- Luyện tâm thành vàng
Thế là Vũ Thành và Singha được cởi trói chân tay để đi về lều. Vừa về tới nơi, Vũ Thành cáu kỉnh nói với Singha:
– Trời ơi, sao Thầy lại nói thế? Thầy chém gió thì cũng phải chọn gió mà chém chứ. Sao không chọn cái gì dễ mà con có thể làm được. Con cũng chỉ biết chém gió thôi chứ con biến thành gió thế quái nào được? Thầy chém thế này thì cả hai ta cùng chết à?
– Không phải lo. Nếu có chết thì cũng có mình ngươi chết thôi. Còn ta biến thành gió bay đi là xong. Ngươi không tin ta mà bái ta thành Thầy như thế quả là sỉ nhục ta.
– Dạ con đâu dám! Nhưng đời con chưa thấy ai biến thành gió bao giờ nên con thấy có gì đó nó sai sai. Thôi! Bây giờ Thầy dạy con luôn đi!
– Người bình thường học bí kíp này mất ba năm nhưng để xem ngươi thế nào. Có thành gió được không hay thành cái xác chết. Ngươi dỏng tai lên mà nghe đây: muốn biến thành gió rất dễ. Ngươi chỉ cần không tin ngươi là thân thể này. Ngươi sẽ không còn giới hạn ở cái thân thể này nữa. Lúc đó chỉ cần người thích gió hiện ra thì gió sẽ hiện ra. Vũ trụ luôn giúp những người làm theo trái tim của mình. Nếu ngươi làm theo trái tim thì vũ trụ sẽ giúp nhà ngươi, thứ gì xảy ra cũng chỉ là để giúp nhà ngươi mà thôi. Còn nếu ngươi không làm theo trái tim thì vũ trụ sẽ tìm đủ lý do ngăn cản nhà ngươi, chướng ngại nào cũng tìm đến nhà ngươi cho tới ngày nhà ngươi làm theo trái tim thì thôi. Thế thôi. Bí kíp siêu đơn giản đúng không?
Vũ Thành nghe xong mắt chữ A mồm chữ O không nói được lời nào. Những lời Thầy Singha nói là những lời lần đầu tiên trên đời có một người nói với cậu như vậy. Vũ Thành thấy dựng hết cả lông tóc lên khi thầy nói cậu không phải thân thể có giới hạn này. Những điều đó cậu chưa hiểu hết ngay ý nghĩa nhưng nó khiến cậu rung động cả tâm can và vô cùng mong muốn được trải nghiệm những lời Thầy vừa nói.
Ngày hôm sau, Vũ Thành đi bộ vòng quanh doanh trại để nghiền ngẫm lời Thầy, nhưng vẫn không tài nào hiểu được. Tại sao tôi lại không phải thân thể này? Thân thể này có thực sự là tôi? Tôi là cái quái gì? Hàng vạn câu hỏi cứ dồn dập hiện lên khiến chàng kiệt sức. Chàng quyết định dừng bước nghỉ chân trên đồi cát, phóng tầm mắt ra xa. Bỗng nhiên, Vũ Thành giật mình, dụi mắt mấy lần như không thể tin vào những gì đang hiện ra. Đến khi mở mắt nhìn lại, Vũ Thành vẫn thấy điều chàng vừa thấy: Sa mạc mênh mông kia thực sự chỉ là một cái hình. Chàng đưa một tay lên kiểm chứng, thì thấy tay chàng cùng sa mạc cũng chỉ là một cái hình, không tách rời nhau. Chàng kinh ngạc nhìn xuống thân thể mình, cũng chỉ là hình mà thôi. Niềm tin tôi là thân thể này vỡ vụn. “Nếu thân thể này chỉ là cái hình thì làm sao tôi là thân thể này được! Tôi chắc chắn không phải thân thể này. Nhưng ai đang nhìn? Ai nghĩ ra tất cả những thứ này? Ai đang chứng nghiệm những điều tuyệt vời này? Có phải là tôi không?”
