Nhìn bóng là nhìn thấy chính mình

Không như những môn thể thao khác, Wiser ball không chỉ có kỹ thuật và chiến thuật, quan trọng hơn môn bóng này giúp người chơi trưởng thành hơn, trí tuệ hơn như cách mà các bóng thủ vẫn nói “Play Wiser, get wiser”.

Ngày đầu tiên được rủ ra sân bóng, tôi không hề thấy thích môn này. Nhận định lúc đó là môn này ném gần thế, ném trúng dễ thế mà sao lại có thể ném trượt được nhỉ? Tôi ra ném mấy quả lấy lệ, vì biết rằng chơi bóng sẽ được đi xem phim. 

Sau đó do một lời khích chạm tự ái, tôi đã quyết tâm tập Wiser Ball để chứng minh cho mọi người thấy mình nói được làm được, chứ không chỉ là “chém gió”. Chính nhân duyên đó đã giúp tôi học được nhiều điều và trưởng thành mỗi ngày trên sân bóng. 

1. Xoay vào bên trong nhiều hơn mỗi khi gặp cảm xúc tiêu cực

Khi ném bóng trượt ở cự ly 1 mét đến 1,5 mét, tôi thường đỗ lỗi ra bên ngoài: do đội trưởng yêu cầu khó, do bị mất tập trung, do người bên ngoài nói… cầm bóng lên khi trọng tài chưa mời thì nghĩ rằng do trọng tài chậm hay cố tình mời chậm. Tôi khó chịu khi đồng đội không thể ném cứu mình, đặc biệt là ở cực ly 1 mét, vì nghĩ cự ly quá gần làm sao mà ném trượt?!. Đặc biệt, tôi rất khó chịu khi có cảm giác mình là người thừa, là gánh nặng của đội, là “tội đồ” khiến đội thua trận.

2. Nhận ra sự kiêu ngạo, thói quen kiểm soát của bản thân

Vì sợ là người thừa, là “tội đồ” của đội nên lúc nào tôi cũng muốn mình phải là một bóng thủ giỏi, muốn mình luôn được cả đội coi trọng. Với động cơ này, tôi quyết tâm luyện tập siêng năng, nâng cao kỹ thuật. Thực tế là khả năng ném của tôi ngày một tốt hơn, nhưng chỉ ở bên ngoài sân, đến khi vào trận thì tôi thường xuyên ném hỏng. Cảm giác run sợ xuất hiện với tần suất ngày càng dày. Mỗi lần ném trượt, ném hỏng, tôi đều nghĩ rằng do kỹ thuật của mình chưa tốt, nên lại lao vào tập luyện tiếp. 

Dần dần khi kỹ thuật được cải thiện, tôi bắt đầu có cảm giác mình “ngôi sao” của đội. Thậm chí tôi không chấp nhận mất bóng của mình để đổi bóng người khác. Trong trận, tôi chủ quan nghĩ rằng “mình có thể “cân” cả đội, chỉ cần còn mình là đội có cơ hội thắng” – Đáng sợ là bên ngoài tôi không hề nhận ra điều này.

3. Tăng tính chấp nhận

Tâm lý run sợ trong mỗi trận đấu khiến tôi tự đặt câu hỏi “Tại sao khi tập ném hay vậy mà vào trận lại không thể ném trúng? Tại sao không thể ném cứu đồng đội?”. Câu trả lời đó là: Do mỗi lần cầm bóng tôi đều lo sợ nên chỉ muốn thoát khỏi cảm giác đó càng nhanh càng tốt, thế nên cầm bóng lên là mình ném ngay lập tức. Dù kỹ thuật ném bóng có giỏi đến mấy thì cũng không thể vượt qua được điểm yếu tâm lý này. Đỉnh điểm là một tình huống ở giải Quốc gia vừa qua, áp lực trận đấu khiến tôi có thể cảm nhận rõ nỗi sợ chạy khắp toàn thân, từ ngón chân lên tới tay cầm bóng.

Đến thời điểm này thì tôi đã tạm chấp nhận lo sợ là đương nhiên, không thể làm gì được. Khi nó đến thì cố gắng chậm lại 1 – 2 giây, chờ nỗi sợ lắng xuống rồi mới ném. Cảm ơn bóng thủ Nguyễn Hồng Minh Hải đã giúp tôi tập luyện kĩ thuật này. (Nếu bạn nào thích trải nghiệm phương pháp này thì về đội Minh Hải nhé!) Sau đó, tôi tập đối diện với nỗi sợ bằng cách liên tục tự đẩy bản thân vào các tình huống khó, để nhận ra nỗi sợ đến từ đâu, kiên nhẫn chờ nó qua đi rồi ném.

Khi chứng kiến bóng thủ Minh Nguyên tay run run mà vẫn ném trúng bóng ở trận chung kết giải Quốc gia năm ngoái, tôi tự hỏi: “Tại sao họ run như thế mà lại ném trúng, còn mình thì không?”. Tôi mang câu hỏi đi hỏi khắp sân bóng, và cuối cùng đã tìm ra câu trả lời. Đó là vì Minh Nguyên có khả năng chấp nhận để nỗi sợ xâm chiếm và dũng cảm chờ đợi nó qua đi. Còn tôi, nếu có vào hoàn cảnh đó thì chắc chỉ ném cái vèo luôn, chứ không dám ở trong đó bất kỳ giây nào.

