Zangthalpa – Phần 51: Thánh sư điên Thangtong Gyalpo – P1: Kẻ Điên Ở Đồng Bằng Trống Không

Một ngày tháng tư tốt lành, Zangthalpa làm lễ quy y cho những học trò có quyết tâm tu hành giác ngộ trong một đời. Buổi lễ vừa kết thúc, cô học trò mới Ngọc Mến bẽn lẽn hỏi thầy: “Thưa thầy, lần trước con có nghe Thầy kể về dịch giả Marpa với phương châm sống ‘hành động bất chợt không trù tính’. Con rất tò mò và cảm hứng với điều này, nhưng con không tài nào hiểu được không trù tính thì sống làm sao được? Làm gì thì cũng phải có mục đích, phải tính toán cẩn thận chứ!”

Zangthalpa bật cười ha hả thành tiếng giải thích cho học trò của mình: “Hành động bất chợt không trù tính là trạng thái sống của tất cả các bậc giác ngộ. Trong lịch sử đã có rất nhiều bậc giác ngộ có cách hành xử vượt ra khỏi khuôn mẫu, người ngoài nhìn vào cứ tưởng họ bị điên. Để ta kể cho các con nghe câu chuyện về Ngài Thangtong Gyalpo, một bậc giác ngộ nổi tiếng trong lịch sử Tây Tạng với lối sống điên, tất cả hành động của Ngài đều bất chợt không hề được tính toán trước và không thể đoán nổi. Con nghĩ rằng lối sống như vậy sẽ rất rủi ro, đáng lo ngại và không thể làm nên trò trống gì đúng không? 

Thangtong Gyalpo lại là tấm gương tiêu biểu nhất của một bậc giác ngộ với những thành tựu trong đời và một lối sống không thể nghĩ bàn. Vừa là một tổng công trình sư đại tài, một đại cao thủ về kêu gọi vốn để xây cầu, xây đường, xây bảo tháp, một nhà phát minh nghệ thuật thiên tài, vừa có trí tuệ giác ngộ hoàn hảo, lại vừa không ngăn ngại làm bất cứ điều gì, Ngài có một lối sống phóng khoáng, tự do, bất thường. Hành xử như một người điên của Ngài khiến một nửa Tây Tạng coi Ngài là quỷ.”

Thánh sư điên Thangtong Gyalpo (1361 – 1485)

Chương I – Giới thiệu: Thangtong Gyalpo – Kẻ Điên Ở Đồng Bằng Trống Không

Vô số đạo sư và hành giả Phật giáo đã từng xuất hiện qua nhiều thế kỷ ở xứ tuyết Tây Tạng, nhưng chưa từng có ai tác động sâu sắc đến lịch sử của cả tôn giáo, nghệ thuật và công nghệ của đất nước này như Thangtong Gyalpo (1361 – 1485). 

Thangtong Gyalpo đã trở thành huyền thoại vì những đóng góp của Ngài cho các truyền thống mật thừa, tuổi thọ đặc biệt lâu dài và những thành tựu sáng tạo trong các lĩnh vực nghệ thuật, kiến ​​trúc và luyện kim. Ngài nổi tiếng ở Tây Tạng và vùng Himalaya vì đã xây dựng nhiều cây cầu treo bằng sắt và do đó được biết đến với tên gọi là “Đạo sư Cầu sắt”. Rất nhiều tu viện của Ngài ở Tây Tạng và Bhutan vẫn còn nổi tiếng tới tận thế kỷ 21.

