Zangthalpa – Phần 10: Năm Cách Thực Hành Nhẫn Nhục


Sau khi nói về Bố thí và Trì giới, Zangthalpa nói tiếp về Nhẫn nhục:

– Theo cách nhìn của nhà Phật, nhẫn nhục là khả năng giữ được bình tĩnh, không tức giận, không vội phản ứng khi bị người khác gây sự, làm nhục, đe dọa, tra tấn hay thậm chí làm hại đến tính mạng. Khi bình tĩnh, chúng ta có thể có khoảng trống để lựa chọn cách hành xử sáng suốt, chứ không bị sai khiến và hành xử bằng sự sân hận của chính mình.

Chúng ta thường cảm nhận được sự mất bình tĩnh và tức giận của mình dưới nhiều hình thức: oán ghét, cay đắng, chỉ trích, than phiền… Và khi hành động bằng những cảm xúc này, ta thường phạm sai lầm và gây đau khổ cho mình lẫn người khác.

Tôi xin kể một câu chuyện để chúng ta cùng suy ngẫm. Câu chuyện có tên là: “Đừng hành động gì khi đang giận dữ”.

Năm qua tháng lại, mùa vụ lại tới, nhà vua cử người xuống các địa phương đi thu sưu, thuế. Một làng chài nọ có ông lão đánh cá đứng khúm núm trước vị kiếm sĩ Samurai, người nhận nhiệm vụ thu tiền hộ. Ông lão nói:

– Thật xin lỗi, năm nay mùa vụ lại thất bát, mưa bão liên miên, tôi không giữ được đồng nào để trả cho ngài.

Lão đánh cá đã khất nợ mấy năm liền, cứ như thế này, khó mà hoàn thành nhiệm vụ thu thuế trong dân. Vị Samurai nổi nóng, tuốt kiếm định giết người đánh cá để làm gương cho dân chúng trong làng. Ông lão trông lo âu nhưng lấy một chút bình tĩnh, chậm rãi nói:

– Lão thời trai tráng cũng từng được học võ, sư phụ có dạy đừng hành động gì khi đang giận dữ.

Nghe thấy cũng có lý, người Samurai nhìn ông lão một hồi như dò xét, từ từ thu kiếm vào vỏ, rồi nói:

– Sư phụ của ngươi chắc hẳn là người tốt. Thầy của ta cũng nói mấy lời này, ta đây làm mãi vẫn chưa được, đôi lúc giận dữ lên là khó kiềm chế được tay kiếm. Hôm nay xem như ngươi còn chút may mắn, ta kỳ hạn một năm trả nợ mới lẫn cũ, thiếu một xu thôi ngươi cũng khó mà yên thân.

Đừng hành động gì khi đang giận dữ

Vị Samurai sau đó rời đi, thu tiền các gia đình còn lại, lúc về nhà thì trời đã vào khuya. Không muốn đánh thức vợ đang yên giấc, ông nhẹ lẻn vào nhà nơi cửa sau, qua ánh đèn hắt ra ông giật mình thoáng thấy một người lạ mặc giáp trụ Samurai đang nằm kế bên vợ. Cơn ghen tức bùng phát, lòng tự tôn bị xúc phạm dữ dội, trong cơn nóng giận ông tuốt kiếm định xông vào giết cả hai rồi cũng sẽ tự kết liễu mình.

Đột nhiên lời lão đánh cá ban chiều vọng bên tai: “Ðừng hành động gì khi đang giận dữ”. Câu nói giúp ông có thêm hòa hoãn, bèn vung kiếm nghe rít “xoạt” một tiếng trút giận vào không khí. Có tiếng động lạ, hai người đang ngủ choàng dậy ra xem, hóa ra trên giường là vợ và mẹ vợ. Lại một phen thất kinh, người Samurai gào lên:

– Trời ơi, chuyện gì nữa đây. Suýt nữa ta đã giết cả hai người rồi!

Người vợ bối rối giải thích:

– Chàng xa nhà, đêm khuya một mình thiếp sợ kẻ gian, nên đã nhờ mẹ đến ở cùng, lại giả đàn ông mặc giáp trụ, nằm ngủ chung cho thêm phần yên tâm.

