Sự thật về hôn nhân và cơ hội có hạnh phúc đích thực (Hà Nội, 2014)

Chẳng có cuộc hôn nhân nào êm đềm mãi! Thực tế, sau một thời gian chung sống, cả hai người đầy vết xước vì hai cái tôi bị va đập. Tuy nhiên, những vết xước đó lại chính là cơ hội để có được hạnh phúc đích thực. Nhân dịp đám cưới của hai bạn Hà Anh và Duy Nguyên, Thầy Trong Suốt đã giảng Sự thật về hôn nhân và Giá trị của thực hành sửa mình trong đời sống vợ chồng.

1. Những vết xước trong hôn nhân

Thầy Trong Suốt: Thực tế là hai cái tôi đang tung tăng ở ngoài đời, có một cái hộp, tức là cái nhà đấy, vứt hai cái tôi vào. Mà hai cái tôi đấy thì sao? Thì đầy gai! Gai nghĩa là có vấn đề đấy, bắt đầu đập vào nhau. Vì trong cùng một cái nhà nhỏ mà đi ra đi vào, nấu nướng, nói chuyện, cùng nhau phân xử một chuyện gì đấy… thế là gai va vào nhau, và một thời gian sau đầy vết xước. Đấy! Thực tế hôn nhân nó không thơ mộng như mọi người tưởng. Thực tế là sau một thời gian cả hai người đầy vết xước vì những cái gai đập vào nhau.

Nhưng chưa hết! Cái tôi nó có một đặc điểm là gì? Là nếu anh làm tôi đau thì tôi sẽ làm anh đau. “Nếu anh làm tôi đau thì tôi sẽ không nói với anh nữa”. Không nói chuyện nữa cũng là cách để làm người khác đau mà!

Cái tôi nó có tính chất như vậy. Nghĩa là khi ai đó làm nó đau, thì nó muốn làm người ta đau lại bằng cách nào đó. Ví dụ: “Anh mà làm em đau, em sẽ bỏ về nhà bố mẹ đây”. Em sẽ không mắng chửi anh – nhưng em sẽ làm một hành động gì đó để cho bõ tức. Hay anh chê em nấu ăn không ngon, em để bụng rồi hai hôm sau sẽ chê anh là: “Đóng cái bàn cũng không ra hồn”. Đấy, sự thật đấy!

Không phải “để bụng” theo kiểu người xấu, (nghĩa là cố tình để bụng) đâu mà cái tôi nó bị tổn thương, bị chê nấu ăn dở, hai hôm sau nó phải “trả thù”.

Đặc điểm của cái tôi là thế – Bị đau thì phải trả thù. Nên hai cái tôi sống với nhau sau một thời gian, hai cái tôi trong một cái lồng – một cái nhà, đập vào nhau chan chát, thì đầy vết xước.

Cuộc đời của mọi người là một cuộc đời tích tập đầy các vết xước – Hết! Rồi chết! Có những vết xước quen rồi: “Thôi, chấp nhận”, “Tôi quen rồi, tôi không thấy vui lắm , nhưng tôi quen rồi”. “Quen” ví dụ như ông chồng mình lúc nào cũng mở ti vi rất to, mình nhắc đến năm lần bảy lượt không được, thôi đành đút bông vào tai cho đỡ khó chịu. Thực ra đó là một vết xước không giải quyết được. Những ai có gia đình rồi thì sẽ hiểu điều đó.

Hồng Nhung: Quá đúng ạ!

Thầy Trong Suốt: Sao mà đúng? Mọi người có dẫn chứng gì không? Hay nói đúng cho anh vui lòng?

Hồng Nhung: Nhiều vết thương quá ạ.

Thầy Trong Suốt: Vợ chồng sống với nhau một năm thì một đống vết thương, hai năm thì hai đống vết thương. Nhưng mình lại không coi là vết thương vì mình lại quen mất rồi, mình cứ tưởng “Thôi, mình cắn răng chấp nhận”.

Phương có vết thương nào không hay hoàn toàn trơn tru không có tí vết thương nào? Vết xước đấy, gọi là vết xước thì đúng hơn. Gọi vết thương hơi nặng nề. Phương với Thành có cả vợ chồng ở đây thử kể vết xước xem nào? Có đủ dũng cảm kể không?

Hà Phương: Đôi khi chỉ khó chịu vì một hành động nào đó của người kia thôi. Đơn giản vì một cốc sữa chua, mình không thích ăn sữa chua dâu mà thích ăn sữa chua thường, trong tủ có hai loại sữa chua. Thấy chồng cứ ăn sữa chua mình thích – mình cứ suốt ngày cố ăn sữa chua dâu cho hết, cứ thấy chồng “điềm nhiên” mở hộp sữa chua trắng ra… (Cười lớn). Trong lòng nổi lên một cảm giác… hậm hực. Mà không phải hậm hực bình thường đâu nhé, mà bắt đầu gán ghép: nghĩ chồng ích kỉ thế này thế kia, cả nhà không ai thích loại sữa chua đấy mình cố phải ăn cho hết, còn nghĩ ra đủ trò, thấy chồng thật đáng ghét nữa cơ…

Thầy Trong Suốt: Có trả thù không?

Hà Phương: À, lúc nghĩ thế thì thấy tức tối, xong nghĩ lại thấy mình đang giận nên là…

Thầy Trong Suốt: Trả thù nhiều khi chỉ là quát một câu thôi, bực quá mà…

Hà Phương: Có ạ, nói vài câu cho chồng khó nghe.

Thầy Trong Suốt: Và mình quát một câu để biết rằng người ta nghe câu này người ta khó chịu.

Hà Phương: Mình nói để chọc cho người kia cũng tức theo…

Thầy Trong Suốt: Đấy, thấy chưa? Khi mình hậm hực người ta, mình không để yên cho người ta đâu… mình phải làm cái gì đấy gây cho người ta khó chịu. Bản năng tự nhiên của cái tôi là như thế. Nói một lời gì đấy gây cho người ta phải cân nhắc, đúng không? Thành có vết xước nào không hay là hoàn toàn trơn tru?

Ngọc Thành: Hằng ngày va chạm nhau suốt ạ! Có lần em đang mải xem ti vi, máy tính để ở bàn, chìa khoá để trong tủ, xe máy để ngoài sân, em cất hết đi mà không nhớ vợ dặn để xe cho vợ đi gội đầu. Lúc cất xe đi vợ chẳng nói gì xong vợ giận dỗi rồi vào giường nằm khóc, nói chồng không quan tâm đến vợ. Một chuyện đơn giản như thế, thấy chồng dắt xe vào thì bảo tí vợ đi gội đầu chồng để xe lại mà vợ lại bảo: “Thế anh thừa hơi đến thế à? Dắt vào lại dắt ra”. Mình mới tức lên.

Thầy Trong Suốt: Đấy, đoạn mà hai người nói chuyện với nhau chưa sao, bắt đầu đến đoạn “Anh thừa hơi” là vấn đề rồi… Là đâm lại một phát rồi đấy, đúng chưa? Để ý mà xem, nói rất bình thường xong đến “Anh thừa hơi thế à?” là mình đã đâm lại. Anh đâm em một cái, mình đã khó chịu đúng không? Em đâm lại anh một cái cho anh đau. Khó chịu đúng không? “Anh thừa hơi à?” ai mà chịu được, đúng không? Rõ ràng là mình có thừa hơi đâu! Đấy, mọi người để ý quá trình làm đau nhau là như thế. Câu chuyện của Phương và Thành là một ví dụ rõ nét nhất của việc làm xước nhau như thế nào. Đầu tiên là người kia làm mình xước, xong mình làm xước lại người ta. Nếu mình không quay vào sửa bên trong, câu chuyện đấy mình để bụng, để lần sau sẽ đem ra nói chứ không phải hết đâu. Lần sau mình sẽ đem ra nói vào một lúc nào đấy, vì vết xước còn đó mà, làm sao mà chịu được. Hồng Nhung dũng cảm kể một vết xước nào!

Hồng Nhung: Trước đây em rất khó chịu chuyện chồng em hay đi nhậu nhẹt, mỗi lần tức quá em phải nói. Liên tục như vậy trong lòng em rất tức, tức đến mức nó hằn sâu vào trong, thành một vết thương. Tự nhiên lần sau mình không thèm quan tâm đến chồng đi nhậu về muộn nữa hay không, em xem đó là chuyện bình thường nhưng thực ra vết thương bên trong rất sâu, nó bị chai lì.

Thầy Trong Suốt: Anh ấy làm mình khó chịu mình có làm gì cho anh ấy khó chịu lại không?

Hồng Nhung: Chắc em cũng hơi “chuyên quyền” một tí, mọi việc chồng em gàn em nhưng không bao giờ em nghe…

Thầy Trong Suốt: Đã thế thì không thèm nghe nữa đúng không? Em nói anh không nghe, thì anh nói sao em phải nghe? Thế là ông ý khó chịu lại… Đấy cuộc gây đau khổ cho nhau là như vậy. Người này làm người kia xước, người kia khó chịu quá làm người này xước lại.

