(Phần tiếp theo)
Zangthalpa nói tiếp:
– Nhẫn nhục không thể thiếu trí tuệ, và nhẫn nhục hoàn hảo thì lại càng không thể thiếu trí tuệ. Thực ra bạn chỉ có thể nhẫn nhục hoàn hảo khi không còn thấy có người bị hại và người đi hại người khác. Tôi xin kể một câu truyện để minh chứng cho điều này, câu truyện có tên: Diệt kẻ thù như thế nào?
Ngày xửa ngày xưa, ở một vương quốc nọ có một nữ thông thái tài ba, thông minh, hiểu biết nổi tiếng khắp một vùng, tên là Ganesha.
Ngoài sự uyên bác, Ganesha còn vô cùng xinh đẹp nên rất giỏi chinh phục lòng người. Có rất nhiều người đàn ông thông minh bị chinh phục và trở thành mưu sĩ cho nàng. Nổi bật trong số đó là Siddhavarsa, một người đàn ông có rất nhiều mưu kế. Kể từ khi có sự hỗ trợ của Siddhavarsa, không có một vấn đề nào mà Ganesha không thể trả lời được. Danh tiếng của nàng ngày một vang xa ra khắp vương quốc…
Cứ mỗi tháng, bậc thông thái Ganesha lại mở cửa một ngày để mọi người đến hỏi ý kiến về những vấn đề nan giải mà họ gặp phải trong cuộc sống. Người đến hỏi thì cũng đủ tầng lớp: có kẻ biết đọc, biết viết, có người chẳng biết chữ. Nhưng ai cũng mang theo những vấn đề khó nhất trong cuộc sống đến xin được giúp đỡ. Một hôm, có bác nông dân già yếu đến hỏi nhà thông thái rằng:
– Thưa nhà thông thái, nhà tôi có 3 con lợn, có con to, có con nhỏ, nhưng trong đó có một con đang có thai và chuẩn bị đẻ thêm con thứ tư. Vậy mà tôi lại có tới 5 đứa con. Tôi không còn sống được bao lâu nữa, và phải viết di chúc để thừa kế lại chỗ tài sản này. Tôi nên chia số lợn thế nào cho công bằng với 5 đứa con mình?
Dân làng ngồi nghe câu hỏi và bàn tán xôn xao. Mỗi người hiến một kế, kẻ thì hy vọng con lợn có bầu sẽ sinh đôi, kẻ thì tranh cãi nhau xem đứa con nào thì nên được con lợn to nhất. Không ai nghĩ nổi một cách chia tài sản cho thật công bằng.
Đợi đám đông bớt ồn ào, nhà thông thái Ganesha nhấp một ngụm trà và thủng thẳng trả lời:
– Bán lợn đi, chia tiền cho các con.
Dân làng ồ lên vỗ tay vui mừng. Câu hỏi rõ là phức tạp, nào là 5 đứa con, nào là 3 con lợn, con thì sắp đẻ, con thì to con thì bé, quá nhiều chi tiết, chẳng thể nào ngờ lại có giải pháp đơn giản đến vậy.
Có người lại cố tình làm khó, hỏi:
– Cả làng tôi đang đánh vật với câu đố này: Một người mù gặp phải tình huống khẩn cấp, cần phải uống thuốc gấp nếu không sẽ đột quỵ. Ông có 2 viên thuốc trắng 2 viên thuốc đen, nhưng mà phải uống 1 viên đen và 1 viên trắng cùng lúc, nếu uống nhầm thành cả 2 viên trắng hoặc cả 2 viên đen thì sẽ chết. Ông không có ai để giúp lúc đó. Hỏi người mù phải làm thế nào?
Đám đông lại xôn xao bàn tán mãi mà không thể ra đáp án. Tất cả con mắt lại đổ dồn về phía Ganesha. Ganesha chưa nghĩ ra, nhưng khi đưa mắt sang nhìn mưu sĩ Siddhasarva, thấy hắn giơ ngón cái tỏ vẻ đã có câu trả lời. Nhà thông thái liền vuốt tóc cười khẩy: “Có thế mà cũng không đoán ra!”. Rồi nhìn xuống đám đông, mọi người đang vò đầu, bứt tai…
Cuối cùng, ai cũng đành bó tay. Sau khi nghe ý kiến của Siddhasarva, Ganesha vênh vênh cái mặt, nói:
– Anh về bảo cả làng là: “Bậc thông thái Ganesha chỉ dạy rằng: Cầm từng viên một bẻ đôi mỗi viên rồi uống 1 nửa, thế nào cũng uống được 2 nửa trắng, 2 nửa đen!”
