Nhân quả và Sức khỏe (Hà Nội, 2013)

Đã bao lần bạn từng nghe câu than thở “Trời ơi, sao việc này lại xảy ra với tôi?”, hay bạn biết ai đó cả đời làm người tốt mà vẫn bị hại… Khi thấy những điều tưởng chừng bất công như vậy, bạn có tự hỏi tại sao hay không? Với không ít người, Nhân quả là điều rất khó tin, nhưng đã tin rồi thì sức mạnh to lớn vô cùng.

1. Vì sao mọi người bị ốm?

Thầy Trong Suốt: Ở đây đã bao nhiêu người đã từng ốm một lần giơ tay nào? (Tất cả mọi người đều giơ tay)

Rồi, mọi người bỏ tay xuống. Bao nhiêu người không muốn là sẽ bị ốm nặng một lần nữa, giơ tay? (Mọi người giơ tay) Rồi, vậy tại sao chúng ta lại ốm? Vì sao?

Vì sao mọi người lại bị ốm?

Hồng Vinh: Thể chất không cân bằng.

Minh Trưởng: Thể chất mình sinh ra không được như so với người bình thường, do cái gen của mình sinh ra có một vấn đề nào đó, có thể là nó không hẳn là dị biệt hoặc có thể là nó yếu nên tạo cho mình sức khỏe không tốt, chống chịu với môi trường không tốt.

Thầy Trong Suốt: Được rồi! Có ai có ý kiến khác không ạ?

Xuân Hưng: Theo em là do không cân bằng âm dương.

Thầy Trong Suốt: Được, cũng hay! Còn ai có ý kiến khác không ạ? Người bảo do gen, người bảo âm dương. Có ai có ý kiến khác tại sao mình lại bị ốm không ạ? Mỹ Nhân?

Mẫn Nhi: Nhân quả.

Thầy Trong Suốt: Nhân quả, đấy, tên Nhân mà! (Trong suốt và mọi người cùng cười) Rồi! Nhân quả!

Theo cách nhìn nhà Phật là mình bị ốm vì do mình đã từng làm hại đến sức khỏe người khác. Đấy! Mình bị ốm nặng vì mình đã từng làm hại nặng nề đến sức khỏe người khác. Mình bị ốm chết bởi vì mình đã không chỉ làm hại sức khỏe mà mình còn giết hại người khác, loài khác, không trong đời này thì trong các đời khác. Nên là tất cả những cái bệnh tật đều đến từ chỗ đấy.

Ví dụ mình bị bệnh về dạ dày chẳng hạn, có khả năng một đời nào đó mình đã là một chiến binh cầm một thanh gươm đâm thủng dạ dày của người khác; đời này mình bị thủng dạ dày. Vì người kia tái sinh là một con gì đấy thôi, hoặc một cái đinh, hoặc một khuẩn gì đấy, họ tái sinh vào đấy và làm thủng dạ dày của mình. Do nhân quả mà, do nó công bằng. Nên tất cả những bệnh tật mà chúng ta phải chịu đều đến từ việc là chúng ta đã từng gây hại cho người khác. Nếu ta ngừng gây hại nữa, không gieo nhân bệnh tật nữa thì bệnh tật không đến nữa. Bệnh tật cũ thì đến nhưng bệnh tật mới không đến nữa.

Thế nên có ba cách chữa bệnh:

Cách chữa bệnh của phương Tây là đau đâu thì tiêm đấy. Đau chân tiêm vào chân một phát là khỏi đau chân. Đau tay cắt tay một cái là hết đau tay. Đấy! Đấy là bạn nào giải quyết trực tiếp vấn đề. Đấy gọi là chữa bệnh từ ngọn! Vì cái bệnh nó hiện ra là do những cái nhân đã gây ra từ đời trước và đời này, nên cách chữa bệnh đó gọi là chữa bệnh từ ngọn. Bệnh ở chân thì chữa chân.

Phương Đông thì có một cái nhìn khác, cân bằng hơn một chút. Câu trả lời của Hưng đấy: “Âm dương”.

Phương Đông nói rằng là bệnh đến từ việc là toàn bộ thân thể chúng ta không cân bằng, chứ không phải chỉ có chỗ đấy bị đau. Ví dụ như chúng ta bị đau ở tay bên trái, thì không phải chỉ đơn giản là chúng ta bị đau tay bên trái mà nó vì một hệ thống khí ở chân bên phải không ổn định. Mất cân bằng đấy – đau cánh tay trái nhưng thực ra là bị mất cân bằng ở chân bên phải, thế là chỉ châm mấy cái kim vào chân bên phải là khỏi cánh tay trái. Kỳ lạ không? Cái điều ấy là điều không thể phủ định được vì châm cứu đã tồn tại hàng nghìn năm nay và thành công rồi. Có nhiều bệnh thậm chí không chữa khỏi bằng khoa học thông thường lại chữa được bằng châm cứu.

Đấy nhưng mà còn xa hơn nữa đúng không? Bắt đầu có một số người tin rằng cúng một cái là khỏi bệnh ngay. Đấy! Thực tế đã từng xảy ra chuyện đấy. Cúng cái khỏi bệnh, kỳ lạ không? Theo mọi người vì sao tự nhiên đang đau đầu cúng một cái lại hết đau đầu?

Minh Trưởng: Có thể do niềm tin của họ.

Thầy Trong Suốt: Em chắc là theo chủ nghĩa duy vật rồi, đúng không? (Mọi người cùng cười)

Hồng Thảo: Con nghĩ là có lẽ họ hay lễ để cúng thánh, cầu mong thần thánh che chở cho họ.

Thầy Trong Suốt: Bây giờ lại có một số niềm tin khác. Bây giờ đang nói về sức khỏe. Tây y thì là đau đâu cắt đấy. Đông y thì làm cân bằng hệ thống kinh mạch, hệ thống khí. Khác xa một chút nữa một số người tin rằng bệnh tật là do ma quỷ làm, đúng chưa?

Đừng tưởng điều đó là điều khó xảy ra. Ngay bây giờ mình cúng là do mình tin hết. Cứ bệnh tật là do ma làm hết, cái gì cũng là do ma làm, có gì thì gặp Thầy cúng cả, có gì là cứ đánh nhau, hoặc là cúng cho ma là xong. Đuổi ma, Thầy trừ tà đấy!

Chắc cách đây khoảng một hai trăm năm thì chắc là hầu như mọi người tin là do ma làm hết, đúng chưa? Bệnh là do ma làm, nên cứ cúng con ma là xong. Đúng là nhiều khi cúng xong khỏi thật. Đấy là một cách tiếp cận khác về chữa bệnh. Nên là các nền văn hóa cổ xưa đều có tất cả các ông Thầy lang kiêm Thầy cúng, là cùng một ông luôn. Vừa chữa bệnh vừa cúng, cuối cùng vẫn khỏi. Nên là quan điểm đấy cũng không sai! Đúng là ma quỷ hay vong linh có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của người đang sống thật, chứ không phải điều đấy là vô lý, nếu vô lý thì những chuyện như thế đã không xảy ra. Có! Như vậy đấy cũng là một nguồn gốc của bệnh: Ma quỷ hay là vong linh v.v…

Thế nên có những người sống trên vùng đất có những vong linh xấu ác ấy, suốt ngày cứ nằm xuống một cái là đau đầu; có người thậm chí không chỉ đau đầu mà nằm xuống cái giường một cái là tê liệt nửa người luôn. Hay là Việt kể truyện có ma nữ trong nhà đấy, chuyện có thật luôn, bạn Việt ngồi đây này, đúng không? Nằm xuống một cái là đau thận ngay, nên khi ma nữ đi mất một cái là hết, không đau nữa luôn. Nên đừng nghĩ rằng là chỉ có bệnh theo kiểu vật lý này, hay là bệnh theo khí này, hay bệnh theo kiểu bình thường mà ma quỷ cũng gây ra bệnh.

Thế nhưng cái nhìn tổng thể hơn là cái nhìn mà lúc nãy chúng ta nói đến. Nếu chúng ta không có duyên với con ma đấy thì chúng ta không thể dọn đến cái nhà đấy được, đúng chưa? Ở đây có ai hiểu, và có một số người trước đây chưa được nghe giảng buổi trước về nhân quả thì khó hiểu hơn, nhưng nếu không có cái nhân mà chúng ta đã từng gây ra thì chúng ta không chuyển đến cái nhà mà có con ma ấy ở trong ấy. Đúng chưa? Nên Việt không thể gặp ma nữ đấy nếu mà không từng gây một cái nhân gì với cô đấy. Đấy! Không biết đời trước đã làm gì cô đấy thì không biết, đấy! Nhưng không phải tự nhiên đâu, tại sao cô ấy lại không gây ảnh hưởng gì đến tất cả hàng xóm của Việt mà gây ảnh hưởng đến mỗi Việt thôi, đúng không? Vì mình đã có một cái nhân quả với cô đấy. Cũng thế thôi, tại sao tự nhiên cô đấy bỏ đi, vì sao?

Việt Ngộ: Đủ duyên nên là hết.

Thầy Trong Suốt: Hết duyên rồi! Hết duyên rồi thì người yêu cũng bỏ đi nữa là ma nữ (Mọi người đều cười). Hết duyên cái, người yêu cũng bỏ đi ngay, đấy! Cô đấy cũng bỏ đi mất. Cho nên là đạo Phật chữa bệnh từ gốc, tìm cách chữa bệnh từ gốc, vì hiểu rằng mọi chuyện đều do nhân quả nên tôi chữa bệnh từ gốc là những cái nhân quả gây ra ốm bệnh.

Đấy, như vậy là khi mình hiểu về nhân quả mình thấy là cả ba cách chữa đều đúng. Ví dụ như mình bị một con dao cứa vào tay, ví dụ thế. Nguyên nhân trực tiếp là con dao, đúng không? Thế nên chữa từ nguyên nhân trực tiếp: Vết thương chảy máu thì băng bó lại, đấy, nguyên nhân trực tiếp! Nhưng mà nguyên nhân gián tiếp hơn là do nhân quả: Rõ ràng mình phải cắt tay ai đấy thì tay mình mới bị cắt, không bao giờ có chuyện ngược lại. Không bao giờ không cắt tay ai mà tay tôi lại bị cắt. Nếu mà tin nhân quả thì sẽ thấy Đức Phật giảng là: “Không thể có một cái quả nào mà không có nhân”. Không thể có luôn! Giống như cây, không thể có quả mà không có gốc gì cả, tự nhiên sinh ra trên hư không mà có quả được, đúng chưa? Những cái nhân mà chúng ta đã gieo tạo ra quả chúng ta phải chịu. Bây giờ, mọi người thử nghĩ xem như vậy những bệnh mà mình đã bị, những người đã giơ tay lúc nãy ấy, mình đã từng bị như vậy, vậy khả năng là do nhân gì? Đấy, mọi người thử nghĩ tí xem.

Việt Ngộ: Anh cho em hỏi một chút: Có những nhân mà mình chủ đích ấy, mình biết rõ, nhưng có những nhân nằm ngoài sự hiểu biết của mình, mình không biết là mình có gây ra hay không. Ví dụ như là hoa quả này có thể rất là độc đúng không, nhưng mà người trồng họ chẳng biết thuốc đấy có độc hay không, họ cứ thấy tốt thì họ dùng, thế thì không biết là liệu nhân đó có gây ra hay không?

Thầy Trong Suốt: Tất nhiên là họ đã trồng cây là họ đã gieo nhân rồi, không thể bảo là “tôi không biết là tôi không có tội được”.

Việt Ngộ: Vậy thì nếu nhân xấu hay nhân tốt thì mình không thể biết được, mình chỉ biết có nhân thôi chứ nó là cái gì mình không thể biết được.

Thầy Trong Suốt: Mình không thể biết một cách đến tận cùng được, nhưng mình biết một cách tương đối là lúc tôi làm cái đấy tôi có làm hết sức trách nhiệm của tôi không? Khi một cái nhân mình gieo bao giờ cũng kèm theo một suy nghĩ đi cùng; cái suy nghĩ gì nó làm ảnh hưởng rất nặng nề đến cái nhân mình gieo. Ví dụ người phun thuốc sâu họ biết thuốc sâu này ăn quả sẽ ung thư mà vẫn phun thì đấy là một nhân rất là xấu – cố tình phạm tội. Cũng một người phun thuốc sâu nhưng không biết điều đấy thì cũng có thể có người khác ăn vào bị chết nhưng cái nhân đấy của họ là nhân vô tình làm chết người. Đấy! Khác một chút.

Nên là cái nhân gì khi chúng ta gieo phải đi kèm với việc chúng ta nghĩ gì khi gieo nhân đấy. Mọi người thử nhớ lại bệnh của mình xem xong rồi thử đoán xem mình có nhân gì không hay là mình không bao giờ gieo nhân mà tự nhiên bị chịu quả, thật là bất công, vô lý!

Một bác: Có thể là kiếp trước thôi còn bây giờ cũng chẳng gieo nhân gì.

Thầy Trong Suốt: Được. Đấy là một cách. Không sao. Còn tốt hơn là không gieo nhân gì.

Việt Ngộ: Là không biết chứ không phải không gieo nhân.

Thầy Trong Suốt: Ở đây ai đã từng giết một con kiến giơ tay nào? Một con kiến.

(Tất cả mọi người đều giơ tay)

Thầy Trong Suốt: Rồi, tất cả thả tay xuống! Con kiến có phải là một sinh mạng không? Có hay không? Một con kiến trong quan điểm nhà Phật là một sinh mạng chẳng khác gì một con người. Mình giết nó vì sao? Mọi người cho lý do nào, tại sao lại giết con kiến đấy?

Minh Trưởng: Giết con kiến vì buồn tay.

Thầy Trong Suốt: Buồn tay! Một lý do. Ai có lý do khác không?

(Mọi người trả lời)

Thầy Trong Suốt: Ngứa mắt là lý do thứ hai. Rồi, lý do thứ ba là gì? Đốt mình một cái đúng không? Còn lý do nào khác không?

Một bạn: Vô tình.

Thầy Trong Suốt: Chẳng may đúng không? Rồi, chẳng may. Còn gì nữa không?

Một bạn: Nó phá nhà mình.

Thầy Trong Suốt: Nó phá nhà tôi! Nó phá như nào?

Trả lời: Nó đục nhà.

Thầy Trong Suốt: Đục nhà, rồi!

Việt Ngộ: Bất cẩn, để thức ăn nó bâu vào.

Thầy Trong Suốt: Bâu thức ăn, đúng không? Rồi! Rồi, rất tốt! Bây giờ những người giết vì nó đốt mình giơ tay xem nào? (Một số bạn giơ tay) Rồi! Bây giờ mình xem nó công bằng không? Đúng không? Khi nó đốt Vinh nó có làm em bị thiệt mạng không?

Hồng Vinh: Không ạ.

Thầy Trong Suốt: Vẫn khỏe đúng không? Nó có làm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của em không? Không, đúng không?

Hồng Vinh: Vâng.

Thầy Trong Suốt: Nó chỉ làm cho em bao nhiêu giây không hài lòng, không phẩy không không mấy giây?

Hồng Vinh: Không phẩy không mấy giây cảm nhận được tế bào ở tay.

Thầy Trong Suốt: Không phẩy không mấy giây hơi đau, đúng không? Nó không làm em mất mạng, không làm em bị bệnh trầm trọng mà em cướp đi một sinh mạng, công bằng không? Mọi người có thấy công bằng không?

Một bạn: Nhưng nó đốt mình, mình không đốt lại được.

Thầy Trong Suốt: Nhưng mình có công bằng không?

Một bạn: Nhưng mà nó cứ đốt mình!

Thầy Trong Suốt: Giết cơ mà, giết cơ mà? Đang nói là mình giết cơ mà! Nó chỉ làm cho mình đau trong không phẩy không mấy giây thôi, nó không giết mình, nó không hại sức khỏe của mình mà mình làm nó đi đời, công bằng không? Không công bằng, đúng không?

Ở đây có bao nhiêu người câu cá rồi giơ tay xem nào? Rồi! Con cá bơi dưới nước nó có làm mình đau chân, đau tay, đau gì không?

Mọi người: Không ạ!

Thầy Trong Suốt: Nó có hại mình tí nào không? Nó có cắn mình một cái không? Thế mà mình móc một cái móc vào hàm nó và nhấc nó lên khỏi mặt đất và nó chết, công bằng không? Có công bằng không? Chẳng công bằng tí nào, đúng không? Rồi bây giờ con kiến còn đi qua đi lại chỉ làm mình ngứa mắt thôi, công bằng không?

Mình tưởng tượng đi, trên trời có một ông thần khổng lồ ông thấy… – ai nói ngứa mắt, giơ tay nào? … thấy Tuấn đi qua đi lại, ngứa mắt quá lấy chân dẫm một cái đúng không, nát bét, công bằng không? Công bằng đối với Tuấn không? Nó có làm gì mình đâu, đúng chưa, mà mình giết nó? Giống như ông thần ông ấy dẫm mình một cái nát bét, chẳng làm gì cả.

Đấy! Không bao giờ công bằng tí nào. Giờ nhìn kỹ lại thì mình đã giết rất nhiều con vật một cách không công bằng như thế rồi! Nó chỉ xin mình tí huyết thôi chẳng hạn, đúng không? Con muỗi này, con muỗi cũng thế, nó chỉ xin mình tí máu thế này thôi (Thầy Trong Suốt đưa 2 ngón tay cái và tay trỏ ra ví dụ lượng máu ít ỏi) mà mình giết cả một sinh mạng của nó. Mình cũng có bố, có mẹ, có con… Con kiến cũng thế, nó cũng có bố, mẹ, con của nó; nó cũng có đau khổ của nó. Mình không nhìn thấy, mình tưởng nó không đau khổ. Mình nghĩ là giết nó, nó không đau khổ à? Làm gì có chuyện giết nó, nó không đau khổ. Đúng không? Chắc chắn nó sẽ đau khổ. Con cá đang bơi dưới nước nó cũng có bố, mẹ, con của nó, mà nó không làm gì mình cả tự nhiên mình lấy cái móc, móc vào họng nó, xong rồi mang nó lên mặt đất và giết nó.

Đấy là mình đã giết, mình đã tàn sát. Loài người là loài duy nhất – các loài vật khác chỉ khi nào đói nó mới săn mồi thôi, nó săn mồi để nó tồn tại, kể cả con hổ, con sư tử rất dữ dằn nhưng mà chỉ khi đói nó mới ra khỏi hang ăn thịt một con gì đấy, xong rồi lại đi vào nghỉ ngơi, sau đói lại đi săn tiếp. Nhưng loài người là loài không cần phải đói, mà chỉ cần vì niềm vui thôi, giết cho vui đấy, đi săn mồi.

Săn cá là một ví dụ đấy! Chủ nhật tôi buồn quá, tôi vác cần câu đi săn mồi, không phải vì tôi đói mà tôi giết cho thỏa mãn niềm vui của tôi. Và điều ấy không hề công bằng tí nào. Nên về nhân quả mà nói chắc chắn là mình sẽ gặp sự không công bằng ở phía bên ngoài. Khi mình không công bằng với một con cá thì chắc chắn sẽ có ai đấy – nhân quả mà – cực kỳ không công bằng với mình. Khi mình giết một con kiến một cách không công bằng gì với nó hết, thì trên đời sẽ có ai đó làm hại mình một cách không công bằng gì hết. Mình thì thấy hoàn toàn vô lý, tại sao tôi lại bị hại thế này? Tại sao tôi lại bị hại, tại sao tôi lại bị lừa đảo tiền bạc thế này? Tại sao tôi lại bị lợi dụng lòng tin? Tại sao tôi đang khỏe mạnh bình thường tôi lại bị ung thư và bị chết khi còn rất trẻ? Mình nghĩ rằng điều đấy là điều vô lý, nhưng không hề vô lý tí nào. Đấy là cái quả mình phải nhận khi mình đã từng gieo một cái nhân vô lý như vậy với người khác.

Ở đây có ai dám ký vào tờ giấy là: Đời trước tôi chưa từng giết bất cứ một con vật nào một cách vô lý không, giơ tay xem nào. Tôi thề là “đời trước – đời này thì tôi biết rồi – các đời trước của tôi, tôi chưa từng giết một con vật nào một cách vô lý như thế”, có ai không ạ?

Một chị: Có biết đời trước đâu mà nói chuyện?

Thầy Trong Suốt: À thế, thế chị có dám ký không ạ? Theo chị, chị đã từng gây cái nhân ấy bao giờ chưa?

