Hỏi đáp liên quan đến sinh tử

I. TÁI SINH VÀ SIÊU THOÁT

Học trò: Sự khác nhau giữa tái sinh và siêu thoát là gì ạ, thưa Thầy?

Thầy Trong Suốt: Siêu là vượt lên, siêu thoát là thoát lên cõi trên. Trong sáu cõi luân hồi, có ba cõi thấp và ba cõi cao. Ba cõi thấp là: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Từ cõi người bắt đầu được gọi là cõi trên.

Địa ngục là nơi người ta xuống để trả nghiệp xấu. Lúc sống có người giết cha, giết mẹ, thì khi chết, ngay lập tức tụt xuống cõi thấp, không có đoạn giữa. Những nghiệp rất xấu sẽ phải trả ngay, chết là đi trả nghiệp ngay. Địa ngục là cõi thấp nhất, rất khổ. Thân thể người ta bị băm vằm, cắt nát, bị nấu sôi v.v…

Thấp nhì là ngạ quỷ, quỷ đói. Người Việt Nam hay gọi là ma, hồn ma hay vong linh. Đọa xuống cõi thấp nên mới gọi là vong; lên cõi cao thì không bị gọi như thế. Vong là những người đã mất nhưng vẫn bám chấp vào cõi này, cố gắng ở lại xem con cháu sống thế nào. Lẽ ra, họ đã siêu thoát nhưng lại quyết định: “Ta phải ở lại xem”, thì vô tình họ biến thành con ma quanh quẩn trong nhà.

Ngạ quỷ là ma đói vì họ luôn thiếu thốn, luôn tìm cách hưởng lại cảm giác lúc sống. Ví dụ, người say rượu khi chết trở thành ma quanh quẩn nơi quán rượu; hoặc có những ngạ quỷ luôn tìm kiếm một cơ thể sống nào đó sẵn sàng cho họ nhập vào để làm việc này việc kia. Ngạ quỷ là cõi rất khổ, vì suốt ngày bị cảnh đói, rét và luôn thèm muốn cảm giác của người sống, vô cùng đau khổ và lạc lõng. Đó là cõi thấp thứ hai.

Cõi thấp thứ ba là cõi súc sinh, tái sinh thành những con thú. Con thú luôn sống trong trạng thái lo sợ và ngu dốt, không sung sướng gì. Súc sinh là cảnh giới thấp đầy sợ hãi.

Siêu thoát là tái sinh lên cõi cao hơn. Từ cõi người trở lên là các cõi cao, vì cõi người có đủ hạnh phúc, sung sướng và khổ đau để người ta có thể tu tập được. Cõi trời thì hạnh phúc và được hưởng mọi sung sướng về thể xác như: Thân thể không bệnh tật, có khả năng di chuyển khắp chốn và có sức mạnh làm được nhiều thứ. Giữa hai cõi này, dưới cõi trời và trên cõi người, là cõi Atula. Đó là cõi của các vị thần, nhưng ở đó vẫn còn nhiều giận dữ và ghen tỵ. Dù có sức khỏe và sự tự do, song các vị thần vẫn đánh nhau để tranh giành quyền lực.

Ba cõi thấp (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) tuyệt đối không có tự do, chỉ có đau đớn, khổ sở, bám luyến hoặc ngu dốt, đần độn.

Siêu thoát là tái sinh ở những cõi cao. Mình cầu ông bà siêu thoát nghĩa là gì? Là cầu ông bà không bị tái sinh xuống ba cõi thấp, mà được tái sinh vào một trong ba cõi cao. Siêu thoát là tối thiểu từ cõi người trở lên. Có một cõi nữa, vượt ra khỏi 6 cõi trên, là cõi Phật. Lên được cõi Phật thì càng tốt!

Tái sinh là gì? Tái sinh là từ bỏ cuộc đời này để chuyển sang một cuộc đời khác, một thân thể khác. Tái sinh có thể siêu thoát hoặc không siêu thoát. Có những tái sinh mang tính siêu thoát và có những tái sinh mang tính bị đày đọa.

II. NGHIỆP LỰC

Tái sinh vào cõi nào là do Nghiệp lực.

4 loại Nghiệp lực căn bản quyết định tái sinh của mình:

Cực trọng nghiệp: Là những nghiệp rất nặng như giết cha, giết mẹ v.v… Nghiệp nặng này ngay lập tức đẩy người đó đi xuống chỗ rất xấu.

Tích lũy nghiệp: Là những nghiệp chúng ta tích lũy trong đời này và các đời trước. Ví dụ khi sống, một người làm nhiều điều tốt, nhiều khả năng người đó sẽ được tái sinh lên những cõi cao. Tuy nhiên, dù đời này làm điều tốt, nhưng một đời nào đó trong quá khứ, người này lỡ làm những điều xấu như giết người, trộm cắp v.v… thì chưa chắc được tái sinh lên cõi cao. Có thể, khi thần thức vừa mới ra khỏi thân thể, lập tức oan gia kiếp trước sẽ đến đòi nợ. Vì thế, dù đời này, người đó sống tốt nhưng vẫn bị xuống chỗ thấp.

Tập quán nghiệp: Là những thói quen tốt hay xấu của một người sẽ dẫn họ đến những chỗ tái sinh tiếp theo. Ví dụ, kẻ nghiện rượu dễ trở thành ngạ quỷ quanh quẩn quán rượu; Người hay làm việc thiện, giúp đỡ người khác, có thể được tái sinh lên cõi trời. Những người có thói quen sống bờ ở bụi, nay đây mai đó, có thể tái sinh vào những nơi nhiều bờ bụi. Đó gọi là Tập quán nghiệp.

Cận tử nghiệp: Là những nghiệp xảy ra trước và sau thời điểm một người qua đời. Trước là ngay trước lúc họ mất. Sau là khoảng 49 ngày sau khi chết. Nghiệp này cũng có khả năng ảnh hưởng rất mạnh. Ba nghiệp kể trên (Cực trọng nghiệp, Tích lũy nghiệp và Tập quán nghiệp) chúng ta không thể thay đổi được. Song chúng ta có thể can thiệp tích cực vào Cận tử nghiệp để giúp người mất có một tái sinh tốt đẹp hơn.

1. Đột tử chắc chắn xuống cõi thấp, điều này đúng hay sai?

Thầy Trong Suốt: Quan điểm cho rằng, một người chết đột tử sẽ bị xuống cõi thấp, là một quan điểm sai lầm. Vậy mà, nhiều thầy nổi tiếng ở Việt Nam đang giảng như vậy.