Bẵng đi một thời gian, mùa hoa đào lại nở, vị kiếm sĩ Samurai lại có dịp ghé qua ngôi làng chài để thu thuế của dân. Chưa kịp tiến vào sân, ông lão đánh cá ngày nào đã chạy ra chào đón và hớn hở mời kiếm sĩ vào để trả tiền. Vị Samurai lại nhìn ông lão như suy nghĩ một lúc rồi nói:

– Thôi ngươi hãy giữ tiền đó lại đi, món nợ mấy năm nay coi như đã được trả rồi.

Các bạn thấy đấy, nhờ nhẫn nhịn được cơn tức mà vị Samurai đã không bị sân hận điều khiển gây ra hậu quả bi thương là giết hại vợ và mẹ mình.

Trong xã hội, không phải ai cũng có những quan điểm giống nhau, có thể con đường bạn đã chọn rất khác với tiêu chuẩn thông thường. Mọi người sẽ chỉ trích bạn, liệu bạn có đủ kiên nhẫn để bình tâm mà đi tiếp? Tôi xin lấy ví dụ bằng chính việc tôi đến với Pháp thế nào.

Khi tôi bắt đầu tu hành ai cũng coi tôi là một kẻ chỉ thích kinh doanh, du lịch và kiếm tiền, không ai nghĩ rằng tôi có thể tu hành được gì ngoài những điều ấy. Tôi gặp phải rất nhiều lời gièm pha, chỉ trích vì con đường của mình. Nhưng hơn ai hết tôi hiểu rằng con đường tôi đã chọn là đúng đắn. Và bằng cách tập nhẫn nhục, tôi học cách chấp nhận những lời nói xấu, thậm chí cả việc những người bạn rời xa tôi vì nghĩ rằng tôi tu hành sai lạc. Càng ngày tôi càng hiểu hơn giá trị của việc tu giữa đời và trân trọng hơn cơ hội tu tập đúng đắn tôi đang có.

Zangthalpa liền đọc một bài thơ trong ánh mắt chăm chú của tất cả mọi người:

Lúc bắt đầu tu hành, nhẫn nhục giúp bạn vượt qua những trở ngại bên ngoài để đến được với Pháp.

Khi đang sửa mình, nhẫn nhục giúp bạn sử dụng khó chịu để hàng phục cái tôi.

Trên con đường Bồ tát, nhẫn nhục giúp bạn phát triển tình thương và sự cảm thông với tất cả mọi người.

Trên con đường Trí tuệ, nhẫn nhục giúp bạn tĩnh tại để nhận ra sự bình đẳng giữa khó khăn và thuận lợi.

Trên con đường Phương tiện, nhẫn nhục là áo giáp và vũ khí để bạn vượt qua bất kì khó khăn nào.

Vì vậy, nhẫn nhục là một phẩm tính không thể thiếu trên con đường giác ngộ.

Mọi người thường nghĩ rằng nhẫn nhục là một chuyện rất khó khăn nhưng thực ra đó là một chuyện có thể hoàn thành nếu bạn tập luyện từ những việc nhỏ. Có câu nói rằng: “Bằng việc chấp nhận những tổn hại nhỏ, tôi sẽ làm quen được với những tổn hại lớn. Bằng việc làm quen được những tổn hại lớn, tôi sẽ trở nên bình an và sáng suốt hơn”. Và đây là câu chuyện của tôi:

Trước khi đi tu hành, tôi là một thương nhân bận rộn và khẩn trương. Hai khẩu hiệu mà tôi tâm đắc nhất trong công việc là “Làm luôn” và “Tăng tốc lên”. Tôi viết thư pháp hai câu này dán khắp tường dinh thự. Tôi thường hay khó chịu khi những điều mình cho là đúng chưa được xảy ra. Nhưng như vậy không những không làm cho cuộc sống của tôi trở nên dễ chịu, mà cuộc sống của người làm công cho tôi cũng trở nên căng thẳng.

Làm luôn và tăng tốc lên!

Khi đó, tôi luôn cho mình là người đúng đắn, chính trực. Mỗi khi có ai đó làm việc xấu với tôi, tôi trách cứ họ và kể việc xấu của họ với người khác khi có dịp. Mỗi khi có ai đó chỉ trích tôi, tôi tìm cái sai của họ và chỉ trích lại họ.

