sinh để mẹ cứu các con vật sắp chết, nếu mẹ không làm điều đấy, nó sẽ bị giết. Đấy là động cơ của phóng sinh.

Động cơ của phóng sinh là cứu độ, cứu những người sắp chết và con vật sắp chết, chứ không phải là thể hiện tình yêu. Tình yêu không thể hiện bằng việc gì khác ngoài việc mình làm điều tốt cho con vật đấy.

Nếu mẹ ăn con vật đấy mà mẹ biết ơn nó và cầu nguyện, hứa là sẽ tái sinh để cứu độ nó, thì mẹ đang làm điều tốt cho nó chứ không phải điều xấu cho nó. Ăn nó mà làm điều tốt cho nó. Ngược lại, nếu con ăn một đồ ăn chay mà con chẳng biết ơn những người trồng rau cho con, con chẳng mong muốn cứu ai hết thì con sẽ không làm điều tốt cho ai hết. Thì con mới sai, mẹ mới là đúng”.

Đấy, phải nói cho nó suy nghĩ của mình. Chứ còn thầy chưa bao giờ nghĩ rằng phóng sinh là để thể hiện tình yêu động vật cả. Không bao giờ nghĩ như vậy. Yêu là gì? Yêu thực sự đến từ hành động. Anh yêu em mà suốt ngày anh lừa em thì sao gọi là anh yêu em? Anh yêu em chỉ có nghĩa khi anh làm điều tốt với em. Trẻ con đừng có lừa nó, mình phải thẳng thắn với nó thì mới sống với nó được, mới dạy đứa con nên hồn được.

Chị đó: Ngay từ nhỏ mình đã dạy trung thực với trẻ…

Thầy Trong Suốt: Tốt. Em như thế là rất tốt.

Chị đó: Không dối trẻ điều gì.

Thầy Trong Suốt: Nên trung thực. Đừng cho nó là kém, không biết gì. 4 tuổi đã biết nhiều rồi. Thậm chí nó chưa biết thì nó vẫn có thể hiểu mang máng, nó hiểu được ý của mình.

Chị đó: Trẻ tự suy nghĩ phóng sinh là yêu động vật. Mình bị bám chấp vào cái đấy.

Thầy Trong Suốt: Không, đấy là nó nghĩ thế, chứ không phải đứa nào cũng như thế. Đấy là một đứa bé nó nghĩ thế thôi. Mình chỉ cho nó. Thầy có dạy con mình phóng sinh là yêu động vật đâu, không phải! Đừng dạy con là “hãy yêu người khác”. Hãy dạy con làm điều tốt cho người khác. Cái đấy mới đúng. Đừng dạy con “hãy yêu động vật”, mà dạy con phóng sinh. Không cẩn thận thì sẽ là đạo đức giả đấy. Con rất yêu động vật. Yêu động vật là thế nào? Trả lời đi xem nào! Con rất yêu động vật, nhưng có con muỗi đốt phát thì đập chết ngay. Yêu động vật gì đâu! Yêu động vật là tha cho động vật chứ, đúng không?

Nadhi, nếu muỗi đốt con thì con có đập chết nó không?

Nadhi: Không ạ.

Thầy Trong Suốt: Vì sao?

Nadhi: Vì con muỗi là một chúng sinh.

Thầy Trong Suốt: Vì con muỗi là một chúng sinh như mình, đúng không? Đấy, ví dụ thế.

Đừng dạy con là “hãy yêu người khác”. Hãy dạy con làm điều tốt cho người khác.

Mẹ phóng sinh không phải để thể hiện tình yêu động vật. Mẹ phóng sinh để cứu các con vật sắp chết, nếu mẹ không làm điều đấy, nó sẽ bị giết. Đấy là động cơ của phóng sinh.

Nếu mẹ ăn con vật đã chết đấy mà mẹ biết ơn nó và cầu nguyện, hứa là sẽ tái sinh để cứu độ nó, thì mẹ đang làm điều tốt cho nó.

 

12. Giữa đường gặp chuyện bất bình – sửa cái gì trước?

Một bạn: Thưa thầy, trước đây em thấy có chuyện bất bình thì em hay can thiệp. Nhưng mới đây có nghe một câu trong tu nói là: “Mình lo tốt phần mình, không nên quan tâm về chuyện người khác. Bây giờ em đang phân vân, mong Thầy giải đáp giúp cho em.

Thầy Trong Suốt: Giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha, đúng không? Em phải lo sửa mình trước rồi lo sửa người sau. Nếu em lo sửa người trước thì em sẽ không lo sửa mình nữa. Đấy! Giữa đường gặp chuyện bất bình, thì đầu tiên, mình sửa cái gì trước biết không?

Dung: Dạ sửa mình.

Thầy Trong Suốt: Sửa cái gì của mình?

Dung: Là sửa những cái sai của họ.

Thầy Trong Suốt: Sửa cái gì trước?

Dung: Nhìn cái sai của họ để sửa mình.

