Tôi là chủ nhân của vấn đề

Khi đau khổ, người ta có một thói quen là tìm một lý do nào đấy để đổ cho nó. Vì chuyện đã qua rồi, ngày hôm nay bạn không thể sửa được nữa, nên bạn muốn đổ cho một cái gì đấy đã qua đi mà không sửa được nữa. Khi không hạnh phúc, tôi rất muốn tôi là một nạn nhân, chứ không phải là người đã gây ra sự bất hạnh ấy.
Đấy là tâm lý rất bình thường. Khi tôi bất hạnh, tôi sẽ tìm ra ông A, bà B, ông C… là người làm cho tôi bất hạnh, không bao giờ tôi nói: “Tôi là người gây cho tôi bất hạnh” cả. Và tôi luôn luôn muốn nói rằng: “Bây giờ tôi không thể thay đổi được gì nữa” – đó là tâm lý của người bất hạnh. “Tôi không thể thay đổi được gì nữa, vì một điều gì đó đã xảy ra” – Đây không phải là cách nhìn đúng đắn.
Nếu bạn nghĩ như vậy thì bạn không cải thiện được bất kỳ tình hình nào, kể cả tình hình bây giờ của bạn. Bạn hãy nghĩ một cách khác đi! Việc “ngày hôm nay tôi bất hạnh” có thể liên quan đến quá khứ. Có thể rất nhiều chuyện liên quan đến quá khứ. Nhưng không hoàn toàn nằm ở đấy, nó nằm ở cách “tôi đối diện với tình huống này như thế nào”.
Nếu bạn nghĩ được như vậy thì ngay ngày hôm nay bạn bắt đầu thay đổi được vấn đề của mình. Nếu bạn không nghĩ được như vậy thì bạn luôn luôn tìm một đối tượng nào đấy để đổ lỗi cho nỗi khổ của mình. Giả sử bây giờ bạn không đổ cho việc “mình bất hạnh vì đã không nghe lời mẹ mà cứ lấy người đàn ông này làm chồng” thì bạn sẽ tìm ra một câu chuyện khác. Và quan trọng là không bao giờ bạn thay đổi được cái mà ngay bây giờ bạn đang có, vì chính tâm lý đấy.
Nhưng nếu mình có tâm lý “Tôi là chủ của vấn đề. Tôi chính là nguyên nhân sự bất hạnh của tôi” thì bạn bắt đầu thay đổi được nó từ hôm nay. Nếu mình còn cho rằng, bất hạnh của mình là do cái gì đổ vào mình và mình chỉ là nạn nhân thôi, thì chẳng bao giờ mình thay đổi được nó, mình mãi mãi chỉ là nạn nhân, đến tận cuối đời. Không cẩn thận bạn còn gây tâm lý ấy cho con cái của bạn, bạn biến nó thành nạn nhân.
Tốt nhất là hiểu rằng “Hạnh phúc của mình có thể thay đổi được. Cho dù bất kỳ điều kinh khủng gì có thể xảy ra, nhưng ngày hôm nay mình có thể làm một điều gì đó” – đấy là cách nghĩ tích cực và đúng đắn hơn.
Trích Trà đàm “Khoảng cách giữa các thế hệ, mâu thuẫn và cách chuyển hoá”, Hà Nội tháng 1/2012.
* Xem các buổi trà đàm khác tại đây https://trongsuot.com/tra-dam-trong-suot/