Không thể nghĩ được câu trả lời, Vũ Thành lao như tên bắn tới lều của Singha và kể cho Thầy những điều chàng vừa trải qua cùng những câu hỏi kéo dài không dứt. Singha chỉ mỉm cười gật đầu, ngâm một bài kệ:
“Khi nhìn chỉ có cái được nhìn. Khi nghe chỉ có cái được nghe. Khi xúc chạm chỉ có cái được xúc chạm. Khi biết chỉ có cái được biết”.
Con hãy tự rèn luyện như vậy.
Khi mà đối với con, khi nhìn chỉ có cái được nhìn, khi nghe chỉ có cái được nghe, khi xúc chạm chỉ có cái được xúc chạm, khi biết chỉ có cái được biết, thì sẽ không có cái tôi nào liên quan tới những thứ đó.
Khi không có cái tôi nào liên quan đến những thứ đó, sẽ không có cái tôi ở đó.
Khi không có cái tôi ở đó, thì sẽ không có cái tôi ở đây, không có cái tôi nào ở khoảng giữa đây và đó.
Khi không có cái tôi ở đó, không có cái tôi ở đây, và không có cái tôi ở giữa, thì kết thúc mọi khổ đau”.
Vừa đọc xong bài kệ, Singha nhắm mắt lại nhập định. Vũ Thành với bao nhiêu thắc mắc cũng không dám làm phiền Thầy. Chàng lẩm nhẩm đọc đi đọc lại bài kệ của Thầy và chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Ngày thứ hai, Vũ Thành dậy từ rất sớm. Chàng lên đồi cát ngồi một mình ngẫm nghĩ về bài kệ Thầy vừa dạy. Bình minh ló rạng trên sa mạc phơi bày một cảnh tượng rực rỡ và huy hoàng. Trong phút chốc, bao trăn trở suy nghĩ tan biến, chỉ còn lại cảm giác ngây ngất trước vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên. Một cảm giác hạnh phúc sung sướng ngập tràn cứ dâng lên không dứt, ôm trọn lấy Vũ Thành. Đã bao lần chàng ngắm cảnh bình minh sa mạc, nhưng cảnh bình minh đang diễn ra ngay đây lại tuyệt đẹp một cách kỳ diệu. Ngay cả cây xương rồng bên cạnh chàng, hôm qua chỉ là một cái cây cằn cỗi khiến chàng chỉ lướt mắt qua mà không hề để ý. Thì hôm nay, cây xương rồng ấy rực rỡ đầy hoa và căng tràn nhựa sống, hiện hữu một cách sống động và tươi mới. “Khi nhìn chỉ có cái được nhìn” – Vũ Thành cứ ngất ngây như thế với những “cái được nhìn” biến đổi không ngừng trong từng phút giây. Bất giác, cảm giác “Tôi là người nhìn” quay lại. Vũ Thành chăm chú nhìn và tìm xem người nhìn ấy ở đâu, là ai thì không thể thấy gì ngoài ảnh, ngoài “cái được nhìn”.
Lúc này, người trong doanh trại đã dậy. Tiếng trò chuyện, tiếng cười đùa, tiếng gió quất vào cây xào xạc, tiếng côn trùng dưới đất… hoà quyện vào nhau thành một bản hoà ca tuyệt diệu. “Khi nghe, chỉ có cái được nghe”. Vũ Thành cũng chăm chú tìm xem có ai đang nghe không thì chỉ thấy âm thanh nổi lên rồi tan mất.
Mặt trời đã lên cao chiếu những tia nắng chói chang xuống sa mạc. Nắng hất vào mặt Vũ Thành, bỏng rát. Cái nóng, cái rát ấy cũng chỉ là xúc chạm mà thôi. “Khi xúc chạm chỉ có cái được xúc chạm”. Vậy ai là người nhận ra tất cả những điều này? Ai biết những kinh nghiệm mà chàng vừa trải qua? Vũ Thành lại miên man chìm vào suy nghĩ. Tự nhiên, chàng cảm thấy nhớ tiếc cái kinh nghiệm tuyệt vời mà chàng có sáng nay. Nếu chỉ tận hưởng mà không để suy nghĩ xen vào thì chẳng phải hiện tại này tuyệt vời lắm sao? Rõ ràng chính suy nghĩ là thủ phạm lôi chàng ra khỏi thực tại. “Tôi là người nghĩ đấy, tôi là người nhìn đấy! Thì sao chứ? Cũng chỉ là một suy nghĩ hiện ra thôi! Mà suy nghĩ đến rồi đi, làm sao tin vào suy nghĩ được!” Dòng suy nghĩ miên man bị chặn đứng. Đối với Vũ Thành, suy nghĩ đã hoàn toàn mất đi sức mạnh. “Khi biết chỉ có cái được biết”.
