1. Giới thiệu về tính Biết
1.1. Ảo giác “tôi là thân thể này”
Thầy Trong Suốt: Chúng ta đang sống trong thời đại mà niềm tin rằng “tôi là thân thể này” rất mạnh. Khi thân thể này bệnh thì tin rằng tôi có bệnh, thân thể đau thì tôi đau, thân thể nóng thì tôi nóng, thân thể lạnh thì tôi lạnh, thân thể ung thư thì tôi ung thư, thân thể chết thì tôi chết.
Khi tin “tôi là thân thể này”, chúng ta đều thấy việc mình bị bệnh tật chỉ tăng lên mà không giảm đi theo thời gian. Cái thân này chịu ảnh hưởng của sinh, lão, bệnh, tử. Từ tuổi thơ ấu đến tuổi trưởng thành và già đi rồi chết, thân thể chỉ càng ngày càng nhiều bệnh hơn. Khi thấy mình có bệnh thì ta lo lắng đi tìm thầy tìm thuốc, khỏi rồi thì lo tái phát hoặc sợ mắc bệnh mới. Nhưng do vô thường, thân thể này sẽ luôn có thể phát bệnh và chắc chắn sẽ phải chết, vì thế bệnh tật và cái chết sẽ luôn là mối đe dọa, ám ảnh lớn của cái tôi. Liệu có cách nào vượt ra khỏi trạng thái luôn bị đe dọa bởi bệnh tật và cái chết này không?
Bệnh tật và cái chết sẽ không còn đe dọa nữa khi bạn sống trong trí tuệ. Trí tuệ ở đây là sự hiểu biết sâu sắc về Sự thật tuyệt đối khiến chúng ta nhìn rõ bản chất của thế giới tương đối mà chúng ta đang sống. Khi nhìn rõ bản chất của sinh, già, bệnh, chết cũng là lúc ta không còn bị ảnh hưởng bởi chúng nữa, vượt ra khỏi sinh tử của cái thân thể này.
Sự thật là bạn không phải là thân thể này. Đấy chỉ là một ảo giác mà thôi, ảo giác “tôi là thân thể này”. Và bạn có cơ hội nhận ra sự thật đó ngay trong cuộc đời này.
Nếu có thể nhận ra bạn thực sự là cái gì thì bệnh sẽ hoàn toàn không còn ảnh hưởng đến bạn nữa, vì thân thể bệnh chứ không phải tôi bệnh. Giống như cái áo của mình bị rách thì không phải mình bị rách, cái thảm của mình bị bẩn thì không phải mình bị bẩn.
Tất cả chúng ta đều có thể đã có bệnh trên người, thậm chí mắc những bệnh hiểm nghèo. Có những người đến lúc nhận ra rằng Sự thật là cửa thoát duy nhất thì không còn sức khỏe và cơ hội nữa. Nên người thông minh là người khi còn đang có điều kiện, có cơ hội thì đi tìm ngay một con đường trí tuệ để hoàn toàn vượt khỏi đau khổ.
Vì thế, điều tối quan trọng trong cuộc đời một con người không phải là dựng vợ, gả chồng, sinh con đẻ cái… mà là tìm đến một con đường giải thoát, nhận ra bạn thực sự là ai, bản chất của thực tại là gì? Khi có trí tuệ và thực chứng, ra khỏi trạng thái “tôi là thân thể này” thì bệnh tật không còn gây hại cho bạn nữa. Cho dù thân này vẫn bệnh, vẫn đau đớn thế nào chăng nữa cũng không sao. Bệnh tật chỉ còn là những thứ sinh diệt để trang hoàng rực rỡ cho cái thực tại bất diệt này. Đấy là thành quả của con đường trí tuệ.
1.2. Tin mình mắc bệnh hiểm nghèo là một nhầm lẫn
Chuyện Tuệ Dũng 33 tuổi, ở Bắc Ninh, bị ung thư máu.
Tuệ Dũng kể: Năm 2014 trong một lần đi hiến máu tình nguyện, thấy mãi bác sĩ ko cho mình hiến máu, bạn bè 4-5 người đã xong, mình bèn tò mò vào hỏi thì bác sĩ bảo máu anh có vấn đề, để kiểm tra lại lần nữa. 10 phút sau bác sĩ bảo máu mình có vấn đề phải nằm viện. Mình không tin, đi về. Mấy hôm sau mình sang bệnh viện Bạch Mai kiểm tra lại, bác sĩ nói với chị gái đi cùng chứ không bảo với mình là mình bị ung thư máu.
Chị gái mình hoang mang lắm, còn mình khi biết thì đờ người ra, đi về nhà. Mình hoang mang không nghĩ được gì, không làm được gì. Một hai năm ở nhà mình chỉ nghiên cứu kinh sách, tìm hiểu, xem phim cho quên đi, hết Tam quốc đến Thủy Hử… rồi mình thực hành Phật pháp, tự ngồi thiền, tự học, thỉnh thoảng đi mấy khóa tu. Mình vào cả miền Nam. Một hai năm đầu thấy người vẫn khỏe, nhưng hai năm sau thì hễ ngã nhẹ là tay chân sưng phồng lên không cầm được máu. Bác sĩ bệnh viện địa phương không làm gì được, lúc đó mình mới chịu chấp nhận là có bệnh, đi nằm viện và thấy đời mình đến đây là hết.
Mình nằm viện huyết học từ 2016. Lúc nằm ở phòng lọc máu gần phòng cấp cứu, mình thấy mỗi ngày bình quân một hai người thở ô xy và xin về. Gia đình người thân xung
quanh gọi xe đưa về, cảm giác rất kinh hãi. Mình thấy có nằm đây mãi cũng thế thôi. Ý thức tự mình phải thực hành Phật pháp tăng lên rất nhiều, nhưng vì không biết cách nên cũng chẳng đâu vào đâu lắm. Tuy nhiên mình cũng ý thức là nhân quả nên chấp nhận dần trong cảm giác bất lực.
Vừa chữa bệnh, vừa nằm viện đến 8/2018 thì mình được chị Oanh từ thiện ở bệnh viện cho biết đến thầy Trong Suốt. Ngay lần đầu tiên tham gia phóng sinh cùng nhóm, mình dự buổi Trà đàm sau phóng sinh và nói chuyện với thầy Trong Suốt. Thầy có vẻ ngoài trông rất bình thường, nhưng khi nói chuyện với người nào đều thấy cuốn hút, vì thế mình tò mò. Đến khi nói chuyện với Thầy, mình cũng thấy cuốn hút và cảm thấy có sự dẫn dắt.
Tuệ Dũng: Thưa thầy, con muốn làm thế nào để cho tâm bình an trong đời sống hàng ngày cũng như trong tu tập. Con đã biết đến Phật pháp và tu tập từ năm 2012 nên khi bị bệnh, con cũng không có cảm giác quá lo lắng…, con vẫn bình thường thôi. Nhưng cái tâm khi mình tu tập, mình có cảm giác là nó vẫn còn tham, vẫn còn sân, vẫn còn si nổi lên trong cuộc sống và trong khi đang tu tập, trong lúc ngồi thiền cũng vậy.
lốp là mình đau lòng đúng không? Có con chó tè vào bánh xe thì sao? Cũng đau lòng.
1.3. Giải thoát khỏi sinh – tử thế nào?
Phần chết thì luôn chết, phần sống thì luôn sống, không thể chết được
Nếu nói là thân thể chết thực ra cũng không đúng. Sự thực thì nếu chia thân thể và cái biết ra thành hai thứ và nhìn một cách độc lập thì thân thể luôn chết. Thân thể này nếu không có cái biết, nó trở thành vô tri vô giác, không hoạt động gì được, chết ngay lập tức. Nó chỉ là một cỗ máy thôi.
Hay nói cách khác là cái khối vật chất thân thể này luôn chết, nó chẳng khác gì cái ghế cả. Các con nhìn thầy và cái ghế tưởng là hai thứ sống chết khác nhau vì một thứ động đậy, một thứ không động đậy. Nhưng về mặt vật chất mà nói thì có phải cả hai cùng là vật chất không? Hay một cái ô tô đang chạy trên đường, đang hoạt động nhưng cũng là một vật thể chết, vì nó vô tri vô giác, không biết gì hết. Cả hai cùng là vật chất và luôn chết, đúng không?
Nếu không có cái biết thì thân thể này làm sao hoạt động được? Như vậy thân thể này bản chất là luôn chết. Sự sống không nằm ở thân thể, sự sống nằm ở có biết hay không biết. Khi cái biết còn ở cái thân thể này, con gọi nó là sống. Cái biết hết ở thân thể thì gọi là chết.
Vậy nếu con bảo thân thể từ sống sang chết thì sai rồi vì thân thể vốn luôn chết. Khối vật chất gọi là thân thể này vốn luôn không biết. Khi nằm trên giường thở hơi thở cuối, con bảo là “Tôi chết” – thì câu hỏi của thầy là “Cái gì chết lúc đấy?”. Nếu con trả lời “Cái thân thể chết” thì con nhầm rồi!
Khối vật chất thân thể vẫn như thế, chỉ có cái biết không ở đấy thôi chứ thân thể không khác gì lúc nó đang sống cả. Vậy thân thể bản chất đâu có chết. Nó dừng hoạt động nhưng nó không chết bởi vì nó luôn ở trạng thái chết. Có cái biết thì gọi là sống nhưng bản chất cái thân thể đấy nó luôn là một cỗ máy, nó không sống.
Vậy thì làm sao con thấy mình chết được? Con có thể thấy thân thể chết theo nghĩa là không điều khiển được nữa, nhưng con không thể thấy con chết được vì con luôn luôn biết, cái biết luôn hoạt động.
Hôm nay con sẽ được giới thiệu về một thứ mà hóa ra từ bé đến giờ mình đã có và thứ đó lại không bao giờ chết. Mình có thân thể, có từ bé nhưng rồi sẽ mất đi. Tuy nhiên, trong đời mình còn một thứ nữa cũng có từ nhỏ luôn, thậm chí có từ khi trong bào thai nhưng mà lại không bao giờ mất đi, là của mình mãi mãi. Đó là cái Biết. Con muốn nhận ra nó không?
(Mọi người giơ tay đồng ý)
Từ lúc mình thức dậy, đi làm, xong tối về đi ngủ, có phải lúc nào mình cũng có khả năng biết hay không? Ai thuộc trường phái “không” giơ tay xem nào? Lúc tôi mải làm việc quá hoặc tôi mải ngắm một chàng trai đẹp đi qua thì không biết, có đúng không? Chồng gọi mình không thưa, “Em mải lướt Facebook quá, không biết gì cả”, có đúng không? Ai thấy đồng ý giơ tay?
(Một số bạn giơ tay)
Mải lướt Facebook quá không biết gì hết! Thật ấy hả?
(Thầy cười).
Học trò: Biết lướt Facebook.
Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, biết lướt Facebook chứ. Làm sao không biết gì đúng không? Tối thiểu khi mình đang lướt Facebook hay ngắm một người con trai đẹp thì vẫn biết cái gì? Hình ảnh. Không thể nói không biết gì hết được, đúng không?
Khi đang thức mình có luôn biết hay không?
Thầy Trong Suốt: Vậy mọi người thử kiểm tra xem có đúng là khi đang sống bình thường thế này thì mình luôn luôn biết hay không? Có khoảnh khắc nào mình lại chẳng biết gì không? Hay là khi thức, lúc nào mình cũng đang biết?
Học trò: Nhiều lúc buồn ngủ con chỉ thấy lờ mờ, không biết gì hết.