Trong Kinh, Đức Phật có giảng về điều này. Một ông trưởng giả tốt bụng tới hỏi Đức Phật: “Con nghe một số vị thầy ngoại đạo nói, đột tử chắc chắn bị đọa xuống cõi thấp, điều này có đúng không, thưa Đức Phật?”.

Đức Phật hỏi lại ông: “Theo ông, một cái cây 100 năm tuổi, thân nghiêng về bên phải. Đến một ngày, có điều gì đó xảy ra khiến cây bị đổ, theo ông, nó sẽ đổ về phía nào?”.

Ông trưởng giả trả lời: “Chắc chắn là bên phải, thưa Phật”.

Phật đáp: “Như vậy, kể cả sét đánh thì nó cũng ngả về bên phải. Cuộc đời con người cũng giống như vậy. Nếu trong cuộc sống của mình, ông đã làm nhiều điều tốt, thì khi chết, ông vẫn được lên các cõi cao. Như cây cổ thụ kia, khi bị bật rễ hay bị sét đánh gãy, nó vẫn nghiêng về bên phải”.

Điều này cho thấy, quan điểm người chết đột tử chắn chắn sẽ bị đọa thành ngạ quỷ hay súc sinh ngay lập tức là sai lầm. Với người từng làm nhiều điều tốt, nếu chết đột tử thì nơi tái sinh tiếp theo không phải là cõi thấp. Tất nhiên, điều này vẫn có khả năng xảy ra, nhưng không phải luôn luôn hay chắc chắn là như vậy.

Học trò: Khi đột tử thì tâm thường sẽ rất bấn loạn.

Thầy Trong Suốt: Không phải ai cũng bấn loạn, nhưng đúng là thông thường, tâm sẽ bấn loạn. Chính trạng thái bấn loạn dẫn đến những tái sinh không tốt. Nhưng nên nhớ là mình còn có Tích lũy nghiệp. Ví dụ, lúc sống, mình từng cứu rất nhiều người, khi chết sẽ có người hay ông thần nào đấy đến cứu mình. Các vị thần thường phù trợ những người thiện lương. Thần thức có thể bấn loạn nhưng sẽ được trấn an ngay.

Nếu lúc sống mình tu hành thì khi chết, thầy mình hoặc Phật có thể xuất hiện để trấn an, trợ giúp mình. Khi biết được những điều này thì đột tử xảy ra, thần thức sẽ không bấn loạn. Cái chết đột ngột đến, thấy thân thể mình nằm dưới đất, hiểu là mình chết rồi, thì ngay lập tức phải nhớ: không trả thù. Không đánh người gây ra cái chết cho mình. Phải cầu nguyện ngay đến Phật để được siêu thoát. Không biết hay không nhớ được điều này thì thần thức sẽ thấy tức giận, sau đó là nuối tiếc.

Những người chết trẻ hay bị nuối tiếc. Chết trẻ, mà không hiểu về Phật pháp, thường nuối tiếc vì cho rằng họ mất tương lai tốt đẹp phía trước. Việt Nam có rất nhiều liệt sĩ, đa phần là người trẻ. Nếu không được nghe những Pháp thế này, họ rất khó tìm được một tái sinh tốt. Vẫn có những người được tái sinh lên cõi cao, nhưng là tùy nghiệp của mỗi người.

Người sống nên biết những điều này để chuẩn bị cho cái chết, bởi không ai đảm bảo cái chết của mình không xảy đến đột ngột. Ở đây có ai đảm bảo: “Tôi sẽ chết trên giường bệnh” hay không? Không ai dám đảm bảo điều ấy.

Nếu cái chết đến đột ngột thì phải nhớ ngay: “Vậy là xong rồi, mình đã thay cái áo cũ này. Không cần phải luyến tiếc nữa. Mình sẽ cầu nguyện đến Phật để tìm một tái sinh tốt đẹp. Lúc mình mất, mọi cảnh giới hiện ra đều do tâm thức, không có gì phải hoảng sợ. Khi gặp cảnh xấu chỉ cần không sợ hãi, nhất tâm hướng đến Phật, sẽ thoát được”.

2. Tự tử là rất xấu, tuyệt đối cần tránh.

Học trò: Còn tự tử thì sao ạ, thưa Thầy?

Thầy Trong Suốt: Trong Kinh viết, một người tự tử thì nghiệp ấy rất xấu. Nghiệp xấu ấy dẫn đến nghiệp quả là 500 kiếp dưới địa ngục. Vì tự tử tương đương giết một mạng người, nên sẽ có 500 kiếp ở địa ngục. Người tự tử, nếu may mắn, biết được những lời này, thì kiếp tái sinh ngay sau đó, chưa chắc đã phải xuống địa ngục. Nếu họ gặp được người dẫn đi thì họ có thể có một tái sinh tương đối tốt ngay sau đó, nhưng chắc chắn vẫn phải trả 500 kiếp dưới địa ngục. Song điều này thường rất khó, bởi người tự tử là những người tuyệt vọng, tâm trí bấn loạn, thiếu hiểu biết, nên có thể xuống cõi thấp ngay lập tức. Vì thế, mọi người tuyệt đối không được tự tử.

Ngày xưa có bạn có ý định tử tự, trước khi hành động, rất may bạn ấy gọi cho Thầy, nói: “Nếu lần này Thầy không giúp được em, thì em sẽ lên tầng 22 nhảy xuống ngay lập tức”. Bạn ấy gặp Thầy thì một tháng sau không còn ý định tự tử nữa. Mạng sống rất đáng quý. Tự tử chính là giết một mạng người. Nên chúng ta phải tuyệt đối tránh những hành vi kiểu như vậy. Tự tử cực kỳ xấu, chưa kể tự tử khiến đầu óc mình u ám và khó có tái sinh tốt đẹp.

Ở đây cũng có vài người từng có ý định tự tử, trong lớp này luôn, không phải ít đâu. Thậm chí có người tự tử nhưng không thành. May đấy! Nghiệp tốt rất nhiều nên không chết, nếu chết thì rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, gia đình, người thân của người tự tử nên nói chuyện, khuyên nhủ người chết. Họ vẫn có thể nghe được và thoát được, ít nhất là một kiếp, để kiếp đấy họ có cơ hội tu hành. Nên khuyên những người tự tử tìm một tái sinh để họ tu hành được. Vì tu hành giúp giải quyết nghiệp xấu.

3. Lựa chọn khi tái sinh: Hãy chọn tu hành.

Học trò: Làm sao có thể chọn được một chỗ, mà mình biết chắc, nơi đó có thể tu hành được ạ?

Thầy Trong Suốt: 24 ngày sau khi chết, mình có khả năng thấy tương lai mình tái sinh về đâu, đến đâu, chứ không chỉ là thấy bố mẹ tương lai. Mình có thể mường tượng, nếu tái sinh vào nhà này, mình sẽ thế nào. Mọi người hay nói, vong linh có thể biết trước tương lai. Nhiều ông bà quá cố, về nói cái này, cái kia, xong xảy ra đúng như vậy. Sự thật là ở cõi không có thân xác, người ta có khả năng cảm nhận về tương lai một cách tương đối, chứ không phải hoàn toàn mờ mịt.

Có bạn kể, vong linh hiện về nói ngày mai con mèo nhà bạn ấy sẽ chết. Quả nhiên, hôm sau con mèo chết thật. Hay có người nói sẽ trúng quả, rồi trúng quả thật. Ở trạng thái không thân xác, người ta có những cảm nhận tương đối như vậy. Nên khi có cảm nhận về tương lai, hãy chọn cảm nhận dẫn mình đến tu hành. Thậm chí, nếu có cảm nhận tái sinh vào nhà này sẽ rất sướng, thì cũng nên tránh.

Giữa lựa chọn tái sinh vào nơi được sung sướng và tái sinh ở chốn tu được, mình nên chọn tu hành. Vì sướng rồi cũng sẽ khổ mà thôi, có ai sướng mãi được đâu! Kể cả kiếp sống đó rất sướng, nhưng không tu hành, thì lúc tái sinh cũng không biết thế nào. Nên nhớ, tìm cho mình chỗ nào tu hành được. Nên cầu nguyện đến Đức Quan Âm Bồ Tát và xin Ngài độ cho mình có một tái sinh tu hành được.

Tránh cảnh đến một nhà, ghét bố thích mẹ, hay ghét mẹ thích bố. Tất nhiên, yêu quý cả hai người là tốt nhất. Nếu không, mình cũng không nên yêu người này, ghét người kia. Vì nếu tái sinh như vậy, nghiệp quả sẽ dẫn mình đến mâu thuẫn, xích mích với bố hoặc mẹ.

Nói chung, mọi người thường bị như vậy. Thấy hai người giao hợp, mình thích ông bố này quá, nên chọn tái sinh làm con gái. Thích mẹ thì tái sinh thành con trai. Người ta hay nói con gái hợp bố, con trai hợp mẹ là vì thế. Tất nhiên không phải nhà nào cũng vậy. Có những người tâm thức cao, họ chỉ mượn gia đình này để tu hành. Họ quý bố mẹ, biết ơn bố mẹ, rồi chọn tái sinh vào. Hoặc những người tốt, không ở trạng thái ghét người này, thích người kia, khi tái sinh, họ sẽ yêu quý bố và mẹ như nhau. Thông thường, mọi người tái sinh do thích người này, thích người kia.

4. Quan trọng là nhất tâm hướng Phật – Hãy niệm Phật

Học trò: Niệm Phật A Di Đà thì nói: “Nam mô A Di Đà phật” hay là “Ami Tabaha Budha” ạ?

Thầy Trong Suốt: Quan trọng là tâm mình nghĩ gì. Niệm là phương tiện giúp mình nhớ về điều đó thôi. Trong đầu mình nghĩ đến Đức Phật A Di Đà thì niệm thế nào cũng được. Người Việt Nam vẫn hay niệm “Nam mô A Di Đà Phật” cho dễ.

Khi chưa thoát ra khỏi thân, thì âm thanh là cách mình nhớ. Giống bây giờ Thầy nói “Đức Phật A Di Đà” thì mọi người sẽ nhớ Đức Phật A Di Đà. Nhưng khi thần thức đã ra khỏi thân, thì suy nghĩ là thứ mạnh nhất. Lúc đó nói là “niệm” nhưng thực ra còn miệng nữa đâu mà niệm. Cái thân là do ý sinh, nên niệm gì thì tâm hướng về đấy. Niệm “Nam mô A Di Đà Phật” thì tâm sẽ hướng về Phật A Di Đà. Niệm “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát” thì tâm hướng đến Quan Thế Âm Bồ Tát. Hoặc nếu mình có một vị thầy giác ngộ, thì đầu nghĩ về thầy và niệm là: “Xin thầy cứu con!”.

Học trò: Có cần đọc Kinh bằng tiếng Phạn không ạ?

Thầy Trong Suốt: Khi đã mất thì rất dễ, vì cảnh giới lúc này là cảnh giới của tâm thức. Nếu mình nghĩ đúng vị Phật đó, thì đọc nhầm tên cũng không sao. Khi đọc thần chú, miễn tâm thức mình hướng về các vị Phật, âm thanh phát ra không đúng cũng không sao. Ví dụ cái bàn, mình nói “cái bàn” với “table” (tiếng Anh) có khác gì nhau không? Dù hai từ đọc khác nhau, nhưng trong tâm mình vẫn hiện ra cùng một thứ, đúng không? Nên mình niệm hai vị Phật tên khác nhau, nhưng lòng mình nghĩ về một vị, cũng vẫn được. Niệm tiếng Phạn hay tiếng Việt đều tốt như nhau.

5. Nói chuyện thành tiếng với người chết hay nói chuyện trong tâm?

Học trò: Khi nói chuyện với người chết, mình nên nói chuyện bằng tâm thức hay bằng âm thanh ạ?

Thầy Trong Suốt: Nói bằng tâm thức cũng được. Nhưng tâm thức mình bị ảnh hưởng rất mạnh bởi âm thanh. Khi nói, tâm mình thường tập trung vào câu nói, đúng không? Còn khi nghĩ, mình nghĩ gì thì người chết nhận ngay thứ đó. Chẳng hạn, mình nghĩ sẽ cúng bà cái đùi gà, thì bà sẽ nhận ngay cái đùi gà ngay. Như thế không tốt. Tốt nhất, mình nên nói ra. Chỉ có những người tâm rất tĩnh mới có thể nói chuyện với người chết bằng suy nghĩ.

Nhưng khi nói ra thành lời, tâm mình sẽ tập trung vào câu nói ấy, tâm không chạy lung tung, nên nói thành tiếng, dù sao, vẫn tốt hơn. Nhưng trong một số hoàn cảnh, mình không có cơ hội để nói. Ví dụ, ở chỗ đông người không nói được, thì nên nghĩ một cách thật mạnh mẽ, tập trung. Nghĩ nhất tâm cũng tương đương với nói. Còn nghĩ lan man, không tập trung được, thì không bằng nói. Nên là tùy, nếu nhất tâm được thì không có gì đáng ngại, bởi người mất hoàn toàn nghe được tâm trí mình.

6. Mình hiểu biết và tự tin vào lẽ phải, thì sẽ nói được cho người thân hiểu

Một chị: Thưa Thầy, làm thế nào để con có thể nói cho bố mẹ con hiểu được những điều này ạ?

Thầy Trong Suốt: Người hiểu biết là người có tiếng nói quan trọng nhất. Dân gian có câu “Nói phải củ cải cũng nghe” đấy. (Thầy cười) Nên đầu tiên, mình phải hiểu tất cả những điều này đã, sau đó mình phải nói với sự tự tin về lẽ phải.

Học trò: Nhà con tạm thời chưa ai mất cả.

Thầy Trong Suốt: Con đưa cái này cho bố mẹ đọc trước, rồi nói chuyện sau. Văn hóa Việt Nam, rất tiếc, lại củng cố cho việc không siêu thoát. Nhiều tập quán trong văn hóa ứng xử của người Việt, như khóc lóc ầm ĩ chẳng hạn, khiến cho người chết rất bấn loạn. Mọi người toàn khóc rất to, khóc dữ dội, rồi tiếc thương kiểu: “Sao nỡ bỏ đi…”, “Hãy ở lại…”, khiến người chết cảm thấy rất khó bỏ đi. Mình mong họ được siêu thoát, nhưng lại gào khóc kiểu: “Ở lại, đừng đi”. Điều đó khiến người chết thấy bấn loạn.

Thứ hai, mọi người vẫn nghĩ, người mất chỉ nghe lời mình nói mà không thấy tâm mình nghĩ, đúng không? Nên có những người gào khóc bên ngoài, nhưng trong lòng chả khóc tí nào, trong đầu còn mãi nghĩ: “Sao chưa được về nhỉ, mỏi chân quá rồi!”. Người mất có nghe âm thanh đâu, mà họ cảm nhận được suy nghĩ của những người xung quanh: “Những người này, lúc mình sống thì xoen xoét nói cười, hóa ra lúc mình chết, không ai thực sự quan tâm đến mình cả” – Điều đó khiến cho người mất rất thất vọng. Nên tốt nhất hãy chọn những người thành tâm xung quanh người mất, hơn là những người chỉ giỏi khóc. Những người đó chỉ làm người mất thất vọng thôi.

Thứ ba, không ít gia đình chỉ quan tâm đến gia tài, quan tâm đến ai cúng nhiều hơn, ai thể hiện có hiếu hơn v.v… Người mất nhìn thấy hết. Họ thấy người thân chẳng ai quan tâm đến mình, chỉ quan tâm làm sao để hơn người khác, để được chia tài sản nhiều hơn, hoặc thể hiện với hàng xóm láng giềng: “Tôi có hiếu hơn”… Nên người chết rất buồn. Họ thấy tâm người sống trong khi người sống lại không biết. Vì vậy, lúc sống, chúng ta nên tử tế với nhau, khi người thân qua đời, “nghĩa tử là nghĩa tận”, nên tử tế với họ từ trong tâm mình.

Một thói quen không tốt nữa là mình hay mời họ, giữ họ ở lại: “Ông bà đừng đi, ở lại phù hộ cho cháu”. Chúng ta nên hiểu rằng, nếu ông bà mất mà lên được cõi cao, kiểu gì cũng về phù hộ cho con cháu, bởi lên cõi cao, họ có năng lực giống như thần tiên vậy. Không cần cầu như thế, họ vẫn về. Ngược lại, nếu họ không lên cõi cao được, họ sẽ rất áy náy khi không phù hộ được cho mình.

Thắp hương là để tưởng nhớ ông bà, thể hiện lòng biết ơn vì nhờ công sinh thành mà mình có ngày hôm nay v.v… Chứ không phải là thắp hương này để ông bà về đây phù hộ cho mình. Cầu người mất về phù hộ là phong tục rất phổ biến của người Việt. Không cần phải nói câu ấy! Mình chỉ cần mong ông bà siêu thoát, thế thôi! Mình không từ chối việc ông bà về phù hộ, nhưng không cần phải nói ra.

Một tục lệ nữa người Việt cũng hay mắc phải, đó là nhân danh người chết sát sinh, giết gà, mổ lợn. Làm mâm cỗ cúng, nói là để cho người chết vui lòng, nhưng thật sự không ai vui lòng hết. Vì người chết có khả năng nhìn thấy nghiệp, nhìn thấy những điều xấu sẽ đến bởi hành động sát sinh này. Nhưng do thói quen, đôi khi, những người sống muốn ăn với nhau một bữa, nhưng lại nói là “cúng cho người mất vui lòng”. Không nên nói như vậy. Mình cúng vì lòng biết ơn, trong đó thể hiện sự cẩn thận, chu đáo với người mất thì được, chứ không nên làm trong suy nghĩ giết con vật này để người mất vui lòng. Người Việt có thói quen như vậy, giống thói quen sờ bàn chân người chết để kiểm tra xem hết ấm chưa… Những thói quen như vậy là cực kỳ xấu, phải bỏ ngay lập tức.

7. Tục lệ nên đi kèm hiểu biết

Học trò: Bố em lúc nhỏ được rửa tội theo đạo Thiên Chúa. Sau khi tham chiến thì không đi đạo mấy, chỉ thờ thần linh, thờ ông bà tổ tiên. Khi mất được đưa về nghĩa địa của đất thánh. Vậy bây giờ em phải làm lễ thế nào ạ? Đất thánh không cho phép đốt vàng mã và một số nghi lễ tại bàn thờ tổ tiên. Em đang rất khó xử, không biết suy nghĩ thế nào?

Thầy Trong Suốt: Theo mọi người, đốt vàng mã có tốt không? Nên tránh những thứ mang tính hình thức mà lại không ích lợi gì hết. Đốt vàng mã là vô ích.

Học trò: Cúng bái thế nào cũng do phong tục đấy ạ, em thấy không rõ ràng lắm? Giống như việc siêu thoát hay cách đọc kinh v.v… rất khó hiểu?

Thầy Trong Suốt: Đầu tiên, mình cần hiểu là người mất thấy tâm thức người sống, nên mình nghĩ gì trong lòng, người ta cũng nhận được hết. Thậm chí, không cần ban thờ, họ vẫn nhận được điều mình nói. Nói một cách đơn giản, với người chết, thành tâm là quan trọng nhất.

Lúc em mất, em thấy mọi người lập bàn thờ rất to, nhưng trong đầu họ, người thì ghét mình, người thì quan tâm đến tài sản của mình, hỏi em có vui không? Không hề vui tí nào! Nhưng thấy có người thành kính, tưởng nhớ, biết ơn và mong muốn tốt đẹp cho mình, mình có vui không? Nên quan trọng nhất là thành tâm với người mất. Thành tâm quan trọng hơn cái bàn thờ, quan trọng hơn lễ cúng đình đám.

Điều thứ nhất phải nhớ là lòng thành tâm của em, mong muốn bố siêu thoát này, không đòi hỏi bố phải quay lại làm gì cho mình v.v… Trước tiên cần nhớ như vậy.

Thứ hai, tùy hoàn cảnh gia đình mà làm. Ví dụ, nhà em có lập bàn thờ được không? Vì đó là nơi mình thể hiện lòng thành tâm, không phải là nơi người ta về sống. Bàn thờ là chỗ mỗi khi đứng đó, tâm mình hướng đến người mất. Bàn thờ chỉ cần sạch sẽ, nghiêm túc, không cẩu thả là được, không cần phải hoành tráng. Thành tâm là quan trọng nhất. Khi em đứng trước bàn thờ, tâm em thanh tịnh, mong muốn điều tốt đẹp cho bố, thì bố sẽ nhận được, chứ không phải là bàn thờ kích thước bao nhiêu v.v… Không cần thiết.

Người phương Tây có bàn thờ đâu mà cuộc sống vẫn tốt? Người Việt Nam thì bàn thờ không đúng kích thước là lo, lo ông bà giận, đúng chưa? Nghĩ vậy thì mình không an tâm. Người mất cũng không vui, họ không giận mình, nhưng không vui vì thấy mình suốt ngày lo lắng.

Nên có một bàn thờ nghiêm trang, quan trọng nhất là không cẩu thả. Đứng trước bàn thờ, mình nên thành tâm hướng đến người mất và mong điều tốt đẹp cho họ.

Học trò: Em cũng đọc và hiểu đúng như Thầy nói. Tâm mình cố gắng làm điều tốt, song lại bị họ hàng khuyên bảo mình phải thế này thế khác. Những tà kiến khiến mình nhiều lúc cũng bị lung lay. Em thì muốn cho trên thuận dưới hòa, trong khi mọi người cứ nói ra nói vào.

Thầy Trong Suốt: Bố có bao giờ muốn phá hoại cuộc đời mình không? Ví dụ, cái bàn thờ phải làm 60 phân, nhưng mình lỡ làm 70 phân, nên bố ghét mình, về phá mình. Không bao giờ có chuyện ấy. Đó là tà kiến. Làm sao bố mình lại có thể làm như thế với mình được?

Đầu tiên em phải vững tâm đã. Em mà không vững tâm thì người ngoài nói vào, em sẽ lung lay ngay. Bên trong vững vàng, bên ngoài mới linh hoạt, khéo léo xử lý được. Vì mình không muốn người sống bất hòa việc thờ cúng. Nhưng mình phải hiểu cái nào cần ưu tiên hơn. Vững tâm bên trong và cố gắng thỏa mãn bên ngoài, cái nào quan trọng hơn? Vững tâm quan trọng hơn. Nên có điều kiện thì thỏa mãn không thì thôi.

Nhưng nếu mình tin, chỉ vì cái bàn thờ không đủ cao, không đủ rộng mà bố giận mình, về làm cho mình bị tai nạn v.v… thì cực kỳ buồn cười. Vậy mà rất nhiều người tin kiểu như vậy.

Những niềm tin cho rằng, người mất khó chịu, sẽ về phá đám cuộc sống của người thân, là chuyện nực cười, không bao giờ xảy ra. Đôi khi, vì nghiệp xấu, họ gặp chuyện không hay, họ đổ lỗi cho người mất. Một người bị tai nạn, nhưng lại vu cho ông bố không hài lòng nên đẩy mình ngã… Không thể có chuyện ấy.

Những định kiến như vậy làm rối loạn cả người sống lẫn người mất. Người mất bị hiểu oan nên có vui được đâu. Thậm chí, họ còn đỡ cho mình, nhưng mình lại tin rằng họ gây chuyện cho mình. Người mất không vui, người sống cũng không vui. Nên em phải vững tâm trước đã. Vững tâm bên trong, bên ngoài thì tùy điều kiện, làm được thì làm, không được thì thôi. Không nên chống lại mọi người, nhưng mình cũng không nên nghe theo những gì người ta nói. Nếu em chưa vững tâm thì nghe những buổi như thế này, nghe đi nghe lại, tìm thêm tài liệu để đọc. Những điều Thầy nói có rất nhiều trong Kinh Phật.

Học trò: Em hiểu đạo Phật, nhưng đạo Thiên Chúa thì em chưa hiểu nhiều. Bố em nằm ở đất thánh ấy thì làm sao để…

Thầy Trong Suốt: Bố em không nằm ở đất thánh, đó là sự thật. Bố em không nằm ở cái quan tài đấy đâu.

Học trò: Bố em nằm trong nghĩa trang.

Thầy Trong Suốt: Bố em cũng không nằm trong nghĩa trang. Thân thể của bố em nằm trong đấy, còn bố em muốn đi đâu thì đi, đó là sự thật. Nếu em nhất tâm nghĩ đến bố, thì nếu đủ tự do bố em sẽ đến trước mặt em ngay lập tức, nhìn thấy em. Bố em không nằm ở đất thánh, không nằm ở nghĩa địa.

Một tà kiến khác của người Việt là mộ phải hoành tráng, vì cho rằng, người mất nằm trong cái mộ ấy. Nếu nằm ở mộ, thì sao về nhà mình được nữa, đúng không? Người mất không nằm ở mộ đâu.

Nếu xây mộ hoành tráng, thì nên nhớ chỉ vì hai điều sau:

  1. Người mất thấy người sống vẫn rất tử tế với mình, thành tâm nhớ tưởng đến mình.
  2. Để người sống cảm thấy yên tâm là mình đã không đối xử xấu, đối xử tệ với người mất. Thế thôi, chứ người mất không nằm ở mộ. Không ai siêu thoát mà nằm ở mộ cả. Những người không siêu thoát được, trở thành ma quỷ, thì họ tin, đấy là cái nhà mới của mình.

8. Người mất đang ở cõi nào? Báo mộng có ý nghĩa gì?

Một chị: Em có ba câu hỏi thế này ạ:

  1. Trường hợp người chết về báo mộng, nói là ở dưới này lạnh lắm, muốn đốt thêm áo quần cho đỡ lạnh. Thì việc hóa vàng quần áo có ý nghĩa gì không và làm điều đó để làm gì?
  2. Làm thế nào để người sống biết được người chết có siêu thoát không, siêu thoát cõi nào?
  3. Vì sao có những người như cụ cố, ông mãnh từ rất lâu đời có thể phù hộ cho người sống ở kiếp này? Có thể có sự liên hệ nhiều đời như thế được không?

Thầy Trong Suốt: Có hai trường hợp có thể xảy ra với những người đã mất. Ví dụ cụ cố, khả năng thứ nhất là họ lên được cõi trời. Ở cõi trời, người ta sống rất lâu, không sống 60 năm như ở đây. Họ có thể sống 6.000 năm, 60.000 năm hay lâu hơn nữa, tùy vào công đức của người mất. Công đức càng cao, lên cõi trời, tuổi thọ càng dài. Nếu tổ tiên, hay ông bà mình lên được cõi trời, thì có khả năng phù hộ con cháu. Bởi những vị thần tiên sống ở cõi trời có khả năng phù hộ con cháu. Đó là kiểu thứ nhất.

Kiểu thứ hai là bị xuống cõi thấp thành ngạ quỷ. Ma ở cõi ngạ quỷ cũng không có khái niệm thời gian, họ có thể bị ở dưới đó 5.000, 6.000 năm. Nhiều người làm ma quanh quẩn nhà mình suốt hai ba trăm năm, thấy con mình sinh ra, chết đi, rồi tới lượt cháu mình sinh ra, chết đi… Bảy, tám đời như thế. Song, những người này không phù hộ được, mà chỉ ở quanh quẩn đấy thôi. Dù họ có thể nhập vào ai đó, nói câu này câu kia, nhưng họ chỉ phán mà thôi. Đó là kiểu thứ hai. Cả hai trường hợp này đều có khả năng xảy ra.

Câu thứ hai hỏi làm sao biết người chết về cõi nào. Ông cố ở cõi trời hay cõi ngạ quỷ tùy thuộc tâm thức người chết hiện lên thế nào, lời họ nói ra sao. Nếu lời nói tràn đầy yêu thương, hiểu biết, nhiều khả năng là họ siêu thoát lên cõi cao. Còn lời nói đầy lo lắng, sợ hãi, đòi hỏi, trách móc thì khả năng là ở cõi thấp.

Nhiều người hiện lên chỉ trách mắng, khóc, chửi, nhưng cũng có người nói lời ôn hòa, khuyên bảo những điều tốt đẹp. Tâm thức của người chết hiện lên trong mộng, hoặc qua một người lên đồng, sẽ thể hiện người đó tái sinh vào cõi nào. Điều này em có thể cảm nhận được.

Tâm thức người chết thư thái, thoải mái, yêu thương, hiền lành hay tâm trạng trách móc, giận dữ, thống khổ, từ đó mà cảm nhận người mất đang ở cõi nào. Cõi thấp không thể có trạng thái tinh thần tốt được. Nếu mẹ hiện về nói: “Ở đây rét quá. Đốt cho mẹ cái áo.” – thì chắc chắn là đang ở cõi thấp. Nếu nói: “Ở đây mẹ rất sung sướng thoải mái, con không phải lo lắng gì.” – thì nhiều khả năng là cõi cao.

Như em nói, người thân hiện lên nói lạnh quá, nhờ đốt áo thì khả năng họ tái sinh làm ngạ quỷ. Những trạng thái tinh thần đó giúp mình nhận thức người thân đang ở cõi nào.

9. Không nên gọi hồn người thân đã mất

Thầy Trong Suốt: Tuy nhiên, mình không nên gọi hồn bố mẹ, hay ông bà lên. Nếu ông bà ở cõi cao, việc gọi hồn không ảnh hưởng gì. Nhưng nếu ông bà ở cõi thấp, gọi hồn khiến ông bà tiếp tục dính mắc vào cõi này một lần nữa. Lẽ ra mình nên khuyên ông bà không bám chấp, không cần quan tâm con cháu nữa, vậy mà mình gọi họ lên, hỏi cái này cái kia, làm ông bà tiếp tục dính mắc vào, không siêu thoát được. Vì thế, không nên gọi hồn. Việc làm này không có lợi cho người chết, cũng không có ích cho mình. Vì ông bà không siêu thoát được thì nghiệp của mình cũng xấu, trong khi, ông bà thì lại dính mắc hơn vào cuộc sống cũ.

Nếu lên cõi cao, ông bà có khả năng báo mộng cho mình. Trước khi ngủ, mình có thể cầu nguyện ông bà báo mộng cho biết. Mình cố gắng sống tốt lúc còn sống đây này. Sống tốt, sống đúng thì gọi ông bà lên để làm gì?

Còn một khả năng thứ ba, rất xấu, đó là không phải ông bà mình hiện lên mà là ma quỷ. Chuyện này xảy ra thường xuyên ở Việt Nam. Ví dụ như việc đi tìm mộ bị sai vì có một con ma muốn trêu, muốn phá, nó nhập vào, rồi tự xưng là bố hay mẹ mình. Ma nhìn thấy tâm của người sống, biết nhà mình có gì, trong két có bao nhiêu tiền chẳng hạn, nên nghe có vẻ giống bố/ mẹ mình. Nhưng thật ra, không phải đâu!

Ở Việt Nam những chuyện như vậy xảy ra thường xuyên. Có ma đến phá, hiện lên xưng là người thân nào đó đã mất, nói vanh vách, nhưng về sau chỉ sai hết.

Thầy có một người bạn làm nghề gọi hồn. Cách đây hai năm, bạn đó đã quyết định bỏ nghề rồi. Thầy hỏi sao lại bỏ, bạn ấy nói, trước đây có một vong đi theo, chỉ bảo về làm ăn cho bạn ấy. Bạn ấy làm theo, cuối cùng có tiền, thế là bắt đầu tin. Hai năm trước, cái vong đó bảo bạn này mua một khu đất, chắc chắn sẽ rất phát. Vì đã sẵn lòng tin, nên bạn ấy đổ hết tiền bạc của gia đình, vay thêm họ hàng để mua bằng được khu đất ấy. Nhưng hóa ra đó là khu đất bị giải tỏa. Bạn ấy mất trắng, và biết rằng mình bị lừa. Cái vong trước đây chỉ bạn làm ăn tốt, hóa ra chỉ là cái vong đến để lừa bạn thôi. Bạn ấy mắc bẫy, tán gia bại sản, vợ chồng ly thân, nên cuối cùng phải bỏ nghề gọi hồn.

Có câu “nói dối như ma” mà. Không có gì đảm bảo vong ấy là ông bà mình. Họ đến chỉ dạy mình, hôm nay đúng, ngày mai sai, rồi mình đi tin những lời như vậy. Mọi người cần tránh những chuyện như thế. Không nên gọi hồn, không nên tin vào vong linh kiểu đấy.

Việc tìm mộ cũng thế, nhiều khi không đúng mộ luôn. Nhiều con ma chỉ ba, bốn người vào chung một cái mộ, rồi người sống tranh nhau cái mộ ấy. Ma chỉ cho vui mà. Ma quỷ có niềm vui là làm cho người khác khó chịu, như là bực tức ai đó, trả thù chẳng hạn. Vì thế, mình nên tin vào tâm mình, tin vào con đường tu tập của mình hơn là tin vào những chuyện như vậy.

10. Liệu bàn thờ bị khuấy động thì gia đình gặp chuyện?

Học trò: Gia đình em trước đây có nhà ở Hàng Cót. Bàn thờ ông bà tổ tiên nhiều đời đều ở đó. Nhưng sau này, các anh chị em đều ra chỗ khác ở, vì có một chị dâu gần như chiếm đoạt ngôi nhà, xích mích với cả họ. Từ đấy trở đi, mọi người trong dòng họ đều gặp phải biến cố. Người ra tù vào tội, người ốm đau bệnh tật, người chết đột tử… Em cảm thấy có điều gì đó không ổn, nhưng không biết lí giải làm sao, và không biết mình phải làm gì?

Thầy Trong Suốt: Em cần phải vững tâm trong cuộc sống, vững tâm và hiểu biết. Em biết tại sao bàn thờ bị khuấy động thì gia đình hay gặp chuyện không? Có hai khả năng:

Một là trong số những người đã mất, ông bà tổ tiên ấy, có những người tái sinh vào cõi Atula, họ rất tức giận khi bị coi thường. Cõi Atula là cõi của những vị thần, nhưng các vị thần này tâm vẫn còn nhiều sân hận. Khi người sống làm gì sai trái thì họ không tức giận, nhưng nếu làm điều xấu xúc phạm thì họ rất tức giận. Giống như bố giận con đấy, nhưng phải rất xúc phạm. Câu chuyện của em có thể là đã có một hành động xúc phạm, coi thường ông bà tổ tiên. Đó là một khả năng.

Khả năng thứ hai là người mất thành ngạ quỷ. Tâm thức họ rất khổ sở và ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm thức người sống, dù họ không cố tình làm điều xấu. Ví dụ, hôm trước có một bạn đến gặp Thầy, bạn ấy nói, thỉnh thoảng bạn ấy bị vong nhập, bạn ấy nói năng linh tinh, rồi hành xử rất bất thường. Cuộc sống bạn ấy không ổn định, và phải bỏ học. Sau khi Thầy nói chuyện với bạn ấy và nói người nhập xuất hiện, thì hóa ra cái vong chính là mẹ đẻ của bạn ấy.

Người mẹ nói: “Vì thằng bé này yếu đuối quá, nên thỉnh thoảng cô nhập vào nó, để nó mạnh mẽ lên”. Có mạnh mẽ được đâu, nhập vào thì càng yếu đi. Nhưng người mẹ bị tái sinh thành ngạ quỷ, không hiểu biết, thương con và chỉ biết đi theo con thôi.

Nhiều khi họ nhập vào để nói những lời giúp người sống mạnh mẽ hơn, song thực ra là hại người sống. Đó là một khả năng. Rất thương, nhưng vô tình làm hại. Phải khuyên người mẹ ấy rất nhiều thì cô mới bảo từ nay không nhập vào nữa, vì cô cũng tự nhận ra, sau mấy năm trời nhập như thế mà cũng không giúp gì được cho con hết.

Học trò: Dạ, em xin nói tiếp. Người chị dâu ấy cũng có gia cảnh rất bê bết ạ.

Thầy Trong Suốt: Thì khi ông bà thành ngạ quỷ hay Atula, người bị xúc phạm thường có những hành động kiểu như vậy. Tốt nhất không nên xúc phạm người đã mất.

Học trò: Em đang nung nấu ý định mua lại ngôi nhà, dựng lại bàn thờ.

Thầy Trong Suốt: Không cần, cái cần là tâm thành của em. Ông bà sẽ về với người thành tâm nhất. Nhiều khi bác cả cúng, nhưng ông bà không về, vì người con út lại là người thành tâm nhất chẳng hạn. Chuyện này hoàn toàn bình thường. Người mất thường tìm đến những người thành tâm. Cái em cần là sự thành tâm, biết ơn, tưởng nhớ, cầu mong điều tốt đẹp cho ông bà và bản thân sống tốt. Có như vậy thì bàn thờ của em sẽ là bàn thờ đông người mất về nhất, mỗi khi họ về thăm con cháu.

Điều quan trọng lại không phải là mua lại cái nhà ấy đâu. Nhưng nếu làm được thì phải làm cho người chị dâu ấy hồi tâm chuyển ý. Còn gia cảnh của người ta là cái nghiệp họ phải chịu thôi, không phải chuyện của em. Em thành tâm thì bàn thờ nhà em là chỗ đông người về, ông bà bố mẹ sẽ về.

Học trò: Vậy có quy định nào về bát nhang không ạ? Em có ba bát nhang, một bát nhang của bố, một bát nhang của tổ tiên, một bát nhang thờ thần linh. Em không hiểu biết lắm về chuyện này, xin Thầy cho lời khuyên.

Thầy Trong Suốt: Tốt nhất là thành tâm. Bao nhiêu bát cũng được, một bát hay ba bát cũng được, thành tâm là quan trọng. Vì người mất không nhìn vào bát nhang cao hay thấp, bằng chất liệu gì. Tâm của người thờ cúng chính là bát nhang. Thành tâm thì thắng tất cả, không thành tâm thì…

Học trò: Khi mình thành tâm và cố gắng tin vào điều mình làm, nhưng đôi lúc những việc mình phải đối mặt khiến mình hoang mang.

Thầy Trong Suốt: Thế mới nói, thành tâm cộng với hiểu biết là quan trọng. Nếu không vừa thành tâm vừa sợ, vừa lo đủ thứ. Thứ em cần bây giờ là sự hiểu biết. Em có thể đọc sách, nghe thêm vài buổi nữa, dần dần em vững tâm thì sẽ khác. Em cần thành tâm, thực sự biết ơn, tưởng nhớ đến ông bà, mong muốn mình sống tốt đẹp. Tối thiểu em cần như thế, còn khá hơn thì em có thể khuyên nhủ được ông bà.

11. Giấc mơ có chính xác không?

Một chị: Thưa Thầy, bà ngoại con mất được ba năm rồi. Khi bà còn sống, con rất yêu thương bà. Nhưng suốt 3 năm qua, chưa bao giờ con nằm mơ thấy bà, trong khi mẹ con mơ thấy bà hai lần, mợ con mơ thấy một lần. Mọi người kể, bà về chỉ đứng im, không nói năng gì… Vậy con không rõ là bà đang ở cõi…

Thầy Trong Suốt: Giấc mơ không phải là một dấu hiệu chính xác. Nhiều người nằm mơ, nhưng là do tâm thức của mình mơ ra. Giấc mơ chính xác là những giấc mơ trong đó có thông điệp mình có thể kiểm chứng được rõ ràng. Còn những giấc mơ kiểu kia thì không rõ ràng, không thể tin được.

Nhiều giấc mơ chỉ là tâm thức mình tưởng tượng ra thôi. Nhiều người gặp Thầy nói là lo cho mẹ quá, thành ra mơ thấy mẹ hiện về, bảo con phải xoay bàn thờ hướng này hướng kia. Nhưng không phải bà mẹ muốn như vậy, mà là tâm thức của người sống đang lo lắng về chuyện đấy, nên tự nhiên trong mơ cảnh đó hiện ra. Khi Thầy giúp họ một chút, họ thấy không lo nữa, mấy hôm sau lại kể, mơ bà về cười vui vẻ. Cả hai trường hợp đều không phải bà về báo mộng, vì bàn thờ có đổi đâu, chỉ có tâm thức người sống đổi thôi. Trừ phi giấc mộng có những thông điệp rất rõ ràng, rành mạch thì có thể tin được. Còn những chuyện em vừa kể thì không nên tin. Cần tin vào tâm thức của mình.

Học trò: Mấy hôm trước, con nằm mơ thấy mình đang ở Tây Tạng. Con chưa đi Tây Tạng bao giờ, chỉ xem trên Internet thôi. Con thấy mình lạc vào nơi có rất nhiều người, có người cầm cái chuông thế này, có người lại cầm dải lụa gì đấy. Con không rõ, giấc mơ đấy nói về kiếp trước của mình hay thế nào?

Thầy Trong Suốt: Có thể mình tưởng tượng, cũng có thể là mình đã ở đó ở đời này hay trong đời trước. Có thể là một trong hai khả năng đó. Có nhiều thông điệp trong giấc mơ. Có giấc mơ là do tiềm thức của mình ở đời trước hiện lại, nhiều giấc mơ là do ý thức đời này vẽ ra. Có giấc mơ là thời thơ ấu mình hiện ra. Có giấc mơ là do mình tưởng tượng mà ra. Ban ngày mình tưởng tượng, tối ngủ hiện cảnh ấy ra. Trừ khi giấc mơ có thông điệp rõ ràng, còn nói chung, không nên quan tâm. Giấc mơ có thông điệp rõ ràng thì mình sẽ biết được.

12. Xây nhà thờ tổ hay xây mộ thật to, thì có công đức không?

Học trò: Thầy ơi, ở quê con có tục lệ phải xây nhà thờ tổ, thờ đường thật to. Không biết điều này có phù hợp không?

Thầy Trong Suốt: Tốn kém quá, đúng không? Nên để tiền ấy làm điều phước, làm việc có ích, rồi hồi hướng công đức cho người mất, thì người mất sẽ nhận được. Khi mình làm một điều phước, xong hồi hướng công đức cho người mất thì họ sẽ nhận được. Còn xây cái nhà to thì không ai nhận được cả, chỉ người sống nhận được thôi. Người sống đấy tự hào: “Tôi có nhà thờ tổ to hơn nhà hàng xóm”, chứ người mất không nhận được gì.

Tất nhiên mình nên làm bàn thờ hay nhà thờ tổ trang trọng, vì như vậy là mình thể hiện lòng biết ơn với người mất. Chứ không nên làm cái nhà tốn kém, hay ganh đua làm cho bằng nhà hàng xóm. Tốn kém và ganh đua không cần thiết. Nhưng làm một nơi trang trọng để thờ cúng, cũng là cách thể hiện sự trân trọng với người mất.

Sau nữa, việc xây nhà thờ giúp cho mọi người có tâm hướng về ông bà tổ tiên, nhưng không hiệu quả bằng mang tiền đó cứu giúp chúng sinh. Ví dụ phóng sinh xong hồi hướng công đức cho ông bà, sẽ hơn gấp vạn lần xây cái nhà to. Dù số tiền phóng sinh có thể chỉ mấy trăm ngàn thôi, nhưng hơn mấy chục triệu mình bỏ ra xây cái nhà thờ.

Công đức phóng sinh chắc chắn hơn hàng trăm nghìn lần. Mình xây một cái nhà thờ to, ông bà có được tí công đức nào đâu, nhưng mình phóng sinh, thì ông bà sẽ nhận được công đức phóng sinh đó.

Học trò: Vì ở quê có tục lệ, xây mộ hay xây nhà thờ sẽ mời thầy địa lý về xem, rồi sau đó người nhà sẽ phải xây thật to….

Thầy Trong Suốt: Sống trong hoàn cảnh như vậy thì mình đành nhập gia tùy tục. Mình có thể vờ như việc xây mộ to là không vấn đề gì. Nhưng hàng tuần, hàng tháng, mình đi phóng sinh cho người mất. Mặt tích cực của xây mộ hay xây nhà thờ là làm cho con cháu tưởng nhớ, biết ơn ông bà, điều đó rất tốt. Mặt tiêu cực là ganh đua, cạnh tranh, thể hiện mình giàu có hơn người, như thế là không tốt.

Nhưng cuộc sống thì khó phân biệt, nên tốt nhất, mình nên thành tâm. Thành tâm làm điều tốt lành, hồi hướng cho ông bà, điều này ai cũng có thể làm được và rất ích lợi cho người mất.

***