Vũ Thành cứ ngồi như thế mà tận hưởng bản giao hưởng của các giác quan. Hình ảnh, âm thanh, cảm giác, suy nghĩ cứ thế nổi lên rồi tan mất. Không còn người nhìn, không còn người nghe, không còn người cảm nhận, không còn người suy nghĩ, không còn cái tôi tồn tại ở bất kỳ đâu. Chỉ còn trạng thái hạnh phúc ngập tràn.
Rạng sáng ngày thứ 3, thủ lĩnh Anatta vì quá hồi hộp mong ngóng nên đã dậy từ sớm để đích thân đi qua khu lều Vũ Thành ở. Anatta cho quân lính canh gác Vũ Thành cẩn thận vì sợ nó biến thành gió bay đi mất thì có mà toi công. Cho tới đêm qua, theo lời quân lính bẩm báo, Vũ Thành vẫn đang nằm ngủ yên trong lều, không có động tĩnh gì về việc có thể biến được thành gió. Bởi thế, Anatta phần thì hồ hởi vì có cớ để xử lý hai thầy trò, phần lại thất vọng vì cứ tưởng sắp được xem trò hay. “Thằng này dám cả gan lừa mình, để mình qua cho nó bài học!”, Anatta vừa đi vừa lẩm nhẩm. Vừa tới cửa lều của Vũ Thành, Anatta hô to: “Bay đâu, bắt ngay thằng lẻo mép này cho ta. Đợi đến giờ ngọ thì đem nó đi trảm”.
Quân lính răm rắp xông vào lều, nhưng tìm khắp lều không thấy Vũ Thành đâu. Chúng tưởng hai thầy trò đã trốn đi nên chạy khắp doanh trại lùng sục. Đúng lúc đó, một trận gió bỗng đâu ầm ầm kéo tới. Gió mạnh tới nỗi thổi bay cả bộ tóc giả của Anatta khiến Anatta lộ ra cái đầu trọc lốc, trông chẳng khác nào một nữ tu giả danh tướng cướp. Hai tên đàn em đứng bên Anatta thấy gió bắt đầu thổi mạnh thì cuống hết cả lên, bảo với Anatta: “Ôi chị ơi, thế này thì chết chị ạ. Gió thổi to thế này thì có mà thổi tung cả doanh trại. Thổi cả em lẫn chị qua châu Phi thì có mà quên đường về. Hay chị bảo thằng kia dừng lại đi chứ không em lo lắm”.
Anatta phần cũng hơi hoang mang nhưng phần vì bản tính tò mò, đang muốn xem Vũ Thành biến hóa đến đâu, trò thú vị thế nào. Rốt cục sự tò mò chiến thắng. Anatta đang rất hào hứng xem Vũ Thành thể hiện mà lại gặp hai thằng em cứ ngăn dừng lại nên thầm nghĩ trong bụng “Bà mày phải cho hai thằng này vào sổ đen. Bà mày đang xem trò hay mà cứ ngăn ngăn cản cản là thế nào. Mà quân của bà mày phải là những người dũng cảm, không sợ cái gì. Đã vậy lúc nào phải kiếm cớ gì để cách chức hai thằng này cho bõ tức”. Bụng thì nghĩ thế nên ngoài mặt Anatta nghiêm mặt bảo: “Có gì mà phải sợ. Quân của ta toàn những người tinh nhuệ, sợ gì thằng oắt con đấy. Để xem nó giở trò gì”. Gió càng lúc càng mạnh dần lên rồi bất thình lình, một trận cuồng phong ập tới cuốn hết toàn bộ doanh trại, lều bạt, ngựa thồ cùng đám quân lính bay mất trong chớp mắt. Anatta lúc này sợ quá chẳng biết làm gì chỉ biết nằm rạp xuống đất và cầu cho tai qua nạn khỏi.