Chị đó (tiếp): Giết kiến thì đầy, hầu như là toàn dân giết.

Thầy Trong Suốt: Chị có bị đốt bao giờ không?

Chị đó (tiếp): Kể cả không đốt nhưng nói chung nhìn thấy kiến là hay giết.

Thầy Trong Suốt: Thế là không cần đời trước đúng không? Đời này đã giết rồi. Theo chị quả đấy có nở ra được không hay nó không bao giờ nở ra.

Chị đó (tiếp): Thế thì từ nay thấy kiến cũng không dám giết nữa!

2. Có thần thông cũng không thắng được nhân quả – Chuyện Mục Kiền Liên

Thầy Trong Suốt: Chắc chắn. Ngày xưa ở thời Đức Phật, có một ông tên là Mục Kiền Liên – vị Thánh Tăng đấy! Ở đây mọi người biết chuyện Mục Kiền Liên chưa ạ? Ngày lễ Vu Lan đấy – mọi người biết không ạ? Vu Lan là một từ gọi là Vu Lan Bồn, là một từ tiếng Phạn, Hu ba la là một cái thuyền, cái bè để chở người khác đi, chở khỏi đau khổ đấy!

Thế thì tại sao, câu chuyện đó như thế nào? Ông Mục Kiền Liên là học trò của Đức Phật và có khả năng đặc biệt, khả năng xuống địa ngục. Khi ông có khả năng đặc biệt đấy thì ông bắt đầu mới xuống địa ngục để xem mẹ mình chết ở địa ngục như thế nào? Bởi vì khi có khả năng đặc biệt ông biết rằng mẹ mình chết ở địa ngục chứ không được tái sinh làm người hay những cõi cao hơn. Ông xuống và thấy mẹ mình đang chịu khổ dưới địa ngục. Ông thấy thương mẹ quá, mới cầm bát cơm đưa cho mẹ; trên tay ông ấy là bát cơm trắng, khi sang tay mẹ ông lập tức biến thành hòn than đỏ luôn, không ăn được. Ông này không đủ khả năng cứu mẹ ra khỏi địa ngục thì ông mới lên hỏi Đức Phật là: “Bây giờ làm thế nào để con cứu mẹ con bây giờ?”.

Đức Phật mới nói rằng: “Trong đời này và đời trước mẹ con làm rất nhiều điều xấu. Vì điều xấu đấy, thành ra là đời này xuống địa ngục và bình thường không thể cứu được, tuy nhiên nếu mà con tập hợp tất cả các vị A La Hán − những người tu hành giác ngộ ấy − hồi hướng công đức cho mẹ, thì công đức của việc đấy có đủ khả năng cứu mẹ con ra khỏi”.

Và Đức Phật nói vào những ngày lễ rằm tháng 7, ngày đấy là ngày công đức tăng trưởng một triệu lần, thì con hãy cầu tất cả các vị A La Hán − những vị tăng đắc đạo đấy −  cho hoa quả và thức ăn vào một cái chậu và cúng dường cho tăng đoàn của những vị A La Hán đấy, và cầu nguyện họ, nhờ họ cầu nguyện cho mẹ con, thì quả nhiên sau đấy thì mẹ của ngài Mục Kiền Liên lên được cõi trời.

Và từ đấy những người muốn làm điều đấy cho cha mẹ mình đã mất, thì đều theo lời Đức Phật đến ngày rằm tháng bảy là cho hoa quả vào một cái chậu, xong đem đến chùa. Ngày xưa là bắt đầu như vậy. Tại sao cho vào cái chậu vì là không cúng cho một người nào hết mà cúng cho cả một tăng đoàn luôn. Và những người đấy, những ông sư đấy, khi nhận hoa quả đấy không phải là không làm gì mà sẽ làm lễ cầu nguyện cho bố mẹ của những người đến cúng. Đấy là lễ Vu Lan bắt đầu như vậy.

Mục Kiền Liên là người rất giỏi, ông ấy rất tài năng, ông có khả năng bay lên trời, nhìn được quá khứ, nhìn được tương lai, nghĩa là ông làm được rất nhiều điều kỳ diệu, thế nhưng có ba việc mà ông đã không làm được trong đời ông ấy:

Một việc là xuống địa ngục mà không cứu được mẹ.

Việc thứ hai ông không làm được là: Đức Phật là hoàng tử của một vương quốc Sakya có 80.000 người. Khi Đức Phật đi tu thì bố của Đức Phật ở lại trị vì vương quốc, và đất nước láng giềng tìm cách xâm chiếm nước Sakya. Thế thì Đức Phật, mỗi lần biết là hai nước sắp đụng binh đao là Ngài ra biên giới Ngài ngồi thiền ở đấy. Vua của hai nước đều rất nể Đức Phật, nên thấy Đức Phật đến là tất cả đều rút quân về hết. Hai năm sau, nước bên cạnh lại đem quân đến; Đức Phật lại ra biên giới ngồi và họ lại rút về. Nhưng lần thứ ba, hai nước chuẩn bị binh đao Đức Phật không ra đấy ngồi nữa. Kết quả là nước bên cạnh đánh nhau với đất nước của Đức Phật và một vụ thảm sát xảy ra. 80.000 người, trừ một số người thôi, đã chết gần hết.

Thế thì học trò mới hỏi Đức Phật: “Tại sao Đức Phật lại đang tâm nhìn toàn là họ hàng của mình bị giết một cách thảm thương như thế? Sao Ngài không ra biên giới ngồi một lần nữa? Nếu mà Ngài ngồi một lần nữa thì biết đâu họ lại rút quân về.”

Đức Phật mới trả lời thế này − đấy là người ta hỏi Đức Phật như vậy khi mà hai nước đang đánh nhau dữ dội, chứ chưa chết 80.000 người, Đức Phật mới nói là: “Ta không thể ngăn lại việc này được, vì nếu ta ngồi đấy thì sẽ có lần khác họ đến, sẽ có lần họ đến mà họ trốn tránh ta. Ta không thể lúc nào cũng ngồi biên giới được, bởi vì giữa hai đất nước này có nhân quả với nhau”.

Thì mọi người mới hỏi xin Đức Phật kể cho các con biết nhân quả như thế nào? Đức Phật mới kể là: Đất nước Sakya của Ngài cách đây rất nhiều đời là một bộ tộc lớn ở trên thượng nguồn một con sông và rất thèm muốn đất đai và của cải của một bộ tộc lớn khác ở hạ lưu con sông đấy. Nhưng hai bộ tộc đều lớn mà đánh nhau thì sẽ chết rất nhiều người mà chưa chắc đã chiếm được, nên bộ tộc của Đức Phật mới quyết định sẽ bỏ thuốc độc vào thượng nguồn. Quyết định đấy là quyết định rất độc ác, vì nếu bỏ thuốc độc như thế không phải chết ít người mà có thể diệt toàn bộ tộc kia, cộng với đàn bà, trẻ con chết sạch vì uống phải nước đấy mà. Thế nên đất nước tổ chức một cuộc trưng cầu là có thực hành biện pháp mạnh mẽ đấy với cả đất nước ở hạ lưu không? Thì 80.000 người bỏ phiếu đồng ý, còn lại 20.000 – 30.000 người là không đồng ý. Tỷ lệ đồng ý rất cao, 80.000 người bỏ phiếu vào cái vụ thảm sát đấy và kết quả là cái lệnh ấy được thực thi và giết hại khoảng 100.000 người ở bộ tộc ở phía dưới hạ lưu. Đấy!

Thế thì khi bộ tộc ở hạ lưu uống phải nước đấy, họ chết dần chết mòn thì có một vị hoàng tử ở bộ tộc hạ lưu con sông ấy mới biết được âm mưu của đất nước kia và biết là không thể thoát khỏi cái chết vì đã uống phải thuốc độc mất rồi, thề rằng sau này ta sẽ lãnh đạo bộ tộc hạ nguồn – nếu ta còn một đời sau – trả thù bộ tộc thượng nguồn.

Thế thì ở cái đời mà Đức Phật sinh ra thì cha của Ngài có một người em, người em đấy không may mất sớm, nên đứa con của người em được cha của Đức Phật nhận làm con nuôi. Ông này, tuy mang tiếng là hoàng tử nhưng vì bố mẹ mất, tài sản thì phân tán, nên không có tiền bạc, không có tài sản và bị tất cả những người xung quanh coi thường và sỉ nhục. Ông “hoàng tử con nuôi” đấy cảm thấy đất nước này đối xử với ông quá tệ nên ông bỏ trốn và mong muốn rằng sau này nếu ta có khả năng quay về ta phải trả thù những người đã từng xử tệ với ta.

Ông trốn sang nước láng giềng thì vua nước láng giềng lại hiếm muộn, không có con. Một hôm đi săn gặp cậu bé này ở khu rừng, cậu bé này cực kỳ thông minh và hiểu biết nên được nhận làm con nuôi. Khi cậu bé lớn lên thì truyền ngôi cho. Và cậu bé này lãnh đạo đất nước của mình đem quân để đánh đất nước của Đức Phật. Cậu bé này chính là hoàng tử của bộ tộc ngày xưa đấy, và trận thảm sát 80.000 người diễn ra. Bộ tộc trên thượng nguồn ngày xưa tái sinh làm 80.000 người của bộ tộc Sakya. Những người nào đã bỏ phiếu cho việc giết người ấy thì lần này đều vì một lý do nào đấy bị chết trong trận chiến đấu: Người thì bị đốt chết, người thì bị bắn chết, người thì chẳng may không thoát được, kể cả trẻ con hay người lớn. Một cuộc thảm sát diễn ra mà có một số người chạy trốn được. Những người trốn được bởi vì họ không có nghiệp chết ở trong trận chiến đấu đấy, vì họ không gây ra cái nghiệp xấu để chết ngày hôm đấy thế là họ thoát được hết, nhưng 80.000 người bị giết.

Mục Kiền Liên, khi ông nghe Đức Phật giảng nhân quả như vậy thì ông vẫn rất là thương, ông nghĩ dù sao những người bị chết cũng là cô chú, anh chị em họ của Đức Phật hết, mình lại có thần thông, mình phải đến cứu người ta. Thế là ông không hỏi gì Đức Phật cả, vì nếu mà hỏi Phật, Phật sẽ bảo thôi đừng cứu vì không cứu được đâu. Nhưng mà ông nghĩ là mình có thần thông, mình có tài năng nên phải đến cứu. Ông dùng phép thuật bay đến kinh thành. Trong cảnh chém giết hỗn độn ấy, thì ông mới phát hiện ra là có 20 người đang núp dưới một cái khu cung điện, ông mới bảo “nếu mọi người muốn thoát hãy đi theo tôi”.

Những người đó bảo “làm thế nào để đi theo được bây giờ vì xung quanh bao vây hết rồi?”. Ông bảo là: “Bây giờ tôi có một cái bát, tôi sẽ biến nó to ra thành một ngôi nhà, mọi người chỉ cần chui vào cái bát này, xong tôi sẽ bay lên trời và đem mọi người trốn thoát”. 20 người đấy toàn là anh em họ hàng thân thích của Đức Phật hết. Mọi người mừng rỡ chui vào cái bát. Thế thì ông này bay về và rất là vui vì nghĩ là cứu được 20 người hoàng thân quốc thích của Đức Phật; lập tức đến gặp Đức Phật ngay để khoe là con vừa cứu được. Khi ông đến thì Đức Phật bảo: “Đâu, cứu được đâu?”. Bắt đầu ông đem cái bát ra, mở ra. Và khi ông mở cái bát ra thay vì ông thấy là có hai mươi người, thì ông thấy một vũng máu trong đấy rồi.

Nhân quả mạnh đến mức là những người kia có nghiệp của họ mất rồi, không thể thoát khỏi được nhân quả luôn. Họ chết trong khi đang ở trong cái bát đó, biến thành vũng máu. Ông này kinh hãi quá mới làm rơi cái bát xuống đất. Xong ông hỏi Đức Phật là trong cái đoàn quân chém giết kia không phải ai cũng là người của bộ tộc cũ, rất nhiều người là ở bộ tộc hạ lưu cũ, nhưng cũng rất nhiều người sinh ở một đất nước mới mà vẫn chém giết, thảm sát bao nhiêu người vô tội chẳng nhẽ họ không gặp quả gì? Đức Phật bảo con đừng có vội, đợi vài ngày nữa rồi sẽ biết. Thế thì ông này ông lại chờ đợi.

Khi đoàn quân chiến thắng khải hoàn đi về, rất hạnh phúc vì giết được bao nhiêu người, cướp được bao nhiêu của cải. Khi về họ đi qua một con sông khô cạn vì mùa khô mà, đoàn người rất là mệt thế là Đức vua − tức là ông kia đấy − mới quyết định sẽ cắm trại ở trên bờ sông. Thế nhưng nửa đêm trời nóng quá, thế là rất nhiều người − thay vì trên bờ sông, vì dưới sông nó ẩm ẩm mà, bắt đầu đem lều, đem các thứ xuống cắm trại giữa lòng sông. Đấy chính là những người mà họ thảm sát người rất vô tội mà lại không có nghiệp ngày xưa đã từng bị thảm sát, nhưng nghiệp này nặng hơn nhiều. Thế là họ nằm dưới dòng sông và nửa đêm tự nhiên có một cơn lũ tràn ở thượng nguồn về và tất cả mọi người chết sạch, không còn ai. Có một số người đã nằm xuống dưới lòng sông rồi nhưng tự nhiên cảm thấy lạnh quá lại lên bờ nằm vì không có nghiệp chết mà, đấy, thì những người này không chết. Đấy nhân quả nó cứ thế, cứ vòng vòng như vậy, chuyện này sang chuyện khác, giết người vô tội thì lại bị đền tội. Thế là rất nhiều người bị chết ngày hôm đấy thì Mục Kiền Liên ông thấy rằng đúng là không thể chống lại nhân quả được.

Thế rồi ông làm rất nhiều điều tốt, nhưng về già ông cũng không chết một cái chết nhẹ nhàng, Mục Kiền Liên ấy. Tất cả học trò Đức Phật đều chết rất nhẹ nhàng, có rất nhiều người ngồi thiền chết, nằm ngủ chết, bệnh ốm chết, vẫn nhẹ nhàng nhưng Mục Kiền Liên thì ngược lại: Mọi người biết ông chết kiểu gì không? Đập vỡ đầu chết. Ông là một vị thánh tăng, một vị đã tu hành giác ngộ, thánh tăng đấy. Thế thì ngày hôm đấy, rất đơn giản thôi: Ông đang đi trên đường có hai thằng cướp nhảy ra – vì ông rất thành công và có rất nhiều người ghen tị với ông – nên có người thuê hai thằng cướp đập chết ông ý, đập vỡ đầu chết. Học trò Đức Phật mang xác ông về rất thương tiếc và mọi người hỏi Đức Phật tại sao một người tốt như ngài Mục Kiền Liên, cả đời cứu bao nhiêu người mà lại chết một cách thê thảm như thế? Thì Đức Phật mới nói là: “Các con đừng có buồn lòng vì đây là hành động đúng với nhân quả”.

Vì cách đây rất lâu rồi, Mục Kiền Liên này là con của hai người vợ chồng rất giàu có. Hai vợ chồng này lại sống rất khỏe và sống rất lâu. Thế thì khi ông cưới vợ, người vợ này cảm thấy bố mẹ mãi chẳng truyền tài sản cho chồng mình thế là mới xui chồng là “Thôi, giờ tốt nhất anh giả làm cướp, anh đánh bố mẹ bị thương tật, thì bố mẹ thương tật rồi chắc chắn sẽ truyền tài sản cho anh”. Đấy, thế là ông này lúc đấy lại nghe theo. Ông cũng thế thôi, cũng đợi bố mẹ đi qua một ngọn núi, cầm gậy xông ra đập đánh bố mẹ và kết quả là bố mẹ ông bị mù. Đánh một trận đánh rất kinh khủng và ông được truyền toàn bộ gia tài. Và trong đời đó, ông sống rất thoải mái, đầy đủ, sung túc. Cái đời đấy thôi. Ông nghĩ rằng chắc không bao giờ chịu quả, vì chẳng bị sao cả, lúc chết vẫn bình thường. Thậm chí sống lâu và chết một cách bình thường, vì ông ý có nhiều nghiệp tốt quá, nên lúc đấy quả xấu chưa nở ra. Đấy, Đức Phật nói rằng là hai tên cướp đấy chính là hai người bố mẹ ngày xưa tái sinh theo đúng nhân quả. Thì mọi người mới hỏi “Tại sao lại đánh chết, ngày xưa ông ý chỉ đánh mù mắt thôi, sao lại đánh chết?” thì Đức Phật nói vì Mục Kiền Liên không chỉ thế, mà có một kiếp ông là người đánh cá và ông giết rất nhiều tôm cá, nên hai nghiệp đấy cộng lại với nhau, nên tuy là kiếp trước chỉ đánh mù mắt thôi nên kiếp này vẫn bị hai người kia giết.

Đấy, nhân quả nó vận hành như thế. Nên không thể có chuyện là gieo một cái nhân mà lại không gặt quả. Không bao giờ có chuyện đấy, gieo nhân chắc chắn quả sẽ đến. Đấy là những câu chuyện ghi trong sử sách đời Đức Phật. Còn nhiều câu chuyện nữa nói về nhân quả. Có ai hỏi gì không?

3. Nhân quả xoay vòng – chuyện ông Tư ông Tám

Minh Trưởng: Nếu mình cứ nghĩ một người gặp nghiệp như vậy, họ gặp nạn thì mình nghĩ họ chịu nghiệp như thế mình cứu chắc là ích gì?

Thầy Trong Suốt: Nếu em là Đức Phật, em biết nhân quả thì em có thể dừng lại, tùy. Nhưng em có biết đâu! Em không biết nhân quả vì sao người ta bị bệnh, bị ốm hay bị tai nạn, đúng không? Mà nếu em không cứu em sẽ gieo một nghiệp xấu là có thể cứu mà lại không cứu, đúng chưa? Đức Phật biết là không thể cứu thì mới không cứu. Còn em thì khác, em không phải Đức Phật, em không biết chuyện gì nhưng em lại nghĩ rằng “Hay là người này sẽ không thể cứu được”, đấy, thì đấy gọi là nghiệp có thể cứu mà lại không cứu.

Sau này cũng thế thôi, em bị nạn, giống như em đi trên đường bị ai đó đâm một cái, ngã trên vệ đường, có một người đi qua đáng ra người đấy phải gọi điện thoại và bác sỹ cấp cứu đến cứu em nhưng họ lại cũng nghĩ thế: “Ô thế cậu này chắc là đời trước gây nghiệp xấu đây, đang nằm trên đường đây, thôi mình cứu làm gì”, thế là đi qua, và em bị chết vì lạnh giữa đêm, không phải chết vì vết thương. Chết vì quá lạnh giữa đêm, chẳng ai đoái hoài gì đến em cả, đấy. Nên là biết điều đấy, nhưng không phải là ai bị nạn mình nghĩ ngay là “đáng đời nó”. Đấy! Không phải, biết điều đấy nhưng mà thấy ai bị nạn mình cứu giúp họ, nếu có khả năng.

Xuân Hưng: Em muốn hỏi, ví dụ như là khuẩn tả chẳng hạn, chính là một vi khuẩn đúng không ạ?

Thầy Trong Suốt: Nó là một chúng sinh đấy.

Bạn đó tiếp: Vâng, thế mình uống thuốc để mình diệt có phải là sát sinh không ạ?