Thầy Trong Suốt: Con vừa nói là con có cảm giác lờ mờ không biết cái gì hết, đúng không? Vậy chứng tỏ trong khoảng thời gian đó con biết cái gì?
Học trò: Biết cái lờ mờ.
Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, biết cái lờ mờ chứ. Trong khoảng thời gian đấy mình biết cái lờ mờ chứ không phải là không biết gì hết.
Học trò: Mắt vẫn mở, vẫn nhìn nhưng mà lúc đấy không biết gì.
Thầy Trong Suốt: Biết mắt mở, biết đang nhìn. (Mọi người cười) Tại sao không biết gì hết?
Học trò: Nhưng mà lúc đấy con nghĩ là mọi thứ dừng lại hết.
Thầy Trong Suốt: Biết suy nghĩ là “mọi thứ dừng lại hết”. (Mọi người cười). Ô, chứng tỏ là càng ngày biết càng nhiều đúng không? Biết mắt mở, biết đang nhìn, biết một suy nghĩ bảo là không biết gì hết, biết một suy nghĩ là mọi thứ dừng lại hết. Như vậy vẫn biết đúng không? Như vậy mọi người đồng ý là khả năng biết này luôn ở cùng mình, tối thiểu là khi mình thức không?
Lúc đang ngủ có biết hay không?
Câu hỏi này khó hơn, vậy lúc ngủ mình còn có khả năng biết không? Hay ngủ là mất luôn khả năng biết?
Học trò: Lúc ngủ mà con không mơ con sẽ không biết gì hết xung quanh.
Thầy Trong Suốt: Nếu con không biết gì hết, không có khả năng biết thì người ta vỗ vai con, dội nước lạnh vào mặt, con có tỉnh được không? Nếu mình không có khả năng biết thì làm sao mình lại biết bị vỗ vai, biết nước lạnh vào mặt? Như vậy là lúc ngủ không thể nói là mình mất khả năng biết. Bằng chứng là ai cũng có thể vỗ vai, dội nước, thậm chí chỉ cần gọi thôi cũng tỉnh, đúng không?
Như vậy khi ngủ khả năng biết vẫn đang ở đấy. Vì nếu không có khả năng biết gì hết thì không gọi dậy nổi nữa luôn, đúng chưa? Ở đây đã ai đã từng trải qua chuyện âm thanh bên ngoài đi vào giấc mơ mình chưa?
Học trò: Dạ thưa thầy, có một lần con ở ký túc xá, bạn con đang nói chuyện điện thoại với người nhà của bạn ấy ở Việt Nam, nhưng mà lúc con đang ngủ con lại cứ nghĩ rằng bạn ấy đang nói chuyện với con trong mơ. Thế là bạn đấy hỏi đến đâu con trả lời đến đấy như là thật luôn. Con trả lờitrong mơ.
Thầy Trong Suốt: Như vậy khi mình ngủ, âm thanh vẫn đi vào giấc mơ của mình được. Nếu mình mất khả năng biết khi ngủ thì âm thanh không thể đi vào trong mơ được. Như vậy cái khả năng biết nó phải tiếp tục xảy ra khi đang ngủ, con đồng ý không?
Chết rồi có biết hay không?
Bây giờ câu hỏi này khó hơn nữa. Chết rồi còn biết không?
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật giảng cho ông A-Nan rằng cái tính biết này không hề mất đi dù thân và tâm ông có mất đi. Bây giờ mình sẽ xem có đúng vậy không.
Chết xong sẽ có quá trình trung ấm, xong rồi có tái sinh. Trong suốt quá trình trung ấm và tái sinh đấy có biết không?
Trung ấm là gì? Trung ấm được hiểu là một quá trình ý sinh thân. Chết xong thì không còn thân. Tâm thức tưởng tượng rằng tôi có một thân thể, xong rồi gặp chuyện này chuyện kia trong 49 ngày. Sau 49 ngày trung ấm đấy thì hiện ra một chỗ mới với một thân thể mới, có thể là cõi Phật, hoặc cõi người, hoặc xuống cõi thú, gọi là tái sinh. Vậy trong 49 ngày đấy có biết không? Nếu không biết thì làm sao mà trải qua một quá trình có các cảnh và hiện tượng hiện ra?
Sau khi tái sinh rồi có biết không? Theo con một cái bào thai trong bụng mẹ có biết gì không? Ở đây ai đã từng có kinh nghiệm đẻ con nói thử xem nào.
Học trò: Dạ, em bé trong bụng biết. Ví dụ con uống đồ nóng hoặc lạnh quá em bé sẽ đạp. Hoặc là con coi phim hành động thì em bé cũng đạp luôn. Bình thường thì con ít khi quát to. Có hai lần con quát to thì em bé ở trong bụng giật mình luôn. Như kiểu là nó nhắc là mình đang cáu ấy.
Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Em bé biết, đầu tiên là biết trạng thái của mẹ, hoặc là nghe thấy âm thanh đấy luôn. Có ai nói chuyện thử với đứa bé trong bụng bao giờ chưa?
Học trò: Dạ thưa thầy, con có một kỷ niệm là hồi con có bầu được 32 tuần ạ, con đi siêu âm thì bé quấn nhau thai hai vòng cổ. Ngày nào con cũng nói chuyện là bây giờ nếu mà con quấn cổ như thế thì sinh con sẽ rất là khó. Cho nên con chịu khó gỡ ra đi, cái vòng đấy không đẹp đâu. Nói hầu như hằng ngày ạ, đến khoảng 36 hay 37 tuần đi siêu âm thì bạn đã tháo được cái vòng đấy luôn rồi ạ.
Thầy Trong Suốt: Kỳ diệu chưa! Em bé hoàn toàn có thể biết được đúng không? Uống nước nóng lạnh này, trạng thái của mẹ này, lời mẹ nói ảnh hưởng đến em bé. Như vậy là ngay trong bào thai cũng đã biết.
Vừa đẻ ra oe oe có biết không? Biết gì? Vỗ mông thì nó khóc, chứng tỏ nó phải biết cái vỗ mông đấy. Tè ra bỉm có khóc không? Ị có khóc không? Nó phải cảm nhận được nóng lạnh, ướt… Có thể nó chưa hiểu thôi, nhưng nó vẫn biết.
Như vậy là từ lúc mình đẻ ra đến lúc mình chết, kể cả lúc mình ngủ, lúc nào mình cũng có một cái khả năng, gọi là khả năng biết.
Khả năng này có phải là thứ luôn có sẵn trong mình không? Tất cả chúng ta, tuy rằng trí thông minh, khả năng suy nghĩ có thể khác nhau. Nhưng chúng ta đều có điểm chung là: Chúng ta đều biết.
Thứ luôn sẵn có và giống nhau giữa mình, đứa bé và con chó là gì?
Không chỉ chúng ta có điểm chung với nhau, mà chúng ta với một con chó có điểm chung gì? Tuy rằng khẩu vị khác nhau nhưng cái gì giống nhau? Khả năng biết giống nhau. Khả năng biết của chó với của con người là như nhau. Khả năng phân biệt thì khác nhau, nhưng khả năng biết thì giống nhau.
Mình và một đứa bé, khả năng phân biệt của ai cao hơn? Khả năng phân biệt đương nhiên mình hơn nó rồi. Nó chưa đọc được chữ, thì đấy là khả năng phân biệt, khả năng nghĩ, nhưng khả năng biết sự hiện ra thì ai hơn ai? Một cái hình hiện ra trước mặt nó, nó có biết không? Nó không phân biệt được cái hình gì. Nhưng có nghĩa là mắt nó thấy toàn màu trắng không? Nó thấy cái hình hiện ra chứ, đúng không?
Như vậy là khả năng biết của mình với đứa bé, trông thế thôi, thực ra là giống nhau. Khả năng phân biệt cái này với cái khác, chính là khả năng nghĩ thì khác nhau. Mình, đứa bé, con chó đều có chung một khả năng biết, hay đều có tính Biết – có tính là biết-sự-hiện-ra. Mọi người đồng ý không? (Tất cả đều giơ tay đồng ý)
Tính Biết là tự động, không cần cố gắng
Tính Biết này có cần phải cố gắng sinh ra nó không, hay là tự nhiên đã biết? Ngay khi con lớn lên đã thấy Biết ở đây rồi hay phải cố gắng biết thì mới biết? Khi một âm thanh vang lên, cái biết âm thanh đã ở đây ngay, không cần phải ra quyết định “tôi sẽ cố gắng nghe âm thanh”, có đúng không? Vì vậy cái Biết này là tự động, tự nhiên, vì nó không được ai tạo ra và nó hoạt động không phụ thuộc vào ý muốn của bất kỳ ai.
Tính Biết có bao giờ rời khỏi con được không?
Ở đây tất cả mọi người thử cố hết sức dừng khả năng biết của mình lại đi, dùng hết sức mạnh tinh thần của mình để quyết định đừng biết gì nữa! “Tôi quyết định không biết gì hết”, thử xem nào! Ở đây có ai làm nổi không? (Không cánh tay nào giơ lên)
Như vậy khả năng biết này không bao giờ rời đi đâu hết, từ khi cái thân thể này trong bào thai đến giây phút trút hơi thở cuối cùng. Đời mình không chỉ có cái thân thể hay các suy nghĩ này. Đời mình còn có một thứ nữa, là cái Biết này, khả năng biết này, mọi người đồng ý không?
Đời mình có thân thể, có suy nghĩ và Biết. Thân thể có thể mất không? Suy nghĩ có thể mất không? Nhưng Biết có mất không? Khi không còn tay nữa, ví dụ như bị tai nạn mất tay thì Biết biết cái gì? Biết là không có tay. Khi không có suy nghĩ thì Biết biết cái gì? Biết không có suy nghĩ. Như vậy là thân thể có thể bị mất, suy nghĩ có thể mất nhưng có một thứ không thể mất, thậm chí chưa sinh ra đời mà đã biết, thậm chí chết rồi mà còn biết cảnh trung ấm, tái sinh biết cảnh tái sinh.
Nó là một kho tàng mình có sẵn từ xưa tới nay chứ không phải là ai mang cho mình. Cái hiểu biết mình đang có thì là do thầy cô, do bố mẹ, do học tập mang cho mình nhưng khả năng biết, cái tính Biết là khả năng có sẵn của mỗi người. Và nó không rời mình đi đâu bao giờ cả, nó luôn ở đây. Khả năng biết là một thứ xưa nay mình luôn có nhưng mình không nhận ra mà thôi.
Trong lúc thân thể là phần luôn chết thì Biết là phần luôn sống, hay nói đúng hơn vượt ra ngoài sống chết, vượt ra ngoài sinh diệt vì nó không sinh không diệt.
Nhận ra và sống trọn vẹn với Biết – giải thoát khỏi sinh tử
Để kết thúc buổi nói chuyện này, thầy sẽ đọc cho các con một đoạn trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật giảng về tính Biết này cho A-Nan. Đoạn kinh tuy ngắn nhưng vừa khẳng định sự tồn tại vượt ngoài sinh tử của tính nghe hay tính Biết, vừa chỉ luôn con đường giải thoát khỏi sinh tử:
“Như có người ngủ say trên giường. Trong nhà, khi người kia đang ngủ, có người giặt áo quần hoặc giã gạo. Người ấy trong mộng nghe rõ tiếng giã gạo. Lầm cho là tiếng gì khác, hoặc là đánh trống, hoặc là đánh chuông.
Lúc chợt tỉnh, liền biết là tiếng chày giã gạo. Tự nói với gia nhân, ngay khi trong mộng lầm tiếng chày nầy cho là tiếng trống.
