Sống hạnh phúc, chết bình an (Hà Nôi, 2012)

 

Tại sao lại là sống − chết? Tại vì sự sống và cái chết thì luôn đi đôi với nhau. Nếu chúng ta thực sự hiểu cái chết thì chúng ta sẽ sống đúng đắn hơn.

I. Điều gì thực sự xảy ra trong và sau khi chết?

1. Chia sẻ về cái chết của người thân

Bạn Tùng: Đầu tiên, anh Quang sẽ chia sẻ với chúng ta về những trải nghiệm của anh khi trải qua sự ra đi của người thân.

Anh Quang: Xin chào các anh chị, tôi là Phạm Ngọc Quang, 40 tuổi. Vừa rồi thì tôi có một trải nghiệm rất là thú vị. Cách đây đúng hai tuần, chúng tôi xem một video clip về cơ thể con người phát triển như thế nào. Một điều rất là kì lạ là sau khi chiếu xong phim này thì chắc là đúng lúc ấy bố tôi mất, khoảng 10 phút sau mẹ tôi điện bảo: “Ông không thở được rồi”. Rất may là có anh Trong Suốt với anh Tùng đến và niệm Om Mani Padme Hum, bản thân tôi cũng niệm. Đây là lần đầu tiên tôi niệm câu thần chú đó, và tôi tự nhiên cảm thấy rất nhẹ nhàng. Thực ra, hồi đấy mình không có một chút gì là sợ cái chết cả. Mình không hiểu vì sao nhưng mà thấy nó rất thanh bình.

Sau đó thì đám tang diễn ra. Lúc đó trong nhà có rất nhiều quan điểm. Chị dâu tôi thì mời ngay một thầy cúng về. Thầy bảo: “Ôi, vụ này là nặng rồi! Thật ra thì tôi có thể cố gắng hết khả năng, nhưng hoàn toàn tuỳ thuộc vào hồng đức của gia đình”, vì trùng tang ba lần gì đấy, v.v…Khi đó cả nhà phải đối diện với một cái gọi là “không biết”. Không biết thế giới bên kia nó xảy ra cái gì. Chỉ biết ông thầy bảo là có vong thế này, có vong thế kia, bắt người này, bắt người kia. (Cười)

Trong một quãng thời gian ngắn tôi đã cảm nhận được rất nhiều cả về cái sống và cái chết. Liệu là có thế giới bên kia không? Ví dụ ông thầy cúng bảo là: “Bây giờ chỉ cần lên chùa Hàm Long, nếu bị tang trùng, một cái lễ cúng đấy mất trăm triệu, làm lễ cúng 35 hoặc 49 ngày chỉ 50 triệu. Và thật ra nhà tôi  ông chú cũng làm cái đấy rồi, cúng mất trăm triệu, cúng cả ngày. Mà ông thầy, ông ý cúng xong lập tức ông ấy có một đám khác, ông ấy lại đi tiếp.

Cái việc trả lời “Có thế giới bên kia không?” nó rất là thiết thực, nó liên quan đến tiền bạc chứ không phải là đơn giản. Và liệu có tang trùng hay không, và có bị bắt không?

Ví dụ như ông nhà tôi – chị dâu thì bảo là hai anh em sau 6 giờ đừng đi ra khỏi nhà, nhất là đừng đi qua bãi tha ma, rất dễ bị mang đi. Lúc đấy là quân đi tuần thể nào cũng bắt. Nếu mình tin thì rõ ràng mình sẽ phải hành động kiểu khác, đúng không ạ?

Và nữa là bây giờ liệu có vong? Mọi người bảo là bây giờ cúng thì vong sẽ về, và vong có thể ảnh hưởng đến người sống. Có người thì bảo là trần sao thì âm vậy. Tức là mình sẽ phải đốt vàng mã để ở dưới đấy họ tiêu tiền như ở trên này.

Thật ra thì tôi cũng bán tín bán nghi. Tôi nghĩ là có thế giới bên kia, nhưng cái thế giới bên kia họ tổ chức thế nào, hoặc là có những quy luật như thế nào, có thể những quy luật đấy hoàn toàn khác với những quy luật mà thế giới chúng ta đang sống.

Thầy Trong Suốt: Có lẽ mời cô Hồng – mẹ của bạn Bảo Châu trong nhóm Bồ Đề Tâm, cô Hồng chắc chắc là có nhiều kinh nghiệm hơn về vấn đề chết.

Cô Hồng: Thực ra đề tài về sống và chết lớn lắm, không thể nói hết được! Mình đang sống đây nhưng đồng thời cũng chuẩn bị cho cái chết. Nếu như người không hiểu thì coi cái chết là điều rất đáng sợ, nhưng với người tu, cái chết là cơ hội rất lớn, lớn lao nhất trong đời. Nếu ai tận dụng được thì coi như được chuyển hoá. Bởi vì khi cái chết đến, mọi thứ đều trở nên rất mãnh liệt. Nếu nghĩ đến cái xấu thì có thể gây ra những tác hại mãnh liệt. Nếu khi ấy tâm trong sáng, nghĩ đến những điều bình an thì lợi lạc vô cùng lớn.

Mình xin chia sẻ trường hợp của mẹ mình. Bà, rất may, cũng là một người tu Phật. Bà tu trước, mình vì đưa đón bà thì cũng vào tu luôn cùng với bà. Mẹ mình tu lúc bà đã bảy chục rồi, nên là gần chục năm tu thì cụ chỉ có mỗi câu Om Mani Padme Hum thôi. Đến khi mất cũng chỉ nghe băng và tụng câu đấy nhưng cũng có những cái lợi lạc. Đây là những kinh nghiệm thực tế mà chính mình đã trải qua. Nó để lại cho mình những cảm xúc rất lâu.

Mẹ mình đã có những chuẩn bị rất cụ thể: cụ di chúc lại hết tiền bạc, nhà cửa, đất cát cho con cái. Bản thân cụ và con cái hoàn toàn thoải mái. Cụ cũng di chúc về cái chết của cụ tổ chức như thế nào, hộ niệm thế nào, cúng chay và hoả thiêu ra sao. Về việc hoả thiêu, ngoài mình và Bảo Châu, con gái mình, thì các cô dì chú bác đều phản đối. Nhưng bà cũng tìm cách để con cái đồng ý với ý nguyện của bà. Trong giáo lý của Phật giáo nói là thân trung ấm nhạy cảm hơn 7 lần so với người thường là có thân tứ đại này che chắn. Nên nếu con cái mà khóc thì mỗi giọt nước mắt giống như là một viên đá, tảng đá “ném” vào, rất là đau đớn, không thể nào dứt mà ra đi được. Cho nên tuyệt đối không được khóc ở chỗ các cụ nằm.

Lúc bà mất, mình có gọi điện cho một vị thầy nhờ hộ niệm cho bà. Đồng thời mình cũng tụng cho bà câu chú Om Mani Padme Hum. Bởi vì giữa hai mẹ con có mối liên kết vừa là ruột thịt, vừa là bạn đạo nữa, thành ra bà rất là tin tưởng. Lúc ấy mình nhớ là các em ai mà khóc thì ra ngoài khóc, lau nước mắt rồi vào. Còn mình thì lúc ấy rất bình tĩnh, và làm đúng theo lời thầy dặn. Không biết là bà có được siêu lên trên không, nhưng ai cũng rất ngạc nhiên vì khi niệm xong, người bà thì vẫn gầy nhưng khuôn mặt rất là tròn trịa. Ai đến cũng ngạc nhiên, bởi vì trước đấy mọi người đã vào thăm bà ở nhà, ở bệnh viện thấy mặt xám quắt lại, da bọc xương. Còn bây giờ ai cũng có cảm giác mặt bà hồng hào, đầy đặn, rất là tươi tỉnh, cứ như là bà đang nằm ngủ chứ không phải là mất rồi.

Thì có thể nhận xét qua những cái bên ngoài đấy thôi. Sau đó mình được các thầy dạy cho là trong vòng 49 ngày, khi ở thân trung ấm như thế, thì không ăn được. Nhiều gia đình cúng các món sơn hào hải vị, về mặt đời thì thể hiện tình cảm của người con đối với cha mẹ rất là tốt, nhưng thực tế là các cụ lúc ấy chỉ hưởng được mùi hương, hoặc mùi thức ăn thôi. Thì sau đấy các con cúng đồ chay cho cụ. Gia đình cảm thấy thoải mái và bình an lắm, không có cái gì nặng nề, đau khổ cả.

