Liệu có thể yêu thương mà thiếu Từ, Bi, Hỷ, Xả được không? (Hà Nội, 2012)

Yêu thương, nếu đi kèm kỳ vọng, chưa chắc đã làm người khác hạnh phúc. Với những hiểu biết sai lầm, yêu thương dễ chuyển thành yêu ghét khi người ta làm trái ý mình. Làm thế nào để yêu thương một cách đúng đắn?

Thầy Trong Suốt: Những buổi trà đàm này ra đời từ những buổi mình nói chuyện với rất nhiều người và mọi người có mong muốn ngồi chung với nhau, chọn một chủ đề cụ thể để nói về nó. Để sau buổi đó, một chủ đề có thể được nhìn nhận một cách sâu sắc hơn và đặc biệt mọi người có thể giao lưu với nhau. Buổi này mọi người đem vấn đề ra, nhìn vào nó, chia sẻ… Chúng ta sử dụng những chủ đề hết sức gần gũi trong cuộc sống như tình yêu thương, công việc… để nhìn nó dưới góc độ sâu sắc hơn. Hy vọng qua những buổi như thế này, qua việc thay đổi cách nhìn, chúng ta có những cách hành xử đem lại nhiều lợi ích cho chính mình và những người xung quanh hơn.

 

1. Ai yêu thương mình nhất? Mình yêu thương ai nhất?

Buổi hôm nay sẽ nói về việc “Làm thế nào để chuyển hóa tâm của mình trong tình cảm”, đặc biệt là tình yêu thương. Tất nhiên chúng ta không chỉ nhìn nó dưới góc độ yêu thương thông thường mà dưới góc độ của những người mong muốn thực hành để có một trí tuệ sâu sắc hơn.

Để bắt đầu chủ đề tình thương, chúng ta dành 5 phút, nhắm mắt lại để nghĩ về hai người: Một người là người mình yêu thương nhất và một người là người yêu mình nhất; nghĩ về những tình cảm của họ, những kỷ niệm của mình với họ.

(Mọi người bắt đầu nhắm mắt… sau đó từng người một trả lời)

Người mình yêu thương nhất và người yêu thương mình nhất: Có người là bạn, là người yêu, có bạn là bố mẹ (nhiều bạn nghĩ đến mẹ), có bạn là không ai hết, có chị là tất cả những người xung quanh, có người là mẹ đẻ và chồng, có người là ông ngoại, có người là vợ, có người là em trai, có người là bà ngoại, người là con trai…

Thầy Trong Suốt: Khi ta hiểu thế nào là yêu thương ta sẽ biết ai là người yêu thương mình nhất, mình yêu thương ai nhất. Ở đây liệu có ai nói được tại sao mình yêu thương người đấy nhất không?

Một bạn: Anh chưa biết ai là người yêu thương mình nhất, còn người anh yêu nhất là mẹ. Anh yêu mẹ nhất vì thời gian gần đây anh nghĩ đến mẹ nhiều nhất, nghĩ về lúc nhỏ mẹ bán hàng, mẹ gánh hàng xuống chợ rất vất vả. Có một lần mẹ gánh hàng bị tai nạn, lúc đó không hiểu vì sao nước mắt cứ thế trào ra và không nghĩ được gì nữa. Ngoài ra anh tự nhận mình là người vô tâm, yêu nhiều người và mọi người nhận xét như thế. Có một lần sau mấy năm học đại học, đi làm và đi công tác về nhà thấy tóc mẹ bạc trắng, trong khi đó những tấm ảnh chụp cách đó hai năm tóc mẹ chưa có sợi bạc. Lúc đó mình thấy rất thương mẹ và qua đó mình thấy mẹ là người mình có tình cảm nhất.

Bạn khác: Lúc bố em mắng em, mẹ là người đầu tiên bênh em. Người mẹ thường yêu theo kiểu đó, bênh con vô điều kiện, khác với ông bố.

Một bác: Tôi yêu thương con trai mình nhất, tìm hình ảnh của mình trong đầu thì hình ảnh con trai hiện ra. Tình cảm gì càng nhiều điều kiện càng gây ra khoảng cách, càng ít điều kiện càng gần gũi nhiều hơn.

Bạn khác: Bố mẹ yêu thương mình vô điều kiện, bất kể hoàn cảnh, không gian, thời gian nào.

Mẹ Thầy Trong Suốt: Từ bé đến tận bây giờ, người mẹ yêu nhất là bà, sau đó là ba, gần đây nhất là con, từ khi sinh con ra đến bây giờ. Mẹ coi Trong suốt là niềm tin, niềm tự hào của mẹ.

Thầy Trong Suốt: Không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội nghĩ về người mình yêu thương nhất vì một ngày có 24 giờ, chúng ta bị cuốn hút vào cuộc sống như gặp gỡ đối tác, ký hợp đồng, công việc…

Chúng ta không nên nhìn vào những cái bên ngoài như sự nghiệp, công danh, tiền bạc… Hạnh phúc đến không phải từ những cái bên ngoài mà chúng ta phải nhìn vào trong. Năm phút để nghĩ về hai người yêu mình nhất và mình yêu nhất ở trên, một số người đã nhìn ra được những vấn đề mà người khác ít thấy.

Khi chúng ta không yêu thương và gần gũi đủ, chúng ta không biết chúng ta yêu thương bố mẹ thế nào? Chủ đề hôm nay nói đến việc yêu thương như thế nào và nói đến bốn yếu tố: Từ – bi – hỷ – xả.

Một số bạn nói lý do vì sao bố mẹ yêu mình nhất vì bố mẹ yêu thương mình ít điều kiện nhất, trong khi có một số người khác, cô khác, anh khác yêu mình thường có một số điều kiện đi kèm. Liệu là con, chúng ta có thể yêu bố mẹ như bố mẹ yêu mình không, ít điều kiện?

