Được chờ đón đặc biệt trong mùa Halloween, “Chuyện ngày mưa ở New York” là một câu chuyện tình yêu lãng mạn, nhuốm màu cổ điển, nhưng dưới bàn tay tài ba của đạo diễn gạo cội Woody Allen lại cho thấy một bức tranh trần trụi về những ảo tưởng tình yêu mà thế hệ chúng ta đang gặp phải.
Mô-típ tình yêu “Lý tưởng hoàn hảo”
Gatsby – anh chàng sinh viên xuất thân trong một gia đình danh giá đang say đắm trong mối tình cùng cô bạn gái Ashleigh, một cô gái quê xinh đẹp và trong trẻo. Khi biết người yêu sẽ lên Mahattan để phỏng vấn một nhân vật nổi tiếng cho bài báo của trường, Gatsby lập tức lên kế hoạch cho những chuyến đi chơi lãng mạn cùng người yêu. Một chuyến đi có sự khởi đầu tốt đẹp nhưng cuối cùng lại dẫn họ đến những hành trình riêng của mình.
Họ đến với nhau như một lựa chọn không-thể-hoàn-hảo-hơn: Một Gatsby lãng mạn, lớn lên trong một gia đình quyền thế. Và Ashleigh xinh đẹp, sôi nổi, ngây thơ và nhiều hoài bão. Họ giống như hai mảnh ghép vừa vặn, xứng đôi vừa lứa – một sự lựa chọn hoàn hảo.
Nhưng vì đến với nhau vì người kia là một lựa chọn hoàn-hảo-cho-tôi, chứ không phải thực sự vì tình yêu nên cả hai đều bị rơi vào những trạng thái hoặc quá kiểm soát, hoặc quá coi thường nhau.
Gatsby, những tưởng yêu Ashleigh say đắm và sẵn sàng dành trọn thời gian cho cô đến mức bỏ cả bữa tiệc gia đình chỉ để đưa cô đi thăm thú thành phố hay lập trình chính xác từng cuộc hẹn ăn trưa, đi chơi tối cùng cô… Nhưng mọi kế hoạch của Gatsby lần lượt bị đổ bể khi Ashleigh liên tục chạy theo những cuộc hẹn phỏng vấn. Cuối cùng lựa-chọn-hoàn-hảo của Gatsby lại là ả gái điếm có vẻ ngoài xinh đẹp nhưng rỗng tuếch – người anh thuê đóng giả Ashleigh để ra mắt tại bữa tiệc gia đình.
Ashleigh cũng ảo tưởng không kém. Những tưởng mối tình với Gatsby là tình yêu lớn trong đời, nhưng chỉ với chút cám dỗ nơi phồn hoa, cô đã lập tức chối bỏ tư cách “bạn trai” của Gatsby và nói về anh như một người mới quen… trong bữa ăn tối cùng thần tượng. “Người yêu” trong lòng cô thực ra chỉ là một hình mẫu lãng mạn, thành công, giàu có, mà những người như vậy thì ở New York này quả thực không thiếu.
Có nhiều khi, yêu một người chỉ đơn giản là ta bị cuốn theo một hình mẫu nào đó của chính mình. Hình mẫu đó là chiếc mặt nạ đẹp đẽ, thoả mãn mọi tiêu chuẩn mà chính ta khoác lên “người yêu” của mình. Tình yêu kiểu lý tưởng hoàn hảo có thể phóng đại những điểm tốt mà ta thấy được ở đối phương, nhưng cũng che mờ con người thật của họ. Giống như câu nói “Người ta thường chỉ nhìn thấy những gì mà họ muốn thấy”, nên khi những góc khác bên trong người yêu lộ ra, chúng ta thường phân vân giữa lựa chọn “Liệu mình có thể chấp nhận để tiếp tục yêu con người này nữa hay không?”.
Mô-típ tình yêu “Lừa dối và Thoả mãn”
Trong tình yêu, đôi khi nhận ra mình đang lừa dối chính mình còn đau khổ hơn gấp nhiều lần việc bị đối phương phản bội.