Thầy Trong Suốt: Tất nhiên, đó cũng là một nghiệp đấy. Không phải là nghiệp tốt lắm đâu. Đấy! Nhưng nếu mình để nó giết mình thì cũng không phải tốt lắm. Mình để nó giết mình thì mình cũng tạo điều kiện cho nó giết mình, đúng không? Đó là lý do mà cách tốt nhất là mình nên nghĩ thế này, nếu giả sử khi uống thuốc, mình nên nghĩ thế này: “Tôi uống thuốc là để tôi bảo vệ cái mạng sống này nhưng mà không chỉ cho riêng tôi. Tôi dùng cái mạng sống này để tu hành tiến bộ. Sau này tôi sẽ cứu giúp chúng sinh khác”. Đấy là cách, gọi là cách tốt nhất khi đi uống thuốc. Nếu phải uống thuốc gì đấy nên nghĩ như vậy. Tôi bảo vệ thân thể này nhưng không phải cho riêng mình mà tôi sẽ dùng cái thân thể này tu hành tiến bộ rồi sau này, trong đời này hoặc trong các đời sau tôi sẽ cứu những người khác. Như vậy thì cái chết của con vi khuẩn tả mới có ý nghĩa, hơn là việc mình chỉ đi uống thuốc bình thường. Còn ví dụ nếu có 100 con vi khuẩn tả, ví dụ thế, có 88 con là ngày xưa nó giết mình, nên đời này mình giết nó. Nhưng có 12 con là nó chưa bao giờ giết mình cả, nó mới chỉ làm cho mình đau bụng thôi thì 12 con đấy, nhân quả mà, mình sẽ bị nó làm cái gì đấy cho mà xem. Nhiều khi 88 con kia là gì? Là họ đã giết mình trong đời trước, đời này nó tái sinh làm vi khuẩn tả để mình giết họ. Nhân quả nó cứ quay vòng như vậy không bao giờ thoát ra được cho đến khi nào mình quyết tâm thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó.

Thầy Trong Suốt: Ở đây có bao nhiêu người nghe chuyện ông Tư ông Tám rồi giơ tay xem nào? Thế cũng không nhiều lắm. Bao nhiêu người nghe chuyện người đàn bà có con bị mèo cắn chết rồi, giơ tay xem nào? Vẫn là những người đấy à? (Trong Suốt cười)

Đây là câu truyện mà nó mô tả rõ nhất việc nhân quả lòng vòng như nào? Mọi người muốn nghe chuyện nào trước?

Mọi người: Ông Tư, ông Tám.

Thầy Trong Suốt: Thời hiện đại thôi, có hai ông, một ông tên là ông Tư và một ông là ông Tám, là hàng xóm của nhau. Hai người là bạn thân của nhau hồi bé. Ông Tư thì kinh doanh rất thành đạt, ông Tám thì kinh doanh nhưng mà thất bát. Thế là một ngày nọ, khi ông Tám kinh doanh đã bị mất sạch gia tài, đến gặp ông Tư (vì là hàng xóm cũ mà) nghĩ rằng người này sẽ giúp mình. Và đến vay tiền của ông Tư để kinh doanh. Ông Tám nói với ông Tư là “tôi mất hết tài sản rồi, anh là niềm hi vọng duy nhất của tôi. Anh đang rất giàu, anh cho tôi vay một tỉ đồng thôi, tôi sẽ làm lại và trả cho anh. Anh yên tâm”.

Ông Tư là người rất tốt bụng, và ông quyết định là sẽ cho ông Tám vay tiền. Quả nhiên là ông cho vay thật, và rất quý nhau nên cũng chẳng viết giấy cam kết gì cả, chỉ đơn giản là cho vay thôi. Thế thì ông Tám đi kinh doanh và rất thành công. Ông Tư – là ông cho vay – một thời gian sau phạm lỗi trong quá trình kinh doanh và bị mất sạch gia tài. Sau ba năm, hoàn cảnh ngược lại, ông Tư lại rất nghèo và ông Tám lại rất giàu. Và ông Tư nghĩ rằng, khi nó khó khăn thì mình giúp nó như vậy nên mình sẽ đến nhà lấy lại số tiền mình đã cho vay, đồng thời là có thể vay thêm số tiền mới để kinh doanh.

Và ông Tư đến nhà ông Tám, nhưng ông Tám lúc đấy nổi máu tham vì ông Tư không có giấy tờ gì hết, thứ hai là ông Tám ở cái thế là giàu rồi mà, ông kia thì nghèo, hoàn toàn ông kia chẳng làm gì được mình. Thế là ông Tám nói với ông Tư thẳng băng là “Tôi có nợ anh đồng nào đâu, chắc anh nhớ nhầm rồi; nếu mà có giấy tờ rồi thì anh đưa tôi xem”. Tất nhiên ông Tư không có giấy tờ gì hết vì quá tin bạn. Thế là ông Tư rất là đau khổ, và do một thời gian đau khổ dai dẳng, ông ấy chết.

Khi ông chết, xuống âm phủ gặp Diêm Vương, Diêm Vương mới xem sổ một lúc bảo: “Thật ra nhà ngươi có nhiều nghiệp tốt nên nhà ngươi sẽ không bị tái sinh ở dưới địa ngục, mà nhà ngươi sẽ được tái sinh làm người, thế bây giờ nhà ngươi muốn chọn đi đâu?”

Thì ông Tư mới nói là: “Có một việc con rất thắc mắc, là con cảm thấy rất bực mình vì ngày xưa con đối xử tốt với thằng Tám như thế, mà bây giờ nó lại đối xử với con chẳng ra gì, nên con rất muốn đòi nợ nó, nó còn nợ con rất nhiều tiền”.

Diêm Vương mới bảo: “Vậy thì nhà ngươi muốn gì? Nhà ngươi có muốn tái sinh làm bố nó không? Kiếp sau thằng kia nó chết, xong nhà ngươi tái sinh làm bố nó, thế là tha hồ mà đánh đập nó suốt ngày, gõ đầu nó suốt ngày”.

Ông Tư nghĩ một lúc, bảo: “Không, không làm bố”, “Thế làm mẹ?” Ông cũng không làm mẹ. “Hay làm ông chủ đầy tớ? Ông chủ đánh đập thoải mái mà?” Ông bảo: “Không, không muốn làm”.

Diêm Vương hỏi: “Thế ông muốn làm gì?”. Theo mọi người thì ông ý muốn làm gì? Ông này nói, tôi thích làm con thôi. Diêm vương nói “Sao ông dại thế, làm con sẽ bị đánh đập suốt ngày?” Ông này nói: “Dạ không, bố mẹ nâng niu con vô cùng, nhưng mà con làm điều trái, xấu với bố mẹ chẳng mấy khi bố mẹ đem kiện con ra tòa, hay bắt con đi công an cả, đúng không? Một đứa con có thể làm rất nhiều điều xấu với bố mẹ mà bố mẹ chẳng làm gì nó nên tôi sẽ tái sinh làm con ngay trong kiếp này để giải quyết cho hết nợ luôn”. Thế là Diêm Vương đồng ý và ông Tư tái sinh làm con ông Tám.

Ông Tám đang kinh doanh thành công mà lại hiếm muộn tự dưng sinh được một đứa con trai thì cực kỳ cưng chiều nó. Nhưng lớn lên thì bắt đầu nó lô đề, hút sách, cờ bạc, cá cược. Và bao nhiêu tài sản của bố mẹ bắt đầu bị nó bán, phá dần, phá dần, phá dần. Và nó rất hung đồ, thậm chí nó còn đánh đuổi bố mẹ ra khỏi nhà luôn. Và như vậy, tài sản của ông Tám kiếm một đời cũng bị đứa con phá sạch, hàng trăm tỉ đồng, chứ không phải chỉ một, hai tỉ đồng. Rất giàu mà tan biến mất và bị con đuổi ra đường luôn.

Thế là vì sao? Vì ông Tư tái sinh với lòng hận thù mà, nên là chỉ muốn hại thôi bố mẹ mình thôi – kẻ thù ngày xưa đấy. Nên ở đây ai có con sẽ là một trong ba loại, hoặc là những người ngày xưa có nghiệp tốt với mình đến trả ân, thì người ta đến rất tử tế với mình, mình sẽ thấy có một đứa con làm cho mình hạnh phúc từ sáng đến tối, nói những lời hay lẽ phải, hành xử tử tế với bố mẹ. Ngược lại mình có một người xấu ngày xưa đến trả oán, thì thôi rồi, nó phá bố mẹ từ bé đến lớn tan tành thì thôi, đấy. Còn loại thứ ba là bạn bè mình đến nhờ mình giúp cái gì đấy. Ví dụ như có những người chỉ đơn giản là đến nhờ tái sinh vào nhà mình, để sau này lớn lên tu hành thôi – có những trường hợp như vậy; thì cũng vừa vừa thôi, không phải đem cho mình quá hạnh phúc mà cũng không làm gì hại mình cả. Lớn lên nó đi theo một con đường hoàn toàn khác những cái mình nghĩ. Đấy, có một số trường hợp bố mẹ đẻ được đứa con đến khoảng 15 tuổi là nó đi tu luôn, sau là chẳng gặp nữa, chẳng làm điều tốt cho nhau cũng chẳng làm điều xấu cho nhau. Đấy, có một trong ba kiểu đấy.

Quay lại câu chuyện ông Tư tái sinh làm con ông Tám và phá tan nhà ông Tám, bị con đuổi ra khỏi nhà oan uổng và chết một cách uất ức, rồi lại xuống gặp Diêm Vương. Diêm Vương xem sổ một lúc rồi bảo: “Nhà ngươi cũng không đến nỗi phải ở lại địa ngục, được quyền tái sinh làm người, nhà ngươi muốn gì?”, thì ông này mới bảo là không hiểu tại sao tôi đang sống như vậy, tử tế như vậy lại sinh ra thằng con chẳng ra gì.

Thế thì Diêm Vương kia bảo “Không phải tự nhiên đâu, mà ông có nhớ ngày xưa ông đã quỵt nợ của ông Tư không?”.

Ông Tám: “Đúng rồi, ngày xưa tôi quỵt của nó có một tỷ đồng thôi, tại sao thằng con này nó phá tôi một trăm tỷ, thế nên là tôi sẽ quyết tâm quay lại đòi 99 tỷ còn lại, đáng ra nó đến phá tôi hai tỷ là cùng, cứ cho là 3 tỷ đi – lãi chỉ thế thôi, đây nó phá tan tất cả sản nghiệp của tôi, mất hết uy tín của tôi, nên tôi muốn tái sinh làm con của nó, đấy, đòi lại bằng được 99 tỷ còn lại”.

Theo mọi người ông có đòi 99 tỷ không? Đòi bao nhiêu? Ông sẽ đòi, đòi hết thì thôi, nếu đòi không được 99 tỷ thì lại tái sinh làm con tiếp, vì ông kia vẫn nợ. Nhưng mà rất nhiều khi đòi quá lên vì lòng hận thù có biết gì đâu, có lý trí gì đâu. Có nhớ là mình đòi bao nhiêu tiền đâu, chỉ nhớ là rất hận thù người này thôi, sinh ra chỉ nhớ là tôi hận thù, có khi không nhớ luôn, mà nghiệp nó đẩy mình đến việc hận thù bố mẹ mình, hoặc là mình làm việc xấu với bố mẹ mình.

Và nó luẩn quẩn như vậy, ông Tư lại chết, lại muốn tái sinh làm con ông Tám, để đòi nợ tiếp. Ở đây thậm chí có một số đôi vợ chồng có khi cũng như thế nốt: đời trước nó bỏ mình theo gái, đời này mình sẽ bỏ nó theo trai cho biết mặt – trả thù mà, thế thôi. Thế nhưng mà đâu có đơn giản như vậy, mình đòi quá mức cần thiết là người kia lại hận thù mình ngay, xong rồi cứ thế làm đau khổ nhau. Nói như thế không có nghĩa là khi mình làm một điều xấu với vợ mình, ví dụ thế, mình bảo là chắc đời trước làm điều xấu với mình đây, đấy. Khi mình ngoại tình mình nghĩ chắc vợ mình do đời trước làm việc xấu với mình đây, thì thôi mình yên tâm ngoại tình. Giống hệt Trưởng lúc nãy hỏi đấy, không được nghĩ như vậy! Như vậy là sai đấy. Mình không thể biết trước được, nhưng mình biết chắc chắn rằng mình đang làm điều xấu, nên mình gieo một nhân xấu, mình dừng việc đấy lại.

Theo mọi người thì ông Tư ông Tám khi nào trả hết cho nhau bây giờ?

Mọi người: Trừ khi họ bỏ qua cho nhau, tu tập…

Thầy Trong Suốt: Nếu một ông mà không tha thứ hoàn toàn, nghĩa là nếu một ông chết, Diêm Vương hỏi: “Nhà ngươi muốn tái sinh làm gì?”. Nó nợ tôi rất nhiều tiền, nhưng, đấy! Tôi hoàn toàn bỏ qua. Không đòi đồng nào nữa. Nếu tái sinh thì tái sinh đi chỗ khác, đi vùng đất khác.

Tất nhiên là không đòi gì nữa, không có nghĩa là người kia sẽ không trả mình nữa. Không đòi nữa người kia vẫn trả mình, nhưng người kia sẽ trả theo kiểu tự nguyện, chứ không phải trả theo kiểu bị đòi. Ví dụ mình không đòi nữa thì người kia có thể nhân quả mà, người ta có thể lại tái sinh làm một người con của mình nhưng người con đến trả nợ, nên mình thấy rằng nó đối xử với mình cực kỳ tốt, làm vô cùng điều tốt cho mình, chăm sóc tử tế cẩn thận cho mình, đấy. Không phải không đòi nữa là mình không được trả đâu.

Nhân quả rất công bằng. Không đòi nhưng mà nhân quả vẫn vay trả như thế. Nhưng mình không đòi nữa thì không bao giờ có trạng thái đòi quá lên cả. Mình cho rồi mà, mình không lấy nữa mà nên người ta trả bao nhiêu thì lấy thôi chứ mình không có trạng thái là phải trả thêm nhiều hơn. Mình không trở thành người đi đòi nợ người khác, nghĩa là mình không thành là người đi phá cuộc sống người ta. Đấy, câu chuyện sẽ dừng lại, khi một trong hai người nói rằng: “Tôi sẽ không đòi nữa”, người kia cứ thế mà trả, nhưng mà trả xong rồi thôi. Còn mình không đòi nữa thì mình không gây thêm nhân xấu mới nữa.

Thế nhưng mà khó, khi mà người ta nợ mình và mình bỏ qua hoàn toàn ấy, bỏ qua hoàn toàn nhé, bỏ qua gần hết hoàn toàn cũng không được, tôi chỉ đòi một tí thôi – ví dụ thế. Ai dè đến đời đấy không đòi một tí nữa, đấy! Lúc đấy còn nhớ bao nhiêu là một tí đâu. Thành ra là khi nào mình có trạng thái là mình bỏ qua hoàn toàn cho người kia. Đấy, ở đây có ai có vợ chồng mà muốn biết đời sau có gặp lại nữa không thì kiểm tra xem mình có muốn đòi ông cái gì nữa không, hoặc đòi bà cái gì nữa không? Nếu mình còn cái đấy, thì đời sau kiểu gì cũng còn gặp lại để đòi nhau.

Nếu như còn hận thù người ta, thì đời sau mình còn đến đòi, chắc chắn, dù mình bảo là tôi hận thù mà tôi không đòi đâu, không thể có chuyện đấy được, đã hận thù là sẽ đi đòi. Mình có hận thù người ta thì khi chết rồi, tự nhiên nhân quả dẫn mình đến cảnh đòi được mình sẽ đòi người ta. Muốn biết có gặp được người nào nữa không, gặp theo nghĩa xấu ấy, chứ gặp theo nghĩa tốt thì không nói làm gì. Ví dụ người ta đến trả mình thì không nói làm gì, mình kiểm tra xem mình còn hận thù gì người ta không, nếu còn hận thù người ta thì chắc chắn, đâu đấy trong một đời nào đấy, mình sẽ tìm đến người ta để đòi phần hận thù của mình.

Hay là nhà Phật có câu: Oan oan tương báo, khi nào mới hết ấy. Vì khi mình đòi người ta mình có đòi đủ số đâu, mình sẽ đòi nhiều hơn và người ta hận thù mình ngược lại. Người ta sẽ đòi mình trong những kiếp sau. Thế nên có nhiều người là vợ chồng với nhau rất nhiều kiếp chứ không phải một kiếp. Nếu mà chưa giải quyết xong thì lại là vợ chồng kiếp tiếp theo. Có những người cũng thế, mẹ con với nhau rất nhiều kiếp, chưa giải quyết xong thì lại kiếp nữa, kiếp nữa, kiếp nữa. Cho đến khi nào, ông Tư, ông Tám đến đây ngồi, đúng không, nghe Thầy giảng, thôi, tôi tuyên bố xóa nợ cho tất cả những người đã từng nợ tôi, họ trả thì trả, không trả thì thôi, tôi hoàn toàn thoải mái với chuyện đấy; không đi đòi bất kỳ ai nữa và tôi không hận thù họ một tí nào nữa. Đấy là ngày cái sự sự vay vay, trả trả đó bắt đầu tạm dừng, dừng lại hoặc là chậm lại, ít nhất là chậm lại.

Ví dụ như này, con sán đúng không, nó làm cho mình đau đúng không? Mình không giết nó theo kiểu hận thù nữa, mình nói thế này: Tạm thời khi tôi chưa đủ khả năng thì tôi phải giết bạn, nhưng mà nếu sau này tôi đủ khả năng, tôi sẽ cứu bạn, đấy mình có thể nói như vậy. Tôi thề rằng, khi tôi đủ khả năng, tôi tu hành thành tựu đấy, tôi quay lại cứu bạn. Đấy, cách đấy tốt.

Ví dụ như ngày xưa Đức Phật chẳng hạn, cũng là chuyện của Đức Phật: Khi Đức Phật ngồi giảng pháp thì xung quanh Đức Phật có 500 vị A La hán – những người tu hành giác ngộ, mới hỏi Đức Phật là: “Thưa đức Phật, giữa con và ngài có duyên gì?”, thì Phật bảo ai gặp nhau là phải có duyên với nhau mà, thế, Phật bảo: “Câu chuyện không vui lắm đâu”. Mọi người bảo: “Thầy cứ kể đi, chúng con nghe”.

Phật nói là “Lâu lắm rồi, từ rất rất xa xưa, một kiếp ta là người thợ săn, và để sinh tồn ta phải vào rừng bắn các con muông thú đi bán, thế nhưng mà có một ông sư dạy ta, ông sư nói với ta rằng, nếu con chỉ làm như vậy thôi thì chắc chắn con sẽ bị những con thú này trả thù và chết một cách tức tưởi. Thì ta mới hỏi ông sư là “Nên làm thế nào ạ, thưa Thầy?”.

Thì ông sư có nói với ta là bây giờ khi con vào rừng con hãy cầu nguyện là “Bất kỳ con thú nào ta bắn chết để mưu sinh, thì sau này ta sẽ cứu nó đến giác ngộ”. Con cầu nguyện như vậy. Thì quả nhiên đời Đức Phật giết 500 con thú, thì bây giờ 500 con thú đấy biến thành học trò Đức Phật hết, và Đức Phật cứu tất cả 500 con thú đấy giác ngộ hết, 500 người đấy. Đấy là một cách mình có thể tập, khi đi hại ai đấy, mình có ý muốn (mình biết là mình chưa làm được) là mình sẽ giúp họ, cứu họ trong một đời nào đấy, thì tốt hơn nhiều. Đấy là câu chuyện ông Tư ông Tám.

Nên nếu ở đây có ai đang bị người khác làm một điều xấu, thì nhớ chuyện ông Tư, ông Tám. Chắc chắn mình đã từng làm điều xấu với họ, không đời này thì đời trước và thứ hai là mình cứ cố đòi, thì thường mình sẽ đòi quá. Mình còn căm tức họ thì mình sẽ đòi quá và mình sẽ lại bị cái vòng luẩn quẩn đấy, đời sau người ta lại đến đòi lại mình.

Nên là người ta nói là: Oán thù chỉ nên gỡ, không nên buộc; gỡ hết ra thì tốt hơn. Nếu mà giỏi hơn nữa, mình nên tập khả năng buông xả, ngay khi người khác vừa gây ra lỗi với mình thay vì mình đợi đến cuối đời mình kiểm kê tên từng người một. Nhớ nhớ quên quên đúng không. Không buông được hết, thì mình tập khả năng là người ta vừa gây một cái mình buông xả ngay. Khó hơn, nhưng mà nếu làm được điều đấy thì tốt hơn nhiều.

Muốn làm được điều đấy thì không khó lắm. Hiểu nhân quả thì sẽ làm được. Nhân quả là một điều rất kỳ diệu nếu hiểu đúng về nó thì cuộc sống mình sẽ thoải mái hơn nhiều. Mình có thể bỏ qua tất cả những oán thù cũ, tối thiểu là thế, những người mà đã gây cho mình nhầm lẫn, sai lầm và đau khổ ngày xưa đấy, mình đều làm được, làm được tất.

4. Di căn hoán số có thay đổi được nhân quả?

Một bác: Tôi muốn hỏi Thầy là nếu nói về nhân quả như thế tại sao có những người có những cuộc người ta làm lễ để di căn, hoán số… thì có được không ạ?