Đám đông lại ồ lên thán phục và vỗ tay không ngớt…
Cứ thế, cứ thế, mỗi tháng một ngày, nhà thông thái Ganesha lại giải đáp tất cả các câu hỏi khó nhất của thế gian. Người thì hỏi chuyện con lợn, kẻ thì hỏi chuyện con gà, người thì hỏi nên thiến hay không thiến. Tiếng lành vang xa, có khi, cả nhà vua từ hoàng cung xa xôi cũng lặn lội đến hỏi nhà thông thái xem có nên đem quân sang đánh nước bên cạnh không. Nhà thông thái Ganesha giải đáp mọi khúc mắc trong vương quốc, từ chuyện thiến lợn cho đến quốc gia đại sự. Bất kể câu hỏi khó đến đâu, nhà thông thái trả lời xong mọi người ai cũng cảm thấy thỏa mãn vô cùng, vỗ tay rầm rầm và hoan hỷ ra về. Ganesha sống trong hào quang của sự ngưỡng mộ tuyệt đối cho đến một ngày…
Trong quốc gia còn có một nữ đại cao thủ, tự cảm thấy là mình cũng thông thái không kém gì Ganesha, nhưng chưa được ai công nhận, cô tên là Pema. Sống trong ấm ức bao lâu nay, nàng thường hay tự nhủ, “Mình còn thông minh hơn Ganesha, vậy mà cô ả được thế gian ca tụng. Có lẽ chỉ vì xinh thôi, chứ tài cán gì mấy câu hỏi con lợn con gà vớ vẩn ấy.”
Rồi một ngày, nhà thông thái chưa được khai quật Pema quyết định: “Cách tốt nhất để chiếm ngôi vị này là đến hỏi một câu cực khó mà Ganesha không trả lời được. Ta sẽ làm cho ả đơ trước mặt cả thiên hạ luôn! Khi đó chắc chắn, với câu trả lời hoàn hảo, ta sẽ trở thành đệ nhất thông thái”. Hân hoan nghĩ đến cảnh ngày ấy tháng ấy, nhà thông thái Ganesha sẽ bị hoàn toàn đổ quỵ trước ngôi sao mới nổi Pema, nàng vạch ra một kế hoạch hoàn hảo, rồi khấp khởi lên đường.
Một ngày đẹp trời cuối tháng tư năm nọ, nhà thông thái Ganesha mở cánh cửa gia trang của mình như thường lệ để giải đáp các khúc mắc của dân tình. Sau mỗi câu trả lời là sự trầm trồ thán phục và tiếng vỗ tay rào rào từ dân chúng nổi lên. Bỗng nhiên, đến gần giữa trưa thì có một người phụ nữ mặc áo đen, đi giầy đen, đeo trang sức đen, bước vào và hỏi:
– Thưa nhà thông thái vĩ đại, tôi có một câu hỏi này, đã hỏi rất nhiều người tài ba trên cả nước mà chưa ai trả lời được. Xin bà hãy trả lời giúp tôi. Nếu bà trả lời được thì tôi sẽ tôn vinh bà là nhà thông thái bậc nhất. Nhưng nếu không trả lời được, thì bà thật là hữu danh vô thực!
Ganesha mũi nở to, trong bụng tự tin nghĩ thầm: “Trên đời câu nào mình chẳng trả lời được!” và xẵng giọng nói lớn:
– Muỗi! Ngươi cứ nói.
Pema bắt đầu kể một câu truyện.