Tu viện Tachog Lhakhang và cầu sắt bắc qua sông Paro Chhu tại Bhutan – những công trình được xây dựng bởi Kiến trúc sư vĩ đại Thangtong Gyalpo

Đức Liên Hoa Sanh đã từng tiên tri rằng Thangtong Gyalpo sẽ chăm sóc cho chúng sinh bằng những hành động không đoán trước được. Khi Thangtong còn trẻ, là một tu sỹ mới được quy y, Ngài đã cảm thấy lo lắng về những phương pháp rất mạnh mẽ được giảng dạy không biết có phù hợp với đời sống của một tu sỹ hay không. Ngài đã nhìn thấy được linh ảnh của Đức Liên Hoa Sanh ở một trạng thái phẫn nộ trên bầu trời, xung quanh là cầu vồng và các vị hành giả nam và nữ. Đức Liên Hoa Sanh yêu cầu hành giả nam ở bên phải Ngài ăn một cái xác chết, và hành giả nữ thì uống bia ở trong một cái sọ người còn tươi đầy máu. Cuối cùng, Đức Liên Hoa Sanh xuất hiện ở thế phối ngẫu với Đức Kim Cương Heo Nái. Thangtong coi linh ảnh này là một biểu hiện của việc Ngài được Đức Liên Hoa Sanh ra lệnh rằng hãy làm điều tốt cho người khác bằng các hành động và thái độ kỳ quặc, và Ngài có thể làm tất cả các hành động cần thiết. Sau đó Ngài nhập thất liên tục trong 3 năm. Cuối kỳ nhập thất, Đức Liên Hoa Sanh lại hiện ra một lần nữa và trực tiếp yêu cầu Ngài hãy sống một lối sống của một hành giả thực hiện những hành động kỳ quặc. Hành động kỳ quặc là một phương tiện rất hiệu quả để tăng trưởng chứng ngộ, đồng thời cũng mang ích lợi đặc biệt cho người khác.

Sau này, khi Thangtong thực hành những hành động kỳ quặc một cách bí mật ở Tây Tạng, các vị Dakini đã tặng cho Ngài 5 danh hiệu thể hiện sự chứng ngộ của Ngài. Trong đó có một danh hiệu là Lungtong Nyonpa nghĩa là “Kẻ Điên Ở Đồng Bằng Trống Không”.

“Trong thung lũng bình đẳng, ở ngoài khái niệm,
Ngài chứng ngộ sự bất khả phân giữa biểu hiện và tính không,
Một người điên khùng tự do khỏi chấp nhận và chối bỏ,
chúng tôi đặt tên Ngài là Kẻ Điên Ở Đồng Bằng Trống Không.”

Chương II – Hành động kỳ quặc của Thangtong Gyalpo

1. Ăn cứt và dạy pháp cho lừa

Một lần, Thangtong Gyalpo đi đến vùng Lhatse và Denchen. Khi đến nơi, Ngài tự mình kêu gọi mọi người: “Hãy đến đây và nghe Pháp!”. Chẳng ai thèm đến nghe Ngài nói. Thậm chí, một người phụ nữ còn cười nhạo: “Kẻ tu hành gì mà lại kiêu ngạo thế! Nếu nhà ngươi thực sự có Pháp, hãy dạy cho con lừa này đi!”. Bà này vừa nói vừa chỉ tay vào một con lừa đang mang rất nhiều đồ nặng đi ngang qua. 

Thangtong Gyalpo liền đến bên con lừa và giảng giải một cách rất chi tiết, cẩn thận về những ích lợi và tác hại của hành động trong mối liên hệ nhân và quả. Con lừa hiểu điều này, sau đó nó từ từ nằm xuống và không chịu đi nữa. Mọi người gào ầm lên: “Trời ơi! Cái tên tu hành xấu xa này đã quấy rối con lừa rồi!”

Sau đó lại có một con chó vừa ỉa xong đi qua. Chính người phụ nữ ban nãy lại nói: “Nếu nhà ngươi thực sự là một hành giả tốt, hãy ăn cục cứt này đi!” Thangtong Gyalpo liền bốc cục cứt lên ăn ngon lành. Mọi người quá kinh hãi, la lớn: “Tên tu sỹ này đúng là bị điên rồi! Ai lại ăn cứt chó giữa chợ cơ chứ! Thật quá tởm!”