Mỗi lần như vậy, tôi giận giữ và họ cũng đều giận dữ. Cuộc sống quanh tôi chỉ trở nên tệ hơn chứ không thể tốt lên. Đôi khi tôi biết điều gì là sai, nhưng lại không thắng được lòng sân hận, ghen tị nên vẫn làm. Tôi vẫn phản ứng lại người khác bằng nói xấu, châm chọc, chê bai. Tôi mất đi những người bạn và nhận được sự công kích của những người tôi có quen lẫn không quen biết.

Đầu tiên tôi nghĩ rằng lỗi nằm ở bên ngoài, ở những người làm điều xấu với tôi. Nhưng sau 2 lần kinh doanh phá sản, tôi nghĩ vấn đề có lẽ nằm ở bên trong tôi. Sau đó, tôi bước vào đọc sách Phật để sửa mình. Và tôi nhận ra rằng: Tất cả lỗi là do tôi đã không đủ tỉnh táo và nhẫn nhục. Tôi đã để cho những thói xấu của mình điều khiển khi phản ứng với mọi người.

Nhờ kết quả của tu tập, sau một thời gian tôi đã có thể kiên nhẫn hơn khi bị chỉ trích, phản đối, coi thường… Tôi đã cố gắng rất nhiều để trở nên biết chịu đựng hơn, con người hay phản ứng cũ của tôi đã dần dần biến mất.

Nhưng nếu nghĩ rằng nhẫn nhục là chuyện một sớm một chiều thì là quá chủ quan. Cách tập “nhẫn nhục” của tôi lúc đó còn có ít trí tuệ, đôi khi mang tính “chịu đựng” nhiều hơn là kiên nhẫn. Đây cũng là một lầm lẫn lớn của nhiều người về nhẫn nhục, và thường sau khi không chịu đựng nổi nữa thì sự chịu đựng này sẽ phát tác theo cách này hay cách khác, nhiều khi rất nguy hại.

Tôi sẽ lấy một ví dụ cho các bạn thấy, câu truyện này có tên là: “Bí mật trong chiếc hộp giày của người vợ nhẫn nhịn”.

Một cặp vợ chồng già đã chung sống với nhau hơn 63 năm nay. Họ chia sẻ với nhau mọi thứ. Họ không có bí mật nào với nhau ngoại trừ việc người vợ có một chiếc hộp đựng giày để ở trên nóc tủ quần áo. Bà dặn người chồng không bao giờ được mở chiếc hộp đó ra và cũng không bao giờ được yêu cầu bà mở chiếc hộp.

Những năm tháng sống cùng nhau, họ chưa bao giờ nhắc tới chiếc hộp. Cho đến một ngày kia, người vợ già yếu lâm bệnh. Thầy thuốc nói rằng có lẽ bà không thể qua khỏi. Trong khi cố gắng sắp xếp công việc của mình, người chồng già mang chiếc hộp giày xuống và đặt nó cạnh giường vợ. Bà đồng ý rằng đã đến lúc người chồng nên biết có gì trong hộp. Khi mở hộp ra, ông thấy 1 đôi giày và số tiền 900 đồng tiền vàng. Người chồng muốn vợ giải thích về những thứ trong hộp. Người vợ nói:

– Khi chúng ta chuẩn bị kết hôn, bà em đã nói rằng bí quyết của một cuộc hôn nhân hạnh phúc là không bao giờ tranh cãi. Bà nói với em rằng nếu mỗi lần tức giận với chồng, con chỉ nên im lặng, nín nhịn và tìm một cái gì làm để giúp con được giải tỏa.

Sau đó khi lấy nhau, mỗi lần em có điều gì giữa chúng ta, em lại kìm lại trong lòng… Dần dần em không thể chịu nổi nữa, em nhớ tới lời bà. Và em đã tìm ra một cách giải toả cơn giận thành công. Mỗi lần giải toả như vậy, em lại xin một đôi giầy làm kỷ niệm của người đàn ông em ngủ cùng.

Người chồng già quá cảm động về những gì vừa nghe từ vợ. Ông phải cố kìm nén để nước mắt không rơi. Chỉ có 1 đôi giày ở trong hộp, nghĩa là bà chỉ tức giận với ông 1 lần trong suốt mấy chục năm chung sống! Người chồng gần như vỡ òa vì hạnh phúc. Ông nói:

– Em yêu, đó là lý do của đôi giày, vậy còn số tiền này thì sao?