– Ngày xửa ngày xưa ở một vương quốc nọ có một chú bé tên là Nadhi. Thời đó người ta đi lại trên chiếc xe 4 bánh không có ngựa kéo, gọi là “ô tô”. Chú bé Nadhi có một chiếc xe ô tô cảnh sát màu vàng. Một hôm Nadhi nói với ba: “Ba ơi, bây giờ con nên làm gì với chiếc xe này?”. Ba chú bé trả lời: “Con hãy đi ra ngoài đường và bắt cướp”. Thế là Nadhi lái chiếc xe cảnh sát màu vàng, lên đường đi bắt cướp. Ngay khi ra ngoài bỗng Nadhi thấy ngay một tên cướp, lái chiếc xe màu đen, vừa đi vừa đâm hết vào xe này đến xe khác. Nadhi liền hú còi inh ỏi và đuổi theo. Rượt đuổi mãi, cho tới khi tên cướp chạy tới chui tọt vào một cái hang. Khi Nadhi chạy theo đến nơi, chú bé ngó vào trong thì thấy trong hang có 40 tên cướp, vô cùng dữ tợn, và rất nhiều đồ chơi. Nadhi có rất nhiều bạn thân, nào là bạn Kitty, bạn Ken, bạn Tara… Hỏi, làm thế nào Nadhi đem hết đồ chơi về cho các bạn?
Dân làng lại xôn xao bàn tán. Người thì hiến kế: đợi mấy tên cướp ngủ rồi Nadhi xông vào lấy đồ chơi. Pema nghe thấy, cười nhếch mép nói: “Đúng là ngô nghê! Chui vào như thế, trong hang tận 40 tên cướp, nếu như ai trong số bọn chúng tỉnh dậy bất chợt thì chỉ có nước chết”. Người thì bảo Nadhi nên gọi điện cho cảnh sát đến bắt 40 tên cướp cho vào tù, rồi vào lấy đồ chơi. Pema nghe thấy, phản bác “Nếu thế, ta sẽ đặt ra trường hợp: Nhỡ trong lúc Nadhi gọi điện thoại, tên cướp phát hiện ra sẽ bắt cóc Nadhi và bỏ trốn thì sao?”. Người thì nghĩ mặc áo tàng hình cho dễ bề hoạt động – “Nhưng bọn cướp ngồi vây quanh đống đồ chơi cơ mà?!”. Thế tốt nhất Nadhi nên gọi ba mình tới – “Xí! Ngộ nhỡ lúc đó ba đi công tác không có nhà?!”… Pema lắng nghe vòng quanh và mỉm cười đắc ý. Bất cứ câu trả lời nào Pema cũng đã chuẩn bị sẵn một phương án đối phó. Với phương kế ấy, Ganesha có đưa ra câu trả lời kiểu gì thì Pema cũng sẵn sàng phản bác. Bất cứ câu trả lời nào của Ganesha cũng sẽ bị dân làng cười ồ. Chắc chắn Ganesha phải chịu thua ê chề.
Nghe câu hỏi của Pema, Ganesha thừa thông minh để đoán được rằng đây là câu hỏi không có đáp án. Ganesha còn hiểu rằng Pema đến đây không phải vì câu hỏi, mà vì muốn hạ bệ mình để giành chức vô địch thông thái mà thôi.
Khi vẫn còn đang phân vân chưa biết phải làm gì, bỗng người mưu sĩ thân cận Siddhasarva lại gần thì thào: “Đây là câu hỏi mà trả lời kiểu gì cũng có điểm yếu. Hay là hỏi xem Pema có câu trả lời không, nếu nó không có ta sẽ hoà. Nếu nó có câu trả lời tôi sẽ tìm ra chỗ bất hợp lý bắt bẻ nó là xong! Hãy làm nó bối rối bằng cách đưa ra lời thách thức ghê gớm vào…”. Nghe bùi tai, Ganesha liền bảo:
– Truyện này theo tôi thì làm gì có câu trả lời. Nếu chị trả lời được thì tôi sẵn sàng nhường lại chức đệ nhất thông thái và trao hết của cải cho chị. Nếu thua chị phải quỳ xuống hô 3 lần “Ganesha thông thái nhất thiên hạ” và chịu làm đầy tớ cho tôi.
Ganesha nói thế xong, đưa tay lên vuốt vuốt tóc, vô cùng hân hoan tự đắc vì nghĩ chắc rằng làm gì có câu trả lời cho câu truyện này.