Trong câu chuyện sau này Thangtong kể lại cho học trò, Ngài nói rằng những người vô minh thì khả năng hiểu biết còn kém hơn con vật. Đến con lừa còn biết nghe Pháp, nhưng không phải người nào gặp được Pháp cũng biết quý trọng và thực sự lắng nghe. Rõ ràng cả chợ chứng kiến Thangtong giảng Pháp cho con lừa, nhưng không ai hỏi một câu nào về Pháp. Không phải ai cũng cầu Pháp ngay cả khi một bậc giác ngộ đã xuất hiện trước mặt họ.

 

2. Nghèo đến trần truồng mà còn đòi xây bảo tháp vĩ đại

Sau đó, Thangtong Gyalpo đi tiếp đến vùng Jona trù phú. Ở đó, các hành giả đang thực hiện nghi lễ cúng dường Kalachakra. Một hành giả có kinh nghiệm thiền tốt đã thực sự nhìn thấy Thangtong trong hình tướng của Đức toàn tri Dolpopa. Dolpopa là tái sinh đời trước của Thangtong Gyalpo và là một bậc giác ngộ rất nổi tiếng của Tây Tạng. Người hành giả liền quỳ lạy Thangtong Gyalpo rất nhiều lần, đi vòng vòng xung quanh và đặt chân của Ngài lên đỉnh đầu mình.

Đêm hôm đó, Thangtong ngồi lên ngai giảng pháp của chính Đức Dolpopa. Người trông coi tu viện đi tới, nhìn thấy cảnh đấy liền la lớn: “Ai cho gã điên này được ngồi ở ngai pháp linh thánh của Đấng toàn tri Dolpopa như vậy? Ta phải trừng trị hắn mới được!” Ông ta và thuộc hạ cầm gậy đánh cho Thangtong một trận nhừ tử rồi quẳng Ngài xuống đất. Trong 3 ngày sau đó, Thangtong chẳng mặc quần áo gì hết cả ngày lẫn đêm. Buổi tối thì Ngài đi vòng quanh bảo tháp, còn ban ngày thì Ngài ngồi trên một tảng đá trắng. Với mỗi ai đi qua, Thangtong đều đưa cho họ một tờ giấy, trong đó viết rằng: “Các ngươi hãy xem, ta sẽ xây một bảo tháp giống hệt như bảo tháp này!”

Người trông coi tu viện và tất cả mọi người ở đó đều la ó: “Ôi cái tên tu sỹ này, ngươi thật là điên! Ngay cả Đức toàn tri Dolpopa, người thực sự là hóa thân của chư Phật trong 3 đời, người đã có thể sai khiến được quỷ thần và loài người, dành trọn vẹn thời gian của Ngài làm những điều tốt, thì cũng chỉ có thể hoàn thành được một bảo tháp như vậy trong cả cuộc đời. Thế mà nhà ngươi, một tên tu hành mạt hạng không có gì để ăn, không có gì để mặc, thậm chí không có lỗ nào để chui vào, mà lại dám nói rằng xây được bảo tháp như vậy. Đúng là điên rồ!” Về sau, Tangong Gyalpo xây không chỉ một cái mà rất nhiều bảo tháp như thế. Cả cuộc đời Ngài xây được 111 bảo tháp, trong đó có nhiều bảo tháp vẫn còn đến tận ngày nay.

Bảo Tháp Chung Riwoche tại Tây Tạng được Thangtong Gyalpo tái thiết lập & xây dựng năm 1426 với 2 cây cầu sắt dài bắc ngang sông

Đêm hôm đó, Thangtong Gyalpo vẫn trần truồng, ngồi giữa những ngọn sóng ở dưới một cây cầu và nước ngập đến cổ Ngài. Buổi sáng, khi mọi người đến bờ sông để múc nước liền kêu lên: “Ôi, cái gã ngu ngốc này! Thật là tội nghiệp cho hắn!” Không ai trong số họ có thể phát triển nổi một tri kiến thanh tịnh về Ngài. Tất cả đều coi Ngài là điên hết.

