CHỨNG NGỘ BIẾT SIÊU VƯỢT SINH TỬ (phần 1)

(Trích Chương 4 cuốn sách “Vượt qua bệnh tật và tử sinh bằng Trí tuệ”)

I. Giới thiệu về tính Biết

  1. Ảo giác “Tôi là thân thể này” 

Thầy Trong Suốt: Chúng ta đang sống trong thời đại mà niềm tin rằng “tôi là thân thể này” rất mạnh. Khi thân thể này bệnh thì tin rằng tôi có bệnh, thân thể đau thì tôi đau, thân thể nóng thì tôi nóng, thân thể lạnh thì tôi lạnh, thân thể ung thư thì tôi ung thư, thân thể chết thì tôi chết. 

Khi tin “tôi là thân thể này”, chúng ta đều thấy việc mình bị bệnh tật chỉ tăng lên mà không giảm đi theo thời gian. Cái thân này chịu ảnh hưởng của sinh, lão, bệnh, tử. Từ tuổi thơ ấu đến tuổi trưởng thành và già đi rồi chết, thân thể chỉ càng ngày càng nhiều bệnh hơn. Khi thấy mình có bệnh thì ta lo lắng đi tìm thầy tìm thuốc, khỏi rồi thì lo tái phát hoặc sợ mắc bệnh mới. Nhưng do vô thường, thân thể này sẽ luôn có thể phát bệnh và chắc chắn sẽ phải chết, vì thế bệnh tật và cái chết sẽ luôn là mối đe dọa, ám ảnh lớn của cái tôi. Liệu có cách nào vượt ra khỏi trạng thái luôn bị đe dọa bởi bệnh tật và cái chết này không?

Bệnh tật và cái chết sẽ không còn đe dọa nữa khi bạn sống trong trí tuệ. Trí tuệ ở đây là sự hiểu biết sâu sắc về sự thật tuyệt đối khiến chúng ta nhìn rõ bản chất của thế giới tương đối mà chúng ta đang sống. Khi nhìn rõ bản chất của sinh, già, bệnh, chết cũng là lúc ta không còn bị ảnh hưởng bởi chúng nữa, vượt ra khỏi sinh tử của cái thân thể này.

Sự thật là bạn không phải là thân thể này. Đấy chỉ là một ảo giác mà thôi, ảo giác “tôi là thân thể này”. Và bạn có cơ hội nhận ra sự thật đó ngay trong cuộc đời này. 

Nếu có thể nhận ra bạn thực sự là cái gì thì bệnh sẽ hoàn toàn không còn ảnh hưởng đến bạn nữa, vì thân thể bệnh chứ không phải tôi bệnh. Giống như cái áo của mình bị rách thì không phải mình bị rách, cái thảm của mình bị bẩn thì không phải mình bị bẩn. 

Tất cả chúng ta đều có thể đã có bệnh trên người, thậm chí mắc những bệnh hiểm nghèo. Có những người đến lúc nhận ra rằng Sự thật là cửa thoát duy nhất thì không còn sức khỏe và cơ hội nữa. Nên người thông minh là người khi còn đang có điều kiện, có cơ hội thì đi tìm ngay một con đường trí tuệ để hoàn toàn vượt khỏi đau khổ. 

Vì thế, điều tối quan trọng trong cuộc đời một con người không phải là dựng vợ, gả chồng, sinh con đẻ cái… mà là tìm đến một con đường giải thoát, nhận ra bạn thực sự là ai, bản chất của thực tại là gì? Khi có trí tuệ và thực chứng, ra khỏi trạng thái “tôi là thân thể này” thì bệnh tật không còn gây hại cho bạn nữa. Cho dù thân này vẫn bệnh, vẫn đau đớn thế nào chăng nữa cũng không sao. Bệnh tật chỉ còn là những thứ sinh diệt để trang hoàng rực rỡ cho cái thực tại bất diệt này. Đấy là thành quả của con đường trí tuệ.

