1. Bạn có thấy mình là người tốt? Bạn có đã hoặc đang khổ?
Thầy Trong Suốt: Ở đây có bao nhiêu người nghĩ mình đã từng khổ, hoặc đang khổ thì giơ tay ạ! Những ai đã giơ tay thì kể chuyện khổ của mình đi ạ!
Bạn Dư: Chào mọi người. Mình là Dư, mình đến từ Đà Nẵng, hiện nay 27 tuổi, độc thân. Em nghĩ là mỗi người sẽ gặp cái mình không vừa ý, hoặc nhiều khi chỉ nghĩ tới đó thôi đã là khổ rồi. Tùy vào cảm nhận của mỗi người khác nhau. Nhưng mà để nói sâu hơn thì em nghĩ là không thể phân biệt hai cái với nhau được.
Thầy Trong Suốt: Anh cũng đồng quan điểm là rất khó tách ra. Em thử kể một cái khổ để cho mọi người thấy thế nào là khổ đi.
Bạn Dư: Ví dụ đơn giản thôi! Chẳng hạn hôm nay là một ngày khá nóng nực. Khi nóng nực, nếu bắt buộc phải ra đường chịu đựng hơn hai tiếng ngoài nắng thì em nghĩ đó cũng là một cái khổ.
Thầy Trong Suốt: Tốt! Ví dụ tốt!
Bạn Dư: Ví dụ như vậy, còn bình thường sẽ gặp một số những cái khác nữa… Rất là nhiều, em thấy để kể ra thì cũng khá là nhiều.
Thầy Trong Suốt: Rất tốt! Rất tốt! “Đời là bể khổ”, nghĩa là thế nào? “Đời là bể khổ” nghĩa là mình rất dễ gặp khổ hay là khó gặp khổ ạ? Theo mọi người dễ hay khó ạ? Dễ chứ đúng không ạ? Nếu khó thì đã không có câu nói như vậy? Phong có khổ tí nào không? Em trông vui vẻ mà, hạnh phúc, béo tốt, đúng không? (Cười) Có tí khổ nào không?
Bạn Phong: Có ạ!
Thầy Trong Suốt: Đã từng có, đúng không? Rồi! Khổ cơ bản là mọi người đều đồng ý đúng rồi ạ. Ở đây bao nhiêu người nghĩ mình là người tốt? Tương đối tốt thôi ạ! Như thánh nhân thì khó rồi nhưng mà tương đối tốt đi ạ, giơ tay ạ! Ít thế à? Những người còn lại là người xấu hết à? Những ai nghĩ mình là người xấu, giơ tay ạ! (Có vài cánh tay giơ lên) Có hai, ba người là kẻ xấu à? Rồi! Bao nhiêu người nghĩ mình kha khá, không phải tương đối tốt mà là kha khá tốt, giơ tay ạ! Rồi! Vì sao em lại nghĩ mình kha khá tốt? Mời bạn áo xanh!
Bạn đó: Dạ, em là Lực. Em 28 tuổi, em đang làm FPT, độc thân. Em nghĩ là người khá tốt vì em làm việc tốt nhiều hơn, việc xấu ít hơn.
Thầy Trong Suốt: Em kể một, hai việc tốt em đã từng làm xem nào! Không cần kể việc xấu đâu, chỉ cần kể việc tốt thôi. Kể một vài cái để chứng tỏ “tôi khá tốt, chứ đâu đến nỗi”.
Bạn Lực: Em đối xử khá tốt với người yêu em.
Thầy Trong Suốt: Rồi, tử tế với người yêu, đúng không? Được rồi. (Thầy quay sang hỏi một bạn khác) Em có thuộc loại khá tốt không?
Bạn đó: Dạ có! Em tên Thiện, em cũng độc thân. Em nghĩ em hay quan tâm đến những người xung quanh, những người trong gia đình cùng với đồng nghiệp. Làm việc với nhau thì quan tâm đến họ, em nghĩ đó cũng là điều tốt.
Bạn Ngà: Em tên Ngà, em 23 tuổi. Em độc thân, em nghĩ mình là người tốt. Nói chung là em thấy em có thể giúp đỡ được mọi người trong tất cả mọi chuyện họ cần mình. Nhưng mà việc cụ thể em cũng không biết nữa.
Thầy Trong Suốt: Ví dụ như chưa từng hại ai bao giờ, đấy là người tốt đấy! Người tốt là người không hại người khác. Đúng không ạ?
Bạn Ngà: Dạ.
Thầy Trong Suốt: Con kiến, con muỗi không thèm hại!
Bạn Ngà: Không, muỗi thì có hại ạ.
Thầy Trong Suốt: Vẫn có hại à? À, rồi. Còn kiến thì không hại đúng không?
Bạn Ngà: Dạ kiến thì không hại.
Thầy Trong Suốt: Được, mời em bên cạnh. Em tủm tỉm cười nãy giờ, em giới thiệu đi!
Bạn Hằng: Dạ, em tên Hằng, 25 tuổi, độc thân. Em nghĩ mình thuộc loại tương đối tốt, vì trước đây em cũng đã từng có một vài suy nghĩ và tư duy không được tốt lắm. Em cũng giống như bạn là em chưa từng hại ai và em không nghĩ xấu cho ai.
Bạn Duy: Dạ, em là Duy, năm nay em 24 tuổi. Em vẫn đi học, vẫn độc thân. Em đến đây lần thứ tư rồi ạ. Từ lâu rồi em không suy nghĩ về tốt xấu nữa, chỉ đơn thuần là sống dựa theo cảm giác thoải mái là được.
Bạn Quang: Em tên Quang, em 23 tuổi, em là giáo viên. Em thấy em là người tốt vì em luôn cố gắng giúp đỡ mọi người. Nếu mà không giúp được người ta thì em cũng không có hại người ta. Em nghĩ như vậy là tốt.
Thầy Trong Suốt: Nói chung cơ bản những người ngồi đây là người tốt. Người tốt thì mới đi nghe trà đàm chứ, đúng không? Người xấu chắc đi làm việc xấu chứ ngồi đây làm gì? Như vậy là ở đây chúng ta có thể thấy hai điều: Mọi người đều cơ bản là tốt và cơ bản là… là gì ạ?
Mọi người: Là khổ.
2. Vì sao mình sống tốt mà vẫn khổ?
Thầy Trong Suốt: Chín mươi mấy phần trăm giơ tay đồng ý cơ bản là khổ, rất hợp với chủ đề Trà đàm ngày hôm nay: “Tại sao tốt mà vẫn khổ?”. Đúng không ạ?
Có bao nhiêu người cảm thấy là: “Tôi tốt mà! Tôi tốt thế này lẽ ra tôi không nên bị khổ” – đã từng cảm thấy chưa ạ? Tôi tốt thế này cơ mà! Tôi đã không làm điều hại ai hết mà tại sao tôi lại khổ? Giống như trong mối quan hệ với người ta, mình tử tế với người ta mà người ta lại lừa dối mình. Đấy là một ví dụ của việc là “Tốt thế này mà sao tôi vẫn khổ” đấy!
Hay là mình không hại ai hết, tự nhiên có người đến tìm cách hại mình, nói xấu mình sau lưng. Có bao nhiêu người đã từng đặt câu hỏi: “Tại sao mình cũng tử tế” – hay là tốt đấy ạ – “mà mình lại khổ?” chưa ạ? Bao nhiêu người đã từng có, giơ tay ạ? Rất đông đúng không ạ?
Bao nhiêu người có câu trả lời “Tại sao tôi tốt mà tôi vẫn khổ?” – Ai có rồi giơ tay ạ?
Không ai có câu trả lời à? Mình phải có câu trả lời tương đối rồi chứ ạ? A, được một, hai, ba bạn, tốt quá! Mời bạn áo da cam đi ạ. Theo em, vì sao tốt mà vẫn khổ?
Bạn Ly: Em đã từng nghĩ tới nhân quả, là do những gì mình gây ra từ kiếp trước.
Thầy Trong Suốt: À rồi. Bạn Ly mới nói là: “Đơn giản thôi, tôi tốt mà khổ đơn giản là vì nhân quả”. Có bạn nào có câu trả lời bổ sung không ạ? Bạn áo xanh ấy, trông em quen quen. Em đến đây lần thứ mấy rồi?
Bạn Vương: Em đến 1 lần rồi ạ! Em tên là Vương, nghề nghiệp là cho thuê xe du lịch. Em có bổ sung khổ là bản chất của đời sống rồi, mình không thể tránh được, mình chỉ còn cách là thoát ra.
Thầy Trong Suốt: Nhưng vì sao lại khổ? Em có tốt không? Vì sao em vẫn khổ? Em có khổ không?
Bạn Vương: À, hiện giờ thì ít. Nhưng đã từng khổ ạ.
Thầy Trong Suốt: Đời là vậy đúng không? Được, cũng được. Vương chắc không phải dân kỹ thuật đúng không?
Bạn đó: Dạ.
Thầy Trong Suốt: Được, dân kỹ thuật chắc có câu trả lời khoa học hơn đúng không? Mời một câu trả lời kỹ thuật hơn đi ạ!
Bạn được hỏi: Em cũng giống bạn. Em cũng nghĩ là do nhân quả, có lẽ là chuyện đó mình đã từng gây ra mà mình không biết.
Thầy Trong Suốt: Như vậy có một câu chung là nhân quả đúng không ạ? Câu trả lời thứ hai là gì? “Đời là thế!” Có một ai đó tìm ra một câu trả lời khác không ạ? Mời em áo trắng!
Bạn áo trắng: Theo em nghĩ thực tế là do mình không tốt, thái độ của mình chưa tốt với người ta.
Thầy Trong Suốt: À, bạn này có câu trả lời mang tính tâm lý hơn, là vì mình chưa biết cách, đúng không? Chưa có thái độ tốt và hành xử tốt. Em có thể ví dụ rõ hơn được không?
Bạn đó: Ví dụ em đi chơi với người yêu mà em keo kiệt thì người yêu sẽ chia tay liền.
Thầy Trong Suốt: Keo kiệt ấy hả? Ví dụ, thế nào là keo kiệt? Cả hai cùng ăn xôi, đúng không? Ăn xong đứng lên?
Một bạn: Bùng!
Thầy Trong Suốt: Hả? Bùng hả? (Mọi người cười) Bùng là bỏ đi đấy, trốn đấy! Gói xôi bao tiền thế nhỉ?
Một bạn: Mười nghìn.
Thầy Trong Suốt: Mười nghìn, thế mà cũng bùng! Thế là… mới bỏ đúng không? Được, ví dụ tốt đấy! Tôi khổ vì thái độ của tôi? Vì thực ra tôi cũng chẳng tốt lắm. Được, ý tưởng rất hay đấy ạ! Được rồi. Còn ai có ý tưởng khác không ạ? Mời bạn!
Một Bạn nữ: Em tên là Trà ạ, em đã có bạn đời. Cá nhân em suy nghĩ là số mình vẫn khổ là vì có ba nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là nhân quả ạ, có thể là do mình đã từng làm việc không tốt. Nguyên nhân thứ hai em nghĩ có thể là do suy nghĩ của mình. Mình có thể khởi lên một cái tâm xấu nhưng mình không làm điều đó. Ví dụ như nhìn người nào đó thì mình cảm thấy mình muốn đập người đó một trận chẳng hạn, nhưng mình không có đập. Cái thứ ba em nghĩ là thử thách của chính bản thân mình. Để đến được con đường hoàn thiện bản thân, thì phải trải qua thử thách.
Thầy Trong Suốt: À… Rất tốt. Bạn Trà có một câu trả lời rất hay. Ba lý do đúng không?
Thứ nhất là nhân quả. Mình đã từng làm điều xấu ở trong đời trước chẳng hạn, thì đời này mình phải chịu thôi.
Thứ hai là tâm lý, là nhiều khi mình không làm điều xấu nhưng trong lòng nghĩ điều xấu. Thí dụ: “Nhìn cái mặt ghét thế thì chỉ muốn đạp cho một đạp”. Thế là gieo một nhân xấu, một việc xấu ở trong lòng, trong tâm mình.
Thứ ba là đôi khi nỗi khổ, đối với bạn ấy là một thử thách trong cuộc sống để hoàn thiện hơn đúng không? Rất tốt! Câu trả lời rất hay đấy!
2.1. Chuyện cô bé què mù bị sét đánh chết
Thầy Trong Suốt: Mọi người biết chuyện chú bé què mù bị sét đánh chết chưa ạ?
Mọi người: Chưa ạ!
Thầy Trong Suốt: Thế thì mình sẽ kể chuyện đấy. Theo truyền thống thì luôn luôn cần một nhân vật. Cần một người đóng vai chú bé! Ở đây có ai sẵn sàng đóng vai chú bé què mù bị sét đánh không ạ? Hơi kinh đấy ạ! Có ai đủ dũng cảm để đóng vai này không? Không có ai ạ! Dũng cảm lên đi ạ! Có bạn nam nào không? Chú bé? Hay là cô bé? Cô bé cũng được. Cô bé què mù và bị sét đánh chết. Quá sợ! Mặt mọi người tái xanh thế kia rồi thì chịu rồi! Rất tiếc là chuyện nó lại cần một nhân vật. Quên mất là truyền thống của Trong Suốt là bao giờ cũng cần có một người đóng vai.
Một bạn: Kết thúc có hậu không ạ?
Thầy Trong Suốt: Kết thúc có hậu hay không à? (Mọi người cười) Có hậu hay không là tùy quan điểm của mỗi người. Nhưng vai này rất quan trọng nên phải có trước, rồi mới tiếp tục được. Không có ai ạ? Mọi người cố gắng đi! Dũng cảm đi ạ! (Một bạn nữ giơ tay) Rồi, rất tốt! Em giới thiệu đi!
Bạn nữ: Em tên là Phượng. Em đang làm ngân hàng, 36 tuổi và đã có gia đình rồi ạ!
Thầy Trong Suốt: Ngày xửa ngày xưa, thời nhà Tống của Trung Quốc, có một cô bé ăn xin, quên mất chưa nói phần ăn xin, khốn khổ không ạ? Cô bé ăn xin bị què tên là… Em là gì Phượng ấy nhỉ?
Bạn Phượng: Tiểu Phượng ạ!
Thầy Trong Suốt: Tiểu Phượng luôn? Woa! Tên là Tiểu Phượng. Tiểu Phượng là cô bé ăn xin bị què nhưng có một tấm lòng rất tốt bụng. Hàng ngày cô đi ăn xin từ làng này qua làng khác, xóm này qua xóm khác và cô phải chịu nỗi khổ của một người ăn xin và què, què thì lết lết thôi. Không ai ở làng xóm đấy có lòng thông cảm đem cô về nuôi, nên cô cứ khổ từ ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng khác.
Ở vùng đất đấy có một con sông, khá là rộng, sóng rất dữ. Do sông không có cầu gì hết, nên từng có nhiều người lội qua, đi thuyền, đi phà qua rồi bị chết rất nhiều. Tiểu Phượng cảm thấy rất thương cảm những người đã chết. Và một hôm cô bé đã làm một việc hết sức kỳ quái. Ban ngày thì cô đi ăn xin và nhưng đến buổi chiều cô ra đoạn sông sóng lặng nhất, hẹp nhất, cô góp từng hòn đá một và ném xuống.
Mọi người đi qua và hỏi: “Con bé Tiểu Phượng què kia! Mày làm cái trò gì vậy? Tại sao cứ ném đá xuống sông để làm gì?”. À, cần một người, tiếp tiếp. Cần một người đóng vai công tử đẹp trai ạ. Con nhà giàu. Rồi.
Một bạn nam: (Nhận ngay) Em ạ! (Mọi người cười)
Thầy Trong Suốt: A được được… Em áo xanh! Vai này sướng quá đúng không ạ? Em tên là gì ấy nhỉ?
Bạn đó: Em tên là Lượm.
Thầy Trong Suốt: Lượm đúng không ạ? Mọi người không hiểu tại sao hết, nhưng mọi người cũng không biết rằng là hàng ngày ở khúc sông đấy, có một chàng công tử mặc áo xanh, rất đẹp trai và con nhà giàu hay đi qua. Chàng công tử Lượm này rất hiếu thảo vì mẹ của chàng ở bên bờ này sông, bà mẹ bị bệnh nặng nên chàng suốt ngày phải qua sông để lấy thuốc về cho mẹ.
Đoạn sông đấy tuy hẹp và sâu, chỉ cần đến mùa nước có thể có xoáy, có những lỗ hổng ở bên dưới và chàng có thể chết. Cô bé Tiểu Phượng nhìn thấy chàng như vậy, cảm thấy rất là thương chàng, một người có tấm lòng hiểu thảo và sẵn sàng chịu nguy hiểm. Không chỉ như vậy mà còn nhiều người tốt khác cũng đi qua khúc sông này, nên Tiểu Phượng quyết định là mình sẽ góp từng hòn đá một để dần biến thành một cây cầu hay một con đường để vượt qua khúc sông. Ít nhất là những viên đá, khối đá để mọi người đặt chân đi qua, an toàn hơn nhiều.
Thế là hàng ngày công tử Lượm đi qua, còn cô bé ăn mày Phượng thì ném đá. Lượm là người đầu tiên cảm thấy khâm phục lòng tốt và sự kiên trì của cô bé. Vì cô bé là người rất là khổ sở, khổ nhất trong cái vùng đấy mà vẫn bỏ sức lực một cách vô tư để giúp mọi người. Thế là mỗi lần đi qua sông thì Lượm cũng giúp cô một tay, cũng đến và xúc những xô đá hoặc là lượm những xô đá. Đấy, tên Lượm quá chuẩn luôn! Lượm những hòn đá vừa sức mình bê để vứt xuống sông. Chẳng mấy chốc mà câu chuyện giữa công tử nhà giàu và cô gái ăn mày què nổi tiếng cả vùng. Và rất nhiều người tò mò đến và tất cả đều cảm phục lòng tốt của cô gái ăn mày. Thế là càng thêm nhiều người nữa, nhặt đá, đào đá, xúc đá ném xuống sông. Theo mọi người cô gái có phải người tốt không ạ?
Một bạn: Người tốt!