Hồng Nhung: Thậm chí không cãi nhau gì đâu nhưng cứ để trong lòng ấm ức…

Duy Nguyên: Hôm trước bình thường hai đứa em đi ăn đều phần cơm cho chó mèo, hôm đấy chắc buổi sáng không ăn, họp xong tầm đến hơn 12 giờ trưa, em ăn hồn nhiên thôi, ăn hồn nhiên thì hết đồ… Thế là ăn xong thấy Hà cáu ra mặt.

Hà Anh: Cáu thôi chứ biết làm gì?

Thầy Trong Suốt: Cáu thôi không làm gì cho mình lúc đấy à? Không trả thù à? Cái tôi bao giờ nó cũng tìm cách trả thù, một cách gọi là “thầm trả thù”.

Hà Anh: Em có ví dụ khác cụ thể hơn ạ. Ví dụ như em hay phải chờ đợi Nguyên ạ. Cứ lúc nào, kể cả đi đâu hoặc làm gì thì em cũng phải chờ ít nhất 5-10-15 phút ạ. Nên nhiều lần rất bực, nhiều lần mình cố tình làm gì thật chậm, thật chậm để cho Nguyên phải chờ, thế xong lúc nào Nguyên bực lên thì bảo “Sao mà chậm chạp thế?” thì em lại bảo “Đấy, thấy chưa, bây giờ cho biết cái cảm giác của người chờ đợi khổ như thế nào!”. Thường xuyên kiểu đấy!

Thầy Trong Suốt: Cố tình trả đũa, đúng không? Vừa xong mình nói ra những chuyện này rất dễ – những vết thương nhỏ, nhưng có những vết thương kinh khủng luôn, vết thương gọi là không hồi phục được, chính xác là vết thương rất khó hồi phục. Vết thương có hai kiểu, mình vừa kể là vết thương nhẹ, người này chém người kia một cái, người kia chém lại người này một cái, hai cái tôi chém nhau đấy.

 Cái Tôi có một đặc điểm là: khi ai đó làm nó đau, thì nó muốn làm người ta đau lại.

Nên hai cái tôi sống với nhau trong một nhà, đập vào nhau chan chát, thì một thời gian sau đầy vết xước. 

 

2. Có những vết thương là vết đâm sâu sắc

Thầy Trong Suốt: Nhưng có những vết thương là vết đâm rất sâu sắc, nếu đủ duyên mình sẽ gặp phải. Không đủ duyên thì thôi, cả đời mình sẽ không gặp phải. Nếu đủ duyên mình sẽ bị vết thương rất sâu sắc, cảm thấy mình không thể chấp nhận nổi người kia luôn.

Ví dụ người ta lỡ ngoại tình chẳng hạn, có thể mình sẽ không chấp nhận nổi nữa, vì vết thương quá lớn, nghĩ mình sẽ ngoại tình lại trả đũa cho bõ. Nhưng cũng có người bảo thôi, không chấp nhận được nữa luôn. Đấy, đời sống vợ chồng càng ở gần nhau, càng dễ đâm nhau một vết thương chí mạng. Ở xa nhau khó làm khổ nhau lắm, những người mình càng yêu thương, càng tôn trọng, mình càng tin tưởng mà họ lừa dối mình, phản bội mình thì vết thương nặng nề, kinh khủng lắm!

Mình càng yêu người ta bao nhiêu, người ta làm đau mình, cái vết đau làm mình càng cảm thấy kinh khủng bấy nhiêu. Mình càng tin người ta bao nhiêu, mà người ta lừa mình thì mình càng đau đớn bấy nhiêu. Nghĩa là hai người ở càng gần nhau, càng có khả năng gây đau đớn cho nhau mạnh hơn. Tuỳ vào mức độ thắm thiết của tình cảm, mức độ nỗi đau cũng lớn như vậy. Càng yêu nhau càng dễ làm nhau đau khổ hơn, đúng chưa? Yêu vừa vừa, phản bội cũng chẳng sao lắm, nhưng yêu nhiều mà bị phản bội thì đau đớn vô cùng luôn. Hay lỡ xúc phạm bố mẹ mình thì còn nặng nề hơn – đối với nhiều cặp vợ chồng là không chấp nhận được. Một người đi đường chửi bố mẹ mình mình thấy bình thường, nhưng nếu người bạn đời chửi bố mẹ mình mình cảm thấy cực kì kinh khủng.

Càng gần nhau về mặt tình cảm, càng dễ làm nhau đau. Vết đau đấy không phải do tự nhiên nó đau. Nó đau vì mình đã làm mạnh nó lên bởi mối quan hệ tình cảm của mình. Chính tình cảm mình dồn cho người ta làm vết thương to hẳn ra. Ví dụ ra đường có người chửi bố mình “Bố mày là đồ chó” mình chỉ thấy hơi khó chịu, nhưng nếu vợ hoặc chồng mình nói câu đó mình có chịu được không? Như vậy vết thương là do cái gì? Có phải do câu nói đấy không? Hay do mình phóng đại lên nhờ mối quan hệ tình cảm đấy? Vậy tình cảm càng gần, mình càng mong đợi nhiều ở người kia và khi mình mong đợi nhiều mà người kia làm trái với mong đợi, mình càng thất vọng và đau đớn.

Một ví dụ khác, cũng ngoại tình nhưng có gia đình thì ngoại tình là bình thường, “Ông ăn chả thì bà ăn nem” có gì đâu! Có gia đình lại là nỗi đau cả đời vẫn không quên được. Vấn đề là: “Mình đau vì sao?”

Vì người ta ngoại tình hay vì cái gì? Theo mọi người thì vì sao? Vì mình quá dính chặt người ta nên mình rất đau khi bị dứt ra. Đúng chưa? Vì mình quá kì vọng vào người mình yêu thương, mình yêu người ta mình kì vọng người ta yêu lại mình như mình yêu họ, đúng không? Mình tôn trọng người ta thì mình kì vọng người ta cũng tôn trọng mình như mình tôn trọng họ – tâm lý con người bình thường mà. Mình tử tế với người ta thì mình kì vọng người ta tử tế với mình như thế. Nên người càng gần mình, mình càng dồn nhiều tình cảm, thì khi họ làm trái như thế thì mình càng đau.

Ví dụ nếu Hà và Nguyên sau này có làm nhau đau đớn, phải hiểu rằng thực tế không kinh khủng. Kinh khủng nằm ở việc mình phóng đại nó lên. Mình phóng đại vì mình bị dính chặt với người kia ở góc độ tình cảm, gọi là Bám chấp. Mình mong chờ người kia phải làm một điều gì đấy theo kiểu mình muốn. Khi người ta không làm, mình đau ít hay đau nhiều là do mong chờ của mình với người ta mạnh hay nhẹ. Nếu mình và ông chồng mình đều có tính lăng nhăng thì ngoại tình chẳng sao. Nhưng nếu mình rất chung thuỷ, cả đời mình không bao giờ “nhìn ngang liếc dọc” chứ chưa nói nghĩ đến anh nào thì mình sẽ cực kì đau đớn nếu ông chồng mình làm điều ngược lại.

Càng gần nhau về mặt tình cảm, càng dễ gây đau đớn nhiều cho nhau, vì mình đã phóng đại nó lên, vì mình bị dính chặt với người kia ở góc độ tình cảm – BÁM CHẤP.

Mình muốn người ta phải làm theo ý mình, hành xử theo đúng kiểu của mình. Tình cảm càng gần, mình càng mong đợi nhiều và khi người kia làm trái với mong đợi, mình càng thất vọng và đau đớn. 

 

Thầy Trong Suốt: Trước khi lấy nhau, mình nên hiểu điều đấy, để giả sử chuyện đấy xảy ra, mình nhìn nó bằng một con mắt thứ ba sáng suốt hơn, chứ không phải nhìn nó bằng con mắt của một người đang dính chặt tình cảm với một người khác. Mình phải nhìn được câu chuyện của mình bằng một con mắt khác, con mắt của một người khách quan.

Và nếu mình không tập, còn lâu mới làm được điều ấy. Không tập thì ngay như chuyện của Phương và Thành nhìn nhỏ thế thôi, người ngoài nhìn vào thấy bình thường, nhưng Phương lại sẵn sàng khóc một chầu đúng không? Hậm hực mấy hôm liền, vì mình không nhìn bằng con mắt của người thứ ba nữa rồi, mình không nhìn bằng con mắt của người trí tuệ, khách quan nữa rồi. Mình nhìn bằng con mắt của người bám chấp chặt vào người kia nên mình đau khi bị người ta làm sai. Càng đau nghĩa là mình đang bám chặt lấy người ta, càng đau thì bám càng mạnh. Cái bám đấy không bao giờ là tốt.

Trí tuệ rất tốt nhưng bám chấp không bao giờ tốt.

Bám chấp nghĩa là gì? Là mình bám chặt người ta ở góc độ tình cảm đến mức mình muốn người ta phải làm theo ý mình, hành xử theo đúng kiểu của mình. Ví dụ kiểu của mình là không được liếc một cô khác thì anh ấy chỉ cần liếc một cô khác thôi là biết tay! Có những người phụ nữ có kiểu đấy.

Ngày xưa anh có một người bạn sinh năm 76, anh ấy có đặc điểm rất hay liếc các cô khác, ví dụ đang ngồi bình thường mà thấy một cô gái đi qua, anh ấy: “Úi trời!… ”,

  • Cái gì? Sao lại trời?
  • Nhìn kìa, nhìn kìa! (Thầy cười lớn)

Mình quay sang nhìn, thế thôi, chỉ một cô gái thôi mà? Một lúc sau anh ấy lại: “Úi trời!”. Mình nghĩ ông này buồn cười thật, mình không hiểu tại sao ông ấy có tính kì lạ như thế, một người bình thường có liếc thì cũng không “ui trời, ui trời…”. Thế rồi một hôm đến nhà ông ấy chơi, mình phát hiện ra điều này: mình với ông ấy và vợ ông ấy đi taxi cùng nhau. Ông ấy ngồi một kiểu kì lạ chưa từng thấy, mắt nhìn thẳng về phía trước, rất nghiêm chỉnh cạnh vợ. Thậm chí không liếc sang bên phải, trái gì cả. À, đây rồi! Một sự dồn nén rất lớn. Tức là cứ ở cạnh gia đình là ông ấy phải thế, ông ấy bị dồn nén rất nặng. Đến cơ quan ông ấy xuýt xoa, nhìn hết cô này đến cô khác, vì ở nhà, vợ ông ấy bảo: anh không được như này, chỉ được như này thôi (nhìn thẳng, không liếc ngang liếc dọc). Ở nhà, ông ấy chỉ cần liếc một cái là vợ cấu ngay. Ở đây có anh Tuấn lái xe của anh biết này. Anh Tuấn cũng rất buồn cười. Ông này khi đi cùng xe với anh thi thoảng nhìn sang bên phải “Trời!”, nhìn sang bên trái “Trời!” (Thầy cười lớn). Đấy, nhưng khi đi với vợ thì khác hẳn. Đó là dấu hiệu của một bà vợ bám chấp vào ông chồng, bắt ông chồng phải hành xử theo kiểu mình muốn.

Mình càng đau nhiều chứng tỏ mình càng bám nhiều… Ở đây ai đang bị đau nhiều về tình cảm, hãy nhớ rằng: mình đau nhiều không phải do ông hay bà ấy làm, người ta chỉ là cái duyên thôi, cái nhân là do bám chấp của mình quá nặng.

Anh nhắc lại lần nữa: mình đau không phải là do người kia gây ra, điều đương nhiên người kia có phần, nhưng người kia là cái DUYÊN, cái gợi ra, còn NHÂN của cái việc mình đau là mình bám quá nặng vào người ta. Chị H đồng ý không? Chị đau là do người ta quá xấu xa hay là “hình như” chị bám hơi chặt? Theo chị thì sao?

Chị H: Do mình.

Thầy Trong Suốt: Khi mình thấy người ta làm sai, mình nghĩ người ta là ác quỷ. Không phải đâu! Người ta là cái duyên. Người ta làm điều đấy là vì NHÂN QUẢ. Mình đã từng làm điều đấy với người ta, bây giờ người ta làm lại điều đấy với mình. Mọi thứ trên đời đều là nhân quả. Nếu người ta lừa mình thì cũng bởi do mình đã gieo cái nhân lừa người ta. Người ta chỉ thực hiện lại nhân quả cho rõ ràng thôi. Nhưng mà đau hay không là lỗi của mình. Đau nhiều hay đau ít là do mình tập hay không tập. Mình không tập thì sẽ rất đau. Vì mình cứ bám chặt vào người ta, người ta làm trái ý mình thì mình đau là chắc.

Còn nếu có tập, cho dù người ta lừa mình, thì nỗi đau cũng vừa phải và dần dần tan biến do mình có TRÍ TUỆ. Đấy là giá trị của tập đấy! Mình tập xong không có nghĩa là không có ai làm điều xấu với mình nữa. Theo nhân quả vẫn có người muốn làm điều xấu với mình, nhưng mình không còn đau buồn nữa, mình sáng suốt, bình an khi người ta làm điều xấu với mình. Hoặc khi mình đã sáng suốt thì mình hành xử đúng đắn, thường mình có kết quả tốt. Lý do mọi người nên tập vì thế. Mọi người tập không phải để cho không ai nói xấu tôi nữa, không ai làm điều sai với tôi nữa mà là mình bình an, hạnh phúc khi người ta làm điều đấy, mình sáng suốt để mình hành xử cho phù hợp.

Khi người ta làm sai với mình, đấy là NHÂN QUẢ.

Mình không tập thì sẽ rất đau. Mình tập thì nỗi đau dần tan biến do mình có TRÍ TUỆ. Mình không còn đau buồn nữa mà bình an, sáng suốt khi người ta làm điều xấu với mình. Khi sáng suốt thì mình hành xử đúng đắn, thường có kết quả tốt

 

3. Xây xước là cơ hội cho người thực hành

Thầy Trong Suốt: Đã có gia đình thì hai cái tôi đập vào nhau, đương nhiên sẽ xây xước là chắc rồi, đừng hi vọng sẽ không xây xước. Nhưng với người không thực hành thì xây xước thì để bụng thôi. Như Nhung trước đây đấy: “Anh không làm theo lời em thì em sẽ không làm theo lời anh”. Còn nếu thực hành thì hiểu rằng xây xước là một cơ hội để sửa mình.  Khi mình bị xây xước, nó cho mình biết rằng mình đang bám chấp và như vậy là một cơ hội để mình sửa.

Khi anh lấy Mỹ Nhân, chưa có tình yêu, hai người lấy nhau là “hôn nhân không có tình yêu” –thế mới kỳ! Chẳng do ai mai mối cả – do anh quá “đẹp trai” (Thầy cười lớn), thế là có người muốn cầu hôn anh, thế là lấy nhau. Mỹ Nhân lại sống trong miền Nam nên một năm chỉ gặp nhau hai, ba lần thôi. Thành ra khi lấy nhau về đây chưa có đủ thời gian tìm hiểu nhau. Cưới xong mới tìm hiểu, giai đoạn tìm hiểu mất khoảng mấy tháng. Không phải cái gì người ta và mình cũng hợp nhau. Ví dụ Mỹ Nhân nấu ăn theo kiểu miền Trung, anh thì ăn quen kiểu miền Bắc rồi. Thế là cả một buổi sáng dậy, chuẩn bị đồ ăn sáng rất công phu cho chồng, vậy mà ông ấy không khen một câu nào. Ông ấy chỉ nếm nếm rồi đứng dậy bỏ đi. Đau không? Còn chê nữa chứ!

Nếu mà không tập gì đó là vết xước rồi. Mình đã chuẩn bị cả buổi sáng rồi, trong lòng khấp khởi nghĩ rằng “Anh ấy sẽ rất vui khi ăn món ăn này”, ai dè ông ấy chỉ nếm rồi chê, đứng dậy bỏ đi mất. Nhưng Mỹ Nhân là một người thực hành rất quyết liệt. Nghĩa là mỗi lần như vậy, ông ấy bỏ đi thì việc của mình không phải ngồi giận ông ấy mà mình quay vào bên trong tìm xem mình sai ở đâu? Khi mình giận, mình khó chịu thì mình có vấn đề gì?

Việc này mọi người áp dụng được. Mỗi lần mình giận anh ấy, thay vì mình ngồi lẩm bẩm: “Anh thừa hơi à?” thì mình quay vào bên trong tìm xem mình có vấn đề gì? Mỹ Nhân không quay ra ngoài để trách cứ anh mà sẽ tìm một góc trong phòng, ngồi lại. Anh rất hiểu Mỹ Nhân, nhìn mặt là biết ngay. Mỹ Nhân mà có vấn đề gì là lộ hết ra mặt, không thể giấu được cái gì cả. Đi làm về nhìn mặt vợ là biết có vấn đề. Nhưng Mỹ Nhân rất giỏi, có vấn đề không bao giờ trách anh gì hết, kể cả anh có vẻ vô lý đến mấy, Mỹ Nhân cũng tìm một góc để ngồi sửa, tập với cái tôi. Nên rất nhanh chỉ trong hai tháng, hai người trở nên hoà hợp với nhau. Vì mỗi lần có vấn đề, Mỹ Nhân lại sửa, tập. Nên chỉ mất hai tháng thôi, từ đấy đến giờ giữa anh và Mỹ Nhân chẳng có một lần cãi nhau nào. Nếu có gì không thoải mái thì quay vào bên trong.

Như vậy nguyên tắc là: nếu có gì không thoải mái, khó chịu với nhau, thay vì ngồi trách cứ người kia, tôi hiểu rằng, tôi đang có vấn đề – phải có gì nhầm lẫn bên trong, do bám chấp, do cái tôi mình quá to v.v… Và ngồi sửa bằng được thì thôi. Khác với người không thực hành, không thực hành thì cả ngày ngồi nghĩ đến tính xấu của ông ấy, đến những điều xấu ông ấy/ cô ấy đã làm cho mình, xong mình không yên từ ngày này qua ngày khác. Mình nghĩ một lúc lâu thành sự trách cứ, trách cứ đủ lâu thành oán giận, oán giận đủ lâu thành hằn thù.

