Zangthalpa – Phần 47: Ba lần phát Bồ đề tâm

Một ngày nọ, thấy rằng nhiều học trò của mình đã đủ chánh kiến để có thể giúp đỡ người khác trên con đường tu hành giác ngộ, Zangthalpa giảng cho họ về Bồ đề tâm: “Bồ đề tâm là mong muốn đạt được giác ngộ hoàn toàn để mang tới hạnh phúc và giác ngộ cho tất cả mọi người và mọi loài. Một người muốn tu hành đúng đắn, đạt tới trạng thái giác ngộ hoàn toàn thì cần phải phát Bồ đề tâm. Phát Bồ đề tâm nghĩa là phát ra một lời thề nguyện thiêng liêng rằng người đó sẽ nỗ lực hết mình, sử dụng mọi công đức và trí tuệ để trở nên giác ngộ hoàn toàn như một vị Phật, và giúp mọi chúng sinh khác cũng đạt được sự giác ngộ đó, cho dù họ có phải lăn lộn trong luân hồi vô số kiếp để rèn luyện đi nữa. Khi một người đã thực sự phát Bồ đề tâm thì mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của họ đều hướng đến việc đạt được trí tuệ hoàn hảo để có thể giác ngộ cho chính mình và cho người khác.”

Lúc ấy, trong số học trò có một người xin thưa: “Thưa thầy, mong thầy từ bi làm lễ phát Bồ đề tâm cho chúng con.”

Zangthalpa cười nói: “Phát Bồ đề tâm không đơn giản là một buổi lễ. Để ta kể cho các con nghe câu chuyện “Ba lần phát Bồ đề tâm”, các con sẽ hiểu để phát Bồ đề tâm thực sự cần phải như thế nào.”

BA LẦN PHÁT BỒ ĐỀ TÂM

Ngày xưa, có một bậc thầy đầy trí tuệ và từ bi tên là Kusala có rất đông học trò. Thầy Kusala rất thiện xảo, không chỉ dạy giáo lý mà còn dùng Vô Tự Chân Kinh để dạy, tức là dùng chính thái độ và cách sống của mình để tác động trực tiếp tới tâm học trò. Thầy dạy tất cả mọi loại người, không phân biệt nam nữ, già trẻ, lớn bé, giàu nghèo hay địa vị xã hội, miễn là thực tâm cầu đạo.

Trong số học trò của thầy, có một người học trò tên là Mukti. Cậu có một nỗi sợ thường trực rằng mình sẽ chết trước khi đạt được kết quả gì, ngay cả Thánh quả sơ cấp cũng không có, nên cậu rất sốt ruột với việc tu học của mình. Thấy bạn bè được phát Bồ đề tâm và tiến bộ rất nhanh từ việc giúp người khác, Mukti khẩn khoản xin Thầy phát Bồ đề tâm cho mình.

Thầy Kusala mỉm cười, nói: “Làm một buổi lễ thì không khó, nhưng một khi đã phát Bồ đề tâm, con cần ra ngoài để giúp người, giúp đời. Bởi khi giúp người, thực chất là con đang giúp chính mình phát triển Bồ đề tâm. Con có quyền lựa chọn phát Bồ đề tâm hay không, nếu phát Bồ đề tâm để tu hành thì sẽ thành Bồ tát đi cứu độ chúng sinh và sẽ có trí tuệ hoàn hảo, biết được bản tính của thế giới và mọi chi tiết tương đối của thế giới. Còn nếu không phát Bồ đề tâm, con vẫn có thể tu hành thành một vị A La Hán, chỉ biết vô ngã, rồi một mình tịch diệt. Đó là hai con đường khác nhau. Giờ ta phải đi dạo một lúc đã, rồi khi về, nếu con thực sự muốn, ta sẽ cân nhắc làm lễ phát Bồ đề tâm cho con!”

