Zangthalpa – Phần 9: Cốt Tủy Của Giữ Giới


Đưa ánh mắt hiền từ nhìn mọi người, dừng một lát, Zangthalpa tiếp tục giảng giải:
Ở mỗi con đường tu hành khác nhau, hoặc những giai đoạn tu hành khác nhau người ta cần hiểu về cốt tủy của trì giới để áp dụng được một cách sâu sắc.

I. Giai đoạn thực hành giải thoát cá nhân:

Với một người trong giai đoạn tập trung vào đi tìm giải thoát cho cá nhân mình (Thanh văn thừa), họ có cái thấy rằng thế giới sự vật hiện tượng tuy vô thường, vô ngã nhưng lại thực sự tồn tại. Mỗi pháp có tính chất thiện – ác riêng trong cả ý nghĩa thế gian lẫn ý nghĩa tuyệt đối. Nếu bạn đang thực hành ở giai đoạn này, giới luật của bạn là thông qua thân – khẩu – ý tránh tất cả các hành động xấu. Đặc biệt là những hành động gây hại cho chúng sinh khác như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối…

Tuy nhiên, trong giữ giới phải hiểu rằng suy nghĩ là cái quyết định tính chất của hành động. Kết quả của hành động không quan trọng bằng động cơ của người làm hành động đó. Bởi vì nghiệp được quyết định bởi động cơ, một người đôi khi làm những hành động có vẻ tiêu cực nhưng lại tạo ra nghiệp tốt bởi vì ẩn dưới đó là một động cơ tốt. Ví dụ, khi một người mẹ có ý tốt để dạy con mình, người đó có thể đánh và mắng, thậm chí kỷ luật nặng một đứa bé khó bảo mà vẫn tạo ra nghiệp tốt. Và ngược lại, một người làm từ thiện để mình nổi tiếng có thể che giấu động cơ của mình bằng một nụ cười giả tạo, nhưng họ lại gây ra nghiệp xấu cho dù hành động của họ rất lịch sự và khiến người khác đẹp lòng.

Các bạn hãy lắng nghe. Tôi xin kể lại một câu truyện từ kho tàng cổ tích thế giới, mà tôi đã nghe được trên đường đi du lịch. Câu truyện có tên là: NHÀ SƯ VÀ CÔ GÁI ĐIẾM.

Cuối cùng thì suy nghĩ mới là thứ quyết định

Ngày xửa ngày xưa, có một nhà sư và một cô gái điếm sống trong hai ngôi nhà trên sườn của hai ngọn đồi. Nhà sư cốt cách đạo mạo, dáng vẻ thanh tao, ngày ngày chăm chỉ tụng kinh niệm Phật. Cô gái điếm thì môi son má phấn, điệu bộ lả lơi, hàng ngày tiếp khách ở nhà, sau một cái rèm cửa mỏng tang, thật quá đỗi khiêu khích.

Trớ trêu thay, hai ngôi nhà này lại ở đối diện với nhau! Cô gái điếm nhà bên, cực chẳng đã mới phải “bán thân nuôi miệng” nên trong lòng không ngớt day dứt về nghề nghiệp, lúc nào cũng thầm ao ước: “Thân thể này thật ô uế. Giá mà, mình có một cơ hội để tu hành thoát khổ, sống một cuộc đời trong sạch như nhà sư kia!”. Thế rồi, trong đầu cô luôn nghĩ về chuyện làm thế nào để tích tập những công đức nho nhỏ để đời sau cô đủ nghiệp tốt mà có được tái sinh tốt đẹp hơn, như nhà sư hàng xóm!

Còn nhà sư, bên ngoài thanh cao là thế, nhưng trong đầu thì không ngừng tò mò về những câu chuyện sau tấm rèm, thi thoảng lại ngóng sang như tìm kiếm điều gì: “Không được, mình không được nhìn”… Rồi cố kìm chế sự thôi thúc trong lòng bằng cách làm việc này, việc kia. Nhưng hễ lơi là, thì những tưởng tượng về câu chuyện phía sau tấm rèm mờ ảo ấy lại hiện ra rõ mồn một: “Sao cái rèm kia lại lay động nhỉ? Không được, mình không được nhìn đâu. Việc đó thật dơ bẩn, mình là người tu hành cơ mà!”. Nhiều đêm, những âm thanh lạ vang lên từ phía nhà đối diện lại khiến nhà sư trằn trọc, thao thức: “Ôi trời, sao lại phải la to như thế chứ! Cô ta làm gì thế nhỉ? Mà chắc là chẳng có gì đâu, trong sáng thôi… Cố nhắm mắt nào! Nhưng… giá mà được ở đó nhỉ, chỉ một lần thôi cho biết…”

Cứ thế, ngày qua ngày, chuyện này diễn ra. Cô gái không ngừng khao khát về tu hành, nhà sư không ngừng tưởng tượng về những chuyện phía sau tấm rèm. Một ngày nọ, có một trận bão lớn kèm theo cơn lũ cuốn qua ngọn đồi nơi cô gái điếm và nhà sư sinh sống. Cả hai người cùng chết. Khi đến gặp Diêm Vương để nhận phán xét.