Khoảng năm phút sau, gió tan mất, Anatta lồm cồm bò dậy và chứng kiến cảnh cả doanh trại bỗng chốc trở nên hoang tàn. Anatta khóc nấc lên khi thấy toàn bộ gia sản bỗng chốc tan tác mất hết chỉ vì cái tính tò mò ngốc nghếch của mình. Quá đau khổ, Anatta cứ thế gào rống lên quên cả việc phải đi tìm Vũ Thành đang ở đâu để mang về trừng phạt.
Về phần Vũ Thành, lúc ấy, chàng ở cách đấy không xa và vỗ về những chú ngựa con đang hí ầm lên vì sợ hãi. Anatta ấm ức lắm vì mất hết gia sản nhưng vì đã lỡ hứa rồi thì phải làm đúng lời hứa là trả lại tự do và toàn bộ tài sản cho hai thầy trò, kẻo còn chút danh dự cũng mất nốt. Trước khi Vũ Thành đi, bản tính tò mò nổi lên khiến Anatta vẫn không quên rỉ tai Vũ Thành: “Này cậu, giờ chị trả hết cậu mọi thứ để cậu lên đường nhưng khi nào tới nơi rồi mà trở về thì đi qua đây, dạy chị vài chiêu biến cát thành vàng nhé”. Vũ Thành nghe thế chỉ tủm tỉm cười không hứa gì mà chỉ nói: “Giờ tôi phải đi, sau này đủ duyên thì sẽ trở lại”.
- Huyền thuật giả kim
Hai thầy trò lại tiếp tục lên đường qua Ai Cập, đi xa được một lúc, Vũ Thành cười ha hả, thầy Singha thấy vậy bèn hỏi “Ngươi cười cái gì?” – “Con cười vì sướng quá. Trước đây con nghĩ con là thân thể hai tay hai chân này nhưng nhờ thầy mà con giờ đã hiểu, con không phải thân thể này. Hơn thế, cũng chả có con nào cả. Tất cả chỉ là một niềm tin sai lầm, Thầy ạ”. Singha mỉm cười và nói: ” Tốt. Nhưng còn nhiều thứ khác thú vị hơn nhiều. Từ từ rồi con sẽ hiểu”. Thế là hai thầy trò, lúc thì cưỡi lạc đà đi thong thả, khi thì hóa thành gió bay đi cho nhanh. Chả mấy chốc, hai thầy trò đã đi đến cái tu viện gần Kim Tự Tháp. Vũ Thành vô cùng sung sướng vì rốt cục trải qua bao nhiêu gian nan vất vả, chàng đã sắp hoàn thành được giấc mơ. Nhìn vẻ mặt hớn hở của Vũ Thành, Singha bảo: “Con đã tiến bộ rất nhanh, con trai của ta. Con còn gì nghi ngờ nữa không? Tất cả những gì ta biết đã dạy hết cho con rồi. Chắc ta và con sẽ chia tay nhau tại đây. Nhưng trước khi đi, ta sẽ cho con thấy quyền năng của huyền thuật. Chúng ta sẽ đến cái tu viện kia và con hãy chịu khó quan sát nhé!”
Thế là Singha và Vũ Thành đi vào tu viện. Trưởng tu viện này vốn là bạn học thủa nhỏ với Singha, tên là Khelekulu. Hai thầy trò bước vào sảnh chính, Khelekulu đã đon đả chạy ra chào hỏi đón tiếp nồng nhiệt và vô cùng thịnh soạn tới mức Vũ Thành cũng phải tò mò hỏi thầy: “Thầy ơi, trông thầy bình thường thế này mà cũng được đón tiếp thịnh soạn nhỉ?” Singha thủng thẳng đáp: “Nó không tiếp ta đâu, nó tiếp quả trứng của ta thì có. Nhưng mà không sao, bây giờ chúng ta sẽ cúng cho tu viện ít tiền”.