Thầy Trong Suốt: Tốt đúng không ạ? Nếu mọi người biết chuyện đấy thì có đến giúp cô không ạ? Mình tưởng tượng đi ạ! Mình là dân chúng trong vùng, thì mình có đến giúp không? Và dân chúng trong vùng đến rất nhiều, đến giúp dần, giúp dần. Và cây cầu sắp được hoàn thành.
Tuy nhiên một tai nạn lao động thương tâm đã xảy ra. Một hôm nhân lúc đập đá…(Cười) đập đây là đập viên đá đấy ạ! Tiểu Phượng đập viên đá để ném xuống sông thì một viên đá nhỏ đã bay vào mắt của cô và cô đã trở nên mù lòa. Sợ chưa? Tốt mà sướng hay khổ ạ?
Nhiều người: Khổ.
Thầy Trong Suốt: Quá khổ! Thế theo mọi người lúc mù lòa, cô có làm nữa không ạ? Vẫn làm đúng không ạ? Hằng ngày, dù cô ấy đã mù rồi, nhưng mọi người đến, mọi người vẫn cho cô đủ đồ ăn, cô vẫn kiên trì đập và ném từng viên đá trên dòng sông, tiếp tục như vậy. Và sau 3 năm như vậy, dưới sự dẫn đầu của Tiểu Phượng và sự góp sức của dân làng thì cây cầu đã được hoàn tất.
Mọi người rất là vui sướng, những người dân trong làng từ nay sẽ không bị nước cuốn nữa. Tuy nhiên, một tai nạn thương tâm nữa lại xảy ra. Ngay cái ngày cây cầu hoàn thành, cô bé ăn xin Tiểu Phượng đã què, xong lại mù, lại bị một tia sét trên trời giáng xuống lăn ra chết. Dân làng vô cùng thương cảm, đặc biệt là công tử Lượm, chàng khóc lóc thảm thiết bên bờ sông. Rồi, bây giờ cần một nhân vật. Người này đóng vai một nhân vật quan trọng, tên là Bao Công. Có ai biết Bao Công không ạ? Ai đóng vai Bao Công đi ạ! Rồi, em tên gì?
Bạn nam: Phạm Phú Cầu.
Thầy Trong Suốt: Tên là Cầu luôn hả? Chuẩn! Thời nhà Tống có một vị quan rất nổi tiếng tên là Bao Công. Mọi người biết Bao Công không ạ? Bao Công là một vị thần tên là Văn Phúc Tinh. Ông là một vị thần trên trời. Ông ấy tái sinh làm người phàm để giúp cho xã hội công bằng hơn. Khi Bao Công tái sinh xuống trần thì mặt ông đen sì và trên trán có mặt trăng ấy ạ! Phủ Khai Phong có…?
Mọi người: Bao Thanh Thiên.
Thầy Trong Suốt: Đấy, ai cũng biết chuyện đấy đúng không ạ? À, mặt bạn này hơi đen, chuẩn! Thế là Bao Thanh Thiên đi ngang qua vùng đấy và thấy một chàng trai khóc thảm thiết. Triển Chiêu chạy ra gặp công tử Lượm và nói: “Tại sao chàng lại khóc thế này?”, rồi đưa đến gặp Bao Công. Bao Công xuống kiệu và hỏi. Lượm kể lại toàn bộ câu chuyện là: “Tôi khóc vì cảm thấy ông trời quá bất công. Một cô gái hiền lành, lương thiện, tốt bụng, hy sinh vì mọi người thì đầu tiên là què, sau đó lại mù, rồi tiếp đó sét đánh chết nữa. Thế mà người ta lại nói là ông trời có lòng công bằng. Tôi không thấy có tí công bằng nào ở đấy hết.”
Bao Công nghe câu đấy xong thì cũng cảm thấy bất công quá! Bao Công nhưng lại cảm thấy bất công. Bao Công lúc đấy rất là bực tức trong lòng, vì thấy một người tốt mà lại bị đối xử bất công như vậy. Thế là lấy bút viết lên trụ cầu – có một cái chỗ để đề tấm biển ấy: “Thà làm điều xấu còn hơn!”. Xong rồi ông đi về kinh thành. Nhưng mà đi được một, hai ngày thì bắt đầu cảm thấy câu đấy của mình có gì sai sai, do bức xúc mà, thấy có điều gì đó không đúng lắm.
Cần một người đóng vai hoàng thượng. Ở đây mọi người toàn đóng vai sướng thôi. Hoàng thượng giá lâm!!! Có ai đóng không ạ? Vua sướng mà! Yên tâm, rất là tốt! Rồi! Hoàng thượng Vương đã giá lâm! Tên Vương có khác. Hoàng thượng nhà Tống tên là Vương. Vương hoàng thượng, đang ngồi ở vườn thượng uyển thì Bao Công Cầu đi vào. Thế là Vương hoàng thượng mới hỏi. Bao Công thì trong lòng đã rất bức xúc vì cảm thấy có gì đó sai sai rồi. Bao công vừa đi một chuyến vi hành về và hoàng thượng đang hỏi đủ chuyện thì bỗng nhiên nghe tin vui, do phi tần mang đến, là hoàng hậu đã sinh ra một công chúa nhỏ bé nhưng vô cùng xinh đẹp. Thế là cả vua và Bao Công cùng đến thăm tiểu công chúa.
Khi Bao Công đến nơi thì hoàng hậu nói là không hiểu sao đứa bé này kể từ khi ra đời đến nay khóc từ sáng đến đêm luôn, không dừng lại một tí nào. Bàn tay đứa bé nắm chặt thế này này, ai mở ra cũng không được. Bao Công lấy làm lạ, đến gần và chạm vào tay cô bé một cái.
Ai dè vừa chạm bàn tay cô bé thì làm sao? Bàn tay cô bé mở ra luôn và trên tay cô bé có dòng chữ “Thà làm điều xấu còn hơn!”. Bao Công lấy tay xóa một cái thì dòng chữ biến mất luôn và khi vừa xóa xong thì cô bé lập tức liền hết khóc. Nhà vua và tất cả mọi người xung quanh đều cảm thấy rất kỳ lạ, mới hỏi Bao Công và Bao Công kể rõ sự tình.
Đêm hôm đấy Bao Công nằm ngủ. Bao Công là Văn Phúc Tinh nên mọi người xem phim hay có đoạn Bao Công xuống gặp Diêm Vương để hỏi đấy. Ông Văn Phúc Tinh này có khả năng mơ, đọc những giấc mơ về thực tại. Thì đêm hôm đấy ông đến gặp Diêm Vương trong giấc mơ và hỏi Diêm Vương: “Tại sao lại có chuyện kỳ quái như vậy, tại sao công chúa vừa sinh ra có chữ trên tay và khóc rất nhiều, mà tôi vừa sờ một cái thì biến mất?”.
Diêm Vương mới kể là: “Công chúa đó chính là cô bé Tiểu Phượng ngày xưa”.
Bao Công lại hỏi: “Tại sao lại thế?”.
Diêm Vương nói: “Ở đời trước ấy, cô bé Tiểu Phượng này đã làm rất nhiều điều xấu – một kẻ cường hào ác bá, bắt nạt, chặt chân dân lành, đâm mù mắt, giết chết dân lành nên theo luật nhân quả thì ta quyết định cho nó 3 đời chịu khổ. Đời thứ nhất nó sẽ bị quả báo bị què. Xong nó chết thì đời sau cũng không có gì sướng cả, đời sau lại chịu quả báo là mù.”
Chết một lần nữa, thì sao ạ? “Đời sau lại một lần nữa tái sinh thì chịu quả báo là sét đánh. Tuy nhiên cái đời gần đây của cô bé, cô bé đã thay đổi rất nhiều, tuy bị què nhưng tinh thần vì người khác rất là cao. Nên ta cho trả quả báo bị mù ở trong kiếp đấy luôn, để kiếp sau đỡ phải trả. Thế sau khi chịu quả báo bị mù rồi ấy, tinh thần giúp mọi người của cô vẫn rất là tuyệt vời.” Và ta giúp nó trả luôn quả gì? “Sét đánh.” Như vậy trong một đời trả luôn quả báo của 3 đời, và khi hết nghiệp xấu rồi thì đời sau được tái sinh làm…?
Mọi người: Tiểu công chúa.
Thầy Trong Suốt: Thế là Bao Công cảm thấy vô cùng hối tiếc vì đã viết câu gì? “Thà làm điều xấu còn hơn”. Đấy, kết thúc câu chuyện.
(Mọi người vỗ tay)
Thầy Trong Suốt: Như vậy thì theo mọi người thì vai Tiểu Phượng là vai xấu hay là vai tốt ạ?
Một bạn: Tốt.
Thầy Trong Suốt: Tốt đúng không ạ? Thế mà lúc nãy mình lại không đóng, đúng là dại! Bao Công là vai xấu hay vai tốt ạ? Bao Công mà còn gì? Hồ đồ, nhỉ? Bao Công còn hồ đồ. Như vậy Bao Công cũng không hiểu…?
Mọi người: Nhân quả.
Thầy Trong Suốt: Đấy, chuyện này có thật đấy, ghi trong lịch sử Trung Quốc. Bạn Phượng cảm thấy thế nào ạ? Em thấy có xứng đáng đóng vai này không?
Bạn Phượng: Ngay từ đầu em cũng nghĩ là cô ấy trả nghiệp trong một đời rồi để xong nghiệp là xong.
Thầy Trong Suốt: Ừ. Tốt đấy! Em rất xứng đáng với vai này, vì hiểu biết mà. Rồi, như vậy thì câu chuyện này cho mình bài học là gì? Tại sao làm người tốt mà vẫn khổ ạ? Có những bạn nói rất đúng đấy ạ! Người tốt khổ, lý do đầu tiên là gì?
Một bạn: Nhân quả.
Thầy Trong Suốt: Nhân quả. Ở đời này mình bị ai đó làm khổ hoặc gặp những chuyện khổ sở bởi vì chắc chắn là mình đã từng làm khổ những người khác. Hoặc làm khổ chính cái người đấy. Chắc chắn hay là có thể ạ? Chắc chắn tôi đã từng làm khổ người khác, hay là hình như, hay là có thể làm khổ người khác ạ? Theo mọi người thì sao ạ? Bao người theo trường phái là chắc chắn mình đã gây khổ cho người khác trong đời trước hoặc đời này, giơ tay ạ! (Nhiều người giơ tay) Bao nhiêu người theo trường phái hình như, có vẻ như ạ? (Một số người giơ tay) À, vẫn có người nghĩ là hình như.
Theo quan điểm của nhân quả thì chắc chắn là dù mình có biết hay không biết, khi mình khổ là mình đã từng gây đau khổ cho người khác. Nếu mình bị chồng mình ngoại tình, phụ bạc thì nghĩa là mình chắc chắn đã từng ngoại tình hay phụ bạc người ta hoặc người khác. Nên nhân quả đời này là không thể khác được, xảy ra như vậy. Vì thế nên người tốt có gì đảm bảo là kiếp trước mình làm điều tốt không ạ? Có gì đảm bảo không? Giống như cô bé mù Tiểu Phượng đấy! Đời này tôi rất tốt nhưng có gì đảm bảo là đời trước tôi không phải là cường hào, ác bá, giết người không? Không có gì đảm bảo hết!
Thế nên, một lý do rất rõ ràng là nhân quả. Rồi. Rất tốt! Ở đây còn một số bạn vẫn nghi ngờ nhân quả, đúng không ạ? Em chưa tin lắm, đúng không? Thích chuyện khác không ạ? Chuyện vừa xong có đủ ghê rợn không ạ?
2.2. Chuyện nhân quả tiền kiếp của bà sư Hải Yến
Thầy Trong Suốt: Mọi người có muốn nghe thêm chuyện nữa không hay là thôi, mình biết hết nhân quả rồi? Bao nhiêu người muốn nghe thêm chuyện nhân quả nữa ạ? Rồi, rất nhiều người. Bây giờ chúng ta sẽ nghe một chuyện khác. Chuyện này cũng là chuyện có thật thời Đức Phật luôn. Cần một người đóng vai chính, bà sư già. Nghe chắc là tốt rồi, đúng không ạ? Già chắc là người tốt. Bà sư già. Nghe tốt phát giơ tay luôn. Em tên là gì ấy nhỉ?
Bạn nữ: Em tên là Hải Yến ạ.
Thầy Trong Suốt: Hải Yến. Rồi. Sư già Hải Yến (Mọi người cười) tu ở trong chùa và…
Bạn Yến: Em 28 tuổi.
Thầy Trong Suốt: 28 tuổi. Sư già Hải Yến… à thôi, 78 tuổi đi cho oách (Mọi người cười) Sư già Hải Yến 78 tuổi và tu ở trong chùa rất nghiêm túc, cẩn mật. Cần hai ni cô trẻ đi ạ! Hai ni cô trẻ, không ai dám à? Thôi, dũng cảm đi! Một, Anh Thư là ni cô thứ nhất. Ni cô thứ hai! Rồi, Vũ My là ni cô thứ hai. Rất tiếc đây là vai phụ thôi. Vai phụ đêm nào cũng khóc. (Mọi người cười) Sư già Hải Yến, 78 tuổi, tu ở trong chùa và có 2 ni cô trẻ mới tu là Anh Thư và Vũ My. Anh Thư và Vũ My đêm nào cũng khóc.
Một hôm sư Hải Yến thấy đôi này đêm nào cũng khóc thì mới gọi đến và hỏi: “Vì sao con khóc?”. Anh Thư và Vũ My mới được dịp kể lể sự tình: “Thưa Thầy, chúng con trước đây là con nhà dòng dõi, trâm anh thế phiệt, giàu có và rất hạnh phúc ở một tỉnh kia. Thế nhưng chỉ một đêm nọ, bọn cướp đã đến gia trang của chúng con, giết sạch mọi người và hãm hiếp chúng con.” Đau chưa? “Sau đó còn bán vào lầu xanh. Vô cùng đau khổ. Thế rồi một ngày, có một đại sư đi vào lầu xanh và đã trả tiền để hai chúng con mua vui.” Nhưng đại sư đã không mua vui mà đến để làm gì?
Mọi người: Cứu ạ!
Thầy Trong Suốt: “Cứu chúng con đi trốn và đem về đây. Thế nhưng mỗi lần con nghĩ về chuyện đấy, con lại nhớ bố mẹ, rồi nghĩ tủi phận của mình.” Anh Thư với Vũ My đấy, thương bố mẹ bị chết oan này, xong rồi tủi phận. Chuyện này có thật trong lịch sử. “Tủi cái phận của mình quá, đang từ trâm anh thế phiệt, sắp được gả cho nhà tử tế, thế mà lại đi biến thành gái lầu xanh. Nên con khóc hàng đêm, con không thể nào chịu được.”
Mọi người những tưởng là Hải Yến sẽ buông lời an ủi ai dè bà cười: “Ha ha ha ha. Chuyện này muỗi, muỗi! (Mọi người cười to) Sao mà so được với đau khổ của ta! Để ta kể cho các con nghe!”. Ấy, hóa ra chỉ là muỗi đấy. Mọi người có muốn nghe chuyện của sư già Hải Yến không ạ?
Mọi người: Có ạ!
Thầy Trong Suốt: Được. Thuở trước ta là một cô gái rất xinh đẹp và tử tế, tốt bụng. Bố mẹ ta là một gia đình giàu có trong vùng, sống rất là tốt, rất hay bố thí. Từ nhỏ ta đã học được tính tốt của bố mẹ nên cũng hay bố thí và đi làm từ thiện. Lớn lên ta được gả cho một gia đình giàu có khác ở trong vùng. Cần một người đóng vai chồng của Hải Yến, ở đây có ai đóng vai không ạ? (Tường Huy giơ tay) Thế là ta được gả cho một gia đình giàu có và tử tế trong vùng. Chồng ta, Tường Huy, là một người béo tốt và rất tốt bụng, rất chăm lo cho vợ. Và ta sống hạnh phúc cho đến năm hai mươi…?
Mọi người: Hai mươi tám.
Thầy Trong Suốt: Hai mươi tám tuổi. Khi 28 tuổi, ta đã có hai đứa con, gia đình hạnh phúc và ta đang mang bầu đứa con thứ ba sắp đẻ thì bỗng nhiên nghe tin cha chồng của ta ở quê sắp mất. Ông rất muốn nhìn thấy chồng ta và các cháu một lần cuối cùng. Ôm bụng bầu, ta cùng chồng và hai con khởi hành về quê thăm cha. Trên đường đi mọi việc rất là bình thường cho đến ngày nọ, ta đi qua một con sông rộng. Đang ở trên thuyền với chồng và hai con thì Hải Yến bắt đầu trở dạ. Người lái thuyền mới cập bến ngay ở hòn đảo ở giữa sông, chỗ vùng đất nhô lên để cho Hải Yến đẻ con ở đấy. Chồng Hải Yến và người lái thuyền cùng nhảy xuống và làm tạm một cái lều nhỏ để cho Hải Yến đẻ. Hải Yến sinh ra một đứa con nhưng lúc đấy đau đẻ quá ngất lịm đi.
Nhưng tỉnh dậy thì điều gì đã xảy ra? Khi ta tỉnh dậy thì ta thấy một điều rất kinh khủng đã xảy ra. Chồng ta, người lái đò và đứa con cả đã nằm chết ở đấy. Kinh khủng chưa ạ? Nguyên nhân cái chết là gì? Có một con rắn hổ mang rất là dữ bò qua đấy, nhân lúc không để ý, nó cắn chết 3 người. Con rắn rất là độc, cắn phát chết luôn. Còn mỗi ta và đứa con thơ dại. Đứa lớn thì chết rồi. Còn đứa con hai tuổi và một đứa con thơ vừa mới sinh xong và một cái thuyền bơ vơ ở giữa sông, còn lại đã chết hết. Ta vô cùng đau đớn nhưng biết rằng nếu mà ở lại đây đến tối thì còn nguy hiểm hơn nên là không kịp chôn chồng, ta đành phải một mình chèo thuyền.