Tường Huy trong vai trò đội trưởng đội Răng Rứa mùa giải 2019

4. Đối diện với nỗi sợ để dũng cảm hơn

Chơi Wiser ball cũng giống như làm việc. Tôi áp dụng những bài học từ môn bóng này vào trong cuộc sống và công việc của mình. Tôi làm thiết kế tự do (Freelancer) với mức lương khá tốt. Vì tâm lý sợ bị mất công việc này bởi nó là thứ giúp tôi bám trụ cuộc sống ở Hà Nội, nên tôi luôn làm việc trong trạng thái cực kỳ căng thẳng. Ngày nào tôi cũng làm việc từ 10 – 14 giờ, liên tục như vậy suốt hơn năm với mong muốn tạo được uy tín, giữ được hình ảnh tốt. Nhưng thực tế thì tôi luôn bị chê vì không kịp deadline, thiết kế không đạt chất lượng.

Đến một ngày nhìn lại, tôi nhận ra mình đang làm quá nhiều so với thỏa thuận ban đầu. Tôi mải mê cố gắng chứng minh giá trị của bản thân vì sợ bị thay thế, sợ không kiếm nổi công việc khác…. Nỗi sợ này không khác với sự lo lắng mình trở thành “tội đồ” của đội bóng, không chấp nhận mình ném trượt. Sau khi tập đối diện với nỗi sợ này, tôi đã chấp nhận khả năng mình có thể mất việc. Với tâm thế đó, tôi chủ động trao đổi lại với đối tác, giải thích lí do trễ deadline, chất lượng thiết kết không tốt là do bản thân đã làm nhiều hơn so với thỏa thuận ban đầu. Bây giờ, tôi chỉ làm việc 7 – 8 tiếng một ngày, thu nhập vẫn vậy mà lại nhận được lời khen và sự hài lòng của đối tác. 

5. Tăng khả năng làm việc nhóm

Nhờ Wiser ball, tôi nhận ra mỗi người, ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Ví dụ, người có tâm lý tốt chỉ có khả năng ném ở cự ly gần, có người lại chỉ ném xa tốt… Nên ở vị trí đội trưởng, tôi tập nhìn ra điểm mạnh của từng người để đặt họ vào vị trí tốt nhất. Trong công việc cũng không khác, việc phân công dựa vào điểm mạnh/ điểm yếu của mỗi thành viên thì công việc của cả nhóm được hoàn thành tốt hơn. Nhờ đó, tôi cũng học được cách quan tâm đến mọi người và tăng khả năng chấp nhận người khác.

Đội Răng Rứa mùa giải 2019

6. Biết đặt niềm tin vào đồng đội

Khi chơi bóng, tôi cũng học được cách đặt niềm tin vào đồng đội. Ngày trước, khi đồng đội ném trượt, nhiều lúc tôi tỏ ra khó chịu, thậm chí có lúc mất hẳn niềm tin vào bóng thủ đó và không cho họ cơ hội. Tôi mặc nhiên cho rằng họ không có khả năng chơi bóng như tôi muốn.

Nhưng khi nhìn lại quá trình chơi bóng của mình, tôi nhận ra tiến bộ tôi có được hôm nay là nhờ các anh/chị/em đi trước liên tục động viên, giúp đỡ. Dù ở vị trí nào, từ bóng thủ đến vai trò đội trưởng, tôi đều được mọi người tạo cơ hội, dù mình đã rất tệ. Tôi nhận ra, mình chưa bao giờ đặt niềm tin vào người khác, mỗi khi ra lệnh ném bóng là một lần mang theo kỳ vọng của bản thân, để thõa mãn chính mình, mà không hiểu rằng trúng hay không thì đồng đội đã cố gắng làm đều tốt nhất trong khả năng của họ tại thời điểm đó rồi. Thay vì khó chịu, hãy cùng nhau xem tiếp theo chúng ta có thể làm điều gì tốt nhất cho đội.

7. Không thể giúp người khác điều mà mình không có 

Trong trận đấu, tôi rất dễ nhận ra đồng đội của mình đang run hay đang mất bình tĩnh. Luc đó, tôi thường xin trọng tài 1 phút để đội viên có thời gian chậm lại, nhờ đó mình có thể động viên bằng lời nói hay hành động để các bóng thủ lấy lại được bình tĩnh, cảm thấy an tâm, cho dù ném trúng hay trượt cũng luôn có cả đội đồng hành.

Vậy mà có không ít tình huống đứng trước bóng, tôi rất run và lo lắng nhưng lại không thể xin 1 phút, thế là ném lỗi. Tôi nhận ra mong muốn giúp mọi người, lên tinh thần cho mọi người khi chính mình vẫn còn lo lắng, sợ hãi là một điều hoàn toàn ảo tưởng. Bài học tập đối diện này vẫn còn là thử thách tôi cần rèn luyện nhiều hơn nữa. Hẹn gặp các bạn ở sân bóng trí tuệ để chúng ta cùng trở nên wiser nhé!

Facebook Wiserball Hà Nội