Ai dè, Pema chỉ đợi có thế, liền đồng ý ngay. Không chần chừ thêm nữa, Pema hùng dũng tiến tới:
– Thôi được, để tôi trả lời cho chị. Nếu dân làng thấy có lý và vỗ tay thì chức đệ nhất thông thái sẽ thuộc về tôi.
Và Pema nghênh mặt trả lời:
– Câu trả lời rất đơn giản thôi. Nadhi liền đợi 40 tên cướp đi ngủ, và đọc câu thần chú “Vừng ơi mở cửa ra”. Cánh cửa mở ra và Nadhi liền phun khói mê vào trong hang, và khuân đồ chơi ra mang về cho các bạn.
Câu trả lời quá hợp lý! Pema vừa nói xong dân làng vỗ tay hoan hô ầm ĩ. Ganesha bắt bẻ kiểu gì Pema cũng có cách trả lời phù hợp. Khi nàng quay sang tìm Siddhasarva cầu cứu thì ôi thôi! Hắn đã biến mất tự lúc nào.
Pema là người kể truyện, Pema muốn làm gì với câu truyện mà chẳng có lý. Ngay khi bắt đầu, người kể truyện thực ra đã là người thắng cuộc. Nhưng lâu nay không ai hiểu điều đấy. Ai cũng tưởng người giải được câu đố là người thắng, mà không biết rằng người kể truyện là người đã cầm phần thắng trong tay ngay từ đầu, vì họ muốn nói gì chẳng được.
Chỉ vì tin lời xui dại của tên mưu sĩ, ngờ đâu Siddhasarva chính là đồng mưu đã bị Pema mua chuộc! Ganesha đã trúng bẫy Pema. Rõ ràng, Pema đã thông minh hơn Ganesha thì mới làm được chuyện ấy! Ganesha thất bại ê chề, xấu hổ không để đâu cho hết, chỉ muốn lấy dao cắt xoẹt mái tóc dài đen óng ả mà chỉ mấy phút trước còn là biểu tượng tự hào của mình.
Và thế là Pema soán ngôi Ganesha trở thành nhà thông thái nổi tiếng khắp cả nước. Còn Ganesha thì lang thang khắp nơi, như một kẻ điên. Bỗng chốc mất hết danh dự, thể diện, mất hết nhà cửa, tài sản, phải giao hết lại cho Pema mà trắng tay lủi thủi một mình nơi đầu đường xó chợ, ngày này qua tháng khác.
Cứ đi như thế, cho đến một hôm, khi Ganesha băng qua một cánh đồng thì bỗng gặp một ông già chăn ngựa. Ông già thấy một cô gái tóc rũ rượi, thất thểu đi trên đường khóc tức tưởi, bèn đến gần và ân cần hỏi:
– Vì sao cô gái khóc?
Ganesha nhìn kỹ ông già, trông mặt thấy hiền lành tử tế, chắc không phải là người xấu, bèn đem hết câu chuyện éo le của mình kể lại. Ganesha vừa nói vừa khóc tức tưởi:
– Tôi đang quá uất ức. Do lỡ bị mưu hại chứ tôi thực sự thông minh hơn ả Pema nhiều lần. Trong lòng tôi chỉ sôi sục một mục tiêu giành lại vị trí đệ nhất thông thái quốc gia mà thôi.
Ông chăn ngựa phủi tay:
– Tưởng gì! Việc đó quá dễ!
Ganesha như bông hoa được tưới nước, ngước đôi mắt đã héo mòn nhưng không giấu nổi niềm hy vọng, sung sướng hỏi:
– Thưa ông, vì sao lại dễ thế ạ?
Ông già thản nhiên đáp:
– Ngủ với ta một đêm rồi ta sẽ chỉ cách cho.
Nhìn khuôn mặt hiền lành tới mức trong sáng của người chăn ngựa, Ganesha không một chút đề phòng. Lại quá khao khát việc giành lại được ngôi vị của mình, cùng với sự thông minh hiểu biết, thấy rõ việc này dù sao cũng quá hời, Ganesha tặc lưỡi: “Tuy mình chưa làm việc nam nữ lần nào, nhưng đổi một đêm ngủ để lấy lại ngôi vị đệ nhất thông thái thì cũng đâu đến nỗi nào.” Nàng đồng ý.