Để đứa con hai tuổi trên thuyền, lấy địu, địu đứa con mới sinh ở trên lưng và chèo thuyền vào bờ. Tuy nhiên ta là người phụ nữ tay chân mềm yếu nên lóng ngóng, rất lâu mới vào đến gần bờ. Vào gần đến nơi thì thuyền bị lật. Khi thuyền lật xuống thì đứa con 2 tuổi rơi xuống nước, ta lập tức phải nhảy xuống đề cứu nó. Ta mò mãi mà không cứu được nó, nó đã bị cuốn trôi theo dòng nước. Ta chợt nhớ ra rằng là trên lưng còn đứa con, quay lại thì nó đã ngộp thở và chết từ lúc nào. Lòng ta vô cùng đau đớn vì vô tình đã không cứu được đứa con hai tuổi lại còn làm chết một đứa con trên lưng.
Ta cảm thấy ngày đấy là ngày kinh khủng nhất đời ta, chết cả chồng, cả ba đứa con cùng chết. Ta vô cùng đau khổ, nằm trên bờ sông và nghĩ rằng chết quách cho rồi, vì chẳng còn gì nữa. Thì bỗng nhiên đêm đó, tự nhiên có bọn cướp đi qua và phát hiện ta nằm trên bờ sông. Chúng cảm thấy cô này có vẻ xinh đẹp, đem về cống cho trại chủ. Thế là Hải Yến bị cống cho trại chủ. Những ngày đầu ta không ăn không uống gì vì quá buồn, nhưng dần dần thì cũng hồi tỉnh lại và bị trại chủ của bọn cướp ép cưới làm vợ. Và không còn lựa chọn nào khác, ta đã phải cưới tên trại chủ bọn cướp.
Những tưởng sẽ sống những ngày an bình, thế nhưng một hôm, quan quân triều đình đến đuổi đánh bọn cướp, chém giết và cuối cùng bị đuổi đánh đến tận doanh trại. Chồng ta, người chồng mới, cùng với ta và những tên cướp khác bị đưa đến pháp trường. Vì đã cướp của giết người rất nhiều nên tất cả đều bị khép tội tử hình bằng cách chôn sống. Vì là vợ chồng nên quan quân họ quăng chúng ta cùng một hố, quăng ta xuống trước và quăng chồng – tên tướng cướp xuống sau, và lấp đất xuống. Ta nghĩ rằng mình đã chết đến nơi rồi. Chắc chắn là chết rồi vì bị chôn mà.
Nhưng mà may là khi rơi xuống, có một khoảng trống giữa chồng và ta nên cũng còn một chút không khí, nên là ta tạm thở những hơi thở cuối cùng. Màn đêm buông xuống. Theo mọi người cô này có chết không ạ? Hải Yến có chết không ạ? Đương nhiên là không rồi. Nếu chết thì đã không có chuyện ngày hôm nay. Thì đến lúc ta sắp hết không khí và sắp chết thì bỗng nhiên… À, cần một người đóng vai tên trộm! Có ai đóng vai tên trộm không ạ? Cần toàn những người dũng cảm thôi, toàn những vai cướp với trộm. Chả có gì hay cả đâu! Em có dám dũng cảm không? Em tên gì?
Bạn Dũng: Em tên Dũng ạ!
Thầy Trong Suốt: Rồi. Lại Dũng à! Được. Em giới thiệu thêm một chút đi!
Bạn Dũng: Em tên Dũng, năm nay 26 tuổi, em là chồng của bạn Trà.
Thầy Trong Suốt: À! Được, được! Bạn Dũng rất dũng cảm! Đóng vai trộm có gì hay đâu, đúng không? Có một tên trộm tên là Dũng, năm nay 26 tuổi. Tên trộm thì chỉ biết rằng có một đoàn người bị xử tử và chết ở đấy thôi. Nên mục đích của hắn là đào xem trên người còn đồ trang sức gì không thì cuỗm về, thế thôi. Thế là đào ngay đúng mộ của tên trại chủ. Khi đào đến nơi thì nghe thấy tiếng ta ú ớ, thế là tên Dũng đào thêm và cứu ta thoát khỏi cái chết. Và vì ta rất xinh đẹp, nên…
Xinh quá sướng hay khổ ạ? Vì ta rất xinh đẹp, thế là tên trộm lại đưa về nhà để làm vợ. Thế là ta, cứ tưởng là chết rồi, hóa ra lại trở thành vợ của tên trộm. Lúc đầu tiên là vợ của người tử tế này, sau đấy xuống cấp hơn đúng không? Là vợ cướp. Còn bây giờ lại làm vợ tên trộm. Ấy! Thế mới đau đấy! Vậy mà ta vẫn cười hi hi, và nghĩ rằng: “Ôi thế là ta lại có một tương lai rồi”. Tên trộm này có đặc tính rất lạ, vì hắn là một tên trộm nhưng ban ngày hắn giả vờ là người bình thường, không ai biết là tên trộm cả, sống giữa làng một cách rất bình thường, hàng ngày, như một công dân tốt. Nhưng, buổi đêm thì sao ạ? Hắn đi ăn trộm.
Thế thì hắn có dặn ta là: “Khi nào ta bị quan quân hay bị người ta đuổi, tên trộm bình thường thì không có đất nào trốn hết nhưng ta thì có một đời sống giả rất là tốt nên chỉ cần nàng chuẩn bị sẵn bộ quần áo dân thường và để sẵn cửa đấy, khi nào ta về ta gọi lập tức mở ngay và đưa quần áo cho ta thì ta tin rằng mọi lần ăn trộm của ta cũng đều trót lọt hết”. Nghĩa là người ta đuổi đến nơi thì không thấy ai nữa và nếu vào trong thì thấy một người đàn ông bình thường đang ngồi trong nhà.
Thế là Hải Yến trở thành tòng phạm của chồng. Nàng không muốn điều đấy nhưng mà số phận đưa đẩy như vậy. Nghĩa là ban ngày thì đóng vai người bình thường, ban đêm thì ngồi canh chồng, xem chồng có về không. Chồng về một cái thì lập tức mở cửa và đưa bộ quần áo dân thường. Thế là rất nhiều lần tên ăn trộm bị phát hiện nhưng mà không lần nào quan quân bắt được hết, bởi vì sao? Khi mò đến nơi thì lại thấy một người bình thường ngồi trong nhà. Hai người ở với nhau một thời gian thì Hải Yến lại có bầu và sinh ra một đứa con với tên trộm. Khi ta có bầu và sinh con ấy thì bắt đầu tâm trí ta không còn sức đâu mà vừa chăm con lại vừa canh cửa cho chồng nữa.
Ta trông một đứa con, nuôi nó đã quá mệt rồi. Chồng ta thì chẳng quan tâm gì đến đứa con đấy, suốt ngày chỉ lo làm việc xấu xa thôi. Nên mình ta phải cơm nước, rồi tất cả mọi thứ để chăm lo cho đứa con nên ta bắt đầu xao lãng dần việc mở cửa đêm. Có đêm thì ta mở cửa hơi chậm một chút. Chồng ta rất là khó chịu. Thế thì khi mà chồng ta và ta cãi nhau thì ta bảo là: “Anh không trông con cho em thì em phải trông, làm sao mà em có thể lúc nào vừa nghe tiếng chân chạy cũng chạy ra mở được”.
Chồng ta trở nên rất là căm ghét, khó chịu. Một đêm nọ, nghe tiếng chân rầm rập nhưng mà ta quá mệt vì cả ngày hôm đấy mệt lả vì chăm đứa bé, thế là ta đã gì? Quên. Mệt quá mà! Ở đây đã có ai đã từng có con chưa ạ? Sẽ hiểu cái mệt của người phụ nữ đúng không ạ? Nửa đêm mệt quá không thể đứng dậy làm gì được nữa. Thế là ta đã quên không ra mở cửa. Sáng hôm sau hóa ra chồng ta đã không bị bắt mà hắn đã kịp núp ở một nơi khác. Nhưng khi về hắn vô cùng giận dữ, hỏi “Tại sao đêm qua mi lại không mở cửa cho ta vào”.
Ta cũng nói sự thật thôi là vì đứa con. Chồng ta trong cơn giận dữ, cầm đứa con lên, giơ cao và ném mạnh xuống sàn nhà! Cú ném đấy, do cơn tức giận, rất mạnh và đứa bé chết ngay lập tức, ngay trước mắt ta luôn. Thế là vô cùng đau khổ vì con bị chết, ta khóc lóc mấy ngày đêm liền. Và cái khóc lóc đấy làm ta mệt lả đi. Nên mấy hôm sau, đêm đấy chồng ta về, và lần này thì gõ cửa ầm ầm và lúc đấy ta quá mệt mỏi tinh thần không còn sức để mà lết ra cửa nữa.
Kết quả là chồng ta bị bắt. Và khi chồng bị bắt thì ta bị coi là tòng phạm. Thế là quan phủ bắt cả hai vợ chồng ta. Chồng ta vì ăn trộm quá nhiều nên bị xử tử. Còn ta thì bị bán vào lầu xanh. Rồi một ngày nọ lại có một đại sư ăn chơi đi qua. Và sau khi ông trả tiền để qua đêm với ta, thì thay vì qua đêm với ta thì ông đã gì? Lại như lần trước đấy, dắt ta đi trốn và đưa đến cái chùa này. Đấy, thế là từ đó ta tu hành ở đây. Sau mấy chục năm tu hành thì ta đã đắc đạo và ta nhận những học trò như nhà ngươi. Ta bảo với đại sư là từ nay cứ đem học trò qua đây. Thế là Vũ My và Anh Thư mới có cơ hội gặp được Hải Yến ở đấy.
Vũ My và Anh Thư mới hỏi: “Tại sao con thấy Thầy vẫn tươi tỉnh như thế này, đáng lẽ Thầy nhớ lại chuyện buồn ngày xưa, Thầy phải khóc, Thầy phải buồn chứ?”, đúng không? Ba đời chồng đều chết. Chết mất tất cả mấy đứa con. “Mất 3 chồng, 4 con, bị làm kỹ nữ này, đồng phạm với ăn trộm, đồng phạm với cướp. Tại sao Thầy kể mà mặt thầy vẫn thoải mái vui vẻ thế?”
Vậy là Hải Yến mới kể là: “À vì ta tu hành đắc đạo. Khi ngồi thiền, ta đã thấy câu chuyện kiếp trước của mình”.
Câu chuyện như sau: Ngày xửa ngày xưa ấy, tức là kiếp trước nữa, ta đã từng là người vợ của một gia đình địa chủ rất giàu. Cuộc sống của ta đang rất hạnh phúc thì ông chồng của ta đem về một bà hai vô cùng xinh đẹp và ông bắt đầu dần dần lơ là với ta. Bên ngoài mặt ta nói rất là vui vẻ, chị chị em em nhưng trong lòng thì sao? Có vui được không? Khó, đúng không? Đời này thành A la hán rồi thì không nói làm gì. Nhưng đời trước, chưa giác ngộ thì đương nhiên mình sẽ không vui.
Mỗi lần cô ấy có bầu thì ta lại giả vờ ngọt xớt đến để chăm chăm sóc sóc. Nhưng thực chất là gì? Thực chất là ngầm đưa một lượng rất nhỏ thuốc độc vào, để cô ấy bị hỏng thai. Tổng cộng tất cả bốn lần. Đến lần thứ tư thì gia đình chồng và gia đình nhà mẹ cô kia bắt đầu nghi ngờ ta – Hải Yến đấy, và mới đem ra quan tố cáo. Nhưng thời đấy ta rất là khôn ngoan nên đã hủy mọi tang chứng. Khi hủy tang chứng rồi thì không còn cớ nào để bắt nữa và ta chối đây đẩy, hoàn toàn nói không. Và để lấy lòng tin của mọi người, ta đã phát ra một lời thề: “Tôi thề tôi không làm chuyện này. Nếu làm chuyện này thì tôi thề là chồng tôi sẽ chết, con tôi sẽ chết và tôi sẽ phải lấy ăn trộm, ăn cướp, đầu trộm đuôi cướp, tôi sẽ vào lầu xanh, v.v…” – Thề độc mà!
Thế nhưng đời đấy vẫn không bị sao hết. Vậy là mọi người thôi đành phải tha thôi. Còn cô kia thì sau 4 lần mất thai đó không thể đẻ nữa. Đời đấy ta không bị sao hết, ta vẫn sống khỏe mạnh nên mọi người không ai nghĩ rằng ta là tội phạm hết.
Nhưng lời thề đã tạo ra có cứu vãn được không? Đời đấy tuy ta chết khỏe mạnh vì nghiệp tốt đời trước vẫn nhiều nhưng nó quả báo ngay đời sau. Đấy, đời sau, ta đã chết 3 người chồng, chết 4 đứa con. Đúng tất cả lời thề của ta đã xảy ra hết như vậy, lấy ăn trộm ăn cướp, vào lầu xanh…
Nhưng rất may là nhờ lòng từ bi của nhà Phật nên ta mới được cứu ra và cuối cùng ta cũng đắc đạo, trở thành một vị A la hán và nhớ lại kiếp trước, kể lại câu chuyện này. Thế là hai cô tiểu thư nghe xong mới thấy đúng là nỗi khổ của mình không thấm gì so với khổ của Hải Yến. Và từ đấy trở đi, hàng đêm đã ngừng ti tỉ khóc mà đổi sang…?
Một bạn: Cười!
Thầy Trong Suốt: Hả? (Cười). Cười ấy hả? Tụng kinh niệm Phật, để hy vọng sau này cũng đắc đạo giống như sư phụ Hải Yến của mình. Đấy, câu chuyện đến đây là hết.
(Mọi người vỗ tay)
Thầy Trong Suốt: Hải Yến nghe xong thấy khổ không?
Hải Yến: Sướng ạ!
Thầy Trong Suốt: Sướng hả?
Hải Yến: Sướng bởi vì đắc đạo ạ!
Thầy Trong Suốt: Nhưng mà trước có khổ không?
Hải Yến: Trước như vậy thì chắc là không có gì khổ bằng rồi ạ!
Thầy Trong Suốt: Ừ. Như vậy một lần nữa, câu chuyện này hoàn toàn có thật luôn, cho thấy rõ là, tất cả những cái khổ mà mình phải chịu, đều là do chính mình gây ra, đúng chưa ạ? Trong đời này hoặc đời trước mình đã từng gieo nhân xấu, mình không cách nào để tránh được quả báo của nó hết. Đấy, đời trước mình lỡ thề rồi, đúng không? Kết quả là sao? Ở đây có ai đã từng thề là: “Nếu mà tao nói dối thì tao làm con chó” chưa? Có ai chưa, giơ tay ạ! “Nếu… chấm chấm tôi làm con chó” đấy. Có ai chưa ạ?
(Một bạn giơ tay)
Thầy Trong Suốt: Thôi rồi! Nhưng lúc đấy mình nói thật hay nói dối?
Bạn đó: Không nhớ ạ!
Thầy Trong Suốt: Nếu mình nói thật thì không sao, nếu lúc đấy mình nói dối thì sao? Chắc chắn là làm con gì rồi? Đấy, chắc chắn là sẽ thành con chó nên là phải rất cẩn thận, những ai thề thốt bây giờ phải cẩn thận. “Anh thề anh sẽ yêu em trọn đời, nếu không anh sẽ… làm bê đê” chẳng hạn, đúng không? Thôi rồi. Đấy, sau chuyện này một bài học rút ra ngoài bài học nhân quả là gì? Hãy cẩn thận với lời thề của bạn. Nhưng bài học lớn nhất là bài học gì ạ?
Minh Chiến: Nhân quả.
Thầy Trong Suốt: Nhân quả không sai được. Nên là khi mình đang khổ thì mình phải hiểu rằng là mình đang phải trả quả của những nghiệp xấu mà mình đã gây ra. Nếu mình không hiểu điều đó thì mình sẽ đi trách móc người gây khổ cho mình. Ví dụ trong trường hợp bà sư Hải Yến thì bà sẽ đi trách tất cả những người gây khổ cho bà, trách tên cướp, trách tên trộm, v.v… Nhưng cuối cùng nếu hiểu ra thì còn ai để trách không ạ? Có một người đáng trách nhất là ai thôi ạ?
Minh Chiến: Chính mình.
Thầy Trong Suốt: Là cái sự ngu dốt của mình, để mình phát ra những lời thề, làm việc xấu trong các đời trước. Thế nên khi mình gặp khổ, mình… (Một bạn giơ tay) Em nói đi.
Một bạn: Dạ, vâng thưa anh, cho em hỏi thêm cái câu chuyện mà anh kể. Tất cả các câu chuyện mà anh kể, em cũng không biết được là cái độ chính xác của nó hoặc là cái sự thật nó có 100% hay không? Có phải là những câu chuyện mà để răn đời hay là cái nhân quả nó thực sự hiện hữu ở trong đời?
Thầy Trong Suốt: Nếu mình không tin chuyện nhân quả đời trước thì mình có thể tin nhân quả đời này. Đời này, nếu ai đủ kinh nghiệm sống sẽ thấy nhân quả xảy ra ngay trong một đời, không nhất thiết phải là hai đời. Rất nhiều chuyện mình làm, nó quay lại với mình trong một đời. Đấy, cái này thì kinh nghiệm sống mọi người chiêm nghiệm chính bản thân mình sẽ thấy. Nhiều khi là người khác kể mình sẽ không thấy chính xác lắm, có thể mình nghĩ rằng là người ta nghĩ ra để răn đời. Nhưng nếu mình đã từng vận vào mình rồi, mình sẽ thấy rất nhiều chuyện mình đã từng làm xấu với người khác, rồi quay lại chính mình ngay. Hay Việt Nam mình có câu: “Cười người hôm trước… ”
Mọi người: “Hôm sau người cười”.
Thầy Trong Suốt: Câu đấy rất hay xảy ra. Đấy, ở đây ai đã từng xảy ra chuyện đấy bao giờ chưa?
Các bạn: Nhiều ạ.
Thầy Trong Suốt: Mình vừa chê người này hôm trước, hôm sau mình gặp đúng cái chuyện như vậy. Có ai có ví dụ không ạ? Mời bạn đeo kính ạ.