Thầy Trong Suốt: Không thể làm được, nhân quả không thể tránh, như Đức Phật còn không tránh được.

Một lần Đức Phật đi trên núi, bị vấp vào một hòn đá và chảy máu chân. Học trò mới hỏi Phật là: “Thưa Đức Phật, Ngài nói là bất kỳ việc xấu nào chúng ta đã gặp, vì ngày xưa chúng ta làm điều xấu, con nghĩ là Đức Phật làm vô số điều tốt làm sao còn chảy máu chân?”

Phật bảo: “Ông đừng nghĩ như vậy, bởi vì ta cũng đã từng làm những điều xấu trong các đời trước. Trong một đời nọ, trên một con thuyền, có 500 thương nhân và một ông thuyền trưởng. Hồi đó ta đã là người tu hành rồi. Và ta biết rằng nếu 500 thương nhân này mà sống bình thường thì sẽ tu hành được, nhưng khi ta là thủy thủ trên con thuyền đấy, thì ta biết là ông thuyền trưởng lập mưu hãm hại 500 người kia bằng cách cho chìm con tàu. Lúc đấy quá cấp bách, mặc dù ta biết là giết người là không nên, nhưng mà quá cấp bách nên ta cầm con dao và đâm chết thuyền trưởng, và cứu được 500 người kia. Thế nhưng mà hậu quả của nó là gì? Nghiệp tốt là ta cứu 500 người đúng không, nên ta tu hành rút ngắn được 500 kiếp, đáng ra 500 kiếp ta mới giác ngộ thì ta rút ngắn 500 kiếp. Nhưng nghiệp xấu của nó là ta giết ông kia mất, nên dù ta làm vô số việc tốt thì ngày hôm nay ta vẫn bị chính ông thuyền trưởng kia ông ấy vô tình thôi, ông đi trên đường và vô tình thôi ông ấy làm rơi một hòn đá từ trên xe ông ấy xuống, đúng chỗ này và chân ta đi qua vấp phải. Không tránh được”.

Học trò nói: “À! hóa ra Đức Phật cũng đã làm những điều như vậy”. Thế nhưng họ vẫn nghĩ Đức Phật làm điều đấy vì bất đắc dĩ. Đúng không? Đức Phật bảo là: “Không, nhiều lúc ta không làm điều đó vì bất đắc dĩ đâu”.

Một câu chuyện khác: Đúng cái chuyện mà khi 80.000 người bộ tộc Sakya chết, thì hôm đấy Đức Phật có một trận đau đầu rất lớn. Thế là mọi người lại hỏi Đức Phật “Tại sao Đức Phật tự nhiên lại đau đầu?”

Phật bảo: “Đây là một câu chuyện liên quan nhân quả. Cũng là một thời trước, khi ta là thành viên của bộ lạc. Bộ lạc này mới đi bắt cá, thì mọi người bắt được rất nhiều cá. Khi bắt được rất nhiều cá thì hai con cá to nhất được mọi người đem lên xiên và nướng ăn.

Và hai con cá nghĩ thế này này: “Những người này thật là dã man, chúng ta đang bơi dưới nước, không làm gì họ mà họ đem ta lên bờ và giết chúng ta nên chắc chắn chúng ta sẽ trả thù”. Thì hai con cá đấy sau này tái sinh chính là hai vị tướng quân của đất nước mà xâm lược nước của Đức Phật.

Còn lúc đấy, Đức Phật là ai? Lúc đấy Đức Phật là một đứa bé, và vô tình thôi, nó không hiểu biết, nó thấy quay cá rất hay, nó đến nó cầm con cá quay quay, quay, quay trên lửa. Và kết quả là tuy Đức Phật làm vô số điều tốt – khi mình làm điều tốt thì đó là một bức tường tránh những nghiệp xấu nở ra, hoặc nghiệp xấu nở ra nhưng nó yếu đi, nên là ngày hôm đấy Ngài vẫn đau đầu là vì thế. Đấy là trả cho cái nhân ngày xưa đã từng quay hai con cá trên lửa. Thì nhân quả như thế nó cứ lòng vòng, lòng vòng như vậy. Vì thế, nên muốn chữa bệnh phải chữa từ gốc.

Ví dụ, giống như thế này: Mình hại một người, mình mắng chửi một người, ngày hôm sau người ta định hại mình thì mình đến xin lỗi người ta, đỡ hơn đúng không? Họ đỡ hại mình ngay. Đấy! Nên là nhà Phật thì muốn chữa bệnh thì chữa sâu nhất là phải chữa từ gốc của nó. Ví dụ ngày xưa mình đã hại người ta thì bây giờ mình làm điều tốt cho người ta, giảm bớt cái thiệt hại của ngày xưa đi, thì mình chữa được bệnh một cách sâu sắc hơn.

Lễ cúng di căn, hoán số là những lễ thường để cầu các vị thần linh, v…v thế nhưng họ không hiểu thần linh cũng chỉ là những người mà nhân quả xấu đến họ cũng không thoát ra được. Thần linh, ông thần trên trời khác mình ở chỗ là hiện nay họ đang hưởng cái quả của những nghiệp tốt trong quá khứ nhiều hơn mình, thế thôi. Chứ họ cũng là những người gây nhân quả và chịu hậu quả của nó, không thoát được.

Đấy là lý do là trong đời Đức Phật, tất cả các vị thần, chúa các cõi trời đều đến xin học Phật Pháp vì thế, vì họ không thoát được cái đau khổ đấy. Thần linh không thoát được nên di căn hoán số không phải là hoàn toàn vô ích, vì đôi khi mình cầu một vị thần nào đấy làm điều tốt cho mình nhưng việc cầu đấy mình có gây được một cái nhân tốt nào đâu. Cái cầu đấy mình chẳng gây nhân tốt nào cả, đúng không? Mình chỉ cầu thôi mà – nên kết quả rất là hạn chế. Đấy!

Nếu mình muốn thực sự giải quyết thì mình phải gieo nhân tốt. Những nhân tốt sẽ biến thành bức tường nghiệp tốt còn những nghiệp xấu giống như là những con sóng đánh đến bức tường đấy. Nhân tốt càng nhiều thì càng chặn được nhiều sóng và mình sẽ cảm thấy bình thường, đỡ bị đau đớn, đỡ bị chịu hậu quả. Nên là liên tục gieo nhân tốt và hạn chế gieo nhân xấu.

Nhân quả nó còn có một điều nữa là không phải 1 − 1. Nghĩa là gì, nghĩa là không phải cứ gieo một nhân xấu nhỏ là nhận quả xấu nhỏ. Đôi khi mình gieo một trăm cái nhân xấu nhỏ, thì mình nhận một quả xấu rất to. Giống như giọt nước tràn ly ấy. Mình cứ đổ từng giọt nước một vào một cái ly thì một ngày nào đó sẽ tràn ra. Cũng thế nếu mình gieo những nghiệp xấu thì một vài nghiệp nhỏ nhỏ hàng ngày thôi nhưng sẽ có một quả rất to sẽ mò đến mình. Đấy là trong cuộc sống mình nên tránh gieo tất cả những nhân xấu nhưng đồng thời lại phải tập cách để chấp nhận những quả xấu. Vì quả xấu đến là do tất cả những nhân xấu mình đã từng tạo. Nên nếu mình không chấp nhận được và mình trở nên hận thù thì mình lại tiếp tục tạo điều kiện để gieo nhân xấu mới.

Nên tránh gieo tất cả các nghiệp xấu nhưng đồng thời cũng tránh tất cả các hận thù khi mà quả xấu nó nở đến với mình, khi ai đấy hãm hại mình, khi điều gì đấy khó chịu. Ví dụ: Khi kiến đốt một cái, đừng hận thù con kiến nữa thì thả đi ngay. Lúc đấy nhiều khi mình giết nó vì mình rất tức, vì mình đang ngồi bình thường mà, tự nhiên nó đến nó đốt một cái, mình không làm gì nó mà nó lại làm gì mình. Cơn tức giận đấy làm cho mình thiếu suy nghĩ, mình giết ngay lập tức mà không cần nghĩ rằng là thật là không công bằng, vì nó không làm gì tôi, không hại sinh mạng của tôi mà tôi lại hại sinh mạng của nó.

5. Đầu tiên hiểu nhân quả sau đó tin nhân quả. Tu tập bắt đầu từ đấy!

Nếu ai hỏi tu tập là gì? Thì bắt đầu từ việc là hiểu nhân quả sau đó tin hoàn toàn, tin càng nhiều càng tốt. Khi tin hoàn toàn vào nhân quả thì đấy là điều cơ bản của việc tu tập. Và nó sẽ biểu hiện trong đời sống của mình là mình bớt giận dữ hơn, bớt thù hằn hơn.

Bớt thù hằn, bớt giận dữ là một dấu hiệu của việc mình đã hiểu nhân quả hơn. Còn đang thù hằn, đang giận dữ thì nghĩa là dấu hiệu của việc mình chưa thực sự hiểu nhân quả. Mà thù hằn thì kiểu gì mình cũng sẽ trả thù thôi, không sớm thì muộn không đời này thì đời sau.

Xuân Hưng: Cho con hỏi ví dụ như là, là con kiến nó đang ăn bánh mỳ của mình, mình giật bánh mỳ ra thì sau này thành nhân quả người khác sẽ người cướp miếng ăn của mình ạ?

Thầy Trong Suốt: À có thể! Đời nào đó mình đang bò trên một núi thức ăn, tự nhiên có một cơn gió thổi một cái mình bay đi chỗ khác. Còn hơn là mình giết nó đúng không? Có thể đấy, có thể. Nên là gần đây có một ông nhạc sỹ nào đấy ông ý nói đấy. Cho ăn đấy…

Một bạn: Nhạc sỹ Trần Tiến ạ.

Thầy Trong Suốt: Ờ đấy cho ăn đấy, xong như thế nào nhở? Ông ý nói gì nhở?

Minh Hiền: Ông ấy bảo là kiến ơi lần này mày ăn đi lần sau mày đừng ăn nữa! Đấy thế là nó ăn lần đấy rồi dần dần…

Thầy Trong Suốt: Đấy cách thông minh hơn đấy, ông ý thông minh hơn đấy. Tức là ông ấy nghe giảng về nhân quả rồi nên ông ấy để cho con kiến nó ăn vì nó có hại gì mình đâu. Đúng không? Nó có hại đến mức kinh khủng đâu. Mình có mất miếng ăn vì nó đâu? Sức nó ăn được bao nhiêu. Đúng không? Đúng chưa? Mình cứ làm như nó sắp cướp miếng ăn của mình đến nơi rồi ấy.

Cuộc sống này mình đau khổ vì mình đã từng hại, mình đã làm cho người khác đau khổ, đơn giản thế thôi! Mình đau khổ vì mình đã từng làm người khác đau khổ, mình hạnh phúc vì mình đã từng làm cho người khác hạnh phúc. Chuyện đấy nó rất đơn giản như thế. Nên là người thông minh thì sẽ tránh, không làm cho bất kỳ ai đau khổ và cố gắng làm cho rất nhiều người hạnh phúc.

Một bạn: Rốt cuộc là mình phải sống cho tử tế!

Thầy Trong Suốt: Mình hãy sống tử tế, đừng hại người, làm tất cả các điều tốt, đấy. Tránh làm tất cả các điều xấu, đấy là căn bản đầu tiên đã. Còn căn bản thứ 2 là phải trở nên hiểu biết, vì không hiểu biết thì không thể biết đâu là điều xấu, đâu là điều tốt để mà làm. Nên là nhà Phật có nói là:

“Chư ác mạc tác

Chư Thiện phụng hành

Điều Phục Thân Tâm

Là lời phật dạy”

“Làm tất cả những điều tốt

Tránh tất cả những điều xấu

Trở nên trí tuệ hơn, hiểu biết hơn

Đấy là con đường tu hành.”

Thì ở đây cũng sẽ có những người buổi đầu tiên đến đây thì chưa hình dung ra được con đường tu hành lắm đúng không ạ? Nhưng ở đây cũng có những người không phải buổi đầu tiên mà là buổi thứ 20 chẳng hạn. Có ai 20 buổi không? Hay 10, 20 gì đấy?

Đấy! Có những người lâu hơn nữa thì chắc chắn là nếu đến được càng nhiều buổi thì cuộc đời họ sẽ thay đổi rồi, nếu không thay đổi chắc chẳng đến đây làm gì nữa. Đấy! Cuộc đời sẽ thay đổi nếu mình thay đổi cách nghĩ.

Vậy ai có gì cần hỏi thì hỏi thôi, buổi hôm nay như vậy nói về sức khỏe cuối cùng thành nhân quả, đúng chưa?

6. Làm thế nào để sức khỏe tốt lên – 4 cách chữa bệnh

Xuân Hưng: Vậy thì làm thế nào để khắc phục được sức khỏe?

Thầy Trong Suốt: À để sức khỏe tốt lên đúng không? Đấy 3 − 4 cách chữa đấy.

Đầu tiên là mình chữa bằng Tây Y, đau đâu chữa đấy. Đúng không? Uống thuốc bổ, uống các loại thuốc đấy. Không phải mình loại trừ cách chữa. Mình chỉ chữa trong hiểu biết.

Thứ hai là Đông y, ví dụ mình có thể tập luyện các phương pháp để mình cân bằng về tinh thần và hệ thống khí. Tập thể dục.

Thứ ba là cầu cúng, nhưng cầu cúng một cách khôn ngoan. Cầu cúng không khôn ngoan là cầu đảo số gì gì đấy thì không được. Nhưng cầu cúng khôn ngoan là gì?

Cầu cúng khôn ngoan là mình đến trước bàn thờ Phật và nói với Phật như thế này: “Con sẽ đi theo lời Phật dạy. Phật hãy giúp con có một thân thể khỏe mạnh, vì không có sức khỏe thì rất khó theo lời Phật. Nhưng con hứa là: Nếu thân thể này khỏe mạnh lên con sẽ tìm cách tu hành, và sau này khi nào con có khả năng con sẽ cứu mọi người.”

Đấy là cầu cúng một cách khôn ngoan, là cầu nguyện đấy.

Chứ nhà Phật không cấm mọi người cầu nguyện đâu. Nhà Phật không cấm mọi người cầu nguyện để có sức khỏe, không phải cấm cái đấy. Nhưng khuyên mọi người là không nên chỉ nghĩ cho riêng mình.

Nếu mình cầu sức khỏe thì nên nghĩ rằng sức khỏe này ích lợi cho người khác như thế nào. Đấy gọi là cầu cúng một cách khôn ngoan.

Trong nhà Phật cũng có những nghi lễ cúng v..v.. không phải không có đâu. Nhưng đấy là cúng khôn ngoan vừa lợi mình vừa lợi người chứ không phải chỉ lợi mình mà hại người. Nên là cầu nguyện cũng rất tốt. Không phải cầu nguyện là vô nghĩa đâu. Nhưng cầu nguyện một cách thông minh.

Đấy, cầu cho con có một thân thể khỏe mạnh, một tinh thần sáng suốt để con học được Phật pháp và con cứu được những người khác, giúp được người khác thoát khỏi đau khổ. Thì đấy là cầu nguyện thông minh.

Còn chỉ cầu di căn đổi số thôi, đầu mình chẳng nghĩ đến ai ngoài mình đúng không? Đồng thời mình cũng chẳng gây nghiệp tốt gì cả nên rất khó, ít khi hiệu quả lắm!

Thứ 4 nữa là mình chữa bệnh bằng cách gieo nghiệp tốt. Vì mình hiểu một cách sâu sắc là khi nghiệp xấu xảy ra thì mình mới bị ốm thế này, mình phải xây bức tường nghiệp tốt thật cao để những cơn sóng nghiệp xấu đến, nó bị chắn bớt. Phóng sinh là một nghiệp tốt. Thay vì mình giết thì hôm nay mình giải cứu hàng trăm ngàn con vật, rất tốt. Một cách tốt nữa là mình mong, cầu, hồi hướng công đức hoặc là mong điều tốt cho mọi người. Làm điều tốt cho mọi người nữa thì càng tốt. Đấy là gieo những nhân tốt, để tránh những cái quả xấu. Còn tốt hơn nữa là mình gieo những nhân vô cùng tốt. Nhân phóng sinh là nhân tốt đấy. Nhân vô cùng tốt là nhân giúp mình và giúp người khác giác ngộ. Tại sao lại gọi nó là vô cùng tốt? Ví dụ mình ra ngoài đường thấy người ăn xin đúng không? Mình đem hết tài sản mình cho người ta. Liệu người ta có thoát khổ được không?

Mọi người: Không ạ!

Thầy Trong Suốt: Cho hết tài sản cơ mà?

Xuân Hưng: Không ạ, mai họ lại đánh đề hết.

Thầy Trong Suốt: (Cười) Đúng! Chính xác tưởng là tốt lại không tốt đúng không? Nhưng mà đôi khi cái tiền tự nhiên mà có được ấy chẳng ai quý cả, đem đốt một cái hết ngay.

Rồi, như vậy bây giờ một người đang nằm ốm bên đường mình đem họ vào bệnh viện chữa bệnh, họ khỏi bệnh, họ hết khổ được không? Họ khỏi hẳn bệnh?

Mọi người: Không ạ!

Thầy Trong Suốt: Khỏi hẳn bệnh cơ mà? Họ lại yêu đương đau khổ đúng không ạ? Họ lại đề, cờ bạc đau khổ, không thoát khổ được. Nhưng nhân vô cùng tốt là gì? Là mình đưa cho họ một cách để họ thoát khổ thực sự. Nhân tốt nhất là như vậy! Giống như người ta hay nói là là đưa cần câu đừng đưa con cá đấy!

Cách tốt nhất thoát khổ thực sự và duy nhất là tu tập.

Nhân vô cùng tốt là nhân mình dẫn, giúp mọi người đến một con đường tu tập đúng đắn vô cùng tốt. Cái nhân đấy có thể giúp người ta thoát khổ ngay trong cuộc đời đấy và vài đời sau, một số đời sau. Thay vì họ chịu khổ mãi mãi. Nên là nếu tốt nữa thì chúng ta giúp chính mình tu hành cho tốt, đồng thời là giúp những người khác để đến với con đường tu hành tốt. Đấy là nhân vô cùng tốt. Đấy, chữa bệnh bằng cách đấy!

Nhân siêu tốt: Vô cùng tốt đã tuyệt vời rồi nhưng có loại siêu tốt. Siêu tốt, thật ra rất đơn giản. Siêu tốt là gì? Siêu tốt là mình không nhìn bệnh tật như kẻ thù nữa.

Mình đổi cái nhìn. Đơn giản, rất đơn giản, mình có cái nhìn không còn coi bệnh tật như một kẻ thù nữa. Mình coi bệnh tật như là những người bạn dẫn mình đến với giác ngộ.

Cái nhân đấy tốt hơn là cái nhân chỉ đơn thuần là mình tu hành thông thường. Khi nào mình còn coi bệnh tật là kẻ thù ấy, thì lúc đấy chứng tỏ là mình cũng chưa có trí tuệ. Sự thật là gì? Bệnh tật là những người bạn dắt mình đến tu hành giác ngộ. Nên thông minh nhất là khi đau. Ví dụ: Đau bụng một cái, tôi xin cảm ơn cơn đau bụng này. Đấy, thông minh nhất đấy! Tôi xin cảm ơn cơn đau bụng này vì nó làm tôi hiểu hơn về sự thật. Dắt tôi gần hơn đến với tu hành. Những ai làm được như vậy thì cực kỳ tốt.

Xuân Hưng: Đau vừa vừa thì cảm ơn, nhưng đau quá thì…

Thầy Trong Suốt: Thế mới khó. Cách này rất khó vì khi mình đau sao mình cảm ơn được? Khi một người đến hại mình lừa tiền của mình, cảm ơn vì anh đã lừa tôi. Khó quá đúng không? Vì thế nên bảo siêu tốt là vì thế mà. Cảm ơn vì đã lừa tôi thì quá khó.

Một bạn: Cho con hỏi tại sao lại cảm ơn?

Thầy Trong Suốt: Tại sao lại cảm ơn? Thứ nhất khi người ta đến lừa tiền mình, người ta đã giúp mình trả bớt nghiệp xấu. Đúng chưa? Thứ nhất đúng không?

Thứ hai họ nhắc nhở mình rằng là cuộc đời này rất nhiều đau khổ, không tu hành thì không thoát được đâu. Đúng chưa?