Mukti ngập tràn hạnh phúc khi thầy nói có thể sẽ phát Bồ đề tâm cho mình. Cậu vừa đi, vừa chiêm nghiệm những lời dạy của thầy về việc phát Bồ đề tâm. Cậu đi sau thầy, nhìn thầy có dáng đi thật là khoan thai, phong thái thật là an lạc. Từ thầy toát ra vẻ đẹp như một vị Bồ tát, một sự từ bi, một tình yêu bao la mà chỉ cần ở gần thôi cũng khiến cậu vô cùng hạnh phúc. Ai đi qua cũng phải trầm trồ và tỏ lòng tôn kính trước thầy. Từ tận đáy lòng, cậu cảm thấy rất mến phục thầy mình và mong muốn được giống như thầy: “Thầy đẹp quá! Mình cũng muốn trang nghiêm đẹp đẽ, phong thái ung dung như vậy! Nếu phát Bồ đề tâm mà để trở thành Bồ tát giống như thầy thì cũng đáng! Lúc ấy, mọi người cũng ngưỡng mộ mình như ngưỡng mộ thầy thì thật đã lắm đây!”

Đi được một đoạn, có một vũng nước lớn còn đọng lại từ cơn mưa đêm qua, nước trên tán cây vẫn còn nhỏ giọt xuống vũng nước, tạo thành những vòng tròn đồng tâm lăn tăn. Đi đằng sau, cậu thấy thầy Kusala thản nhiên lội qua vũng nước, không mảy may bận tâm bùn đất bắn lên cả quần áo và nước trên tán cây nhỏ vào người. Mukti cau mày ngạc nhiên, nghĩ: “Cứ tưởng Bồ tát là lúc nào cũng nghiêm trang đẹp đẽ chứ! Sao thầy lại để bùn đất bắn hết cả lên người thế kia? Có vẻ làm Bồ tát không sướng như mình tưởng. Bồ tát gì mà lại lấm lem bùn đất, bẩn hơn cả mình. Chỗ sướng thì không đi, cứ đi vào chỗ khó khăn làm gì. Làm Bồ tát mà khổ thế thì ai muốn làm? Có khi chỉ tu thành A La Hán vẫn sướng hơn. Mà mình còn đang kém thế này, thì được làm A La Hán là tốt lắm rồi!” Ngay khi Mukti nghĩ như vậy thì thầy Kusala tự nhiên khoát tay, rảo bước đi nhanh hơn.

Đi được một lúc, Mukti nhìn thấy phía xa, trên cành cây có một tổ chim, các con chim non rất đói mà chim mẹ thì đã mất bên cạnh. Cậu nghĩ: “Những chú chim này đáng thương quá! Giá mà mình đã phát Bồ đề tâm thì mình sẽ cứu những con chim này.” Khi Mukti đang vẩn vơ nghĩ như vậy, bỗng thầy Kusala đi chậm hẳn lại, bước những bước thảnh thơi, để cho Mukti vượt lên phía trước. Mukti cứ băn khoăn vừa đi vừa nhìn những chú chim non mãi: “Nhưng thầy chưa phát Bồ đề tâm cho mình. Thôi đành chờ vậy. Đợi thầy phát Bồ đề tâm cho mình đã, rồi nếu đủ duyên mình sẽ quay lại cứu chúng sau.” Nghĩ xong Mukti gật gù đắc ý: “Ái chà! Chưa được phát Bồ đề tâm mà mình đã thông tuệ thế rồi. Hiểu về duyên thế cơ mà! Nếu được thầy phát Bồ đề tâm cho thì khéo chẳng mấy chốc mà giác ngộ!” Đang vô cùng hoan hỷ với những suy nghĩ vừa xuất hiện, Mukti thấy thầy lại vượt lên, đi nhanh trước mình.

Đi thêm một quãng nữa, hai thầy trò bắt gặp những người ăn xin nghèo khổ rách rưới ở bên đường. Ánh mắt họ khẩn khoản cầu xin sự bố thí của bất kỳ ai đi ngang qua. Mukti động lòng thương: “Tội nghiệp những người này, chắc hẳn các đời trước họ đã làm nhiều nghiệp xấu lắm nên giờ mới bị như vậy. Giá như họ biết đến con đường tu học như mình thì đời họ đã bớt khổ hơn!” Đang miên man nghĩ như vậy, Mukti thấy thầy mình thoáng mỉm cười, thầy thư thái phóng tầm mắt ra cánh đồng nơi phía xa có một bầy chim đang chao lượn. Người học trò vượt lên đi trước thầy. Đi ngang qua chỗ những người ăn xin, bỗng một mùi hôi thối nồng nặc từ họ bốc ra khiến Mukti bịt mũi cố gắng đi nhanh lên phía trước. Khuôn mặt ưu tư của cậu nhăn nhúm lại vì khó chịu: “May mà mình chưa phát Bồ đề tâm đấy. Thầy dạy là phát Bồ đề tâm xong thì chúng sinh nào cũng phải giúp. Mà nếu phải giúp những người hôi thối bẩn thỉu thế này thì mình thà đi theo con đường chỉ làm A La Hán còn hơn!” Khi cậu vừa nghĩ xong như vậy, người thầy lại đi lên phía trước. Lần này, thầy đi rất nhanh và không dừng lại nữa. Mukti đoán thầm: “Chắc thầy cũng không thể chịu nổi cái mùi này nên mới đi nhanh như thế!”