Thế là buổi tối hôm đấy, sau khi ăn uống xong và đang ngồi thưởng trà, Singha bảo Khelekulu: “Chị có bao nhiêu nồi niêu xoong chảo, bất kỳ cái gì là kim loại thì mang hết ra đây. Chị kiếm cái thùng nào to to cho hết vào, tôi nấu một thể”. Khelekulu nghe Singha nói thế sướng như mở cờ trong bụng nhưng giữ ý tứ nên vẫn lịch sự đáp lại: “Ôi em nhìn mà xem, cái tu viện bé tẹo này toàn là đất với chả đá, lấy đâu ra kim loại bây giờ. Thôi! Để chị đi gom xem có cái gì không nhé. Làm phiền em quá, làm phiền em quá!”
Thế là Khelekulu liền vội vội vàng vàng đi lục soát hết mọi ngóc ngách trong tu viện, có bao nhiêu nồi niêu, xoong chảo, đinh điếc, ốc vít… cả chuông lẫn thánh giá cũng đem đi nấu hết. Gom xong vẫn thấy chưa đủ, Khelekulu sai người đi ra cả bên ngoài thu gom đồng chì sắt vụn… để đem về nấu. Khelekulu rút kinh nghiệm xương máu lần trước khi được Singha thương tình cho ít vàng, nhưng lần đó do ít đồ kim loại quá nên khi Singha ném quả trứng xuống đất thì chỉ ra ít bụi vàng thôi. “Lần này mình chuẩn bị nhiều kim loại thế này thì có mà có cả kho vàng chứ chẳng chơi. Nhưng mụ này ki bo, nó cho mình có 30 phút chuẩn bị thì kiếm quái đâu ra được nhiều kim loại cơ chứ. Rõ là… nó giàu thế rồi mà còn ki bo với mình”. Thực ra chỉ có Khelekulu nghĩ là ít vậy thôi, chứ chỗ kim loại kiếm được trong vòng 30 phút khi lôi hết ra cũng làm cho hai thầy trò Vũ Thành phải sửng sốt vì tài xoay sở của Khelekulu. Tiếp theo, Khelekulu và các đệ tử khệ nệ cho hết kim loại vào cái thùng to để nấu theo lời Singha dặn. Nấu khoảng một tiếng đồng hồ thì kim loại chảy hết ra, tới lúc đó, Singha mới lại gần cái thùng và lôi ra quả trứng rồi cạo cạo ít bột cho vào cái nồi đấy. Kỳ diệu thay, cái thùng đang đen xì kim loại nấu chảy bỗng chuyển sang màu rực đỏ chói lóa. Một lúc sau, chỗ kim loại rực lửa đó nguội lại thì hóa thành cả một khối vàng ròng đồ sộ. Singha lại lôi thanh kiếm đặc biệt ra chém một phát, khối vàng biến thành đôi, chém phát nữa, chỗ vàng đó vỡ ra thành bốn khối. Xong xuôi, Singha nhét kiếm vào bao và quay ra chỉ vào một khối vàng rồi nói với Khelekulu:
– Phần này là phần tôi cúng dường cho tu viện. Chị dùng chỗ này mà sửa lại tu viện cho khang trang đẹp đẽ.
Khelekulu nhìn chỗ vàng đó mà hoa hết cả mắt, trong lòng vô cùng sung sướng mà vẫn phải giả bộ lịch sự:
– Ôi chị có công cán gì đâu mà được em cho chị nhiều thế!
Singha thủng thẳng đáp:
– Chị đừng nói câu này. Câu này mà lộ ra ngoài thì đúng là không ai cúng dường cho chị cái gì nữa đâu!
Khelekulu nghe vậy liền giật mình thon thót rồi gật lấy gật để bảo Singha:
– Ừ, đúng, đúng, em nói đúng. May mà em nhắc chị. Chị sẽ không nói thế nữa.
Singha chỉ tiếp vào khối vàng nữa và bảo:
– Số vàng này, chị dùng cứu đói cho dân trong vùng. Cả cái tỉnh này có nhiều người cần cứu đói. Chị nhớ, chỉ được dùng để cứu đói, cấm dùng vào các việc khác. Chị mà trái lời thì quả xấu trổ ra, chị không đỡ nổi đâu. Phần chị xong rồi, giờ chị về phòng đi, ta cần nghỉ ngơi để mai lên đường.
