Một học trò hỏi thầy Trong Suốt: “Thưa Thầy, con biết là muốn giải quyết cái khổ thì mình phải bỏ bám chấp. Nhưng con thấy rất khó để bỏ bám chấp. Muốn bỏ bám chấp thì mình phải phá nhầm lẫn, sửa nhầm lẫn, vô minh. Nhưng vô minh nhiều quá thì làm sao hết vô minh để mình thoát được khổ, thưa Thầy?
Thầy Trong Suốt trả lời: Câu hỏi rất hay, đúng không? Nhưng làm thế nào? Tôi nhiều nhầm lẫn như thế này thì phải sửa cái gì, sửa thế nào? Rất dễ thôi! Mình phải sửa từ những nhầm lẫn căn bản. Có những nhầm lẫn căn bản mà mọi người sửa xong thì chắc đến 80% là đời mình hết khổ. Ví dụ thế nào là nhầm lẫn căn bản?
- Không hiểu rằng mọi thứ vận hành do nhân quả
Nhầm lẫn đầu tiên là không hiểu về nhân quả. Nghĩ rằng mọi thứ xảy ra trên đời này là do quyết định của tôi, tôi làm nó xảy ra, quên mất rằng do nhân quả làm. Mọi thứ vận hành do nhân quả, không phải do bạn quyết định. Nếu bạn hiểu điều đấy thì khi mọi thứ đến rồi đi, thay vì mình trách mình hoặc là tự khen mình: “Sao mình giỏi thế nhỉ? Mình kiếm được rất nhiều tiền!”, thì lúc đấy hãy nhớ rằng đó là nhân quả làm. Khi mất tiền hay người yêu bỏ đi, mình trách người ta thì mình nhớ là: “À không, đây không phải là lỗi của người ta. Đấy là nhân quả làm”. Căn bản về nhân quả là một căn bản rất tốt. Nếu hiểu đúng về nó thì giải quyết được 80% các loại đau khổ.
Nhân quả là nguyên lý căn bản của vũ trụ vận hành. Nhưng mình không biết hoặc mình không tin, nên mình không làm theo, không nghe theo, không vâng phục được nó. Vâng phục được nhân quả là một ví dụ.
2. Không hiểu mọi thứ là vô thường, thay đổi liên tục.
Hiểu biết thứ hai là vô thường. Mình cứ cho mọi thứ trên đời là tồn tại mãi mãi, không biến đổi bao giờ, nên mình rất hay bực bội khi mọi thứ xảy ra. Mình phải hiểu mọi thứ là vô thường, nghĩa là luôn luôn biến đổi, thay đổi liên tục. Nếu không có vô thường thì không có mùa màng để cho mình ăn luôn, cây cối không thể ra quả được mà cứ thế đứng yên một chỗ, cây không ra quả, lúa không lớn được. Thậm chí nếu không có vô thường thì người ta chẳng yêu mình được. Người ta đang yêu người khác và sẽ không bao giờ yêu mình. Hoặc nếu người ta đang không có ai thì người ta cũng chẳng yêu mình.
Vô thường là nguyên tắc căn bản để mình sinh tồn mà mình không biết, mình lại muốn mọi thứ phải thường. Mình muốn có là phải có mãi, không mất được. Sức khỏe có phải có mãi. Tiền bạc có phải có mãi. Tình cảm có cũng phải có mãi. Như vậy là mình không hiểu về vô thường. Những cái vô thường thì mình cho là thường, cho là nó cứ thế mãi, thế nên mình khổ.
Như vậy, chỉ cần hiểu hai điều căn bản đấy thôi, chưa cần phải đi quá xa – hiểu vô thường và nhân quả, là 80% các loại đau khổ tan ngay rồi.
3. Niềm tin có một cái tôi.
Thế 20% còn lại giải quyết thế nào? 20% còn lại đến từ việc mình tin rằng có một cái tôi. Mọi người hay nói là cái tôi của mình đấy. Niềm tin rằng có một cái tôi thực sự đứng sau cái thân thể và suy nghĩ này tồn tại. Cái đấy phải giải quyết. Giải quyết xong thì cho dù người ta có chửi mình, mắng mình, đánh đập mình, mình cũng không thấy có ai bị mắng chửi, bị đánh đập, nên không thấy khổ nữa. Những đau khổ mạnh mẽ hơn như đau ốm, bệnh tật… cũng sẽ hết luôn. Như vậy cả những đau khổ rất lớn như bị ung thư, bị tai nạn hay rủi ro cũng hết luôn, không kèm đau khổ nữa.
Đấy, nếu như mình thấy được vô thường, nhân quả và không có cái tôi – nhà Phật nói là “vô ngã”, thì sẽ hết sạch khổ, chẳng có tí khổ nào. Đấy là lạc đấy!
4. Tin rằng thế giới là có thật.
Nhưng nếu mình muốn đi xa hơn để giúp người khác, giúp tất cả những người xung quanh mình, mình phải giỏi hơn cái đấy nữa. Mình phải hiểu được bản chất của thế giới là cái gì, nó vận hành như thế nào và nó thực sự có hay không.
Khi mình có những hiểu biết sâu sắc như vậy, mình còn phá tan bám chấp vào thế giới, vì mình thấy nó không có thật. Và mình có thể giúp được người khác vô cùng khéo léo, vì mình không còn khuôn mẫu nào ngăn cản.
Những nhầm lẫn căn bản đấy nếu giải quyết được thì hết đau khổ, an lạc, giúp được cho người khác.
Trích trà đàm “Nhập thế, lạc mà không lạc”, tp HCM tháng 05/2017