Hà Anh: Em là Hà Anh ạ! Hôm trước thì bạn em, Vani, đang mang bầu. Em nhìn thì thấy bạn ấy thai đã yếu rồi lại còn đi chơi, còn đi Hà Nội, đi Sài Gòn, đi tứ tung lên, xong còn đi Myanmar ấy. Em nghĩ là sao bạn này đã yếu rồi mà không biết giữ gìn ấy. Vậy là hôm sau em bị nói y như thế luôn. Tức là có người khác nói em là: “Yếu thì phải biết giữ gìn. Sao mà mày cứ đi chơi suốt ngày như thế. Sao không biết quan tâm gì”. Nhìn thấy ngay lập tức luôn ấy ạ.
Thầy Trong Suốt: Được. Ở đây ai đã từng nói dối xong bị quả báo chưa ạ? Không ai dám kể ra nhưng chắc chắn là có. Đây là lĩnh vực thuộc về chiêm nghiệm của mỗi người, nhưng mà ai đủ kinh nghiệm sống thì thấy điều đấy. Mình làm một điều xấu, làm ảnh hưởng đến người khác, làm hại đến người khác đấy, kể cả vô tình thôi chứ không phải cố tình luôn thì mình cũng phải nhận cái quả của việc đấy.
3. Khổ là vì có ác tâm
Thầy Trong Suốt: Chuyện về nhân quả thì rất nhiều, nó không chỉ đơn giản là trong cổ tích, mà các em có thể nhìn cuộc đời của mình mà xem, chắc chắn sẽ có. Nên khi mình tốt mà vẫn khổ thì một lý do rõ ràng là nhân quả. Tuy nhiên, mọi người sẽ nói là: đời trước tôi có biết gì đâu, đúng không? Tại sao đời này tôi phải chịu khổ thế? Mọi người cứ nghĩ rằng nhân quả chỉ có đời trước, thực ra có phải thế không ạ? Nhân quả có ngay trong đời này. Mọi người biết chuyện: Tại sao tôi có văn hóa mà lại nghèo, chưa ạ?
Các bạn: Chưa ạ.
Thầy Trong Suốt: Chưa à? Lại cần đóng vai một người đầy văn hóa. Chuyện này không hề có đời trước, kiếp trước gì cả, hoàn toàn không có một tí nào nghiệp xấu đời trước. Yên tâm chưa ạ? Để mọi người đỡ sợ là phải bị thề thốt rồi bị quả báo. Đời này không có chuyện đấy luôn, rất an tâm ạ. Có ai đóng vai người tốt không ạ? Học hành tử tế nghĩa là có văn hóa đấy ạ. Rồi, rất tốt.
Bạn nam: Em tên Quang. Năm nay 23 tuổi.
Thầy Trong Suốt: Rồi, rất tốt! Thanh niên Quang, 33 tuổi.
Các bạn: 23 tuổi ạ.
Thầy Trong Suốt: Nhưng trong chuyện nó là 33 mới đau chứ, không khác được. Sau khi ra trường 10 năm, đã học thành cử nhân này, xong rồi thạc sỹ này, rồi tiến sỹ. Đấy, tiến sỹ Quang, 33 tuổi, nhưng vẫn nghèo rớt mồng tơi. Cần một người đóng vai đại sư ạ! Đại sư sướng lắm, yên tâm, đại sư chỉ nói lời hay ý đẹp thôi, không sợ làm điều xấu. Rồi, em tên gì ấy nhỉ?
Bạn nam: Dạ, Nhân. 25 tuổi.
Thầy Trong Suốt: Đại sư Nhân, 55 tuổi, à, 65 tuổi cho oách. Đại sư Nhân, 65 tuổi, trụ trì của ngôi chùa nổi tiếng ở Đà Nẵng. Đấy, tiến sỹ Quang sau một thời gian rất dài, làm ăn mãi mà vẫn chưa giàu được, mới lên chùa vãn cảnh, mặt đang rất là buồn rầu thì đại sư Nhân đi qua:
– Làm sao con buốn?
Buốn là buồn đấy! Đúng gu mà, đúng không? Vì sao con “buốn” đấy! Tiến sĩ bảo:
– Buốn là gì hả Thầy? – Không biết “buốn” là gì hết.
– À không, ta đang đóng vai bụt. (Mọi người cười) Bụt hỏi là: Làm sao con khóc? Đúng không? Thì ta hỏi là: “Làm sao con buốn?”, buốn nghĩa là buồn.
Thế là anh Quang cởi mở tấm lòng:
– Ôi thưa Thầy, trời ơi, con không hiểu tại sao mà bố mẹ cho con học rất tử tế, con thành tiến sỹ rồi, đầy văn hóa trong người mà nghèo rớt mồng tơi, thua mấy cái bọn trình độ thấp, chỉ có cử nhân mà giàu nứt đố đổ vách. Thậm chí có đứa còn chả được đi học đại học thế mà nhà nó giàu, còn con đến tận tiến sỹ rồi mà không có nổi một cái… xe đạp mà đi. Tiến sỹ hẳn hoi đấy.
Đại sư Nhân hỏi:
– Con là tiến sỹ về ngành gì?
– Thưa Thầy, con là tiến sỹ Phật học. (Tiến sỹ Quang trả lời)
– Thôi rồi con ơi! Nhìn ta đây này, ta cũng là tương đương với tiến sỹ Phật học mà xem ta còn không có tí tài sản nào trong tay. Thôi, chúng ta đồng cảnh ngộ. Vào đây, vào đây nói chuyện.
Đại sư thì có gì đâu, đại sư tu hành chân chính đấy, chả có gì hết. Thế là tiến sỹ Quang và đại sư Nhân ngồi với nhau. Tiến sỹ Quang bảo: “Thế thầy giải thích cho con, tại sao con tốt thế này, con là người tốt, con chưa từng hại đến một con tôm, con tép…”, tiến sỹ Phật học mà, “chưa từng nói dối hay làm điều gì hại một ai. Con tốt thế này, tại sao con khổ thế? Không những không có chiếc xe đạp để đi mà còn không có nổi một mảnh…”
Bạn Quang: Tình vắt vai.
Thầy Trong Suốt: Giỏi. “Mảnh tình vắt vai chả có.” Em có người yêu chưa?
Bạn Quang: Em có rồi.
Thầy Trong Suốt: Có rồi à? Mảnh tình vắt vai còn chưa có, đấy, trong chuyện nó thế. Thế là đại sư Nhân mới bảo: “Con ạ, con là tiến sỹ Phật học nhưng con chỉ là tiến sỹ lý thuyết thôi, còn ta có ngày hôm nay vì ta đã trải nghiệm rất nhiều điều và ta có thể nói cho con biết rằng lý do khổ của con là gì.”
Tiến sỹ Quang bảo:
– Thôi thôi, thầy đừng nói, con biết rồi. Thầy định nói kiếp trước chứ gì! Thầy định kể chuyện công chúa Tiểu Phượng chứ gì! Hay là thầy kể chuyện bà sư già Hải Yến! Thôi, cái đấy biết hết rồi, cái đấy thì thôi, chúng mình cùng ở trình độ ngang nhau Thầy ạ. (Mọi người cười lớn)
Đại sư Nhân bảo:
– Không, không. Đây ta nói từ kinh nghiệm sống của ta chứ không nói từ chuyện trong sách. Bất kỳ những ai khổ, nếu họ khổ nghĩa là trong lòng họ có ác tâm.
Tiến sỹ Quang giật mình bảo:
– Không, không đúng. Con toàn thiện tâm thôi. Con ra đường nhìn phụ nữ thì con chỉ nhìn thẳng trước mặt thôi. Một cô gái xinh đẹp mặc quần ngắn ở bên này, một cô gái xinh đẹp mặc váy hở bên này, con chỉ có nhìn thẳng trước mặt thôi. Đến cái chuyện liếc gái con còn không làm thì làm sao có ác tâm được – Đúng chưa?
Đại sư Nhân vẫn khăng khăng:
– Không con ạ, chắc chắn đã khổ nghĩa là có ác tâm, cứ khổ là có ác tâm.
Quang mới bảo:
– Con chưa thế bao giờ. Con học đến tiến sỹ Phật học mà chưa thấy ai nói như vậy cả. Xin Thầy giảng giải cho con.
Thế thì đại sư mới bảo:
– Con hãy nói nỗi khổ của con cho thầy nghe đã.
Tiến sỹ Quang bộc bạch:
– Thầy thấy đấy, con học hành nhiều thế này, thế mà bây giờ con chỉ có tiền để đủ sống thôi, chứ không bằng bạn bằng bè. Bạn bè con thì nhà lầu xe hơi, tối thiểu là một cái xe máy xịn, còn con chỉ đi xe đạp bình thường thôi. Sống rất là thanh bạch, trong khi các bạn con giàu có, sống rất là sướng, ăn nhậu suốt ngày mà con chỉ nghèo – Đấy là cái khổ thứ nhất của con.
Nỗi khổ thứ hai của con là con học hơn nó rất nhiều, con là người có trí thức, mà tại sao người trí thức trong xã hội này lại khổ thế? Những người không có trí thức ấy, chỉ làm ăn phét lác, nói dối thì bao nhiêu tiền của. Còn những người trí thức như con rất thanh bạch, rất tử tế mà con rất tức, rất khó chịu vì cái bọn không có trình độ thì nó lại giàu có. Còn như con bao nhiêu kiến thức, bao nhiêu điều hay lẽ phải mà con lại không có đủ tiền bạc để ngang bọn nó. Đấy là nỗi khổ thứ hai.
Khổ thứ ba là con nghĩ rằng xã hội này quá bất công. Những người tử tế, những người tốt đẹp, những người có hiểu biết thì thường là khổ. Những người mà thiếu hiểu biết, ngu dốt, làm ăn lươn lẹo thì thường là sướng. Đó là nỗi khổ thứ ba – Bất công.
Khổ thứ tư là hàng ngày khi nói chuyện với những người kiến thức thấp, con cảm thấy họ chả hiểu biết gì cả. Con sống rất là cô đơn, vì con chẳng muốn nói chuyện với người kém hiểu biết, nói một lúc sau là toàn đem so về tiền tài, danh vọng, con cái với nhau, không ai so về đạo đức hay không ai so về hiểu biết Phật giáo với nhau cả. Con cảm thấy đấy là bốn nỗi khổ của con.
Thế là đại sư Nhân bảo:
– Thôi rồi con ơi. Đấy. Nguyên nhân khổ của con nó sờ sờ ra đấy rồi còn gì nữa.
– Đâu, khổ đâu? Con chả thấy đâu cả. Thầy đừng nói chuyện kia nhé, con biết rồi đấy, thầy đừng nói! (Tiến sỹ Quang nói)
– Không, yên tâm, hôm nay ta sẽ nói con biết tại sao. Khi con có đủ tiền để sống rồi, con có xe để đi này, con có chỗ để ở, có tiền để sống mà lúc nào con cũng muốn nhiều hơn nữa. Khi con muốn nhiều hơn nghĩa là vượt quá hoàn cảnh sống của con đang có. Con muốn nhiều hơn nữa trong khi con đã đủ rồi thì đấy gọi là ác tâm. Ác tâm đó gọi là ác tâm Tham. Muốn nhiều hơn cái mình cần, đấy là Tham. Như vậy con có tham, con thấy chưa?
Thế là tiến sỹ Quang hơi sững người lại rồi. Đại sư Nhân nói tiếp.
– Thứ hai, khi con thấy người khác giàu hơn mình, con sinh ra đố kỵ, ghen tức với họ, con ghét họ đấy. Con nghĩ họ giàu hơn con, con có biết được là họ giàu như thế nào đâu? Con chỉ thấy họ không có kiến thức, không bằng con thôi mà con đã sinh ra ghét họ rồi. Con ghét những người giàu hơn mình, con buộc cho họ những tội như là làm ăn gian dối, v.v… nhưng con đâu có biết thực sự đâu! Con chỉ ghen tỵ với họ mà thôi. Đấy gọi là sân. Con ghen tức với người khác, ghét người khác là Sân.
Thứ ba là con tin rằng cứ nhiều kiến thức thì mới tốt, ít kiến thức là xấu, con tin rằng nhiều kiến thức thì phải khá, ít kiến thức là phải không khá. Như vậy con không hiểu gì về nhân quả hết. Con phải hiểu rằng giàu nghèo, sướng khổ, không phải do kiến thức, hoàn toàn là do nhân quả, là do công phu tu dưỡng của mỗi người. Không hiểu về sự thật thì gọi là Si, đúng không? Con tự thấy mình hơn người khác, con cho người khác là kém, đấy là Kiêu mạn, Kiêu ngạo.
Như vậy trong con có tham lam này, ghen tị này, sân hận này, ngu si này, kiêu ngạo. Nhà Phật gọi đấy là năm độc, ngũ độc. Con có hết cả ngũ độc. (Mọi người cười) Đấy gọi là ác tâm. Làm sao mà con sướng được nếu con có ác tâm? Ngay câu chuyện của con cũng thể hiện con tham lam – muốn nhiều cái hơn cái mình có, ghen tị với người giàu hơn mình, sân hận với những người khác, kiêu ngạo khi thấy mình đặc biệt hơn và ngu dốt vì không biết vì sao mình lại thế. Có phải con có đủ năm độc không? Tham lam, sân hận, ghen tỵ, kiêu ngạo và ngu dốt. Tất cả cái đấy đều là ác tâm hết. Và con khổ chỉ vì ác tâm mà thôi.
Ví dụ bây giờ con bỏ tâm Tham đi, con hài lòng với số tài sản con có, tâm tham biến mất, thì con còn khổ nữa không?
Nếu con bỏ tâm Ghen tỵ đi, con đừng so sánh mình với những người giàu hơn và ghét họ nữa, con có sướng không?
Nếu con bỏ tâm Sân hận đi, con hiểu mỗi người có một nghiệp riêng của mình, không việc gì phải giận ai hết, con có sướng không?
Con bỏ sự Kiêu ngạo đi, đừng nghĩ rằng mình hơn người nữa, đừng nghĩ rằng tiến sỹ thì hơn người không có bằng nữa.
Và con bỏ sự Ngu dốt về việc không hiểu nhân quả đi.
Nếu con bỏ năm thứ độc đấy đi thì liệu, cũng hoàn cảnh bây giờ, con không có giàu có thì con còn nữa khổ không?
Theo mọi người thì sao ạ? Tiến sỹ Quang sau buổi nói chuyện với đại sư Nhân về suy nghĩ và do sự tu tập rất chăm chỉ của anh, dần dần anh đã bỏ được tham lam, sân hận. Sau một thời gian nữa anh bỏ được ghen tỵ, kiêu ngạo và cuối cùng anh bỏ được ngu dốt. Thế là một cô gái tuyệt đẹp đã đến trong cuộc đời anh. Rồi tự nhiên một hôm đi đường, anh trúng một tờ vé số và thế là tiền bạc, hạnh phúc đã mò đến cuộc đời anh. Tuy nhiên theo mọi người anh hạnh phúc vì cái gì ạ? Có phải là tôi hạnh phúc vì tiền bạc và gái đẹp không ạ? Mà thực ra trước khi có tiền bạc và gái đẹp, tiến sỹ Quang đã thực sự trở nên hạnh phúc bởi vì anh đã diệt được năm cái ác tâm bên trong mình. Như vậy, người tốt mà vẫn khổ là do đâu ạ?
Mọi người: Ác tâm ạ.
Thầy Trong Suốt: Vì thực ra bên trong mình vẫn còn ác tâm. Đấy, đấy là kết luận của câu chuyện vừa xong.
(Mọi người vỗ tay)
* Ghen tức với người khác – là Ghen tị.
* Ghét người khác – là Sân hận.
* Tự thấy mình hơn người khác, cho người khác là kém – là Kiêu ngạo.
* Không hiểu về sự thật gọi là Ngu dốt.
Tất cả đều là ác tâm. Chắc chắn, cứ khổ là có ác tâm.
4. Cái bẫy người tốt dễ rơi vào
Thầy Trong Suốt: Bây giờ mọi người hãy nhìn vào trong mình, ngay những người đang ngồi đây đi ạ, xem có phải là mình khổ vì trong mình vẫn còn ác tâm không ạ? Mọi người phải cẩn thận vì khi mình nghĩ mình là người tốt rồi, rất ít khi mình còn nghĩ là mình có ác tâm. Nhưng sự thật là có. Sự thật là khi mình sân hận với ai đó thì đấy là ác tâm. Ví dụ mình đang là người tốt, không sao, không ai làm gì hết, nhưng khi có một người đến động chạm quyền lợi của mình và mình sinh ra ghét họ, trong lòng bực tức, có những mong muốn tiêu cực với họ – khó chịu đấy. Đấy là một loại ác tâm.
Mình khổ không phải vì người kia đến gây chuyện với mình mà mình khổ vì cái ác tâm sinh ra trong quá trình người kia đến gây chuyện với mình, nếu mình không có sân hận thì sẽ không khổ, dù người ta gây chuyện. Nếu một người đến nói xấu mình, mà mình tập để không ghét họ, chỉ thông cảm với họ thôi, nên không khổ. Điều đấy nghe có vẻ rất khó làm nhưng hoàn toàn có thể làm được. Giống như tiến sỹ Quang đã làm đấy.
Đầu tiên là không làm được, nhưng khi làm được thì nỗi khổ biến mất. Bấy lâu nay mình tin rằng mình khổ là do một cái gì đó bên ngoài đem đến, đấy là một nhầm lẫn lớn. Mình khổ vì những ác tâm bên trong mình, nhầm lẫn bên trong mình. Mình sửa được nhầm lẫn, sửa ác tâm bên trong mình thì nỗi khổ sẽ mất. Nguyên tắc rất đơn giản để giải quyết khổ là thế!
Vì sao tốt mà vẫn khổ? Vì tốt nhưng vẫn còn ác tâm. Nếu mọi người trung thực với mình thì sẽ thấy điều đấy. Ví dụ thế này, mẹ của anh, bây giờ hết rồi, nhưng ngày xưa ấy, rất là căm thù bọn Mỹ, đúng không?
Bác Nhị: Đúng.