Khelekulu nghe vậy liền khúm núm chào tạm biệt hai thầy trò rồi khệ nệ kéo từng khối vàng đi về phòng, vừa đi vừa nhòm ngó xung quanh vì sợ ai cướp mất thì toi. Khelekulu đi rồi, chỉ còn lại hai thầy trò trong phòng, Singha mới bảo với Vũ Thành:
– Ta lấy khối vàng này để lo vài việc cần thiết, còn phần này là phần của con, con hãy mang theo phòng khi cần đến.
Vũ Thành thấy thế liền nhanh nhảu đáp:
– Thôi thầy cầm hết đi, con có cần tiền làm gì đâu, chỗ tiền cũ giúp con đủ đi lại rồi. Với lại, con sắp có cả kho báu ở Ai Cập rồi, con chả cần tiền làm gì cả.
Singha bảo:
– Con đừng nói lộ ra với ai là con không cần tiền dù có thể đúng như vậy thật. Nếu không sau này những người còn ham mê tiền bạc sẽ không tìm đến con để xin giúp đỡ nữa và như vậy con mất cơ hội để có thể giúp họ.
Vũ Thành ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp:
– Vâng, tuy con không hiểu lời Thầy lắm, nhưng mà thôi, Thầy bảo thế sao thì con nghe theo vậy. Khối vàng này to quá, con cầm theo sẽ rất bất tiện nên chắc con sẽ gửi lại tu viện cho thầy Khelekulu giữ hộ vậy.
– Cái đó thì tùy con, Singha đáp lời.
Bấy giờ đã nửa đêm, hai thầy trò đến lúc phải tạm biệt. Singha vác khối vàng to đùng trên vai mà trông nhẹ như không và bảo Vũ Thành:
– Kể từ nay, ta và con sẽ không gặp nhau nữa. Ta đã làm xong việc cần làm với con. Còn thằng cha Chandra kia, giờ ta phải đi tìm hắn, theo dõi hắn ba năm nữa xem thế nào. Thỉnh thoảng hắn bị cháy nhiều quá thì ta cũng phải đến vảy cho ít nước chứ không một số bộ phận mà cháy thì sau này rất khó làm nhà giả kim xịn. Con cứ đi theo con đường của mình và hãy làm những điều do trái tim con mách bảo vì con vốn là nhà giả kim loại ba, còn thằng bạn con nó là loại hai nên cần con đường khác với con.
Nói xong, Singha nhảy lên ngựa và phóng vút đi như gió. Vũ Thành đứng nhìn bóng Thầy đi khuất rồi đi tìm thầy Khelekuku để nói về việc xin gửi lại số vàng. Khỏi phải nói Khelekulu mừng cỡ nào vì tuy chẳng phải của mình thì ngày ngày được nhìn ngắm và lau chùi cho bóng cũng đủ khiến Khelekulu sung sướng, mãn nguyện lắm rồi. Xong xuôi mọi việc, Vũ Thành bèn rời khỏi tu viện, xách theo túi vàng mà Anatta trả lại cho lúc trước.
- Kho báu đích thực
Đi thêm ba ngày nữa, Vũ Thành thấy một vùng đất bao la và Kim Tự Tháp đồ sộ, to lớn sừng sững hiện ra. Vũ Thành nhớ lại trong giấc mơ thì dấu hiệu để nhận diện kho báu là nơi nào mà khiến chàng bật khóc, nhưng khi đứng trước cảnh rộng lớn bao la này, Vũ Thành có phần tần ngần suy nghĩ: “Kho báu nằm ở đâu? Có phải nằm ngay trước mặt mình không? Sao mình không cảm thấy muốn khóc như trong mơ? Sao mình không có cảm xúc gì đặc biệt nhỉ? Hay là… toàn bộ chuyến đi của mình đã là kho báu rồi? Vì đầu tiên, mình chỉ là chàng trai chăn trâu ham hoa thơm cỏ lạ, bây giờ mình đã biết nói tiếng Ả rập lẫn Ai Cập, mình có người yêu xinh đẹp, mình đã trải qua bao nhiêu hiểu biết, mình đã nhận ra sự thật về vô ngã nữa. Đúng rồi, đích thị đấy mới là kho báu chứ không phải kho báu nằm trước mặt kia”.