A-Nan, người ấy khi trong chiêm bao, đâu có nhớ những tướng động tịnh, mở đóng, thông bít. Thân tuy ngủ, nhưng tánh nghe không mờ tối.
Dù cho thân hình ông có tiêu tan. Làm sao mà tánh nghe ấy vì ông mà tiêu mất?
Do các chúng sinh từ vô thủy đến nay, theo các thứ sắc thanh, truy đuổi theo vọng niệm mà lưu chuyển. Chưa từng khai ngộ bản tánh thanh tịnh thường trụ vi diệu.
Không theo cái thường, chỉ đuổi theo sanh diệt. Do vậy phải sanh mãi và chịu tạp nhiễm khi lưu chuyển.
Nếu bỏ cái sanh diệt, giữ tánh chân thường, tánh sáng suốt chân thường hiện tiền. Các thứ căn, trần, thức, tâm phân biệt đều tiêu mất.
Tướng của vọng tưởng là trần, thức tình phân biệt là cấu nhiễm. Hai cái đó đã xa rời, thì Pháp nhãn của ông liền được trong suốt. Làm sao không thành Vô Thượng Tri Giác?”
Đức Phật gọi cái Biết là gì? Là bản tính. Thanh tịnh không? Thanh tịnh vì không thể bẩn được. Nhưng còn gì nữa? Diệu thường. Nó vượt ra khỏi thường và vô thường. Thường và vô thường là những suy nghĩ bảo đây là thường, đây là vô thường, nhưng Biết nó vượt khỏi suy nghĩ. Nên gọi là thường trụ vi diệu hay diệu thường vì thế. “Thường” hay “vô thường” là khái niệm thôi mà, nó đi kèm niềm tin vào thời gian, còn Biết ở ngoài thời gian, ngoài mọi khái niệm. Vì ở ngoài thời gian, nó vượt khỏi thường và vô thường. Đó gọi là bản tính thanh tịnh diệu thường. Đức Phật chỉ thẳng về Biết như vậy.
Con đường giải thoát khỏi sinh tử chính là nhận ra cái Biết diệu thường này, lời Phật là “khai ngộ bản tánh thanh tịnh thường trụ vi diệu”. Không nhận ra và an trụ trong Biết mà chấp mình là cái thân thể này rồi theo đuổi những thứ vô thường để làm thân này sướng hay khổ, chính là “Không theo cái thường, chỉ đuổi theo sanh diệt. Do vậy phải sanh mãi và chịu tạp nhiễm khi lưu chuyển.” Nếu có thể nhận ra cái Biết này trong mọi lúc, mọi nơi, mọi giây phút của cuộc sống và thoát khỏi ảo giác “tôi là thân thể này”, chính là “bỏ cái sanh diệt, giữ tánh chân thường, tánh sáng suốt chân thường hiện tiền”.
“Các thứ căn, trần, thức, tâm phân biệt đều tiêu mất.” Khi đó con sẽ thấy cái chết chỉ là chết giả, chỉ là sự biến mất của hình tướng thân thể vô thường trong cái Biết chân thường mà thôi.
“Tướng của vọng tưởng là trần, thức tình phân biệt là cấu nhiễm. Hai cái đó đã xa rời, thì Pháp nhãn của ông liền được trong suốt.” Mọi thứ hiện ra là vọng tưởng, phân biệt nó thành cái này cái kia là nhầm lẫn. Thoát khỏi vọng tưởng và phân biệt nhầm lẫn, sống trọn vẹn với cái Biết này chính là thức tỉnh, chính là “Pháp nhãn trong suốt”. Khi đó tánh Biết này chính là “Vô Thượng Tri Giác” liền hiện ra rõ ràng, không thể bị che mờ bởi những thứ ảo ảnh kia được nữa. Nhận ra sinh tử là ảo ảnh chính là giải thoát khỏi sinh tử.
*Sau buổi nói chuyện này không lâu, Dũng tích cực học và tham gia thi vào Câu lạc bộ. Bạn được thầy Trong Suốt đặt tên mới là Tuệ Dũng, nghĩa là có trí tuệ và có lòng dũng cảm. Từ đó đến nay, Dũng theo học và thực hành các phương pháp của thầy Trong Suốt.
Tuệ Dũng: Mình tự tin hơn vì hiểu Sự thật, trước mình sợ chết, giờ mình dám đối diện hơn. Mỗi khi gặp hoàn cảnh nào đấy, mình nhớ đến câu nói của Thầy, đến hoàn cảnh nào thì câu nói đấy lại hiện ra. Con đường này làm cho mình mở rộng tâm ra được rất nhiều. Mình không bị bó vào thân thể này nữa. Khi nhìn mình là cái thân thể, cái tôi này thì bị bó lại, nhưng khi mở rộng ra thì thoải mái, hạnh phúc, vui vẻ hơn.
Số lần đi viện của mình ít dần đi. Gần đây bác sĩ cho mình về nhà hơn 1 tháng, mình ở nhà thêm 10 ngày nữa là hơn 40 ngày. Trước đó thì 15 – 20 ngày phải đến viện một lần.
Từ lúc bắt đầu học về Biết, mình thấy thoải mái, tự do và tự ý thức hơn nhiều. Mình thả lỏng nhiều vì có niềm tin vào Biết. Mình thương yêu chính mình, ôm được mình, tự nhiên thấy tình thương với mọi người, kể cả những người mình ghét. Mình tập biết ơn trong thấm thía sự quý giá của nó. Mình thấy biết ơn như phép màu, từ cái nhỏ, bạn bè, tình cảm, những người xung quanh khác hẳn, thấy sự đồng cảm, gần gũi, mô tả thì khó, nhưng nó đúng như là phép màu.
Nhờ đó mình nhận ra nhiều hơn sự rộng mở của Biết, tình thương màu nhiệm. Tình thương vô điều kiện đang ở đây, dù mình có như thế nào chăng nữa. Trước mình ít giao tiếp với bố mẹ, ở một mình trên gác làm bạn với điện thoại, giờ mình hòa đồng gần gũi hơn với mọi người.
Mình thấy tư tưởng tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều. Mình ý thức rằng bệnh là từ những suy nghĩ tiêu cực bên trong. Khi nằm trong viện, mình cũng rất nhanh nổi cáu như những bệnh nhân khác, nhưng nhờ Biết mà mình ôm trọn được cơn giận.
Khi học Biết mình ôm được cả cơn nóng giận, biết đang nóng giận, ý thức được cơn giận tự đến tự đi. Mình biết ơn điều đấy và tình thương tự nhiên hiện ra, thấy những người bệnh nhân khác cũng không khác gì mình. Họ thấy không còn gì để mất nên họ phá phách, còn mình may mắn thấy “làm gì có mình để mà mất, không có mình” nên tự tin và tự nhiên cười với chính mình.
Tuệ Dũng 1/2018 và 9/2023
(*) Tháng 4/2024 Dũng đã đón nhận cái chết một cách nhẹ nhàng. Hình ảnh cuối cùng bạn bè kể lại là Dũng vui vẻ vẫy tay chào và ra đi bình an, không có dấu hiệu đau đớn trong tiếng trợ niệm của người thân.
1.4. Giới thiệu trực tiếp vào Biết
(*) Buổi giới thiệu lần đầu về Biết tại công viên Yên Sở, Hà Nội, 17/04/2021
Thầy Trong Suốt: Bây giờ mọi người muốn cảm nhận Biết không? Nãy giờ mình nói lý thuyết rồi. Giờ thầy sẽ dẫn thiền, mọi người sẽ làm theo lời thầy, được không? Mọi người ngồi tư thế thoải mái đi. Tại sao phải ngồi thoải mái? Khi mình căng thì mình sẽ nghĩ tôi đang điều khiển thân thể này. Tư thế căng, ví dụ như cố thẳng lưng, rồi khoanh chân tạo ra sự cố gắng, mình sẽ ảo tưởng rằng một cái tôi đang khống chế thân thể này. Còn ngồi thoải mái thì nó mất sự ảo tưởng đấy. Con nên ngồi thoải mái vào.
Bây giờ con hãy để hơi thở thoải mái, thích thở kiểu gì thì thở, chứ không phải tôi cố giữ hơi thở điều hòa. Thân thể thoải mái, hơi thở cũng thoải mái. Hơi thở thoải mái cũng làm cho con mất đi cái ảo giác có một cái tôi điều khiển hơi thở này.
Thứ ba nữa là con thả lỏng suy nghĩ ra, cho nó nghĩ gì cũng được, đừng bắt nó phải nghĩ về những điều nghiêm túc. Để suy nghĩ thoải mái nhất có thể. Muốn nghĩ gì thì nghĩ. Sau đó con từ từ nhắm mắt lại, để thân thể thoải mái, để hơi thở thoải mái và để suy nghĩ thoải mái.
Thầy bắt đầu dẫn thiền:
Hãy kiểm tra xem con có đang nghe hay không? Hay nói cách khác, con có đang biết âm thanh hiện ra hay không?
Âm thanh này hiện ra rồi tan biến, rồi lại một âm thanh khác hiện ra, rồi lại tan biến. Âm thanh hiện ra trong Biết, rồi biến mất trong Biết. Hết âm thanh này đến trong Biết, rồi âm thanh khác lại đến trong Biết. Âm thanh đến rồi đi, Biết không đến và không đi. Hãy cảm nhận việc âm thanh đến rồi đi trong Biết. Còn Biết thì không đến và không đi. Biết luôn ở đây.
Không chỉ âm thanh mà các cảm nhận xúc chạm thân thể cũng hiện ra trong Biết, rồi cũng biến mất trong Biết. Xúc chạm đến rồi đi trong Biết, còn Biết vẫn luôn ở đây, không đến và không đi. Âm thanh, xúc chạm, suy nghĩ cũng như vậy. Suy nghĩ đến rồi đi trong Biết, Biết không đến và không đi. Biết luôn ở đây và luôn biết. Hình ảnh cũng vậy, tuy nhắm mắt nhưng con rõ ràng vẫn thấy màu đen. Trong màu đen này, thậm chí có cả màu trắng. Màu vẫn hiện ra trong Biết, dù con nhắm mắt. Màu hiện ra, rồi đổi thành màu khác trong Biết, nhưng Biết vẫn ở đây, không đi chỗ khác.
Con hãy cảm nhận mọi thứ hiện ra trong Biết, rồi tan biến trong Biết. Còn Biết thì không biến mất.
Biết đang ở đây, mọi thứ đến và đi, còn cái tính Biết này không đến và không đi. Nó luôn ở đây, đón nhận mọi thứ. Mọi thứ đến và đi trong nó, còn nó không đi đâu cả. Những thứ có thể thấy rõ nhất là âm thanh, là hình ảnh, là xúc chạm, là suy nghĩ, hiện ra rồi biến mất, còn Biết thì vẫn ở đây.
Cảm giác thân thể này cũng vậy, cảm giác mát, cảm giác ê mông… cũng hiện ra trong Biết rồi biến mất. Biết vẫn tiếp tục. Biết đang ở đây, mọi thứ hiện ra rồi biến mất, còn Biết thì vẫn ở đây. Âm thanh hiện ra biến mất, suy nghĩ hiện ra biến mất, còn Biết thì vẫn ở đây. Giữa sự đến và đi của âm thanh, của suy nghĩ, của cảm giác, vẫn luôn có Biết.
Mọi thứ hiện ra trong Biết rồi tan biến, Biết vẫn đang ở đây. Hay nói cách khác con vẫn luôn biết, dù những thứ đến và đi thì vẫn luôn biết. Cái khả năng biết không mất đi. Giữa những thứ đến và đi thì cái khả năng biết không mất đi. Biết đấy vẫn đang ở đây, ngay bây giờ ở đây, không hề bị ảnh hưởng bởi những thứ đến và đi. Giống như là một mặt gương không bị ảnh hưởng bởi hình trong gương. Cái Biết không bị ảnh hưởng bởi những thứ đến và đi trong nó, nó vẫn luôn biết.