Thầy Trong Suốt: Sai! Giữa đường gặp chuyện bất bình, đầu tiên phải sửa cái bất bình trong em trước. Bất bình là chẳng hiểu gì nhân quả, chẳng hiểu gì vô thường. Đấy! Thế là giữa đường gặp chuyện bất bình, việc đầu tiên là sửa bất bình. Sửa xong rồi thì giúp người là OK. Sửa chưa xong thì cứ sửa đã. Đấy, nếu muốn đi vào con đường Trong Suốt, quan điểm của thầy là như vậy.

Tất cả những trạng thái như bất bình, bực tức, khó chịu đều là hậu quả của vô minh. Mình sửa vô minh đã, sau đó mình lao vào giúp người không vấn đề gì. Thầy không bảo là không nên giúp người, nhưng thầy nói là giúp người trong những trạng thái bất bình là sai rồi, là vô minh rồi. Vì sao? Chuyện gì xảy ra cũng có lý của nó hết. Hay nhà Phật nói là có nhân quả của nó. Mình chẳng thấy bất bình gì cả, giúp thì cứ giúp, chứ sao lại bất bình, đúng không? Chẳng hạn thầy ngồi ở đây, có người đến trước mặt thầy, hắt cả cốc nước vào mặt. Thấy bất bình không?

Mọi người: Dạ không.

Thầy Trong Suốt: Bất bình làm gì! Cái gì chẳng có nhân quả của nó. Chắc hôm trước thầy hắt bao nhiêu vào mặt của vợ rồi. Nghĩ thế trong đầu là được. Chắc là thầy đã hắt cái gì đó vào mặt ai đó rồi, không đời này thì đời trước. Thế là thầy không bất bình vì người ta hắt nước vào mặt thầy.

Nhưng mà mình hỏi là, mình có nên ngăn cản không? Có chứ! Mình ngăn cản để tránh người khác làm điều xấu, hoặc tránh việc họ làm hại người khác mà. Vẫn ngăn cản như thường, nhưng mà không phải trong trạng thái bất bình. Bất bình là một trạng thái tinh thần không đồng ý với cái đang là, cái đang xảy ra. Mà cái đang xảy ra là theo nhân quả của nó, đúng đắn của nó. Em không cần phải có một trạng thái tâm lý bất bình.

Đấy, phải để ý cái chỗ này. Cái thầy đang phê phán là trạng thái tâm lý bất bình do vô minh, thiếu hiểu biết, lòng sân hận. Bất bình chính là sân hận. Cái thầy đang phê phán là sự sân hận trong lòng em khi gặp chuyện bất bình. Chứ thầy không phê phán em can thiệp vào nó. Em không bất bình và can thiệp một cách trí tuệ, bình tĩnh, sáng suốt – đấy là điều tốt. Em bất bình và can thiệp một cách thô bạo, thiếu hiểu biết, nóng vội – thì là điều xấu. Thế thôi! Tóm lại, giữa đường gặp chuyện bất bình thì việc đầu tiên phải sửa là cái gì? Nghĩ ra không? Sửa cái gì?

Dung: Dạ, sửa bất bình.

Thầy Trong Suốt: À, đúng rồi. Giữa đường gặp chuyện bất bình không phải là đi nhảy bổ vào sửa những người sai đấy, mà sửa bất bình trước. Sửa bằng cái gì? Trí tuệ về nhân quả, vô thường, bất toại nguyện. Xong rồi quay ra sửa người ta không muộn.

Ngược lại, chỉ lo sửa người mà không lo sửa mình, thì ra cái gì? Ra cái gì biết không? Chỉ lo sửa người mà không lo sửa mình thì chỉ ra một kẻ bất bình mà thôi. Đúng chưa? Suốt ngày bất bình hết chuyện này đến chuyện khác thì không phải là kẻ bất bình à? Chỉ lo sửa người có bao giờ xong không? Có hết không? Không, suốt ngày bất bình. Chỉ lo sửa người mà không lo sửa mình, suốt đời chỉ là một kẻ bất bình mà thôi.

Không trách lỗi của người

Thường trách lỗi của mình

Lỗi người là lỗi mình

Thì sẽ hết vô minh

 

Lỗi người, suy cho cùng, là cách nhìn của mình. Bất bình của mình là vấn đề của mình. Hai vợ chồng cãi nhau thì có ai có lỗi không? Mình nhìn vào bất bình thì vấn đề nằm ở đâu? Vấn đề là cách nhìn của mình sai. Vợ chồng người ta cãi nhau là nhân quả của người ta, mình bất bình là mình sai rồi. Sau khi sửa xong bất bình, mình vẫn nên nhảy vào mình giúp, vì lúc đấy mình bắt đầu có sự sáng suốt, bắt đầu biết cách làm người ta bớt khổ. Đấy, thì vẫn phải giúp! Nhưng lúc đấy mình không giúp trong bất bình nữa, mình giúp trong sáng suốt. Mình không giúp trong sân hận nữa, mình giúp trong bình tĩnh. Em hiểu không? Đó là cách.

