Joker – một con người “chẳng còn gì để mất”, một kẻ dị thường, vặn vẹo, lãng mạn, đơn độc và tàn ác nhưng cuốn hút và ám ảnh đến từng giây. Những tràng cười điên dại, phọt lên từ cuống phổi rồi bung ra qua từng thớ thịt, bất chấp sự gồng cứng của toàn bộ cơ thể và tâm trí khiến người ta vừa ghê sợ vừa đau đớn.
Suốt 120 phút từng thước phim đẹp nhưng đầy ám ảnh đã khắc hoạ một bức chân dung hoàn hảo về một kẻ tàn ác, bất mãn, bệnh hoạn, một thứ ung nhọt mà xã hội muốn phủi tay không thừa nhận.
Nhìn từ góc độ của những người bị hại thì Joker là kẻ sát nhân máu lạnh, vô nhân tính. Ở góc độ người xem thông thường, hay ở màn hình thứ nhất, không có gì có thể biện hộ cho những hành động của gã hề Joker. Cảm giác phán xét nổi lên một cách dễ dàng và hiển nhiên. Nó mạnh mẽ đến mức nhiều tờ báo lớn ở Mỹ, trong đó có tờ New York Times từng bày tỏ sự quan ngại về làn sóng bạo lực ở quốc gia này sẽ gia tăng sau khi Joker ra rạp. Thậm chí không ít rạp chiếu còn cấm cửa những khán giả hoá trang mặt chú hề đến xem phim. Có thể thấy sự ghê tởm mà hàng triệu khán giả dành cho Joker của DC mạnh mẽ và kinh khủng đến mức nào.
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng mang một quan điểm sống – quan điểm của Tôi. Chính điều này ngăn cản phần lớn chúng ta đến màn hình thứ hai để trả lời câu hỏi “Tại sao Joker lại làm như vậy?”. Hãy thử bước vào thế giới nội tâm của Joker để tìm lời bào chữa cho những hành động độc ác dã man của gã.
Để tự cứu bản thân khi bị tấn công, Joker đã giết 3 kẻ vô lại trong tàu điện ngầm.
Để tìm lại sự công bằng, Joker đã dùng kéo giết người đồng nghiệp cũ, kẻ đã dúi cây súng lục vào tay gã rồi nói dối với cảnh sát về điều này.
Để trả thù cho những năm tháng tuổi thơ bị chính mẹ mình lừa dối, những trận đòn thừa sống thiếu chết của những gã tình nhân của mẹ, Joker đã chủ động chấm dứt cuộc đời đầy đau khổ của bà.
Nhưng khi Joker cúi thấp khuôn mặt đầy máu của mình và đặt nụ hôn lên trán cậu bạn lùn – khung hình đó đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng, vừa sững sờ lại vừa run sợ. Người xem bắt đầu lờ mờ nhận ra một Joker khác bên trong gã hề máu lạnh này.
Đó cũng là lúc chúng ta có thể nhìn kỹ hơn vào màn hình thứ ba để soi chính bên trong mình. Khi dừng lại những lời phán xét, ta bắt đầu mở lòng mình để học cách thông cảm với một câu bé Happy đầy bất hạnh, học cách chấp nhận Nhân quả và học cách yêu thương thế giới, cho dù đó có là một thế giới đầy bẩn thỉu, tối tăm và điên loạn như Gotham.
Sự cảm thông đó cho ta cảm giác đầy đủ và cho ta sức mạnh. Thay vì vừa đòi hỏi vừa phán xét thế giới bên ngoài, ta học được cách biết ơn. Kỳ diệu thay, đó chính là lúc ta hoà tan vào thế giới và tìm thấy sự bình yên bên trong mình.
“Tình thương chưa bao giờ là quá nhiều.
Tình thương có thể nâng một tình huống tưởng kinh khủng lên mức độ dễ chấp nhận hơn. Nơi mọi điều đều có thể được chữa lành…” – (TS)
- Mời các bạn cùng xem phim và chia sẻ bài học cùng CLB Phát triển bản thân Trong Suốt vào mỗi Thứ Sáu hàng tuần nhé!