Sau này, Thangtong Gyalpo nói với học trò rằng: “Thật là kỳ lạ khi mà người ta thực hành đủ các loại thiền khác nhau mà không hề học được rằng cái gì là nên và cái gì là không nên trong hành động của mình. Người tu hành mà không thực dụng, không biết áp dụng pháp vào cuộc sống như thế nào thì thật là uổng phí cả một đời!”

3. Cưỡi ngựa vào chánh điện 

Cưỡi ngựa đi vào trong sảnh chánh điện của một tu viện trong một buổi giảng Pháp là một hành động đầy tính lăng mạ, và Thangtong Gyalpo đã nhiều lần bị các vị sư ném đá khi Ngài làm như thế ở nhiều tu viện khác nhau.

Một lần, ngay giữa một buổi giảng Pháp sớm của Pháp vương Rongton nổi tiếng, Thangtong trong trang phục của một người đàn ông Minyak có bím tóc, bất ngờ phi ngựa vào và diễu ba vòng quanh ngai Pháp mà không thèm nhảy xuống. Khi Thangtong dừng lại, ngựa của Ngài hí vang, cất cả hai vó lên trời và ị một bãi ngay giữa chánh điện trước bàn thờ Phật. 

500 vị sư tham dự buổi giảng Pháp la ó dữ dội. Họ cho rằng Thangtong là một kẻ tà ma ngoại đạo, phỉ báng Phật Pháp, làm ô uế Tam bảo, chỉ có loại ma quỷ mới dám nghênh ngang đi vào chánh điện, cưỡi ngựa mông cao hơn cả chỗ Phật ngồi. Tuy nhiên, chứng kiến thái độ tự do và điềm nhiên của Thangtong, một số vị sư cảm thấy rằng đây là một người đã vượt ra khỏi mọi khuôn mẫu, không còn bị hình tướng ràng buộc, trong lòng họ bỗng nổi lên lòng sùng mộ không lý giải nổi. Hội chúng chia làm hai phe tranh cãi kịch liệt, một bên coi Thangtong là quỷ chỉ muốn đánh đuổi Ngài đi cho khuất mắt, một bên tò mò liệu Thangtong có phải là một bậc giác ngộ hay không, và muốn lắng nghe từ vị thầy này. 

Pháp vương Rongton Sheja Kunrik

Trong khi cuộc tranh cãi của hai phe đang tới lúc cao trào bất phân thắng bại, Delek Pal – một vị sư cảm phục Thangtong bước lên hỏi: “Thưa Thầy, con đã dành cả đời trong Pháp, nhưng vẫn lang thang trong biển luân hồi mà chưa thể nào cắt bỏ được sự bám chấp vào cái tôi. Xin Người hãy cho con những lời chỉ dạy để con có thể cắt lìa hoàn toàn khỏi sự bám chấp vào bản ngã – nhận ra bản chất của tâm và chứng ngộ Bản tính tự nhiên của con.”

Cuộc tranh cãi của hai phe dần lắng xuống trước câu hỏi của Delek Pal. Phe sùng mộ chẳng quan tâm đến tranh cãi nữa mà chú tâm lắng nghe lời dạy từ Thangtong. Phe phản đối với con mắt hằn học cũng cố chờ xem tên điên kia sẽ nói những gì, nhất cử nhất động của Thangtong đều được họ để ý, chỉ trực chờ chế nhạo và hạ bệ Ngài.

Cảm nhận lòng sùng mộ của Delek Pal, Thangtong Gyalpo bình thản ban cho Delek Pal và hội chúng lời dạy như sau:

 “Hãy lắng nghe, con trai ta, người học giả đáng kính Delek Pal!

Trước đây, do mịt mờ trong bóng tối của vô minh,
những suy nghĩ thực hành Pháp đã bị trộn lẫn trong 8 mối quan tâm thế gian.