Nhà sư tự tin nghĩ thầm: “Dù sao đời này mình cũng rất chay tịnh, mình không giết hại con vật nào hết, mình cũng không nói dối một lời nào, mình không ngủ với người đã có vợ có chồng nào, mình không trộm cắp của ai hết, mình không say rượu. Chắc chắn là mình giữ được 5 giới. Đức Phật bảo nếu giữ được những giới này chắc chắn là sinh cõi Trời. Khả năng là sinh lên cõi Trời rất cao, mình sẽ hạnh phúc đây”.

Cô gái điếm thì buồn rầu: “Đời này mình đã làm một công việc không mấy tốt đẹp, xác thân ô uế nên chắc là mình sẽ xuống địa ngục rồi”.

Hai người cùng hỏi Diêm Vương:

– Thưa Diêm Vương, bây giờ chúng tôi sẽ tái sinh đến chỗ nào?

Diêm Vương nghiêm nghị nhìn nhà sư rồi trả lời:

– Nhà sư, nhà ngươi sẽ tái sinh vào cõi Ngạ quỷ.

Sư kia bàng hoàng, sửng sốt:

– Kì quái vậy, tôi rõ ràng tôi giữ 5 giới cơ mà?

Diêm Vương đáp:

– Tuy về hành động, ông có vẻ giữ được 5 giới nhưng mà đầu ông chỉ toàn chất chứa những suy nghĩ ô uế. Vậy nên, ông không xứng đáng được quay lại tái sinh vào cõi Người nữa! Ông sẽ bị tái sinh vào cõi Ngạ quỷ của những người đói khát nhục dục.

Nghe vậy, cô gái quay sang an ủi nhà sư:

– Thôi, dưới kia mình lại là hàng xóm với nhau thầy ạ!

Diêm Vương nhìn cô hoan hỉ:

– Không! Cô gái tốt bụng, đời sau cô sẽ được làm tu sĩ.

Cô gái bất ngờ quá:

– Khi sống, công việc của tôi ô uế như vậy làm sao tôi lại được làm tu sĩ ?

Diêm Vương ôn tồn nói:

– Tuy thân thể ô uế, nhưng tâm hồn cô rất trong sạch, lúc nào cô cũng hướng về việc làm điều thiện, tới điều hay lẽ phải. Nên kiếp sau cô sẽ được tái sinh làm người, làm một người tu hành để có cơ hội giác ngộ và giải thoát.

Zangthalpa tiếp tục:

Hiểu rằng động cơ là nhân tố chính quyết định nghiệp quả, một người đang có tiền tài, địa vị và theo đuổi những thứ được coi là thuộc về luân hồi, vẫn có thể tích tập nghiệp tốt nếu họ có thể thay đổi động cơ bên dưới hành động của mình. Thay vì làm những việc đó chỉ để lợi ích cho riêng mình, họ chuyển hướng tới làm chúng cho một mục tiêu cao cả. Ví dụ như sử dụng danh tiếng, quyền lực, ảnh hưởng của mình cho việc phóng sinh, làm từ thiện, ấn tống Kinh sách… với động cơ giúp người khác đến với Phật pháp. Theo cách đó, một người có thể chuyển hoá những hoạt động thường tình của mình để hoà hợp với Pháp. Làm như vậy nghĩa là họ đang bắt đầu tiến vào con đường Bồ tát.

II. Giai đoạn thực hành Bồ tát:

Các bạn thân mến,

Với một người trong giai đoạn thực hành Bồ tát, người đó không tu hành chỉ cho bản thân mà tập trung vào phát triển Bồ đề tâm. Bồ đề tâm là tâm của trí tuệ toàn giác và lòng từ bi vô hạn để có thể cứu tất cả chúng sinh khỏi biển khổ luân hồi.

Người đó hiểu rằng, trên con đường cứu độ chúng sinh, nếu không có trí tuệ thì không thấy được cần phải giúp thế nào cho đúng; Nếu không có được lòng đại bi thì sẽ không đủ dũng khí và sự kiên trì để tiếp tục giúp chúng sinh trong hoàn cảnh khó khăn; Nếu không có được phương tiện thiện xảo, thì không giải trừ được các ngăn ngại để việc giúp đỡ thực sự đạt hiệu quả.