Nghĩ đến đây, Vũ Thành bật khóc nức nở. Chàng chợt nhận ra kho báu không phải nằm ở trước mặt mà cũng chưa chắc đã có kho báu gì trong Kim Tự Tháp kia. Tất cả những gì chàng trải qua trong toàn bộ cuộc hành trình mới là kho báu đích thực. Đang mải khóc, Vũ Thành lại nhớ lại “chỗ nào mình khóc đích thị là kho báu”. Thế là chàng nín khóc và vội lấy tay đào cát lên. Chàng mải miết đào sâu, sâu, sâu… tới ngập đầu người rồi mà vẫn không thấy gì cả. Trong lúc Vũ Thành đang mải đào thì bỗng đâu có hai tên cướp từ đâu đi qua. Chúng thấy Vũ Thành đang hì hụi với đống cát thì dừng lại hỏi:
– Thằng kia, mày làm cái gì với đống cát đấy vậy?”
– Dạ, em, em… em định chôn mấy thứ kỉ niệm thôi.
Nhìn Vũ Thành vừa nói, vừa giữ khư khư cái túi, hai tên cướp liếc mắt nhìn nhau ra hiệu thằng này đang nói dối. Thế là bọn chúng xông vào Vũ Thành đấm đá túi bụi và giật cái túi thì thấy vàng rơi ra loảng xoảng. Hai tên cướp càng ngạc nhiên lại xông vào vừa đấm đá tiếp vừa chửi:
– Thằng ranh con, mày dám nói dối tao à. Mày đào cái gì ở đây? Còn bao nhiêu vàng mang hết ra đây mau!
Vũ Thành dù sa sẩm hết cả mặt mày vì mấy cú đánh nhưng vẫn cố phân bua:
– Em có từng đó thôi, em hết vàng rồi. Em đang đào kho báu, kho báu đấy!
– Kho này! Tên cướp tiếp tục đá vào bụng Vũ Thành.
– Em nói thật, các anh tha cho em. Em đang đi tìm kho báu mà…
Hai tên cướp thấy Vũ Thành nói vậy, nhìn nhau cười phá lên và đá bay Vũ Thành xuống hố rồi quay ra bảo nhau: “Thôi, tha cho nó, dù sao mình cũng lấy hết tiền của nó rồi. Mà thằng này chắc bị điên. Họa có là bị điên thì mới tin ở đồi cát mênh mông này có kho báu”. “Em không nói dối” Vũ Thành ở dưới hố la lớn. “Em nằm mơ thấy kho báu ở đây mà”.
Không chịu nổi thêm nữa, một tên cướp nhảy xuống ngựa rồi ra ngồi trên miệng hố và nói với Vũ Thành:
– Thằng điên kia. Tao này, tối nào tao cũng ngủ mơ này. Tao cũng mơ tao ở một đất nước Việt Nam nọ. Tao ở cái làng có một ngôi chùa rách nát, trong căn nhà có bố tên là Thắng, mẹ tên là Len và có một thằng con trai. Sau vườn nhà có một cây dâu rẽ ba nhánh. Tao mơ thấy ở dưới gốc dâu có một kho báu vô cùng lớn. Tối nào tao cũng mơ, triền miên từ ngày này sang ngày khác. Nhưng mà có thằng điên mới đi tin là có kho báu trong giấc mơ, có điên thì đi tìm ngôi nhà đấy, đúng không? Ai đi tìm ngôi nhà trong giấc mơ làm gì? Cũng thỉnh thoảng trái tim tao mách bảo hãy đi đi. Nhưng cái đầu tao không ngớ ngẩn như cái đầu của mày. Mày đi theo một cái điều hoàn toàn không tưởng trong mơ, chả tí logic, lí trí nào cả. Còn tao, tao đè trái tim xuống và đi cướp bóc sướng hơn. Nói xong tên cướp giật lấy bọc vàng, nhảy lên ngựa bỏ đi.