Từ bấy đến giờ là gần một năm rồi, nhưng các em không ai mơ thấy bà về. Hồi bố mất cách đây mười mấy năm thì còn thấy ông về. Thế nhưng không thấy bà về, thì hi vọng là bà đã được tái sinh, không dám hi vọng là lên được cõi Tịnh độ, nhưng mà mình nghĩ là không đến nỗi phải xuống những cõi tái sinh quá thấp.

Đấy là kinh nghiệm mình rất nhớ. Và mình cũng hi vọng là đến lượt mình thì mình sẽ rút được kinh nghiệm, chuẩn bị tốt hơn. Bây giờ nói chuẩn bị cho cái chết, lứa tuổi như của mình ấy, thì rất là bình thường, nhưng với các bạn đang trẻ thì có thể nghe nó hơi lạ, nó hơi sớm quá. Thế nhưng không bao giờ là sớm cả.

Tu cũng không bao giờ là muộn, mà chuẩn bị cho cái chết không bao giờ là sớm. Bởi vì các bạn đã biết vô thường, không biết thế nào, hôm nay ngồi đây nhưng mà mai chưa biết được. Nhưng mà mình hiểu về cái chết và mình tu thì thấy được bất cứ khi nào cái chết nó đến, mình đều bình thản, tự tại và chết một cách bình an.

Bạn Tùng: Rất cảm ơn cô Hồng! Mời chị Bảo Châu chia sẻ thêm cho mọi người những kinh nghiệm về việc chuẩn bị cho cái chết mà chị học được theo truyền thống Phật giáo Nguyên thuỷ.

Bạn Bảo Châu: Thực ra, mình xin chia sẻ những điều mình ghi chép được từ hôm đi dự buổi giảng của Ngài Tam Tạng thứ 7 ở Miến Điện. Mục tiêu quan trọng nhất đối với Phật giáo Nguyên Thuỷ là giúp cho người lâm chung đi vào cái chết phát được tâm hoan hỉ và niềm tin tưởng vào Đức Phật.

Những việc như cúng dường hoặc thỉnh tượng Phật, hình Phật để ở trước đầu của người mất, hay cúng dường hương, hoa quả và đèn thay mặt người sắp lâm chung để giúp họ có tác ý cúng dường lên chư Phật thì trong tâm của họ sẽ khởi lên một cái gọi là niệm hoan hỉ, hay niệm thiện. Với niệm thiện đấy thì người ta sẽ không bị sợ hãi khi các cảnh tượng xuất hiện trong tâm khi họ chuẩn bị đi vào cõi chết, và nó trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Ngoài ra, những người thân nên sám hối, hứa hẹn làm việc tốt hoặc tác ý cầu nguyện đối với người chết thì sẽ giúp người chết được an lạc. Hơn nữa, làm các thiện nghiệp như phóng sinh, hay làm việc thiện giúp những người khổ và hồi hướng cho người mất thì sẽ giúp cho người chết, người sắp lâm chung được hoan hỉ. Ngoài ra thì niệm Phật cũng rất là tốt. Nếu như người mất không bị hôn mê mà biết được những người xung quanh đang niệm Phật thì người mất sẽ rất là hoan hỉ. Và nhờ cái tâm hoan hỉ đấy, khi họ bước vào hành trình mới trong cõi trung ấm thì họ sẽ được tái sinh lên những cõi thiện, những cõi an lạc rất là lớn.

Ở Myanmar thì gia đình người sắp chết thường mời các chư tăng tụng kinh để trợ duyên cho họ trước khi lâm chung. Ngài cũng nhấn mạnh điều quan trọng nhất là giúp cho người mất phát tâm hoan hỉ và phát thiện căn trước khi đi vào cõi chết. 

2. Hiểu đúng về cái chết

Thầy Trong Suốt: Ở đây mọi người có thể trao đổi thôi. Có ai có câu hỏi, có ý tưởng gì hay suy nghĩ gì không ạ? Quang có hỏi gì không?

Anh Quang: Tôi cũng không phải người theo đạo Phật, mặc dù là tôi thích đạo Phật. Tôi thích quan điểm tiếp cận theo nhiều chiều. Ví dụ, người phương Tây không theo những truyền thống như ở Tây Tạng, thì khi đó, những linh hồn của họ có siêu thoát không? Và bằng chứng là các nước phương Tây rất phát triển, đúng không ạ? Hay là những người ở Tây Tạng khi siêu thoát thì kiếp sau lại sang phương Tây sống? (Mọi người cười).

Qua việc đấy thì tôi thấy là rõ ràng cơ thể con người là một khối năng lượng. Năng lượng nó tạo thành một cái có hình dáng con người, có vật chất và có những năng lượng vô hình. Khi chúng ta mất đi thì một giây trước cơ thể chúng ta vẫn còn thở, một giây sau trái tim ngừng đập rồi. Vậy thì về phần xác rõ ràng nó không thay đổi, trong một thời gian vài giây nó không thay đổi tí nào, đúng không ạ? Nhưng theo định luật bảo toàn năng lượng, lúc trước có linh hồn, cơ thể vẫn còn suy nghĩ được, lúc sau không suy nghĩ được. Vậy thì chắc chắn là nó sẽ biến đổi đi đâu đấy.

Tôi cũng là người khoa học, tôi thấy là vậy thì năng lượng của mình sẽ biến đổi. Còn tâm thức đấy, nó còn cảm nhận được cuộc sống, cảm nhận được những người đang sống hay không thì thực ra tôi thấy rất là khó. Ví dụ mẹ bác Hồng mất chẳng hạn, lúc trước mẹ của bác không nhận thức được, mà sau khi mất đi thì lại nhận thức được, thì cũng khó. Hoặc tôi thấy có người bảo là trần sao âm vậy, có người trước khi chết thì đau tim, và lúc gọi hồn lại thì vẫn đau tim. Tức là cô hồn bảo: “Ôi giời ơi tại sao là ngực tôi đau thế này!”. Thì thực ra có rất nhiều điều muốn hỏi mọi người.

Thầy Trong Suốt: Câu hỏi rất hay đúng không ạ? Những nguyên lý đấy đúng với tất cả cuộc sống bình thường, thành ra xin chia sẻ cách nhìn mà mọi người dễ tiếp cận hơn.

Một cách tiếp cận cực kì đơn giản là: mình không chỉ có thân thể này, mà còn có phần tâm thức. Khi mình sinh ra thì cái tâm thức này sử dụng cái thân thể vật lý để nó phát triển và nó trải nghiệm các kinh nghiệm. Cái thân thể đấy thì có sinh có diệt. Sau một thời gian nhất định thì hoặc là ốm bệnh, hoặc gặp tai nạn, cái bộ máy đấy nó sẽ bị hỏng. Giống như một bộ đồ mặc lâu, sử dụng nhiều ngày thì nó sẽ mòn, cỗ máy đấy nó sẽ hỏng. Đến thời điểm nó hỏng, không dùng được nữa thì gọi là “Cái chết”.

Thân thể giống như một bộ đồ, mặc lâu, sử dụng nhiều ngày thì nó sẽ mòn, cỗ máy đấy sẽ hỏng.

Đến thời điểm nó hỏng, không dùng được nữa thì gọi là Cái chết.

3. Sau khi chết, thần thức đi đâu?

Sau khi chết, cái thần thức đấy sẽ tiếp tục đi tìm một cái thân thể khác để nó tiếp tục có những trải nghiệm. Cái đấy đúng! Không cần tôn giáo, phương Tây họ cũng tin điều đấy. Họ tin là chết thì về với Đức Chúa hoặc là xuống địa ngục, v.v… Nghĩa là, vẫn có cái gì đấy chạy đi chứ không chỉ có thân xác này.

Thế thì nó chạy đi đâu? Ví dụ, những người theo đạo Phật thì tin có những cõi Phật, đúng không ạ? Có bốn điều kiện quyết định là nó chạy đi đâu.