Cần phải phát triển cả Trí tuệ, Từ bi và Phương tiện, hành giả đi theo con đường Bồ tát không được quên bất kì một thứ nào trong ba thứ đó! Vì thế, ngoài những giới luật dành cho một người đi con đường Thanh văn để tự giải thoát kể trên, một hành giả Bồ tát phải tránh bốn điều gây hại cho Bồ đề tâm. Bốn điều ấy là:

  1. Không quyết tâm đạt được giác ngộ.
  2. Làm hại các chúng sinh.
  3. Không bảo vệ các chúng sinh.
  4. Không áp dụng các biện pháp phù hợp khi cần thiết.

Điều 1 làm người ta đánh mất trí tuệ. Điều 2, 3 làm người ta đánh mất từ bi. Điều 4 làm người ta đánh mất phương tiện thiện xảo. Giữ gìn bốn điều này chính là giữ giới nguyện của Bồ tát.

Tuy nhiên, giữ được bốn điều này trong suy nghĩ không đủ. Bồ tát cần phải thực hiện các hành động bằng lòng đại bi để giúp đỡ chúng sinh một cách thực sự. Trong các hành động này, có thể bao gồm cả những hành động “không nên nói đến” (là những việc không đúng đắn trong con mắt của xã hội mà Bồ tát đang sống). Khi đó, cần áp dụng nguyên tắc nào để vẫn giữ được giới nguyện Bồ tát?

Trong 20 khổ thơ về Giới nguyện Bồ tát có nói rõ điều này:

” – Nếu một Bồ tát phải sát hại để tạo ra một điều kiện thuận lợi mới có thể cứu độ chúng sinh, mà lại không làm việc sát hại đó vì ích lợi của chúng sinh thì gọi là vi phạm lời nguyện.

– Nếu một Bồ tát phải làm những việc không linh thánh mới có thể cứu độ chúng sinh như: nói dối, chửi mắng, đánh đập… mà lại không làm vì lợi ích của chúng sinh thì đó là vi phạm lời nguyện.

– Nếu Bồ tát phải sử dụng năng lực siêu nhiên (thần thông) mới có thể tạo ra một hoàn cảnh thuận lợi để cứu độ chúng sinh, mà lại không làm vì lợi ích của chúng sinh thì đó là vi phạm lời nguyện.

Tại sao lại như thế? Bởi vì, cho dù sử dụng phương tiện có vẻ rất thô thiển… nhưng người đó làm như vậy bằng lòng bi mẫn chân thật.”

Nếu bạn được thôi thúc bởi lòng đại bi thì tất cả những việc mà bạn thực hiện từ đức hạnh cho tới “có vẻ” không đức hạnh cũng không làm hỏng giới nguyện Bồ tát. Tôi xin kể một câu chuyện minh họa về điều này cho các bạn:

Một lần Đức Phật cùng các học trò đang đi thiền hành, chân Ngài bỗng giẫm phải gai và bật máu, các đệ tử thấy vậy liền hỏi:

– Đức Phật là bậc có vô lượng phước báu, sao còn bị nghiệp xấu trổ ra làm chảy máu chân? Đức Phật liền kể về một tiền kiếp của Ngài khi còn thực hành con đường Bồ tát:

Bấy giờ, Ngài là một thương nhân trẻ đi trên một con thuyền chở 500 vị thương nhân khác. Nửa đêm, Ngài chợt tỉnh giấc, nhìn thấy một tên cướp áo đen đang chuẩn bị làm tàu chìm để giết 500 vị thương nhân kia và chiếm số của cải họ đang để trên bờ. Trong tình huống khẩn cấp này, nếu không hành động ngay thì không kịp, Ngài liền suy nghĩ: “Tôi sẵn sàng chịu nghiệp sát sinh và bị rơi vào địa ngục để cứu những người vô tội trên thuyền và cứu tên cướp áo đen khỏi chịu nghiệp báo rơi vào địa ngục!”. Rồi Ngài cầm gươm, tiến đến đâm chết tên cướp.

Kết quả của hành động này khiến Ngài rút ngắn được 500 kiếp tu hành. Nhưng đồng thời, cho dù đã xây dựng được vô vàn công đức trong đời này lẫn các đời trước, nghiệp xấu trổ ra cũng làm Ngài giẫm phải gai chảy máu chân ngày hôm nay.

Bồ tát chửi mắng, đánh đập… cũng vì lợi ích của chúng sinh. 