Thầy Trong Suốt: Vì sao lại căm thù bọn Mỹ? Vì Mỹ nó dội bom xuống đây, đúng không? Căm thù là ác tâm hay là thiện tâm?
Một bạn: Ác tâm ạ!
Thầy Trong Suốt: Nên mỗi lần nghe tin, ví dụ nước Mỹ đã phóng tàu vũ trụ, ui trời, tức lắm! Vượt Liên Xô rồi, không được! Bọn đấy là bọn đế quốc, bọn phản động! Nghe đến những điều tốt đẹp của nước Mỹ thì không thấy vui gì hết. Những điều tốt đẹp nước Mỹ làm cho người Mỹ hạnh phúc, mình chả vui được vì mình có ác tâm với nước Mỹ, thế là khổ rồi. Thế là mình xem thời sự thấy nước Mỹ tiến bộ thì cảm thấy thế nào?
Các bạn: Đau khổ.
Thầy Trong Suốt: “Khổ quá, trời ơi, cái bọn Mỹ, bọn đế quốc này!” – Vậy thì mình khổ vì ác tâm hay mình khổ vì bọn Mỹ làm điều xấu với mình?
Các bạn: Khổ vì ác tâm.
Thầy Trong Suốt: Đấy, ví dụ rõ ràng chưa? Mình khổ không phải vì bên ngoài, mà mình khổ vì ác tâm bên trong.
Người tốt, đặc biệt, lại có một vấn đề lớn là nghĩ rằng mình không hề có ác tâm. Người tốt đau ở chỗ đấy! Người xấu còn biết là mình có ác tâm, chứ người tốt rồi thì sao? Khó lắm, khó nhận ra lắm. Mà không nhận ra thì không thèm chữa, không thèm sửa. Mà đã không sửa thì có mất không ạ? Không sửa thì nó ở đấy mãi. Thế nên người tốt mà đã khổ thì khổ mãi. Vì khi người tốt khổ, đặc điểm chung là sẽ đổ lỗi ngay lập tức cho bên ngoài, vì tôi tốt mà! Tôi tốt mà tôi khổ, suy ra khổ đến từ đâu?
Một bạn: Từ bên ngoài.
Thầy Trong Suốt: Đến từ nó, hắn, ả đấy, đúng không? Chứ làm sao đến từ tôi được? Người xấu còn nghĩ là mình xấu thì có khi biết lỗi là của mình. Người tốt thì rơi vào cái bẫy của người tốt. Cái bẫy của người tốt là gì? Khi khổ thì tôi đổ lỗi bên ngoài, vì tôi nghĩ tôi là người tốt mất rồi, tôi không hề cẩn thận với ác tâm của mình. Và kết quả là nếu người tốt mà khổ thì nỗi khổ dài lắm, dai dẳng, rất lâu, thậm chí cả đời cho đến lúc chết cũng không hết được. Nên ở đây ai là người tốt thì cẩn thận. Tốt là rơi vào trạng thái nghĩ rằng “khổ đến từ bên ngoài”. Ở đây đã ai từng rơi vào trạng thái: “Khổ là do ai đó làm cho tôi” hay “Khổ là do bên ngoài” chưa giơ tay ạ?
(Một số bạn giơ tay)
Đấy, rất tốt, rất tốt. Mình phải cẩn thận. Tại vì mình đang bị chính mình lừa. Hóa ra khổ không đến từ bên ngoài mà khổ đến từ ác tâm từ bên trong mình. Khi mình hiểu được điều đấy thì mình sẽ không dồn năng lượng ra bên ngoài nữa, mình vẫn sống bình thường, nhưng mình dồn năng lượng vào sửa bên trong mình. Buổi này có nhiều người mới, nhưng nếu mọi người nghe lại ghi âm lần trước, anh kể chuyện cuộc đời của anh, thì nó thể hiện một câu chuyện đúng như vậy luôn.
Nghĩa là mình tài năng, v.v… nhưng mình lại khổ. Khi mình tu sửa rồi thì mình bắt đầu hạnh phúc. Ở đây có ai có câu chuyện như thế không ạ? Khi tôi tốt thì tôi khổ, còn khi tôi bắt đầu sửa mình rồi thì tôi mới bắt đầu hạnh phúc. Tu đây là không có gì đặc biệt cả, không phải ăn chay niệm Phật, ăn chay niệm Phật cũng chẳng phải là tu. Nếu mình không chịu sửa những ác tâm bên trong mình thì không gọi là tu, đấy chỉ là tu bên ngoài thôi. Vô ích! Ở đây có ai thích kể một câu chuyện về thực sự sửa mình và hạnh phúc không ạ? Sửa mình xong hạnh phúc. Tôi đã từng khổ này, xong tôi sửa bên trong thì hạnh phúc đến với tôi. Mời “nhà vua” đi ạ!
Bạn Vương: Xin chào mọi người, em muốn chia sẻ sự thay đổi thái độ và nhận thức bên trong mình để sống cuộc đời hạnh phúc. Cách đây hơn nửa năm, mình cũng phiền não khổ đau nhiều lắm về việc học, về các mối quan hệ, về sự nghiệp. Mà lúc đó thì đi tìm hướng giải quyết bên ngoài bằng cách đi chơi với bạn bè, đi làm đủ thứ hết nhưng mà vẫn không giải quyết được. Ví dụ mình cũng quyết đi chơi khoảng 3 ngày 2 đêm, lúc về mình chắc chắn sẽ thay đổi nhưng mà không khi nào nó tới hết.
Rồi sau đó mình bén duyên với một chị ở đây, chị chia sẻ cho mình quyển sách, qua quyển sách đó mình đi vào sửa bên trong và từ đó nó dẫn dắt đến đạo Phật. Trong quá trình tìm hiểu mình cảm thấy cái tâm của mình hoàn toàn không có thật, nhưng mà mình lại tin nó là có thật, cho nên nó làm cho mình đau khổ. Và khi mình biết được tâm của mình hoàn toàn không thật, mình không bám chấp vào nó nữa.
Cộng thêm mình có hiểu về luật nhân quả và sự vô thường nên mình hiểu mọi chuyện đến rồi đi. Tất nhiên nó phải như vậy và mình chấp nhận nó. Một khi chấp nhận mọi chuyện xảy ra, mọi hoàn cảnh đến thì ung dung, tự tại, rất là tuyệt vời. Từ đó trở đi 6 tháng rồi, thực sự là không còn phiền não khổ đau nữa, đôi khi nghĩ lại mình vẫn thấy muốn khóc, vì mình vẫn còn tương đối, cũng không có quá lớn tuổi nhưng mà mình đã hiểu được cái này.
Thầy Trong Suốt: Quá hay còn gì nữa! (Mọi người vỗ tay) Rất tốt! Chúc mừng bạn Vương, đúng không? Quyển sách của em đọc là quyển gì?
Vương: “Thức tỉnh mục đích sống” của Eckhart Toller.
Thầy Trong Suốt: Được, rất hay. Có ai có câu chuyện sửa mình xong, sửa bên trong rồi hạnh phúc mới đến không ạ? Ở đây thế nào cũng có. Mọi người mạnh dạn đi ạ. Rồi, Hải Yến kể chuyện đi!
Người xấu còn biết là mình có ác tâm, chứ người tốt thì khó nhận ra lắm. Không nhận ra thì không thèm sửa. Không sửa thì nó ở đấy mãi. Thế nên người tốt mà đã khổ thì khổ mãi.
5. Giảm buồn khổ bằng cách nào?
5.1. Bớt nghĩ cho mình, quan tâm đến nỗi khổ của người khác.
Hải Yến: Dạ, vâng. Em cũng có câu chuyện nho nhỏ thôi. Trước em cũng có tìm hiểu về đạo Phật và em cũng có học khóa phát triển cá nhân để thay đổi nhận thức, tư duy, cũng như thay đổi cách hành xử phù hợp trong cuộc sống. Tuy nhiên thời gian mà em học hỏi cũng giống như một quá trình sửa bên trong. Mình cũng nhận thức, cũng có hiểu biết để giải quyết vấn đề và biết rằng, nên làm như thế nào để cho đúng, cho tốt. Nhưng thực ra cái phản ứng tức thời của mình lại không thể kiểm soát được so với nhận thức của mình.
Chẳng hạn trong cuộc sống gia đình thì em vẫn hay nổi cáu với con, với chồng và hay phản ứng tức thời trước những sự cố xảy ra. Em chưa kiềm chế được. Em cũng hay tâm sự với mọi người là em biết cách giải quyết, nhưng không hiểu sao em vẫn chưa thay đổi, tức là có nhận thức nhưng chưa thay đổi. Cách đây 2 tuần, lần đầu tiên trong đời em bị chồng tát cho một cái nảy đom đóm mắt, giống như một tia chớp xoẹt qua mắt. Bình thường như mọi khi em sẽ phản ứng lại, chống đối và chắc chắn sẽ có một sự cố rất là lớn. Nhưng mà hôm đó thì có đứa con nhỏ của em. Chồng em lúc đó cũng có một chút men thế nên tát em một cái như vậy, lần đầu tiên trong đời đó. Tát xong giống như em bị choáng, xong rồi em tỉnh luôn. Em ngoảnh ra, em chỉ nói là: “Tại sao anh lại tát em trước mặt con?”. Em nói với con em, cười bảo: “Ba đùa mẹ đấy!”. Xong rồi em ôm và dỗ con em ngủ, chồng em đi chỗ khác. Lúc đó thì nằm nghĩ và khóc thầm một mình, miệng vẫn ru con ngủ nhưng mà trong lòng khóc thầm và nghĩ từ nay mình sẽ không nói chuyện với chồng, mình sẽ phản ứng như thế nào và nghĩ chồng không thương yêu mình, không tôn trọng mình,… rất nhiều thứ và cứ khóc thầm như vậy.
Chồng em chắc cũng nghĩ rằng đã sai, đi lên cố để làm lành nhưng em nhất quyết không quay ra, cứ nằm như vậy và thiếp đi. Em cũng không hiểu sao ngay sáng hôm sau em đi chợ, cũng không biết là cái duyên hay sao ấy. Em định mua hến về nấu canh thì mới nói với bà bán hến là “Thôi cho cháu cả chỗ đấy, để một nửa nấu canh, một nửa đi phóng sinh”. (Mọi người cười) Thế là bà bán hến mới nói: “Ôi! Phóng sinh thì phóng cả mà nấu thì nấu hết.”
Thầy Trong Suốt: Bà ấy tỉnh nhỉ? Bà ấy tỉnh.
Hải Yến: “Nếu phóng một nửa, nấu một nửa thì tội những con bị nấu”, thì em bảo: “Vâng, vậy cho cháu hết để cháu đi phóng sinh”. Đi phóng sinh xong về nhà em vui vẻ, thoải mái, không hiểu sao tất cả mọi buồn phiền được trút hết. Thế là bắt đầu từ hôm đấy em trở lại cuộc sống bình thường, không hề đả động gì đến chuyện chồng tát hay chồng gì cả. Chồng em chắc cũng thấy em thay đổi, từ hôm đó đối xử với em rất là tốt. Bây giờ em nghĩ ra một bí quyết là khi mình có chuyện gì buồn thì mình cứ đi phóng sinh.
(Mọi người cười lớn)
Thầy Trong Suốt: Được. Rất tốt!
Hải Yến: Phóng sinh có điều gì đó rất là kì diệu. Giống như mọi cái sân si của mình được trút bỏ hết, mình buông xả hết ra. Tự nhiên tâm mình sẽ cảm thấy thoải mái.
Thầy Trong Suốt: Được, rất tốt. Rất hay. Câu chuyện rất hay. Bài học là gì?
Mọi người: Buồn thì đi phóng sinh.
Thầy Trong Suốt: Bài học phải liên quan đến bài nói chuyện chứ, đúng không?
Hải Yến: Tức là khi bản thân mình thay đổi thì người khác cũng thay đổi. Từ hôm đó em thấy chồng em sống rất là tình cảm. Cảm giác như trân trọng em hơn.
Thầy Trong Suốt: Rất hay. Khi mà, khi mình bị chồng tát, nếu mình trở nên sân hận và ghét chồng thì đó gọi là gì?
Một bạn: Ác tâm.
Thầy Trong Suốt: Ác tâm. Xong mình sẽ cố sửa chồng. Chồng tát thì chồng xấu, đúng không? Mình là người tốt mà! Nhưng người tốt kiểu gì mà lại gì…?
Một bạn nam: Bị chồng tát.
Thầy Trong Suốt: Không phải! Tịch thiền! (Thầy Trong Suốt và mọi người cười lớn). Người tốt kiểu gì mà đi mua hến hai nửa! Khó làm người tốt lắm, đúng không? Đấy! Như vậy là gì? Khi bạn ấy bị chồng tát, đáng ra phải tìm cách chiến đấu với chồng – đấy là ra bên ngoài. Thì mình nhận ra rằng, hoá ra mình không tốt lắm, mình mua hến làm hai nửa chứng tỏ mình không tốt lắm. Mình chuyển thành người tốt hơn là gì?
Mọi người: Mua cả!
Thầy Trong Suốt: Mua cả phóng sinh. Đấy, đấy là sửa bên trong đấy. Mọi người hiểu chưa, không phải như là bạn nam này nói đâu! Khi bị chồng tát thì mình không đổ lỗi cho chồng mình vội mà mình tìm vấn đề và sửa vấn đề của mình. Vấn đề của mình là gì? Là rất ác tâm. Ghét chồng, rồi giận hến. Đến mua hến còn phải chia đôi. Và mình chuyển sang thiện tâm. Thiện tâm ở đây là gì? Khi chồng mắng, mình buồn không ạ? Mình buồn, đúng không ạ? Thế khi mình phóng sinh là mình nghĩ đến quyền lợi của ai? Mình nghĩ đến quyền lợi của người khác. Mình nghĩ đến con hến mà! Khi mà bà ấy nói thế mình phóng sinh tất cả luôn.
Khi buồn mình chỉ nghĩ cho mình thôi, thế là nỗi buồn của mình nhân lên nhiều lần. Đấy! Khi mình buồn mà chỉ nghĩ cho mình ấy, thì nguyên tắc đơn giản thôi, vì mình tập trung vào nỗi buồn của mình, nên nó trở nên to lớn. Còn khi mình buồn mà mình nghĩ được cho người khác, nỗi buồn của mình tự nhiên giảm xuống. Mà khi bạn đi phóng sinh, bạn có nói là kì diệu. Cái sự kì diệu ở đây có thể giải thích được. Thứ nhất là bạn đã gây được một cái nhân tốt. Nhân phóng sinh là tốt rồi. Không phải nhân sát sinh.
Nhân thứ hai là khi tôi buồn ấy, thay vì chỉ nghĩ cho tôi, tôi nghĩ cho những người khác nữa. Thế là nỗi buồn của tôi nó xẹp xuống. Còn nếu khi tôi buồn mà tôi chỉ nghĩ cho tôi không ấy: “Sao mình khổ thế này? Sao bất công thế này? Sao người ta lại cư xử xấu với mình thế này?”… toàn là “mình, mình, mình, tôi, tôi, tôi” ấy, thì nỗi buồn nó nhân lên. Đấy, bài học thứ hai mà ta có thể rút ra được là gì?
Hải Nam: Khi nào buồn thì nghĩ cho người khác ạ.
Thầy Trong Suốt: Khi mình buồn, đấy là dấu hiệu mình đang nghĩ quá cho mình rồi. Mình càng nghĩ cho mình thì nỗi buồn của mình càng nhân lên. Nên thông minh nhất lúc đấy là gì? Là bớt nghĩ cho mình đi và quan tâm đến nỗi khổ của người khác. Quan tâm đến việc giúp cho người khác hết khổ. Mình có thể quan tâm đến con hến cũng được. Quan tâm đến một người khác cũng được. Tự nhiên nỗi buồn của mình không còn quá lớn nữa, bởi vì mình không còn tập trung vào cái tôi của mình nữa. Còn ngược lại, người tốt khi buồn thì rất hay nghĩ cho mình – “Mình tốt thế này sao mình khổ thế?”, đúng không ạ? “Tôi tốt mà! Tôi tốt thế này sao tôi bị khổ thế!” Cho nên suốt ngày “mình, mình, mình”, “Sao tôi bất công thế? Sao tôi khổ thế? Sao người ta nỡ đối xử với tôi như vậy?”… Toàn là “tôi”.
Khi mình là người tốt, mình toàn nghĩ cho “tôi” thì nỗi buồn mình tăng hay giảm? Mình là người tốt nhưng mình toàn nghĩ cho “tôi”, cho “mình” thì nỗi buồn của mình tăng dần, tăng dần lên. Mình không nghĩ cho những người khác nữa. Không nghĩ cho con hến, thậm chí là không nghĩ cho ông chồng mình. Có khi ông ấy cũng có nỗi khổ của ông ấy. Mình không nghĩ gì hết. Còn khi mình nghĩ được nỗi khổ của người khác ấy thì mình sẽ có sự thông cảm. Cái tôi của mình sẽ giảm xuống. Mình không suốt ngày nghĩ cho mình nữa.
Nên ngoài câu chuyện phóng sinh ra, một kinh nghiệm tốt là khi mình khổ, mình buồn thì đừng nên chỉ nghĩ cho mình, vì nếu chỉ nghĩ cho mình, nó sẽ tăng lên thôi, mà hãy nghĩ đến đau khổ của người khác, chia sẻ với người khác đau khổ của họ. Chia sẻ với con hến cũng được, chia sẻ với một người bạn của mình cũng được, chia sẻ với người gây ra đau khổ của mình thì càng siêu nữa. Lúc đấy lòng thông cảm của mình tăng lên, cái tôi của mình giảm xuống. Đấy là một cách rất tốt để mình sửa bên trong, sửa ác tâm của mình mà lại không gây tổn hại cho mọi người.
Đấy. Thời điểm thay đổi quan trọng nhất của bạn ấy là thời điểm bà bán hến bảo rằng “phóng sinh hết đi”. Bạn ấy mua một nửa phóng sinh, một nửa giết thì ác tâm hay thiện tâm ạ?
Mọi người: Ác tâm.