Một bạn: Để mình yêu bố mẹ như bố mẹ yêu mình là quá khó, vì tình yêu của bố mẹ quá lớn mình không thể so sánh được. Bản thân em tự thấy rằng bố mẹ yêu mình là đương nhiên, mình nhận nhiều hơn cho. Nếu mình quay ngược lại cho bố mẹ vô điều kiện thì mình chưa làm được điều đó, do thói quen nhận tình yêu đó rồi và rất ít thói quen yêu lại, do đó tình yêu với bố mẹ không mạnh bằng bố mẹ với mình.

Bạn khác: Bố em là con trai cả, là một người tài giỏi. Em là con cả nên mọi kỳ vọng bố em đều đặt vào em từ việc học hành, chơi thể thao, cư xử với mọi người. Vì thế mọi việc phải nhất nhất theo ý bố em, từ quá trình đến kết quả đều phải theo những gì bố em muốn. Hồi đi thi học sinh giỏi năm lớp 4, buổi trưa bố em muốn em ăn cơm ở trường nhưng một hôm em đến nhà cô bạn gần trường ăn cơm. Bố em phát hiện ra và mắng, sau đó vài ngày em cứ mắc lỗi là bố em nhắc lại việc đấy. Giờ thì giữa em và bố ít tiếp xúc. Nhưng với em, bố là người kỳ vọng vào em nhất và yêu thương em nhất.

Thầy Trong Suốt: Nếu yêu thương đi kèm kỳ vọng, nếu yêu thương không đúng chưa chắc đã làm người kia hạnh phúc. Chúng ta vẫn nghĩ bố mẹ yêu thương mình vô điều kiện nhưng nếu đi vào chi tiết thôi thì không phải ai cũng vô điều kiện mà cũng có khá nhiều điều kiện. Tất nhiên tùy gia đình nhưng ít gia đình yêu thương vô điều kiện. Nếu mình làm ô danh bố mẹ mình, liệu bố mẹ mình có yêu thương mình nữa không? Nếu làm điều gì đó rất ô nhục cho dòng họ và gia đình, bố mẹ còn yêu thương nữa không?

Một bạn: Nhiều trường hợp con cái đối xử với bố mẹ rất tàn tệ, hành hạ, đuổi bố mẹ ra ngoài đường, nhưng những người bố mẹ đó vẫn yêu thương con cái, họ không từ bỏ con cái họ được. Do đó, yêu thương có điều kiện không thôi thì không đủ, bố mẹ luôn yêu thương con cái, dù con cái có làm điều gì sai đi nữa, tình cảm của mình vẫn dành cho con cái.

Thầy Trong Suốt: Cũng đừng nghĩ bố mẹ luôn yêu con, ngày xưa có những bà hoàng hậu giết con mình; phương Tây có nhiều trường hợp bố mẹ đối xử tàn nhẫn với con, lạm dụng con cái…

Do đó trên góc độ bề mặt, bố mẹ thường yêu con cái ít điều kiện hơn. Nhưng nhìn ở góc độ sâu xa hơn, chúng ta đều chỉ là những con người mà thôi. Khi là con người, chúng ta đều có sự thiếu hiểu biết, những sai lầm của mình. Nếu chúng ta không nhìn vào nó, không sửa nó, không thay đổi nó thì chúng ta đem tình yêu với tất cả sự hiểu biết sai lầm đó đi yêu người khác, trong đó có cả yêu người yêu của mình, con cái của mình, bố mẹ của mình…

 Là con người, chúng ta đều có sự thiếu hiểu biết, những sai lầm của mình. Nếu không nhìn vào nó, không sửa nó, không thay đổi nó, thì chúng ta đem tình yêu với tất cả sự hiểu biết sai lầm đó đi yêu người khác. 

2. Yêu thương và Yêu ghét

Thầy Trong Suốt: Tình yêu là một từ rất đẹp, ai cũng nói về tình yêu thương nhưng khi ta nhìn kỹ vào trong sẽ thấy rất ít điều thực sự là yêu thương, mà chúng ta thấy một cái gọi là Yêu ghét.

Yêu thương và Yêu ghét khác nhau như thế nào?

Yêu ghét là hết yêu sẽ là ghét. Ví dụ: Hai người yêu nhau, lúc yêu thì rất là yêu nhưng khi có gì đó làm tổn thương nhau, làm khó chịu nhau, thì chuyển sang ghét nhau ngay. Có thể sau đó lại làm hòa, rồi sau đó lại ghét vì một chuyện khác… Do đó, yêu chuyển sang ghét rất dễ dàng. Bố mẹ với con cái cũng thế, con cái ghét bố mẹ – là chuyện không hiếm. Ngày nhỏ chưa ghét nhưng khi lớn lên bố mẹ làm cho mình có những tổn thương, mình ghét bố mẹ.

Khi yêu chưa có gì làm mình tổn thương. Mình sẽ chuyển sang ghét khi họ làm mình tổn thương. Hết yêu sẽ chuyển sang ghét. Cảm xúc này trong tình cảm nam nữ là rõ nét nhất. Đang yêu nhau mà làm tổn thương là ghét, thậm chí có người một tiếng trước còn rất tình cảm với nhau; một tiếng sau, người này làm gì đó, nói một câu làm người kia chạm tự ái, chuyển sang ghét, bực tức ngay. Trong gia đình cũng không khác, đang rất yêu nhưng một người làm trái ý người khác chuyển thành ghét. Cái chúng ta nghĩ là yêu thương nhưng nếu nhìn kỹ hầu hết là yêu ghét. Hết yêu xong là ghét ngay. Làm động chạm, làm tổn thương, làm động vào cái tôi là ghét ngay. Làm một cử chỉ không đáng yêu là ghét như trở một bàn tay. Đó gọi là yêu ghét.