Để đạt được mục tiêu giải thoát,
Hãy tin tưởng vào những suy nghĩ thực hành Pháp.

Hãy hoàn toàn buông bỏ những mục tiêu của cuộc đời này!
Hãy bình thản buông bỏ những bám chấp vào 8 mối quan tâm thế gian!

Hãy lìa xa những bám chặt vào ảo ảnh!

Hãy cắt đứt các mối liên hệ với những gì ở gần và ở xa!
Hãy xé toang dây trói vào sự tồn tại, bám chặt vào một cái tôi!

Hãy thả lỏng những suy nghĩ về hy vọng và sợ hãi!
Hãy cắt đứt những ham muốn vào đồ ăn và đồ mặc
Đừng tham vọng, hãy khiêm nhường!

Hãy sẵn lòng đón nhận những khổ đau của sự từ bỏ!
Hãy vứt bỏ những tham vọng, căm hờn, và hận thù!
Hãy xua đuổi những suy nghĩ xấu ác của sự dối trá và lừa lọc

Hãy để mặc sự tham lam và đạo đức giả
Hãy canh gác cẩn thận 3 lời thề nguyện và những cam kết tâm linh

Hãy đào xới lên sự kiêu ngạo, giả dối và sân hận
Dù bị tất cả mọi người lợi dụng, hãy kiên nhẫn!

Hãy để mặc những kẻ thù thông thường!
Thuần hoá lòng hận thù bên trong tâm con!

Hãy từ bỏ những suy nghĩ của sự tham lam và tích luỹ!
Hãy nương tựa vào tình yêu và lòng từ bi trong tâm con!

Hãy đặt tâm con để quan sát tất cả các Pháp của chư thiên và người thường.

Nếu mục tiêu của con không đạt được trong đời này,
thì dù có hy vọng ở đời sau, cái con hy vọng cũng sẽ mất.

Hãy thư giãn trong trạng thái tự nhiên.
Hãy cắt bỏ nền tảng và gốc rễ của nhầm lẫn.
Hãy nhìn vào Phật Quả – Nhận Biết mà không phân tán.
Hãy giữ lấy sự chánh niệm và không bao giờ quên.

Nếu bản tính của chính con – sự Nhận Biết không được nhận ra,
thì dù con có thực hành nhiều đến thế nào,
con vẫn là môt người bị nhầm lẫn.

Nếu trong khi ngủ con chưa thấy sáng tỏ,
thì dù có thể con đã được giới thiệu thế nào là bản chất của tâm,
việc đó vẫn không hiệu quả.

Nếu Biết không được nhận ra ở trạng thái trung ấm
thì con sẽ bị tra tấn bởi đau khổ.

Nếu chưa làm chủ được tâm Nhận Biết,
dù con có thể ngồi thiền cả thiên niên kỷ,
rồi sẽ đến lúc con chán nản.

Sau khi một suy nghĩ biến mất, và suy nghĩ tiếp theo chưa kịp nổi lên, có một không gian rất rộng mở

Có một trạng thái Nhận Biết sáng tỏ mà không khái niệm hoá
Một trạng thái không có điểm quy chiếu, không có nền tảng và gốc rễ
Đây là trạng thái Nhận Biết ngay trong hiện tại của tâm con
Đây là Pháp thân, tự do khỏi các tạo tác khái niệm
Tất cả những gì hiện ra chính là Nhận Biết
Nhận Biết tự do khỏi các tạo tác khái niệm thì chính là Pháp thân

Và như vậy suy nghĩ chính là năng lượng sống động của Nhận Biết
Sự hiện ra thì không bao giờ dừng lại, nhưng chúng hoàn toàn trống không

Tất cả những gì hiện lên, tất cả những gì xuất hiện
Hãy nhận ra nó bằng chánh niệm.
Hãy thả lỏng và để chúng đi.