Nhiều người lấy nhau xong hằn thù nhau. Đầu tiên chỉ là vết xước thôi, nhưng không bỏ qua được, nghiền ngẫm nó lâu giống như mình bị xước mà mình cứ cứa đi cứa lại ấy, thế là thành vết thương. Vết thương không chữa, để lâu nó mưng mủ, nhiễm trùng, hoại tử thành bị mất luôn một cánh tay. “Vì anh làm em xước mà em mất cánh tay này” – mình sẽ nghĩ thế – “Em mất cánh tay này vì anh”, mà không hiểu rằng: Không phải, ông ấy chỉ làm mình xước thôi, xong đáng ra mình phải tìm cách chữa, sửa, mình lại lấy dao ngồi cứa đi cứa lại cho nó thành loét ra rồi hoại tử mất cánh tay. Nên người thông minh tập ngay lúc còn là vết xước thì mình vừa không bị đau, vừa hạnh phúc, đặc biệt mình trở nên sống có trí tuệ.

Thành với Phương muốn hạnh phúc phải chữa từ vết xước, chứ đừng để thành vết thương, vết thương cũng phải chữa đừng để thành hoại tử, hỏng một cánh tay. Phải chữa từ sớm, và chữa bằng cách thực hành. Còn nếu mình nuốt vào trong lòng thì không phải chữa – anh không nói cách chữa là nuốt vào trong lòng. Nuốt vào trong lòng chẳng qua giống như một căn bệnh, thay vì mình chữa nó thì mình tạm quên, phớt lờ nó đi – nó vẫn còn đấy – “Thôi, quên đi, nghĩ làm gì, nghĩ tới nó mệt lắm!”.

Mình không được quên nó, ngược lại, mình phải đem nó ra chữa – chữa lành hẳn hoi. Nếu mình đã có vết thương chí mạng thì càng phải chữa. Nếu mình có vết xước mà mình bỏ qua thì dần dần nó thành vết thương, nên vết xước cũng phải chữa nốt. Mỹ Nhân có điều đặc biệt là: vết xước cũng chữa, không phải để thành vết thương mới chữa – đó là nguyên tắc của Mỹ Nhân khi sống cạnh anh. Một sự không thoải mái nhỏ cũng phải tập. Nên mấu chốt của một đời sống gia đình hạnh phúc là mình chữa từ vết xước. Chẳng may ở đây ai đã có vết thương rồi, mình nên hiểu vết thương không phải người ta gây ra cho mình mà do sự bám chấp, kì vọng của mình gây ra cho mình là chính nên mình phải chữa vết thương từ phía bên trong mình. Chứ mình không thể chữa anh ấy được, bảo anh ấy đừng yêu cô kia nữa.

Một người quen anh, không may có một ông chồng yêu cô khác, chị ấy rất đau đớn. Việc đầu tiên chị ấy nghĩ đến là làm thế nào để ông ấy không yêu cô kia nữa, chị ấy không trách ông chồng mấy đâu, trách cô kia. Phụ nữ là thế, chồng ngoại tình là trách cô kia, cũng trách ông chồng chứ không phải là không. Sau đấy chị tìm cách để hai người không đến với nhau nữa. Tất nhiên chuyện chị ấy tìm cách cho hai người không gặp nhau nữa không có gì sai. Sai ở đây là gì? Là chị ấy nghĩ vết thương trong lòng chị ấy do ông chồng và cô kia gây ra, nên chị ấy không chịu chữa bên trong, hằng ngày chỉ đi tìm cách chữa bên ngoài: làm thế nào nói chuyện với chồng, nói chuyện với cô kia để cho hai người không tới được với nhau mà quên mất rằng vấn đề của mình không phải nằm ở kia mà nằm bên trong mình. Chị ấy không dành thời gian chữa bên trong mình thế là cuối cùng có đến đâu đâu. Bây giờ ông kia và cô kia ở trong tình trạng lúc nào cũng có thể đến được với nhau nếu đủ duyên.

Nhưng chị ấy giờ khá hơn rồi, chị ấy gặp anh nói chuyện và anh đã giúp chị ấy chữa bên trong. Chị bám chặt vào ông ấy quá, kỳ vọng nhiều, vì chị ấy sống rất tốt, sống tử tế với ông ấy quá đi. Những người sống tử tế bao giờ cũng thầm bám chấp anh phải tử tế lại với tôi. Nếu em chung thuỷ thì tự nhiên em muốn cô ấy phải chung thuỷ lại với em.

Nguyên tắc 1: có vết xước phải chữa ngay.

Nguyên tắc 2: chữa ở đâu? Không phải chữa cô kia hay anh kia mà chữa ngay bên trong mình. Hai nguyên tắc rất đơn giản. Cách chữa phải học dần, đừng bám chấp nữa, đừng có cái tôi nữa, hãy chấp nhận nhân quả đi. Chỉ cần mình hiểu nhân quả thì đã vơi đi nỗi đau rồi. Mình gây ra đau, mình sẽ bị đau lại, không bao giờ có chuyện mình không làm gì mà bị người khác làm đau! Hiểu nhân quả là liều thuốc rất quan trọng, rất quí.

Hiểu nhân quả, chấp nhận nó. Thế nhưng muốn tiến bộ thì phải nhận ra vết xước, hoặc vết thương và hiểu rằng vấn đề nằm bên trong mình, chứ vấn đề chính không nằm ở người ta, người ta chỉ là cái duyên – nhân quả dẫn đến chuyện này thôi, còn sự đau đớn do bên trong mình có bám chấp, nhầm lẫn. Mình sửa được bám chấp, nhầm lẫn đấy thì mọi việc mới xong.

Mỹ Nhân là một ví dụ, chỉ mất hai tháng giải quyết xong gần hết các vấn đề với anh. Đủ các loại vấn đề: anh không tắm nhiều như em muốn – Mỹ Nhân sạch lắm!Anh không gội đầu nhiều như tần suất em mong muốn… Đủ các loại chuyện, vì sống với nhau mà, những chuyện nhỏ nhỏ thôi nhưng không tập nó sẽ gây nên chuyện, nhiều lắm, vô số nhiều… Lúc đầu anh đành phải chiều, mình cũng không muốn làm cho vợ mình đau lòng, nhưng do Nhân sau này tiến bộ bảo “anh muốn tắm thế nào thì tắm, bao lâu gội đầu một lần là tuỳ anh!”. Đấy là trình độ lên đấy, Nhân nói thế không phải vì tức mà trong lòng mình thấy thế được. Sao Phương lại cười? Tần suất cho phép của em là bao nhiêu?

Hà Phương: Tần suất cho phép của em á? Hằng ngày!

Thầy Trong Suốt: Giống hệt Mỹ Nhân rồi. Đầu tiên Mỹ Nhân cũng thế, cũng bắt anh hằng ngày, thì mình tắm hằng ngày! Mỗi lần như thế mình vẫn tắm nhưng mình nói: “Đây là vấn đề của em, thực ra anh làm thế này anh chẳng hứng thú gì đâu, đây là vấn đề của em, em phải sửa.” Đấy, cách anh giúp Mỹ Nhân là như thế. Khi tắm mình phải tòi cái gương mặt “Không hứng thú gì” xong rồi nói: “Đây, anh đi tắm chỉ hoàn toàn vì em, anh chẳng hứng thú gì, đây là vấn đề của em”. Đầu tiên Mỹ Nhân nghĩ ít, sau lặp đi lặp lại, nghĩ nhiều hơn, xong sửa dần, sửa dần… Các chuyện khác anh cũng làm như vậy.

Ví dụ có một khuôn mẫu, chồng là phải mua tặng hoa vào ngày này, ngày kia thì mình vẫn tặng hoa như bình thường, xong cuối buổi mình nói “thực ra anh làm như này là vì em, chứ còn đối với anh ngày nào cũng như kỉ niệm ngày cưới rồi, ngày nào cũng như trăng mật rồi, thực sự trong lòng anh lúc nào cũng cảm thấy thoải mái và sung sướng, nên anh làm như này hoàn toàn chỉ vì em – chứ không phải vì bên trong anh cần có nhu cầu đấy. Thì năm lần bảy lượt sau vài năm, Mỹ Nhân lên một trình độ mới, chẳng cần tặng gì cả, anh vẫn tặng như thế, nhưng Mỹ Nhân không có sự chờ đợi chồng tặng gì cả. Chồng tặng vẫn vui, cả nhà vui vẻ nhưng không có lòng chờ đợi nữa, không thấp thỏm như kiểu “không biết 6 giờ anh ý đi làm về có mang theo bó hoa không?”.