Chúng ta có một khái niệm yêu thương: Không yêu mà vẫn thương chứ không phải hết yêu là ghét ngay, khác với kiểu yêu ghét ở trên.

Ví dụ: Qua giai đoạn ghét chuyển sang thái cực thương vì hiểu được lí do quá trình: Yêu → đụng chạm → ghét → hiểu biết → thương.

Khi mình chưa hiểu biết thì mình yêu ghét; khi mình hiểu biết rồi, mình sẽ thấy người làm sai với mình, họ cũng đáng thương lắm, mình chuyển từ yêu sang thương.

Quá trình chuyển hóa từ yêu ghét thành yêu thương.

Từ – bi – hỷ – xả là các công cụ, là tiêu chuẩn để ta làm việc đấy nhưng đó là một quá trình chuyển hóa dần dần. Vì không ai trên đời là người có sẵn khả năng yêu thương mạnh mẽ mà thường là yêu ghét. Tôi yêu anh nhưng vì anh làm điều gì đó sai với tôi nên tôi ghét anh. Nhưng nếu chúng ta có hiểu biết, có trí tuệ, chúng ta sẽ tập được cách để yêu và thương, không còn yêu ghét nữa hoặc rất ít yêu ghét. Những ví dụ vừa xong cho ta thấy được là có cách, chứ không phải không có cách.

Có một cách chuyển từ kiểu yêu ghét sang kiểu yêu thương. Cách đấy đến với chúng ta từ sự hiểu biết. Hiểu biết mới giúp chúng ta chuyển từ yêu ghét trở thành yêu thương được. Còn nếu sống không hiểu biết, chúng ta sẽ chuyển sang kiểu yêu ghét, không với người này thì với người khác. Nếu không tập gì chúng ta sẽ sống bằng yêu ghét dù chúng ta có nhận ra hay không nhận ra. Muốn nhận ra rất dễ, chúng ta trung thực với mình, nhận ra cảm xúc của mình, như khi người ta yêu thích chê ai, người ta làm điều xấu, mình nhìn cảm xúc mình biết ngay mình đang yêu thương hay yêu ghét.

Có trạng thái sống gọi là yêu thương và chúng ta có thể yêu thương được. Làm thế nào để chuyển từ yêu ghét thành yêu thương? Chúng ta có một con đường là sự hiểu biết. Khi có sự hiểu biết chúng ta sẽ hiểu yêu ghét và yêu thương. Ví dụ như khi chúng ta đang yêu một ai đó, nhưng người ta làm một điều xấu đối với ta, khi người ta làm điều xấu với mình, chắc chắn người ta không có gì hạnh phúc cả.

Một bạn: Mình có thời gian dài đi du học. Thời gian đó, cộng đồng người Việt rất ít. Ban đầu, mình có chơi với một số bạn. Có một bạn bao giờ cũng nói tốt với mình, một hôm bạn đó nói xấu các bạn sinh viên Việt Nam khác. Mình nghĩ và ngộ ra có khi nào bạn ấy nói chuyện với người khác nói xấu mình. Khi đó, mình có ác cảm với bạn đó. Có khả năng bạn ấy hạnh phúc khi đi nói xấu người khác, vì cảm giác khi bạn dìm người khác xuống bạn ấy được đề cao hơn. Một thời gian sau mọi người đều chung một cảm xúc như vậy về bạn ấy… Khi mọi người nói chuyện với nhau không nói như thế nữa mà chuyển sang thương bạn ấy vì bạn ấy có khả năng lệch lạc về tâm lý do tính tự kỷ.

Thầy Trong Suốt: Người hay gây đau khổ cho người khác thường không phải là người hạnh phúc. Người hạnh phúc luôn luôn mang đến điều hạnh phúc cho người khác vì họ thừa hạnh phúc. Còn người nào chưa hạnh phúc mới tìm mọi cách lấy hạnh phúc của người khác. Tất cả những người đang làm điều xấu cho người khác, chẳng ai hạnh phúc cả. Như tên giết người chẳng hạnh phúc tí nào, nó đau khổ nên nó mới giết người. Mình nhìn kỹ vào cuộc sống thì bất kỳ ai cũng đều có nỗi đau khổ của riêng họ. Mọi người ngồi đây cười vui vẻ nhưng trong lòng chúng ta có nhiều điều chúng ta chưa hài lòng trong cuộc sống này, với ai đấy, công việc gì đấy, ở đâu đấy. Ai cũng có nỗi đau khổ trong lòng. Và chỉ khi có hạnh phúc người ta mới chia sẻ đi được, còn khi người ta không hạnh phúc nên phải lấy đi hạnh phúc của người khác. Cách đó sai lầm nên càng ngày càng ghét người khác nhiều hơn.

Những người làm cho chúng ta đau khổ, chắc chắn họ có điều bất hạnh. Nếu chúng ta hiểu và tin điều đấy thì bắt đầu phát triển tình thương đối người kia. Người làm mình đau khổ chắc chắn phải có đau khổ, khi đấy họ mới đem đau khổ đi bỏ cho người khác, không có ai là người hạnh phúc mà đem cho người khác đau khổ cả. Bất kể ai cũng có thể làm cho ta đau khổ kể cả người yêu của chúng ta, kể cả vợ chồng, con cái. Khi họ có đau khổ của họ, nếu ta phát hiện ra điều này, chúng ta sẽ thấy có sự thông cảm từ bên trong. Khi ta thông cảm, ta sẽ có mong muốn người kia hết khổ. Lòng mong muốn người kia hết khổ, đó là tình thương. Nhưng lòng mong muốn đó chỉ xuất hiện khi ta biết người kia khổ, còn nếu ta nghĩ người đó hạnh phúc thì sai. Có thể người đó bị đàn áp ở đâu đấy nhưng họ không có trí tuệ để giải quyết nó, nên cầm đau khổ đó đổ sang cho người khác.