Thế là chuyện ấy xảy ra.
Sáng hôm sau, Ganesha tỉnh dậy thì không thấy ông già đâu. Bên mình chỉ còn một mẩu giấy nhỏ, ghi mấy chữ:
“Ngu thế mà đòi làm đệ nhất thông thái!”
Ganesha giật mình tỉnh ngộ. Nàng nhận ra mình đã quá quẫn trí và mù quáng mất rồi. Đến ông già chăn ngựa mình không biết gì, mà lại tin rằng có thể cho mình đáp án, lại còn dại dột ngủ cùng và trao hết tất cả, mất cả chì lẫn chài, một lần và mãi mãi.
Trong cơn đau đớn tột cùng, Ganesha lại gào thét thảm thiết. Mãi tới lúc này Ganesha mới thực sự hiểu ra rằng đời là bề khổ. Nàng hoàn toàn bất lực trước mọi biến cố của cuộc đời mình. Không còn một con đường nào khác, thế là Ganesha quyết định tầm sư học đạo, cắt tóc đi tu.
Nghe nói ở vùng núi nọ có một vị thầy rất nổi tiếng, là đạo sư Prajnavata. Ganesha lặn lội ngày đêm tìm đến để xin theo học. Gặp Ganesha, đạo sư hỏi:
– Tại sao con đến đây?
Ganesha kể lại câu chuyện đời mình, và xin được cứu giúp. Vị thầy lại hỏi:
– Vậy con muốn tu để làm gì?
Ganesha trả lời trong tiếng nấc:
– Con rất muốn giác ngộ. Nhưng, có hai kẻ mà con không thể nào tha thứ được. Một là ả Pema đã lấy hết danh dự và tài sản của con, hai là lão già chăn ngựa khốn nạn đã lấy đi cái ngàn vàng mà không bao giờ con có thể lấy lại được. Con muốn tiến bộ rồi trả thù hai kẻ đó.
Đạo sư Prajnavata đáp ngay:
– Chuẩn quá, con tìm đúng người rồi đó. Ta chính là chuyên gia dạy cách trả thù đây. Con cứ làm theo lời ta, đảm bảo sẽ trả thù được.
Thế là đạo sư Prajnavata chỉ dạy cho Ganesha cách tu tập. Đạo sư bảo con đường này là con đường trí tuệ và phương tiện, nên Ganesha nung nấu rằng mình phải thông minh, trí tuệ, để sau này có thần thông, sẽ trả thù thành công.
Ganesha tu tập một năm.
Một năm sau, Ganesha tới gặp thầy, vị thầy hỏi:
– Thế nào, trình độ con đã đến đâu?
Ganesha trả lời:
– Lúc này, con đã cảm thấy đời là vô thường.
Thầy Prajnavata tiếp:
– Vậy lúc nào con định trả thù?
Ganesha nghĩ một lúc rồi nói:
– Hai người ấy không thể tha thứ được. Khi nào con lên trình độ cao hơn, khi nào giác ngộ có thần thông, con sẽ đi xử lý họ. Đầu tiên con sẽ dùng thiên nhãn thông để xem Pema ở chỗ nào. Sau đó con sẽ dùng thần túc thông để phi tới đấy. Rồi con sẽ dùng tha tâm thông để biết ả nghĩ gì. Và cuối cùng con sẽ chơi ả một vố giống như lần trước con đã bị lừa. Con phải lừa lại Pema, làm nó đau như con đã từng bị đau. Còn gã chăn ngựa đã cướp đi cái ngàn vàng của con bằng sự lừa lọc, con sẽ giết hắn. Khi có thần thông thì chuyện đó hẳn là sẽ dễ như bỡn.
Thầy Prajnavata gật gù:
– Con nói vậy là chuẩn. Con đã đi đúng quy trình mà ta muốn giúp con. Cố lên! Giác ngộ thế nào cũng có thần thông, và con sẽ làm được tất cả những thứ đấy.