Bà nói:

– À, số tiền đó kiếm được từ việc bán các đôi giày khác anh yêu ạ!

Các bạn thấy đấy, nếu bạn phát tác cơn giận của mình ra ngoài, nó sẽ làm hại người khác. Nếu bạn giữ chúng lại bên trong, chúng sẽ làm tổn thương bạn rồi sẽ phát tác ra theo một cách bất ngờ. Do đó bạn phải nhẫn nhục bằng trí tuệ chứ không phải bằng nhịn nhục và chịu đựng. Chỉ bằng trí tuệ, cơn giận của bạn mới không bị đè nén và thực sự tiêu tan. Tôi xin được kể tiếp câu chuyện của mình:

Công việc kinh doanh lần thứ 3 của tôi lại không thuận lợi và phá sản. Và 2 người góp vốn với tôi để cùng làm ăn bỗng phủi tay và đổ hết trách nhiệm cho tôi. Tôi phải một mình cặm cụi trả nợ cho cả 3 người trong cảnh bị những kẻ côn đồ đòi nợ thuê liên tục đe doạ bằng dao búa.

Do chưa đủ trí tuệ, tôi đã không giữ được sự kiên nhẫn. Tôi lại cảm thấy bực tức và trách cứ rằng những người ấy đã gây hoạ cho tôi. Khi đó, tôi nhận ra rằng có lẽ tôi vẫn chưa biết thực sự phải làm thế nào để tập nhẫn nhục cho hiệu quả. Hàng tối, tôi cầu nguyện chư Phật cho tôi tìm được cách để trong lòng giải toả hoàn toàn được sự trách cứ này.

Cho đến một đêm nọ, trong giấc mơ của mình, tôi đi qua một toà núi cao, trên đỉnh phủ đầy mây trắng. Đang băn khoăn tìm đường lên thì tôi thấy một người đang ngồi trên một tảng đá lớn, trên mình choàng một chiếc áo đỏ toả ánh sáng rực rỡ. Ngay lập tức tôi cảm nhận đó là bậc Trì minh vương Drimey Ozer. Quỳ dưới chân Ngài, tôi thưa:

Trì minh vương Drimey Ozer

– Bậc thầy trí tuệ vĩ đại! Xin hãy chỉ cho con cách để kiên nhẫn với những người đã làm điều xấu với mình. Một người đã lừa của con một tài sản lớn và đẩy con vào cảnh nợ nần. Hai người giàu có khác đã cùng con làm ăn nhưng khi khó khăn thực sự đến, họ chứng kiến cảnh con bị côn đồ đòi nợ khổ sở mà không hề mảy may chịu đúng phần trách nhiệm… Con oán trách họ và tự thấy tâm mình đau khổ. Xin thầy hãy chỉ cho con cách tập để không còn oán trách những người này?

Ngài nhìn tôi với ánh mắt sâu thẳm như chứa đầy trí tuệ cổ xưa và nói với tôi những lời sau:

Con yêu quý! Đây là năm cách mà con cần ghi nhớ kỹ, để có thể dùng khi thực hành nhẫn nhục:

  1. Đi giầy thay trải thảm da:

Đừng bắt mọi điều trong thế giới phải luôn đúng đắn theo kiểu của con, Mà chỉ cần tập để tâm con luôn đúng đắn. Tại sao phải phủ đầy da trên mặt đất để tránh bị đau chân Trong khi chỉ một đôi giầy thôi cũng đủ làm con êm ái?

Ngày xưa, có một vị vua vô cùng giàu có và hùng mạnh. Một lần đi thăm thú sơn thủy, chân ông vấp phải một hòn đá và chảy máu. Do không kiềm được tức giận, ông ngay lập tức ra lệnh các tỉnh phải cống nạp da và những người thợ phải làm đêm làm ngày để phủ da lên toàn bề mặt vương quốc. Điều này trong mấy năm liền đã làm khổ sở bao nhiêu người dân. Tiếng than khóc của họ vang đến tai bậc thánh bi mẫn, Bồ tát Quán Thế Âm. Một ngày nọ, trên đường đi du hành, vua gặp một bé gái là hóa thân của Đức Quán Thế Âm. Bé gái hỏi nhà vua: “Ngài có điều gì không hài lòng?”. “Mọi việc đều tốt, trừ việc thi thoảng đôi chân ta hơi đau khi đi qua vùng chưa trải da”. “Điều đó dễ thôi”, và bé gái dâng lên nhà vua một đôi giày da, nhà vua đi vào và cảm thấy rất êm ái, chân ông không còn đau khi đi bất cứ đâu nữa. Ông quay trở về hoàng cung và bãi bỏ lệnh phủ da trên toàn vương quốc.