Bây giờ hãy từ từ mở mắt, các con vẫn tiếp tục cảm nhận mọi thứ hiện ra, biến mất trong Biết. Nhưng mình sẽ từ từ mở mắt ra để thấy rằng không phải chỉ lúc nhắm mắt thì mọi thứ mới hiện ra rồi tan biến trong Biết. Biết luôn ở đây, kể cả khi mở mắt thì hình ảnh, âm thanh, suy nghĩ… mọi thứ vẫn hiện ra trong Biết, rồi tan biến trong Biết, còn Biết thì vẫn luôn ở đây.
Mọi người từ từ mở mắt ra, mở từ từ thôi. Cảm nhận mọi thứ vẫn hiện ra trong Biết, Biết vẫn đang ở đây. Mọi thứ vẫn tiếp tục hiện ra, đến rồi đi trong Biết, nhưng Biết vẫn đang ở đây.
Đấy, cái Biết mà thầy nói nó chỉ đơn giản thế thôi, nó không phải cái gì cao siêu hết. Nó là cái vừa xong các con cảm nhận và ngay bây giờ vẫn đang cảm nhận. Có đúng là cái Biết này luôn ở đây không? Có đúng là hàng ngày con đi lại, làm việc, ăn nói thì Biết vẫn luôn ở đây không? Mọi thứ hiện ra trong Biết rồi biến mất trong Biết nhưng Biết thì sao? Nó không tắt và bật, nó vẫn ở đây, đúng không? Ai đồng ý giơ tay? (Tất cả mọi người giơ tay)
À được rồi, như vậy con đã có một cảm nhận trực tiếp về Biết.
Phật tính – tính Biết
Phật nói: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”. Bây giờ
mọi người hiểu Phật tính là gì chưa?
Tất cả chúng sinh đều có tính Biết. Cái lâu nay Đức Phật gọi là Phật tính, chính là cái tính Biết này thì mọi chúng sinh mới có chứ! Con gà có khả năng biết không? Con giun có khả năng biết không? Con sâu có khả năng biết không? Con kiến có khả năng biết không? Đấy chính là tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Phật tính đơn giản là khả năng nhận biết có sẵn của mỗi chúng sinh.
Phật nói tất cả chúng sinh đều bình đẳng, bởi vì mọi chúng sinh đều có khả năng biết. Khả năng biết như nhau, khả năng phân biệt thì tùy vào duyên nghiệp mà mỗi chúng sinh có thể khác nhau. Đứa bé thì phân biệt kém hơn người lớn. Con giun thì phân biệt kém hơn con người. Nhưng khả năng biết thì giống nhau, biết sự hiện ra. Giống mặt gương, cái gì hiện ra thì nó phản chiếu cái đó.
Mặt gương nào cũng có khả năng phản chiếu. Tính Biết cũng như vậy. Khả năng biết của con gà, con người, con giun, con kiến thì đều là khả năng biết.
Chỉ có Biết – không có “tôi”, không phải là “tôi biết”
Nhận ra Biết, cái con có xưa nay và không bao giờ rời bỏ con ra đi là rất quan trọng. Nhưng chỉ nhận ra điều này vẫn là chưa đủ chánh kiến, sự giải thoát chưa đến nếu con nhận ra Biết nhưng vẫn tin có cái “tôi”. Con phải đi tiếp một bước xa hơn, đó là nhận ra chỉ có Biết, không có “tôi”, không phải là “tôi biết”. Nếu không, con sẽ tiếp tục ở trong ảo giác tôi là thân thể này và khổ đau vẫn tiếp tục như thường.
Sau khi nhận ra Biết luôn ở đây, không sinh không diệt, không bị ảnh hưởng bởi những nội dung được biết. Bây giờ con hãy tiếp tục hỏi “Cái gì đang biết?”
Nếu con trả lời là “tôi biết” thì hãy tìm xem tôi làm gì với cái Biết? Nếu là “tôi biết” thì tôi phải có thể tiếp tục biết hoặc dừng được biết, nhưng con thử cố gắng bảo cái Biết dừng lại xem. Mọi người hãy bảo “Biết hãy dừng lại” xem có được không? Không thể! Cái Biết xảy ra tự động, không phụ thuộc vào ý chí của một cái tôi nào cả. Như vậy không thể nói là “tôi biết” được.
Ngoài ra, nếu con tin có một cái tôi tồn tại thì thử tìm trong kinh nghiệm xem có cái gì là cái “tôi” ở trong kinh nghiệm của con không. Hãy nhìn thẳng vào kinh nghiệm hiện giờ của con. Khi đi tìm con chỉ thấy màu sắc, âm thanh, mùi hương, vị giác, cảm giác thân thể và suy nghĩ (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), có đúng không? Con không thể tìm thấy cái gì là cái “tôi” trong kinh nghiệm của con được. Chỉ có suy nghĩ là thứ duy nhất phát biểu rằng “có một cái tôi”, “đây là một cái thân thể”, “tôi là thân thể này”, nhưng đó cũng chỉ là suy nghĩ, không phải là một cái “tôi”!
Như vậy, nếu con lặp đi lặp lại quá trình tìm kiếm cái tôi trong kinh nghiệm của mình, con sẽ thấy rõ “tôi” hay “tôi là thân thể này” chỉ là một suy nghĩ, một niềm tin, chứ không hề tồn tại trong thực tại. Không có cái gì trên đời là “tôi” cả!
Khi mới đẻ ra, đứa bé chưa có khái niệm “tôi”. Đó là một niềm tin được sinh ra trong quá trình lớn lên của bé. Niềm tin ấy cũng sẽ biến mất trong những khoảnh khắc khác nhau của cuộc đời, ví dụ trong những trạng thái không có suy nghĩ, khi quá bất ngờ, khi thiền… Khi thực chứng điều đó, con sẽ thấy chỉ có Biết ở đây từ xưa tới nay, “cái tôi” chỉ là một suy nghĩ, một khái niệm, tạm thời sinh ra trong Biết rồi lại tan vào Biết.
Không phải “thân thể đang biết thế giới” – Thân thể và thế giới chỉ là cảnh hiện ra rồi tan vào Biết
Hãy tiếp tục hỏi “Cái gì đang biết?”
Một nhẫm lẫn căn bản khác của mọi người là “thân thể đang biết thế giới”. Ví dụ con tin là mắt đang nhìn thấy hình ảnh, tai đang nghe âm thanh, thân thể đang cảm thấy xúc chạm… Vì vậy mọi người tin rằng mất mắt, mất tai, mất thân thể thì không còn biết nữa. Niềm tin “thân thể đang biết” là nhầm lẫn căn bản dẫn đến ảo giác “tôi là thân thể này”, dẫn đến sự sợ hãi các loại mất mát trong cuộc đời này như mất của cải, xa người thân… và đặc biệt là sợ chết.
Nhưng trong thực tế, dù mắt bị mất, người mù vẫn nhìn thấy màu đen và ánh sáng hiện ra trong không gian màu đen đó. Dù màng nhĩ bị thủng, người điếc vẫn nghe thấy âm thanh “O, o…”. Dù thân thể bị tan nát, vẫn có sự nhận biết các cảnh trong thân trung ấm… Mất các cơ quan và mất cả thân thể thì vẫn biết, thân thể chết thì sự biết vẫn không bị ảnh hưởng, nên không thể nói mắt biết, tai biết, thân thể biết…
Giống như phương pháp tìm tôi ở trên, hãy đi tìm trong kinh nghiệm xem cái gì là “thân thể”, là “mắt”, là “tai”… Con sẽ không thể tìm thấy gì ngoài các ấn tượng giác quan: sắc, thanh, hương, vị, xúc và các suy nghĩ “đây là thân thể”, “đây là tai”, “đây là mắt”. Khi đó con sẽ nhận ra niềm tin “mắt biết”, “tai biết”, “thân thể biết”… cũng chỉ là những niềm tin, những suy nghĩ, không có gì khác. Các niềm tin này hiện ra trong Biết rồi tan vào Biết.
Sự thật là không phải thân thể đang biết thế giới mà cả thân thể và thế giới đang hiện ra trong Biết rồi tan vào Biết. Cái thân thể lúc là đứa bé 3 tuổi, khi là người lớn 30 tuổi và khi là ông già 60 tuổi không còn chung một tế bào nào, nó đã hoàn toàn biến mất vì một tế bào thân thể chỉ sống lâu nhất được khoảng 20 đến 30 năm. Chúng không có chung một hạt vật chất nào, điểm chung duy nhất là chúng hiện ra trong Biết rồi biến mất trong Biết. Còn cái Biết thì vẫn ở đây, không biến mất.
Không cần đợi đến 20-30 năm, tối nay trong giấc mơ con lại có một thân thể mới, có thể hoàn toàn khác với thân thể này, ví dụ là một hoàng tử hay công chúa ở Ba Tư. Một thế giới mới cũng hoàn toàn khác với thế giới này. Con cũng tin là “thân thể đang biết thế giới” và đi lại, sinh hoạt trong đó, lớn lên, yêu đương, dựng vợ gả chồng, già đi trong đó. Như vậy cả tôi và thế giới đều hiện ra trong Biết. Khi tỉnh dậy, chúng đều tan hết vào Biết. Con lại thấy một thân thể khác, chính là cái thân thể này, cũng tin là “thân thể đang biết thế giới”. Hai thân thể không một điểm chung, hai thế giới không một điểm chung, điểm chung duy nhất là chúng hiện trong Biết rồi tan vào Biết.
Con phải suy ngẫm về những điều này, nếu cần thì nghe thêm những bài giảng về vô ngã, phá mô hình cái tôi, vô năng, duyên sinh, không có thật… cho đến khi xác quyết không hề có cái gì là “tôi”, không hề có cái gì là “thân thể”, không hề có cái gì là “thế giới”. Vì vậy, không phải “tôi đang biết”, cũng không phải “thân thể đang biết thế giới”. Khi những niềm tin nhầm lẫn đó bị phá rồi thì không còn thật sự có tôi, không còn thật sự có thân thể, không còn thật sự có thế giới… dù chúng hiện ra rất rõ ràng. Khi đó chỉ còn thấy sự biểu diễn của các ấn tượng giác quan (sắc, thanh, hương, vị, xúc) và suy nghĩ hiện ra trong Biết rồi tan vào Biết, và Biết thì vẫn ở đây, không thay đổi.
Mọi thứ hiện ra rõ ràng trong Biết nhưng không có thật – như ảo ảnh trong một tấm gương
Đến đây vẫn còn niềm tin rằng các ấn tượng giác quan (sắc, thanh, hương, vị, xúc) và suy nghĩ là thực sự tồn tại. Cần phá nốt niềm tin này.
Hãy tiếp tục phương pháp đi tìm ở trên, áp dụng tìm xem cái gì là các ấn tượng giác quan, cái gì là sắc thanh hương vị xúc và suy nghĩ. Con hãy tìm trong kinh nghiệm xem “màu sắc” là cái gì ở đây, con sẽ thấy một sự biết, sống động, rõ ràng nhưng không thể tìm được cái gì là “màu sắc” cả. Dù suy nghĩ có bảo “đây là màu sắc” thì đó cũng chỉ là một suy nghĩ, không phải là màu sắc. Tìm đến tận cùng, con cũng sẽ không thể tìm thấy cái gì là “suy nghĩ”… Dù chúng hiện ra rất rõ ràng nhưng chúng không thể tìm thấy được ở đâu cả.