Nó chạy đi đâu hoàn toàn là do nghiệp lực của nó. Ví dụ, lúc sống mình làm những điều rất xấu như giết người, cướp của, lừa đảo, thì tâm thức của một người giết người, cướp của, lừa đảo rất nặng nề. Nó đầy các vấn đề của nó và nó sẽ tìm đến cái tâm thức tương tự như vậy. Tập hợp của những tâm thức tương tự như vậy gọi là một cõi. Giống như chúng ta ngồi đây vì chúng ta có tâm thức của con người. Tâm thức con người kéo chúng ta đến một cõi mà chúng ta gặp rất nhiều người, rồi có nhà cửa hình vuông, hình tròn này, v.v…

Tương tự như vậy, tâm thức nào sẽ tìm đến cõi như vậy. Sau khi nó ra khỏi thân xác này, nó đi đến cái cõi, cái nơi có thứ giống nó. Nên cái tâm thức giết người, cướp của, v.v… thì nó xuống chỗ có những người giống như vậy, gọi là Địa ngục. Hay cái tâm thức tử tế, tốt bụng, tốt lành thì được lên một chỗ tương tự như vậy, đó là cõi Trời. Tương tự, cõi Người này cũng thế thôi, họ sẽ đi về cõi phù hợp với họ. Lúc họ sống mà họ tin vào Phật và họ sống có đủ nghiệp lực tốt thì họ lên được chỗ có Phật. Tương tự, nếu tin vào Chúa thì họ lên được chỗ có Chúa gọi là Thiên đường.

Như vậy, một trong các điều kiện để biết nó (người ta gọi là linh hồn, hay Phật giáo gọi là thần thức) đi đâu liên quan đến việc nó có niềm tin nào và nó có nghiệp lực nào đẩy đi.

Niềm tin như chúng ta biết thì có thể tin vào Phật, tin vào Chúa, hay là tin vào các loại niềm tin.

Nghiệp lực có ba loại:

  1. Các nghiệp lực của các đời trước;
  2. Nghiệp lực của đời này – nghiệp lực của tất cả các việc làm của đời này;
  3. Nghiệp lực lúc chết – gọi là cận tử nghiệp – nghiệp lúc đối diện với cái chết họ như thế nào.

3 cái nghiệp đấy cộng hưởng với nhau và nó dẫn người ta đến chỗ phù hợp nhất với tâm thức đấy. Ví dụ như đời này, họ làm rất nhiều điều tốt thì giống như một cái cây ấy – cái cây nó nghiêng sang bên phải thì khi đổ, sẽ có khả năng nó đổ sang bên phải rất cao, đúng không ạ? Cái cây nó nghiêng sang bên phải thì khi người ta chặt bên trái, nó vẫn đổ về bên phải. Nếu đời này làm nhiều việc tốt thì rất dễ là cái thần thức đấy nó nhiều điều trong lành, nó sẽ tìm đến cái chỗ trong lành hợp với nó. Ngược lại, nếu đời này làm điều xấu, cái cây nó nghiêng trái thì cố kéo sang bên phải nhưng nhiều khi nó vẫn cứ đổ về bên trái. Nó tìm đến chỗ mà thần thức cũng thích ác độc, cũng thích làm điều xấu, nó đến chỗ đấy. Đó là cái nghiệp lực của đời này.

Nhưng nhiều khi nghiệp lực không chỉ có một dòng của đời này, mà nó còn những đời trước. Những đời trước mà có những nghiệp lực khác đủ tốt, đến thời điểm nó chín rồi thì nó sẽ dẫn thần thức đến chỗ phù hợp với điều đấy. Ví dụ đời này mình sống bình thường, nhưng đời trước mình cứu rất nhiều người, nếu nghiệp cứu người đấy chín thì mình cũng được cái nghiệp lực tốt dẫn mình đến chỗ tốt hơn.

Nghiệp thứ ba: Cận tử nghiệp là nghiệp mà lúc nãy chúng ta vừa nói, là trước khi chết thì nên phát tâm như thế nào, không nên lo lắng hoảng sợ, không nên bám víu, v.v… Thì cái nghiệp lúc mình sắp chết ấy, nó cũng rất quan trọng. Vì tuy rằng nghiệp đời trước và đời này đã xảy ra, nhưng mà nó xảy ra trước lúc đấy rồi, nó không trực tiếp bằng ngay lúc người ta đối diện cái chết.

Ví dụ lúc đấy ta nghĩ rằng: “Tôi không thể bỏ đi được vì bao nhiêu con cái tôi còn đông thế này, tài sản tôi còn nhiều thế này, tôi phải ở lại xem con tôi nó lớn lên như thế nào, tài sản tôi được chia như thế nào?”, thì cái nghiệp đấy rất là mạnh mẽ, nó giữ họ ở lại chỗ này luôn!

Khi họ mất thân xác rồi thì họ sẽ biến thành một loại thần thức không có thân xác nhưng rất muốn thử lại cảm giác sống, thử lại cái vui buồn, được ăn ngon, được có tình cảm, v.v… Đấy là thần thức của cái gọi là: “Tâm thức mà thiếu thân xác nhưng lại đói khát cái cảm giác của thân xác – thì đấy là loại tâm thức không tốt. Tại vì họ sẽ không bao giờ hưởng thế được, họ đã mất thân xác rồi mà, họ quanh quẩn ở đây để muốn hưởng lại.

Như người say rượu thì muốn hít cái hơi rượu; người có một công trình xây dựng dang dở thì muốn xem công trình ấy xây như thế nào; người có kẻ thù thì muốn đến gần nhà kẻ thù xem nó có bị chết, có bị sao hay không… Thì đấy gọi là vong, gọi là ngạ quỷ đấy. Ngạ là đói – quỷ đói, đói khát cảm giác sống, cảm giác như thế này. Thậm chí có những người chết rồi vẫn muốn người ta tôn vinh. Có loại ngạ quỷ muốn tôn vinh, chỉ mong người ta thờ cúng mình, lễ lạy mình, v.v… Cũng là ngạ quỷ nhưng có nhiều loại khác nhau, để nói rằng đấy là một loại thần thức.

4 điều kiện quyết định thần thức đi đâu sau khi chết:

1. Nó có niềm tin nào?

2. Các nghiệp lực của các đời trước đẩy đi

3. Nghiệp lực của tất cả các việc làm của đời này đẩy đi

4. Cận tử nghiệp – Nghiệp lực lúc đối diện với cái chết.

4. Hiểu đúng về sáu cõi luân hồi

Nhà Phật thì gọi là tạm chia ra sáu cõi khác nhau. Mình không nên hình dung cõi là những mảnh đất trên đấy có nhà cửa, đất đai, mà đấy là một kiểu tâm thức. Kiểu tâm thức đấy nó tập hợp với nhau ở một chỗ như vậy. Đặc biệt là tâm thức ở những cõi cao thì có khả năng sinh ra vật chất. Nên khi mất vật chất này rồi nhưng tâm thức nó hoàn toàn có thể sinh ra một cái thân, hoặc thành quách, nhà cửa như ý muốn của nó.
* Ý sinh thân
Bây giờ quay lại chuyện anh Quang, vì sao chết rồi vẫn đau tim? Bởi vì khi mình chết xong thì thần thức đấy tiếp tục sinh ra một cái thân gọi là “ý sinh thân”. Cái thân đấy là cái thân tâm lý, không phải thân vật lý. Và cái thân tâm lý đấy có đầy đủ các yếu tố của người mà nghĩ rằng họ như thế nào. Giống như cái người nghĩ là tôi đang đau tim thì vẫn đau tim. Nhưng nếu có một ông thầy cao siêu nào bảo là: “Anh hết đau rồi!”, mà tin ấy, thì lập tức ông ấy khỏi luôn, khỏi ngay ở trong cái thân đấy luôn.

Cõi người này, từ lúc đau cho đến lúc hết đau, phải trải qua rất nhiều khó khăn, nhưng mà cái thân do ý sinh ra hoàn toàn như vậy đấy, chỉ cần họ tin họ hết đau là họ khỏi đau luôn. Có người cụt đầu chẳng hạn, đi tìm: “Trả đầu cho ta!”, nói là: “Ông mọc đầu rồi” là mọc đầu thực sự nếu ông ấy tin điều đấy. Vì ý nó sinh được cái thân như vậy.

Rất nhiều cõi là do ý sinh. Cõi này cũng là do ý sinh nhưng mà chúng ta khó kiểm nghiệm hơn thôi. Những cái mà chúng ta sờ được đây này cũng là ý sinh ra, nhưng tất nhiên chỉ trong thiền định ta mới nhìn thấy điều đấy, chứ bình thường thì nó rất là thật, bên ngoài chúng ta. Nhưng mà có những trạng thái thiền định chúng ta thấy nó không khác gì chúng ta cả, nó là một với chúng ta luôn. Thì quay lại là, thần thức sẽ đi rất nhiều cõi khác nhau, và nói chung là có những cõi khổ, có những cõi sung sướng.
* Ba cõi thấp (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh)
Cõi khổ gồm có những cõi, ví dụ, như địa ngục. Đấy là nơi mà người ta phải chịu quả báo của những nghiệp vô cùng xấu của họ. Ở đấy có tra tấn, đói khát, lửa đốt, v.v… Đấy là cõi khổ nhất. Chúng ta thấy là ở tất cả các tôn giáo đều nói về địa ngục cả.