Hai cái đấy quá tốt đúng chưa? Quá tốt chứ? Đúng không?

Mình cảm ơn là điều tốt nhất, đau mà lại cảm ơn được. Đấy! Hay bị lừa mà cảm ơn được. Thì nhanh lắm, tiến bộ rất nhanh.

Xuân Hưng: Cảm ơn vì mình đã hết đau cơ.

Thầy Trong Suốt: Cảm ơn vì hết đau thì cảm ơn đấy chưa phải là cảm ơn chuẩn.

Xuân Hưng: Thậm chí lại còn xin nữa cơ ạ!

Thầy Trong Suốt: Xin thì lại càng khó.

Minh Trưởng: Sám hối được không anh?

Thầy Trong Suốt: Được, sám hối được. Sám hối là hối hận cũng tốt.

Một cách nữa là hối hận, mình nói những lời hối hận, quyết tâm không mắc lại một lần nữa những sai lầm của mình. Sám hối cũng là một cách để tiêu trừ nghiệp xấu.

Ở đây những ai thực hành thì tối đến nên sám hối 1 lần. Tất cả những nghiệp xấu chúng ta làm trong đời này và đời trước mình rất hối hận và mình quyết tâm không làm lại nữa. Sám hối là một cách hạn chế bớt nghiệp xấu. Tu hành. Những ai giỏi nhất là cảm ơn ngay lập tức. Khó đúng không? Cảm ơn luôn.

Khi mình cảm ơn một điều gì đấy mình sẽ thấy cái tốt của nó ngay khi mình cảm ơn. Mình không cám ơn thì mình thấy nó toàn xấu nó mờ mịt rồi, cuộc đời mình mờ mịt nhưng khi mình có thói quen cảm ơn rồi thì cuộc đời mình bắt đầu tươi sáng lên. Và mình biến cái đấy thành cơ hội để mình tiến bộ. Biến cái việc xấu đấy, từ đau ốm bệnh tật, lừa đảo, v.v… thành cơ hội tiến bộ. Còn nếu ai tiến bộ thực sự rồi ý thì sau này sẽ hiểu thế nào là cảm ơn thực sự. Vì rõ ràng giúp mình tiến bộ thật. Nếu không có những cái đau khổ ấy còn lâu mới gặp Trong Suốt. Đúng chưa? Đấy! Khó lắm. Khi vui vẻ gặp Trong Suốt làm gì? Sau này mình sẽ cảm ơn thực sự.

Mỹ Nhân xuống rồi, đúng không? Mỹ Nhân ngày xưa mấy lần bị lừa tình. Mấy anh toàn hứa là yêu rồi sẽ cưới em xong cuối cùng khoảng 4 tháng sau lại cưới cô khác. Lừa dối đấy.

Một bạn: Chắc là kiếp trước đã lừa người khác.

Thầy Trong Suốt: Ờ! Khả năng rất cao là kiếp trước mình đã lừa người khác. Chuẩn đấy. Chị học rất nhanh. Chuẩn luôn. Thế bây giờ cám ơn rồi. Cám ơn các anh đã lừa em. Vì sao? Không thì em không tu tập là cái chắc, đúng không?

Mỹ Nhân nói với cả anh là: “Nếu em gặp anh cách đây mấy năm thì không bao giờ em cưới anh. Cưới một người xấu như con bồ nông. Không bao giờ cả! Những anh em đã từng yêu đều rất cao to đẹp trai. Nhưng khi em đã bị đau khổ 3 − 4 lần rồi thì em mới thấy quý cái người mà có sự hiểu biết và làm cho mình bình an. Trước kia em chỉ quý những người mà nói lời hoa mỹ và tặng mình nhiều hoa thôi.” Đấy! Hoặc làm cho mình tự hào khi đi cạnh người ta thôi. Nên là nhiều khi phải cảm ơn thực sự.

Một bác: Nói chung là những người sau khi nghe xong buổi này thì những ai hay đi câu sẽ không đi câu nữa.

Thầy Trong Suốt: Ừ, đúng thế. Không nên đi câu nữa.

Một bác: Bỏ câu luôn.

Thầy Trong Suốt: Chắc chắn luôn! Nếu không thì khả năng rất cao là mình sẽ bị ung thư vòm họng, ung thư má. Thật đấy! Không nói đùa đâu!

Việt Ngộ: Anh ơi thế cầu mong khỏe mạnh có đồng nghĩa với việc ghét bỏ ốm đau không?

Thầy Trong Suốt: Cầu mong khỏe mạnh để giúp đỡ những người khác, giúp mình và mọi người tiến bộ. Cầu đấy là cầu thông minh.

Minh Hoa: Vậy con cảm ơn mình đã có sức khỏe để mình tu tập.

Thầy Trong Suốt: Càng tốt! Cảm ơn cả khi ốm. Còn cái khỏe thì mình cảm ơn rồi. Cái tốt thì mình cảm ơn rồi.

Đấy mọi người thử ngồi nhớ lại quá khứ xem mình có cảm ơn được ai thêm không? Chị Hằng cảm ơn được chưa? Chưa à? Cảm ơn những người đã từng gây hại cho mình. Khó. Nhưng nếu hiểu đúng càng nên làm.

7. Cần hiểu đạo Phật sâu hơn cái vỏ “Làm lành, tránh ác”

Minh Trưởng: Anh ơi cho em hỏi. Nhiều khi em nghĩ mình may mắn khi biết đến Phật pháp nhưng nhiều khi mình sợ mất đi cái duyên với Phật pháp và không bao giờ có thể quay lại được. Đôi khi em có những nỗi sợ như thế.

Thầy Trong Suốt: Nỗi sợ tích cực, nếu em quyết định thì phải thực hành nhiều hơn, đi vào thực hành sâu hơn.

Minh Trưởng: Vậy là điều đấy tốt ạ?

Thầy Trong Suốt: Ừ! Nỗi sợ ấy giúp cho em, giống như em sợ bị ngã xuống đất chết ấy và em không bao giờ đi trên dây cách mặt đất 70m. Nỗi sợ đấy làm mình an toàn. Miễn là em hành động theo hướng đấy. Ví dụ em bảo em sợ, nhưng em sợ cả đời 70 tuổi em không tu hành gì, thì cái sợ đấy hoàn toàn vô ích.

Minh Trưởng: Nhưng thời gian này em có nhiều cái đấu tranh giữa cái thiện với cái ác ý, em cảm nhận những tư duy, tiếp xúc nhiều người, em cảm thấy tư duy đấy đang ngấm sâu trong mình ấy. Và em nghĩ là một ngày nào đó mình chẳng còn nghĩ đến Phật pháp là gì. Một ngày nào đó mình chẳng còn hành động theo những điều mà Phật dạy nữa, mà mình sẽ hành động theo những điều mà ngoài xã hội, những cái điều thực dụng kiểu theo tiêu cực ấy. Mình trở thành cái kiểu mà mình không còn nhớ điều mình phải làm. Đôi khi em nghĩ ra những điều mà mình nghĩ là mơ mộng quá ấy! Em tiếp xúc với nhiều người đôi khi chỉ vì tiền thôi, theo kiểu hành động thực dụng, có tiền họ làm. Em nghĩ là một ngày nào đó em sẽ không còn nghĩ đến người khác, không còn nghĩ đến điều Phật dạy nữa mà mình sẽ hành động theo kiểu đó.

Thầy Trong Suốt: Em yên tâm là nếu em làm như vậy em sẽ bị đau và đau là nhắc em quay lại. Đơn giản thôi mà. Lời nhắc tốt nhất để quay lại với Phật Pháp là bị đau đớn, đau về tinh thần và đau về thể chất. Đau chính là lời nhắc rằng chính là cái mình đang chọn chưa đúng. Nên nếu em có làm như vậy rồi thì cái đau đớn sẽ làm em quay lại, có thể 20 năm nữa em sẽ bảo “Trong Suốt ơi, em đã hiểu ra rồi”. Đấy, nếu làm trái những nguyên tắc đúng thì đau đớn như thế nào? Có thể là như vậy và đấy là không phải anh nói đùa đâu. Trong thực tế anh đã gặp rất nhiều người như vậy. Có những người gặp anh đến 4,5 năm rồi mới quay trở lại. Cách đây mấy năm có ai ngồi đây ý nhỉ? Thảo đấy! Phải mấy năm mới quay lại đúng không?

Minh Thảo: 5 năm ạ!

Thầy Trong Suốt: 5 năm sau mới quay lại, không vấn đề gì đâu. 5 năm sau quay lại nhưng mà “thưa Sư phụ, con đã hiểu rồi”. Đau khổ thế nào! Đau rồi!

Minh Trưởng: Em cứ nghĩ là một lúc nào đó mình sẽ đi quá đà và mình không thể nào quay lại được.

Thầy Trong Suốt: Cũng có thể. Nếu không đủ duyên thì cả đời này không quay lại được luôn.

Một bạn: Mình sẽ chìm trong địa ngục mãi mà mình rất khó để có thể nâng mình lên.

Thầy Trong Suốt: Có thể! Đấy là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Minh Trưởng: Em sợ mình không làm chủ được mình thôi.

Thầy Trong Suốt: Chỉ có sợ bằng hành động thôi. Ví dụ trong trường hợp của em là gì? Hành động gì? Em mới chỉ hiểu đạo Phật theo nghĩa là làm điều tốt tránh điều xấu.

Minh Trưởng: Vâng đúng rồi ạ!

Thầy Trong Suốt: Thì đấy gọi là hiểu nhưng không hiểu đúng về đạo Phật luôn. Đấy là cái vỏ của đạo Phật. Chưa hiểu được cái sâu bên trong.

Minh Trưởng: Đôi lúc em nghĩ là những điều mình làm có thể mình nghĩ là tốt nhưng nó lại không phải là tốt. Nhưng em thấy sợ vì điều đó.

Thầy Trong Suốt: Nhưng theo kiểu của em thì đời em toàn mâu thuẫn thôi.

Minh Trưởng: Vâng em toàn mâu thuẫn thôi .

Thầy Trong Suốt: Vì thế nên hành động tốt là gì? Là đi sâu và hiểu đạo Phật ở góc độ sâu sắc hơn, chứ không chỉ hiểu theo kiểu thiện ác ấy nữa. Rất nhiều người Việt Nam hiểu Đạo Phật là sống thiện. Đúng chưa? Cái đấy đúng, không sai nhưng mà nếu hiểu đạo Phật chỉ là sống thiện thì sai bét. Sống thiện là một phần căn bản của tất cả các tôn giáo. Nhưng sống thiện một cách hiểu biết, làm thế nào để sống trong hoàn cảnh loạn lạc, đầy cám dỗ nhầm lẫn mà vẫn thiện được thì nó đòi hỏi cực kỳ hiểu biết, chứ không phải hiểu biết thông thường đâu.

Anh kể cho ví dụ một câu chuyện, chắc là đã kể cho mọi người một số người rồi.

Trong nhà Phật có năm giới, trong đấy có một giới là không nói dối. Đúng chưa? Nhưng nếu em làm được giới đấy trong đời thì chắc là em cũng khó sống quá.

Minh Trưởng: Đúng rồi ạ, tại nhiều lúc em cảm thấy mình nói dối, mình thấy đầu óc mình nó cứ đơn giản đi và nó kém nhanh nhẹn. Thực ra mình cứ dựa vào những cái mình nghĩ mà mình nói ra ấy thì mất đi sự nhanh nhẹn, sự thông minh sự hoạt bát.

Thầy Trong Suốt: Sẽ rất mâu thuẫn. Vì cuộc đời này nó phức tạp lắm, không đơn giản không nói dối tức là không nói dối, nghĩa là cái gì cũng phải nói thật.

Một bác: Nói dối không hại người khác là được.

Thầy Trong Suốt: Đấy ví dụ như là trong Ấn Độ có một câu chuyện: Có một người đến gặp ông Gandhi (Gandhi là tổng thống Ấn Độ đầu tiên. Ấn Độ gọi là Đại thánh. Mahatma là đại thánh của Ấn Độ). Người ta hỏi ông là bây giờ có một chuyện như thế này, xin ngài cho ý kiến.

Ông này mới bảo: Thế ông nói đi.

Có câu chuyện là có một người theo một tôn giáo nào đấy và đã thề là không nói dối. Ông thầy ý ngồi dưới một gốc cây và có một tên ăn trộm chạy qua. Một đám người giận dữ đuổi ở phía sau. Tên ăn trộm trốn vào lùm cây sau lưng ông ấy.,Người ta đến hỏi ông là: “có thấy tên ăn trộm chạy qua đây không? Nó trốn ở đâu?”. Đấy! Ông ấy biết rằng nói ra thì thằng ăn trộm kiểu gì cũng bị giết.

Nó ăn trộm 1 cái quần, 1 cái áo thôi, nó sẽ bị giết. Nhưng nếu không nói ra điều đấy thì thành nói dối, đúng không?

Tôi không biết thằng ăn trộm nào hết thì thành nói dối và như vậy là trái với tôn giáo, với lời dạy của ông ấy. Như thế trong trường hợp ấy nói gì bây giờ? Nói thật thì thằng ăn trộm bị giết. Mình biết cứu được mà không cứu. Đúng chưa? Mà nói dối thì phạm phải luật nói dối của tôn giáo ông ấy theo. Theo mọi người nên làm gì bây giờ?

Một bác: Không biết.

Thầy Trong Suốt: Không biết là nói dối mất rồi, thế không xong rồi. Đấy!

Một bạn: Im lặng.

Thầy Trong Suốt: Im lặng thì người ta sẽ thấy nghi ngờ và tìm ngay ra thằng ăn trộm sau lưng.

Ông Gandhi mới trả lời như này, nếu là tôi là ông thầy đấy tôi sẽ chỉ thằng ăn trộm này nhưng tôi sẽ van xin đoàn người kia là đừng giết nó, hãy giết tôi đi, tôi chết thay thằng kia, đừng giết thằng kia, đổi mạng tôi lấy mạng thằng kia.

Thì tất cả đất nước Ấn Độ viết thành một bài báo và khen ông ấy hết lời. Ông ấy là bậc đại thánh, không bao giờ sai cả, làm gì cũng đúng. Đã không phạm giới lại còn có thể cứu thằng ăn trộm.

Thế thì có ông thiền sư mới đọc bài báo đấy, học trò đang ngồi xung quanh. Ông bảo “Cái gã Gandhi này thật là vớ vẩn!”, vứt tờ báo xuống đất. Mọi người bất ngờ lắm, bực bội lắm vì ông Gandhi này là tổng thống Ấn Độ mà, coi là đại thánh. Thầy của mình, một ông thiền sư quèn, mặc quần đùi áo may ô, đấy, mà lại dám nói câu đấy, rằng gã Gandhi này chẳng ra gì. Thế mới hỏi ông Thầy này là: “Tại sao Thầy lại hành xử như vậy?” Thì ông Thầy bảo là “nếu là ta ta sẽ không hành xử như Gandhi”. Đấy, thế thì mọi người mới hỏi ông hành xử như thế nào?

Thầy bảo là: “Gã Gandhi này tuy là tử tế đúng rồi nhưng mà quá nhiều nguyên tắc. Nào là phải giữ không nói dối này, nào là phải cứu được người này, nào là phải hy sinh cho người khác. Quá nhiều nguyên tắc. Ta không cần, ta không cần những nguyên tắc đấy. Ta đơn giản, hoàn cảnh thế nào thì hành xử như thế. Hoàn cảnh cần việc gì thì ta làm việc đấy, thế thôi! Tùy hoàn cảnh”. Thế thì học trò mới bảo “Thế thì Thầy khác gì cái thằng thiếu hiểu biết? Muốn gì làm nấy mà”.

Thầy bảo: “Không. Tuy là hoàn cảnh cần việc gì làm việc đấy nhưng ta luôn làm trong sự tỉnh táo và hiểu biết.”

Thế học trò, một số người vẫn công kích ông Thầy này, nói là Thầy chỉ nói được là giỏi thôi, lúc xảy ra thì Thầy làm thế nào? Đấy, nào là tôi sẽ rất hiểu biết, tôi sẽ v.v…

Minh Trưởng: Nói thế khó lắm ạ.

Thầy Trong Suốt: Khó, đúng không? Nếu Thầy thực sự giỏi, nghĩ rằng mình có câu trả lời thì Thầy cứ nói một câu trả lời xem nào, xem có hơn gã Gandhi hay không? Thầy mới bảo: “Ví dụ như thế này, có thể rất dễ: Đoàn người chạy qua và hỏi: “Ông có biết thằng ăn trộm đâu không?” Đúng không? Ta sẽ rũ áo đứng lên và nói: “Từ lúc tôi đứng ở đây, tôi chẳng thấy thằng ăn trộm nào chạy qua cả”. Thế thôi! Có được không?

Một bạn: Dạ được ạ.

Thầy Trong Suốt: Được. Đúng không? Từ lúc ta đứng ở đây, rất chuẩn luôn đúng không? Chẳng thấy thằng ăn trộm nào chạy qua cả. Quá đúng luôn, đúng với chân lý luôn. Đấy! Đấy là một ví dụ. Tôi đứng ở đây mà, thì tức là đoàn người sẽ chạy qua ngay. Ông ấy trả lời rất từ tốn. Đấy cũng là một cách.

Nhưng cách thứ 2 ta có thể nhìn mặt đoàn người này ta biết là đoàn người này đánh thằng ăn trộm cũng chỉ đánh đau một trận thôi cho nó chừa đi cũng tốt. Ta sẽ nói “Sau lưng ta là thằng ăn trộm đấy”. Thế thôi! Vì đơn giản là ta biết được bộ mặt của những cái người này sẽ không điên lên để giết thằng ăn trộm, tại sao ta lại không chỉ thằng ăn trộm để đánh nó, cho nó một bài học, tại sao ta phải giấu làm gì?

Đấy, nên là có rất nhiều cách để nói chứ không phải chỉ đúng theo một nguyên tắc như vậy. Đấy nếu như hiểu đạo Phật một cách sâu sắc thì ta sẽ hành xử như ông Thiền sư như đấy. Còn nếu hiểu như em bây giờ, chỉ là hiểu cái vỏ ấy thì cuộc đời em toàn mâu thuẫn. Khi em làm em không biết là thiện hay là ác, không biết được luôn, đúng không?

Minh Trưởng: Vâng!

Thầy Trong Suốt: Mà như vậy thì rất khó sống. Cái mà anh dạy cho mọi người không phải là cái phần cứng nhắc của đạo Phật, không phải cái phần thiện ác rõ ràng như vậy. Anh dạy mọi người một cách sống sáng suốt. Còn mọi người tự đi mà hành xử trong cuộc đời mình. Đấy, đấy là cái khác giữa phần cốt lõi đạo Phật với phần vỏ đạo Phật.

Minh Trưởng: Nhưng nếu trong một tình huống mà mình chỉ nghĩ đúng theo một điều đó và làm theo đó một cách tốt nhất. Thì thực ra em cũng rất muốn phát triển ra, mình tìm ra một cái gì đó hay hơn thế nhưng mà…

Thầy Trong Suốt: Tóm lại em đã đến đây rất nhiều lần chứ không phải buổi đầu tiên, mà em vẫn chưa đi vào thực hành bất cứ điều gì cả. Anh không thể trả lời câu hỏi nào hết, vì cái cách hiểu hành động của em. Em không thực hành gì hết thì đừng hy vọng có câu trả lời. Em ngồi đoán mò, tưởng tượng về đạo Phật. Em phải đến với đạo Phật, thực hành đạo Phật thì mới hiểu đúng về nó, thì mới có cái như anh vừa nói xong đó là phần chân lý của Đạo Phật. Còn không em sẽ suốt ngày hỏi anh những câu như vừa xong và em không có câu trả lời gì khi ra về. Rồi hôm sau lại hỏi “Anh ơi…”, đấy, lặp lại câu hỏi cũ, không bao giờ đến đâu hết. Không thể đến đâu được, nếu cách em tiếp cận đạo Phật như bây giờ. Giữ chặt phần vỏ còn đẩy phần lõi đi. Giống như ăn quả chuối ấy, mình chỉ thích ngồi bóc vỏ thôi. Thích ngồi sờ vào vỏ, bóc vỏ thôi còn không bao giờ biết thực sự chuối nó ngon như thế nào cả. Không bao giờ em làm được cái gì!