Đi ngang qua chỗ những người ăn xin, bỗng một mùi hôi thối nồng nặc từ họ bốc ra khiến Mukti bịt mũi cố gắng đi nhanh lên phía trước.

Sau ba lần như vậy, Mukti cảm thấy có gì đó không hiểu từ hành động của Thầy. Mọi hôm thầy đi với tốc độ rất bình thường, hôm nay, lúc thì đi rất nhanh, lúc lại đi rất chậm. Mấy lần liền, thầy đi tụt lại đằng sau rồi lại vượt lên phía trước. Mà mấy lần trước, kể cả thầy đi nhanh hay chậm thì cậu vẫn có thể ở gần bên thầy. Còn sau khi đi qua chỗ những người ăn xin, thầy đi dáng khoan thai mà lại nhanh kinh khủng. Thầy bỏ lại cậu hớt hải chạy theo một quãng xa, không thèm ngoái lại. Mukti thấy khó hiểu, dù đã rất mệt, nhưng vẫn cố hết sức để đuổi kịp thầy. Vừa đuổi kịp thầy, cậu hớt hải hỏi không ra hơi: “Thầy ơi, sao thầy đi nhanh vậy mà không đợi con? Hay thầy muốn đi nhanh để về làm lễ phát Bồ đề tâm cho con sớm ạ?”

Thầy Kusala chậm rãi nói: “Ta đã làm lễ phát Bồ đề tâm cho con những ba lần, nhưng con đều không nhận!”

Mukti bàng hoàng không hiểu nổi vì sao: “Nãy giờ, thầy đã phát Bồ đề tâm cho mình đâu? Suốt quãng đường đi, thầy còn chẳng nói với mình câu nào, thế mà lại bảo là phát Bồ đề tâm cho mình những ba lần rồi. Hay là thầy già rồi nên có phần đãng trí, nhớ nhầm sang ai khác?”

Thầy Kusala nhìn Mukti, cất giọng nghiêm khắc: “Ta đọc được tâm của con, nên con đừng suy nghĩ vẩn vơ nữa. Ban đầu, con quả là có muốn phát Bồ đề tâm, nhưng mục đích lại chỉ để được đẹp đẽ, được kính trọng giống như thầy, được sướng cho riêng mình. Con đã hoàn toàn hiểu sai về Bồ đề tâm. Thế nên ngay khi thấy ta lấm lem bùn đất lội qua vũng nước, con liền thay đổi ý định. Chính con từ chối Bồ đề tâm, chứ không phải ta không phát Bồ đề tâm cho con.

“Lần thứ hai, khi gặp tổ chim non mất mẹ, ta đã thấy trái tim con rung động. Nên ta đi chậm lại, nhường bước cho con tới giúp. Nhưng con lại một lần nữa hiểu sai về Bồ đề tâm. Tại sao con lại nghĩ phải đợi được phát Bồ đề tâm mới có thể giúp chúng sinh, trong khi ngay lúc ấy, con có cơ hội giúp đỡ những chú chim đáng thương bớt khổ? Bồ đề tâm phải xuất phát từ mong muốn giúp đỡ chúng sinh khác. Nhưng con không hề sẵn sàng làm bất kỳ hành động gì để giúp chúng sinh, thì sao lại có thể nói là con thực sự mong muốn giúp chúng sinh được? Con chỉ lấy việc chưa được phát Bồ đề tâm làm cái cớ để không phải làm gì mà thôi. Ta thấy con không xứng đáng, nên không nhường bước cho con nữa.

“Lần thứ ba, ta thấy con động lòng trước những người ăn xin. Ta cũng đi chậm lại cho con vượt lên. Nhưng lần này con còn làm ta thất vọng hơn nữa. Con không những không làm gì để giúp họ mà còn coi họ là đồ hôi thối bẩn thỉu. Con đã chẳng giúp họ rồi, con còn tỏ thái độ ra ngoài bằng việc bịt mũi và nhăn mặt đi nhanh. Cả suy nghĩ và hành động của con đều hoàn toàn đi ngược lại với Bồ đề tâm. Thậm chí con còn thấy may mắn vì chưa được phát Bồ đề tâm nữa!