Trước đây chắc chắn lúc mới cưới là thế. Ngày 20 – 10 tự khắc anh nhớ ra nhắn tin thôi, nhưng mình biết vợ mình không chờ đợi, mình nhắn trong trạng thái rất thoải mái. Còn trước đây, nếu vợ mình chờ đợi, nhắn xong hôm sau mình sẽ bảo “thực ra là…”. Mình lặp đi lặp lại như vậy, dần dần vợ mình hiểu ra đây là bám chấp của mình vào anh ý, chứ thực ra chẳng có gì thú vị cả. Đấy, khéo thì làm thế.

Còn như Nguyên không thể khéo như thế được thì Hà phải tập thôi. Mình chờ đợi người ta tặng hoa mình – nghe rất thú vị đúng không? Nhưng đấy là một hành động vô minh. Còn nếu người ta tặng hoa mình thì mình vui, còn không tặng hoa thì thôi. Như thế rất tốt – đấy là hành động của sự tiến bộ. Nhưng nếu mình chờ đợi, người ta không tặng hoa vào cái ngày mình muốn, mình sẽ bực tức, khó chịu – đấy là vô minh! Ở đây ai là phụ nữ bị như thế không? Chờ đợi người ta tặng hoa vào ngày đấy, chị Huế có chờ đợi không?

Chị Huế: chờ rất nhiều, rất rất nhiều lần… Ngày xưa mình chưa tu tập, rất nhiu trường hợp giống như anh kể. Khi tu tập, mình nhận ra được một chút.

Thầy Trong Suốt: Giống mình quá, đúng không? Tất cả sự khó chịu do mình hết, tất cả nỗi đau do mình, người ta là nhân quả, là cái duyên dẫn đến. Nhưng do mình cứ bám chấp, mình thiếu hiểu biết nên mình mới đau. Tất cả những điều người ta làm là nhân quả.

Chị Huế: Bây giờ ai tặng gì mình hoặc ai tổ chức cho mình thậm chí ngày sinh nhật mình cũng muốn quên luôn. Ngày sinh nhật của mình 3-9 chẳng hạn, chẳng hiểu sao mình quyết định không nhớ nữa. Rồi buổi tối nhân viên mời “chị ơi chị qua nhà hàng”, mình qua nhà hàng thấy nhân viên trang trí hoa rồi chúc mừng sinh nhật chị, mình vui nhưng mình thấy không có ý nghĩa gì…

Trong Suốt: Lên trình đấy! Mình vẫn nên vui, nhưng mình không nên cho nó là quan trọng. Mọi người tổ chức thì tổ chức, không thì thôi, người ta quên bẵng đi cũng được. Người ta tổ chức hay người ta quên bẵng mình cũng thấy như nhau. Như nhau là đều không buồn. Còn người ta tổ chức mình thấy vui là tốt đấy. Đó là một dấu hiệu mình bớt quan trọng hoá cuộc sống, bớt quan trọng hoá cái tôi. Chứ còn cái tôi của mình nó muốn được mọi người tôn trọng, kỉ niệm, ca ngợi… đủ thứ hết, đến khi không làm thì nó không vui.

Tại sao hai vợ chồng với nhau muốn được người kia tặng hoa cho mình? Để muốn mình vẫn còn đặc biệt trong mắt người ta – thế thôi, có gì khác đâu… Cái tôi nó muốn đặc biệt trong mắt người ta. Anh ấy không tặng nữa nghĩa là tôi không đặc biệt nữa, tôi chỉ làng nhàng như 100 cô khác xung quanh thôi. Đấy, sâu xa chuyện tặng hoa với các thứ là như thế. Tôi vẫn là người quan trọng nhất đối với anh ấy, nên đúng cái ngày đấy anh ấy vẫn tặng tôi cái gì đấy. Nhưng khi ông chồng nói “Thực ra thì…” Mình hiểu hoá ra không phải, anh ấy tặng hoa không phải mình quan trọng nhất đối với anh ấy, mà anh ấy thương mình thôi, thấy mình chờ đợi bó hoa nên tặng bó hoa. Dần dần như thế mình sẽ hiểu ra rằng mình đang bám chấp đây. Nhưng nếu tặng xong, anh ấy nói “Em là người quan trọng nhất trong đời anh” thì sướng lắm đấy nhưng bám chấp càng nặng hơn. Còn anh tặng hoa rất vui vẻ xong ngày hôm sau nói “Thực ra thì…”

 Mình nhận ra vết xước, hoặc vết thương và hiểu rằng vấn đề nằm bên trong mình, chứ không nằm ở người ta.

Người ta chỉ là cái duyên – nhân quả dẫn đến chuyện này, còn sự đau đớn do bên trong mình có bám chấp, nhầm lẫn.

Sửa được bám chấp, nhầm lẫn đấy thì mọi việc mới xong.

 

4. Cách tập khi bị vết xước hoặc vết thương

Hà Phương: Thế còn chuyện của em, vì anh Thành suốt ngày dán mắt vào ti vi, gần như bị thôi miên, em đi qua đi lại chẳng để ý gì, em rất ấm ức, cộng thêm đi ra ngoài phòng khách thấy xe máy thì vứt đấy, máy tính để bàn, chìa khoá nhà, mọi thứ ngổn ngang em mới tức lên em bảo, chồng lại không nói câu nào lẳng lặng cất xe vào, hồi nãy vừa kêu chở vợ đi gội đầu. Thế là nhiều bực tức dồn vào nó mới đâm chồng một nhát thế…

Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Nhiều vết xước lặp đi lặp lại thành vết thương. Mình bị thương thì mình muốn làm người ta bị thương lại.

Hà Phương: nhiều lúc nghĩ lại vẫn thấy tức.

Thầy Trong Suốt: Rồi, cách tập là gì? Khi mình tức, ngay lập tức mình phải hiểu rằng cơn tức là lỗi của mình. Việc anh ấy không cất xe máy không phải là lỗi của mình nhưng cơn tức là lỗi của mình chứ không phải lỗi của anh ấy – Bước rất quan trọng, bước đầu tiên đấy!

Nếu em tiếp tục tức Thành về chuyện gì đấy, ngay khi mình tức mình lập tức nhận ngay ra đấy là lỗi của mình, anh ấy chỉ là cái duyên để gợi sự bám chấp của mình ra thôi. Thay vì ngày xưa mình hay cho cơn tức này là lỗi của anh ấy thì mình chỉ loay hoay sửa anh ấy thôi, nhưng sửa thế nào được? Làm sao Thành ngừng dán mắt vào ti vi được? Nếu có sửa thì lâu lắm, khó lắm, mơ ước viển vông thôi. Mỗi người có quyền lựa chọn của họ. Nhưng đầu em lúc nào cũng quay lòng vòng làm thế nào để sửa anh ấy thì không bao giờ xảy ra cả.

Trong khi bản chất cơn tức đến từ bên trong em, chứ không phải đến từ anh Thành – Thành là cái duyên, là nhân quả đấy. Thành xem tivi là nhân quả. Ông này đã gieo nhân gì đó rồi nên quả là rất thích xem tivi… Mình phải nhìn nhận ở góc độ nào, mình tức là lỗi của ai? Khi em tức, phải nói ngay với mình: “Đây là lỗi của mình” – như Mỹ Nhân tức anh là biết ngay đây là vấn đề của mình, cực kì nguyên tắc luôn. Tức anh lập tức lên phòng ngồi một chỗ, vì biết ngay lập tức đây là lỗi của mình. Dù anh có hành xử vô lí như thế nào đi chăng nữa mà nếu mình tức, thì nhận ra ngay đó là lỗi của mình – Điều này cực kì quan trọng.

Một nguyên tắc cứng, mỗi khi mình tức, việc đấy không phải lỗi của mình, mà cơn tức là lỗi của mình. Dù người kia có vô lí như thế nào đi chăng nữa mà mình tức – thì là lỗi của mình. Lỗi của mình là sự bám chấp của mình, sự vô minh của mình, ngay lúc đấy không phải đi sửa người ta. Mỹ Nhân không sửa anh môt chút nào luôn, mà việc của Mỹ Nhân là đi lên phòng ngồi một chỗ, không bảo “Ôi anh sai rồi, anh không được như thế… ” Anh tạo điều kiện cho Mỹ Nhân làm như vậy, anh không can thiệp nữa, mình tôn trọng khoảng không của vợ mình, mình không bảo cố gắng cãi nhau cho bằng được, hay đòi gặp nhau nói chuyện cho ra nhẽ – hỏng ngay! Ra nhẽ là hỏng hết, không ra nhẽ được luôn!

Khi cơn tức còn ở trong lòng, không ra được nhẽ gì hết, chỉ giống như “đổ thêm dầu vào lửa”. Khi cơn tức trong lòng mà đòi ra nhẽ, chỉ ra nhẽ trái chứ không ra nhẽ phải! Mà nó có ra nhẽ rồi hai người đánh nhau cũng tổn thương nặng nề. Khi vợ mình có vấn đề, mình thả lỏng luôn, muốn làm gì thì làm, mình đi chỗ khác. Vì em không tập, còn nếu em là người tập, nếu em là Mỹ Nhân, vấn đề chồng mình làm gì không quan trọng nữa, vấn đề bây giờ là mình giải quyết vấn đề bên trong mình như thế nào, nhầm lẫn gây ra đau khổ bên trong như thế nào.

