Zangthalpa – Phần 8: Đến Thần Linh Cũng Phải Giữ Giới

Để minh họa cho việc giữ gìn ngũ giới, Zangthalpa liền kể một câu truyện:

Xưa tại một tòa núi nọ có một tu sĩ tên là Gantavinad hằng ngày ngồi dưới gốc cây trong chốn rừng sâu u tịch để nhập định. Thầy đã giữ giới rất thanh tịnh, chứng ngộ được vô ngã, nên đắc quả A-La-Hán.

Thần linh các cõi đều cảm phục đạo hạnh của Thầy và rải hoa Mạn Ðà La xuống để dâng cúng.

Một buổi nọ, trăng thanh gió mát, tu sĩ Gantavinad tụng niệm vừa xong, bỗng thấy có một người tướng mạo oai vệ đứng bên mình, Thầy vui vẻ cất tiếng hỏi:

– Ông là ai vậy? Người đến với tôi đàm đạo chơi hay có điều chi cần thiết?

Khách đáp rằng:

– Tôi là Thần Nhạc Ðế ở vùng này, thấy Thầy trì giới thanh tịnh nên hết lòng cảm phục. Nay tôi đến cầu xin Thầy mở lòng từ bi truyền giới cho tôi được tu tập, vì Pháp của Ðức Phật sẽ hóa độ tất cả chúng sanh vượt ra ngoài sông mê bể khổ.

Tu sĩ đáp:

– Ông đã thành tâm cầu giới thì ắt được, hà tất còn xin ta truyền giới làm chi vì giới tự trong tâm mà ra chứ đâu phải tự ngoài tâm mà tới.

Nhạc Ðế khẩn khoản thêm:

– Lời Thầy dạy đó hẳn là tâm lý giới. Tôi còn mê muội chưa thấu suốt được xin Thầy truyền giới cho tôi, tôi tập hành theo sự tướng để ngộ nhập lý tánh.

Tu sĩ Gantavinad bèn lên điện thắp đèn đốt hương kính cẩn lễ Phật và ngồi lại nghiêm trang thuyết cho thần Nhạc Ðế:

– Năm giới rất khó giữ gìn cho được thanh tịnh viên mãn. Khi kể các giới, Ông phải suy nghĩ cho kỹ, liệu giữ được giới nào thì thọ giới ấy, bằng không giữ được thì thôi chớ đừng nên nói giữ được mà sau lại hủy phạm. Như thế thọ giới đã chẳng được công quả gì mà còn thêm mắc tội “phá giới”.

Vị thần kính cẩn thưa lại:

– Tôi xin vâng theo lời dạy của Thầy. Xin hãy làm Giới sư truyền giới cho tôi.

Giới sư Gantavinad lại nói:

– Giới thứ nhất: Phật cấm sát sanh, không cho giết hại thân mạng các giống hữu tình dù nhỏ mọn như loài sâu kiến, liệu ngươi có giữ được chăng?

Nhạc Ðế đáp:

– Tôi lãnh nhận nhiệm vụ sát hại kẻ hung ác để răn đời. Nếu bỏ việc ấy tôi sẽ không làm tròn bổn phận.

Giới sư Gantavinad nói:

-Không phải thế, ta muốn ngươi lưu ý đến những kẻ vô tình không cố tâm phạm tội mà trót lỡ lầm phạm phải thì hãy nên châm chước và những án nào mà ngươi còn nghi ngờ thì hãy xét lại tận tường rồi mới ra tay thi hành để tránh giết oan người vô tội.

Nhạc Ðế nghe xong nhận xin thụ giới thứ nhất.

Giới sư Gantavinad lại tiếp:

– Giới thứ hai Phật cấm trộm cắp, không cho phép giữ lấy vật gì không thuộc quyền sở hữu của mình, dù là vật mọn không đáng là bao như ngọn cỏ cành rau nếu người không cho, ta không được phép lấy. Ông nghĩ thế nào?

Nhạc Ðế nói:

– Tôi làm Thần linh, ngay thẳng lắm không hề trộm cắp của ai.

– Ý ta muốn bảo Ông đừng hưởng lễ của kẻ ác mà tha thứ nó, cũng chớ nên trách người lương thiện không hay cúng dường mà chẳng độ trì.

Nhạc Ðế nhận giữ một lòng vô tư, làm tròn phận sự đúng như lời Giới sư chỉ bảo.

Giới sư Gantavinad lại tiếp:

– Giới thứ ba, Phật cấm tà dâm, liệu ngươi có giữ được chăng?

Nhạc Ðế ngẫm nghĩ rồi thưa:

– Tôi lỡ đã có vợ rồi, biết làm sao giải được.

– Ðược, điều đó không phải là tà dâm. Ông có vợ nhưng phải gìn giữ cho có tiết độ, ngoài ra không được gian dâm với vợ người hoặc con em người.

Nhạc Ðế nhận mình chuyên trừng trị nghiêm khắc những kẻ tà dâm, sẽ không phạm giới ấy.

Ðến đây, Giới sư Gantavinad lại tiếp:

– Giới thứ tư là Phật cấm vọng ngữ: Không nói dối trá, không nói hai lời, không nói bóng bẩy xa xôi, không nói lời gian ác, Ông giữ được hay không?

– Tôi chánh trực công minh không bao giờ nói vọng.

