Zangthalpa – Phần 2: Hòn Đá Đặt Chân

Xin gửi đến các bạn phần tiếp theo của câu truyện Thầy Trong Suốt đang kể về Zangthalpa:

Đám đông bắt đầu chăm chú hơn, và Zangthalpa tiếp tục nói:

Bạn thân mến,

Tất cả những điều này không đến từ sách vở,
mà đến từ những năm tháng kiếm tiền và du lịch của tôi

Bạn có biết Bồ tát là như thế nào không? Bồ tát là người cam kết sẽ thực hành cho đến khi họ trở nên hoàn toàn yêu thương và trí tuệ. Về ngắn hạn, Bồ tát giúp đỡ mọi người giảm bớt đau khổ và cảm thấy hạnh phúc hơn. Về dài hạn, Bồ tát giúp mọi người cũng trở nên đầy yêu thương và trí tuệ cho đến ngày hoàn toàn giác ngộ.

Bồ tát giúp đỡ mọi người ngay cả khi người kia không hề biết, ngay cả khi người kia không hề cảm ơn, ngay cả khi người kia hiểu lầm, và ngay cả khi người kia phá hoại công việc của Bồ tát. Bồ tát là một siêu anh hùng thầm lặng, nhưng không bao giờ nghĩ mình là anh hùng.

Các siêu anh hùng chỉ xuất hiện trong truyện tranh, Bồ tát sống giữa đời thường như một người quen của bạn. Các siêu anh hùng có được khả năng đặc biệt là nhờ trời cho, Bồ tát có được năng lực đặc biệt là nhờ rèn luyện.

Các siêu anh hùng sử dụng nhiều vũ khí quyền năng khác nhau như kiếm, nhẫn, áo choàng, quyền trượng, tơ nhện… Bồ tát chỉ sử dụng 2 vũ khí để hàng phục mọi loại vũ khí khác của thế gian, đó là Trí tuệ và Tình thương.

Bồ tát hiểu rằng, tình thương và trí tuệ sẽ làm việc hoàn hảo nhất khi chúng phát triển cùng với nhau. Bồ tát không nghĩ rằng, trước tiên tôi chỉ phát triển trí tuệ rồi sau đó mới phát triển tình thương, hoặc trước tiên tôi phát triển tình thương rồi sau đó mới phát triển trí tuệ.

Khi bạn có tình thương với mọi người, trí tuệ của bạn sẽ mở rộng để thấu hiểu mọi vấn đề tương đối và tuyệt đối của thế gian. Khi bạn có trí tuệ, tình thương của bạn sẽ dạt dào bởi bạn biết mọi chúng sinh và bạn là đồng một thể. Như hoa trái đến từ sự hợp nhất giữa trí tuệ và từ bi, hành động của bạn sẽ tự mang lại lợi lạc cho tất cả chúng sinh, trong khi đó, bạn hoàn toàn tự do vì biết rằng chẳng có chúng sinh nào để làm lợi lạc.

Vì thế, Bồ tát rèn luyện cả trí tuệ lẫn tình thương trên con đường tu học của mình.

Cách đây 10 năm, tôi đang tập trung thực hành các phương pháp giải quyết ngã chấp với mong muốn nhanh chóng chứng ngộ vô ngã, thoát khỏi luân hồi. Tôi thực hành một cách quyết liệt, mạnh mẽ và cô độc một mình. Tôi rất cố gắng học hỏi, nghiên cứu và thiền định ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác mà vẫn chưa xuyên thấu được bức màn che chướng của việc tin rằng có một cái tôi. Tôi có xu hướng ít để ý đến người khác, ít quan tâm đến vấn đề của người khác vì thấy mọi thứ chỉ là sự vận hành của nhân quả, không có ai ở đó để mà chịu đau khổ.

Cứ như vậy 2 năm trời, dù đã hiểu biết thêm rất nhiều về giáo Pháp nhưng tôi vẫn không vượt qua được cánh cửa của sự chứng ngộ vô ngã. Một đêm, tôi nằm trong căn nhà nhỏ giữa thảo nguyên rộng lớn, lắng nghe tiếng nước chảy rì rào và ngắm mặt trăng dịu mát phía sau đỉnh núi. Tôi dần dần chìm vào giấc ngủ. Đến canh ba, tôi bỗng nghe một âm thanh dịu dàng: “Dậy đi con trai!”. Trước mắt tôi là một vị cư sĩ mặc choàng trắng ngồi trên một bông hoa sen trắng, với khuôn mặt sáng như ánh trăng rằm và tươi trẻ như chỉ mới 16 tuổi. Ngài nói với tôi với một giọng trầm ấm mà âm vang cả đất trời: “Con giúp chính mình bằng cách giúp mọi người!”, nói xong Ngài biến mất khỏi tầm nhìn. Tôi chợt tỉnh dậy, mọi hình ảnh đã biến mất nhưng tiếng nói của Ngài như vẫn còn vang vọng khắp không trung và ngân vang trong lòng tôi.

Từ đấy trở đi, tôi bắt đầu đi gặp mọi người, hỏi han về những điều làm cho họ đau buồn, cảm nhận nỗi khổ của họ và bắt đầu giúp đỡ họ hết sức trong khả năng của mình. Tôi nhận ra rằng, ẩn dưới vẻ bên ngoài bình thường, người nào cũng mang theo một nỗi khổ đau, một sự khó chịu không biết chia sẻ cùng ai. Không khó khăn để họ nói ra điều đó với bạn, nếu bạn thật lòng mong muốn giúp đỡ. Dành thời gian, công sức của mình để làm người khác tốt lên mà không nhận lại bất kì một sự đền đáp nào, đó là cách mà Bồ tát dùng để tiếp cận và giúp đỡ chúng sinh.