Một ví dụ khác, mối quan hệ giữa bố mẹ với con cái, bố mẹ không làm được điều gì thì bắt con phải làm điều đấy. Nếu bố mẹ không có bằng đại học thì con phải học đại học.

Một bạn: Mình công tác ở trường đại học xây dựng, sau khi làm ở đó một thời gian, nghỉ làm và làm ở ngoài. Bố biết nên không nói chuyện.

Thầy Trong Suốt: Bố mẹ đau khổ vì có nỗi khổ trong quá khứ từ ông bà. Do đó những người làm ta đau khổ, họ có nỗi khổ từ xung quanh. Điều này tốt nhất là áp dụng ngay từ gia đình của mình, vợ mình, chồng mình. Khi vợ mình, chồng mình làm cho mình khó chịu vì người ta có một nỗi khổ, đừng nghĩ mình làm điều tử tế với họ như thế mà họ làm mình khổ, hãy nghĩ chắc chắn họ đang có một nỗi khổ nên mới đi làm khổ mình. Nếu chúng ta làm việc này đủ lâu thì lòng bi được sinh ra. Lòng bi là sự thông cảm với người khác và mong muốn người khác thoát khỏi nỗi khổ đó.

Quá trình chuyển hóa từ yêu ghét thành yêu thương.

Nếu có hiểu biết, có trí tuệ, chúng ta sẽ tập được cách để yêu và thương, không còn yêu ghét nữa hoặc rất ít yêu ghét.

3. Con đường chuyển hóa từ yêu ghét thành yêu thương

Thầy Trong Suốt: Từ Bi Hỷ Xả –  tưởng như xa lạ nhưng với ai có sự thông cảm với người khác sẽ giúp họ bớt khổ dần, chữa lành vết thương của họ.

       Từ: Mong muốn cho người khác hạnh phúc, dù có thể không biết họ có khổ hay không.

       Bi: Khả năng thông cảm và có mong muốn giúp họ thoát khỏi nỗi khổ đó.

       Hỷ: Vui vẻ khi người ta hạnh phúc, thành công. Hỷ nghe đơn giản nhưng lại rất khó, mình có thể vui vẻ khi thấy một ai đó thành công? Khi tập mình có thể vui vẻ như người kia luôn, hạnh phúc như người kia họ đang hạnh phúc. Nhưng nếu không tập thì ngày qua ngày, tâm hỷ của ta ngày càng yếu đi. Rất khó để hỷ được, mình đang bực thế này làm sao mà cười được khi thấy bạn mình đang vui!

       Xả: Không bám víu, không ghét bỏ, không tham lam, bám chặt một cái gì đó.

Đặc biệt cần nhớ rằng, nếu không có Trí tuệ, thì không thể có Từ, Bi, Hỷ, Xả thực sự được.

Ví dụ 1: Thấy một người làm một điều xấu rõ ràng cướp ngân hàng, ta lại hoan hỷ với người đi ăn cướp đó, đó không phải Hỷ thực sự. Lúc đó lại nên Bi với người bị ăn cắp tiền và cả tên cướp tiền nữa, vì ông ta đã làm một nghiệp rất xấu, ông ta sẽ bị chịu một quả báo tương ứng.

Ví dụ 2: Trong đầu mọi người có những suy nghĩ gì khi đọc báo về Lê Văn Luyện, người đã giết người táng tận lương tâm?

Mọi người phát biểu ý kiến:

A: “Thằng này đáng chết”.

B: “Tội nghiệp đứa bé”.

C: “Thương cho nhà đấy”.

D: “Dã man quá”.

E: “Khổ thân Luyện”.

Thầy Trong Suốt: Ở đây, có bao nhiêu người có suy nghĩ là khổ thân Luyện, thương thay cho Luyện?

Nếu bạn có thể thương được kể cả kẻ sát nhân, đó chính là lòng Bi. Tất nhiên lòng Bi rải cho tất cả mọi người, không trừ một ai, bao gồm cả gia đình bị hại lẫn người sát hại. Gia định bị hại đương nhiên đáng thương rồi. Nhưng ngay cả kẻ phạm tội cũng đáng thương.

Tại sao cậu Luyện cũng đáng thương? Bởi vì cậu ta cũng có quá nhiều những khó khăn, vướng mắc… ở bên trong mình, mà cậu ta không tự vượt qua được, nên cậu ta đi đến một cách sai lầm như vậy. Trước khi phạm tội, cậu ta cũng không phải sung sướng gì, bởi vì có khổ, nên cậu ta mới làm điều đó. Trong quá trình phạm tội, cậu ta cũng không sung sướng, và sau khi phạm tội xong, cậu ta cũng càng không thể sung sướng được. Và với một nghiệp xấu như vậy, cậu ta sẽ phải trả một giá rất đắt ngay trong kiếp sống này, và thậm chí là nhiều kiếp tới. Nghiệp Quả xấu đó sẽ đi theo cậu ta có thể còn rất lâu nữa, không biết bao giờ mới kết thúc được, không biết bao giờ mới trả được xong.

Nếu bạn hiểu tất cả những điều này, bạn hãy cảm thông và có tâm Bi với tất cả những người có liên quan, bao gồm cả người bị hại, lẫn người đi hại người khác.