Nhìn rất rõ nhưng tìm thì không thấy dù suy nghĩ liên tục bảo đó là màu sắc, đó là âm thanh, đó là tôi, đó là người, đó là vật… Đó chính là bản chất “hiện ra rõ ràng mà không thực sự tồn tại” của kinh nghiệm.
Hơn nữa, con hãy kiểm tra kinh nghiệm của mình xem ấn tượng giác quan đến cùng một lúc, hay đến từng thứ một, hết thứ này mới có thứ kia? Ví dụ màu sắc đến rồi âm thanh mới đến hay màu sắc xuất hiện cùng với âm thanh?
Con sẽ thấy các ấn tượng giác quan xuất hiện cùng một lúc với nhau, vừa có âm thanh vừa có màu sắc, vừa có xúc chạm vừa có mùi vị, vừa có hình ảnh vừa có suy nghĩ… Nếu các giác quan hiện ra cùng một lúc trong kinh nghiệm thì cơ sở nào chia một kinh nghiệm ra làm 6 phần là sắc thanh hương vị xúc pháp, sao không chia làm 3, 5 phần hay 7 phần? Hãy đi tìm cơ sở của sự phân chia sắc và thanh, xúc chạm và suy nghĩ… con sẽ thấy mọi sự phân chia này không có cơ sở.
Ví dụ phân chia màu sắc và âm thanh dựa trên mắt thấy và tai nghe, thì ở trên đã chứng minh mắt và tai không có thật, không thể làm cơ sở phân chia. Màu và âm thanh hiện ra cùng một lúc, không thể phân tách theo bất cứ cách nào, vậy sự phân chia chỉ xảy ra trong suy nghĩ. Hay nói cách khác, sự phân chia kinh nghiệm thành các phần khác nhau như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp chỉ là sự khái niệm hóa, không có cơ sở trong thực tại.
Điều này một lần nữa khẳng định rằng, mọi “thứ” đều chỉ là khái niệm hóa, không tồn tại thực sự trong thực tại. Thực tại vốn “xưa nay không một vật”.
Mọi thứ hiện ra trong Biết giống như trong một mặt gương. Trên mặt gương của Biết, tất cả mọi thứ như “tôi”, “người”, “tình yêu”, “thế giới”… liên tục được khái niệm hóa ra rồi biến mất. Nhưng chúng không hề có sự tồn tại thực sự nào mà chỉ là các cấu trúc suy nghĩ, hiện ra trong Biết rồi tan vào Biết, và Biết thì vẫn ở đây, không thay đổi.
Mọi thứ hiện ra trong Biết cũng chính là Biết – như hình trong gương chính là mặt gương
Nếu con hiểu những gì thầy giảng thì đến đây con đã cóm thể xác quyết chỉ có Biết, không có gì khác. Nhưng cái Biết này không trắng xóa hoặc đen ngòm mà nó rõ biết và là nền tảng cho mọi cảnh sống động hiện ra rồi tan vào đó, như ảo ảnh hiện ra rồi tan biến trong một mặt gương. Đó chính là năng lực biểu diễn vô hạn của Biết.
Như vậy:
Dù tôi, thân thể, đồ vật, thế giới… hiện ra rất rõ ràng, chúng không thể được tìm thấy trong kinh nghiệm.
Không thực sự có tôi, “tôi” chỉ là một suy nghĩ.
Không thực sự có thân thể, đồ vật, thế giới, chúng chỉ là những khái niệm.
Cũng không thực sự có suy nghĩ, khái niệm… dù chúng hiện ra rất rõ ràng trong Biết và tan vào Biết, như ảo ảnh trong một tấm gương.
Giống như hình trong gương cũng chính là gương. Trăng sao trên mặt nước cũng chính là nước. Ảo ảnh hiện ra trong Biết cũng chính là Biết.
Khi một thứ gì đó hiện ra trong Biết thì sự biết và cái hiện ra đến cùng một lúc, cơ sở nào để tách Biết và cái hiện ra thành hai thứ riêng biệt? Khi đi tìm cơ sở của sự phân tách giữa Biết và cái hiện ra trong Biết, con sẽ không tìm thấy cơ sở nào hết. Không cách nào phân tách hình ảnh hiện ra trong Biết với Biết, phân tách âm thanh hiện ra trong Biết với Biết, suy nghĩ hiện ra trong Biết với Biết… chúng hiện ra đồng thời với sự nhận biết trong một kinh nghiệm.
Khi suy ngẫm kỹ về điều này, con sẽ thấy không có cơ sở nào để tách những hình hiện ra trong Biết với Biết, giống như không thể nào tách hình trong gương với mặt gương, hình trên màn hình tivi với màn hình tivi. Tất cả sự tách rời, phân biệt cái này với cái khác đều chỉ là sự khái niệm hóa, sự “bịa đặt” đến sau kinh nghiệm.
Nếu con tin là những thứ hiện ra không phải là Biết, con phải tìm được một thời điểm mà chúng tách rời với Biết. Bây giờ con hãy nhìn vào kinh nghiệm của mình, đã bao giờ con kinh nghiệm các hình tướng hiện ra này (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, đồ vật, thế giới…) mà không đi cùng Biết hay chưa? Từ sáng thức dậy, đến tối đi ngủ, rồi trong mơ, đã bao giờ có một sự hiện ra mà tách rời với Biết?
Con tìm hết cách cũng sẽ thấy mọi thời điểm có sự hiện ra luôn có Biết ở đó, không thể tìm ra một khoảnh khắc nào cái hiện ra tách rời với cái Biết.
Hay trong ví dụ về cái màn hình: màn hình là tập hợp của hàng triệu điểm ảnh với màu sắc khác nhau. Để hiện hình một con sư tử giữa thảo nguyên, các điểm ảnh sẽ đổi màu chứ không phải có con sư tử nào ở đó cả. Khi con nhìn vào con sư tử, con đang nhìn thẳng vào màn hình chứ không phải có hình một con sư tử đè lên trên màn hình. Khi con sờ vào con sư tử, con đang sờ thẳng vào màn hình. Màn hình hiện THÀNH con sư tử chứ KHÔNG phải có một hình ảnh con sư tử TRÊN màn hình.
Các hình ảnh, sự vật hiện tượng cũng như vậy, không phải chúng hiện ra trên Biết mà chúng chính là Biết, giống như trong ví dụ màn hình nói trên. Biết biểu diễn THÀNH các ảo ảnh sự vật hiện tượng và khi được biểu diễn thành thì các sự vật hiện tượng ảo ảnh này cũng chính là Biết, không phải là cái gì khác Biết. Sự biểu diễn này làm Biết rất sống động, rực rỡ, nhưng đồng thời vẫn trống không, không có một vật, các vật chỉ là sự khái niệm hóa, không thực sự tồn tại.
Còn Biết thì ở ngoài mọi khái niệm, vượt khỏi tồn tại hay không tồn tại, vượt khỏi thời gian, vượt khỏi thường hay vô thường… nhưng luôn rõ ràng ở đây, trong mọi kinh nghiệm như một sự nhận biết tự nhiên, liên tục, vừa trống không, vừa sáng tỏ, vừa sống động rạng rỡ. Sự trống không – sáng tỏ – rạng rỡ chính là Biết, chính là mọi kinh nghiệm trong đời sống của con.
Tất cả đều là Biết – không có gì khác Biết
Bạn Minh Ngân hỏi: “Xin cho con một bài thơ đơn giản, ngắn gọn, dễ nhớ để có thể dễ dàng nhắc mình thường xuyên về Biết trong cuộc sống hàng ngày?” (Hà Nội, 04/07/2023)
Thầy Trong Suốt trả lời bằng bài thơ “Kiến quyết”:
Tất cả đều là Biết
Không có gì khác Biết
Hình trong gương là gương
Hiện trong Biết là Biết.
Sau đó thầy Trong Suốt giải thích thêm:
Nhận biết tự nhiên hay còn gọi là Nhận biết trống không, hay gọi tắt là Biết, có mặt trong mọi kinh nghiệm như một sự nhận biết trống không, hoàn toàn rộng mở như không gian, nơi mọi kinh nghiệm hiện ra rất rõ ràng rồi tan biến không dấu vết. Nhận biết tự nhiên luôn luôn hiện diện và không biến đổi dù kinh nghiệm có thay đổi thế nào đi nữa. Trong mọi khoảnh khắc dù tâm trí có tĩnh lặng hay đầy sóng gió thì Biết vẫn có mặt bình đẳng như nhau.
Gọi là tự nhiên bởi Biết tự động xảy ra, không phải do ai cố gắng tạo ra. Gọi là trống không vì Biết không làm bằng chất thể gì và không thể tìm được vật gì ở đó. Trống không như không gian nhưng mọi sự vật hiện tượng vẫn hiện ra trong Biết và được thấm đẫm, trùm khắp bởi cái Biết này.
Giống như một mặt gương, Biết không bị ảnh hưởng bởi hành động, cố gắng, sinh trưởng, huỷ hoại của mọi thứ hiện ra bên trong nó. Ngay từ vô thuỷ, nó đã tự nhiên hiện diện và không bao giờ rời xa con, dù con có nhận ra nó hay không.
Khi nhận ra cái Biết này, con sẽ không thể phân biệt được người biết, sự biết và cái được biết. Nó không có tên và vượt qua khả năng nắm bắt, mô tả của suy nghĩ. Nhưng nó lại rất rõ ràng, sống động và luôn ở đây trong mọi kinh nghiệm của con.
Mô tả như vậy nhưng con phải hiểu rằng mọi suy nghĩ dù thông minh và trí tuệ thế nào cũng không thể nắm bắt được Biết, cái vượt khỏi mọi suy nghĩ và là không gian nơi mọi suy nghĩ xảy ra. Giống như một bàn tay không thể nào nắm bắt được không gian dù có cố gắng tới đâu.
Cái Biết này không thể truyền tải bằng lời, ngay khi nó được truyền tải bằng lời, cái được truyền tải trở thành một khái niệm, không còn là cái Biết tuyệt đối, ở ngoài mọi khái niệm này nữa.
Cái Biết tuyệt đối này
Chỉ có thể nhận ra bằng kinh nghiệm trực tiếp
Vì thế một trăm nghìn mô tả
Không bằng một lần
Kinh nghiệm trực tiếp Biết
Không qua suy nghĩ
Bắt đầu của kiến là giới thiệu trực tiếp vào Biết.
Kiến này chỉ có thể hiểu với những người đã kinh nghiệm trực tiếp Biết.
Nghịch lý về kiến là chỉ có thể “hiểu” bằng kinh nghiệm
Chỉ người nào kinh nghiệm rồi nói mới hiểu
Giống như con rùa mô tả với con cá về không khí trên bờ, mọi con cá đều chịu không thể hiểu trừ con cá đã từng mắc cạn.
Nếu chưa có kinh nghiệm trực tiếp, hãy tìm một người thầy giúp con kinh nghiệm trực tiếp cái Biết này. Cho đến khi con có thể kinh nghiệm trực tiếp Biết không qua suy nghĩ, bài thơ Kiến quyết trên mới có tác dụng với con.
Không kinh nghiệm gì thì chẳng hiểu được
Nhưng kinh nghiệm rồi, do thiếu chánh kiến, nên vẫn có thể hiểu sai như thường.