2. Tin mình mắc bệnh hiểm nghèo là một nhầm lẫn 

(Chuyện Tuệ Dũng 33 tuổi, ở Bắc Ninh, bị ung thư máu)

Tuệ Dũng kể: Năm 2014 trong một lần đi hiến máu tình nguyện, thấy mãi bác sĩ ko cho mình hiến máu, bạn bè 4-5 người đã xong, mình bèn tò mò vào hỏi thì bác sĩ bảo máu anh có vấn đề, để kiểm tra lại lần nữa. 10 phút sau bác sĩ bảo máu mình có vấn đề phải nằm viện. Mình không tin, đi về. Mấy hôm sau mình sang bệnh viện Bạch Mai kiểm tra lại, bác sĩ nói với chị gái đi cùng chứ không bảo với mình là mình bị ung thư máu.

Chị gái mình hoang mang lắm, còn mình khi biết thì đờ người ra, đi về nhà. Mình hoang mang không nghĩ được gì, không làm được gì. Một hai năm ở nhà mình chỉ nghiên cứu kinh sách, tìm hiểu, xem phim cho quên đi, hết Tam quốc đến Thủy Hử… rồi mình thực hành Phật pháp, tự ngồi thiền, tự học, thỉnh thoảng đi mấy khóa tu. Mình vào cả miền Nam. Một hai năm đầu thấy người vẫn khỏe, nhưng hai năm sau thì hễ ngã nhẹ là tay chân sưng phồng lên không cầm được máu. Bác sĩ bệnh viện địa phương không làm gì được, lúc đó mình mới chịu chấp nhận là có bệnh, đi nằm viện và thấy đời mình đến đây là hết.

Mình nằm viện huyết học từ 2016. Lúc nằm ở phòng lọc máu gần phòng cấp cứu, mình thấy mỗi ngày bình quân một hai người thở ô xy và xin về. Gia đình người thân xung quanh gọi xe đưa về, cảm giác rất kinh hãi. Mình thấy có nằm đây mãi cũng thế thôi. Ý thức tự mình phải thực hành Phật pháp tăng lên rất nhiều, nhưng vì không biết cách nên cũng chẳng đâu vào đâu lắm. Tuy nhiên mình cũng ý thức là nhân quả nên chấp nhận dần trong cảm giác bất lực.

Vừa chữa bệnh, vừa nằm viện đến 8/2018 thì mình được chị Oanh từ thiện ở bệnh viện cho biết đến thầy Trong Suốt. Ngay lần đầu tiên tham gia phóng sinh cùng nhóm, mình dự buổi Trà đàm sau phóng sinh và nói chuyện với Thầy Trong Suốt. Thầy có vẻ ngoài trông rất bình thường, nhưng khi nói chuyện với người nào đều thấy cuốn hút, vì thế mình tò mò. Đến khi nói chuyện với thầy, mình cũng thấy cuốn hút và cảm thấy có sự dẫn dắt.

Tuệ Dũng: Thưa Thầy, con muốn làm thế nào để cho tâm bình an trong đời sống hàng ngày cũng như trong tu tập. Con đã biết đến Phật Pháp và tu tập từ năm 2012 nên khi bị bệnh, con cũng không có cảm giác quá lo lắng…, con vẫn bình thường thôi. Nhưng cái tâm khi mình tu tập, mình có cảm giác là nó vẫn còn tham, vẫn còn sân, vẫn còn si nổi lên trong cuộc sống và trong khi đang tu tập, trong lúc ngồi thiền cũng vậy.

Thầy Trong Suốt: Cái con bị thiếu là thiếu một cách thực hành nhanh chóng đoạn trừ được nhầm lẫn. Con tham, con sân, con si vì con còn nhầm. Còn nhầm thì còn tham, sân, si. Ví dụ, quan trọng nhất là con vẫn còn nhầm con là thân thể này. Làm sao mà mình ổn nếu mình vẫn tin “tôi là thân thể này”? 

Nếu tôi là thân thể này, nó ung thư thì tôi cũng ung thư, nó đau thì tôi đau, đúng không? Trong khi bản chất thân thể chỉ là một cỗ máy thôi, được sử dụng để làm một việc gì đó và hỏng thì bỏ. Giống cái xe máy dùng để đi lại, hỏng thì chữa, chữa không nổi thì bỏ đi, không ai đau khổ vì cái xe máy hỏng cả. Nhưng con còn tin “con là thân thể này” nên con còn khổ. Vì thời gian không còn nhiều, con cần một phương pháp để nhanh chóng thoát ra khỏi trạng thái tôi là thân thể này. Nếu con chưa tìm được thì con phải tìm người thầy chỉ cho con được. Khi đến đoạn đấy rồi thì con mới thấy bệnh không còn là vấn đề gì nữa. Bệnh chỉ có sức mạnh nếu con tin con là thân thể này thôi.