Khi ta tập được lòng Bi, bản thân ngay cuộc sống của ta cũng sẽ thoải mái hơn, ngay cả khi có người nào đó làm trái ý chúng ta, làm cho ta đau khổ. Ta sẽ hiểu được ngay rằng họ cũng có nỗi khổ của họ. Tối thiểu nhất là họ không hiểu biết, cho nên mới làm mình khổ. Do đó, ta sẽ cảm thông với họ. Nếu ta làm được điều này, tất cả các kinh nghiệm ta đã, đang và sẽ trải qua khi người khác làm ta không vui, sẽ đều có thể đưa được vào con đường chuyển hóa được hết. Khi ta đưa tất cả những kinh nghiệm hàng ngày vào chuyển hóa, thì ta sẽ có được hai điều cùng một lúc, Từ bi và Trí tuệ.

Bởi vì khi bạn thông cảm được với người khác, bạn sẽ cố tìm cách để hiểu được người khác một cách sâu sắc hơn. Và ngược lại, khi bạn có hiểu biết sâu sắc về nỗi khổ niềm đau của người kia, bạn sẽ cảm thông với họ dễ dàng hơn rất nhiều.

Nếu ta nhìn một cách toàn diện và sâu sắc cả xã hội này, ta sẽ thấy thực ra ai cũng có những vấn đề của mình, cũng có những khó khăn của mình, nỗi niềm riêng của mình. Do đó, ta hãy phát triển sự Hiểu biết (trí tuệ) và tâm Bi (lòng thương) với người khác.

Khi bạn thông cảm được với người khác, bạn sẽ cố tìm cách để hiểu được người khác một cách sâu sắc hơn.

Khi bạn có hiểu biết sâu sắc về nỗi khổ đau của người khác, bạn sẽ cảm thông với họ dễ dàng hơn, giúp họ bớt khổ, chữa lành vết thương của họ.

Nếu không có Hiểu biết, Trí tuệ, thì không thể có Từ, Bi, Hỷ, Xả thực sự được.

4. Thực hành – thực tập quan trọng hơn biết Từ Bi Hỷ Xả là gì

Thầy Trong Suốt: Trước mắt, ta có thể tập một điều rất đơn giản trước – Chúc thầm. Mỗi khi nghe thấy ai đó có một nỗi khổ nào đó, hãy tập một thói quen trong lòng chúng ta: Cầu chúc ngay cho người đấy được thoát khổ. Trước mắt, có thể ta chưa cần, hoặc chưa thể làm gì ngay, làm gì vội, nhưng ta có thể cầu chúc ngay, cầu chúc cho người kia nhanh chóng được thoát khổ.

Ví dụ: Khi ta đang đi chơi với bạn, bạn kể “ông anh họ của tớ ngày hôm qua bị tai nạn xe máy”. Chỉ cần một câu chuyện bâng quơ tình cờ nghe được vậy thôi, trong lòng chúng ta, ngay lúc ấy, hãy cầu chúc cho “anh ấy nhanh khỏe, vượt qua được tai nạn, qua được đau khổ”.

Đó chính là một ví dụ của tu tập. Tu tập là làm thế nào để chuyển hóa tâm mình, cách nghĩ của mình ngay trong đời sống hàng ngày. Điều này rất hữu ích và thiết thực! Nếu không, những điều các bạn chia sẻ ngày hôm nay xong, về nhà sẽ trở thành vô nghĩa. Bởi vì bạn có thể có một mớ lý thuyết mới, nhưng rồi, các bạn cũng sẽ nhanh chóng quên đi mất. Nhưng nếu bạn tập điều trên hàng ngày để thành một thói quen, lòng Bi sẽ bắt đầu nảy nở trong tâm bạn và sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Bất kỳ khi nào chúng ta nghe thấy, nhìn thấy một ai đó bị khổ, ngay lập tức, ta hãy thầm cầu chúc trong lòng cho họ thoát khổ. Ví dụ: Nếu xem trên Tivi truyền hình đưa tin đồng bào bị lũ lụt đói khổ, đói rét, ngay lúc đó, hãy thầm cầu chúc cho những đồng bào đó sẽ được nhanh chóng thoát khổ. Nếu thấy ai đó bị tử nạn, hãy thầm cầu chúc cho họ nhanh chóng được siêu thoát… Ta hãy tập có kỷ luật để tạo dựng một thói quen như vậy hàng ngày cho tới khi điều đó trở thành một thói quen tự nhiên.

Ta hãy tập thói quen này liên tục, liên tục, như vậy Từ bi sẽ nảy sinh và đi kèm với đó, Trí tuệ cũng sẽ nảy sinh! Bởi vì, khi ta thực sự cảm thông được với người khác, ta sẽ có khả năng nhìn sâu hơn, nhìn gần hơn, nhìn bình tĩnh hơn. Do đó, sẽ có một cái nhìn khác, sâu sắc hơn, trí tuệ hơn về cuộc sống này.

Đó là một cách đơn giản tập cảm thông để tập có cả Từ bi và Trí tuệ trong cuộc sống hàng ngày. Ta hãy tập cảm thông cho chính ta, rồi cảm thông cho những người xung quanh ta, những người ngoài kia rộng hơn, rồi cho cả những người đã từng làm ta đau khổ.

Nếu bạn thực sự THỰC HÀNH, thực sự THỰC TẬP, bạn sẽ thực sự CHUYỂN HÓA được thân tâm bạn rộng hơn là toàn bộ cuộc sống của bạn. Nếu bạn không thực hành, hay thực tập gì, cho dù bạn có đọc cả hàng trăm quyển sách, thuộc lòng cả một thư viện, bạn cũng chỉ là một mớ sách vở giáo điều, khô khốc, vô ích, bỏ đi thôi.

Cho nên, việc thực hành, thực tập là điều rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả việc bạn biết Từ, Bi, Hỷ, Xả là gì.