“Con đã hết lần này đến lần khác từ bỏ việc xắn tay áo lên để giúp đỡ chúng sinh mà chỉ nghĩ cho riêng mình. Ngoài mặt thì con cầu xin ta phát Bồ đề tâm cho con, nói rằng muốn có Bồ đề tâm để giúp mình, giúp người khác giác ngộ và giải thoát. Nhưng thực tâm, con chưa hề thực sự muốn giúp bất kỳ chúng sinh nào. Con không hề xứng đáng để ta nhường bước, nên ta đã đi mà không đợi con nữa.”

Mukti lặng im nghe thầy mắng, không nói lại được câu nào. Thầy đã nói chính xác những gì cậu nghĩ và hành động. Từ đó trở đi, người ta không thấy cậu xin thầy phát Bồ đề tâm cho mình nữa. Nhưng khi gặp bất kỳ cảnh khổ nào, cậu không hề nề hà suy nghĩ thiệt hơn mà lao vào giúp họ bằng tất cả khả năng của mình, hướng họ tới con đường tu hành giác ngộ.

***

Zangthalpa ngừng kể. Các học trò đều lặng thinh ngẫm nghĩ về câu chuyện đầy ý nghĩa này. Người học trò xin được phát Bồ đề tâm lúc đầu ngước lên thưa: “Thầy ơi! Con hiểu rồi. Phát Bồ đề tâm đâu phải chỉ là một buổi lễ. Mà ngay khi chúng con thực sự suy nghĩ, nói và hành động vì sự giác ngộ cho mình và cho người là đã phát Bồ đề tâm rồi. Phát Bồ đề tâm không phải là đợi ai đó làm một buổi lễ cho mình, mà lễ phát Bồ đề tâm quan trọng nhất lại chính ở trong tâm của chúng con. Còn nếu có tham gia cả ngàn buổi lễ, mà suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng con không vì sự giác ngộ của chúng sinh, thì những buổi lễ đó đều vô nghĩa.”

Zangthalpa gật đầu: “Việc phát Bồ đề tâm thực sự là rất khó. Các con thử nghĩ xem, ai trong số các con hiện giờ sẵn sàng luân hồi vô số kiếp, chịu mọi loại đau khổ để cứu người khác? Đấy là điều thực sự không đơn giản, phải thực tâm mong muốn thì mới là Phát Bồ đề tâm, còn nếu chỉ nói thôi thì có khác gì con vẹt? Giống như Địa Tạng Bồ Tát đã từng phát nguyện “Địa Ngục hết chúng sinh ta mới thành Phật!” Và bằng quyết tâm mạnh mẽ này, Ngài đã thành Phật trước khi địa ngục hết chúng sinh.

“Các con có được ngày hôm nay, được học trí tuệ và thoát khỏi khổ đau, cũng nhờ Bồ đề tâm của chư Phật, chư Bồ tát, và các bậc giác ngộ lặn lội đến thế giới này để truyền dạy giáo pháp cứu độ các con, bất chấp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Ví dụ như Đường Tăng vượt 10 vạn 8 ngàn dặm cùng 81 kiếp nạn, thỉnh kinh Đại thừa về truyền bá cho Trung Quốc. Các con hãy suy nghĩ về điều này. Với Bồ đề tâm, các con sẽ có một loại quyết tâm, rằng mình phải giác ngộ và sẵn sàng vào luân hồi để cứu người. Chính quyết tâm này sẽ đẩy các con lao thẳng về đích giác ngộ. Nếu thực sự các con có loại quyết tâm ấy, thì các con đã tự phát Bồ đề tâm cho mình rồi, không cần làm buổi lễ nào hết!”

Zangthalpa ngừng giảng, đám học trò vẫn lặng thinh. Trời đã chuyển lạnh, gió từ miền núi cao thốc xuống, đập vào tán cây xào xạc. Nhưng tất cả những người học trò đều cảm thấy ấm áp, vì Bồ đề tâm đã được thắp lên trong tim họ.

Trong Suốt kể tại Hà Nội ngày 22 tháng 12 năm 2015.

(Còn tiếp)

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 48: Câu chuyện Tam Bảo là một

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.