Mọi người tìm đến tôi để tâm sự và rồi lại lắng nghe tôi chia sẻ kinh nghiệm áp dụng Phật Pháp vào cuộc sống. Họ có thể là một nhà buôn đang lo lắng để giữ được sản nghiệp của mình vì vướng vào đi vay nặng lãi, một người phụ nữ chuẩn bị tự tử vì bị bạn trai phản bội sau hai lần hứa xin sửa chữa, hay một người con xa nhà liên tục nhận được những lá thư của mẹ giục lấy chồng… Những chia sẻ của tôi dần làm họ khá lên.

Thay vì chỉ hiểu các chân lý về khổ, nguyên nhân của khổ, con đường diệt khổ… qua lý luận, tôi đã chứng nghiệm điều này qua từng ngày tháng miệt mài chia sẻ, nỗ lực giúp mọi người vượt qua nỗi đau. Có những lần tôi ngập tràn hi vọng, tưởng đã giúp được ai đó rồi cuối cùng lại thất vọng vì thấy người ấy lặp lại sai lầm một lần, rồi một lần nữa… Ở bên trong tôi, xuất hiện một mong muốn mãnh liệt phải giải quyết được dứt điểm mọi vấn đề của chính mình. Và qua đó giúp được tất cả mọi người hết khổ hoàn toàn cho dù tôi có phải trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả! Lý tưởng Bồ tát bắt đầu bừng cháy trong tôi.

Nhìn thấy niềm vui của những người gặp tôi rồi giải quyết được vấn đề của họ, tôi cảm nhận được một niềm hạnh phúc mới, sâu sắc hơn mọi lạc thú mà tôi đã từng có được. Đó là: Hạnh phúc khi làm người khác hạnh phúc. Mỗi lần giúp một ai đó hạnh phúc, niềm vui của họ lại như một thanh củi làm cháy sáng thêm ngọn lửa quyết tâm đi trên con đường Bồ tát của tôi. Cũng vì giúp đỡ mọi người mà không lựa chọn, đôi khi những người tôi giúp lại là kẻ thù của nhau, tôi thấu hiểu thêm rằng thế giới là do tâm tạo. Mỗi người sống trong một thế giới riêng do chính suy nghĩ của mình tạo ra mà cứ nghĩ rằng thật sự có một thế giới ở ngoài kia. Tôi nhận thức sâu sắc hơn về tính không bản chất của mọi sự vật, hiện tượng, của đúng – sai, tốt – xấu, thế rồi dần mất đi sự chấp chặt vào chúng. Thế giới của tôi trở nên rộng mở, thoáng đạt, mọi vật dường như chỉ hiện ra mà không có tính chất gì.

Bằng việc xắn tay áo lên cùng người khác giải quyết vấn đề của họ, tôi có cơ hội trui rèn các phương tiện thiện xảo để giúp nhiều kiểu người khác nhau trong nhiều loại hoàn cảnh khác nhau. Tôi rèn luyện tính kiên trì và nhẫn nại khi giúp đỡ người khác không thành. Tôi phát triển khả năng nhẫn nhục khi giúp người và bị hiểu lầm, nói xấu, thậm chí tìm cách làm hại. Tôi tập tính hào phóng chia sẻ với người khác tài sản, thời gian và sức lực của mình để giúp họ khá lên. Tôi phát triển định lực khi đối diện với mọi vấn đề của tôi và mọi người đến cùng một lúc mà vẫn bình tĩnh, không trở nên rối loạn. Tôi trở nên cẩn trọng trong từng lời nói, hành động và suy nghĩ để không giúp đỡ người khác nhằm thoả mãn cái tôi của mình, vì điều này có thể rất tinh vi.

Cứ như vậy trong một thời gian dài, theo lời của bậc thầy Hoa sen trắng, tôi miệt mài giúp đỡ mọi người. Đúng như lời Người đã nói: “Con giúp chính mình bằng cách giúp mọi người”, ánh sáng của trí tuệ, thiền định, nhẫn nhục, tinh tấn, trì giới và bố thí ngày một sáng rõ trong tôi. Từ một người chỉ quan tâm đến giải quyết vấn đề sinh tử của riêng mình, tôi trở nên mong muốn sớm giác ngộ cho mình để giác ngộ cho mọi chúng sinh, sự phân biệt giữa ta và người trong tôi đã dần dần biến mất.

Tôi đi đến một quyết định vững chắc rằng, dù có phải tái sinh bao nhiêu đời, trải qua bao nhiêu gian khổ, khó khăn đi nữa, để giúp được người khác giác ngộ thì điều đó cũng không là vấn đề đối với tôi. Tôi nguyện làm hòn đá đặt chân cho mọi người vượt qua dòng sông đau khổ của luân hồi. Nguyện đưa mọi chúng sinh đến bờ bên kia của Hạnh phúc và Giác ngộ.

*

Khi Zangthalpa nói đến đây, những người muốn lấy ông làm trò cười cảm thấy rất bối rối. Họ không ngờ rằng một người chỉ biết du lịch và kiếm tiền lại có thể thấu hiểu nhiều như vậy…

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 3:  Nhìn Mỗi Người Ta Gặp Như Một Vị Phật

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.