Cõi thứ hai là cõi ngạ quỷ. Nghĩa là thần thức mất thân xác rồi, nhưng nó vẫn muốn hưởng lại cái cảm giác có thân xác. Không có cách nào thoát ra khỏi trạng thái đấy cả. Họ tiếp tục u buồn, tiếp tục lo lắng, tiếp tục thèm khát các cảm giác sống. Chúng ta hay thấy ở Việt Nam mình có những cái vong nhập vào người ấy. Vong đấy là ngạ quỷ, vẫn muốn có lại cảm giác thân người để được nói, phán vài câu; hay có những người có thân người chỉ để được ăn cái gì đấy; hay có người có thân người xong lại chỉ muốn tự tử thôi, vì lúc chết uất ức quá không siêu thoát được.

Cõi thứ ba là cõi súc sinh, nghĩa là những con vật xung quanh chúng ta, con vật, con chó, con mèo, con ruồi, con gián, v.v… Đấy cũng là một cõi. Ở cõi đấy thì cũng rất nhiều đau khổ và luôn luôn sống trong trạng thái sợ hãi. Đó cũng được gọi là cõi thấp.
* Ba cõi cao (Người, Atula, Trời)
Ba cõi cao gồm có cõi người, là cõi chúng ta đang ngồi ở đây này. Cõi người thì có cả cơ hội để hưởng sung sướng, hưởng đau khổ. Đặc biệt hơn nữa là có cái thân để cho cái tâm nó ổn định. Cái thân này của chúng ta có một tác dụng rất tốt để làm tâm chúng ta tương đối ổn định. Những cõi thấp ấy thì luôn luôn dao động và không thể ổn định tâm được, nên có một cái thân cũng rất là tốt.

Ở trên một cõi cao hơn là cõi Atula – là cõi của những vị trời nhưng trong lòng đầy ghen tị, họ tiếp tục đánh nhau, tranh giành quyền lực với những vị ở cõi cao hơn. Ở đây những ai đọc thần thoại Hy Lạp ấy, thấy có các vị Titan, thì đấy là một kiểu dấu hiệu như vậy, suốt ngày muốn chiếm đỉnh Olympia để tranh giành quyền lực với các vị trời ở phía trên. Và cõi Atula khi đánh nhau mà thua thì họ cực kì khổ sở, nhưng họ cũng có nhiều thần lực. Ví dụ họ không có kiểu đau đớn bệnh tật như cõi người này. Những cõi cao hơn cõi người thì bắt đầu là thân của họ không còn nặng nề, bệnh tật như cõi người nữa, nhưng mà tâm của họ vẫn còn vấn đề.

Cao hơn cõi Atula là cõi trời. Ngọc Hoàng, Thượng đế rồi… phim Tôn Ngộ Không đấy. Đấy là những cõi cao.

Thế thì sáu cõi này, nghiệp lực nó dẫn thần thức đi đến những cõi đấy và nó trải nghiệm thêm kinh nghiệm ở cõi đấy. Hết cõi này thì, do bốn loại nghiệp đấy, lại tiếp tục dẫn nó đi cõi khác, liên miên không dứt.

Một số cõi, như cõi người và cõi thú thì thân và tâm tương đối độc lập với nhau. Tương đối độc lập thôi, vì cõi người này có nhiều người có thể dùng tâm để thay đổi cái thân vật lý của họ được. Đấy, bệnh tật có thể dùng tâm để chữa là vì thế. Ít nhất là nó tương đối vững chắc, độc lập. Còn có những cõi thân với tâm là một, nghĩa là tâm nghĩ về cái gì thì thân nó thành như thế. Thì những cõi đấy là những cõi thấp, rất khổ sở. Cõi cao thì sung sướng.

Đấy là quan điểm chung. Ví dụ Việt Nam thì tin là có âm phủ. Đấy, “trần sao âm vậy” là như vậy. Cái niềm tin của người Việt Nam là chết xuống âm phủ, và chỗ đấy giống như trên này. Loại niềm tin đấy làm cho người ta rất khó giải thoát. Niềm tin đấy có cái rất dở là người ta sẽ tìm đến cõi âm phủ thật.

Cõi là gì? Là tập hợp của những người có cùng niềm tin. Thế nên họ sẽ đến cái cõi âm phủ nếu như họ tin. Và ở đấy họ cũng trải nghiệm, bởi vì là ý sinh thân và ý sinh ra nhà cửa, vật chất, thì sẽ có nhà cửa vật chất giống như lúc họ đang sống. Họ tưởng tượng những cái đấy, họ sinh ra những cái đấy. Họ trải nghiệm kinh nghiệm đấy đủ lâu thì nghiệp lực tự hết, họ lại đi chỗ khác.

Thế thì cái niềm tin âm phủ đấy, có khả năng rất cao là làm cho người ta không có được tái sinh tốt đẹp, vì người ta kẹt ở dưới âm phủ, nên đấy không phải là niềm tin tốt. Nhưng mà ở Việt Nam rất hay tin. Khi mình tin như vậy thì mình đốt cái xe này, đốt con ngựa này, đốt cái iPad…. Đấy, ví dụ như vậy.

Và thực sự người kia có nhận được, chứ không phải không nhận được đâu. Vì cái mình đốt, nếu thực sự mình tin nhé, mình cúng họ cái gì thì họ nhận được cái đấy. Ở cõi không có thân xác thì cái họ nhận là ý. Nên nếu người cúng thực sự thành tâm và tin chắc, đồng thời người chết cũng phải tin như vậy thì họ cũng nhận được cái đấy. Họ rất là cảm ơn, về báo mộng rằng bố mẹ cảm ơn, v.v… Nhưng họ không hiểu rằng đấy là một kiểu ngạ quỷ không có thân nhưng mà lại muốn hưởng cái cảm giác của thân xác nên là kẹt ở chỗ đấy rất lâu.

Đấy, khi mà chúng ta mất cái thân này rồi thì chúng ta chỉ còn mỗi tâm thức thôi. Tâm thức thì vô cùng nhạy cảm. Nếu mình ngồi đây mình nghĩ gì thì tâm thức nó nhìn thấy cái mình nghĩ. Giống như mình ngồi đây, mình còn cái mắt bằng thịt này, mình thấy thân thể của người khác, khi mình mất cái mắt đấy rồi thì mình thấy suy nghĩ của mọi người. Thành ra, suy nghĩ của người sống ảnh hưởng rất mạnh tới người chết. Một suy nghĩ mà bám víu, muốn giữ người ta lại làm cho người ta bị ảnh hưởng mạnh mẽ, như cô Hồng vừa nói là gấp 7 lần bình thường. Họ không còn bị cản trở bởi cái sự che chắn của thân vật chất nữa, nên là những suy nghĩ như bám víu, xót thương, thậm chí hằn thù, lúc đấy, họ rất kinh sợ, họ phải chịu tất.

Đấy là lý do khi người ta không còn thân vật lý nữa thì người sống không nên giữ họ lại là vì thế. Vì khi đấy mình giữ họ lại mạnh hơn nhiều. Bình thường mình nói là: “Bố mẹ đừng đi” thì cũng bình thường. Nhưng lúc đấy mình nghĩ như thế thì họ cảm thấy bị ghì chặt lại. Nếu họ không phải người tu tập thì họ sẽ rất khó từ bỏ chỗ này.

Tương tự như vậy, nếu mình nghĩ điều tốt, như trong truyền thống Nguyên Thuỷ, là mình nghĩ đến Phật, mình khuyên họ, thay mặt họ cúng dường Phật, thì ảnh hưởng đấy cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tâm của họ. Càng người thân và người có uy tín với họ lúc sống ấy thì họ càng tin.

Thì cơ bản, mình đã hình dung được về sinh tử là như vậy. Cái này thì nó đúng với tất cả vì nó là chân lý phổ quát.

Cõi là tập hợp của những người có cùng niềm tin

6 cõi luân hồi gồm:

– Ba cõi thấp (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh)

– Ba cõi cao (Người, Atula, Trời)

II. Sử dụng cái chết để sống

1. Làm thế nào để sau khi chết có tái sinh tốt đẹp?

Bạn Quang: Tôi cũng cảm thấy nó rất gần với vật lý lượng tử. Trong vật lý lượng tử thì tất cả mọi thứ là năng lượng. Năng lượng đó có thể ở dạng vật chất, và có thể không ở dạng vật chất. Và nó vẫn bảo toàn, nó chỉ có thể biến đổi từ vật chất sang phi vật chất, hoặc từ phi vật chất sang vật chất.