Sau khi đã được giới thiệu trực tiếp vào Biết, con nhận ra Biết không phải là cái gì xa lạ mà chính là trạng thái tự nhiên, hay trạng thái đích thực xưa nay vốn có của con. Nhưng không hề có “con” hay có bất cứ cái tôi, hay có một vật nào. Từ vô thuỷ tới vô chung chỉ có sự biểu diễn tự nhiên, bất tận của cái Biết này. Khi đó, con cần một điểm xác quyết quan trọng không thể thiếu:
“Tất cả đều là Biết.
Không có gì khác Biết.”
Mọi sự vật, hiện tượng, các cõi Phật, các cõi luân hồi,môi trường, nhà cửa cây cối núi non… và những chúng sinhsống bên trong, tất cả đều hiện ra trong Biết và không phảilà cái gì khác ngoài cái Biết tuyệt đối này. Giống như: Hình ảnh hiện ra trong gương cũng chính là mặt gương. Trăng sao trên mặt nước cũng chính là nước.
Trong quả cầu pha lê trong suốt hiện ra cả bầu trời, mặt đất và con người nhưng cả thế giới trong đó cũng chính là pha lê, không có gì khác với pha lê.
Với nhận thức nông cạn thì sẽ có một cái Biết và những thứ được biết bởi nó. Đó là loại nhận thức nhị nguyên, vẫn chia thế giới thành hai nửa.
Con cần thấy cả chủ thể và đối tượng của kinh nghiệm, cả tôi và thế giới, cả người nắm bắt và cái được nắm bắt đều hiện ra trong Biết và là một với không gian của Biết. Giống như câu thơ:
“Hình trong gương là gương
Hiện trong Biết là Biết”
Nhận thức được điều này không dễ dàng nếu con còn tin tôi và vật là có thật. Nếu nhận ra tôi và vật chỉ là khái niệm, không có thật, không có tôi hay có một vật nào thực sự tồn tại dù hiện ra rất rõ ràng, sờ nắm được giống như trong một giấc mơ, con sẽ phá được nhận thức nhị nguyên về Biết và cái được biết này.
Một nhận thức đúng đắn và xác quyết là nền tảng khôngthể thiếu để thực hành có kết quả rốt ráo. Khi có kiến đúng thì con sẽ làm mọi thứ trên nhận thức đúng. Nếu không con sẽ thiền trên nền tảng “tôi đang thiền đây” và hành trên nền tảng “tôi đang làm”, “tôi đang tu”, “tôi đang chứng”… Từ xưa tới nay chưa bao giờ có hành giả, chưa bao giờ có luân hồi, có vô minh hay giác ngộ, đó chỉ là những biểu diễn huyễn ảo trang trí cho cái Biết trống không nhưng sáng tỏ, rực rỡ này.
Nhận thức sâu sắc cộng với kinh nghiệm trực tiếp Biết nhiều lần trong thời gian dài sẽ dẫn đến dòng chảy tự nhiên của không thiền định. Như thế nào? Khi đã thấy cái gì cũng là Biết thì hoạt động nào của con cũng là thiền, vì mọi thứ xảy ra như là sự biểu diễn tự nhiên của Biết và cũng là một với cái Biết tuyệt đối này. Giống như sóng và biển, sóng là hoạt động tự nhiên của biển và biển cũng không ở đâu khác ngoài sóng. Không cần làm gì đặc biệt, con bỗng thấy thiền đang tự động xảy ra rồi. Và không gì có thể làm con tách rời khỏi thiền được, bởi cả con lẫn cái làm phân tâm đều được nhận ra cũng chính là Biết luôn rồi.
2. Cái gì siêu vượt sinh tử?
2.1. Cuộc đời con là Biết và những thứ hiện ra rồi tan biến trong Biết
Thầy Trong Suốt: Bây giờ mình sẽ chơi một trò chơi nhỏ. Trò này tên là “Đố con biết thầy vẽ cái gì?”
Ảnh chụp tại buổi giới thiệu lần đầu về Biết tại công viên Yên Sở, Hà Nội, 17/04/2021
Các học trò nhiều người đoán khác nhau: là con én, cây cỏ, một cánh chim bay…
Thầy Trong Suốt: Những bạn nào chọn phương án cánh chim giơ tay. (Các bạn giơ tay). Các con đã đúng được một nửa rồi. Một nửa của sự thật… thì rất tiếc nó lại… không phải sự thật! Thầy vẽ cánh chim bay giữa bầu trời! Con thấy cánh chim mà con không thấy gì?
Mọi người: Bầu trời!
Thầy Trong Suốt: Nếu không có bầu trời chim có bay được không? Đây là cánh chim bay giữa bầu trời! Suốt ngày mình nhìn thấy chim nhưng mình có thấy bầu trời không? Không phải mắt mình không thấy bầu trời, mà mình tập trung quá vào cánh chim nên mình chỉ thấy cánh chim thôi, trong khi mắt mình vẫn đang nhìn thẳng vào bầu trời. Hàng ngày trong cuộc sống mình có biết không?
Học trò: Có ạ!
Thầy Trong Suốt: Nhưng mình chỉ tập trung vào cái gì? Vào những cái hiện ra trong Biết, ví dụ như người yêu, gia đình, suy nghĩ, cảm xúc… mà mình không để ý vào cái nền của những thứ ấy. Cái nền của yêu đương, gia đình, suy nghĩ, cảm xúc… là cái gì? Hàng ngày mình để ý vào những cái hiện ra trong Biết mà không để ý rằng mình có cái đơn giản hơn cái đấy là cái gì?
Học trò: Tính Biết!
Thầy Trong Suốt: Cái tính Biết mà thôi. Như vậy cái tính Biết nó quá gần đúng không? Thậm chí là mình đi lại, nghĩ ngợi ăn ngủ trong Biết, nhưng mình lại không nhận ra là có cái Biết này! Cũng như là mình nhìn thấy bầu trời đúng không? Ở đây có ai chỉ nhìn thấy cánh chim mà không nhìn thấy bầu trời không? Tất cả đều nhìn thấy cả hai nhưng mình chỉ chú ý đến cái hình thôi, còn cái nền để nó hiện ra thì lại không chú ý đến!
Bản chất cuộc đời các con là gì? Biết và những thứ hiện ra rồi tan mất trong Biết, có đúng không?
Không phải là từ hôm nay đâu, mà từ lúc sinh ra đến giờ, đời con cũng chỉ có Biết và những thứ hiện ra rồi biến mất trong Biết. Đây là bản chất cuộc đời con. Cuộc đời con có Biết, rồi bên trong nó hiện ra gia đình, bạn bè, người yêu, mọi thứ… Nhưng mọi thứ có ở đấy mãi không? Người yêu hiện ra trong Biết rồi cũng tan mất trong Biết, nhường chỗ cho một người yêu mới. Người yêu thì có đến và đi, nhưng đến và đi ở đâu? Bầu trời có bao nhiêu cánh chim có thể bay qua? Cánh chim đến và đi, nhưng đến và đi ở đâu? Trong bầu trời. Một ngày các con có bao nhiêu cảm xúc và suy nghĩ? Nó đến và đi ở đâu? Trong Biết.
Như vậy có phải Biết là nền tảng để mọi thứ trong đời con đến và đi không? Nếu không có nền tảng Biết thì con làm sao biết là đến và đi?
Như vậy, hoá ra cuộc đời con đơn giản chỉ thế thôi à?
Bản chất cuộc đời con đấy! Trên cái Biết này, đang ở đây này, mọi thứ đến và đi, đấy là bản chất cuộc đời con. Cuộc đời của con con cũng thế, cuộc đời của bố mẹ con, cuộc đời của thầy cũng như thế. Theo con đời Phật có thế không? Đời Đức Phật cũng thế, cũng là trên nền tảng Biết ấy, mọi thứ đến rồi đi. Cái đến và đi giữa người này, người kia, có thể khác nhau đúng không? Nhưng tất cả đều đang đến và đi trong Biết.
Một người khi chết lên cõi Cực Lạc Tây Phương, xuống địa ngục hay tái sinh vào cõi người thì khác nhau chỗ nào? Nội dung đến và đi khác nhau, giống nhau là cái Biết thì luôn ở đó!
Đấy là cách thế giới hoạt động. Con đừng lạc vào sách vở mà hãy nhìn vào kinh nghiệm của mình. Trên cái nền Biết này mọi thứ đến rồi đi. Đời con có những năm tháng khác nhau, sinh ra những nội dung biết khác nhau, nhưng nền tảng Biết lúc nào cũng biết.
Cái mà thầy chia sẻ chính là cuộc đời con đấy. Bản chất cuộc đời con chỉ thế thôi, chỉ là cái Biết, lúc nào cũng ở đây, trên nó thì hiện ra cái này và cái khác. Giống như xem phim thì có một cái luôn ở đây là màn hình, còn trên nó thì có muôn vàn câu chuyện. Thậm chí hết phim này thì lại có phim khác, nhân vật chính ở phim này lại đóng thành nhân vật ở phim khác. Nhưng có một thứ không hề thay đổi, nó chỉ ở đấy mãi thôi. Đấy là ẩn dụ để con hình dung về cái Biết mà thầy nói.
Giống như con chim hiện ra giữa bầu trời rồi biến mất giữa bầu trời – mọi hoạt động của con, suy nghĩ, hành động, lời nói đều hiện ra trong Biết và biến mất ở trong Biết. Có một thứ không hề biến mất trong toàn bộ câu chuyện là cái gì? Là bầu trời – cái Biết.
Con tự nhận mình là cái thân tâm này. Nhưng thân tâm này cũng chỉ là cái đến và đi trong Biết.
Tối nay con mơ, trong giấc mơ con có phải là thân thể này không? Hoàn toàn có thể là thân khác. Khi con chết, con còn thân này nữa không? Khi con buồn, con có suy nghĩ buồn, khi con vui thì còn suy nghĩ buồn nữa không? Như vậy thân và tâm cũng chỉ là những thứ đến rồi đi trong Biết. Vậy cái gì thực sự vẫn còn? Cái Biết!
Nếu có một người nào đó nói với con rằng, thân tâm đến rồi đi trong Biết, chẳng có cái gì là tôi sống hay tôi chết cả, mà chỉ có cái Biết này! Con không phải là cái thân tâm chạy qua chạy lại này, mà con là cái Biết muôn đời ở đây. Nó không bao giờ khổ được, nó chỉ thưởng thức các cảnh phim khác nhau. Hãy tưởng tượng đi, ngày nào đó con thấy rằng con giống như cái mặt gương, mọi thứ chỉ chạy qua chạy lại trong gương, không ảnh hưởng gì tới mặt gương cả. Thử nghĩ xem, khi đấy con còn khổ nữa không? Khi đấy con có chết được không?
Ví dụ bây giờ nếu bị ốm nặng, con có lo không? Con lo vì con tin con là thân thể này, con muốn thân thể này không bị tổn hại. Nhưng một ngày nào đó con nhận ra rằng: trên cái màn hình của Biết có cảnh một người ốm. Người trong cảnh đấy không phải là con. Con chỉ là cái màn hình đang ngắm cảnh người ốm đấy thôi thì con có còn lo không?
Khó hơn một chút, ví dụ ngày mai con nhận được tin là mình đã bị ung thư. Làm thế nào để hết buồn, hết sợ? Cùng nguyên tắc vừa xong, nếu con nhận ra trên cái màn hình Biết này có cảnh một người cầm tờ giấy ghi là bị ung thư. Nhưng con không phải là người đấy mà con là cái màn hình đang ngắm cái người đấy, con là cái mặt gương này thì con còn buồn nữa không?