Thầy Trong Suốt: Vẫn là ác tâm, đúng không? Đấy, bạn chuyển được thành thiện tâm. Nhân câu chuyện này nói thêm là mọi người ở đây đừng nên giết bất kì con gì sống vì đấy là một điều rất xấu, nghiệp rất là xấu. Nghiệp rất xấu là mình làm hại đến sinh mạng của chúng sinh khác. Cực kỳ xấu luôn! Mình nên tránh. Nếu mình ăn thì mình nên mua những con đã chết rồi. Và mình cũng không được bảo người ta giết cho mình. Mình không được bảo là: “Thôi, em không sát sinh đâu, chị sát sinh hộ em”.(Mọi người cười)
Đấy, đấy chính là cái nghiệp bảo người khác giết cũng tương đương mình giết. Nên là mọi người qua câu chuyện của bạn Hải Yến thì nhớ điều đấy. Mình không sát sinh con nào nữa.
5.2. Sửa những hiểu biết sai lầm chính là tu tập
Hải Yến: Em vẫn băn khoăn việc sát sinh. Trong cuộc sống mình không thể tránh khỏi việc sát sinh. Nhưng đôi khi em vẫn cân nhắc ví dụ kiếp sống của những loài vật súc sinh, các con vật phục vụ cho nhu cầu cuộc sống, thì có thể mình giết nó, nhưng mà mình kèm theo cái ý tốt là muốn hoá kiếp cho nó để nó thay đổi sang kiếp sống khác, nó sẽ tốt hơn là kiếp súc sinh đấy. Đấy có phải là một điều tốt không ạ?
Thầy Trong Suốt: Có một ông thần, ở trong khu phố nhà em, ông thấy em khổ quá, bị chồng tát. Thôi, mình hoá kiếp cho nó! (Mọi người cười) Em nghĩ thế nào? Cái việc mà em sang kiếp sau khổ hay không không biết. Nhưng việc ông thần giết em là em khổ cái đã, đúng không? Em phải lìa bỏ những người em thân thương này, em bị tổn hại sức khoẻ và sinh mạng. Chưa biết kiếp sau là cái gì, nhưng kiếp này đã khổ rồi. Thì em giết con khác cũng thế thôi. Em không biết lời cầu nguyện của em, lời mong muốn của em liệu có làm cho nó qua kiếp khác, có tốt hơn được không?
Nhưng chắc chắn em biết là em đã làm nó ly tán gia đình. Em làm nó bị mất đi mạng sống và sức khoẻ. Em đã gây đau khổ cho nó rồi. Đúng chưa? Đấy, ông thần ông ấy hoá kiếp cho em, em nghĩ thế nào? Đồng ý không? Vui vẻ nhận lời không? Đấy là nhận thức mà mình phải sửa đấy.
Tu nghĩa là gì? Tu nghĩa là sửa. Tu không phải là tụng Kinh, niệm Phật, ăn chay. Tu thật sự là mình sửa những cái sai bên trong mình.
Ví dụ em sửa được cái suy nghĩ vừa xong thì gọi là em đã tu một ít rồi, em đã sửa được cái suy nghĩ sai lầm rằng “mình hoá kiếp thì nó sẽ sướng”. Có khi nó còn khổ hơn nữa, đúng không? Mà có khổ hơn hay không không biết, nhưng ngay lập tức nó khổ. Ly tán gia đình, mất đi sức khoẻ. Đấy! Khi mình nghe, đọc những câu chuyện mình thấy Đức Phật đã rất nhiều đời làm những con vật này, con vật kia. Đức Phật kể lại những chuyện đấy, mình mới thấy được là xã hội của con thú, nó cũng đau khổ như con người luôn, nó cũng có chia ly, nó cũng có đau khổ. Không phải con thú thì không biết đau khổ đâu. Con thú cũng đau khổ như con người.
Chỉ có con người kiêu ngạo nghĩ rằng không phải thôi, nghĩ rằng chỉ có mình mới đủ thông minh để mà đau khổ thôi. Còn thú biết gì đâu mà đau khổ. Không phải luôn! Loài thú cũng thế, nó cũng có yêu thương, nó cũng có chia lìa, nó cũng đau khổ. Thỉnh thoảng mình cũng gặp những chuyện như con bò mẹ thấy con bò con bị giết trước mặt mà lăn ra ngất đấy. Ở xã hội này luôn đấy! Để mình thấy là con thú cũng rất nhiều tình cảm. Nên khi mình hiểu rồi thì mình không nên giết hại con nào nữa. Tất cả mọi người nên chuyển sang không giết, không sát sinh.
Một bạn: Con vi khuẩn thì sao ạ?
Thầy Trong Suốt: Con vi khuẩn thì mình không tránh được rồi. Em giẫm chân một cái là giẫm chết rồi. Nếu em khá hơn thì em có thể có một lời cầu nguyện là những con vật mà tôi vô tình giết phải. Cố tình thì không giết, nhưng vô tình giết ấy, thì tôi nguyện là sẽ hồi hướng công đức cho nó để nó siêu thoát. Thứ hai là tôi nguyện rằng, tôi sẽ giác ngộ để sau này quay lại cứu nó. Còn bây giờ không có cách nào khác.
Như vậy, mình nên sống trong cái tâm là cái tâm không muốn hại đến người khác. Thiện tâm đấy, không muốn hại đến ai cả. Như em thế là đã thay đổi rồi, đúng không? Không là ông thần đến hoá kiếp, em chết. Tối nay ông thần ông thấy em khổ quá, bị chồng tát một cái, thấy khổ quá thế là?
Một bạn: Hoá kiếp.
Thầy Trong Suốt: Hoá kiếp luôn cho mày!
(Mọi người cười)
Tin rằng mình khổ do một cái gì đó bên ngoài là một nhầm lẫn lớn. Mình khổ vì những ác tâm, những nhầm lẫn bên trong mình. Sửa được nhầm lẫn, ác tâm bên trong mình thì nỗi khổ sẽ mất.
Tu tập là sửa những cái sai bên trong mình.
6. Nếu tốt mà vẫn khổ thì phải làm gì?
Thầy Trong Suốt: Câu chuyện của bạn Yến rất sống động và hay. Mọi người hiểu tại sao tốt mà vẫn khổ chưa ạ? Vậy câu hỏi là, bây giờ nếu tốt mà vẫn khổ thì phải làm gì? Làm gì ạ?
Tốt vẫn khổ bởi vì nhân quả, vì trong lòng tôi vẫn còn những nhầm lẫn, vẫn còn ác tâm. Vậy bây giờ, nếu tôi thuộc loại tốt mà vẫn khổ thì tôi cần phải làm gì? Ai có câu trả lời không ạ? Có hai chữ thôi. Mọi người đoán thử xem là hai chữ gì?
Một bạn nam: Cho đi.
Thầy Trong Suốt: Cho đi, rồi, một quan điểm. Ai có quan điểm khác không ạ, hai chữ?
Một bạn khác: Nhận ra.
Thầy Trong Suốt: Nhận ra, rất hay ạ. Rất hay, rất hay! Có ai có chữ khác không ạ?
Một Bạn nam: Thay đổi.
Thầy Trong Suốt: Thay đổi, quá hay! Rất hay luôn. Có ai có ý kiến khác không ạ? Hai chữ đấy ạ.
Một bạn nữ: Sửa tâm… Sửa mình.
Thầy Trong Suốt: Woa! Bạn này nói đúng ý của anh. Gì ạ?
Bạn nữ đó: Sửa mình.
Thầy Trong Suốt: Em giới thiệu đi!
Bạn nữ: Dạ, em là Thuỷ, 24 tuổi. Là nhân viên PR của một hãng thời trang. Độc thân.
Thầy Trong Suốt: Mới độc thân? Nghĩa là? Mới bị khổ đúng không ạ?
Bạn Thuỷ: Mới thoát khỏi bể khổ.
Thầy Trong Suốt: À. (Mọi người cười) Đời là?
Mọi người: Bể khổ.
Thầy Trong Suốt: Đời là bể khổ, tình là…? Dây oan. Mọi người biết chuyện chôn cùng một cô gái rồi đúng không ạ? Chuyện rất phổ biến! Có người thì đắp chiếu, có người đem đi chôn đấy ạ! Tình chỉ là mối dây như thế thôi. Những mối dây nợ nần nhân quả của nhau. Nên là, ai hiểu “đời là bể khổ, tình là dây oan” thì mình sẽ làm gì ạ? Làm đúng như lời bạn Thuỷ nói là gì? Sửa mình.
Cách duy nhất để hết khổ là sửa mình. Tuy nhiên nếu người tốt mà vẫn khổ ấy thì phải thêm hai từ nữa, đố biết hai từ gì? Tự sửa mình là chuẩn rồi, chính xác rồi. Nhưng mà nên thêm hai từ nữa, đố mọi người đoán được hai từ đấy. Mời em!
Bạn nữ: Chuyển nghiệp.
Thầy Trong Suốt: Chuyển nghiệp, rất hay ạ. Nhưng ở đây nhấn mạnh chữ “người tốt”, nghiệp tốt nhiều lắm rồi nên là hai chữ gì ạ? Mời bạn áo xanh.
Bạn áo xanh: Trung thực.
Thầy Trong Suốt: Trung thực. A! Rất giỏi, rất giỏi. Em tên gì?
Bạn áo xanh: Dạ em tên Nhi.
Thầy Trong Suốt: Thế nào, tình trạng hôn nhân, có giống bạn này không? (Chỉ bạn Thuỷ)
Bạn Nhi: Sắp chui vào rọ.
(Mọi người cười)
Thầy Trong Suốt: Ặc! Có một chỗ mà người bên trong thì muốn chạy ra, người bên ngoài thì muốn chui vào. Bạn Vũ Nhi nói là trung thực. Người tốt ấy thì phải thêm hai chữ trung thực. Nhưng mà trung thực với ai ạ? Có phải trung thực với thế giới không ạ? Người tốt cơ bản trung thực sẵn với thế giới rồi, nhưng người tốt thường lại chủ quan với chính mình. Người tốt rất chủ quan. Người tốt ấy, khi đã cho là mình tốt rồi, luôn nghĩ là mình không có ác tâm mình toàn thiện tâm thôi, thế mới chết! Nếu nghĩ mình có ác tâm mình sẽ sửa mình, giống như bạn Thuỷ nói. Nhưng vì không nghĩ là mình có ác tâm thế là mình có đi sửa mình không ạ? Mà nếu không đi sửa mình thì sửa ai?
Một bạn: Sửa thế giới.
Thầy Trong Suốt: Mình sẽ đi sửa toàn bộ những người xung quanh mình, để tốt giống như tôi – “Giá mà bọn nó tốt như tôi thì có phải là đời tôi đỡ khổ không?” Kết quả là? Siêu khổ luôn. Vì bọn nó tốt như tôi được không ạ?
Mọi người: Không.
Thầy Trong Suốt: Bọn nó làm sao tốt như tôi được? Đã là bọn nó thì làm sao tốt như tôi được. Đấy! Thế mới đau! Nên là người tốt phải thêm hai chữ là “trung thực”. Trung thực nhưng phải nhớ là trung thực với ai, với chính mình ấy… Ở đây có bao nhiêu người có ác tâm giơ tay ạ? (Nhiều người giơ tay)
Thầy Trong Suốt: Rồi, mời bỏ xuống ạ. Những người còn lại là những người không…?
Một bạn: Không trung thực.
Thầy Trong Suốt: Chuẩn! Không giơ tay chỉ là những người không trung thực mà thôi. Khi mình rất trung thực với chính mình mới thấy ác tâm nổi lên, biết ngay là ác tâm nổi lên.
Một bạn nam: Không biết đó có phải là ác tâm hay không thì sao?
Thầy Trong Suốt: Thì phải hiểu biết hơn để xem. Những bạn vừa xong không giơ tay là những bạn phải cẩn thận đấy ạ. Là những bạn không trung thực với ai ạ?
Vài bạn: Chính mình.
Thầy Trong Suốt: Chính mình luôn.
Cách duy nhất để hết khổ là sửa mình. Người tốt cơ bản trung thực với thế giới, nhưng thường lại chủ quan với chính mình.
Sửa mình & Trung thực với chính mình.
7. Ba cách đối diện với nỗi khổ?
7.1. Chuyện “Người đánh mất đồng hồ”
Thầy Trong Suốt: Ở đây chuyện bạn Vương đã kể có thể gọi là bạn đã bắt đầu sửa mình đấy. Khi đi vào sửa mình, mình thấy đời mình thay đổi. Còn nếu mình chỉ đi sửa người khác thì không đổi được. Vì sao lại không đổi được ạ? Vì khổ đến từ đâu?
Bạn nam: Đến từ bên trong.
Thầy Trong Suốt: Bên trong mình. Đau khổ thực ra hoàn toàn đến từ bên trong hết. Đau khổ không đến từ bên ngoài. Mọi người nghe thêm truyện nữa không ạ? Truyện này gọi là truyện “Người đánh mất đồng hồ”. Cần một người đóng vai nhà giàu. Nhà giàu và sĩ diện. Có ai không ạ? Nhiều vai phản diện quá nhỉ! Người Đà Nẵng sợ đóng vai phản diện nhỉ! Người Đà Nẵng toàn người tốt mà, toàn người tốt nên ngại đóng vai phản diện. Có người Đà Nẵng nào mà không tốt lắm không? Giơ tay đi ạ, nam hay nữ đều được ạ. (Có bạn giơ tay) À được rồi.
Một bạn: À không ạ.
Thầy Trong Suốt: Không đóng vai phản diện à, hay em muốn hỏi điều gì?
Bạn đó: Không ạ, khi nào nhà nghèo thì em giơ tay.
Thầy Trong Suốt: À, thôi được rồi. Cần một người nhà nghèo và không sĩ diện. Được rồi, em tên gì?
Bạn Trâm: Dạ, em tên là Trâm. Em 40 tuổi.
Thầy Trong Suốt: Rồi, ngày xửa ngày xưa, ở một thành phố nọ có 9 cây cầu. Có một cô gái tên là Trâm, tuổi mới tròn đôi lần đôi mươi. (Mọi người cười) Nhà nghèo, hàng xóm của Trâm… cần một người hàng xóm nhà giàu ạ,… Rồi, em tên là gì ấy nhỉ?
Một bạn: Thảo ạ.
Thầy Trong Suốt: Hàng xóm của Trâm là một cô gái đúng đôi mươi. Em bao nhiêu tuổi rồi?
Bạn Thảo: Dạ, em 21 tuổi.
Thầy Trong Suốt: Đôi mươi. Chuẩn “nguông”! Một cô gái đôi mươi tên là Thảo. Nhà giàu và…? Em có dám đóng vai sĩ diện không? (Bạn ấy đồng ý) Rồi, nhà giàu và sĩ diện. Cần một người giàu có và phiêu lưu. Vai này tốt, yên tâm, ai đóng ạ? Rồi, em tên là gì?
Bạn Hiệp: Dạ em tên là Hiệp ạ. 33 tuổi.
Thầy Trong Suốt: Rồi, ở trong vùng đó có một cô gái tên là Hiệp, tính tình rất là phiêu lưu, cứ thấy ai đẹp trai là bám theo ngay. Đấy! Nhưng được cái nhà giàu nên là chưa khổ, đúng không? Đẹp trai bám theo ngay nhưng vẫn còn giàu. Hiệp có sở thích là sưu tầm đồng hồ xịn. Nhà giàu mà, nàng đi khắp thế gian tìm những cái đồng hồ xịn nhất, đẹp nhất, dát vàng, đính kim cương hoặc theo phong cách rất là cổ điển đem về. Và, cứ thấy ai là người tốt, mà mình có lòng cảm mến liền tặng cho một cái.
Một hôm Hiệp đến nhà Trâm chơi, thấy hóa ra Trâm là người tốt, nghèo mà tốt. Thế là Hiệp mới nói: “Em vừa đi Anh quốc về. Đây là chiếc đồng hồ của nữ hoàng Victoria ở thế kỉ 17, đính kim cương khảm ngọc đẹp lắm. Đấy. Em có hẳn 2 cái, em muốn tặng 2 người.” Đúng lúc đấy thì Thảo lò dò đi sang. Thảo trông vẻ bề ngoài rất là dễ thương. Tính tình cũng tử tế. Ngoài sĩ diện ra thì không có gì xấu hết. Mà sĩ diện thì khó biết lắm, đúng không? Sĩ diện phải giao tiếp lâu mới biết được. Thế là thấy nói chuyện dễ thương Hiệp liền hào phóng rút hai cái đồng hồ ra tặng cho mỗi người một cái.
Từ ngày có đồng hồ, tự nhiên Trâm và Thảo đổi tính nết cho nhau. Trâm đi khắp nơi khoe. Vì bấy lâu nay mình kìm nén mà. Lâu nay mình nghèo, có ai coi trọng đâu, nên tự nhiên mình cầm đồng hồ đi để làm gì? Đứng ở đầu ngõ, có một bác nông dân chạy qua: “Ôi chị có thấy con lợn của tôi đâu không?”, “Từ khi đeo cái đồng hồ này và đứng ở đây đến giờ, tôi không hề thấy con lợn nào chạy qua cả.” Đấy! Một lúc sau lại có người: “Có ai thấy thằng bé cầm súng của tôi chạy đi đâu không?”. Nghĩ một lúc, bảo: “Từ lúc tôi đeo cái đồng hồ này đến giờ, đồng hồ đẹp đẽ thế kỉ 17 này đến giờ ấy, tôi thấy một đứa bé cầm súng chạy qua đây.” Hiểu cách khoe đồng hồ chưa? Một thời gian sau, cả vùng nổi tiếng vì có một chiếc đồng hồ rất đẹp, rất kì lạ xuất hiện ở khu phố và người sở hữu nó là…? Em là gì Trâm ấy nhỉ?
Bạn Trâm: Em là Bảo Trâm ạ.
Thầy Trong Suốt: Bảo Trâm là người sở hữu nó, lên hẳn báo của thành phố 9 cây cầu luôn. Tất cả mọi người đều biết. Rồi, còn Thảo, tự nhiên lại đổi tính, vẫn đeo cái hồ đấy, nhưng vô cùng trầm lặng. Bạn bè hỏi: “Thế mày đeo cái gì đấy?”. Thảo bảo là: “Ôi giời, cái đồ vớ vẩn ấy mà.” Hàng giả, hàng… gọi là gì nhỉ?