Ở đây tất nhiên mọi người mới đến thì anh cũng không hy vọng hay yêu cầu mọi người phải hiểu phần lõi của đạo Phật, nhưng mà anh nói rằng cái phần mà mọi người hướng đến nên là cái phần lõi. Đấy mới thực sự làm cho mình sống hạnh phúc được, hiểu biết hạnh phúc được. Còn mình cứ quay quanh phần vỏ ấy, thì cả đời mình chỉ có cái vỏ thôi. Và đầy mâu thuẫn ngay. Không biết nên làm cái này hay không nên làm cái này. Đấy uống thuốc thì giết chết con vật, con giun con sán, mà không uống thuốc thì mình bị sao đấy. Không bao giờ giải quyết được luôn. Đúng chưa? Nên là cái anh nói không phải là… Chịu luôn!

Chị Hằng cũng thế đấy nếu chị không đi vào thực hành, chỉ suốt ngày ngồi sám hối cầu nguyện v.v.. ấy, đấy chưa phải thực hành đạo Phật. Thực hành đạo Phật không phải ngồi sám hối hay ngồi cầu nguyện hay là ngồi đọc thần chú đọc kinh. Đấy là cái vỏ của đạo Phật.

Ở đây có một số người, Hưng đấy đọc kinh làm gì, vô ích. Vô ích luôn! Mình phải nắm được cái phần lõi để mình thực hành, hành xử đúng, Còn nếu không đọc bao nhiêu kinh ấy, nhất là nhà Phật nói là đọc kinh mà không hiểu thì bằng không luôn. Đọc Kinh mà không hiểu thì vô nghĩa luôn. Nên anh không nói về đạo Phật phần vỏ ấy, phần hình thức đấy, mà anh nói về cốt lõi của đạo Phật. Sống một cách hiểu biết, tỉnh táo, sáng suốt và nếu sống được như vậy thì bệnh tật nó sẽ tự đi và nếu nó còn ở đấy thì mình rất vui vẻ.

8. Ngồi thiền có khỏi bệnh được không?

Minh Hoa: Thế những người người ta ngồi thiền mà khỏi bệnh được ấy thì người ta làm thế nào hả anh?

Thầy Trong Suốt: Ngồi Thiền khỏi bệnh được.

Minh Trưởng: Nó cân bằng âm dương đúng không ạ?

Thầy Trong Suốt: Cân bằng âm dương đấy. Ngồi thiền đấy, tốt rất tốt. Âm dương hòa hợp.

Bắt đầu từ cái vỏ thì tốt rồi nhưng cuối cùng phải nhìn thấy rõ cốt lõi của đạo Phật mới có hy vọng. Còn nếu không thì có thể cuộc đời mình mới khá lên một chút có gì đâu. Thậm chí khỏi bệnh. Thậm chí một số người chỉ đi phóng sinh cũng khỏi bệnh. Nhưng mà chỉ khỏi bệnh trong một đời thôi là cùng, thậm chí chẳng được một đời, một năm thôi là cùng, năm sau nó lại quay lại nên phải đi sâu hơn vào nó. Thực hành.

Đấy là lý do anh nói Hà phải tu tập đấy.

Tu tập khác với việc làm điều tốt. Làm điều tốt không thể hết khổ được, bớt khổ thì được. Những buổi nói chuyện như thế này sẽ còn diễn ra tiếp. Mỗi buổi lại nói sâu hơn một chút. Mọi người có thể nghe lại những bài ghi âm anh đã giảng những buổi trước.

Buổi hôm nay nói về nhân quả nhưng thực ra đã có rất nhiều buổi nói về những điều sâu sắc hơn rồi. Đấy! Nghe xong rồi thử áp dụng trong cuộc sống của mình xem thế nào. Như anh đã nói thử cảm ơn những người đã hại mình. Thử áp dụng xem đời mình khá hơn tý nào không? Tinh thần mình khá hơn tý nào không? Nếu hại nặng không cảm ơn được thì hại nhẹ. Cảm ơn những người đã từng chửi mình một câu trong đời. Đấy, cứ tập thế trước đã.

Làm lành tránh dữ thì càng nên rồi, ví dụ như là Trưởng biết điều dữ mà vẫn làm thì chắc chắn chỉ có nước rời xa Phật pháp, nếu mình không biết thì còn chấp nhận được. Nếu mình đã biết rồi mà còn cố tình làm, mình làm với động cơ rất xấu, thì đừng hy vọng sẽ đến được với Phật Pháp. Phải rất lâu sau với cái việc mình làm sẽ làm tránh xa Phật Pháp. Nhưng đôi khi mình không biết được đấy là xấu hay tốt đấy là lúc mình đi học, tìm cách nhìn vấn đề như thế nào.

9. Tịnh hóa nghiệp xấu như thế nào?

Minh Tuấn: Cho em hỏi về tịnh hóa nghiệp. Anh có thể chia sẻ được không ạ?

Thầy Trong Suốt: Tịnh hóa nghiệp được, có nhiều cách tịnh hóa nghiệp. Tịnh hóa nghiệp là mình giảm bớt nghiệp xấu đi đấy.

Có mấy cách đấy. Một cách là làm điều tốt. Đúng không? Cầu nguyện cũng là cách tịnh hóa nghiệp, sám hối cũng là tịnh hóa nghiệp.

Một cách tịnh hóa nghiệp nữa là không phổ biến lắm gọi là dùng tha lực để tịnh hóa nghiệp. Ít khi được nói đến đúng không? Dùng Tha lực. Trong nhà Phật có rất nhiều vị Phật trong đó có một vị Phật gọi là Kim Cương Tát Đỏa, ông có một lời cầu nguyện thế này này: “Chỉ cần ai đọc câu thần chú của tôi, thì tôi sẽ tìm mọi cách để gánh nghiệp cho người ấy”. Trước khi giác ngộ, ông thề như thế: “Ai đọc câu thần chú của tôi, thì tôi tìm mọi cách để gánh hộ nghiệp cho người ta. Gánh bớt càng nhiều càng tốt”. Đấy, đấy là một ví dụ. Thế thì nếu như mình đọc câu thần chú của ông thì sẽ được tịnh hóa nghiệp, ông ấy sẽ tìm đủ cách khác nhau để gánh bớt nghiệp cho mình để mình có một cơ hội tu hành. Tức là ông ấy nói là để cho người ta có một cơ hội tu hành giác ngộ, chứ không phải để người ta lại phá hoại người khác tiếp, mà người ta có một cơ hội tu hành giác ngộ.

Đấy là dùng tha lực. Trong nhà Phật thì có những câu thần chú đọc xong thì bớt nghiệp xấu đi thực sự. Có những câu thần chú mình nhìn thấy nó một cái thì mình giảm nghiệp xấu của mình đi trăm ngàn kiếp. Ở đây có treo đấy, trên đâu ý nhỉ?

Hồng Nhung: Cửa thang máy ạ!

Thầy Trong Suốt: Cửa thang máy đấy, những ai đi ra thì thấy.

Minh Hoa: Thưa Thầy nhìn không hiểu vẫn ok chứ ạ?

Thầy Trong Suốt: Ờ riêng câu thần chú ấy thì nhìn không hiểu cũng được.

Minh Trưởng: Thế đem về nhà treo có được không ạ?

Thầy Trong Suốt: Được đem về nhà treo cũng được.

Minh Trưởng: Em thấy nhiều khi có những bức tranh họ in hình Phật hình Bồ Tát em ví dụ như in trên vỏ hương ý, xong họ vứt vào sọt rác như thế có ảnh hưởng gì không ạ?

Thầy Trong Suốt: Nếu họ vô tình. Cố tình thì xấu. Nếu họ cố tình làm thì điều xấu. Coi thường Phật.

Minh Trưởng: Đôi khi mình biết điều đó, mình cầm vào mà không biết làm thế nào thì xử lý thế nào ạ?

Thầy Trong Suốt: Nếu em biết rồi thì lại mệt đấy, không biết thì thôi, biết rồi thì không thể giẫm lên nó được nữa. Em không thể ngồi lên nó được nữa. Đốt đi thì được.

Minh Trưởng: Không biết là nhà mình mua phải bó hương có hình Bồ Tát Quan Thế Âm.

Thầy Trong Suốt: Nếu em biết bó hương hình Quan Thế Âm em giẫm lên chân, em biết chắc điều đấy thì lại không được.

Minh Trưởng: Như kiểu em không biết xử lý như thế nào.

Thầy Trong Suốt: Đốt đi, đốt đi thôi.

Minh Trưởng: Đốt đi ạ?

Thầy Trong Suốt: Đốt đi hoặc để cao hơn chỗ mình ngồi. Để chỗ nào cao hơn chỗ mình ngồi. Nhưng mà không biết còn hơn đúng không? Anh nói xong cái lại mệt hơn. Không biết thì chẳng sao cả, không biết thì việc em giẫm lên giống như giẫm lên một tờ giấy, còn biết rồi mà trong lòng em lại nghĩ này nghĩ kia thì không tốt lắm. Anh lỡ nói mất rồi.

Anh đang nói dở chuyện gì ấy nhỉ? À tịnh hóa nghiệp. Có những vị Phật như vậy, có những vị Phật rất là từ bi ngài hứa những lời như vậy nếu mình đọc câu thần chú của ngài thì ngài tìm mọi cách đến gần mình, giúp đỡ mình tịnh hóa nghiệp, gánh nghiệp cho mình.

Đấy là cách gọi là tha lực để tịnh hóa nghiệp, tuy nhiên thì là tịnh hóa nghiệp của các vị đấy là giúp mình tu hành nên những phương áp ấy chỉ được dạy cho những người đã quyết tâm tu hành. Ví dụ bảo anh dạy, anh sẽ không dạy nếu mọi người chưa quyết tâm tu hành. Nhưng nếu quyết tâm tu hành rồi thì anh sẽ dạy được. Vì cái đấy chỉ nên dạy cho người quyết tâm. Người không quyết tâm thì sao? Tịnh hóa nghiệp thì càng phá, đúng không? Đúng chưa? Sướng quá mà!

Nên là không quyết tâm tu hành thì không được dạy luôn. Không được quyền dạy, anh không được quyền dạy luôn. Nhưng nếu mọi người ở đây quyết tâm tu hành này, thực sự quyết tâm đấy, làm lễ quy y này và bắt đầu đi vào thực hành thì anh có thể dạy được cho mọi người những câu thần chú kiểu như thế. Những câu thần chú mà đọc xong có thể tịnh hóa nghiệp rất nhiều. Đấy! Có rất nhiều cách khác nhau để tịnh hóa nghiệp nhưng cái đấy thuộc về dành cho những người đã quyết tâm rồi. Khi đã tịnh hóa nghiệp thì họ sẽ dùng cái việc khỏe mạnh lên đấy để đi giúp được rất nhiều người khác, giúp chính mình và giúp nhiều người khác.

Minh Trưởng: Liệu em có tìm trên mạng để in thì có được không ạ?

Thầy Trong Suốt: Được, với câu trong Kinh thì em có thể hoàn toàn làm thế được.

Một bạn: Tìm từ khóa là gì ạ?

Thầy Trong Suốt: “Thần chú giải thoát qua sự thấy”. Chỉ cần thấy thôi, giải thoát một đống nghiệp xấu qua sự thấy.

Chỉ cần thấy thôi, những câu này người ta hay để ở những nơi có bếp núc chẳng hạn vì các con vật bị đem lên giết ở đấy. Nếu nó còn sống nó nhìn thấy một cái thì nó rất được lợi nên người ta thường hay để những chỗ đấy. Hoặc là để ở cửa ra vào. Anh để ở cửa ra vào vì là vô tình mọi người đi qua chẳng cần biết là cái gì, cứ đi qua nhìn thấy thế thôi, xong mở cửa đi vào.

Minh Trưởng: Mình có thể dán lên chỗ cao ở xe buýt được không ạ?

Thầy Trong Suốt: Được mình có thể dán lên bất kỳ đâu cũng được. Đấy gọi là tịnh hóa nghiệp bằng tha lực. Trong nhà Phật cũng có nhiều Pháp như vậy nhưng mà nó chỉ dành cho những người quyết tâm tu hành. Nếu không thì ông giải thoát được ít nghiệp thì lại đi gây nghiệp xấu mới.

Chuyên gia câu cá đúng không? Bị đau tay thế là Thầy đọc câu thần chú học trò khỏi đau tay, ngày hôm sau ông học trò lại giết một đống cá mới. Cực kỳ nguy hiểm và chẳng làm được gì cả. Nhưng cái câu này trong Kinh thì được. Mọi người nên treo là đằng khác. Nên treo cho những người khác nhìn thấy, sẽ tốt cho họ.

Minh Tuấn: Em thấy cuộc sống của em sướng quá!.

Thầy Trong Suốt: Ừ, thì mình phải thấy khổ tý thì mình mới tu.

Minh Tuấn: Em thấy tịnh hóa nghiệp cũng chẳng tốt với em nên cũng không giúp được lắm trên đường giác ngộ.

Thầy Trong Suốt: Khi nào em có một lòng quyết tâm lớn lao rằng tôi sẽ giác ngộ đi cứu người khác, ngày đấy thực sự trong lòng em ấy, chứ không phải em nghĩ thế, mà trong lòng cảm thấy điều đấy thì em cảm thấy tịnh hóa nghiệp rất tốt.

Minh Tuấn: Nhưng mà tức là về nhân quả thì em tin tuyệt đối nhưng mà về giải thoát thì em chỉ tin được 70% thôi. Động cơ của em là em hướng tới hoàn toàn giác ngộ còn giải thoát hay không thì giải quyết sau.

Thầy Trong Suốt: Em không hiểu. Giác ngộ là giải thoát mà, có gì khác nhau đâu.

Minh Tuấn: Em thấy giác ngộ và giải thoát khác nhau.

Thầy Trong Suốt: Giác Ngộ là Giải thoát. Giác ngộ là giải thoát thực sự khỏi mọi thứ.

Hồng Hà Anh: Cầu nguyện để gặp khổ, đi phóng sinh, cầu nguyện để gặp khổ này.

Thầy Trong Suốt: Những ai gặp khổ sở phải thấy mình may mắn, vì mình có cơ hội được gặp Phật Pháp như thế này. Chứ mình sướng quá mình cũng không muốn đến nghe những bài giảng như thế này luôn.

Minh Tuấn: Nhưng mà em thường cầu nguyện là gặp được các duyên lành để dẫn đến giác ngộ và giải thoát.

Thầy Trong Suốt: Duyên lành nhiều khi nó là nghiệp xấu đấy. Cái duyên đấy lành khi dẫn đến giác ngộ và giải thoát chứ không phải duyên dẫn đến hạnh phúc bình thường. Có thể nghiệp xấu nở ra, nhưng nở ra đủ mức, để mình cố gắng tu lại, không làm mình chết không làm mình bị bệnh đến mức thập tử nhất sinh, nó làm mình sợ hãi để tu hành.

Minh Tuấn: Tại vì giác ngộ thì em tin tưởng vào nó chắc chắn tồn tại. Giải thoát thì e hiểu mình chết đi không tái sinh lại thì em chưa có niềm tin chắc chắn vào đấy chỉ tin 70% thôi.

Thầy Trong Suốt: Giải thoát thực sự là em tự do khi quyết định tái sinh nữa hay không tái sinh nữa. Tái sinh là một người ở một cõi nào đấy, chứ không phải không tái sinh nữa là giải thoát. Quyền tự do, chết đi em có quyền lựa chọn, không bị nghiệp xấu nó đẩy đến chỗ kẻ thù của em nữa − ví dụ như thế. Còn thông thường chết đi hoặc là mình đến chỗ kẻ thù mình. Khi mình chết tức là thần thức ra khỏi thể xác thì nó sẽ có một giai đoạn gọi là trung gian, sau đó đến một giai đoạn trưởng thành. Trung gian trải qua đủ kinh nghiệm. Trưởng thành là tìm bố mẹ mới của mình, nó bị cuốn hút đến những người bố mẹ có duyên với mình và nó đợi 2 người thụ thai thì nó nhập vào bào thai đấy. Bố mẹ có duyên với mình thì nhiều kiểu, có duyên bố mẹ xấu cũng đẩy mình đến đấy, bố mẹ có duyên tốt cũng đẩy đến đấy và hầu như không có sức kiểm soát, khi nó chỉ thấy là ừ, ở ngoài không gian thì lạnh lẽo thế này, chui vào bào thai thì quá sướng.

Nếu mình tái sinh làm con gái thì thấy người bố rất đáng yêu dễ chịu, còn tái sinh làm con trai thì thấy người mẹ rất đáng yêu dễ chịu, thế là nhập vào thai thôi. Còn cũng không hiểu tất cả những điều mà anh đang nói luôn. Nó thấy là lạnh lẽo thế này mà chỗ kia có một mái ấm dễ chịu thì nó sẽ đến chỗ đấy thôi, hết. Và tái sinh làm con người nhà đấy và tiếp tục vòng nhân quả. Còn nếu giác ngộ thì em có quyền lựa chọn đi đâu hoặc tôi không muốn chui vào bào thai nào nữa thì tôi chẳng chui vào bào thai nào nữa, hoặc tôi lên cõi Phật ở đấy một thời gian, và tôi lại tái sinh đi đâu, đi sang Somali cứu những người đau khổ chẳng hạn. Đấy, hôm qua có ai xem phim Somali không? Đấy!

Mọi người: Có ạ!

Thầy Trong Suốt: Đang đánh nhau, sang làm một người giải cứu người khổ ở những nước bắn nhau.

Minh Trưởng: Một khi mình là một người lính cầm súng bảo vệ người khác, giết những kẻ xấu cũng là xấu đúng không ạ?

Thầy Trong Suốt: Giống như đức Phật đấy, Phật thì giết người, có nghiệp xấu này tốt kia đấy. Mình cầm súng bảo vệ tổ quốc thì rất tốt đối với phe mà mình bảo vệ, đúng không? Nhưng với phe ngược lại, phe mình bắn chết họ chẳng có gì tốt cả. Nên việc đấy là việc vừa có xấu chỗ này vừa có tốt chỗ kia.

Và nhân quả rất công bằng, mình sẽ được lợi chỗ này và bị hại ở chỗ khác ví dụ mình sẽ được làm 1000 kiếp được làm người sung sướng giàu có hạnh phúc nhưng sau mình lại bị giết đến 100 kiếp, mình cứu được 1000 người mà nhưng mình giết 100 người mình và mình sẽ bị 100 kiếp sẽ bị người khác giết hại dã man.

10. Cộng nghiệp

Xuân Hưng: Có trường hợp nào ông bà cha mẹ gây ra mà mình phải gánh chịu không ạ?

Thầy Trong Suốt: Đấy là cái mà chúng ta chưa nói, cái đó gọi là cộng nghiệp. Cộng nghiệp là có. Cộng nghiệp là chia sẻ nghiệp với nhau, ví dụ hai người sống với nhau thì người này gánh bớt một phần nghiệp người kia vì có liên quan đến nhau mà. Nên là nhiều khi ông bà và mình rất là chặt chẽ với nhau. Nhiều cái ông bà gây ra nhưng mình vẫn phải chịu, đấy là cộng nghiệp! Có thể, hoàn toàn có thể. Hoặc là con cái gây ra bố mẹ chịu, cộng nghiệp mà, hoặc bố mẹ gây ra con cái chịu.

Minh Trưởng: Em nghĩ đôi khi ông bà làm điều tốt con cháu được hưởng.

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi cộng nghiệp. Nhưng em làm điều xấu ví dụ giết người chẳng hạn thì bát cơm bố mẹ nuôi em ngày xưa ấy, ngày xưa nó chỉ là nghiệp bình thường. Bây giờ nghiệp nó tạo ra nuôi một kẻ giết người thì bố mẹ em tự nhiên đang ở một cõi nào đấy có khi bị đau đớn bệnh tật chỉ vì em là đứa con gây ra chuyện. Nhân quả không chỉ đơn giản là 1: 1 thế, mà còn liên quan đến người này, liên quan đến người khác.

Minh Tuấn: “Đời cha ăn mặn đời con khát nước” thì giải thích theo nhân quả thì giải thích về nhân quả thế nào ạ?

Thầy Trong Suốt: Bố mẹ và những đứa con bao giờ cũng có nợ nần với nhau, nên là ví dụ như thế này: anh nợ em, nhưng mà người khác nợ anh, thì cứ bảo hai người tự giải quyết với nhau đi, thế là em gặp người kia, anh chỉ tham gia phần nhỏ thôi, thế bố mẹ họ nợ một người nào đấy, đứa con lại nợ bố mẹ, nên người kia đến hại đứa con để cho cân bằng mà.

