Đa phần các môn thể thao hiện tại đều giúp chúng ta rèn luyện sức khỏe, thư giãn tinh thần sau những ngày làm việc căng thẳng, dạy chúng ta về tinh thần đồng đội, chơi tập thể, rèn kĩ năng v.v… Tất nhiên với Wiser Ball bạn cũng có thể tận hưởng những lợi ích về tinh thần và thể chất như mọi môn thể thao khác. Nhưng nếu chỉ như vậy thì tại sao bạn phải đọc bài viết này?
Bởi cái đặc biệt và khác Lạ của môn bóng này nằm ở chỗ
Thay Đổi Bản Thân.
Phải! Tôi không nói sai đâu, chính là “Thay Đổi Bản Thân”, tức là thay đổi cái bên trong của con người bạn, cái ‘TÔI’ của bạn, thế giới quan của bạn hay nói cách khác là sự cảm nhận về thế giới xung quanh của bạn. Và trên hết, tất cả điều đó đều giúp bạn trong cuộc sống và công việc hằng ngày.
Bản thân tôi đã chơi Wiser Ball hơn hai năm, bài học rút ra thì rất nhiều, nhưng xin phép không nhắc lại bởi các bài viết trước đã có một số anh chị nhắc đến. Ở đây tôi chỉ nói đến bốn điều mà tôi tâm đắc nhất kể từ khi biết đến Wiser Ball.
1/ Không gì là Tuyệt Đối. Tất cả chỉ là Tương Đối
Nếu ai đã từng chơi qua môn bóng này chắc chắn họ đểu biết rằng đây là môn bóng vô cùng biến hóa, bởi lẽ việc thắng thua dựa vào rất nhiều các yếu tố: Con người, chiến thuật, địa hình, thời tiết v.v… Không yếu tố nào có vai trò tuyệt đối cả. Chính vì điều đó mà mỗi khi ra sân, cho dù có tính trước chiến thuật đi chăng nữa thì 10 phần cũng đổ bể đến 8, 9 phần rồi.
- Bạn ra sân với tự tin sẽ chiến thắng khi mà đội hình toàn những người ném giỏi, toàn là siêu sao? Xin thưa, chưa chắc đã thắng đâu, vì như đã kể ở trên một trận bóng phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Thắng – thua hoàn toàn ngược lại với những môn thể thao phổ biến hiện tại như bóng đá, bóng rổ v.v…
- Bạn nghĩ rằng một người chơi lâu năm, ném siêu hay thì không thể trở thành “tội đồ”? Hay ngược lại, một người mới chơi vài ba tháng thì không thể “gánh” team? Khó nói lắm, bởi ai chơi môn bóng này sẽ hiểu rõ ở trên sân bóng chuyện gì cũng có thể xảy ra.
- Hay bạn nghĩ rằng việc ném một trái bóng cách mình một sải tay là điều quá sức dễ dàng và chẳng thể nào ném hụt? Vậy đến sân bóng chơi đi, bạn sẽ thấy ở cự ly siêu gần ngay cả tay bóng kì cựu vẫn có thể ném hụt như thường.
2/ Nhìn nhận mọi chuyện theo hướng tích cực nhiều hơn là tiêu cực.
Đây là điều thứ hai tôi học được từ Wiser Ball mà có lẽ sẽ chẳng có môn thể thao nào tôi biết có thể dạy cho tôi ngoại trừ môn bóng thông minh này.
Khi chơi Wiser Ball, dù với cương vị là người đội trưởng, người quân sư chiến lược hay là một tay ném, chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều điều không theo ý mình, giống như trong cuộc sống vậy. Thế nên thay vì suốt ngày cứ nghĩ tiêu cực như: Ném lỗi do ông, chiến thuật sai do bà, tại sao không làm đúng ý tôi v.v… thì chúng ta hãy nghĩ tích cực hơn, bởi chẳng ai vào trận lại muốn ném hụt hay “điều” bóng mắc lỗi vị trí cả.
Mọi chuyện đều có Nguyên Nhân – Kết Quả
quan trọng nhất là CHẤP NHẬN và tìm cách GIẢI QUYẾT
Tôi phải mất hơn một năm để có thể rèn luyện thành thục được khả năng này, bởi vậy dù có xảy ra việc gì không đúng ý mình từ sân bóng cho đến cuộc sống hằng ngày, tôi đều nhẹ nhàng đón nhận và mỉm cười.