Ganesha nghe vậy sung sướng lắm, lại tiếp tục miệt mài tu tập. Khi Ganesha đã hiểu hết lý thuyết, đạo sư Prajnavata tiếp tục chỉ dạy:
– Lúc này con chỉ cần suy ngẫm và thiền định. Con cứ lên núi đi. Một năm ta sẽ đến gặp con một lần, để kiểm tra xem con đã tu đến đâu rồi, và có những lời khuyên phù hợp.
Ganesha cứ thế làm đúng lời thầy, vì sôi sục mục tiêu muốn trả thù, tiếp tục miệt mài nghiên cứu lý luận và tu tập thiền định.
Lại một năm nữa trôi qua.
Gặp lại Ganesha, thầy Prajnavata hỏi:
– Con thế nào rồi?
Ganesha trả lời:
– Con đã ngộ ra được câu trả lời với câu truyện của Pema trong cuộc thi tài năm xưa. Bây giờ nếu Pema đến hỏi thì con đã có câu trả lời xịn hơn nhiều. Chắc chắn con sẽ không mất vị trí đệ nhất thông thái nữa.
Thầy Prajnavata cười hỏi:
– Câu trả lời thế nào, con nói đi?
Ganesha trả lời:
– Câu trả lời là “Tùy duyên”.
Câu trả lời chính xác nhất cho câu truyện ấy chính là “tùy duyên”. Hoàn cảnh thế nào thì hành xử thế ấy. Bất cứ câu trả lời nào khác của Pema, Ganesha hoàn toàn có thể bắt bẻ rằng câu trả lời đó có vấn đề. Ganesha tay chống nạnh, diễn tả lại điệu bộ năm xưa khi mình còn là nhà thông thái đang trả lời Pema:
– “Nghĩa là lúc đấy hoàn cảnh như thế nào thì làm thế đấy thôi. Tôi có ở trong hoàn cảnh của chú bé Nadhi đâu mà tôi biết phải làm thế nào. Chị cũng có ở hoàn cảnh đấy đâu mà chị đảm bảo đáp án của chị là đúng! Cả hai đều sai. Nếu như chị nói phun thuốc mê cho mấy tên cướp ngất đi để chú bé Nadhi vào lấy đồ chơi, thì đúng lúc đó có một cơn gió thổi qua, thuốc mê bay hết. Lúc đó Nadhi biết phải làm sao? Vậy nên, chỉ có “tùy duyên” là câu trả lời đúng đắn nhất mà thôi”.
Nghe vậy, đạo sư Prajnavata gật đầu:
– Được. Như vậy con đã tiến bộ.
Nhưng Ganesha lại thưa:
– Thưa thầy, nhưng bây giờ con không còn muốn trả thù Pema nữa, vì con đã thấy là con hơn Pema rồi. Trước đây còn muốn tranh hơn thua với cô ta, nên con mới muốn đi trả thù. Còn bây giờ khi biết rằng mình đương nhiên đã hơn hẳn rồi, không còn phải đi chứng minh với thiên hạ, con chả còn mong muốn trả thù gì Pema nữa.
Ganesha nghĩ rằng, việc cố đi chứng minh, đó chưa phải là người thực sự đệ nhất. Còn phải chứng minh rằng tôi là người giác ngộ, nghĩa là chưa giác ngộ. Chính người không thông thái thực sự, như Pema ngày xưa, mới phải cố tìm cách làm cho người ta tin, bằng mọi thủ đoạn, rằng tôi rất thông thái. Nếu bên trong mình đã tự biết là người thông thái, tại sao còn phải đi chứng minh? Còn phải chứng minh nghĩa là chưa thực sự đạt. Đã đạt rồi thì không còn nhu cầu chứng minh nữa.
Prajnavata hỏi tiếp:
– Thế còn lão già chăn ngựa? Con định thế nào?
Vẫn còn chút cay đắng trong lòng, Ganesha đáp:
– Riêng lão ấy thì chưa xong, con thấy lão ấy vẫn độc ác, xấu tính, lợi dụng hoàn cảnh con đang khổ cực nhất, lẽ ra lúc ấy không cứu giúp thì cũng đừng lợi dụng, đằng này đang tâm hại đời con. Không thể chấp nhận được. Con phải tu tiếp, để con đạt được các loại thần thông và trả thù.