Nếu như tính Biết của con được nhận ra, hãy liên tục kéo dài sự nhận ra đó

Không cố gắng nhưng cũng không bị phân tán
Hãy nghỉ ngơi trong trạng thái tự nhiên

Tự do khỏi sự đến và đi
Khỏi sự xuất hiện, biến mất và ở lại
Đó chính là Đại Thủ Ấn

Mang điều này trên con đường mà không có sự phân tán là điều tối quan trọng
Sự dễ dàng mà không cố gắng là mấu chốt. Hãy thực hành như vậy!

Ta đi khắp đất nước mà không có điểm đến.
Một hành giả tự do khỏi bám chấp
Và mặt trời quay xung quanh 4 đại lục
Cả hai đều không thể ngừng sự tận hưởng lại được!”

Thangtong Gyalpo đã sáng tác bài thơ hoàn toàn ngẫu hứng ngay trên lưng ngựa, những lời thơ bắn ra từ Chân Như đánh thẳng vào trái tim sự thật, làm rúng động toàn bộ hội chúng lắng nghe. Có người bật khóc ngay tại đại điện, toàn bộ phe căm ghét Thangtong, coi Ngài là quỷ đều chuyển tâm mãnh liệt. Kể cả những người trước đây vốn nghi ngờ Thangtong nhất cũng muốn quỳ rạp xuống để nhận Ngài làm thầy. Hội chúng chưa kịp đảnh lễ, Thangtong đã vỗ vào mông ngựa. Con ngựa hí lên một tiếng và chạy bay ra khỏi đại điện trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. 

Pháp Vương Rongton chứng kiến từ đầu đến cuối hành động của Thangtong với bộ mặt tán thưởng mà không lên tiếng ngăn cản một lời nào. Ngài nhìn theo bóng ngựa của Thangtong và mỉm cười vì đám học trò của mình đã học được bài học cần thiết về sự phá chấp trong ngày hôm nay. 

Tượng ngài Thánh sư điên Thangtong Gyalpo

Zangthalpa bật cười hào hứng: “Phi ngựa vào chánh điện, các con thấy có điên không? Lại còn diễu ba vòng quanh ngai Pháp mà không thèm xuống ngựa, chứng tỏ Thangtong chẳng coi Phật và Pháp Vương Rongton ra gì. Nếu Ngài muốn giảng Pháp thì chỉ cần đàng hoàng tử tế đi vào giảng Pháp là xong chứ! Danh tiếng của Ngài đủ để làm điều đó mà. Nhưng nếu thế thì sao gọi là điên và làm sao gây ấn tượng mạnh mẽ, đánh thẳng vào tâm thức học trò như cách Ngài làm được? Để lợi lạc cho hội chúng, Ngài không ngăn ngại làm những hành động trái quan điểm thông thường, sẵn sàng để người ta la ó, chửi rủa, lăng mạ, coi mình không ra gì. Nhưng chỉ với Sự thật thôi, Ngài dùng chính hành động và lời dạy của mình để tạo nên một dấu ấn tâm thức mãnh liệt cho những người ở đó.  

Đời sống của Thangtong là liên tục những thăng hoa của cảm xúc từ tột cùng của đau đớn, bị đánh đập, bị hành hạ, bị coi thường rồi ngay sau đó là tột đỉnh của vinh quang, được kính trọng, được tôn thờ, được nể sợ. Ngài tận hưởng tất cả những cảm xúc ấy như một cuộc chơi đầy ngẫu hứng và hoàn toàn tự do, bởi đối với Ngài, tất cả những cảm xúc ấy đều có chung một vị. Các con hãy chờ xem Ngài tận hưởng một vị như thế nào nhé!”

Đọc tiếp Phần 2: Hành động kỳ quặc và những lời dạy của Thangtong Gyalpo

Đọc tiếp Phần 3: Những thành tựu thế gian – Bậc Giác ngộ bận rộn nhất Tây Tạng từ xưa đến nay

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.