Ngày hôm nay, chúng ta trước mắt hãy bắt đầu bằng phương pháp này, cụ thể là phương pháp phát triển tâm Từ bi, đơn giản bằng lời thầm cầu chúc.

Bạn có rất nhiều cơ hội để thực hành phương pháp này thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: Thấy hai người đang buôn chuyện nói xấu một người, thấy ông sếp đang tức giận quát mắng người khác; thấy người yêu, người vợ/chồng của mình có những hành xử kỳ lạ, bố mẹ mình có những lo lắng… có thể tập ngay được rồi. Nếu ta tập liên tục, thường xuyên, bền bỉ, đó sẽ là sự chuyển hóa rất mãnh liệt từ yêu ghét thành yêu thương. Cho đến ngày nào, ta chuyển hóa được hoàn toàn từ yêu ghét thành yêu thương, ta chưa được dừng lại. Vì thói quen cũ thông thường của chúng ta sẽ dễ khiến cho tất cả những điều trên trôi đi một cách rất nhẹ nhàng. Trong vòng ba ngày, ta có thể chỉ còn nhớ được “cầu chúc, cầu chúc”. Sau đó quên mất, rồi lại quay trở về kiểu yêu ghét bình thường. Trừ khi ta quyết tâm chuyển bài tập trên trở thành một thói quen “luôn luôn thông cảm và mong muốn người khác hết khổ”.

Tập thói quen cảm thông với người khác liên tục, Từ bi sẽ nảy sinh và đi kèm với nó, Trí Tuệ cũng sẽ nảy sinh!

Khi thực sự cảm thông được với người khác, ta sẽ có khả năng nhìn sâu hơn, nhìn gần hơn, nhìn bình tĩnh hơn. Do đó, sẽ có một cái nhìn khác, sâu sắc hơn, trí tuệ hơn về cuộc sống này.

Tập thói quen “luôn luôn thông cảm và mong muốn người khác hết khổ” liên tục, thường xuyên, bền bỉ sẽ là sự chuyển hóa rất mãnh liệt từ “yêu ghét” thành “yêu thương”.

5. Vì sao Từ Bi cần đi kèm với Trí Tuệ?

Thầy Trong Suốt: Thêm vào đó, Bi nếu chỉ đơn thuần là thương, thông cảm với người khác thôi thì chưa đủ. Bi cần phải dựa trên nền tảng của Trí tuệ. Nếu Từ Bi không đi kèm với Trí tuệ sẽ quá “ướt” mà không biết làm điều gì tốt cho họ cả, thậm chí còn có thể làm sai, làm một số điều có thể hại họ. Vì chỉ có cảm thông thôi, không hiểu rằng điều gì mới tốt nhất cho người đó. Nên Trí tuệ rất cần thiết, để biết rằng trong tình huống cụ thể này, điều gì tốt nhất cho người ấy.

Ngược lại, nếu một người chỉ có hiểu biết, lý trí, logic, lập luận, học rộng hiểu nhiều, mà không có tâm Từ bi để quan tâm, cảm thông, thương xót và giúp đỡ người khác thì sao? Như vậy con người sẽ quá “khô”, thậm chí dửng dưng, lạnh lùng với người khác. Do đó, “khô” cũng không nên.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, nói chung, con người luôn đề cao kiến thức, bằng cấp, trí tuệ, hiểu biết, đó là một mặt tốt. Tuy nhiên, lòng Từ bi thực sự lại hiếm hoi.

Qua buổi này, một lần nữa, chúng ta lại thấy: Chúng ta không thể hạnh phúc được, người chúng ta yêu cũng không thể hạnh phúc được, nếu chúng ta không biết cách yêu thương. Nếu chúng ta không thực hành, thực tập để chuyển hóa được, chắc chắn ta vẫn sẽ mãi bị mắc kẹt ở “yêu ghét”, có thể rất nhiều điều tốt đẹp ta đã làm được sẽ bị một hành động xấu lấn át hết.

Ví dụ: Có một cặp vợ chồng yêu nhau, làm cho nhau nhiều điều tốt đẹp suốt 5 năm nhưng chỉ cần một lần người chồng mắng hoặc tát người vợ một cái thôi, đó sẽ là vết thương rất lớn trong lòng chị vợ, sau này rất khó quên được. Do đó, nếu bạn không có tình thương, hiểu biết và sự tỉnh táo, rất có thể 5 năm xây dựng hạnh phúc của bạn sẽ bị đốt rụi chỉ trong vòng chưa đến 5 phút. Đó là 5 phút của sự tức giận, của sự “yêu ghét”.

Buổi trước, chúng ta đã chia sẻ: Tình yêu thông thường là một quá trình tâm lý, từ tiếp xúc, đến nảy sinh tình cảm, cảm xúc. Nếu không có Hiểu biết và Tình thương (lòng Từ bi) sẽ biến thành bám chặt, bám chấp, dính chặt và mong muốn sở hữu nhau, và kiểu đó chắc chắn sẽ thành “yêu ghét”.

Ngoài Từ, Bi, Hỷ trong tình yêu, nếu thực tập được tâm Xả nữa sẽ rất tốt, rất tuyệt vời. Tâm Xả là khi ta làm gì cũng cố gắng hết sức, hết lòng, nhưng sau đó không bắt buộc kết quả sẽ phải xảy ra theo như ý mình.

Ví dụ: Khi ta giúp người khác, hãy giúp hết lòng, hết khả năng của ta, nhưng sau khi giúp xong rồi, đừng để cho sự kỳ vọng, mong muốn về kết quả trói buộc, bám chặt vào mình, làm mình khổ. Ngay cả khi mình đã cố gắng giúp hết sức rồi mà kết quả không xảy ra, cũng đừng bám chặt vào nó, làm cho mình khổ. Khi đã làm một việc tốt, đơn giản là làm việc tốt, vậy thôi. Không nên phải bám chặt vào kết quả. Đôi khi kết quả không như mong muốn, bởi vì khả năng của mình và người kia vào thời điểm đó có giới hạn.