Vũ Thành nghe những lời tên cướp nói mà giật mình vì nó tả giống hệt 100% ngôi nhà mà lúc mình chưa đi, lại còn nói đúng cả tên của bố mẹ mình. Đặc biệt là chi tiết cây dâu có ba nhánh rẽ. “Hóa ra kho báu là như vậy. Vậy thì mình không còn gì để làm ở đây nữa. Mình phải về nhà thôi”, Vũ Thành nghĩ xong, nhảy lên khỏi hố rồi chạy như bay về phía tu viện. Bây giờ chàng mới hiểu tại sao thầy để lại vàng cho mình. Thầy không để lại thì lấy đâu ra tiền cho mình đi hàng nghìn km để về nước. Khi tới tu viện, Vũ Thành gặp Khelekulu để xin lại số vàng đã gửi, Khelekulu trong lòng dù tiếc đứt ruột vì phải chia tay với khối vàng ròng óng ả, không được lau chùi nó hàng ngày nữa nhưng nhớ lời Singha dặn không được tham lam kẻo phải chịu quả xấu nên Khelekulu cũng ngậm ngùi đồng ý trả lại cho Vũ Thành. Vũ Thành nhận vàng liền bán bớt đi một ít và với số tiền đấy chàng thuê hẳn một đoàn người để vượt qua sa mạc. Sau 1 năm đi ròng rã liên tục, Vũ Thành đã về được quê hương.
Vừa tới nhà Vũ Thành chỉ kịp chào bố mẹ rồi không nói câu nào chàng chạy ngay ra ngoài vườn, tay vác theo cái thuổng rồi chạy thẳng đến gốc cây dâu và vội vàng đào bới. Chàng hì hục đào khoảng một mét đã thấy một cái cửa kho dẫn xuống một lối đi bí mật. Vũ Thành soi đèn lên và đi theo lối bí mật đấy. Tới chỗ có cái cửa, chàng phá khóa. Cửa vừa bật mở thì vàng đã rơi ra lẻng xẻng ngay dưới chân Vũ Thành. Chàng bước vào thì chao ôi, bên trong là cả một hầm tràn đầy vàng bạc và đá quý. Hóa ra chính ở ngay gốc cây dâu mà ba năm trước cha Vũ Thành đào được ba đồng tiền vàng là cửa vào một kho báu bí mật.
Truyền rằng, ngày xưa, có một toán cướp thường đi cướp bóc ở khắp nơi rồi đem vàng bạc châu báu về chôn ở đó. Trong một lần đi cướp, toán cướp đó đụng độ với quân đội của triều đình nên bị tiêu diệt toàn bộ, không còn ai sống sót. Hầm vàng vì thế mà cũng đi vào quên lãng. Nhìn cảnh tượng trước mắt, Vũ Thành bỗng òa khóc vì chàng nhận ra: không cần phải đi tìm nơi đâu, hóa ra kho báu vốn luôn có sẵn ngay ở đây, ngay lúc này. Tất cả những gì đã xảy ra trong ba năm qua cũng chỉ để chàng nhận ra bài học này.
Hóa ra chính ở ngay gốc cây dâu mà ba năm trước cha Vũ Thành đào được ba đồng tiền vàng là cửa vào một kho báu bí mật.
Sau đó, giữ đúng lời hẹn với thầy bói Minh Phương, Vũ Thành đem chia cho cô một phần mười chỗ châu báu mà chàng có được rồi nghĩ tới người yêu Sarawati xinh đẹp đang chờ đợi mình nơi ốc đảo, Vũ Thành biết chàng còn việc phải làm.
Ngày hôm sau, dặn dò bố mẹ những việc cần thiết, Vũ Thành lại lên đường. Một hành trình mới đầy thú vị lại bắt đầu…
Zangthalpa ngừng kể. Đám học trò vừa nãy tưng bừng háo hức với những quà tặng thầy mang về từ phương xa, thì nay lại trầm ngâm nghiền ngẫm về câu chuyện. Đây chính là món quà quý nhất mà thầy tặng cho họ. Ai cũng có bài học cho riêng mình, ai cũng thấy vô cùng hoan hỷ.
Trong Suốt kể tại Hà Nội tháng 5/2015
Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 42: Chiếc bát kim cương
Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây