Bà Hai – người mẹ mang tiềm năng Sáng tạo điển hình của phụ nữ Việt

Lật mặt 7 được nhiều người đánh giá là tập hay nhất trong thương hiệu phim Lật mặt của đạo diễn Lý Hải. Khác với phong cách hành động hài vốn đã làm nên thương hiệu của dòng phim Lật mặt thì tập mới này lại theo phong cách tâm lý gia đình. Không cần dàn diễn viên đình đám, phim vẫn chinh phục trái tim khán giả bởi kịch bản rất hay, rất sâu sắc.

Phim kể về một gia đình ở Đà Lạt có 5 người con. Bố mất sớm, mẹ tần tảo nuôi 5 con. Hồi nhỏ, gia đình thương yêu nhau lắm. Mẹ hỏi các con: “Sau này mẹ già, ai sẽ nuôi mẹ”. Cả 5 đứa con đều nhao nhao nhận “con, con…”.

Rồi khi mẹ 73 tuổi, gặp tai nạn gãy chân, 5 người con mỗi người mỗi cảnh, không ai về chăm mẹ được. Họ đành thống nhất với nhau phương án: Mỗi đứa sẽ chăm mẹ 1 tuần. Bộ phim là hành trình người mẹ đang gãy chân, nhưng vẫn lên xe lăn đi khắp đất nước, đến nhà 4 đứa con. Mỗi nơi là 1 câu chuyện cảm động, lấy đi nước mắt của nhiều khán giả. Bởi họ cũng thấy mình trong câu chuyện.

 Mẹ hỏi: “Sau này mẹ già, ai sẽ nuôi mẹ”

Phim thật hay. Và nếu phân tích phim dưới góc nhìn tâm lý học WECAP thì phim còn hay hơn nữa, càng thấy được biên kịch tài tình của người chắp bút. Ta sẽ hiểu được sâu sắc tâm lý mỗi nhân vật, hiểu tại sao họ lại hành xử như vậy.

WECAP là 5 tiềm năng có sẵn trong mỗi người, đó là Trí tuệ, Giàu có, Sáng tạo, Thành tựu và Sức mạnh. Mỗi tiềm năng đều có mặt sáng và mặt tối. Nếu như mặt sáng giúp ta thành công và hạnh phúc, thì mặt tối khiến ta đau khổ và thất bại.

 

Mặt sáng của Sáng Tạo giúp bà Hai cứu được nhiều người

Người mẹ trong phim là người có tiềm năng Sáng tạo rất mạnh. Mặt sáng của Sáng tạo là tinh tế, thương người, thực sự quan tâm tới người khác, muốn làm cho người khác hạnh phúc, thậm chí sẵn sàng hy sinh để người khác được hạnh phúc.

Xuyên suốt bộ phim, bà mẹ luôn thể hiện mình thương con hết mực, sẵn sàng làm mọi thứ vì con.

Người mẹ sáng Sáng tạo, lúc nào cũng quan tâm tới hạnh phúc và đau khổ của các con

Ở nhà cậu con cả Hai Khôn, bà gặp cảnh cả nhà cãi vã đầy căng thẳng vì chuyện bé Vy đánh bạn trong trường. Bé Vy thì trách bố mẹ chẳng bao giờ quan tâm tới cảm xúc của con, không khen khi con đạt điểm tốt, chỉ có trách mắng khi bị điểm kém. Với sự nhạy cảm, thấu hiểu tâm lý của Sáng tạo, bà đứng ra hòa giải. 

Bà nói cho bé Vy hiểu rằng, do sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, ba của Vy luôn nghĩ rằng vật chất là cách duy nhất để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Ông đã sống một đời như thế, và ông nghĩ con ông cũng nên sống như vậy. Nhưng thế hệ của Vy, thế hệ gen Z lại nghĩ kiểu khác. Họ quan tâm tới cảm xúc, quan tâm tới hạnh phúc. 