Có một lần tôi đọc chuyện Hạt giống tâm hồn, kể về một người rất yêu quý gia đình. Khi anh ấy bị ốm rồi mất thì cả nhà rất thương tiếc và để riêng một cái phòng để tưởng nhớ anh ấy. Sau đấy tôi lại chợt nghĩ: “Có khi bây giờ mình phải sống thế nào đấy để người khác đừng nghĩ đến mình? Bởi vì khi mình sống tốt quá thì tự nhiên mình tạo ra sự vương vấn cho người ta và như thế thì chả tốt tí nào cả, đúng không ạ? Nếu mình mất đi mà vợ con mình lại âu sầu thì chán quá. Tôi nghĩ vậy. Có nhiều loại tình yêu, nếu mà yêu không đúng thì có khi làm hại người khác, đúng không anh Trong Suốt?

Thầy Trong Suốt: Có hai kiểu chết. Một là, chết xong để cho người sống rất nhiều đau khổ, như anh Quang nói đấy, đúng không ạ? Nên mình cũng không muốn chết kiểu chết đấy.

Mình không muốn kiểu chết đấy thì thứ nhất là, mình không nợ nần gì người sống, vì mình chết mình không trả được nợ, người ta đau khổ là đúng rồi. Thứ hai nữa là, mình phải giúp người ta hiểu để người ta bớt buồn. Nếu người ta hiểu thì người ta không lo buồn. Chứ nếu mà mình sống rất tốt, nhưng đối tượng kia không đủ hiểu biết, thì có khi mình càng sống tốt, người ta càng muốn níu giữ mình lại. Nên mình phải nhớ là nếu có cơ hội mình sẽ giúp những người xung quanh mình có sự hiểu biết. Đấy là vừa giúp họ vừa giúp mình.

Còn một cách thực tiễn nhất là, nếu mình muốn sau khi chết mình có những tái sinh hay những nơi đến tốt đẹp, thì trong lúc sống mình phải liên tục gieo những hạt giống tốt.

Hạt giống tốt có hai loại: Một là hạt giống của nghiệp. Giúp đỡ người khác này, sống không gây ra những việc xấu này, làm nhiều nghiệp tốt này… Thứ hai là mình có niềm tin. Khi mình chết thì hoàn toàn là tâm thức. Thành ra mình tin, mình hướng vào cái gì thì toàn bộ thần thức của mình nó chạy đến chỗ đấy. Vì vậy, nếu trong lúc sống mình có niềm tin thật sự vào những gì cao đẹp, sáng láng, tình thương, từ bi, trí tuệ, thì khi mình chết, tâm mình hoàn toàn có thể đến chỗ đấy.

Đấy là lý do vì sao mà đạo Thiên chúa nói: “Chỉ cần có niềm tin thôi là con sẽ được cứu, con sẽ được hưởng cái hạnh phúc đời đời của đức Chúa”. Hay đạo Phật trong Tịnh độ nói là: “Chỉ cần có niềm tin vào Phật A Di Đà và khi chết đọc được 10 câu: ‘Nam Mô A Di Đà Phật’ thì sẽ được Phật A Di Đà dẫn đi đến cõi Tịnh độ của Ngài”. Thành ra là một mặt, chúng ta làm những việc tốt; một mặt chúng ta có niềm tin đúng đắn, mạnh mẽ, đấy cũng là cách để chúng ta chuẩn bị một cái chết tốt.

Thứ ba, nếu chúng ta chỉ có thế chưa chắc chúng ta đã đến được chỗ tốt. Lý do là gì? Chúng ta còn rất nhiều nghiệp xấu ở khắp nơi, của các đời trước nữa. Đời này chúng ta có thể là một người sống rất tốt, nhưng có khi đời trước chúng ta là một kẻ giết người, đời trước nữa chúng ta báng bổ Phật pháp hay báng bổ cái gì đấy… Thành ra tuy rằng chúng ta có thể rất tin vào Phật, có thể chúng ta sống rất tốt, nhưng chúng ta vẫn phải tận dụng những cơ hội quý nhất của đời người này để phát triển trí tuệ.

Cõi người có một điểm đặc biệt, không như cõi thú hay ngạ quỷ hay địa ngục là vô cùng khổ không tập được cái gì cả; còn những cõi cao hơn thì lại quá sướng, không muốn tập một cái gì cả. Cõi người của chúng ta có đủ khổ, đủ sướng. Đủ khổ để thấy rằng là phải thay đổi, phải hiểu biết. Nhưng đồng thời cũng đủ sướng, có điều kiện để tập cái đấy. Nên được sinh ra làm một con người là vô cùng khó khăn và may mắn nữa. Nên chúng ta tận dụng cơ hội có thân người này để tiếp cận được với con đường đúng đắn để chúng ta tìm ra sự thật, thì đấy mới là điều quý nhất ở cõi người.

Còn nếu chúng ta muốn hưởng lạc thì cõi người không phải chỗ tốt nhất để hưởng lạc. Cõi người đầy đau khổ. Ngay trong lúc mình đang ngồi đây, cái thân thể mình nó đã đau đớn hay nó huỷ hoại…, rất nhiều thứ ngay khi mình đang ngồi đây này. Đấy! Mình so với cách đây 10 năm, mình không còn trẻ như xưa nữa. Nhưng nếu mình sử dụng được cơ hội của cõi người này, mình có thể tìm được con đường để phát triển trí tuệ. Nếu mình tích tập đầy đủ phước đức và trí tuệ, mình có thể dùng thời điểm cõi người này để giác ngộ ngay. Còn nếu không, mình cũng sẽ chuẩn bị được những nghiệp tốt để mình cho các đời sau, hoặc là lên được những cõi mà ở đấy có các vị thầy giúp mình.

Nếu muốn sau khi chết có những tái sinh tốt đẹp, thì trong lúc sống phải liên tục gieo những hạt giống tốt:

 1. Hạt giống của nghiệp: Giúp đỡ người khác, không làm những việc xấu, làm nhiều việc tốt. 

2. Có niềm tin vào những điều cao đẹp: tình thương, từ bi, trí tuệ…

3. Tận dụng những cơ hội quý nhất của đời người này để phát triển trí tuệ.

Nếu có cơ hội, giúp những người xung quanh mình có hiểu biết. Đấy là vừa giúp họ, vừa giúp mình.

 

2. Sử dụng cái chết để sống đúng đắn

Thực tế nhất là biết được cái chết để chúng ta sống đúng hơn. Chúng ta hiểu về cái chết thì chúng ta sẽ sống đúng hơn. Không hiểu về cái chết thì chúng ta sẽ hoặc là quá sợ hãi cái chết, hoặc là quá kì vọng vào những gì sau cái chết. Cả hai cái đấy đều là những trạng thái sống không đúng đắn. Mà ngay ở đây này, hiểu được cái chết thì mình sẽ có kiểu sống đúng. Đấy là cách mà mình sử dụng cái chết.

Ví dụ kiểu sống đúng cụ thể thế này: Cách đây rất lâu rồi, mình rất sợ chết. Mình đi máy bay nó mà sụt một cái thì bắt đầu cảm giác sợ hãi gì gì đấy, cảm giác đỏ nóng hết cả ngực này luôn. Đấy là một dấu hiệu của việc mình rất sợ chết.

Mà đấy là hình dung máy bay sụt một cái đã thấy như thế rồi, giả sử trong cuộc đời này, nếu như chúng ta không may mắn, không phải chết trên giường bệnh mà chết trong một tai nạn đi, thì tâm của chúng ta nó khủng khiếp như thế nào. Cái tâm của chúng ta lúc đấy vô cùng khủng khiếp, không thể ngồi nói một cách nhẹ nhàng như thế này được nữa, mà những cái cảnh tượng khủng khiếp, những tâm thức khủng khiếp nó sẽ xuất hiện ngay lập tức. Mà cái cận tử nghiệp đủ xấu ấy thì nó sẽ đấy chúng ta đi cõi xấu ngay. Cõi của những người khủng khiếp, hoảng sợ.

Thành ra, nói thì rất là dễ, nói là đối mặt với cái chết, v.v… nhưng nếu chúng ta không tập thường xuyên thì khi cái chết xảy ra bất ngờ, không ai có thể nói trước được cái gì cả.

Tập thường xuyên là như thế nào?