Đạo sư Prajnavata nghe vậy tiếp tục gật đầu:
– Tốt. Con hãy tu tập tiếp, và sang năm gặp lại ta.
Đạo sư Prajnavata tận tình chỉ dạy cho Ganesha những bài pháp quý giá. Với lòng quyết tâm rốt ráo đạt được mục tiêu của mình, Ganesha tiếp tục miệt mài tu tập.
Lại một năm nữa trôi qua. Gặp lại Ganesha, đạo sư Prajnavata lại hỏi:
– Con thế nào rồi?
Đó đã là năm thứ ba kể từ ngày Ganesha theo thầy tu học. Lúc này, khuôn mặt Ganesha đã sáng lên nhiều. Cô không những xinh đẹp hơn ngày xưa, mà còn rực rỡ, rạng ngời, và tràn đầy bình an. Ganesha nhẹ nhàng trả lời:
– Thưa thầy, con đã giết xong lão chăn ngựa rồi ạ.
Có lẽ nào Ganesha ngồi thiền rồi đạt được thần thông nhanh như vậy? Và đã kịp bay đi giết lão chăn ngựa? Chuyện gì đã xảy ra?
Đạo sư Prajnavata hỏi:
– Tại sao lại thế?
Ganesha trả lời:
– Giờ đây con đã ngộ ra vô ngã. Con thấy không có cả lão chăn ngựa nữa để mà giết. Và không có cả con để mà bị hại. Không có người làm hại, không có người bị hại. Không có người đi trả thù, và không có người bị trả thù.
Khi ấy đạo sư Prajnavata mỉm cười hài lòng:
– Đúng rồi. Con đã hiểu vì sao ta nhận con chưa? Tại vì chính ta trước đây cũng giết kẻ thù theo kiểu này. Và chẳng kẻ thù nào sống sót hết. Tất cả kẻ thù của ta đều bị giết sạch. Vì thế ta đã nhận con làm học trò, vì ta biết rằng ta có thể dạy con cách diệt kẻ thù. Con biết giết kẻ thù nghĩa là gì không?
Ganesha đoán mãi mà không ra, đành xin thầy giảng giải.
Đạo sư Prajnavata dịu dàng đáp:
– Giết kẻ thù chính là “A-la-hán”. Nghĩa đen của chữ “Arahat” chính là giết kẻ thù. Bậc A-la-hán là bậc đã giết xong kẻ thù. Kẻ thù ở đây chính là niềm tin rằng thực sự có cái tôi. Để diệt được kẻ thù, phải tu tập. Trước khi tu tập, phải gặp đủ đau khổ. Đôi khi những khó khăn đau khổ trong đời không phải là hoạ mà là phúc.
Rồi dưới ánh sáng rực rỡ, đạo sư Prajnavata hiền từ giảng giải:
– Thực ra lão chăn ngựa ngày xưa chính là ta. Thấy con dù rất khổ nhưng vẫn còn vô cùng kiêu ngạo, chưa biết là mình ngu dốt, nên ta phải biến thành lão ấy cho con bài học để giúp con tiến bộ. Vì thế, con nên nhìn tất cả những người con gặp đều là các vị Phật đến giúp con. Tất cả những cái khổ con phải chịu, con hãy tập nhìn chúng thanh tịnh như là chư Phật đem đến cho con học bài học của mình. Chỉ có ngã chấp – niềm tin rằng thực sự có một cái tôi – mới là kẻ thù thực sự, ngoài ra trên đời không bao giờ có kẻ thù nào hết con ạ.
—
Khi Zangthalpa giảng đến đây, mọi người hiểu ra rằng một vị thầy giác ngộ có thể có những hành xử vượt khuôn khổ để giúp học trò như thế nào. Và rốt cuộc tại sao phải có trí tuệ người ta mới có thể thực hành nhẫn nhục hoàn hảo.
Trongsuot kể ngày 29/04/2015 tại Huế.
Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 14: Ý nghĩa các câu chuyện của Zangthalpa
Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.