Lâu nay con tưởng mình là cái người này, cái thân tâm này. Con không hề biết rằng con chính là cái Biết đang biết cái thân tâm này. Vì con tưởng rằng con là cái người này nên đau khổ của người này con chịu hết. Ung thư đến là con khổ ngay. Nhưng con không phải là thân tâm này, chỉ có cái Biết đang biết cái thân tâm này thôi. Nếu nhận ra điều đấy thì mọi đau khổ, kể cả đau khổ thân thể có hết không? Trên màn hình nhân vật chính bị chuyện này, chuyện kia, hỏi màn hình có bị sao không?
Nếu con nhận ra được rằng là con thật sự là ai, thì toàn bộ những gì con đã xem chỉ là trò biểu diễn, trò chơi thôi. Tất cả các cảnh mà con đã và đang gặp phải trong cuộc đời chỉ là trò chơi diễn ra trên màn hình của Biết. Nhưng vì con tưởng là con nằm trong trò đấy nên con mới khổ. Nếu con nhận ra con là cái màn hình, là cái đang xem mọi thứ biểu diễn này, con không phải là nhân vật đang chịu ung thư… thì liệu con còn khổ nữa không, hay là con sẽ hạnh phúc hoàn toàn?
Cái kho báu ấy – cái Biết này, không phải là một thứ dùng để lý luận mà để thực chứng. Nếu con thực hành thì sẽ có ngày con nhận ra được điều thầy vừa nói: con là cả cái màn hình này, cái Biết này, trong đấy mọi thứ hiện ra và tan biến, nhưng con – cái Biết không hề bị ảnh hưởng chút nào hết. Con là không gian ngập tràn nhận biết, con vừa không là gì cả vừa là tất cả. Nếu con thấy được như vậy thì đau khổ chấm dứt, hạnh phúc vô điều kiện xuất hiện. Vì nếu con là cái màn hình thì cảnh gì hiện ra chẳng được, đúng không?
Từ xưa tới nay chỉ có hình tướng của sự chết, chưa bao giờ thực sự có sự chết. Đấy là con đường siêu vượt sinh tử khi con nhận ra rằng mình thật sự là cái gì.
2.2. Sự thật về cái tôi (*)
(*)Trích buổi nói chuyện “Thực hành với cảm giác có tôi như thế nào?”, Hà Nội 27/11/2021
Sự thật là không có cái gì là “cái tôi” cả. Chỉ có cảm giác và suy nghĩ tin rằng có tôi mà thôi, gọi chung là cảm giác có tôi. Những cảm giác và suy nghĩ có tôi như: “tôi là thân thể này”, “tôi buồn”, “tôi nóng” hay kể cả “tôi là Biết”… đều hiện ra trong Biết rồi tan vào Biết. Từ cảm giác có tôi đó, suy nghĩ suy ra rằng thực sự có một cái tôi. Nhưng khi đi tìm cái tôi trong kinh nghiệm, con không thể tìm thấy cái tôi nào cả. Vì vậy không thực sự có cái gì là tôi, chỉ có các cảm giác và suy nghĩ tin là “có tôi” mà thôi.
Tất cả các cảm giác đều thay đổi, duy chỉ có Biết là không thay đổi. Giống như bầu trời không thay đổi dù có bao nhiêu đám mây đi nữa. Đám mây thì có đủ thứ hình dạng, đến và đi nhưng bầu trời thì không thay đổi. Bầu trời đấy chính là Biết.
Nhưng Biết không phải là một cái gì xa lạ, Biết chính là bộ mặt xưa nay của con. Gọi là “của con” nhưng không có cái con nào tách rời với Biết cả, Biết chính là Con, Con chính là Biết. Sự thật tuyệt đối là duy nhất, bao trùm lên tất cả. Đừng sợ những từ như Tôi, Chân Ngã, Chính Mình… dùng nó nhưng không có ngã chấp là được. Người đã chứng ngộ thì không còn mắc vào ngôn từ, gọi là Biết cũng được, gọi là God, Allah, Đạo, gọi là Phật, là Tâm, hay là Ta, Mình… cũng được, những từ ngữ này chỉ là những cái tên tạm dùng để trỏ đến một trạng thái tuyệt đối không tên mà thôi.
Con thật sự chính là không gian của Biết, không gian đang biết mọi thứ này. Cái không gian ngập tràn nhận biết đấy không bao giờ bị ảnh hưởng bởi bất cứ thứ gì hết. Nó chỉ biết mà thôi. Tuy nói con là không gian ngập tràn nhận biết, nhưng đó chỉ là một cách nói, một ngón tay chỉ mặt trăng để giúp hành giả từ bỏ cái ảo giác “tôi là thân thể” và dẫn tới cái Biết không thể nghĩ bàn được này.
Nếu thực sự chứng ngộ cái không gian Biết đấy, con sẽ không thấy có cái tôi nào cả, kể cả “tôi là thân thể” hay “tôi là Biết” cũng chỉ là một suy nghĩ. Khi không bị đánh lừa bởi suy nghĩ nào nữa thì con thoát khỏi tất cả các loại đau khổ trên đời này.
2.3. Hãy cảm nhận không gian ngập tràn nhận biết
Thầy Trong Suốt dẫn thiền giới thiệu trực tiếp vào Biết.
Khi mở rộng tầm mắt, con dễ dàng cảm nhận không gian ngập tràn nhận biết. Con dễ dàng cảm nhận sự sinh diệt của âm thanh, hình ảnh, cảm giác trên thân thể, suy nghĩ. Tất cả sinh sinh diệt diệt ở trong không gian ngập tràn nhận biết này.
Hãy cảm nhận cái không gian ngập tràn nhận biết. Mọi thứ sinh diệt ở trong đấy. Trong các thứ sinh diệt ấy có một thứ rất bình thường là suy nghĩ. Mọi đau buồn của con cũng chỉ là suy nghĩ mà thôi. Phải làm gì ngày mai chỉ là một suy nghĩ hiện ra trong không gian của Biết rồi tan vào trong không gian của Biết, nhường chỗ cho âm thanh, hình ảnh, nhường chỗ cho suy nghĩ khác. Cái không gian ngập tràn nhận biết này, nơi mà mọi thứ sinh sinh diệt diệt bên trong này chính là Con. Con không phải cái người hai chân hai tay, khổ sở ngồi ở đấy, hi vọng một cái gì đó trong tương lai. Con là cái không gian đã đầy đủ này rồi. Không gian này ngập tràn sự đầy đủ, ngập tràn cái đẹp. Nó không sợ cái gì hết vì nó chẳng bị ảnh hưởng bởi cái gì cả.
“Con là không gian ngập tràn nhận biết.
Cả thế giới này sinh diệt trong con”.
Khi con mở rộng ra thì suy nghĩ không còn đáng sợ, vì nó được phép hiện ra rồi biến mất. Khi con không mở rộng thì suy nghĩ sau khi hiện ra bị con theo đuổi, chui vào bên trong nó, hoặc sợ hãi, từ chối nó. Hãy cảm nhận cái không gian này. Hãy cảm nhận cái không gian ngập tràn nhận biết này. Trong không gian đấy có cảm giác “tôi là” thân thể này, “tôi đang ngồi đây”. Đấy cũng chỉ là một cảm giác hiện ra trong không gian đó rồi biến mất.
Hãy cảm nhận không gian ngập tràn nhận biết này. Hãy cảm nhận các ấn tượng nổi lên trong nó, trong đó có cả ấn tượng “đây là tôi”. Đừng sợ ấn tượng “đây là tôi”. Cái không gian đấy ôm lấy mọi thứ và chứa mọi thứ, bao gồm cả những thứ lâu nay con từ chối và phán xét. Không gian đấy ôm luôn cả ngã chấp. Niềm tin rằng có một cái tôi và tôi là thân thể này chẳng làm được gì không gian đấy cả.
“Con là không gian ngập tràn nhận biết, đang ngắm nhìn các ảo ảnh bên trong mình.”
Ảo ảnh bên trong con là cái gì? Đây, mọi thứ đang hiện ra đây. Tại sao là ảo ảnh? Bởi vì nó không có thật, nhưng nó vẫn hiện ra.
Cảm nhận về không gian rộng mở là cảm nhận dẫn con đến Sự thật, vì Sự thật vốn luôn luôn rộng mở. Vì thế nên trong cuộc sống hàng ngày, con nên mở rộng tầm mắt và cảm nhận sự rộng mở của kinh nghiệm của mình. Kinh nghiệm của con bản chất lúc nào cũng rộng mở. Kinh nghiệm của con luôn ôm mọi thứ, hình ảnh, âm thanh, các cảm xúc và suy nghĩ. Nó luôn rộng mở. Nó không từ chối cái gì hết, chỉ có suy nghĩ từ chối thôi. Còn cái Biết không từ chối. Nó không bảo là không được nổi lên cảm giác này cảm giác kia. Biết luôn rộng mở, sẵn sàng đón nhận mọi thứ.
Con là không gian ngập tràn nhận biết
Khi con biết suy nghĩ xảy ra thì con không phải là cái gì khác ngoài cái không gian nơi nó xảy ra, chứ con không phải là người tạo ra suy nghĩ. Con tưởng mình là người tạo ra và chịu đựng đống suy nghĩ, cảm xúc đấy và con khổ từ giờ đến cuối đời.
Khi nào con thoát khổ? Khi con không phải là người tạo ra suy nghĩ, không chịu đựng suy nghĩ.
Con chỉ là nơi suy nghĩ đến và đi – như không gian biết có gió đến và gió đi. Đến rồi sẽ đi.
Con vẫn biết, dù cơn điên – cơn tỉnh, suy nghĩ tích cực – tiêu cực xảy ra. Như không gian luôn biết cái gì xảy ra bên trong nó. Nó đến, con biết, biết ngay. Con chỉ là không gian nơi suy nghĩ đến và đi. Khi đó con hoàn toàn hết khổ, hết trầm cảm, hết vô minh.
Con có thể chẳng bao giờ hết vấn đề, giống như không gian không bao giờ hết gió. Vấn đề không phải do con tạo ra mà vấn đề là do nhân quả. Giống như một cơn lũ ập đến không bao giờ chặn được. Chỉ khi vấn đề đến thì con là nhân vật xấu số chịu đựng nó, hay con là không gian nơi điều ấy xảy ra.
Nếu con không biết thì con tin con là người chịu đựng. Nếu con biết thì con là không gian nơi điều ấy xảy ra. Không gian có một vai trò duy nhất – là biết.
Khi con càng biết suy nghĩ thì con càng có cảm giác con là cái không gian nơi nó xảy ra, như gió thổi qua thổi lại. Nhưng con không bao giờ bị hại bởi nó cả.
Con sẽ có một thái độ mới với suy nghĩ. Con chẳng sợ. Trước đây con sợ và muốn tìm cách tiêu diệt suy nghĩ. Còn bây giờ con hiểu suy nghĩ đến và đi do nhân quả. Còn con là cái không gian thì làm sao bị ảnh hưởng được.
Ai đó mắng con, con rất buồn, tổn thương – Hỏi điều gì xảy ra? Không gian biết rằng trong nó có một suy nghĩ: ”Tôi bị tổn thương”. Liệu không gian có bị tổn thương không?
Cảm xúc hay suy nghĩ đều hiện ra trong không gian, rồi tan vào không gian. Suy nghĩ không thể gây ảnh hưởng gì đến không gian. Con là không gian ngập tràn nhận biết!
Đời con đã chịu bao chấn động, bao mũi tên hòn đạn rồi, nhưng giờ ngồi đây tâm con có sao không? Hay vẫn sáng tỏ bình thường? Cái không gian nơi các suy nghĩ đau khổ, tổn thương… xảy ra có sao không? Các suy nghĩ thay đổi, nhưng không gian nơi nó xảy ra vẫn thế!