Như vậy, hiểu một cách cô đọng: Giới nguyện của Bồ tát là dùng lòng Đại bi làm cơ sở để hành động. Với lòng đại bi, nếu tình huống cần thiết, để cứu độ chúng sinh Bồ tát sẵn sàng làm những việc mà một vị Thanh văn không dám làm. Nói như vậy, không có nghĩa là Bồ tát không phải chịu nhân quả về những hành động của mình làm. Mà vì chính lợi ích của chúng sinh, Bồ tát sẵn sàng nhận về mình những nghiệp xấu và chuyển những nghiệp tốt của mình cho họ.

III. Giới nguyện của một bậc giác ngộ:

Zangthalpa nói tiếp:

– Với một người đã chứng ngộ sự thật tuyệt đối, hành xử tự nhiên chính là giới nguyện của người ấy.

Trong Kinh của Đại Giới Nguyện có viết:

“Nếu tâm người đó đã an trụ trong sự bình đẳng giữa trí tuệ và phương tiện – con đường giác ngộ tối thượng, thì: Người đó có thể hành xử trong năm độc. Giống như bùn không thể làm bẩn một bông sen, một bậc cao quí như vậy sẽ thực hiện một cách hoàn hảo tất cả các giới luật của Thanh văn thừa và giới nguyện của Bồ tát thừa.

Bởi một người đã chứng ngộ mọi Pháp vốn bình đẳng, người đó có lòng đại bi một cách tự nhiên mà không gì có thể làm mất đi được. Khi đó, lòng từ bi và sự sân hận đều không có bản chất riêng và vì thế không có lý do gì để tiêu diệt sân hận. Khi sự bình đẳng tự nhiên đó được chứng ngộ, tâm giác ngộ biết rằng không có cái gì là trái ngược với cái gì; mọi hành động của người đó luôn được thực hiện trong giới luật của Đại bình đẳng, không có thứ gì họ làm là không thanh tịnh. ”


Không có thứ gì họ làm là không thanh tịnh

Tóm lại, giới nguyện của Thanh văn thừa là tránh làm hại đến các chúng sinh; giới nguyện của Bồ tát thừa bao gồm giới nguyện của Thanh văn thừa và thêm vào đó hành động để làm lợi cho cho chúng sinh; giới nguyện Kim Cương thừa, bao gồm giới nguyện của hai thừa trên và thêm vào đó việc học tập và làm theo các hành động của chư Phật.

Bên cạnh đó, giới luật của Thanh văn thừa quan tâm chủ yếu đến giữ gìn hành động; giới nguyện của Bồ tát thừa quan tâm chủ yếu đến lòng đại bi; giới nguyện của Kim Cương thừa quan tâm chủ yếu đến trí tuệ tuyệt đối.

Các bạn cần lưu ý rằng, trong 3 thừa trên, không thừa nào là cao hơn thừa nào. Đó chỉ là những giai đoạn thực hành khác nhau của một người trên đường tới giác ngộ Phật quả. Thực tế là, thừa cao nhất là thừa phù hợp với bạn nhất. Tôi, Zangthalpa, thực hành cả 3 thừa. Và với tôi, không có 3 thừa mà chỉ có một: Phật thừa – con đường dẫn một chúng sinh đi từ vô minh tới hoàn toàn giác ngộ.

Sau khi nắm rõ ý nghĩa của giới luật, bạn cần biết mình đang ở giai đoạn tu hành nào để áp dụng cho phù hợp. Có cái hiểu rộng rãi và sâu sắc, bạn sẽ không còn phán xét việc giữ giới của người khác khi chưa biết rõ động cơ và trí tuệ của họ.

Đó là tóm tắt những điều các bạn cần hiểu về ý nghĩa cốt yếu của giới luật.

*

Khi Zangthalpa nói đến đây, đại chúng cảm thấy việc giữ giới luật trở nên rất rõ ràng. Mọi người tự cam kết sẽ giữ giới luật phù hợp với giai đoạn tu hành của mình và không phán xét những người ở giai đoạn tu hành khác. Tất cả đều hoan hỉ chờ đợi Zangthalpa tiếp tục giảng giải về tu hành từ kinh nghiệm của ông.

Được Thầy Trong Suốt kể  11/12/2015

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 10: Năm cách thực hành nhẫn nhục
Mời các bạn quan tâm đến Truyện cổ tích Zangthalpa:
– Theo dõi các phần Audio của truyện Zangthalpa tại đây.
– Theo dõi các phần Video của truyện Zangthalpa tại đây.
– Xem mục lục các truyện Zangthalpa tại đây.