Bằng cách giúp 2 bên thấu hiểu nhau, bà đã chữa lành cho gia đình đó. Ba Vy đã nhận ra mình sai ở đâu, và trên chuyến bay đưa mẹ về, ông đã nói với mẹ rằng: “Bấy lâu nay con đã nhầm khi cố xây một gia đình đẹp mà không xây một gia đình hạnh phúc”.

Ta hãy xét tình huống sau để hiểu sự khác nhau giữa Thành tựu và Sáng tạo. Ông Hai Khôn là người tối Thành tựu, sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để đạt được thành công sự nghiệp. Ông đánh đổi thời gian chăm sóc cho con cái, nên chưa bao giờ mở tờ giấy họp phụ huynh ra. Mẹ ông thì khác. Bà thấy tờ giấy đó, bà thực sự thương cháu mình, và bà đã tới trường để lo cho cháu. Và bà đã giúp Vy được giải oan.

Tới nhà cậu Tư Hậu, bà thương ông sui gia đãng trí. Bà đưa bức ảnh cũ cho ông xem, nhằm giúp ông khôi phục lại trí nhớ. Khi con trai ra biển, bà đưa tiền và bảo cháu gái mua áo phao cho cả tàu. Nếu không có mấy chiếc áo đó, những người dân chài khó mà qua khỏi cơn bão dữ. Có thể nói bà đã cứu mạng đoàn tàu đó nhờ mặt sáng của Sáng tạo – thực sự quan tâm tới hạnh phúc và đau khổ của người khác.

Khi nhà Sáu Tâm gặp nạn, có nguy cơ đền bù số tiền lớn do xây nhà sai ranh giới, bà Hai cũng vì thương con mà hết mình giúp đỡ. Tình thương và sự tốt bụng của bà đã đánh động tới trái tim của bà chủ nhà hàng xóm, rồi mọi chuyện lại được giải quyết êm đẹp.

Thế nhưng, đời một người Sáng tạo có sung sướng không?

 

Mặt tối của Sáng tạo khiến tự hủy hoại chính mình

Mặt tối của Sáng tạo là luôn sợ người khác phiền lòng, hay phóng đại và tin vào sự phóng đại đó, không chịu được khi mình là người gây khổ cho người khác.

Khi rơi vào vùng tối Sáng tạo, bà Hai đã rất đau khổ.

Tới nhà con gái Năm Thảo, bà phát hiện ra các con đã nói dối việc có biệt thự, sống giàu sang. Bà đã khóc, vì nghĩ rằng vì mình mà các con phải làm quá lên, phải khổ như vậy. Bà nghĩ vì mình tới chơi đã khiến gia đình này rối tung lên. Người Sáng tạo sẽ thấy rất khổ sở vì mình gây khổ cho người khác. 

Sau đó bà phát hiện ra các con đang luân chuyển trách nhiệm nuôi mình. Bà khóc, vì bà nghĩ mình là gánh nặng cho con. Sự thật thì thế giới nội tâm của người Sáng tạo sẽ suy diễn thêm rất nhiều: Các con chỉ quan tâm tới công việc, chứ có quan tâm mình đâu, mình bỏ đi thì sẽ không phiền cho các con nữa. 

Bà Hai đau khổ khi nghĩ mình là gánh nặng cho các con

Khi rơi vào vùng tối của Sáng tạo, do không nhận ra và không dừng lại, bà đã bán đất, bỏ đi viện dưỡng lão. Bà quyết định trong trạng thái tự trách chính mình đã gây phiền cho các con. Bà nhớ lại y nguyên lời cô con dâu cả “mẹ chỉ cần ngồi yên là đã giúp tụi con nhiều nhất rồi”, rồi càng phóng đại lên, càng khổ tâm.

Qua câu chuyện của bà Hai ta có thể thấy khi sáng Sáng tạo thì sẽ giúp được rất nhiều người, nhưng khi tối Sáng tạo lại gây khổ khủng khiếp cho chính mình. Thấu hiểu và áp dụng WECAP sẽ giúp chúng ta sống một cuộc đời khác, bình an hơn, hạnh phúc hơn, và thành công hơn.