Ashleigh – vốn luôn ảo tưởng về bản thân và nghĩ rằng mình đang có một tình yêu đẹp – nhưng chỉ vài lời đường mật của những gã đàn ông đầy kinh nghiệm, cô dễ dàng rơi vào vòng xoáy của sự cám dỗ. Một đạo diễn nổi tiếng với câu chuyện về người vợ cùng tên, là đàn chị khoá trước của Ashleigh, khiến cô tưởng mình có kết nối tâm linh với anh. Một biên kịch sắc sảo gặp khó khăn trong hôn nhân nay tìm được sự cảm thông và có xúc cảm mãnh liệt với cô, dù họ chỉ gặp nhau vài giờ trước. Một ngôi sao điện ảnh “vạn người mê” bị chết chìm trong đôi mắt Ashleigh đã “tung” cô lên mây với những ngôn từ có cánh.
Họ chỉ là những kẻ thiếu thốn, lao ra bên ngoài tìm kiếm thứ mình cần để thỏa mãn bản thân. Với sự từng trải đầy ma mãnh, cả 3 người đàn ông đã khiến Ashleigh tin rằng cô chính là “The One” – một nửa mà họ luôn tìm kiếm trong đời. Như những con cáo già tinh ranh vờn mồi, thứ họ thèm muốn là được chiếm hữu Ashleigh. Nhưng trớ trêu là chính sự ngây thơ của Ashleigh đã biến những vở kịch họ dựng lên thành sự thật, rồi cũng chính cô gắn cho những mối quan hệ này cái mác huyền bí về một sự “kết nối tâm linh”.
Ashleigh biết rõ sự lựa chọn của cô đồng nghĩa với việc gạt bỏ Gatsby ra khỏi đời mình. Nhưng để biện minh cho sự phản bội đó, cô tự bao biện bằng những lí do khá nực cười như lên giường với thần tượng để sau này có chuyện kể lại cho con cháu nghe…
Khi đã tự lừa dối chính mình thì hiển nhiên là ta sẽ tiếp tục lừa dối người khác. Và nạn nhân trực tiếp của Ashleigh không ai khác chính là Gatsby với từng khúc ruột quặn thắt mỗi lần biết cô ở bên một người đàn ông nào đó… Nếu Ashleigh thực sự biết trái tim mình muốn gì, liệu cô có phải phân vân giữa 3 người đàn ông, để đến lúc vỡ mộng thần tượng quay lại người yêu cũ thì đã muộn?
Có lẽ, giá trị lớn nhất của toàn bộ câu chuyện này chính là việc Ashleigh nhận ra mình không trong sáng và tốt đẹp như cô vẫn ảo tưởng. Có lẽ chỉ khi bản thân chịu quả của sự phản bội, lừa dối thì người ta mới biết chấp nhận con người thực sự của mình?
Mô-típ tình yêu “Hy sinh và bảo bọc người mình yêu thái quá”
Một nhân vât khác gây ấn tượng trong bộ phim là bà mẹ quý tộc của Gatsby. Bà sống trong nhung lụa và có những mối quan hệ đầy quyền lực. Vị thế đó khiến bà trở nên vô cùng nghiêm khắc, xét nét trong cung cách giao tiếp ứng xử. Và đương nhiên toàn bộ sự áp đặt, kỳ vọng gia tộc, bà dồn lên cậu con trai yêu quý – Gatsby, người đã luôn cố gắng để làm bà hài lòng. Nhưng khi chứng kiến Gatsby thất bại và liên tục mắc sai lầm, để giúp con trai bà đã dũng cảm bỏ tấm mặt nạ quyền quý để đối diện với một quá khứ mà bà luôn chối bỏ. Điều này đã lý giải một cách logic tại sao bà lại bảo vệ cái vỏ “danh gia vọng tộc” một cách khắc nghiệt đến vậy.
“Nếu những vết thương của bản thân không được chữa lành thì nó sẽ tiếp tục trở thành vết thương của những người khác, xung quanh mình”. Mẹ của Gatsby đã nuôi một ảo tưởng rằng việc gắng sức gìn giữ cái mác của giới thượng lưu sẽ đảm bảo cuộc sống vương giả của 2 mẹ con. Nhưng sự thực thì Gatsby đã bị “cầm tù” trong chính lâu đài vàng của mẹ mình và phản kháng ngầm là điều không tránh khỏi.
Sự chữa lành với mẹ của Gatsby chỉ thực sự đến khi bà đối diện được phần quá khứ đen tối của mình và chấp nhận cái bóng của quá khứ ấy đang đổ xuống cậu con trai. Sự chữa lành cho bà đồng thời đã giải thoát luôn cho cả Gatsby, giúp anh tìm lại được những ký ức ngọt ngào của tuổi thơ và quan trọng hơn cả là tình yêu thương dành cho mẹ.