Từ Bi mà thiếu Xả thì vẫn có thể gây ra đau khổ. Vì nếu không có Xả, ta sẽ bị bám chặt vào kết quả của Từ Bi. Do đó, nếu kết quả của Từ bi không đến như ý ta muốn, ta sẽ bị khổ (tâm). Áp dụng vào cuộc đời, ta cần áp dụng đủ cả “Tứ vô lượng tâm”: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Nếu thiếu tâm Xả, dù ta bước vào cuộc đời với tâm Từ bi, mà kết quả không như ý, ta vẫn có thể bị khổ tâm vì quả đó.

Một bạn: Chị có em trai, trước đây rất ham chơi, không chịu học hành, ham mê bài bạc… chị đã dùng rất nhiều cách để em ý thay đổi, nhưng tất cả các cách đã dùng đều không mang lại kết quả như mong muốn. Vì kết quả đó nên làm cho chị rất đau khổ! Phải đến 3-4 năm sau này, chị mới nhận ra được rằng: sự đau khổ mà chị đã trải qua lúc đó có nguyên nhân do chính mình, do quá ham muốn về kết quả, mong muốn kết quả phải xảy ra theo ý mình, tức em trai mình phải thay đổi theo ý mình. Đến lúc đó, chị mới thay đổi: có quan tâm, giúp đỡ, chăm sóc… nhưng nếu mỗi lần chị cảm thấy đau khổ, thay vì đổ lỗi cho em trai, ngay lập tức nhận ra nguyên nhân là mong muốn bám chặt vào kết quả ở trong mình. Do đó, chị tập để buông xả mong muốn bám chặt vào kết quả đó, chị có thể vẫn quan tâm, giúp đỡ, chăm sóc… mà tâm lý vẫn cảm thấy thoải mái, thanh thản, vui vẻ.

Thầy Trong Suốt: Nếu khi ta đã có Từ Bi rồi, làm mọi việc vẫn bám quá chặt vào kết quả, không buông xả ra được, khi kết quả xảy ra chỉ cần không như ý thôi (chưa cần biết kết quả có xấu hay không) ta đã có thể cảm thấy đau khổ rồi. Tâm Xả là trạng thái tâm ta không bị bám chấp vào kết quả của những suy nghĩ, lời nói hay hành động ta đã làm.

Một bạn: Trước đây, giữa ông nội và mẹ chị có những bất đồng, mâu thuẫn. Chị rất cảm thông và thương, đã cố gắng giúp mẹ, ông để có được sự thoải mái và giải tỏa bất đồng… Tuy nhiên vào thời điểm đó, mọi cố gắng không tạo ra kết quả như chị mong đợi. Chị loay hoay ở giữa và mong muốn mối quan hệ này sẽ tốt đẹp hơn, nhưng lại không làm được, do đó, chị cảm thấy bất lực, bất mãn với hoàn cảnh và khổ tâm.

Thầy Trong Suốt: Mọi người nên tập trạng thái tâm Từ bi và tâm Xả. Bởi nếu không có tâm buông xả, có khi ta lại tự gây ra nỗi khổ cho chính mình. Và bản thân hành động thương xót, thông cảm, giúp đỡ đó của ta cũng không thực sự có hiệu quả. Bởi vì khi tâm trạng mình đang còn bối rối, đang còn lo lắng, không hạnh phúc, sao có thể ra ngoài giúp ai được? Nếu trong lòng mình đang còn đầy bối rối, lo lắng, không hạnh phúc, thì khi đi ra ngoài tiếp xúc với người khác, rất có thể ta chỉ đem cho người kia thêm sự bối rối, lo lắng, không hạnh phúc của mình thôi. Kể cả cho dù mình không cố ý, nhưng tâm lý đó vẫn sẽ từ trong tâm mình lây lan ra những người xung quanh, mình cũng sẽ làm cho họ bối rối, lo lắng… có thể làm cho câu chuyện trở nên phức tạp, rối tung thêm một lần nữa, chứ không phải đến để giúp cho câu chuyện có thể trở nên sáng sủa hơn.

Do đó, Hỷ, Xả là điều cần thiết cần thực hành, thực tập để cân bằng với Từ – Bi. Xả bạn sẽ thực sự chỉ có thể làm được khi bạn có Trí tuệ mà thôi. Một lần nữa, bạn thấy Từ, Bi, Hỷ, Xả dựa trên nền tảng của Trí tuệ chứ không thể tách rời khỏi Trí tuệ được.

Xả thực sự làm được chỉ khi ta có Trí tuệ thực sự và kinh nghiệm thực sự được Trí tuệ đó, nếu không chỉ là sự đè nén của cảm xúc. Trí tuệ ở đây là hiểu biết đúng đắn về Nhân Duyên. Mọi việc trên đời này chỉ có thể xảy ra được nếu đủ Nhân Duyên (nguyên nhân và điều kiện).