Minh Tuấn: Nhưng theo nhân quả đấy thực ra mình và người kia chẳng có liên quan gì mà liên quan chỉ qua trung gian thôi.

Thầy Trong Suốt: Thì có liên quan rồi. Đi qua trung gian là có liên quan rồi đúng không? Giống như là em nuôi con bằng tiền tham ô, đứa con lớn lên khỏe mạnh nhờ tiền tham ô, đâu phải không liên quan đâu, chắc chắn có liên quan rồi, nên nó sẽ chịu một phần của cái quả đấy. Nuôi con bằng tiền ăn cướp giết người, thì cái thân thể đứa con được nuôi khỏe mạnh ấy là sống bằng sự ăn cướp giết người của mình nên nó có liên quan chứ. Nên là bố mẹ làm là con chịu rồi. Đấy, ông bà cũng thế thôi. Ông bà nuôi dưỡng bố mẹ và nuôi con cháu nên nhiều khi mình chịu nghiệp của ông bà.

Minh Tuấn: Trước đây có một điểm em hiểu về nhân quả có vẻ chưa ổn lắm. Em hiểu rằng là mỗi cái quả mình đặt được là do nhân mình gây ra trong quá khứ. Thế thì trong trường hợp này là em hiểu thế là chưa đúng đúng không ạ?

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Cộng nghiệp và biệt nghiệp. Cái em hiểu là biệt nghiệp, cộng nghiệp là mình có thể chịu một quả của người khác gây ra.

11. Tu hành là chuyển nghiệp

Thầy Trong Suốt: Người ta nói tu hành là chuyển nghiệp. Nhân quả sẽ thay đổi khi bắt đầu tu. Những ông Thầy bói, những ông Thầy xem tướng thực sự tử tế sẽ từ chối xem cho những người tu là vì thế. Vì khi đấy dòng nhân quả bắt đầu thay đổi, không còn xem chính xác được nữa, sai rất nhiều luôn. Tu có thể chuyển được nghiệp như vậy. Có những người số đến ngày này tháng này phải cưới vợ nhưng cuối cùng không lấy.

Hồng Hà Anh: Con chuyên đi bói thì Thầy bói nào cũng bảo thể nào 27 tuổi lấy chồng mà bây giờ 26 tuổi lấy chồng mất rồi.

Thầy Trong Suốt: À đấy, vì tu sớm mà, nên là được bớt đi 1 năm cô đơn, đấy (Cười).

Một bạn: Nhưng đây là quả lành hay quả ác ạ?

Thầy Trong Suốt: Chưa biết được. Đấy. Tu hành sẽ cải thiện được cái đấy!

Trong Suốt có quen một ông Thầy tu ở Yên Tử ấy, ông ấy làm trị sự ở Trúc Lâm Yên Tử, ông ấy nói cái bàn tay trước khi đi tu nó gồ ghề nhưng khi tu một thời gian tự nhiên phẳng lỳ luôn. Ông ấy chẳng làm gì cả, ông ấy  không phải lao động gì cả. Trị sự ông ấy  chỉ làm bình thường thôi, chỉ tiếp khách thôi mà − tri khách, chỉ tay thay hết và nó phẳng lì luôn, thay đổi nhiều lắm, tu hành là chuyển nghiệp. Hồng Nhung có quyển Tu là chuyển nghiệp không nhỉ?

Hồng Nhung: Con có ạ!

Thầy Trong Suốt: “Liễu phàm tứ huấn” đúng không? Kể về một ông ở đời Minh tu hành như thế nào, chuyển nghiệp như thế nào. Từ bé đến lớn cho đến khi 50 tuổi là có những Thầy tử vi rất giỏi, xem cho ông đúng từng chi tiết một luôn. Tức là đi làm ở đâu lương bao nhiêu là đúng hệt luôn. Thậm chí có lần ông ý có một mức lương cao hơn ông ý nghĩ từ nay trở đi tử vi của tôi bị sai, nhưng mấy ngày sau ông gây lỗi nhà vua phạt ông ý về đúng lương kia. Ông này kinh sợ quá và tử vi ghi rằng ông ấy sẽ không có con và mất lúc 53 tuổi. Khi 50 tuổi ông ấy thấy hoàn toàn đúng rồi nên quyết định thôi sống còn gì nữa. 3 năm nữa chết mà! Ông ấy chẳng lấy vợ nữa, mà đi ngao du sơn thủy thì gặp đại sư trên chùa. Hai ông nói chuyện với nhau. Ông sư thấy mặt ông này buồn buồn thì mới hỏi tại sao nói chuyện đang vui mà tự nhiên ông lại buồn. Ông này mới nói rằng “Không giấu gì Đại sư, vì bây giờ tôi chỉ còn 3 năm sống thôi…” và kể câu chuyện ra, ông sư cười to bảo ông thật là ngu dốt, già thế này rồi mà ngu dốt.

Ông này bảo: “Tại sao lại ngu dốt? Đúng từ đầu đến cuối rồi mà sao lại ngu dốt? Chắc chắn 53 tuổi tôi sẽ chết. Vì đúng từ đầu đến cuối mà!”

Ông Sư mới bảo là: “Ông chưa bao giờ nghe câu “tu là chuyển nghiệp” à? Nếu ông làm theo lời ta chắc chắn ông sẽ không chết năm 53 tuổi.”

Thế là Ông này mới bảo: “Thế làm như thế nào?”

Ông Sư bảo: “Bây giờ ông quyết tâm tu hành, đầu tiên là ông thề hứa làm những điều tốt đi.”

Ông này hỏi là: “Thế cụ thể là như thế nào?”

Nhà sư bảo hứa đi trong 1 năm ông làm bao nhiêu điều tốt đấy.

Ông này nghĩ một lúc mới hứa là trước bàn thờ Phật tôi sẽ cố gắng một năm làm 300 điều tốt lớn nhỏ cộng lại. Thế thì ông ấy làm 300 điều tốt trong 1 năm đầu tiên.

Khi hết năm đầu tiên cuộc sống của ông ấy thay đổi, tự nhiên có 1 cô muốn lấy ông ấy làm chồng, thế ông này nghĩ là số mình 53 tuổi chết, lấy cô ấy chỉ sống được 2 năm thì cũng khổ cô ấy! Vẫn tin mà!

Nhưng dù sao bây giờ cũng thay đổi rồi vì tử vi ghi rằng mình không bao giờ cưới vợ. Đến hỏi ông sư kia, ông sư bảo tiếp tục thề, thế là ông ấy lại thề là trong 1 năm làm 1000 điều tốt.

Thề xong vẫn lấy vợ, thì quả nhiên là 2 năm sau không những không chết mà còn đẻ 1 đứa con, mà trong khi tử vi thì ghi ông ấy không đẻ đứa con nào, chết một cách cô tịch…

Thế thì sau đó ông tiếp tục tu hành và ông viết lại cuốn sách Liễu Phàm Tứ Huấn ghi lại cuộc đời ông ấy và dạy con là làm thế nào để chuyển nghiệp.

Hồng Nhung in rồi đúng không? Ở đây ai quan tâm có thể gặp Hồng Nhung để lấy đọc quyển sách đấy.

Minh Trưởng: Trên mạng cũng có, có phim luôn.

Thầy Trong Suốt: Thế à? Có phim à? Thế quá tuyệt vời! Thế thì Hồng Hạnh đâu rồi? Về rồi đúng không? Hồng Nhung có thể tìm cái địa chỉ phim đấy để về sau mọi người vào nhóm có thể gửi cho mọi người luôn.

Có phim hẳn hoi à? Thế quá tuyệt vời rồi. Phim này rất nên xem, những người mới tu nên xem để hiểu rằng chuyển nhân quả như thế nào. Nên tìm luôn để xem.

Tu là chuyển nghiệp. Ở đây ai tu sẽ thấy, ở đây ai xem bói rồi xong tu sẽ thấy Thầy bói bắt đầu sai, mình tu càng sâu thì bói càng sai.

Hồng Nhung: Có một ông Thầy bói không xem được cho con.

Thầy Trong Suốt: Ừ, có nhiều Thầy bói chân chính sẽ từ chối những người đi tu và những người đã tu rồi, còn Thầy bói không chân chính thì sẽ bói những điều rất sai, rất đáng sợ để mình bị phụ thuộc vào ông ấy.

Những Thầy bói nào nói những điều đáng sợ là phải cẩn thận, đấy là cách các ông Thầy bói làm mình bị phụ thuộc vào tâm lý, có thể không vì tiền bạc nhưng vì tâm lý, cẩn thận những ông Thầy bói như vậy, đặc biệt ông Thầy bói nào khuyên mình cúng bái rất nguy hiểm, hết sức cảnh giác những ông nào khuyên mình cúng bái, làm lễ, những Thầy bói nào khuyên mình tu hành không làm lễ còn có thể tử tế được một chút.

Một bác: Nhưng sư ở chùa, có những vị sư trụ trì ở chùa cũng bảo mình phải cúng ý?

Thầy Trong Suốt: Ờ thì thời buổi này không còn tin được sư nữa rồi, sư bây giờ khó tin rồi.

Minh Hằng: Một Thầy thì xem rồi thì hỏi ngày sinh ngày nào, sinh tháng nào rồi bói mình một câu. Còn một sư trụ trì thì bảo thấy em như thế, nhìn thấy em như thế, tay như thế thì căn nặng lắm phải cúng. Xong mình bảo: Em cúng nhiều lắm rồi, cúng nhiều mà chẳng thấy thay đổi gì cả.

Thầy Trong Suốt: Sư nào bảo cúng là có vấn đề rồi, bất kì sư nào nói từ “cúng”.

Xuân Hưng: Sư bây giờ còn thất tình đi tu ý ạ!

Thầy Trong Suốt: Bây giờ mình phải nghe tiếng nói bên trong của mình hơn là mấy ông sư bên ngoài. Mình cố gắng hiểu biết này, sau đó đi theo những hiểu biết bên trong mình.

Minh Hoa: Tiếng nói đấy nhiều khi có thể lờ mờ có thể cảm nhận được nhiều mình có thể hiểu được.

Thầy Trong Suốt: Tiếng nói bên trong mình lúc mờ lúc rõ. Nếu mình chịu khó lắng nghe thì nó rõ, còn nếu mình cứ bỏ qua nó mà chỉ đuổi theo những tham vọng thì sẽ thấy rất là mờ. Nên cần phải có thói quen lắng nghe và có thói quen là hướng đến cái đúng. Ví dụ hôm nay mình biết là đúng thì mình sẽ làm, hôm sau mình biết không phải là đúng nữa thì mình bỏ, thì mình có khả năng hướng đến chân lý mạnh mẽ. Dần dần tiếng nói ấy sẽ rõ ra, dần dần mình thấy là chuyện gì nó cũng sẽ nói là cái này nên làm, cái kia không nên làm. Trực giác đấy, người ta nói trực giác đấy. Chị Hằng mà nghe mấy ông sư đấy thì thôi rồi!

Minh Hằng: Em cúng nhiều lắm rồi Thầy ạ!

Thầy Trong Suốt: Trong kinh Phật viết những người lợi dụng tâm linh để lấy tiền bạc hay là thể xác người khác thì đấy là nghiệp rất rõ phải xuống địa ngục. Lợi dụng tâm linh để làm hại người khác, để lấy tiền bạc lấy lòng tin thậm chí là chiếm đoạt thể xác người khác là rất nguy hiểm, xuống địa ngục là cái chắc. Thậm chí những người nào chỉ cần là không tu hành nghiêm túc thôi, mà cứ lấy tiền cúng của chúng sinh, của mọi người ấy, thì là phạm tội ăn cắp của Tam Bảo. Vì tiền cúng đấy không phải để cúng cho mình, không phải để cho mình phè phỡn mà để cho mình tu hành cho đúng đắn, để giúp người ta. Mình lại dùng tiền đấy không để tu hành mà chỉ để hưởng lạc thôi thì cũng là ăn cắp của Tam Bảo, cũng là một nghiệp rất xấu. Có thể Phật thì không phạt nhưng các vị Hộ Pháp thấy điều đấy sẽ phá, sẽ làm cho người đấy gặp chuyện. Hay là có chuyện lên chùa lấy cái bát về xong bị sao đấy, mọi người đã nghe bao giờ chưa.

Mọi người: Chưa ạ.

Thầy Trong Suốt: Không ai nghe bố mẹ người thân kể chuyện đấy à? Thường xuyên có những câu chuyện như thế. Lên chùa thấy cái bát đẹp quá đem về sau đó cả nhà bị chuyện tai nạn, rủi ro, kinh khủng luôn. Chỉ một cái bát ở trên chùa thôi đấy. Xong lại nghĩ sao Phật ác thế? Mình chỉ lấy cái bát của Phật? Đúng không? Nhưng đấy không phải là như vậy, cái bát đấy không phải tiền bình thường, đấy là tiền từ lòng tin mọi người cúng cho chùa với hy vọng rằng là tiền cúng đấy sẽ làm cho những sư ở trong chùa tu hành đúng đắn, giác ngộ, sau này cứu họ…

Đấy ý nghĩa sâu sắc của cúng dường đấy, là mình cúng cho ông sư để sau này ông sư tu hành giác ngộ, sau này ông sư giác ngộ thì cứu lại rất nhiều người trong đó có mình. Nhưng ông sư không làm điều ấy, như vậy ông ấy cũng phạm tội ăn cắp rồi, đúng không? Thế nhưng mình lấy cái đấy cũng là phạm tội ăn cắp. Cái bát đấy không phải để cho mình sử dụng thì mình cũng phạm tội ăn cắp. Thế nên trong chùa luôn có các vị Hộ Pháp. Nếu mà Chùa tử tế thì các vị Hộ Pháp sẽ rất không hài lòng. Mà Hộ Pháp thì không phải toàn là những người hiểu biết đâu, Hộ Pháp nhiều khi chỉ là những người đã hứa bảo vệ Phật pháp và rất là dữ tợn nên có thể họ phá cuộc sống của mình vì mình ăn trộm của chùa. Nên lên chùa thấy cái gì đẹp đừng lấy. Đấy, còn nếu mà lấy thì phải xin cho cẩn thận, thấy cái bát đẹp quá bảo thôi cứ để đấy.

Minh Thảo: Ngày xưa con mượn sách của chùa, mọi người cứ bảo phải gửi lại quên thì chết.

Thầy Trong Suốt: Sách của chùa cũng phải trả lại.

Hải Nam: Ngày xưa chỗ trên nhà con ở có Chùa, ngày nhập tượng cho hai ông Hộ Pháp, có anh làng bên (con cũng chỉ được nghe kể lại) đến chơi thấy nhiều cái hay quá mới lấy một cái băng ghi âm ở trong chùa đấy thì đi chơi đêm về ấy thì anh ý thấy hai ông Hộ Pháp ngồi luôn ở cổng. Thế là anh ý sợ quá viết thư lại gia đình và rồi bỏ vào miền Nam.

Thầy Trong Suốt: Chỉ cần trả cái băng là xong mà… (Mọi người cười) Được rồi! Có hỏi thêm gì không?

Cuộc đời cư sĩ Viên Hoàng – Tu là chuyển nghiệp

12. Cầu nguyện đến Chư Phật như thế nào thì linh nghiệm?

Hồng Thảo: Trong Suốt ơi, như em nếu mà hằng ngày mỗi sáng em cầu nguyện đọc bài Tám đấng cát tường liệu có phù hợp với em hay không?

Thầy Trong Suốt: Đấy là trong Kinh. Bài đấy viết trong Kinh điển là tốt, những cái gì trong kinh thì miễn đọc hiểu là được, không bị cấm thực hành, đọc và hiểu, cầu nguyện là ích lợi v.v… Được cái đấy tốt, bài đấy nên gửi cho Hưng đi. Hoặc là những ai cần có thể đọc bài đấy.

Đấy là Bài cầu nguyện các vị Phật đấy, nhưng mình hiểu là mình cầu nguyện đến Chư Phật không phải cho mình sướng mà để cho mình tu hành tốt để cứu độ người khác. Với tinh thần đấy thì tất cả các bài cầu nguyện sẽ rất là linh ứng.

Bài cầu nguyện đấy là bài cầu nguyện mà ngày xưa khi mà các vị thần trên trời đánh nhau với các vị Atula – tức là các vị thần giận dữ đấy, thì mới hỏi đức Phật là làm thế nào để chiến thắng? Phật mới bảo là ta có bài cầu nguyện này nếu mà đọc thì sẽ chiến thắng, sau đấy họ lấy bài cầu nguyện họ thêu vào lá cờ và đánh nhau quả nhiên là chiến thắng thực sự, đấy là lý do bài cầu nguyện được ban lưu truyền đến tận bây giờ.

Minh Trưởng: Đánh nhau thì bên nào với bên nào ạ?

Thầy Trong Suốt: Đánh nhau giữa các vị thần tốt và thần Atula tức là các vị thần xấu giận dữ đấy, giống như trong truyện thần thoại Hy Lạp có vị thần Titan, mọi người có xem phim không?

Mọi người: Có ạ!

Thầy Trong Suốt: Đấy Titan là Atula đấy, còn thần Dớt v.v… là các vị thần hiền hòa đấy, thần tử tế. Nhưng mà hai bên cứ đánh nhau liên tục vì các vị Titan thì ham muốn quyền lực còn các vị thần tử tế thì rất kiêu ngạo không bao giờ muốn hạ mình. Nên là suốt ngày đánh nhau, đánh nhau liên miên luôn, làm thần không sướng đâu. Sơn Tinh − Thủy Tinh là thần đúng không? Vẫn tranh nhau cô gái đẹp mà, Đấy, vẫn đau khổ. Người được thì chẳng biết có sướng không? Sơn Tinh nhiều khi lấy vợ xong có khi còn mệt hơn. Đúng không? Không lấy được thì đau khổ, chứ lấy vợ xong chắc gì Sơn Tinh đã sướng, đúng chưa? Mỵ Châu không tu hành, Sơn Tinh không tu hành. Chưa biết được chuyện gì xảy ra, đấy! (Cười)

Thần cũng khổ, thần Dớt thì cũng thế, lấy vợ xong thì ngoại tình với đủ các cô rồi đẻ ra đủ các loại người, cả dũng sĩ lẫn người xấu. Xong cuối cùng Thần Dớt cũng là người giết bố để tranh ngôi, giam cầm bố mình để lấy ngôi chúa Trời đấy chứ. Các vị thần cũng đau khổ mà, không sướng, làm thần về mặt vật chất là sướng nhưng tinh thần họ không sướng cũng ghen tuông, yêu đương, giận dữ đủ thứ đấy.

Làm người có khi sướng hơn, làm người có cơ hội gặp Phật Pháp, có đau khổ để mà tu hành. Làm Thần nhiều khi sướng quá không muốn tu nữa, nhưng làm người thì vẫn muốn.

Xuân Hưng: Em thấy có những người ốm đau quặt quẹo đến lúc mà ra hầu đồng lúc sau nhảy như uống thuốc lắc ý.

Thầy Trong Suốt: Nhiều khi ma nhập tức là vong hồn nào đó nhập vào, chưa chắc họ đã nhảy mà vong hồn nhập vào.Vong hồn nhập vào thì họ rất muốn nhảy vì lâu lắm mới có một thân người để sử dụng ngay. Có người cười như điên, có người khóc như mưa, có người thì lao đầu vào tường luôn, có người sẽ nhảy múa vì vong hồn nó thiếu cảm giác được làm người lâu lắm rồi, nên có thân người phát là họ tận dụng tối đa. Có nhiều người nhập xong cái thì chỉ muốn chết, vì đang buồn, vong linh quá đau buồn có thân người để nó được đau đớn, nó sẽ đập đầu vào tường cho nó bõ.

Ở đây có một nhóm tạm gọi là Nhóm dự bị, dự bị tu hành cho đúng đắn. Sau khi nghe giảng một thời gian mọi người sẽ phải thi cử xem mình hiểu đúng chưa và đồng thời xem mình đã quyết tâm chưa?