Do đó hãy xác quyết rằng: Sân hận là do cách con nhìn thế giới chưa đúng chứ không do lỗi của thế giới. Để giải quyết tận gốc sân hận, con phải sửa bên trong chứ không thể sửa hoàn cảnh bên ngoài.

  1. Gieo nhân nên nhận quả:

Cho dù người kia có làm con khổ sở đến mức nào, hãy nhớ rằng con bị như vậy bởi những nhân do chính con đã gieo. Con đã từng làm cho ai đó sân hận trong quá khứ, Và ngày nay sự sân hận đó quay trở lại với chính con.

Do đó hãy xác quyết rằng: Sân hận hôm nay không do lỗi của người khác mà là quả của những hạt giống xấu con đã gieo trong quá khứ. Họ chỉ là những điều kiện như nước, ánh nắng… để hạt giống đó nảy mầm ra mà thôi.

Hãy nhớ câu “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Bồ tát chỉ tập trung vào việc cẩn thận gieo nhân chứ không hề lo sợ về quả gì sẽ xảy ra. Chúng sinh thì khi gieo nhân không cẩn thận chút nào rồi khi quả sắp trổ ra lại ngồi lo lắng. Bồ tát biết rằng quả đang và sẽ xảy ra là điều không thể tránh khỏi, bởi đó là kết quả của những nhân đã từng gieo trong quá khứ, bây giờ không thể nào sửa đổi được. Cách thông minh là phải cẩn thận khi gieo nhân, để tránh gieo nhân xấu, chứ không phải ngồi hồi hộp lo liệu quả có xảy ra không.

  1. Ai thực là kẻ thù?

Một người làm điều xấu với con do họ vẫn còn tham lam, giận dữ và ngu dốt. Con trở nên bực tức đối với họ, nhưng hãy nhìn xem ai là người điều khiển họ? Ba kẻ đó chính là: ngu dốt, tham lam và giận dữ. Hãy tìm cách tiêu diệt 3 kẻ thù thực sự này.

Do đó hãy xác quyết rằng: Thay vì trách cứ một ai đó, con hãy trách cứ tham, sân, si và trở nên thông cảm với người đó hơn. Họ cũng giống như con, đang bị điều khiển bởi tham lam, si mê và giận dữ. Thay vì tìm cách trả thù họ, hãy tìm cách tiêu diệt tham sân si trong con và trong họ.

  1. Ai là tâm vũ trụ?

Trong thế giới của mình, con là trung tâm và người khác là những đối tượng xung quanh. Cái con quan tâm nhất là cảm xúc, quyền lợi, hạnh phúc của mình. Trong thế giới của người khác, họ là trung tâm và con trở thành đối tượng ngoài lề. Họ sẽ ưu tiên cái nào hơn: cảm xúc, quyền lợi của con hay là của họ?

Do đó hãy xác quyết rằng: Mọi người đều cho mình là trung tâm của vũ trụ, đều lo lắng, vun đắp cho quyền lợi của mình, cũng giống như con. Việc họ thiếu quan tâm đến cảm xúc và ích lợi của con cũng dễ hiểu và thông cảm được. Để tránh nuôi cái tôi của mình và làm tổn thương người, con hãy bỏ thái độ tôi là cái rốn của vũ trụ.

  1. Ai là vị thầy quý giá?

Nếu không có những khó khăn, Con sẽ chỉ trôi đi trong cuộc sống mà không học được bao nhiêu. Hãy cảm ơn những người làm khổ con, bởi họ cho con cơ hội để luyện tập lòng nhẫn nhục.

Do đó hãy xác quyết rằng: Những người làm con khó chịu, tức giận… chính là những người đang giúp con rèn luyện hạnh nhẫn nhục. Hãy cảm thấy biết ơn họ, và học bài học của mình.

