Bạn đang làm từ thiện vì người hay vì mình?

Có một số người, động cơ từ thiện là để khoe khoang, một số người từ thiện theo phong trào, một số người từ thiện để thấy mình vẫn là người tốt. Tất cả động cơ đấy đều không trong sáng và không mang lại sự an lạc.

Bạn Thảo: Thưa thầy, hiện nay có rất nhiều người làm từ thiện. Em cũng muốn làm một điều gì đó tốt. Em muốn cho đi những gì em không sử dụng, hoặc những gì em có để giúp đỡ những người khó khăn hơn. Khi làm điều đó em cũng chọn lọc vì có thể những cái mình cho là không phù hợp. Ví dụ, người thành phố mặc đồ hiệu, mặc váy, nhưng mang những đồ đó cho vùng nông thôn thì chắc chắn là họ không thể mặc. Họ mặc đi đâu? Họ mặc đi ra làm ruộng à? Nên em cũng muốn biết mục đích chính của từ thiện và hiểu sâu hơn về vấn đề này. Mong Thầy giúp em ạ!

Thầy Trong Suốt: Loại bám chấp quan trọng mình không nên bám vào khi từ thiện là gì? Cái Tôi. Mình đừng làm việc đấy vì tôi. Phóng sinh đừng vì mình, mà từ thiện cũng đừng vì mình. Mình không bám chấp vào kết quả của từ thiện. Mình không bám chấp vào cả “Cái tôi” nữa.

HÃY KIỂM TRA ĐỘNG CƠ CỦA MÌNH

Khi từ thiện, đầu tiên, động cơ phải trong sáng. Có một số người động cơ từ thiện là để khoe khoang, một số người từ thiện theo phong trào, một số người từ thiện để thấy mình vẫn là người tốt. Tất cả động cơ đấy đều không trong sáng. Có những người làm đơn giản chỉ để thấy mình đặc biệt, mình tốt thôi: “À hoá ra mình vẫn tốt hơn bọn nó, những đứa bạn không đi từ thiện”… Đấy, thì tất cả đều phải sửa.

Thứ hai là không bám chấp vào kết quả. Mình từ thiện xong kết quả đến đâu thì đến. Lúc mình chưa từ thiện thì phải nghĩ rất kĩ, làm rất cẩn thận. Còn thực hiện xong, quà đã phát ra rồi thì về tay ai, người ta xử lý thế nào là việc của người ta. Làm sao mình kiểm soát được là họ mặc cái áo đi đâu? Nhỡ người đó có nhu cầu lên thành phố, thì họ cần quần áo thành phố chứ? Hôm sau họ lên thành phố chơi thì cần áo đẹp, đúng không? Nên cái việc mình quá kiểm soát kết quả là một sai lầm. Chẳng nhẽ người nông dân không có nhu cầu mặc đẹp à? Nghe kì quái không? Người nông dân cũng có nhu cầu mặc đồ đẹp chứ, sao lại không có? Họ cũng có công việc phải đi ra thành phố chứ? Nên trong câu hỏi của bạn Thảo cũng có một loại bám chấp – quá bám chấp vào kết quả.

Nên mình khuyên các bạn là gì:
Khi làm từ thiện, một là, động cơ đừng vì mình, mà vì người.
Hai là, khi mình cho quà ai, tặng ai thì mình hãy nghĩ cái hợp nhất với họ.
Nhưng thứ ba quan trọng hơn là đừng kiểm soát quả, cho xong là xong. Cho xong, chấm dứt. Đừng kiểm soát, đừng bắt nó phải xảy ra theo ý mình. Họ có thể gửi cái áo cho người họ hàng của họ ở chỗ khác, người cần cái áo đấy. Đấy! Đừng kiểm soát quả.

Hãy từ thiện như thế! Hãy từ thiện không vì tôi, mà vì người!
Nhưng đồng thời vì người xong rồi, cố hết sức rồi, cẩn thận hết sức rồi, thì đừng kiểm soát. Còn nếu kiểm soát nhiều như vậy thì không ai dám làm gì luôn! Đúng thế không ạ? Cứu người còn chẳng muốn cứu luôn, vì người kiểu gì chẳng chết? Từ thiện chẳng muốn từ thiện luôn. Bây giờ mình đem tiền đi từ thiện, nhỡ người ta dùng tiền đấy để đi hút chích ma tuý thì sao? Mình không biết đúng không? Đồng ý không? Nên mình chẳng biết là nên làm gì, vì cái gì mà chẳng có thể sinh ra điều xấu?

Ở đây có bạn nào từng từ thiện rồi? Có chứ đúng không? Thế nếu tiền từ thiện của bạn vào tay một kẻ ăn trộm thì sao? Người ta là một người rất nghèo, nhưng họ hành nghề ăn trộm. Ăn no xong đi ăn trộm thì sao? Thậm chí có người ăn no xong đi giết người. Bạn không đời nào kiểm soát được. Nên đừng có bám chấp vào việc từ thiện. Hãy từ thiện chỉ để từ thiện. Khi mình đi cho, mình cẩn thận hết cỡ với thứ mình cho và người được cho. Khi cho xong rồi thì sao? Phần còn lại để cho ai lo? Nhân quả lo thôi!

Mình tính từng cái áo một về tay ai, rồi người đấy có ăn trộm không…, làm sao tính được? Hôm nay họ là người tốt, ngày mai là người xấu – là điều bình thường mà! Từ thiện như thế thì hẵng từ thiện. Từ thiện mà không bám chấp vào tôi, làm cho tôi được có phước. Và từ thiện không bám chấp vào người là người ta buộc phải có kết quả.

NHỮNG ĐIỀU NÊN TRÁNH KHI LÀM TỪ THIỆN

Còn những cái nên tránh khi làm từ-thiện-vì-tôi là gì? Là làm từ thiện nhưng động cơ của nó là để chứng minh tôi tốt, tôi tử tế, tôi đặc biệt; hoặc làm để cái tôi an lòng. Một số người làm từ thiện để an tâm là: “Mình cũng làm từ thiện rồi, có phước rồi” hoặc cho lòng tôi thanh thản – “Thôi chị già rồi, nên làm từ thiện cho thanh thản!”… Tất cả những thứ đấy là từ thiện vì cái tôi hết, đừng nên làm! Sửa động cơ rồi hẵng làm.

Khi thầy nói “Đừng nên làm!” – không có nghĩa là không làm từ thiện, mà sửa cái động cơ sai lầm đi, rồi làm. Như vậy mình sẽ làm mà mình không bị lạc. Và khi đấy mình sẽ có sự an lạc. Cái từ thiện đấy đem lại cho mình an lạc rất tự nhiên.
Khi mình làm một việc gì đấy vì người khác thì an lạc tự tìm đến mình. Mình không cần phải cố đi tìm an lạc, không phải cố để nắm bắt an lạc, mà khi mình làm bất kỳ điều gì cho người khác, hoàn toàn là vị tha, vô ngã thì mình an lạc.
Từ thiện “lạc mà không lạc”. Từ thiện an lạc mà không bị lạc là như vừa xong. Phóng sinh cũng như vậy – phóng sinh “lạc mà không lạc”. Phóng sinh đúng cách, biết cách làm thì sẽ an lạc mà không bị lạc lối. Bạn Thảo hiểu không?

Thanh Thảo: Dạ.
Thầy Trong Suốt: Rồi, câu hỏi rất hay, phần thưởng cho bạn Thảo. (Mọi người vỗ tay)

—–
Trích trà đàm “Nhập thế lạc mà không lạc” – HCM 27/05/2017