Khi con thực hành đến trình độ không còn tin tôi là thân thể này nữa thì thân thể hỏng thoải mái, con không sợ chết nữa, chết chẳng phải là chết thực sự nữa. Cái thân thể này chết nhưng con không bị ảnh hưởng. Con cần giáo pháp ấy. Người bệnh hiểm nghèo thì cần giáo pháp thầy vừa nói. Tốt nhất, là con hãy học để nhanh chóng mất đi trạng thái tin mình là thân thể này, khi đấy con không còn sợ bệnh nữa. Dù thân thể vẫn mang bệnh, nhưng với con không còn bệnh, con tự cảm thấy rằng: Mình không bệnh.

Vì sao? Vì giống cái xe máy ấy, nó bị hỏng, long cái bánh ra. Nếu mà lắp lại được thì lắp, không lắp được thì thôi. Thế thôi, nhưng nếu mình tin rằng mình là cái xe máy, nó thủng lốp là mình đau lòng đúng không? Có con chó tè vào bánh xe thì sao? Cũng đau lòng.

Ví dụ ngày mai mình chết, thực chất chết xong có hết không? Có phải là hết, không còn gì hiện ra không? Khi thần thức rời khỏi hết cơ thể này đi tái sinh, lúc là nam lúc lại là nữ; tái sinh hết lần này tới lần khác, khi là vua chúa, khi là người ăn xin; kiếp là thần tiên, kiếp là muông thú… vậy thì cuối cùng, con thực sự là ai?

Mọi người thường tin rằng tôi là thân thể này nên khi thân thể này bệnh thì tin rằng tôi bệnh, thân thể này hỏng, ngừng thở… thì tin rằng tôi chết. Đã tin tôi có bệnh, không khổ tâm nhiều cũng khổ tâm ít, lạc quan đến mấy cũng có lúc khổ tâm. Mình phải tập để thấy rằng mình không phải là thân thể này. Khi ấy chắc chắn là hết khổ. 

Ảo giác tôi là thân thể này đến từ cảm giác có thể điều khiển được nó theo ý muốn. Đó là một ảo giác. Thân thể này vô chủ, nó chỉ là khối thịt lặp đi lặp lại các hoạt động này kia do sự tác động của các duyên khác nhau. Khi con thấy rõ thân thể này hoạt động do duyên sinh, con sẽ thấy không ai là thân thể này. Không ai là chủ nó, không ai là nó cả. Thân thể sẽ mất, sẽ hoại, nhưng không có ai ở đằng sau nó, không có người nào chết cả. 

Với người bị bệnh hiểm nghèo như con, nếu hiểu sâu sắc rằng con không phải thân thể này thì con có thể bệnh nhưng không khổ và sẽ có một cái chết bình an. Đấy là cái tối thiểu con có được. Nhưng nếu con thực hành sâu hơn nữa thì không phải chỉ hiểu mà con có thể đến đoạn không thấy mình là thân thể này, ngay trong đời này. 

Tuệ Dũng: Dạ vâng, con xin nghe theo Thầy ạ. Nhưng Thầy cho con hỏi thêm: quá trình con thực hành trước kia thì con cũng đều quán về thân cả, luôn luôn nghĩ thân này không phải là ta, tâm này cũng không phải là ta, chẳng có gì là ta, trong từng hơi thở vào, trong từng hơi thở ra, trọn niềm tôn kính Phật. Luôn luôn, ngày nào cũng như ngày nào như vậy!

Thầy Trong Suốt: Con không thể tập ở giữa chừng như vậy được. Con phải hiểu rõ tại sao thân tâm này không phải là ta, tại sao mọi thứ phụ thuộc nhau mà sinh ra chứ không có một cái tôi nào đứng sau điều khiển. Nhưng chỉ hiểu thôi là chưa đủ, con cần kinh nghiệm trực tiếp và sống trong trạng thái “thân thể không phải là ta”. Tóm lại, cái con thiếu là một đường lối, phương pháp đầy đủ từ đầu, từ lớp 1 đến tận lớp 6. Mình có thể nói “thân này không phải là ta” là loại kiến thức lớp 6, trên đấy còn những lớp khác nữa, nhưng con không thể từ lớp 0 nhảy ngay lên lớp 6 được.