Bài học: “suy Nghĩ tích cực nhiều giúp chúng ta Trẻ hơn. đơn giản vì ta sẽ cười nhiều hơn”
3/ Sợ hãi luôn tồn tại, quan trọng là lớn hay bé.
Ở trên sân tập của CLB Đà Nẵng có “anh hùng” được xem như là bóng thủ số 1 của Đà Nẵng về khả năng ném bóng rất chắc tay. Anh Runi Vũ Thuần hay nhiều người khác cũng từng nói rằng anh hùng không có nỗi sợ khi ném bóng, cho dù là xa – gần hay là pha bóng quan trọng. Nhưng tôi thì nghĩ khác, thực ra nỗi sợ luôn tồn tại, quan trọng là nó lớn hay nó bé. Nếu như nỗi sợ bé hơn vấn đề ta định làm thì tất nhiên điều đó đồng nghĩa sự tự tin của chúng ta đang rất lớn. Tự tin càng lớn thì nỗi sợ càng bé đi và ngược lại.
Tôi thường nói thế này:
“Ai cũng có nỗi sợ cả, ném bóng cũng sợ, làm việc cũng sợ, sợ đủ thứ.
Nhưng quan trọng là chúng ta có để nỗi sợ ấy đánh bại hay là không?”
Vấn đề của anh hùng chính là như vậy. Anh hùng thông qua tài năng, sự luyện tập không ngừng để mỗi lần cầm bóng anh ấy đều tự tin, chứ không phải là vì anh ấy không có nỗi sợ.
Đúc kết lại, cho dù là chơi bóng hay bất cứ điều gì trong cuộc sống này, nếu bạn cảm thấy sợ hãi thì hãy cố gắng tập luyện, thực hành thật nhiều vào. Nên nhớ: Tự Tin và Sợ Hãi tỷ lệ nghịch với nhau.
4/ Muốn phá bỏ giới hạn, hãy sẵn sàng làm lại từ đầu
Thực ra về vấn đề này là sự ngộ ra của bản thân tôi khi chơi bóng Wiser Ball, chưa biết có áp dụng thực tế được vào trong cuộc sống hay không, nhưng riêng trên sân bóng đây là cách duy nhất khiến tôi liên tục đột phá giới hạn bản thân.
Chắc bạn đã từng trải nghiệm cảm giác khi mình viết xong một đoạn văn, sau đó vài ngày đọc lại, mình lại bỏ đi vài ba câu hoặc thêm vài ba ý để đoạn văn trở nên hoa mỹ hơn rồi chứ? Nguyên lý vấn đề ở đây cũng tương tự như cách bạn chỉnh sửa một đoạn văn vậy. Việc làm lại từ đầu không có nghĩa là bạn vứt đi hết những thứ bạn đã làm trước đó, mà thực ra là chúng ta đi lại từ cơ bản, cộng thêm các kiến thức lẫn kinh nghiệm trước đó và không bị áp đặt lối mòn trước đó, chúng ta sẽ tạo ra được một con đường mới, một cái gì đó mới mẻ hơn, mạnh mẽ hơn thứ trước đó gấp bội.
Bản thân tôi là một người làm chiến thuật, đồng nghĩa với việc chiến thuật của bản thân phải liên tục biến hóa và không để bất cứ ai bắt bài được.
Vậy nên luôn có một thời điểm nhất định, tôi luôn cảm thấy giới hạn về mặt chiến thuật của bản thân, và khi cảm nhận được điều đấy tôi lại Quay-lại-từ-đầu, chấp nhận tạm quên đi các lối mòn trước kia, tìm ra con đường mới, tạo ra thứ “vũ khí chiến thuật” mới, sắc bén hơn để đột phá qua bức tường giới hạn.
Đó là cách tôi liên tục vượt qua giới hạn của bản thân ở môn bóng Wiser Ball này. Bạn đã từng thử hay chưa? Hay bạn cũng đã mắc kẹt trước bức tường giới hạn này?
Điều nhắn nhủ cuối cùng với những ai đang chơi hay đang kiếm tìm một môn thể thao vừa phát triển trí lực và thể lực thì hãy đến với Wiser Ball, chắc chắn bạn sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị.
Bạn muốn tham gia câu lạc bộ Wiserball?