Tất cả chúng ta có thể ngồi ở đây cùng nhau ngày hôm nay, là kết quả của rất nhiều các nguyên nhân và các điều kiện (không đếm được). Ví dụ: Chỉ cần lúc 1 giờ chiều hôm nay, ở đây có mưa bão thì bao nhiêu công phu chuẩn bị, bao nhiêu kế hoạch, mong muốn, hành động của ta cũng sẽ trở nên vô ích. Có thể chỉ có vài người nhà ở gần đây mới đến được thôi. Còn nếu các nguyên nhân và điều kiện không đủ thì cho dù ta có cố gắng hết sức để chuẩn bị, lên kế hoạch, rất quý mến nhau, rất muốn làm, nhưng vẫn không làm thành công được. Hoặc các nguyên nhân khác: chỉ cần có kẹt xe, tai nạn giao thông, trời mưa bão, chị chủ nhà hôm nay đang khó chịu… là công việc cũng có thể không thành công được. Bởi vì, cuộc đời này, mọi việc đều phụ thuộc vào nguyên nhân và điều kiện (Nhân Duyên). Trong đó, có rất nhiều trong số những thứ ấy nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, ta không thể nào điều khiển được như: không thể nào kiểm soát được các phương tiện giao thông đi trên đường, thời tiết, chị chủ nhà, hàng xóm của chị chủ nhà… Đủ duyên thì một việc sẽ xảy ra, mà không đủ duyên thì một việc sẽ không xảy ra được. Vậy mà ta lại hay có thói quen: Khi một việc không xảy ra được, ta lại hay trách móc bản thân mình, hoặc một đối tượng khác, cho rằng tại mình/người đó tất cả, do mình/người đó bất tài, bất lực, không tốt… Trong khi ta không hiểu rằng còn do rất nhiều các nhân duyên khác.

Chính trí tuệ hiểu biết về nhân duyên mới có thể giúp ta Xả được. Khi kết quả một việc không xảy ra, ta hiểu rằng nhân duyên trùng trùng điệp điệp, cho nên đã không đủ để điều đó xảy ra. Tất nhiên trong số tất cả các duyên đó, có thể có một duyên do chúng ta đã làm chưa tốt, nhưng chúng ta cũng đừng phủ nhận rằng cũng còn có những duyên khác, đừng nghĩ rằng tất cả do mình.

Nếu không có trí tuệ hiểu biết về nhân duyên, ta sẽ rất khó xả. Nếu không Xả được, chúng ta làm gì cũng sẽ bị vướng mắc, mắc kẹt, bám chặt hết. Ví dụ: yêu ai, quý ai sẽ vướng mắc vào người đó ngay; Từ bi mà không có Xả đi kèm, lại càng dễ vướng mắc. Do đó, Từ – Bi – Hỷ – Xả phải đầy đủ, đi cùng với nhau mới cân bằng. Xả dựa vào Trí tuệ, hiểu biết chứ không phải dựa vào sự gượng ép, đè nén, kiểu như “kể từ nay tôi sẽ không giận, bám chặt nữa”. Nếu chỉ đè nén, gượng ép sẽ rất khó thành công, mà nếu có thành công một chút, chỉ dừng lại ở mức độ bề mặt thôi, lần sau vẫn mắc phải như thường.

Khi ta không thành công, hãy hiểu rằng đó là do không đủ nhân duyên. Vậy khi ta thành công thì sao? Lúc đó, cũng đừng nghĩ rằng tất cả do mình ta tài giỏi. Bởi thành công xuất hiện cũng do bởi rất nhiều các nhân duyên thôi, chứ không phải thành công chỉ do nguyên nhân bởi ý chí của riêng ta.

Cuối cùng, ta sẽ thấy thành công/không thành công, hợp/tan, thành/bại, sinh/tử, được/mất… tất cả chỉ là câu chuyện của nhân duyên mà thôi. Nhân duyên có phần do thân, khẩu, ý nghiệp của chúng ta nhưng cũng do nhiều các phần khác.

Để có sự việc tất cả chúng ta cùng ngồi với nhau ở đây ngày hôm nay, ngoài hàng tỷ các nhân duyên bên ngoài ra, còn có một nhân duyên là mong muốn, hành động tốt đẹp của chúng ta (ý nghiệp, thân nghiệp). Do đó, chúng ta cũng sẽ tiếp tục cố gắng gieo những duyên nghiệp tốt; nghĩ, nói, làm những điều tốt đẹp… tiếp tục nghe, học, hiểu, thực hành, cùng chia sẻ với nhau… Nhưng đồng thời, nhờ có hiểu nhân duyên, nên sẽ có được tâm Xả. Nếu như hôm nay ta không đến được thì cũng không quá buồn, chán, thất vọng, đau khổ: “Buồn quá, hôm nay mình không đi được, vậy là thua kém, không bằng các bạn”; hoặc nếu có đến được, nghe chia sẻ xong, thấy mọi người vỗ tay khen chúng ta, khi về nhà, cũng không vỗ ngực, khoe khoang, tự cao tự đại rằng “ta đây thật tài giỏi và đặc biệt, còn tất cả những người mà không đến được buổi hôm nay, không hiểu những điều ta đã hiểu, thật kém cỏi”… Cả hai điều trên đều sai lầm, đều là hai thái cực cần tránh.

Nếu hiểu như vậy, tâm ta sẽ không bị rơi vào hai thái cực, mà sẽ luôn được cân bằng: Khi không thành công, sẽ không bị rơi vào buồn chán, chán nản, thất vọng, não nề, đau khổ, còn khi thành công, cũng sẽ không bị rơi vào tự cao, tự kiêu, kiêu ngạo, ảo tưởng…

Từ bi không đi kèm với Trí tuệ  sẽ quá “ướt” mà không biết làm điều gì tốt cho họ, thậm chí còn có thể làm sai, làm một số điều có thể hại họ. Trí tuệ rất cần thiết để biết rằng trong tình huống cụ thể này, điều gì tốt nhất cho người ấy.

Nếu chỉ có hiểu biết, lý trí, logic, lập luận, học rộng hiểu nhiều, mà không có tâm Từ bi để quan tâm, cảm thông, thương xót và giúp đỡ người khác thì sẽ quá “khô”, thậm chí dửng dưng, lạnh lùng với người khác, đó cũng không phải Trí tuệ thực sự.

Từ, Bi, Hỷ, Xả không thể tách rời khỏi Trí tuệ