Một Bạn nam: Hàng fake.
Thầy Trong Suốt: Hàng fake? “Hàng Mã” đúng không? “Đây là đồng hồ mua ở phố Hàng Mã, Hà Nội”. Hàng mã là hàng toàn làm bằng giấy, rất đẹp. “Cái đồng hồ này chỉ là hàng mã mà thôi”. Vô cùng khiêm tốn, không ai viết báo hết. Thế là một ngày nọ,… cần một người đóng vai tên trộm. Đà Nẵng mình không ai đóng vai xấu đâu ấy nhỉ? Cứ đóng đi, không ngại đâu. Tên trộm có một trái tim vàng, được chưa, thoải mái chưa ạ? (Mọi người cười) Tên trộm nam hay nữ đều được.
Bạn Trà: Em tên là Thanh Trà ạ.
Thầy Trong Suốt: Thanh Trà, rồi. Ở cách đó mấy chục kilomet. Em ở Huế đúng không?
Bạn Trà: Dạ, Quảng Bình.
Thầy Trong Suốt: Quảng Bình. À rồi, cách đó mấy trăm kilomet, có một tên trộm nổi tiếng có tài ăn trộm nhưng mà lại có một trái tim vàng tên là Thanh Trà. Nghe đọc báo ở thành phố 9 cây cầu có một người giàu có cái đồng hồ như thế, tên trộm liền quyết định đến nơi. Và đêm hôm đó, hắn đã đột nhập vào nhà của Bảo Trâm, lấy đi niềm tự hào duy nhất của nàng. Chưa hết, tiện thể hắn mò sang nhà bên cạnh, tên trộm Thanh Trà nghe tin là nhà bên cạnh có một cô gái rất là đẹp sang ngắm phát. Ai dè thấy trên tay cũng có, cũng có gì?
Vài bạn: Đồng hồ.
Thầy Trong Suốt: Cũng có đồng hồ. Thế là bằng tài ăn trộm thần kì của mình, Thanh Trà đã lấy luôn cả đồng hồ của….? Em là gì Thảo ấy nhỉ?
Bạn Thảo: Thanh Thảo ạ.
Thầy Trong Suốt: Thanh Thảo.
Sáng hôm sau mọi người nghe tiếng khóc rống lên từ khu phố đấy. “Hu hu hu, trời ơi, buồn quá, khổ quá!”. Đố mọi người biết, đó là tiếng khóc của ai? Vang lên cả một khu phố, đố là tiếng khóc của ai? Bảo Trâm hay Thanh Thảo? Mọi người đoán đi ạ.
Các bạn: Bảo Trâm.
Thầy Trong Suốt: Tiếng khóc rống cả một khu phố của ai ạ? Bao nhiêu người theo trường phái Bảo Trâm giơ tay? Rồi. Bao nhiêu người ủng hộ Thanh Thảo ạ? Không ai ủng hộ Thanh Thảo luôn. Bạn nữ thì ủng hộ Bảo Trâm, nhưng riêng 2 bạn nam Bao Công và tiến sĩ Quang lại ủng hộ Thanh Thảo. Em nên cảm ơn những người đấy sau buổi ngày hôm nay.
Tất nhiên là tiếng khóc đến từ nhà ai? Mọi người chạy ra cứ như là chuyện tày trời, hoá ra tiếng khóc đến từ nhà… Bảo Trâm. Thế mới đau! Đố mọi người biết tại sao 2 người cùng mất đồng hồ, một người khóc, còn Thanh Thảo đi ra ngoài miệng cười toe toét, vẫy vẫy chàng thanh niên Bao Công với cả tiến sĩ Quang, rồi lên xe máy đi mất hút chả quan tâm gì. Đố mọi người biết tại sao? Cùng mất 2 cái đồng hồ quý, đẹp tuyệt vời như nhau. Một người khóc, một người bình thường.
Một bạn nữ: Bảo Trâm nghèo quá! (Thầy cười ha ha)
Một bạn nữ khác: Thanh Thảo lỡ nói là đồ giả rồi.
Thầy Trong Suốt: Theo mọi người thì sao ạ?
Bạn nữ đó: À đúng rồi, vì Thanh Thảo nói là đồng hồ giả với lại giàu có nữa ạ. Còn Bảo Trâm nghèo, có được cái đồng hồ xịn mà mất đi thì đúng rồi phải khóc.
Thầy Trong Suốt: Được, đó là 1 cách nghĩ, có ai có cách nghĩ khác không ạ? Rồi, mời em nói đi.
Bạn nam: Theo em là vì Bảo Trâm gắn liền với cái đồng hồ giá trị quá lớn, còn Thanh Thảo thì gắn với cái đồng hồ giá trị thấp nên khi bị mất đi thì cũng bình thường.
Thầy Trong Suốt: Vũ Nhi.
Vũ Nhi: Dạ, em nghĩ là thật ra thì bạn Thanh Thảo không muốn bạn Bảo Trâm có cái đồng hồ giống như mình. Nên là khi bên kia bị mất thì mình cũng sướng.(Mọi người cười lớn)
Thầy Trong Suốt: Quá kinh đúng không? Được. Cũng hay. Cũng là một quan điểm tốt.
Trong vùng đấy, có một bạn nữa tên là Vũ Nhi. Vũ Nhi nghe câu chuyện mới nghĩ gì ạ? Mọi người thì nghĩ rằng Bảo Trâm buồn vì mất cái đồng hồ, đúng không? Còn Thanh Thảo thì không buồn vì từ nay trở đi nó…? Nó không có hàng độc nữa. Thế là Vũ Nhi mới lò dò đến điều tra, phỏng vấn, đóng vai phóng viên: Làm sao chị..?
Mọi người: Chị khóc?
Thầy Trong Suốt: Chị “buốn”? Đấy! Xong Bảo Trâm trả lời thế nào? “Vì cái đồng hồ này nó là danh dự của tôi. Tất cả mọi người đều nể tôi, phục tôi, vì… tôi có cái đồng hồ” – Thế nên là tôi đã trở nên bám chấp vào cái đồng hồ. Khi tôi bám chấp vào cái đồng hồ này, tôi bị đau khổ khi mà tôi mất cái bám chấp. Như vậy là: Tôi khổ vì tôi quá coi trọng cái đồng hồ trong cuộc đời của tôi. Chứ tôi nhớ rằng cái hồi trước khi gặp con bé Hiệp đấy, đời tôi vẫn ổn mà. Tôi vẫn đi trà đàm, cười vui vẻ mà. Có gì đâu! Như vậy trước khi mất, khi chưa có đồng hồ, không có đồng hồ có vui không? Bây giờ cũng không có đồng hồ, thì lại…?
Mọi người: Lại buồn.
Thầy Trong Suốt: Như vậy buồn có phải đến từ cái đồng hồ không? Trước khi có đồng hồ thì vui vẻ. Bây giờ cũng không có đồng hồ, vì mất rồi mà, thì lại buồn. Như vậy buồn đến từ cái đồng hồ hay đến từ đâu? Trong cả 2 trường hợp đều không có đồng hồ hết, đúng không? Trước khi có đồng hồ thì đang sống bình thường, vui vẻ. Bây giờ, cũng không có đồng hồ tại sao lại buồn? Vậy thì nỗi buồn có thực sự là do mất đồng hồ hay không?
Bảo Trâm: Do mình xem cái đồng hồ có giá trị cho nên mất đi cho nên mới buồn. Còn Thảo không xem nó có giá trị nên không buồn.
Thầy Trong Suốt: Trước khi có đồng hồ, tôi đến dự trà đàm của anh Trong Suốt, rất vui vẻ thoải mái. Nhưng mà lại gặp con bé Hiệp đấy, đúng hôm đấy, thế là bây giờ tôi cũng chẳng có đồng hồ trên tay nhưng mà tôi lại buồn. Xin chị Vũ Nhi hãy trả lời cho tôi biết tại sao? Đấy, phỏng vấn ngược lại. Vũ Nhi trả lời đi!
Vũ Nhi: Dạ, do chị thấy cái gì quan trọng với chị thì nó sẽ làm cho chị khổ.
Thầy Trong Suốt: Uh, trước khi tôi có cái đồng hồ thì đồng hồ có quan trọng không?
Một số bạn: Không.
Thầy Trong Suốt: Chả quan trọng gì, cái đồng hồ là cái gì tôi đâu có biết đâu. Nhưng khi tôi có đồng hồ rồi tự nhiên nó trở thành? Quan trọng. Như vậy tôi buồn vì tôi đã quan trọng hoá một thứ vốn không quan trọng. Đấy! Trâm tuy rằng mất đồng hồ nhưng học được bài học vô cùng quý. Tôi buồn không phải vì cái đồng hồ mà là cái sự quan trọng hoá của tôi vào cái đồng hồ. Trước khi có đồng hồ tôi hạnh phúc. Bây giờ mất đồng hồ, tôi khổ. Tôi khổ không phải vì cái đồng hồ. Tôi khổ vì tôi đã quan trọng hoá một thứ mà vốn không quan trọng. Không có đồng hồ thì vẫn sống bình thường, đúng không? Có đồng hồ xong thì cũng xem giờ như bình thường thôi.
Thế là Nhi lại sang nhà phỏng vấn Thảo: “Tại sao mất đồng hồ em lại không buồn?”.
Thảo trả lời: “Đối với em nó chỉ là cái để xem giờ. Không có cái xem giờ này, thì sẽ có cái xem giờ khác. Em có 2 người sẵn sàng tặng cái xem giờ cho em rồi, thì việc gì em phải buồn!”
Đúng chưa? Nếu mình coi đồng hồ là cái xem giờ, nó quan trọng không? Chả quan trọng. Hết, mất cái này thì… đeo đồng hồ như kiểu của Trung Quốc vẫn xem được giờ. Thì có gì mà buồn! Nhưng mình đã coi nó quan trọng hơn cái xem giờ mất rồi. Cái đồng hồ trở thành danh dự, niềm tự hào, và nó quá quan trọng mất rồi, nên mình khổ vì mất. Trâm học bài học được chưa?
Bạn Trâm: Dạ.
Thầy Trong Suốt: Đấy, bạn Trâm đã học được bài học rất quan trọng. Nỗi khổ không phải đến từ mất đi cái đối tượng bên ngoài. Nỗi khổ bởi vì mình đã quá quan trọng hóa đối tượng đấy trong cuộc đời của mình. Hết, chỉ thế thôi.
(Mọi người vỗ tay)
Nhắc lại là nỗi khổ không đến từ đối tượng bên ngoài bị mất đi mà nỗi khổ đến từ việc mình đã quá quan trọng đối tượng đó trong cuộc đời mình. Bây giờ mình thay chữ “đồng hồ” bằng chữ “chồng” xem! Nỗi khổ không đến từ việc mất chồng. Mất chồng nghĩa là gì? Chồng lăng nhăng, cô khác gọi là mất chồng đấy!… Mà nỗi khổ đến từ việc mình đã quá quan trọng cái ông chồng trong cuộc đời của mình, đúng chưa? Thay chữ “đồng hồ” bằng thứ khác đi ạ, còn chữ nào thay được nữa không ạ? “Danh dự” đúng không ạ? Chữ gì nữa ạ? “Bạn bè, tiền bạc, con cái”… tất cả những thứ đấy. Nỗi khổ không phải mình bị xa lìa những thứ ấy, nỗi khổ vì mình đã quá quan trọng nó trong cuộc đời mình. Em chia tay anh ấy có khổ không? Em chia tay kiểu gì, kiểu chính thức hay kiểu?
Bạn nữ: Bị đá, một hai tháng sau thì đau đớn tội lỗi…
Thầy Trong Suốt: À, rồi rồi, nỗi khổ không đến từ tên phụ bạc mà nỗi khổ đến từ việc mình đã quá coi trọng tên phụ bạc đó trong cuộc đời của mình, đúng chưa? Đấy cũng là con người thôi mà! Đấy là nói đùa thôi chứ nhân quả hết, chắc em đã từng đá hắn trong các đời trước xong rồi đến ngay với một thằng khác, đúng chưa? Thì em mới có ngày hôm nay chứ! Như vậy nỗi khổ không đến từ anh đấy! Tại sao lại thế? Vì trước khi quen anh ấy, em có khổ không? Đấy, không có ai, không yêu ai, có khổ không?
Bạn đó: Không.
Thầy Trong Suốt: Không khổ. Bây giờ anh ấy bỏ em rồi, em cũng chả yêu ai, tại sao lại khổ? Giống cái đồng hồ không? (Mọi người cười)
Mọi người: Có.
Thầy Trong Suốt: Giống hệt cái đồng hồ gì nữa! Trước khi quen anh ấy, em chả khổ gì hết, đúng không? Bây giờ anh ấy bỏ đi, em cũng chả có anh ấy, thế sao lại khổ? Vậy nỗi khổ có đến từ anh ấy không? Nỗi khổ đến từ đâu? Mình đã quá quan trọng họ trong cuộc đời mình. Mình đã quá quan trọng người ta trong cuộc đời mình, trong khi người ta đến rồi đi là chuyện bình thường. Đủ duyên thì đến, hết duyên thì đi, thế thôi. Đủ duyên thì đến với mình và mấy tháng sau thì đi… Mấy năm sau thì đi?
Bạn đó: Hai năm ạ!
Thầy Trong Suốt: Hai năm sau hết duyên thì đi. Cái đồng hồ cũng thế thôi, đủ duyên thì đến hết duyên thì đi, đúng chưa? Thế thôi.
(Em bé hút cốc nước rọt rọt rồi nói: “Hết rồi!” Tất cả mọi người đều cười)
Đủ duyên thì đến, hết duyên thì đi thôi, đúng không? Như vậy những ai đã từng mất cái gì đó đừng tiếc nữa! Vì sao? Mình khổ vì sao?
Bạn nữ: Mình đã quá quan trọng…
Thầy Trong Suốt: Mình đã quá quan trọng cái đấy trong cuộc đời mình.
Bạn đó: Trước đây em cũng đau khổ nhưng mà bây giờ em không còn đau khổ nữa.
Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Tốt! Tí ra kia cái kính của em rơi xuống, bị giẫm chân lên, nó vỡ, em có khổ không?
Bạn đó: Dạ bây giờ em hết khổ rồi.
Thầy Trong Suốt: Trước đây mình không có kính, mình có khổ không? Không khổ. Vậy bây giờ chả có kính… lẽ ra phải không khổ chứ! Nếu mình khổ thì vì sao? Mình đã quá coi trọng đôi kính trong cuộc đời mình. Người tốt có cái dở là rất coi trọng những thứ khác. Người xấu đôi khi lại chả coi trọng. Nhưng người tốt thì sao? Đặc biệt coi trọng những thứ khác xung quanh mình, nên người tốt hay khổ, đúng chưa? Người tốt rất coi trọng bạn bè, chồng con… tất cả mọi thứ, rất coi trọng. Thế là khổ vì sao? Vì mình đã quá quan trọng hóa nó. Nếu mình chỉ coi trọng thì không sao, nhưng mình đã quan trọng hóa nó hơn mức cần thiết. Đúng chưa? Nên người tốt phải cảnh giác, phải trung thực vì thế đấy!
7.2. Chuyện “Đại sư mất đồng hồ”
Thầy Trong Suốt: Nghe chuyện đại sư mất đồng hồ không? Nghe không ạ?
Mọi người: Có ạ!
Thầy Trong Suốt: Cần một người đóng vai đại sư! Nữ đại sư được, nam đại sư cũng được, không có giới hạn. Vai này tốt, yên tâm, không có tính xấu nào luôn. Có ai đóng vai đại sư không ạ? Hôm nay có nhiều chuyện có vai đại sư nhỉ? Nắm lấy cơ hội làm người tốt đi, mọi người? Ai đang cúi mặt xuống sẽ làm đại sư. Áo xanh, đấy, vì em cúi mặt xuống thế này chứng tỏ em thích làm đại sư, vì đại sư lúc nào cũng gì? Đại sư mà! Phải thế này chứ! (Thầy cúi mặt xuống) (Cười) Em tên gì?
Diệu Hồng: Dạ em tên Diệu Hồng.
Thầy Trong Suốt: Diệu Hồng, tên hay, hợp với đại sư đấy. Quá hay luôn! Hồng là từ bi, Diệu là kì diệu. Từ bi và kì diệu. Em làm nghề gì?
Diệu Hồng: Em làm kế toán.
Thầy Trong Suốt: Từ bi và kì diệu. Rồi. Cùng trong thành phố đấy, có một nữ đại sư tên là Diệu Hồng. Tên trộm Thanh Trà mang hai đồng hồ đến cúng dường cho đại sư. Tên trộm tử tế, trái tim vàng đấy, hiểu không? Tên trộm chỉ ăn trộm để làm gì biết không? Ăn trộm để dạy cho hai người một bài học, thế thôi. Còn trộm xong lại mang đến cúng dường cho đại sư. Rồi, đố mọi người biết đại sư Hồng làm gì ạ?
Một bạn: Không nhận ạ.
Thầy Trong Suốt: Sao lại không nhận! Đây là đại sư xịn. Đại sư lập tức cầm một cái lên bán đi lấy tiền làm từ thiện. Cái còn lại ngài đeo ngay trên tay mình và ai đến cũng kể về câu chuyện lúc nãy kể – câu chuyện mà Trâm, rồi Thảo, rồi Thanh Trà đấy để giáo dục người khác. Xịn không? Đại sư dùng một nửa để làm từ thiện, một nửa để làm giáo dục. Sướng chưa? Vai sướng chưa?
Thế thì câu chuyện trở nên nổi tiếng cả vùng luôn. Từ khi nó trên tay đại sư, nó càng trở nên nổi tiếng hơn, vì cái đồng hồ đó đi kèm một câu chuyện rất hay nữa. Thế là câu chuyện ngày xưa nổi tiếng cả thành phố chín cây cầu, bây giờ lên báo của cả nước. Ai ai cũng biết rằng đại sư có một chiếc đồng hồ rất quý. Thế là lại có một tên trộm khác. Cần một tên trộm khác! Nào! Mọi người xung phong đi!