Con phải có một con đường thực hành cụ thể, thực tiễn, từ thấp đến cao. Nếu con thực sự muốn, thầy sẽ chỉ cho con. Nhưng con phải thực sự muốn vì nó đòi hỏi thực hành một cách rất nghiêm túc, không thể chơi được. 

Tuệ Dũng: Vâng con thực sự muốn. 

Thầy Trong Suốt: Tùy trình độ nhận thức và thực hành của mỗi người đến đâu thì tự do khỏi bệnh tật và cái chết đến đó. Khi con thực hành đến mức độ không còn tin tôi là thân thể này nữa thì thân thể hỏng cũng sẽ không sao. Kết quả đầu tiên là thân có bệnh, chết nhưng không phải tôi bị bệnh, chết. Khi con thực hành đến mức độ cao hơn, không chỉ là không có tôi mà còn nhận ra rõ ràng cái thực tại tuyệt đối luôn ở đây thì kết quả cuối cùng là không còn thấy có sinh tử. Không phải là trường sinh bất tử mà là không sinh không diệt. Không có sinh ra và chẳng có chết đi. 

Giống như trong một giấc mơ có cảnh chết thì cũng không thực sự có cái chết. Trong mơ có người bị chém đứt đầu thì cũng không thực sự có người nào bị chết cả. Ta sẽ thực sự tự do khỏi sinh tử khi thấy được rằng không có gì là cái chết, không bao giờ có cái chết. Từ xưa tới nay chỉ có hình tướng của sự chết chứ chưa bao giờ thực sự có sự chết cả. Tất cả chỉ giống như một giấc mơ.

Trên màn hình tivi có cảnh một chàng trai bị chết, hỏi thực sự có ai chết không? Có cái gì chết trong màn hình tivi không? Trong màn hình có một người bị ô tô đâm thì cái màn hình có bị vỡ không? Trong màn hình có quả bom nổ tung trên bầu trời thì màn hình có bị nổ không?

Trong màn hình chưa bao giờ thực sự có cái chết, tất cả chỉ là sự đổi cảnh mà thôi. Dù cảnh nhân vật chính chết có hiện ra thì màn hình có tối om tắt đi luôn không? Hay trên màn hình có cảnh mới hiện ra? Hết phim này thì một phim khác hiện ra. Nếu người trong phim chết xuống địa ngục thì cảnh địa ngục hiện ra, nếu lên được cõi Tây Phương Cực Lạc thì cảnh Tây Phương Cực Lạc hiện ra. Cái màn hình nguyên vẹn, không suy suyển, chỉ là sự đổi cảnh mà thôi dù cảnh có biến đổi đến thế nào đi nữa. 

Khi là cái màn hình thì trên đó chiếu đủ cảnh, cảnh nào màn hình cũng hưởng được hết, chiếu cảnh nào hưởng cảnh ấy, buồn cũng hưởng, vui cũng hưởng, hạnh phúc cũng hưởng mà đau khổ cũng hưởng. Vì tất cả là bộ phim mà, có gì đâu! Màn hình không bao giờ bị hại bởi bất kỳ cảnh nào trong phim.

Nếu ngay khi còn sống ta có thể thấy thực tại chỉ là cái Biết bao la, trống không mà sáng tỏ, giống như cái màn hình trong ẩn dụ trên. Còn thân thể và mọi cảnh vật chỉ là ảo ảnh giống như các hình ảnh được chiếu trong màn hình đó thì ta tự do với mọi cảnh sống chết hiện ra. Đó là tự do thật sự với sống chết và ta ra khỏi luân hồi ngay khi ở giữa cảnh luân hồi này.

Khi nào đến đoạn đấy, con sẽ thấy rằng tất cả mọi thứ đều không thật nữa. Không có cái chết, chỉ là sự đổi cảnh trong Biết mà thôi.

(Mời bạn đọc tiếp ở phần sau)