Chấp nhận chính mình là chìa khoá quan trọng nhất trong tình yêu. Chỉ có chấp nhận cả những phần xấu và tốt của chính mình, người ta mới không gây áp lực lên những người xung quanh, rồi sau đó mới có thể yêu thương họ đúng như họ là. Khi được sống thật là mình, Gatsby mới có thể bình tĩnh đón nhận sự phản bội của Ashleigh. Sự bình tĩnh đó cho cả anh và Ashleigh khoảng trống bình an để nhìn lại mối quan hệ của họ.
Mô-tip tình yêu “Sợ thất bại nên không dám mở lời”
Nếu không làm vì yêu ta sẽ làm vì sợ. Nếu sợ thất bại trong tình yêu, ta sẽ không dám tiến đến. Gatsby và Shannon nhận thấy luồng điện cảm xúc mãnh liệt khi đóng chung một cảnh trong bộ phim của cậu bạn. Thật tình cờ, họ tìm thấy ở nhau vô số điểm chung. Quan trọng hơn, cả Gatsby và Shannon chấp nhận người mình gặp như-họ-là trong thời điểm hiện tại, dù trước đó Gatsby từng hẹn hò chị gái của Shannon hay lũ bạn gái Shannon từng đồn thổi về khả năng hôn dở tệ của Gatsby.
Bên cạnh nhau, họ được là chính mình mà không phải gồng lên để trở thành ai đó khác. Đơn giản là ở cạnh nhau, họ được yêu thương chính con người thật của mình. Nhưng sự rụt rè suýt nữa có thể khiến họ lỡ mất cơ hội được hạnh phúc. Song rất may những cơn mưa của New York khiến chuỗi sự kiện xảy ra một cách không thể định trước buộc Gatsby phải dũng cảm nhìn vào bên trong bản thân mình và tự tìm lời giải cho câu hỏi Mình là ai? Mình muốn gì?
Mô-típ tình yêu “Thế giới hai ta chưa từng là một”
Đôi khi trong tình yêu, lúc cảm xúc dâng trào cũng là lúc ta quên mất những khác biệt của đối phương, lầm tưởng rằng mình và họ đang ở trong cùng một thế giới. Phải trải qua những thăng trầm, những lúc bản năng nhất, ít phòng vệ nhất… thì người ta mới nhận ra hai người không thuộc về thế giới của nhau.
Gatsby lãng mạn, sâu sắc, tinh tế bao nhiêu thì Ashleigh lại thực dụng, nông cạn và phù phiếm bấy nhiêu. Họ đã liên tục bỏ qua những lời nhắc về sự khác biệt đó trong suốt quá trình ở bên nhau. Và giọt nước tràn ly khi trên xe ngựa, Gatsby nổi hứng trích dẫn một câu nói nổi tiếng mà Ashleigh cũng không thể hiểu. Đó là lúc anh nhận ra thế giới của mình không phải là thế giới của cô ấy nữa: Anh thích mưa – cô thích ngày nắng; Anh yêu tiếng máy nổ của thành phố – cô lại yêu tiếng dế rả rích ở đồng quê… Họ là hai nửa của đồng xu, không bao giờ gặp nhau được.
Hai người chưa bao giờ biết lắng nghe nhau, bằng chứng là dù Gatsby từng nhiều lần tâm sự về mơ ước của anh, nhưng Ashleigh vẫn không để tâm. Câu nói của cô với người đánh xe ngựa khi vừa chia tay người yêu – “Trời mưa nên đi nhanh thôi!” cộc lốc, trần trụi và ráo hoảnh như chính tình yêu của cô dành cho anh, đã chấm hết cho mối tình tưởng-hoàn-hảo của họ.
“Yêu nhau không phải nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng”. Hãy yêu và cùng nhau bước qua thăng trầm để nhận ra trái tim bạn thực sự đang hướng về đâu, bạn sẽ tìm được hạnh phúc đích thực ở nơi đó.
—
Mời các bạn cùng xem phim và chia sẻ bài học cùng CLB Phát triển bản thân Trong Suốt vào mỗi Thứ Sáu hàng tuần nhé!