Kẻ thù chính là người thầy đáng quý nhất dạy cho con về lòng kiên nhẫn. Không có những người đó, con sẽ không có được sự mạnh mẽ, khôn ngoan như ngày hôm nay. Hãy cảm thấy may mắn vì con đã gặp được họ, con sẽ dễ dàng nhẫn nhịn hơn và học được bài học của mình.

Ngài nói tiếp trong sự lắng nghe không chút lơi là của tôi:

– Trong các đời trước, ta đã cùng con bước trên thế gian này. Lần cuối cùng là cách đây 207 năm. Khi chúng ta là thầy trò, khi là cha con, khi là đồng đạo, khi cùng là chiến sĩ… Ta đã cùng con đối diện với nhiều tình huống hung hiểm, hơn cả những việc mà đời này con gặp phải. Và con đều vượt qua những tình huống đó bằng hạnh nhẫn nhục của mình.

Hỡi đứa con mà vốn không khác gì ta, ta mong con hãy trở nên siêu tự tin và vượt qua mọi điều này một lần nữa, để có thể giúp cho người khác bằng chính kinh nghiệm của mình.

Ngài nói xong và từ từ biến mất. Tôi tỉnh giấc và nhanh chóng ghi lại những lời dạy của Ngài. Áp dụng 5 cách suy nghĩ này thường xuyên, tôi dần dần vượt qua được hoàn cảnh khó khăn và không còn giận những người đã từng làm hại tôi một chút nào. Có một câu truyện rất hay, tôi sẽ kể các bạn nghe như ví dụ minh hoạ cho những điều trên. Câu truyện có tên “Sự nhẫn nhục của Đức Phật”:

Một lần kia, Đức Phật đang thuyết pháp thì chợt có một người đi đến gần rồi nhổ nước bọt vào mặt của Ngài. Đức Phật thản nhiên lau đi rồi hỏi:

– Còn gì nữa không? Ông còn muốn hỏi điều gì nữa không?

Người đó thật sự ngạc nhiên bởi từ trước tới nay chưa có ai bị nhổ vào mặt mà vẫn thản nhiên được như vậy. Thông thường, người bị sỉ nhục hoặc là nổi điên lên đáp lại dữ dội, nếu là kẻ hèn nhát thì kinh sợ, năn nỉ xin tha cho mình. Thế nhưng Đức Phật không hề sợ hãi, cũng không cảm thấy bị sỉ nhục mà cũng không tức giận, lại còn hỏi lại khiến cho hắn không biết phải phản ứng ra sao. Riêng các đệ tử của Đức Phật thì không thản nhiên như vậy được, vị đại đệ tử tên là Ananda bèn nói:

– Chúng con đối với sự việc như vậy không thể nhẫn nhục được. Chúng con sẽ cho hắn ta một bài học để sau này hắn đừng bao giờ dám làm như thế nữa. Đức Phật hỏi lại:

– Sao vậy? Hắn ta có nhục mạ ta đâu mà cần phải trừng trị? Người này từ xa tới, chắc chắn đã nghe những lời đồn đại xấu xa về ta. Cho ta là kẻ tồi bại vô thần, đầu độc chúng sinh rất nguy hiểm nên mới tức giận mà nhổ nước bọt vào mặt của ta. Hắn không phải nhổ vào mặt ta mà trong tâm muốn nhổ vào cái ý tưởng ta là kẻ xấu xa ấy.

Thấy các đệ tử lắng nghe, Đức Phật giảng giải tiếp:

– Nếu các con suy nghĩ cho kỹ thì chính hắn đã nhổ vào tâm trí của hắn, ta hoàn toàn không dự phần trong việc này. Ta còn cảm thấy con người đáng thương ấy còn nhiều thắc mắc trong lòng nên mới hỏi còn điều gì nữa không. Nhổ vào mặt ta là một cách để nói điều gì đó, nhưng ta cảm thấy cách nói đó không thích hợp nên mới hỏi lại hắn.

Hắn không phải nhổ vào mặt ta mà muốn nhổ vào cái ý tưởng ta là kẻ xấu xa ấy

Trong nhiều trường hợp, nhất là khi hận thù thì ngôn từ hoàn toàn bất lực, chỉ có hành động mới biểu lộ bằng hết tâm tư của mình. Vì quá tức giận không thể nói được nên người này mới nhổ nước bọt vào mặt của ta. Ta hiểu hắn rất rõ nên mới hỏi lại còn điều gì muốn nói nữa không.