Tập thường xuyên là:

Một, chúng ta nhắc nhở chính mình về cái chết để chúng ta không còn thấy cái chết là một cái gì đấy kinh khủng, bất ngờ, v.v… nữa. Nhắc nhở rằng cái chết có thể đến bất kì lúc nào. Có thể chỉ một vài phút nữa thôi khi mình đi bộ sang đường bên kia và một cái ô tô đâm mình chết. Đấy là cái mà mình nhắc nhở một cách tự nhiên.

Hai, bắt đầu tưởng tượng xem là mình sẽ chết như nào. Ngày xưa khi mình đi bộ từ công ty về nhà, chỉ cần lúc nào mình đang đi trên đường, bắt đầu phải qua ngã ba, ngã tư, nếu mình chỉ cần trung thực một chút, mình thấy là mình bắt đầu sợ, thì cách tập của mình là lúc đấy mình sẽ dừng lại, không đi vội. Mình bắt đầu tưởng tượng xem là mình sẽ chết như nào. Tí nữa mình đi qua ô tô đâm mình chết như thế nào? Vì mình chưa có cơ hội để đối diện với cái chết một cách trực tiếp thì mình đối diện với cái chết bằng cách tưởng tượng. Và mình tưởng tượng hết sức trung thực là mình sẽ chết như thế nào, không phải tưởng tượng ô tô đâm – chết, thế là hết. Mình tưởng tượng mình đi đến đoạn giữa con đường này, có cái ô tô màu đỏ hay là màu vàng đâm vào mình. Mình sẽ ngã sấp hay ngã ngửa như thế nào? Đầu mình vỡ ra như thế nào? Máu chảy xuống đất như thế nào? Óc mình đầy đất như thế nào? Công an sẽ gọi về bố mẹ mình như thế nào? Mẹ mình sẽ ngất đi như thế nào?… Mình tưởng tượng quá trình đấy.

Tưởng tượng lúc đầu thì rất khó, đối diện với cái chết trong suy nghĩ đã khó rồi. Nhưng nếu chúng ta làm đi làm lại thì ta thấy rằng đấy là điều có thể xảy ra và đấy là điều bình thường. Nếu chúng ta làm đi làm lại. Mình nhớ là hồi đấy, mình đi bộ về nhà, sau khoảng hai năm, cứ lúc nào mình nghĩ đến chuyện đấy cũng đứng lại tưởng tượng, tưởng tượng mất khoảng 5 phút xong mới đi tiếp, xong rồi nếu đi khoảng 3 mét lại sợ thì lại tưởng tượng.

Nghĩa là mình đối diện với việc mình sẽ chết phải liên tục như vậy. Tức là gì? Mỗi khi một nỗi sợ chết xuất hiện, mình đối diện với nó bằng cách mình chấp nhận nó. Chấp nhận nó là chuyện bình thường, nó có thể sẽ như vậy, bằng sự tưởng tượng của mình. Hay là, ví dụ đang đi trên máy bay, nó sụt một cái, mình sẽ tưởng tượng ngay nó rơi như nào, mình chết như thế nào. Hay đi trên cầu thang máy chẳng may nó rung một cái… Đấy!

Thì quá trình tập như vậy là quá trình chuẩn bị cho việc mình đối diện trực tiếp với cái chết trong cuộc sống bình thường. Đến một lúc nhất định thì ý tưởng của mình về chuyện chết nó rất bình thường. Nếu mình tập đủ lâu ấy, thì ý tưởng là mình sẽ chết này, hoặc chết một cách thảm khốc này, chết ngay lập tức… nó trở thành một chuyện rất bình thường trong đời sống này. Mình nói thế này là mình nói bằng kinh nghiệm của mình khi mình ngồi đây này. Tí nữa động đất một cái, mình chết, đối diện là chuyện bình thường, không có một suy nghĩ gì. Hoặc là tí nữa ra đường mà hòn gạch rơi vào đầu chẳng hạn, chết hoặc một thảm hoạ bất kì là một chuyện rất bình thường. Đấy là những cách mà mình sử dụng cái chết để mình tập.

Chắc một số bạn đã tập với mình một thời gian là biết rồi, là có thể bình tĩnh đón nhận chuyện đấy. Khi mình tưởng tượng cho mình xong, mình cũng tưởng tượng đến những người thân của mình. Vì sao? Vì khi người ta chết, nếu mà tâm trạng mình hoảng loạn thì mình ảnh hưởng ngay lập tức đến người ta. Mình cũng tưởng tượng, ví dụ ba chết, mẹ chết… Mẹ mình đang ngồi ở đây này!

Ngày xưa, mình tập tưởng tượng thường xuyên luôn. Cảnh ba mình chết như thế nào, ngã cầu thang như thế nào, mình phải tưởng tượng ra. Mình tưởng tượng là mình đang đi trên đường, mình nhấc cái điện thoại lên và nghe tin báo ba mình đã ngã cầu thang chết. Ba mình chết như thế nào, ngã sấp hay ngã ngửa, mặc bộ đồ màu gì… Đấy, việc ấy chắc phải diễn ra đến hàng nghìn lần trong đầu của mình. Thế khi mình làm quen rồi ấy thì mình thấy là chết nó cũng chỉ thế thôi, nó không có một cái gì kinh khủng, bất ngờ cả.

Bất ngờ vì sao? Nó chỉ bất ngờ vì mình không bao giờ nghĩ đến nó thôi, chứ còn nó có gì bất ngờ đâu. Nếu mình nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ đi nghĩ lại, chỉ một nỗi sợ nhỏ mình cũng nghĩ thì nó hoàn toàn chẳng có gì bất ngờ cả. Như vậy thì mỗi khi mình nhấc một cái điện thoại lên, bất kì tin xấu gì đến mình cũng thấy bình thường. Khi đấy thì mình hết sợ, hết lo. Bình thường mình nhấc lên, thấy điện thoại ở nhà thì: “Ôi, không biết ở nhà có việc gì?”, điện thoại cơ quan thì: “Không biết cơ quan có chuyện gì?”, điện thoại của một người bạn: “Không biết bạn có chuyện gì?”. Nhưng nếu mình tập quá trình này đủ lâu ấy, thì thế thôi, nhấc lên và thấy bình thường. Mình sẵn sàng đón nhận một tin kinh khủng nhất một cách nhẹ nhàng, vì mình đã chuẩn bị cho nó rồi. Đấy là cách mà mình sử dụng cái chết để mình sống.

Không hiểu về cái chết thì chúng ta sẽ hoặc là quá sợ hãi cái chết hoặc là quá kỳ vọng vào những gì sau cái chết.

Sử dụng chết đế sống :

1. Nhắc nhở về cái chết để thấy nó không còn kinh khủng, bất ngờ nữa

2. Tưởng tượng mình sẽ chết như thế nào, đổi diện nỗi sợ chết bằng cách CHẤP NHẬN nó.

Chết trở thành chuyện rất bình thường trong đời sống.

 

3. Hiểu đúng về trùng tang

Bạn Quang: Anh nói thêm về trùng tang được không?

Thầy Trong Suốt: Có một nỗi sợ là người chết bắt người sống, đúng không ạ? Nỗi sợ đấy rất lớn luôn! Đi qua bãi tha ma thì sợ ma quỷ bắt, đúng không ạ? Hay là người nhà của người chết thì rất sợ ông ấy kéo thêm vài người nữa đi. Xong rồi nhiều khi trùng hợp đấy, nghĩa là một người chết xong thời gian sau người khác chết tiếp, thế là bắt đầu có một nỗi sợ là ai đấy chết thì sẽ kéo thêm một người nữa.

Thế thì mình đối diện với cái đấy như thế nào? Mình phải không phủ nhận nhé, là có những người chết, vong linh đấy, nó muốn kéo người khác chết theo nó. Có những kiểu vong linh như vậy, có những tâm thức kiểu như vậy. Nhưng mà không thể dễ dàng như vậy được. Không thể kéo một phát là chết, vì nếu mà như vậy thì mình ở đây chết hết rồi, vì ma quỷ xấu ác rất nhiều, đến đây kéo mình đi là xong thôi mà? Người tốt cũng nhiều, nhưng mà ma quỷ vong linh xấu ác cũng nhiều vô cùng.

Nhưng mình hiểu mọi thứ nó đều có nhân quả. Không dễ dàng chết đâu, mọi người nói thế thôi, không dễ chết. Đủ nhân, đủ quả thì mới chết. Thế thì vấn đề ở đây là vấn đề của tâm lý, chứ không phải vấn đề vật lý. Cái việc mà một người chết – một cái vong linh muốn kéo người khác đi, thì nó là vấn đề của tâm lý. Và như vậy thì mọi người phải chuẩn bị cho cái tâm lý đấy.