Anh Thư: Em!
Thầy Trong Suốt: Rồi, Anh Thư, có một tên đạo chích. Em quê ở đâu?
Anh Thư: Em ở Đà Nẵng.
Thầy Trong Suốt: Rồi, Đà Nẵng luôn à? Trong cùng thành phố có chín cây cầu có một tên đạo chích họ Anh tên Thư. Bề ngoài thì hắn rất là xinh đẹp và tử tế, nhưng bên trong là một kẻ tham lam vô độ, cứ nghe cái gì quý là tìm cách lấy cho bằng được. Câu chuyện của đại sư Diệu Hồng nổi tiếng khắp cả nước rồi nên Anh Thư cảm thấy cái đồng hồ đấy rất tuyệt vời. Đại sư thì ở một ngôi chùa trong một cái huyện nhỏ, Anh Thư đến giả vờ làm người hành hương đến ăn nhờ ở đậu. Nên nhớ vì câu chuyện nổi tiếng các nhà báo rất hay đến phỏng vấn đại sư.
Thế rồi một hôm nhân lúc đại sư đang ngủ không để ý, Anh Thư đã vào và cuỗm ngay chiếc đồng hồ nổi tiếng Việt Nam của đại sư Diệu Hồng. Hôm sau, đại sư tỉnh dậy, mọi người đến phỏng vấn và thấy rằng trên tay của đại sư không còn chiếc đồng hồ nữa. Ai cũng nghĩ rằng đại sư phải có một thái độ, ít nhất là cũng phải tìm cách để tìm nó, đúng không? Nào ngờ thấy đại sư đứng trước cửa nhảy múa hết sức là kì quái, rất vui vẻ đấy. Mọi người tưởng tượng bạn Diệu Hồng là một đại sư, bạn ấy khoa chân múa tay nhảy trước cửa trông như thế nào? Thế là mọi người vô cùng ngạc nhiên. Phóng viên Vũ Nhi lại nhanh nhảu đến ghi ghi chép chép: “Xin nữ đại sư cho biết, tại sao ngài lại vui vẻ đến như vậy?”.
Thế là đại sư bảo: “Ta rất vui vì chiếc đồng hồ ấy rất là quý đối với ta, với cả cái chùa này, khi nó mất tức là nghiệp xấu của ta đã được tịnh hóa bớt. Ta rất vui vì đã được tịnh hóa nghiệp.” Đấy, đấy là cách mất đồng hồ của đại sư đấy! Đáng học tập không?
Thế nhưng chưa hết, đại sư thấy Vũ Nhi đến liền bảo: “Ra đây các con, ta bảo cái này”. Học trò của ngài bảo: “Thôi, để bọn con đi báo cho công an thành phố, để tìm tên trộm, lấy lại cái đồng hồ nổi tiếng cho ngôi chùa của mình”. Lấy lại là lấy lại hào quang và danh dự cho ngôi chùa chứ! Mất đồng hồ rồi ai phỏng vấn nữa, đúng chưa? Thế là học trò của đại sư Diệu Hồng xúm lại để đi báo công an. Ngài bảo: “Thôi từ từ, đừng báo, đừng báo, nghe ta nói đã!”.
Thế là mọi người quay lại. Đại sư Diệu Hồng bảo: “Các con hãy chia làm hai tốp, tốp thứ nhất đứng canh ở cổng huyện, nếu công an đến hỏi là: “Nghe bảo cái đồng hồ quý báu bị mất rồi có đúng không và mất lúc nào?” thì con phải bảo là: “Chưa chắc nó đã mất, có thể nhà sư Diệu Hồng đã làm rơi mất”. Đấy, tốp thứ hai mau mau đi khắp làng khắp xóm nói với mọi người rằng là: “Tên trộm ở đâu trốn mau vì công an tìm đến đây rồi, trốn thật xa vào, càng xa càng tốt”. Thế là học trò của ngài chia làm hai tốp, một tốp ở trước cửa đợi công an đến để câu thời gian cho tên trộm chạy trốn, tốp còn lại đi khắp làng xóm để đánh động, để tên trộm Anh Thư đang núp ở đâu thì cao chạy xa bay.
Mọi người thấy kì quái quá! Đại sư nhảy múa những điệu múa kì quái đã là kinh khủng lắm rồi, đằng này lại còn đi giúp tên trộm chạy thoát. Vũ Nhi lại hỏi: “Tại sao đại sư Diệu Hồng lại làm điều kì quặc như vậy? Đáng ra ngài phải hợp tác với chính quyền bắt tên trộm, lấy lại vinh quang cho ngôi chùa chứ! Thầy không thấy là từ ngày có cái đồng hồ đó thì ngôi chùa này vinh quang hẳn hay sao!”.
Diệu Hồng nói gì biết không? “Ta rất lo cho tên trộm đấy! Ta mất đồng hồ thì không sao, ta vẫn sống thoải mái bình thường, nhưng nếu nó bị bắt thì sao? Chắc chắn là trừng phạt rất nặng nề rồi. Đúng chưa? Ta mất một thứ chả quan trọng, và mất thì chả sao, vậy tại sao ta phải quan tâm. Nhưng nếu nó bị bắt bởi một tội rất là quan trọng: ăn trộm, và như vậy rất là tệ. Tù nặng là chắc!”. Thế là ngài hành động. Và Anh Thư quả nhiên nhờ được đánh động đấy, thoát khỏi công an và đã? Đã gì ạ?
Mọi người: Cao chạy xa bay.
Thầy Trong Suốt: Đã quay lại. Vào một đêm nọ, mưa gió mịt mùng, Anh Thư đã quay lại và để đồng hồ trên bàn của đại sư Diệu Hồng. Lần này đại sư tỉnh ngủ, đại sư biết là tên trộm vào trả đồng hồ. Anh Thư liền nói với đại sư: “Xin Thầy cho con đi theo làm đồ đệ!”. Đấy, kết thúc câu chuyện đại sư mất đồng hồ như thế nào.
(Mọi người vỗ tay)
Thầy Trong Suốt: Như vậy cách mất đồng hồ như đại sư có oách không ạ? Mọi người thấy khác nhau giữa đại sư mất đồng hồ với người thường mất đồng hồ chưa ạ? Mọi người thích giống ai trong câu chuyện? Mọi người thích giống Trâm, giống Thảo hay là giống Hồng ạ?
Một bạn nữ: Em sẽ chọn giống Hồng.
Thầy Trong Suốt: Đấy, mọi người nên học tập đại sư Diệu Hồng. Mất đồng hồ xong thì việc đầu tiên là gì? Nhảy múa. Việc thứ hai là gì?
Ngọc Nhân: Quan tâm đến đau khổ của người khác.
Thầy Trong Suốt: Quan tâm đến đau khổ của tên trộm chứ không phải quan tâm đến đau khổ của mình. Ví dụ, bị chồng tát xong phát, đầu tiên làm gì? “Ôi giời ơi, cảm ơn anh, em đã thoát xong nghiệp xấu!” (Mọi người cười) Thế là Yến đứng trên giường nhảy múa, đấy, trong sự ngỡ ngàng của chồng và con, đúng chưa? Sau đấy là gì ạ? Anh ấy có khổ không? Tát xong anh có đau tay không? Anh có buồn lòng không?
Một bạn nữ: Nếu thế thì ông ấy lại bảo mình bị thần kinh! (Mọi người cười)
Thầy Trong Suốt: (Cười lớn) Đấy, đấy gọi là trường hợp tốt nhất, cách tốt nhất là hành xử như vậy. Đứng trên giường nhảy múa xong đến xoa tay rồi hỏi “anh có buồn không?”.
Tốt số hai là giống ai? Thanh Thảo. “Ôi giời, chồng quan trọng quái gì. Mình khổ không phải là vì chồng, mình có khổ là vì mình quá coi trọng ông chồng trong cuộc đời mình.” Đúng chưa? Nên mình đi phóng sinh thôi! Một nửa bát hến phóng sinh, (Mọi người cười) nửa bát còn lại thì sao? Phóng sinh nốt! Buồn cười nhỉ! Nửa phóng sinh nốt chứ làm gì nữa, đúng không? Đấy là loại số hai.
Loại số ba là gì? Khóc rống lên như là Trâm. Hàng xóm chạy đến: “Tại sao em khóc?”. “Chính vì hắn, hắn đã làm em khổ. Đời này em khổ chỉ vì hắn thôi! Em là người tốt, em toàn làm điều tốt, em sống tốt, thế mà hắn lại hành xử xấu với em.” Đấy, đấy là 3 cách hành xử đấy, cùng một việc. Cách nào sẽ là khổ nhất?
Mọi người: Cách số 3.
Thầy Trong Suốt: Cách số 3 khổ nhất. Nhưng mọi người lại hay làm theo cách nào nhất?
Mọi người: Cách số 3.
Thầy Trong Suốt: Thật là nghịch lý, đúng không ạ? Từ nay chúng ta hãy chuyển sang tối thiểu là… cách số… 2. Đấy, đấy là cách người tốt đối diện với đau khổ đấy!
Một người tốt đối diện với đau khổ bằng 3 cách, đúng không ạ? Cách của Trâm, cách của Thảo và cách của Hồng. Các bạn bầu cho ai? Các anh lại bầu cho Thảo cho mà xem! Ai bầu cho Hồng giơ tay ạ! Ai bầu cho Thảo giơ tay ạ! Rất tốt. Đấy, biết ngay các anh bầu cho Thảo mà! Ai bầu cho Trâm giơ tay ạ? Rồi, rất tốt. Như vậy ngày hôm nay, về buổi trà đàm, chúng ta có thể nói chuyện thêm một lúc nữa nhưng mà bây giờ sẽ chỉ trao đổi thôi. Còn câu chuyện mình kể hôm nay đến đây là kết thúc, hẹn gặp lại mọi người với những câu chuyện lãng xẹt trong lần sau. Thân ái chào các bạn! (Mọi người vỗ tay)
Ba cách đối diện đau khổ
Cách 1: Vui mừng vì hiểu rằng nghiệp xấu đã được tịnh hoá bớt & quan tâm đến đau khổ của người khác.
Cách 2: Quan trọng gì! Mình khổ vì mình quá coi trọng nó trong cuộc đời mình.
Cách 3: Đổ lỗi – Đau khổ này là do hoàn cảnh bên ngoài gây ra.
Tốt nhất là cách 1. Tốt nhì là cách 2. Khổ nhất là cách 3
Bạn Trâm: Nhân quả là mình gieo nhân xấu thì gặt quả xấu, nhưng nếu mà không có chồng thì vì gì anh?
Thầy Trong Suốt: Không có chồng, đơn giản vì mình không có duyên với người đấy, mình không có duyên với ai hết. Đơn giản như thế này này, đời trước khi em chết, nghiệp lực kéo em đến vùng tái sinh mới với bố mẹ mới, thì những người có duyên với mình, khi chết họ cũng tái sinh với bố mẹ mới. Những người không có duyên với mình họ sẽ không đến gần mình, vì đơn giản là không đủ duyên. Họ gặp bố mới mẹ mới, hoặc họ gặp mình rồi nhưng cái duyên không đủ để mà cưới nhau thì chỉ yêu nhau một lúc thôi, thậm chí chỉ cảm mến nhau rồi nó hết.
Có nhiều trường hợp chỉ cảm mến nhau một lúc rồi hết, không đến đoạn yêu luôn, chỉ là quý, cảm mến, thích thích một tý thôi, xong một ngày nào đó nhạt đi, rồi hết chẳng còn gì nữa. Nghĩa là trong cuộc đời này mình không có duyên với ai hết. Còn không có gì đảm bảo đời sau mình sẽ không có duyên. Có khi đời sau mình lại có duyên với những người khác thì cái đó vận hành theo luật của nhân quả. Cái đó là việc rất bình thường. Cái không bình thường ở đây là gì? Là mình cho rằng không có chồng là không tốt. Đấy! Khi mình hiểu nhân quả rồi thì mình thấy rằng có hay không có đều là nhân quả hết, đủ duyên thì có, không đủ duyên thì thôi, và mình cho nó là bình thường. Khi cho nó bình thường thì chẳng có vấn đề gì hết.
Bạn Trâm: Em muốn hỏi là do nhân quả gì mà không có chồng?
Thầy Trong Suốt: Không đủ duyên, không có duyên với ai hết. Ví dụ anh chẳng hạn, anh không định lấy vợ. Trong trường hợp của anh thì ngược lại, nghĩa là không muốn lấy vợ mà vẫn phải có vợ. Đau thật! Mình không muốn lấy vợ luôn. Năm 30 tuổi mình phát tâm là gì? Không lấy vợ. “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, lấy nhau rồi nham nhở lắm em ơi!” (Mọi người cười) Em cứ tưởng lấy chồng là sướng, đúng không? Đấy là thiếu kinh nghiệm sống. Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, nhớ câu đấy, lấy nhau rồi nham nhở lắm em ơi! Đấy, bạn Yến bạn biết rõ điều đấy đúng không? Lấy nhau rồi là nham nhở ngay.
Thế nên anh quyết định không lấy vợ, anh phát tâm là không lấy vợ. Tuy nhiên nhân quả thì thôi, nếu ai hỏi cưới mình thì mình lấy, chứ mình không đóng cửa hoàn toàn, vì mình hiểu là duyên nó thế. Lúc đấy anh đã hiểu về chữ “duyên” rồi, mình không muốn lấy vợ nhưng đủ duyên thì sao? Vẫn lấy. Chứ không phải là không muốn lấy vợ mà đủ duyên là không lấy. Anh hay nói với cả bạn bè là: “Đời này tôi có thể có một vợ, không vợ hoặc n vợ”. Duyên mà, nhỡ mình có duyên với khoảng 7 cô thì sao? Đấy, thế là anh sống như vậy. Rồi một ngày đẹp trời nọ, một cô gái vô cùng xinh đẹp, tốt bụng, nói chung là tuyệt vời luôn, đã đến… cầu hôn anh. (Mọi người cười) Đâu, cô gái đấy đâu rồi? Cô gái, cô gái!
Vợ Thầy Trong Suốt: Cô gái đây!
Thầy Trong Suốt: Mọi người quay lại nhìn cô gái một lần đi! Xinh không? Phúc hậu không?
Mọi người: Có ạ!
Một bạn: Người Đà Nẵng.
Thầy Trong Suốt: Thế thì lấy vợ xong mình bảo: “Thôi, chả cần có con”, nhưng… cuối cùng… thì sao?
Một bạn: Hai đứa.
Thầy Trong Suốt: Hai người có duyên với mình lại mò đến nhà mình. Đây, một cháu đây. Đấy, chuyên gia về ô tô và cảnh sát. Còn một cháu kia, chuyên gia về bớ. Bớ là gì mọi người biết không ạ? Bớ là gì? Mẹ ơi, bớ bớ!
Nadhi (con Thầy): Bớ là bú!
Thầy Trong Suốt: Đấy, một chuyên gia về cảnh sát và một chuyên gia về bú vẫn mò đến. Như vậy mình hiểu là duyên rồi, mình không cần mong đợi gì luôn. Đủ duyên nó vẫn đến, cái tốt vẫn đến. Mà không đủ duyên thì không đến được. Không đủ duyên thì sao? Mình đã từng yêu đương nhiều lần rồi mà có cưới những người ấy đâu. Những người mình đã từng yêu thì mình chả cưới, người mình chả yêu tí nào, lúc ấy gặp nhau chả yêu tí nào luôn. Khi quyết định cưới nhau, mình còn chưa hôn nhau cái nào luôn, thế mà cuối cùng lại gì? Lại cưới. Còn bao nhiêu cô: “Anh sẽ cưới em, anh quyết tâm cưới em” rồi cuối cùng chả đến với nhau được.
Cái cô mình quyết tâm cưới hẳn hoi đấy, còn chả đến được. Nên mình hiểu rõ ràng là chuyện tình yêu, tình cảm vợ chồng hoàn toàn là duyên số. Khi mình cho nó là duyên số, mình không còn coi trọng nó nữa. Khi mình không còn quá coi trọng nó nữa thì mình sống, đầu tiên là, trong tâm mình an lạc; thứ hai là đủ duyên vẫn xảy ra như bình thường. Đấy, em nên sống như vậy. Không coi trọng nữa, đến thì đến, không đến thì thôi! Có gì đâu! Biết đâu một ngày nào đó có một anh đẹp trai, cao to, khỏe mạnh đến cầu hôn em, có thể mà!
Bạn Trâm: Ối giời ơi!
Thầy Trong Suốt: Ối giời ơi! (Cười) Có thể như thế, có thể.
Thầy Trong Suốt: Trước khi mọi người kết thúc, mình nhấn mạnh lại mấy ý chính này:
- Là người tốt thì vẫn khổ, thậm chí là dễ khổ. Tại sao lại dễ khổ? Dễ khổ vì khi mình tốt, mình mong người khác tốt với mình, nên là mình dễ khổ, vì thực ra mình chẳng biết cái gì sẽ xảy ra.
- Người tốt muốn hết khổ thì đầu tiên là phải trung thực, vì nếu không thì mình không biết là mình có ác tâm, mình không chịu sửa mình thì không bao giờ hết khổ được.
- Phải sửa mình. Người tốt dễ khổ. Dễ khổ thì đừng đổ lỗi bên ngoài mà hãy tìm cái lỗi bên trong mình. Tìm lỗi bên trong mình, trung thực với mình rồi, sửa mình rồi mình sẽ hết khổ.
Ba nguyên tắc đơn giản vậy thôi. Còn cách sửa mình thế nào thì không nhanh được. Đó là một quá trình sửa mình, tìm một con đường tốt, một người thầy tốt, một sự hướng dẫn để sửa mình. Và khi mình sửa được mình rồi thì sẽ có hạnh phúc chân thật, còn nếu không thì hạnh phúc của mình rất là giả tạo.
Đấy là ý chính của ngày hôm nay. Mình rất mong là các bạn sẽ có được hạnh phúc thật sự. Rất mong điều đấy. Cảm ơn các bạn! (Mọi người vỗ tay)