Trong khi người đó đang ngơ ngác lắng nghe lời dạy của Phật thì Ngài nói tiếp:

– Các con đã tu tập với ta nhiều năm, đã biết quá rõ về hạnh nhẫn nhục mà vẫn nổi giận với hắn thì chưa phải là người tu hành.

Nghe những lời này, người lạ hổ thẹn bỏ đi nhưng đến tối không sao ngủ được, trong tâm dằn vặt về những chuyện đã xảy ra lúc sáng. Hắn ta chưa bao giờ gặp một người nào lạ lùng như Đức Phật nên càng suy nghĩ càng bị khủng hoảng hoàn toàn, bao nhiêu tri thức từ trước tới nay đều bị đảo lộn. Không sao chịu nổi, sáng hôm sau, người đó vội vã trở lại nơi Đức Phật truyền đạo, quỳ sụp xuống dưới chân ngài. Đức Phật liền hỏi:

– Ông còn gì để nói nữa phải không, vì vậy mới đến đây sớm như thế? Hôm qua ông đã dùng cách nói mà ngôn ngữ không thể diễn đạt được, hôm nay cũng quỳ xuống mà không nói được, tức là cũng dùng hành động để biểu lộ tâm tư mà không thể diễn đạt được. Như vậy rõ ràng là ngôn ngữ nghèo nàn đến độ ông không thể nói những điều mà mình đang suy nghĩ và muốn nói ra phải không?

Người này nghe vậy liền ngước mặt lên, thổn thức nói với Đức Phật:

– Xin Ngài hãy tha thứ cho tất cả những tội lỗi mà con đã gây ra ngày hôm qua.

Đức Phật mỉm cười đáp:

– Ông muốn xin lỗi người mà hôm qua ông đã nhổ vào mặt ư? Ta không phải là người đó. Bao nhiêu nước sông Hằng đã chảy mãi từ ngàn năm nay, nước sông Hằng hôm nay không phải là nước sông Hằng của ngày hôm qua. Mỗi người cũng như một dòng sông, người mà ông đã nhổ nước bọt vào mặt không còn hiện diện ở đây nữa. Ta có hình thức giống như người mà ông đã nhổ nước bọt vào mặt, nhưng không phải là người ấy.

Ta không thể tha thứ cho ông, bởi vì hiện tại ta không có điều gì oán hờn ông hết. Ngay chính ông cũng là người mới đến chứ không phải là người hôm qua, người hôm nay hiền lành còn người hôm qua hết sức dữ tợn. Người hôm qua nhổ nước bọt vào mặt ta, còn người hôm nay quỳ dưới chân ta, sao ông lại là người ấy được? Ông đã không phải là người ấy, ta cũng không phải là người hôm qua, vậy thì hãy quên chuyện hôm qua đi. Cả hai người, nhổ vào mặt người khác và bị nhổ đều đã không còn nữa, bây giờ hãy cùng nhau nói về chuyện khác vậy.

Nghe đến đây, tất cả mọi người đều cảm thấy thán phục Đức Phật và quyết thực hành nhẫn nhục giống như Ngài theo các phương pháp mà Zangthalpa đã nói.

Zangthalpa tiếp tục:

– Các bạn yêu quý, Đức Phật là một tấm gương lớn về hạnh nhẫn nhục mà tất cả chúng ta đều nên noi theo. Nếu thực hành nghiêm túc, bạn cần biết xấu hổ khi vẫn còn giữ lòng sân hận với bất kỳ một ai. Theo kinh nghiệm của tôi, nhẫn nhục là khả năng chấp nhận được mọi thứ đúng như chúng là, thay vì bắt mọi thứ phải như ta kỳ vọng. Khi chấp nhận được như vậy, ta có khả năng kiên nhẫn với sai lầm, thất bại, không hài lòng, thất vọng… mà không từ bỏ điều mình cho là đúng.

Tôi xin kể một câu chuyện về cách thực hành nhẫn nhục của hai vị thiền sư để các bạn thấu hiểu hơn. Câu chuyện có tên là “Được thế thì còn gì bằng”.

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 11: Được thế thì còn gì bằng!

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.