Ví dụ như này nhé, mình có một người bạn, bà bạn ấy ốm. Thế thì mình dặn bạn ấy về dặn bà của bạn là: “Nếu mà ai đến gọi đi ấy thì chỉ Phật đến gọi đi thì mới đi thôi. Còn đâu bà con, ông bà chú bác gì đấy gọi đi thì đừng có đi”. Tại sao? Vì ông bà, chú, bác, cái vong linh cũ đấy cũng có thể muốn đến đưa mình đi thật, cũng có thể. Hoặc là chính cái tâm thức của mình cũng tưởng tượng ra cảnh là mình sắp chết rồi và người ta đến đưa mình đi. Đấy! Và cái tâm mình nên nhớ là khi cơ thể của mình nó sẵn sàng ra đi rồi, nghĩa là cái bộ quần áo này rách nát lắm rồi, nó sắp hỏng đến nơi rồi ấy, thì đủ duyên nó sẽ đi. Nên là nếu mình đi thì mình chọn cái chỗ đi cho nó tốt.

Thì chuyện trùng tang, v.v… là vấn đề rất tâm lý, nhưng mình cũng phải đối xử với nó khéo léo. Mình bảo là: “Không có đâu” cũng không đúng, vì sao? Người ta mơ thấy này, người ta mơ thấy ông bà, bạn bè đến kéo đi luôn. Thậm chí có những người mà vong linh thực sự đến, nó muốn đưa mình đi thật. Nên mình đối xử với nó khéo léo. Mình bảo là phủ nhận hoàn toàn thì người ta không tin, người ta cũng cảm thấy là không ổn, nhưng mình thoả thuận theo thì cũng không đúng. Thế nên cuối cùng là người đối diện với chuyện đấy phải là người có hiểu biết. Mình phải có hiểu biết, mình mới giúp được họ có hiểu biết. Họ có hiểu biết thì họ mới có thể đối diện được với nỗi sợ trùng tang, v.v…

Trùng tang là vấn đề tâm lý.

Đủ nhân, đủ quả thì mới chết.

Phải có hiểu biết, mình mới giúp được người khác có thể đối diện được với nỗi sợ trùng tang bằng hiểu biết.

 

4. Niềm tin duy nhất vào lúc chết

Bạn Quang: Nhưng mà việc xem giờ ấy, mất theo giờ… tức là giờ này giờ kia thì bị trùng. Thực ra giờ đấy thì cũng chẳng liên quan gì đến tâm thức, đúng không ?

Thầy Trong Suốt: Đủ duyên đến giờ nào thì ra đi, khi mình tin nhân quả ấy thì…

Bạn Quang: Giờ có ảnh hưởng không ?

Thầy Trong Suốt: Mình không phủ nhận những kinh nghiệm của ông bà. Ví dụ buổi sáng thì mát mẻ, buổi chiều thì nóng. Những kinh nghiệm của ông bà tổ tiên mình không phủ nhận. Chính cái người chết ấy, tâm thức của họ ảnh hưởng bởi sáng, bởi trời tối, bởi đủ các loại. Vì họ lớn lên như vậy, sống trong môi trường như vậy, được ông bà làm cho tin như vậy, được cái xã hội làm cho tin như vậy, thì lúc họ đi họ cũng có cái kiểu niềm tin đấy. Như vậy, mình tận dụng khéo léo kiểu niềm tin đấy để dẫn họ đến chỗ tốt.

Còn với người tu tập thì hiểu mọi thứ, thì đừng để niềm tin đấy ảnh hưởng, mà có niềm tin vào Phật, niềm tin vào Pháp, niềm tin vào Tăng là ba niềm tin duy nhất cần giữ lúc chết.

Nên là hai kiểu người đấy khác nhau. Những người mà lớn lên đã tin rằng ra đi vào buổi sáng thì tốt, buổi chiều thì xấu – thì họ có niềm tin thực sự. Nên họ chết buổi chiều, họ cảm thấy rất là xấu. Một cái hạt giống xấu gieo vào tâm của họ và họ có thể gặp những cảnh vô cùng xấu thật sự. Chứ không phải hoàn toàn là sai đâu. Cuộc sống có nhiều loại niềm tin và mình phải tìm cái đối tượng có niềm tin nào để mình có lời khuyên phù hợp.

Ví dụ mình có thể nói với người đấy là: Chết vào buổi chiều cũng được, nhưng mà nếu mà có lòng tin vào đức Phật, chỉ cần niệm Phật thôi thì chết vào buổi nào cũng gặp được Phật hết, hoặc là có được tái sinh tốt hết. Lời nói của mình đủ mạnh thì làm cho cái hạt giống kia của họ yếu đi, hoặc thậm chí là mất luôn hạt giống xấu của họ.

Đối với người sắp chết thì kỹ thuật là người sống làm thế nào để họ có niềm tin tốt. Đấy, làm được là tốt nhất! Lúc chuẩn bị là chuẩn bị cho họ niềm tin tốt. Tin vào Phật, tin vào Pháp, tin vào Tăng và ít nhất không có những niềm tin để hướng họ đến chỗ xấu. Ví dụ như người ta hay nói là có những người cả đời làm việc xấu rồi ấy, nhưng có một ông nào đến khuyên là: “Nhưng mà lúc này con sám hối thì con sẽ lên được cõi cao chẳng hạn, làm cho họ sám hối, rồi tự nhiên họ cảm thấy nhẹ nhàng. Thì đấy là kĩ thuật mình tác động lên niềm tin của họ.

Mình phải hiểu, đến lúc chết thì niềm tin là cái vô cùng quan trọng. Trong bốn điều mình vừa nói lúc nãy thì: Một là, nghiệp của đời trước này; Hai là, nghiệp của đời này này; Ba là, nghiệp lúc sắp chết này; Thì nghiệp thứ tư ấy, là nghiệp của niềm tin – nghiệp lực của mình. Mình tin là có Phật này, tin là mình sẽ được Phật cứu này, hay mình tin là không có gì cả, hay mình tin vào cái gì gì đấy… Cái nghiệp lực đấy ảnh hưởng đến trạng thái đấy. Thế thì các tôn giáo tác động vào cái thứ tư, ngoài ba cái kia là những cái mà đã biết rồi, thì dùng cái thứ tư để giúp người chết.

Bạn Quang: Mình cũng hiểu thêm, vì lúc mà tranh luận với ông thầy ấy, mọi người cứ bảo vong là trùng tang. Mình mới bảo tại sao mọi người cứ nghĩ xấu về vong nhỉ? Nếu mà có vong xấu thì cũng phải có vong tốt chứ. Và tại sao không cúng để cho vong nó tốt? Tốt nó lại giúp mình kiếm tiền thì sao? (Mọi người cười)

Hiểu nôm na thì có phải Phật và tất cả những người mà nếu như mình khởi niệm điều tốt thì cái vong tốt nó đến với mình? Bởi vì suy nghĩ của mình cũng là cái vong thôi, nó sẽ hút cái gì tương tự với nó. Tức là nếu mình khởi niệm tốt thì vong tốt sẽ đến với mình, nghĩ về điều xấu thì vong xấu nó đến với mình?

Thầy Trong Suốt: Từ “vong” là người ta thường nói về những thần thức ở cõi thấp, ít khi người ta nói vong là thần thức ở cõi cao lắm, nên cũng khó. Ví dụ, ông bà mình lên những cõi Thiên vẫn có thể đến với mình như bình thường thế này này. Thành ra phải phân biệt được chuyện đấy. Nhưng mà đúng, khi mình khởi cái niệm tốt, ví dụ như hoan hỉ, hạnh phúc, thương yêu, từ bỏ thì theo nguyên tắc của tâm thức, nó sẽ dẫn mình tới những cõi mà có chung những điểm đấy. Nên mình sẽ lên chỗ tốt.

Có thể mình sẽ gặp những bạn bè, ông bà đã mất… những người tốt đến đưa mình đi đến những chỗ tốt, hoặc là gặp những vị trời, vị thần tiên đưa mình đi đến những chỗ đấy. Chuyện đấy là chuyện hoàn toàn bình thường. Nếu một người sắp chết mà thấy người thân, người nhà cũ hiện ra là chuyện hết sức bình thường. Nếu tâm thức của mình nặng nề, mình sẽ gặp những người thù hằn với mình đến đòi trả nợ. Tâm thức mình, lúc sống mình làm điều xấu thì mình sẽ gặp những người đấy đến đòi nợ. Nhưng nếu mình nghĩ đến điều tốt, nghĩ đến người tốt thì gặp người tốt đến đưa mình đi.