Nội dung trong không gian thay đổi, nhưng không gian chứa nội dung thì có thay đổi không? Căn phòng có thể bài trí khác, nhưng không gian chứa căn phòng có đổi không? Không gian một tỷ năm trước chứa khủng long và không gian bây giờ chứa con người có đổi không?
Biết dần dần gợi cho con kinh nghiệm con là không gian. Việc của con chỉ cần là Biết.
3. Hành giả Biết trải qua cái chết như thế nào?
Một học trò đã có tuổi hỏi: Kể từ khi gặp Thầy, con đã thực hành con đường Nhận Biết này được 4 năm. Gần đây con có nhiều dấu hiệu xấu về sức khỏe, càng ngày con càng cảm thấy mình đến gần hơn với cái chết. Con muốn biết khi chết con nên thực hành thế nào, xin Thầy hướng dẫn cho con trên con đường tới ngưỡng cửa của sinh tử?
Thầy Trong Suốt: Như thầy đã nói ở trên, trong bước đầu của quá trình chết, 4 nguyên tố đất, nước, lửa, gió tan rã. Sau khi nguyên tố gió tan rã, người ta trút hơi thở cuối cùng. Người bình thường sẽ có cảm giác như ngất đi trong một quãng thời gian ngắn và tỉnh dậy với một thân mới trong trung ấm, rồi trải qua 49 ngày để chuyển sinh. Tuy nhiên một hành giả đã quen thuộc với Biết khi còn sống và thường xuyên ở trong trạng thái tự nhận biết sẽ trải qua quá trình đó một cách có ý thức như sau:
3.1. Giải thoát trong thời điểm chết bằng cách hòa nhập hoàn toàn vào Biết
Sau khi nguyên tố gió tan rã, hành giả trút hơi thở cuối cùng. Sau đó, giai đoạn trung ấm của Biết bắt đầu.
Đầu tiên là ý thức hòa nhập vào không gian: bên trong là một trạng thái ý thức rất rõ ràng, trong khi bên ngoài là một trải nghiệm giống như bầu trời không mây hiện ra.
Sau đó, không gian hòa nhập vào sự sáng tỏ của Biết. Bốn trải nghiệm sẽ dần dần hiện ra:
1. Một trải nghiệm tự biết rõ ràng, không có bất kỳ suy nghĩ thô về một đối tượng được cảm nhận nào.
2. Một trạng thái tinh thần rất rõ ràng, không có bất kỳ suy nghĩ thô về một chủ thể đi cảm nhận nào.
3. Những suy nghĩ cực kỳ vi tế liên quan đến đối tượng và chủ thể hoàn toàn biến mất. Tất cả các khái niệm phân biệt dựa trên hình tướng của tâm trí tan đi. Sau đó, tâm trí nhị nguyên thông thường ngừng lại, trí tuệ của thành tựu xuất hiện.
4. Cuối cùng, cái Biết nền tảng, rõ ràng sáng tỏ hiện ra. Có một sự nhận biết tự nhiên, không tư duy, không khái niệm, hoàn toàn không có suy nghĩ lan man. Khi nhận ra trạng thái này và ở yên trong sự liên tục của nhận biết thì cái Biết nền tảng và sự nhận biết hiện tại sẽ hòa làm một, và con sẽ hòa nhập hoàn toàn với Biết mà không cần phải đi vào trạng thái tiếp theo.
Đây là sự mô tả về một hành giả khi còn sống đã liên tục ở trong trạng thái căn bản của Biết có thể trải qua sự chết như thế nào. Con cũng có thể trải qua 4 trải nghiệm này khi còn sống chứ không cần đợi đến lúc chết nếu con thực hành hòa nhập với Biết và có thực chứng sâu sắc.
Khi đó, trong suốt quá trình chết, con chỉ cần tiếp tục trong trạng thái nhận biết tự nhiên mà con đã hoàn toàn quen thuộc khi còn sống và để mọi thứ cứ như nó là, các sự kiện cứ tự biểu hiện ra trong sự nhận biết tự nhiên và bất cứ thứ gì hiện ra cũng là một với Biết mà thôi.
Trên thực tế, đối với một người đã nhận ra mọi sự là Biết và đã sống như vậy thì không hề có sự chết, không hề có một sự chuyển sinh nào. Từ xưa đến nay chỉ có hình tướng của sinh tử nhưng không hề có sinh tử, không có một cái gì hay một ai sinh ra hay chết đi. Chỉ có sự Nhận Biết như không gian, vừa bất động vừa sống động, rõ ràng, vượt ngoài sinh tử.
3.2. Giải thoát bằng cách nhận ra tất cả mọi biểu hiện đều là Biết trong giai đoạn trung ấm của Biết
Trên đây là cách sự giải thoát xảy ra ngay từ đầu giai đoạn trung ấm của Biết. Nếu không nhận ra điều này, con có thể giải thoát bằng cách nhận ra tất cả mọi biểu diễn đều là Biết trong phần tiếp theo của giai đoạn này.
Trong phần tiếp theo, những hình tướng sáng tỏ rõ ràng và thanh tịnh – biểu hiện của cái Biết nền tảng – sẽ nổi lên. Các hình tướng này có thể là âm thanh, ánh sáng và màu sắc, hoặc những vị hộ Phật yên bình và giận dữ, hoặc mọi loại hình tướng thanh tịnh khác, tràn ngập bầu trời.
Dù hình tướng gì hiện ra đi nữa, không một chút hi vọng và sợ hãi, con hãy nhận ra tất cả những hình dạng này như là sự tỏa chiếu của Biết, không có chủ thể và đối tượng nào. Tất cả mọi hình tướng và cảm xúc, suy nghĩ hiện ra đều là Biết, không có phân biệt trong ngoài, không có người đi nắm bắt và cái được nắm bắt. Khi đó con sẽ hòa nhập vào trạng thái Biết căn bản, và đạt được giác ngộ ngay lúc đó.
Vì vậy, việc nhận ra mọi thứ là sự tỏa sáng tự nhiên của Biết khi con còn sống là cực kỳ quan trọng. Bằng việc nhận ra Biết là bản chất tự nhiên của các hình tướng và kinh nghiệm tất cả đều là Biết, không hề có đối tượng và chủ thể nào trong lúc còn sống, con sẽ nhận ra điều này trong quá trình chết và đạt được giác ngộ.
3.3. Giải thoát trong trung ấm của sự trở thành
Thông thường giai đoạn trung ấm của Biết nêu trên chỉ được trải nghiệm một cách có ý thức bởi những hành giả có sự thực chứng cao khi còn sống. Nếu con không trải nghiệm quá trình trên một cách có ý thức thì con sẽ chuyển sang một giai đoạn mới. Đây là giai đoạn trung ấm của sự trở thành, thường quen gọi là trung ấm. Giai đoạn thường xảy ra một cách quy ước là trong 49 ngày, ngay sau giai đoạn trung ấm của Biết cho tới thời điểm người ta tái sinh. Trong thực tế quá trình này có thể ngắn hơn hay dài hơn 49 ngày.
Trong trung ấm, con sẽ có một thân thể do ý sinh, thường giống hình dạng của con trong cuộc sống trước đó. Giống như một cơ thể trong giấc mơ, thân thể do ý sinh này được tạo ra ngay khoảnh khắc đầu tiên khi bắt đầu vào trung ấm của sự trở thành.
Tất cả các trải nghiệm, cả tích cực và tiêu cực nảy sinh ở giai đoạn này phụ thuộc vào những nghiệp tốt hay xấu con đã tạo ra. Và chúng đều là ảo ảnh, giống như trong giấc mơ tối nay của con. Nửa cuối giai đoạn này là quá trình con tiến hành tìm kiếm nơi tái sinh, cảm thấy khao khát một chỗ ở và một thân thể mới… Cuối tiến trình này, có thể xuất hiện dấu hiệu của việc sắp đến một nơi tái sinh mới như hình ảnh của cha mẹ tương lai, các địa điểm khác nhau, tùy vào việc con sẽ tái sinh về đâu. Sau đó, con nhập vào tử cung, bắt đầu một tái sinh mới.
Để tận dụng giai đoạn trung ấm này và tiến gần hơn tới sự giải thoát, hãy tuân theo những điều sau đây:
– Không sợ hãi trước bất kỳ cảnh tượng nào xuất hiện, vì chúng chỉ là ảo ảnh.
– Phát nguyện mạnh mẽ để đến được cõi tịnh độ của Đức A Di Đà.
– Quy y, nương tựa và cầu nguyện đến vị thầy tâm linh hoặc vị Phật mà con tin tưởng, có thể là Đức A Di Đà, Đức Quán Thế Âm, hoặc bất kỳ bậc giác ngộ nào mà con sùng tín.
Nhờ vào những nghiệp tốt trong quá khứ và sự hỗ trợ từ vị thầy hoặc vị Phật mà con nương tựa, con có thể tái sinh vào một cõi tịnh độ thuần khiết và tiếp tục tu hành cho đến khi đạt giác ngộ. Hoặc con có thể tái sinh vào một cõi cao, nơi con có thể tiến bộ trong tu hành và đạt giải thoát trong cuộc đời này hoặc các đời sau.
Đó chính là lý do tại sao trong cuộc sống này, con hãy nuôi dưỡng niềm tin sâu sắc vào một vị Phật, đặc biệt là Đức A Di Đà, và phát nguyện được vãng sanh vào cõi Tây Phương Cực Lạc của Ngài.
3.4. Thực hành khi còn sống thế nào để hỗ trợ giải thoát trong trung ấm
Để hỗ trợ cho việc giải thoát trong giai đoạn trung ấm như mô tả ở trên, con cần chuẩn bị những điều sau khi còn sống:
– Tập buông xả gia đình, tài sản, danh tiếng, những hối tiếc quá khứ… để con có thể chết mà không có một giây phút nào dành cho nuối tiếc. Làm nhiều việc thiện và phát nguyện vãng sanh Cực Lạc một cách mạnh mẽ khi còn sống. Hãy thường xuyên tự nhủ: “Tôi sẽ chết mà không hề vương vấn, không hề nuối tiếc, một lòng hướng Phật”.
– Chọn và làm quen với một pháp thực hành mà con thấy đơn giản, dễ dàng giúp con kinh nghiệm trực tiếp về Biết nhất. Ở thời điểm chết, con không thể thực hành một pháp nào mà con không thực sự quen thuộc, vì vậy hãy chọn một pháp mà con có thể thực hành thuần thục trong khả năng của mình. Nếu con không làm được điều này thì hãy làm quen với một pháp giúp con bình an nhất.
– Ở trước thời điểm chết, con hãy cảm thấy thoải mái, và tự nhủ với chính mình: “Thật tốt lành, cái chết là một cơ hội để tôi hòa nhập hoàn toàn vào Biết. Hoặc, nếu điều đó không xảy ra, tôi nguyện một lòng nương tựa vào Đức A Di Đà để vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc”. Hãy duy trì trạng thái này, với một ý chí và niềm tin mạnh mẽ.
– Sau đó, một cách thư giãn, thực hành Pháp mà con đã quen thuộc ở trên và đi vào cái chết trong sự nhận biết, thanh thản và hạnh phúc.
Thực hành một pháp tập quen thuộc và hiệu quả, thường xuyên phát nguyện vãng sanh Cực Lạc là hai chuẩn bị quan trọng nhất cho cái chết.
Con hãy luôn nhớ hai điều này và thực hành trong bất cứ lúc nào có thể, từ nay cho đến lúc lâm chung.
Nhờ thực hành hai điều trên, con sẽ có một cái chết bình an, hạnh phúc trong trí tuệ.
(Trích sách Vượt qua bệnh tật và tử sinh bằng Trí Tuệ)