Để anh lấy ví dụ chuyện này luôn. Bây giờ người ngoài thử xem nhầm lẫn ở đâu nào? Phương tức vì ông chồng mình dán mắt vào tivi mà không “dán mắt” vào mình, có điều gì sai ở đây không? Hay hoàn toàn đúng? Cơn tức đến từ đâu? Thành trả lời xem nào? Tại sao vợ em lại tức như vậy? Vì Phương là “người xấu” à?!

Ngọc Thành: Phương tức vì em không quan tâm tới vợ, tức chuyện này chuyện kia, Phương muốn em phải chơi với vợ, nói chuyện với vợ, rất nhiều thứ ạ…

Trong Suốt: Phương tức vì em không nhìn vợ khi vợ chạy qua chạy lại. Cố tình chạy qua chạy lại: “Hãy nhìn em đi, hãy nhìn em đi!”. Anh lại cứ nhìn tivi, mình lượn trước mặt ông ấy còn bảo: “Tránh, tránh, tránh!”… làm sao chịu được, đúng không? Chắc chắn luôn, em lượn qua trước mặt ông ấy mà.

Đang xem bóng đá ông ấy bảo: “Tránh, tránh ra!”. Mình có một thứ người ta gọi là bám chấp: anh ấy phải chú ý đến tôi – nên nhớ là chữ phải – “Anh ấy nên nghĩ đến tôi” thì chưa tức, “Anh ý phải nghĩ đến tôi” là bắt đầu có vấn đề, là có tức.

“Anh ấy nên chú ý đến mình” – anh ấy không chú ý thì thôi, nên mà! Nhưng “anh ấy phải quan tâm đến tôi”, “anh ấy phải chú ý đến tôi” – Nghe rất “chính đáng” đúng không? Vì tôi quan tâm đến anh ấy, nên anh ấy phải quan tâm đến tôi. Chứ nếu em không quan tâm anh ấy thì sao? Anh ấy quan tâm tới em hay không có gì quan trọng đâu! Em cũng đầy việc phải làm, em quan trọng gì tới việc ông ấy nhìn hay không? Nếu em không quan tâm tới anh ấy, em ngồi đan, em ngồi làm đủ chuyện, tất nhiên em cần gì anh ấy quan tâm tới mình? Nhưng nếu em đang quan tâm anh ấy, người tốt thường thế, hay có kiểu “Nếu tôi tốt với ai, thì anh ấy phải tốt lại với tôi”.

Vì vậy, nếu em bực tức, việc của em là lên phòng ngồi, hoặc ra ghế ngồi, và hiểu rằng cơn bực tức đến từ bên trong. Mình tìm xem bên trong mình có một sự bám chấp hay một mong muốn nào buộc phải xảy ra.

Bám chấp tức là mình muốn cái đấy phải xảy ra. Trong trường hợp này mình phải nghĩ: “À, mình đang bị hơi quá mất rồi, mình bắt anh ấy phải quan tâm đến mình, trong khi lẽ ra chỉ là anh ấy nên quan tâm đến mình thôi… ” Vì mình bắt anh ấy phải quan tâm đến mình, nên anh ấy không quan tâm là mình tức, nhưng cơn tức này là hoàn toàn đến từ bên trong mình, chứ không phải đến từ anh ấy, anh ấy chỉ là người ngồi xem tivi thôi.

“Cơn tức này hoàn toàn đến từ bên trong!” – Đó là cách tập! Khi em tìm được nguyên nhân, em sẽ nhận ra là cơn tức này hoàn toàn đến từ bên trong. Vì cơn tức đến từ bên trong nên em sẽ hoàn toàn hoá giải được: Ví dụ em bảo “Mọi thứ không thể bắt theo ý mình được” – bắt theo ý mình chứng tỏ cái tôi mình rất to, mình không thể để cái tôi to được, hoặc mình hiểu “Có thể là nhân quả thôi, anh ý có làm gì cũng là nhân quả”, mình bắt anh ý quan tâm đến mình cũng không được! Nếu không đủ duyên để quan tâm đến mình thì không bắt quan tâm được luôn!

Lý luận về Nhân quả, Vô Thường, Không toại nguyện… đủ để cho em thấy rằng mình đang vô lý. Bắt anh ấy phải quan tâm mình trong lúc này là vô lý.

Vô lý là trái với Nhân quả, Vô Thường, Không toại nguyện, chứ không phải Vô lý là trái với lẽ đời – vì lẽ đời rất có lý! Vợ có bầu, mệt mệt, chạy qua chạy lại, lẽ đời là chồng phải hỏi thăm một câu, đúng không? “Tại sao em lại cứ nhảy múa trước mặt anh?” – Nói thẳng một câu như thế cơ! (Cười lớn) Lẽ đời thì (chuyện này) không có gì vô lý, nhưng với lẽ tu thì thế là vô lý. Cái đấy đúng với lẽ đời, nhưng trái với lẽ tu.

Nếu mình là người quyết tâm thực hành thì mình sẽ không làm những hành động trái với sự thật nữa. Việc của em là mình không bắt buộc nữa, “Anh ấy quan tâm mình thì tốt, không thì thôi, mình làm việc khác!” … Tập như thế xong, rồi mới làm gì thì làm. Có thể tối về góp ý, giống Mỹ Nhân là “Em mong muốn anh làm như này, như này…” – em chỉ mong muốn thôi chứ em không bắt anh phải làm như vậy. Đấy là cách Mỹ Nhân sau khi tập xong hay kể anh nghe: “Em phát hiện ra hôm qua em giận anh vì em bắt buộc nó phải xảy ra”, “Em bắt rằng anh phải như này, như kia với em, khi anh không làm là em bực. Còn bây giờ em thấy rồi, chỉ nên thế thôi…, không thì cũng chẳng sao”. Đấy, khi mình bình tĩnh để nói những câu chuyện như vậy, người chồng mình họ sẽ điều chỉnh. Nếu em có thể nói được cái giọng đấy thì ông chồng sẽ điều chỉnh là cái chắc.

Hà Phương: Em cũng có tập nghĩ về cái tôi trước, xong rồi em nghĩ là lỗi của mình trước. Như vụ cốc sữa chua em nhận ra là em tan được ngay nhưng còn cái vụ tivi, chạy qua chạy lại đấy thì nghĩ mãi mà không ra được.

Thầy Trong Suốt: Tại vì em nghĩ theo lẽ đời.

Hà Phương: Em bị mắc ở chỗ đấy, không lí giải được đúng là do mình thật. Với cả ví dụ nói theo kiểu nhẹ nhàng thì em áp dụng mọi biện pháp rồi nhưng vô dụng. Cho nên đến lần bùng nổ nhất là mệt ơi là mệt mà vẫn thấy chồng dán mắt vào tivi, nghĩ mình có lý, nghĩ nhu cầu đấy của mình rất chính đáng.

Thầy Trong Suốt: Không! Lẽ đời có lý mà… Đúng với lẽ đời. Bây giờ anh không cấm em không được làm như thế, không được nói chồng là anh nên quan tâm đến em, nhưng anh nói nếu em là người quyết tâm sửa thì em không thể làm những điều vô lý.

Vô lý là gì? Là trái với sự thật. Sự thật là gì? Sự thật là không thể bắt được điều gì xảy ra hết. Khi em nhận ra rằng, bắt anh ấy phải quan tâm là mình sai rồi, mình bỏ cái bắt ấy đi. Mình chỉ cần nên thôi, “anh ấy nên quan tâm tới mình”. Còn nếu anh ấy không quan tâm thì thôi, chấp nhận thôi, không điên lên. Sau đó có thể tìm cơ hội nào đấy để nói “thực ra em muốn anh quan tâm tới em”, hoặc “giả vờ” cáu tí: “Vợ đang mệt như này mà chồng… mắt dán vào tivi!” (cười lớn) – nhưng đấy là mình giả vờ thôi để chồng mình hiểu ra rằng chồng đang có một hành động không hợp với lẽ đời lắm.

Mình tức là 100% lỗi của mình! Nếu mình tức thì cơn tức đấy 100% là do lỗi của mình! Đấy là một nguyên tắc rất cứng rắn! Mỹ Nhân áp dụng triệt để: nếu mình tức anh ấy, thì 100% là lỗi của mình, cơn tức đấy là lỗi của mình! Do mình vô minh, nhầm lẫn.

Sau khi mình xử lý cơn tức rồi mình có thể lại điều chỉnh anh ấy, không vấn đề gì hết! Nói chuyện, làm điều gì đấy… nhưng mình phải sửa hành động vô minh! Lỗi của mình trong việc này là bắt mọi việc xảy ra theo ý mình muốn – điều không thể được vì trái với nhân quả, trái với vô thường, trái với bất toại nguyện, trái với sự thật.

 CÁCH TẬP

Khi tức (giận…), hiểu ngay rằng: Cơn tức (giận) 100% là do lỗi của mình, do mình vô minh, nhầm lẫn.

Lý luận về Nhân quả, Vô thường, Không toại nguyện để thấy mình VÔ LÝ.