Hay là, quan trọng nhất với người chết là chuẩn bị cho họ một tâm thức, thường là tâm thức cao, đó là tâm thức không bị bám víu, không bị thù hằn ghét bỏ, không bị sợ sệt. Và nếu xa hơn nữa, giỏi hơn nữa thì làm cho họ tin vào Phật, tin vào những điều cao đẹp. Niềm tin đấy càng mạnh mẽ thì sự ra đi của họ đến những chỗ càng tốt đẹp.

Quan trọng nhất với người chết là

1. Chuẩn bị cho họ một tâm thức không bị bám víu, không bị thù hằn, ghét bỏ, không bị sợ sệt.

2. Giỏi hơn nữa thì làm cho họ tin vào Phật, tin vào những điều cao đẹp. Niềm tin đấy càng mạnh mẽ thì sự ra đi của họ đến những chỗ càng tốt đẹp.

5. Tại sao chết lại là một cơ hội lớn?

Một bạn: Nghe cô Hồng và anh Thắng nói về “sống là chuẩn bị cho cái chết”, thực ra theo sách Phật nói thì “Người ta sinh là khổ, chết là khổ. Còn sinh, còn tử còn khổ”, thì liệu có thể chuẩn bị cho cái chết nào khỏi chết, nghĩa là hết khổ?

Thầy Trong Suốt: Hay quá, câu hỏi rất hay! Vừa nãy cô Hồng nói là: Chết là một cơ hội”. Mình có thể dùng cái chết như một cơ hội, chứ không phải dùng cái chết như một “sự kiện kinh khủng xảy ra với tôi”, mà biến nó thành cơ hội. Người mà dám dùng cái chết như một cơ hội chắc chắn là người tu tập. Còn người bình thường, chết là khủng khiếp, không hình dung được.

Có hai cách mình có thể sử dụng: Một là, mình dùng cái chết để mình đến cõi cao, cõi của các vị Phật. Ở đấy có rất nhiều Phật, Bồ tát và hoàn cảnh thuận lợi giúp mình giác ngộ. Đấy là một kiểu cơ hội. Nhẹ hơn nữa thì mình đến được những cõi mà có thể vẫn là cõi người thôi, hoặc là cõi trời nhưng mà có các vị thầy, có Pháp ở đấy. Ở đấy có Phật pháp, có thầy để mình tiến bộ, thì cũng là tốt. Đấy là một cách sử dụng cái chết làm cơ hội.

Các phương pháp như lúc nãy cô Hồng nói, cộng với việc mình có những vị thầy, có niềm tin thì người ta có năng lực giúp mình, cá nhân mình nữa. Mình dùng cái chết để đến những cõi như vậy. Thành ra đấy là một cơ hội. Tại vì nhiều khi mình sống như thế này, đến tận 60 tuổi mới biết đến đạo Phật. Lúc đấy già lắm rồi, không thể đọc giáo lý để hiểu các trí tuệ , v.v… nữa, thì tốt nhất tìm một cõi phù hợp nhất. Nếu mà ở đấy có thầy, có Pháp thì tuyệt vời quá, đúng không ạ? Đấy, chính cái chết là một cơ hội.

Một cơ hội nữa là có thể trải nghiệm và hoà nhập với chân lý tuyệt đối ở thời điểm chết, thì cái đấy còn khó hơn nữa. Cái đấy thì do sự tu hành trong cuộc sống này quyết định rất nhiều. Ở thời điểm chết thì cái gọi là biểu hiện của chân lý tuyệt đối sẽ thể hiện. Bình thường khi chúng ta sống thì ít khi trải nghiệm được. Nhưng vào thời điểm đấy thì sẽ có một khoảnh khắc, nó dài hay ngắn phụ thuộc vào công phu thiền định của mình trong cuộc sống. Lúc sống, mình có khả năng thiền định lâu thì khoảng thời gian đấy dài hơn. Lúc sống, tâm mình tán loạn thì khoảng thời gian đấy nó rất là ngắn, khoảng 2 phút thôi, thì tuỳ mỗi người. Nếu mà mình nhận diện được cơ hội đấy thì mình có thể trải nghiệm chân lý tuyệt đối và mình đạt được giác ngộ ngay lúc chết. Đạt được giác ngộ ngay lúc chết là một cơ hội rất lớn của những hành giả là vì thế.

Thì đấy là hai cách sử dụng cái chết như một cơ hội. Cách thứ nhất dễ hiểu hơn. Cách thứ hai những người nào tu tập đến lúc nhất định thì mới hiểu được.

Còn nếu chúng ta cứ luân hồi trong sáu cõi thì nói chung là khổ sẽ đến. Ví dụ chúng ta tưởng chúng ta lên cõi trời là sướng đúng không ạ? Nhưng ví dụ mình đọc truyện Sơn tinh – Thuỷ tinh hay là thần Zeus (thần Dớt) bị vợ ghen, v.v… ấy thì các vị trời vẫn đầy đau khổ trong tâm thức. Tuy rằng thân thể họ rất to lớn, khoẻ mạnh, biến hoá rất là nhiều, nhưng mà vẫn tranh giành nhau một người vợ, người con gái chẳng hạn, hay có đủ các loại khổ khác nhau. Chưa kể là cõi trời, nó chỉ được một thời gian nhất định thôi, xong nghiệp lực đến khi hết thì người ta phải đi sang cõi khác.

Mà ở cõi trời thì do có thần thông, người ta biết người ta sẽ đi đến chỗ nào. Thường thì chỗ đấy là chỗ thấp hơn, thành ra họ cũng rất đau khổ. Trước khi chết, trước khi họ phải đi cõi khác, họ vô cùng đau khổ. Trong khi những người khác còn đang vui vẻ, thân thể họ tan rã và chuẩn bị họ biết trước họ đầu thai đến vùng đất khổ sở hơn rất nhiều cái cõi họ đang ở, thành ra cõi Trời cũng nhiều nỗi khổ. Đọc truyện cõi trời, Thần thoại Hy Lạp hay là các loại thần thoại, mình thấy cõi trời có sướng đâu. Thần Shiva thì ghen với cả vợ, chặt đứt đầu con mình, lấy đầu con voi cắm vào… rất nhiều chuyện kiểu như vậy, mới thấy là ở cõi trời tâm thức họ vẫn có nhiều đau khổ. Tuy thân họ không khổ nhưng tâm vẫn nhiều đau khổ.

Có thể dùng cái chết như 1 trong 2 cơ hội:

1. Để mình đến cõi cao, cõi của các vị Phật.

2. Để trải nghiệm chân lý tuyệt đối và đạt được giác ngộ ngay lúc chết.

Điều thiết thực thứ nhất là, chúng ta hiểu rằng người chết rất cần chúng ta, để chúng ta có cách hành xử phù hợp khi trong gia đình ta có một người mất. Tức là cái tâm lý, hiểu biết của chúng ta ảnh hưởng rất trực tiếp đến người chết. Nên chúng ta biết cách hành xử đúng, đấy là rất thiết thực. Sau buổi hôm nay mà mọi người nhận ra điều đấy thôi, thế là rất tuyệt vời cho người sắp mất rồi. Nếu không thì cái tâm lý thương tiếc, bám víu v.v… sẽ ảnh hưởng, làm người chết không đi được, thậm chí là đi đến cõi thấp hơn. Đấy là điều thứ nhất thiết thực.

Điều thiết thực thứ hai là thấy rằng chúng ta có thể sử dụng hiểu biết về cái chết và ấn tượng về cái chết để có một tâm thức bình an hơn, sẵn sàng đối diện với những rủi ro hơn trong cuộc sống này. Nếu chúng ta hiểu biết về cái chết, chúng ta sẽ có một tâm thức như vậy.

Điều thiết thực thứ ba, nếu có bạn nào quan tâm đến việc mình sẽ chết như thế nào hơn. Đấy cũng là một cách rất tốt, một cơ hội rất tốt để đạt đến sự giác ngộ và giải thoát. Kết luận lại, mọi người sẽ suy nghĩ về ba điều này.

 

3 điều thiết thực nhất

1. Hiểu rằng người chết rất cần chúng ta để chúng ta có hành xử phù hợp.

2. Sử dụng hiểu biết về cái chết để có một tâm thức bình an hơn, sẵn sàng đối diện với những rủi ro hơn. 

3. Chết là một cơ hội rất tốt để đạt đến sự giác ngộ và giải thoát.