Nếu em chưa phải là người biết cách sửa mình thì lo sửa mình đã, đừng chăm chăm sửa người vội. Phải lo tìm đường đi đã. Tìm đường, tìm thầy sửa mình.

Giữa đường gặp chuyện bất bình, đầu tiên sửa bất bình bên trong mình đã. Sau đó giúp người trong bình tĩnh và sáng suốt.

Nếu chưa biết cách sửa mình, hãy tìm đường, tìm thầy giúp sửa mình trước đã.

 

13. Muốn giúp người thân, trước hết phải làm họ tin mình

Một bạn: Thưa Sư phụ, con xin hỏi cho một bạn tên Mai, lúc nãy bạn về trước bạn nhờ con hỏi giúp. Mẹ của bạn Mai hay thấy đau khổ, vì thế con cái trong gia đình muốn khuyên mẹ là sống thanh thản, khuyên mẹ nghe theo Phật Pháp, nhưng mẹ lại từ chối, không muốn lắng nghe vì mẹ không tin vào Phật Pháp và cho rằng đó là mê tín dị đoan. Vậy tìm cách nào để giúp mẹ, chữa lành cho mẹ, giúp mẹ sống bình an hơn và để mẹ tin sâu vào Phật Pháp hơn?

Thầy Trong Suốt: Muốn tin Phật Pháp, đúng không? Thế mẹ có tin bạn ấy không?

Bạn đó: Dạ mẹ không tin lời con cái trong gia đình ạ.

Thầy Trong Suốt: Chịu rồi. Không có cách nào để giúp hết. Mình muốn giúp người ta thì phải cho người ta một sự tin tưởng. Nếu người ta chẳng tin mình thì giúp người ta thế nào được? Có buồn cười không? Giống như các em ngồi đây mà các em không tin thầy thì thầy giúp các em được không?

Việc đầu tiên là, bạn ấy phải làm cho mẹ tin mình đã, chứ đừng làm mẹ tin Phật Pháp. Rất nhiều đứa con mắc cái lỗi đấy. Việc đầu tiên không phải là mẹ tin Phật Pháp mà là mẹ tin mình. Mẹ đã không tin mình thì nói gì làm sao mẹ nghe, làm sao mẹ tin? Nên vấn đề không phải là mẹ tin Phật hay không, mà mẹ tin bạn ấy không? Nếu may mắn mẹ tin Phật rồi thì thôi, khỏi phải nói nữa. Nếu mẹ chưa tin mà mình bảo mẹ tin Phật đi. Trong khi mình thì chẳng đáng tin, mẹ có nghe không?

Mọi người: Không ạ.

Thầy Trong Suốt: Mẹ không tin Phật, xong mình bảo mẹ hãy tin Phật đi, nhưng mình lại chẳng đáng tin đối với mẹ, thì mẹ nghe lời mình không? Chẳng bao giờ chuyện đấy xảy ra đâu! Cách duy nhất là bạn ấy phải làm mẹ phải tin bạn ấy đã, bằng cách sống, bằng thái độ sống, bằng sự bình an và trí tuệ trong chính bạn ấy làm cho mẹ có thể tin tưởng. Mất ba năm đi! Chuyện đấy dài đấy, chứ không phải chuyện ngắn đâu.

Nhưng như vậy là đứa con có trách nhiệm. Đứa con giúp mẹ mà có trách nhiệm là đứa con phải làm mẹ thấy rõ và làm mẹ tin vào cách sống của nó, và bạn ấy phải xác định là mất ba năm. Vì bạn ấy sửa xong, để mẹ bạn ấy thấy đáng tin, thì cũng phải mất ba năm, nhưng ba năm đấy đáng bỏ ra. Còn nếu bạn ấy không làm thế thì chẳng biết đến khi nào mẹ bạn ấy tin vào Phật cả. Hiểu chưa? Thế thì phần quà tặng cho bạn Mai hay tặng cho bạn này? (Thầy cười)

Bạn đó: Em nhận giúp ạ.

Thầy Trong Suốt: Em nhận giúp thì được.

Thôi, hôm nay tạm dừng ở đây. Hôm nay là buổi cuối năm, chưa bao giờ tổ chức Trà đàm vào đúng buổi cuối cùng của năm nay như thế này, nên chúc tất cả các bạn có mặt ở đây, cũng như các khán giả theo dõi trên truyền hình, (Thầy và mọi người cười) truyền hình internet livestream một năm mới có nhiều thay đổi tích cực, giải quyết được những nhầm lẫn bên trong mình. Xác định được tinh thần là sửa bên trong là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc và sẽ trở nên hạnh phúc trong năm mới 2018.

Chúc mọi người năm 2018 sửa được nhiều và hạnh phúc. (Mọi người vỗ tay)

Đà Nẵng – 13/2/2018