Bắt mọi việc xảy ra theo ý mình muốn  là điều không thể được vì trái với nhân quả, vô thường, bất toại nguyện. 

 

Nguyên tắc này áp dụng cho mọi vết thương chứ không chỉ chuyện vừa xong đâu! Kể cả những người gây ra những nỗi đau lớn hơn, mình phải hiểu nó là nhân quả thôi! Không thể bắt buộc theo ý mình được! Anh ấy có ngoại tình cũng là nhân quả. Nếu mình không bao giờ từng ngoại tình thì ông ấy không bao giờ ngoại tình. Mình ngoại tình trong các đời trước – nhân quả thôi! Mình không bắt cuộc đời theo ý mình được. Đấy là cách để tập!

Sau khi mình đã hết bắt mọi thứ theo ý mình rồi, bấy giờ mình mới sáng suốt nghĩ xem bây giờ mình nên làm gì? Bây giờ mình nên nói với ông ấy : “Hãy chia tay cô kia đi!”, mình nên khuyên nhủ ông ấy hay mình giả vờ tức giận v.v… Nhưng vấn đề là: mình chỉ nên quyết định như vậy khi mình đã giải quyết được vấn đề bên trong mình. Mình không còn bắt, không còn bám chấp việc này, việc kia phải xảy ra như ý mình. Khi mình sáng suốt, thường kết quả sẽ tốt hơn.

Chị H cũng thế thôi, việc của chị bây giờ là tập để cho mình không còn bắt mọi thứ xảy ra theo ý mình nữa! Để khi mình nghĩ về chuyện người ta làm điều sai với mình, mình thấy rằng điều đó chỉ là nhân quả thôi! Để mình có thể bỏ đi được sự đau đớn bên trong. Nhưng sau đấy mình không phải không làm gì hết, sau đấy cần làm gì thì làm, cần kiện ra toà thì kiện, mình cân nhắc xem điều gì làm đúng nhất thì làm. Nhưng mình không làm vì sân hận, không làm vì trả thù, mình làm vì đây là điều đúng nên làm, hết! Đấy, tập là như vậy!

Chị H: Mình đang cân nhắc một chuyện: tình cờ mình quen anh công an, anh ấy bảo có thể giúp mình trong vụ của H, mình cũng đang cân nhắc không biết thế nào vì năm nay mình gặp rất nhiều chuyện vớ vẩn, sao kế đô… Nên không biết có nên làm hay không. Vì chị em rất tin nhau, không có giấy tờ gì cả, mọi việc thoả thuận với nhau trên miệng hết tất cả cho đến khi…

Thầy Trong Suốt: Nếu chị không quay vào bên trong để tập, giải quyết kiểu gì nó cũng có vấn đề. Đấy là sự thật, chị làm kiểu A thì có vấn đề kiểu A, làm B thì có vấn đề kiểu B, không thoát được đâu. Cách duy nhất của chị là TẬP, tập đã rồi làm gì thì làm, tập đã rồi báo công an, tập đã rồi thôi bỏ qua, tuỳ! Khi chị không tập, chị lựa chọn bằng một tâm trạng đau đớn và một sự hiểu biết hạn hẹp. Không tập mà, kiểu gì cũng sai. Không sai bây giờ thì sai ngày mai. Ngày mai ông kia đến hỏi: “Đưa tôi 3000$ để tôi giải quyết, tôi sẽ đòi lại chỗ tiền đấy cho chị!”. Lúc đấy chị cân nhắc gì bây giờ? Chị lại đi chạy vay 3000$ để đưa cho người ta? Vì mình luôn luôn không hiểu việc gì quan trọng cần thiết, việc gì là đúng, đúng không?

Nhiều chuyện hôm nay là đúng nhưng ngày mai là sai. Nên vấn đề của mình là mình phải trở về trạng thái sáng suốt. Muốn sáng suốt thì phải quay vào bên trong! Còn nếu không cứ cho hôm nay rất đúng, ông ấy đến với chị rất tốt, thực sự muốn giúp chị. Ngày mai lòng tham nổi lên, ông ấy thấy là “Nếu mình giúp cô ấy, tự nhiên cô ấy được một đống tiền, mình phải tìm cách kiếm tiền lại”… Thế là chị lại phân vân không biết làm thế nào bây giờ. Không bao giờ chị biết được bây giờ phải làm thế nào nếu trong lòng chị vẫn còn đầy xáo trộn, khi chị chưa hiểu được sâu sắc về nhân quả và sự thật.

Ví dụ hôm đấy chị không biết quyết định thế nào. Xong chị lại nghĩ : “Dù sao đưa tiền cho ông ấy lại được khoản lớn hơn”, rồi chị đi vay đưa ông ấy. Ông ấy bắt đầu lại nghĩ rằng “À, lấy tiền của đứa này dễ quá! Mình vừa đòi nó đưa mình tiền luôn, thế tội gì, mình cứ từ từ, không cần vội… ” Đấy, có người thế mà, đời thay đổi lắm. Ông ấy sẽ lại tìm cách kiếm tiền của chị, đến một ngày nhất định, Chị H kia lại bảo “Thôi em cho anh từng này tiền, anh làm nó bẽ mặt cho em!”, “Anh cứ lấy tiền nó nhiều lên, còn đâu em đưa anh từng này tiền”. Thế là ông ý được tiền cả 2 bên đúng không? Rồi bảo “Ừ, tại sao mình không làm điều xấu nhỉ?”.

Lúc đấy chị bị quay vòng vòng như này này… trong một ma trận mà không có đường ra. Vì mỗi khi mình phải quyết định, mình lại quyết định bằng sự tiêu cực. Bằng một sự không sáng suốt từ bên trong mình. Không đi đến đâu hết! Ngay thời điểm này chị chưa nên làm gì vội, chuyện đấy lúc nào chị làm chẳng được! Nếu chị thích năm sau chị làm cũng được, phải không? Nếu chị thích năm sau chị lại nhờ công an. Cũng chỉ từng đấy chuyện thôi mà. Thời điểm này chị phải bình tĩnh, sửa bên trong mình trước. Thông minh là như vậy! Cứ sửa mình trước đi đã, còn đòi tiền chưa muộn. Đòi tiền báo công an năm sau cũng chẳng muộn. Sửa mình để mình sáng suốt, để khi mình quyết định mình không quyết định bởi sự hận thù, bởi lòng tham, mình không quyết định từ sự dại dột mà mình quyết định từ sự sáng suốt và bình tĩnh.

Đấy mới là sự hành xử đúng trong thời điểm này. Còn nếu không, cứ cho ông ấy rất tốt vào ngày hôm nay nhưng ngày mai liệu ông ấy có còn tốt nữa không? Hay hai tháng nữa ông ấy có còn tốt nữa không? Khi ông ấy hiểu hết hoàn cảnh rồi, ông ấy bảo : “Ừ, đây là cơ hội mình kiếm tiền” thì ông ấy hết tốt! Cuộc đời là thế! Cõi người trong thời đại này là thời đại của lòng tham rất mạnh! Thành ra không biết điều gì sẽ xảy ra, lòng tham làm mờ mắt là chuyện bình thường. Ai cũng có thể bị mờ mắt bởi lòng tham chứ đừng nghĩ người tốt sẽ không bao giờ bị mờ mắt bởi lòng tham. Người tốt mà gặp đúng hoàn cảnh thì lòng tham cũng làm mờ mắt luôn. Ngay câu chuyện của chị thôi. Lúc đầu chị đến với người ta có khi người ta chưa tham đâu – lúc đầu mà… Sau này rồi thời gian trôi qua, lòng người thay đổi, lòng tham nổi lên, họ sẵn sàng làm chuyện sai với chị, đúng không?

Nên nếu chị sáng suốt từ ngày hôm đấy chị đã không làm những chuyện để cho lòng tham người ta nổi lên rồi. Đưa tiền phải viết giấy tờ, ví dụ thế, một cách đơn giản thôi, mình hiểu rằng con người rất dễ có lòng tham nên mình không đưa tiền cho ai mà không có giấy tờ. Nguyên tắc đơn giản thế thôi! Mình đưa tiền không có giấy tờ thì lòng tham dễ nổi lên, khi người ta quỵt tiền mình cũng chẳng có cơ sở nào để bảo đã từng đưa tiền cho nhau. Ngày xưa lúc chị tạo điều kiện cho lòng tham người ta nổi lên, nên trách ai bây giờ?

Trách nhân quả? Mà nhân quả thì có gì đáng trách đâu? Nhân quả cứ thế xảy ra. Câu chuyện phải dừng lại, mình tập sửa bản thân mình đã, đừng có hành động vội. Còn nếu không sửa được mình thì cũng đừng hi vọng làm được điều đấy – không làm được đâu! Chị không sửa được chị thì đừng hi vọng, rồi chị sẽ làm nạn nhân của hai, ba bên. Nó sẽ xảy ra như vậy, nếu chị làm, ngày xưa chị là nạn nhân của một bên, bây giờ là hai bên.