Khi thi cử xong nếu hiểu đúng, quyết tâm thì sẽ bắt đầu đi vào con đường tu hành thực sự. Quãng đấy nhanh thì có người mất 1 tháng, bình thường thì mất vài năm tùy duyên mỗi người, có người thì một tháng sau đã chỉ muốn tu hành rồi thì sống để mà tu rồi. Có người thì 4 năm sau vẫn chưa thấy vấn đề gì cả, tùy duyên mỗi người. Nếu đủ duyên thì những người đấy sẽ tu được. Những người mà quyết tâm tu ấy. Còn nếu không thì mình nghe rồi mình thay đổi cuộc sống của mình sẽ hạnh phúc hơn, tuy giờ mình chưa hết vấn đề nhưng hạnh phúc hơn người khác. Giải quyết được bệnh tật, tiền bạc, vấn đề gia đình, xong thì bỏ đi. Giải quyết xong rồi còn gì nữa, bỏ đi chỗ khác, khi nào quá khổ thì quay lại. Đấy, có thể là như vậy!

Nhưng nếu không tu hành thực sự sẽ không giải quyết được đau khổ, chắc chắn. Nếu có thì có thể tạm giải quyết được rồi sẽ quay trở lại, qua đi thời gian rồi sẽ quay trở lại thôi. Đấy! Hết khổ này rồi đến khổ khác mò đến thôi, lấy chồng xong khổ kiểu lấy chồng, mà khổ cũng tốt, ngấm thêm được một chút. Rồi còn ai hỏi gì nữa không?

13. Tại sao trong lòng mình thoải mái thì dễ gặp điều thoải mái và ngược lại?

Minh Hoa: Những điều anh nói đến cái thời điểm mình cảm nhận được cái tôi của mình hoạt động, trong tình huống mình gặp phải bình thường cảm thấy bên trong mình có rất nhiều tiếng nói khác nhau có những cái mạnh mẽ có cái nhỏ nhẹ, mình lờ mờ mình cảm nhận nên như thế nào, chưa biết trạng thái của mình như vậy là như thế nào?

Thầy Trong Suốt: Khi gặp chuyện tự nhiên những lời anh nói nó vụt sáng lên. Những cái lời anh nói không thừa vì nó ghi dấu ấn vào trong tâm thức mỗi người và nó đợi một cơ hội được đánh thức.

Lúc khó khăn vừa thì tôi nghĩ mình vẫn làm được mọi thứ, khi khó khăn hết vừa rồi, khi khó khăn quá rồi ấy tự nhiên mình sẽ đi tìm những cái vượt quá khả năng của tôi! Đấy, những cái anh nói đến từ trí tuệ Phật Pháp vượt quá khả năng thông thường của người bình thường lúc đấy nó sẽ nhớ đến mà làm theo, có duyên sẽ làm theo, làm theo mình sẽ gỡ được vấn đề, thế thì mình sẽ đi sâu vào tu hành, nếu không nhớ đến hoặc nhớ đến chưa làm theo thì chưa biết được.

Sớm muộn gì thì mọi người không tu hành sẽ bế tắc là điều chắc chắn. Không ai thoát được bế tắc đấy hết, chỉ có lúc đó họ có duyên với Phật pháp để mà đi theo Phật pháp không thôi.

Minh Hoa: Thật ra em đã nghe nhiều diễn giả, nhiều các doanh nhân chia sẻ về những thành công, nhưng em cảm thấy không ổn lắm, và như anh nói thì em mới cảm thấy nó phù hợp và cảm thấy đúng ấy, tức là nhiều khi em cứ giữ điều đấy ở trong lòng và ngẫm thôi không nói ra với ai hết.

Thầy Trong Suốt: Chưa đủ khổ, khổ rồi thì không còn thấy đúng nữa mà thấy nó là cách duy nhất. Một số người cần phải thấy nó là cách duy nhất, chỉ thấy đúng thôi chưa đủ. Thấy anh nói đúng chưa đủ mà phải thấy anh nói là cách duy nhất để thoát khỏi đau khổ thì mới đủ. Chưa đủ khổ thì chưa thấy nó duy nhất .

Xuân Hưng: Em nghe bài trong trang Trong Suốt (www.trongsuot.com) của Thầy, em thấy Chúc thầm ý, thì em cảm giác thấy hiệu nghiệm.

Thầy Trong Suốt: Ừ, thế thì bổ sung thêm thầm cảm ơn, khi thấy chúc thầm hiệu nghiệm rồi thì bổ sung thêm thầm cảm ơn thì càng hiệu nghiệm hơn.

Xuân Hưng: Thầm cảm ơn thì em chưa.

 Thầy Trong Suốt: Mình có cái gì cảm ơn được thì cảm ơn cái đấy… Thầm cảm ơn, ví dụ người ta đến người ta làm những điều vừa vừa với mình, mình thầm cảm ơn người ta. Tuy nhiên giỏi hơn thì cảm ơn những cái rất bình thường: Cảm ơn là tôi có đủ tiền mua mớ rau, còn hơn không đủ duyên, không đủ tiền để mua. Thầm cảm ơn vì công ty tôi vẫn hoạt động đến ngày hôm này để tôi có việc làm, cảm ơn những điều bình thường nhất. Giỏi hơn nữa, cảm ơn những điều gây cho mình khó chịu. Đấy, nếu em mà cảm ơn được bệnh tật thì nhanh khỏi hơn nhiều, ít nhất thì em cảm ơn những điều bình thường cho anh cũng được, cảm ơn tôi còn sống đến ngày hôm nay.

Chỉ đơn giản buổi sáng khi tỉnh dậy, tôi cảm ơn vì tôi vẫn còn sống đến ngày hôm nay, thế là tốt rồi! Cảm ơn tôi còn đủ sức khỏe để đến đây, cảm ơn đôi mắt tôi còn sáng để nhìn được đường; đấy cảm ơn tai tôi còn thính để nghe được Pháp; cảm ơn tôi vẫn còn bố mẹ còn nhiều người chẳng có bố mẹ… Nhiều thứ để cảm ơn lắm!

Mình nên sống trong trạng thái gọi là cảm ơn. Vì khi mình cảm ơn thì trong lòng mình dâng lên một một loại năng lượng của sự đầy đủ. Đấy! Khi cảm ơn nó phải thấy có cái tốt mới cảm ơn chứ, đúng không? Nên trong lòng mình dâng lên năng lượng đầy đủ. Cái năng lượng đầy đủ đấy đó nó chữa cho mình các vết thương về tinh thần lẫn thể chất, thoải mái, đầy đủ, năng lượng đấy nó tự chữa vết thương, nó tự hoạt động.

Ngược lại nếu mình không cảm ơn, mình coi mọi thứ nó là đương nhiên thì mình chẳng bao giờ có năng lượng đầy đủ bên trong, chưa kể mình ghét bỏ còn nó thì còn tệ hơn. Trong lòng mình dâng lên một năng lượng của sự ghét bỏ thì nó còn tiếp tục đục phá thân thể, tinh thần mình. Nên đấy là lí do vì sao nên cảm ơn bệnh. Vì dù sao nhờ có bệnh này thì em có cơ hội hiểu thêm về cuộc sống, em có cơ hội tiếp cận Phật pháp như thế nào?

Nếu em làm được chuyện đấy thì mới nhanh hơn nhiều. Còn nếu không làm cũng được nhưng nó sẽ chậm hơn. Ít nhất là cảm ơn những cái bình thường! Đấy! Anh ví dụ đấy: Tay chân còn đi lại được, còn đủ tiền để ăn, sống từ sáng đến tối không bị chết đói. Khi em cảm ơn càng nhiều thì năng lượng đầy đủ càng mạnh, nó sẽ chữa bệnh cho em luôn, chữa cả tinh thần và thể xác, chưa kể là khi em đầy đủ sẽ cuốn hút cái đầy đủ xung quanh đến với em dễ hơn. Nên cảm ơn có rất nhiều ích lợi, thầm cảm ơn bất kì cái gì có thể cảm ơn.

Minh Tuấn: Em chưa hiểu lắm, anh vừa nói em nhớ đến luật hấp dẫn bởi vì trước thì như anh vừa nói khi mình đầy đủ thì sẽ cuốn hút những thứ đầy đủ đến với mình. Em thấy luật hấp dẫn là hệ quả của nhân quả thôi tức là nhân quả có thể gieo bằng thân khẩu ý. Khi mà tinh thần của mình tốt sẽ kéo các thứ khác đến. Khi năng lượng đầy đủ sẽ cuốn hút những thứ đầy đủ đến.

Thầy Trong Suốt: Khi em thả hòn đá xuống mặt nước điều gì sẽ xảy ra? Hòn đá chìm xuống đáy nước, vì nó là  2 loại năng lượng mang tính chất nặng, đúng chưa? Khi em thả một quả bóng xuống mặt nước, quả bóng nó chìm một lúc xuống rồi lại nổi lên trên, vì không khí tìm đến năng lượng cùng loại với nó là bầu trời. Trong vũ trụ này những loại có cùng một loại, người ta gọi là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” sẽ tìm đến với nhau nghĩa là năng lượng cùng loại sẽ tụ tập vào một chỗ.

Minh Tuấn: Nhưng như vậy giải thích cho nhân quả như thế nào ạ?

Thầy Trong Suốt: Đấy là một cách nhìn thế giới. Còn tất nhiên nó phải đủ nhân quả, ví dụ năng lượng cùng loại nhưng ngăn ở giữa là một bức màn bằng sắt thì quả bóng không thể nổi lên mặt nước được nhưng mà như vậy thì có xu hướng mạnh mẽ. Điều đấy không đảm bảo năng lượng cùng loại ở cùng với nhau được, nhưng nó là xu hướng mạnh mẽ tác động để nó dễ gần nhau hơn. Nó không phải lực hấp dẫn, không phải là chắc chắn, nhưng nó là xu hướng, thế thì đúng mà, nó có xu hướng, nếu em trong lòng thoải mái thì em có xu hướng thoải mái bên ngoài, chứ không có gì đảm bảo nó là cái bên ngoài, nhỡ có nghiệp xấu xảy ra, có bức màn ngăn ở giữa thì thôi hòn đá không thể rơi xuống đáy được, mà quả bóng không thể nổi lên trên được.

Vậy thì cái xu hướng rất mạnh mẽ nên là lực hấp hẫn nó còn có một cái ứng dụng tương đối. Nó không thể thay nhân quả được nhưng mà nó có ứng dụng tương đối để mình dùng cái bên trong mình hất ra bên ngoài mình. Còn không đủ duyên thì thả hòn đá xuống có tấm lưới chắn hòn đá không thể rơi xuống đất nhưng mà khả năng rất cao đúng không? Là rơi xuống mặt đáy vì nó cùng loại.

Nên là nếu trong lòng mình thoải mái thì mình rất dễ gặp hoàn cảnh thoái mái hơn, dễ hơn gấp nhiều lần trong lòng mình nặng nề. Trong lòng mình nặng nề thì mình sẽ gặp rất nhiều lần gặp chuyện nặng nề hơn.

14. Bước đầu tiên để vượt qua chuyện xấu đến với mình là…

Minh Hằng: Ví dụ như câu chuyện của con, thì con đã hiểu ra nguyên nhân vì sao mình bị như thế. Mình cũng muốn là mình tập trung vào một cái công việc khác nhưng mà không hiểu vì sao mà không thể tập trung được, giống như người không có sinh khí, nó cứ uể oải…

Thầy Trong Suốt: Bây giờ chị tập thực hành Phật pháp đã. Đầu tiên là tin vào nhân quả và chấp nhận tất cả những điều đã từng xảy ra như là do chính mình gây ra. Bước đầu tiên đấy! Tất cả những điều xấu chị đã từng chịu hãy nghĩ rằng do tôi gây ra chứ không phải người khác gây ra cho tôi, phải hiểu nhân quả đủ sâu để mình tin vào điều đấy.

Tôi là người, tác giả của tất cả những chuyện xấu đã từng xảy ra với tôi, chứ không phải người ta là tác giả, tôi là tác giả. Bước đầu tiên nghĩ thế thôi. Hưng cũng thế thôi, em phải tin rằng tôi là nguyên nhân của căn bệnh tôi đang chịu chứ không phải người khác gây ra, hay là cái gì gì đấy gây ra, không phải là ADN hay là bất kì cái gì mà là do nhân quả gây ra. Và khi mình tin rằng tôi là người gây ra ý, thì mình sẽ có niềm tin là tôi là người sửa được nó vì tôi gây ra mà.

Tôi là chủ cái việc này, tôi sửa được nó. Còn nếu bây giờ chị tin vì người khác gây cho chị thì chị không sửa được nó. Đúng không? Người khác gây cho tôi thì làm sao tôi sửa được.

Minh Hằng: Thực sự muốn sửa, rất muốn sửa…

Thầy Trong Suốt: Vì chị đang tin là người khác gây cho tôi.

Minh Hằng: Có ngày nó up có ngày nó down, buổi sáng up lên được vài tiếng về sau nó down ngay lập tức.

Thầy Trong Suốt: Vì chị chưa tin được rằng chị là người gây ra chuyện cho chính mình. Chị phải đặt niềm tin ấy đã rồi mới đi tiếp được. Chị là người gây ra mọi đau khổ mà chị đã từng chịu, chị là người gây ra chuyện bị người khác lừa v.v và v.v…. tất cả các chuyện xấu của chị. Đấy là bước đầu tiên. Nếu không qua được bước đấy thì chị đừng hy vọng bước sau, nếu không qua bước đấy thì có đọc thần chú hay làm đủ thử thì hiệu quả cũng rất thấp. Về tu hành thì phải qua được bước đấy. Chị là người gây ra tất cả những chuyện đấy.

Một bạn: Mình phải biết chấp nhận nó.

Thầy Trong Suốt: Ờ, chấp nhận nó. Chấp nhận nó là đã rất tốt rồi. Nhưng phải chấp nhận rằng cái người gây ra cái đó không phải là người khác nữa, không phải là cái gì nữa mà chính là mình đã từng gieo cái nhân đấy. Đấy, chị là người gieo nhân cái nhân cho việc đấy. Chị bị chị kia lừa vì chị đã từng lừa chị kia vào một lúc nào đấy. Mà chị phải tin điều đấy cơ, chứ còn chỉ nghe nói, tin thôi chưa đủ. Chị phải tự thấy “À, đúng rồi, tôi gây ra tất cả. Và tôi gây ra tất cả nên tôi có quyền sửa tất cả”. Còn tôi không gây ra thì làm sao tôi sửa được. Tôi làm ra và tôi sẽ sửa lại nó. Còn người khác làm ra, người khác vẫn cứ nhởn nhơ ngoài đấy thì không bao giờ sửa được. Vết thương của tôi cứ ở đấy mãi.

Tôi đã gây ra nhân để tôi bị bệnh thì tôi sẽ gieo nhân để tôi không bị bệnh, đúng chưa? Tôi đã gieo nhân để bị lừa thì tôi sẽ gieo cái nhân để không bị lừa nữa, chị sẽ bắt đầu có sức mạnh, còn nếu chị không có sức mạnh thì không thể tập được, không thể đến đích được. Bắt đầu là nhân quả, bắt đầu ở những bài như thế này. Bài này là bài cực kỳ quan trọng mặc dù tu hành mấy năm rồi nhưng khi nghe lại vẫn thấy sâu sắc. Chị phải nhận ra tôi là người gieo nhân, khi nhận ra điều đấy rồi thì chị sẽ có suy nghĩ là tôi sẽ phải gieo một cái nhân mới để sửa nó và chị bắt đầu sửa được.

Đấy mới là thời điểm chị bắt đầu sửa được, còn bây giờ chị đọc thần chú, chị có làm bao nhiêu điều nó cũng chỉ bớt bớt một chút. Rồi như chị nói là nó lại quay lại như cũ, vì thế cần một niềm tin mãnh liệt và sâu sắc vào Phật pháp chứ mình không thể tin vừa vừa được. Tin vừa vừa không giải quyết được, phải tin sâu sắc.

Vì nhân quả là cái rất khó tin, nghe thì hay nhưng rất khó tin. Đừng tưởng dễ tin, cực kì khó tin luôn vì có thấy nhân đâu? Mình chịu quả mà có thấy nhân đâu? Mình là người tốt cả đời xong bị hại, mình có thấy nhân đâu, nên là nghe thì hay nhưng rất khó tin.

Vì thế mình phải quan sát, suy ngẫm kỹ, nghe kỹ dần dần mới tin được, và đúng là phải trải nghiệm mới tin được. Vì mình gieo được vài cái nhân, gặt được vài cái quả xong mình mò được vài cái nhân đấy thì mình sướng lắm. À đúng rồi quả này do nhân.

Giống như ngày xưa lúc mới dạy mẹ em về nhân quả ấy, không tin lắm. Xong một hôm mới gọi ông taxi nhưng ông ấy không đến nên mới gọi taxi khác cho khách về, khi ông taxi kia đến thì đáng ra mẹ em phải nói sự thật thôi: vừa xong gọi mãi nhưng anh không đến nên tôi gọi xe khác rồi. Nhưng mẹ em cũng chỉ nói lệch một chút là: “Xin lỗi vì là không cần đi nữa.” Đấy, thế là cứ tưởng xong, nói dối một cái đơn giản là xong đúng không? Thế mà vừa nói câu đấy xong thì tự dưng con dao đang cầm cứa tay mẹ em đứt chảy máu luôn. Đấy, vì khi mình nói là anh đến chậm tôi không đi nữa thì người kia chấp nhận được, nhưng người ta không chấp nhận được chuyện là mình muốn đi rồi nhưng không đi nữa, họ không thoải mái, mình gây ra một sự khó chịu trong lòng người ta, và một lời nói dối gây ra sự khó chịu thì Nhân quả là bị đau tay ngay, chảy máu ngay.

Đấy nhân quả là như vậy, một vài lần như vậy, nếu mình chịu khó quan sát sẽ thấy mà. Nhân quả nhãn tiền! Thì để thấy rằng có lẽ là như vậy, đầu tiên là có lẽ đã. Đấy, nên cứ sống, cứ quan sát dần và đọc kĩ hơn, nhưng mà đúng là nhân quả không phải dễ tin, dễ tin thật sự ấy. Còn tin theo kiểu hơi hơi tin thì dễ, quá dễ luôn, Việt Nam mình ai chẳng tin nhân quả.

Một bạn: Lúc tin lúc không.

Thầy Trong Suốt: Ờ, nhưng mà tin thực sự hoàn toàn thì không dễ, đòi hỏi phải suy ngẫm sâu sắc, phải có kinh nghiệm, phải có trải nghiệm. Nhưng đã tin rồi thì sức mạnh to lớn vô cùng.

Một bạn: Ở chỗ nhà em có chị giúp việc cứ dẫn trâu đi đường đến lò mổ, xong đến một hôm đẹp trời thế nào mà trâu quay lại phi vào tầng 2, đuổi khắp tầng 2.

Thầy Trong Suốt: Đấy nhân quả nhãn tiền chưa?

Một bạn: Thế nhân quả giải thích thế nào với những người Philippin?

Thầy Trong Suốt: Chắc chắn những người ấy giống như câu truyện cả bộ tộc bỏ phiếu đấy.  Ví dụ như 10 ngàn người bỏ phiếu là gây một thảm họa thời tiết cho một chỗ khác. Đốt rừng một lúc là thảm họa thời tiết đấy. 10 ngàn người bỏ phiếu đốt rừng để giết chết chim muông để phát quang, 10 ngàn người cùng tham gia cuộc đốt rừng đấy. Đấy là dùng thảm họa thời tiết để giết người khác thì thảm họa thời tiết khác lại giết họ. 10 ngàn người là còn ít chứ ở Trung Quốc cách đây khoảng 4, 5 năm trong 1 trận động đất chết 200 ngàn người đấy.

Một bạn: Trường hợp Bố mẹ bán ma túy thì ít khi con không nghiện lắm.

Thầy Trong Suốt: Đấy còn nhãn tiền hơn nữa. Bố mẹ gây nghiện thì con lại nghiện.

Một bạn: Giống trường hợp trâu húc, bà chạy lên cầu thang, nó chạy theo lên cầu thang.

Thầy Trong Suốt: Quá nhãn tiền luôn.

Một bạn: Bà đi lên cầu thang mà nó phi lên theo trên ấy húc chết trên cầu thang.

Thầy Trong Suốt: Đấy lúc đấy mà kể câu truyện đấy thì mọi người hiểu luôn. Hầu như những người làm nghề giết trâu mổ lợn, con cái họ đều gặp chuyện nặng nề cả. Thậm chí kể cả những người giết trâu bò mà tu hành thì cuối đời họ thay đổi khá nhiều. Rồi, lên đường lên đường.

 

* Bạn có thể tải file hoặc nghe trực tiếp tại đây