CẦU SIÊU LÀ GÌ?
Cầu siêu là cầu siêu cho những người đã mất ví dụ những người thân, không thân hoặc đôi khi chỉ là những người bạn biết sẽ được siêu thoát, có tái sinh tốt đẹp, gặp được duyên lành kết duyên với Phật Pháp, giải thoát và giác ngộ.
Danh sách này sẽ được dùng như thế nào tại mỗi buổi lễ Phóng sinh của Phóng sinh Trong suốt?
- Nhận sự ban phước và che chở của Chư Phật thông qua Linh phù – Mạn đà la
Danh sách này sẽ được in vào linh phù và đốt trong mỗi buổi lễ phóng sinh.
- Linh phù: là các tờ giấy mặt trước in đồ hình Mạn – đà – la của chư Phật và các câu thần chú. Mặt sau mỗi linh phù ghi tên họ và năm sinh của những người cần cầu an, cầu siêu.
- Khi đốt linh phù: những người ghi tên trên đó sẽ nhận được sự ban phước và che chở của chư Phật, tránh bớt được tai nạn bệnh tật và dễ dàng siêu thoát hơn.
- Nhận được công đức hồi hướng
Phần quan trọng nhất của buổi lễ phóng sinh là Hồi hướng công đức: mỗi hành động tốt lành đều tạo ra công đức.
Đặc biệt, cứu một sinh mạng còn hơn xây 7 tòa tháp, vì thế dù không bám chấp vào việc đang làm, nhưng phóng sinh là một việc có thể tạo ra rất nhiều công đức.
Hồi hướng công đức là gì?
Theo luật nhân quả, khi làm việc xấu thì chúng ta sẽ phải gặt quả xấu và khi làm việc tốt thì chúng ta sẽ được gặt quả tốt hay còn gọi là công đức. Chúng ta không giữ riêng cho mình mà đem chia sẻ công đức đó với tất cả những người khổ sở đang cần chúng. Những người đang gặp khổ về thân thể hay tinh thần là bởi vì nghiệp xấu trổ quả và họ bị thiếu công đức. Những người đó có thể là người thân của chúng ta hoặc là những người chúng ta không quen biết, bằng việc chia sẻ phần công đức của ta cho họ thì những người đó sẽ giảm được đau khổ – như vậy gọi là: “Hồi hướng công đức”.
Tại sao phải hồi hướng công đức?
Trong kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, Đức Phật có giảng rằng những công đức nào đã được hồi hướng cho sự hạnh phúc và giác ngộ, đặc biệt là cho sự giác ngộ Phật quả thì sẽ không bị mất đi. Nghĩa là, khi chúng ta hồi hướng công đức cho người khác xong, công đức của chúng ta không những không mất đi mà còn được bảo vệ không bao giờ bị mất. Giống như một ngọn nến, ánh sáng của nó sẽ không bao giờ vơi đi khi thắp sáng cho những ngọn nến khác.
Bình thường, khi chúng ta vừa làm một việc tốt ví dụ như phóng sinh, sau đó lại lỡ làm một việc xấu, chẳng hạn như nổi lên một cơn giận quát mắng người khác thì Kinh cũng viết rằng: “Một cơn sân hận có thể tiêu hủy cả một rừng công đức”, nghĩa là vì hành động xấu đó mà công đức tạo ra trước giờ bị vơi đi rất nhiều. Tuy nhiên, nếu công đức đã được hồi hướng cho sự giác ngộ thì sẽ không bị tiêu hủy nữa.
Chúng ta phải hiểu một điều rất quan trọng là: tất cả những khổ đau, bệnh tật, rủi ro mà chúng ta đang phải chịu đều đến từ việc chúng ta đã từng làm hại đến sức khỏe, tính mạng hoặc là tinh thần của một chúng sinh khác. Vì nhân của việc làm hại đến sức khỏe, sinh mạng và tinh thần của những chúng sinh khác mà ngày hôm nay chúng ta gặp những chuyện như là bị ốm bệnh, thậm chí bị những bệnh hiểm nghèo hoặc bị những rủi ro, nỗi buồn trong cuộc sống.
Bởi thế, chúng ta nên nhắc mình không nên gây đau khổ hoặc làm tổn hại đến sức khỏe và sinh mạng của các chúng sinh khác một lần nữa. Đồng thời, phải thực hành làm thật nhiều điều tốt để có những nghiệp tốt cho chính chúng ta và cho việc tu hành giác ngộ.
Những việc như: phóng sinh, giúp đỡ người khác thậm chí một lời chúc tốt lành cũng là những việc mang đến công đức (nghiệp tốt) cho chúng ta và những việc xấu, không chỉ là những việc nặng nề như: tà dâm, trộm cướp, nói dối, sát sanh, mà đôi khi chỉ là một sự ghen ghét hay là chê bai nhỏ cũng gây ra việc tổn hại công đức.
Tập thói quen hồi hướng công đức ngay sau khi làm điều tốt không chỉ giúp chúng ta tăng trưởng lòng từ bi, sự đồng cảm, quan tâm tới người khác mà hơn thế còn là cách tích luỹ công đức quan trọng trên con đường tu hành tìm hạnh phúc cho chính bản thân và giúp đỡ mọi người.
Cầu mong cho mọi phước lành được tăng trưởng.
Đăng ký cầu siêu cho bạn, người thân, người quen của bạn ở đây: