Một bạn hỏi: Một người đầy định kiến, người ta có những nhận xét không tốt ảnh hưởng tới mình. Khi học Phật con biết là mình phải dùng từ bi để thương người ta, không nên khởi trong tâm những ý niệm ghét họ. Con thấy mình có thể thương được họ, chấp nhận được họ. Nhưng cứ một thời gian thì trong đầu con lại hiện lên những suy nghĩ xấu về người ta. Và con không thể chấp nhận việc mình có những suy nghĩ xấu đó.
Con nghĩ là mình phải thực sự thương họ, chấp nhận và từ bi với họ. Nhưng làm thế nào để chấp nhận những điều xấu đó mà không khởi lên những ý xấu trong đầu mình ạ?
Thầy Trong Suốt: Ví dụ người ta bảo là: “Những con bé mặc áo đỏ là lũ trộm cắp” – Có mặc cái áo đỏ thôi mà cũng bị coi là trộm cắp. Thế là mình không chịu được, mình phán xét, đúng không?
Người ta phán mình xong thì mình phán lại. Người ta bảo “Áo đỏ là ăn cắp” thì mình bảo là: “Phán linh tinh là những kẻ ngu dốt”. Thế là mình ăn cắp, còn họ ngu dốt. Con dao đâm mình, mình đâm lại một cái thì không thể được. Mình cũng đi phán như người ta thì làm sao mình giúp người ta được? Không, cách đấy không thể giải quyết vấn đề được!
Cái Từ bi mà con học đấy không phải là từ bi thực sự. Từ bi thực sự đến từ Trí tuệ, đến từ hiểu biết chứ không phải đến từ: “Tôi phải từ bi!”. Làm sao con làm nổi bây giờ? Nên con đừng nghĩ từ bi là “Tôi phải từ bi” là được. Từ bi thực sự đến từ Trí tuệ. Từ Trí tuệ thì sẽ xuất hiện Từ bi. Nên cái con cần là Trí tuệ.
Ở đây chưa liên quan đến Từ bi, con phải Trí tuệ đã. Trí tuệ đầu tiên là sự thông cảm – một loại trí tuệ quan trọng. Con phải hiểu rằng tại sao người ta lại nói thế? Những kinh nghiệm sống, những khổ đau nào trong quá khứ khiến họ thành người phán xét như vậy? Ví dụ hồi nhỏ họ rất hay bị bố mẹ phán xét. Họ học cái xấu đấy từ bố mẹ. Thế là họ thành người phán xét.
Thử xem những người phán xét là người sướng hay khổ? Suốt ngày phán xét, suốt ngày gặp chuyện không như ý thì sướng hay khổ? Khổ quá, chứ còn gì nữa! Nhưng có ai muốn khổ đâu.
Như vậy chắc chắn người ta đã phải bị những vết thương trong quá khứ thì họ mới đi phán xét người khác. Đấy là một loại trí tuệ do hiểu rằng: Họ đi phán xét người khác bởi vì họ đã từng có vết thương trong quá khứ. Trí tuệ đấy dẫn đến thông cảm. Nhìn họ, mình thông cảm hơn: “Ừ, hóa ra họ cũng khổ lắm đấy, họ đang khổ”. Con phải có trí tuệ. Trí tuệ thì thông cảm được, từ bi được, chứ có gì đâu! Còn khi con giỏi hơn thì con giúp. Từ bi bắt đầu từ thông cảm. Thông cảm xong thì con sẽ yêu thương họ, yêu thương họ thì con sẽ muốn giúp họ. Thế thôi!
Bạn đó: Dạ, ví dụ con hiểu được họ có những lời nói xấu như vậy là do người ta có quá khứ không tốt đẹp, thì con có thể tạm thời thông cảm. Xét lại, con thấy trong quá khứ con cũng có những vết thương đó. Có lúc mình có thể thông cảm được, nhưng có lúc giống như mình bị quá tải.
Thầy Trong Suốt: Như vậy con phải chữa thương cho chính mình đi. Con chưa chữa cho họ được đâu, mà con phải chữa cho mình trước. Con phải tìm xem mình có vết thương nào, và tìm cách chữa nó như thế nào. Giống như con bị trúng một mũi tên, bạn cũng trúng mũi tên, thì cứu ai trước? Cứu mình đi đã, không thì chảy máu chết là chắc.
Như con nói là đã có giải pháp rồi đấy. Tìm xem bị thương ở đâu, tại sao, phương pháp nào, con đường nào, vị thầy nào sẽ dẫn mình ra khỏi đau khổ này?
Còn với những người kia thì mình tập cách kiên nhẫn và thông cảm với họ, vì trước mắt mình chưa giúp được họ. Hãy nhìn họ như một người thầy, vì họ bắn mình một mũi tên, nghĩa là họ cho mình biết mình sợ ở đâu, bị thương ở đâu.
Nên con phải tìm trí tuệ. Chứ còn nghĩ thế được mấy hôm, xong rồi lại chịu không nổi. Quan trọng là tìm trí tuệ ấy đi! Ví dụ, trí tuệ về Nhân quả. Riêng hiểu về nhân quả, con đã chấp nhận dễ hơn nhiều rồi. Tại sao tự nhiên con lại bị như vậy? Không có chuyện một cái quả mà lại không có nhân. Con bị người ta coi thường và phán xét, bởi vì con đã từng làm những điều như vậy, hoặc là những điều xấu khác ở trong quá khứ. Nên con hoàn toàn chấp nhận được là bị người ta coi thường.
Thầy chẳng hạn, thầy chấp nhận bị người ta coi thường. Tới thời điểm này đầy người vẫn coi thường thầy. Xã hội mà! Mình được người khác tôn trọng, thì cũng sẽ có người coi thường. “Thằng này nó có gì đâu mà được tôn trọng thế? Ngứa mắt!” – ví dụ thế. Nên chuyện bị coi thường là chuyện nghiễm nhiên của cái xã hội này. Mình hãy học cách để bình thường với nó, chữa các vết thương trong lòng mình.