5. Với gia đình, nguyên tắc số 1 là: Kiên nhẫn

Thầy Trong Suốt : Quay lại chuyện gia đình. Nếu gia đình mình có chuyện, việc đầu tiên của mình không phải là nhảy xổ vào giải quyết. Việc đầu tiên của mình là làm thế nào để sáng suốt đã. Người thông minh, người khôn ngoan là như vậy! Tập để thấy sáng suốt!

Đấy là lý do anh hay nói: Trong mọi câu chuyện liên quan đến gia đình, cần nhớ hai chữ đầu tiên: Kiên nhẫn. Tất cả mọi chuyện, chuyện tình cảm, chuyện bố mẹ mình, chuyện con cháu mình… nguyên tắc số 1, đầu tiên là kiên nhẫn. Vì không kiên nhẫn là mình mất bình tĩnh ngay, nóng vội ngay! Vì gia đình là thứ rất sát sườn mình rồi nên khi mình đau, mình không bao giờ muốn đau mãi, mình sẽ phải tìm cách giải quyết ngay. Gia đình hay tình cảm nói chung, bố mẹ với mình, mình với con cái, với chồng hoặc vợ… nguyên tắc số 1 là kiên nhẫn! Kiên nhẫn và Tập dẫn đến việc mình sáng suốt, sáng suốt mới hành động được. Ngay đầu tiên mình có sáng suốt đâu, mình phải kiên nhẫn đã. Khi gặp chuyện với bố mẹ, gặp chuyện với vợ hay chồng mình,với con cái.. số 1 là phải kiên nhẫn!

Với bố mẹ mình cũng thế thôi, với bố mẹ lại càng phải kiên nhẫn, vì mình có từ chối bố mẹ được đâu? Có đuổi bố mẹ đi được đâu? Vợ, chồng mình cũng thế thôi, đầu tiên là kiên nhẫn đã. Với con cái càng phải kiên nhẫn. Giả sử Phương muốn sửa chồng mình cũng phải kiên nhẫn, chứ đừng có nghĩ: “Ngày hôm nay anh ấy dán mắt vào tivi. Ngày hôm sau anh ấy cũng dán mắt vào tivi… Trời ơi, biết đến bao giờ? Mình nhảy múa thế nào để anh ấy nhìn mình bây giờ?”

Mình nên nói thế này: “Việc này cần phải kiên nhẫn”. Sự thật mọi vấn đề về gia đình đều phải kiên nhẫn nhưng việc đầu tiên mình nhắc mình: « Đầu tiên là phải kiên nhẫn! »  Có thể mình chưa đủ sáng suốt để biết nên làm gì nhưng ít nhất mình đủ sáng suốt nhắc mình một câu: phải kiên nhẫn, từ từ tìm cách giải quyết! Chuyện tivi là chuyện nhỏ thôi, còn những chuyện to hơn. Cuộc sống còn bất ngờ, còn đủ các chuyện, nhớ ngay việc đầu tiên trong việc gia đình là kiên nhẫn.

Nguyên tắc cực kỳ quan trọng đấy: Kiên nhẫn. Còn khi mình kiên nhẫn rồi, mình làm mãi mà không sửa được thì có thể mình sẽ tìm cách khác. Nhưng việc đầu tiên vẫn phải là kiên nhẫn.

Gia đình là chỗ cần kiên nhẫn nhất. Ví dụ ở cơ quan mình có thể rất kiên nhẫn với sếp, nhân viên, bạn bè nhưng về nhà với gia đình, với vợ/ chồng mình lại không kiên nhẫn được – chuyện thường xuyên xảy ra. Mình có thể có tiếng là một người rất kiên nhẫn, điềm đạm, nhưng về nhà thì không kiên nhẫn. Chồng mình vừa làm gì sai là mình gắt um lên, thế mà ra ngoài ai cũng bảo mình là người rất kiên nhẫn. Sự thật đấy! Gia đình là chỗ cần kiên nhẫn nhất thì lại khó kiên nhẫn, vì nó sát sườn quá. Giống như mình ngồi đây nghe tin ở Iraq ngày hôm nay có 100 người chết vì đánh bom, mình thấy chẳng “xi-nhê” gì đúng không? Lướt qua một cách “hờ hững” đúng không? Đến tối về nghe mẹ mình kể : “Hôm qua có ai ném con chuột chết vào vườn nhà mình” là bắt đầu khó chịu rồi – vườn nhà mình mà, không phải Iraq! Con chuột chết ở vườn nhà mình kinh khủng hơn 100 người chết ở Iraq! “À, đứa nào có ý xấu đây! Cẩn thận, đề phòng!” Gì gì đấy! Hay cẩn thận bệnh này dịch kia, đúng không? Tương tự thế thôi, chuyện gia đình, bố mẹ, chồng con mình là rất sát sườn, nên khi nó xảy ra mình rất khó kiên nhẫn.

Chị Huế đồng ý không? Với bố mẹ mình phải kiên nhẫn hay nóng vội? Nhất là với bố mẹ phải càng kiên nhẫn! Nguyên tắc số 1 trong gia đình là phải kiên nhẫn, tất nhiên kiên nhẫn xong mình phải trở thành người sáng suốt chứ nếu mình cam chịu thì mình vẫn khổ thôi. Đầu tiên là kiên nhẫn đã rồi mới có sáng suốt chứ kiên nhẫn không phải cam chịu đâu. Kiên nhẫn sau đấy phải sáng suốt, tập những điều anh giảng cho mọi người, trở nên sáng suốt trong hành xử. Hà Anh với cả Nguyên ai kiên nhẫn hơn?

Hà Anh: Nguyên ạ!

Thầy Trong Suốt: Tốt! Nguyên tắc trong gia đình là phải kiên nhẫn! Mẹ Hồng Nhị với cả Ba Quyền ai kiên nhẫn hơn?

Mẹ Hồng Nhị: Chắc là ba. Phương này, bác chia sẻ một chút, mỗi lần như thế bác luôn nghĩ rằng kiếp trước bác đã từng là vợ hay chồng của bác Quyền, bác cũng có tính giống như bác Quyền, tức mình đã gieo nhân rồi bây giờ mình phải gặt quả thôi. Nên bây giờ bác ấy đối xử với mình thế thì mình phải chịu, mình trả nghiệp cho bác ấy. Chỉ có bác ấy đừng đòi thái quá lên, đòi thái quá thì bác ấy lại gieo nhân xấu. Mình phải tự sửa mình, bác cũng phải chữa rất lâu chứ không phải dễ. Bởi vì trong nhà ai cũng vậy thôi, vấn đề lớn không có, vấn đề lớn thì thống nhất với nhau được, nhưng những điều rất nhỏ như bác rất khó ngủ nhé, mình mới vừa vào nằm ngủ dặn “Bây giờ em buồn ngủ quá rồi em đi ngủ nhé, tí nữa vào ba nhẹ nhàng cho em ngủ nhé”, bác ấy vào bác ấy sập cửa một cái! Xong điện thoại thường thường hay tắt, bác ấy bật lên, thế là tự nhiên mình tỉnh như sáo. Mà tính mình đã thức giấc thì không ngủ lại được, thức đến sáng luôn. Nếu như mình cứ bực tức thì mình luôn luôn khổ. Cho nên Thầy Trong Suốt nhắc bác rất nhiều trong chuyện phải ra thời hạn tập trong khoảng nào thì dứt điểm được việc giận dữ với chồng. Đến bây giờ bác giải quyết được vấn đề đấy rồi. Không đơn giản đâu, cũng phải dai dẳng đấy.

Thầy Trong Suốt: Phương thì trong bao lâu em giải quyết hết được những vấn đề kiểu như vừa xong?

Hà Phương: Chắc khoảng một tháng ạ.

Thầy Trong Suốt: Cố hết sức lên, một tháng là nhanh đấy! Một tháng là quá nhanh! Em muốn giải quyết thì em phải có nguyên tắc rất cứng là: lỗi của tôi hết. Cứ tức là lỗi của tôi! Sau đấy đi tìm lỗi là mình mong đợi cái gì?

Hà Phương: Nhưng lúc đi tìm, có cái mình tìm ra có cái không tìm ra.

Thầy Trong Suốt: Phải dần dần. Nhưng nguyên tắc cứng thứ nhất là kiên nhẫn phải áp dụng ngay. Rất kiên nhẫn trong chuyện gia đình. Kiên nhẫn chuyện đời chứ anh không nói chuyện đạo đâu. Gia đình là phải kiên nhẫn. Hôm nay nhân ngày đám cưới của Hà Anh với Duy Nguyên anh có mấy điều hướng dẫn như vậy để chúng ta áp dụng. Hôm nay đến đây là hết!

 Chuyện gia đình, bố mẹ, chồng con mình  là rất sát sườn, nên khi nó xảy ra mình rất khó kiên nhẫn.

Kiên nhẫn và Tập dẫn đến việc mình sáng suốt. Sáng suốt mới hành động được. 

 

Từ hôm nay trở đi sự thật phũ phàng sẽ hiện ra nhưng nếu mình thực hành sẽ không phũ phàng đâu! Thực hành sẽ thấy đó là một sự thật rất có ích cho mình tiến bộ.