Giới sư nói:

– Như thế chưa đủ, ta muốn Ông trước khi nói điều gì phải suy nghĩ chín chắn, coi lời nói có đúng với chân lý hay không. Lời nói là vô cùng có sức nặng nhất là đối với người quyền thế, có thể làm cho kẻ khác nên cửa nên nhà hoặc tán thân mất nghiệp.

– Tôi xin tuân lời Thầy.

Giới sư Gantavinad tiếp:

– Giới thứ năm Phật cấm uống rượu, nghĩa là dùng các chất làm say nghiện.

– Rượu là vật đứng đầu trong các lễ vật cúng tế của người thế gian, thiếu nó thì không ra lễ.

Giới sư ngắt lời:

– Nếu Ông không uống say thì có thể châm chước cho Ông được dùng chút ít trong dịp đại lễ. Ngoài ra không nên nhận những buổi tiểu lễ và lai rai uống mãi vì uống nhiều mê say đến mất trí khôn, làm hỏng các công việc. Còn khi nào người ta vì khốn khó mà lỡ thiếu rượu dâng cúng Ông thì đừng vịn câu “Vô tửu bất thành lễ” mà trách phạt hay không giúp cho người.

Nhạc Ðế nguyện xin tuân theo giới tửu trong điều kiện ấy.

Giới sư Gantavinad giảng giải thêm:

– Năm giới tôi vừa kể là năm giới gốc làm căn bản cho mọi giới, phàm hễ trì giới thì phải biết tùy hoàn cảnh mà áp dụng cho linh hoạt, chớ không thể câu nệ chấp nhất.

Nhạc Ðế từ khi thọ giới hết sức vui mừng ra công gìn giữ. Có lần Nhạc Ðế quá hào hứng thốt với thầy Gantavinad rằng:

– Thưa Thầy, từ khi trì giới đến nay, thần thông của tôi rất là diệu dụng, chỉ kém có Ðức Phật mà thôi.

Thầy Gantavinad vội bảo:

– Ông thọ giới thứ tư “Không vọng ngữ” mà đã vội quên. Trước khi nói lời gì phải suy nghĩ chín chắn xem có đúng hay không rồi sẽ nói, thế mà ngươi cao hứng quá nói ra như thế nên phạm tội nói dối. Vì ngươi tuy làm thần, có phép biến hóa nhưng còn năm việc chưa làm nổi.

Thứ nhất là ngươi không thể trái lệnh các vị thần bề trên cai trị ngươi.
Thứ hai ngươi không thể đi bảy bước từ phương Ðông sang phương Tây, hay từ phương Bắc xuống phương Nam.
Thứ ba là ngươi chưa đủ sức cai quản tất cả chư vị bách linh và thống lãnh hết quyền chánh trong cõi trời.
Thứ tư ngươi không thề chuyển di được bốn biển.
Thứ năm ngươi không thể trốn khỏi luật vô thường.

Chính Ðức Phật là bậc Vô thượng chí tôn của tam giới còn nhận rằng Ngài có ba điều chưa làm được đó thay.

– Thứ nhất Ngài không thể diệt ngay được định nghiệp.
– Thứ hai tuy Ðức Phật biết rõ được tất cả nghiệp tánh của chúng sanh với nhân quả muôn kiếp ngàn đời của họ, nhưng Ngài không thể cứu độ được những chúng sanh không có duyên với Phật.
– Thứ ba là tuy Ðức Phật hóa độ được vô lượng, vô biên, vô số chúng sanh nhưng Ngài cũng không độ được hết tất cả chúng sanh trên thế giới.

Vậy khuyên ngươi nên ngẫm điều đó mà từ đây cố gìn giữ lời ăn tiếng nói kẻo mắc lấy khẩu nghiệp.
Thần Nhạc Ðế cúi lễ Gantavinad nguyện sám hối và thưa rằng:

– Tôi nhờ Thầy chỉ dạy lý huyền của đạo vô thường, như kẻ đi đêm được ánh sáng soi đường. Thật là một điều duyên phúc lớn vậy. Từ nay tôi xin tình nguyện hiến dâng thân này để Thầy sai khiến gọi là đền đáp ân nghĩa.

Thầy Gantavinad vội chối từ:

– Bấy lâu nay trong tâm ta đã rỗng không, bên ngoài cảnh ta đã tịch, ta còn mong mỏi gì hơn mà nói đến ân nghĩa.

Nhạc Ðế thưa:

– Ðức Phật còn hoan hỷ cho Chư Thiên bát bộ hộ pháp Ngài, nay mặc dù Thầy không lưu tâm đến chuyện đền ân trả nghĩa song lòng tôi phát nguyện muốn để lại chút kỉ niệm với Thầy trong cảnh Già lam.

Gantavinad mỉm cười và sau đó Thần Nhạc Ðế dùng phép thần thông biến nơi am cỏ của Tu sĩ thành một nơi đầy hoa lá tốt tươi, hương thơm bóng mát, phong cảnh thật là thanh khiết u tịnh để đền ơn vị giới sư đã truyền giới cho mình…

Và Zangthalpa kết thúc câu truyện:

Nên biết với người tu hành, giữ giới là vô cùng quan trọng. Đức Phật sau hơn bốn mươi năm hoằng Pháp, cứu được vô số người, đến lúc sắp nhập Niết bàn, Ngài còn dạy: “Giới luật là mạng sống của Phật pháp, Giới luật còn là Phật pháp còn; Giới luật mất là Phật pháp mất”.

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 9: Cốt Tủy Của Giữ Giới

Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các truyện Zangthalpa mới nhất tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.